- Thiền Tứ Niệm
Xứ
- Thích Trí Siêu
-1-
Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã Tâm Kinh
Tứ Niệm Xứ là một pháp hành Thiền
do từ Kinh Niệm Xứ (Satipatthàna Sutta, kinh thứ 10 trong Trung Bộ Kinh) là một
Kinh rất quan trọng trong Phật giáo Nam Tông. Còn Bát Nhã Tâm Kinh là một
bài Kinh ngắn thường được tụng trong tất cả các thời Kinh trong Phật
giáo Đại Thừa Việt Nam. Hai Kinh này ý nghĩa có xung khắc nhau không?
Tứ Niệm Xứ
Kinh Niệm Xứ là một trong những
kinh trọng yếu nhất mà Đức Phật đã thuyết giảng hơn 2500 năm về trước,
để rèn luyện, uốn nắn, làm cho quân bình và thanh lọc thân tâm.
Pháp Niệm Xứ được thiết lập
trên sự áp đặt tâm niệm (Satipatthàna). "Sati" là niệm,
"patthàna" là một hình thức rút ngắn của chữ Upatthàna có nghĩa
là để gần lại tâm của mình.
Mở đầu bài Kinh có chỉ dẫn rõ
ràng :
"Sau đây là những lời mà tôi
đã được nghe Đức Thế Tôn dạy, hồi Ngài còn đang cư ngụ ở
Kammassadhamma, một khu phố của giống dân Kuru. Một hôm Đức Thế Tôn gọi
chư Tăng: "Này các Tỳ Kheo". Chư Tăng đáp: "Thưa Đức Thế Tôn,
có chúng con đây". Phật nói: " Này quý vị, đây ta chỉ cho quý vị
con đường duy nhất (ekàyano maggo) để có thể gạn lọc bản thân, vượt
thoát mọi phiền não, tiêu diệt ưu khổ, đạt tới chánh đạo và chứng
ngộ Niết Bàn: Đó là Pháp Niệm Xứ".
Pháp Niệm Xứ có bốn phần, đó
là :
Tinh chuyên chú niệm vào :
1/ Thân (Kàyànupassanà). Niệm thân.
2/ Thọ hay cảm giác (Vedanànupassanà). Niệm Thọ.
3/ Tâm (Cittànupassanà). Niệm Tâm.
4/ Pháp (Dhammànupassanà) là những đối tượng của Tâm. Niệm Pháp.
Điểm chánh yếu ở đây là niệm
(Sati) và sự chú tâm hay sự quan sát (anupassanà). Ở đây tôi chỉ tóm tắt
đại ý của Kinh thôi.
1. Niệm thân.
Hành giả quán niệm thân thể nơi
thân thể. Xin đọc giả lưu ý chữ quán niệm thân thể nơi thân thể, chứ
không phải quán niệm thân thể nơi cảm thọ, hoặc quán niệm thân thể nơi
tâm thức, v.v...
Vì đó có nghĩa là ngay nơi thân thể,
hành giả quán niệm về thân thể, chứ không phải nương theo nơi một cảm
giác hay ý tưởng mà quán niệm về thân thể. Quán niệm về thân thể là
quán sát và ghi nhận tất cả những gì liên quan và đang xảy ra nơi thân
thể.
Quán niệm về thân thể gồm có: hơi
thở vô-ra, bốn oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi), các động tác thông thường,
các bộ phận ở trong thân thể, tứ đại và chín giai đoạn tan rã của
thân thể.
Trong pháp niệm thân, đặc biệt là
phần niệm hơi thở vô-ra (ànàpànasati). Hành giả ngồi xếp bằng thoải
mái, đặt hết tâm ý vào sự theo dõi và ghi nhận hơi thở vào hơi thở
ra. Khi hỉt vào một hơi dài, hành giả biết mình đang hít vào một hơi dài;
khi thở ra một hơi dài, hành giả biết mình đang thở ra một hơi dài...
Đây là một phương pháp hành thiền rất phổ thông, vì nó có thể thích
hợp cho mọi người, để lắng tâm, cũng như để gom tâm an trụ. Chính đức
Phật xưa kia đã tận lực hành trì để chứng đạo quả vô thượng Bồ
Đề, và ngài cũng quả quyết khẳng định tầm quan trọng của pháp hành
này.
2. Niệm thọ hay cảm giác.
Hành giả quán niệm cảm giác nơi
cảm giác, có nghĩa là giác tỉnh chú tâm ghi nhận "một cách khách
quan" những cảm giác hay cảm thọ của mình: vui sướng (lạc thọ),
đau khổ (khổ thọ), hoặc không vui sướng cũng không đau khổ (xả thọ),
xem chúng khởi lên ra sao và biến mất như thế nào. Thí dụ khi có một cảm
giác vui, hành giả liền biết và ghi nhận: "có một cảm giác
vui", và như thế hành giả hay biết các cảm thọ khác và chứng nghiệm
một cách giác tỉnh các cảm giác ấy theo đúng thực tế, nó như thế nào
thì ghi nhận nó như thế ấy; không thêm không bớt.
Thường lệ, người ta hay thất vọng
khi chứng nghiệm một cảm thọ khổ và phấn khởi vui sướng khi có cảm
thọ lạc. Công trình tu tập niệm thọ giúp cho hành giả chứng nghiệm tất
cả cảm giác một cách khách quan với tâm xả (bình thản), và tránh cho
con người khỏi bị cảm giác của mình chi phối, khỏi phải làm nô lệ
hay lệ thuộc nơi cảm giác.
3. Niệm tâm hay những hoạt động
của tâm.
Trong khi hành thiền, nếu có những
ý nghĩ hay tư tưởng phát sanh thì hành giả phải liền ý thức và ghi nhận
chúng. Những tư tưởng ở đây có thể là tốt, là xấu, thiện hay bất
thiện. Hành giả quán sát, theo dõi, nhìn cả hai mà không luyến ái hay bất
mãn. Phương pháp quán sát tâm mình một cách khách quan giúp cho hành giả
thấu đạt bản chất và hoạt động thật sự của tâm. Những ai thường
xuyên niệm tâm sẽ học được phương cách kiểm soát và điều khiển tâm
mình.
4. Niệm Pháp hay đối tượng tâm
thức.
Trong phần này hành giả quán niệm
về: năm hiện tượng ngăn che hay ngũ cái (Nivaranà): tham dục, sân hận,
hôn trầm, trạo cử, nghi hối - Năm nhóm tụ hợp hay ngũ uẩn (Khanda): sắc,
thọ, tưởng, hành, thức - Sáu giác quan và sáu loại đối tượng hay lục
căn và lục trần (Ayatana): mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và hình sắc, âm
thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm, tư tưởng - Bảy yếu tố của sự
ngộ đạo, thất giác chi (Bojhangà): niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh
an, định, hành xả - Bốn sự thật cao quý, Tứ diệu đế (Cattari Ariya
Sacca): khổ đau, nguyên nhân đưa đến khổ đau, sự chấm dứt khổ đau, và
con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau.
Và cuối cùng trong Kinh nói rằng người
nào thực hành bốn phép quán niệm trên, người ấy có thể có khả năng
đạt được quả vị chánh trí (A La Hán) ngay ở đây và trong kiếp này,
hoặc nếu còn dư báo thì cũng đạt được quả vị không còn trở lại
(A Na Hàm).
Đặc biệt trong Kinh này, được lập
đi lập lại câu: "Vị ấy (hành giả) sống tự do và không còn bám
víu vào một thứ gì trong thế gian". "Tự do" ở đây có nghĩa
là thoát ra khỏi ái dục (tanhà) và tà kiến (ditthi), cùng tất cả sự
ràng buộc của danh sắc, một bản ngã thường còn hay một cái
"Ta" vĩnh cửu.
Cũng cần nhấn mạnh là Pháp Tứ
Niệm Xứ phải được thực hành một cách khách quan, có nghĩa là hành giả
chỉ quán sát suông mà không nên dính mắc vào đề mục, không thấy mình
liên hệ với đề mục. Khi ấy hành giả mới có thể nhìn thấy thực tướng
của sự vật, thấy sự vật đúng như chúng là (yathàbhutam), chớ không phải
thấy phớt bên ngoài, thấy hình như sự vật là như vậy.
Tứ Niệm Xứ phải được xem như
là một phương pháp hành thiền, chứ không phải một lý thuyết suông.
Trong Phật giáo Đại Thừa, 37 phẩm trợ đạo thường không được khai thác
triệt để đúng với danh từ của nó, mà chỉ được xem như những lý
thuyết cần để biết thôi, trong các sách Phật Học căn bản khi nói đến
Tứ Niệm Xứ thường định nghĩa và tóm tắt như sau :
1/. Quán thân bất tịnh.
2/. Quán thọ thị khổ.
3/. Quán tâm vô thường.
4/. Quán pháp vô ngã.
Qua sự tóm tắt trên, ta thấy Tứ
Niệm Xứ bị đóng khung và tạo cho đọc giả một thành kiến sai lầm về
Tứ Niệm Xứ. Như quý vị đã xem qua ở phần trước là Tứ Niệm Xứ phải
được áp dụng một cách khách quan.
- Về Niệm Thân, có 6 đề mục quán
niệm, trong đó có quán niệm về những bộ phận bên trong thân thể, và
niệm về sự tan rã của một xác chết. Không thể vì hai đề mục này
mà nói là quán thân bất tịnh. Nếu muốn đề cao đề mục quan trọng của
niệm thân thì phải lấy đề mục quán niệm về hơi thở vô-ra, vì đề
mục này đã được Đức Phật dạy riêng trong Kinh Quán Niệm Hơi Thở (Anàpànasati
Sutta).
Trong các sách Phật Học, khi nói
Quán thân bất tịnh, cốt dạy cho đọc giả quán tưởng làm sao để thấy
được sự bất tịnh của thân, nhằm mục đích nhàm chán, ghê tởm thân
xác để không còn bám víu vào nó nữa, và nhờ vậy có thể trị bệnh
tham sắc dục. Đó cũng là một phép quán hữu ích nhưng không đúng với
ý nghĩa niệm thân của Tứ Niệm Xứ.
- Về Niệm Thọ là quán niệm và
ghi nhận nhưng cảm giác dễ chịu (lạc thọ), khó chịu (khổ thọ) hay
bình thường (xả thọ), biết rõ tính cách sanh diệt của chúng, nhờ đó
hành giả thoát ra được sự ràng buộc và sai sử của những cảm giác.
Trong các sách Phật Học, khi nói về
niệm thọ đã ngụ ý bảo đọc giả quán tưởng làm sao để thấy thọ là
khổ, vì có nhận lãnh là có khổ. Chữ thọ được giảng với ý nghĩa là
nhận lãnh một thứ đồ vật gì bên ngoài. "Thọ thì khổ" được
xem là một phép quán dạy cho người ta bớt tham, nhưng đó không phải ý
nghĩa của niệm thọ trong Tứ Niệm Xứ .
- Về Niệm Tâm và Niệm Pháp cũng
vậy. Nếu bảo quán tâm vô thường thì không đúng. Chính vì sự hoạt động
của tâm tạo ra những ý niệm sinh diệt, diệt sinh trong khoảnh khắc nên
gọi là vô thường. Vô thường là những ý niệm đó chứ không phải
tâm. Còn bảo "Pháp vô ngã" thì đúng nhưng không phải ý nghĩa niệm
pháp của Tứ Niệm Xứ .
Bát Nhã Tâm Kinh
Trong Phật giáo Bắc tông, chúng ta
có thông lệ mỗi khi tụng một thời Kinh nào, đều mở đầu bằng thần
chú Đại Bi và cuối cùng kết thúc bằng Tâm Kinh Bát nhã. Hầu hết các
phật tử đến chùa, không ai là không thuộc Bát nhã, vì thế nó được
xem như một Kinh quan trọng vậy.
Bài Kinh này được Ngài Huyền
Trang đời nhà Đường dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán vào năm 649 Tây lịch.
Toàn bài chỉ có 262 chữ.
Bát nhã Tâm Kinh là nói tắt, nếu
gọi cho đủ là Ma ha Bát nhã Ba la mật đa Tâm Kinh (Maha
Prajnàpàramitàhrdaya Sùtra). Ma ha có nghĩa là lớn, Bát nhã là trí tụê, Ba
la mật đa là đến bờ bên kia, Tâm (Hrdaya) là cốt lõi hay tinh yếu, chứ
không phải tâm ý (citta). Đại ý Kinh này nói về trí huệ rộng lớn có
thể đưa hành giả sang bờ bên kia, tức bờ giải thoát.
Kinh này là Kinh nhật tụng của Phật
tử tại gia cũng như xuất gia, và đã có rất nhiều sách giảng giải về
ý nghĩa Kinh này, vì thế ở đây sẽ không đi sâu vào chi tiết, mà chỉ hạn
chế bình luận những điểm chính yếu của Kinh và sau đó so sánh nó với
Kinh Tứ Niệm Xứ.
Toàn bộ Kinh có 262 chữ, nhưng đại
ý của Kinh nằm gọn trong 25 chữ đầu: "Quán Tự Tại Bồ Tát hành
thâm Bát nhã Ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất
thiết khổ ách". Nghĩa là có một vị Bồ Tát tên là Quán Tự Tại
khi thực hành sâu về Trí huệ Bát nhã thì ngài soi thấy 5 uẩn đều
"không", và từ đó thoát mọi khổ nạn. Chữ "không" ở
đây thường được giảng theo nhiều nghĩa, có sách nói "không"
là không thiệt, có chỗ để nguyên chữ không, có chỗ nói tánh nó là
không. Chữ "không" ở đây nên được hiểu là không có tự tánh
(vide de nature propre), chứ không phải không thiệt hay là "không" đối
với "có". Chữ "không" (sùnyatà, emptiness, vide) này rất
quan trọng, nó được xem như nền tảng của hệ thống giáo lý Đại Thừa.
Tiếp theo sau câu "Quán Tự Tại...
nhất thiết khổ ách", đến câu "Xá Lợi tử, Sắc bất dị
Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, thọ,
tưởng, hành, thức diệc phục như thị ". Dịch nghĩa là Xá Lợi tử,
Sắc chẳng khác Không. Không chẳng khác Sắc, Sắc tức là Không, Không tức
là Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.
Trong phần Bát nhã Tâm Kinh ở đây
chỉ bình luận hai câu đầu này thôi vì nó tóm lược tất cả những ý
nghĩa quan trọng của Kinh, còn nhưng phần sau chỉ giảng giải thêm về
tánh Không, về những diệu dụng của nó, tôi thấy không đem lại nhiều
lợi ích cho người sơ cơ học đạo, mà ngược lại có thể biến họ
thành những biện luận sư về tánh Không.
Kinh Bát nhã dạy chúng ta nếu muốn
thoát khỏi mọi khổ nạn, đạt đến an vui, tự tại của Niết Bàn, thì
phải thực hành Trí huệ Bát nhã, tức là quán chiếu làm sao để thấy rõ
năm uẩn không có tự tánh. Nhưng phải quán chiếu thế nào? Cách thức tu
tập ra sao? Theo tôi thấy thì Kinh này không chỉ dạy cách thức tu tập. Người
đọc Kinh này rồi, không thể đem ra áp dụng tu tập liền được nếu không
hiểu rõ nghĩa Kinh. Họ cần phải nghiên cứu tìm tòi, suy luận về những
lý nhân duyên, bất nhị, tương tức, từ đó mới có thể hiểu được tánh
Không của ngũ uẩn. Nhưng hiểu rồi thì đó cũng chỉ là trên phương diện
kiến thức hay ý thức mà thôi, chứ không phải thực chứng hay trực nghiệm.
Những người hiểu được năm uẩn giai không có thể có rất nhiều, nhưng
người thực nghiệm được năm uẩn giai không thì rất hiếm.
Lại có nhiều người lấy câu
" Sắc tức là Không " của Kinh Bát nhã ra làm một triết lý đạo
đức. Vì hiểu Kinh Phật dạy rằng tất cả đều Không, nên họ bảo rằng:
"cái xe hơi này tôi chạy thả ga, nếu hư thì bỏ, hoặc nếu có mất,
thì tôi cũng không buồn, vì (tôi coi) nó là Không". Họ lấy lý Không
này mà bảo mọi người đừng chấp vào tất cả mọi sự, rồi từ đó nẩy
ra hai hạng người: một hạng bất chấp tất cả, phóng túng, muốn làm
gì thì làm, một hạng khác thì ngược lại, yếm thế, chán đời, không
làm gì cả, vì tất cả là Không, có làm cũng chả được lợi ích gì.
Vì lý do này Kinh Bát nhã cần phải được giảng dạy cẩn thận và tế
nhị.
Trong Kinh câu "Sắc bất dị
Không, Không bất dị Sắc" quan trọng và cần được giảng nhiều hơn
câu "Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc". Trước khi nói tại
sao, tôi xin đưa ra vài thí dụ thông thường để bạn đọc hiểu rõ hai
câu trên.
Lấy thí dụ cái bàn. Cái bàn
không thể tự nhiên mà có, nó có là do sự kết hợp của những yếu tố
"không phải là bàn" như gỗ, cây, cưa, đinh, người thợ mộc, tiều
phu, rừng, đất, nước, mưa, mặt trời .v.v... Nếu thiếu một trong những
yếu tố đó thì cái bàn không thể hiện hữu được. Sự có mặt của
cái bàn tùy thuộc và liên quan mật thiết với những cái "không
bàn". Do đó ta có thể nói cái bàn chẳng khác gì cái "không
bàn", những cái "không bàn" khi đủ nhân duyên hội hợp lại
thành cái bàn, nên ta nói những cái "không bàn" chẳng khác gì cái
bàn.
Chữ "bất dị" (không
khác) trong câu "Sắc bất dị không" muốn nói lên sự liên quan mật
thiết của tất cả sự vật (tương quan). Cái này có vì cái kia có, cái
kia có vì cái này có; cái này không thể có nếu không có cái kia, và ngược
lại cũng vậy.
Một thí dụ khác nói về bất dị:
em bé 10 tuổi và ông già 70 tuổi. Em bé 10 tuổi theo thời gian lớn lên rồi
già đi thành ông già 70. Em bé và ông già không phải là hai người mà cũng
không hẳn là một người. Em bé theo thời gian trở thành ông già, có em
bé nên mới có ông già, nên em bé chẳng khác gì ông già (bất dị). Nhưng
em bé 10 tuổi xưa kia tóc xanh đen, nhỏ người, ngây thơ, còn ông già 70 tuổi
hôm nay tóc bạc, cao gầy, nhiều kinh nghiệm, hai hình dáng, hai tâm tư khác
nhau, ta không thể nói em bé chính là ông già, hay em bé và ông già là một
được (bất nhất). Vì nếu là một tại sao lại có hai danh từ, em bé và
ông già? Tại sao lại có hai hình dáng khác nhau?
Tất cả sự vật đều biến chuyển
không ngừng từng giây phút, từng sát na. Từ một vật A chuyển thành vật
B, ta không thể nói B khác A, mà cũng không thể nói B là A được. Đây
chính là lý Bất dị, Bất nhất trong Bát Bất Trung Đạo của Bồ Tát Long
Thọ (Nagarjuna). Có nhiều vị nói Bát nhã thuộc pháp môn "bất nhị",
theo tôi nghĩ Bất nhị gồm có Bất dị và Bất nhất. Vì lý do này, thay
vì nói theo trong Kinh "Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức
thị Không, Không tức thị Sắc" ta có thể nói là "Sắc bất dị
Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Sắc, Không tức thị Không".
Sắc chẳng khác gì không, nhưng Sắc vẫn là Sắc, Không vẫn là Không. Nhờ
biết được Sắc chẳng khác gì Không, nên ta thấy được tánh không của
cái bàn, nhưng Sắc vẫn là Sắc, nên ta không từ bỏ cái bàn, mà ngược
lại cũng thấy được diệu dụng của cái bàn. "Thật tế lý địa bất
thọ nhất trần, vạn sự môn trung bất xả nhứt pháp", tuy biết rằng
không có cái gì có thể gọi là cái bàn được, nhưng nếu có người chỉ
vào cái bàn mà hỏi ta đó là gì? Ta cũng phải trả lời là cái bàn. Đó
là Trung-Đạo.
So Sánh Tứ Niệm Xứ và Bát Nhã
Tâm Kinh
Kinh Tứ Niệm Xứ nói về bốn
lãnh vực quán niệm. Bát nhã Tâm Kinh nói về quán chiếu năm uẩn là
không.
Một Kinh quan trọng của Nam Tông -
Một Kinh thông dụng bên Bắc Tông. Một Kinh nói về cách thức tu tập. Một
Kinh nói về triết lý cao siêu. Hai Kinh này có liên quan gì với nhau không?
Mới nhìn qua ta thấy hình như khác nhau, nhưng thật ra cả hai Kinh đều nói
về ngũ uẩn.
Không phải chỉ có Bát nhã Tâm
Kinh nói về năm uẩn là không, trong các Kinh điển Pali, Đức Phật đã thường
nhấn mạnh tánh cách vô thường, khổ, vô ngã của năm uẩn.
"Này chư Tỳ Kheo, ngũ uẩn là
vô thường (anicca); bất luận cái gì vô thường, đó là khổ (dukkha), đó
là vô ngã (anatta), không phải là "của ta", không phải là
"Ta", không phải là "bản ngã của ta". Vậy phải thấy nó
bằng trí tuệ tuyệt hảo, đúng như thật sự nó là như vậy. Người thấy
được thực tướng của nó bằng trí tuệ tuyệt hảo, tâm người ấy không
cố bám vào, xa lìa phiền não, được giải thoát (Tương ưng bộ Kinh,
Samyutta Nikàya, quyển III).
Trong Kinh Tứ Niệm Xứ, bốn lãnh vực
quán niệm đều liên quan đến năm uẩn :
- Niệm thân thuộc về vật chất liên quan đến
Sắc uẩn.
- Niệm thọ thuộc về cảm giác liên quan đến Thọ uẩn.
- Niệm tâm thuộc về sự nhận định biết mình liên quan đến Tưởng và
Hành uẩn.
- Niệm pháp thuộc về tánh cách khác biệt chủ quan liên quan đến Thức uẩn.
Có một điều khác biệt giữa hai
Kinh là: trong Kinh Tứ Niệm Xứ chỉ dạy hành giả quán niệm (quán sát và
ghi nhận) trực tiếp và khách quan tánh cách sanh diệt của ngũ uẩn, chứ
không phải suy tưởng chúng qua một lý thuyết nào, trong khi Bát Nhã Tâm
Kinh dạy "chiếu kiến ngũ uẩn giai không", điều này có thể khiến
cho hành giả cố gắng tìm tòi, dùng lý trí suy tưởng mượn những lý
thuyết có thể giúp cho hành giả hiểu được tánh không của ngũ uẩn.
Kinh Tứ Niệm Xứ dạy phương pháp
thực hành mà không nói nhiều về lý thuyết. Tuy nhiên nếu hành giả tinh
tấn thực tập thì sẽ đích thân trực nghiệm tánh cách vô thường của
ngũ uẩn, và nếu hiểu được vô thường thì tự nhiên sẽ hiểu được
vô ngã. Hai danh từ vô ngã (anatta) và không (sunyatà), không khác nhau là mấy.
Vì vô ngã là đứng trên phương diện một chúng sanh mà nói, còn Không là
trên phương diện pháp giới mà nói.
Tóm lại Kinh Tứ Niệm Xứ chỉ dạy
cách thức tu tập, dẫn đến kết quả là thấu đạt được ngũ uẩn là
Không (vô ngã). Còn Bát Nhã Tâm Kinh nói về lý thuyết từ ngũ uẩn là
Không trở đi (tức về tánh Không).
Người hành giả một khi thành tựu
được phép quán Tứ Niệm Xứ thì tâm sẽ an nhiên tự tại không còn bám
víu vào bất cứ sự vật gì trong thế gian, câu này có khác gì "chiếu
kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách" .
Muốn thực chứng Bát Nhã hãy nên
thực hành Tứ Niệm Xứ.
Mục lục và
giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6