- TƯ TƯỞNG VÀ PHONG CÁCH
THIỀN TÔNG
- Cự Tán
Chương V
Không thầy mà có thể chứng ngộ
cũng là nói đến chân như được chứng đắc giống như trân bảo bị
chôn vùi dưới đất, chỉ cần ra sức khai quật , thì người nào cũng cóthể
chứng đắc. Chúng ta bình thường sở dĩ không rõ chân như, chủ yếu là
do trên nhận thức, tư tưởng của chúng ta có quan hệ đến chấp trước.
Nếu dẹp bỏ chấp trước trên nhận thức, tư tưởng thì chân như hoàn
toàn hiển lộ. Cái gọi là phiền não, Bồ-đề, sanh tử Niết-bàn thật
ra đều là nói theo chấp trước, chứ trên mặt chân như vốn không có những
sự phân biệt ấy. Kệ của Lục Tổ nói: " Bồ-đề vốn không cây, gương
sáng chẳng phải đài, xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi nhơ"
chính là nói đến cái đạo lý này. Phẩm Bát Nhã trong Đàn Kinh, Lục Tổ
dạy:
"Phải biết đối với kẻ ngu,
người trí, Phật tánh không có sai khác, chỉ do mê ngộ bất đồng, vì thế
có ngu , có trí. ........Phàm phu tức là Phật, phiền não tức là Bồ-đề.
Niệm trước mê tức là phàm phu, niệm sau ngộ tức là Phật. Niệm trước
chấp cảnh tức là phiền não, niệm sau lìa cảnh tức là bồ-đề.
........Ngộ pháp này tức là vô niệm, vô ức, vô trước, chẳng sanh hư dối.
Dụng tự tánh chân như, dùng trí huệ quán chiếu, không thủ, không xả tất
cả pháp tức là kiến tánh thành Phật đạo. ..........Thế nào là vô niệm
? Nếu thấy tất cả pháp mà tâm không nhiễm trước, đó là vô niệm.
Dùng thì khắp tất cả chỗ nhưng cũng không chấp tất cả chỗ. Chỉ cần
tịnh bản tâm khiến sáu thức ra sáu cửa đối với sáu trần không nhiễm
không tạp, qua lại tự do, dùng thông suốt vô ngại tức là Bát-nhã,
tam-muội tự tại giải thoát, được gọi là hạnh vô niệm. Nếu không
nghĩ đến trăm vật, khiến cho niệm tuyệt, tức là pháp phược, tức là
biên kiến. Thiện tri thức ! Người ngộ pháp vô niệm là người thông suốt
hết muôn pháp. Người ngộ pháp vô niệm là người thấy cảnh giới chư
Phật. Người ngộ pháp vô niệm là ngưòi đến giai vị Phật."
Đoạn kinh này không có chút gì sai
biệt với giáo lí kinh Lăng –già, kinh Đại Bát-nhã, luận Đại Trí Độ
và hết sức nhất trí với kiến giải của các ngài Đạt-ma, Huệ Khả,
nhưng nhấn mạnh vào " chẳng thủ chẳng xả", " thông hết
muôn pháp " , phản đối biên kiến " trăm vật không nghĩ " . Lục
Tổ đem giáo lí Bát-nhã dung quán vào sinh hoạt thực tiễn bình thường đầy
tinh thần tiến thủ. Nhìn từ tinh thần này, tất cả sự vật tuy biến
ảo vô thường nhưng chân như pháp tánh uyển chuyển gần gũi với con người,
dở chân hạ chân đều là đạo tràng, thật là cùng tột đến chỗ
"hiện thành". Chỉ vì cái "hiện thành" ấy nên mới có khả
năng đốn ngộ. Lại chỉ vì cái" hiện thành" ấy nên Lục tổ
có một quan điểm riêng về các pháp môn mà hàng tín đồ Phật giáo bình
thường chú trọng, như Ngài luận về công đức cất chùa độ tăng, bố
thí trai tăng của Lương Võ Đế :
" Thật không có công đức, chớ
nghi lời Sơ tổ nói. Võ Đế tâm tà, chẳng biết chánh pháp, cất chùa độ
tăng, bố thí trai tăng , gọi đó là cầu phước, không thể cho đó là
công đức. Công đức ở trong pháp thân, chẳng ở tại tu phườc."
Ngài luận về việc cầu sanh Tây
phương :
" Kẻ mê niệm Phật cầu sanh
Tây phương, người ngộ tự tịnh tâm mình. ......Người ở Đông phương
niệm Phật cầu sanh Tây phương, người ở Tây phương tạo tội niệm Phật
cầu sanh về nước nào ? Kẻ phàm phu ngu tối chẳng rõ tự tánh, chẳng biết
tịnh độ ở trong thân, ngó đông ngó tây, người ngộ chỉ ở tại chỗ.
Vì thế Phật dạy :Tùy theo chỗ ở mà thường an lạc.
Ngài còn luận về việc tu hành của
người tại gia và xuất gia :
" Nếu muốn tu hành tại gia cũng
được, chẳng cần ở chùa. ........Vi công hỏi : Người tại gia tu hành như
thế nào ? Sư dạy : Ta nói tụng Vô tướng cho mọi người nghe, y theo đây
tu hành, không khác chi luôn luôn ở bên cạnh ta. Nếu không y theo đây tu
hành thì dù cạo tóc xuất gia đối với đạo cũng vẫn vô ích.
Tâm bình đâu nhọc trì giới
Hạnh trực đâu cần tu thiền
Ân thì hiếu dưỡng cha mẹ
Nghĩa thì trên dưới thương nhau
Nhường thì lớn nhỏ hòa thuận
Nhẫn thì việc xấu không sanh
Nếu siêng cọ cây phát lửa
Bùn lầy ắt sanh hoa sen. .......
Những lời này thoát khỏi lối
mòn, vượt lên trên kiến giải tầm thường. Trước kia có người cho đó
là biểu hiện của ảnh hưởng tư tưởng truyền thống Trung Quốc, nhưng
thật ra không phải như vậy. Do vì lúc ấy tư tưởng Bát-nhã phát huy đến
cao độ, sự lí dung nhiếp, chân tục viên dung , chẳng câu nệ hình thức,
đồng thời cũng chiếu cố đến nhiều điều kiện hiện thực thế gian nên
pháp ngữ của Lục Tổ đại biểu cho trí huệ của Phật giáo ,chứ hoàn
toàn không phải bắt nguồn từ tư tưởng truyền thống Trung Quốc.
Sau Lục Tổ, kiến giải của trí
huệ này được tiếp tục phát triển, như thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất nói
:" Tự tánh xưa nay đầy đủ, chỉ cần chẳng trệ ngại trong các việc
thiện ác thì được gọi là đạo nhân. Còn nếu giữ thiện bỏ ác, quán
không nhập định, đều thuộc về tạo tác." Ngài còn dạy : " Đạo
chẳng cần tu, chỉ cần đừng ô nhiễm. Thế nào là ô nhiễm ? Hễ có
tâm sanh tử , tạo tác, hướng đến, đều là ô nhiễm. Nếu muốn ngộ
ngay đạo thì tâm bình thường là đạo." Thiền sư Hoàng Bá Hy Vận
nói :" Nói, nín, động , tĩnh, tất cả thanh sắc đều là Phật sự. Vậy
thì tìm Phật ở chỗ nào ? Chẳng nên trên đầu chồng thêm đầu, trên miệng
chồng thêm miệng." Kiến giải của các thiền sư không đồng với kiến
giải của các tông phái khác, vì thế Tổ Bách Trượng mới sáng lập
thanh qui Thiền môn.
Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 6 ghi
:
"Thiền sư Bách Trượng Đại
Trí cho rằng bắt đầu từ Thiếu Thất qua Tào Khê cho đến nay, các thiền
tăng phần nhiều ở chùa Luật, tuy ở viện riêng nhưng đối với việc
thuyết pháp trụ trì chưa hợp với qui củ, cho nên ngài thường trăn trở
trong lòng. Ngài nói :"Đạo Tổ muốn truyền bá lâu dài đến đời vị
lai không dứt thì đâu thể nào mãi đi theo các bộ A-cấp-ma ư !" Hoặc
có người hỏi :" Luận Du-già, kinh Anh Lạc là giới luật Đại thừa,
sao chẳng dựa theo đó ?" Ngài đáp :"Chỗ tôi đề cao chẳng phải
hạn cuộc nơi Đại, Tiểu thừa, cũng chẳng khác Đại, Tiểu thừa mà là
chiết trung để thiết lập qui chế cho thích nghi." Đây là chủ ý của
của việc sáng lập thiền viện ."
Đoạn văn trên nói rất rõ về dụng ý của thiền
sư Bách Trượng sáng lập thiền viện . Trong thanh qui của ngài có rất nhiều
qui định như quải đơn, quá đường, nhập thất, thỉnh ích, thượng đường,
thăng đường... cho đến bây giờ cũng còn dùng theo. Mục đích thiết lập
thanh qui là đem lại sự thuận lợi cho người tham thiền. Trong đó có một
hạng mục vô cùng đặc biệt, đó là "không dựng điện Phật, chỉ xây
pháp đường", biểu thị những lời Phật ,Tổ dặn dò truyền trao đời
sau phải tôn trọng. Xưa nay tự viện Phật giáo bất luận tại Ấn Độ
hay Trung Quốc đều chú trọng đến điện Phật và tạo tượng, nhưng ở
trong tự viện Thiền tông đã không có điện Phật, chẳng thể chẳng nói
đó là đã bạo gan đả phá hình thức tôn giáo. Tư tưởng Thiền tông
phát triển đến thời đại Bách Trượng, ngài dùng qui củ Thiền môn làm
chuẩn mực. Về sau, ngũ gia thất tông, ngoại trừ có sự sai khác chút ít
về cơ dụng rèn luyện người học ra, nói chung thì không có gì cải biến.
Mục
Lục | I | II | III |
IV | V | VI