- TƯ TƯỞNG VÀ PHONG CÁCH
THIỀN TÔNG
- Cự Tán
Chương IV
Luận Hiển Dương Thánh Giáo 7 ghi
:" Vô thượng Chánh Đẳng Bồ-đề tự lợi, lợi tha, không thầy mà tự
chứng thánh giáo." Đức Thế Tôn Thích-ca ngồi dưới cội bồ-đề chứng
Vô thượng Bồ-đề cũng xác thực là không có thầy truyền dạy. Đã
không có thầy thì không thể bắt đầu từ "tín ngưỡng". Thông
thường nói "tín ngưỡng" , đó là việc sau khi đã thành lập
hình thức tôn giáo hoặc hệ thống tư tưởng. Nếu xét đến đầu nguồn
thì sẽ hỏi đến vấn đề: "Đức Thế Tôn Thích-ca vì sao chứng ngộ
Vô thượng Bồ-đề" thì "tầm tư" hoặc tham cứu sẽ trở thành
công cụ phát quật chân lý.
Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 5 ghi:
" Lục Tổ sắp thị tịch, có sa-di Hi Thiên hỏi: "Sau khi hòa thượng
trăm tuổi, Hi Thiên không biết phải nương tựa người nào?"Tổ dạy:
"Tầm tư đi!" Sau khi Lục Tổ tịch, Hi Thiên thường ở chỗ vắng
vẻ ngồi lặng yên như quên thân. Đệ nhất tọa hỏi: "Thầy ông đã
tịch, ngồi không ở đó làm gì?" Hi Thiên đáp: " Tôi vâng theo lời
thầy dạy cho nên tầm tư vậy". Đệ nhất tọa nói: " Ông có sư
huynh là hòa thượng Hành Tư, đang ở Kiết Châu, nhân duyên của ông ở đó.
Lời nói của Tổ rõ ràng, do ông tự không biết đó thôi". Hi Thiên
nghe xong từ giả Tào Khê đi thẳng đến Kiết Châu".
Lục Tổ Huệ Năng muốn thiền sư
Hi Thiên " tầm tư" để ngộ đạo, nhưng Đệ nhất tọa lại giải
là đi tìm Hành Tư. Đương nhiên là có thể giải thích như thế, quả thật
Hi Thiên đi gặp Hành Tư, nhưng sau khi gẵp gỡ hai bên đối đáp ngang ngửa
với nhau, đủ thấy sự lợi ích của " tầm tư" mà Hi Thiên đã
trải qua. Chúng ta chẳng nên xem câu nói " tầm tư" của Lục Tổ là
một câu đố. Điều này có một chứng cứ được ghi trong Cổ Tôn Túc Ngữ
Lục 1:
" Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng
đến tham vấn Lục Tổ. Tổ hỏi: " Từ đâu đến ?" Đáp: " Từ
Tung Sơn đến". Tổ hỏi: " Là vật gì đến đây?" Sư không đáp
được. Trải qua tám năm,bỗng nhiên có tỉnh, mới bạch Lục Tổ: "
Con có một chỗ lãnh hội."
Thiền sư Hoài Nhượng suốt trong tám
năm làm những việc gì ? Hội như thế nào mà bỗng nhiên có tỉnh ? Nếu
chẳng phải Sư một mạch dụng công "tầm tư", thì "chỗ hội"
thành ra các từ trên trời rơi xuống. Lục Tổ tự nói mình chẳng biết
chữ, Ngài từ trí vô sư ngộ Phật pháp Tối thượng thừa ( lời của Thần
Tú, xem Đàn Kinh ), chính Ngài dùng phương pháp "tầm tư" để khai
mở đệ tử.
Thành Duy Thức Luận Thuật Ký 18
ghi: " Tầm tư có tác dụng suy tìm, suy tìm chính là quán sát".
Thành Duy Thức Luận Sớ Sao 16 giải thích: "Tầm tư là tên gọi khác của
trí huệ, nó không phải là tâm sở "tầm" trong 51 pháp tâm sở, cũng
chẳng phải "tầm" của hữu tầm, hữu tứ trong 17 địa Du-già. Luận
Du-già Sư Địa 48 cũng nói: " Giai vị chưa được ấn khảthì gọi là
tầm tư; lúc khởi nhẫn ấn, được gọi là thật trí. Đủ thấy " tầm
tư" chính là công cụ khai quật chân lý hữu hiệu nhất.
Tương truyền, lúc Nhị tổ Huệ Khả
chặt cánh tay cầu pháp an tâm, Đạt-ma chỉ hỏi lại một cách đơn giản
: " Đem tâm ra đây ta an cho". Lúc Tứ tổ Đạo Tín cầu Tam Tổ
pháp giải thoát, Tam Tổ cũng chỉ hỏi lại: "Ai trói buộc ông ?"
Đây là những bằng chứng về sự ứng dụng linh hoạt phương pháp tầm tư.
Lục Tổ chẳng biết chữ, văn huệ tuy kém nhưng tư huệ đặt biệt phát
triển, linh hoạt ứng dụng phương pháp tầm tư cũng đạt đến trình độ
hoàn toàn thuần thục. Đây là điểm mà các tông phái khác của Phật
giáo Trung Quốc không có. Vì thế sau khi Thiền tông kiến lập môn đình,
các phần tử ưu tú đều hướng về Thiền tông. Tôi nhớ thời Tống có
người hỏi Vương An Thạch: " Sau Mạnh Tử, Nho gia vì sao không có người
xuất sắc ?" Vương An Thạch đáp: " Nho môn đạm bạc, không kết
nạp được các bậc anh hùng hào kiệt, họ đều vào trong Phật môn, như
Lục tổ Huệ Năng, Mã đạo sư đều như thế". Phật môn mà Vương An
Thạch nói đó, thật ra chính là Thiền môn. Nói "Nho môn đạm b?c"
cũng có nghĩa là cái học thiếu công cụ khai quật chân lý, chẳng thể tiến
tới giải quyết yêu cầu thiết yếu đối với thân tâm tánh mạng của mọi
người.
Thiền tông ứng dụng linh hoạt phương
pháp tầm tư, có thể nói đó là " trên khế hợp với tâm Phật",
vì Đức Thế Tôn Thích-ca chính là người từ tầm tư chứng ngộ Vô thượng
Bồ-đề. Thiền sư Qui Sơn Linh Hựu gọi đó là "đơn đao trực nhập",
thông thường nói " giáo ngoại biệt truyền" hoặc "pháp môn
đốn ngộ" có lẽ cũng là ý này. Nhưng muốn ứng dụng phương pháp
này hoặc thu được lợi ích từ phương pháp này không phải là không có
điều kiện. Nhìn từ quá trình phát triển của Phật giáo Trung Quốc lúc
mới truyền vào, hoạt động song song với phương thuật thì chẳng thể
có Thiền tông xuất hiện.Lại nữa, lúc ấy tu thiền còn mang diện mạo
thần bí, tư tưởng Bát-nhã cũng chưa phổ biến, dù có phổ biến cũng chẳng
thể phát triển thành Thiền tông. Khoảng thời gian 156 năm từ lúc Tổ Đạt-ma
vào Trung Quốc đến Lục Tổ xuất gia thụ giới, chính là thời đại Phật
giáo Trung Quốc hưng thịnh nhất, các kinh luật trọng yếu của các tông
phái Đại thừa, Tiểu thừa Ấn Độ đều được dịch, các tông Tam Luận,
Thiên Thai, Từ Ân, Nam Sơn đã lần lượt hình thành, tư tưởng của tông
Hoa Nghiêm đang ấp ủ, tư tưởng Phật giáo chẳng những lan khắp trong triều
đình chốn dân dã mà dần dần có xu thế phiền toái. Như các trứ tác của
đệ tử ngài Huyền Trang có rất nhiều thuật ngữ chuyên môn khiến cho người
đọc nắm không được trọng tâm. Các tác phẩm chú giải kinh điển của
họ phần nhiều biểu hiện ý kiến riêng, phô trương môn đình, không dễ
gì tìm được nghĩa lý chính xác ở trong đó. Lúc ấy, tín đồ Phật giáo
rất cần một pháp môn giản yếu dễ tu để an thân lập mệnh, Thiền
tông mang đến cho họ phương pháp tư tưởng " đơn đao trực nhập",
do hợp thời nên hưng thịnh. Phẩm Cơ Duyên trong Đàn Kinh ghi lại những
người đến tham vấn Lục Tổ đều là những người đã từng khổ công
tu học kinh giáo. Sau này, các thiền tăng đến thỉnh ích các thiền sư Nam
Nhạc, Thanh Nguyên cho đến Mã Tổ, Bách Trượng cũng có nhiều vị "
nghiã học sa-môn" đã từng giảng các kinh luận. Vì thế, tham thiền cần
phải có cơ sở giáo lý hoặc chú trọng nghiên cứu về thời đạivà
hoàn cảnh của giáo lý. Đây là một trong các điều kiện tham thiền.
Lúc tầm tư hoặc tham thiền, các
thiền sư đều cho rằng " từ nghe người khác mà nhận được thì chẳng
phải là của báu nhà mình" cũng có nghĩa là chẳng cần phải dựa
vào kinh điển và kiến giải của người khác. Như vậy phải một mình
thâm nhập, dũng khí phi thường, rất đáng khâm phục, nhưng lại phát sinh
tệ bệnh. Vì kích phát dũng khí của người học nên dùng cách khuyến
khích phát tâm, như thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn thượng đường dạy:
" Đáng tiếc thay! Đáng tiếc
thay! Các vị nếu chưa tỉnh thì hãy tỉnh đi! Nếu chưa ngộ thì hãy ngộ
đi! Ta không lúc nào chẳng tha thiết khuyên các ông: Việc của chính mình
nếu chưa sáng... thì rất cần phải nỗ lực, đừng cô phụ người. Nếu
biết có việc này thì hãy gánh vác đi. Nếu thật sự chưa ngộ thì cần
phải tin việc này chẳng từ lời nói mà được, chẳng từ chỗ những vị
thiền sư ở các nơi mà được. Vậy từ đâu mà được, cần phải xét kỹ!
Hiện tại nếu không liễu ngộ thì trăm kiếp ngàn đời cũng không liễu
ngộ. Muốn biết lâu dài thì chỉ tại hôm nay. Vậy ngay hôm nay đây là
cái gì? Chớ chạy bậy, hãy xem cả một đời đã lần lữa đi qua mất rồi
.... Mọi người cho ông đất đai ruộng vườn, cúng dường ông cơm áo,
nói ta là người xuất gia, biết bao người gánh vác ông, quốc vương, đại
thần gánh vác ông, đất đai long thần gánh vác ông, ông không phụng dưỡõng
cha mẹ. Ông lấy gì báo đáp? Này các tăng sĩ! Thở ra tuy sống, song khó bảo
đảm hít vào, thời giờ chóng qua, cần phải gấp rút. Chớ có nói thiền
chỉ ở đầu môi, đến ngày ba mươi tháng chạp phải chịu khổ lụy.(
Tuyết Phong Chân Giác Thiền Sư Ngữ Lục, thượng).
Đây là điều mà trong cửa Thiền
tông gọi là " tâm sanh tử thống thiết", một điều kiện của việc
tham thiền.
Lại như thiền sư Qui Sơn Linh Hựu
hỏi Hương Nghiêm: " Ta nghe nói ông ở chỗ tiên sư Bách Trượng, hỏi
một đáp mười, hỏi mười đáp trăm. Đây là thông minh linh lợi của
ông, ý giải thức tưởng giải quyết không xong vấn đề sanh tử. Lúc cha
mẹ chưa sanh, th? nói một câu xem!" Hương Nghiêm bị Ngài hỏi, không
biết phải đáp thế nào, trở về liêu phòng đem hết kinh sách đã học
qua, xem lại từ đầu đến cuối nhưng vẫn không tìm được đáp án. Tự
than rằng: " Bánh vẽ không no dược bụng đói". Mấy lần thỉnh
Quy Sơn nói trắng ra, Quy Sơn bảo: " Ta nói là chuyện của ta. Nếu ta
nói cho ông nghe, sau này ông sẽ mắng ta". Hương Nghiêm vô cùng buồn
khổ đem hết kinh sách đã từng xem qua đốt hết, phát thệ: " Đời này
không học Phật pháp nữa, chỉ làm ông tăng cơm cháo tầm thường, khỏi
phải bận tâm".
Hương Nghiêm từ biệt Quy Sơn, đến
một nơi vắng vẻ ở Nam Dương, tự canh tác nuôi sống, nỗ lực tham cứu.
Một hôm, nhân dẫy cỏ, nhặt miếng ngói ném nhằm cây tre, kêu một tiếng
" cốp", Ngài liền khai ngộ. Lúc đó, ngài tắm rửa, đốt hương
hướng về Quy Sơn lễ bái và nói: " Hòa thượng đại từ, ân hơn cha
mẹ. Nếu lúc trước ngài nói trắng ra cho con nghe, thì đâu có được việc
khai ngộ hôm nay". Rồi làm một bài kệ gửi đến Quy Sơn. Quy Sơn xem
kệ xong nói với Ngưỡng Sơn: " Người này triệt ngộ". Ngưỡng
Sơn nói: " E rằng kệ này do tâm ý thức trứ tác thành, chẳng phải
chân tham thật ngộ, để con đích thân đến khám phá". Ngưỡng Sơn gặp
Hương Nghiêm qua hai lần thử nghiệm, chứng minh Hương Nghiêm thực sự
khai ngộ rồi, mới trở về báo tin mừng cho Quy Sơn.
Đây là công án nổi tiếng của
Thiền tông, có 3 điểm phải chú ý: 1/ Đối với người căn cơ thuần thục
nhưng chưa khai ngộ, cần phải đề xuất vấn đề để khiến họ nghi, dẫn
phát tầm tư một cách khẩn trương. 2/ Tầm tư phải thực hiện lúc tịnh
tọa lẫn lúc lao tác
3/ Khai ngộ rồi cần phải trải
qua cuộc khám nghiệm nghiêm khắc. Ba điểm này đều là điều kiện tham
thiền. Có những điều kiện này rồi, tập trung sức tầm tư trên vấn đề
thì có thể đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, do đó trong của
Thiền tông có câu " siêu Phật việt Tổ". Theo quan điểm tôn giáo
thông thường, tín đồ tin Phật mà muốn vượt qua Phật thì dường như
nghịch lý. Nhưng vì các thiền sư đã nắm lấy phương pháp thành Phật, cảm
thấy thành Phật không phải là chuyện thần bí không thể làm được nên
có được cái tâm lượng và khí khái " siêu Phật việt Tổ". Như
Vân Môn đưa ra sự tích: " Thế Tôn vừa được sanh ra, một tay chỉ
trời, một tay chỉ đất, đi bảy bước, nhìn bốn phía và nói: "
Trên trời , trong người, chỉ có ta là đấng tôn quý" rồi Ngài Vân
Môn nói: " Lúc đó nếu ta thấy, ta đập một gậy cho chết rồi ném
cho chó ăn, cốt làm cho thiên hạ thái bình". Lại như Quy Sơn hỏi Ngưỡng
Sơn: " Kinh Niết-bàn 40 quyển , bao nhiêu là Phật nói, bao nhiêu là ma
nói ? Ngưỡng Sơn đáp : " Đều là ma nói". Quy Sơn nói : " Sau
này không có người nào làm gì được ông". Ý của lời nói Vân Môn,
Ngưỡng Sơn như thế nào, ở đây không bàn, mà chỉ biết là khí khái mà
sức lôi cuốn của các Ngài hết sức đáng quí. Tôi cảm thấy ngàn kinh
muôn luận, tam tạng mười hai bộ loại thánh giáo đến dưới cửa Thiền
tông đều trở thành vật hữu dụng sống động. Đây là nguyên nhân cơ bản
khiến Thiền tông chiếm một địa vị trọng yếu trong lịch sử Phật giáo
Trung Quốc.
Mục
Lục | I | II | III |
IV | V | VI