- HỌC PHẬT QUẦN NGHI
- (Giải thích những nghi vấn trong Phật học)
- Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
- Phân Viện Viên Cứu Phật Học dịch
20
- Phật giáo có tin thuyết kiếp số hay không? [^]
Phật giáo không tin thuyết định mệnh, nhưng chấp nhận
thuyết nhân quả. Nhân quả có thể thay đổi. Nhân quá khứ cộng với
nhân hiện tại, có thể thay đổi quả báo. Nhưng sách Phật nói : "Định
nghiệp không thể chuyển, trọng nghiệp không thể cứu" nghĩa là làm
sao ? Khi đức Phật nói định nghiệp không thể chuyển là nói những nghiệp
ác cực nặng, gọi là 5 tội (ngũ nghịch) : giết cha, giết mẹ, giết A la
hán, phá hòa hợp Tăng, làm Phật chảy máu. Ngoài ra, còn có những tội như
hủy báng Tam Bảo, giết người cướp của, đốt nhà phá đê, cưỡng hiếp
phụ nữ đều là tội ác cực kỳ nặng, không thể chuyển được. Bởi
những hành vi đó không những cưỡng đoạt sinh mệnh người khác, mà còn
ảnh hưởng xấu xa lâu dài tới nền trị an xã hội cho nên những tội
ác như vậy, tắt phải chịu quả báo.
Ngày xưa có câu ngạn ngữ "Muốn hiểu vì sao trên đời
có giặc giã đao binh, chỉ cần nửa đêm nghe tiếng đồ tể giết các
súc vật". Sát sinh quá nhiều không tránh khỏi dẫn tới chiến tranh,
tàn sát lẫn nhau.
Kiếp có nghĩa là thời gian hoặc thời hạn. Nhân ác tích
lũy đến một trình độ nhất định, sẽ sinh ra tai nạn, hoặc với quy mô
khu vực hoặc với quy mô toàn quốc hay thế giới, tùy theo số người tạo
nghiệp nhiều hay ít và nghiệp nặng hay nhẹ. Đời này tạo nghiệp không
hẳn là đời này chịu báo. Trong đời quá khứ, những người tạo ra những
nghiệp nhân giống nhau thì ở đời sau trong hoàn cảnh giống nhau ở một
thời điểm nhất định sẽ chịu quả báo giống nhau.
"Số" không phải là một từ ngữ Phật giáo. Nhưng
trong "Sở từ", Khuất Nguyên viết : "Số hữu sở bất đãi,
thần hữu sở bất thông". Nghĩa là "số có khi không đuổi kịp,
thần thánh có chỗ không thông suốt" (ý nói số có khi không đuổi kịp
người, thần tuy gọi là linh thông nhưng vẫn có điều không biết).
Từ "Số" mà Khuất Nguyên dùng là thuật số. Trong
Kinh thư có câu "lịch số" của trời tại nơi thân nhà ngươi"
(có thể hiểu cái gọi là số mệnh trời chính là do nhà ngươi chứ không
phải do trời).
Lại trong cuốn "Văn Tuyển" của Ứng Cư có câu
"Sinh ra ở mùa xuân thì xanh tươi, sinh ra ở mùa thu thì vàng héo, đó
là số tự nhiên, có gì mà ân hận".
Các từ "Số" dùng trong các câu văn trên đều chỉ
lẽ trời, vận mạng hay là vận khí. Đem từ số ghép với từ kiếp
thành ra "số kiếp".
Kiếp là từ Phật giáo xuất xứ chữ Phạn "Kampa"
dịch âm thanh "Kiếp ba", nó chỉ một quá trình thời gian dài vô
cùng, phân biệt thành kiếp đại, kiếp trung, kiếp tiểu. Độ dài một kiếp
tiểu tính như sau : Theo đạo Phật, tuổi thọ của loài người dài nhất
có thể đến 8 vạn 4 nghìn năm, ngắn nhất là 10 năm. Tính từ 84000 năm,
cứ mỗi trăm năm (1 thế kỷ) giảm một tuổi cho đến khi còn 10 tuổi. Rồi
lại từ 10 tuổi tính trở lên, cứ mỗi trăm năm thêm một tuổi thọ cho
đến lúc đạt 8 vạn 4000 tuổi. Quá trình một lần giảm, một lần tăng
như vậy là một tiểu kiếp. Hai mươi tiểu kiếp làm một trung kiếp. Thế
giới mà chúng sinh ở kinh qua 4 giai đoạn : Thành, Trụ, Hoại, Không. Thời
gian một giai đoạn là một trung kiếp, bốn trung kiếp họp thành một đại
kiếp. Căn cứ vào Kinh Phật có giai đoạn "trụ" mới có hoạt động
của chúng sinh. Ở ba giai đoạn còn lại chúng sinh "di chuyển" ở
các thế giới khác. Đối với chúng sinh chưa kịp di chuyển mà giai đoạn
"hoại" bắt đầu, thì sẽ gặp các tai nạn như đại hỏa (lửa
cháy lớn), lụt lớn (đại thủy), bão lớn (đại phong), gọi chung là
"kiếp nạn" có thể thiêu hủy cả thế giới vật chất và cảnh
giới thiền định nữa. Khi nói chúng sinh không thoát khỏi kiếp nạn là
có nghĩa như vậy. Sau kiếp nạn mà nghiệp báo vẫn chưa hết, thì nghiệp
thức của chúng sinh đó lại tiếp tục ở một thế giới khác để tiếp
tục chịu thọ báo. Nếu nghiệp báo hết, thì không chờ có kiếp nạn xảy
ra, chúng sinh có thể ở cõi Phật từ đó vượt khỏi ba cõi, không còn bị
kiếp nạn nữa. Tất nhiên, nếu không tu hành Phật pháp thì khó lòng
thoát khỏi kiếp nạn.
Trong dân gian nói chuyện "kiếp số" tuy có liên
quan đến Phật giáo nhưng người ta không hiểu được vì sao mà có, chỉ
biết đó là điều không thể tránh, mà không biết làm sao để tránh. Vì
vậy, gặp lúc bình thường, nhiều người không biết sợ hãi, chơi bơi bừa
bãi, đạo đức suy đồi và tư tưởng thoái hóa. Một số người hiểu biết
bèn kêu gọi người khác hãy tỉnh ngộ bỏ ác làm lành, nếu không thì
thiên tai, dịch họa sẽ ập tới, số người chết sẽ không kể xiết. Thế
nhưng số người biết nghe và tỉnh ngộ rất ít. Những người lên tiếng
cảnh tỉnh như vậy có thể là một bậc nhân sĩ có tâm huyết, có thể
là Tăng Ni Phật tử có trình độ hiểu biết. Có một số nhân dĩ dựa trên
thuyết "kiếp số khó tránh" nói rằng việc "Ma vương" ra
đời tàn sát hàng loạt người là có lý, Ma vương không phải là kẻ sát
nhân, mà những người bị giết yêu cầu Ma vương xuất thế để giết họ.
Nếu không thì thuyết báo ứng nhân quả thiện ác không đúng nữa. Đó
là một lập luận sai lầm cần được uốn nắn. Bởi vì, nếu lập luận
rằng Ma vương xuất thế là để đáp ứng chúng sinh phải chịu kiếp nạn,
thì có khác gì nói rằng đao phủ giết người là làm đúng pháp luật chứ
không phải là phạm tội. Thực ra, đã là Ma vương thì là phạm tội ác
chứ không phải là "thay trời hành đạo". Chỉ có thiên tai lớn
mà sức người không chống đỡ nỗi mới gọi là "số trời"
(thiên số). Ma vương giết người thì tội ác càng nặng cũng sẽ chịu
ác báo. Hỏa tai, bão lụt là báo ứng tự nhiên và do người tạo nghiệp
trực tiếp chịu đựng. Chính vì vậy mà kinh Phật chỉ nói tới các kiếp
nạn tự nhiên như hỏa tai, bão lụt, không nói chuyện Ma vương hay đại
diện Ma vương thực hiện ác báo của chúng sinh. Ma vương giết người, có
thể là do người bị giết có tội, cũng có thể do Ma vương nhất thời nổi
giận cũng có thể do người ác xúc xiểm gây ra. Thậm chí có trường hợp
nhiều người mượn danh nghĩa "thay trời hành đạo" để tàn sát
sinh linh không tiếc tay. Đó toàn là những việc làm không chính đáng. Vì
vậy, mà Phật giáo không tán thành quan điểm cho rằng Ma vương xuất hiện
thay cho thiên tai để giết hại sinh linh.
Muốn thoát khỏi kiếp số, chúng sinh cần tu học Phật
pháp, giữ 5 giới, làm 10 điều lành, như vậy mới tránh khỏi nỗi khổ của
3 cõi là đao binh, hỏa tai, thủy tai và địa ngục. Tu tập thiền định có
thể tạm thời dứt bỏ được phiền não trong nội tâm. Nếu giác ngộ
mà phát huy được trí tuệ, thì có thể thoát khỏi vòng sống chết của
ba cõi. Nếu không đủ niềm tin để tu tập ngũ giới, "thập thiện,
thiền định và trí tuệ" thì có thể thường xuyên niệm danh hiệu Phật
A Di Đà để cầu vãng sinh sang cõi cực lạc phương Tây, như vậy cũng sẽ
thoát khỏi được nỗi khổ của sinh tử luân hồi. Đáng tiếc là chúng
sinh biết sợ quả khổ nhưng lại không biết tránh nhân ác. Biện pháp tốt
nhất là tức thời bỏ ác làm lành, trồng phước tu học Phật pháp, phát
tâm Bồ Đề, cầu thành Phật đạo, như vậy có thể tránh được mọi
tai nạn của số kiếp.
21
- Làm thế nào để người ta tin luật nhân quả trong ba đời ? [^]
Thông thường cho rằng, muốn hiểu được nhân quả trong
ba đời thì phải có túc mạng thông để biết các sự vật thuộc đời
quá khứ, phải có thiên nhãn thông để biết các chuyện vị lai. Đó là một
quan điểm hình như đúng mà thực ra là sai.
Ba đời là đời quá khứ, hiện tại và vị lai về mặt
thời gian có thể dài, có thể ngắn, có thể xa, gần. Dài thì tính bằng
a tăng kỳ kiếp như a tăng kỳ kiếp đời quá khứ, a tăng kỳ kiếp đời
hiện tại, a tăng kỳ kiếp đời vị lai. Tỉ dụ : chúng sinh phát tâm tu
thành Phật phải trải qua ba a tăng kỳ kiếp lớn, kiếp a tăng kỳ kiếp là
kiếp dài vô lượng không thể kể xiết được. Đơn vị chiều dài thời
gian thứ hai là đại kiếp: đại kiếp quá khứ, hiện tại, vị lai. Một
đơn vị nữa thường được nói tới là một đời người, kiếp trước,
kiếp sau, kiếp hiện tại. Nếu theo những đơn vị thời gian nhỏ nhất thì
tính theo sát na hiện tại, sát na quá khứ, sát na vị lai (sát na là đơn vị
thời gian nhỏ nhất, có thể tưởng tượng được, có thể tính bằng phần
trăm giây). Vì vậy nếu kiếp hiện tại, quá khứ, vị lai theo ba đời
theo nhân quả ba đời là hiểu một cách quá hạn hẹp.
Một người đã tin ở luật nhân quả trong đời hiện tại
thì cũng phải tin ở luật nhân quả các đời quá khứ, và vị lai. Song những
sự kiện chứng minh luật nhân quả trong thời hiện tại thì có thể kiểm
nghiệm được, còn đối với đời vị lai hay đời quá khứ thì không kiểm
nghiệm được và khó tiếp thu, khó tin, do đó mà cầu ở sự giúp đỡ của
phép thần thông hay quỷ thần đợi đến khi tự mắt mình thấy những hiện
tượng xảy trong đời rồi mới chịu tin.
Sức mạnh của thần thông và quỷ thần tuy có thực, nhưng
rất hữu hạn dù giúp chúng ta biết thời quá khứ hay vị lai chăng nữa,
thì cũng có thể biết trong một thời gian hết sức ngắn ngủi mà thôi,
làm thế nào mà biết hết tất cả mọi chuyện trong cuộc đời quá khứ
và vị lai vô cùng vô tận được. Do vậy cũng không thể thanh toán được
mọi nỗi nghi ngờ, vấn đề nhân quả ba đời vẫn tồn tại như cũ, không
giải quyết được.
Biện pháp của Phật giáo nhằm giải quyết vấn đề này,
không phải là dùng phép thần thông hay sức mạnh của quỷ thần, mà chỉ
dùng hai câu :
- "Dục tri quá khứ sự
- Kim sinh thọ giả thị
- Dục tri vị lai sự
- Kim sinh tố giả thị"
Nghĩa là "Muốn biết chuyện quá khứ, qua tình hình chịu
báo đời này thì rõ. Muốn biết chuyện vị lai, qua việc làm đời này
thì rõ".
Đời sống hiện tại là quá khứ của đời vị lai. Vị
lai của hiện tại là hiện tại của vị lai. Quá khứ của hiện tại là
hiện tại của quá khứ. Do đó điều quan trọng là phải hiểu thật rõ nắm
thật vững giờ phút của hiện tại tức là đồng thời nắm vững cả lý
nhân quả của ba đời rồi. Còn quay lại tìm hiểu quá khứ hay là tìm
cách biết trước vị lai, chỉ làm mất thời giờ hiện tại, gây rối rắm
và lãng phí giờ phút hiện tại, đã không ích gì cho hiện tại mà cũng vô
bổ cho tương lai.
Hiện tại gặp vận may chính là do trong quá khứ tạo ra
nhân lành. Hiện tại gặp điều bất hạnh, cũng chính là do trong quá khứ
đã gieo nhân ác. Vận may trong tương lai cũng chính là do trong quá khứ đã
làm điều lành cộng thêm sự cố gắng hiện nay, vận không may trong tương
lai cũng chính là do trong quá khứ đã gieo nhân ác và hiện tại do lười
biếng và tiếp tục làm ác. Vận mạng đều nằm trong quá khứ, hiện tại
và tương lai của mình đều do ở nghiệp ác hay thiện, siêng năng hay lười
biếng trong hiện tại mà nghiệp ác có thể chuyển biến, vận may cũng có
thể bị đánh mất.
Có người cho rằng vì không thấy được quá khứ và tương
lai, nên không tin là có chuyện quá khứ và tương lai. Thực ra, nếu nói
không thấy nên không tin là có thì trong hiện tại, có nhiều chuyện mắt
không thấy thì cũng không tin hay sao ? Tỉ dụ : Lịch sử dân tộc, gia phả
giòng họ, sự tích tổ tiên, ông bà v.v… đều ghi những chuyện rất ít
người được thấy, nhưng lẽ nào không tin ? Có mấy ai hiện nay được
thấy ông tổ, ông tằng của mình ?
Cái thân xác của bản thân mình được di truyền từ ông
tằng, ông tổ và sẽ được di truyền đến vạn đời con cháu sau này. Đó
là nhân quả ba đời của thân xác. Ngoài thân xác vật chất còn có linh hồn,
tinh thần hay thần thức (từ Phật giáo) lưu chuyển. Theo quan điểm duy vật
thì người chết như ngọn đèn tắt, ngoài vật chất ra, không có tinh thần.
Luận điểm duy vật đối với người bình thường dễ tạo ra tâm lý và
thái độ thiếu trách nhiệm với hành vi của mình, thậm chí dẫn đến những
hành vi tội ác giết người hay tàn sát hàng loạt vì lợi ích cá nhân hay
lợi ích đẳng cấp. Cho nên niềm tin ở luật nhân quả ba đời ở sự
lưu chuyển của thần thức là an toàn nhất. Nếu cả nhân loại mà có niềm
tin như thế, thì người người kính trọng nhau, nhường nhịn nhau, cùng tồn
tại, cùng phồn vinh. Nếu không tin như thế thì thiện ác không được phân
biệt, thế giới tương lai sẽ trở thành hỗn loạn, bất an.
22
- Quan điểm của Phật giáo đối với các vấn đề phong thủy, tướng mạng
[^]
Các nguyên lý xem tướng, xem sao, địa lý phong thủy có từ
rất sớm. Theo truyền thuyết của các nhà chiêm tinh học thì nguyên lý đó
có từ thời thái cổ, đồng thời với sự hình thành của trời đất,
vũ trụ. Quan điểm của Phật giáo là không khẳng định, không phủ định
thuật xem số mạng và phong thủy. Những thuật ấy cũng có một số đạo
lý nhưng không phải là đạo lý tuyệt đối, có thể tin nhưng không mê
tín, cũng có thể không tin, mà không tin cũng không gây ra tai nạn lớn gì.
Đức Phật Thích Ca cấm các đệ tử không được làm các
thuật xem sao, xem địa lý, bói toán, nhưng cũng không phản đối sự tồn
tại của các môn thuật đó.
Thuật chiêm tinh nói về các mối liên hệ giữa sự vận
hành của các thiên thể và vị trí trái đất chúng ta. Do có mối quan hệ
đó nên có sự biến đổi về khí hậu và thời tiết, phối hợp vị trí
địa lý hoàn cảnh cư trú của nhân vật, với ngày tháng năm sinh, rồi cộng
trừ chia mà thành nguyên tắc mang lý tám chữ của thời điểm sinh. Tỉ dụ
sinh năm ngưu vào mùa đông ở Phương Bắc thì vận mệnh sẽ không tốt,
vì ngưu sinh vào mùa đông mà lại ở phương Bắc lấy cỏ đâu mà ăn ? Nếu
sinh năm ngưu ở vào tiết xuân ở phương Nam, lại gần núi, gần sông thì
chắc chắn là vận mệnh tốt.
Thế nhưng theo quan điểm Phật giáo thì vấn đề họa, phú,
may mắn hay bất hạnh đều do nghiệp nhân thiện ác tạo ra từ đời sống
trước rồi đời này chịu quả báo. Lại cộng thêm sự nỗ lực hay chây
lười trong đời sống hiện tại mà thay đổi hoặc ảnh hưởng đến vận
mạng của đời này. Do nghiệp nhân khác nhau tạo nên trong đời trước mà
tiếp nhận hoàn cảnh khác nhau trong đời này. Cái gọi là hoàn cảnh bao
quát cả di truyền của cha mẹ, bối cảnh văn hóa, văn minh nuôi dưỡng và
giáo dục anh em họ hàng, thầy dạy, bạn bè và đồng nghiệp, tất cả đều
ảnh hưởng đến vận mạng của cả một cuộc đời. Dù cho nghiệp nhân
tạo ra ở đời trước là xấu, dẫn tới hoàn cảnh hiện tại nhưng nếu
có sự tu dưỡng về mặt nội tâm, chú ý luyện tập thân thể tốt, trau
dồi thêm ý thức mở mang trí tuệ thì vận mạng cũng sẽ biến đổi theo
chiều hướng tốt. Cho nên, xem tướng chỉ thuần túy dựa vào 8 chữ sinh
ra để phán đoán vận mạng một con người, là không có gì chắc chắn cả,
nhất là đối với người có dũng khí, có nỗ lực.
Mạng lý và tướng lý nên tách đôi ra. Mạng lý chỉ có
ý nghĩa đối với nghiệp nhân đời trước (tám chữ lúc sinh ra). Còn tướng
lý có giá trị từ sau khi sinh ra, tiếp thu phần tướng di truyền của cha
mẹ, bao gồm tướng mặt, tướng xương cốt, tướng của giọng nói, tướng
tay v.v… Mặt khác do sự rèn luyện hoặc buông thả do tình trạng sức khỏe
kể cả tâm lý có bình thường ổn định hay không khiến cho thần tướng
lúc sinh ra cùng với quá trình cuộc đời có sự thay đổi. Đó mới là sự
tổng hòa của tướng lý. Vì vậy mạng lý không thể chuyển được, còn
tướng lý có thể chuyển biến theo tùy thời, tùy tâm của mình. Do đó tướng
không có định mệnh, tất nhiên là có thể tin và có thể không tin.
Còn địa lý phong thủy là dựa vào ảnh hưởng của vị
trí các thiên thể và vị trí địa lý mà quyết định ảnh hưởng tốt
hay xấu, lợi hay hại đối với con người. Đó là thuộc về tự nhiên
và cũng có ý nghĩa thường thức. Thuận với tự nhiên là được thiên thời
là có lợi, trái với tự nhiên là bất lợi. Đó là khoa học tự nhiên,
là môn học mà triết gia gọi là hình nhi hạ.
Hiện nay, người ta lại dùng các căn cứ khoa học từ trường,
từ lực để giải thích các nguyên lý về địa lý và phong thủy. Điểm
tập trung của từ lực, phương vị thuận của từ trường, có lợi đối
với thân thể con người, cũng như đối với trạng thái tinh thần của
con người. Ngược lại là không lợi.
Trong phong thủy, thì phong là không khí, là hoạt lực đến
không trung còn thủy là nước là hoạt lực từ dưới đất, cần thiết
cho sự sinh trưởng của vạn vật. Có sự phối hợp của phong thủy, thêm
vào là vị trí địa lý thuận lợi để hấp thụ đầy đủ ánh sáng mặt
trời, phải chăng đó chính là ba yếu tố của sinh mạng là ánh sáng mặt
trời, không khí và nước ?
Ông Lý Dị Nồng, nhà địa lý học trứ danh đã nói phải
có sự phối hợp của 3 điều kiện là:
- -- Tích lũy phúc đức
- -- Tám chữ lúc sinh ra
- -- Địa lý phong thủy thì mới được phú quý và thọ mạng lâu dài.
Cái gọi là 8 chữ lúc sinh ra là mạng lý có từ đời trước. Tích lũy phúc
đức là sự tu dưỡng, cố gắng trong đời này, phong thủy địa lý chỉ
là một trong ba yếu tố. Nếu vận mạng xấu mà tâm lại ác hành vi không
chính đáng, phong thủy tốt thì dù cho tìm được vị trí địa lý, vị
trí này cũng sẽ bị nạn lụt hay nạn động đất phá hoại. Ông Nông lại
nói: "Ba phần phong thủy, bảy phần cố gắng". Ý muốn nói phong
thủy phải cộng thêm sự cố gắng của con người để cải tạo hoàn cảnh.
Theo quan điểm Phật giáo, địa lý, phong thủy tuy có đạo lý nhưng không
phải là đạo lý quyết định.
Xưa nay, các vị Tổ sư thường chọn nơi núi cao, rừng
sâu, đầm lớn để xây dựng Tùng lâm, bố trí Tăng chúng ở đó, sau này
trở thành những danh sơn, thắng cảnh. Đã gọi là danh sơn, thắng cảnh
thì chắc là địa lý phong cảnh phải tốt, tuy rằng các vị ấy chưa có
ý thức chuyên nghiệp về địa lý phong thủy. Họ có thể cải tạo địa
lý, thay đổi tự nhiên tuy rằng không dùng đến sức người. Như năm Dân
Quốc thứ 25 khi Hòa Thượng Hư Vân tu bổ lại chùa Nam Hoa của Tổ đình
Tào Khê đã xảy ra các hiện tượng tự nhiên như mưa lớn, sông đổi dòng
chảy.
Khi chọn địa điểm xây dựng nhà văn hóa Phật giáo ở
Đài Bắc, bản thân tôi tự mình xem xét cảnh và chọn địa điểm thích
hợp, sau đó mời các chuyên gia đến tham khảo ý kiến. Thấy người nào
cũng nói "tốt, tốt". Tôi là người không có trí thức về địa
lý, phong thủy mà chỉ biết về nguyên lý của vấn đề này thôi. Vì vậy,
tôi vừa không tin, vừa tin. Đối với bản thân, tôi thấy không cần phải
tin. Nhưng đối với quần chúng để họ khỏi thắc mắc nên phải mời
chuyên gia phong thủy đến để tham khảo ý kiến, điều này không có gì
là sai trái.
Trên thực tế, rất ít nhà địa lý tìm ra cho mình một địa
điểm phong thủy tốt, cũng có rất ít nhà chiêm ngưỡng dùng trí thức
và kinh nghiệm của mình để thay đổi số mệnh của mình. Vì vậy, các
Phật tử nên lấy Phật pháp giáo hóa chúng sinh làm căn bản, nếu lấy việc
bói sao, xem tướng, xem phong thủy làm sự nghiệp của mình thì sẽ lãng
phí thời gian, có hại cho việc tu học chính đáng.
23 -
"Niệm phật một tiếng, tội giảm như cát sông" câu này có đúng
không? [^]
Câu "Niệm Phật nhất nhanh, tội giảm hà sa" rút
ra từ trong kinh Pháp Hoa và được nói ra, theo quan điểm pháp tâm. Lý luận
giảm tội của Phật giáo khác với thuyết chuộc tội của đạo Gia-tô.
Đạo Gia-tô nói : "Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên thánh giá là để
chuộc tội cho mọi người, người nào tin ở Chúa Giê-su đều được miễn
tội, mà thành ra vô tội". Lại nói, không phải dựa vào hành vi thiện
hay ác để phán xét có tội hay không có tội. Một người được lên
thiên đàng hay không là do sự phán xét cuối cùng của Chúa. Vì vậy thuyết
chuộc tội của đạo Cơ Đốc có mâu thuẫn. Thượng đế đã vì tình thương
mà tạo ra con người, rồi lại chuộc tội cho tội nguyên thủy của loài
người, kết quả là chỉ có những người được thượng đế lựa chọn
mới được lên Thiên đường, số người còn lại đều phải xuống hỏa
ngục. Tình thương và xử phạt, thiện và ác không phải căn cứ trên
hành vi đạo đức của con người mà căn cứ vào quyền năng và uy thế của
Thượng đế. Cơ Đố giáo cường điệu người có đức tin sẽ được cứu
rỗi, về mặt luân lý, đạo đức có mâu thuẫn hay không thì không thành
vấn đề.
Phật pháp không phải như vậy. Đức Phật có thể cứu độ
chúng sinh bằng cách giác ngộ, chỉ bày cho chúng sinh bỏ ác làm lành, từ
thiện hữu lậu đến thiện vô lậu, tức là khởi đầu bằng việc đoạn
trừ mọi nghiệp nhân dẫn đến ba cõi khổ, rồi cố gắng tu phúc để
sinh thiên hay sinh làm người, đó là thiện hữu lậu. Rồi tu đạo Bồ Tát,
đạo thành Phật thành thiện vô lậu, tức là triệt để giảm tội. Kinh
nói : "Tội tình vốn không do tâm đạo, nếu tâm diệt thì tội cũng hết".
Tội là do tạo nghiệp ác mà thành, phải có ba điều kiện mới thành tội
: Một là tâm phạm tội, biết là phạm tội, biết rõ mình phạm tội. Tỉ
dụ : giết người, bày mưu giết người, biết là giết người đích xác
là giết người. Nếu thiếu một trong ba điều kiện ấy, thì không thành
trọng tội hay thành phạm tội. Quan trọng nhất trong ba điều kiện ấy là
ý niệm. Nếu không có mưu sát, cũng không biết là giết người thì dù
là có người bị giết, cũng không phạm giới sát. Cũng như người điên
cầm dao giết người, nhưng vẫn không phạm tội giết người.
Người niệm Phật, tâm hướng về Phật, chỉ một niệm
như vậy cũng vượt khỏi ba cõi. Nếu qua niệm thứ hai mà quên niệm Phật
thì vẫn còn ở lại ba cõi. Nếu tâm niệm Phật không có đứt đoạn thì
sẽ đoạn trừ được vô lượng nghiệp ác, tội báo, mãi mãi niệm Phật
thì sẽ không còn chịu quả báo trong ba cõi nữa.
Ý nghĩa của việc diệt tội là : Ở giai đoạn một, xa lìa
mọi nghiệp nhân ác; ở giai đoạn hai, không còn phải chịu quả báo nữa.
Không chịu quả báo cũng có hai ý nghĩa : Một là con người đã được giải
thoát tuy còn mang thân trong ba cõi, nhưng không còn cảm thấy khổ nữa, cho
nên cũng như không chịu quả báo. Nghĩa thứ hai là hạt giống ác nghiệp,
vì không có đủ nhân duyên, cơ hội nên không hiện hành được. Cũng như
hạt giống thực vật, đặt nằm phơi nắng trên đá lâu ngày, tất nhiên
sẽ bị khô héo, mất công năng đâm chồi nảy mầm.
24
- Mang nghiệp vãng sinh có phải là trốn nợ? [^]
Mang nghiệp vãng sinh là quan điểm của người tu pháp môn
Tịnh độ, nhưng không thấy có danh từ này trong các kinh điển về Tịnh
độ. Vì vậy, cách đây vài năm, có một cuộc bút chiến về chủ đề
"Tiêu nghiệp vãng sinh và mang nghiệp vãng sinh", của tu sĩ Du già Mật
giáo và người tu Tịnh độ. Nhưng, theo kinh "Quán vô lượng thọ"
và kinh "Vô lượng thọ" thì người phàm phu, tuy tạo nghiệp ác lớn,
nếu niệm danh hiệu Phật A-di-đà, hướng về Phật A-di-đà phát lời nguyện
lớn thì cũng được vãng sinh. Vì vậy mà giới Tịnh độ ở Trung Quốc
đề xướng thuyết "Mang nghiệp vãng sinh".
Bình thường mà nói, thì các vị Bồ Tát, do sức mạnh lời
nguyện của mình mà xuất hiện ở thế gian để cứu độ chúng sinh, còn
phàm phu thì do nghiệp lực mà phải xuất hiện ở thế gian để chịu quả
báo. Trong khi chịu quả báo lại liên tục tạo nghiệp, dù là tạo nghiệp
thiện hay ác đều không thể ra khỏi ba cõi. Tạo nghiệp ác lớn thì bị
đọa vào đường ác. Tạo nghiệp thiện lớn thì sẽ sinh lên cõi trời hưởng
phúc ở đấy. Nếu vừa tạo nghiệp thiện vừa tạo nghiệp ác thì vừa
có thể sinh làm người hay làm quỷ thần, vừa được phúc báo, vừa chịu
khổ báo. Chỉ có những người tu hạnh giải thoát thanh tịnh ngoài việc
giữ 5 giới, tu mười điều thiện ra, còn tu định, tu huệ, đoạn trừ hết
phiền não mới có thể ra khỏi sinh tử, mãi mãi vượt qua ba cõi.
Phép tu Tịnh độ là một phương tiện thuận tiện có thể
dựa vào sức mạnh thệ nguyện của Phật A-di-đà mà giải thoát khỏi 3
cõi. Những người có niềm tin sâu sắc mà phát nguyện vãng sinh về cõi Tịnh
độ thì dù có phạm trọng tội, làm vô số các nghiệp ác cũng có thể
vãng sinh về cõi Cực lạc, sau đó nhờ nghe pháp lâu dài, nhờ có hoàn cảnh
thuận tiện chẳng những không còn tạo nghiệp ác nữa, mà qua một thời
gian dài làm cho các hạt giống ác nghiệp dần dần bị khô héo, cằn cõi
đi. Đó là lý luận "Đeo nghiệp ác".
Tất nhiên ở cõi Tịnh độ Tây phương, tu chứng được
quả Thánh rồi sẽ trở lại cõi Sa-bà này, hiện nay nhiều nhân tướng khác
nhau, để độ chúng sinh. Bậc Thánh ấy có thể thác vào thai mà sinh, cũng
có thể biến hóa mà sinh. Nếu là khai sinh, thì mang thân thế và chịu
hoàn cảnh như các chúng sinh khác, cũng chịu mọi sự đau khổ bức bách.
Đối với chúng sinh mà nói đó là thuộc về nghiệp báo. Nhưng các bậc
Thánh đó tuy vẫn chịu thọ báo, nhưng không lấy đó làm khổ. Cho nên tuy
mang nghiệp vãng sinh, nhưng không phải là trốn nghiệp, tuy chịu quả báo
nhưng rất khác với chúng sinh phàm phu. Như vậy có thể thấy, nếu không
vãng sinh Tịnh độ thì sẽ bị lưu chuyển mãi trong bể khổ sinh tử luân
hồi, tạo nghiệp báo rồi chịu báo, tạo nghiệp báo rồi chịu báo, tạo
nghiệp tuần hoàn mãi mãi. Còn được vãng sinh Tịnh độ thì mang nghiệp
mà đi tiêu nghiệp trở về, rồi lại trở lại thế gian mà chịu báo. Nhưng
chịu ở đây chỉ là hiện tượng không phải là thực chất. Cho nên, dù
có tin thuyết "Đeo nghiệp vãng sinh, thọ báo để tiêu nghiệp" cũng
không hại gì. Nhưng không thể so sánh việc phàm phu tạo nghiệp thọ báo,
với việc chủ động, phát nguyện tái sinh, chịu báo để độ chúng sinh.
Một bên là chủ động, một bên là bị động.
Có một loại lý luận Mật giáo, cho rằng nhờ thực hành
phép tu bí mật, hay nhờ sự gia hộ của bậc đại tu hành nên có thể lập
tức tiêu mọi nghiệp chướng, đạt tới chỗ thân tâm thanh tịnh, vãng
sinh sang nước Phật. Thuyết này tương tự như phép chuộc tội, miễn tội,
thế tội của tôn giáo thần quyền, không phù hợp với thuyết nhân quả
nhà Phật.
25.
Thế nào gọi là "niệm Phật nhất tâm bất loạn"? [^]
Câu "Nhất tâm bất loạn" có ở trong kinh A-di-đà.
Trong kinh "Di giáo" cũng có nói tới "Chế ngự tâm tại một nơi
thì không có việc gì là không làm được". "Nhất tâm bất loạn"
là thuộc về một pháp môn của tu định, lại gọi là "Niệm Phật
tam muội" hoặc gọi là bát châu tam muội hoặc là nhất hạnh tam muội.
Trong kinh "Hoa Nghiêm" quyển 6, phẩm "Nhập pháp giới" có
nói đến 21 loại niệm Phật tam muội. Kinh A-di-đà thì nói nếu một ngày
hoặc trong bảy ngày liên tục mà chuyên trì niệm danh hiệu Phật A-di-đà
đến mức "Nhất tâm bất loạn" thì lúc lâm chung có thể vãng
sinh đến nước Cực-lạc Tây phương.
"Nhất tâm" là đối với tâm tán loạn mà nói. Nếu
một mặt miệng thì niệm danh hiệu Phật, mặt khác trong lòng có nhiều vọng
tưởng thì đó là niệm Phật tâm tán loạn. Nếu niệm Phật mà niệm đến
mức tâm với miệng khớp với nhau không có rối loạn, danh hiệu của Phật
được niệm liên tục kế tiếp nhau, đến mức không niệm mà tự niệm !
Đó là như kinh "Lăng Nghiêm" đã nói "Tịnh niệm tương kế"
(ý niệm liên tục không gián đoạn).
Căn cứ vào đại sư Liên Trì cuối đời nhà Minh thì
"Nhất tâm" có thể chia thành : "Sự nhất tâm", "Sự
nhất tâm và lý nhất tâm" là tâm không có tạp niệm, tâm và miệng tương
ứng với nhau, chỉ có niệm danh hiệu Phật. Tự mình biết rằng mình
đang niệm Phật, biết rằng có danh hiệu Phật đang niệm, đó là nhất
tâm niệm Phật, hoặc là toàn thân niệm Phật. Do chuyên tâm niệm Phật
nên có thể đạt tới điều mà Thiền tông gọi là "công phu thành phiến".
Cái gọi là "lý nhất tâm" tức là tâm tương ứng với lý, tự thấy
được pháp thân của A-di-đà tức là tự tánh, Tây phương không tách rời
mình một tấc. Đó là cảnh giới hiện ra trước mặt "tự tánh Di-đà
duy tâm Tịnh độ". "Sự nhất tâm" thuộc về mức độ thiền
quán thiền định. "Lý nhất tâm" thuộc về trình độ thiền ngộ.
Đó là kết quả của việc tu hành song đôi cả tịnh độ và thiền định.
Lấy việc niệm Phật của tịnh độ để nhập môn đạt đến mục đích
tam muội rồi giác ngộ, giải thoát.
"Nhất tâm bất loạn" là muốn chỉ chuyên tâm nhất
ý. Khi niệm Phật, phải trói buộc cái tâm mình vào danh hiệu Phật, miệng
niệm danh hiệu Phật, tai nghe tiếng niệm Phật, "tâm chẳng dùng
hai", đó gọi là nhất tâm. Và như vậy thì khi lâm chung có thể vãng
sinh lên cõi Tịnh độ.
26.
Người niệm Phật thấy tướng tốt thì làm thế nào?[^]
Pháp môn niệm Phật thuộc pháp môn tự tướng. Sự xuất
hiện của kinh "Quán vô lượng thọ" là do khi Đức Phật còn tại
thế, Thái tử A-xà-thế chiếm ngôi Vua, bắt giam Vua cha là Tần-bà-sa-la
cùng với mẹ là Bà Vi-đề-hi. Bà Vi-đề-hi ở trong tù cầu mong được Phật
Thích Ca đến thuyết pháp. Cảm thông được điều đó, Đức Phật với
phép thần thông làm cho Bà Vi-đề-hi thấy được các cõi Tịnh độ của
chư Phật 10 phương. Bà Vi-đề-hi chọn cõi Cực-lạc của Phật A-di-đà.
Phật bèn giảng cho bà 16 pháp môn tu trì để được vãng sinh sang cõi Cực-lạc.
Bà Vi-đề-hi cùng với 500 thị nữ theo hầu bà đều được chứng Vô sinh
pháp nhẫn và đều được vãng sinh qua cõi Cực-lạc.
Cuốn kinh ấy giới thiệu Tịnh độ của Phật A-di-đà có
9 cấp vãng sinh. Khi mệnh chung, không kể là vãng sinh theo đẳng cấp nào
đều được thấy Phật cũng tướng tốt hiện ra trước mặt mình như Phật,
Bồ Tát, đài sen v.v… Cho nên trong quá trình niệm Phật mà thấy được các
tướng tốt lành như các cảnh đẹp cõi Tịnh độ là chuyện bình thường.
Kinh "Địa Tạng" có kể chuyện Bồ Tát Địa Tạng
ở một kiếp trước là một thiếu nữ tên là Quang Mục, nhờ niệm danh
hiệu Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục (Mắt hoa sen thanh tịnh) và lập bàn thờ
cúng dường mà nằm mộng thấy Phật, phóng hào quang rực rỡ, và nghe lời
Phật giảng. Lại ở kiếp trước Bồ Tát Địa Tạng là một phụ nữ
Bà-la-môn, muốn độ thoát cho mẫu thân mà cúng dường tượng Phật Giác
Hoa Định Tự Tại Vương, được nghe Phật từ hư không giảng pháp khuyến
cáo về nhà ngồi thẳng người nghĩ tới danh hiệu Phật, qua một ngày đêm,
thì sẽ xuống được địa ngục để gặp mẫu thân. Câu chuyện này chứng
tỏ có thể nhờ sám hối mà thấy được Giác Hoa Định Tự Tại Như Lai,
đó là điềm lành của sự giảm tội.
Nếu ngày thường niệm Phật, không nhằm mục đích thấy
điều lành mà điều lành tự hiện có thể là tốt, cũng có thể không phải
là tốt lắm. Thấy điềm lành có thể làm tăng thêm lòng tin, vì tự mình
có thể nghiệm và cảm thọ. Nhưng nếu vì cầu được điềm lành mà niệm
Phật thì cái tâm niệm Phật đó chưa phải thật là trong sáng và điềm lành
xuất hiện có thể là do tâm trạng hoảng hốt mà sinh ra.
Khi tâm lý bị kích thích, đầu óc quá bị mệt nhọc và
mong chờ nên rất dễ sinh ra ảo tưởng, nhẹ thì mắc bệnh tâm thần, nặng
thì có thể bị điên loạn, cho nên phải cẩn thận.
Lại có lòng thành cầu mong mà sinh ra cảm ứng, nên sinh ra
huyễn cảnh điềm lành, và có thể do phát tâm không chân chính, tâm ý
không thanh tịng mà bị ma quấy nhiễu.
Do vậy, đối với người Phật tử có chính tín, thì mục
đích niệm Phật không phải để cầu được thấy điều lành, như hào
quang, hoa đẹp, mùi hương thơm, thấy cảnh giới ở Cực-lạc, thấy Phật
và Bồ-tát. Người Phật tử chỉ giữ cho lòng không có ham trước, tâm
không điên đảo và nhất tâm niệm Phật. Đó chính là cách niệm Phật an
toàn nhất.
Còn nếu khi lâm chung mà thấy điềm lành thì đó là do cảm
ứng mà được, chứ không phải là do tưởng tượng, ở chương sau sẽ nói
rõ vấn đề này.
Nếu khi niệm Phật mà điềm lành cứ xuất hiện luôn thì
đó không phải là chuyện hay, bởi vì sẽ không thể chuyên tâm niệm Phật
được, khiến người ta tách rời Phật pháp rồi biến thành công cụ của
người ngoại đạo, công của quỷ thần muốn dùng làm phương tiện để
thi thố quyền năng. Nếu bản thân mình không có khả năng phân rõ chính
tà thì có thể gác bỏ vấn đề sang một bên và tập trung toàn bộ sự
chú ý vào việc niệm Phật, điềm lành tự nhiên sẽ biến đi. Còn nếu
điềm lành cứ bám mãi không tha, thì nên mời các vị cao tăng, đại đức,
cư sĩ đến chỉ giáo giúp đỡ.
27 -
Khi mệnh chung, thấy điềm lành có phải là triệu chứng giải thoát không
? [^]
Có thể là giải thoát, nhưng đa số trường hợp là không
phải. Nói điềm lành hiện ra lúc mệnh chung là chỉ mùi hương lạ, có
thiên nhạc, có ánh hào quang, có hình ảnh Phật, Bồ Tát hiện ra, có chim
thú kêu, hoa bỗng nhiên nở rộ, cây cỏ biến sắc, mây gió biến đổi, có
tiếng chớp, thân thể người mệnh chung mềm mại, sau hỏa táng còn lại
ngọc xá v.v… Tất cả những tướng phúc đức đó do tu thiện tích đức
mà thành. Khi còn sống, làm người chính trực hay bố thí, khi chết hay xuất
hiện điềm lành, sau khi chết có thể trở thành thần linh có phúc lớn.
Nếu vừa có tội, vừa có phúc, nhưng phúc nhiều hơn tội
thì có thể làm quỷ với uy lực lớn. Nếu ít tham, sân có nhiều phúc đức,
thì tái sinh làm loài trời ở dục giới. Nếu tu hành Phật pháp, coi trọng
cả ba môn học Giới, Định, Tuệ thì dù chưa thoát khỏi được ba cõi cũng
được sinh lên cõi trời Đao-lợi của Dục giới hay là 5 cõi trời Tịnh-cư-thiên
của sắc giới. Sau khi lên cõi trời rồi có thể gặp Phật, nghe pháp,
cúng dường chư Phật 10 phương, cùng tụ hội một nơi với các bậc Đại
Bồ Tát, dần dần sẽ thoát khỏi 3 cõi, giải thoát sống chết. Nếu là
người thọ trì 5 giới, tinh tiến niệm Phật, một lòng hướng về cõi Cực-lạc
thì khi mệnh chung, sẽ được vãng sinh về cõi Cực-lạc. Tất nhiên, mười
phương thế giới có vô lượng cõi Phật, cầu vãng sinh ở đâu cũng được
toại nguyện.
Như chúng ta thấy, chỉ cần khi làm người tu phúc làm
lành là có thể không đọa vào ba cõi ác, được tái sinh làm người hay lên
cõi trời, khi mệnh chung, thường xuất hiện ít nhiều điềm lành. Có những
điềm lành chỉ người đương sự thấy mà thôi, nhưng cũng có điềm lành
mà nhiều người thấy được, thậm chí có thể chụp ảnh được, ghi âm
được, khiến cho người chứng kiến tăng thêm lòng tin.
Còn thân thể người chết mềm mại, sắc mặt như khi còn
sống, tất nhiên đó là điềm lành sẽ tái sinh lên các cõi trời. Nhưng
cũng có khi do sức mạnh thần linh biểu hiện ra chứ không phải do công đức
người chết. Sức mạnh đó có thể hiện thành uy quyền to lớn khiến nhiều
người tin theo và sùng bái. Về các loại điềm lành khác thì có thể suy
ra mà hiểu.
Về nguyên tắc thì điềm lành không phải là chuyện xấu,
vì có thể khuyên mọi người bỏ ác làm lành. Nhưng không nên hiểu điềm
lành xuất hiện là triệu chứng của giải thoát. Giải thoát là thuộc về
tướng của tâm, chứ không phải tướng của vật. Vật tướng thuộc về
tướng của tâm, chứ khi đạt tới trong tâm không còn tướng, không còn vật
mới là giải thoát. Kinh Kim Cương có câu "Phàm là tướng, đều là hư
vọng". Giải thoát là ly tướng, không chấp tướng. Trong lòng đã
không có tướng, thì ở bên ngoài có hay không có điềm lành không quan trọng.
Nhưng cũng không thể nói rằng khi mệnh chung xuất hiện
điềm lành là có thể chưa được giải thoát. Như Phật Thích Ca khi nhập
Niết-bàn cũng có điềm lành xuất hiện, các bậc Cao-tăng, Đại-đức qua
các đời, khi viên tịch cũng hiện ra nhiều điềm lành. Đó không phải
là do tự họ hiện ra điềm lành, mà là do các vị thần linh, hộ pháp
bày tỏ lòng hoan hỉ thương tiếc có người giải thoát, thương tiếc người
được giải thoát sắp đi xa. Điềm lành phần lớn là do sức mạnh của
các thần linh hiển hiện, tuy có quan hệ với người sắp chết, nhưng không
phải trọng yếu. Điềm lành xuất hiện tuy có tác dụng làm tăng thêm
lòng tin đối với người khác, nhưng không thể khẳng định đó là triệu
chứng của giải thoát. Ngược lại, khi lâm chung, xuất hiện điềm xấu,
thì không nhất định là không được giải thoát. Thí dụ các bậc đại
A-la-hán như Mục-Kiền-Liên, Ưu-Đà-Di, Liên-Hoa-Sắc v.v…. bị người ta
đánh chết, thậm chí bị vứt bỏ vào hố phân. Đó là do nghiệp báo của
đời trước, chứ không có liên quan gì đến cảnh giới giải thoát thuộc
đời hiện tại của họ.
28 -
Làm thế nào để phân biệt ma cảnh với sự tiếp dẫn lúc lâm chung ? [^]
Kinh Kim Cương có câu : "Phàm là có tướng, đều là hư
vọng". Đó là vì thực tướng là không có tướng, cho nên cõi Tịnh
độ thuộc lĩnh vực nội tâm, chứ không phải thuộc về ngoại giới. Đó
là cõi Tịnh độ của loài người và loài trời, chứ không phải là các
cõi Phật siêu việt ngoài ba cõi.
Vì vậy, từ xưa các bậc đại-đức cho rằng cõi Cực-lạc
của Phật A-di-đà là cõi phương tiện, là nơi phàm tính cũng ở, chứ không
phải là cõi Phật thực sự. Nhưng vào đời nhà Đường có đại sư Thiện
Đạo cho rằng, cõi Cực-lạc phương Tây hình thành trên cơ sở lời nguyện
của Phật A-di-đà là cõi nước thực báo trang nghiêm của Phật. Người
phàm phu nếu không tu hành chứng được thực tướng vô tướng để vào
cõi nước thực báo của Phật thì vẫn có thể dựa vào sức mạnh lời
nguyện của Phật A-di-đà, mang theo nghiệp mà vãng sinh đến cõi Cực-lạc,
nhưng không thấy được báo thân của Phật và chỉ thấy được hóa thân
của Ngài mà thôi. Như vậy tức là ngay trong cõi thực báo vô tướng của
Phật vẫn có tướng hóa thân.
Còn về vấn đề Phật và Bồ Tát tiếp dẫn người vãng
sinh thì đó là có tướng. Mà đã có tướng thì là hư vọng, và đã là hư
vọng thì cầu vãng sinh để làm gì ? Đó là vì nếu không vãng sinh thì sẽ
phải ở lại cõi đời ô trọc này, không tránh khỏi tạo nghiệp làm ác.
Hoàn cảnh ở cõi Sa-bà rất ác liệt, lành ít dữ nhiều như mẹ Mạnh Tử,
phải ba lần dời chỗ con mình mới có hoàn cảnh giáo dục tốt. Đạo lý
cầu vãng sinh Tịnh độ cũng là như vậy.
Làm thế nào để phân biệt Phật, Bồ Tát đến tiếp dẫn
với cảnh ma quấy rối? Chỉ có thể phân biệt vấn đề này trong cuộc sống
bình thường hàng ngày, chuyên tâm niệm danh hiệu Phật A-di-đà, nguyện
vãng sinh về cõi Cực-lạc, lại kiêm tu phúc, giữ giới, tu định, tu tuệ,
thì tự nhiên khi lâm chung sẽ được Phật A-di-đà, Bồ Tát Quan Thế Âm
và Thế Chí đến tiếp dẫn. Ngược lại, nếu nhận thức lầm cõi nước
Cực-lạc của Phật A-di-đà cũng là cõi nước ô trọc, dơ bẩn, xem Phật
A-di-đà cũng là một loại quỷ thần bao che tội ác cho mình, với lòng
tham cầu sinh ở Tây phương, với lòng sẵn giận ghét cõi Sa-bà này, với
cái tâm ngu si luyến tiếc những vật ngoài thân của mình : vợ con, cha mẹ,
quyến thuộc tài sản, sự nghiệp, địa vị, tuy lúc lâm chung muốn cầu
được đến nước Cực-lạc thì bản ý đã trái ngược với bản nguyện
của Phật A-di-đà rồi nên đến khi đó rất có khả năng là ma quỷ hiện
hình Phật, Bồ Tát để lừa dối họ. Trong trường hợp này, biện pháp
duy nhất có thể dùng là mời các vị thiện tri thức có duyên với mình
đến giúp đỡ, khai ngộ, niệm Phật, tạo trợ duyên lành xua đuổi ma quỷ
đến quấy phá.
29.
Thân trung ấm là gì ? [^]
Trung ấm cũng gọi là trung uẩn, hay trung hữu. Sách Phật gọi
ấm hay uẩn là chỉ sắc, thọ, tưởng, hành, thức (5 uẩn). Năm uẩn hay
năm ấm là năm nhóm nguyên tố tạo thành chúng sinh trong ba cõi. Ấm là từ
dịch cũ, từ đời nhà Đường trở về trước. Uẩn là từ dịch mới
sau đời Đường. Chúng sinh trong ba cõi cũng gọi là 25 hữu. Hữu (tồn tại)
chính là năm uẩn. Vì bị năm uẩn làm cho nguy khốn, hạn chế nên không vượt
khỏi ba cõi. Giải thoát khỏi vòng sinh tử tức là vượt khỏi ba cõi của
năm uẩn.
Trong dân gian Trung Quốc có câu "Vượt ra khỏi ba cõi,
không còn ở trong năm hành". Câu này đổi khái niệm uẩn của Phật
giáo thành năm hành : kim, mộc, thủy, hỏa, thổ (ngũ hành). Thật ra ngũ hành
tương sinh tương khắc thuộc về thế giới vật chất (tương sinh và xung
khắc nhau). Sắc uẩn trong năm uẩn của Phật giáo bao quát cả năm hành rồi.
Bốn uẩn còn lại thuộc thế giới tinh thần. Sự kết hợp tinh thần với
vật chất tạo ra hiện tượng hoạt động của chúng sinh trong ba cõi.
Theo luận "Câu xá", quyển mười thì thân trung ấm
chữ Phạn có năm nghĩa: ý sinh thân, cầu sinh, ăn hương liệu, trung hữu,
sinh khởi.
Ý sinh thân là do tâm ý cầu có tái sinh thân. Cầu sinh là
thường xuyên tìm kiếm nơi có thể tái sinh. Ăn hương liệu là tự duy
trì mình nuôi sống mình bằng các món ăn thơm tho mình ưa thích. Trung hữu
là ở vào thời gian quá độ giữa chết và tái sinh. Khởi là xuất hiện
sau khi thân đời sống trước chết đi.
Thân trung ấm có phúc báo tốt thì được ăn loại hương
liệu tốt. Thân trung ấm "vô phúc" thì phải tự nuôi dưỡng bằng
thức ăn hôi thối. Nói chung, thân trung ấm thấy được những sự vật mà
mắt thịt của người sống không thấy được.
Về thân trung ấm tồn tại bao lâu thì có nhiều thuyết
khác nhau. Có thuyết nói thân trung ấm tồn tại cho tới khi nào tái sinh,
dù lâu bao nhiêu cũng gọi là thân trung ấm. Có thuyết nói thân trung ấm
chỉ tồn tại có bảy ngày, chết rồi mang một thân trung ấm khác, cho đến
khi tái sinh rồi mới thôi.
Thuyết được nhiều người chấp nhận nhất là thuyết của
"Đại tỳ bà sa luận", cho rằng thân trung ấm chỉ tồn tại trong
49 ngày. Vì vậy mà có tục lệ làm Phật sự như cúng trai, bố thí, làm
công đức để siêu độ vong linh trong thời gian 49 ngày sau tang lễ. Cúng
vong linh 49 ngày trở thành một truyền thống tín ngưỡng Phật giáo.
Thực ra, chúng sinh trong ba cõi sau khi chết đều trải qua một
thời kỳ của trung ấm, trước khi tái sinh vào một thân khác. Chỉ có
chúng sinh ở cõi vô sắc giới thường xuyên ở trong cảnh thiền định,
không có sắc uẩn, nên không có thân trung ấm. Theo Kinh "Đại bảo tích"
quyển 56 (Hội nhập thai tạng), thì thân trung ấm của chúng sinh từ địa
ngục có dung mạo xấu xí như củi khô bị thiêu cháy. Thân trung ấm của
chúng sinh chuyển từ loài súc sinh có dung sắc như khói đen. Thân trung ấm
của chúng sinh chuyển từ giới quỷ đói có dung sắc như nước, thân
trung ấm của chúng sinh cõi người và cõi trời có dung sắc màu vàng,
thân trung ấm của chúng sinh chuyển từ cõi sắc giới có màu trắng đẹp.
Do vậy, hình trạng của thân trung ấm có thể có hai tay, hai chân bốn
chân, nhiều chân hay không có chân đều do hình tướng của chúng sinh ở
đời trước mà hình thành. Luận "Câu xá" quyển 9 cho biết, thân
trung ấm của người thuộc dục giới có thân như của cậu bé 5, 6 tuổi,
thân trung ấm của vị Bồ Tát ở cõi dục giới có thân như thân của người
tráng niên với tướng mạo đẹp đẽ, khi nhập thai và sinh ra đều có
hào quang chiếu sáng. Thân trung ấm của cõi trời thuộc sắc giới có
thân hình tròn đầy như khi còn sống. Theo "Đại thừa Nghĩa
Chương" quyển 8, chúng sinh ở hai cõi dục giới và sắc giới nói
chung đều có thân trung ấm. Chỉ riêng loại chúng sinh thượng thiện (thiện
bậc cao) hay chúng sinh cực ác, sau khi chết hoặc vãng sinh Tịnh độ, hay là
chết có thân trung ấm. Chúng sinh phạm tội ngũ nghịch bị đọa ngay cõi
ác, không có thân trung ấm.
Lại theo cuốn "Giải thích các mối nghi ngờ về vãng
sinh Tịnh độ" quyển 2, cũng có hai cách giải thích : Một là vãng
sinh Tịnh độ không có thân trung ấm vì sau khi chết lập tức hóa sinh
vào cõi thanh tịnh nên có thân trung ấm. Nhưng thân trung ấm đó vượt mười
vạn ức Phật độ, chỉ trong thời gian búng ngón tay, và trung ấm đó được
nuôi dưỡng bằng hương thơm cõi Phật.
Như vậy, căn cứ vào kinh luận đã dẫn trên đây, tất cả
chúng sinh ở cõi dục giới và sắc giới, ngoài những chúng sinh cực thiện
hay cực ác ra, đều có thân trung ấm. Trong giai đoạn thân trung ấm, chúng
không thuộc bất cứ một cõi sống nào. Nhưng khi đã có nhân duyên chín
muồi thì chúng tái sinh, hoặc theo hình thức thai sinh hay hóa sinh v.v…
Nhưng trước khi tái sinh vẫn có phương pháp giúp cho có thể
tái sinh theo hướng tốt. Các phương pháp đó là được nghe Phật pháp,
có người thân vì mình mà bố thí, cúng dường, làm công đức v.v… có
thể ảnh hưởng tới hướng đầu sinh của thân trung ấm. Ngược lại, nếu
gây oán hoặc nghiệp chướng nặng nề, lại do tác động xấu của người
thân hay kẻ thù, thân trung ấm có thể vì đó mà đọa vào con đường
ác. Vì vậy, mà Phật giáo ở Tây Tạng rất chú ý biện pháp siêu độ thân
trung ấm. Hiển giáo cũng chú trọng hộ niệm và siêu độ trong vòng 49
ngày. Còn Phật pháp cứu độ thân trung ấm thì nên mời thân trung ấm
nghe Phật pháp, rũ bỏ mọi oan kết trong tâm của thân trung ấm, giảm bớt
phiền não, lấy sức mạnh của Phật pháp khiến cho quỷ thần có duyên
được hoan hỉ v.v… Nhờ tất cả những công đức ấy mà kết thiện
duyên, giúp cho thân trung ấm được siêu độ.
Còn đối với những người thượng thiện hay cực ác
không có thân trung ấm thì cũng dễ hiểu. Cũng như người học giỏi, tốt
nghiệp xong, có thể cử đi học nước ngoài ngay hoặc là có cơ quan, xí
nghiệp mời ra làm việc ngay, không phải chờ đợi thu xếp công tác. Trái
lại, có người sống làm nhiều điều ác, lúc chết, tái sinh làm gia súc,
làm bò, làm gà, dê rồi nhất định sẽ bị giết thịt. Nếu tích đức làm
thiện, có niềm tin sâu sắc, có sức phát nguyện kiên cường thì nhất định
không phải lo sợ đọa vào ba cõi mà có thể vãng sinh Tịnh độ. Đối với
người tu hạnh Bồ Tát cũng vậy, dù có vãng sinh Tịnh độ hay ở cõi
Sa-bà, thì khi lâm chung, không có chuyện bàng hoàng chờ đợi mà lập tức
hóa sinh ở các cõi Phật hay là tái sinh vào các cõi lành để tiếp tục
tu hạnh Bồ Tát, không cần có thân trung ấm, cũng không cần có ai tổ chức
siêu độ cho mình.
30–
Thuyết anh linh (trẻ con chết non) gây họa có căn cứ không ? [^]
Mấy chục năm lại đây, ở Đài Bắc cũng như ở các khu
vực khác có người Hoa ở đã lưu hành truyền thuyết tín ngưỡng Anh
Linh. Anh Linh là linh hồn trẻ con chết do người mẹ bị lưu sản, hoặc chết
trong bụng mẹ, hoặc lọt lòng mẹ vài ngày rồi chết. Người ta cho rằng
nếu anh linh không được siêu độ, thì nó sẽ dùng nhiều phương thức,
hiện tượng để làm hại thân thuộc, báo oán với người nó có oán thù
v.v… làm cho gia đình bất an, xã hội khủng hoảng. Tất cả những điều
đó đều là những hậu quả, những gánh nặng tinh thần sinh ra từ sự tiết
dục, từ việc người phụ nữ có mang trước khi kết hôn hoặc không kết
hôn.
Vì vậy mà có một số nhân sĩ liên tục đăng quảng cáo
trên báo chí về việc cúng dường anh linh, siêu độ anh linh để trừ bỏ
mọi chướng ngại, nguy hiểm do anh linh gây ra và dẫn chứng cuốn sách
"Trường thọ kinh". Lại có người tuyên bố có thể dùng phù chú
biến anh linh thành lính trẻ con để dùng làm thám tử đi dò la chuyện
riêng tư của người khác, cung cấp tin tức thậm chí có thể sai kiếm
lính trẻ con giết người ở ngoài ngàn dặm mà không để lại dấu vết
gì. Loại truyền thuyết như vậy, tất nhiên không phải là của đạo Phật,
cũng không phải là loại tín ngưỡng đã từng lưu truyền ở một thời
đại lịch sử nhất định hay một khu vực nhất định.
Từ khi thuyết anh linh được lưu truyền đến nay, ngoài
cha mẹ và gia đình của những phụ nữ bị lưu sản gặp khó khăn, cũng có
một số người gặp phải một vài hiện tượng kỳ dị về tinh thần hay
vật chất, bèn nghi ngờ đó là quỷ thần can thiệp hay là anh linh tác
quái, tựa hồ trong không gian sống của chúng ta nơi nào cũng có anh linh chờ
cơ hội để ra tay, làm hại người. Thật ra, theo quan điểm Phật giáo, mọi
người đều bình đẳng, sinh mạng của người tuy có dài, có ngắn, nhưng
chết rồi ai cũng giống nhau, người lớn hay trẻ con sau khi chết đều có
thân trung ấm. Sau 49 ngày, họ đều chuyển sinh, hoặc làm người, hoặc lên
cõi trời, hoặc làm quỷ thần, làm chúng sinh ở địa ngục, không có chuyện
anh linh của trẻ con chết, tác oai tác quái giữa loài người.
Đúng là có một số người loạn tưởng thấy gà hóa quốc
cho rằng bản thân đã thấy hiện tượng oan hồn của anh linh nên luôn bị
ám ảnh. Nhưng đó chủ yếu là do nhân tố tâm lý tạo nên. Cho dù có thần
lực từ bên ngoài quấy phá cũng không thể khẳng định đó là do anh linh
tác quái.
Người ta lo sợ đối với thuyết anh linh có thể là do
quan điểm tâm trạng thiếu nhi. Trẻ con không hiểu biết thì hài nhi lại
càng không biết, khi nó làm ồn thì cha mẹ la. Nếu hài nhi suốt ngày
khóc, đêm không ngủ mà lại không phải vì bụng đói thì phải có người
bế nó, săn sóc, vỗ về nó. Giả sử có chuyện anh linh quấy nhiễu, thì
anh linh đã không biết gì, dù có tụng kinh, thuyết pháp nó cũng không hiểu,
không cảm hóa được nó.
Trước tình hình đó, có một số kẻ đầu cơ trục lợi,
rêu rao rằng họ có pháp thuật siêu độ đặc biệt có thể giải quyết
vấn đề anh linh. Theo kinh Phật thì chúng sinh từ khi chết cho đến lúc
tái sinh, trải qua giai đoạn thân trung ấm, hình thù giống như khi còn sống,
nhưng có phần nhỏ hơn. Hài nhi vốn đã không biết gì, thân trung ấm của
hài nhi làm sao mà trả cừu trả oán được. Thậm chí, kết thúc giai đoạn
thân trung ấm, hài nhi có thể tái sinh làm quỷ thần và thường có thần
thông, thân thể nhẹ nhõm, rất dễ dàng cảm ứng và cảm hóa. Do vậy,
tuyệt đối không được xem hài nhi sau khi chết như những hung thần ác quỷ.
Theo tri thức phổ thông của đạo Phật thì dù người già
hay trẻ, tuổi nhiều hay ít, sau khi chết, họ hàng thân thích nên tổ chức
cúng dường Tam Bảo, cầu cho vong linh người chết được sinh vào cõi
lành hay vãng sinh Tịnh độ. Không có pháp môn riêng biệt nào dành riêng
để siêu độ cho vong linh hài nhi và trẻ con chết.
Còn cuốn "Phật thuyết trường thọ kinh" kể chuyện
Phật thuyết cho một phụ nữ, do vấn đề gia đình mà giết đứa con mình
đã hoài thai 8 tháng. Phật nói với bà ta : "Tội sát thai cũng nặng
như tội giết cha, mẹ, giết La hán, làm Phật chảy máu và phá hòa hợp Tăng
vậy. Muốn sám hối tội thì phải thọ trì cuốn "Trường thọ
kinh" này, hãy chép lại, đọc tụng, hoặc tự mình chép, hoặc nhờ người
chép, như vậy sẽ không chịu tội báo mà còn được sinh ở cõi Trời Phạm
Thiên". Kinh này cũng không nói đến vấn đề siêu độ anh linh. Cuốn
kinh nhấn mạnh phải bảo vệ thai, xem sát thai là tội nặng ngang với 5 tội
ngũ nghịch. Nhưng kinh này, vì không thích hợp, nên không lưu hành ở nước
ta.
Ngoài ra, có truyền thuyết nói ở Nhật bản, có chuyện
anh linh cầu xin Bồ Tát Địa Tạng siêu độ. Chuyện này cũng không phù hợp
với lịch sử tín ngưỡng Bồ Tát Địa Tạng. Trong dân gian Nhật bản, chỉ
từ thế kỷ 11 trở đi, mới có ghi tập tục thờ ảnh Địa Tạng để cầu
trị bệnh và kéo dài tuổi thọ. Dần dần, trong dân gian, người ta biến
Địa Tạng thành vị thần bảo hộ hài nhi, nhưng việc này cũng không có
quan hệ gì với việc anh linh tác quái cả.
Phong trào cầu siêu độ cho anh linh hiện nay dù là có thiện
ý hay là vị trục lợi, đều không quan hệ gì tới truyền thống Phật
giáo cả.
31-
Quan điểm của Phật giáo đối với linh môi ? [^]
Từ thời cổ đại, linh môi là nam thì gọi là ông đồng
(Wizard), là nữ thì gọi là bà cốt (Witchi). Danh từ tôn giáo gọi là thầy
phù thủy (sorcier) cũng gọi là pháp sư chữa bệnh (medicine man), gọi là
thuật sĩ (magician). Ở Xibêri và Bắc Á, ở Alasca, gọi là Shaman. Các danh
từ trên nhằm chỉ một loại người tin là có thần thông, có thể tiếp
xúc với quỷ, với thần v.v… Họ có khả năng dùng quỷ thần này để
xua đuổi quỷ thần khác hoặc là để nhờ quỷ thần giúp đỡ cho những
người nhất định, giúp họ khắc phục khó khăn trong cuộc sống hằng ngày
hay là đáp ứng những ước muốn của họ. Vì vậy, đối với những nhược
điểm tâm lý hay sinh lý của con người, họ có những quan hệ hiểu biết
nhất định. Từ khi có loài người đến nay đã có sự hoạt động của
họ.
Loại linh môi cao cấp được gọi là Tế sư, là Tiên tri,
Thiên sứ, hay là Thánh và họ trở thành trung tâm của tín ngưỡng các
tín đồ tôn giáo.
Vào thời kỳ đạo Gia-tô chiếm ưu thế ở châu Âu, các
linh môi ông đồng bà cốt thuộc các đạo giáo khác đều bị tiêu diệt
gần hết. Ở Trung Quốc, bọn phù thủy, bà cốt ông đồng thường hay tác
oai tác quái, là nguồn tai họa của nhân dân, cho nên Khổng Tử có chủ trương
không bàn tới "quái lực loạn thần". Vì sao gọi linh môi là
"quái lực loạn thần" ? Đó là vì sức mạnh linh thiêng của
chúng không xuất phát từ một lý do nào hết, thế giới quỷ thần không
có một tiêu chuẩn đạo đức hay trật tự nhất định nào hết. Thông thường
chúng nó dạy người làm điều thiện nhưng một khi có mâu thuẫn, xung đột
quyền lợi với bọn phù thủy và linh môi thì chúng phao đồn, bịa đặc
mọi chuyện, làm điên đảo phải trái, mê hoặc nhân tâm. Vì vậy, cho
nên từ xưa đến nay tín ngưỡng linh môi của tôn giáo dân gian ở Trung Quốc
tuy có lúc chìm lúc nổi, nhưng chưa bao giờ thịnh đạt cả. Theo lập trường
Phật giáo làm điều thiện, tích lũy phúc đức là nhờ giữ giới, bố
thí mà được phúc báo ở cõi Trời, cõi người. Theo quan điểm nhân quả
thì gieo nhân lành được quả lành, gieo nhân ác được quả ác. Nếu gặp
tai nạn, mắc bệnh v.v… thì phương pháp tốt nhất là sám hối, tích đức
giữ tin lành, nói lời hay làm việc tốt. Đó là nhờ tu phúc, làm lành mà
được che chở, phù hộ của chư Phật, Bồ Tát và các thiện thần hộ
pháp chứ không cần thông qua linh môi, để nhờ quỷ lành đuổi quỷ dữ,
thần lành đuổi thần ác.
Linh môi đúng là có tác dụng nhưng tác dụng của nó chỉ
là tạm thời giống như khoét thịt mình đắp vào vết thương của mình vậy,
chứ không phải thực sự giải quyết được vấn đề. Cầu sự giúp đỡ
của linh môi, nhìn bề ngoài thì hình như vấn đề được giải quyết,
nhưng thực chất thì mâu thuẫn, vết thương ngày càng được khoét sâu
thêm, cũng như hút thuốc phiện hay chích moócphin, càng say càng đắm. Những
người dân bình thường nhiều khi rất khó tỉnh táo trong vấn đề này. Cũng
như con cá kình ngoài biển, tìm không ra thức ăn phải gặm cái sừng của
mình cho đỡ đói. Đó là biện pháp khi không tìm ra biện pháp. Đó là con
đường chết bởi vì làm trái với quy luật nhân quả và quy luật tự
nhiên.
Cầu linh môi, đôi khi cũng gặp may nhưng đó chỉ là huyễn
giác mà thôi. Người học Phật không những không được làm linh môi, cũng
không được gần gũi với linh môi, mà phải dựa vào sự chỉ đạo của
Phật pháp, tự mình nỗ lực, tránh ác, hướng thiện, tự mình tạo ra tiền
đồ sáng lạn cho mình.
Sức mạnh của linh môi là đến từ quỷ thần, mà quỷ thần
đi đến không lường, khi cầu được vị thần này, khi cầu được vị
thần kia. Nếu quỷ thần bỏ linh môi mà đi, thì linh môi trở thành bất lực,
vô năng hơn cả người bình thường nữa. Linh môi bình thường đã giúp
người trị bệnh, tiêu tai, trừ loạn v.v… Nếu bỗng chốc quỷ thần bỏ
linh môi mà đi, thì linh môi lập tức chịu ác báo trừng phát. Chính vì sợ
quỷ thần bỏ đi nên linh môi thường xuyên bày đặt mọi phương tiện,
nghi thức để thỉnh cầu quỷ thần, nhằm mục đích quỷ thần phù hộ.
Giới thiệu
| 1 | 2
| 3 | 4
| 5 | 6
| 7 | 8
| 9 | 10
|