Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .

KINH VIÊN GIÁC
HT. Thích Trí Quang dịch giải


Phần Ghi Chú


 

Ghi Chú (1)
Ở giữ (trú trì).
 
Ghi Chú (2)
Tánh tuệ giác (giác địa): dịch sát là đất tuệ giác.
 
Ghi Chú (3)
Vắng lặng (tịch diệt): Tịch diệt là nghĩa của niết bàn. Tịch diệt, dịch sát và đúng là dứt bặt; dịch vắng lặng là theo thông thường (nhưng có phần thích hợp ở đây). Sau đây sẽ có chỗ dịch là dứt bặt, có chỗ dịch là vắng lặng.
 
Ghi Chú (4)
Bất nhị: dịch sát là không hai. Hai là khái niệm đối lập lẫn nhau. Không hai ở đây là không có khái niệm dơ bẩn hay trong sạch.
 
Ghi Chú (5)
Chính sự bất nhị ấy biểu hiện thế giới trong sạch: Thế giới trong sạch là tịnh độ. Tịnh độ ấy, ở đây, là tha thọ dụng độ. Câu trên có nghĩa như Duy thức học nói bình đẳng tánh trí hiện khởi tha thọ dụng độ, và đương cơ là bồ tát thập địa.
 
Ghi Chú (6)
Đốn tu: tu chứng liền liền.
 
Ghi Chú (7)
Tiệm tu: tu chứng dần dần.
 
Ghi Chú (8)
Chủng tánh: chủng loại, tư cách.
 
Ghi Chú (9)
Việc làm căn bản sơ khởi (bản khởi nhân địa pháp hạnh).
 
Ghi Chú (10)
Bịnh hoạn: ở đây là những sự không chính xác sẽ nói trong các chương sau, nhất là các chương Tịnh chư nghiệp chướng và Phổ giác.
 
Ghi Chú (11)
Thời kỳ cuối cùng (mạt thế, mạt pháp): Phật pháp tồn tại có 3 thời kỳ: nguyên chất (chánh pháp) tương tự (tượng pháp) và cuối cùng (mạt pháp). Thời kỳ cuối cùng là thời kỳ chúng ta đây.
 
Ghi Chú (12)
Kiến thức sai lầm (tà kiến): chỉ cho các học thuyết ngoại đạo.
 
Ghi Chú (13)
Thiện nam tử: con trai gia tộc tốt.
 
Ghi Chú (14)
Trú ở (trú trì): dịch rõ là trú ở nắm giữ.
 
Ghi Chú (15)
Tổng trì (đà la ni): nắm giữ bao quát. Tổng trì có 4: pháp, nghĩa, chú và nhẫn, 3 thứ thực chất là niệm với tuệ, riêng chú thực chất là định (và cũng hay gọi bằng tên chung là tổng trì). Đại tổng trì viên giác bao gồm tất cả các pháp tổng trì sau đây.
Ghi Chú (16)
Chân như: sở y (bản thể) của viên giác.
 
Ghi Chú (17)
Bồ đề: trí đức (bản thân) của viên giác.
 
Ghi Chú (18)
Niết bàn: đoạn đức (phẩm chất) của viên giác.
 
Ghi Chú (19)
Ba la mật: đẳng lưu (hoạt dụng) của viên giác.
 
Ghi Chú (20)
Tuệ giác Phật đà (Phật đạo): Phật đạo cũng có nghĩa là đường đi của Phật (pháp tu của Phật), thành quả của Phật, nhưng nghĩa tuệ giác của Phật mới là nghĩa chính.
 
Ghi Chú (21)
Bốn phương hướng biến đổi vị trí: hễ ngộ nhận 1 phương hướng thì 4 phương hướng đều sai chỗ cả.
 
Ghi Chú (22)
Sự nhận thức về 6 đối cảnh (lục trần duyên ảnh): dịch sát và rõ là ấn tượng của sự vin theo 6 loại bụi bặm, chỉ cho một bộ phận lớn có thể nhận biết của tri thức chúng ta.
 
Ghi Chú (23)
Có một cách không thật (vọng hữu): có một cách không chính xác, và oan uổng nữa.
 
Ghi Chú (24)
Luân hồi: cũng gọi là luân chuyển, triền phúc. Trừ phần chính trong chương Di lạc và vài chỗ khác, luân hồi ở chương này, nhất là chương Kim cang tạng,có nghĩa là chuyển biến. Sinh tử luân hồi nghĩa là sinh diệt chuyển biến. Nghĩa này nói mọi hình thái sinh diệt đều là luân hồi, trong đó có sự sống chết trong 3 cõi.
 
Ghi Chú (25)
Như lai tạng: bào thai Như lai, kho tàng Như lai. Ở đây là bản thể của Như lai (mà chúng sinh cũng đồng nhất).
 
Ghi Chú (26)
Chỉnh cú (kệ): là thể thơ. Nhưng thực sự ở đây chỉ là chữ và câu không so le, nên tôi gọi là chỉnh cú.
 
Ghi Chú (27)
Bình đẳng, bất động: ở đây mô tả tuệ giác trong sáng, tuệ giác không phải phản ảnh mọi sự sinh diệt chuyển biến.
 
Ghi Chú (28)
Huyễn ảo tu hành huyễn ảo: cũng như nói huyễn ảo hủy diệt huyễn ảo. Huyễn ảo trước là thân tâm, huyễn ảo sau là vô minh.
 
Ghi Chú (29)
Chánh định Như huyễn: chánh định lấy sự như huyễn ảo làm chủ đề: không những hủy diệt huyễn ảo (của biến kế chấp) mà còn sử dụng huyễn ảo (của y tha khởi). Ở đây nói mặt trước nhiều hơn. Thiền quán mặt cực động tam ma bát đề sẽ nói trong chương Uy đức tự tại, và sau đó, là thuộc chánh định Như huyễn.
 
Ghi Chú (30)
Biết là huyễn ảo: cũng như chương trước nói biết là hoa đốm, cái biết đó là đốn ngộ (tỉnh ngộ đột biến, liền liền), không phải suy biết bình thường.
 
Ghi Chú (31)
Tư duy: tư duy tu, tức thiền hay thiền quán, có nghĩa tư duy một cách như thật (đúng như sự thật) và sống theo sự tư duy ấy.
 
Ghi Chú (32)
Trú ở (trú trì): ở đây là ở trong tư duy tu, là sống trong tư duy tu, nói cách khác, là tư duy tu thể hiện trong đời sống và hoạt động; như vậy trú ở cũng là tư duy tu mà cao và thuần hơn lên.
 
Ghi Chú (33)
Những gì cố thể thì thuộc về đất, những gì dịch thể thì thuộc về nước, những gì nhiệt lực thì thuộc về lửa, những gì động lực thuộc về gió: 4 câu này mượn chữ đã đổi của ngài Thái hư mà dịch tắt, nhưng nói đủ, về tứ đại. Dịch sát chính văn: tóc, lông, móng tay móng chân, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, não, cáu, bẩn ... đều thuộc về đất; nước miếng, nước mũi, mủ, máu, nước giải, nước miếng bọt, đàm, nước mắt, tinh dịch, tiểu tiện ... đều thuộc về nước, hơi nóng thuộc về lửa, sức động thuộc về gió.
 
Ghi Chú (34)
Ảnh hiện thân tâm thích ứng từng loại: hiện thân tâm đủ cả 5 đường chúng sinh.
 
Ghi Chú (35)
Họ không thể thoát bỏ huyễn ảo, và, với họ, Như lai nói thân tâm đều là huyễn ảo dơ bẩn: Nghĩa là nói như vậy chỉ là một cách nói ứng cơ (thích ứng trình độ, trường hợp).
 
Ghi Chú (36)
Thấy, nghe, hay, biết (kiến văn giác tri): 4 chữ bao gồm 6 thức: thấy là nhãn thức, nghe là nhĩ thức, hay là tyՠthức, thiệt thức và thân thức, biết là ý thức.
 
Ghi Chú (37)
Ví như con mắt thấy cảnh vật, sự thấy ấy thấy toàn diện mà không ghét không ưa, vì lẽ thực chất của sự thấy không có hai ý thức này: mắt thấy là thấy hình sắc (là hiện lượng), thấy rõ, thấy toàn diện, chứ không phải chỉ thấy theo ấn tượng ghét ưa của ý thức (là tỷ lượng của phần ý thức đi đôi với nhãn thức).
 
Ghi Chú (38)
Bình đẳng và không phá hoại nhau: ở đây có nghĩa căn bản vô phân biệt trí nhìn thấy các pháp bình đẳng tức là chứng viên thành thật tánh; và hậu đắc vô phân biệt trí hoạt dụng các pháp phân minh (không phá hoại nhau), tức là chứng y tha khởi tánh.
 
Ghi Chú (39)
Chúng sinh vốn là Phật đà: là, chính văn là thành; thành ở đây là là.
 
Ghi Chú (40)
Sự cứu cánh của viên giác: cứu cánh ở đây là vĩnh viễn, không còn tái sinh vô minh.
 
Ghi Chú (41)
Chúng sinh, và thế giới của chúng sinh: chữ chúng sinh trước rõ ràng chính văn Hoa dịch đã thiếu sót.
 
Ghi Chú (42)
Qua lại liền liền, lấy bỏ đủ cách: lại với lấy là mọi hình thái phát sinh cho đến nổi lên, qua với bỏ là mọi hình thái hủy diệt cho đến ngưng lại.
 
Ghi Chú (43)
Luân hồi: như có dịp đã ghi chú, luân hồi ở đây là mọi sự sinh diệt chuyển biến, không phải chỉ là sự sinh tử luân hồi trong 3 cõi. Đúng ra, chữ chính xác nhất là luân chuyển (hay lưu chuyển) mô tả sự chuyển biến liên tục mà không gợi ý để hiểu lầm rằng như bánh xe quay vòng trở lại. Nhưng ở đây vẫn dùng chữ luân hồi chỉ vì cho thông thường, có điều phải hiểu đúng nghĩa là như bánh xe lăn vòng đi tới.
 
Ghi Chú (44)
Xoay đảo (triền hay triền phúc): nghĩa là xoay qua đảo lại mà đi tới, nên triền phúc chính là luân hồi.
 
Ghi Chú (45)
Phải đứng lại trước: đúng ra phải nói: phải thấy đứng lại trước, bởi vì những vật được thấy mà chính văn nói (nước, lửa, trăng, bờ) vốn không biến chuyển.
 
Ghi Chú (46)
Không bao giờ có thể đạt đến viên giác của Như lai đích thân chứng ngộ: nguyên chính văn là không bao giờ có thể đạt đến niết bàn của các vị ấy đích thân chứng ngộ. Rõ ràng câu Hoa dịch này rất mâu thuẫn.
 
Ghi Chú (47)
Biển cả vắng lặng vĩ đại: đại niết bàn (đại tịch diệt) của Phật dứt bặt kiến thức luân hồi.
 
Ghi Chú (48)
Sinh tử, niết bàn, chúng sinh, Phật đà, đồng là hoa đốm ở trong không gian: bất cứ nhìn vào cái gì, nếu nhìn bằng kiến thức luân hồi (bằng cái nhìn với phạm trù đối lập nhau: sinh tử -- niết bàn, chúng sinh -- Phật đà ...) thì cái nhìn ấy, và ấn tượng của cái nhìn ấy, toàn là thác loạn nếu đứng về mặt bản thể siêu việt mà nói.
 
Ghi Chú (49)
Đối với niết bàn vĩ đại, không còn tùy theo sự luân hồi mà nổi lên kiến thức xoay đảo: nói nôm na, là đối với sự dứt bặt tuyệt đối của Phật, mình không còn tùy sự xoay đảo chi phối mà thấy Phật còn tái sinh vô minh phiền não.
 
Ghi Chú (50)
Luân hồi có mấy đẳng cấp : chính văn là mấy chủng tánh. Chữ chủng tánh này rõ ràng Hoa dịch không chỉnh; chỉnh thì phải dịch như thường thấy là đẳng cấp.
 
Ghi Chú (51)
Tu tập tuệ giác Phật đà có mấy chủng tánh: chính văn là mấy đẳng cấp. Chữ đẳng cấp này cũng rõ ràng Hoa dịch không chỉnh; chỉnh thì phải dịch như thường thấy là chủng tánh. Chương này chỉ hỏi chủng tánh tu chứng, chưa hỏi đẳng cấp tu chứng, chương sau mới hỏi đẳng cấp tu chứng ấy. Thật là cần thiết để ghi chú rằng, chính vì cho 2 chữ chủng tánh (đúng là đẳng cấp) và đẳng cấp (đúng là chủng tánh) đã chỉnh, nên các ngài chú giải xưa có vị đến đây khá lúng túng, đến nỗi gán ghép khá miễn cưỡng về chủng tánh và đẳng cấp ấy. Chính ngài Tông mật là vị khá miễn cưỡng nhất, thật đáng ngạc nhiên và đã bị phản biện nhiều lắm. Thiển kiến của tôi không phải không có căn cứ. Căn cứ gần nhất là của đại sư Thái hư (Thái hư toàn thư, tập 28, các trang 79 và 80); mặc dầu đại sư đã không đổi chữ cho chỉnh, nhưng phối hợp các câu hỏi đáp của chương này thì y như tôi làm ở đây, sau hết, chữ luân hồi trong 4 câu hỏi, và trong các chính văn sau, phần nhiều chỉ cho sự sinh tử luân hồi trong 3 cõi.
 
Ghi Chú (52)
Thực tướng: bản chất thật, pháp tánh trong sáng.
 
Ghi Chú (53)
Tuệ giác Không sinh: vô sinh nhẫn hay vô sinh pháp nhẫn. Nhẫn là nhẫn chịu, chấp nhận, thể nhận, những sự này là một chứ không phải diễn biến. Nhẫn mà nói thể nhận (thể hội) là vì, như dụng ngữ của ngài Huyền tráng, nhẫn nhiều khi là giai đoạn trước của trí, có khi nhẫn là trí. Vô sinh là không phát sinh phiền não và nghiệp của phiền não. Pháp là thực tướng hay pháp tánh. Vô sinh pháp nhẫn là thể hội pháp tánh vô sinh, nên tôi đã dịch là tuệ giác Không sinh. Xét ra, vô sinh pháp nhẫn liên hệ đến tận trí, nhất là vô sinh trí, liên hệ đến trạch diệt vô vi, nhất là phi trạch diệt vô vi. Và quan trọng hơn nữa, được vô sinh pháp nhẫn thì gọi là địa vị Không thoái chuyển (A bệ bạt trí)
 
Ghi Chú (54)
Thấp khí: độ ẩm.
 
Ghi Chú (55)
Có súc sinh: chính văn bỏ qua loại này.
 
Ghi Chú (56)
Ba đường đi của nghiệp ác: 3 nghiệp đạo ác (địa ngục, ngạ quỉ và súc sinh).
 
Ghi Chú (57)
Những thiện quả hơn lên: là cõi Sắc và cõi Vô sắc, hơn thiện quả cõi Dục là chư thiên và nhân loại.
 
Ghi Chú (58)
Không thành đường đi của các vị thánh giả: không thành giải thoát 3 cõi; các vị thánh giả (các vị tuệ giác thuần khiết) là La hán, Duyên giác, Bồ tát, Phật đà.
 
Ghi Chú (59)
Hai loại chướng ngại: Một, chướng ngại chân lý, Duy thức học gọi là sở tri chướng, làm cho không chứng ngộ. Hai, chướng ngại sự dụng, Duy thức học gọi là phiền não chướng, làm cho bị luân hồi.
 
Ghi Chú (60)
Năm chủng tánh: chủng tánh là dòng giống, ở đây là tư cách, phẩm cách. Năm chủng tánh là một, phàm phu; hai, nhị thừa; ba, bồ tát; bốn, đốn tiệm; năm, ngoại đạo. Có người kể: thanh văn, duyên giác, bồ tát, bất định và ngoại đạo (bỏ phàm phu).
 
Ghi Chú (61)
Thầy bạn tốt (thiện tri thức, thiện hữu): đối lại là thầy bạn xấu (ác tri thức, tà sư).
 
Ghi Chú (62)
Khai phát cho những người chưa tỏ ngộ: nhất là những người phàm phu, nhị thừa và ngoại đạo, 3 trong 5 chủng tánh.
 
Ghi Chú (63)
Biểu hiện thân thể đủ mọi thứ hình tướng: như phẩm Phổ môn kinh Pháp hoa nói.
 
Ghi Chú (64)
Biểu hiện cảnh ngộ đủ mọi sự thuận nghịch: như một số cảnh thuận trong phẩm thứ hai kinh Địa tạng nói.
 
Ghi Chú (65)
Ái kiến: có 2 nghĩa. Một, thấy có người thật (kiến) mà thương xót (ái). Hai, ái là mê sự, như tham dục, sân nhuế ... ; kiến là mê lý, như ngã kiến, tà kiến ... Ở đây có cả 2 nghĩa.
 
 
Ghi Chú (66)
Dứt bặt (tịch diệt): tịch diệt ở đây phải dịch đúng và sát là dứt bặt mới thích hợp.
 
 
Ghi Chú (67)
Chướng ngại: chữ này, ở đây và ở 3 đoạn sau đây, đều có nghĩa là sự bị chi phối bởi những khái niệm đối lập lẫn nhau.
 
Ghi Chú (68)
Tuệ giác Biết tất cả chủng loại: (nhất thế chủng trí): một trong 3 tuệ giác của Phật.
 
Ghi Chú (69)
Đang chứng ngộ: đủ và rõ, là chưa chứng ngộ nhưng đang chứng ngộ (nói cách khác, như đoạn G1 nói, là chưa hủy diêểt mà đang hủy diệt vô minh huyễn ảo).
 
Ghi Chú (70)
Trang hoàng quốc độ và hoàn thiện tuệ giác: bồ tát hạnh có 2 mặt là thượng cầu (trên cầu tuệ giác) và hạ hóa (dưới độ chúng sinh); 2 mặt này thường có những cách diễn đạt khác nữa, như Pháp hoa nói tịnh Phật quốc độ thành tựu chúng sinh (làm sạch thế giới, làm nên chúng sinh), còn kinh Viên giác này nói trang nghiêm Phật quốc cập thành bồ đề (dịch nghĩa như trên).
 
 
Ghi Chú (71)
Ba phương tiện: ở đây là 3 mặt của thiền quán; 3 mặt này còn gọi là 3 pháp môn: cửa ngõ của Pháp (viên giác).
 
 
Ghi Chú (72)
Sự thư thái tĩnh lặng (tịch tĩnh khinh an): tĩnh lặng là vọng niệm lắng xuống, và đó là trạng thái thanh thoát và ổn định của mặt thiền quán cực tĩnh.
 
Ghi Chú (73)
Tâm thể Như lai mười phương quốc độ biểu hiện trong đó: trong đó là trong sự cực tĩnh; sự cực tĩnh này đồng nhất với sự cực tĩnh của chư Phật nên nói như vậy.
 
 
Ghi Chú (74)
Sự thư thái đại bi (đại bi khinh an): đại bi là lòng thương rộng lớn, và đó là sự thanh thoát và ổn định của mặt thiền quán cực động.
 
Ghi Chú (75)
Biết thân tâm toàn là chướng ngại: thân tâm ở đây chỉ cho 4 tướng ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả, nói tổng quát là ngã chấp, và đó là chướng ngại.
 
Ghi Chú (76)
Cái biết ấy không như cái biết của các giác quan, không dựa vào thân tâm chướng ngại: cái biết không xuất từ ngã chấp chướng ngại.
 
Ghi Chú (77)
Như tiếng ở trong hồng chung mà đã được đánh lên, kêu vang ra ngoài, phiền não với niết bàn không thể chận giữ người ấy : Như tiếng ở trong hồng chung, Hoa văn là như khí trung hoàng, hoàng có 2 nghĩa: là hồng chung; là tiếng kêu oang oang của hồng chung hay các đồ đồng. Trọn câu này có nghĩa: như tiếng là tiếng của chuông, còn ở trong chuông, nhưng đã đánh lên, kêu vang ra ngoài: thân tâm và thế giới của người tu cực thuần tuy đang ở trong lĩnh vực ô nhiễm, nhưng tuệ giác người ấy đã như tiếng chuông được đánh kêu vang xa, không còn bị sự chi phối của những khái niệm theo phạm trù đối lập lẫn nhau.
 
Ghi Chú (78)
Sự thư thái vắng lặng (tịch diệt khinh an): vắng lặng là siêu việt chướng ngại (của ngã chấp phiền não), và đó là trạng thái thanh thoát và ổn định của mặt thiền quán cực thuần.
 
Ghi Chú (79)
Chúng sinh tướng hay thọ giả tướng: nói tắt 4 tướng ngã chấp.
 
Ghi Chú (80)
Tuệ giác thuần khiết (thánh đạo).
 
 
Ghi Chu (81)
Mặt cực tĩnh: dịch sát là tĩnh lặng.
 
Ghi Chú (82)
Mặt cực động: dịch sát là huyễn ảo.
 
Ghi Chú (83)
Mặt cực thuần: dịch sát là dứt bặt.
 
Ghi Chú (84)
Không rời khỏi chỗ của mình mà nhập niết bàn liền: nhập niết bàn ở đây là nhập hữu dư y niết bàn (phiền não mất hết mà thôi). Xưa, thời Phật, có những người đứng hay ngồi nghe ngài dạy, chưa bước đi hay đứng dậy khỏi chỗ của mình mà phiền não đã mất hết, nên được mô tả như trên. Câu ấy thành cái nghĩa hết phiền não liền liền. Đốn ngộ ngay trong cảnh sống bình thường cũng được mô tả như vậy, nên Thiền tông hay nói rơi rụng tất cả.
 
 
Ghi Chú (85)
Sức mạnh biến ảo (biến hóa lực): sức mạnh cực động, biểu hiện đủ cách.
 
Ghi Chú (86)
Tĩnh tâm (tĩnh lự): dị danh của định (hay thiền).
 
Ghi Chú (87)
Sức mạnh dứt bặt (tịch diệt lực): sức mạnh cực thuần, dứt bặt phiền não ngã chấp.
 
Ghi Chú (88)
Đem trí tuệ viên giác: 24 cách tu riêng và tu chung trên nói sức mạnh cực tĩnh cho thiền quán cực tĩnh, sức mạnh biến ảo cho thiền quán cực động, sức mạnh dứt bặt cho thiền quán cực thuần, còn đây nói trí tuệ viên giác cho cách tu hóa hợp, như vậy đủ biết viên giác là có hết các tuệ giác và sức mạnh cực tĩnh, cực động và cực thuần.
 
Ghi Chú (89)
Đặc tính và sự dụng: đặc tính và sự dụng cực tĩnh, cực động và cực thuần.
 
Ghi Chú (90)
Giữ phạn hạnh: giữ giới, nhất là giới dâm dục.
 
Ghi Chú (91)
Dùng tay mà lấy: là tuyệt đối không hữu ý, tự ý.
 
Ghi Chú (92)
Một thoáng ngờ vực: là một thoáng nghĩ làm thử, làm chơi, một thoáng nghĩ rằng cũng chỉ là cách cầu may, cách bói, thì dĩ nhiên bất thành.
 
Ghi Chú (93)
Ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng: tướng là khái niệm. Bốn chữ này là 4 khái niệm về ngã. Ngã còn lắm khái niệm nữa.Ngay 4 khái niệm cũng đã không đơn thuần. Vô vàn học thuyết cổ của Ấn độ đều có khái niệm về ngã. Những khái niệm ấy phần lớn ghi trong 4 chữ này. Như vậy đủ biết Phạn tự và Hoa tự 4 chữ này được giải nghĩa không đơn sơ. Thí dụ chữ nhân mà liên hệ đến ngã thì gần như chắc chắn dịch nghĩa chữ bổ đặc dà la (pudgala, còn được dịch nghĩa là sác thủ thú, cánh cầu thú, thụ giả, thủ giả). Nay ở đây không cốt cứu xét về khái niệm trong 4 chữ nên không ghi chú làm gì, chỉ tạm dịch một cách gọi là: khái niệm tự ngã (ngã tướng) khái niệm sinh thể (chúng sinh tướng) khái niệm đời sống (thọ giả tướng) khái niệm linh hồn (hay khái niệm tái sinh, nhân tướng). Và thứ tự nên kê như vậy. Kê ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, thì đã hơi có ý ngã nhân là tự tha rồi. Kinh này thực sự chỉ nói thẳng vào tự ngã, lấy 4 chữ làm 4 ký hiệu mà nói khái niệm tự ngã đã biến thái và chướng ngại tu chứng như thế nào. Do vậy, điều quan trọng lại chính là đừng cố tìm hiểu sự cắt nghĩa của kinh này theo 4 chữ.
 
Ghi Chú (94)
Rồi chán bỏ luân hồi thì có cái thấy thác loạn khác là thấy niết bàn: vì thương yêu tự ngã nên ghét sinh tử và ưa niết bàn, thì thế là thác loạn đó, thác loạn bởi ghét và ưa đều vì ngã cả. Niết bàn là loại cả 2 sự ghét ưa đó: là loại ngã ái.
 
Ghi Chú (95)
Tự biết đến niết bàn đi nữa cũng là ngã tướng: tự biết mới có tự ngã, vậy sự tự biết ấy nếu biết đến niết bàn đi nữa, niết bàn ấy cũng chỉ là tự ngã biến dạng.
 
Ghi Chú (96)
Tuệ giác còn tính biến động (nghiệp trí).
 
Ghi Chú (97)
Ấy là thọ giả tướng: dịch sát là cũng như thọ giả tướng.
 
Ghi Chú (98)
Yêu thích niết bàn: chính văn là pháp. Pháp đây là niết bàn: yêu thích niết bàn thì bị gọi là pháp ái (chữ của văn chỉnh cú sau đây). Yêu thích niết bàn ở đây là vì yêu thích tự ngã mà yêu thích niết bàn.
 
Ghi Chú (99)
Cái biết chút ít: là sự tự biết, tự hiểu, tự rõ và tuệ giác trong 4 tướng. Cái biết như vậy tuy vẫn là sự tự ý thức tự ngã, nhưng có cái công biết tự ngã không đáng nhận vân vân, nên gọi là cái biết chút ít, miễn đừng tự cho đã là trong sáng (Thái hư toàn thư 28 trong 144).
 
Ghi Chú (100)
Ưa niết bàn (pháp ái).
 
Ghi Chú (101)
Quan tâm của cải thân thuộc: nói thiện tri thức tại gia.
 
Ghi Chú (102)
Đạo tràng: dịch nghĩa từ 2 chữ bodhimandala và mandala. Đạo tràng có nhiều nghĩa diễn biến, ngoài nghĩa chính là bồ đề đạo tràng (bồ đề tràng), chỗ đức Bổn sư thành đạo. Một trong nghĩa diễn biến là chỗ yên tĩnh tu tập; nghĩa này là của chữ đạo tràng ở đây.
 
Ghi Chú (103)
Có chủng tánh đại thừa: tất cả 5 chủng tánh đã nói trong chương Di lạc, ai đã huân tập được khả năng tu tập đại thừa (mà ở đây là tin và muốn tu tập viên giác) thì gọi là có chủng tánh đại thừa.
 
Ghi Chú (104)
Cách thức Như lai đã chỉ ở trước: đã chỉ ở trong chương Phổ nhãn.
 
Ghi Chú (105)
Bồ tát thừa: cổ xe Bồ tát (giáo lý dạy cho các bị bồ tát).
 
Ghi Chú (106)
Tịch diệt hạnh: pháp hạnh Dứt bặt (pháp hạnh tu tập viên giác).
 
Ghi Chú (107)
Đi lại tùy ý: sinh hoạt bình thường, không phải đi lại cho bõ lúc cấm túc.
 
 
Ghi Chú (108)
Lợi căn, độn căn: trình độ lanh lợi và trình độ chậm chạp. Căn (trình độ) chỉ cho 5 căn tín, tiến, niệm, định, tuệ. Năm căn này ai có một cách sắc bén là lợi căn, ai có một cách chậm lụt là độn căn.
 
 
Ghi Chú (109)
Hiện tượng nào không phải cái họ đã nghe, họ tuyệt đối không nên chấp nhận: thiền quán thường hay có những hiện tượng kỳ diệu và kỳ quái, nhưng, nói chung, hiện tượng nào mà hành giả không nghe nói đến trong sự chỉ dạy ở đây của Phật, thì hiện tượng đó kỳ diệu mấy cũng không mừng, kỳ quái mấy cũng không sợ.
 
Ghi Chú (110)
Huân tập thành cá tính: Huân tập là xông ướp luyện tập. Cá tính, chính văn là chủng: chủng tử, hạt giống.
 
Ghi Chú (111)
Sự đếm kể: các chú giải trước, trừ vài vị nói là đếm kể ý nghĩ, còn lại đều nói sự đếm kể ý nghĩ là đầu tiên đếm hơi thở, cách đầu trong 6 cách của Sổ tức quán: đem ý nghĩ theo sát hơi thở mà đếm ý nghĩ qua hơi thở ấy. Cách đếm ấy thuần rồi thì đếm thẳng ý nghĩ, bằng cách theo dõi và biết rõ ý nghĩ phát sinh, tồn tại và diệt mất, biết rõ số lượng của ý nghĩ ấy.
Ghi Chú (112)
Tâm lý thắng thượng: tâm lý hơn và trên, không tầm thường.
Ghi Chú (113)
Đại thừa đốn giáo: đại thừa mà thuộc loại đốn giáo. Đốn giáo: giáo lý dạy cho đốn cơ.
 
Ghi Chú (114)
Đốn cơ: tâm trí chứng ngộ liền liền.
 
Ghi Chú (115)
Tiệm cơ: tâm trí chứng ngộ dần dần.
 
Ghi Chú (116)
Biển cả: ví cho đại thừa.
 
Ghi Chú (117)
Sông bé: ví cho giáo lý dưới đại thừa.
 
Ghi Chú (118)
Muổi mòng: ví cho tiệm cơ.
 
Ghi Chú (119)
Tu la: ví cho đốn cơ.
 
Ghi Chú (120)
(7) Bảy thứ quí báu: nói chung các loại vàng ngọc: bạc, vàng, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não (kinh Di đà).
Ghi Chú (121)
Đại thiên thế giới (tam thiên đại thiên thế giới).
 
Ghi Chú (122)
Ma vương và ngoại đạo quấy rối thân thể và tâm trí: ma vương thì làm cho thân tâm khuất phục dục vọng, ngoại đạo thì làm cho thân tâm khuất phục tà kiến.
 
Ghi Chú (123)
Kim cang lực sĩ: là Chấp kim cang thần trong Phổ môn hay Kim cang mật tích trong Lăng nghiêm, chính là các chúa tể Dạ xoa, mạnh, nhanh, bí mật, bộ thuộc của ngài Kim cang tạng (tên của ngài Phổ hiền trong Mật giáo).
 
 
Ghi Chú (124)
Đại phạn thiên vương: hay Phạn vương, là chúa tể Tứ thiền, tầng trời tột đỉnh của thế giới có hình sắc (Hữu đỉnh). Các tôn giáo nhất thần nói chúa trời, phần nhiều là vị này.
 
Ghi Chú (125)
Đế thích thiên vương: hay Đế thích, Thích đề hoàn nhân, là chúa tể Đao lợi thiên, tiếp cận và hộ vệ loài người.
 
 
Ghi Chú (126)
Cát bàn trà (Cưu bàn trà): là quỉ ăn tinh huyết.
 
Ghi Chú (127)
Chúng con sẽ làm cho họ nát như vi trần: đó là ngữ khí ác quỉ, dẫu cũng là một trong những cách biểu hiện nghịch hành.
 
 
Ghi Chú (128)
Các vị bồ tát: là chúng đương cơ.
 
Ghi Chú (129)
Tám bộ thiên long: là chúng hộ pháp.

-oOo-

Chân thành cảm ơn quý cư sĩ Nguyễn Văn Củng, Đoàn Viết Hiệp và Nguyễn Anh Tuấn đã phát tâm chuyển tác phẩm này từ dạng Help File, VPS font sang dạng Word, VNI font. Thích Nhật Từ 29-4-2000


Mục lục  | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |

 


Cập nhật: 3-6-2000

Trở về mục "Kinh điển"

Đầu trang