- HỌC PHẬT QUẦN NGHI
- (Giải thích những nghi vấn trong Phật học)
- Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
- Phân Viện Viên Cứu Phật Học dịch
32 -
Quan điểm của Phật giáo đối với thần thông và quyền năng siêu nhân [^]
Phật giáo thừa nhận có phép thần thông. Phàm phu cũng có
thể chứng được năm phép thần thông. Bậc Thánh xuất thế chứng được
sáu phép thần thông (lục thông). Đức Phật có ba minh, sáu thông.
Năm thần thông là : Túc mạng thông, biết được đời
sống quá khứ. Hai là Thiên nhãn thông, biết được đời vị lai, thấy
được xa ngoài tầm nhìn của mắt thịt. Ba là Tha tâm thông, biết
được hoạt động tâm niệm của người khác. Bốn là Thiên nhĩ thông,
nghe được những âm thanh ngoài tầm nghe bình thường. Năm là Thần túc
thông, tức là có thể bay nhanh, bay xa, đi lại trong nháy mắt. Năm phép
thần thông nói trên đều là phép hữu vị, hữu lậu, do trình độ dụng
công mà phạm vi hoạt động có thể rộng hẹp, thời gian duy trì có thể
dài hay ngắn khác nhau. Năm thần thông không có quan hệ với đạo giải
thoát, tất nhiên đó cũng không phải là đạo Bồ Tát. Vì vậy, bậc
Thánh phải cầu cho được Lậu tận thông.
Lậu tận thông là phá được ngã chấp chứng được Niết-bàn.
Tiểu thừa là A-la-hán, đại thừa là Bồ tát sơ địa, và từ Thất địa,
trở lên. Chỉ có Phật là chứng được ba minh tức là Thiên nhãn minh,
Túc mạng minh và Lậu tận minh.
Đó là vì chỉ duy nhất có sức mạnh thần thông của Phật
là triệt để, cứu cánh, viên mãn, vô ngại, là phương tiện để độ chúng
sinh chứ không phải để thi thố phép lạ. Một số người tu ngoại đạo,
nhờ cảm ứng với quỷ thần mà sai khiến được quỷ thần hay là bị quỷ
thần sai khiến, cho rằng chứng được ba minh sáu thông. Đó là điều hết
sức ấu trĩ và nguy hiểm.
Thần thông đòi hỏi những phép tu nhất định. Có phép thần
thông nhờ tu định mà chứng được. Có phép thần thông nhờ trì chú mà
chứng được. Tu định mà chứng được thần thông, trước hết là nhờ
tập trung sức chú ý, tăng cường sức mạnh của tâm, dùng tâm niệm làm
cho các quan năng của thân mình tiếp xúc, giao tiếp với từ lực và điện
năng của vũ trụ, đạt tới một trình độ nào thì phát sinh ra thần
thông. Mọi việc đều diễn ra trong thế giới vật chất. Không có điều
kiện vật chất, phép thần thông sẽ không thể thi thố, biểu hiện được,
cũng không thể luyện thành được. Cho nên, nói cho đúng đạo lý thì các
nhà duy vật cũng có thể chứng được thần thông.
Còn trì chú mà chứng được thần thông là nhờ trì một
câu chú hay là trì một số câu chú nhất định mà cảm thông với quỷ thần,
sai khiến quỷ thần hay bị quỷ thần sai khiến. Sức mạnh của chú như
chúng tôi đã giới thiệu ở một chương riêng, là ở chỗ nó đại biểu
cho uy lực của một số quỷ thần nhất định nên trì chú có tác dụng cảm
ứng những quỷ thần đó.
Nếu so sánh hai loại biện pháp chứng được thần thông
trên đây thì có thể kết luận : Trong biện pháp thứ nhất nếu định lực
sút kém thì phép thần cũng mất. Trong biện pháp thứ hai nếu quỷ thần bỏ
đi hoặc nếu phạm điều cấm kỵ thì phép thần thông cũng mất. Sức mạnh
của quỷ thần có thể biểu hiện theo hai phương thức : một là dựa vào
quán năng thần kinh của người mà xuất hiện. Hai là thông tin nói nhỏ
vào tai người. Phương thức thứ nhất và thứ hai đều do cảm ứng mà
được, chứ không phải tự mình chứng được thần thông. Những phương
thức cảm ứng thông qua quan năng thần kinh dễ làm cho người ngộ nhận là
mình có thần thông.
Bởi vì, thần thông không thể đi ngược lý nhân quả,
không thể thay đổi những sự việc đã rồi, mà chỉ có thể dự báo
được tin tức tương lai hoặc tin tức từ nơi xa. Do đó, mà chỉ có khả
năng tạm thời chống đỡ hay lẫn tránh sự cố. Thần thông cũng chỉ là
một trong những hiện tượng tự nhiên, không thể đi ngược với quy luật
tự nhiên. Vì vậy mà người có phép thần thông, ngoài việc làm những việc
dị lạ để mê hoặc người ra, không thể giúp ích gì cho tình hình hỗn
loạn của xã hội, cũng không làm cho nhân tâm bớt phần lo lắng bàng
hoàng. Ngược lại, người đam mê phép thân thông sẽ tách rời cuộc sống
bình thường. Vì vậy, khi còn tại thế, Đức Phật không cho phép đệ tử
lạm dụng phép thần thông. Các đệ tử A-la-hán, không phải vị nào cũng
có thần thông. Dùng thần thông có thể nhất thời cảm hóa chúng sinh, nhưng
không thể nhiếp hóa chúng sinh lâu dài được. Trong hàng ngũ tỳ-khiêu giỏi
thần thông nhất có Đại-Mục-Kiền-Liên. Trong hàng ngũ tỳ-khiêu-ni, thần
thông đệ nhất là Liên-Hoa-Sắc. Thế nhưng, Tôn giả Mục-Kiền-Liên bị
ngoại đạo dùng gậy đập chết. Còn Tỳ-khiêu-ni Liên-Hoa-Sắc thì bị gậy
sắt của Đề-Bà-Đạt-Đa đánh chết. Chính vì vậy mà các vị Tổ-sư
qua các đời ở Ấn Độ cũng như ở Trung Quốc đều rất ít dùng thần
thông để truyền bá Phật giáo.
Như mọi người đều biết, tại cao nguyên Tây Tạng trong
núi cao rừng sâu, có những người tu theo Phật giáo, tập thiền định và
chứng được các phép thần thông. Trong họ, có người có khả năng gọi
gió, làm mưa, rắc hạt đầu thành binh tướng, có thể phi kiếm chém chết
người ở cách xa muôn dặm. Thế nhưng, trong lịch sử của Phật giáo Tây
Tạng đã xảy ra pháp nạn một vài lần, Phật giáo bị bài xích và tiêu
diệt, thần thông mất hiệu nghiệm.
Ngay ở Đài Loan, hiện nay cũng không ít người chứng được
ba minh sáu thông, thế nhưng đảo này hầu như năm nào cũng có bão tố động
đất, lũ lụt và những tệ nạn lưu manh trộm cướp, thổ phỉ gây rối
loạn cho xã hội. Các vị có phép thần thông đã làm gì cho Đài Loan sống
an bình, tránh được thiên tai.
Xem thế mới biết, sức mạnh của nghiệp, cộng nghiệp
và biệt nghiệp, là khó chống đỡ. Mê tín phép thần thông của quỷ thần
chỉ làm cho tình hình càng khó khăn phức tạp thêm, tài sản càng bị tổn
thất nhiều thêm, hao tốn nhiều thời gian và tinh lực hơn. Vì vậy, mà Khổng
Tử không chịu nói chuyện "Quái lực loạn thần". Trong thời đại
xã hội văn minh và trí thức phổ cập ngày nay, phải lấy Phật giáo
chính tín để mở mang trí tuệ, không nên đam mê phép thần thông kỳ lạ.
Bởi vì, trên thực tế đó cũng chỉ là huyễn thuật của hiện tượng quỷ
thần mà thôi.
33
- Ngũ nhãn (năm con mắt) là gì ? [^]
Chúng ta thấy trên một số ảnh, tượng Phật giáo có những
mặt người có ba con mắt, tức là ở giữa hai mắt có thêm một mắt nữa.
Thực ra, người không thể có ba mắt. Con mắt thứ ba chỉ có ý nghĩa tượng
trưng, nghĩa là ngoài hai mắt thật ra, còn có mắt của tâm (tâm nhãn). Ý
nghĩa của tâm nhãn có sâu có nông. Ý nghĩa nông cạn của tâm nhãn chỉ
hoạt động tư tưởng của con người thông thường. Về ý nghĩa thâm sâu
của tâm nhãn thì phải nói ngũ nhãn (năm mắt). Theo thuyết ngũ nhãn thì
ngoài con mắt thật ra, còn có bốn loại tâm nhãn nữa, với trình độ cao
thấp khác nhau.
Cái gọi là ngũ nhãn, chỉ các loại công năng khảo sát sự
vật và hiện tượng từ đầu đến cuối, từ gốc đến ngọn trong quá
trình tu đạo, từ địa vị phàm phu cho tới quả vị Phật. Có người gọi
mắt là cái cửa trí tuệ, là cửa sổ của linh hồn. Con mắt giúp phân biệt
sự vật, tăng trưởng tri thức. Công phu tu trì càng cao thì phạm vi của
tâm nhãn càng mở rộng. Mắt thật của phàm phu là do cha mẹ sinh ra, nên tầm
nhìn, phạm vi nhìn bị hạn chế. Những vật quá nhỏ, quá lớn, quá xa,
quá gần đều không nhìn thấy, sáng quá hay tối quá cũng không nhìn thấy.
Nếu chứng được thiên nhãn thì trong thế giới vật chất, có thể nhìn
một cách tự tại, không bị hạn chế bởi khoảng cách, thể tích và ánh
sáng.
Các cõi Trời cũng có thứ bậc, trình độ cao thấp được
chia thành Địa Cư Thiên, Không Cư Thiên và Thiền Định Thiên. Loài Trời
ở các cõi Địa Cư Thiên tức là các loại quỷ thần phúc đức đối tượng
của tín ngưỡng dân gian. Bốn Thiên Vương, các Thiện Thần ở cõi Trời
Đao Lợi, các loài trời ở các cõi trời Không Cư Thiên tức là các cõi
trời thiện thần dục giới từ Dạ Ma Thiên đến cõi trời Tha Hóa tự tại.
Còn Thiền Định Thiên gồm 22 cõi trời Sắc giới và Vô sắc giới. Thứ
bậc và trình độ càng cao thì công năng của thiên nhãn càng lớn. Nói
công năng của thiên nhãn thì ngoài việc không có sự hạn chế càng không
có sự ngăn cách chướng ngại, không cần có ánh sáng phản chiếu mà chỉ
cần tác dụng sức tinh thần mà thôi. Thiên nhãn nhờ tu chứng mà có hay
nhờ phúc báo mà có. Các quỷ thần nói chung đều có thiên nhãn, ít hay
nhiều, trình độ cao hay thấp. Đây là trường hợp có phúc báo mà được.
Đó là do quỷ thần không bị sự ràng buộc của thân xác chỉ có hoạt
động của sức mạnh linh thiêng cho nên ít bị vật thể gây chướng ngại.
Các linh môi nói chung có thiên nhãn do dựa vào quỷ thần cảm ứng có thể
thấy những sự vật mà con người không thể thấy được. Người ta có
thiên nhãn nhờ có tu thiền định. Tuy nhiên mục đích của tu thiền định
không phải là để có thiên nhãn. Tuy rằng, có những phương pháp chuyên
tu thần thông nhưng tu được thiên nhãn chưa chắc chắn đã nhập được
thiền định.
Ngoài những công năng kể trên, thiên nhãn còn có thể thấy
được những hiện tượng, sự kiện xảy ra. Đó là do hiện tượng nào
phát sinh cũng có quan hệ nhân quả của nó. Đã có nghiệp nhân tạo ra,
thì tất nhiên có quả báo. Dù hiện tượng xảy ra nhưng những lực lượng
tạo ra hiện tượng đã sớm hình thành, và nếu không có nhân tố nào
khác tác động vào, thì hiện tượng đó tất yếu sẽ xảy ra. Vì vậy,
người có thiên nhãn có thể biết được chuyện vị lai. Năng lực thiên
nhãn càng mạnh càng có khả năng thấy xa và chính xác. Vì sao nói độ chính
xác của thiên nhãn ? Đây là do thiên nhãn cũng không hoàn toàn đáng tin cậy,
bởi vì nhân tố mới luôn xuất hiện làm cho sự việc dự báo có thể
không xảy ra hoặc là tuy có thể xảy ra nhưng biến dạng. Vạn pháp là do
duyên sinh, duyên biến thì các pháp cũng biến. Vì vậy Phật pháp không chấp
trước vào thiên nhãn, cũng không khuyến khích người ta tu tập để có
thiên nhãn.
Cái gọi là ngũ nhãn (năm mắt) tức là ngoài mắt thịt
và thiên nhãn ra, còn có mắt trí tuệ (tuệ nhãn), mắt pháp (pháp mãn),
và mắt Phật (Phật nhãn). Tuệ nhãn là con mắt trí tuệ. Các vị A-la-hán
đều chứng được tuệ nhãn, thấy rõ 12 nhân duyên và sự luân hồi sinh
tử thoát khỏi vòng sống chết luân hồi, không còn bị thân tâm ràng buộc,
lìa năm uẩn, vượt ba cõi. Trong thế gian cũng dùng trí tuệ, nhưng với
nghĩa trí tuệ thế gian, còn chấp ngã. Còn tuệ nhãn của bậc A-la-hán là
vô ngã, không còn chấp trước.
Còn Pháp nhãn (con mắt pháp) của các bậc Bồ Tát từ Sơ
địa trở lên thì có khả năng thấy được bản tính, tức pháp tính của
vạn pháp, thân chứng được một phần pháp thân của Phật. Pháp thân của
Phật phổ biến khắp nơi, khắp mọi lúc, không phải là sắc, không phải
là không có sắc, không phải là có tướng, không phải là không có tướng
v.v… Nói rằng, tất cả là pháp thân, cũng có thể tất cả đều không
phải là pháp thân. Đối với người chấp thủ, thì tất cả đều không
phải pháp thân, nhưng đối với người không có chấp thủ, thì tất cả
đều là pháp thân. Vị Bồ Tát có đầy đủ pháp mãn được gọi là đại
sĩ pháp thân, đó là những điều mà phàm phu không thể tưởng tượng
được.
Có hai loại vô ngã : nhân vô ngã và pháp vô ngã. A-la-hán
chứng được lý nhân vô ngã, bỏ được nhân ngã chấp. Còn chứng pháp
vô ngã, lìa bỏ pháp ngã chấp, là Bồ Tát từ Sơ địa trở lên. A-la-hán
bỏ được nhân quả chấp, chứng được tuệ nhãn vượt khỏi ba cõi, Bồ
Tát tiến xa thêm một bước nữa, lìa bỏ pháp ngã chấp, chứng được pháp
thân, chứng được pháp nhãn, tuy ở trong ba cõi nhưng không bị hạn chế
bởi sống chết nên được gọi là Đại sĩ pháp nhân. Có một số ngoại
đạo tự xưng là Phật pháp, luôn tuyên bố mình đã chứng thực tuệ
nhãn hay pháp nhãn. Kỳ thực, ngay cả thiên nhãn họ cũng không chứng được,
mà chỉ là tác dụng phản xạ của vận động khí mạch, hay là sức mạnh
linh thiêng cảm ứng của quỷ thần mà thôi. Còn Phật nhãn thì có tất cả
công năng của bốn loại nhãn kể trên chính là toàn bộ trí tuệ, là bản
thân "đại viên cảnh trí" (gương trí tuệ lớn) cũng gọi là đại
viên giác, cũng gọi là vô thượng bồ đề.
34 -
Quan điểm thọ ký của Phật giáo là thế nào? [^]
Thọ ký (ryakarama) là danh từ chuyên dụng của Phật giáo,
là một trong 12 bộ kinh. Ý nghĩa của thọ ký là dự báo chúng sinh phát
tâm bồ-đề, nhất định sẽ thành Phật. Ngày xưa, trong thời đại chế
độ quân chủ, người con trai đầu tiên của vua phần lớn được chọn làm
Thái tử gọi là thọ ký. Trong buổi lễ, ở Ấn Độ thường lấy nước
bốn đại dương rưới lên đầu. Thái tử (gọi là Quán đỉnh), nhằm tuyên
cáo cho thiên hạ biết Thái tử nhận lễ Quán đỉnh sẽ thống trị đất
nước và nhân dân trong bốn biển.
Trong kinh Phật, thọ ký là Phật dự báo thời gian các đệ
tử của Ngài sẽ thành Phật, chứng đạo Bồ-đề. Thí dụ, trong kinh
"Pháp Hoa" có một phẩm gọi là "phẩm thọ ký". Trong phẩm
này Phật thọ ký cho 500 vị A-la-hán sẽ thành Phật. Thậm chí, cả Đề-Bà-Đạt-Đa,
tội ác tày trời cũng được thọ ký. Tư tưởng thọ ký của Phật pháp
là ai ai cũng được thành Phật. Không kể người nào, nếu tu hành theo Phật
đạo, thì đều căn cứ vào căn tính và pháp môn tu hành của người đó,
thái độ siêng năng hay lười nhác mà phán đoán người đó sẽ thành Phật
nhanh hay chậm.
Ai có đủ tư cách để được Phật thọ ký ? Chắc chắn
đó phải là vị Bồ Tát đã đạt trình độ bất thoái. Trong kinh
"Pháp Hoa", các vị A-la-hán được Phật thọ ký thực ra đều là
các vị Bồ Tát đại thừa. Nhưng những người theo Đại thừa, những
người tu theo Tiểu thừa chứng quả Thánh từ Sơ quả trở lên cũng được
thọ ký sẽ thành A-la-hán. Đã chứng sơ quả (Tu Đà Hoàn) thì sau bảy lần
sinh tử luân hồi sẽ chứng quả A-la-hán. Nếu chứng quả Thánh thứ ba
thì chỉ lên cõi Trời một lần rồi chứng quả A-la-hán, ở đấy không
còn ai trở lại nhân gian nữa. Vì vậy, Phật có thể thấy tâm hành và lịch
trình tu hành của tất cả chúng sinh rõ ràng như trong lòng bàn tay. Khi
hành giả đạt được quả vị bất thoái, thì tiến trình tương lai đã rất
rõ ràng và Phật có thể thọ ký cho hành giả đó.
Thọ ký không phải là dự báo, không phải là suy đoán, cũng
không phải là định mệnh. Người thọ ký cũng như người hướng dẫn,
cũng như người giáo sư có thể tuyên bố với học sinh mới vào học, học
xong mấy năm thì sẽ tốt nghiệp. Trong chuyện này, không có chút gì thần
bí cả.
Thiền tông Trung Quốc, trước đây không có chuyện thọ
ký và nghi thức thọ ký. Nhưng gần đây, trong tùng lâm tu viện để chọn
người kế vị trụ trì chùa hay tu viện sau khi chọn lựa xong cũng tiến hành
theo nghi thức thọ ký. Vì ngày xưa, việc truyền pháp thọ ký thực ra là
truyền tâm pháp, lấy tâm ấn chứng tâm, không cần có nghi thức, cũng không
cần có văn tự chứng minh. Mà người được truyền tâm pháp cũng không
nhất định phải lãnh chức trụ trì tu viện. Những năm về sau này, trong
thiền lâm Trung Quốc, khi thọ ký, có ban giấy tờ chứng chỉ, những người
được thọ ký cũng không nhất thiết là những người có kinh nghiệm chứng
ngộ. Mục đích của thọ ký là để hợp thức hóa vị trụ trì của người
được lựa chọn. Có thể nói, phần lớn là được thọ ký trên danh nghĩa,
không phải là thọ ký thực sự, đã mất đi ý nghĩa ban đầu là truyền
tâm pháp.
Một vài vị tu hành có kinh nghiệm thần bí thường tổ chức
nghi thức thọ ký cho người khác. Nếu chỉ là việc dự báo những việc
xảy ra trong sinh hoạt bình thường thì đó chỉ là việc làm của bọn
linh môi, ông đồng, bà cốt không phải bàn ở đây. Nếu có người thọ
ký cho các đệ tử của mình thành Phật hay A-la-hán. Thì đó là đại vọng
ngữ, họ không phải là Phật, sao lại có thể thọ ký cho người khác
thành Phật, hay là thánh A-la-hán được ? Nếu họ tự xưng mình là Phật
nhưng trong kinh Phật không thấy Đức Phật Thích Ca dự báo trước khi Đức
Phật Di-Lặc xuất hiện, có một vị Phật nào khác giáng sinh ở thế gian
này. Đức Phật Thích Ca đã không thọ ký cho anh ta thì làm sao anh ta có thể
thọ ký cho người khác được ? Hiện nay, có nhiều người tự xưng là Phật
hay Đại Bồ Tát. Họ cũng biểu hiện thái độ từ bi và cứu vớt chúng
sinh, nhưng trong thân tâm của họ là một khối ngã mạn lớn. Kỳ thực họ
đã phủ định giáo pháp của Phật Thích Ca, do đó không phải là Phật
giáo chánh tín, thực lòng quy ngưỡng Tam Bảo, cần phải biết phân biệt
điều đó.
Các bậc đại tu hành chân chính phải sống với thân phận
như những người phàm phu bình thường. Nếu không thì rất có thể làm bạn
với ma, quỷ, thần. Đức Phật Thích Ca thường nhấn mạnh vai trò của Phật
hoạt động với thân người, và trong thế giới loài người. Đó là vị
Phật lấy nhân cách làm bổn vị, có nhân cách kiện toàn. Vì lý do đó,
đại sư Thái Hư đề xướng thuyết "Nhân thành tức Phật thành".
35
- Phật có phải vạn năng hay không ? [^]
Chúng ta có thể lấy một câu để chứng minh trí tuệ và
phúc đức của Phật là sâu hay nông, lớn hay nhỏ. Đó là câu "Vô tri
thức toàn tri. Vô năng tức toàn năng". Vô tri không giống như ngu si. Vô
năng không giống như bất lực, hữu và vô là hai mặt của cùng một thể.
Hữu có ở trong vô, vô bao hàm cả hữu. Chỉ có "Vô" mới có thể
bao gồm toàn thể. Còn "Hữu", dù sâu rộng to lớn như thế nào cũng
đều là hữu hạn, không thể nào bao gồm tất cả được.
Phật là con người phúc đức, trí tuệ vẹn toàn cho nên
không lấy hình tướng để hình dung được, cũng không thể lấy hữu vô
để phán đoán được. Nếu lấy bản thân của Phật để nói, Phật là
toàn thể, lấy toàn thể pháp giới làm thân cho nên gọi là pháp thân.
Pháp giới có khắp mọi nơi mọi lúc, pháp thân hiện diện trong hết cả
không gian, thời gian của pháp giới và sự cảm ứng của thiện căn chúng
sinh nên tùy nơi, tùy thời, dưới những hình thức khác nhau mà biểu hiện
thành hóa thân và đã là hóa thân thì phải cục bộ, chịu sự hạn chế
của thời gian, không gian, không thể đại biểu cho toàn thể, không thể
là toàn trí, toàn năng, mà chỉ có những chúng sinh có đủ thiện căn phúc
đức mới có thể tiếp xúc và cảm nhận sự tồn tại của Pháp thân. Nhưng
đó không là bản lai diện mục của Phật. Đó chỉ là kết quả cảm ứng
của chúng sinh mà thôi. Vì vậy, kinh Pháp Hoa nói : "Phật vì một đại
sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời". Cũng tức là nói, do thiện căn
của chúng sinh ở cõi Sa-bà này cảm ứng mà Phật Thích Ca xuất hiện.
Vì vậy, kinh Pháp Hoa nói Phật Thích Ca là tích Phật. Tích
Phật là hóa thân còn thân Phật đích thực là pháp thân và báo thân. Phật
Thích Ca tất cả các hiện tượng như sinh, già, bệnh, chết và tu đạo,
thành Phật, nhập diệt. Đương nhiên đó không phải là Phật thực sự, tức
là chân Phật. Chân Phật là không có hình tướng, mà tức là hết thảy
hình tướng. Cũng tương tự như "Thần" trong "phiếm thần luận",
nhưng lại khác. Thần trong phiếm thần luận hiện diện khắp mọi nơi, mọi
lúc, thần được mọi người thương yêu nhưng thần không thể thương yêu
người. Pháp thân của Phật cũng hạn chế chút nào có đầy đủ tất cả
mọi sức mạnh của phúc đức và trí tuệ, có thể tiếp thu yêu cầu tất
cả mọi chúng sinh và đáp ứng một cách thích đáng, nhưng vẫn như như bất
động, không có tạo tác gì hết. Vì vậy, đứng về pháp thân và báo
thân của Phật mà nói, Phật là đấng toàn tri, toàn trí năng, mà tức là
vô tri vô năng. Đứng về hóa thân mà nói thì không như vậy. Sự toàn
tri, toàn năng của Phật không giống như trí "thượng đế vạn
năng" của thần giáo, Phật không phải là ông Vua trên một vạn ông
Vua (vạn vương chi vương), Phật không thể thay đổi nghiệp lực của chúng
sinh, mà chỉ có thể giáo hóa chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi vận
mạng của mình, nhưng còn phải xem xét cả điều kiện của bản thân
chúng sinh nữa. Trong kinh Phật, có ví dụ : Lòng từ bi của Phật như ánh
sáng mặt trời chiếu khắp nơi, căn cơ chúng sinh không kể lớn hay nhỏ
đều được ánh sáng mặt trời chiếu sáng, nhưng lợi ích tiếp thu được
vẫn khác biệt rất nhiều giữa chúng sinh với nhau. Có người mới sinh ra
đã mù cả hai mắt, tuy ở trong ánh sáng mặt trời mà không thấy ánh
sáng mặt trời như thế nao ? Côn trùng sống dưới đất, và những vi sinh
vật ở nơi tối tăm, tuy cũng trực tiếp hay gián tiếp cảm nhận được
ánh sáng mặt trời, nhưng chúng không thể biết được lợi ích của ánh
sáng mặt trời là thế nào ? Ngay cả khi Phật Thích Ca còn tại thế, tại
những vùng được Ngài giáo hóa, cũng có rất nhiều người không biết Phật
là ai ? Chư Phật ba đời, khi còn hành đạo Bồ Tát, đều phát nguyện độ
thoát hết thảy chúng sinh. Các Đức Phật tuy thành Phật rồi nhưng vẫn còn
vô lượng chúng sinh chưa được nghe biết Phật pháp. Cho nên Phật không
phải là toàn năng vậy.
Khi Phật còn tại thế, Người cũng nói là không thể độ
thoát cho những chúng sinh vô duyên không chuyển được định nghiệp của
chúng sinh. Vì vậy, khi Phật Thích Ca còn tại thế, tuy vua Lưu Ly xứ KoSaNa
dấy binh tàn sát dòng họ Thích Ca, mà Người không có cách nào dùng phép
thần thông để ngăn chận được vụ thảm sát. Nhưng Đức Phật có thể
dùng Phật pháp dìu dắt chúng sinh tu thiện, tu phúc, trừ tai, miễn họa.
Vì vậy nói là Phật độ chúng sinh nhưng thực ra là chúng sinh tự độ nếu
không thì làm trái với quy luật nhân quả tự nhiên.
Nói về sự toàn trí của Phật, thì Người biết rõ quan hệ
nhân duyên và nhân quả ba đời của tất cả chúng sinh, vì khác với
chúng sinh, Phật không bị sự hạn chế xa, gần, rộng, hẹp của thời
gian và không gian. Ở bất cứ nơi đâu và lúc nào, Phật cũng biết rõ tất
cả và toàn thể.
Chúng sinh nhờ có trí nhớ mà biết được quá khứ, nhờ
vào thần thông và cảm ứng, để biết được quá khứ và vị lai. Đức
Phật nhờ sự thực chứng toàn bộ mà biết rõ tất cả, nhưng trong một
thời điểm nhất định Người không thể thuyết minh tất cả. Đối với
thời gian và không gian, sự hiểu biết của Phật là toàn diện và toàn bộ
không có sự hạn chế xa gần hay rộng hẹp, Phật có thể nói về quá khứ
và vị lai của bất cứ một chúng sinh nào, thế nhưng không thể nói hết
được, dù có trải qua vô lượng vô kiếp. Vì vậy, chỉ trừ một số
ít trường hợp ngoại lệ, được ghi trong kinh sách, còn thì Đức Phật
không thể nói hết được quá khứ vị lai của mọi chúng sinh. Phật
không nói nhiều đến chuyện vị lai và quá khứ, mà chỉ cần nắm bắt một
niệm hiện tiền. Trên thực tế trong một niệm đó, đã bao hàm toàn bộ
quá trình cho đến lúc chúng sinh thành Phật, kể cả tâm lý thể, nắm
nguyên tắc lý thể đó, khai phát trí tuệ của tâm là có thể đạt tới
mục đích toàn trí. Tuy Phật là toàn trí, nhưng không phải là vạn năng.
Vì vậy cảnh giới của Phật gọi là không thể nghĩ bàn, không thể lấy
tâm chúng sinh mà đo lường, dùng ngôn ngữ để bàn luận được.
36
- Sau khi thành Phật, còn thọ báo hay không? [^]
Đúng như vậy, thành Phật rồi cũng vẫn còn thọ báo.
"Lịch sử của các Phật Thánh và các bậc vĩ nhân trên thế gian này,
chứa đựng biết bao nhiêu sự không như ý. Như Giê-su bị môn đồ phản
bội cuối cùng phải chết đóng đinh trên thánh giá. Khổng Tử phải nhịn
đói ở đất Trần, Văn Thiên Tường bị giết, Tổng Thống Mỹ Linh Côn
và Tháng Găng Đi (Ấn Độ) bị sát hại, Tôn Trung Sơn gặp nạn ở Luân
Đôn. Phật Thích Ca trước và sau ngày thành Phật cũng gặp nhiều tai nạn
khi tu 6 năm khổ hạnh ở trong núi Tuyết Sơn phải hàng phục Ma Vương ở
gốc cây Bồ-đề. Có lúc Phật khất thực không có người cúng dường bị
đói, bị lạnh, bị phụ nữ vu cáo, bịa đặt điều xấu, bị đệ tử là
Đề-Bà-Đạt-Đa lăn đá bị thương ở chân, bị đau đầu, khi giòng họ
Thích Ca bị sát hại. Khi sắp vào Niết-bàn, ăn phải thức ăn độc mà
đau kiết lỵ. Phật đã như vậy, thì đệ tử Phật chứng quả A-la-hán rồi
cũng không tránh khỏi thọ báo như tôn giả Mục-Kiền-Liên, giỏi phép thần
thông hàng đầu của Phật, và tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc đều bị người ta
đánh chết.
Tùy theo tôn giáo Đông và Tây phương khác nhau mà có sự
giải thích khác nhau về nguyên nhân thánh nhân mắc nạn. Sự kiện thánh
nhân mắc nạn biểu hiện nhân cách vĩ đại, sự nghiệp vĩ đại của thánh
nhân. Đạo Cơ Đốc nói Giê-su chết là để chuộc tội cho loài người. Lý
luận Phật giáo thì khác trên 2 điểm : Một là do sự thị hiện của
pháp thân như một bài học cho chúng sinh, khiến chúng sinh tin rằng mình cũng
có thể thành Phật. Phật là do tu đạo mà thành. Con người có khổ, vui,
họa phúc thì Phật giáng sinh làm người cũng chịu khổ, vui, họa phúc như
người vậy tuy rằng bản thân Người không có cái chướng ngại như khổ,
vui, họa phúc. Chính vì để dìu dắt chúng sinh đang khổ, vui, họa phúc tu
hành Phật pháp mà Phật thị hiện như con người nói chung.
Con người đã có thân người thì có những nhu cầu của
thân con người và những điều phải kiêng kỵ. Nếu hai mặt đó (nhu cầu
và kiêng kỵ) xung đột nhau thì sinh ra cái gọi là "ma nạn". Vì vậy
Mạnh Tử nói "Trời trao trách nhiệm lớn cho người lớn, cho người nào
thì làm cho họ khổ tâm chí, mệt gân cốt". Nếu không chịu gian khổ
mà vẫn giữ được quả Phật, không gặp ma nạn mà vẫn thành Phật thì
cũng không cần thiết phải tu hành nữa, và cũng không thấy được nhân
cách vĩ đại của bậc thánh. Vì vậy, sau khi thành Phật đạo, tuy đã đủ
6 phép thần thông, chứng đủ ba minh, Phật vẫn đi khất thực, áo mặc,
thức ăn, nơi ở, cách đi lại hoàn toàn giống như người bình thường.
Khi đệ tử hỏi, Phật cũng trả lời "Chúng sinh có khó độ thoát
không ? Thân thể có được mạnh khỏe không ?". Rất ít khi thấy Phật
dùng phép thần thông để giải quyết các vấn đề của bản thân hay
chúng sinh trong cuộc sống hàng ngày. Phật chỉ dùng trí tuệ về các vấn
đề thông dụng trong nhân gian để giải quyết các vấn đề của nhân
gian.
Nếu xét thân cuối cùng của Bồ Tát, Phật hay A-la-hán
thì từ sau khi chứng đạo, các Ngài không còn bị ràng buộc bởi sống chết,
bởi khổ đau trong ba cõi nữa, do đó mà các Ngài phải thanh toán mọi hậu
quả của những nghiệp bất thiện đã tạo ra khi còn là phàm phu. Khi còn
tại thế, Đức Phật đã quy định người nào muốn xuất gia đều phải
làm xong mọi trách nhiệm, thanh toán mọi khoản nợ nần. Nếu phạm tội,
mắc nợ không được cha mẹ, vợ chồng đồng ý thì không được xuất
gia. Hiện nay cũng vậy, người nào muốn xuất gia đều phải làm xong mọi
trách nhiệm, thanh toán mọi nợ nần, mọi quan hệ tình cảm gia đình. Vì
vậy, trước khi thành Phật, khi còn là hậu thân Bồ Tát, vẫn phải chịu
những quả báo của sự nghiệp nhân quá khứ. Ngay sau khi thành Phật, tuy
thân của Ngài luôn luôn tự tại, không bị phiền não khổ vui chi phối nhưng
khi thân thể các Ngài một khi chưa nhập vo dư Niết-bàn, còn hoạt động
trong nhân gian thì vẫn chịu ảnh hưởng của thế giới vật chất bên
ngoài. Người phàm phu xem các Ngài cũng có sống, có chết, già, nhưng đối
với Đức Phật do tâm được giải thoát nên có thể bị đau, bị mệt
nhưng không vì vậy mà sinh buồn bực bội. Do vậy Phật thọ báo, phàm phu
thọ báo là 2 chuyện rất khác nhau, các bậc Thánh, Phật, Bồ Tát,
A-la-hán vì lời nguyện của mình mà giáng thế độ sinh, đó là hóa hiện
chứ không phải chịu nghiệp báo. Tâm của các Ngài không bị chi phối bởi
các hiện tượng bên ngoài như già, đau, chết v.v…
37.
Trước độ chúng sinh, hay là trước thành Phật? [^]
Theo cuốn "Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện kinh",
và "Diêm phù chúng sinh nghiệp cảm phẩm", thì Bồ Tát Địa Tạng
Vương, trước đây vô lượng kiếp, từng làm vua một nước nhỏ, và là
bạn của ông vua khác ở nước láng giềng. Thời bấy giờ, dân chúng của
hai nước đều làm điều ác, không làm điều thiện. Hai vua bàn nhau, thực
hành các phương tiện để giáo hóa dân chúng tránh ác, làm lành. Một vua
thì phát nguyện sớm thành Phật để giáo hóa độ chúng sinh còn ông vua
kia thì phát nguyện trước hãy độ thoát tất cả nhân dân, khỏi khổ,
được vui chứng đạo Bồ-đề, sau đó mới thành Phật. Ông vua phát nguyện
sớm thành Phật, sau này thành Phật có danh hiệu Nhất Thiết tựu Như Lai.
Còn ông vua kia chính là Bồ Tát Địa Tạng mãi đến nay chưa thành Phật.
Do câu chuyện trên, nên có người hỏi: "Sớm tu thành
Phật trước là tốt, hay là độ thoát chúng sinh trước mới là tốt
?" Vấn đề này tùy thuộc ở bản nguyện của mỗi cá nhân. Phật Nhất
Thiết Thành Tựu Như Lai, khi còn là quốc vương, có phát nguyện sớm
thành Phật để tế độ chúng sinh, chứ không phát nguyện thành Phật trước
độ chúng sinh sau. Sau khi thành Phật rồi, Ngài ở lại thế gian 6 vạn kiếp,
số chúng sinh được Ngài độ thoát nhiều không kể xiết. Còn bản nguyện
của Bồ Tát Địa Tạng, khi còn là quốc vương có bản nguyện không sớm
thành Phật, mà trước độ chúng sinh nên hiện nay Ngài vẫn là Bồ Tát.
Đó là do lời nguyện của Bồ Tát Địa Tạng. Còn thông thường các vị
Bồ Tát khác đều tu hành phải trải qua 3 A tăng kỳ kiếp rồi thành Phật.
Bồ Tát dựa vào nguyện lực mà thọ sinh, chúng sinh thì
nghiệp lực lôi kéo mà bị sinh. Để độ chúng sinh, Bồ Tát đi đi, lại
lại trong ba cõi. Để tiếp nhận tội báo và phúc báo chúng sinh lưu chuyển
trong ba cõi, Bồ Tát tuy ở trong ba cõi nhưng thân đều tự tại, vì được
giải thoát. Chúng sinh do nghiệp báo sống chết trói buộc, nên đáng thương,
nhưng Bồ Tát đã được tự do, tự tại thì độ chúng sinh trước hay thành
Phật trước thì không thành vấn đề. Lời nguyện của Bồ Tát Địa Tạng,
trong địa ngục còn có chúng sinh thì thề chưa thành Phật. Trong hàng ngũ
Bồ Tát, Ngài được xưng thân là "Bi Nguyện Đệ Nhất".
38
– Vì sao Phật phải độ chúng sinh ? [^]
Kinh "Kim Cương" có câu : "Họ không phải là
chúng sinh, không phải không là chúng sinh" (Bỉ phi chúng sinh, phi bất
chúng sinh). Lại có câu : "Cái gọi là chúng sinh, Như Lai nói không phải
là chúng sinh, đó là tên gọi chúng sinh". Lại nói : "Thật ra
không có chúng sinh để Như Lai độ; nếu có chúng sinh để Như Lai độ thì
Như Lai có ngã, có người, chúng sinh thọ giả tướng". Cái gọi là độ
chúng sinh là khi Phật phát lời nguyện lớn thành Phật, tức là khi chưa
thành Phật, là tâm nguyện của vị Bồ Tát chưa thành Phật, khi còn có
trung tâm tự ngã. Như vậy khi còn là phàm phu hay Bồ Tát, khi chưa thành Phật
thì còn có chúng sinh có thể độ.
Khi đã thành Phật rồi thì không còn chúng sinh, cũng không
còn có Phật. Nếu không thì còn có sự đối lập, còn có quan hệ độ và
bị độ thì chưa phải là viên mãn, chưa chứng được toàn thể pháp
thân. Một khi đã chứng được toàn thể pháp thân thì sẽ không còn
trong, ngoài, không có cái kia, có cái này. Cũng như một giọt nước từ biển
mà ra rồi trở về biển. Theo góc độ biển lớn mà xét giọt nước nào
cũng thuộc về toàn thể biển cả. Chỉ khi đứng ở góc độ giọt nước
mà xét thì mới có sự phân biệt sông, nước mưa, sương tuyết, băng giá
v.v… Vì vậy kinh "Kim Cương" lại nói : "Thiện nam tử, thiện
nữ nhân, người phát tâm bồ đề nên có tâm nghĩ như sau : Ta sẽ diệt
độ tất cả chúng sinh, diệt độ tất cả chúng sinh rồi mà thực ra
không có một chúng sinh nào diệt độ".
Các vị Bồ Tát khi chưa thành Phật đều phát tâm độ chúng
sinh nên có chúng sinh để độ. Bởi vì đứng trên lập trường Bồ Tát
mà xét, nhất định là có chúng sinh để độ. Vì Bồ Tát từ Sơ địa trở
lên tuy đã biết không có chúng sinh để độ thoát, nhưng vẫn còn độ chúng
sinh. Từ bát địa trở lên thì việc độ chúng sinh tiến hành một cách tự
nhiên, còn tự mình thì không còn độ chúng sinh nữa. Đến khi thành Phật
rồi thì không còn độ chúng sinh, không còn chúng sinh để độ, chỉ có
chúng sinh tự độ lấy mình. Do thiện căn, phúc đức, nhân duyên nhiều
hay ít mà cảm ứng được Phật và Bồ Tát hóa hiện để cứu độ mình.
Đó là Phật, Bồ Tát trong tâm chúng sinh, không phải là bản thân Phật
và Bồ Tát.
Thiện căn là cái vốn có ở trong chúng sinh, nhưng vì
không được bồi dưỡng cho nên không nên được tăng trưởng, không hiển
hiện. Càng tinh tiến cầu pháp, càng cảm ứng được lòng từ bi nhiếp
hóa của chư Phật, Bồ Tát. Đó gọi là tự cứu, tất có người cứu. Chúng
sinh có yêu cầu thì mới có sự cảm ứng, hóa hiện của Phật và Bồ
Tát, cũng như đánh chuông vậy, gõ nhẹ thì chuông kêu nhẹ, gõ mạnh thì
chuông kêu vang. Phải có người đánh chuông thì chuông mới kêu. Chúng sinh
không tự mình nỗ lực tăng trưởng thiện căn thì dù cho pháp thân của
Phật có mặt khắp nơi cũng không thể giúp được gì,.
Tăng trưởng thiện căn là phát tâm Bồ-đề, là chúng sinh
tự cầu thành Phật, được Phật cảm ứng giáo hóa. Sau khi thành Phật rồi
cũng sẽ tiếp thu sự cảm ứng chúng sinh chứ không phải Phật đi cảm
ứng chúng sinh. Các Đức Phật là những bậc toàn tri, biết hoàn toàn, biết
tất cả. Vì vậy gọi Phật là chính biến tri giác. Chúng sinh có cầu, chư
Phật tất cảm ứng.
Không thể lấy tri thức phân tích và quy nạp của người
bình thường để đo lường chính biến tri giác của Phật, vì cái biết của
Phật là toàn bộ, cùng khắp, thấu triệt, còn cái biết phân tích và quy
nạp của chúng sinh là hữu hạn.
Nhân gian thấy Phật Thích Ca về mặt lý luận mà nói chỉ
là thấy sự hóa thân của Phật. Ở với loài người thì Phật giống
thân người, ở với loài trời thì giống thân loài trời, ở với bất cứ
loài chúng sinh nào đều giống chúng sinh loài ấy để đem lại lợi ích
cho chúng sinh. Hóa thân của Phật có thể hiển hiện thành muôn vàn thân
đi khắp mọi nơi, nhưng khắp pháp thân của Phật vẫn như như bất động.
39 -
Kết thiện duyên rộng rãi là nghĩa thế nào?
[^]
Duyên nghĩa là quan hệ. Kiến lập quan hệ nghĩa là kết
duyên. Hai người vốn có quan hệ giao tiếp với nhau gọi là có duyên. Quan
hệ lợi mình, lợi người thì gọi là thiện duyên. Quan hệ không đụng
chạm tới dục vọng cá nhân gọi là tịnh duyên. Tạo ra nhiều duyên và tịnh
duyên thì gọi là rộng rãi kết thiện duyên.
Do đó, có người sau khi tin Phật, học Phật bèn gặp người
là kết duyên, suốt ngày tiếp khách, làm các công việc hộ pháp, thuyết
pháp, hoằng pháp một cách vô nguyên tắc. Bỏ tiền, bỏ công mà không có
phương pháp tu hành cũng không có nơi nương tựa ổn định tuy trên hình
thức anh ta đúng là kết duyên với rất nhiều người, nhưng trên thực tế,
đối với đạo pháp đều không có tác dụng hỗ trợ gì gọi là sâu sắc
và có hiệu quả. Tuy rằng đâu cũng có mặt anh ta, nhưng không phải đâu
đâu cũng cần tới anh ta. Tuy rằng, có nhiều người tiếp xúc với anh nhưng
lại rất ít người được anh ta giúp ích thiết thực.
Lời kết thiện duyên như vậy cũng giống như đem một bát
cơm bố thí cho một người thì người đó có thể tạm ăn no, đem một tạ
gạo bố thí cho một người thì người đó có thể sống được nữa
năm. Trái lại, đem một bát gạo bố thí cho 100 người sắp chết đói,
thì sẽ không có người nào được cứu sống cả. Nhưng dùng một bát cơm
bố thí cho một người, thì người đó có thể sống được một ngày. Như
vậy, dùng một đấu gạo bố thí cho một vạn người đói, thì đó cũng
là kết duyên rộng rãi, nhưng kết quả là không ai có thể sống thêm một
ngày. Do đó việc kết duyên rộng rãi phải tiến hành có nguyên tắc, phải
lượng sức mà làm. Nếu có sức bố thí cho toàn thế giới mà ngân quỹ
còn đủ thì hãy bố thí không hạn chế, không phân biệt, thực sự bình
đẳng. Còn nếu chỉ có lực lượng ít ỏi, thì phải biết tập trung vào
một số đối tượng có nhu cầu cấp bách, và thân cận với mình, thí dụ
người nhà, bà con thân thuộc, thầy dạy, bạn bè v.v… Nếu không thì việc
kết duyên rộng rãi không thực tế, kém hiệu quả.
Nếu đứng trên lập trường Tam Bảo mà nói, thì kết
duyên rộng rãi có nghĩa là bố thí không phân biệt, bình đẳng. Tức là
dùng Phật giáo để giáo hóa chúng sinh, không phân biệt người giàu hay người
nghèo, có quyền thế lớn hay nhỏ, địa vị cao hay thấp, có học hay
không có học, hễ có ai yêu cầu thì giúp. Vì vậy mà Tam Bảo tiếp thu mọi
sự cúng dường như không chê ít, chê nhiều, xấu hay tốt. Đối với mọi
người cúng dường như Tam Bảo đều tiếp thu với lòng từ bi, hoan hỷ.
Khi Phật còn tại thế các đệ tử xuất gia đã hành động như vậy. Ngày
ngày cầm bát đi khất thực, đến mọi nhà không kể giàu nghèo, cho bao
nhiêu, cho gì cũng nhận, miễn là đầy bát thì thôi. Đó chính là kết
duyên rộng rãi với tâm bình đẳng. Bố thí cho người khác là kết thiện
duyên, tiếp thu bố thí cũng là kết thiện duyên.
Nói chung, tài lực vật liệu, thế lực, trí lực và thời
gian của mọi người có hạn, nếu bố thí, kết thiện duyên một cách
không nguyên tắc thì không những hiệu quả kém mà tự mình gây khó khăn
cho mình một cách vô nghĩa lý. Có khi điều đó làm tài sản gia đình kiệt
quệ, sức khỏe bản thân bị hao tổn, mà kết quả lại làm người khác
oán giận, hoặc sinh ra nghi kỵ đối với mình, mất cả tín tâm và đạo
tâm. Trong kinh "Di giáo", Đức Phật đã từng dạy rằng : Tỳ kheo
khất thực, cũng như ong hút mật nơi hoa, không làm tổn hại đến sắc và
hương vị của hoa. Vì vậy, cư sĩ muốn kết thiện duyên, phải biết lượng
sức mình, không nên vì cúng dường Tam Bảo mà bị khốn khổ, đáng lẽ
tiến mà hóa ra lùi, có phải là ngu si hay không ? Vì vậy hộ trì Tam Bảo
cũng phải có trọng tâm, trọng điểm, có nguyên tắc, phải biết phân biệt
hoãn cấp, nặng nhẹ, gần xa, thân, sơ, cấp bách hay từ từ v.v…
Kỳ thực, hộ trì, bố thí một cách có nguyên tắc, có trọng
điểm cũng là một phương thức kết thiện duyên một cách rộng rãi. Thí
dụ, hỗ trợ cho một người thành Phật và Phật độ thoát được nhiều
chúng sinh, và như vậy, một cách gián tiếp anh cũng kết duyên được với
nhiều chúng sinh. Vì vậy trong kinh "42 chương" có câu : "Bố
thí cho 100 người ăn, không bằng bố thí cho một người lương thiện ăn,
bố thí cho một ngàn người lương thiện ăn, không bằng bố thí cho một
người giữ 5 giới; bố thí cho một vạn người giữ 5 giới, không bằng
bố thí cho một vị Tu đà hoàn (bậc Thánh đạt sơ quả) v.v… Bố thí
cho một vị đại giải thoát đã đạt tới trình độ vô tu vô chứng thì
công đức còn nhiều hơn nữa". Từ đó, mà suy ra thì cúng dường, bố
thí, hộ trì Tam Bảo có thể chia thành hai trọng điểm :
- Hộ trì cho những nhân vật và sự nghiệp của họ, có ảnh hưởng tới
hiện tại và vị lai của Phật giáo, là kết duyên rộng rãi.
- Đối với những nhân vật Phật giáo và sự nghiệp của họ, tuy không
có tiếng tăm, nhưng chúng ta nhận thấy đáng tôn kính và chúng ta hoan hỷ
hộ trì thì đó cũng có nghĩa là kết duyên rộng rãi.
Do hai điểm đó mà thấy rằng tán thành và hộ trì những
nhân vật Phật giáo nổi danh, không nhất thiết thêu hoa trên gấm, mà
cúng dường, bố thí cho những nhân vật Phật giáo không nổi danh cũng không
phải là vứt than hồng trên tuyết lạnh. Điều quan trọng nhất là xử sự,
hành động có trọng điểm, có trí tuệ.
40
- Ý nghĩa của "kết duyên" và "liễu duyên"
[^]
Phật giáo chỉ nói kết duyên và liễu duyên, nghĩa là
thanh toán, rũ sạch ác nghiệp. Ý nghĩa của kết duyên là : Đối với người
không có thiện duyên hay thiện duyên không đầy đủ thì giúp họ chủ động
hay là bị động, được sự giúp đỡ về thể lực, cũng như được sự
hướng dẫn về mặt Phật giáo để họ hết sức kết duyên rộng rãi với
mọi người, mọi chúng sinh mà mình tiếp xúc được là việc nên làm. Nhưng
kết duyên không phải là đầu tư, đừng có nghĩ chuyện đền ơn trả
nghĩa. Bản thân kết thiện duyên rộng rãi, ảnh hưởng tới người khác
cũng kết thiện duyên rộng rãi, đó chính là bố thí, ít thì cũng đem lại
hạnh phúc cho xã hội, nơi mình đang sống, nhiều thì có thể ảnh hưởng
tới cả nước và toàn thế giới, tạo ra Tịnh độ trên cõi đời.
Còn từ "Liễu duyên", chính là quan niệm nhân quả
bị tín ngưỡng dân gian nhận thức sai lệch đi mà hình thành. Thiện có
thiện báo, ác có ác báo, đó là đúng, anh đối với tôi tốt, tôi đối
với anh cũng tốt. Điều đó là đúng. Vì nam nữ có quan hệ ân ái với
nhau mà hai người thấy cần chung sống với nhau thành vợ thành chồng, người
đời gọi là "Liễu duyên". Các tiểu thuyết võ hiệp, thần quái,
các truyền thuyết nói đến chuyện ba đời, bảy đời làm vợ chồng.
Làm vợ chồng một đời chưa đủ, phải hết ba đời mới có thể chia
tay. Có những thầy số nói rằng, đã có nhân duyên kiếp trước thì phải
thành vợ chồng, nếu không thì sẽ xảy ra biến cố trong gia đình hoặc
tính mạng bị nguy hiểm.
Theo quan điểm Phật pháp thì quan hệ nam nữ đã có ân,
oán thì kéo dài mãi, không phải một đời mà nhiều đời. Vì vậy mà
Kinh "Phạm Võng" nói : "Tất cả đàn ông đều là cha của ta,
tất cả đàn bà đều là mẹ của ta". Như vậy có nghĩa là bất cứ
người nào khác giới tính đều từng là vợ hay chồng của mình, quan hệ
ân oán đó không thể nào chấm dứt kết liễu được. Cặp vợ chồng có
ân mà ít có oán thực là ít có vậy. Huống hồ, chỉ có ân mà không có
oán, thì là đắm tình, mà đã đắm tình thì khó bỏ nhau. Không phải vợ
chồng ba đời, nhân duyên bảy đời mà là quan hệ ân oán vô lượng kiếp.
Nhưng chỉ có những đôi nam nữ, nhân duyên đã thành thục, nghiệp lực lại
tương đương mới có thể thành vợ chồng. Nếu nam nữ lấy nhau gọi là
để "Liễu duyên" mà đi ngược lại luân lý xã hội thì không những
luật pháp thế gian không cho phép, mà Phật pháp cũng không chấp nhận. Những
chuyện như vậy gây ảnh hưởng không tốt đến nhiều người, tạo ra bất
cứ nhân duyên nào dẫn tới hậu quả xấu đều nên xa lánh, sao lại còn
dấn thân vào, vừa hại mình, vừa hại người ? Bởi vì quan hệ nam nữ
không thích hợp, đem lại tai họa cho cả hai bên, cho người thứ ba, và
cho nhiều người khác nữa, vì vậy gọi là truyền thuyết "Liễu
duyên", thực ra, đã gây hại cho biết bao người rồi.
Oan gia nên giải, chứ không nên kết. Quan hệ nam nữ không
chính đáng, không thích hợp, không được đạo đức xã hội chấp nhận
nên xem oan gia gặp nhau, là sự thể hiện của nghiệp ác. Vì vậy, đừng
có nghe theo quan điểm "Liễu duyên" mà phải tin ở quan điểm
"nghiệp". Nghĩa là có nợ với người thì phải trả. Gặp phải
nghịch cảnh thì phải gắng hết sức mà khắc phục, trả nợ càng được
nhiều, thì gánh nặng càng bớt đi.
Chúng tôi không cho rằng, quan hệ nam nữ gây ra ác nghiệp.
Trên thực tế, quan hệ vợ chồng chính đáng là nền tảng của luân lý
xã hội. Nhưng nếu cao rao về "Liễu duyên" mà ảnh hưởng tới
phong tục thuần lương thì đó là tạo nghiệp ác, không những đời sau không
thể là vợ chồng, mà còn phải chịu ác báo đáng sợ.
Người xuất gia, không kể là nam hay nữ thường dễ bị
người khác giới tính hấp dẫn, thu hút. Người xuất gia cũng vẫn là người
phàm tục, chưa phải là bậc A-la-hán đã ly dục. Vì vậy, Kinh Phật nói
tình dục nam nữ là điều đáng sợ nhất. Nếu xét nhân duyên quá khứ của
mọi cá nhân chúng ta, thì mỗi người chúng ta đều là bà con quyến thuộc
của vô lượng chúng sinh, nếu muốn "Liễu duyên" thì tất phải
thành vợ chồng với tất cả mọi chúng sinh, mà như vậy, sẽ không còn cơ
hội để xuất gia nữa. Nếu xuất gia mà còn tin ở thuyết "Liễu
duyên" thì sẽ không ai có thể xuất gia cả. Người xuất gia phải dựa
vào niềm tin và lời nguyện của mình, phải xem mối quan hệ nam nữ là biểu
hiện nhân duyên ác, quả báo xấu, không để cho nó trói buộc mình mãi
mãi. Phải dùng lưỡi gươm trí tuệ chặt đứt sự đắm tình nam nữ, như
vậy mới là chân thực hành "Liễu duyên" đối với người xuất
gia theo đạo Phật.
Giới thiệu
| 1 | 2
| 3 | 4
| 5 | 6
| 7 | 8
| 9 | 10
|