Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Những Sự Thật về Đạo Xuất Hồn
Tức pháp lý vô vi khoa học huyền bí Phật pháp
những sự thật ngay cả rất nhiều môn đồ kỳ cựu cũng không hề biết !
Phạm Bá

--KỲ VI --
"Điển"

Thông thường, mọi người cho rằng "điển" là "nhân điện", và chính các môn đồ Vô Vi cũng thường dùng nghĩa này bởi họ thích nói "truyền điển", hoặc "thầy ban điển". Nghĩa thứ hai của "điển" phát xuất từ hiện tượng được gọi là "giáng điển", tức "ai đó" có bề thế trong cõi vô hình "ở trển" giáng nhập vào một người trần thế để tuyên bố một điều gì đó rất ư là trọng đại, khiến người nghe phát hồi hộp và ớn lạnh. (Chẳng hạn như câu "Tận thế đến nơi rồi, các con phải kíp tu mau kẻo tr", dân Việt Nam mình được hân hạnh nghe miết suốt hơn 40 năm qua, riết thành ngao ngán.)

Về nghĩa "giáng điển" này, một môn đồ lớn của đạo Vô Vi từng chán nản phát biểu riêng rằng :

- "‘ng [Phật Tám] nói cũng trật hoài, chỉ những khi nào điển ở trển giáng thì ổng nói mới trúng."

Khi được hỏi :

- "Làm sao biết lúc nào điển giáng hay không ?"

môn đồ này cho biết :

- "Khi nào điển giáng thì mặt ổng đỏ bừng bừng."

Riêng tôi nhận thấy những lúc LSH mặt đỏ bừng bừng là những lúc ông ta tức giận, cay cú một môn đồ hoặc người ngoài nào đó. (Có lẽ "nói trúng" đây có nghĩa là nói hợp lý chứ không phải là tiên tri đúng, vì LSH có tiên tri đúng điều gì đâu ?!) Và nếu chỉ khi cái gì đó giáng vào mới nói trúng đi hay tiên tri đúng đi nữa, thì cũng chỉ là một hình thức đồng bóng là cùng, chứ "Phật sống" ở cái khổ nào ?

Khoảng năm 1986, một môn đồ Vô Vi viết một tập sách mỏng về cách tu của đạo này, lời lẽ và cách dùng chữ cho thấy người viết có trình độ đại học, và ông ta cho biết điển không phải là nhân điện, rằng nếu người đời nghĩ như vậy là lầm, là ngây thơ ! Đương sự giải thích "điển" rất cao siêu, rất khoa học, bằng những danh từ vật lý như chấn động, xung động, giao động, tần số, v.v. và v.v., nhưng chẳng hề thấy đương sự đã dùng các máy móc tối tân gì, tại phòng khảo nghiệm nào để đo xem các giao động đó được bao nhiêu Hertz, bao nhiêu chu kỳ. Tôi kết luận là người viết cũng chỉ vì quá mê hoặc với "điển" nên sanh quá tự tin, bèn lượm lặt, chắp vá sách vở khoa học rồi tưởng tượng hão và giải thích một cách võ đoán như vậy mà thôi.

Cho đến nay, trên khắp thế giới họa chăng chỉ có một đôi người bẩm sanh dị thường, ngoài ra chẳng có một ai do tập luyện mà "có nhân điện" để phát ra được một dòng "nhân điện" có thể đo được bằng máy điện kế, và đủ mạnh để làm sáng một cái bóng đèn điện hoặc đèn pin nhỏ nhất. Nhiều người hành nghề chữa bệnh thích dùng hai chữ "nhân điện" nhưng cũng đều dùng các máy xung động điện (T.E.N.S.) loại chạy bằng pin, giá nay chỉ trên dưới 50 Mỹ Kim, hoặc loại sách tay lớn hơn, chạy điện, đáng giá vài ngàn Mỹ Kim (như cái cô B. thường đem theo mỗi khi đi khắp nơi với đức thầy Tám, và cô dùng nó kèm theo các bịt thuốc Nature’s Sunshine để làm lương y chữa bệnh cho các con bệnh Vô Vi thay vì dùng "điển" gì đó có được do luyện xuất hồn).

Đặc san Vô Vi năm 2000 có ghi phần điện đàm (xin thưa cho rõ, tức là nói chuyện qua điện thoại, chứ không phải nói chuyện bằng... điển) giữa LSH và một môn đồ bên Việt Nam. Khi môn đồ ấy hỏi chừng nào "đức thầy" về Việt Nam, ngài phán :

  • "Về bển làm gì ? Để hút [điển] trược à ???"

Tuy sợ điển trược như vậy, nhưng LSH lại quyết định cho tổ chức đại hội Vô Vi năm 2000 tại thủ đô của Tiệp Khắc. Đại hội này đã có kết quả tức khắc là các môn đồ đều rút vào nằm trong các phòng của khách sạn cho đến khi về, không ai dám ra đường. Lý do là trong những ngày đầu, một số môn đồ đã bị những kẻ bất lương tại địa phương chận đường uy hiếp và trấn lột. Nếu Phật sống đã chọn Tiệp Khắc làm nơi họp đại hội, chẳng lẽ ngài lại cố tình lựa nơi "điển trược" như thế để hại môn đồ ??? Hay "điển trược" Tiệp Khắc... thanh nhẹ hơn "điển trược" Việt Nam, đáng cho môn đồ "học bài" hơn, mau "tiến hóa" hơn ???

Nói chung, tất cả mọi lý sự loanh quanh, luẩn quẩn, vớ vẩn, ngớ ngẩn, và quái đản đến mức độ khôi hài của thầy trò VV rốt cục đều qui về một cái hang tối tăm cuối cùng : "ĐIỂN".

  • Chữ nghĩa quốc ngữ và Hán văn của LSH chẳng đến đâu, vậy làm sao LSH biết được rằng kinh điển Phật Giáo mấy ngàn năm nay đều "tam sao thất bổn hết, không thể tin được"? LSH cho biết là nhờ"dùng điển đọc mà biết!"
  • "Điển Thượng Đế" chuyển cho ông nọ, bà đó, ôm hun LSH và nói với mọi người, "Đây là Di Lặc đây các con !"
  • "Điển Thượng Đế" giáng vô cô kia, cậu nọ xưng "Ta là Thượng Đế", bắt cha mẹ già phải quì lạy dưới chân mình.
  • "Điển Thượng Đế" xuống người bệnh đó, khóc lóc : "Cha đã quyết định rồi, Cha sẽ đưa con ra khỏi Việt Nam, khỏi địa ngục trần gian."

(Té ra Thượng Đế cũng còn bi luyï, khóc lóc như chúng ta sao ??? Té ra xứ Việt Nam chiến tranh lầm than, điêu tàn, chết chóc, vay trả trước mắt đó, "địa ngục trần gian" đó không phải là nơi cho LSH và các môn đồ VV "học bài". Trái lại, các xứ Mỹ, Pháp, Úc, Hồng Kông, văn minh, sung sướng, hưởng thụ vật chất phủ phê, mới là nơi để họ học bài ! Thì ra, khi LSH nói rằng nước Việt Nam "được Thượng Đế lựa làm điểm linh quang, linh địa để giải tiến tâm linh...," chẳng qua cũng chỉ là nói bừa thường nhật mà thôi hay sao ?)

  • "Điển Thượng Đế" giáng vô cô đó, phán rằng, "Còn Phật của Ta đi [tức Tám vượt biên] là không có khổ, đi như đi chơi, Cha cưng ! Cha cưng rồi là nó đi chơi chớ không có đi như các con, nó khác hơn." (Té ra, rõ ràng Thượng Đế thiên vị, và "con yêu con ghét" một cách rất phàm tục !!!]
  • "Điển Thượng Đế" giáng vào một kẻ lấc cấc, tham danh, tham lợi, tham dục, tự xưng là "Cha Trời". Cha Trời này đứng chống nạnh, dạng háng, thách đệ tử lạy và chun qua dưới háng ngài !
  • Lý do gì LSH và các môn đồ cạo đầu ? Cũng chỉ để... thở hít điển cho được "nhẹ hơn, d lưu thông hơn, mặt sáng hơn." Tôi đã thấy tại các đại hội Vô Vi hoặc những khi hội họp có quay video, nhiều nam môn đồ Vô Vi kè kè cái máy cạo râu chạy điện deluxe loại 3 vòng dao cạo. Mỗi ngày rà máy trên đầu cả tiếng đồng hồ không chán !!! Có người còn thoa dầu lên cho bóng. Suốt ngày lo cho cái đầu thật láng và mong đợi mặt mày sáng ra. Soi gương thấy... mặt tối là lại rà nạo cái đầu trọc. Lý do dường như không có gì khác hơn là để khi chiếu video ra, cả làng cả nước Vô Vi thấy cái mặt mình nó sáng rỡ, có nghĩa là điển mình mạnh, mình tu cao.

Nhìn chung các thí dụ trên, chúng ta nhận thấy "Thượng Đế" vô hình đã là một khái niệm trừu tượng được ưa chuộng nhất trong lịch sử loài người, và nơi đây khái niệm ấy đã được cụ thể hoá bằng cái gọi là "Điển Thượng Đế", cứ như cả hai đều rất thật, không thể chối cãi được.

Vậy sau đây xin mời người đọc cùng xem xét nguồn gốc "điển" của đạo xuất hồn. Trong việc đúc kết toàn bản tường trình này, đây là phần cực nhọc nhất cho tôi, và có lẽ cũng là phần ít hứng thú nhất, đến độ chán chết cho người đọc. Lý do là các đương sự (tổ sư ĐTH trong quá khứ và Phật Sống LSH hiện tại) đều có cùng một căn bệnh : không thể tập trung đầu óc vào một đề mục hay một câu hỏi nhất định để trả lời hoặc giải đáp. Những câu hỏi đơn giản, rõ ràng, và chữ dùng phổ thông nhất cũng được các đương sự phát ngôn lung tung, linh tinh, lang tang, lạc đề, ý nọ bắt chuyền qua ý kia. Các câu hỏi "Điển là gì?" hoặc "Điển do đâu mà có?" được trả lời trên trời, dưới đất, người nam gặp người nữ, bào thai tạo hình, v.v. gần hai trang sách in chữ nhỏ, và vẫn không đưa đến câu giải đáp dứt khoát. Trang này cho điển là phần hồn thiêng liêng, chỗ khác cho điển là "cục Mô Ni Châu" từ trán phóng ra, đến trang nọ thì điển lại là "sự sáng suốt." (Nếu điển là sự sáng suốt thì tại sao lại có loại "điển trược" mà thầy trò VV rất sợ ???)

Chỉ riêng trong quyển "Kinh A-Di-Đà Giảng Giải" của cụ ĐTH, cộng chung tất cả các đoạn rải rác, có đến ba, bốn trang giải thích về "điển" một cách bất nhất và luông tuồng. Đọc qua đã là một cực hình, nếu đem chép hết vào đây lại là một cực hình thứ hai cho cả người viết và người đọc, lại chỉ thêm giấy mực. Do đó, nếu tôi phải dẫn nguyên văn đoạn nào, xin người đọc hiểu cho rằng đó là một sự cần thiết và bất đắc dĩ.

Nếu như tổ sư xuất hồn còn sống và có ai cứ truy hỏi cho ra ngọn ngành của điển, không biết cụ có nổi sung như Phật Tám hay chăng ? Giống như tổ sư đã quá vãng, hiện tại Phật Tám--tức Phật Vĩ Kiên, kiêm Thiền Sư Tám, kiêm Bé Tám, v.v.--cũng có nhiều câu giải đáp độc đáo về điển cho chúng ta học hỏi, và than ôi, cũng... linh tinh lang tang như vậy !!!

Tôi sẽ trình bày các cách giảng nghĩa "điển" của cả hai đương sự. Các chữ in đậm trong các trích đoạn là do ý của tôi nhằm giúp người đọc d thấy các điểm nổi bật hơn các điểm khác trong đám dây dưa chằng chịt của ngôn từ Vô Vi. Khi các chữ được in đậm y theo nguyên bản, tôi có ghi chú thích tại chỗ.

i. Tổ sư đạo xuất hồn giải thích "điển"

Trang 165, Kinh A-Di-Đà và Phật Học Vấn Đáp theo PLVV KHHBPP, cụ ĐTH phán :

"Trên trời thì có mặt trời, mặt trăng, để làm việc ngày đêm với các vì sao, còn trần gian thì có đèn pha, đèn điện, kể chung tất cả điển tiên thiên trên Thiên Đàng cùng điển của trần gian là lửa điển phụ thuộc mà thôi. Trên trời thì có lửa điển trong tốt do Hắc Bì Phật lập hiến. Còn dưới trần thế thì có điển lửa của khí trược, do trái đất hoá sanh. Trong trái đất có khối đá, trong chất khối đá là một thứ nhớt của cát. Cát, thứ tốt, màng của nó sanh ra loài kim khí, khí nhớt đã thành khối gọi bằng đá."

Phần nhận xét của tôi:

1. Đèn pha, đèn điện cũng được tổ sư xuất hồn đem cả vào để giải thích điển.

2. "Trên trời thì có lửa điển trong tốt do Hắc Bì Phật lập hiến": Câu này thể hiện hai trong số nhiều đặc tính rõ rệt của đạo xuất hồn: (1) gán bừa một vị Phật hoặc kinh Phật với các sự kiện không tưởng, và (2) dùng từ ngữ bừa bãi : lập hiến.

3. "Trong trái đất có khối đá, trong chất khối đá là một thứ nhớt của cát" ??? Câu này và câu kế tiếp cho thấy dường như cụ ĐTH tin rằng cát sanh ra chất nhớt, chất nhớt ấy kết lại thành... đá.

Tiếp theo đoạn trích dẫn trên :

"Đá được hưởng khí mặt trời chói rọi, hợp với thán khí là khí đất, thành chất lửa điển, khi lấy 2 cục đá chọi nhau, hoá thành chất điển lửa trược. Bởi thế khi chúng ta phân tách, mới biết lửa nào của Thiên Đàng, còn điển nào trược đục của đá cát cùng nước nhớt chung đụng thành khối gọi là điển lửa đục của trần gian gọi là điển âm. Bởi sự hợp tinh của Niết Bàn là mặt trời xây chuyển, h chất nào được hợp Ngũ hành là số 5 gọi là kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ hợp với 4 cộng là 9, số 4 là: Đông, Tây, Nam, Bắc.

Khi số 5 của Niết Bàn sa xuống thoai noãn số 4 gọi là 9 thì hợp tác thành ra một thứ hồn điển Thiêng Liêng, gọi là hồn của bản thể con người, ví như trong Niết Bàn 1 với 8 là 9, 7 với 2 gọi là 9 vân vân..."

Phần nhận xét của tôi:

1. Đá hợp với thán khí thành lửa điển, nên khi hai cục đá chọi nhau thì lửa điển ấy xẹt ra !!!! Phải chăng đây cũng chính là loại "khoa học huyền bí" đương sự đã thủ đắc nhờ luyện xuất hồn thành công ?

2. "Bởi sự hợp tinh của Niết Bàn là mặt trời xây chuyển" : Đố ai hiểu nổi !

3. Ngũ hành là số 5; số 4 là Đông Tây Nam Bắc; cộng nhau thành 9. Thai noãn cũng số 4; 5 + 4 là 9; Niết Bàn 1 với 8 là 9, v.v. Tôi nhận thấy Tổ sư rất thích 9 nút.

Trang 192, cùng sách:

"Máu có 3 thứ: thứ trong thì ở ngoài da, còn thứ đỏ tươi thì ở từng theo sớ thịt, còn thứ đỏ bầm thì chất huyết nầy nặng nề, rồi nhờ Pháp Luân Thường Chuyển là phép của Phật dạy ta công phu lừa lọc, hợp lại với thứ nhớt trong, gọi là tinh ba, còn thứ đỏ tươi hợp với nhớt trược nhẹ, chung qui là một thứ khí quản, rồi thừa tiếp mở kỷ xuống tại nơi đường mạch đốc là chỗ dây gân xanh ở giữa 2 trái cật, nương theo đường mạch đốc đi thẳng theo xương sống, làm ra một thứ khí trong, để giúp cho linh hồn ta một thứ máu nóng gọi là Điển. Điển này thừa hành phận sự làm chủ bản thể, giống nó cũng như loại kim là sắc, ưa rút nhảy cũng như thứ (aimant của magnéto) mà thế tục thường làm xe hơi, để cho bộ máy chuyển động nó, để giúp cho thần hồn mạnh mẽ khoẻ khoắn."

Phần nhận xét của tôi:

1. Theo tổ sư, máu có... 3 thứ : trong, đỏ tươi, và đỏ bầm. Vậy là hợp với "khoa học" quá mức rồi, nhưng đương sự bỏ sót quá nhiều loại máu khác như : máu cờ bạc, máu ham danh, máu ham lợi, máu dê, máu xấu, máu hàn, máu nhiệt, máu sản hậu, máu cao, máu thấp, máu xâm, máu khùng, v.v. và v.v.

2. "Pháp Luân Thường Chuyển" đây là cách nằm phình bụng lên, phình bụng xuống, do đương sự sáng chế, hoàn toàn không phải do Phật nào dạy.

3. Bảo đảm không có Phật nào dạy đệ tử "lừa lọc" cả. Nếu có, đó là loại Phật do ma nhập vào ai đó phong cho làm Phật.

4. "Ba thứ máu hợp với nhớt trong, nhớt nhẹ, tất cả thành khí quản" : đây cũng là một kiến thức chỉ thấy có trong đạo xuất hồn Vô Vi mà thôi.

5. "Khí quản ấy chạy trong đốc mạch, tạo ra khí trong. Khí trong này lại cho linh hồn ta một thứ máu nóng, gọi là ĐIỂN." UREKA !!! Đây chính là nguồn gốc điển của đạo xuất hồn, tức đạo Vô Vi, tức Pháp Lý Vô Vi Khoa Học Huyền Bí Phật Pháp ! Ba thứ máu biến thành cái khí quản chạy trong đốc mạch, tạo ra khí trong, khí trong này cho linh hồn một loại máu... thứ tư gọi là máu nóng, máu nóng đó chính là ĐIỂN.

6. "Điển này giống nó cũng như loại kim là sắc" : tổ sư dạy rõ thêm : điển này có tính chất giống như... kim loại.

Trang 180, cùng sách:

"Vấn: Tại sao gọi là Điển ?

Đáp: Trước kia ta ở trong thai noãn,.....[nguyên câu dài luông tuồng 143 chữ, không hề trả lời thẳng vào câu hỏi.] Bào thai ấy....... Sự hợp nhứt của Cha Mẹ..... [câu này cũng dài khoảng 120 chữ, cũng chưa thấy đá động đến điển.] Còn ngũ tạng ruột, gan, ..... Rồi thai ấy........... Khi Mẹ hoài thai 9 tháng thì thai noãn đủ nguyên hình, ................" [Đã 2 trang giấy như thế -trang 180 và trang 181-cũng chưa thấy nói gì để trả lời câu hỏi "Tại sao gọi là Điển ? "]

Trang 182, cùng sách :

"Trong kinh nhà Phật nói: Ta vốn là ta, gọi là căn bản, căn bản gọi là khí điển. Hồn của ta trên trời sa xuống từ lúc Mẹ ta có thai noãn trong 6 tháng, làm chủ bản gọi là trí, ý, hồn, tánh, tình là Vía. Nhưng cũng có sự phụ thuộc vốn của Cha Mẹ ta là Khí cấu tạo, rồi hợp thành một cái vốn khí điển của Thiên Đàng sa xuống nhập vào thai. Bào thai này nhờ có ngươn khí chất lỏng của Cha Mẹ tạo thành, gọi là khí bẩm sở câu, vật lực sở tế......"

Phần nhận xét của tôi:

1. Như thường lệ, loại kinh nhà Phật này chỉ có độc quyền trong đầu óc của đương sự.

2. Hồn của ta, cùng khí cấu tạo của cha mẹ, và cái vốn khí điển của Thiên Đàng, tất cả 3 thứ hợp nhất thành Ta. Ta tức là căn bản, tức là khí điển. (Đương sự dùng các chữ "hợp thành một" là ý này.)

Tuy nhiên, đã hợp nhất thành điển, sao lại có việc luyện hồn vía ??? Còn nếu nói chỉ hợp chung lại, tại sao lại chỉ luyện hồn vía, bỏ quên khí cấu tạokhí điển của Thiên Đàng ???

Chúng ta chớ quên, mới nơi trang trước : 3 thứ máu cộng với dầu nhớt này nọ thành cái khí quản, rồi cái thành một thứ máu nóng gọi là điển. Qua đây thì điển lại là kết quả của hồn + khí cấu tạo + khí điển của Thiên Đàng.

Có lúc ngài cũng cho hồn là điển, điển là hồn. Do đó, tiện đây tôi trích thêm các lời tổ sư giải thích HỒN để người đọc nếu muốn có thể tưởng lãm thêm cái trí tuệ rối bòng bong của ngài. Như đã ước hẹn trước, cũng như trong các phần trích đoạn ở trên, các chữ in đậm nét dưới đây là do ý tôi, cốt giúp người đọc d thấy các điểm nổi bật hơn các điểm khác. Tuy nhiên, rất có thể người đọc sẽ nhận thấy các điểm khác có phần tếu hơn và xứng đáng được in đậm nét hơn !

1. Hồn là một điển quang của Hắc Bì Phật đã lập hiến, nào là điển của mặt trời là khí dương cùng điển của mặt trăng là khí âm, hợp với 28 vì sao cùng ngũ hành, nhưng điển nào làm việc chậm tr thì sa xuống trần gian hợp cùng thán khí, rồi hợp với khí âm khí dương của bản thể con người, thừa theo giống đực giống cái, chung với ngươn khí hợp thành thai noãn nguyên khối. (Trang 164)

2. Tóm tắt, trong bản thể con người thì có hồn là một thứ điển quang trên Thiêng Liêng, gốc của Lập Hiến, nào là Hiến Pháp, là mặt trời mặt trăng, sao, ngũ hành, chỉ lẽ chánh khí điển hiến pháp cực thanh thì còn ở làm việc. Còn khí điển nào trược, nặng, làm việc chậm tr, thì điển ấy sa xuống trần gian gọi là hồn. (Trang 165)

3. Hồn là một đấng Thiêng Liêng do khí trược của Thiên Đàng, của Phật Trời gọi là hồn. Khi hồn sa xuống nhập vào bản thể con người cùng vật, nhưng từ Thiên Đàng cùng trần gian đều có sự hoá hoá sanh sanh hưởng ứng, nhưng trần gian thì cũng có đủ thứ như trên trời. (Trang 165)

4. Tóm tắt : TINH vốn của Cha. KHÍ vốn của Mẹ, THẦN vốn của trên Thiên Đàng sa xuống, nói chung là: Tinh, Khí, Thần. gọi là Ta, vốn là Ta. (Trang 182)

5. Ta vốn là Thần Hồn trên thiên Đàng sa xuống cũng gọi là Căn bản. Căn bản 1à vốn gốc hồn trên trời sa xuống làm chủ bản thể.......... (Trang 182)

6. Người đủ trí thức gọi là Hồn, còn ta là người ở thế gian, Cha Mẹ sanh ra ta. (Trang 183)

7. Hồn là trí não ở vào bộ ócmột thứ khí thiêng liêng của Trời Phật ban phó cho trong bản thể con người.... (Trang 193)

8. Nhưng trước đây ta phải công phu thấy Mâu Ni Châu xuất ra, đó làHồn. Hồn là một cục máu hoá thành lửa điển gọi là Mâu Ni Châu trong mình ta trước trán phát tung bay ra mới gọi là Hồn. (Trang 194)

Trên đây là phần tổ sư đạo xuất hồn giải thích điển, ngài đã quá cố. Dưới đây đến phần phán dạy của Phật sống LSH.

ii. Phật sống lsh giải thích "điển"

Hỏi: Điển quang là gì?

ĐÁP: Điển quang là sự sáng suốt trong nội thức của chúng ta, cho nên khi mọi người tu mà hiểu được sự sáng suốt do liên kết với điển quang sáng suốt của bề trên. Cái điển quang sáng suốt chẳng hạn trong lúc các bạn đang viết thơ mà nghĩ một việc này mà viết rồi một chập ào ào ra những việc còn siêu hơn và nhẹ hơn. Đó, cái điển quang chuyển hoá xuống nên tâm thức mình được mở mang càng ngày càng sáng suốt.

Phần nhận xét của tôi:

1) Điển là "sự sáng suốt trong nội thức."

Sách xuất hồn không ghi người hỏi thắc mắc nội thức là gì, và chúng ta lại không...có điển, nên cứ hiểu nội thức theo nghĩa thông thường là tâm trí, là sự suy nghĩ. Nếu lại truy "Vậy ngoại thức là cái gì ?" thì có lẽ Phật Sống lại phán thêm vài ba chữ nghe có vẻ rất triết lý và trừu tượng khác mà thôi.

Tôi nhận thấy đương sự cực kỳ ưa thích việc dùng những ngôn từ đao to búa lớn, những chữ trừu tượng mà chính đương sự cũng không hiểu nghĩa lý rõ rệt. Có thể nói đương sự luôn luôn bị ám ảnh với các ngôn từ kêu nổ rộn ràng ấy. Trong một câu trả lời cho môn đồ qua hệ thống InterNet-Vol. 5 No. 9, tháng 6 1996-ngài phán, "luồng điển trong nội thức xuyên qua hà đào thành, khớp xương xoáy óc..." Như thế, nội thức không có nghĩa là sự suy tư, suy nghĩ, hoặc tâm trí theo nghĩa bình thường. Vậy theo LSH "nội thức" giống như cái ống nước hoặc sợi dây điện trong đó luồng điển chạy ? Vậy "nội thức" là một vật cụ thể ta có thể rờ mó được, như chân tay, bàn ghế ???

Cũng theo phần trả lời về điển của Phật Sống, chúng ta thấy những ai không luyện xuất hồn, không có điển, tất không có sáng suốt trong nội thức. May thay!

2) "Tu mà hiểu được sự sáng suốt [là] do liên kết với điển quang sáng suốt của bề trên."

Hiểu được sự sáng suốt ??? Câu này hoàn toàn chẳng có nghĩa lý gì cả. Ngôn ngữ Việt Nam chỉ có câu "hiểu một cách sáng suốt", hoặc "Tôi thán phục sự sáng suốt của ông A trong tình huống khó khăn đó." "Sáng suốt" chỉ là một trong các từ ngữ ám ảnh Phật Tám rất thường trực, cũng như những chữ "thanh nhẹ", "khai triển", "giải toả", "tâm linh", "vạn linh", v.v. Bất cứ ai trong chúng ta, chưa từng luyện xuất hồn, không hề có "điển", cứ nhắm mắt, mở miệng nói một dây những loại chữ này và các chữ nửa nạc nửa mỡ khác là tức khắc y chang một môn đồ VV kỳ cựu 100%, tu cao, sống chết với điển, cái sự lý gì cũng qui về điển. Chúng ta cũng có thể chuẩn bị cho chu đáo bằng cách "thực hành tháo gỡ nghiệp tâm" "trong lý thuyết minh giác" cho kỹ, để "giáng lâm" sân khấu Đại Hội VV, tự xưng là Phật, là Cha Trời "tùy theo sự phát triển của nhịp tim" chúng ta tuyên bố trước "cộng đồng nhơn sinh" cho "thanh nhẹ phần hồn", cho "tâm minh đời đạo hướng khuynh Phật Trời", "khôi phục lãnh vực thanh tịnh sẵn có của tâm linh" trên thế gian đầy "điển trược" này.

Cũng trong lời giải đáp về điển của LSH ở trên, vấn đề đã được đương sự bán cái cho "bề trên". Chữ "bề trên" này đối với đa số người phàm chúng ta có nghĩa một "đấng" nào đó, "ở trển", có quyền ban phước, giáng hoạ xuống đầu mình. Nếu truy kỹ cho ra bề trên ấy ở đâu, mặt mũi ra sao, và "Điển quang sáng suốt của bề trên nghĩa là gì ?" "Có phải bề trên cũng do luyện xuất hồn mà có điển quang sáng suốt ấy không?" v.v., thì chắc chắn tất cả mọi người hiện diện sẽ chỉ được nhìn cái mặt nghệt ra trông rất đáng tội nghiệp của người bị hỏi như rất thường thấy mà thôi.

Quan sát rất nhiều trường hợp hỏi đáp, tôi nhận thấy mỗi khi có ai chất vấn Phật sống cặn kẽ cho đến nơi đến chốn thì mọi người tham dự chẳng thấy đạo lý của Phật Sống ở chỗ nào cả. Có hai trường hợp xảy ra : (A) Phật sống bí, và (B) Phật sống không bí.

  1. Phật sống bí, nín thinh, mặt chầm dầm, suy nghĩ, xoay sở.
  1. Nếu đương sự nghĩ ra được một câu nào đó để chống đỡ, đó thường là lời chống đỡ càn.
  2. Nếu không nghĩ ra được câu gì, đương sự sưng mặt, gằn giọng, dùng lời lẽ thô lỗ của kẻ quê mùa, thất học, thất phu.
  3. Nếu hoàn toàn đuối lý, đương sự nín thinh. Không khí nặng nề nhất trong tình cảnh này. Tất cả mọi người thấy rõ thực chất và khả năng của một kẻ tự xưng và được môn đồ xưng tụng là Phật Sống, ra mặt làm bậc thầy dẫn dắt người khác trên đường "tiến hóa tâm linh" bằng cách đút chặt hai ngón tay cái vào hai lỗ tai.

Trong các trường hợp thuộc loại thứ nhất này, coi như Phật sống thua, bất kể có thốt ra lời càn hay nín thinh. Một thí dụ điển hình cho các câu trả lời loại này là trường hợp sau: Trong một buổi Phật sống thuyết giảng tại một hội trường, sau phần Phật sống giảng, đến phần người dự nghe đưa các câu hỏi đã được viết vào giấy và chuyền lên sân khấu cho một người cầm đọc. Có một người hỏi về việc tu xuất hồn lâu thì đầu u lên (Phật sống phán rằng đúng vậy, đó là điều tốt.) Các câu hỏi tiếp theo : "U chỗ nào thì tốt, chỗ nào không tốt?" (Phật sống đáp.) Người hỏi tiếp : "U nhiều tốt nhiều, phải vậy chăng ?" Phật sống nổi sùng ra mặt và đáp "Muốn tu cho đầu nổi nhiều cục u thì cú lên đầu cho nhiều vô !"

Phần lớn đám đông môn đồ cười khúc khích. Có người ngoại quốc nghe lời dịch các câu hỏi đáp đến đây thì bực mình tháo cái headphone đeo trên đầu, liệng xuống bàn, và đứng lên bỏ ra. Tuy các câu hỏi ấy nghe có vẻ khôi hài, nhưng dường như đó là các câu hỏi chân thành từ một môn đồ VV đã luyện một thời gian, và ông hay bà ấy đã nghe nói hoặc thấy trong số những người luyện lâu năm có nhiều người nơi mỏ ác vun lên.

Trong các trường hợp hỏi đáp như trên, tôi coi như Phật sống thua : bản chất của môn luyện xuất hồn và bộ mặt thực của Phật sống bị phô bày.

  1. Phật sống không hề bí. Ngài tự tin, phán dạy hùng dũng, nhưng hoặc là lạc đề, hoặc tránh né, hoặc không hiểu câu hỏi, hoặc nói dốt, hoặc nói tà đạo, v.v. Trong trường hợp này người hỏi chịu thua và rút lui, bởi họ tự nhận ra là Phật sống hết thuốc chữa.

Điển hình các câu trả lời loại này là khi có người nhắc đến quả vị La Hán, Phật sống lập tức giận dữ phán : "La Hán là cái gì ? - đây không có tu chùa !" Rõ ràng đương sự đã lòi ra bộ mặt tà đạo hằng được rán dấu diếm bằng đủ mọi cách. Người hỏi thua, rút lui vì không lẽ nói thẳng vào mặt Phật sống "Như vậy thì ông đích thực là bàng môn tả đạo rồi còn gì nữa ! Ông xưng là Phật mà không biết La Hán là gì và khinh thị La Hán như vậy sao ??? "

Sau đây là một giải đáp khác về "điển" của LSH, ngày 4 tháng 1 năm 1994.

"Hỏi: Điển do đâu mà có?

ĐÁP: Điển từ bên ngoài do sự hội tụ chấn động của càn khôn vũ trụ mà có. Còn điển của con người do sự tụ hợp tự thực phẩm hành pháp thông khai thần kinh khối óc thành tựu ánh sáng hoà hợp với chấn động thanh nhẹ của vũ trụ quang, tiếp thu tinh ba của vũ trụ, dũng chí hồi sinh, tự giải toả mọi sự nan giải của tâm linh, hoá độ quần sinh."

Phần nhận xét của tôi:

  • Câu thứ hai dài 61 chữ, được nhồi thành bởi một nùi ngôn ngữ trọng đại, không phân mệnh đề chánh, phụ. (LSH gọi đây là thao thao bất tuyệt, tuôn ra øo ào". Các môn đồ một mực thán phục !) Như thường lệ, một lô ngôn từ Vô Vi chen lấn nhau mà ra, láo nháo bất kể chữ này có ý gì, chữ kia nghĩa lý là sao, nhập bầy với nhau với mục đích để din tả điển hay cái gì khác !?
  • "Sự hội tụ chấn động của càn khôn vũ trụ." Vũ trụ chấn động như thế nào, din biến làm sao? "Chấn động" có nghĩa chuyển dịch bất thường với cường độ mạnh mẽ. Thí dụ: "chuyển động địa chất", gọi tắt là "địa chấn", tức sự di chuyển mạnh mẽ của các lớp vỏ địa cầu. Máy đo cường độ địa chấn cho chúng ta biết một địa chấn đã xảy ra với cường độ 3.5 hoặc 5.6, 6.8, v.v. Sự di chuyển trầm lặng và cực kỳ chậm như của lòng sông, đáy biển, của các lục địa thì không thể gọi là "địa chấn" được.

Đạo xuất hồn rất thường mập mờ và nhập nhằng : khi thì xác định Thượng Đế chính là cái huyệt Hà Đào Thành trên đỉnh đầu, lúc thì phán "Thượng Đế chuyển điển cho tôi nói như vậy." Vậy thử hỏi cái đại vũ trụ bên ngoài hoặc cái tiểu vũ trụ của riêng LSH chấn động hồi nào ? Với cường độ nào ? Khởi sự và chấm dứt lúc nào ?

  • Hội tụ có nghĩa là gom lại, qui về một điểm. Lý do gì khiến các chấn động hội tụ ? Điểm hội tụ ở đâu, không hề thấy đương sự nói đến.
  • "Còn điển của con người do sự tụ hợp tự thực phẩm và hành pháp thông khai thần kinh khối óc." Với mệnh đề thứ hai của câu này, LSH muốn nói cách tập xuất hồn làm thần kinh óc hết kẹt. Các sợi thần kinh óc bị kẹt như thế nào ? Chỗ nào kẹt ? Cái gì làm kẹt ? Căn cứ vào đâu biết đã bị kẹt và căn cứ vào đâu biết sau đó hết kẹt ? Có hình chụp quang tuyến hoặc MRI hay sao ???

Phải chăng khi chưa kẹt thì "tâm linh" u tối, đọc chữ "Ma-Ha Ca-Diếp" chỉ biết đó là người Ấn Độ tên Mahacasyapa? Và khi đã khai thông, cảm thấy "thanh nhẹ, sáng suốt", có điển, nhìn cũng chữ Ma-Ha Ca-Diếp đó liền thấy rõ ràng nghĩa lý của Kinh muốn nói Con Ma Ca Hát Lá Gan ??? Hoặc khi đã khai thông rồi thì nghe phán gì liền tin nấy, chẳng còn dám suy luận và thắc mắc chi nữa ???

  • "...sự tụ hợp tự thực phẩm..." Vì sao Tổ Sư Xuất Hồn ĐTH không hề nói điển do thực phẩm tụ hợp với cách tập xuất hồn mà nay LSH lại phán như vậy ? Có chi lạ ! Số là nhiều năm trước, sau khi súc ruột liên chi mệt lả, LSH được các cố vấn xung quanh khuyên nên ăn thực phẩm Health Food. Từ những năm 1985-86, LSH đã phán truyền cho các đệ tử biết rằng ăn kê d tiêu, da mặt mịn, thanh nhẹ, v.v. Thế là tất cả hè nhau ra tiệm Health Food ôm về từng bịch kê, và kê đắt gấp 5 lần gạo ! Được nửa năm, một năm, món "diệu dược" này qua lại tiếp đến món "thần dược" khác, theo sát các tiệm Health Food.
  • "...thành tựu ánh sáng hoà hợp với chấn động thanh nhẹ của vũ trụ quang...": Phần này cho chúng ta thấy sau khi dùng cách tập xuất hồn tụ hợp với thực phẩm health food, kết quả có được là ánh sáng, và đây chính là "điển". Đoạn còn lại sau đó muốn nói: sau khi đã có điển, mới hòa điển của mình với "chấn động thanh nhẹ của vũ trụ quang" v.v. rồi tự giải toả những... sự nan giải của... tâm linh, hoá độ quần sinh. Nhóm chữ đao to búa lớn này lại cũng làm tròn nhiệm vụ thông thường của chúng, nghĩa là chẳng liên hệ gì với câu hỏi "Điển do đâu mà có ?"

Vậy: Luyện Xuất Hồn + Health Food = Ánh Sáng = Điển. Tuy nhiên, trong một lần khác, LSH trả lời cũng câu hỏi "Điển đo đâu mà có ?" như sau :

- "Luồng điển ở mảnh đất phù sanh này là do sự kết tập bởi những luồng thanh khí của các lọai Kim thuỷ Mộc Hoả Thổ, kích động và phản động tạo ra hình thù duyên dáng. Còn về thiêng liêng phần hồn thì là luồng điển thanh tịnh phát sinh và cấu tạo nơi cõi không động trong qui luật chuyển điển của âm dương, chỉ nó mới có thể tự tiêu diệt hay bồi bổ lấy nó, chứ không ai có thể tiêu diệt nó được. Vậy chúng ta..." [...chiến tranh, người tu hành đứng đắn, v.v. và v.v., không liên hệ gì đến câu hỏi.]

Phần nhận xét của tôi :

  • "Điển" là do sự chuyển...điển của âm dương trong cõi không động mà ra. Liệu chúng ta có thể nói rằng âm dương tức là vũ trụ, và điển của người luyện xuất hồn có được là do...điển vũ trụ chuyển hay không? Không! Vũ trụ có hình tướng, còn âm dương không có hình tướng. Tổng quan, âm dương chỉ là một nguyên lý về sự đối nghịch nhau của các động lực và các tính chất: thu gọn (dương) và bành trướng (âm), sáng và tối, nóng và lạnh, nhẹ và nặng, cay và ngọt, v.v. Âm dương không phải là vũ trụ. (Nếu nói về ngồn gốc, Thái Cực sanh Âm Dương, và cũng không thể nói Thái Cực chính là vũ trụ.)

"Cõi không động" ấy ở đâu??? Đạo xuất hồn đặt cơ sở tu luyện trên xác thân và luồng điển châu lưu Nhâm mạch, Đốc mạch. Trong toàn cơ thể, tuyệt đối không có chỗ nào không động để gọi là cõi không động! Có lần Tám nói Cõi Không Động là cõi chỉ có hào quang mà thôi. Câu giải thích này phản khoa học thường thức và phản chính "khoa học huyền bí" của đạo xuất hồn. Ánh sáng là do sự rung động của các quang tử, hào quang cũng chỉ là điển rung động ở một tần số nhất định. Đã rung tức động, động thì khỏi không động.

CHƯA HẾT! CÓ LẦN PHẬT TÁM ĐÃ PHÁN RẰNG: "ĐIỂN TỨC LÀ NƯ•C, NƯ•C TỨC LÀ ĐIỂN, VÌ TRONG CƠ THỂ CÓ NƯ•C THÌ ĐIỂN M•I CÓ CH’ CHạY, THẤY KHÔNG ? CHO NÊN BÂY GI- CÁI ĐIỂN CỦA NHÀ ĐÈN, MÌNH ĐỂ HAI S"I DÂY ĐIệN DƯ•I NƯ•C, MÌNH THỌC TAY VÔ NƯ•C LÀ BỊ GIỰT LIỀN."

Sự việc cũng không hề chấm dứt ở đó. Phật Tám còn tùy hứng đặt ra hằng mấy chục thứ điển khác nhau, trong số có... "điển tâm", có lẽ chỉ vì nghe nói Phật giáo luận nhiều về Tâm.

Cao điểm của trò "điển giáng" :
ông lên bà xuống, và "cha trường" xuất hiện

Giấy trắng mực đen rõ ràng đã cho thấy tổ sư ĐTH và LSH đều chỉ nói tán loạn, rốt cuộc chẳng xác định được "điển" là gì. Đối với đạo này, điển là cứu cánh, là tất cả. Và khái niệm điển đã được các giáo chủ giải thích như thế đó.

"Điển" có một công dụng rất rõ rệt cho những ai đã sa lầy xuống cái hố cạm bẫy của những xung cảm và giao động trong cơ tạng và thần kinh hệ : nó được họ dùng làm căn cứ địa tối tăm để rút về trốn núp các ngọn giáo trí tuệ sắc bén của những người không hề bị mê hoặc bởi cái gọi là "điển".

Nói chung, lá bùa "điển" hão huyền, không tưởng, xưa nay đã gây cho biết bao nhiêu người uổng phí năm tháng, tiền của là còn may lắm. Nói "may" là so với những người khởi tâm lành, muốn tu, nhưng lại lạc vào trò đêm đêm xếp chân ngồi nhắm nghiền mắt, lòng canh cánh mong cho được "điển giáng", mong cho được ai đó bên thế giới vô hình nói cho mình nghe một điều gì bí mật của "thiên cơ", hoặc một tai ương lớn lao gì đó sắp xảy đến nay mai, để sáng ngày mình ra vẻ quan trọng, xù xì, úp mở với đôi ba người xung quanh. Sau đôi ba năm, chứng này biến thành tâm bệnh, bởi lúc nào cũng nghĩ tưởng đến con người và thế giới vô hình do chính mình mường tượng. Ít nói nhưng h mở miệng là phán những lời tiên tri, những chuyện trọng đại "cơ trời", "luật trời", "phán xử", "trừng phạt", "bên trên xắp xếp", v.v. và v.v., hăm he vận mạng người này, doạ dẫm hồn vía người kia, oai vệ cứ như mình là nhân vật trọng đại đã được đặc biệt mời dự buổi họp hàng đêm trên... "thiên đình", cứ như ta đây đã nắm rõ tất cả vận hành của nhân sinh và vũ trụ. Nặng hơn thì đến điên loạn bởi lúc nào miệng cũng lẩm bẩm đối thoại với ai đó "đang nói vào tai mình".

Chẳng qua cũng chỉ vì lòng ham hố được chút danh hão, mong được mọi người xung quanh kính nể mình vì mình biết bí mật "thiên cơ", biết chuyện họa phước tương lai, có biết đâu đã vô tình tự "mở cửa" mời gọi quỷ ma xâm nhập. Đây là một bí mật mà nhiều người tu vì không biết nên từ lòng chân chất ham tu buổi ban đầu mà về sau phải lún dần vào cái hố thẳm loạn tưởng triền miên, kiếp này sang kiếp khác, khó có ngày ra khỏi.

Khởi sự từ những năm 1983-84 cho đến gần hết thập niên này, trò "điển giáng" trong đạo Vô Vi lên cao độ nhất, khôi hài nhất, đáng tội nghiệp nhất, và nhảm nhí nhất.

Các sân khấu đại hội Vô Vi hàng năm thời ấy cực kỳ náo động và vui nhộn. "Bạn đạo Vô Vi" đua nhau lên đồng, nhập xác tán loạn, kể cả những khi họ có dịp vào gặp LSH tại bất cứ nơi nào LSH "giáng lâm". Có cô bỗng nhiên bước tới trước mặt "đức thầy Tám", sàng qua, sàng lại, khom lưng, vòng tay, ẻo qua, ẻo lại, bước tới, bước lui... Mọi người ngơ ngác, chẳng biết cô làm cái giống chi, Phật Tám LSH ra bộ rành rẽ, tỉnh khô phán :

  • "Tiên ở trển người ta múa như vậy !"

(Tôi thấy té ra tiên ở trển múa xem rõ chán phèo. Còn phải tập luyện cực khổ lâu lắm mới múa được như các tiên nữ hạ giới tại Las Vegas !!!)

Có ông xăm xăm lên sân khấu phát xưng mình là ông thần kia, ông thánh nọ; vừa xong lại có bà cũng bỗng khơi khơi xưng mình là Phật Mẫu; chốc lát sau lại có cậu oang oang tiên tri thời cuộc thế giới, vận mạng vũ trụ, v.v. và v.v. Thực là sôi động, náo nhiệt, tưng bừng khôn tả. Tuy nhiên hầu hết đều chỉ liều mạng làm Phật, làm Thần, làm Thánh gì đó độ mươi lăm phút hay nửa giờ rồi "thăng", l phép trả lại sân khấu cho đức thầy Tám làm chủ. Cho đến khi Trần văn Trường xuất hiện.

 Trần văn Trường Nhẩy Ra Đoạt Gọn Sân Khấu Vô Vi

Bỗng nhiên, không ai thông báo, không "sấm truyền", dĩ nhiên không cả sự "tiên tri" của LSH, Trường đột ngột xuất hiện và tức khắc làm chủ tình hình các sân khấu VV. Trường không nhát cựa như mọi người. Trường vỗ ngực, vênh mặt, dõng dạc tuyên bố hắn là "Cha".

Chấn động càn khôn ! Trong "hệ thống quân giai" của Pháp Lý Vô Vi Khoa Học Huyền Bí Phật Pháp-tức đạo VV, tức đạo xuất hồn-Cha là Cha Trời, tức Thượng Đế, trên Phật, có quyền hành hơn Phật một bậc. Do đó, Phật Tám bỗng hụt giò, bàng hoàng, thảm hại. Phật Tám chết trân trước sự việc xảy ra quá bất ngờ và mau lẹ, hoàn toàn ngoài khả năng xuất hồn, xuất vía của mình.

Phật Tám thẫn thờ, không biết làm gì hơn, đành biết chịu trận cho một tên lạ hoắc nhảy ra ngang nhiên ngồi chình ình trên đầu mình. Trường tỉnh khô, công khai gọi Phật Sống là..."thằng Tám"!!!

Trường nổi như cồn, lên như diều gặp gió trên các sân khấu và hậu trường đạo xuất hồn, mau chóng được nhiều môn đồ xuất hồn chấp nhận và gọi là "Cha Trường". Trường cũng tự chọn cho mình một nhãn hiệu : "Cha Nhẫn Hoà". Khi nghiêm nghị, lúc thơ thới, Trường nói liên miên không ngừng, cứ như đã nhiều năm bị bịt miệng không được nói. Phật Tám trái lại, bí xị, thê lương, ỳ thộn ra đó một đống, ngơ ngác suy tư, trông đến tội nghiệp. Ai cũng thấy Tám cú rủ còn hơn con gà mái phải mưa, ngồi nghe Trường múa mỏ, huyên thuyên, rực rỡ, lộng lẫy, quyến rũ..., như một con công chúa trong các cặp mắt của môn đồ ! (Nếu LSH và các môn đồ bất mãn khi đọc những đoạn này, xin xem lại các băng video.) Nhiều buổi hội họp từ đầu chí cuối Tám tuy cũng ngồi một bên sân khấu nhưng không hề có được lấy một lần ra lời. Thỉnh thoảng Trường xoay qua bàn Tám, mở ngỏ cho Tám phát biểu một vài lời.

Trường nói đạo hồn vía như mưa, nhưng cũng dùng các tuyệt chiêu rất tương tự với Tám : toàn những sự việc chỉ có trong mối loạn tưởng của riêng y. Dẫu cho FBI, CIA, KGB, Scotland Yard, và Mossad hợp sức lại đi nữa cũng chỉ có nước chịu thua không kiểm chứng nổi. Thì cũng chẳng có gì khác hơn vía, hồn, điển, "Thiêng Liêng", "ở trển", Thiên Đình, Địa ngục, Thiên Cơ Bất Khả Lậu, v.v. và v.v. Có khác là người nói bây giờ chính là "Cha Trời", và các môn đồ ngây người ra nghe chết mê, chết mệt.

Nhìn Phật Tám, đám môn đồ có phần ái ngại nhưng cũng đành bỏ Tám, ùn ùn theo tuân phục Trường. Tâm trạng đa số lúc bấy giờ là : Ngu sao còn chờ gì không theo ? Rõ ràng ông mập này là ông Phật Sống bấy lâu nay, bây giờ ông ốm kia là "Cha Trời giáng lâm", là thượng cấp của ông Phật này xuống độ thế, ngu sao còn đợi gì mà không theo ? Cha Trường chính là Giáo Chủ Hội... "Long Vân", mình không theo ai cứu "phần hồn" mình ngày tận thế sắp tới ???

Tình hình đạo xuất hồn náo động, biến chuyển vùn vụt như miền Nam Việt Nam sáu, bảy tháng trước ngày 30 tháng 4, 1975.

Hai Tên Hề Trên Sân Khấu Vô Vi

Đã nhiều ngày tháng Phật Tám ngồi chơi sơi nước thộn ra trên sân khấu nghe Trường nói không biết mỏi miệng. Tám trở nên vô dụng và thừa thãi đến nỗi một hôm phải cùng Trường làm một màn hề. Trường giả trang làm Cha Trời, và Tám giả trang làm... Mẹ Trời !!! Tám má hồng môi son, quàng khăn đầu, cặp tay Trường bước ra sân khấu. Các môn đồ ngồi dưới bỗng nhiên thấy trên sân khấu hai đứa hề diêm dúa xiêm y, mặt mày bôi vẽ, vạch màn bước ra. Cả đám ngơ ngác chẳng hiểu nổi là cái đạo lý chi ! Hai tên hề thấy khán giả chẳng ai há miệng cười, hoặc vỗ tay, hoặc phản ứng gì ráo, bèn chỉ biết đứng đực ra... chờ đợi. Rồi có tiếng ai giải thích, các môn đồ ngồi dưới gượng cười giả lả và vỗ tay lộp bộp cho vui nhà, vui cửa.

Trường Tự Hại, Mở Đường Cho Tám Xả Thẳng Tay

Trường tuổi đời nhỏ hơn Tám nhiều, nên còn lắm nông nổi, vụng về, và không kềm chế, che dấu hoặc bào chữa các tật xấu giỏi như Tám. Trường cũng xưng "mày tao" với đệ tử, và dĩ nhiên Trường "mày tao" luôn cả với Tám.

(Xưa có lần Phật Tám từng bị hỏi về sự thô lỗ này. Tám rằng Tám thương đệ tử cũng như cha mẹ thương con, nên gọi ai cũng... đứa này, đứa nọ, con nọ, thằng kia, là phải chớ có gì đâu ?)

Tuy thế, chẳng phải tất cả đều tuân phục Trường. Thỉnh thoảng có người cãi lý, phần để thử cựa Trường, phần vì Trường lắm khi lóc chóc, mày tao với môn đồ ỏm tỏi, tự làm giảm uy phong của mình. Trường chẳng có bao nhiêu "nhẫn và hòa" như nhãn hiệu "Cha Nhẫn Hoà" tự phong. Nếu như Trường biết ẩn nhẫn đợi thêm 5 năm sau hãy xuất đầu lộ diện, có lẽ cơ nghiệp bá chủ xuất hồn của Trường đã lâu bền hơn rất nhiều. Tánh sân còn lừng lẫy, Trường nhiều lần xách cây đập môn đồ lớn bé chí chạp. Mấy lần Trường đòi đập luôn... Phật Tám vì "Phật mà dám trái ý Cha Trời." Trường lại còn đang tuổi đòi hỏi nhục dục nam nữ. Coi bộ Trường chỉ bạo phổi nhưng non kinh nghiệm nên không thoát khỏi các hố bẫy to tướng này. Các đệ tử bắt đầu xì xào về thái độ quá khích và các hành vi khác của Trường. Tám thấy thế cờ đã mở, bắt đầu phát ngôn bóng gió, gầy lại uy thế dần dà.

Phật sống Tám Nhờ Điển Mà Hạ Được Trường ?

Môn đồ đạo xuất hồn đóng góp tiền xây cất nên cái gọi là "Thiền Viện Nhẫn Hoà" tại thủ đô Olympia của Washington State. Ngoài ra, còn cất thêm một cái cốc riêng cho Trường tại Thiền Viện 00, Oroville, California. Tất cả để chuẩn bị cho Trường lên ngôi trùm vũ trụ năm 1989, năm "Đại Hội Long Vân". Xem thế đủ biết Trường đã thành công vượt bực, dẫu LSH vẫn còn một số đệ tử trung kiên, và có kẻ không chịu lạy Trường. Phật Tám dư biết ngày Trường đăng quang cũng sẽ là ngày Tám lùi sâu thêm vào bóng tối hậu trường.

Nhơn Trường xách cây tìm Tám đòi đập cũng lại vì "Phật mà dám khác ý với Cha Trời", Tám hạ thủ. Phật Sống cầu viện các đấng thiêng liêng đại diện cho luật pháp, là các ngài có nhiệm vụ giữ gìn an ninh và trật tự xã hội tại quốc gia Hoa Kỳ, châu Mỹ, địa cầu, thái dương hệ. Rốt cuộc, chẳng phải điển Thiêng Liêng, điển Thượng Đế, hoặc điển ở trển nào đã giải quyết cuộc tranh dành làm ông trùm xuất hồn giữa Trường và Tám. Chỉ là mấy thầy chú Cảnh Sát Mỹ, con chó lửa giắt bên hông phải, cây ba-toong giắt bên hông trái, ngồi xe có đèn xanh đèn đỏ trên mui chạy tới.

- xứ Hoa Kỳ văn minh nơi hạ giới phàm trần này, nếu Trường xách cây đập con chó nhà hàng xóm thời Trường cũng được rước ngồi xe có ghế nệm, có còi hụ, có đèn màu chớp chớp, nói chi đập con người. Trường bị còng tay, lủi thủi ra đi. Tám lấy lại cuộc đời làm Phật sống kiêm Chúa Jêsu trên sân khấu Vô Vi.

Cho đến gần 10 năm sau, một trong vài ba môn đồ VV sống tại Thiền Viện 00 vẫn còn hoạnh hoẹ :

- "Thiền Viện này có điển của Đức Thầy coi giữ, ngoài cổng có Long Thần, Hộ Pháp canh, có chuyện là cảnh sát nó chạy tới liền hà, chớ đừng có tưởng!"

Sau khi Trường thất sủng thảm thương, một số đông môn đồ tỉnh cơn mê ma quái, từ bỏ đạo này vĩnh vin. Trường hiện nay vẫn còn ở với người nữ đệ tử từ dạo ấy. Thiền viện tại Olympia vẫn còn giữ tên "Nhẫn Hòa".

Trong một kỳ báo VV sau này, các môn đồ thâm niên giải thích "biến cố Cha Trường" một cách đầy hiểu biết : Thượng Đế chuyển điển tạm thời xuống bạn Trần Văn Trường để giải quyết... những bất hoà của ban chấp hành.

Thêm một lần nữa, "Thượng Đế" lại được dùng vào những công tác rất ư tạp nhạp của một dúm người. Đây là một chứng bệnh thông thường, nguyên nhân phát xuất từ cái TÔI, cái TA cực kỳ quan trọng, cực kỳ đặc biệt, cái TA có "sứ mạng thiêng liêng", có nhiệm vụ "cứu đời", đến nỗi "Thượng Đế" phải bỏ kệ nhiều tỉ người đang khốn đốn, lầm than, nghèo đói trơ xương, bệnh hoạn không thuốc men, v.v., để đến lo cho RIÊNG MÌNH !!!!!

Năm 1998, kẻ bị 50 ngàn đồng hương tại Little Saigon, California, Hoa Kỳ, biểu tình mắng nhiếc, nguyền rủa, chính là kẻ đã từng một thời làm "Cha Trời" từ trò "điển giáng" mà ra vậy.

Xin đón xem phần cuối cùng :

Luyện Xuất Hồn Để Tự Chữa Bệnh
và Chữa Bệnh Cho Người Khác

Mọi ý kiến, chia xẻ kinh nghiệm, xin gởi cho : pham_ba@hotmail.com


Lời thệ nguyện | I | II | III | IV | V | VI | VII

 


Cập nhật: 27-5-2001

Trở về mục "Đối thoại"

Đầu trang