- HỌC PHẬT QUẦN NGHI
- (Giải thích những nghi vấn trong Phật học)
- Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
- Phân Viện Viên Cứu Phật Học dịch
69 -
Quan điểm của Phật giáo đối với các hiện tượng thần bí như thế nào
? [^]
Không phải chỉ có tôn giáo mới có hiện tượng thần bí,
người không tin tôn giáo cũng có hiện tượng thần bí nhưng giải thích
đó chỉ là ảo giác. Còn người bình thường, thì mê hoặc, không hiểu
thế nào cả, nói là không nhưng thực tế là có, nói là có nhưng không lấy
gì làm bằng chứng. Còn những người có niềm tin tôn giáo thì bất luận
thuộc tầng lớp nào, miễn là có lòng tin thuận thành, làm đúng pháp thì
đều có cảm ứng và linh nghiệm hoặc nhiều hoặc ít. Còn thái độ của
Phật giáo xưa nay, đối với các hiện tượng thần bí, vẫn không phủ định,
nhưng cũng không xem trọng.
Nếu có người nào đó có được cảm ứng thần bí thì vội
cho đó là mình được phép thần thông hay tin rằng Phật, Bồ Tát hiển
linh, như vậy là không đúng. Phật và Bồ Tát tuy vẫn cảm ứng với
chúng sinh nhưng không hiện thành tướng, tuy không thành tướng nhưng vẫn
có sức mạnh, đó chính là tác dụng cảm ứng tùy cơ độ sinh của Phật,
Bồ Tát. Thế nhưng các Ngài không dùng một mô thức nhất định nào, cũng
không dùng một người nhất định, nhưng những người và vật đó không
thể tự xưng mình là đại biểu cho Phật và Bồ Tát.
Nếu có người dù là tăng hay tục, dù là Phật tử hay ngoại
đạo, bỗng xưng là hóa thân của Phật hay Bồ Tát tuy anh ta không có mưu
đồ dùng đại vọng ngữ để được tôn kính, cúng dường, thì anh ta cũng
chỉ có thể là quỷ thần hay ma nhập vào con người anh ta rồi làm những
điều dị lạ để mê hoặc quần chúng. Anh ta có thể có vài linh nghiệm
nhưng anh ta không có tác dụng gì đối với họa hay phúc của người khác.
Do vậy, những người chính tín Phật giáo không nên làm những trò như thế,
và cũng không tin những người làm trò như thế.
Căn cứ vào lịch sử Phật giáo thì chỉ có một Phật
Thích Ca Mâu Ni, chưa có một vị Phật thứ hai. Nếu có người tự xưng là
Phật, dù là thân gì của Phật đi nữa cũng là đại vọng ngữ. Bề ngoài
thì anh ta cũng hành đạo dạy đời nhưng trên thực tế thì làm mê hoặc
nhân tâm, không để cho nhân tâm đại chúng nỗ lực trong cuộc sống bình
thường mà chạy theo cầu phước và được gia hộ.
Đối với Bồ Tát cũng vậy. Khi Phật còn tại thế, chỉ
có một Bồ Tát là Di Lặc, được Phật thọ ký, sau đây 56 ức vạn năm
sẽ thành vị Phật thứ hai ở thế giới này. Còn các Ngài như Quan Âm, Văn
Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng v.v... đều không phải là những nhân vật lịch
sử, mà là những vị Bồ Tát được Phật giới thiệu để chúng ta biết
mà thôi. Còn những vị như Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân v.v...
đều là luật sư Đại thừa Ấn Độ. Người đời sau xét ngôn hạnh của
các Ngài đã suy tôn là Bồ Tát. Ở Trung Quốc, đại sư Trí Khải lập ra
Tông Thiên Thai được người đời sau gọi là Tiểu Thích Ca ở Đông Độ,
nhưng Ngài tự gọi là Phàm phu có đức tin. Các thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ
cũng được suy tôn là hóa thân của Phật A Di Đà, nhưng cá nhân Ngài
không hề tự xưng như vậy. Còn Ngài Địa Tạng ở Cửu Hoa Sơn vốn là
con Vua nước Tân La (Campuchia ngày nay) xuất gia lấy pháp danh là Địa Tạng.
Người đời sau nói Ngài là hóa thân của Bồ Tát Địa Tạng, nhưng bản
thân Ngài không tự xưng là như vậy.
Những người có chính tín ở Tam Bảo, đối với tất cả
chúng sinh, nên xem như là Phật và Bồ Tát vị lai, cũng là do Phật và Bồ
Tát hóa hiện, nhưng thân hiện tại của họ là phàm phu.
Nếu có những người tự xưng là Phật hay Bồ Tát, có thể
nói đời quá khứ, chuyện vị lai của anh, thậm chí biết rõ cả bối cảnh
lịch sử của anh và những người thân thuộc với anh thì anh cũng không
nên bị mê hoặc. Quỷ thần cũng có khả năng như vậy. Bản thân anh nên
trì chú, tu định đúng pháp cũng sẽ có quyền năng đó. Nhưng đấy không
phải là phép thần thông, mà chỉ là sức mạnh của trì chú, sự cảm ứng
của quỷ thần, hay là kết quả của việc sai khiến quỷ thần, nhiều nhất
thì đấy là sức mạnh của thiền định. Những người đó nói chuyện vị
lai của anh không hẳn là chính xác, còn nói chuyện quá khứ đời anh thì
làm sao cụ thể chi tiết bằng cá nhân anh được. Còn như nói chuyện kiếp
trước thì lại càng mênh mang, không có bằng cớ gì ! Cần chú ý là đúng
theo luật nhân quả, chuyện gì phải xảy ra, thì sẽ xảy ra, quỷ thần muốn
giúp cũng không làm được gì. Chỉ có làm điều thiện, tránh điều ác,
siêng năng, tinh tiến mới có thể thay đổi tình thế mà thôi. Người học
Phật nên tin là tương lai của mình chính ở trong tay mình, nên cố gắng
tránh ác, làm điều lành, làm điều Phật làm, nói lời Phật nói, học những
điều các vị Bồ Tát học...
Trong số hàng ngàn người, cũng có một vài người, do phúc
báo đời trước do kết quả tu hành đời trước nên có khả năng bẩm
sinh biết chuyện quá khứ và vị lại. Lúc tuổi còn nhỏ, khả năng này
biểu lộ rõ rệt. Lớn lên, vì công việc bận rộn nên khả năng đó kém
đi rồi biến mất.
Ở thời hiện đại, do trí thức phổ biến, trình độ học
vấn được nâng cao, những người có năng lực thần bí bẫm sinh có thể
vận dụng lô-gic và quan điểm khoa học để tìm hiểu giải thích các
nguyên lý của họ. Những người học Phật, cũng có thể dùng tri thức Phật
pháp, từ ngữ Phật pháp để giải thích cho người khác biết thực chất
của hiện tượng thần bí. Cũng có một số người vì nhân duyên nào đó
có phương pháp tu hành riêng gọi là Mật pháp. Đại pháp hay Vô thượng
pháp để dạy cho người khác tu hành như mình, rồi cũng có thể có những
cảm ứng thần bí và quả thực cũng đạt được một vài hiệu quả.
Song có thể xảy ra hậu quả không hay: vì mời quỷ đến thì dễ, mời quỷ
đi thì khó, đã dùng phương pháp như vậy thì rất dễ bị quỷ thần khống
chế, bản thân mình mất ý chí tự do. Nhẹ thì cũng giống như những người
bình thường, nặng thì sinh ra tinh thần bất ổn, từ lời nói cho tới cử
chỉ, mắt nhìn đều khác người thường. Nếu muốn thoát ly sự khống chế
đó, và sẵn có ý chí cương quyết thì cũng phải cố gắng một hai năm mới
khôi phục trở lại tâm trạng bình thường.
Lại có người không tự xưng mình là Phật, Bồ Tát, nhưng
lại xem là người truyền thừa trực tiếp lời dạy và sự ấn chứng của
Phật và Bồ Tát. Ở đây có ba khả năng : Một là tu hành thiền định, và
trong thiền định hiện ra cảnh giới thần bí. Thứ hai là trong mộng hiện
cảnh giới mộng. Thứ ba là trong lúc thức tỉnh nghe được, thấy được
hiện tượng thần giáng. Nếu là cảnh giới trong thiền định, thì đó
quyết không phải là cảnh giới định sâu sắc. Bởi vì cảnh giới định
sâu sắc không phải có tâm, không phải vô tâm, không có cảnh giới,
không có Phật và Bồ Tát xuất hiện. Nếu có Phật, Bồ Tát xuất hiện
trong cảnh giới định, thì cũng giống như mộng ảo. Người ngủ say cũng
thường có mộng. Nhưng tính chất của hai loại mộng khác nhau. Trong loại
mộng thứ nhất, con người tương đối tỉnh hơn. Trong định mà thấy có
cảnh giới này khác là do tâm loạn vẫn còn, nhất tâm chưa thành tựu, nhưng
sự cảm giác về niệm cảnh cũng mất. Dó đó, trong mộng hay là trong định
mà thấy Phật và Bồ Tát đều không phải là Phật và Bồ Tát thật mà
là Phật và Bồ Tát phát sinh từ nội tâm.
Một loại cảnh giới khác giống như hiện tượng cảnh giới
giáng linh của linh môi vậy. Đó là quỷ thần huyễn hiện giống như Phật,
hoặc phát ra âm thanh, tự xưng là Phật, Bồ Tát. Người không có chính kiến
rất dễ bị mê hoặc bởi hiện tượng này, và bị quỷ thần mê hoặc
và trở thành công cụ thi thố sức linh thiêng của thần. Tuy rằng trong
kinh Phật có nói Phật pháp có thể do quỷ thần, hay là thần tiên nói, nhưng
nếu lời nói ấy không phù hợp với ba pháp ấn, thì đó không phải là
Phật pháp mà là ngoại đạo. Nói chung, quỷ thần cũng hay mượn danh hiệu
Phật, Bồ Tát trong lời lẽ mượn nhiều từ ngữ Phật học, nhưng tri kiến
của họ không thoát ra ngoài được phạm vi của quỷ thần thuộc cõi dục
giới. Cho nên để xem xét những lời lẽ có phải là Phật pháp hay không
thì phải dùng... ba pháp ấn là chư hành vô thường, chư pháp vô ngã và
Niết bàn tịch tịnh để ấn chứng.
Đó là trừ bỏ phiền não, phá chấp trước.
70
- Có thể dùng những hiện tượng vật lý để giải thích những hiện tượng
thần bí được không? [^]
Cái gọi là hiện tượng vật lý là chỉ những hiện tượng
và động lực như từ trường, từ lực, sóng điện, cảm ứng điện, hình
ảnh, ánh sáng, tốc độ ánh sáng, nhiệt năng, khí năng, sự thay đổi của
khí v.v.... được dùng trong vật lý học. Cái gọi là những kinh nghiệm thần
bí nói chung là chỉ cảm ứng và cảm thụ của sức mạnh thần linh, con
đường đúng đắn là thông qua phương pháp tu hành, làm cho tâm lực, thể
lực và các giác quan v.v... phát sinh tác dụng khác thường khiến cho giữa
người tu hành và các Bồ Tát, chư thiên và các quỷ thần có tác dụng cảm
ứng.
Về đại thể, có thể dùng quan điểm vật lý học đối
chiếu với nhau để giải thích tác dụng khác thường hoặc lực lượng
siêu tự nhiên đó. Cho nên, tôi cũng đã từng nói tới việc phát triển sức
thần thông, về nguyên tắc, người cũng có khả năng tu hành thành công nếu
tu hành đúng phép tắc.
Nếu có thể tập trung tâm sức đến mức độ nào đó,
thì sẽ có khả năng chuyển biến sự vật đó là thông qua tác dụng hướng
dẫn của sóng từ và sóng điện, tạo ra một lực điều khiển. Bởi vì
toàn bộ vũ trụ là một khối từ trường lớn, bất cứ sự tồn tại của
một vật thể cục bộ hoặc cá biệt nào đó đều không thể thoát ly khỏi
hệ thống chính thể. Trong một hoàn cảnh lớn, phương hướng của nó vốn
là không thể thay đổi được, nhưng chỉ cần phụ thêm những nhân tố
khác nhau thì có thể xảy ra những thay đổi phương hướng của chính thể.
Người tu hành do sự điều chỉnh tâm lực của mỗi người
có thể làm cho sóng từ và sóng điện phải chịu ảnh hưởng trong phạm
vi tâm lực của mình do vậy mà thay đổi vị trí quan hệ vốn có, có thể
làm nảy sinh những hiện tượng mà trong lòng họ tưởng tượng mong muốn.
Những người mà tâm lực càng mạnh, phạm vi ảnh hưởng càng rộng, thời
gian duy trì càng lâu thì công năng sản sinh ra sự thay đổi càng nhiều, đó
là sức mạnh thần túc thông. Nhưng chưa có người có thể bằng tâm lực
cá nhân mình làm thay đổi vận mệnh của nhân loại và quy luật tự
nhiên của vũ trụ.
Còn như thiên nhãn thông và túc mạng thông thì có quan hệ
đến ánh sáng và khí. Cái gọi là túc mạng thông là có thể biết được
quá khứ. Nếu có thể làm cho bản thân mình cách quả đất càng xa, những
hiện tượng, những sự vật thấy được xảy ra ở trái đất thì lúc
ấy ánh sáng cũng tụt lùi càng chậm. Đó chính là thông qua tốc độ ánh
sáng để nhìn quả đất. Ngày nay, ở nơi cách xa quả đất 3000 năm ánh
sáng, điều ta nhìn thấy chính là tất cả những sự việc xảy ra trên
trái đất trước đó 3000 năm ánh sáng.
Tất nhiên những người có túc mạng thông không cần thiết
phải dùng mắt thịt mà là dùng sức tâm linh hoặc lửa cảm ứng, độ nhạy
cảm của họ thì người thường không thể suy nghĩ tưởng tượng được.
Cho nên, không cần thiết phải trở về nơi cự ly xa để xem xét hiện tượng
đã qua của lịch sử.
Do ánh sáng và hình ảnh vô cùng lẫn lộn hỗn tạp thay đổi
khôn lường, những người sức thần thông kém không những không trông thấy
những việc xảy ra đã lâu đã xa ma ngay cả những việc gần nhất cũng
không thấy rõ ràng, chỉ có thể thấy được đại khái lờ mờ. Chỉ có
chư Phật và các đại Bồ Tát có thần lực vô hạn mới có thể thấy
rõ mồn một những sự việc xảy ra ở nơi xa xăm và đã lâu. Khí là động
lực do hiện tượng vật chất sinh ra.
Khí không có màu sắc, mùi vị nhưng có năng lượng vật
chất. Những hiện tượng đã từng phát sinh, tức là có quỹ tích có thể
tuân theo, càng có thể thụt lùi lại để truy cứu. Cho nên, túc mạng
thông không nhất định là phải thông qua cự ly, tốc độ ánh sáng. Chỉ
dựa vào tốc dộ ánh sáng và cự ly ánh sáng để giải thích nguyên lý thời
gian quay trở lại.
Thiên nhãn thông biết về tương lai cũng là một loại
hình thái hạt giống được tích tụ do nghiệp lực của mọi người tạo
nên. Nhân hạt giống đó càng mạnh, khả năng sinh ra kết quả càng lớn,
khả năng nhìn về phía trước càng xa. Điều đó cũng giống như từ một
hạt giống mà trông thấy một cây lớn, cũng giống như từ một nguyên tử
dự kiến sẽ sinh ra kết quả của một năng lượng nguyên tử.
Nhưng Phật pháp không tách rời lý luận nhân duyên, sự biến
đổi của nhân duyên quyết định bởi một đơn nguyên của toàn bộ hoàn
cảnh. Chỉ cần một đơn nguyên nào đó có biến hóa, sự phát triển của
chính thể trong tương lai sẽ khác với kết quả dự kiến. Vì vậy, Phật
tuy thấy rằng chúng sinh sau này đều có thể thành Phật, nhưng không thể
thọ ký cho từng chúng sinh một. Nếu chưa thấy được pháp tính, thậm
chí lòng tin chưa được xác định thì Phật cũng không có cách nào định
thời gian trở thành Phật cho họ. Cái gọi là định thời gian tức là dự
báo cho một chúng sinh nào đó trải qua bao nhiêu thời gian, cúng dường, gần
gũi bao nhiêu bậc tôn thờ Phật, thì nhất định thành Phật. Ví dụ như
Thế Tôn Thích Ca trước khi thành Phật, chưa thấy Phật Nhiên Đăng, chưa
từng được bất cứ vị Phật nào thọ ký, tu hành một thời gian dài đến
thời đại Phật Nhiên Đăng, mới được dự báo thời gian thành Phật. Kẻ
phàm phu đắm chìm trong biển khổ sinh tử, lúc chìm, lúc nổi như sống
trong đêm dài vô tận. Phật tuy có Thiên nhãn minh nhưng không có cách nào
thọ ký cho họ. Nếu chưa nhập được nhẫn vị, tâm hướng chưa định,
nhân duyên tế độ của mỗi người chưa gặp thì Phật cũng không có
cách nào nắm vững được.
Vì vậy, tuy có thể lấy hiện tượng vật lý để giải
thích một vài hậu quả thần bí nhưng cũng không thể tin mù quáng khoa học
là vạn năng, bởi vì phạm vi hiểu biết của khoa học vĩnh viễn là có hạn.
Tu hành Phật pháp và công năng mà việc tu hành sinh ra là vô hạn, nếu chỉ
dùng hiện tượng vật lý mà trí thức khoa học thấy được của loài người
để giải thích suy đoán lực trí tuệ và lực thần thông của chư Phật,
Bồ Tát thì cũng giống như lấy thước đo biển, dùng ống sậy mà nhìn
trời. Nhưng chúng ta có thể lấy những hiểu biết khoa học để giải thích
những hiện tượng thần bí của những bậc đại tu hành. Đó chẳng qua
chỉ là tiến hành giải thích một cách thô thiển cho những người chưa có
kinh nghiệm nội chứng và kinh nghiệm thần bí. Không thể cho rằng khoa học
thực sự có thể đạt tới mục đích thuyết minh, giải thích, nếu không
thì đảo lộn đầu đuôi.
Nay có một số nhân sĩ có một ít kinh nghiệm thần dị,
dùng danh từ khoa học và lý luận phát hiện khoa học mũi nhọn để giải
thích danh từ kinh Phật, nghiên cứu những điều mà Phật đã thấy, đã
chứng. Nếu nói đó là sự vận dụng phương tiện nhất thời thì đương
nhiên có thể có được, nhưng nếu nói đó là cảnh giới Bồ Tát, Phật,
thì không thể được.
Giải thích Phật học chính xác nhất, an toàn nhất vẫn
là lấy kinh để giải thích kinh, lấy Phật pháp giải thích Phật pháp.
Có người dựa vào sự nhận biết bằng giác quan thứ 6 của họ, mượn các
danh từ khoa học giải thích hiện tượng thần bí trong kinh Phật, đương
nhiên cũng không chính xác. Cái gọi là "chỉ có Phật và Phật mới
có thể biết được nó", thế giới kinh nghiệm của chư Phật và chư
đại Bồ Tát không phải là điều mà kẻ phàm phu có thể nắm được, làm
sao có thể dùng hiểu biết kinh nghiệm thần dị nhỏ bé và sự hiểu biết
đối với những hiện tượng vật lý vặt vãnh để giải thích được cảnh
giới thần thông cao diệu của chư Phật, Bồ Tát ! ?
71
- Có nên dùng quan điểm khoa học để giải thích phật pháp hay không ? [^]
Cái gọi là khoa học tức là dùng phương pháp suy lý, phân
tích giải thích quy nạp để quan sát giải thích hiện tượng tự nhiên.
Đúng về mặt lý luận mà nói, khoa học thuộc phạm vi lô-gic. Đứng về
mặt thực dụng mà nói, khoa học là một tổ chức có hệ thống. Có thể
diễn đạt ngôn từ một cách có lý, có lẽ, đó là khoa học lô-gic. Có
thể có công dụng thực tế, đó là khoa học thực nghiệm.
Thế nhưng khoa học lý luận lô-gic không nhất định phát
triển thành khoa học thực dụng. Tuy lý luận lô-gic là cơ sở khoa học thực
dụng, nhưng nó phải qua thực nghiệm để chứng minh là có tác dụng, có
thể thực hành được, có ích thực sự với con người. Do đó khoa học
phát triển luôn luôn đổi mới thường xuyên, dùng những lý luận mới để
phủ định các quan niệm cũ, dùng kinh nghiệm mới bác bỏ những thành quả
cũ, xưa. Tuy nhiên khoa học cũng không phải là chân lý tối cao, tối hậu.
Hơn nữa phạm vi mà khoa học thảo luận rất là hẹp vì hạn
chế trong những điều kiện đã biết hay sắp biết. Thậm chí, có những
nhà vật lý có thành tựu lớn nhất vẫn cần sự khải thị của thân và
Thượng đế, như là cần có nguyên lý khoa học tối cao vậy, đó là điều
mà các học giả đều thấy. Mẹ của khoa học là triết học, mà mẹ của
triết học là tôn giáo. Tôn giáo mớí là nguồn gốc của vũ trụ, là
cái gốc lớn của nhân sinh. Dùng triết học để thảo luận về tôn giáo
đã có chỗ bất cập rồi, huống hồ lại còn dùng khoa học để nghiên cứu
những điều huyền bí của tôn giáo. Đúng như Lương Khải Siêu nói :
"Phật giáo không phải tôn giáo, không phải triết học, không phải
khoa học". Chúng ta có thể nói Phật giáo hàm xúc tôn giáo, triết học
và khoa học. Nhưng nó không phải là khoa học, triết học, tôn giáo. Nó
không phản đối tôn giáo, triết học và khoa học, nhưng cái thực tế của
nó vượt ngoài phạm vi của tôn giáo, triết học và khoa học.
Ngày nay có người chủ trương rằng, trong thời đại khoa
học văn minh này, phải đứng từ góc độ khoa học để giới thiệu Phật
giáo. Đây cũng là điều tốt. Lấy trí thức khoa học để thuyết minh lý
luận Phật pháp, khiến cho người ta tin tưởng khoa học có thể tiếp thu
Phật pháp. Làm được thế, có gì là không phải ? Thế nhưng, khoa học
thuộc phạm vi trí thức tự nhiên. Khoa học chỉ có khả năng thuyết minh
một phần của muôn vàn hiện tượng tự nhiên. Tỉ dụ quần thể vũ trụ
ở ngoài hệ thái dương vẫn còn thuộc về cảnh giới không thể biết.
Thậm chí, đối với 9 hành tinh lớn trong Thái dương hệ, sự hiểu biết
của con người vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra đứng trên quan điểm y học để xem xét hiện tượng
thân tâm của con người thì y học Trung Quốc cho rằng, cho đến nay phạm
vi của Tây y chỉ là giải phẩu xác chết vật chất mà thôi còn y học
Trung Quốc cũng nghiên cứu tới khí mạch trong thân người, tức là hiện
tượng của thân người sống. Còn nói về môn chữa bệnh tâm thần,
ngoài việc sử dụng ma túy, thuốc an thần, cưỡng chế ở một nơi thì
không còn biện pháp nào khác. Chữa bệnh tâm lý thì có thể dùng kinh nghiệm
mà phân tích, suy đoán, hướng dẫn. Nhưng không có cách nào để đi vào
chiều sâu tinh thần bệnh nhân được, tức là một loại hoạt động vô
hình có sức mạnh ở trong vật chất, ở trên mặt đất. Nếu dùng các
thuật như phù chú của quỷ thần để trị bệnh, thì đôi khi cũng có hiệu
nghiệm nhưng đó không còn thuộc phạm vi của khoa học, và bị phê phán
là hiện tượng mê tín.
Phật pháp cứu người, độ thế ngay từ đầu đã lấy
tâm làm chủ, tâm tức là tinh thần, có thể được thuyết minh dựa vào
hai danh từ phiền não trí tuệ. Phiền não mà tăng thì tinh thần hỗn loạn,
trí tuệ mà tăng thì tinh thần được sáng láng. Nếu tinh thần hỗn loạn
thì dù có dùng các phương pháp tôn giáo, triết học để xử lý, cũng không
giải quyết được vấn đề một cách lâu dài vĩnh viễn. Nhưng nếu có
được ánh sáng của trí tuệ soi chiếu, thì vấn đề gì cũng giải quyết
được hết dù là thuộc phạm vi tinh thần. Chính vì vậy mà khi còn tại
thế Đức Phật không giải thích gì nhiều về hiện tượng tự nhiên của
thế giới vật chất. Tỉ dụ, các vấn đề thế giới hữu biên hay là
vô biên, thế giới có hay không có điểm bắt đầu ? Vì Phật cho rằng những
vấn đề đó không có quan hệ gì đến mục đích giải thoát khởi phiền
não. Điều quan trọng là dùng phương pháp tu hành như thế nào, để giải
thoát phiền não, mở mang trí tuệ. Cái mà Phật giáo gọi là trí tuệ
không phải là cái tâm phân biệt, nhận thức mà cái tâm tư trí tuệ
không phải là cái tâm phân biệt, nhận thức mà là tự tại không chấp
trước. Mà tâm đã được tự tại rồi, thì mọi hạn chế về câu thúc,
về vật chất hay tinh thần đều không còn nữa.
Đối với Phật giáo Ấn Độ ngày xưa, phạm trù tâm bao
quát cả hiện tượng tự nhiên và vật chất. Do đó có câu "Vạn
pháp duy thức, tam giới duy tâm". Cái tâm phiền não gọi là thức. Cái
tâm thanh tịnh gọi là trí. Phàm đối với bất cứ hiện tượng nào có
chấp thủ, vướng mắc thì đều thuộc về tâm phiền não. Phật pháp
không coi trọng việc tìm hiểu hiện tượng các pháp, mà coi trọng việc
chuyển thức thành trí. Nếu không thì dễ bị lầm lẫn gốc và ngọn, chấp
các hiện tượng như huyễn như hóa là sự thực. Thể của tâm là không
hình không tướng, cũng không lìa hình tướng, còn khoa học thì chỉ xét
đến hiện tượng mà hiện tượng thì thay đổi nhiều và luôn thay đổi,
khoa học không thể cung cấp một chứng minh tối hậu và cứu cánh về sự
thực được. Nhiều nhất, khoa học chỉ có thể cố gắng tiến lên trong
tình huống nếu đau đầu thì chữa đầu, đau chân thì chữa chân mà
thôi. Như Lão Tử nói: "Cái sống là hữu hạn, cái biết là vô hạn.
Lấy cái hữu hạn để thỏa mãn cái vô hạn, nguy thay". Phái đạo giáo
theo chủ nghĩa tự nhiên, hiểu biết đứng đắn vật chất, còn Phật
pháp cho rằng, hiểu biết về vật chất là chuyện thừa. Với cái tâm
sáng, vật chất sẽ tỏ rõ. Chỉ hiểu biết tự nhiên và hòa mình vào tự
nhiên không bằng bỏ được ngã chấp. Khoa học chỉ nghiên cứu và phân
tích thế giới vật chất, cho nên không thể nào thuyết minh được chân
lý của Đạo Phật.
Tuy nhiên, thái độ khoa học là cần thiết, nếu biết
dùng nó làm phương tiện giáo hóa. Vì vậy chúng tôi nói Phật giáo bao
hàm cả khoa học, nhưng không bị khoa học hạn chế.
72
- Quan điểm của Phật giáo về sinh mạng con người có hợp với khoa học
hay không ? [^]
Phật giáo trước nay vẫn cho rằng, con người tái sinh vào
thai là do quan hệ nam nữ luyến ái mà có sinh mạng, như kinh Viên Giác nói
"Tất cả chúng sinh đều do dâm dục mà có sinh mạng" (Nhất thiết
chúng sinh giai do dâm dục nhi chính tính mạng). Nói cách khác, chúng sinh sở
dĩ có sống, có chết là vì nam nữ có tình dục và quan hệ tình dục. Nếu
không chặt đứt cái gốc tình dục đó thì không có cách nào ra khỏi được
vòng sống chết luân hồi. Trong lúc đầu thai, phần lớn là do quan hệ
tình dục của cha mẹ trong phòng kín, khi cái thai đam mê người cha là cái
thai sẽ là nữ, nếu đam mê người mẹ thì thai nhi sẽ là nam. Do đó mà
con trai thường theo mẹ, con gái thường dựa vào cha. Điều này cũng thể
hiện một hiện tượng tâm lý chung mà thôi.
Thế nhưng hiện nay, có vấn đề thụ thai nhân tạo, hài
nhi sinh ra không có quan hệ tình dục giữa cha và mẹ. Chỉ cần lấy trứng
đã thành thục ở người mẹ, và lấy tinh dịch của người cha, cho tổ
chức thụ tinh trong ống nghiệm và sau khi thành thai rồi thì đặt cái thai
đó trong tử cung của người mẹ. Thụ thai như vậy, Phật giáo giải
thích như thế nào ? Có hai cách giải thích việc đầu thai, nhập thai. Một
là nhập thai khi cha mẹ hòa hợp nhau, thần thức nhập thai có thể thấy
các tướng như cung điện, ánh sáng rồi trong khoảng khắc nhập thai. Hai
là thần thức nhập thai có chuyện báo ân, báo oán với cha mẹ, không kể
là ân hay oán đều do nghiệp mà nhập thai, chứ không cần cha mẹ hòa hợp
mà nhập thai. Chỉ cần nghiệp lực chín muồi là thai có thể sinh do tinh dịch
và trứng bị thu hút vào nhau trong ống nghiệm, mặc dù không có quan hệ
tình dục trực tiếp giữa cha và mẹ.
73
- Thế giới quan Phật giáo có hợp với khoa học hiện đại không ? [^]
Nói chung các bộ kinh A Hàm thuộc Phật giáo nguyên thủy như
Phẩm I "Đại lâu Thấu linh", phẩm I "Kinh thế kỷ", phẩm
I kinh "Nguyên nhân căn bản sinh khởi ra thế giới" (khởi thế nhân
bản kinh) đều nói trung tâm của thế giới chúng ta là núi Tu Di. Bốn phương
bao bọc núi Tu Di là bốn châu lục lớn (đại châu). Châu lục phía nam gọi
là Nam Thiệm Bộ Châu, cũng gọi là Nam Diêm Phù Đeଠchính là
thế giới chúng ta đang ở. Núi Tu Di cao 84000 do tuần, sườn núi bốn phía
đều có cung điện, tức là cõi Trời của bốn vị Thiên Vương. Trên đỉnh
núi Tu Di có 33 cung điện, tức là cõi Trời Đao Lợi. Thế nhưng, địa lý
học và thiên văn học hiện đại không tìm thấy núi Tu Di ở đâu, ba
châu lục khác, ngoài Nam Thiệm Bộ Châu cũng không rõ ở đâu ? Nếu núi
Tu Di trong thần thoại Ấn Độ chính là núi Hy Mã Lạp Sơn tại phía Bắc
Ấn Độ thì cũng tương đối thỏa đáng. Truyền thuyết về núi Tu Di đã
có từ trước thời Đức Phật Thích Ca và được lưu truyền ở Ấn Độ.
Kinh Phật chỉ nhắc lại truyền thuyết xa xưa, nhưng không coi trọng bao
nhiêu vì giáo lý của Đạo Phật chỉ là nhằm giải quyết vấn đề nhân
sinh thực tế, chứ không phải dùng thái độ khoa học để thuyết minh thế
giới quan.
74
- "Thánh ngôn lượng" mà Phật nói có chịu được khảo nghiệm không
? [^]
Căn cứ lý luận của Phật pháp là dùng ba tiêu chuẩn để
thuyết phục người khác. Một là hiện tượng tức là dùng sự thực để
chứng minh. Hai là tỷ lượng, tức là vận dụng lô-gic để chứng minh. Ba
là thánh ngôn lượng, tức là lời Phật được ghi lại trong kinh. Hai tiêu
chuẩn một và hai không thành vấn đề bàn cãi,. vì dễ chấp nhận. Tiêu
chuẩn thứ ba - tức thánh ngôn lượng - hiện nay đang được tranh luận. Vì
rằng các nhà Phật học hiện đại vận dụng phương pháp luận, lịch sử,
khảo cổ học, ngôn ngữ học và quan điểm tiến hóa luận để nghiên cứu
kinh sách Phật giáo. Họ phát hiện thấy Phật Thích Ca khi còn tại thế
không để lại một bút tích nào, một kinh Phật "thành văn" nào.
Những kinh Phật được truyền tụng sớm nhất cũng không phải kinh sách
"thành văn" mà chỉ là lời nói truyền miệng từ đời này qua đời
khác.
Do địa bàn truyền giáo mở rộng, thời gian càng lâu, nội
dung kinh sách càng phong phú, nên có những quan điểm giải thích kinh điển
tỏ ra mâu thuẫn nhau. Đó là nguyên nhân khiến cho trong Phật giáo sinh ra
nhiều bộ phái, về sau dần dần xuất hiện các kinh điển Đại thừa.
Nhưng dù cho Đại thừa hay Tiểu thừa, các kinh điển đều được lưu
truyền trong các bậc đại tu hành, và bất cứ bộ phái Phật giáo nào
cùng cho rằng kinh sách của họ lưu truyền là đúng lời Phật dạy. Do đó
hình thành cái gọi là tư tưởng bộ chấp, tức là sự chấp thủ của bộ
phái. Mọi bộ phái đều cho rằng nội dung giáo lý mà họ tin tưởng chấp
nhận là thành ngôn lượng.
Hiện nay các học giả có thể đem kinh điển các bộ
khác, các hệ khác, thuộc các thời đại khác nhau ra mà đối chiếu so sánh
phân tích. Kết luận của họ là : Trong các kinh điển thuộc các bộ phái
có những điểm gần giống nhau, có những điểm mâu thuẫn nhau, trước và
sau có chỗ tăng, có chỗ giảm. Nhưng nếu đối chiếu với tất cả kinh
điển Phật giáo mà phủ định tất cả hoặc có thái độ hoài nghi thì
không có cách nào để đem lại lợi ích lớn cho loài người được. Và
như vậy là không hiểu công hiệu, phương tiện hóa độ của Phật giáo.
Thực ra vấn đề không phải bây giờ mới đặt ra. Ở Ấn Độ, phê phán
giáo lý, gọi tắt là phán giáo. Tỉ dụ, kinh "Pháp Hoa" xếp các
kinh Phật thành hai loại là Tiểu thừa và Đại thừa. Kinh Lăng Nghiêm
phân ra hai pháp môn "đốn và tiệm". Kinh Hoa Nghiêm định khái niệm
ba chiếu : Mặt trời mới mọc, Mặt trời giữa trưa, và Mặt trời sắp lặn.
Còn kinh Niết Bàn dùng tỉ dụ năm dạng của sữa là : Sữa nước, cao sữa
(lạc), sanh tố, thục tố, và flôrút (đề hồ), sanh tố và váng sữa. Thục
tố cũng là váng sữa nhưng nấu chín. Sau khi Phật giáo vào Trung Quốc thì
có thuyết Nhất âm giáo của Cưu Ma La Thập, thuyết 4 loại pháp luân của
Đạo sanh, học trò của La Thập. Bốn pháp luân đó là : Thiện tịnh, Phương
tiện, Chân thực, và Vô dư. Sau đó các tông Thiên Thai, Hoa Nghiêm, Duy Thức
v.v... cũng đều dựa vào kinh Phật để có thuyết pháp giáo của mình.
Đối tượng giảng pháp của Phật có nhiều trình độ và
căn tính khác nhau, cho nên họ tiếp thu giáo nghĩa và phương pháp tu hành cũng
khác nhau. Tuy nhiên, thời của người xưa đã qua lâu rồi. Sự phán giáo của
cổ nhân cũng dần dần không phù hợp với nhu cầu quan điểm của người
hiện đại nữa. Theo quan điểm hiện đại thì lời Phật dạy (thánh ngôn
lượng) có quan hệ mật thiết đến giáo nghĩa căn bản của Phật pháp tức
là ba pháp ấn và bốn y cứ.
Ba pháp ấn tức là : Các hành vô thường, Các pháp vô
ngã, Niết bàn vắng lặng.
Đứng trên lý nhân duyên mà xét, thì mọi sự vật và hiện
tượng (tức là nội pháp) đều là không rỗng, vô ngã. Nếu đứng trên
lý nhân quả mà xét thì các pháp đều là vô thường, khổ. Vô thường,
khổ là pháp thế gian. Vô ngã, vắng lặng là pháp giải thoát, xuất thế.
Bốn y cứ là : Y pháp, bất y nhân (dựa vào pháp, không dựa
vào người), Y nghĩa bất y ngữ (dựa vào nghĩa không dựa vào lời), Y liễu
bất y bất liễu nghĩa (dựa vào nghĩa rốt ráo không dựa vào nghĩa không
rốt ráo), Y trí bất y thức.
Cần dựa vào ba nguyên tắc pháp ấn để xem lại mọi kinh
sách Phật giáo, thì mới có được Phật giáo thuần túy là thế nào...
Dùng bốn y cứ để lượng định mọi kinh điển Phật giáo
cũng dễ dàng phát hiện đâu là Phật pháp, có thể tin cậy và nương tựa.
Dựa vào tiêu chuẩn đó thì có thể phân biệt được đâu là giáo nghĩa
căn bản của Phật pháp, và đâu là giáo nghĩa phương tiện, do nhu cầu thế
tục mà nói ra.
75-
Quan điểm của Phật giáo đối với ngày "tận thế" [^]
Ngày tận thế là một khái niệm của Cơ-đốc-giáo, nhưng
đó cũng là một sự thật. Phật giáo chia quá trình sinh diệt của thế giới
thành 4 giai đoạn : Thành, trụ, hoại, không. Từ không mà sinh ra có. Giai
đoạn "có" lại chia thành 3 giai đoạn là thành, trụ, hoại. Kết
quả của hoại là quy về không. Trong thế giới của chúng ta chỉ trong
giai đoạn trụ mới có thể có hoạt động của sinh mạng và sinh vật.
Trong giai đoạn thành, các yếu tố vật chất dần dần ngưng đọng hình
thành nên 4 đại là Đất, Nước, Lửa, Gió. Chỉ sau khi 4 đại được định
hình rồi thì hiện tượng hoạt động sinh mạng mới dần dần được phát
triển.
Dạng sinh mạng đầu tiên là từ một thế giới khác hóa
sinh mà đến, chứ không do một vị thần hoặc một người nào sáng tạo
ra. Giai đoạn Trụ của thế giới là giai đoạn hoạt động sinh mạng.
Nhưng thế giới cũng dần dần chín muồi và đi đến chỗ suy lão và cuối
cùng chuyển sang giai đoạn Hoại, một giai đoạn không còn thích hợp với
sự sinh tồn của sinh vật nữa. Đến lúc Hoại triệt để thì khối vật
chất của thế giới bị tan rã, và quy về giai đoạn Không. Sau đó do nghiệp
cảm của chúng sinh đồng loại ở thế giới 10 phương mà hình thành một
thế giới khác. Thế giới sinh diệt là do nghiệp cảm của chúng sinh mà
có.
Đối với Phật giáo, cái gọi là ngày tận thế bắt đầu
với giai đoạn hoại của thế giới. Do vậy, Phật giáo không phủ định
thế giới sẽ có ngày tận thế nhưng quan niệm đối với vấn đề khác
với Cơ-đốc-giáo. Theo Cơ-đốc-giáo ngày tận thế xuất phát từ ý chí
Thượng đế. Khi ngày tận thế đến, thì Chúa Trời xuất hiện, đưa những
người được Chúa yêu lên Thiên đường và đuổi những người Chúa
không yêu xuống địa ngục. Còn giai đoạn hoại của thế giới mà Phật
giáo nói là hiện tượng tự nhiên, do cộng nghiệp của chúng ta ở thế
giới này dẫn tới mà thành tựu. Khi trong thế giới, không còn điều kiện
để cư trú nữa thì các chúng sinh tùy theo nghiệp lực của mình mà sẽ
tái sinh sang các thế giới khác.
Ngoài ra Mạt pháp một danh từ Phật giáo. Trước thời mạt
pháp có thời chánh pháp và tượng pháp. Thời đại Phật Thích Ca tại thế,
về nguyên tắc là thời đại chánh pháp. Sau khi Đức Thế Tôn vào Niết
bàn, là bắt đầu thời tượng pháp. Thời này chỉ có hình tượng của
Phật là đại biểu cho Pháp. Sau một thời gian nữa là thời mạt pháp, số
người tin Phật ngày càng giảm bớt, số người tu hành lại càng ít. Người
tu chứng được đạo Thánh cũng không còn một ai. Và cuối cùng, Phật
pháp cũng bị các tà thuyết và ham muốn thế tục làm cho mai một, tiêu
vong mất. Kinh Phật tuy vẫn còn, nhưng không ai tin và thực hành. Do đó mà
trong thời kỳ Phật Pháp tồn tại ở thế gian này, hy vọng rằng chúng
sinh hãy nỗ lực hộ trì Tam Bảo, duy trì tuệ mạng để làm cho thời gian
Phật Pháp tồn tại ở đời này được kéo dài mãi mãi, đưa lại hy vọng
tương lai cho loài người. Do đó, khái niệm mạt pháp của Phật Pháp
không có gì là đáng sợ như khái niệm "tận thế" của Cơ-đốc-giáo.
Nếu thiện căn của anh sau này lại được tiếp tục bồi
dưỡng phát huy, thì dù ở thời kỳ mạt pháp và ở vào giai đoạn
"hoại" của thế giới đi nữa, anh cũng không tuyệt vọng. Trong vũ
trụ bao la, thế giới nơi anh sống chỉ là một tinh cầu nhỏ trong Thái dương
hệ. Anh có thể dựa vào thiện căn của mình mà chuyển sinh mạng sang một
thế giới khác để tiếp tục tu hành. Nếu nghiệp lực của anh mạnh mẽ,
đức tin của anh kiên cố, thì anh có thể vãng sinh ở một cõi Phật. Thế
giới này bị hoại diệt, không có nghĩa là bước vào đường cùng. Đó cũng
là điểm rất không giống với ngày tận thế của Cơ-đốc-giáo.
Ngoài ra Phật giáo tuy ở thời kỳ mạt pháp, nhưng đối với
cá nhân anh mà nói, chỉ cần nỗ lực không lười biếng, anh có thể từ
thời mạt pháp chuyển sang sống trong hoàn cảnh thời tượng pháp, thậm
chí trong hoàn cảnh chính pháp.
Giới thiệu
| 1 | 2
| 3 | 4
| 5 | 6
| 7 | 8
| 9 | 10
|