KINH VIÊN
GIÁC
HT. Thích Trí Quang dịch giải
Phần
7
- Chương Phổ
Giác Nói Về Bịnh Hoạn Tu Chứng Viên Giác [^]
- Đ1. Bồ Tát Phổ Giác Hỏi
- Đ2. Đức Thế Tôn Đáp
- E1. Chấp Nhận Lời Thỉnh Cầu
- E2. Đáp 5 Câu Hỏi
- G1. Đáp Câu Hỏi Một
- G2. Đáp Câu Hỏi Hai
- G3. Đáp Câu Hỏi Ba
- G4. Đáp Câu Hỏi Bốn
- G5. Đáp Câu Hỏi Năm
- E3. Trùng Tuyên Bằng Chỉnh Cú
Lược Giải.-
Nội dung chương này tuy có đến 5
câu hỏi đáp, nhưng quan trọng là nói bịnh hoạn của sự tu chứng viên
giác (qua bịnh hoạn của pháp thiện tri thức nói ở G2), nên tiêu đề
như trên. Những bịnh hoạn này là thiền bịnh (bịnh hoạn của thiền
quán) thường thấy.
Bồ Tát Phổ Giác Hỏi
Chính Văn.
Lúc ấy bồ tát Phổ giác ở trong
đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đem đỉnh đầu của mình lạy
ngang chân đức Thế tôn, theo chiều bên phải của ngài đi quanh ngài ba
vòng, rồi quì thẳng, chắp tay mà tác bạch: Thưa đức thế tôn lòng thương
cao cả, ngài đã chỉ dạy một cách thích thú về bịnh hoạn của thiền
quán, làm cho đại chúng này được sự chưa từng có, tâm ý thư thái và
ổn định lớn lao. Thưa đức Thế tôn, những người thời kỳ cuối cùng
cách thời đại của ngài quá xa, hiền thánh ẩn dấu, lý thuyết sai lầm
bùng cháy thêm lên; để làm cho những người mù mờ trong thời kỳ ấy khỏi
sa vào lý thuyết sai lầm, con xin ngài dạy cho họ biết nên tìm người nào?
nên cứ pháp nào? nên làm việc gì? nên trừ bịnh gì? nên phát tâm nào?
Tác bạch rồi, bồ tát Phổ giác gieo xuống sát đất tất cả năm bộ phận
của thân thể mà kính lạy đức Thế tôn. Bồ tát thỉnh cầu như vậy đến
ba lần, mỗi lần thỉnh cầu xong lại làm lại từ đầu.
Lược Giải.-
Lời hỏi của bồ tát Phổ giác
có 5 câu: câu một,nên tìm người nào? câu hai,nên cứ pháp nào? câu ba,
nên làm việc gì? câu bốn, nên trừ bịnh gì? câu năm, nên phát tâm nào?
Chấp Nhận Lời Thỉnh Cầu
Chính Văn.-
Bấy giờ đức Thế tôn dạy bồ
tát Phổ giác: Tốt lắm, thiện nam tử, ông có thể hỏi Như lai về sự
tu hành như vậy, hiến cho những người thời kỳ cuối cùng con mắt tuệ
giác không còn e sợ, làm cho họ thành được tuệ giác của các vị thánh
giả. Ông hãy nghe kyլ Như lai sẽ nói cho. Bồ tát Phổ nhãn vâng lời, hoan
hỷ, cùng cả đại chúng yên lặng lắng nghe.
Đáp Câu Hỏi Một
Chính Văn.-
Đức Thế tôn dạy: Thiện nam tử,
người thời kỳ cuối cùng, khi sắp phát tâm vĩ đại và tìm thấy bạn tốt
để tu hành, thì nên tìm người thấy biết chính xác: lòng không sống
theo khuôn khổ phàm phu, không vướng vào lĩnh vực nhị thừa, biểu hiện
bụi bặm mà tâm thường trong sáng, biểu diễn tội lỗi mà tán dương phạn
hạnh, không làm cho người sống không giới luật. Tìm được người như
vậy thì được tuệ giác vô thượng. Người thời kỳ cuối cùng gặp người
như vậy thì nên phụng sự đến tính mạng cũng không tiếc. Người thầy
bạn tốt này đi đứng nằm ngồi luôn luôn trong sáng thì nên kính trọng,
giả sử biểu hiện tội lỗi thì đừng khinh thường, huống chi chỉ quan
tâm đến của cải thân thuộc (101) ữPage . Thiện nam tử nào không có ý
xấu với thầy bạn tốt thì có năng lực thành đạt trọn vẹn tuệ giác
chính xác, bông hoa tâm trí phát sáng, chiếu soi tất cả.
Lược Giải.-
Thiện tri thức là người có chánh
tri kiến: Nên tìm người như vậy mà tôn làm thầy bạn. Đó là đáp câu
hỏi một: nên tìm người nào.
Đáp Câu Hỏi Hai
Chính Văn.-
Thiện nam tử, hãy y cứ vào pháp của
thầy bạn tốt, cái pháp phải tách rời bốn thứ bịnh. Một là bịnh
làm, là nếu ai nói tôi chủ tâm làm mọi việc đề cầu viên giác; nhưng
viên giác không phải làm như thế mà được, nên nói như thế là bịnh đó.
Hai là bịnh buông, là nếu ai nói tôi không loại sinh tử không cầu niết
bàn, đối với niết bàn và sinh tử tôi không có ý niệm phát động hay hủy
diệt, tôi buông thả tất cả, mặc kệ các pháp để cầu viên giác; nhưng
viên giác không phải buông như thế mà có, nên nói như thế là bịnh đó.
Ba là bịnh ngưng, là nếu ai nói tôi ngừng mọi ý niệm, nắm lấy vắng lặng
của toàn bộ các pháp để cầu viên giác; nhưng viên giác không phải ngừng
như thế mà hợp, nên nói như thế là bịnh đó. Bốn là bịnh dứt, là nếu
ai nói tôi dứt bỏ phiền não, không cả thân tâm, huống chi những thứ căn
cảnh huyễn ảo, tôi dứt bặt hết thảy để cầu viên giác; nhưng viên
giác không phải dứt như thế mà chứng, nên nói như thế là bịnh đó.
Pháp của ai tách rời bốn bịnh như vậy thì biết pháp ấy trong sáng. Và
xét như vậy là xét chính xác, xét khác đi là xét sai lầm.
Lược Giải.-
Bịnh làm là làm một cách cuồng
nhiệt, do hiểu lầm mặt cực động của thiền quán và những gì tương tự.
Bịnh buông là buông một cách nhàn tản, do hiểu lầm sự không ghét ưa và
những gì tương tự. Bịnh ngưng là ngưng một cách trầm trệ, do hiểu lầm
mặt cực tĩnh của thiền quán và những gì tương tự. Bịnh dứt là dứt
một cách chủ quan, do hiểu lầm mặt cực thuần của thiền quán và những
gì tương tự. Làm, ngưng, buông và dứt như vậy là làm, ngưng, buông và dứt
một cách bịnh hoạn (không đúng cách, không chính xác). Nhưng bịnh hoạn
như thế chỉ là chưa đúng; đến như chính văn mô tả thì chỉ là nói
khoác để khoe mà thôi, nên không những gọi là thiền bịnh mà còn gọi
là đại vọng ngữ nữa. Pháp (sự tu hành) của thiện tri thức phải
không có 4 bịnh như vậy, và nên y cứ vào pháp đó. Đó là đáp câu hỏi
hai: nên cứ pháp nào.
Đáp Câu Hỏi Ba
Chính Văn.-
Thiện nam tử, những người thời
kỳ cuối cùng muốn tu hành thì phải suốt đời phụng sự thầy bạn tốt
có cái pháp tách rời cả bốn bịnh như vậy. Thầy bạn tốt muốn thân gần
thì đừng khinh lờn, muốn xa rời thì đừng oán hận. Trước cảnh nghịch
hay cảnh thuận lòng như không gian, với thân thể và tâm trí biết toàn
không thật, coi tất cả chúng sinh đồng bản thể với mình. Làm như vậy
mới mong nhập vào viên giác.
Lược Giải.-
Làm là làm những gì xứng đáng,
trong đó có sự xứng đáng đối với thiện tri thức. Đó là đáp câu hỏi
ba: nên làm việc gì.
Đáp Câu Hỏi Bốn
Chính Văn.-
Thiện nam tử, những người thời
kỳ cuối cùng không thành đạt tuệ giác là vì chưa loại bỏ những hạt
giống ghét ưa đối với bản thân cũng như đối với người khác, đã
có từ vô thỉ. Ai nhìn kẻ thù như nhìn cha mẹ, lòng không bỉ thử, thì
trừ khử được mọi thứ bịnh hoạn trong sự tu hành. Những sự ghét ưa
đối với các pháp cũng phải trừ khử như vậy.
Lược Giải.-
Trừ bịnh là trừ các bịnh ghét
ưa đối với các pháp, đối với thiện tri thức và người khác, kể cả
bản thân. Đó là đáp câu hỏi bốn: nên trừ bịnh gì.
Đáp Câu Hỏi Năm
Chính Văn.-
Thiện nam tử, những người thời
kỳ cuối cùng muốn cầu viên giác thì phải phát tâm, bằng cách nói như
vầy: Cùng tận không gian, bao nhiêu chúng sinh trong đó, con nguyện làm cho họ
nhập được viên giác; trong viên giác, con không chấp có người chứng ngộ,
con nguyện loại trừ mọi sắc thái ngã tướng nhân tướng. Phát tâm như
vậy thì không rơi vào kiến thức sai lầm.
Lược Giải.-
Phát tâm là phát tâm bồ đề: lập
chí với lời nguyện trên cầu viên giác dưới giúp chúng sinh, không phân
nhân ngã bỉ thử. Đó là đáp câu hỏi năm: nên phát tâm nào.
Trùng Tuyên Bằng Chỉnh Cú
Chính Văn.-
Đức Thế tôn muốn lặp lại ý
nghĩa đã nói nên nói những lời chỉnh cú sau đây.
- Phổ giác nên biết,
- những người sau này
- cầu thầy bạn tốt
- phải cầu những người
- thấy biết chính xác
- tâm vượt nhị thừa.
- Đối với pháp tu
- phải loại bốn bịnh
- bịnh làm bịnh ngưng
- bịnh buông bịnh dứt.
- Và thầy bạn tốt
- thân, mình đừng kiêu,
- sơ, mình không hận,
- và nhìn mọi sự
- của thầy bạn tốt
- lòng thấy hiếm có;
- có thầy bạn tốt
- như Phật xuất hiện.
- Không phạm những gì
- trái với uy nghi,
- gốc rễ giới luật
- vĩnh viễn trong sáng.
- Nguyện độ chúng sinh
- nhập vào viên giác,
- không có ngã tướng
- nhân tướng cũng không,
- y cứ tuệ giác
- chính xác như vậy
- thì vượt qua được
- mọi thứ tà kiến:
- tuệ giác chính xác
- thì nhập niết bàn.
- Chương Viên
Giác Nói Về Sơ Khởi Tu Hành Viên Giác [^]
- Đ1. Bồ Tát Viên Giác Hỏi
- Đ2. Đức Thế Tôn Đáp
- E1. Chấp Nhận Lời Thỉnh Cầu
- E2. Đáp 2 Câu Hỏi
- G1. Đáp Câu Hỏi Một
- H1. Chỉ Cách Thiết Lập Đạo Tràng An Cư
- H2. Chỉ Cách An Cư Nếu Gặp Mùa An Cư
- H3. Kết Thúc Cách Thiết Lập Đạo Tràng An Cư
- G2. Đáp Câu Hỏi Hai
- H1. Chỉ Cách Đầu Tiên Cho Lợi Căn Tu 3 Thiền Quán
- H2. Chỉ Cách Đầu Tiên Cho Độn Căn Tu 3 Thiền
Quán
- E3. Trùng Tuyên Bằng Chỉnh Cú
Bồ Tát Viên Giác Hỏi
Chính Văn.-
Lúc ấy bồ tát Viên giác ở trong
đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đem đỉnh đầu của mình lạy
ngang chân đức Thế tôn, theo chiều bên phải của ngài, đi quanh ngài ba
vòng, rồi quì thẳng, chắp tay mà tác bạch: Thưa đức Thế tôn lòng thương
cao cả, ngài đã dạy cho chúng con một cách rộng rãi về những phương tiện
của viên giác trong sáng, làm cho những người thời kỳ cuối cùng cũng
được ích lợi tăng thêm một cách lớn lao. Thưa đức Thế tôn, hiện tại
chúng con đã được tỏ ngộ, nhưng ngài diệt độ rồi, thời kỳ cuối cùng
những người chưa được tỏ ngộ, thì họ nên thiết lập đạo tràng
(102) ữPage an cư như thế nào để tu tập viên giác? Cách đầu tiên tu ba
mặt thiền quán trong sáng của viên giác là gì? Con thỉnh cầu đức Thế
tôn, với lòng thương cao cả, chỉ dạy những điều ấy, ban cho đại chúng
này, và người sau này, sự ích lợi lớn lao. Tác bạch rồi, bồ tát Viên
giác gieo xuống sát đất tất cả năm bộ phận của thân thể mà kính lạy
đức Thế tôn. Bồ tát thỉnh cầu như vậy đến ba lần mỗi lần thỉnh
cầu xong lại làm lại từ đầu.
Lược Giải.-
Lời hỏi của bồ tát Viên giác
có 2 câu: câu một, thiết lập đạo tràng an cư như thế nào? câu hai, tu
ba thiền quán bằng cách gì đầu tiên?
Chấp Nhận Lời Thỉnh Cầu
Chính Văn.-
Bấy giờ đức Thế tôn dạy bồ
tát Viên giác: Tốt lắm, thiện nam tử, ông có thể hỏi Như lai về
phương tiện như vậy của viên giác, cống hiến ích lợi lớn lao cho bao
chúng sinh. Ông hãy nghe kyլ Như lai sẽ nói cho. Bồ tát Viên giác vâng lời,
hoan hỷ, cùng cả đại chúng yên lặng lắng nghe.
Đáp Câu Hỏi Một
Lược Giải.-
Để tu tập những cách đầu tiên
của 3 thiền quán thì phải thiết lập đạo tràng an cư, như cách thức
được chỉ dạy trong 3 đoạn dưới đây. Đó là đáp câu hỏi một: thiết
lập đạo tràng an cư như thế nào.
Chỉ Cách Thiết Lập Đạo Tràng An
Cư
Chính Văn.-
Đức Thế tôn dạy: Thiện nam tử,
hoặc thời kỳ Như lai đang còn ở đời, hoặc thời kỳ Như lai đã diệt
độ, hoặc thời kỳ cuối cùng của Phật pháp, tất cả mọi người ai có
chủng tánh đại thừa (103) ữPage , tin và muốn tu viên giác vĩ đại của
Như lai chứng ngộ, mà ở nơi tự viện, nếu có việc phải lo cho tăng chúng
và tín đồ, thì tùy khả năng của mình, hãy tư duy thiền quán theo những
cách thức Như lai đã chỉ ở trước (104) ữPage . Nếu không có việc gì,
thì thiết lập đạo tràng mà an cư, với ba kỳ hạn: kỳ hạn dài một trăm
hai mươi ngày, kỳ hạn vừa một trăm ngày, kỳ hạn ngắn tám mươi ngày.
Bằng cách nếu Như lai đang ở đời thì hãy suy nghĩ chính xác đến Như
lai; nếu Như lai đã diệt độ thì treo phan, chưng hoa, thiết trí hình tượng
của Như lai lòng dồn lại nơi hình tượng ấy, mắt nhìn cho rõ rồi nhắm
lại tưởng tượng hình tượng ấy, tâm trí nghĩ nhớ chính xác đến Như
lai, như thế thì cũng như ngày Như lai còn ở đời. Trải qua ba tuần bảy
ngày, kính lạy hồng danh Phật đà mười phương, tha thiết sám hối, cảm
được hiện tượng tốt thì tâm trí thư thái. Qua ba tuần bảy ngày rồi,
vẫn một mạch tập trung tư duy để tu tập những cách đầu tiên của ba
thiền quán.
Lược Giải.-
Cách thức thiết lập đạo tràng
an cư như sau. Thì gian là mỗi năm có 1 trong 3 kỳ hạn: dài 120 ngày, vừa
100 ngày, ngắn 80 ngày. Chỗ là phòng thất của tự viện, nếu là người
xuất gia. Hình thức là bàn thờ tượng đức Bổn sư, trang hoàng bằng
phan và hiến cúng bằng hoa. Nội dung là 2 phần: 3 tuần đầu thì niệm Phật
và sám hối, kế đó đến hết kỳ hạn thì một mạch tập trung tư duy mà
tu cách đầu tiên của 1 trong 3 thiền quán (sẽ nói trong G2 dưới đây).
Chú ý: một, nếu kỳ hạn gặp mùa an cư thì an cư theo cách chỉ trong đoạn
H2 dưới đây; hai, hết kỳ hạn thì sinh hoạt bình thường, nghĩa là vẫn
tu tập thiền quán theo khả năng bình thường.
Niệm Phật nói trên là nhìn kyՠhình
tượng Bổn sư để mỗi khi nhắm mắt lại có thể tưởng thấy. Rồi
nghĩ nhớ chính xác đến ngài, bằng cách thông thường nhất là nghĩ về
công đức của Ngài trong hồng danh Thích ca mâu ni và 10 hiệu Như lai cho đến
Thế tôn sau hồng danh ấy, lại xưng niệm hồng danh ấy. Niệm Phật như vầy
làm suốt thì gian 3 tuần, vào lúc đi đứng nằm ngồi, vào lúc trước hay
sau khi sám hối, chỉ trừ khi ngủ.
Sám hối nói trên là trước hết
niệm Phật như đã nói, kế đó lạy hồng danh của đức Bổn sư hay của
chư Phật (theo nghi thức Hồng danh cũng đủ). Lạy với số lượng theo khả
năng tinh tiến. Sám hối như vậy suốt 3 tuần, mỗi ngày đêm có 6 lần
(chia 24 giờ ra mà định). Sám hối mà thấy các hiện tượng tốt thì rất
quí, như thấy Phật, thấy hoa sen, thấy ánh sáng.
Chỉ Cách An Cư Nếu Gặp Mùa An Cư
Chính Văn.-
Nếu kỳ hạn như trên mà gặp đầu
hạ ba tháng an cư, thì phải làm theo sự an cư trong sáng của bồ tát. Bằng
cách trong tâm tách rời thanh văn, không dựa đồng chúng. Đến ngày an cư
thì đối trước hình tượng Như lai mà tác bạch như vầy: Nay con là tỷ
kheo, hay tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, có tên như vậy, nguyện nương bồ
tát thừa (105) ữPage mà tu tịch diệt hạnh (106) ữPage , để được đồng
nhập thật tướng trong sáng. Vì bản thể niết bàn không tùy thuộc đâu
cả, nên con nguyện lấy viên giác vĩ đại làm chốn tự viện, cả thân
thể lẫn tâm trí đều an cư trong viên giác bình đẳng ấy. Con kính xin
không nương tựa các vị thanh văn, chỉ nương tựa chư vị Thế tôn và Đại
sĩ để an cư ba tháng, và vì lý do to lớn là tu tập viên giác vô thượng
như các vị bồ tát đang tu, nên con không tùy thuộc đồng chúng.
Lược Giải.-
Kỳ hạn thiết lập đạo tràng an
cư như đoạn H1 trên đã nói mà nếu ngày mở đầu gặp ngày đầu 3 tháng
an cư mùa hạ, thì phải: Một, cũng phải an cư đúng 3 tháng (90 ngày). Hai,
nếu đồng chúng thọ Bồ tát tỷ kheo giới và chương trình an cư làm theo
cách thiết lập đạo tràng an cư của kinh Viên giác thì khỏi nói, nếu
không như vậy thì hành giả Viên giác xuất gia phải an cư theo pháp bồ
tát chứ không an cư theo pháp thanh văn, nghĩa là an cư không đồng chúng, bằng
cách thiết lập đạo tràng trong phòng thất và làm tất cả những gì đoạn
H1 trên đã chỉ dẫn. Ba, trước đó, hãy làm lễ thọ an cư riêng trong đạo
tràng đã thiết lập, với lời tác bạch như chính văn đã chỉ. Bốn, trước
đó nữa, nếu xét thấy nên thì nên thông báo cho đồng chúng chứng minh
cho hạnh nguyện của mình.
Kết Thúc Cách Thiết Lập Đạo Tràng
An Cư
Chính Văn.
Thiện nam tử, như thế đó là thiết
lập đạo tràng mà an cư, và mỗi năm hết một trong ba kỳ hạn rồi, đi
lại tùy ý (107) ữPage .
Lược Giải.-
Thật là rõ ràng, tuy nói mỗi năm
1 kỳ, mỗi kỳ hoặc 120 ngày, hoặc 100 hay 80 ngày, hoặc 90 ngày nếu gặp
mùa an cư, không làm đúng qui định như vậy là không được, nhưng nếu làm
hơn như vậy thì không thấy hạn chế. Lại nữa, sau kỳ hạn thiết lập
đạo tràng an cư thì vẫn phải theo khả năng bình thường mà tiếp tục
tu tập thiền quán viên giác (như các chương trước đã dạy), không phải
sự tu tập ấy mỗi năm chỉ cần 1 kỳ -- 1 kỳ này phải đặc biệt cẩn
trọng và tinh tiến mà thôi.
Đáp Câu Hỏi Hai
Lược Giải.-
Trong kỳ hạn thiết lập đạo tràng
an cư, sau 3 tuần chánh niệm Bổn sư và chân thành sám hối rồi, phải một
mạch tập trung tư duy tu tập những cách đầu tiên của 3 thiền quán mà
Phật sẽ chỉ dạy trong các đoạn dưới đây. Đó là đáp câu hỏi hai:
tu 3 thiền quán bằng cách gì đầu tiên.
Chỉ Cách Đầu Tiên Cho Lợi Căn
(108) ữPage Tu 3 Thiền Quán
(Nói Chung)
Chính Văn.-
Thiện nam tử, những người thời
kỳ cuối cùng đi theo đường đi của bồ tát, bước vào một trong ba kỳ
hạn an cư, thì hiện tượng nào không phải cái họ đã nghe, họ tuyệt đối
không nên chấp nhận (109) ữPage .
(Chỉ Cách Đầu Tiên Tu Cực Tĩnh)
Chính Văn.-
Thiện nam tử, ai tu cực tĩnh xa ma
tha, trước hết nắm lấy sự tĩnh lặng, bằng cách không nổi dậy mọi sự
nghĩ nhớ, thì tĩnh cực là giác phát. Trạng thái tĩnh đầu tiên này phát
triển từ một bản thân đến một thế giới, thì trạng thái giác cũng
phát triển như vậy. Trạng thái giác cùng khắp một thế giới, thì trong
thế giới ấy một chúng sinh nào nổi lên một ý niệm gì cũng biết được
cả. Trạng thái tỉnh và giác cùng khắp trăm hay ngàn thế giới thì cũng
y như vậy. Thế nhưng hiện tượng nào không phải cái họ đã nghe, họ
tuyệt đối không nên chấp nhận.
(Chỉ Cách Đầu Tiên Tu Cực Động)
Chính Văn.-
Thiện nam tử, ai tu cực động tam
ma bát đề, trước hết tưởng nhớ mười phương Như lai và Đại sĩ, y
theo những tổng trì môn các ngài đã tuần tự tu tập về tinh tiến, khổ
hạnh và thiền quán mà phát nguyện cao cả thì tự huân tập thành cá
tính (110) ữPage của mình ...Thế nhưng hiện tượng nào không phải cái họ
đã nghe, họ tuyệt đối không nên chấp nhận.
(Chỉ Cách Đầu Tiên Tu Cực Thuần)
Chính Văn.-
Thiện nam tử, ai tu cực thuần thiền
na, trước hết nắm lấy sự đếm kể (111) ữPage , bằng cách trong tâm tự
biết rõ số lượng của ý nghĩ phát sinh, tồn tại và diệt mất. Cứ như
vậy, mọi cử động đi đứng nằm ngồi đều biết rành rẽ số lượng
của ý nghĩ, không một ý nghĩ nào không biết. Rồi tuần tự bước tới,
cho đến lúc biết được cả một giọt mưa trong trăm ngàn thế giới mà
y như nhìn thấy đồ dùng trước mắt. Thế nhưng hiện tượng nào không
phải cái họ đã nghe, họ tuyệt đối không nên chấp nhận.
(Tổng Kết)
Chính Văn.-
Như thế đó là những cách đầu
tiên của ba thiền quán. Ai tu khắp cả ba thiền quán ấy một cách siêng năng
tinh tiến, thì đối với người ấy Như lai xuất thế.
Lược Giải (trọn đoạn H1 trên đây)
Cách đầu tiên tu thiền quán cực
tĩnh là không nổi dậy mọi sự nghĩ nhớ. Cách đầu tiên tu thiền quán cực
động là tưởng nhớ Phật đà và Đại sĩ, y theo hạnh nguyện của các
ngài mà phát nguyện cao cả để tự huân tập thành cá tính nơi mình.
Cách đầu tiên tu thiền quán cực thuần là tự đếm ý nghĩ. Với những
cách đầu tiên như vậy mà đã được cái gọi là lục căn thanh tịnh của
Pháp hoa.
Bây giờ nên bổ túc đoạn cực động.
Ở đó không nói thành quả. Tại sao không nói thì các ngài trước đã
chú ý và đưa ra nhận xét. Theo thiển kiến thì đoạn cực động không
nói thành quả là vì cực động ai cũng có thể làm được hơn: làm được
nên Phật nói càng ít thì làm càng chắc. Tuy nhận xét như vậy, tôi vẫn
y cứ các đoạn chính văn ở trước có liên hệ thiền quán cực động mà
trích nguyên ra đây, làm việc bổ túc tàm tạm: ..phát nguyện cao cả thì
tự huân tập thành cá tính của mình, nên không mất cái nhớ cực thuần
và cái biết cực tĩnh đối với các pháp tổng trì, thấy được mọi việc
siêng khó của đức Thế tôn trong bao kiếp, thấy rõ như mới xảy ra một
thoáng trước đây, và, với sức mạnh của Phật, làm mọi việc Phật
làm: lấy đại bi mà vào luân hồi, hiện thân đủ hình đủ loại, hiện
cảnh đủ thuận đủ nghịch, đồng sự mà giáo hóa chúng sinh.
Chỉ Cách Đầu Tiên Cho Độn Căn
(108) ữPage Tu 3 Thiền Quán
Chính Văn.-
Trong thời kỳ cuối cùng, những người
trình độ chậm chạp, muốn cầu tuệ giác mà không thành đạt, ấy là
vì nghiệp cũ gây ra chướng ngại. Họ phải siêng năng sám hối, phải
luôn luôn hy vọng, và trước đó phải đoạn tuyệt những sự ghét bỏ,
yêu thích, ganh ghét, dua nịnh, và luyện tập tâm lý thắng thượng (112)
ữPage . Rồi trong ba thiền quán, tùy khả năng mà tu lấy một. Một thiền
quán ấy không thành thì tu thiền quán khác. Quyết ý không buông không bỏ,
tuần tự mà cầu chứng ngộ.
Lược Giải.-
Cách phải làm trước tiên của người
độn căn là phải sám hối nghiệp cũ, tuyệt thói ghét ưa, luyện tâm thắng
thượng (mà đầu tiên là sự tùy hỷ), rồi quyết tâm bền chí, tuyệt đối
tin tưởng và hy vọng đối với thiền quán của viên giác, bắt đầu cách
này không thành thì bắt đầu cách khác, không buông không bỏ. Như thế thì
thế nào cũng thành đạt.
Trùng Tuyên Bằng Chỉnh Cú
Chính Văn.-
Đức Thế tôn muốn lặp lại ý
nghĩa đã nói nên nói những lời chỉnh cú sau đây.
- Viên giác nên biết,
- chúng sinh muốn cầu
- tuệ giác vô thượng,
- trước hết họ phải
- ấn định lấy một
- trong ba kỳ hạn.
- Rồi trong ba tuần
- đầu mỗi kỳ hạn,
- họ phải sám hối
- nghiệp chướng lâu đời;
- sau đó tư duy
- thiền quán chính xác --
- mà hiện tượng nào
- không phải đã nghe,
- thì họ tuyệt đối
- không nên chấp nhận:
- thiền quán cực tĩnh
- tĩnh lặng hết mức,
- thiền quán cực động
- tưởng nhớ chính xác,
- thiền quán cực thuần
- đếm kể rõ ràng.
- Đó, cách đầu tiên
- của ba thiền quán;
- siêng tu tập cả,
- như Phật xuất hiện.
- Trình độ chậm chạp
- tu tập không thành,
- thì phải siêng khó
- sám hối tội chướng;
- tội chướng tan biến
- cảnh Phật hiện ra.
- Bồ Tát Hiền Thiện Thủ Hỏi
Chính Văn.-
Lúc ấy bồ tát Hiền thiện thủ
ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đem đỉnh đầu của mình
lạy ngang chân đức Thế tôn, theo chiều bên phải của ngài đi quanh ngài
ba vòng, rồi quì thẳng, chắp tay mà tác bạch: Thưa đức Thế tôn lòng thương
cao cả, ngài đã khai thị một cách rộng rãi như trên, cho chúng con và những
người thời kỳ cuối cùng, về những sự ngoài tầm tư duy và thảo luận.
Thưa đức Thế tôn, kinh pháp đại thừa này nên mệnh danh là gì? nên phụng
trì cách nào? ai tu tập thì được công đức gì? chúng con hộ trì cách
nào cho những người phụng trì kinh này? kinh này đi đến đâu? Tác bạch
rồi, bồ tát Hiền thiện thủ gieo xuống sát đất tất cả năm bộ phận
của thân thể mà kính lạy đức Thế tôn. Bồ tát thỉnh cầu như vậy đến
ba lần, mỗi lần thỉnh cầu xong lại làm lại từ đầu.
Lược Giải.-
Lời hỏi của bồ tát Hiền thiện
thủ có 5 câu: câu một, mệnh danh kinh này là gì? câu hai, phụng trì kinh
này cách nào? câu ba, tu tập kinh này được công đức gì? câu bốn, hộ
trì cách nào cho người phụng trì kinh này? câu năm, kinh này đi đến đâu?
Chấp Nhận Lời Thỉnh Cầu
Chính Văn.-
Bấy giờ đức Thế tôn dạy bồ
tát Hiền thiện thủ: Tốt lắm, thiện nam tử, ông có thể vì các vị bồ
tát và những người sau này mà hỏi Như lai về danh hiệu, công đức, và
những gì liên hệ đến kinh pháp như thế này. Ông hãy nghe kyլ Như lai sẽ
nói cho. Bồ tát Hiền thiện thủ vâng lời, hoan hỷ, cùng cả đại chúng
yên lặng lắng nghe.
Đáp Tổng Quát
Chính Văn.-
Đức Thế tôn dạy: Thiện nam tử,
kinh này được trăm ngàn vạn ức hằng sa Phật đà tuyên thuyết, được
Phật đà quá khứ, hiện tại và vị lai hộ trì, được bồ tát mười
phương quy y vì là con mắt trong sáng của cả mười hai loại khế kinh.
Đáp Câu Hỏi Một
Chính Văn.-
Kinh này mệnh danh là kinh nói về Tổng
trì viên giác, thuộc loại cực kỳ cao rộng; cũng mệnh danh là kinh nói về
Nghĩa lý cứu cánh của khế kinh, kinh nói về Chánh định chúa tể bí mật,
kinh nói về Cảnh giới quyết định của Như lai, kinh nói về Đặc tính
và sắc thái của Như lai tạng. Các ông hãy nhớ như vậy.
Lược Giải.-
Kinh này có 5 danh hiệu. Đó là đáp
câu hỏi một: mệnh danh kinh này là gì.
Đáp Câu Hỏi Năm
Chính Văn.-
Thiện nam tử, kinh này chỉ nói cảnh
giới của Như lai, chỉ Như lai mới nói cùng tận. Các vị bồ tát, và những
người thời kỳ cuối cùng, y cứ kinh này mà tu hành, thì tuần tự bước
tới, đến tận địa vị Phật đà.
Lược Giải.-
Kinh này đưa người hành trì bước
đến tận địa vị Phật đà. Đó là đáp câu hỏi năm: kinh này đi đến
đâu.
Đáp Câu Hỏi Hai
Chính Văn.-
Thiện nam tử, kinh này là đại thừa
đốn giáo (113) ữPage , nên chúng sinh đốn cơ (114) ữPage thì tỏ ngộ bởi
kinh này. Nhưng kinh này cũng bao gồm các loại tiệm cơ (115) ữPage . Biển
cả (116) ữPage thì đâu có kém sông bé (117) ữPage , muỗi mòng (118) ữPage
hay tu la (119) ữPage , loài nào uống nước biển cả cũng no đủ hết thảy.
Lược Giải.-
Kinh này chính yếu dạy cho đốn
cơ, nhưng kèm theo cũng dạy cho các tiệm cơ: ai cũng phụng trì được cả.
Đó là đáp câu hỏi hai: phụng trì kinh này cách nào (đúng ra nên nói ai
phụng trì được).
Đáp Câu Hỏi Ba
Chính Văn.-
Thiện nam tử, giả sử có ai đem bảy
thứ quí báu (120) ữPage chất đầy cả đại thiên thế giới (121) ữPage
mà bố thí, cũng không bằng có người nghe danh hiệu hay một câu một nghĩa
của kinh này. Lại giả sử có ai giáo hóa một trăm hằng sa chúng sinh được
tuệ giác La hán, cũng không bằng có người tuyên thuyết kinh này bằng
cách phân tích nửa bài chỉnh cú.
Lược Giải.-
Kinh này nghe ít vẫn hơn bố thí
nhiều vàng ngọc, nói ít vẫn hơn dạy nhiều người thành La hán. Đó là
đáp câu hỏi ba: tu tập kinh này được công đức gì.
Đáp Câu Hỏi Bốn
Chính Văn.-
Thiện nam tử, ai nghe danh hiệu kinh
này mà thôi, mà tin một cách không còn bị mê hoặc, thì ông phải biết
người ấy không phải chỉ gieo trồng phước đức và tuệ giác nơi một
vài đức Phật, mà đã gieo trồng những thiện căn như vậy, và đã nghe
kinh này, nơi hằng sa Phật đà. Thiện nam tử, các ông nên hộ trì người
ấy, đừng để ma vương và ngoại đạo quấy rối thân thể và tâm trí
(122) ữPage của họ, làm cho họ lùi bước, khuất phục.
Lược Giải.-
Hãy giữ cho người phụng trì kinh
này bằng cách không để cho ma vương và ngoại đạo, cùng tay sai của họ,
có được cơ hội thuận tiện mà họ rình rập để phá hoại thân tâm của
người ấy. Đó là đáp câu hỏi bốn: hộ trì cách nào cho người phụng
trì kinh này.
Trùng Tuyên Bằng Chỉnh Cú
Chính Văn.-
Đức Thế tôn muốn lặp lại ý
nghĩa đã nói nên nói những lời chỉnh cú sau đây.
- Hiền thiện thủ này,
- ông nên nhận thức
- kinh này là do
- chư Phật tuyên thuyết,
- và do Như lai
- cùng chư Như lai
- trân trọng giữ gìn,
- vì là con mắt
- của mười hai loại
- khế kinh của Phật.
- Kinh này tên là
- Tổng trì viên giác,
- thuộc về thể loại
- pháp đại phương quảng,
- nói về cảnh giới
- của chư Như lai.
- Những ai tu hành
- y theo kinh này
- thì tăng tiến lên
- đến địa vị Phật.
- Y như đại dương
- nạp hết sông ngòi,
- ai uống nước ấy
- cũng sung mãn cả.
- Giả sử bố thí
- bảy thứ quí báu
- nhiều bằng cái lượng
- đại thiên thế giới,
- cũng không bằng phước
- được nghe kinh này.
- Và nếu giáo hóa
- hằng sa chúng sinh
- đều thực hiện được
- tuệ giác La hán,
- cũng không bằng phước
- nói nửa bài kệ.
- Trong thì vị lai
- các người hãy giữ
- cho người tuyên thuyết
- duy trì kinh này,
- đừng để cho họ
- phải bị thoái khuất.
Lược Giải.-
Đoạn chỉnh cú này, theo Vạn
150/353A nói tìm thấy trong 1 cổ bản đời Tống. Trên đây là dịch chính
văn đoạn chỉnh cú ấy. Nhưng đại sư Thái hư thì cho chương này không
có chỉnh cú. Đại sư Tông mật (đời Đường) sớ giải cũng không có. Vậy
đoạn chính văn ở đây chỉ do kẻ háo sự đặt ra. Mà xét đoạn chính văn
ấy, do ngài Thái hư trích dẫn, thì quả là lối háo sự thật, không
nghiêm chỉnh như đoạn chính văn đã dịch ở trên (Thái hư toàn thư, tập
28 trang 2048).
Kim Cang Lực Sĩ
Chính Văn.-
Vào lúc bấy giờ, trong đại hội
có tám mươi ngàn Kim cang lực sĩ (123) ữPage , cầm đầu bởi kim cang lực
sĩ Hỏa thủ, kim cang lực sĩ Tồi toái, kim cang lực sĩ Ni lam bà. Các vị
kim cang lực sĩ cầm đầu này, cùng thuộc hạ của họ, tức thì từ chỗ
ngồi đứng dậy, đem đỉnh đầu của mình lạy ngang chân đức Thế tôn,
theo chiều bên phải của ngài đi quanh ngài ba vòng, rồi tác bạch: Thưa đức
Thế tôn, thời kỳ cuối cùng sau này, có ai phụng trì được kinh pháp đại
thừa quyết định như thế này, thì chúng con nguyện giữ người ấy như
giữ con mắt của mình. Những chỗ người ấy thiết lập đạo tràng thì
chúng con tự thống suất bộ hạ sớm tối giữ gìn, không để họ bị
thoái chuyển. Chỗ họ cư trú thì không bao giờ bị tai nạn và mọi chướng
ngại khác, những loại bịnh truyền nhiễm cũng tan biến, tài vật phong
phú, sung túc, không bao giờ thiếu thốn gì cả.
Lược Giải.-
Đây là lời phát nguyện hộ trì của
Kim cang lực sĩ, những vị chuyên hộ trì Phật pháp và những người thọ
trì Phật pháp.
Phạn Vương Đế Thích
Chính Văn.-
Cũng vào lúc bấy giờ, Đại phạn
thiên vương (124) ữPage , và hai mươi tám vị thiên vương khác; chúa tể
Tu di sơn là Đế thích thiên vương (125) ữPage , cùng bốn vị thiên vương
hộ vệ thế giới loài người, cũng tức thì từ chỗ ngồi đứng dậy,
đem đỉnh đầu của mình lạy ngang chân đức Thế tôn, theo chiều bên phải
của ngài đi quanh ngài ba vòng, rồi tác bạch: Thưa đức Thế tôn, chúng
con cũng nguyện hộ trì cho những người phụng trì kinh này, làm cho họ
luôn luôn yên ổn, không thoái chuyển tâm chí.
Lược Giải.-
Đây là sự phát nguyện hộ trì của
chư thiên, những vị thiện tâm.
Ác Quỉ
Chính Văn.-
Lại có đại lực quỉ vương tên
Cát bàn trà (126) ữPage , cùng với mười vạn quỉ vương, cũng tức thì từ
chỗ ngồi đứng dậy, đem đỉnh đầu của mình lạy ngang chân đức Thế
tôn, theo chiều bên phải của ngài đi quanh ngài ba vòng, rồi tác bạch: Thưa
đức Thế tôn, chúng con cũng nguyện hộ trì những người phụng trì kinh
này, sớm tối hầu hạ gìn giữ, làm cho những người ấy không thoái chí
khuất phục. Những người ấy ở đâu thì trong chu vi một do tuần của chỗ
ấy, nếu có quỉ thần độc ác xâm phạm, chúng con sẽ làm cho họ nát như
vi trần (127) ữPage .
Lược Giải.-
Đây là sự phát nguyện hộ trì của
ác quỉ đã sinh thiện niệm.
Tất Cả Hoan Hỷ Phụng Hành
Chính Văn.-
Khi đức Thế tôn tuyên thuyết kinh
này hoàn tất thì các vị bồ tát (128) ữPage , tám bộ thiên long (129) ữPage
mà trong đó có Đế thích thiên vương và Đại phạn thiên vương, cùng
tùy thuộc của họ, toàn thể đại hội nghe những điều tuyên thuyết của
đức Thế tôn, ai cũng rất hoan hỷ, tín thọ và phụng hành.
Lược Giải.-
Phật thuyết kinh này trong chánh định
và tịnh độ. Nhưng tịnh độ ở đây là phần tha thọ dụng độ, gồm có
phần thắng ứng hóa độ, nên ngoài các vị bồ tát là chúng đương cơ,
vẫn có tám bộ thiên long là chúng hộ pháp, nhưng ai cũng tham dự, thấy
nghe, và phụng hành, theo cái lượng sở tri của mình.
-oOo-
Chân thành
cảm ơn quý cư sĩ Nguyễn Văn Củng, Đoàn Viết Hiệp và Nguyễn Anh Tuấn
đã phát tâm chuyển tác phẩm này từ dạng Help File, VPS font sang dạng
Word, VNI font. Thích Nhật Từ 29-4-2000
Mục lục | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |