....Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt....

   

...... ... ..  . ..  .  .
Bồ Tát Hạnh
Tôn Giả Santideva

Chương 4
 Thực hành Bồ Ðề Tâm
(Bồ Ðề Tâm Hạnh)

1)  Sau khi mạnh mẽ phát nguyện Bồ Ðề Tâm, bậc Bồ Tát (con trai của Phật) phải tinh tấn tu tập không được xao lãng.

2)  Khi quyết định một việc gì hấp tấp, không suy nghĩ chín chắn, người ta có thể hoặc thi hành hoặc lãng quên, mặc dầu đã phát nguyện.

3)  Nhưng làm sao có thể từ bỏ được những gì đã được suy nghĩ, quán chiếu bởi chư Phật, chư hiền giả Bồ Tát và ngay cả ta nữa?

4)  Khi đã nguyện, đã hứa mà không làm thì hóa ra ta lừa tất cả chúng sinh!  Như vậy số phận ta sẽ ra sao?

5)  Ðức Phật dạy rằng:  "Ai có ý định cho người một vật gì, dù thật nhỏ không đáng giá, mà cuối cùng không cho thì sẽ đầu thai thành ngạ quỷ".

6)  Vậy thì ta đây, sau khi thành tâm phát nguyện sẽ đem lại cho chúng sinh hạnh phúc tối thượng mà nay lại từ bỏ.  Không biết đời sau ta sẽ tái sinh làm gì đây?

7)  Tuy vậy, cũng có những người từ bỏ Bồ Ðề Tâm mà vẫn được giải thoát[16]. Song le việc đó chỉ có bậc Nhất Thiết Trí (Phật) mới thấu rõ hoàn toàn nguyên nhân bất khả tư nghì của luật nhân quả mà thôi.

8) Tất cả sự yếu đuối, vi ước của Bồ Tát rất là tai hại.  Vì khi phạm lỗi, Bồ Tát sẽ bị quả báo ác không thể tính đếm, vì y đã vô tình làm hại đến tất cả chúng sinh.

9)  Và kẻ nào làm chướng ngại, dù chỉ một tích tắc, hạnh lành của Bồ Tát, sẽ bị quả báo ác không thể tính đếm , vì y đã vô tình làm hại đến tất cả chúng sinh.

10)  Khi phá hại sự an vui của một chúng sinh, chắc chắn ta sẽ bị quả báo hại lại.   Thử hỏi, nếu ta phá hại sự an vui của vô lượng chúng sinh trong hư không vô biên thì hậu quả sẽ ra sao?

11)  Kẻ nào có sức mạnh dám phát Bồ Ðề Nguyện, nhưng lại từ bỏ hoặc làm ngược lại Bồ Ðề Hạnh thì kẻ ấy sẽ tiếp tục trôi lăn trong biển sinh tử, không biết bao giờ mới đến được Bồ Tát địa (Bodhisattvabhumi).

12)  Như vậy, ta phải thi hành những gì đã hứa, nếu không ta sẽ bị đọa, càng ngày càng sâu.

13)  Vô lượng chư Phật đã qua lại làm lợi ích, cứu độ chúng sinh.  Nhưng lỗi tại ta đã tạo nghiệp chướng quá sâu dày nên không cảm nhận được sự cứu độ của các ngài.

14)  Nếu ngày hôm nay, ta cũng lại tiếp tục làm những việc (xấu) như trước, chắc chắn sẽ không thoát khỏi sự trừng phạt, bịnh tật, đánh đập, chém giết.

15)  Biết đến bao giờ ta mới có lại được những duyên lành hy hữu như:  mang thân người, gặp được Phật, có lòng tin, đầy đủ các căn để tu hành?

16)  Hiện thời, ta khỏe mạnh, ăn uống đầy đủ, không bị khổ nạn.  Nhưng tất cả chỉ là ảo ảnh phù du:  chính cái thân này cũng chỉ là vật vay mượn.

17)  Hành động như ta hôm nay, chắc chắn không thể nào tái sinh làm người được.  Mà nếu không được thân người thì làm sao có thể tạo hạnh lành được?

18)  Ngày hôm nay đầy đủ duyên lành mà không biết tạo công đức thì hỏi làm sao ta có thể tạo công đức khi bị đau khổ hành hạ trong ba đường ác?

19)  Nếu không làm lành mà chỉ tạo ác thì trong trăm triệu kiếp ta sẽ không bao giờ nghe được một danh từ tốt như "thân người" khó được.

20)  Ðó là lý do vì sao đấng Thiện Thệ đã tuyên bố:  "Ðược thân người khó hơn việc con rùa mù gặp được bọng cây trôi giạt trên biển cả".

21)  Phạm tội dù chỉ trong chốc lát cũng đủ đọa địa ngục A Tỳ (Avici) một tiểu kiếp.   Thử hỏi khi tội lỗi đã được tạo từ vô thỉ thì làm sao có thể nói đến chuyện tái sinh trong đường lành?

22)  Nếu sau khi trả hết tội ở địa ngục mà được giải thoát thì cũng còn may!  Nhưng trong lúc đền tội, con người lại tạo thêm nghiệp ác.

23)  Không có gì điên cuồng ngu xuẩn bằng, sau khi được thân người, ta lại không biết thừa cơ tạo công đức lành.

24)  Hiểu được vậy mà vẫn để cho lười biếng ngự trị thì ta sẽ không kịp ăn năn khi tử thần đến gõ cửa.

25)  Và lúc đó thân ta sẽ bị thiêu đốt nhiều kiếp bởi ngọn lửa ác độc của địa ngục, tâm ta sẽ bị ngọn lửa ân hận dày vò.

26)  Không biết nhờ phép lạ nào đã khiến ta may mắn được thân người khó được này.   Thế mà vừa ý thức được điều đó, ta lại phải trở xuống địa ngục!

27)  Ta chẳng khác gì kẻ mất hồn, bị thôi miên bởi tà thuật!  Không biết cái gì đã ngự trị trong ta, đã làm ta mất trí?

28)  Trời ơi!  Những kẻ thù của ta:  tham dục, sân hận và phiền não, chúng không có tay, không có chân, không can đảm cũng không có trí huệ.  Thế sao ta lại có thể trở thành nô lệ cho chúng?

29)  Ngự trị trong tâm ta, chúng tự do hoành hành, phá phách mà ta chẳng hề tức giận.   Ôi!  Quả là một sự chịu đựng, nhẫn nhục vô lý!

30)  Tất cả Trời, Người, A tu La hợp lại cũng không thể lôi kéo ta vào địa ngục được.

31)  Nhưng phiền não, ái dục là những kẻ thù không tưởng, lại có thể vứt ta vào địa ngục A Tỳ trong nháy mắt.  Trong đó, to lớn như núi Tu Di cũng bị cháy tiêu không còn một hạt tro.

32)  Trong số các kẻ thù, không có ai sống dai hơn kẻ thù vô minh, ái dục, vô thỉ vô chung.

33)  Một người chủ khi được phục vụ trung thành thường biết bảo vệ tôi tớ của mình.  Nhưng ái dục thì ngược lại, luôn luôn đem lại đau khổ cho những ai đã phục vụ nó.

34)  Sự ác độc của nó trường kỳ dai dẳng.  Nó chính là nguồn gốc của biển khổ và oái ăm thay, nó lại ở ngay trong tâm ta.   Như thế làm sao ta có thể an nhiên vui chơi theo lạc thú của đời?

35)  Nó là kẻ cai tù, là kẻ hành quyết tội nhân trong địa ngục.  Làm sao mơ ước được hạnh phúc khi nó còn ngự trị trong tâm ta?

36-37)  Chỉ khi nào nó bị tiêu diệt hoàn toàn dưới mắt ta thì lúc đó ta mới cởi bỏ chiến bào.   Những kẻ kiêu ngạo, khi bị mắng chửi, họ liền nổi giận tìm cách trả thù cho đến khi hạ nhục được đối thủ thì họ mới yên tâm đi ngủ.  Trên bãi chiến trường, họ có thể đánh đập tàn nhẫn kẻ thù dù kẻ đó đã bị thương gần chết.  Họ thản nhiên bắn tên, liệng dao, xem thường sự đau đớn của kẻ thù và họ chỉ quay lưng đi khi kẻ thù đã chết.

38)  Như thế thì ta đây, người đã đứng lên quyết thắng kẻ thù ái dục, nguyên nhân của khổ đau, tại sao lại có thể thất vọng, thối lui được?

39)  Ðối với những vết thương vô ích gây ra bởi kẻ thù mà người chiến sĩ lại xem đó như một vinh quang thì chẳng lẽ ta đây, quyết làm đại sự, lại lẩn tránh khổ cực sao?

40)  Chỉ vì sinh nhai thôi mà những kẻ chài lưới những nông phu, những thợ săn còn chịu đựng được nóng lạnh, đói khát.  Chẳng lẽ ta, vì muốn giải thoát chúng sinh, lại không làm được hơn thế sao?

41)  Ta đã phát nguyện cứu độ chúng sinh trong mười phương ra khỏi ái dục, phiền não trong khi chính ta chưa tự độ giải thoát!

42)  Không biết tự lượng khả năng của mình, ta đã ngạo nghễ phát nguyện một cách vô ý thức.  Vậy từ nay ta phải không ngừng chiến đãu, tiêu diệt phiền não của chính mình trước.

43)  Sự chiến đãu này sẽ là mục đích duy nhất của đời ta.  Như một chiến sĩ căm thù, chỉ còn một say mê, đó là:  say mê tiêu diệt tất cả những say mê khác (tức ái dục).

44)  Dù có bị chặt đầu, moi ruột, móc gan!  Ta cũng không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù muôn đời của ta.

45)  Bình thường khi một kẻ địch thua trận, y có thể rút lui ẩn trú một nơi để phục hồi sức lực và sau đó sẽ trở lại.  Nhưng kẻ thù ái dục thì không thể ẩn náu một nơi nào khác cả!

46)  Một khi bị tống khứ ra khỏi tâm ta, thử hỏi nó sẽ ẩn trú nơi đâu để có thể phục thù ta được?  Sức lực duy nhất của nó, không gì khác hơn, chính là sự yếu hèn và ngu si của ta. Ái dục chính là một bọn tiểu nhân hèn hạ, chạy trốn khi gặp trí huệ.

47)  Ái dục không nằm ngoài cảnh vật, không nằm trong các căn, không nằm ở giữa (cảnh và căn), cũng không nơi nào khác.  Vậy nó nằm ở đâu để có thể làm điên đảo tất cả thế gian?  Nó chỉ là một ảo ảnh mà thôi.  Hỡi tâm ơi!  Hãy trở về với Trí Huệ, xa lìa mọi sợ hãi. Tại sao ngươi lại muốn bị đau khổ nơi địa ngục một cách vô lý?

48)  Nhất quyết!   Từ nay ta sẽ tinh tấn thực hành giới hạnh của Bồ Tát.  Vẫn biết thuốc hay có thể chữa lành bịnh, nhưng làm sao hồi phục được sức khỏe nếu không làm đúng theo lời bác sĩ?


[16] Ý nói các bậc A La Hán ban đầu phát tâm Ðại Thừa nhưng nửa đường thối chí. 

***

 


Vào mạng: 1-12-2001

Trở về mục "Bồ-tát đạo"

Đầu trang