....Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt....

   

...... ... ..  . ..  .  .
Bồ Tát Hạnh
Tôn Giả Santideva

Chương 5
 Giữ gìn tâm ý

1)  Người nào muốn giữ  gìn giới hạnh thì trước hết phải biết giữ gìn cẩn thận tâm ý; nếu không giữ gìn được tâm ý thì sẽ không giữ gìn được giới hạnh.

2)  Những con voi rừng, khi bị động cỡn, dày xéo phá hoại mọi vật nhưng vẫn chưa bằng con "voi tâm" phóng túng nơi địa ngục.

3)  Nhưng nếu cột được con "voi tâm" này bằng sợi dây chánh niệm thì mọi nguy hiểm sẽ tan biến, mọi hanh thông sẽ hiển bày.

4-5)  Tất cả sư tử, cọp, voi, gấu, rắn, độc thú, những tên cai tù địa ngục, La Sát, Dạ Xa sẽ bị giam trói nếu chính tâm bị giam trói; hết thảy sẽ được điều phục nếu tâm được điều phục.

6)  Bao nhiêu tai nạn, đau khổ, thảy đều phát xuất từ tâm!  Bậc Ðạo Sư đã dạy như thế.

7)  Ai đã tạo ra những giường sắt nung đỏ, những rừng đao kiếm nơi địa ngục?  Và những người đàn bà răng bằng sắt này[17] ở đâu ra?

8)  Tất cả đều do cái tâm tội lỗi tạo ra.  Ðức Phật đã nói:  trên đời này chỉ có tâm tội lỗi là nguy hiểm nhất.

9)  Nghe nói Bố Thí Ba La Mật sẽ đem lại giàu sang, thế sao ngày nay loài người vẫn còn nghèo khổ?  Chẳng lẽ chư Phật quá khứ đã không thành tựu sự bố thí sao?

10)  Bố Thí Ba La Mật là tâm niệm xả bỏ, bố thí cho tất cả chúng sinh những vật sở hữu, và cho (hồi hướng) luôn cả công đức bố thí kia.  Như vậy Bố Thí Ba La Mật cũng chính là tâm (niệm) không gì khác.

11)  Làm thế nào để tránh khỏi giết hại chúng sinh, đưa họ đến nơi an ổn?  Trì giới Ba La Mật chính là tâm niệm từ bỏ lỗi lầm.

12)  Chúng sinh ngỗ nghịch, số lượng vô cùng vô tận làm thế nào hàng phục được tất cả?  Nếu ta hàng phục được tâm sân hận thì tức khắc sẽ hàng phục được tất cả.  

13)  Tìm ở đâu được mảnh da lớn có thể bao phủ toàn quả địa cầu?  Ngay nơi chiếc dép da này, toàn mặt đất sẽ được bao phủ.

14)  Cũng vậy, tuy chưa làm chủ được ngoại cảnh nhưng ta làm chủ được tâm mình:  còn gì đáng làm hơn nữa!

15)  Dù có phối hợp với khẩu và thân nghiệp đi nữa, cái tâm nặng trĩu (tà kiến) cũng không đạt được cảnh trời Phạm Thiên, trong khi chỉ cần riêng một mình cái tâm thanh tịnh cũng đủ!

16)  Dù tụng kinh, ép xác lâu ngày cũng đều vô ích nếu tâm tán loạn, chứa đầy tà kiến. 

17)  Những kẻ đi tìm hạnh phúc, chạy trốn khổ đau, sẽ tiếp tục lầm đường lạc lối nếu không hiểu được cái tâm kỳ bí năng chứa tất cả các pháp này.

18)  Như vậy tâm phải được canh chừng, gìn giữ cẩn thận.  Nếu không biết giữ gìn tâm ý thì tu tập những pháp môn khác có nghĩa lý gì?

19)  Như một kẻ bị thương, đứng giữa đám khùng cố gắng bảo vệ vết thương không cho bị đụng.  Cũng vậy, giữa những người lưu manh, dối trá, ta phải giữ gìn tâm ý mình như bảo vệ vết thương vậy.

20)  Thay vì bảo vệ vết thương ngoài da để nó đừng làm đau, tốt hơn ta nên bảo vệ vết thương tâm để nó đừng bị đè nát dưới chân núi địa ngục.

21)  Nếu giữ đúng giới hạnh trên, ta sẽ cứng rắn, điềm nhiên giữa những người tội lỗi và nữ sắc.

22)  Ta có thể để mất tất cả tài sản, danh dự, mạng sống cùng các công đức, nhưng không bao giờ để mất tâm[18].  Không bao giờ!

23)  Hỡi những ai muốn bảo vệ tâm ý.  Tôi xin chắp tay khẩn cầu:  "Hãy hết sức giữ gìn chánh niệm và tỉnh thức".

24)  Một người bịnh hoạn đau ốm sẽ không có sức để làm bất cứ một việc gì.  Cũng vậy nếu tâm si mê, phóng túng thì sẽ không làm được công đức gì cả.

25)  Nếu vô ý (không tỉnh thức) thì tất cả công lao, kết quả của sự học hỏi, suy nghĩ, thỉền quán sẽ tan mất như nước chứa trong một bình nứt.

26)  Có nhiều người thông thái, trí thức, sùng tín nhưng vì thiếu tỉnh thức nên đã lầm theo tà kiến.

27)  Sự thất niệm cũng giống như tên ăn trộm, luôn rình rập thừa lúc ta vô ý, nhảy vào đánh cắp tất cả công đức và khiến ta rơi vào khổ nạn.

28)  Ái dục cũng giống như đoàn hải tặc, chuyên tìm cơ hội để đánh cướp.  Nếu tìm được, chúng sẽ cướp giật hết căn lành khiến ta không còn hy vọng tái sinh nhàn cảnh.

29)  Như vậy, ta sẽ không bao giờ để tâm thất niệm.  Nếu thất niệm thì phải nhớ đến cảnh khổ địa ngục mà mau mau đưa tâm trở về chánh niệm.

30)  May mắn thay, những ai được ở gần các bậc thầy lành, nhờ biết kính nể và tuân theo lời chỉ dạy nên dễ dàng giữ gìn chánh niệm.

31)  "Chư Phật, Bồ Tát có thanh tịnh nhãn nhìn thấu mười phương không chướng ngại,  tất cả đều hiển lộ trước mắt các ngài và ta đây cũng luôn ở trước mặt các ngài".

32)  Nhớ nghĩ như vậy, ta sẽ sinh lòng hổ thẹn, kính nể và luôn nhớ tưởng đến chư Phật trong từng sát na.

33)  Tỉnh thức, một khi đến sẽ không bỏ đi nữa nếu được chánh niệm giữ gìn ngoài cửa (tâm).

34)  Cứ như thế, ta phải giữ gìn tâm ý.  Nếu cảm thấy như bị thúc giục bởi một ý niệm bất chánh, ta phải tức khắc đứng yên bất động như một cây khô.

35)  Mắt không được ngó đây liếc kia một cách vô ích mà phải nhìn xuống như trong lúc tọa thiền.

36)  Nhìn xuống lâu mỏi mắt, ta có thể ngẩng lên nhìn chân trời và lúc đó nếu có người đến gần, ta cũng nên chào hỏi lễ phép.

37)  Trong khi đi đường, nếu nghi ngờ tai nạn, ta có thể nhìn bốn phía, nhưng phải đứng lại để nhìn.

38)  Sau khi nhìn trước ngó sau, ta có thể tiến tới hoặc thối lui tùy trường hợp.

39)  "Ðây là tư thế của thân" hành giả sơ cơ cần phải niệm như vậy trước khi làm một động tác nào.  Và trong khi hành động cũng phải kiểm soát tư thế của mình.

40)  Hành giả phải canh chừng cẩn mật tâm ý như canh chừng một con voi rừng không cho nó giựt đứt giây xẩy thoát khỏi cột trụ chánh pháp.

41)  "Tâm ta ở đâu, đang làm gì?".  Hành giả niệm như vậy và quán sát tâm mình nếu muốn an trụ nơi thiền định.

42)  Tuy vậy, gặp trường hợp bất ngờ như tai nạn hoặc trong lúc bố thí, nếu thất niệm thì cũng có thể tha thứ được.

43)  Nếu quyết định làm một việc lành nào thì phải để hết tâm thi hành xong việc đó không được nghĩ đến chuyện khác.

44)  Như vậy mọi việc sẽ được hoàn tất.  Ngược lại thì "xôi hỏng bỏng không" và thất niệm sẽ trở về lấn át.

45)  Phải xa lìa các cuộc nói chuyện tầm phào và những cảnh tượng kích thích.

46)  Nhớ lời Phật dạy không nên làm điều vô ích, ta sẽ không gạch đường, bới đất, cắt cỏ.

47)  Trước khi nói năng hay cử động, ta phải kiểm soát tâm ý đưa nó trở về chánh niệm.

48)  Nếu thấy tâm đang ái nhiễm hay sân hận thì ta ngưng mọi nói năng, cử động và đứng yên như một cây khô.

49-50)  Khi nào thấy tâm ngã mạn, kiêu ngạo, háo thắng, khoe khoang, tà vạy, ác độc, muốn chỉ trích lừa đảo kẻ khác thì ta hãy đứng yên bất động như một cây khô.

51)  Khi tâm muốn tiền của, danh dự, vinh quang, khen ngợi thì ta sẽ đứng yên bất động như một cây gỗ.

52)  Khi tâm ích kỷ, không muốn làm lợi ích cho người mà chỉ muốn lợi cho mình thì khi sắp nói, ta sẽ đứng yên bất động như một cây khô.

53)  Khi tâm bồn chồn, lo lắng, lười biếng, thích nói chuyện phù phiếm, thiên vị thì ta sẽ đứng yên bất động như một cây khô.

54)  Khi nhận thấy tâm mình bị xao động, đang làm mồi cho ý niệm tà kiến thì người dũng sĩ (Bồ Tát) phải giữ chặt giây cương, dùng phương pháp đối trị.

55-56)  Cương quyết từ bi, khiêm nhường, lễ phép, thông cảm, bình tĩnh, luôn luôn làm lợi ích cho kẻ khác.  Không bao giờ bực tức, nổi giận vì những đòi hỏi vô lý của những kẻ vô tri mà ngược lại, khởi tâm thương xót vì biết họ đang bị vô minh phiền não sai sử.

57)  Trong lúc làm lợi ích cho mình và cho người, Bồ Tát luôn thuận theo Chánh pháp, giữ gìn cẩn mật tâm ý, xa kìa mọi ý niệm về "Ta".

58)  Luôn ghi nhớ giờ phút hy hữu có được ngày hôm nay, sau bao kiếp đau khổ, ta sẽ giữ gìn tâm ý vững chắc, bất động như núi Tu Di.

59)  Khi bị đám diều hâu thèm thịt, cắn xé, mổ xẻ, sao cái thân (thây) chết kia không biết đau đớn, la hét?

60)  Ôi, tâm ơi!   Sao ngươi lại lo lắng, cho cái thây đó là ngươi?  Là bản ngã (cái ta) của ngươi?  Nếu nó không phải là ngươi thì sự còn mất của nó có ăn nhằm gì?

61)  Ôi, ngu xuẩn!   Tại sao ngươi không lấy một con búp bê bằng gỗ sạch sẽ cho đó là cái Ta (bản ngã) của ngươi mà lại đi săn sóc một cái máy dơ bẩn cấu tạo bằng những thứ bất tịnh?

62-63)  Trước hết bằng sự quán tưởng, hãy nhấc bỏ cái lớp vỏ "da" này ra; với trí phân biệt làm con dao, hãy cắt rời từng mảnh thịt ra khỏi xương; tiếp theo chặt từng khúc xương và nhìn vào tủy xem thực chất của nó là gì?

64)  Sau khi tìm kiếm kỹ lưỡng, không thấy được thực chất nào.  Tại sao ngươi vẫn tiếp tục bảo vệ, ái luyến cái thân?

65)  Người ta không ăn được những thứ bất tịnh, không uống được máu mủ.  Vậy thử hỏi ngươi làm gì với cái thân?

66-67)  A!  Phải ngươi gìn giữ nó để sau này làm mồi nuôi chó sói và diều hâu chăng?  Thay vì dùng cái thân khốn nạn này vào việc tạo công đức, ngươi lại săn sóc ái luyến nó để cuối cùng tử thần cũng đến giựt của ngươi, vứt cho diều hâu ăn.  Ôi, lúc đó ngươi sẽ làm gì?

68)  Thông thường, một kẻ đầy tớ khi thôi việc rời khỏi nhà, người ta có cho y quần áo cùng tặng vật không?  Cũng thế, cái thân này, sau khi được nuôi dưỡng, chăm sóc, cuối cùng nó sẽ ra đi, tại sao ngươi lại tốn công vì nó?

69)  Hãy trả vừa đủ lương cho nó thôi!  Và tâm của ta ơi!  Hãy lo cho chính ngươi, đừng tốn thì giờ vô ích cho cái thân nữa.

70)  Hãy xem cái thân như một chiếc thuyền qua lại.  Hãy làm chủ và điều khiển nó theo ý ngươi để đưa chúng sinh đến bờ giải thoát.

71)  Bãy giờ làm chủ được cái ta, Bồ Tát trở nên người bạn lành của tất cả mọi người, luôn mỉm cười không còn nhăn mặt chau mày.

72)  Không còn bồn chồn, xao động, đập phá bàn ghế, xô cửa ầm ĩ.  Bồ Tát an trụ trong yên lặng và khiêm tốn.

73)  Con hạc, con mèo và kẻ trộm luôn bước đi nhẹ nhàng yên lặng nên dễ bắt được mồi.  Bồ Tát cũng nên tập như vậy.

74)  Ðối với các bậc hiền giả khéo dùng phương tiện hướng dẫn làm lợi ích cho chúng sinh, Bồ Tát luôn đảnh lễ kính trọng.  Ðối với mọi người, Bồ Tát luôn nhún nhường như một người đệ tử vậy.

75)  Nghe ai thuyết giảng chánh pháp, Bồ Tát gật đầu xưng tán.  Thấy ai làm việc lành, Bồ Tát liền khen ngợi và tùy hỷ.

76)  Bồ Tát luôn khéo léo kể lại hạnh lành của những kẻ khác.  Nếu nghe người  khen ngợi công đức của mình thì Bồ Tát phải xem đó là lời khen ngợi hạnh lành   (chứ không phải khen ngợi mình).

77)  Công đức chính là nguồn gốc của an vui hạnh phúc.  Tuy vậy, chúng rất hy hữu, dù có nhiều tiền của cũng không thể mua được.  Bởi thế nên ta sung sướng tùy hỷ công đức của kẻ khác.

78)  Ðược vậy, trong đời này ta không mất mát gì cả mà đời sau lại được sung sướng hạnh phúc. Ngược lại, nếu ganh ghét, đố kỵ thì đời này ta bị hận thù ray rứt và đời sau sẽ phải chịu nghèo hèn khổ sở.

79)  Lời nói của Bồ Tát cần phải rành mạch, rõ ràng, thành thật, dịu dàng, dễ nghe, ẩn chứa từ bi, vắng lặng.

80)  Khi gặp một người nào đó, Bồ Tát nhìn thẳng và nghĩ rằng:  "Ta phải biết cám ơn kẻ này vì nhờ họ mà ta sẽ được thành Phật".

81)  Thành kính cúng dường chư Phật, vâng lời phụng sự các bậc Thầy, cứu khổ giúp đỡ chúng sinh:  đó là những cơ hội cho Bồ Tát tích tụ công đức.

82)  Với sự cương quyết, khéo léo, Bồ Tát hành động một mình, không nhờ vả lệ thuộc vào ai.

83)  Các hạnh Ba La Mật như bố thí, trì giới, v.v... được xem từ thấp lên cao, từ dễ đến khó.  Nhưng Bồ Tát không được xem thường hạnh Bố thí (cho nó là thấp kém) hoặc bất cứ hạnh nào.

84)  Sau khi hiểu rõ điều trên, Bồ Tát phải đem hết nghị lực làm việc không ngừng để lợi ích chúng sinh.  Nhiều khi Bồ Tát cũng có thể phạm vào giới cấm nếu biết điều đó đem lại lợi ích cho chúng sinh.

85)  Bồ Tát sẽ chia xẻ thức ăn của mình cho kẻ đau khổ, cô thế và những tu sĩ khác.   Bồ Tát xả bỏ hết, trừ ba y (cà sa).

86)  Thân của Bồ Tát chỉ dùng để tu tập chánh pháp nên Bồ Tát không hành hạ, lạm dụng nó vào những việc tầm thường thế gian.  Như thế, Bồ Tát sẽ hoàn tất nhanh chóng sự mong ước của chúng sinh.

87)  Bồ Tát không được hy sinh thân mạng của mình cho những người lợi dụng, không có lòng từ bi.  Bồ Tát chỉ nên hy sinh nó vì lý do chánh đáng (tức giải thoát chúng sinh).

88)  Bồ Tát không thuyết pháp cho kẻ bất kính, hoặc kẻ đội mũ, che đầu, cầm dù, cầm gậy, cầm dao.

89)  Giáo pháp cao thượng, thâm sâu, không được giảng dạy cho những kẻ thô tục hoặc cho người nữ nếu không có người nam cùng nghe.  Bồ Tát kính trọng  bằng nhau giáo lý Ðại Thừa và Tiểu Thừa.

90)  Nếu thấy người nào có đủ nhân duyên lãnh thọ giáo pháp Ðại Thừa thì Bồ Tát không nên giảng dạy giáo pháp Tiểu Thừa cho người đó.  Bồ Tát cũng không được thu hút người khác bằng cách giảng dạy sai lạc Kinh giáo (Sutra) và Mật giáo (Mantra).

91)  Bồ Tát không vứt tăm xỉa răng hay khạc nhổ bừa bãi.  Tiểu tiện trên dòng nước sạch, trên đất cấy là điều xấu hổ đáng trách.

92)  Bồ Tát không ăn đầy miệng, há miệng to, khua húp ra tiếng; không ngồi duỗi chân, đong đưa, cũng không được xoa tay xào xạc.

93)  Bồ Tát không du lịch một mình hoặc ngủ lại đêm với người nữ (đã có chồng).  Bồ Tát cần học hỏi để giữ gìn, không làm những việc có thể gây tai tiếng.

94)  Bồ Tát không ra dấu (hay ra lệnh) bằng một ngón tay, mà bằng cả một bàn tay phải, một cách lịch sự, dù để chỉ đường cũng vậy.

95)  Khi cần gọi ai, Bồ Tát không dơ tay xua vẫy, trừ trường hợp gấp rút, mà Bồ Tát chỉ búng tay (đàn chỉ) ra tiếng động.  Nếu không Bồ Tát sẽ mất tự chủ (oai nghi).

96)  Khi ngủ, Bồ Tát sẽ nằm theo tư thế của Ðức Phật khi nhập Niết Bàn.  Luôn chánh niệm, tỉnh thức, sẵn sàng ngồi dậy nhanh chóng (không chờ ai bắt buộc).

97)  Hạnh của Bồ Tát rất nhiều, không thể tính đếm.  Nhưng có một hạnh tuyệt đối cần giữ gìn đó là luyện tập và thanh lọc tâm ý.

98)  Ba lần buổi sáng, ba lần buổi tối, Bồ Tát thực hành (trì tụng) ba điều căn bản (Giới, Ðịnh. Huệ).  Nương tựa chư Phật và Bồ Ðề Tâm, Bồ Tát sẽ tẩy sạch mọi tội lỗi cho đến vết cuối cùng.

99)  Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thuận, dù nghịch, Bồ Tát cũng đều nhớ thực hành những giới hạnh trên một cách tương xứng.

100)  Vì lợi ích (giải thoát) chúng sinh nên không có hạnh nào mà Bồ Tát không làm.  Và như thế, không có hạnh nào mà không đem lại công đức.

101)  Bồ Tát làm những hạnh trên chỉ vì lợi ích trực tiếp hay gián tiếp cho chúng sinh; và cũng chỉ vì lợi ích chúng sinh mà Bồ Tát hồi hướng tất cả công hạnh cầu quả Bồ Ðề (Phật).

102)  Dù phải xả bỏ thân này đi nữa, Bồ Tát cũng không bao giờ xa lìa thiện tri thức thực hành Bồ Tát Hạnh, thông hiểu giáo nghĩa Ðại Thừa.

103)  Bồ Tát phải thành kính tin tưởng bậc thầy dẫn đạo của mình, như phẩm Srisambhavavimoksa đã dạy.  Những giới hạnh được trình bày nơi đây và những lời dạy của Phật cần được tìm học trong Kinh tạng.

104)    Những giới luật cùng sự hành trì đều được giảng nói trong Kinh, do đó Bồ Tát cần phải đọc (tụng) Kinh, đặc biệt là Kinh Akacagarbhasutra để biết các lỗi nào nên tránh.

105)  Thêm nữa, Bồ Tát cần phải đọc Siksasamuccaya vì trong đó kể chi tiết những hạnh của Bồ Tát.

106)  Hoặc Bồ Tát nghiên cứu tập Sutrasamuccaya, tóm tắt các hạnh của Bồ Tát và tác phẩm trùng tên của ngài Long Thọ[19].

 107)  Qua những sách trên, Bồ Tát sẽ biết rõ những gì nên tránh và nên làm.  Như thế, Bồ Tát mới có thể hoàn tất chu đáo giới hạnh của mình.

108)  Tóm lại, chánh niệm tỉnh thức có nghĩa là quán sát tỉ mỉ, thường xuyên những trạng thái của tâm ý và thân thể.

109)  Sau cùng ta phải áp dụng, thực hành những điều trên, vì chỉ đọc tụng và nói suông không thể đem lại lợi ích nào cả.  Nếu một bịnh nhân chỉ biết đọc toa thuốc thôi thì y có hết bịnh chăng?


[17] Ở địa ngục, kẻ phạm tội tà dâm bị bắt buộc leo lên cây Kutacalmali, trên đó có những người đàn bà khổng lồ răng sắt nhọn bám níu cắn xé.

[18] Nghĩa là để tâm phóng túng khởi nghĩ những điều trái với Bồ Tát Hạnh.

[19] Xem phần chú thích ở tiểu sử Tôn Giả Santideva.

***

 


Vào mạng: 1-12-2001

Trở về mục "Bồ-tát đạo"

Đầu trang