....Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt....

   

...... ... ..  . ..  .  .
Bồ Tát Hạnh
Tôn Giả Santideva

Chương 7
 Tinh tấn

1)  Sau khi có được nhẫn nhục, hành giả phải trau giồi sức tinh tấn, bởi vì quả Bồ Ðề thành hay không là tùy ở tinh tấn. Không có tinh tấn thì không có công đức nào thành tựu, cũng như không có gió thì không có sự di động nào cả.

2)  Thế nào là tinh tấn ? Ðó là siêng năng làm các hạnh lành. Ngược lại của tinh tấn là gì ? Là lười biếng, chán nản, thích tạo ác và không tin tưởng chính mình.

3)  Ưa thích khoái lạc, ngủ nghỉ, hay trông cậy kẻ khác, không ý thức được đau khổ của luân hồi, đều là nguyên nhân của giải đãi, lười biếng.

4)  Vô minh, tà kiến đã đưa đẩy làm ta trôi lăn trong sinh tử.  Thế mà ta vẫn chưa ý thức được là mình đang sống trong miệng của tử thần!

5) Há ta không thấy những người đồng loại luân phiên nhau tắt thở sao ?  Thế mà ta vẫn thờ ơ, lười biếng, chẳng khác con bò sắp sửa bị làm thịt mà không hay!

6)  Tử thần luôn theo dõi rình rập ta, ngăn chặn mọi lối thoát.  Thế mà ta vẫn say sưa ăn uống, ngủ nghỉ, yêu đương !

7)  "Ðợi khi nào gần chết, tôi sẽ tích tụ công đức !". Nhưng đến lúc đó, dù có vùng vẫy khỏi lười biếng thì cũng quá muộn rồi !

8)  "Việc này chưa làm, việc kia mới làm, việc này mới xong phân nửa", rồi bất thình lình cái chết đến, ta than rằng:  "Thôi, chết tôi rồi !".

9)  Khi cha mẹ, thân nhân hoàn toàn thất vọng, buồn bã vây quanh ta với những cặp mắt đỏ lệ, than khóc thì cùng lúc đó ta cũng thấy luôn các sứ giả của tử thần.

10)  Dằn vặt nhớ lại những tội đã làm, tai thoảng nghe thấy tiếng địa ngục, bản thân ô uế vì nghiệp xấu, lúc đó ta sẽ làm gì ?

11)  "Ôi ta chẳng khác gì cá trong rổ".  Nghĩ vậy cũng đủ làm ta (kẻ tạo tội) sợ hãi ngay trong đời này, nói chi đến cảnh tra tấn địa ngục.

12)  Mới đụng một chút nước nóng mà ta đã vội kêu đau, trong khi tương lai sẽ bị lửa địa ngục thiêu đốt mà ta lại có thể nhởn nhơ vui đùa được ư ?

13)  Ta lười biếng mà lại muốn có phần thưởng; yếu ớt (sợ đau) mà lại thích tạo đau khổ; bị thần chết xích cổ mà lại tưởng mình trường sinh. Than ôi ! Làm sao cứu vãn?

14)  Ngươi may gặp được chiếc thuyền lớn (tức thân người), hãy mau qua khỏi biển khổ ! Ôi, kẻ si, bây giờ không phải là lúc ngủ !  Chiếc thuyền này không dễ gì gặp được lần sau.

15)  Ðối với giáo pháp cao thượng, nguồn gốc của hạnh phúc vô biên, sao ngươi lại thờ ơ, chạy theo lạc thú phù du, quên rằng đó là nguyên nhân dẫn đến đau khổ ?

16)  Biết tự chủ, can đảm, bình đẳng xem mình và người như nhau, xả bỏ ích kỷ để làm lợi ích cho người, đó là những điều kiện của tinh tấn.

17-18)  Không nên nản chí nghĩ rằng:  "Làm sao ta có thể chứng quả Bồ Ðề ?". Bởi vì đấng Như Lai, không vọng ngữ đã nói rằng:  "Nhờ sức tinh tấn, những chúng sinh năm xưa đã làm ruồi, muỗi, ong, trùng, đều đã thành tựu quả Bồ Ðề (rất khó được)".

19)  Trong khi ta đây, may mắn được sinh làm người, biết phân biệt phải trái, nếu làm đúng theo hạnh sống của chư Bồ Tát, chẳng lẽ không chứng được quả Bồ Ðề hay sao ?

20)  Thế mà ta lại run sợ khi nghĩ đến phải hy sinh bố thí tay, chân và các căn.  Ðó là ta đã lầm lẫn (thiếu suy xét), không biết cái gì quan trọng và cái gì vô nghĩa.

21-22)  Cái quan trọng là ta đã bị chặt, cưa, đốt sống trong vô lượng kiếp mà vẫn không đắc quả Bồ Ðề.  Cái vô nghĩa là sự đau khổ nhỏ nhoi nhưng sẽ cho ra quả Bồ Ðề, tương tự như lấy dao khoét vết thương độc, tuy đau nhưng sẽ lành bịnh.

23)  Ðể chữa bịnh, các y sĩ nhiều khi cũng cần mổ xẻ đau đớn.  Thà đau một chút nhưng khỏi bịnh còn hơn là để bịnh nặng sau này.

24)  Tuy vậy người y sĩ giỏi sẽ không cần dùng đến mổ xẻ.  Bằng những phương thuốc dịu ngọt, ông ta có thể chữa lành bịnh nặng.

25)  Ban đầu, bậc Y Vương sẽ dạy đệ tử bố thí đồ ăn, thức uống, sau khi thuần thục, sẽ dạy đến bố thí da thịt, thân thể.

26)  Khi tâm được huấn luyện đến mức xem thân thể chẳng khác cỏ cây thì bố thí xương thịt có khó gì ? 

27)  Lúc đó bậc hiền giả thoát ly mọi đau khổ của thân và tâm.  Bởi vì tâm khổ là do tà kiến, thân khổ do nghiệp xấu.

28)  Thân an vui nhờ tạo công đức, tâm thanh tịnh nhờ trí huệ.  Tuy vẫn ở trong luân hồi, vì thương chúng sinh, nhưng còn gì làm đau khổ được Bồ Tát ?

29)  Tẩy trừ tội lỗi xưa, tích tụ công đức hải, nhờ sức Bồ Ðề Tâm, Bồ Tát vượt hẳn hàng Thanh Văn.

30)  Nhờ cưỡi xe Bồ Ðề Tâm, không chút cản trở mệt nhọc, Bồ Tát đi từ hạnh phúc này đến hạnh phúc khác. Như vậy làm sao có thể nản chí được ?

31)  Muốn thực hiện giải thoát chúng sinh, cần phải có bốn đội quân:  ước nguyện, quyết chí, hoan hỷ và xả bỏ.  Nhờ sợ hãi khổ đau nhớ tưởng đến an vui mà ước nguyện được tăng trưởng.

32)  Muốn tăng trưởng sức tinh tấn, ta phải loại trừ những chướng ngại đối lập.  Muốn có bốn đội quân trên, ta phải biết tự chủ và tu tập đúng đắn.

33)  Ta phải tiêu trừ vô lượng tật xấu của mình và người; trong công việc này, tiêu diệt một tật xấu nhỏ thôi cũng đòi hỏi nhiều kiếp hải.

34)  Trong khi đó ta chưa có được một chút nguyên tử tinh tấn nào.  Trước những đau khổ vô biên, không hiểu (may sao) tim ta chưa bị nổ tung ?

35)  Thêm nữa, ta phải góp nhặt vô lượng hạnh lành cho ta và cho người; thành tựu được một hạnh lành cũng phải trải qua nhiều biển kiếp.

36)  Thế mà ta vẫn chưa làm được một hạnh nhỏ nào. Thật là uổng phí cho kiếp được sinh làm người.

37)  Ta không biết hoan hỷ xưng tán cúng dường chư Phật, không biết hoằng truyền chánh pháp, không biết cứu giúp kẻ nghèo khó.

38)  Không biết bảo vệ kẻ gặp nạn, không đem lại an vui cho người cô thế.  Ta chỉ làm mẹ ta đau đớn khi có thai, chẳng khác mang một lưỡi gươm trong bụng.

39)  Vì không biết hướng về Phật pháp trong quá khứ nên ngày nay ta phải chịu thiệt thòi.   Hiểu như vậy, lẽ đâu lại thờ ơ với Phật pháp ?

40)  Ðức Phật đã nói, (lòng thành) phát nguyện chính là cội nguồn của tất cả công đức.   Phát nguyện được xuất phát từ sự quán chiếu thường xuyên về luật nhân quả.

41)  Những đau khổ vật chất, tinh thần, những tai nạn hiểm nguy, chia ly với những gì thân yêu:  đó là hậu quả của sự sống trong tà kiến.

42)  Nhờ tạo nhiều hạnh lành, thúc đẩy bởi tâm nguyện chân chín, bất cứ lúc nào, ta cũng nhận được phần thưởng xứng đáng.

43)  Nhưng nếu tạo ác thì dù có ước muốn hạnh phúc đi nữa, bất cứ nơi nào bước chân đến, ta cũng phải chịu khổ đau vì đó là hậu quả đương nhiên.

44)  Hóa sanh trong những bông sen thơm ngát, thân thể óng ánh hào quang[21] được nuôi lớn dần bằng diệu âm chánh pháp, các hàng Bồ Tát nhờ tạo nhiều căn lành, sẽ xuất hiện với sắc thân thù thắng khi những cánh sen nở xòe dưới  hào quang của đức Phật.

45)  Ðau đớn la hét vì bị những tên cai ngục của Yama (Diêm Vương) lóc xương, cổ họng uống nước đồng sôi, da thịt bị băm chém bằng hàng trăm mũi dao nung đỏ.   Cứ như thế, kẻ tạo ác không ngừng bị đọa đày trong địa ngục cháy bỏng.

46)  Như vậy, chúng ta hãy phát nguyện tạo hạnh lành.  Sau khi lập nguyện vững chắc, chúng ta phải trau giồi tin tưởng quyết chí, ứng hợp với Kinh Vajradhvajasutra.

47)  Trước khi làm một việc gì, cần phải suy xét xem việc đó có đáng làm và ta có đủ sức hay không?  Nếu thấy không đủ khả năng thì tốt hơn đừng làm, không nên làm mà bỏ dở nửa chừng. 

48)  Nếu bỏ nửa chừng, ta sẽ phải bắt đầu lại trong những đời sau và như thế vô tình gây thêm trở ngại, lầm lỗi.  Làm việc này, bỏ dở việc kia, mất thì giờ mà cuối cùng không xong việc nào cả.

49)  Sự cương quyết tự tin cần được áp dụng vào ba điều:  hành động, phiền não, năng lực. "Ta sẽ làm một mình !" đó là tự tin trong hành động.

50)  Vì nô lệ cho phiền não nên chúng sinh không thể tự tìm an vui giải thoát.  Do đó, chính ta sẽ làm giúp họ, vì ta không bất lực như chúng sinh.

51)  Thấy kẻ khác làm việc nặng nhọc (mà ta cho là) thấp kém, sao ta lại nỡ khoanh tay ngồi yên ? Phải chăng ta cho mình quan trọng hơn kẻ khác ? Nếu vậy, tốt hơn là ta nên dẹp cái tánh ngã mạn kia đi.

52)  Khi tấn công được một con thằn lằn sắp chết, con quạ kia lầm tưởng nó là chim đại bàng.  Cũng vậy, nếu tâm yếu hèn thì một sự cám dỗ nhỏ cũng đủ làm ta té nhào.

53)  Tại sao lại hèn nhát từ chối, không dám dấn thân trên con đường giải thoát ?   Không có một trở ngại nào có thể ngăn cản được sức tinh tấn.

54)  Với tâm quyết chí, tự tin ta sẽ vượt qua tất cả cạm bẫy (của cám dỗ).  Bởi vì, nếu té nhào dù chỉ một lần thôi, thì lời nguyện siêu việt ba cõi hóa ra chuyện nói đùa !

55)  Ta sẽ chiến thắng tất cả, không bao giờ chịu thua bất cứ cái  gì.  Ðây là niềm tự tin cần được tăng trưởng, bởi vì ta là con trai của Phật, bậc chiến thắng, Sư Tử Vương.

56)  Những kẻ kiêu ngạo thật ra rất yếu hèn vì họ đã bị tánh tự kiêu (ngã mạn) chinh phục rồi.  Những kẻ thực sự tự tin thì không bao giờ chịu khuất phục kẻ thù.  Kẻ thù ở đây chính là tánh kiêu mạn.

57-58)  Tánh kiêu mạn sẽ đưa đến đọa đày, khổ sở.  Dù được thân người đi nữa cũng không được an vui, phải làm nô lệ, ngu si, xấu xí, vừa ăn cơm thừa lại bị hất hủi khinh chê.  Ðó là số phận của những kẻ kiêu mạn ! Thế còn người hạ mình khiêm tốn thì sao ?

59)  Ðó là những anh hùng tự tin, chỉ hãnh diện khi nào thắng được kẻ thù "kiêu mạn". Sau khi tiêu diệt được kiêu mạn, kẻ thù đáng sợ nhất, họ sẽ tùy ý tuyên bố với thế gian kết quả chiến thắng của họ[22].

60)  Dù bị phiền não, ái dục bao vây ngàn cách, ta cũng vẫn là kẻ vô địch, như sư tử đứng giữa bầy chồn.

61)  Bồ Tát không bao giờ chịu để cho phiền não chinh phục.  Dù có gặp nguy hiểm cấp bách, Bồ Tát cũng quyết tự bảo vệ như người bảo vệ cặp mắt mình trong cơn bão cát.

62)  Khi quyết định làm việc gì, Bồ Tát làm hăng say hết mình với tâm hoan hỷ, giống như người đánh bài nhất quyết ăn thua.

63)  Giống như người thở phào nhẹ nhõm sau khi làm xong bản tường trình, Bồ Tát luôn luôn thích thú làm hạnh lành, không bao giờ thấy đủ, vì Bồ Tát tìm thấy an vui ngay trong công việc làm.

64)  Thông thường người làm việc cốt để tìnm hạnh phúc, nhưng chưa chắc đã tìm được. Nhưng đối với người mà làm việc chính là hạnh phúc thì thử hỏi sao họ không ham làm việc cho được ?

65)  Lạc thú trần gian, nguy hiểm như mật trên lưỡi dao mà con người lại cho là không bao giờ được thỏa mãn đầy đủ; trong khi đó đối với việc công đức (tương lai sẽ cho ra quả an vui) thì lại cho là đã góp nhặt đầy đủ. Ôi, thật ngược đời !

66)  Do đó, khi xong một hạnh lành, Bồ Tát tức khắc xả bỏ quay sang việc khác, cũng như con voi, dưới sức nóng của mặt trời đứng bóng, vội vàng nhảy vào hồ nước mát.

67)  Khi kiệt sức, Bồ Tát tạm ngưng để có thể tiếp tục về sau.  Và khi công việc được hoàn tất, Bồ Tát liền bỏ qua một bên, sẵn sàng đón nhận việc khác.

68)  Bồ Tát luôn canh chừng cẩn mật sự tấn công của phiền não để có thể phản công hữu hiệu, chẳng khác một hiệp sĩ đãu kiếm với địch thủ tài ba.

69)  Trong trận, nếu bị kiếm rơi, hiệp sĩ phải nhanh tay nhặt lại (vì sợ nguy hiểm).   Cũng thế, nếu Bồ Tát làm rơi kiếm chánh niệm thì phải nhặt lại tức khắc (vì nghĩ đến địa ngục).

70)  Thuốc độc, một khi vào máu sẽ tràn khắp thân thể.  Cũng thế, phiền não một khi gặp tà kiến sẽ tràn khắp trong tâm.

71)  Người hành Bồ Tát đạo phải hết sức chú ý cũng như kẻ cầm bát dầu đầy đi vào đám đông, theo sau là những tên đao phủ sẵn sàng chém đầu nếu người kia làm đổ dầu, dù chỉ một giọt.

72)  Như người thấy rắn rơi vào mình , vội vã đứng dậy hất bỏ, Bồ Tát cũng phải tức khắc phản ứng như thế đối với hôn trầm, uể oải.

73)  Mỗi lần vấp ngã, Bồ Tát tự trách mình và quán chiếu sâu xa để lần sau không tái phạm.

74)  Vì lý do này nên Bồ Tát luôn tìm cầu, thân cận người hiền, thiện tri thức để học hỏi cách thức tu tập giữ gìn tâm ý trong nhiều trường hợp khác nhau.

75)  Ðể củng cố sức tinh tấn, trước khi làm bất cứ việc gì, Bồ Tát luôn nhớ đến phẩm "Không phóng dật"[23] và nhờ đó hành động được an vui, tự tin.

76)  Cũng như bông giấy, bay đến bay đi thuận theo làn gió thổi, Bồ Tát làm tất cả hạnh thuận theo chánh niệm tinh tấn.


[21] Ðây là cảnh hóa sanh ở Cực Lạc (Bdé.ba.chen, Sukhavati) của Phật A Di Ðà.

[22] Tức thành Phật và chuyển Pháp Luân.

[23] Chương II (Appamadavagga) của Kinh Pháp Cú

***

 


Vào mạng: 1-12-2001

Trở về mục "Bồ-tát đạo"

Đầu trang