Qua những lời Ðức Phật
dạy được kiết tập ở kinh tạng Pàli, tác giả đã thảo luận giáo lý
Duyên Khởi và sự vận hành của Duyên Khởi. Năm thủ uẩn và sự vận
hành của Năm thủ uẩn, các tinh thần giáo dục cá nhân của Phật Giáo.
Tác giả đã giới thiệu con người là một hiện hữu do duyên mà sanh, và
không đi đến bất cứ một lý thuyết Nhân Tính nào xem con người như một
thực thể có ngã tính thường hằng. Tác giả thiết nghĩ đây là một
nét rất đặc trưng hữu ích cho các nhà lý thuyết Nhân Tính và giáo dục
của thế kỷ hai mươi mốt trong việc mở ra một hướng văn hóa, giáo dục
mới cho hòa bình và hạnh phúc của nhân loại.
Ðã đến lúc cho các nhà lý thuyết
Nhân Tính và giáo dục chọn lựa một trong hai chiều: Một là con đường
tư duy hữu ngã là nền tảng xây dựng các giá trị của cuộc sống, và
xem sự thỏa mãn dục vọng là phương tiện dẫn đến hạnh phúc của con
người; hai là phát triển con đường tư duy vô ngã là cái nhìn trí tuệ
chỉ rõ con đường sống, và chấp nhận sự chế ngự dục vọng là phương
tiện dẫn đến hạnh phúc của con người trong hiện tại và tại đây mà
không bận lòng đến các khó khăn ở đời con người có thể gặp phải.
Con đường tư duy hữu ngã và thỏa mãn dục vọng đã và đang đem lại
cho đời nhiều phiền não và khủng hoảng; chỉ có con đường thứ hai là
niềm tin và hy vọng cho việc giải phóng các phiền não khổ đau, và các
khủng hoảng. Ðây là nội dung sẽ bàn đến trong phần cuối của tác phẩm
này.
V.1.
Chương 1
Hướng giáo dục và văn
hóa mới
Sự thật của cuộc đời như đã
bàn, nói lên rằng:
Con người phải là con người của một
nền văn hóa và giáo dục nào, và văn hóa, giáo dục phải là văn hóa
giáo dụcc của con người. Chúng không thể tách rời nhau ra.
Các lời dạy của đức Phật cho nhân
loại về sự thật như thật của thế giới, của con người, về các vấn
đề cá nhân, nguyên nhân, sự chấm dứt và con đường đưa đến sự chấm
dứt các vấn đề ấy thực sự bao hàm ý nghĩa của một đường hướng
giáo dục sẽ được trình bày rõ ràng hơn trong các dòng kế tiếp.
V.1.1: Hướng mới của
giáo dục
Trước khi thảo luận chi tiết vấn
đề giáo dục, thử nhìn lại các quan điểm giáo dục do những người lỗi
lạc đề bạt.
Tiến sĩ E. F. Schumacher, tác giả nổi
tiếng của tập sách rất hay nhan đề: ‘Các điều nhỏ nhoi là tốt đẹp’
viết:
‘Giáo dục chỉ có thể giúp
chúng ta nếu giáo dục đào tạo ‘con người toàn diện’. Một người
được giáo dục đúng không phải là người biết mỗi thứ một ít, cũng
không phải là người biết rõ mọi chi tiết của mọi vấn đề (nếu điều
đó có thể xảy ra). ‘Con người toàn diện’, thực sự, có thể có ít
kiến thức sâu vào các sự kiện và các lý thuyết, có thể chứa cả
Bách khoa từ điển, bởi vì ‘nàng’ biết mà chàng không cần biết’,
nhưng là người thực sự biết đích điểm của vấn đề: người ấy sẽ
không có nghi ngờ về các niềm tin cơ bản của mình, về quan điểm của
mình, về ý nghĩa và mục đích của đời sống, người ấy có thể không
cắt nghĩa được các vấn đề đó bằng lời, nhưng cách hướng dẫn cuộc
sống tự thân sẽ chứng tỏ chắc chắn rằng người ấy đã thấu đáo vấn
đề do sự thông sáng ở nội tâm’ (1).
Tiến sĩ E. F. Schumacher định nghĩa từ
‘trung tâm điểm’ (centre) nói trên như sau:
‘Trung tâm điểm rõ ràng là nơi
anh ta tạo cho chính mình một hệ thống tư tưởng ổn định về mình và
thế giới có thể định hướng cho các sự phấn đấu của tự thân’
(2)
Ðối với Schumacher, mục tiêu cơ bản
của giáo dục phải là giúp con người hiểu rõ sự thật của tự thân, sự
thật của thế giới nơi mà người ấy đang sống, thấy rõ hướng đi của
đời sống của mình, và chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình. Dù
Schumacher không thể nói ra sự thật ấy là gì, nhưng lời lẽ của
Schumacher thì nghe rất nhân bản và thực tế. Quan điểm của E. F Schumacher
về giáo dục đáng được nghiên cứu.
Là một nhà kinh tế, nhà báo và nhà
kinh doanh cấp tiến, nhà cố vấn kinh tế cho Hội đồng Than mỏ quốc gia
từ năm 1950 đến năm 1970 ở Anh quốc, nhà sáng lập và là chủ tịch của
‘Nhóm phát triển kỹ thuật đương thời’ v.v.. rất nổi tiếng,
Schumacher đã cố vấn các vấn đề phát triển nông thôn và đã được
nhiều chính phủ hải ngoại ca ngợi, tập sách nói trên được xuất bản
đến ba mươi tư lần từ năm 1963 đến năm 1993, tư tưởng của Schumacher
hẳn là rất ý nghĩa, đặc biệt là các tư tưởng về con người, kinh tế
và môi sinh (3).
Với Albert Einstein, một nhà khoa học
vĩ đại của thời đại chúng ta, đã phát biểu vài ý kiến đặc biệt về
giáo dục rằng:
* ‘Nhà trường luôn luôn là phương
tiện quan trọng nhất truyền thừa sản nghiệp truyền thống từ thế hệ
này sang thế hệ khác...’.
* ‘Ðôi khi chúng ta đơn giản xem
nhà trường là công cụ truyền đạt một lượng kiến thức tối đa nào
đó cho thế hệ đang lên. Ðiều đó sai lầm. Kiến thức là chết chóc;
nhà trường thì phục vụ sự sống Nhà trường cần phát triển ở các người
trẻ tuổi những phẩm chất và khả năng nào có giá trị cho sự an lạc của
cộng đồng. Nhưng điều đó không có nghĩa là cá tính bị loại bỏ và
các cá nhân trở thành công cụ cho cộng đồng, như con ong hay con kiến. Ðối
với một cộng đồng của các cá nhân được tiêu chuẩn hóa mà không có
gốc cá nhân và mục tiêu của cá nhân thì cộng đồng ấy sẽ là một cộng
đồng nghèo khó không có điều kiện phát triển. Trái lại mục tiêu của
giáo dục phải là giáo dục các cá nhân biết tư duy và hành động độc
lập, nhưng là những cá nhân thấy rõ mục tiêu cao cả nhất của đời sống
của mình là phục vụ cộng đồng...’ (4)
Einstein tiếp:
* ‘Dạy con người về chuyên môn
chưa đủ. Qua khả năng chuyên môn, cá nhân trở thành một thứ máy móc
công cụ hữu ích mà không phải là một nhân cách được phát triển một
cách hòa điệu. Rất căn bản rằng người học viên nắm được sự hiểu
biết và cảm nhận sinh động về các giá trị... Người học viên phải học
hiểu các động cơ của con người, vô minh và nỗi đau của con người để
nắm được sự liên hệ rõ ràng đối với các cá nhân đồng loại và đối
với cộng đồng của mình’ (5).
Như thế, Einstein cho rằng giáo dục
có vai trò duy trì gia sản truyền thống, nhưng Eisnstein không có nhấn mạnh
vai trò phát triển truyền thống và chọn lựa những gì truyền thống cần
được duy trì, những gì cần xét lại giá trị, bởi vì mục tiêu của cuộc
đời là để sống với hạnh phúc mà không hẳn để sống với truyền thống.
Einstein cũng cho rằng giáo dục có vai
trò giáo dục con người thành con người xã hội với các kiến thức
chuyên môn; và con người chính nó hẳn phải hiểu biết con người toàn diện
của chính mình, Vô minh và khổ đau của chính mình.... và cộng đồng của
mình. Ý tưởng ấy rất hay, dù chưa nói lên được con người như thật là
gì.
Là một nhà khoa học lỗi lạc, cái
thấy biết sự vật của Einstein rất thực tại, đáng được thực hiện.
Ý kiến của ông về giáo dục, theo thiển ý, có thể gợi ý về một hướng
giáo dục tốt.
Với Bertrand Russel, một nhà văn và
nhà tư tưởng Hoa Kỳ rất nổi tiếng của hạ bán thế kỷ hai mươi Tây
lịch, khi đề cập đến vấn đề: ‘Giáo dục và trật tự xã hội’,
ông viết:
‘Có ba lý thuyết giáo dục được
ngày nay chấp nhận. Lý thuyết thứ nhất cho rằng mục tiêu duy nhất của
giáo dục là cung cấp các cơ hội phát triển và loại bỏ các ảnh hưởng
gây trở ngại sự phát triển. Lý thuyết thứ hai chủ trương rằng mục
tiêu của giáo dục là đem đến cho các cá nhân sự phát triển tri thức
(văn hóa) và phát triển các khả năng đến cao điểm. Lý thuyết thứ ba
thì quả quyết rằng giáo dục phải được xem có mối liên hệ với cộng
đồng hơn là liên hệ với cá nhân, và công việc chính của giáo dục là
đào tạo các công dân hữu dụng...’ (6).
Lời lẽ của Bertrand Russel phản ảnh
khá trung thực về con đường giáo dục hiện nay. Quan điểm của Russel là
‘không một lý thuyết giáo dục nào trong ba lý thuyết trên được thỏa
đáng’, một hệ thống giáo dục phải áp dụng cả ba lý thuyết ấy. Nhưng
gồm cả ba lý thuyết đó lại vẫn còn thiếu sót một điểm quan trọng
nhất đó là sự thật của con người và con đường chân thật dẫn đến
hạnh phúc trong hiện tại. Trên nguyên tắc, việc cung cấp các cơ hội để
cá nhân phát triển, và giúp cá nhân phát triển khả năng của mình đến
cao điểm là rất cần thiết cho mọi đường hướng giáo dục. Về việc
đào tạo các công dân hữu dụng, chúng ta cần chú ý rằng, người công
dân, hay con người xã hội, phải đứng sau con người chính nó; không có
con người chính nó thì con người công dân sẽ không bao giờ được đào
tạo. Như thế, ở đây nổi bật một sự thể nhận đầy ý nghĩa rằng sự
thật của con người và thế giới mà đức Phật đã khám phá hai mươi sáu
thế kỷ qua là một sự khám phá vô giá cho một hướng văn hóa giáo dục
mới của con người nếu sự khám phá ấy được đem vào sử dụng ở học
đường.
Ðạo Phật phải được hiểu là một
con đường sống, một nếp sống đem lại thanh bình và hạnh phúc cho các
cá nhân và tập thể, phải được xem là một môn học chính của triết
lý tâm lý và tâm lý giáo dục. Ngành giáo dục mới này sẽ cống hiến
cho con người một cái nhìn mới mẻ về giá trị và thái độ sống đưa
tới sự lắng dịu các dục vọng và sân hận, đưa tới sự đoạn diệt
tà tưởng và tà tư duy. Ngành giáo dục này sẽ giúp các cá nhân phân
tích tâm lý, tánh hạnh và phiền não của mình để tìm thấy con đường
sống chân chánh: con người sẽ thể nhận ra rằng hạnh phúc không có đòi
hỏi con người làm bất cứ điều gì khác hơn là sự dừng lại các ham
muốn, và thể nhận rằng giờ phút hiện sinh của hiện tại và tại đây
là thời điểm con người thực sự giải thoát khỏi các phiền não, bởi
vì nó luôn luôn hoàn toàn mới mẻ. Ở các thời điểm tuyệt vời ấy, không
có người nào hay quyền lực nào đặt vào trong tâm mình một thứ phiền
não nào.
Tuy nhiên, để an trú được vào cái
thời điểm ấy con người cần biết chế ngự cái tư duy và ham muốn hữu
ngã qua một công phu thực hành liên tục cái nhìn trí tuệ và Tứ niệm xứ.
Tại đây, con người chỉ cần lời hướng dẫn, chỉ dẫn, sự khích lệ
và sự đánh thức từ một bậc thầy và từ tha nhân: điều này có nghĩa
là cần đến vai trò giúp đỡ của giáo dục, mà không phải là mệnh lệnh,
sức mạnh hay quyền lực; kỷ luật nhà trường vẫn còn duy trì để cung
ứng một không khí thích hợp cho việc học hỏi và cho các cơ hội phát
triển các khả năng và tâm thức cá nhân; nội dung của việc dạy học
là nhắm đến sự trao truyền các kiến thức cho việc hiểu rõ và tu tập
tâm thức của cá nhân, và cho việc phục vụ xã hội để đáp ứng các
yêu cầu an ổn, hòa bình và thịnh vượng của cộng đồng. Các phương pháp
giảng dạy cũng được yêu cầu để đánh thức hơn là nhồi nhét các ý
niệm vô nghĩa.
Với con đường giáo dục đó, việc
đánh giá các khả năng học tập của học viên, sự thưởng, phạt, thi cử
v.v.. cần được xét lại cho phù hợp với hướng giáo dục mới.
Tác giả thiết nghĩ, nếu các điều
nêu trên được chấp nhận, thì con đường giáo dục con người toàn diện,
nhân bản và trí tuệ sẽ xuất hiện và tồn tại. Do vì con người và cuộc
sống vốn không mang lại một nhãn hiệu nào, nên con đường giáo dục
này cũng không mang một nhãn hiệu nào. Do vì không mang một nhãn hiệu
nào, nên nó mới có thể là một đường hướng giáo dục cho mọi người
của mọi thời đại. Do vì con người chỉ là sự vận hành của Năm thủ
uẩn, nên không phải tạo ra một hình ảnh Nhân Tính nào cho một mẫu người
giáo dục nào: với cá nhân, ý nghĩa cuộc đời là sống với những gì
đang là trong giây phút hiện sinh mà không tham đắm nó: do sống như vậy,
con người sẽ thể nhận an lạc và hạnh phúc của thân và của tâm; ý
nghĩa cuộc sống không phải là cái gì của tư duy hay của mong ước: tư
duy hay mong ước chỉ tạo ra hình ảnh của cuộc sống vốn rất là chết
chóc. Do vì cá nhân chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa, nên giáo dục
còn có một vai trò khác nữa là giúp cá nhân nhận rõ những ảnh hưởng
nào ngăn che tâm thức mình, ám ảnh mình khiến không thấy rõ sự thật như
thật của Năm thú uẩn để loại bỏ. Nếu các yêu cầu đó được thực
hiện, thì con đường giáo dục kia bấy giờ được nhìn nhận là giáo dục
nhân bản, thực tại, trí tuệ và sáng tạo.
Ðây là ý nghĩa của một con đường
mới của giáo dục.
V.1.2. Hướng mới của
văn hóa
Từ hướng mới của giáo dục, một
hướng mới của văn hóa phát sinh. Như phần trích dẫn (V.1.1.) Albert
Einstein, một nhà khoa học sáng tạo, nghĩ rằng giữ vai trò duy trì, trao
truyền và phát triển văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ điển
‘the Random House College’ định nghĩa văn hóa là ‘Toàn thể đường hướng
sống do một nhóm người xây dựng nên truyền thừa từ thế hệ này sang
thế hệ khác’. Tác giả thiết nghĩ, văn hóa có thể hiểu là toàn thể
các phương diện của cuộc sống của một nhóm người được tạo thành
do giáo dục và các công trình sáng tạo để thích ứng với thiên nhiên
và liên tục được cải thiện. Theo nghĩa này, một hướng mới văn hóa sẽ
được bàn đến.
Như đã đề cập, hướng văn hóa
đương thời của nhân loại bị chế ngự bởi tư duy hữu ngã vốn đã tạo
ra các ý nghĩa tốt và xấu, được và mất, thành công và thất bại, hơn
và thua v.v... Các nghĩa ấy đã xuất hiện ở đời như là cuồng phong làm
cho thuyền đời của nhân loại chao đảo giữa biển cả khổ đau: chính
các ý nghĩa ấy tác động vào tâm thức con người và làm cho các phiền
não khởi sinh; rồi các phiền não này lại che mờ cái nhìn sự vật của
con người khiến không thấy được sự thật, khiến tâm con người không
an trú đựợc vào giây phút hiện sinh, và kéo con người ra khỏi đời sống
chân thật, bởi vì đời sống chân thật chỉ hiện hữu trong hiện sinh.
Tư duy hữu ngã kia khơi dậy trong tâm
con người các tư tưởng về ‘tôi hiện hữu’, ‘tôi hiện hữu thế
này’, ‘tôi hiện hữu thế kia’, ‘tôi không hiện hữu thế này’, ‘tôi
không hiện hữu thế kia’, ‘tôi sẽ hiện hữu’..., ‘mong rằng tôi hiện
hữu’ v.v... Do đó, các tưởng này là cội nguồn của các dục ái, hữu
ái và vô hữu ái, sân hận và si mê v.v... Chúng dẫn dắt nhân loại đến
sầu, bi, khổ, ưu, não. Sự vận hành của tư duy hữu ngã là thế!
Theo giáo lý Duyên Khởi, tư duy hữu
ngã là vô minh, và sự vận hành của nó là sự vận hành của Vô minh: đây
là sự sinh khởi của Duyên Khởi dẫn đến khổ đau, và là sự thật của
văn hóa đương thời. Do đó, tư duy hữu ngã hiện diện như những gì quyết
định thân phận khổ đau của nhân loại. Nếu tìm kiếm hạnh phúc mà
các nỗ lực dựa vào tư duy hữu ngã thì hạnh phúc sẽ thoát khỏi tầm
tay. Nền văn hóa hiện đại là thế!
Thực ra, nỗ lực con người xây dựng
văn hóa là để đạt được mục tiêu sau cùng của đời sống: chân hạnh
phúc. Thế nên, để đạt mục tiêu thân ấy con người phải thay thế tư
duy hữu ngã bằng sự đoạn diệt vô minh, hay bằng trí tuệ: mọi hành vi
con người phải được đặt vào sự vận hành của tư duy vô ngã như những
gì đức Phật đã dạy. Sự vận hành này sẽ mở ra một nền văn hóa mới,
hay một hướng mới của văn hóa, dẫn đến sự đoạn diệt khổ đau.
Ðây là hạnh phúc.
Tư duy vô ngã sẽ hoạt động như một
nhà kiến trúc thông thái nhiệt tình xây dựng nhiều phương diện mới cho
đời như là:
* Phương diện quan trọng nhất của
đời sống, được gọi là công trình kiến thức quan trọng nhất, là
tình thương yêu cuộc sống: tình yêu nhân loại, tình yêu quê hương, tình
yêu thương bố mẹ, tình yêu thương vợ chồng, tình yêu thương con cái,
tình yêu thương bà con, láng giềng v.v... Tình yêu thương này được trí
tuệ dẫn đạo (Chánh kiến và Chánh tư duy) do thấy rõ sự thật vô ngã của
vạn hữu. Tình yêu thương ấy có thể dập tắt được nhiều nguyên nhân
ở đời.
* Công trình kiến trúc tiếp theo là
đem lại chân nghĩa của danh từ ‘trung thành’ và ‘công bằng":
nhóm Giới - hay Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng - là chân nghĩa ấy.
Nếu một người thể hiện Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng, người
ấy hẳn là đang đi trên đường của ‘trung thành’ và ‘công bằng’ một
cách trung thành: Chánh nghiệp bao hàm ý nghĩa ‘công bằng’; Chánh ngữ
có nghĩa là ‘trung thành’... Nhóm Giới tự nó có ý nghĩa của đạo đức,
luân lý và nhân đạo.
* Tư duy vô ngã dẫn đến hạnh phúc
nêu rõ rằng: hạnh phúc của cá nhân và tập thể, và văn hóa - truyền thống
của một xứ sở là hai vấn đề riêng biệt: trong trường hợp văn hóa
và truyền thống không đem lại hạnh phúc cho cá nhân và tập thể, văn hóa
và truyền thống ấy phải được đánh giá lại và cải thiện.
* Tư duy vô ngã giúp con người thấy
rõ sự cộng tồn của con người và môi sinh, thế nên, con người bảo vệ
môi sinh thoát khỏi ô nhiễm và thoát khỏi chiến tranh gây ra tàn phá và
ô nhiễm.
* Tư duy vô ngã sẽ mở ra hướng tư
duy, với con người, tạo ra các khái niệm mới về giá trị cho nghệ thuật,
kiến trúc, hội họa v.v... phục vụ hạnh phúc con người.
Các phương diện mới của cuộc sống
nói trên sẽ tạo nên một nền văn hóa mới, hay một hướng mới của
văn hóa, cho hòa bình và hạnh phúc. Thế giới đang rơi vào các khủng hoảng
nghiêm trọng; khủng hoảng xã hội và khủng hoảng môi sinh. Nếu hướng
văn hóa không thay đổi thì con người không thể giải quyết các khủng hoảng
đó, nhân loại sẽ bị đánh chìm vào đại dương khủng hoảng. Ðã đến
lúc thế giới phải chọn lựa giữa sự vận hành của tư duy hữu ngã và
tư duy vô ngã. Niềm tin của tác giả thì rõ ràng đặt vào sự vận hành
của tư duy vô ngã. Ðiều này sẽ được tiếp tục trình bày.
Chú thích:
(1) : E. F. Schumacher, "Small is Beautiful", An Abacus
book, Little Brown an Company (UK), Limited, London, 1993, p.77.
(2) : Ibid. p.78.
(3) : Introduction of "Small is Beautiful"... by the Publishing house.
(4) : Albert Einstein, "Ideas and Opinions", Crown Publishers Inc., 1954, 11th
impression, 1993, p.60.
(5) : Ibid., p.66.
(6) : Bertrand Russell, "Education and the Social Order", Unwin paperback,
London, Sydney, Wellington, Printed in Great Britain, by Cox & Wyman Ltd, Reading,
Reprinted 1988, p.21.
[^]
V.2.
Chương 2
Giải đáp các khủng
hoảng đương thời
Tư duy là tác nhân chính của hành động.
Do tà tư duy mà các tà nghiệp sinh, gây ra các rối loạn và khủng hoảng
trong tâm thức con người, và trong xã hội, rồi các rối loạn, khủng hoảng
ấy lại dấy khởi mãi..., việc kiếm tìm giải đáp càng ngày càng trở
nên phức tạp. Tuy nhiên, tác giả tin tưởng rằng, với quyết tâm lớn,
nhân loại có thể giải quyết tất cả bằng cách đổi hướng vận hành
của tư duy.
V.2.1: Giải đáp cho
'khủng hoảng tư duy'
Khủng hoảng cơ bản nhất của cá
nhân và xã hội là khủng hoảng của chính tư duy của cá nhân.
Từ xa xưa, tư duy đã được xem là
thước đo của các hiện hữu: nó ban phát giá trị cho mọi sự vật. Nó
được sử dụng như là phương tiện chủ yếu để tìm kiếm chân lý và
hạnh phúc. Nhưng, chính nó đã tạo cho sự vật một tự ngã (self) tưởng
tượng, trong khi vật thực sự không có tự ngã. Từ đây, tư duy con người
tạo ra một thế giới giá trị tưởng tượng đầy dẫy các mâu thuẫn
và rối loạn. Càng dấn thân sâu vào thế giới giá trị tưởng tượng
ấy, con người càng chìm vào trong bóng tối của tư duy và trong một cuộc
khủng hoảng gọi là ‘khủng hoảng tư duy’.
Với tư duy hữu ngã, con người thấy
sự vật có một ngã tính thường hằng, và chấp thủ nó. Thấy như thế
gọi là ‘điên đảo kiến’ che mờ tâm thức khiến không thấy được
thực tại tự thân. Thế nên, con đường giải quyết ‘khủng hoảng tư
duy’ là đi ra khỏi ‘điên đảo kiến’ hay đi vào ‘chánh kiến’ thấy
rõ sự thật Duyên Khởi có mặt khắp vạn hữu. Thấy vậy, con người sẽ
nhận ra rằng: tư duy hữu ngã là trống rỗng; dục vọng là từ từ duy hữu
ngã mà khởi; thế giới các ngã tướng là rỗng không, và tham, sân, si
liên quan với thế giới đó cũng rỗng không: con người được giải thoát
khỏi trói buộc của chúng. Ðây là lời giải đáp của ‘khủng hoảng tư
duy’ mà con người đang mong đợi.
Không có gì bí mật ở trong dục vọng,
trong khổ đau hay hạnh phúc của con người v.v... ngoại trừ tư duy hữu ngã.
Dập tắt tư duy hữu ngã là dập tắt ‘cuộc khủng hoảng của tư duy’
vậy.
V.2.2: Giải đáp cho
'khủng hoảng dục vọng'
Tư duy hữu ngã còn gây ra một cuộc
khủng hoảng khác: từ tư duy, dục vọng dấy khởi và gây rối loạn cho
tâm thức con người như tác giả đã bàn ở mục (II.1.2) của tác phẩm.
Con người hiện diện ở đời như là một người khát nước ở ngoài biển
khơi đang uống nước mặn. Càng uống thì càng khát và càng khát thì càng
uống. Uống nước mặn không phải là lời giải đáp cho người khát. Tương
tự đối với người đời: ham muốn các cảm giác và sự vật không phải
là lời giải đáp cho nỗi khổ đau. Ðây gọi là ‘khủng hoảng dục vọng’
hay ‘điên đảo tâm.
Rơi vào ‘điên đảo tâm’, con người
thường không còn chọn lựa nào khác hơn là tiếp tục ham muốn: rồi ham
muốn tăng trưởng mạnh đến độ nó được thấy như là thực nghĩa của
sự sống, do đó không thấy được lối ra. Giáo lý Duyên Khởi, Năm thủ
uẩn và Tứ thánh đế của Phật Giáo cùng nói lên một sự thật: ‘dục
vọng là nguyên nhân của khổ đau’, và con đường thoát ly khổ đau là
con đường chấm dứt dục vọng như đã được bàn ở (IV.2.1.)
Như thế, nếu tư duy hữu ngã diệt,
thì ‘khủng hoảng dục vọng’ diệt; nếu tư duy vô ngã vận hành, thì
‘khủng hoảng dục vọng’ đi đến chấm dứt. Ðây là sự giải đáp
cho cuộc ‘khủng hoảng dục vọng’.
Ngoài các khủng hoảng trên, một số
các khủng hoảng khác cũng xuất hiện do sự hiện diện của tư duy hữu
ngã như phần trình bày kế tiếp đề cập.
V.2.3: Giải đáp cho
'khủng hoảng con tim'
Tư duy hữu ngã có chiều hướng gán
cho mỗi hiện hữu một ngã tính thường hằng. Ðối với tình yêu dành
cho bố mẹ, nó gọi la ‘hiếu’, và định nghĩa ‘hiếu’ là các bổn
phận mà mỗi người con trai / con gái phải chu tất đối với bố mẹ. Nếu
các bổn phận ấy không được người con thể hiện, thì người con sẽ
không xứng đáng làm người. Ðấy là ý nghĩa của ‘hiếu’ theo Khổng
giáo.
Ðối với tình yêu dành cho xứ sở,
nó gọi là ‘trung’ và định nghĩa ‘trung’ là các bổn phận người công
dân phải làm cho xứ sở, hay vì quốc vương của mình. Nếu người công
dân không thi hành các bổn phận ấy thì không xứng đáng hiện diện ở
đời. Ðó là nghĩa chữ ‘trung’ theo các nhà Khổng học.
Với tình yêu dành cho người yêu, nó
gọi là ‘tình’, và định nghĩa ‘tình’ là mối liên hệ tình cảm
thân thiết đòi hỏi vợ / chồng có bổn phận lo cho nhau. Nếu người vợ
/ chồng không chung thủy với người yêu bởi bất cứ lý do nào, thì vợ
/ chồng là người có lỗi, không xứng mặt ở đời. Như thế là ý nghĩa
chữ ‘tình’ theo các nhà Khổng học.
Tuy nhiên, đời sống có lắm phức tạp
con người có nhiều lúc gặp phải các tình huống mà không thể thi hành bổn
phận của mình đối với bố mẹ, đối với xứ sở, hoặc đối với vợ
/ chồng; trong tình huống đó, con người sẽ là ‘bất hiếu’, ‘bất
trung’ hay ‘bạc tình’ sẽ rất khổ tâm phải chọn lựa, và sẽ gây
quá khổ đau đến không thể tồn tại. Ðấy là trường hợp các bi kịch
do các khái niệm về ‘hiếu’, ‘trung’ ‘tình’ v.v... gây ra.
Thế nên, trong các trường hợp ấy -
rất nhiều trường hợp xẩy ra trong lịch sử của người Trung Hoa và Việt
Nam; câu chuyện ‘Le Cid’ trong văn học Pháp cũng là một mẩu chuyện điển
hình - Con người cần nghe theo tiếng gọi của con tim, mà không phải theo
tiếng gọi của các khái niệm tưởng tượng. Ở đây sẽ không có một
chọn lựa nào tốt đẹp, bởi vì sự chọn lựa nào cũng đầy nước mắt
do tư duy hữu ngã gây ra.
Theo tư duy vô ngã, ‘hiếu’, ‘trung’
hay ‘tình’ là do ‘duyên’ mà sinh, là vô ngã; chúng cần được định
nghĩa lại trong một ý nghĩa cởi mở thế nào để thể hiện nhân bản, hữu
ích cho cá nhân và hạnh phúc cho các cá nhân trong hiện tại.
Ngoài ra, một số phong tục, tập
quán, một số luật lệ xã hội, hay một số kỷ luật học đường có thể
đem lại nước mắt cho con người cũng cần được đánh giá lại hầu để
cá nhân sống hạnh phúc như một con người.
V.2.4: Giải đáp cho
'khủng hoảng tình cảm'
‘Khủng hoảng con tim’ nói trên là
do các lý do ở bên ngoài con người gây ra. Còn có một phương diện khác
của ‘khủng hoảng con tim’ do các lý do nội tại của cá nhân gây ra, do
thói quen của tình cảm gọi là ‘khủng hoảng tình cảm’. Sự khủng hoảng
này vận hành qua nhiều mặt:
‘Văn hóa đương thời do tư duy hữu
ngã tạo nên, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm thức con người: tư duy, cảm
giác, cảm thọ... Văn hóa trở nên thân thiết với con người đến đó
nó được xem là thực tại: con người không thể từ bỏ nó, hay từ bỏ
phần nào của nó, ngay cả khi con người nhận ra nó sai lầm, hay khổ đau,
và đã nhận ra rõ ràng có con đường sống tốt đẹp hơn do tư duy vô
ngã dẫn đạo. Sự kiện này được gọi là ‘điên đảo tình’ hay ‘khủng
hoảng tình cảm’.
* Mọi giá trị do nền văn hóa ấy tạo
ra cũng trở nên rất gần gũi với con người dù thường đem đến cho con
người nước mắt do các giá trị điên đảo của chúng. Nhưng, con người
vẫn thích hiện hữu với chúng hơn là hiện hữu với các giá trị mới.
* Con đường giáo dục cũ là bất
toàn, nhưng vẫn rất khó cho con người nghĩ đến một hướng mới của giáo
dục để thực hiện con đường mới. Sự việc này xảy ra do ‘điên đảo
tình’ của con người.
* Trường hợp một người ngoài Phật
giáo, cả đến khi họ nhận ra sự thật của đời sống khác hẳn với những
gì họ đang tin tưởng, họ vẫn không thể rời bỏ niềm tin cũ để đến
với sự thật: đây cũng được gọi là ‘điên đảo tình’.
Hiện tượng ‘điên đảo tình’ ấy
có vẻ đơn giản nhưng quả thật là một sự ngăn che tâm thức đầy nguy
hại. Lời giải đáp cho sự điên đảo đó hẳn là phải thực hành lập
đi lập lại nhiều lần cái nhìn trí tuệ để có một niềm xúc cảm mới
thay thế cho tập quán tình cảm cũ.
V.2.5: Giải đáp cho
'khủng hoảng đạo đức'
Ðạo đức hay luân lý cũng là một
giá trị sống do tư duy hữu ngã tạo ra. Ðạo đức được hiểu như là
‘những điều nên làm’ và ‘những điều không nên làm’ cho cá nhân,
gia đình, cộng đồng và xứ sở, nó vốn là sản phẩm tư duy của con
người. Nên, khi có mặt ‘khủng hoảng tư duy’ thì liền có mặt ‘khủng
hoảng đạo đức’.
‘Khủng hoảng con tim’ cũng là cái
gì của đạo đức, một cái gì liên hệ với đạo đức; khi ‘khủng hoảng
con tim’ xuất hiện thì ‘khủng hoảng đạo đức’ xuất hiện.
Ở một phương diện khác của xã hội
con người, đạo đức được hiểu là mối liên hệ giữa con người với
con người trong xã hội; khi kinh tế phát triển nhanh, mối liên hệ ấy hẳn
phải thay đổi ngoài ý muốn của con người. Tương tự, khi một chính
sách hay một thể chế chính trị thay đổi, mối liên hệ kia không thể
duy trì theo nếp cũ. Ðiều này gây ra sự ‘khủng hoảng đạo đức hay luân
lý’.
Nếu con người sống theo những lời
dạy của đức Phật về Bát thánh đạo và xem Giới uẩn như là đạo đức
ở đời, thì sẽ không bao giờ có ‘khủng hoảng đạo đức’ dù đời
sống có đổi thay. Ðây là lời giải đáp đúng cho ‘khủng hoảng đạo
đức’.
Giới uẩn là nếp sống không mang một
nhãn hiệu nào. Nó không có ý nghĩa nào về bất cứ tôn giáo nào nên nó
có thể được áp dụng vào nhà trường cho các học viên mà không có sự
kỳ thị nào.
Phải chăng đã đến lúc giáo dục chấp
nhận Giới uẩn như là đạo đức của học đường hiện đại?
V.2.5: Giải đáp cho
'khủng hoảng môi sinh'
‘Khủng hoảng môi sinh’ là vấn đề
nóng bỏng mà nhân loại đang rất quan tâm.
Như tác giả nói đến ở (II.2.3.), khủng
hoảng môi sinh là sự ô nhiễm môi sinh do các phóng xạ, sự phân hạch, bụi
bặm thiên nhiên, cháy rừng, giao thông vận tải, sự thiêu đốt, và các
nguồn khác. Ðây là hậu quả của sự phát triển nhanh kỹ nghệ, như đầu
tác phẩm đã nói, rất có hại; nó cũng là hậu quả của sự thiếu
trách nhiệm đối với môi sinh của con người, có thể dẫn đến sự tận
diệt của loài người trong một tương lai rất gần. Như vậy, sự bảo vệ
môi sinh cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Một triết lý và một
con đường giáo dục vì môi sinh là cần thiết để sắp đặt các vấn đề
sau đây:
* Giáo dục con người nhận thức mối
liên hệ mật thiết giữa con người và thiên nhiên qua giáo lý Duyên Khởi
và Năm uẩn ngõ hầu con người có thể tự nguyện bảo vệ môi sinh.
* Giải thích các hiểm họa do ô nhiễm
môi sinh gây ra.
* Chỉ rõ rằng ham muốn của con người
về lợi lộc và uy quyền có thể gây ra khổ đau cho con người.
* Gợi ý những gì phải làm cho việc
bảo vệ môi sinh.
Một triết lý và giáo dục như thế,
như tác giả trình bày qua suốt tác phẩm, có thể tìm thấy từ Duyên Khởi
và Năm thủ uẩn. Ðây là giải đáp cho ‘khủng hoảng môi sinh’ và cho sự
an sinh trên trái đất.
V.2.7: Giải đáp cho
'khủng hoảng giáo dục'
Thật là hiển nhiên rằng các thứ khủng
hoảng trên có mặt là do sự có mặt của một nguyên nhân gọi là ‘Khủng
hoảng giáo dục’.
Nếu giáo dục không được xây dựng
trên cơ sở một lý thuyết Nhân Tính đúng đắn tạo nên do cái nhìn trí
tuệ, nó sẽ đi lệch hướng về việc truyền đạt các kiến thức trống
rỗng và các điều giáo dục không thích hợp cho học viên, và sẽ đem lại
khổ đau cho đời. Do vì bị chế ngự bởi tư duy hữu ngã và các tướng
hữu ngã, mọi tiêu chuẩn giá trị trong nền giáo dục ấy chỉ có thể tạo
ra một thế giới tưởng tượng để sống, mà không phải là thực tại
chính nó. Con người có thể mong chờ những gì từ thế giới ấy nếu
không phải là một sự thất vọng định mệnh! Con người có thể mong chờ
những gì từ kinh tế, chính trị, cạnh tranh v.v... đi cùng với tham, sân,
si, hận thù v.v.., nếu không phải là sự xây dựng trên trái đất một thị
trường thực phẩm khổng lồ, một thị trường vũ khí giết người hàng
loạt v.v... chỉ đem lại sự tàn lụi và sợ hãi? (!).
Nếu giáo dục đặt cơ sở trên tư
duy vô ngã xem con người là một hiện hữu duyên sinh hay là Năm thủ uẩn,
mà không phải là một thực thể (entity), thì giáo dục sẽ tìm ra một
đường hướng đúng cho việc ‘dạy con người những gì’ và ‘dạy như
thế nào’?: bấy giờ vai trò của giáo dục là giúp đỡ con người thấy
rõ sự thật của chính mình, sự thật của thế giới, và loại bỏ hết
thảy nguyên nhân của phiền não, khổ đau để được hạnh phúc trong hiện
tại và tại đây. Ðây là giải đáp xác đáng cho ‘khủng hoảng giáo dục’.
Ðấy là các sự khủng hoảng hiện
nay của xã hội và các giải đáp cho các khủng hoảng ấy.
Lịch sử nhân loại chứng tỏ rằng
tư duy hữu ngã của nhị nguyên tính đã và đang chế ngự văn hóa nhân loại
trên trái đất hơn ba mười thế kỷ, nhưng khổ đau của sanh, già, bệnh,
chết do tham ái và chấp thủ của con người gây ra vẫn còn nguyên ở đó,
các mâu thuẫn, đấu tranh, thất vọng, tàn hại và sợ hãi của con người
càng ngày càng gia tăng mà không có giải đáp. Nhân loại còn mong chờ gì
ở nền văn hóa ấy?
Những lời đức Phật dạy trong kinh
tạng Pàli khơi gợi một con đường tư duy mới của vô ngã vốn khác hẳn
quan điểm của các tôn giáo và triết lý khác. Con đường tư duy này
không nhìn con người hay thế giới là một thực thể có bản chất thường
hằng, mà là một hiện hữu năng duyên và sở duyên, có thể đem đến cho
nhân loại hạnh phúc trong hiện tại và những lời giải đáp rất hữu
ích nếu con đường tư duy ấy được đem áp dụng vào đời sống thực.
Những lời dạy ấy có thể sử dụng ở trường học, đại học như là
một môn học chính của ngành triết học: triết lý giáo dục, tâm lý
giáo dục, tâm lý trị liệu trong ngành giáo dục, hay lý thuyết về Nhân
Tính. Tại sao lại không thể? - Con đường tư duy ấy, hay cái nhìn sự vật
ấy, sẽ giúp giáo dục điều chỉnh lại các lý thuyết Nhân Tính vốn phi
thực, điều chỉnh lại tinh thần giáo dục cạnh tranh vốn gây tổn hại
đến tinh thần hợp tác; con đường tư duy ấy sẽ giúp sinh viên, học
sinh phát triển tư duy độc lập và sáng tạo, và xóa tan các vấn đề phiền
não trong đời sống hằng ngày một cách hữu hiệu; sau cùng, con đường
tư duy ấy sẽ đề bạt tiêu chuẩn giá trị đạt cơ sở trên hạnh phúc
của cá nhân và cộng đồng mà không phải trên luân lý, đặt cơ sở trên
trí tuệ mà không phải trên kiến thức tưởng tượng, đặt cơ sở trên
tình người và nhân bản mà không phải trên hận thù và đấu tranh v.v...
Ðây là lý do tại sao tác giả chọn
đề tài ‘Lý thuyết Nhân Tính hiển lộ qua Kinh tạng Pàli’ làm đề tài
luận án tiến sĩ Phật học. Khi chọn đề tài này, tác giả nhận thức
rõ các khó khăn trong việc trình bày giáo lý Phật giáo như một con đường
sống và con đường giáo dục cho người đời, và các khó khăn trong việc
thuyết phục tha nhân chấp nhận con đường sống và giáo dục ấy. Nhưng
khó khăn không có nghĩa là không thể, thế nên tác giả tự thuyết phục
mình tiến hành công trình biên khảo với niềm tin có thể. Hãy để công
trình được thử thách, tác giả thiết nghĩ ‘Cái gì đến sẽ đến’.