...... ... |
. |
. |
. |
. |
. |
- Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim
- (Kim quang minh tối thắng vương
kinh)
- bản Hoa dịch của ngài Nghĩa tịnh
HT. Thích Trí Quang dịch giải
Phần
3
Phẩm
5: Diệt Trừ Nghiệp Chướng [^]
Vào lúc bấy giờ, đức Thế tôn
ở nơi sự phân biệt chính xác, vào trong sự thiền định sâu xa, từ những
lỗ chân lông của Ngài phóng ánh sáng lớn đầy những màu sắc. Thế giới
chư Phật hiện cả trong ánh sáng ấy, nhiều đến bao nhiêu sự tính toán
so sánh đều không có khả năng diễn đạt. Cái thế giới đang ở trong thời
kỳ đầy cả năm sự vẩn đục này cũng được ánh sáng ấy chiếu đến.
Chúng sinh trong đó, những kẻ làm mười ác nghiệp, năm tội vô gián, phỉ
báng Tam bảo, bất hiếu cha mẹ, khinh dể sư trưởng và bà la môn, đáng lẽ
phải sa vào địa ngục ngạ quỉ bàng sinh; những kẻ ấy nhờ ơn ánh
sáng của đức Thế tôn chiếu đến chỗ họ ở. Họ thấy ánh sáng ấy rồi
thì, nhờ sức mạnh của ánh sáng ấy, họ được hoan hỷ, sắc tướng toàn
hảo, phước trí trang nghiêm, thấy được chư Phật. Bấy giờ Đế thích,
các chúng chư thiên, nữ thần sông Hằng, cùng các chúng khác, nhờ ánh
sáng của đức Thế tôn chiếu đến một cách hiếm có, nên cùng đến chỗ
Ngài, đi quanh Ngài ba vòng, rồi lùi lại, mỗi chúng ngồi một phía. Lúc
này Đế thích, vâng theo uy thần của đức Thế tôn, đứng dậy khỏi chỗ
mình ngồi, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm
đất, chắp tay hướng về đức Thế tôn mà thưa, rằng bạch đức Thế tôn,
thiện nam hay thiện nữ làm sao nguyện cầu vô thượng bồ đề, tu hành đại
thừa, nhiếp hóa những kẻ tà kiến thác loạn? Những kẻ đã tạo nghiệp
chướng thì làm sao sám hối để trừ diệt cho được?
Đức Thế tôn dạy Đế thích, rằng
lành thay thiện nam tử, ông hỏi như vậy chính là tu hành, muốn làm cho
vô lượng chúng sinh thanh tịnh giải thoát. Ông thương xót thế giới, ích
lợi hết thảy. Thiện nam tử, những người đã vì nghiệp chướng mà
gây tội lỗi, thì phải thúc dục lấy mình, ngày đêm sáu buổi, vắt vạt
áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính,
nhất cái tâm, chuyên cái niệm, miệng tự nói rằng, con xin qui mạng kính
lạy chư vị Thế tôn hiện tại mười phương, những đấng đã chứng đắc
vô thượng bồ đề, chuyển đẩy bánh xe chánh pháp nhiệm mầu, bánh xe
chánh pháp chói sáng, mưa nước Pháp vĩ đại, gióng trống Pháp vĩ đại,
thổi loa Pháp vĩ đại, dựng cờ Pháp vĩ đại, cầm đuốc Pháp vĩ đại,
vì lợi ích yên vui cho chúng sinh mà thường thực thi pháp thí, dạy dỗ
cho những kẻ mê mờ bước tới, làm cho họ được quả báo vĩ đại,
thường lạc. Chư vị Thế tôn như vậy, con xin đem cả thân miệng ý mà
cúi đầu qui mạng kính lạy. Chư vị Thế tôn như vậy đem tuệ giác chân
thật, con mắt chân thật, sự chứng minh chân thật, sự bình đẳng chân
thật, mà biết hết thấy hết thiện nghiệp ác nghiệp của chúng sinh. Từ
vô thỉ đến giờ, con xuôi theo dòng nước tội ác mà cùng chúng sinh tạo
ra nghiệp chướng, bị tham sân si buộc chặt. Khi chưa biết Phật, khi chưa
biết Pháp, khi chưa biết Tăng, khi chưa biết thiện ác, thì con do thân miệng
ý mà làm năm tội vô gián, là ác tâm làm chảy máu thân Phật, phỉ báng
Phật pháp, phá Tăng hòa hợp, hại A la hán, hại cha hại mẹ; con do thân
ba miệng bốn ý ba mà làm mười ác nghiệp, bằng cách tự làm, bảo người
làm, thấy người làm mà mừng theo; đối với người hiền, con phỉ báng
ngang ngược, dụng cụ cân lường thì dối trá, cho tà là chánh, đem ẩm
thực phẩm xấu mà cho người; đối với cha mẹ nhiều đời ở trong sáu
đường thì con tàn hại; đối với tài vật của Tháp, của Tăng bốn
phương, của Tăng hiện diện, con trộm cướp, tự do sử dụng; đối với
giới pháp và giáo pháp của đức Thế tôn, con không thích tuân thủ phụng
hành, sư trưởng huấn dụ cũng không thuận theo, thấy ai đi theo cỗ xe
Thanh văn, cỗ xe Độc giác, cỗ xe vĩ đại, thì con nhục mạ, quấy phá ;
thấy ai hơn mình, con liền ganh ghét, pháp thí tài thí con tiếc lẫn cả,
con để vô minh ngăn che, tà kiến mê hoặc, con không tu nhân lành mà lại tăng
thêm nhân ác; con phỉ báng đến cả chư vị Thế tôn, pháp thì con nói là
phi pháp, phi pháp thì con nói là pháp. Bao nhiêu tội lỗi như vậy, chư vị
Thế tôn đem tuệ giác chân thật, con mắt chân thật, sự chứng minh chân
thật, sự bình đẳng chân thật, mà biết hết, thấy hết, nên ngày nay
con xin qui mạng kính lạy. Đối trước chư vị Thế tôn, con không dám che
giấu. Tội chưa làm thì con không dám làm, tội đã làm thì con xin sám hối.
Những nghiệp chướng đáng sa vào sáu đường tám nạn mà con đã làm, những
nghiệp chướng mà hiện con đang làm, con nguyện được tiêu diệt cả. Những
báo chướng của những nghiệp chướng ấy, con nguyện vị lai khỏi phải
lãnh chịu. Tựa như các vị đại bồ tát quá khứ tu hành bồ đề hạnh
thì bao nhiêu nghiệp chướng đều đã sám hối, nghiệp chướng của con
cũng vậy, ngày nay con xin sám hối cả. Con phát lộ hết, không dám che giấu.
Tội đã làm, con nguyện được tiêu diệt, tội chưa làm, con nguyện không
dám làm nữa. Tựa như các vị đại bồ tát vị lai tu hành bồ đề hạnh
thì bao nhiêu nghiệp chướng đều sám hối cả, nghiệp chướng của con
cũng vậy, ngày nay con xin sám hối cả. Con phát lộ hết, không dám che giấu.
Tội đã làm, con nguyện được tiêu diệt cả, tội chưa làm, con nguyện
không dám làm nữa. Tựa như các vị đại bồ tát hiện tại tu hành bồ
đề hạnh thì bao nhiêu nghiệp chướng đều đã sám hối, nghiệp chướng
của con cũng vậy, ngày nay con xin sám hối cả. Con phát lộ hết, không
dám che giấu. Tội đã làm, con nguyện được tiêu diệt cả, tội chưa làm,
con nguyện không dám làm nữa.
Thiện nam tử, vì [như cách nói đã
chỉ] trên đây, nên có lỗi thì trong một sát na đã không được che giấu,
huống chi một ngày một đêm cho đến hơn nữa. Ai phạm tội mà muốn được
trong sạch thì phải biết xấu hổ, tin chắc vị lai phải có ác báo, rất
e sợ mà sám hối. Như bị lửa cháy tóc cháy áo thì phải lập tức dập
tắt, lửa chưa tắt thì không thư tâm được; người phạm tội cũng vậy,
phải sám hối cho hết liền đi. Muốn sinh nhà giàu vui, nhiều tiền lắm của,
hay hơn nữa muốn phát tâm tu tập đại thừa, thì cũng phải sám hối mà
diệt trừ nghiệp chướng. Muốn sinh vào nhà hào quí của các giai cấp bà
la môn hay sát đế lợi, vào nhà luân vương đủ cả bảy người vật quí
báu, thì cũng phải sám hối mà diệt trừ nghiệp chướng. Thiện nam tử,
muốn sinh Tứ thiên vương thiên, Tam thập tam thiên, Dạ ma thiên, Đỗ sử
đa thiên, Lạc biến hóa thiên, Tha hóa tự tại thiên, thì cũng phải sám hối
mà diệt trừ nghiệp chướng. Muốn sinh Phạn chúng thiên, Phạn phụ
thiên, Đại phạn thiên; Thiểu quang thiên, Vô lượng quang thiên, Cực tịnh
quang thiên; Thiểu tịnh thiên, Vô lượng tịnh thiên, Biến tịnh thiên; Vô
vân thiên, Phước sinh thiên, Quảng quả thiên; Vô phiền thiên, Vô nhiệt
thiên, Thiện hiện thiên, Thiện kiến thiên, Sắc cứu cánh thiên, thì cũng
phải sám hối mà trừ diệt nghiệp chướng. Thiện nam tử, muốn cầu Dự
lưu quả, Nhất lai quả, Bất hoàn quả, A la hán quả, thì cũng phải sám hối
mà diệt trừ nghiệp chướng. Muốn cầu ba minh, sáu thông, Thanh văn bồ đề,
Độc giác bồ đề, Tự tại bồ đề, cho đến Cứu cánh địa; muốn cầu
Nhất thế trí trí, Tịnh trí, Bất tư nghị trí, Bất động trí, Chánh biến
trí, thì cũng phải sám hối mà diệt trừ nghiệp chướng. Tại (36) sao
như vậy? Vì, thiện nam tử, tất cả các pháp sinh từ yếu tố tương quan
(37) ; Như lai đã nói sự thể này sinh thì sự thể khác diệt, vì yếu tố
khác biệt với nhau, [nên sám hối sinh thì nghiệp chướng diệt]. Do vậy,
ác pháp đã có thì diệt trừ [vì sự sám hối], nên nghiệp chướng không
còn sót lại; thiện pháp chưa sinh thì phát sinh [vì sự sám hối], nên nghiệp
chướng không thể sinh nữa. Lý do là vì, thiện nam tử, tất cả các pháp
toàn là Không; Như lai đã nói không ngã nhân chúng sinh thọ giả, không
sinh không diệt, không cả hành pháp [sám hối]. Thiện nam tử, tất cả
các pháp toàn dựa vào căn bản [chân như], nên cũng không thể diễn tả
-- vì [căn bản chân như] thì siêu việt tất cả trạng thái [sinh diệt].
Thiện nam hay thiện nữ nào hội nhập diệu lý như vậy mà kính tin, thì
thế là không chúng sinh mà có căn bản -- Chính vì ý nghĩa này mà nói đến
sự sám hối, diệt trừ nghiệp chướng (38) .
Thiện nam tử, người nào thành tựu
bốn pháp này thì trừ diệt nghiệp chướng mà vĩnh viễn thanh tịnh. Một
là không nổi tà tâm mà thành tựu chánh niệm. Hai là không phỉ báng diệu
lý sâu xa. Ba là đối với các vị bồ tát mới tu cũng nổi dậy Nhất thế
trí tâm (39) . Bốn là đối với chúng sinh thì nổi dậy Tứ vô lượng tâm.
Đó là bốn pháp. Đức Thế tôn nói lời chỉnh cú sau đây.
- Chuyên tâm giữ ba nghiệp,
- không phỉ báng diệu pháp,
- nghĩ là Nhất thế trí (40) ,
- từ tâm: sạch nghiệp chướng.
Thiện nam tử, có bốn nghiệp chướng
khó thể diệt trừ. Một là phạm tội rất nặng của bồ tát giới. Hai
là phỉ báng đại thừa. Ba là không tăng trưởng được thiện căn của mình.
Bốn là tham vướng mà không có ý thoát ly ba cõi. Lại có bốn pháp đối
trị được nghiệp chướng. Một là dốc lòng thân gần chư vị Như lai,
phát lộ mọi sự tội lỗi. Hai là khuyến thỉnh chư vị Như lai nói diệu
pháp sâu xa cho chúng sinh. Ba là tùy hỷ bao nhiêu công đức mà chúng sinh
có. Bốn là hồi hướng bao nhiêu thiện căn mình có về nơi vô thượng bồ
đề.
Đế thích lại thưa, bạch đức Thế
tôn, thế giới có bao nhiêu là nam tử nữ nhân, đối với pháp hạnh đại
thừa, có kẻ làm được, có kẻ không làm, vậy làm sao tùy hỷ được công
đức của hết thảy chúng sinh? Đức Thế tôn dạy, thiện nam tử, có người
tuy chưa thể tu tập đại thừa, nhưng ngày đêm sáu thời, vắt vạt áo của
vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chuyên tâm chú ý mà
làm sự tùy hỷ thì được phước vô lượng-- bằng cách tác bạch như vầy,
mười phương thế giới, bao nhiêu chúng sinh hiện tại tu hành bố thí,
trì giới, thiền định, trí tuệ, con nay tùy hỷ tất cả một cách sâu
xa. Làm cái phước tùy hỷ như vậy thì quyết định đạt được kết quả
cao trọng, siêu việt, không gì ở trên, không thể sánh bằng, cùng cực mầu
nhiệm. Cũng một cung cách như vậy mà tùy hỷ tất cả đối với công đức
của hết thảy chúng sinh quá khứ và vị lai. Lại nữa, hiện tại các vị
bồ tát mới tu, phát bồ đề tâm có bao nhiêu công đức; các vị bồ tát
đã trải qua trăm kiếp tu hành bồ tát hạnh có bao nhiêu công đức to lớn;
các vị bồ tát được vô sinh pháp nhẫn, được bất thoái chuyển, được
nhất sinh bổ xứ, tất cả những khối công đức như vậy, con xin dốc lòng
tùy hỷ tán thán tất cả. Quá khứ và vị lai, tất cả bồ tát có bao
nhiêu công đức, con cũng xin tùy hỷ tán thán như vậy. Lại nữa, hiện tại
mười phương thế giới, tất cả chư vị Phật đà, cúng, Chánh biến
tri, chứng được tuệ giác bồ đề vi diệu, vì độ thoát vô biên chúng
sinh mà chuyển đẩy pháp luân vô thượng, thi hành pháp thí vô ngại, đánh
trống pháp, thổi loa pháp, dựng cờ pháp, mưa nước pháp, thương xót khuyến
hóa tất cả chúng sinh, làm cho ai cũng tin chịu, nhờ ơn pháp thí, sung túc
mọi nỗi an lạc vô tận; các vị Bồ tát, Thanh văn, Độc giác tập hợp
công đức, chúng sinh chưa có công đức ấy thì làm cho có cả -- [tất cả
công đức của chư vị Phật đà và chư vị Thánh giả hiện tại như vậy],
con xin tùy hỷ hết thảy. Quá khứ và vị lai, chư vị Phật đà và chư vị
Thánh giả, có bao nhiêu công đức, con cũng hết lòng tùy hỷ tán thán như
vậy. Thiện nam tử, tùy hỷ như vậy thì sẽ được cái khối công đức
vô lượng. Hằng sa đại thiên thế giới, chúng sinh trong đó đều dứt
phiền não, đều thành La hán; nếu có thiện nam hay thiện nữ nào suốt đời
hiến cúng y phục, ẩm thực, ngọa cụ, dược phẩm, toàn loại thượng hạng,
thì công đức ấy vẫn không bằng một phần ngàn của công đức tùy hỷ
như trên, vì sao, vì công đức hiến cúng có số có lượng, không bao gồm
mọi công đức, còn công đức tùy hỷ thì vô số vô lượng, bao gồm tất
cả công đức quá khứ hiện tại vị lai. Ấy vậy, ai muốn tăng thêm
công đức siêu việt thì phải tu cái công đức tùy hỷ như thế. Nữ nhân
nào ước nguyện chuyển nữ thân thành nam tử, thì cũng phải tu tập công
đức tùy hỷ, cái nguyện chuyển thành nam tử tất được tùy tâm.
Bấy giờ Đế thích lại thưa, bạch
đức Thế tôn, công đức tùy hỷ con đã được biết, còn công đức khuyến
thỉnh thì con thỉnh cầu đức Thế tôn dạy cho, để cho vị lai các vị bồ
tát sẽ chuyển đẩy pháp luân, các vị bồ tát hiện tại thì chính xác
tu hành. Đức Thế tôn dạy, Đế thích, thiện nam hay thiện nữ nào nguyện
cầu vô thượng bồ đề thì phải tu hành đạo hạnh của thanh văn độc
giác và đại thừa, ngày đêm sáu thời cử động như trên đã nói,
chuyên tâm chú ý mà tác bạch như vầy, con xin qui y kính lạy mười
phương chư vị Thế tôn; các Ngài đã thành tựu vô thượng bồ đề mà
chưa chuyển đẩy bánh xe chánh pháp vô thượng, muốn xả bỏ sinh thân mà
nhập niết bàn, thì con xin chí thành đảnh lễ, khuyến thỉnh các Ngài lăn
xe pháp lớn, mưa nước pháp lớn, đốt đèn pháp lớn, soi sáng ý hướng
của Pháp mà thực thi pháp thí vô ngại, đừng nhập niết bàn mà ở đời
cho lâu, độ thoát an lạc tất cả chúng sinh, cho đến sung túc mọi nỗi
an lạc vô tận như trên đã nói. Con lại đem công đức khuyến thỉnh này
hồi hướng vô thượng bồ đề; như quá khứ vị lai hiện tại các vị
đại bồ tát đã đem công đức khuyến thỉnh hồi hướng vô thượng bồ
đề, thì con cũng làm như vậy, đem công đức khuyến thỉnh mà hồi hướng
vô thượng bồ đề. Thiện nam tử, giả sử có ai đem bảy chất liệu quí
báu đầy cả đại thiên thế giới mà hiến cúng chư vị Như lai, và người
khác, khuyến thỉnh chư vị Như lai chuyển đẩy bánh xe chánh pháp vĩ đại,
thì công đức của người này phước hơn người trên. Vì sao, vì người
trên là tài thí, người này là pháp thí. Thiện nam tử, hãy gác lại sự
bố thí bảy chất liệu quí báu đầy cả đại thiên thế giới, mà nói nếu
ai đem bảy chất liệu quí báu đầy cả hằng sa đại thiên thế giới, hiến
cúng tất cả chư vị Như lai, thì công đức khuyến thỉnh vẫn hơn công
đức hiến cúng ấy. Lý do là vì pháp thí thì có năm sự lợi ích siêu việt.
Một là pháp thí lợi cả mình người, tài thí không được như vậy. Hai
là pháp thí làm cho chúng sinh siêu thoát ba cõi, cái phước tài thí không
siêu thoát ba cõi. Ba là pháp thí làm trong sáng pháp thân, tài thí chỉ tăng
thêm sắc tướng. Bốn là pháp thí thì vô cùng, tài thí thì hữu tận. Năm
là pháp thí đoạn trừ vô minh, tài thí chỉ tạm dẹp tham ái. Do vậy, thiện
nam tử, công đức khuyến thỉnh thì vô lượng vô biên, khó có gì có thể
đối chiếu. Như chính Như lai xưa kia, khi đi theo đường đi bồ tát, Như
lai đã khuyến thỉnh chư vị Như lai chuyển đẩy bánh xe chánh pháp vĩ đại,
do công đức này mà ngày nay tất cả Phạn vương Đế thích đã khuyến thỉnh
Như lai chuyển đẩy bánh xe chánh pháp vĩ đại. Thiện nam tử, khuyến thỉnh
chuyển đẩy bánh xe chánh pháp là muốn độ thoát an lạc cho chúng sinh. Như
lai xưa kia, khi tu bồ đề hạnh, đã khuyến thỉnh chư vị Như lai ở đời
lâu dài, đừng nhập niết bàn; do công đức này mà nay Như lai đạt được
mười lực, bốn vô úy, bốn vô ngại biện, đại từ đại bi, thực hiện
vô số phẩm chất bất cọng, nên dẫu Như lai nhập niết bàn đi nữa, chánh
pháp của Như lai vẫn tồn tại lâu dài. Còn pháp thân của Như lai thì
trong sáng tuyệt đối, tướng tốt đủ dạng, trí tuệ vô lượng, tự tại
vô lượng, công đức vô lượng, khó thể tư duy, khó thể thảo luận,
các loại chúng sinh đều nhờ lợi ích, trăm ngàn vạn kiếp nói cũng không
cùng. Pháp thân bao quát các pháp, các pháp không thể bao quát pháp thân.
Pháp thân thường trú mà không sa vào quan điểm thường, pháp thân đoạn
diệt mà không sa vào quan điểm đoạn. Pháp thân phá được cho chúng sinh
đủ loại quan điểm đối nghịch, sinh được cho chúng sinh đủ loại quan
điểm chính xác. Pháp thân cởi mở được cho chúng sinh mọi thứ ràng buộc,
mặc dầu không thật có mọi thứ ràng buộc được cởi mở. Pháp thân
gieo trồng cho chúng sinh những gốc rẽ công đức, ai chưa thành thục thì
làm cho thành thục, ai đã thành thục thì làm cho giải thoát. Pháp thân bất
tác bất động, rời xa ồn náo, vắng lặng vô vi, tự tại an lạc, siêu
việt thì gian mà vẫn thị hiện theo thì gian. Pháp thân siêu việt lĩnh vực
Thanh văn Độc giác, làm đối tượng tu hành của các vị đại bồ tát.
Pháp thân thì chư vị Như lai không có khác biệt thể tánh. Tất cả phẩm
chất trên đây toàn là do sức mạnh của công đức khuyến thỉnh mà có.
Pháp thân như vậy Như lai đã chứng đắc. Thế nên ai muốn đạt được
vô thượng bồ đề, thì đối với một câu một kệ trong kinh cũng nói
cho người, và công đức đã vô hạn, huống chi khuyến thỉnh Như lai chuyển
đẩy bánh xe chánh pháp vĩ đại, ở lâu trong đời chứ đừng nhập niết
bàn.
Bấy giờ Đế thích lại thưa, bạch
đức Thế tôn, thiện nam thiện nữ vì cầu vô thượng bồ đề mà tu tập
đạo hạnh của cả tam thừa, thì công đức họ có được làm sao hồi hướng
về trí Nhất thế trí? Phật dạy Đế thích, thiện nam tử, ai cầu vô thượng
bồ đề, tu tập đạo hạnh tam thừa, có bao công đức mà nguyện hồi hướng,
thì ngày đêm sáu thời, thiết tha chí thành, tác bạch như vầy, con từ vô
thỉ đến nay, nơi Tam bảo con tu hành được bao công đức, cho đến cho loài
bàng sinh một chút thực phẩm, hoặc khéo lời hòa giải tranh chấp, hoặc
lãnh thọ ba pháp qui y và các giới pháp, hoặc sám hối, khuyến thỉnh,
tùy hỷ, tất cả công đức trên đây, nay con tác ý, thu góp lại hết,
xoay về hiến cho hết thảy chúng sinh, không có tâm lý tiếc lẫn, và đó
là công đức thống thuộc phần giải thoát. Như chư vị Thế tôn thấy biết
thì không thể cân lường, trong sáng vô ngại, có bao nhiêu công đức đều
đem xoay lại hiến cho tất cả chúng sinh, không trú tướng cũng không xả
tướng (41) , thì con cũng làm như vậy, đem công đức mà hồi hướng hiến
cho chúng sinh, nguyện cho chúng sinh được cái tay như ý, chỉ trong không
gian cũng xuất ra vàng ngọc, thỏa nguyện của họ, giàu vui vô tận, trí
tuệ vô cùng, diệu pháp và biện tài đều không trì trệ, cùng chúng sinh
cùng chứng vô thượng bồ đề, được Nhất thế trí. Rồi do công đức
này mà xuất sinh ra nữa vô lượng công đức, và cũng hồi hướng vô thượng
bồ đề. Lại như quá khứ các vị đại bồ tát tu hành công đức thì
xoay lại cả mà hồi hướng Nhất thế chủng trí, các vị bồ tát hiện tại
vị lai cũng làm như vậy; [con nay cũng làm như vậy], bao nhiêu công đức có
được, con hồi hướng vô thượng bồ đề, và đem công đức này nguyện
cùng chúng sinh cùng thành chánh giác. Y như chư vị Thế tôn khi ngồi dưới
bồ đề thọ trong bồ đề tràng, thì thanh tịnh đến bất khả tư nghị
và không còn chướng ngại, an trú trong tổng trì vô tận pháp tạng, trong
định Thủ lăng nghiêm, phá tan quân đội đông đảo của ma vương Ba tuần,
những gì phải thấy biết và phải thông suốt thì, trong một sát na, chư
vị Thế tôn đã soi sáng tất cả, và phần sau của đêm ấy các Ngài được
pháp cam lộ, chứng nghĩa cam lộ. Thì con và chúng sinh cũng nguyện cùng chứng
diệu giác như vậy. Y như chư vị.
- Vô lượng thọ như lai,
- Thắng quang như lai,
- Diệu quang như lai,
- A súc như lai,
- Công đức thiện quang như lai,
- Sư tử quang minh như lai,
- Nhật quang minh như lai,
- Võng quang minh như lai,
- Bảo tướng như lai,
- Bảo diệm như lai,
- Diệm minh như lai,
- Diệm thịnh quang minh như lai,
- Cát tường thượng vương như lai,
- Vi diệu thanh như lai,
- Diệu trang nghiêm như lai,
- Pháp tràng như lai,
- Thượng thắng thân như lai,
- Khả ái sắc thân như lai,
- Quang minh biến chiếu như lai,
- Phạn tịnh vương như lai,
- Thượng tánh như lai.
Đồng đẳng như vậy, trong quá khứ
vị lai và hiện tại, chư vị Như lai, cúng, Chánh biến tri, vì hóa độ
chúng sinh mà thị hiện ứng hóa thân, chứng vô thượng bồ đề, chuyển
vô thượng pháp luân, nay con cũng nguyện được như vậy, như trước đã
nói rõ.
Thiện nam tử, thiện nam hay thiện
nữ có đức tin trong sáng, đối với phẩm Diệt trừ nghiệp chướng này
của kinh Ánh sáng hoàng kim mà tiếp nhận, ghi nhớ, nghiên cứu, tụng thuộc,
nhớ kyՠkhông quên, đem nói cho người một cách phong phú, thì được khối
công đức vĩ đại, vô lượng vô biên. Ví như bao nhiêu chúng sinh trong đại
thiên thế giới một lúc cùng được thân người, được thân người rồi
thành Độc giác; thiện nam thiện nữ nào suốt đời kính trọng, hiến
cúng bốn sự, lại hiến cúng mỗi vị Độc giác một khối bảy chất liệu
quí báu bằng núi Tu di, các vị Độc giác này nhập diệt thì đối với vị
nào cũng đem ngọc quí xây tháp mà hiến cúng, tháp ấy cao rộng đến mười
hai du thiện na, hiến cúng thường xuyên bằng hoa hương, bảo cái, tràng
phan, thì thiện nam tử, ý ông nghĩ thế nào, người hiến cúng ấy được
công đức nhiều không? Đế thích thưa, rất nhiều, bạch đức Thế tôn.
Thiện nam tử, mặt khác, có ai đối với phẩm Diệt trừ nghiệp chướng
này của kinh Ánh sáng hoàng kim, bản kinh nhiệm mầu, vua của các kinh, mà
biết tiếp nhận, ghi nhớ, nghiên cứu, tụng thuộc, nhớ kyՠkhông quên,
đem nói cho người một cách phong phú, thì công đức người này có được,
công đức hiến cúng của người trước không bằng một phần trăm, một
phần ngàn, mười ngàn, trăm ngàn, cho đến toán số ví dụ cũng không thể
diễn tả. Tại sao, vì người này đứng trong chánh hạnh, khuyến thỉnh chư
vị Như lai chuyển đẩy pháp luân vô thượng và được các Ngài hoan hỷ
tán thán. Thiện nam tử, Như lai đã nói rồi, trong mọi sự bố thí, pháp
thí hơn hết. Do vậy, thiện nam tử, hiến cúng Tam bảo cũng không thể
sánh bằng. Khuyến khích thọ ba qui y, giữ các giới pháp, không có vi phạm,
ba nghiệp không trống rỗng, cũng không thể sánh bằng. Mọi chúng sinh
trong mọi thế giới, tùy sức lực, tùy khả năng, tùy nguyện ước, mà đối
với tam thừa khuyên người phát bồ đề tâm, cũng không thể sánh bằng.
Trong mọi thế giới quá khứ hiện tại và vị lai, bao nhiêu chúng sinh đều
được vô ngại, mau chóng làm cho thành đạt vô lượng công đức, cũng không
thể sánh bằng. Tất cả chúng sinh trong các quốc độ quá khứ hiện tại
vị lai đều làm cho không chướng ngại, thực hiện ba tuệ giác bồ đề,
cũng không thể sánh bằng. Tất cả chúng sinh trong các quốc độ quá khứ
hiện tại vị lai, khuyến khích cho họ mau chóng thoát ly cái khổ bốn nẻo
đường dữ, cũng không thể sánh bằng. Tất cả chúng sinh trong các quốc
độ quá khứ hiện tại vị lai, khuyến khích cho họ diệt trừ ác nghiệp
rất nặng, cũng không thể sánh bằng. Tất cả chúng sinh khổ não, khuyến
khích làm cho họ giải thoát cả, cũng không thể sánh bằng. Tất cả
chúng sinh sợ hãi, khổ não bức bách, làm cho họ thoát cả, cũng không thể
sánh bằng. Trước chư vị Như lai trong quá khứ hiện tại và vị lai, bao
chúng sinh có bao công đức, khuyến khích cho họ tùy hỷ, phát bồ đề tâm,
cũng không thể sánh bằng. Khuyến khích cho họ trừ khử hành vi độc ác,
nhục mạ, mọi công đức đều mong họ thành tựu, và sinh ra ở đâu cũng
khuyến khích cho họ hiến cúng, tôn trọng, tán thán tất cả Tam bảo, khuyến
khích cho họ tịnh tu công đức, thành tựu bồ đề, cũng không thể sánh
bằng. Thế nên phải nhận thức rằng, khuyến thỉnh Tam bảo quá khứ hiện
tại vị lai trong mọi thế giới, khuyến thỉnh hoàn bị sáu ba la mật,
khuyến thỉnh chuyển đẩy pháp luân vô thượng, khuyến thỉnh ở đời lâu
đến vô lượng kiếp, diễn nói vô lượng diệu pháp rất sâu, công đức
rất sâu như vậy thì không thể sánh bằng (42) .
Bấy giờ Đế thích, nữ thần
sông Hằng, vô lượng Phạn vương, thiên chúng của bốn Đại thiên vương,
cùng từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên
phải quì xuống chấm đất, chắp tay đảnh lễ rồi thưa rằng, bạch đức
Thế tôn, chúng con được nghe kinh Ánh sáng hoàng kim này, nay xin tiếp nhận,
ghi nhớ, nghiên cứu, tụng thuộc, một cách thông suốt, đem nói phong phú
cho người, và y theo pháp của kinh ấy mà sống. Tại sao, bạch đức Thế
tôn, vì chúng con muốn cầu vô thượng bồ đề, nên tùy thuận những sắc
thái siêu việt của nghĩa lý kinh này mà thực hành đúng cách. Phạn vương,
Đế thích, những vị đồng đẳng, ngay nơi chỗ đức Thế tôn thuyết
pháp mà cùng nhau đem hoa mạn đà la rải trên Ngài. Đại thiên thế giới
tức thì đại động. Thiên cổ và thiên nhạc không gióng mà tự kêu. Ánh
sáng hoàng kim được phóng ra, trải đầy thế giới, xuất ra âm thanh tuyệt
diệu. Đế thích lại thưa, bạch đức Thế tôn, tất cả cảnh tượng trên
đây toàn là sức mạnh uy thần của kinh Ánh sáng hoàng kim, từ bi phổ độ,
lợi ích đa dạng, đa dạng tăng trưởng công đức bồ tát, diệt trừ
nghiệp chướng. Phật dạy Đế thích, đúng như vậy, đúng như ông nói. Tại
sao, thiện nam tử, Như lai nhớ xưa kia, lâu hơn vô lượng trăm ngàn vô số
kiếp, có đức Như lai danh hiệu là Bảo vương đại quang chiếu, bậc Đến
như chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và khắp, xuất
hiện thế giới, tồn tại sáu trăm tám mươi ức kiếp. Lúc ấy đức Bảo
vương đại quang chiếu như lai vì muốn độ thoát nhân loại, chư thiên,
Đế thích, Phạn vương, sa môn, bà la môn, và hết thảy chúng sinh, làm cho
họ yên vui, nên khi xuất hiện, thuyết pháp đại hội đầu tiên, Ngài
hóa độ trăm ngàn vạn ức người đều thành A la hán, sạch hết mọi sự
sơ hở, ba minh sáu thông đều tự tại vô ngại; thuyết pháp đại hội thứ
hai, Ngài hóa độ chín mươi ngàn vạn ức người đều thành A la hán, sạch
hết mọi sự sơ hở, ba minh sáu thông đều tự tại vô ngại; thuyết
pháp đại hội thứ ba, Ngài hóa độ cho chín mươi tám ngàn vạn ức người,
đều thành A la hán, viên mãn những phẩm chất đã nói như trên. Thiện
nam tử, bấy giờ Như lai làm thân nữ nhân, tên là Phước bảo quang minh.
Trong đại hội thứ ba, được thân gần đức Bảo vương đại quang chiếu
như lai, vì cầu vô thượng bồ đề nên tiếp nhận, ghi nhớ, nghiên cứu,
tụng thuộc kinh Ánh sáng hoàng kim, nói rộng rãi cho người. Nên bấy giờ
đức Bảo vương đại quang chiếu như lai thọ ký cho, rằng thiện nữ Phước
bảo quang minh này vị lai sẽ được trở thành Phật đà, danh hiệu là
Thích ca mâu ni, bậc Đến như chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc
Biết đúng và khắp, bậc Hoàn hảo sự sáng, bậc Khéo qua niết bàn, bậc
Lý giải vũ trụ, bậc Không ai trên nữa, bậc Thuần hóa mọi người, bậc
Thầy cả trời người, bậc Tuệ giác hoàn toàn, bậc Tôn cao nhất đời.
Thế rồi Như lai xả bỏ nữ thân, và từ đó đến nay vượt qua bốn nẻo
đường dữ, sinh trong nhân loại và chư thiên, hưởng thụ sự yên vui thượng
diệu, tám mươi bốn trăm ngàn đời làm chuyển luân vương, và ngày nay
thành bậc Chánh giác, danh tiếng vang khắp thế giới. Vào lúc bấy giờ cả
đại hội đột nhiên ai cũng nhìn thấy đức Bảo vương đại quang chiếu
như lai đang chuyển đẩy pháp luân vô thượng, diễn nói chánh pháp nhiệm
mầu-- [dầu cả đại hội vẫn chưa biết đức Thế tôn mình thấy là
ai]. [Đức Thế tôn nói với Đế thích], thiện nam tử, cách thế giới
Sách ha này, về hướng đông, qua trăm ngàn hằng sa cõi Phật, thì có thế
giới tên là Bảo trang nghiêm, đức Bảo vương đại quang chiếu như lai hiện
còn ở đó, chưa nhập niết bàn, nói pháp nhiệm mầu quảng hóa chúng
sinh. Đấng mà đại hội các người nhìn thấy, chính là đức Như lai ấy.
Thiện nam tử, thiện nam hay thiện nữ nào nghe được danh hiệu của đức
Bảo vương đại quang chiếu như lai thì không còn thoái chuyển vị trí bồ
tát, đạt đến đại niết bàn. Nữ nhân nào nghe danh hiệu của đức Bảo
vương đại quang chiếu như lai, thì khi lâm chung được thấy Ngài đến chỗ
mình. Thấy Ngài rồi tuyệt đối không còn làm nữ thân nữa. Thiện nam tử,
Ánh sáng hoàng kim, bản kinh nhiệm mầu này lắm cách lợi ích, lắm cách tăng
thêm công đức bồ tát, diệt trừ nghiệp chướng. Thiện nam tử, bí sô,
bí sô ni, ô ba sách ca, ô ba tư ca, những vị này ở chỗ nào giảng nói
cho người bản kinh nhiệm mầu Ánh sáng hoàng kim này, thì quốc gia ấy
được bốn sự phước lợi. Một là quốc vương vô bịnh, không mọi tai
ách. Hai là thọ lượng lâu dài, không bị trở ngại. Ba là không có thù
nghịch, quân đội hùng cường. Bốn là yên ổn sung túc, Phật pháp lưu thông.
Tại sao được như vậy, vì vị nhân vương này thường được Đế thích,
Phạn vương, bốn vị Thiên vương, bộ chúng Dược xoa, cùng nhau hộ vệ.
Đức Thế tôn hỏi chúng chư thiên ấy, các thiện nam tử, có đúng như vậy
không? Đế thích, Phạn vương, bốn vị Thiên vương, bộ chúng Dược xoa,
đồng thanh trả lời đức Thế tôn, rằng đúng như vậy, đúng như vậy,
bạch đức Thế tôn. Quốc gia nào mà có tuyên giảng hay đọc tụng bản
kinh vua của các kinh này, thì quốc vương của quốc gia ấy thường được
chúng con hộ vệ, cùng chung đi đứng. Quốc vương ấy nếu có mọi sự
tai nạn và thù nghịch, thì chúng con làm cho tan biến, sự ưu sầu và bịnh
truyền nhiễm cũng được trừ khử cho lành mạnh, thọ lượng tăng thêm,
cảm ứng điềm lành, ước nguyện toại ý, luôn luôn vui vẻ. Chúng con cũng
làm cho quốc gia ấy có quân đội hùng cường. Đức Thế tôn nói, lành
thay các thiện nam tử, đúng như lời các người đã nói, các người hãy
thực hiện như vậy. Bởi vì vị quốc vương ấy khi làm đúng Phật pháp
thì toàn thể dân chúng đều theo quốc vương mà làm đúng Phật pháp. Các
người cũng nhờ [hộ vệ cho họ] mà sắc tướng và sức lực đều hơn lên,
cung điện sáng hơn lên, thân thuộc thịnh hơn lên. Đế thích, Phạn vương,
cùng các vị đồng đẳng, thưa rằng đúng như vậy, bạch đức Thế tôn.
Đức thế tôn nói, chỗ nào có giảng đọc và lưu hành kinh pháp mầu nhiệm
này, thì trong quốc gia ấy các vị đại thần cùng quan thuộc có bốn cái
lợi. Một là thân nhau, hòa nhau, tôn trọng và thương nhớ đến nhau. Hai là
thường được quốc vương mến trọng, lại được sa môn, bà la môn, đại
quốc, tiểu quốc, đều kính mến. Ba là khinh của trọng đạo, không cầu
lợi lộc, tiếng tốt vang khắp, ai cũng kính ngưỡng. Bốn là thọ lượng
lâu dài, yên ổn thích thú. Đó là bốn cái lợi. Quốc gia nào tuyên thuyết
kinh này, thì sa môn, bà la môn ở đó có bốn cái lợi. Một là đồ mặc,
đồ ăn, đồ nằm, thuốc men, không thiếu gì cả. Hai là yên tâm mà tư
duy đọc tụng. Ba là ở núi rừng, sống yên vui. Bốn là tùy ý muốn gì cũng
thỏa nguyện cả. Đó là bốn cái lợi. Quốc gia nào tuyên thuyết kinh này
thì dân chúng ai cũng sung túc, hạnh phúc, không mọi thứ biểnh tật và
truyền nhiễm, thương khách qua lại, được lắm bảo vật và hàng hóa,
tràn đầy thắng phước. Đó là cái lợi đa dạng.
Lúc ấy Phạn vương, Đế thích, bốn
vị Thiên vương, và cả đại hội, cùng thưa, bạch đức Thế tôn, kinh
điển như thế này nghĩa lý rất sâu xa, nếu còn thì ba mươi bảy giác phần
còn cả, chưa mất; nếu mất thì chánh pháp cũng mất. Đức Thế tôn nói,
đúng như vậy, các thiện nam tử. Do vậy, đối với kinh Ánh sáng hoàng
kim này, dầu một câu hay một bài chỉnh cú, dầu một phẩm hay trọn bộ,
các người phải nhất tâm mà chính xác đọc tụng, chính xác nghe nhớ,
chính xác suy nghĩ, chính xác tu tập, vì chúng sinh mà quảng bá rộng rãi,
thì luôn luôn yên vui, phước lợi vô cùng. Bấy giờ đại hội nghe đức
Thế tôn nói rồi, ai cũng được lợi ích siêu việt, hoan hỷ mà thọ
trì.
Phẩm 6:
Minh Chú Tịnh Địa [^]
Bấy giờ bồ tát Sư tử tướng vô
ngại quang diệm, cùng với bộ chúng vô lượng, từ chỗ ngồi đứng dậy,
vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp
tay cung kính, đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn, đem các loại hoa hương và
tràng phan bảo cái mà hiến cúng, rồi thưa rằng, bạch đức Thế tôn, có
mấy nhân tố được tâm bồ đề? tâm bồ đề là gì? Bạch đức Thế tôn,
nơi bồ đề thì tâm hiện tại không thể có, tâm vị lai không thể có,
tâm quá khứ không thể có; rời bồ đề thì tâm bồ đề cũng không thể
có. Bồ đề thì không thể diễn tả, tâm cũng phi sắc tướng, phi sự
nghiệp (42) , phi tạo tác; chúng sinh cũng không thể có, cũng không thể biết.
Bạch đức Thế tôn, cái nghĩa rất sâu xa như vậy của các pháp thì làm
sao biết được? Đức Thế tôn dạy, thiện nam tử, đúng như vậy, đúng
như vậy, bồ đề nhiệm mầu, sự nghiệp và tạo tác toàn là phi cả. Rời
bồ đề thì tâm bồ đề cũng không thể có. Bồ đề không thể diễn tả,
tâm cũng không thể diễn tả, phi sắc tướng, phi sự nghiệp. Chúng sinh cũng
là không thể có. Tại sao, vì bồ đề với tâm đều là chân như, năng chứng
sở chứng đều bình đẳng. Nhưng, thiện nam tử, không phải không các
pháp mà có thấu hiểu. Bồ tát đại sĩ thấu hiểu như vậy thì mới gọi
là thông suốt các pháp, là khéo nói về bồ đề và tâm bồ đề. Tâm bồ
đề là phi quá khứ, phi vị lai, phi hiện tại. Tâm cũng vậy. Chúng sinh cũng
vậy. Và trong đó nhị biên thật không thể có được. Tại sao, vì các
pháp toàn là vô sinh. Nên bồ đề không thể có, cái tên bồ đề cũng không
thể có, chúng sinh và cái tên chúng sinh không thể có, Thanh văn và cái
tên Thanh văn không thể có, Độc giác và cái tên Độc giác không thể
có, Bồ tát và cái tên Bồ tát không thể có, Phật đà và cái tên Phật
đà không thể có, tu hành với không phải tu hành (43) không thể có, cái
tên tu hành với không phải tu hành cũng không thể có. Vì không thể có,
nên trong sự vắng lặng mà được đứng yên, và đó là do công đức mà
được.
Thiện nam tử, như núi ngọc Tu di lợi
ích tất cả, tâm bồ đề lợi ích tất cả chúng sinh, đó là nhân tố của
sự bố thí, ba la mật thứ nhất. Như đại địa giữ mọi sự vật, đó
là nhân tố của sự trì giới, ba la mật thứ hai. Như sư tử oai sức rất
lớn, đi một mình mà không sợ hãi gì, đó là nhân tố của sự nhẫn nhục,
ba la mật thứ ba. Như tốc lực cực mạnh của gió, dũng cảm và mau
chóng, tâm không thoái lui, đó là nhân tố của sự cần sách, ba la mật thứ
tư. Như lầu đài bằng bảy chất liệu quí, có bốn đường cấp, gió
mát thổi đến bốn cửa làm cho thích thú, kho tàng tịnh lự cũng vậy, thỏa
mãn đầy đủ cho mọi sở cầu, đó là nhân tố của sự tịnh lự, ba la
mật thứ năm. Như vầng thái dương sáng chói rực rỡ, tâm này mau chóng
phá tan vô minh ám chướng, đó là nhân tố của sự trí tuệ, ba la mật thứ
sáu. Như thương trưởng làm cho mọi tâm nguyện thỏa mãn, tâm này vượt
được đường hiểm sinh tử, thu hoạch vàng ngọc công đức, đó là nhân
tố của sự phương tiện, ba la mật thứ bảy. Như vầng trăng tròn sáng,
tâm ấy trong sạch đầy đủ đối với mọi đối cảnh, đó là nhân tố
của sự thệ nguyện, ba la mật thứ tám. Như tổng tư lịnh quân đội của
luân vương tự do tùy ý, tâm này khéo trang hoàng thế giới, vô số công
đức quảng lợi chúng sinh, đó là nhân tố của sự năng lực, ba la mật
thứ chín. Như không gian và luân vương, tâm này đối với mọi đối cảnh
không có chướng ngại, đối với mọi vị trí đều được tự tại, đạt
đến địa vị quán đảnh, đó là nhân tố của sự trí giác, ba la mật
thứ mười. Đó là mười nhân tố của tâm bồ đề. Mười nhân tố như
vậy các người phải tu học.
Thiện nam tử, do năm sự mà bồ
tát đại sĩ thành tựu bố thí ba la mật: một là tín căn, hai là từ bi,
ba là không có tâm lý cầu mong dục vọng, bốn là thu nhận hết thảy
chúng sinh, năm là nguyện cầu trí nhất thế trí. Đó là bồ tát đại sĩ
thành tựu bố thí ba la mật. Thiện nam tử, do năm sự mà bồ tát đại
sĩ thành tựu trì giới ba la mật: một là thân miệng ý trong sáng, hai là
không làm yếu tố gây ra phiền não cho chúng sinh, ba là đóng cửa đường
dữ mở cửa đường lành, bốn là vượt qua vị trí thanh văn độc giác,
năm là hoàn thiện đủ hết mọi thứ công đức. Đó là bồ tát đại sĩ
thành tựu trì giới ba la mật. Thiện nam tử, do năm sự mà bồ tát đại
sĩ thành tựu nhẫn nhục ba la mật: một là dẹp được phiền não tham lam
tức giận, hai là không tiếc tính mạng, không cầu an, ba là nghĩ đến
nghiệp cũ, gặp khổ nhẫn được, bốn là vì phát tâm từ bi thành thục
thiện căn cho chúng sinh, năm là để được vô sinh pháp nhẫn cực kỳ
sâu xa. Đó là bồ tát đại sĩ thành tựu nhẫn nhục ba la mật. Thiện nam
tử, do năm sự mà bồ tát đại sĩ thành tựu cần sách ba la mật: một
là không thích sống chung với mọi thứ phiền não, hai là công đức chưa
đủ thì không hưởng yên vui, ba là không chán những sự khổ hạnh khó
làm, bốn là đem đại từ bi lợi ích chúng sinh, phương tiện thành thục
cho tất cả, năm là nguyện cầu vị trí không còn thoái chuyển. Đó là bồ
tát đại sĩ thành tựu cần sách ba la mật. Thiện nam tử, do năm sự mà bồ
tát đại sĩ thành tựu tịnh lự ba la mật: một là nắm giữ thiện pháp
không cho tản mác, hai là thường mong giải thoát, không vướng nhị biên,
ba là nguyện được thần thông để thành tựu thiện căn cho chúng sinh, bốn
là vì làm trong sáng pháp giới, trừ khử dơ bẩn của tâm, năm là vì diệt
trừ gốc rễ phiền não cho chúng sinh. Đó là bồ tát đại sĩ thành tựu
tịnh lự ba la mật. Thiện nam tử, do năm sự mà bồ tát đại sĩ thành tựu
trí tuệ ba la mật: một là phụng sự thân gần mà không chán bỏ đối với
chư vị Như lai Bồ tát và những bậc minh trí, hai là tâm thường thích
nghe mà không biết chán biết đủ đối với diệu pháp sâu xa của chư vị
Như lai, ba là thích khéo phân biệt về thắng trí chân đế và thắng trí
tục đế, bốn là cấp tốc diệt trừ tất cả kiến hoặc tu hoặc, năm là
tinh thông tất cả năm minh xứ, trong đó có mọi kyՠthuật thế gian. Đó
là bồ tát đại sĩ thành tựu trí tuệ ba la mật. Thiện nam tử, do năm sự
mà bồ tát đại sĩ thành tựu phương tiện ba la mật: một là thông suốt
hết thảy các dạng ý thích, phiền não và tâm hạnh của chúng sinh, hai
là hiểu rõ vô lượng pháp môn đối trị, ba là tự do xuất và nhập định
Đại từ bi, bốn là nguyện tu hành thành tựu đầy đủ các pháp ba la mật,
năm là nguyện thấu suốt hết thảy Phật pháp, thu giữ không sót. Đó là
bồ tát đại sĩ thành tựu phương tiện ba la mật. Thiện nam tử, do năm sự
mà bồ tát đại sĩ thành tựu thệ nguyện ba la mật: một là tâm ở yên
được nơi đạo lý các pháp xưa nay bất sinh diệt, phi hữu vô, hai là
tách rời dơ bẩn, thể hiện trong sáng, tâm ở yên được mà quan sát ý
nghĩa cực kỳ nhiệm mầu của các pháp, ba là siêu việt tất cả ý tưởng,
tâm ở yên được nơi chân như của tâm không thi vi, không chuyển biến,
không dị biệt, không dao động, bốn là vì muốn lợi ích chúng sinh nên
tâm ở yên được nơi tục đế, năm là tâm ở yên được nơi sự song hành
của chỉ quán. Đó là bồ tát đại sĩ thành tựu thệ nguyện ba la mật.
Thiện nam tử, do năm sự mà bồ tát đại sĩ thành tựu năng lực ba la mật:
một là đem năng lực của chánh trí mà thấu triệt tâm hạnh thiện ác của
chúng sinh, hai là làm cho chúng sinh hội nhập diệu pháp cực kỳ sâu xa, ba
là biết rõ chính xác chúng sinh tùy nghiệp mà sinh tử luân hồi, bốn là
đem năng lực của chánh trí mà phân biệt biết rành ba loại căn tánh của
chúng sinh, năm là do trí lực mà thuyết pháp hợp lý cho chúng sinh, làm cho
họ gieo trồng thiện căn, thành thục và giải thoát. Đó là bồ tát đại
sĩ thành tựu năng lực ba la mật. Thiện nam tử, do năm sự mà bồ tát đại
sĩ thành tựu trí giác ba la mật: một là phân biệt thiện ác đối với các
pháp, hai là rời xa pháp đen mà thu nhận pháp trắng, ba là không chán sinh
tử không ưa niết bàn, bốn là đầy đủ phước đức và trí tuệ mà đạt
đến vị trí cứu cánh, năm là tiếp nhận sự quán đảnh siêu việt, thực
hiện mọi pháp bất cọng và trí nhất thế trí của chư vị Như lai. Đó
là bồ tát đại sĩ thành tựu trí giác ba la mật.
Thiện nam tử, ba la mật nghĩa là
gì? Tu tập đạt được lợi ích siêu việt là nghĩa ba la mật. Hoàn hảo
tuệ giác vô lượng, vĩ đại và rất sâu, là nghĩa ba la mật. Tâm không
chấp trước pháp tu hành với pháp không phải tu hành, là nghĩa ba la mật.
Tỉnh ngộ chính xác và quan sát chính xác tội lỗi của sinh tử với công
đức của niết bàn, là nghĩa ba la mật. Người ngu người trí thu nhận tất
cả, là nghĩa ba la mật. Hoạt hiện diệu pháp đủ hết các dạng quí báu
nhiệm mầu, là nghĩa ba la mật. Đầy đủ trí tuệ vô ngại giải thoát
là nghĩa ba la mật. Phân biệt biết chính xác pháp giới và chúng sinh giới,
là nghĩa ba la mật. Bố thí cho đến trí giác đều làm cho đạt đến vị
trí bất thoái chuyển, là nghĩa ba la mật. Hoàn thiện được vô sinh pháp
nhẫn là nghĩa ba la mật. Làm cho chúng sinh thành thục thiện căn công đức
là nghĩa ba la mật. Nơi tuệ giác vô thượng bồ đề, thành tựu được tất
cả các pháp bất cọng của chư vị Như lai, là nghĩa ba la mật. Sinh tử với
niết bàn rõ ràng bất nhị là nghĩa ba la mật. Cứu vớt tất cả là nghĩa
ba la mật. Ngoại đạo chất vấn, khéo giải thích cho họ phục tùng, là
nghĩa ba la mật. Chuyển được pháp luân đủ cả mười hai hành tướng là
nghĩa ba la mật. Không vướng mắc, không quan điểm, không hệ lụy, là nghĩa
ba la mật.
Thiện nam tử, bồ tát địa thứ
nhất thì sự trạng này biểu hiện trước hết, và bồ tát thấy rõ, đó
là vô số kho báu (44) trong đại thiên thế giới đều tràn đầy. Thiện
nam tử, bồ tát địa thứ hai thì sự trạng này biểu hiện trước hết,
và bồ tát thấy rõ, đó là đại thiên thế giới đất bằng như bàn tay,
với vô số vẻ đẹp của các loại ngọc quí và những đồ trang sức.
Thiện nam tử, bồ tát địa thứ ba thì sự trạng này biểu hiện trước
hết, và bồ tát thấy rõ, đó là bản thân hùng mạnh, áo giáp và vũ khí
uy nghiêm, làm cho mọi kẻ thù nghịch đều khuất phục. Thiện nam tử, bồ
tát địa thứ tư thì sự trạng này biểu hiện trước hết, và bồ tát
thấy rõ, đó là có gió bốn hướng đưa những loại hoa tuyệt diệu đến
rải đầy mặt đất. Thiện nam tử, bồ tát địa thứ năm thì sự trạng
này biểu hiện trước hết, và bồ tát thấy rõ, đó là có những bảo nữ
tuyệt diệu, trang sức những chuỗi ngọc và những hoa miện. Thiện nam tử,
bồ tát địa thứ sáu thì sự trạng này biểu hiện trước hết, và bồ
tát thấy rõ, đó là có hồ thất bảo lớn, với đường cấp bốn phía,
cát vàng rải khắp, sạch sẽ không dơ, nước tám đặc tính quí tràn đầy
trong hồ, các loại hoa sen mọc lên thích hợp vị trí, và nơi hồ đầy
hoa sen này dạo đi thích thú, mát mẻ bậc nhất. Thiện nam tử, bồ tát địa
thứ bảy thì sự trạng này biểu hiện trước hết, và bồ tát thấy rõ,
đó là trước mặt bồ tát có những kẻ đáng đọa địa ngục, nhưng vì
năng lực của bồ tát mà không đọa nữa, không thương tổn, không sợ
hãi. Thiện nam tử, bồ tát địa thứ tám thì sự trạng này biểu hiện
trước hết, và bồ tát thấy rõ, đó là hai bên thân mình có sư tử chúa
hộ vệ, các loại thú vật đều khiếp sợ. Thiện nam tử, bồ tát địa
thứ chín thì sự trạng này biểu hiện trước hết, và bồ tát thấy rõ,
đó là làm luân vương, với vô số người bao quanh phụng sự, trên đỉnh
có bảo cái trắng, được trang hoàng bởi vô số ngọc quí. Thiện nam tử,
bồ tát địa thứ mười thì sự trạng này biểu hiện trước hết, và bồ
tát thấy rõ, đó là thân thể Như lai màu vàng rực rỡ, đủ cả vô số
ánh sáng trong suốt, với sô số Phạn vương bao quanh cung kính hiến cúng,
chuyển đẩy pháp luân nhiệm mầu và tối thượng.
Thiện nam tử, tại sao địa thứ
nhất tên là hoan hỷ, [cho đến địa thứ mười tên là pháp vân]? Thiện
nam tử, địa thứ nhất là đầu tiên chứng được tâm trí siêu việt thế
gian, xưa chưa được mà nay mới được, đại dụng tùy nguyện mà thành tựu
cả, sinh ra nỗi vui mừng cùng cực, nên địa thứ nhất tên là hoan hỷ. Lỗi
lầm phạm giới nhỏ nhiệm nhất đều sạch sẽ cả, nên địa thứ hai tên
là vô cấu. Vô số ánh sáng của trí tuệ và chánh định đều không thể
bị khuynh động, không thể làm cho khuất phục, lấy tổng trì Nghe nhớ
làm căn bản, nên địa thứ ba tên là minh. Đem lửa trí tuệ đốt các phiền
não, tăng thêm ánh sáng, tu hành giác phần, nên địa thứ tư tên là diệm.
Tu hành phương tiện nên thắng trí tự tại, đó là điều rất khó có, kiến
hoặc tu hoặc khó dẹp mà dẹp được, nên địa thứ năm tên là nan thắng.
Rất mực tỏ rõ về sự liên tục của các hành (45) , vô tướng tư duy hiện
hành tất cả, nên địa thứ sáu tên là hiện tiền. Vô tướng tư duy đã
vô lậu và liên tục, giải thoát và tam muội đều tu hành đã xa, sự
trong sáng không có chướng ngại, nên địa thứ bảy tên là viễn hành.
Vô tướng tư duy đã tu tự tại, mọi phiền não không thể khuynh động, nên
địa thứ tám tên là bất động. Thuyết pháp đủ mọi dạng thức sai biệt
mà được tự tại cả, không có hệ lụy, tăng trưởng trí tuệ đến tự
tại vô ngại, nên địa thứ chín tên là thiện tuệ. Pháp thân như không
gian, trí tuệ như mây lớn, bủa che khắp cả, nên địa thứ mười tên
là pháp vân.
Thiện nam tử, vô minh chấp trước
ngã pháp, vô minh sợ hãi đường dữ, hai thứ vô minh này chướng ngại
cho địa thứ nhất. Vô minh phạm giới nhỏ nhiệm, vô minh phát khởi hành
nghiệp, hai thứ vô minh này chướng ngại cho địa thứ hai. Vô minh say đắm
được cái chưa được, vô minh chướng ngại cho tổng trì thù thắng, hai
thứ vô minh này chướng ngại cho địa thứ ba. Vô minh say đắm sự vui thích
thiền định, vô minh say đắm diệu pháp trong sáng, hai thứ vô minh này chướng
ngại cho địa thứ tư. Vô minh muốn bỏ sinh tử, vô minh mong đến niết bàn,
hai thứ vô minh này chướng ngại cho địa thứ năm. Vô minh quán sát các
hành lưu chuyển, vô minh hiện hành thô tướng, hai thứ vô minh này chướng
ngại cho địa thứ sáu. Vô minh tế tướng hiện hành, vô minh tác ý ưa thích
vô tướng, hai thứ vô minh này chướng ngại cho địa thứ bảy. Vô minh
vô tướng quán có dụng công, vô minh chấp tướng tự tại, hai thứ vô
minh này chướng ngại cho địa thứ tám. Vô minh chưa khéo léo về ý nghĩa
và ngữ văn, vô minh chưa tự do về hùng biện, hai thứ vô minh này chướng
ngại cho địa thứ chín. Vô minh chưa tự tại về đại thần thông, vô
minh chưa thấu triệt về tối vi mật, hai thứ vô minh này chướng ngại
cho địa thứ mười. Vô minh về sở tri chướng nhỏ nhất, vô minh về phiền
não chướng nhỏ nhất, hai thứ vô minh này chướng ngại cho Phật địa.
Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ
trong địa thứ nhất tu hành thí ba la mật, trong địa thứ hai tu hành giới
ba la mật, trong địa thứ ba tu hành nhẫn ba la mật, trong địa thứ tư tu
hành cần ba la mật, trong địa thứ năm tu hành định ba la mật, trong địa
thứ sáu tu hành tuệ ba la mật, trong địa thứ bảy tu hành phương tiện
ba la mật, trong địa thứ tám tu hành nguyện ba la mật, trong địa thứ chín
tu hành lực ba la mật, trong địa thứ mười tu hành trí ba la mật.
Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ địa
thứ nhất phát tâm thì tu định Sinh ra vàng ngọc tuyệt diệu, địa thứ
hai phát tâm thì tu định Sinh ra cái vui khả ái, địa thứ ba phát tâm thì
tu định Sinh ra sự khó lay động, địa thứ tư phát tâm thì tu định Sinh
ra sự không thoái chuyển, địa thứ năm phát tâm thì tu định Sinh ra bông
hoa ngọc ngà, địa thứ sáu phát tâm thì tu định Sinh ra ánh sáng thái dương,
địa thứ bảy phát tâm thì tu định Sinh ra thỏa nguyện như ý, địa thứ
tám phát tâm thì tu định Sinh ra hiện tiền chứng ngộ, địa thứ chín
phát tâm thì tu định Sinh ra kho tàng trí tuệ, địa thứ mười phát tâm
thì tu định Sinh ra tinh tiến dũng mãnh. Thiện nam tử, như thế ấy là mười
sự phát tâm tu định của bồ tát đại sĩ.
Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ
nơi địa thứ nhất được minh chú tên là Dựa sức công đức. Minh chú
này do hơn một hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại
sĩ địa thứ nhất. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ
hãi, như cọp sói, sư tử, các ác thú khác, quỉ ác, người ác, thần ác,
oán thù, giặc giã, tai họa, mọi sự khổ não, thoát cả năm chướng nạn
như vậy (46) , không quên nhớ đến địa thứ nhất. Bấy giờ đức Thế
tôn tuyên thuyết minh chú ấy (47) : Tát da tha, pua ni, măn tra tê, tu hu, tu
hu, tu hu, da va, sua da, a va ba sa ti, da va, chăn dra, chu ku ti, ta va ta, rát sa, măng,
chăn đa, pa ri ha răm, ku ru, soa ha. (Tadyatha purni mantrate tuhu tuhu tuhu yava
surya avabhasati yava candra cukuti tavata raksa mam canda pariharam kuru svaha).
Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ
nơi địa thứ hai được minh chú tên là Khéo sống yên vui. Minh chú này do
hơn hai hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại sĩ địa
thứ hai. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ hãi như
ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa, mọi sự
khổ não, thoát cả năm chướng nạn như vậy, không quên nhớ đến địa
thứ hai. Bấy giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy: Tát da tha, un
ta li, si ri, si ri, un ta li, tăn năng, jăn tu, jăn tu, un ta li, hu ru, hu ru, soa
ha. (Tadyatha untali siri siri untali tannam jantu jantu untali huru huru svaha).
Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ
nơi địa thứ ba được minh chú tên là Sức mạnh khó thắng. Minh chú này
do hơn ba hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại sĩ địa
thứ ba. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ hãi như ác
thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa, mọi sự
khổ não, thoát cả năm chướng nạn như vậy, không quên nhớ đến địa
thứ ba. Bấy giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy: Tát da tha, tăn
ta ki, pau ta ki, ka ra ti, kau ra ti, kê du ri, tăn ti li, soa ha. (Tadyatha tantaki
pautaki karati kaurati keyuri tantili svaha).
Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ
nơi địa thứ tư được minh chú tên là Sự ích lợi lớn. Minh chú này do
hơn bốn hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại sĩ địa
thứ tư. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ hãi như
ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa, mọi sự
khổ não, thoát cả năm chướng nạn như vậy, không quên nhớ đến địa
thứ tư. Bấy giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy: Tát da tha, si
ri, si ri, đa mi ni, đa mi ni, đa ri i, Si đa ri ni ri, si ri ni, vi cha ra, pa chi,
pa chi na, păn đa mi tê, soa ha. (Tadyatha siri siri damini damini darii Sdariniri
sirini vicara paci pacina pandamite svaha).
Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ
nơi địa thứ năm được minh chú tên là Công đức trang nghiêm. Minh chú
này do hơn năm hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại
sĩ địa thứ năm. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ
hãi như ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa,
mọi sự khổ não, thoát cả năm thứ chướng nạn như vậy, không quên nhớ
đến địa thứ năm. Bấy giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy:
Tát da tha, ha ri, ha ri ni, cha ri, cha ri ni, ka ra ma ni, săm ra ma ni, sáp, su ni,
chăm ba ni, si tau va ni, mo ha ni, si ja bu hê, soa ha. (Tadyatha hari harini cari
carini karamani samkramani samb suni cambani stauvani mohani sijabuhe svaha).
Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ
nơi địa thứ sáu được minh chú tên là Trí giác viên mãn. Minh chú này
do hơn sáu hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại sĩ
địa thứ sáu. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ hãi
như ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa, mọi
sự khổ não, thoát cả năm chướng nạn như vậy, không quên nhớ đến địa
thứ sáu. Bây giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy: Tát da tha, vi
tô ri, vi tô rim, a ri ni, ma ri ni, ki ri, ki ri, vi tô hăn ti, ru ru, ru ru, chu ru,
chu ru, đua va, đu ru va, sá sa, sắc cha, va ri sá, soát ti, sát va sát toa năm,
sít đi dăn tu, ma da, măn tra, pa đa ni, soa ha. (Tadyatha vitori vitorim arini
marini kiri kiri vitohanti ruru ruru curu curu durva duruva sasa saccha varisa svasti
sasvasattvanam siddhyantu maya mantra padani svaha).
Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ
nơi địa thứ bảy được minh chú tên là Thắng hạnh của Pháp. Minh chú
này do hơn bảy hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại
sĩ địa thứ bảy. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ
hãi như ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa,
mọi sự khổ não, thoát cả năm chướng nạn như vậy, không quên nhớ đến
địa thứ bảy. Bấy giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy: Tát da
tha, ja ha, ja ha ru, ja ha, ja ha ru, vi đu kê, vi đu kê, ăm ri ta, kha ni, vri sa
ni, vai ru, cha ni, vai ru chi kê, va ru vát ti, vi đi bi kê, băn đin, va ri ni, ăm
ri ti kê, ba hu ja ja, ba hu ja du, soa ha (Tadyatha jaha jaharu jaha jaharu viduke
viduke amrta khani vrsani vairu cani vairucike varuvatti vidhibike bhandin varini amrtike
babujaja babujayu svaha).
Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ
nơi địa thứ tám được minh chú tên là Kho tàng vô tận. Minh chú này do
hơn tám hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại sĩ địa
thứ tám. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ hãi như
ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa, mọi sự
khổ não, thoát cả năm chướng nạn như vậy, không quên nhớ đến địa
thứ tám. Bấy giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy: Tát da tha, si
ri, si ri, si ri ni, mi tê, mi tê, ka ri, ka ri, hê ru, hê ru, hê ru, chu ru, chu ru,
văn da ni, soa ha. (Tadyatha siri siri sirini mite mite kari kari heru heru heru curu
curu vandani svaha).
Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ
nơi địa thứ chín được minh chú tên là Pháp môn vô lượng. Minh chú
này do hơn chín hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại
sĩ địa thứ chín. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ
hãi như ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa,
mọi sự khổ não, thoát cả năm chướng nạn như vậy, không quên nhớ đến
địa thứ chín. Bấy giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy: Tát da
tha, ha ri, chăn đa ri kê, ku la ma ba tê, tô ri si, ba ta, ba ta si, si ri, si ri,
ka si ri, ka pi si ri, soát ti, sa va, soát ta năng, soa ha. (Tadyatha hari candarike
kulamabhate torisi bata batasi siri siri kasiri kapisiri svasti sarva sattvanam svaha).
Thiện nam tử, bồ tát đại sĩ
nơi địa thứ mười được minh chú tên là Phá núi kim cương. Minh chú với
những câu và chữ cát tường đưa đến vị trí Quán đảnh như thế này
là do hơn mười hằng sa Như lai tuyên thuyết để hộ trì cho bồ tát đại
sĩ địa thứ mười. Ai tụng trì minh chú này thì thoát được mọi sự sợ
hãi như ác thú, quỉ ác, người ác, thần ác, oán thù, giặc giã, tai họa,
mọi sự khổ não, thoát cả năm thứ chướng nạn như vậy, không quên nhớ
đến địa thứ mười. Bây giờ đức Thế tôn tuyên thuyết minh chú ấy:
Tát da tha, si đi, su si đê, mô cha ni, mốc sa ni, vi múc ti, a ma lê, vi ma lê,
nia ma lê, mô ga lê, hi răn da ga bê, rát na ga bê, sa măn ta ba rê, sa văn tê,
si tha ni, ma na si, ăm bu ti, ăn ti bu ti, a cha rê, vi ra sê, ăn ti, ăm ri ta, a
ra sê, vi ra sê, brắt mê, brắt ma nê, pua ni, pu ra na, nao tra tê, soa ha.
(Tadyatha sidhi susidhe mocani moksani vimukti amale vimale nirmale mogalehiranyagarbhe
ratnagarbhe samantabhadre sarvante sthani manasi ambuti antibuti acare virase annti amrta
arase virase brahme brahmane purni purana nautrate svaha).
Vào lúc bấy giờ bồ tát Sư tử
tướng vô ngại quang diệm nghe đức Thế tôn tuyên thuyết những minh chú
bất khả tư nghị như vậy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo
của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính,
đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn, dùng những lời chỉnh cú mà tán dương
Ngài.
- (1) Con kính lạy đấng
- Không thể ví dụ,
- và kính lạy pháp
- Ly tướng sâu xa.
- Chúng sinh bỏ mất
- cái biết chính xác,
- chỉ đức Thế tôn
- mới cứu vớt được.
- (2) Mắt tuệ sáng tỏ
- của đức Thế tôn
- thì không thấy có
- một pháp tướng nào,
- nhưng Ngài lại dùng
- mắt pháp chính xác
- chiếu soi khắp cả
- bất khả tư nghị.
- (3) Không hề thấy có
- một pháp sinh ra
- không hề thấy có
- một pháp diệt mất,
- do sự nhìn thấy
- bình đẳng như vậy
- mà được đạt đến
- vị trí vô thượng.
- (4) Không hề phá hoại
- đối với sinh tử,
- không hề trú ở
- đối với niết bàn;
- vì không vướng mắc
- nhị biên như vậy,
- nên đức Thế tôn
- thật chứng niết bàn.
- (5) Đối với thanh tịnh
- đối với tạp nhiễm
- thì đức Thế tôn
- biết là nhất vị,
- vì không phân biệt
- các pháp như vậy
- nên đức Thế tôn
- được tối thanh tịnh.
- (6) Thân không biên cương
- của đức Thế tôn
- không hề nói đến
- một chữ nào cả,
- thế mới làm cho
- các chúng đệ tử
- được sung mãn cả
- nước mưa chánh pháp.
- (7) Đức Thế tôn nhìn
- thì tướng chúng sinh
- tất cả chủng loại
- đều là không cả,
- thế nhưng đối với
- những người khổ não
- Ngài thường nổi dậy
- mọi sự cứu hộ.
- (8) Khổ não yên vui
- thường còn vô thường
- hữu ngã vô ngã
- những quan điểm ấy
- không là đồng nhất
- cũng không dị biệt
- không là phát sinh
- cũng không diệt mất.
- (9) Những nghĩa như vậy
- thật nhiều rất nhiều,
- chỉ do nói phô
- mà có sai biệt ;
- ví như tiếng vang
- dội từ hang trống,
- chỉ đức Thế tôn
- thấu rõ như vậy.
- (10) Thể tánh các pháp
- vốn không phân biệt,
- vì thế không có
- các thừa khác nhau;
- nhưng vì cứu độ
- cho bao chúng sinh,
- Thế tôn phân ra
- nói có tam thừa.
Đại tự tại phạn thiên vương, lúc
ấy, cũng từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo của vai bên phải, gối
bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ ngang chân đức
Thế tôn mà thưa, bạch đức Thế tôn, kinh Ánh sáng hoàng kim này hiếm
có, khó lường, phần đầu phần giữa phần cuối đều khéo léo, văn và
nghĩa đều trọn vẹn, hoàn thành được toàn bộ Phật pháp. Ai thọ trì
thì thế là người ấy báo đáp ơn đức của chư vị Thế tôn. Đức Thế
tôn dạy, thiện nam tử, đúng như vậy, đúng như ông nói. Thiện nam tử,
những ai được nghe kinh này thì toàn là những người không còn thoái chuyển
vô thượng bồ đề, vì sao, thiện nam tử, vì những người ấy năng lực
thành thục được thiện căn thù thắng của bồ tát ở địa vị không
còn thoái chuyển. Kinh này là ấn tín bậc nhất của Phật pháp, là vua của
các kinh, nên phải lắng nghe, tiếp nhận, ghi nhớ, cứu xét, tụng thuộc.
Vì sao, thiện nam tử, vì nếu ai chưa gieo trồng thiện căn, chưa thành thục
thiện căn, chưa thân cận chư vị Như lai, thì không thể lắng nghe diệu
pháp như vầy. Nên thiện nam hay thiện nữ nào lắng nghe được thì diệt
trừ nghiệp chướng, thực hiện thanh tịnh; thường được nhìn thấy chư
vị Như lai, không rời xa các Ngài và những bậc thiện tri thức, những bậc
thắng hạnh; thường nghe diệu pháp, đứng vững nơi vị trí không còn
thoái chuyển, đạt được các pháp tổng trì thù thắng bất tận bất giảm
-- là tổng trì Hải ấn xuất sinh công đức vi diệu, tổng trì Thông suốt
tâm ý và ngôn ngữ của chúng sinh, tổng trì Thái dương tròn đầy phát xuất
ánh sáng không gợn bẩn, tổng trì Vầng trăng tròn đầy phát xuất ánh
sáng, tổng trì Dẹp được mê hoặc mà diễn ra dòng nước công đức, tổng
trì Phá nát núi kim cương, tổng trì Nói về kho tàng duyên khởi là nghĩa
lý không thể diễn nói, tổng trì Thông suốt nguyên tắc và âm thanh của
ngôn ngữ chân thật, tổng trì Không gian trong sáng làm ấn tín của tâm, tổng
trì Phật thân vô biên biến thể khắp cả. Thiện nam tử, thành tựu được
các pháp tổng trì bất tận bất giảm như vậy, thì vị bồ tát đại sĩ
này năng lực hóa hiện được Phật thân khắp trong mười phương quốc độ,
diễn nói chánh pháp vô thượng, đủ mọi dạng thức; đối với chân như
của các pháp thì không chuyển không trụ, không đến không đi; thành thục
thiện căn cho chúng sinh mà không thấy một chúng sinh nào là người được
thành thục; diễn nói các hành mà chính trong ngôn ngữ vẫn không chuyển
không trụ, không đi không đến, chính nơi sinh diệt mà chứng bất sinh diệt.
Tại sao nói các hành không có đi đến? Vì thể tánh các pháp không có dị
biệt. Khi đức Thế tôn tuyên thuyết pháp thoại này thì ba mươi ngàn bồ
tát đại sĩ được vô sinh pháp nhẫn, vô số bồ tát không còn thoái chuyển
tâm bồ đề, vô số bí sô và bí sô ni được sự trong sáng của mắt
pháp, vô số chúng sinh phát tâm bồ đề, và đức Thế tôn nói lời chỉnh
cú sau đây.
- Thắng pháp ngược được
- dòng nước sinh tử,
- cùng cực nhiệm mầu
- khó mà thấy được.
- Chúng sinh đui mù
- tham ái che khuất,
- do không thấy được
- nên chịu khổ não.
Bấy giờ cả đại hội đều đứng
dậy, đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn, cùng thưa rằng, bạch đức Thế
tôn, chỗ nào giảng nói đọc tụng kinh Ánh sáng hoàng kim này thì chúng
con đến đó để làm thính giả. Chúng con làm cho vị pháp sư tuyên thuyết
kinh này được lợi ích, được yên vui, được không chướng ngại, thân
thể và tâm ý đều thư thái. Chúng con thường tận tâm hiến cúng vị
pháp sư ấy. Chúng con cũng làm cho những người nghe kinh này được yên
ổn, vui thích; làm cho quốc gia của họ cư trú không oán thù, không giặc
giã, không kinh hoàng, không ách nạn, không đói khát, không tất cả cái khổ
như vậy, và dân chúng thì đông đảo, thịnh vượng. Chỗ tuyên thuyết
kinh này chúng con làm cho thành nơi đạo tràng, chư thiên, nhân loại, loài
khác, không ai nên giẫm đạp trên đó với sự dơ bẩn, vì sao, vì chỗ
tuyên thuyết kinh này tức là bảo tháp tôn thờ đức Thế tôn, hãy hiến
cúng bằng hoa hương, bằng lọng dù bằng lụa, và chúng con thường bảo vệ
chỗ ấy, không cho suy tổn. Đức Thế tôn dạy đại hội, chư thiện nam
thiện nữ, các người nên siêng năng tu tập bản kinh nhiệm mầu này, thì
thế là chánh pháp tồn tại lâu dài trong thế giới này.
Phẩm 7:
Hoa Sen Ca Tụng (48) [^]
Bấy giờ đức Thế tôn bảo thọ
thần của bồ đề đại thọ, rằng thiện nữ thiên, thiện nữ nên biết
cái lý do bồ tát Diệu tràng mộng thấy trống hoàng kim xuất âm thanh lớn,
ca tụng công đức Như lai và diệu pháp sám hối. Như lai sẽ nói cho các
người về lý do ấy. Các người hãy nghe kyլ hãy khéo nghĩ khéo nhớ. Quá
khứ có một đế vương tên Kim long chủ, thường đem hoa sen làm ví dụ
mà ca tụng chư vị Như lai. Đức Thế tôn liền thuật lại cho đại hội
nghe những lời ca tụng này.
- (1) Chư Phật quá khứ
- vị lai hiện tại,
- ở trong thế giới
- khắp cả mười phương,
- con nay chí thành
- cúi đầu kính lạy,
- nhất tâm ca tụng
- các đấng Tối thắng.
- (2) Đấng Đại mâu ni
- tối thượng thanh tịnh,
- ánh sáng thân thể
- rực như hoàng kim.
- Trong các thứ tiếng
- tiếng Ngài tối thượng,
- như tiếng Đại phạn
- như sấm rền vang.
- (3) Tóc Ngài thì như
- ong chúa đen huyền,
- đường nét uốn xoay
- ngời lên xanh biếc.
- Răng đều và sít
- trắng như tuyết, ngọc,
- rất bằng và thẳng
- và ngời sáng lên.
- (4) Mắt trong không gợn,
- cực đẹp, uy nghiêm,
- to lớn tựa như
- cánh hoa sen xanh.
- Tướng lưỡi rộng dài,
- cùng cực nhu nhuyến,
- đỏ như sen hồng
- từ nước trồi lên.
- (5) Giữa mày thường có
- ánh sáng bạch hào
- uốn xoay chiều phải
- với màu pha lê.
- Lông mày dài, mịn,
- sáng như trăng mới,
- ngời lên lóng lánh
- như thân ong chúa.
- (6) Mũi cao, dài, thẳng,
- tựa như đĩnh vàng,
- sạch sẽ, tươi sáng,
- không thiếu vẻ đẹp;
- mọi thứ hơi thơm
- trong thế giới này,
- mũi này ngửi thấy
- là biết ở đâu.
- (7) Thân màu hoàng kim
- siêu tuyệt bậc nhất,
- mỗi một đầu lông
- đẹp đẽ đồng đẳng,
- xanh biếc, mềm mại,
- uốn theo chiều phải,
- tinh tế ánh ngời
- khó có gì bằng.
- (8) Thân ấy mới sinh
- đã có ánh sáng,
- trải ra khắp cả
- thế giới mười phương,
- trừ được khổ não
- ba cõi chúng sinh,
- làm cho tất cả
- đều được yên vui.
- (9) Bất kể địa ngục,
- bàng sinh, ngạ quỉ,
- tô la, chư thiên,
- cùng với nhân loại,
- làm cho loại trừ
- các dạng khổ não,
- thường xuyên hưởng thụ
- cái vui tự nhiên.
- (10) Ánh sáng thân ấy
- thường chiếu khắp cả,
- tựa như vàng ròng
- tinh tế bậc nhất.
- Mặt thì sáng ngời
- tựa như trăng tròn.
- Môi thì đỏ tươi
- như trái tần bà.
- (11) Bước đi uy nghiêm
- như sư tử đi.
- Mình sáng in như
- mặt trời mới mọc
- Cánh tay thì dài,
- đứng quá đầu gối,
- thường buông thẳng xuống
- như nhánh sa la.
- (12) Vầng ánh sáng tròn
- một tầm, tỏa chiếu,
- rực rỡ tựa như
- trăm ngàn mặt trời,
- trải đến khắp cả
- quốc độ của Phật,
- tùy kẻ hữu duyên
- mà được thức tỉnh.
- (13) Ánh sáng trong suốt
- không chi sánh bằng,
- trải ra khắp cả
- trăm ngàn thế giới,
- và khắp mười phương,
- không gì trở ngại,
- mọi sự mờ tối
- đều tan biến cả.
- (14) Từ quang Thiện thệ
- ban cho yên vui,
- màu sắc trong suốt
- như núi vàng ròng,
- ánh sáng trải khắp
- trăm ngàn quốc độ,
- những ai gặp được
- cùng siêu thoát cả.
- (15) Vô biên thắng phước
- hoàn thành thân Phật,
- tất cả công đức
- trang sức Phật thân,
- vượt quá ba cõi,
- độc xưng Thế tôn,
- hơn hết thế giới
- thành bậc Vô đẳng.
- (16) Chư vị Thế tôn
- thuộc thì quá khứ
- nhiều như vi trần
- của cả đại địa,
- chư vị Thế tôn
- vị lại hiện tại
- cũng bằng vi trần
- của cả đại địa.
- (17) Đem thân miệng ý
- cùng cực chân thành
- con xin kính lạy
- tam thế Thế tôn,
- ca tụng biển cả
- công đức vô biên,
- hiến cúng đủ loại
- những hương và hoa.
- (18) Giả sử miệng con
- có cả ngàn lưỡi,
- ca tụng Thế tôn
- trong vô lượng kiếp,
- thì công đức Ngài
- là bất tư nghị,
- tối thắng, cực sâu,
- vẫn khó diễn tả.
- (19) Giả sử lưỡi con
- có cả trăm ngàn
- khen một công đức
- của một đức Phật
- cũng vẫn khó được
- một phần chút ít,
- huống chi vô biên
- công đức chư Phật.
- (20) Giả sử đại địa
- cho đến chư thiên
- đến trời Hữu đảnh
- toàn là biển nước,
- đầu lông nhỏ giọt
- đếm biết hết cả,
- một đức một Phật
- cũng khó lường biết.
- (21) Đem thân miệng ý
- cực kỳ chân thành
- mà con lễ bái
- cùng với tán dương
- công đức vô biên
- của chư Phật đà,
- sự lễ tán ấy
- được bao thắng phước
- quả báo siêu việt,
- con xin hồi hướng
- cho cả chúng sinh
- chóng thành Phật đà.
- *
- (22) Kim long chủ vương
- tán thán Phật rồi,
- tâm càng thâm thiết
- phát ra đại nguyện:
- nguyện con sau này
- trong thì vị lai
- sinh ra đến mấy
- đời kiếp đi nữa,
- (23) thường xuyên mộng thấy
- trống hoàng kim lớn,
- được nghe âm thanh
- diệu pháp sám hối.
- Công đức tán Phật
- thì như liên hoa,
- nguyện chứng Vô sinh
- thành bậc Chánh giác.
- (24) Thế tôn xuất thế
- lâu thay một lần,
- trăm ngàn đời kiếp
- cũng khó gặp được.
- Nên đêm thường mộng
- nghe tiếng trống vàng,
- ngày thì theo đó
- tu hành sám hối.
- (25) Con nguyện viên tu
- sáu ba la mật,
- cứu vớt chúng sinh
- ra khỏi biển khổ,
- sau con mới thành
- đấng Vô thượng giác,
- với một tịnh độ
- bất khả tư nghị.
- (26) Con đem trống vàng
- hiến lên chư Phật,
- tán thán chư Phật
- công đức chân thật,
- nguyện nhờ việc này
- sẽ gặp Thích tôn
- thọ ký cho con
- nối ngôi Pháp vương.
- (27) Kim long, Kim quang,
- là con của con,
- quá khứ đã làm
- bậc thiện tri thức;
- nguyện rằng đời đời
- vẫn sinh nhà con,
- cùng con tiếp nhận
- thọ ký bồ đề.
- (28) Với những chúng sinh
- không ai cứu giúp,
- trường kỳ luân hồi
- lãnh chịu khổ não,
- nguyện con đời sau
- làm nơi nương tựa
- cho họ thường được
- yên vui thích thú.
- (29) Cái khổ ba cõi
- con nguyện diệt trừ,
- làm cho tùy tâm
- ở nơi an lạc.
- Nguyện những đời sau
- tu hành bồ đề
- cũng như quá khứ
- các vị thành Phật.
- (30) Nguyện cầu cái phước
- trống vàng sám hối
- làm khô biển khổ
- loại trừ nghiệp chướng;
- nghiệp chướng hoặc chướng
- tan biến cả rồi,
- nguyện con chóng đạt
- quả báo trong sáng.
- (31) Biển cả phước trí
- giới hạn vô biên,
- trong suốt rất mực
- và sâu không cùng.
- Nguyện con thực hiện
- biển phước trí ấy,
- mau chóng thành đạt
- vô thượng bồ đề.
- (32) Sức mạnh sám hối
- của trống vàng này
- sẽ thể hiện được
- ánh sáng phước đức.
- Thể hiện ánh sáng
- nhiệm mầu như vậy,
- rồi đem trí quang
- chiếu soi khắp cả.
- (33) Nguyện cầu cho con
- thân thể, ánh sáng,
- phước đức, trí tuệ.
- đều như chư Phật,
- trong mọi thế giới
- độc xưng Thế tôn,
- uy lực tự tại
- không ai sánh bằng.
- (34) Nguyện cầu vượt qua
- biển khổ hữu lậu,
- nguyện thường du ngoạn
- biển vui vô vi,
- biển phước hiện tại
- nguyện thường dẫy đầy,
- biển trí tương lai
- nguyện được viên mãn.
- (35) Nguyện cõi của con
- siêu việt ba cõi,
- phẩm chất thù thắng
- không có số lượng,
- những ai liên hệ
- cùng sinh cõi ấy,
- cùng mau thành đạt
- trí giác thanh tịnh.
- *
- (36) Diệu tràng nên biết
- Kim long chủ vương
- đã phát nguyện ấy
- là bản thân ông.
- (37) Và hai người con
- Kim long, Kim quang
- thì nay chính là
- Ngân tướng, Ngân quang,
- sẽ cùng tiếp nhận
- Như lai thọ ký.
Toàn thể đại hội nghe những lời
này của đức Thế tôn, thì ai cũng phát tâm bồ đề, nguyện rằng hiện
tại và vị lai thường y theo những lời ấy mà tu hành diệu pháp sám hối.
Pha孠8: Minh Chú Kim Thắng
[^]
Bấy giờ đức Thế tôn nói với bồ
tát đại sĩ Thiện trú ở trong đại hội, rằng thiện nam tử, có một
minh chú danh hiệu Kim thắng. Thiện nam hay thiện nữ nào muốn cầu đích
thân nhìn thấy chư vị Như lai trong quá khứ hiện tại vị lai để tôn
kính hiến cúng, thì phải thọ trì minh chú này. Minh chú này là mẹ của
chư vị Như lai trong ba thì gian. Do vậy, nên nhận thức rằng thọ trì minh
chú này thì có đủ phước đức to lớn. Gieo trồng thiện căn nơi vô lượng
chư vị Như lai quá khứ thì nay mới được thọ trì, được thanh tịnh giới
pháp, không vi phạm, không thiếu sót, không có chướng ngại, quyết định
thể nhập pháp môn sâu xa. Phép trì minh chú này là trước hết xưng niệm
hồng danh mà chí thành kính lạy chư vị Như lai và chư vị Bồ tát sau đây,
rồi mới trì tụng minh chú.
- Kính lạy chư vị Như lai,
- Kính lạy chư vị Bồ tát đại sĩ,
- Kính lạy chư vị Thanh văn Duyên giác.
- Kính lạy đức Thích ca mâu ni như lai,
- Kính lạy đức Bất động như lai ở hướng đông,
- Kính lạy đức Bảo tràng như lai ở hướng nam,
- Kính lạy đức A di đà như lai ở hướng tây,
- Kính lạy đức Thiên cổ âm vương như lai ở hướng
bắc,
- Kính lạy đức Quảng chúng đức như lai ở hướng
trên,
- Kính lạy đức Minh đức như lai ở hướng dưới,
- Kính lạy đức Bảo tạng như lai,
- Kính lạy đức Phổ quang như lai,
- Kính lạy đức Phổ minh như lai,
- Kính lạy đức Hương tích vương như lai,
- Kính lạy đức Liên hoa thắng như lai,
- Kính lạy đức Bình đẳng kiến như lai,
- Kính lạy đức Bảo kế như lai,
- Kính lạy đức Bảo thượng như lai,
- Kính lạy đức Bảo quang như lai,
- Kính lạy đức Vô cấu quang minh như lai,
- Kính lạy đức Biện tài trang nghiêm tư duy như
lai,
- Kính lạy đức Tịnh nguyệt quang xưng tướng
vương như lai,
- Kính lạy đức Hoa nghiêm quang như lai,
- Kính lạy đức Quang minh vương như lai,
- Kính lạy đức Thiện quang vô cấu xưng vương
như lai,
- Kính lạy đức Quan sát vô úy tự tại vương
như lai,
- Kính lạy đức Vô úy danh xưng như lai,
- Kính lạy đức Tối thắng vương như lai,
- Kính lạy đức Quan tự tại bồ tát đại sĩ,
- Kính lạy đức Địa tạng bồ tát đại sĩ,
- Kính lạy đức Hư không tạng bồ tát đại sĩ,
- Kính lạy đức Diệu cát tường bồ tát đại
sĩ,
- Kính lạy đức Kim cang thủ bồ tát đại sĩ,
- Kính lạy đức Phổ hiền bồ tát đại sĩ,
- Kính lạy đức Vô tận ý bồ tát đại sĩ,
- Kính lạy đức Đại thế chí bồ tát đại sĩ,
- Kính lạy đức Từ thị bồ tát đại sĩ,
- Kính lạy đức Thiện tuệ bồ tát đại sĩ.
Rồi trì tụng minh chú Kim thắng như
sau: Nam mô, rát na, tra da da, tát da tha, kun tê, kun tê, ku sá tê, ku sá lê,
ku sá lê, ích chi li, mi ti li, soa ha (Namo ratna trayaya tadyatha kunte kunte kusate
kusale kusale icchili mitili svaha).
Đức Thế tôn dạy bồ tát Thiện
trú, minh chú này là mẹ của tam thế Như lai. Thiện nam hay thiện nữ nào
trì minh chú này thì xuất sinh cái khối phước đức vô lượng vô biên,
thì tức là hiến cúng, cung kính, tôn trọng, tán dương đối với vô số
chư vị Như lai, thì chư vị Như lai ấy cùng thọ ký cho người ấy về vô
thượng bồ đề. Thiện trú, ai trì minh chú này thì [hiện tại] tùy theo
ý muốn mà cơm áo, tài sản, đa văn, thông minh, vô bịnh, sống lâu, đều
được lắm phước trong đó, ước nguyện toại ý. Thiện trú, trì minh
chú này thì, cho đến lúc thực chứng vô thượng bồ đề, thường xuyên
được ở chung với đại bồ tát Kim thành sơn, đại bồ tát Từ thị, đại
bồ tát Đại hải, đại bồ tát Quan tự tại, đại bồ tát Diêu cát tường,
đại bồ tát Đại băng di la, và các vị đồng đẳng; được các vị đại
bồ tát này hộ trì.
Thiện trú, trì minh chú này thì
theo cách thức sau đây. Trước hết phải trì tụng cho được mười ngàn
lẻ tám biến, làm tiền phương tiện. Kế đó, trang hoàng đạo tràng ở
trong phòng kín (49) , lấy ngày mồng một của tháng trăng tối mà tắm rửa
sạch sẽ, mặc đồ sạch sẽ, rồi đốt hương rải hoa, hiến cúng như vậy,
lại hiến cúng ẩm thực. Khi bước vào đạo tràng thì trước hết, như
trước đã chỉ, xướng lạy chư vị Như lai và chư vị Bồ tát; tiếp
theo, chí thành và thiết tha mà sám hối nghiệp chướng đã qua; sau đó, đầu
gối bên phải quì xuống chấm đất, trì tụng minh chú cho được một ngàn
lẻ tám biến; rồi ngồi ngay thẳng mà tư duy đến ước nguyện của mình.
Mặt trời chưa mọc thì ở trong đạo tràng mà ăn thức ăn tịnh hắc (50)
, và chỉ ăn mỗi ngày một bữa. Phải mười lăm ngày mới ra khỏi đạo
tràng. Như vậy thì người ấy uy lực phước đức thật bất khả tư nghị,
ước nguyện gì cũng toại ý cả.
Nếu không toại ý thì lại nhập
đạo tràng. Toại ý rồi vẫn thường xuyên trì tụng, đừng quên.
Phẩm 9:
Trùng Tuyên Về Không [^]
Đức Thế tôn nói về minh chú Kim
thắng rồi, để lợi ích cho bồ tát đại sĩ, cho đại hội nhân loại chư
thiên, làm cho ai cũng nhận thức đạo lý bậc nhất, thậm thâm chân thật,
nên Ngài nói lại về Không, bằng những chỉnh cú sau đây.
- (1) Như lai ở trong
- các kinh sâu xa
- đã nói phong phú
- về diệu lý Không.
- Nay trong bản kinh
- vua các kinh này
- lược nói về Không
- siêu việt tư nghị.
- (2) Với diệu lý Không
- quảng đại sâu xa,
- chúng sinh vô trí
- không thể ý thức,
- thế nên Như lai
- trùng tuyên nơi đây
- về diệu lý ấy
- cho họ tỉnh ngộ.
- (3) Những bậc đại bi
- thương xót chúng sinh,
- đem thiện phương tiện
- làm thắng nhân duyên (51) ;
- thế nên Như lai
- trong đại hội này
- trùng tuyên cho họ
- thể nhận Không lý.
- (4) Không thì thân này
- tựa như xóm vắng,
- lục tặc ở đó
- mà không biết nhau;
- nhóm giặc sáu cảnh
- dựa riêng sáu căn
- mà không biết nhau
- cũng y như vậy.
- (5) Nhãn căn thường nhìn
- vào nơi sắc cảnh,
- nhĩ căn liên tục
- nghe vào thanh cảnh,
- tyՠcăn thường ngửi
- vào nơi hương cảnh,
- thiệt căn vị giác
- vào nơi myՠvị,
- (6) thân căn tiếp nhận
- xúc giác mềm dịu,
- ý căn biết pháp
- có chán bao giờ:
- như vậy sáu căn
- khởi theo yếu tố,
- cùng nơi cảnh riêng
- mà sinh phân biệt.
- (7) Thức như ảo hóa
- đâu phải chắc thật,
- nó dựa vào cảnh
- mà vọng tham cầu.
- Như người bôn ba
- trong xóm trống vắng,
- sáu thức cũng vậy
- dựa vào sáu căn.
- (8) Thức dông khắp cả
- chuyển theo vị trí,
- dựa căn vin cảnh
- mà biết mọi sự:
- đắm sắc thanh hương
- say vị xúc pháp,
- và riêng với pháp
- tầm tư không ngừng.
- (9) Thức theo duyên tố
- đi khắp sáu căn,
- tựa như con chim
- bay trong không gian.
- Nhưng phải nhờ căn
- làm chỗ y cứ
- thức mới nhận thức
- đối với các cảnh.
- (10) Không là tri giả,
- không là tác giả (52)
- thân không bền chắc,
- có do yếu tố.
- Tất cả là sinh
- từ vọng phân biệt,
- chỉ như bộ máy:
- chuyển động vì Nghiệp.
- (11) Đất nước lửa gió
- chung thành thân thể,
- và tùy yếu tố
- kết quả khác nhau.
- Nhưng ở một chỗ
- mà chúng hại nhau,
- như bốn rắn độc
- ở trong một hộp.
- (12) Bốn rắn tứ đại
- bản tính khác nhau,
- cùng trong một thân
- vẫn có thăng trầm,
- hoặc lên hoặc xuống
- khắp cả châu thân,
- thế nên chung cục
- qui về diệt vong.
- (13) Bốn con rắn độc
- tứ đại như vậy,
- đất nước hai loại
- đa số trầm xuống,
- gió lửa hai loại
- tính lại nhẹ bổng,
- do mâu thuẫn ấy
- bịnh hoạn phát sinh.
- (14) Tâm thức dựa vào
- cái thân như vậy,
- tạo nghiệp lành dữ
- đủ mọi dạng thức.
- Rồi trong trời người
- hay ba đường dữ
- tùy theo nghiệp lực
- mà nhận thân hình.
- (15) Thân hình ấy bịnh,
- rồi thân hình chết;
- bịnh thì đại tiểu
- từ thân thoát ra,
- chết thì thối rã
- giòi bọ ghê tởm,
- vất ở rừng thây (53)
- như vất gỗ mục.
- (16) Đại hội hãy xét
- thân là như vậy,
- tại sao chấp là
- bản ngã, sinh thể?
- Phải xét các pháp
- toàn là vô thường,
- toàn do năng lực
- vô minh khởi động.
- (17) Bốn thứ đại chủng
- toàn bộ hư vọng,
- bản chất không thật
- thật thể không sinh,
- nên Như lai nói
- đại chủng toàn không,
- thì biết phù hư
- không phải thật có.
- (18) Và chính vô minh
- tự tánh vốn không,
- có ra chỉ vì
- yếu tố hóa hợp,
- làm cho lúc nào
- cũng mất tuệ giác,
- nên Như lai nói
- đó là vô minh.
- (19) Do hành với thức
- mà có danh sắc,
- lục nhập và xúc
- cũng sinh từ đó,
- do ái thủ hữu
- có sinh già chết,
- lo buồn khổ não
- theo mãi chúng sinh.
- (20) Khổ não ác nghiệp
- ràng buộc bức bách,
- sinh tử luân hồi
- vì vậy không nghỉ.
- Bản lai phi hữu,
- thể tánh là không;
- vì không như lý,
- phân biệt sinh ra.
- (21) Như lai đã diệt
- mọi thứ phiền não,
- thường do chánh trí
- hiện hành mà sống:
- biết nhà ngũ uẩn
- toàn là trống rỗng,
- tiến chứng bồ đề
- nơi thật chân thật.
- (22) Như lai mở cửa
- đại thành cam lộ,
- chỉ cho đồ chứa
- cam lộ vi diệu.
- Tự mình đã được
- chân cam lộ vị,
- lại đem cho người
- cam lộ vị ấy.
- (23) Như lai gióng lên
- trống pháp tối thắng,
- Như lai thổi lên
- loa pháp tối thắng,
- Như lai đốt lên
- đèn pháp tối thắng,
- Như lai mưa xuống
- nước pháp tối thắng.
- (24) Chiến thắng phiền não
- cùng bao oán kết,
- Như lai dựng lên
- cờ pháp tối thượng.
- Từ biển sinh tử
- cứu vớt chúng sinh,
- Như lai đóng cửa
- ba nẻo đường dữ.
- (25) Phiền não lửa dữ
- thiêu đốt chúng sinh,
- không ai cứu cho
- không nơi nương tựa.
- Cam lộ mát ngọt
- làm cho sung mãn,
- thân tâm nóng bức
- đều loại trừ cả.
- (26) Do vậy Như lai
- trong vô số kiếp
- tôn kính hiến cúng
- chư vị Như lai,
- kiên trì giới pháp
- bước tới bồ đề,
- mong chứng pháp thân
- thể hiện an lạc.
- (27) Như lai đem cho
- tai mắt chân tay,
- vợ con tôi tớ
- cũng không tiếc lẫn,
- tài sản vàng ngọc
- cả đồ trang sức,
- tùy ai cầu gì
- Như lai cho cả.
- (28) Tu hành khắp cả
- sáu ba la mật,
- viên mãn mười địa
- mà thành chánh giác,
- thế nên được tôn
- bậc Nhất thế trí,
- không một ai khác
- lường nổi Như lai.
- (29) Giả sử đất đai
- đại thiên thế giới
- tất cả mọi nơi
- đều mọc cây cối,
- cây lùm cây rừng
- lúa mè tre lau
- cùng với bao nhiêu
- chủng loại cây khác.
- (30) Cây cối như vậy
- đều đốn chặt hết,
- và đem nghiền nhỏ
- thành vi trần cả ;
- tụ vi trần ấy
- thành khối thành đống,
- cho đến tụ lại
- đầy cả không gian.
- (31) Tất cả quốc độ
- khắp cả mười phương
- có được bao nhiêu
- đại thiên thế giới,
- đất đai trong đó
- cũng nghiền thành bụi,
- số lượng bụi ấy
- hết cách tính toán.
- (31) Giả sử trí tuệ
- của cả chúng sinh
- gom lại thành ra
- trí tuệ một người,
- và người như vậy
- nhiều đến vô số,
- có thể biết được
- số bụi nói trên.
- (33) Nhưng chỉ một thoáng
- tuệ giác Như lai,
- mà những người trên
- chung nhau suy lường
- trong những đời kiếp
- nhiều đến vô số,
- cũng không tính toán
- biết được phần ít.
Bấy giờ đại hội nghe đức Thế
tôn trùng tuyên về cái Không sâu xa, thì có vô lượng chúng sinh thấu triệt
bốn đại năm uẩn thể tánh toàn không, sáu căn sáu cảnh chỉ ràng buộc
một cách giả dối. Ai cũng nguyện bỏ luân hồi, chính xác tu tập giải
thoát, thâm tâm vui mừng, phụng trì đúng lời đức Thế tôn chỉ dạy.
Phẩm 10:
Mãn Nguyện Vì Không [^]
Trong đại hội có thiên nữ Như ý
bảo quang diệu, nghe đức Thế tôn tuyên thuyết diệu pháp sâu xa, thì hoan
hỷ, phấn chấn, từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo của vai bên phải,
gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính mà thưa, bạch đức
Thế tôn, xin đức Thế tôn dạy cho chúng con cách tu hành về diệu pháp
sâu xa. Thiên nữ nói lời chỉnh cú sau đây.
- Đấng Soi thế giới!
- đấng Lưỡng túc tôn!
- đấng Tối thắng nhất!
- con xin hỏi Ngài
- về cách bồ tát
- tu hành chính xác.
- Xin Ngài từ bi
- cho phép con hỏi.
Đức Thế tôn dạy, thiện nữ
thiên, có điều gì nghi hoặc thì tùy ý mà hỏi. Như lai sẽ giảng giải
cho. Thiện nữ thiên liền thỉnh vấn đức Thế tôn, rằng
- Các vị bồ tát
- làm sao tu hành
- bồ đề chánh hạnh,
- rời cả sinh tử
- cùng với niết bàn
- mà lợi mình người?
Đức Thế tôn dạy, thiện nữ
thiên, hãy dựa pháp tánh mà hành bồ đề, tu bình đẳng hạnh. Dựa pháp
tánh mà hành bồ đề, tu bình đẳng hạnh là thế nào? Là chính nơi ngũ uẩn
mà phát hiện pháp tánh. Pháp tánh là ngũ uẩn. Nhưng ngũ uẩn với pháp
tánh không thể nói tức, cũng không thể nói rời. Nếu nói pháp tánh tức
ngũ uẩn thì thế là đoạn kiến, nếu nói pháp tánh rời ngũ uẩn thì thế
là thường kiến. Phải rời cả hai khái niệm, không vướng hai cực đoan,
không thể thấy, vượt trên sự thấy, không danh từ, không ấn tượng,
như thế mới là nói về pháp tánh.
Thiện nữ thiên, chính nơi ngũ uẩn
mà phát hiện pháp tánh là thế nào? Là xét ngũ uẩn không do yếu tố tương
quan mà phát sinh. Nếu nói do yếu tố mà phát sinh, thì đã sinh mà sinh, hay
chưa sinh mà sinh? Nếu nói đã sinh mà sinh thì cần gì yếu tố? Nếu nói
chưa sinh mà sinh thì sự sinh ấy không thể có được. Chưa sinh là không
có, không có danh từ, không có khái niệm, không phải tính toán hay ví dụ
mà diễn tả được, vì đâu phải là cái do yếu tố tương quan mà sinh
ra. Thiện nữ thiên, hãy nói như tiếng trống: do gỗ, do da, do dùi, do tay,
do đủ thứ mới có tiếng phát ra. Tiếng ấy quá khứ đã không có, vị
lai sẽ không có, hiện tại cũng không có. Tại sao, vì tiếng ấy không do
gỗ mà có, không do da mà có, không do dùi do tay mà có, không có cả trong
ba thì gian, thì thế là không sinh. Không sinh thì không diệt. Không diệt
thì không đến từ đâu. Không đến từ đâu thì không đi đến đâu.
Không đi đến đâu thì phi thường phi đoạn. Phi thường phi đoạn thì phi
nhất phi dị. Nếu là nhất thì không khác pháp tánh, mà nếu thế thì
phàm phu đáng lẽ thấy được pháp tánh, được niết bàn tối thượng an
lạc; nhưng đã không phải như vậy thì biết phi nhất. Nếu là dị thì chư
vị Như lai và chư vị Bồ tát thi hành toàn là chấp trước, chưa được
giải thoát, không chứng bồ đề; nhưng đối với thánh giả thì cái ngũ
uẩn chuyển biến với cái pháp tánh phi chuyển biến đồng là thật tánh,
thế nên phi dị. Do vậy mà biết ngũ uẩn phi hữu phi vô, phi do yếu tố
phát sinh, phi không do yếu tố phát sinh, và là cái thánh trí biết đến,
không phải lĩnh vực của người khác; lại là cái không phải ngôn ngữ
diễn tả, không danh từ, không khái niệm, không nhân tố, không duyên tố,
không thể ví dụ, đầu cuối vắng lặng, xưa nay tự không. Như thế đó
gọi là chính nơi ngũ uẩn mà phát hiện pháp tánh. Thiện nữ thiên, thiện
nam hay thiện nữ nào muốn cầu vô thượng bồ đề thì phải phi chân phi
tục, vượt quá suy lường, phàm cảnh thánh cảnh phi nhất phi dị, [nói
tóm], không bỏ tục, không rời chân, thì đó là dựa pháp tánh mà hành bồ
đề.
Đức Thế tôn dạy như vậy rồi,
thiện nữ thiên phấn chấn hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt
áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính,
nhất tâm đảnh lễ, mà thưa, bạch đức Thế tôn, đúng như lời Ngài đã
huấn dụ về bồ đề hạnh, con nguyện xin tu học.
Bấy giờ đại phạn thiên vương
chủ của thế giới hệ Sách ha, ở trong đại hội, hỏi thiện nữ thiên
Như ý bảo quang diệu, rằng bồ đề hạnh như vậy thật khó tu tập, thiện
nữ làm sao tự tại được với bồ đề hạnh ấy? Thiện nữ thiên nói,
đại phạn vương, như lời Thế tôn huấn dụ thì thật sâu xa, chúng sinh
khó mà nhận thức, vì đó là lĩnh vực của thánh giả, nhiệm mầu, khó
biết. Nhưng, đối với diệu pháp ấy tôi sống được yên vui trong đó, nếu
lời này mà thật thì ước nguyện toàn thể chúng sinh trong cái thời kỳ
đầy cả năm thứ dơ bẩn này đều thành màu hoàng kim, đủ ba mươi hai
tướng tốt, phi nam phi nữ, ngồi tòa sen ngọc, hưởng vô lượng yên vui,
thiên hoa tự mưa xuống, thiên nhạc tự tấu lên, mọi cách hiến cúng đầy
đủ tất cả. Thiện nữ thiên nói rồi, tất cả chúng sinh trong thời kỳ
đầy cả năm thứ vẩn đục này đều thành màu hoàng kim, đủ tướng đại
trượng phu, phi nam phi nữ, ngồi tòa sen ngọc, hưởng vô lượng yên vui y
như Tha hóa tự tại thiên cung, không mọi đường dữ, cây ngọc có hàng
có lối, hoa sen bảy chất liệu quí đầy cả thế giới, lại mưa xuống
thiên hoa bảy chất liệu quý rất đẹp, thiên nhạc tấu lên. Và thiện nữ
thiên Như ý bảo quang diệu thì biến thể nữ thân thành thân đại phạn
vương. Bấy giờ đại phạn vương hỏi thiện nữ thiên Như ý bảo quang
diệu, ngài hành bồ đề hạnh như thế nào? Thiện nữ thiên nói, đại phạn
vương, như trăng dưới nước hành bồ đề hạnh thì tôi cũng hành bồ đề
hạnh, như chiêm bao hành bồ đề hạnh thì tôi cũng hành bồ đề hạnh,
như sóng nắng hành bồ đề hạnh thì tôi cũng hành bồ đề hạnh, như tiếng
vang hành bồ đề hạnh thì tôi cũng hành bồ đề hạnh. Đại phạn
vương nghe nói như vậy thì thưa rằng, kính bạch bồ tát, ngài dựa vào
ý nghĩa nào mà nói như vậy? Thiện nữ thiên trả lời, đại phạn
vương, không một pháp nào là thực tại, toàn do yếu tố tương quan mà
thành. Đại phạn vương nói, nói như ngài thì phàm phu lẽ đáng được vô
thượng bồ đề cả! Thiện nữ thiên nói, ngài nói như vậy là với ý
gì? [Ngài nên biết, phàm phu thì cho] người ngu khác, người trí khác, bồ
đề khác, phi bồ đề khác, giải thoát khác, phi giải thoát khác; nhưng,
đại phạn vương, [thánh giả thì thấy] các pháp như vậy bình đẳng không
khác, biết pháp tánh chân như phi nhất phi dị, cũng không có cái trung
tính để mà chấp trước, bất tăng bất giảm. Đại phạn vương, như nhà
ảo thuật và đồ đệ của mình, rất rành ảo thuật, đến chỗ ngã tư,
dùng những vật liệu cát đất cỏ cây vân vân, gom lại một chỗ mà làm
ảo thuật. Làm cho người ta thấy những voi, những ngựa, những xe, vân
vân, thấy đống bảy loại quí báu, thấy kho lẫm tràn đầy. Rồi kẻ khờ
khạo không biết suy xét, không hiểu ảo thuật, nên thấy hay nghe gì cũng
cho là thật, voi thật ngựa thật vân vân, và chỉ thế là thật, ngoài ra
là dối cả, sau đó không còn suy xét gì nữa. Còn người hiểu biết thì
trái lại, biết cái gốc ảo thuật, nên thấy hay nghe gì cũng nghĩ, những
thứ ta thấy, thấy voi thấy ngựa vân vân, toàn là giả cả, chỉ do ảo
thuật mê hoặc mắt người, vọng cho là voi, là lẫm, nhưng chỉ có tên,
không có thật, nên cái ta thấy nghe không nên chấp là thật, sau đó càng
xét biết là dối trá. Do vậy, trí giả thì biết các pháp không thật, chỉ
do thế nhân thấy gì nghe gì thì nói ra như thế, chứ xét cho kyՠthì không
phải như thế. Và như thế thì cũng do nói giả mà xét ra nghĩa thật. Đại
phạn vương, chúng sinh chưa có mắt tuệ của các vị thánh giả, chưa biết
chân như của các pháp là không thể nói, nên thấy hay nghe cái pháp hữu
vi chuyển biến với cái pháp vô vi phi chuyển biến thì tư duy y theo thấy
nghe và chấp cho là thật; trong chân đế, họ không thể thấu hiểu chân
như các pháp là không thể nói. Còn các vị thánh giả thấy hay nghe cái
pháp hữu vi chuyển biến với cái pháp vô vi phi chuyển biến, thì tùy trí
lực mà không chấp là thật có, thấu hiểu tất cả không có gì là hữu
vi chuyển biến, không có gì là vô vi phi chuyển biến, chỉ vọng tưởng là
chuyển biến phi chuyển biến, chỉ có tên không có thật. Thế rồi các vị
thánh giả ấy tùy tục đế mà nói cho người khác biết sự thật là như
vậy. Đại phạn vương, các vị thánh giả sử dụng sự thấy biết của
bậc thánh, thấu hiểu chân như là không thể nói, chuyển biến phi chuyển
biến cũng như vậy, nhưng vì làm cho người khác cũng biết như vậy nên
nói ra bao nhiêu dạng thức của danh ngôn tục đế. Bấy giờ đại phạn
vương lại hỏi bồ tát Như ý bảo quang diệu, rằng có bao nhiêu chúng
sinh hiểu được cái pháp sâu xa như thế này? Bồ tát nói, đại phạn
vương, có tâm vương và tâm sở của những người được ảo thuật tạo
ra biết được cái pháp sâu xa này. Đại phạn vương nói, người ảo thuật
thì không thật có, vậy tâm vương tâm sở có từ đâu? Bồ tát nói, [lời
tôi nói có nghĩa] nếu biết pháp tánh phi hữu phi vô, thì người ấy biết
được nghĩa lý sâu xa này.
Đại phạn vương thưa đức Thế tôn,
bạch Ngài, vị bồ tát Như ý bảo quang diệu này thật bất khả tư nghị,
thông suốt đến như vậy đối với nghĩa lý cực kỳ sâu xa. Đức Thế tôn
dạy, đúng như vậy, đại phạn vương, đúng như ông nói. Thiện nữ
thiên Như ý bảo quang diệu đã từ lâu giáo huấn cho các người phát tâm
tu học vô sinh pháp nhẫn. Đại phạn vương cùng với phạn chúng, liền đứng
dậy khỏi chỗ họ ngồi, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải
quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính, lạy ngang chân bồ tát Như ý bảo
quang diệu mà nói như vầy, thật là hiếm có, ngày nay chúng tôi hạnh ngộ
đại sĩ, được nghe pháp nghĩa đại sĩ nói. Đức Thế tôn bảo đại phạn
vương, vị thiện nữ thiên Như ý bảo quang diệu này, trong thì vị lai sẽ
thành Phật đà, danh hiệu là Bảo diệm cát tường tạng, bậc Đến như
chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và khắp, bậc Hoàn
hảo sự sáng, bậc Khéo qua niết bàn, bậc Lý giải vũ trụ, bậc Không ai
trên nữa, bậc Thuần hóa mọi người, bậc Thầy cả trời người, bậc
Tuệ giác hoàn toàn, bậc Tôn cao nhất đời.
Khi đức Thế tôn tuyên thuyết
pháp thoại này thì có ba ngàn ức bồ tát không còn thoái chuyển vô thượng
bồ đề, tám ngàn ức thiên tử và vô số quốc vương cùng thần dân đều
xa bụi bặm, rời dơ bẩn, được sự trong sáng của mắt pháp.
Bấy giờ trong đại hội có năm
mươi ức Bí sô hành bồ tát hạnh mà muốn thoái chuyển bồ đề tâm, nhưng
khi nghe bồ tát Như ý bảo quang diệu thuyết pháp như trên thì ai cũng được
sự kiên định bất khả tư nghị, thỏa mãn ước nguyện tối thượng, phát
lại bồ đề tâm, và cởi pháp y mà hiến lên bồ tát, phát lại cái chí
thắng tiến tối thượng, và nguyện rằng bao nhiêu thiện căn của chúng
tôi đều được không còn thoái chuyển, hồi hướng về vô thượng bồ
đề. Đức Thế tôn nói với đại phạn vương, các vị Bí sô này do công
đức này mà tu hành đúng như huấn dụ, qua chín mươi đại kiếp thì sẽ
được chứng ngộ, thoát ly sinh tử. Đức Thế tôn liền thọ ký cho, rằng
chư vị Bí sô, qua ba mươi vô số kiếp, chư vị sẽ được thành Phật đà,
với thời kỳ tên Nan thắng quang vương, quốc độ tên Vô cấu quang. Chư
vị đồng thời chứng đắc vô thượng bồ đề, đồng một danh hiệu
Nguyện trang nghiêm gián sức vương, đủ mười đức hiệu.
Đại phạn vương, bản kinh nhiệm
mầu Ánh sáng hoàng kim này ai chính xác nghe nhớ thì có uy lực rất lớn.
Giả sử có ai tu hành sáu ba la mật trong trăm ngàn đại kiếp mà không có
[sự nhận thức về Không làm] phương tiện, mặt khác, nếu có thiện nam
hay thiện nữ nào sao chép kinh Ánh sáng hoàng kim này, cứ mỗi nửa tháng
đọc tụng chuyên chú, thì cái khối công đức này, công đức trước không
bằng một phần trăm, đến nỗi toán số hay ví dụ cũng không đối chiếu
được. Đại phạn vương, do vậy mà Như lai khuyến khích các người tu học,
chánh niệm, thọ trì, tuyên thuyết phong phú. Tại sao, vì xưa kia, khi Như
lai đi trên đường đi bồ tát thì, như dũng sĩ xung trận, Như lai không tiếc
tính mạng mà lưu thông bản kinh vua chúa và nhiệm mầu này, tiếp nhận,
ghi nhớ, nghiên cứu, tụng thuộc, giải thích cho người. Đại phạn
vương, luân vương còn thì thất bảo còn, luân vương mất thì thất bảo
cũng tự nhiên mất theo. Cũng y như vậy, Đại phạn vương, kinh vua Ánh
sáng hoàng kim này nếu còn thì pháp bảo tối thượng còn cả, nếu không
còn thì pháp bảo cũng ẩn mất hết. Do vậy, đối với kinh vua này, các
người phải chuyên tâm mà lắng nghe, mà ghi nhớ, nghiên cứu, tụng thuộc,
giải thích phong phú cho bao người khác, khuyến khích họ cũng sao chép và
tu hành bằng sự tinh tiến ba la mật, không tiếc tính mạng, không nài mệt
nhọc. Đó là công đức siêu việt trong các công đức. Là đệ tử của
Như lai thì các người phải siêng năng tu học như vậy. Đại phạn vương
với vô số phạn chúng, Đế thích cùng bốn vị Thiên vương với bộ chúng
Dược xoa, tất cả đều từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo của vai
bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính mà thưa,
bạch đức Thế tôn, chúng con cùng nhau nguyện giữ gìn và quảng bá kinh
Ánh sáng hoàng kim này, nguyện giữ gìn cho các vị pháp sư giảng nói kinh
này. Có tai nạn gì chúng con cũng trừ khử, làm cho có đủ mọi sự cát tường,
sắc tướng và sức lực sung túc, hùng biện vô ngại, cơ thể và tâm trí
đều thư thái cả. Và cả thính giả nữa cũng yên vui hết thảy. Quốc
gia họ ở nếu bị đói khát, giặc giã, kẻ thù, quỉ thần, quấy rối
và tác hại thì chư thiên chúng con sẽ hộ trì cho. Dân chúng mà yên ổn,
sung túc, không oan khuất, không tai họa, là do sức của chư thiên chúng
con. Ai hiến cúng kinh này thì chúng con tôn kính hiến cúng y như đối với
đức Thế tôn, không khác gì cả. Đức Thế tôn bảo đại phạn vương,
phạn chúng, cho đến bốn vị Thiên vương, cùng bộ chúng Dược xoa, lành
thay, các người đã được nghe diệu pháp sâu xa, đối với kinh vua của
diệu pháp ấy lại phát tâm hộ trì, hộ trì những ai thọ trì kinh ấy,
thì các người đã đạt được cái phước thù thắng và vô biên, mau
chóng thành tựu vô thượng bồ đề. Đại phạn vương, và mọi người đồng
đẳng, nghe những lời đức Thế tôn huấn dụ thì hoan hỷ, cung kính mà
tiếp nhận.
Chân thành cảm ơn quý cư sĩ Nguyễn
Văn Củng, Đoàn Viết Hiệp và Nguyễn Anh Tuấn đã phát tâm chuyển tác phẩm
này từ dạng Help File, VPS font sang dạng Word, VNI font. Thích Nhật Từ
3-5-2000
Phần | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
|
|