Đoạn 1: Chỉ Tỏ
Các Nghĩa Tu Hành Cần Phải Nương Theo Cỗi Gốc
Thứ nữa chỉ tỏ vì cớ gì mà nương tựa như thế.
Hỏi: Vì cớ gì nương tựa cái tâm đó mà tu chỉ
quán.
Đáp: Do tâm đó là cỗi gốc của tất cả các pháp
vậy. Nếu nương theo cỗi gốc thì khó phá hoại nên nương tựa tâm
đó mà tu chỉ quán. Nếu người ta không nương tựa tâm đó mà tu
chỉ quán thì không thể thành được, vì cớ sao? Vì bản lai chưa có
một pháp nào kiến lập ngoài tâm được.
Đoạn 2: Chỉ Tỏ Nghĩa Toàn-Tính
Phát Khởi Tu Hành
Lại vì cái tâm-thể đó bản-tính đầy đủ hai nghĩa
tịch và dụng và muốn huân-tập hai nghĩa đó khiến cho tỏ hiện ra
vậy. Vì cớ sao? Vì không huân-tập thì không tỏ hiện. Tỏ hiện để
dùng làm gì? Để làm lợi cho mình và cho người vậy. Có những
nhân duyên như thế nên nương tựa tâm đó mà tu chỉ quán.
Hỏi: Thế nào là hai cái nghĩa tịch và dụng của
tâm-thể?
Đáp: Tâm-thể bình-đẳng rời tất cả tướng, tức
là nghĩa tịch; thể đó đầy đủ hai dụng trái thuận, tức là nghĩa
dụng; vậy nên tu tập phép chỉ thì trừ diệt được những
loạn-động hư vọng, khiến cho tâm-thể vẳng lặng ly-tướng, đó là
tự-lợi; tu tập phép quán thì khiến cho cái dụng của tâm đó tỏ
hiện nhiều thứ, tức là lợi-tha.
Mục 2: Giải Thích Điều Nghi
Hỏi: Tu chỉ quán cốt trừ sinh tử, nếu lại khiến cho
tỏ bấy nhiêu thứ thì có thể trở lại gây thêm lưu-chuyển.
Đáp: Không phải thế, chỉ trừ cái bệnh mà không
trừ pháp; bệnh ở nơi vọng-tình chấp-trước, chứ không ở nơi
đại-dụng; vậy nên rõ ràng trong lục-đạo quyền hiện không ngừng,
tức là dụng-trái tỏ bày; mà lại rốt ráo thanh tịnh không bị thế
gian nhiễm trược, trí tuệ soi tỏ sáng suốt, nên tướng tốt hoàn
bị, thân tâm an-trụ nơi cảnh-giới thắng diệu, đầy đủ tất cả
công đức chư Phật, tức là dụng-thuận tỏ hiện ra vậy.
Đến đây chỉ tỏ xong phần "Vì cớ gì nương
tựa" trong phần "Chỉ tỏ sự nương tựa của chỉ quán".
Mục 1: Chia Mục
Thứ nữa chỉ tỏ lấy cái gì mà nương tựa, trong
đó lại có ba phần khác nhau: một là chỉ tỏ thể-trạng lấy cái gì
mà nương tựa; hai là phá cái-chấp của hàng Tiểu-thừa, ba là
phá cái chấp của hàng Đại-thừa.
Đoạn 1: Chỉ Tổng Quát
Phần đầu chỉ tỏ thể-trạng lấy cái gì mà nương
tựa.
Hỏi: Lấy cái gì nương tựa tâm đó mà tu chỉ quán?
Đáp: Lấy ý-thức nương tựa tâm đó mà tu hành
chỉ quán.
Điều 1: Chính Diện Chỉ Tỏ
Nghĩa đó thế nào? Nghĩa là do ý-thức biết được
danh nghĩa, nghe nói tất cả các pháp tự-tính vẳng lặng, bản lai
không có tướng, chỉ do nhân duyên hư-vọng nên có các pháp; song
các pháp hư-vọng, có đó tức là không phải có, chỉ là một
chân-tâm, lại cũng không có chân-tướng riêng biệt có thể chấp
nhận; nghe nói như thế rồi, phương tiện tu tập, biết các pháp
bản-lai vẳng lặng, chỉ là nhất-tâm. Khi ý-thức giải ngộ như thế
thì từng niệm từng niệm huân-tập bản-thức, làm cho sức của
tính giải ngộ thêm lên, tính giải ngộ đã thêm lên rồi, lại
khởi lên ý-thức càng sáng suốt hơn, như thật mà biết các pháp;
huân-tập cái tâm lâu ngày, tính giải ngộ trọn sáng, tự soi
bản-thể của mình vốn chỉ là tính chân-tịch thì ý-thức phân biệt
liền dừng nghỉ. Lúc bấy giờ bản-thức chuyển thành
vô-phân-biệt-trí, cũng gọi là chứng-trí. Do nhân duyên đó nên
dùng ý-thức nương tựa chân-tâm mà tu phép chỉ. Thế nên trong
luận nói rằng: "Do nương với bản-giác nên có bất-giác, nương
với bất-giác nên có vọng-tâm biết được danh nghĩa, nghe nói về
bản-giác nên được thủy-giác"; sự thật, thủy-giác đồng như
bản-giác, không có sự khác nhau giữa thủy-giác và bản-giác
vậy.
Điều 2: Giải Thích Điều Nghi
Hỏi: Ở trên có nói tịnh-tâm chân-tâm, nay lại nói
bản-thức, ý nghĩa có khác nhau chăng?
Đáp: Bản-thức, a-lại-gia-thức, hòa-hợp-thức,
chủng-tử-thức, quả-báo-thức, v.v... đều là những tên khác của
một thể. Trong phần cộng-tướng, bất-cộng-tướng-thức trên kia,
đã chỉ tỏ cái nghĩa đồng nhau khác nhau giữa chân-như và
a-layÕi-gia-thức, nay lại vì ông mà nói lại nữa.
Chân-tâm là thể, bản-thức là tướng; lục-thức,
thất-thức v.v... là dụng; như nước là thể, dòng nước là
tướng, sóng là dụng; so sánh thì có thể biết được. Vậy nên
trong luận nói rằng: "Bất sinh bất diệt cùng sinh diệt hòa hợp,
gọi tên là a-lại-gia-thức", tức là bản-thức. Do thức ấy
làm cỗi gốc cho sinh tử nên gọi là bản; vậy nên trong luận nói
rằng: "Do tử-thời a-lại-gia-thức làm chủng-tử căn-bản cho
tất cả các pháp vậy", tức là nói về nghĩa đó. Trong kinh lại
nói: "Tự-tính thanh-tịnh-tâm", lại nói: "Tâm kia bị phiền
não làm ô nhiễm", là chỉ tỏ chân-tâm, tùy bản-thể đầy đủ
tính-tịnh mà bản-thể lại cũng đầy đủ tính nhiễm nên bị phiền
não nhiễm ô. Theo đó là luận thì biết rõ rằng chính nơi thể, căn
cứ riêng một tính thì gọi là tinh-tâm; chính nơi tướng, cùng với
sự-nhiễm hòa hợp thì gọi là bản-thức. Do cái nghĩa đó, ở
trên thì chính nơi thể-tính mà chỉ tỏ, còn hiện nay thì chính nơi
sự-tướng mà nói cũng không ngại gì nhau.
Hỏi: Khi huân-tập bản-thức, có phải tức là
huân-tập chân-tâm không?
Đáp: Khi chạm đến dòng nước thì liền chạm đến
nước, vậy nên trước kia nói làm cho tính giác ngộ thêm lên,
tức là làm thêm sức cho tính-tịnh của chân-tâm. Vậy nên trong
luận nói rằng: "A-lại-gia-thức có hai phần, một là giác, hai
là bất-giác"; giác tức là tịnh-tâm, bất-giác tức là
vô-minh; hai cái đó hòa hợp, gọi là bản-thức; vì thế khi nói
tịnh-tâm thì không riêng có a-lại-gia-thức nào khác; khi nói
a-lai-gia-thức thì không có riêng tịnh-tâm nào khác; chỉ do thể và
tướng, ý nghĩa khác nhau nên nói có hai tên khác nhau.
Đoạn 3: Chỉ Tỏ Thể Trạng Tu Quán
Hỏi: Vì sao phải dùng ý-thức nương tựa tịnh-tâm
mà tu quán?
Đáp: Do ý-thức biết danh nghĩa, nghe nói thể của
chân-tâm tuy vẳng lặng mà do nhân duyên huân-tập thì tâm-tính
nương huân-tập khởi lên, hiện ra các pháp thế-gian và
xuất-thế-gian. Do nghe nói như thế, tuy nhờ tu chỉ, biết tất cả các
pháp rốt ráo không có tướng, mà lại cũng biết tâm-tính nương
huân-tập khởi lên, hiện ra các pháp, không phải không có những
hư-tướng. Chỉ vì những kẻ phàm phu lầm lạc, bị vô-minh che lấp
ý-thức nên không biết các pháp chỉ do tâm làm ra, hình như có mà
không phải có và là những hư-tướng không thật; do không biết
như thế nên trôi lăn trong đường sinh tử, chịu nhiều thứ khổ. Vì
thế ta cần dạy cho họ biết các pháp như sự thật; do nhân duyên
đó liền khởi lòng từ bi, cho đến tu hành đầy đủ các hạnh
tứ-nhiếp, lục-độ, v.v...
Khi quán như thế, ý thức cũng từng niệm huân-tập
tâm-tính, khiến cho thành tựu các chủng-tử lục-độ, tứ-nhiếp,
từ-bi, v.v..., lại không để cho tâm-thức bị phép chỉ làm cho im lịm;
thế nghĩa là cái dụng lần lần tỏ hiện ra vậy. Do huân-tập lâu
ngày, tính tác dụng của chân-tâm rốt ráo viên mãn khởi lên,
công-đức pháp-giới đầy đủ, ba thân nhiếp phục hóa độ, thị
hiện khắp các phương diện. Do nhân duyên đó nên dùng ý-thức
nương tựa tịnh-tâm mà tu phép quán.
Đoạn 1: Chính Diện Phá Chấp
Thứ nữa phá cái chấp của hàng Tiểu-thừa.
Hỏi: Chỉ lấy ý-thức tu tập chỉ quán, há lại không
thành, vì cớ gì phải nương tựa tịnh-tâm ?
Đáp: Ý-thức không tự-thể, chỉ lấy tịnh-tâm làm
thể nên cần phải nương-tựa. Lại ý-thức từng niệm từng niệm
sinh diệt, niệm trước không phải niệm sau, nếu không lấy tịnh-tâm
làm chỗ nương tựa thì tuy tu các hạnh cũng không chuyển thành hơn
trước được; vì cớ sao? Vì niệm trước của ý-thức không phải
là niệm sau vậy. Ví như người trước nghe pháp, người sau chưa nghe;
nếu người sau nghe thì cũng không lý gì hơn được người trước,
vì cớ sao? Vì đều mới nghe một lần vậy. Ý-thức cũng thế, niệm
trước niệm sau khác nhau; niệm trước tuy nghe rồi, nhưng theo niệm
liền diệt; niệm sau nếu nghe trở lại thì cũng không hơn trước; vì
cớ sao? Vì niệm trước niệm sau đều chỉ mới nghe một lần vậy.
Lại như trong giả-pháp thế-gian, người trước học
được chữ GIÁP, rồi lại chết mất, người sau lại học chữ ẤT,
thì chỉ biết chữ ẤT chứ không biết chữ GIÁP; vì cớ sao? Vì
người trước người sau khác nhau vậy. Ý-thức cũng thế, niệm
trước diệt, niệm sau sinh, không đuổi kịp nhau; vậy nên chỗ tu không
thể tăng tiến được.
Nếu lấy tịnh-tâm làm thể thì ý-thức từng niệm
từng niệm đem chỗ suy nghĩ tu hành huân-tập cái tính của tịnh-tâm,
tính đó nương huân-tập khởi lên mà thành chủng-tử; khi niệm
trước diệt và niệm sau khởi lên thì niệm sau liền cùng với
chủng-tử tu hành niệm trước hòa hợp mà khởi lên nên tu lại
phép kia thì hơn niệm trước; một niệm đã như thế thì từng niệm
từng niệm đều trở nên hơn trước như thế, vì vậy mà chỗ tu
được thành tựu. Nếu không huân-tập lâu ngày, sức chủng-tử
của mình còn kém mà liền bỏ dở thì chỗ tu không thành, huống
nữa là toàn không nương tựa; quyết không thể niệm trước niệm
sau của ý-thức huân-tập lẫn nhau mà thành tựu được. Do nhân
duyên đó, chỉ dùng ý-thức, không nhờ nương tựa, thật không có
lẽ nào như thế được.
Đoạn 2: Giải Thích Điều Nghi
Hỏi: Trong pháp Tiểu-thừa, không biết có bản-thức,
vì sao việc nghe pháp, suy nghĩ đều thành tựu được?
Đáp: Bác-điểa phàm phu cho đến những súc-sinh biết
nghe giáo pháp, v.v... có chỗ tu tập được thành, còn phải do
bản-thức làm thể mới thành, huống nữa là các hàng Nhị-thừa;
chỉ hàng Nhị-thừa tự mình không biết nghĩa ấy, chứ không phải
không nhờ tịnh-tâm vậy.
Hỏi: Chúng sinh không nghe được giáo-pháp, há lại
không có tịnh-tâm làm thể?
Đáp: Do gây nghiệp si mê quá nặng, huân-tập cái
tâm, khởi ra quả-báo cũng rất tối tăm; tuy có cái tính thông minh
và có chủng-tử thông minh đời trước, nhưng vì bị hiện-báo ngăn
che nên không có được tác dụng; vì thế mà không nghe được
giáo-lý, chứ không phải không có tịnh-tâm vậy.
Đoạn 1: Phá Danh Ngôn
Thứ nữa phá cái-chấp của hàng Đại-thừa.
Hỏi: Chỉ dùng tịnh-tâm tu hành chỉ quán là đủ, sao
lại phải dùng ý-thức?
Đáp: Như trên đã nói, do ý-thức biết được danh
nghĩa, diệt được cảnh giới, huân-tập được bản thức, khiến cho
diệt mê lầm, được giác ngộ, nên cần ý-thức vậy.
Hỏi: Tịnh-tâm tự-tính vẳng lặng thì gọi là chỉ,
tự-thể soi sáng thì gọi là quán; ý-thức kia, cùng danh nghĩa và
cảnh giới, thể-tính đều không phải là có; sao lại bảo rằng
ý-thức tìm cái danh, biết cái nghĩa và diệt trừ cảnh-giới
tự-tâm?
Đáp: Nếu luận về tâm-thể thì thật là như thế; chỉ
do từ vô-thủy đến nay, bị vô-minh vọng-tưởng huân-tập nên
bất-giác tự động, tỏ hiện ra các pháp; nếu không dùng phương
tiện tìm cái danh, biết cái nghĩa, nương theo nghĩa mà tu hành, quán
sát biết được cái có của cảnh-giới tức là không phải có,
thì do đâu mà có thể được cái dụng vẳng lặng soi sáng.
Hỏi: Tịnh-tâm tự biết tính mình vốn là vẳng lặng
thì niệm phân biệt liền sẽ dừng nghỉ, sao phải cần dùng ý-thức?
Đáp: Tịnh-tâm không hai, lại bị vô-minh che lấp, không
tự biết được bản-tính vẳng lặng, cần nhờ sự huân-tập của
vô-trần-trí làm cho vô-minh diệt hết thì mới dừng nghỉ niệm phân
biệt được.
Hỏi: Chỉ dừng nghỉ cái niệm thì tâm liền vẳng lặng
soi tỏ, vì cớ sao cần phải có trí huân-tập thì tính vẳng lặng soi
tỏ mới hiện ra? Đáp: Nếu không có sự huân-tập của
vô-trần-trí, vô-minh trong tâm rốt cuộc không thể diệt được;
vô-minh không diệt thì thì niệm phân biệt cũng không dừng nghỉ.
Khoản 1: Phân Tích Để Phá
Hỏi: Nay tôi không quán cảnh-giới, không nghĩ danh
nghĩa, chứng cái tâm vẳng lặng không suy nghĩ, bặt dứt các
tướng, há lại không phải là "Tâm-thể tịch chiếu chân-như
tam-muội"?
Đáp: Khi ông chứng cái tâm là tâm tự chứng, hay
là do cái khác chứng, hay là chứng cái khác?
Khoản 2: Phá Thuyết Tự Chứng
Nếu tâm tự chứng, tức là không do công dụng mà
được vẳng lặng; nếu vậy, tất cả chúng sinh đều không phát ý
cầu được vẳng lặng, lẽ ra cũng được cái tâm thường-trụ.
Nếu bảo không phải là tự-nhiên mà chứng, nhưng do
tự-tâm phát ý tự-chứng, gọi là tự-chứng, thì phát ý tức
là ý-thức, tức là có năng có sở, tức là cái khác rồi,
làm sao thành lập được cái thuyết tự-chứng?
Nếu bảo rằng không phải cái khác chứng, chỉ cái
tâm tự dừng nghỉ nên gọi là tự-chứng ; nhưng nếu không phát
ý thì không có năng sở, làm sao khiến cái tâm chứng được,
còn nếu phát ý thì tức là ý-thức, tức là cái khác chứng.
Nếu nói chúng sinh sự thật đều chứng bản-thể, chỉ
do vọng-tưởng không biết như vậy nên mới có niệm phân biệt; khi
biết được tâm-thể bản-tính vẳng lặng, không nghĩ các pháp thì
niệm tự dừng nghỉ, tức là chân-như tam-muội, như thế là ý
thức biết được bản-tính vẳng lặng hay là tự-tâm biết được
bản-tính vẳng lặng? Nếu là tự-tâm biết được bản-tính vẳng
lặng, không nghĩ các pháp, thì tất cả chúng sinh đều có tịnh-tâm,
lẽ ra đều tự biết bản-tính vẳng lặng, tự diệt trừ vọng-thức,
tự nhiên mà được chân-như tam-muội; nhưng do không tu thì không
chứng được, nên biết tịnh-tâm không được gọi là tự biết
vậy.
Nếu nói ý-thức biết được chỗ bản-chứng của
tịnh-tâm, liền tự nghỉ diệt, nên chỉ là ý-thức tự diệt chứ
không phải ý-thức chứng được tịnh-tâm, do đó bảo là tâm
tự-chứng, thì khi ý-thức biết chỗ bản-chứng của tịnh-tâm là
thấy được tịnh-tâm mà biết bản-chứng hay là không thấy
tịnh-tâm mà biết bản-chứng? Nếu nói không thấy tịnh-tâm mà biết
được bản-chứng, thì không thấy tâm Phật, lẽ ra cũng biết
được chỗ chứng của Phật. Nếu thấy tịnh-tâm nên biết được
bản-chứng thì tịnh-tâm tức là cái tướng thấy được, vì sao
trong luận lại nói rằng: "Tâm chân-như rời tướng tâm
duyên", lại trong kinh cũng nói: "Không phải cái thức biết
được, cũng không phải cảnh-giới của tâm". Lấy nghĩa đó mà
xét nghiệm thì định biết ý-thức không thấy tâm vậy. Do thấy,
cùng không thấy, đều không có đạo-lý biết được bản-tính vẳng
lặng của tịnh-tâm, nên dầu cho ý-thức hình như hiểu biết bản-tính
của tâm-thể, cái tâm vọng niệm cũng không dừng nghỉ được.
Nếu nói vọng-thức tuy không thấy tịnh-tâm, nhưng theo
kinh dạy, biết được tâm-tính vốn là vẳng lặng; các trí biết
được đó huân-tập tịnh-tâm khiến cho tâm tự biết bản-chứng,
không khởi ra niệm sau, gọi là tự-chứng ; thì khi ông nương theo
kinh dạy, biết tâm-tính bản-lai vẳng lặng, lại là làm ra cái
tướng vẳng lặng mà biết, hay không làm ra cái tướng vẳng lặng
mà biết? Nếu làm ra cái tướng vẳng lặng mà biết thì đó là
tướng vọng-tưởng, làm sao lại gọi là vẳng lặng. Nếu không làm
ra tướng ấy thì tâm không chỗ chuyên chú, liền thành tán loạn;
nếu nói phát ý không cho tán loạn thì phải có sở-duyên, và đã
có sở-duyên tức là vẫn có tướng, làm sao bảo được rằng
không làm ra tướng.
Nếu nói thất-thức thấy được tịnh-tâm nên biết
tâm-tính bản-lai vẳng lặng; biết rồi huân-tập cái tâm khiến cho
tâm tự biết bản-chứng, không khởi lên niệm sau thì gọi là
tự-chứng; nghĩa đó cũng không phải, vì cớ sao? Do thất-thức là
cái thức chấp-ngã, không thể thấy được bản-tính vẳng lặng của
tịnh-tâm; lại nếu là sở-duyên của năng-duyên thì không phải là
tịnh-tâm; như trong đoạn nói về thể-trạng tịnh-tâm ở trên đã
chỉ tỏ; sở-duyên đã không phải thật nên huân-tập cái tâm thì
trở lại sinh ra vọng-niệm.
Do những nghĩa đó, không có đạo lý gì mà tịnh-tâm
tự-chứng, không khởi ra niệm sau vậy.
Khoản 3: Phá Thuyết Tha Chứng
Nếu nói do cái khác chứng thì cũng không phải, vì
cớ sao? Tâm-thể vốn tự vẳng lặng, chỉ do có lục-thức,
thất-thức v.v... nên gọi là khác; do có cái khác đó nên nói
rằng: "Cái khác không chứng cái tâm nên lại chứng được
cái khác"; vậy nào cần gì phải dùng cái khác mà chứng tâm.
Nếu nói tâm-thể tuy vốn vẳng lặng, nhưng do
vọng-niệm vô-minh vô-thủy huân-tập nên có cái tập-khí vọng-niệm
ấy trong tâm, vì thế tâm-thể không chứng được tính vẳng lặng
và cần có cái khác chứng; thì dùng những phương tiện gì trừ
được tập khí trong tâm, khiến cho tâm chứng. Nếu nói không khởi
lên niệm mới nữa nên không huân-tập thêm những tập-khí kia và
tập-khí kia tự diệt; vậy trong lúc tập-khí kia chưa diệt, có lý do
gì để không khởi ra niệm mới; nếu không có pháp nào khác để
đối-trị thì tập-khí kia lẽ phải khởi ra niệm, mà nếu khởi ra
niệm thì càng thêm sức cho tập-khí kia vậy. Do những nghĩa đó,
cũng không lý gì bảo rằng do cái khác chứng.
Khoản 4: Phá Thuyết Chứng Tha
Nếu nói không cần dùng cái khác chứng tâm, chỉ
chứng cái khác và do chứng được cái khác, tập-khí tự diệt;
nghĩa đó cũng không phải. Cái khác đã có tập-khí làm cỗi gốc
nên niệm niệm thường khởi lên, nếu không trừ trước những
chủng-tử tập-khí kia thì do đâu mà chứng được vọng-niệm.
Lại tịnh-tâm không có đạo-lý chứng được cái
khác; vì nếu chứng được cái khác thì tất cả chúng sinh đều có
tịnh-tâm, lẽ ra tự nhiên đều có thể trừ được vọng niệm.
Nếu nói vọng-niệm trước sau tự ngăn cản nhau, lâu
lâu liền được dừng nghỉ nên gọi là chứng cái khác ; thì là
niệm trước ngăn niệm sau hay là niệm sau ngăn niệm trước. Nếu
nói niệm trước ngăn niệm sau thì khi niệm trước tồn tại, niệm sau
chưa sinh và khi niệm sau khởi lên thì niệm trước đã diệt, hai bên
không đuổi kịp nhau, làm sao mà ngăn nhau được. Nếu nói niệm sau
ngăn niệm trước thì cũng như thế, đã không đuổi kịp nhau thì làm
sao ngăn nhau được.
Nếu nói khi niệm trước khởi lên, liền tự ghét
bỏ sự khởi lên ấy; cái tâm ghét bỏ khởi lên huân tập
bản-thức, khiến cho không khởi ra niệm sau thì tâm không tự thấy
tâm, làm sao tự ghét bỏ được. Nếu cái niệm sau ghét bỏ niệm
trước và cái tâm biết ghét bỏ huân-tập bản-thức, khiến cho
không khởi lên niệm sau nữa thì khi cái tâm ghét bỏ niệm trước,
tâm ấy có biết niệm trước là rỗng-không nên ghét bỏ, hoặc
không biết là rỗng-không nên ghét bỏ. Nếu biết là rỗng-không
thì tức là vô-trần-trí, sao ông lại bảo không cần trí đó; lại
nếu biết là rỗng-không thì lẽ ra cũng không ghét bỏ. Còn nếu
không biết niệm trước là rỗng-không thì tâm ấy tức là vô-minh,
vì cớ sao? Vì niệm trước thật rỗng-không mà không biết được
vậy. Lại nữa, không biết niệm trước là rỗng-không, chấp có
niệm thật mà sinh tâm ghét bỏ thì đó là vọng-tưởng, vì cớ sao?
Vì nơi rỗng-không lại vọng khởi ra cái tưởng là thật có vậy.
Cái tâm ghét bỏ đó đã là vọng-tưởng vô-minh, tức là pháp
lay-động, lại đem nó huân-tập cái tâm thì càng thêm bất-giác,
càng thêm lay-đông; do đó thức phân biệt càng sinh khởi, nổi lên
như mây đùn, mà lại bảo rằng có thể khiến niệm sau không khởi
thì rõ là chiêm bao trong chiêm bao, chưa hề tỉnh giấc nên mới lập
ra cái thuyết đó; những người ít nhiều không ngủ thì chắc chắn
sẽ không nói như thế.
Khoản 1: Chính Diện Phá
Lại nữa, nếu nói rằng không phát ra tâm nghĩ các
pháp nên niệm không khởi lên thì là tịnh-tâm không phát ra
tâm-niệm hay là ý-thức không phát ra tâm-niệm. Nếu là tịnh-tâm
không phát ra tâm-niệm thì bản-lai do nhân gì phát tâm-niệm pháp,
nay bỗng nhiên do nhân gì mà không niệm pháp nữa. Nếu là ý-thức
không niệm pháp thì ý-thức tức là niệm rồi. Lại nói ý-thức
không phát tâm niệm pháp thì có đối thấy pháp-trần mà không
niệm, hay là không đối thấy pháp-trần mà không niệm, hoặc đối
mà không thấy nên không niệm, hoặc toàn không đối với
pháp-trần mà gọi là không niệm. Nếu không đối với trần thì
làm sao gọi là ý-thức, vì cớ sao? Vì thức quyết định phải nhận
biết cảnh sở-thức. Nếu đối mà không thấy thì tức là sự mù
quáng vô-tri. Nếu thấy mà không niệm thì do nhân gì mà không niệm
được. Do biết là rỗng-không nên không niệm, hay là do bảo rằng
có mà không niệm. Nếu biết là rỗng-không thì tức là
vô-trần-trí, đối mà không thấy, thấy mà không niệm, cả hai đều
không ngại gì; sao ông lại bảo rằng không cần cái trí đó. Nếu
bảo là có thì không thể không niệm; lại chính khi bảo là có đó
tức đã là niệm rồi.
Lại bảo là có, tức là vọng-tưởng vô-minh, mà
lại không niệm thì cũng ví như người nhát nhắm mắt vào nơi tối
tăm; người đó mở mắt mà vào, bên ngoài chỉ có tối đen, lại
sinh sợ hãi; nhắm mắt mà vào, trong ngoài đều tối thì ngược lại
bảo là yên ổn. Cũng giống như thế, người suy nghĩ các pháp ở
trước, chỉ có mê-cảnh-vô-minh thì sinh tâm ghét bỏ; khi không nghĩ,
tâm và cảnh đều mờ mịt thì trở lại bảo là hay. Lại nữa, nếu
không phát ý niệm pháp, tâm phải tán loạn; nếu phát ý không
niệm các pháp thì phát ý tức là loạn-động, không phải là pháp
vẳng lặng, làm sao được là chứng tâm vậy.
Khoản 2: Phê Phán
Chỉ chuyên tâm ở sự không niệm, rồi lấy sự
không niệm đó làm cảnh, ý-thức bị cảnh đó ràng buộc nên
không thể phan-duyên cảnh-giới khác; những người mê lầm không
biết việc đó, lại bảo rằng đối với các pháp không còn
phan-duyên nữa; họ tích cực sinh tâm ưa quý, cho là chân-pháp, nên
siêng năng phát ý tiếp tục không thôi; do ngày đêm tập luyện,
lâu thành thuần thục nên không cần phát ý, tự nhiên đi theo lối
đó. Chỉ vì người ấy không giác ngộ được sinh diệt thường
thường lưu chuyển, sát-na sát-na thường thường nổi lên, nổi lên
lại không biết nên vọng-tưởng vô-minh chưa trừ bỏ được mảy
may.
Lại không hiểu bản-thân ở vị nào, bèn bảo rằng
tâm ta đã an-trụ nơi tịch-tịnh và đó chắc là chân-như tam-muội,
khi kế-chấp như thế thì rõ ràng không biết phận, biết lượng vậy.
Tuy thế, chuyên tâm vào một cảnh cũng là một lối tu chỉ, xa có
thể làm cơ sở cho trí vô-trần, gần có thể làm xiềng xích cho
tâm-viên loạn-động, so sánh với những kẻ phan-duyên ngũ-dục,
giong ruổi sáu căn thì đã tốt hơn trăm ngàn vạn lần, chỉ không
phải là tâm-thể tịch-chiêu chân-như tam-muội. Vì thế, người tu
hành làm mà không chấp thì đó là pháp-môn tiệm tu ; nếu muốn
thành tựu đạo xuất-thế thì quyết phải nhờ vô-trần-trí vậy.
Đây trong chỗ chỉ tỏ sự nương tựa của chỉ quán,
chỉ xong phần "Lấy cái gì mà nương tựa."
Từ trên đến đây, trong năm phần kiến lập, đã chỉ
tỏ xong phần thứ nhất về sự "Nương tựa của chỉ quán".
Khoa 1: Tóm Chỉ Tỏ Ba Tính
Thứ nữa, chỉ tỏ cảnh-giới của Chỉ, quán, nghĩa là
pháp tam-tự-tính, trong đó lại phân tích ra hai phần, một là tóm
chỉ tỏ ba tính, hai là riêng chỉ tỏ ba tính. Về tóm chỉ tỏ ba tính
thì xuất-chướng chân-như và tịnh-đức của Phật đều gọi là
chân-thật-tính; chân-tính trong chướng cùng với nhiễm hòa hợp,
gọi là a-lại-gia-thức, đó tức là y-tha-tính; còn vọng-tưởng
phân biệt nơi lục-thức, thất-thức thì đều gọi là
phân-biệt-tính; đây là lối nói tổng quát vậy.
Đoạn 1: Chỉ Riêng Về Chân Thật
Tính
Về riêng chỉ tỏ ba tính thì ban đầu chỉ tỏ
chân-thật-tính, trong đó lại có hai thứ: một là lấy tịnh-tâm
hữu-cấu làm chân-thật-tính, hai là lấy tịnh-tâm vô-cấu làm
chân-thật-tính.
Tịnh-tâm hữu-cấu tức là thể-thật của chúng sinh,
bản-tính của sự-nhiễm, đầy đủ dụng-trái, nương huân-tập mà
biến hiện nên gọi là hữu-cấu; nhưng bản-thể bao trùm dụng-tịnh;
tự-tính không ô-nhiễm, cái cấu năng-huân vốn rỗng không, cái
tướng sở-hiện thường vẳng lặng, nên lại gọi là tịnh; vì thế
nên gọi là tịnh-tâm hữu-cấu.
Tịnh-tâm vô-cấu tức là thể-tính của chư Phật, là
tính-thật của đức-tịnh, tuy bản nhiên đầy đủ cái tính của
dụng-trái, nhưng do huân-tập nhiễm-ô đã dừng, nên sự-nhiễm
dứt hẳn; thể-tính đó lại sẵn có công-năng dụng-thuận, do sự
huân-tập thanh tịnh đầy đủ nên sự-tịnh tỏ bày; vì thế gọi là
vô-cấu. Tuy do huân-tập hiển hiện, nhưng cái dụng của tính-tịnh
không thêm; dầu cho dứt bỏ mê lầm, cái công dụng thể-chiếu vốn
đủ, nên lại gọi là tịnh; do đó nên gọi là tịnh-tâm vô-cấu.
Song nương huân-tập luận về dụng nên có hữu-cấu
vô-cấu khác nhau; chính nơi thể mà nói về chân, vốn không có sự
sai khác giữa hữu-nhiễm và vô-nhiễm; đó tức là
đại-tổng-pháp-môn, thật-tính bình đẳng, nên gọi là
chân-thật-tính.
Hỏi: Đã nói cái tịnh hữu-cấu thì lẽ ra cũng nói
được cái nhiễm vô-cấu?
Đáp: Cũng có nghĩa đó, dụng-trái của chư Phật,
tức là cái nhiễm vô-cấu; chỉ vì muốn khiến chúng sinh bỏ cái
nhiễm, mong cái tịnh nên không bày tỏ.
Điều 1: Chia Khoa
Phần thứ hai chỉ tỏ y-tha-tính, cũng có hai thứ: một
là tịnh-phần y-tha-tính, hai là nhiễm-phần y-tha-tính.
Điều 2: Giải Thích Về Tịnh-Phần
Y-Tha-Tính
Tịnh-phần y-tha-tính tức là thể chân-như kia đầy đủ
cái dụng của hai tính nhiễm tịnh; khi được pháp-tịnh vô-lậu
huân-tập thì công dụng sự-nhiễm liền hết, gọi là thanh tịnh. Lại
do nương sự huân-tập của những nghiệp-tịnh kia, cái dụng tính-tịnh
mới tỏ hiện ra, nên gọi là y-tha. Dụng thanh tịnh tỏ hiện tức là
chứng ba thân, cõi tịnh-độ, và tất cả các đức tự-lợi
lợi-tha.
Hỏi: Bảo rằng cái dụng tính-nhiễm, do sự huân-tập
nhiễm đã diệt nên không khởi ra sinh tử; nhưng sau khi thành Phật
rồi, tính-nhiễm đó đâu phải hoàn toàn vô-dụng?
Đáp: Tính đó tuy được sự huân-tập vô-lậu,
không khởi ra sinh tử; nhưng do từ lúc phát tâm đến bây giờ,
có sức huân-tập của nguyện đại-bi, lại được sự huân-tập
các duyên của căn cơ có thể hóa độ nên thị hiện được cái
dụng-trái, nghĩa là thị hiện đồng như lục-đạo, cùng có tam độc,
quyền hiện chịu khổ-báo, ứng-thân cũng chết cũng diệt v.v..., đó
tức là những pháp của tịnh-phần phân-biệt-tinh.
Hỏi: Đã do tính-nhiễm khởi lên thì vì sao lại gọi
là tịnh-phần?
Đáp: Chỉ vì đó là đức của Phật vậy. Từ nơi
Phật trông về chúng sinh nên gọi đức đó là thanh tịnh; nếu riêng
căn cứ trong các đức của Phật mà luận về nhiễm tịnh thì đức
đó thật là việc thị-hiện ra dụng-trái, dụng-nhiễm.
Hỏi: Đã nói là pháp y-tha-tính, làm sao lại gọi là
phân-biệt-tính?
Đáp: Đức đó nương theo sự huân-tập của nguyện
đại-bi mà khởi lên, tức là pháp y-tha-tính; nếu lấy chỗ đức
đó đối với duyên mà thị-hiện giáo-hóa, thì tức là pháp
phân-biệt-tính vậy.
Hỏi: Chân-thật-tính vô-cấu và y-tha-tính thanh tịnh,
rốt cuộc khác nhau thế nào?
Đáp: Chân-thật-tính vô-cấu là lấy cái nghĩa
bản-thể tỏ bày, rời chướng cấu, tức là thể vậy; y-tha-tính
thanh tịnh là nương theo sức huân-tập, hiện khởi ra những sự-tính
sai khác, tức là tướng vậy; còn phân-biệt-tính thanh tịnh, là
công-năng thị-hiện giáo hóa đối với duyên, tức là dụng vậy.
Điều 3: Giải Thích Về Nhiễm Phần
Y-Tha-Tính
Nói nhiễm-phần y-tha-tính, nghĩa là tịnh-tâm kia, tuy
bản-thể đầy đủ cái tính của hai dụng trái thuận, nhưng do bị
những vô-minh nhiễm-pháp trong phân-biệt-tính huân-tập nên cái
dụng tính-trái nương theo huân-tập mà biến hiện ra các pháp
hư-trạng, tức là sự trôi lăn trong sống chết, luân hồi trong sáu
đường, nên gọi đó là những pháp nhiễm-phân y-tha-tính. Hỏi:
Cái dụng tính-thuận chưa được nghiệp-tịnh huân-tập để tỏ bày;
tuy vậy ở trong sinh tử, đâu phải tính đó toàn vô-dụng? Đáp: Tuy
chưa được sự huân-tập vô-lậu, đức-tịnh không hiện ra, nhưng do
sức trí-đồng-thể của chư Phật hộ-niệm, khi tu việc lành cõi
trời cõi người, gặp thiện-tri-thức thì lần lần phát được
đạo-tâm; đó là cái dụng của tính-tịnh vậy.
Hỏi: Tất cả chúng sinh đều đủ tính-tịnh, lại bình
đẳng được chư Phật hộ-niệm; vì nhân gì lại có người phát
tâm trước, kẻ phát tâm sau, lại có người phát, có người
không phát?
Đáp: Từ vô-thủy đến nay, chúng sinh gây nghiệp
khác nhau, nặng nhẹ không đồng, trước sau không phải một; người
tội cấu nhẹ thì được nhờ sức-trí của Phật, người tội cấu
nặng thì tuy có sức-trí mà không nhờ được.
Hỏi: Người tội cấu nặng, cái dụng tính-tịnh đâu
phải hoàn toàn không có công-năng? Đáp: Chỉ cái thể tính-tịnh
không mất, nhưng do tội cấu nặng quá nên không có công-năng vậy.
Hỏi: Trên có nói, thể của phàm thánh đều đầy
đủ hai tính thuận và trái, chỉ do sức huân-tập nhiễm tịnh mà có
cái hiện, có cái không hiện. Vì cớ sao chư Phật đầy đủ sự
huân-tập thành tịnh mà không ngại gì có sức thị-hiện dụng-trái.
Còn phàm phu nghiệp-nhiễm nặng quá lại khiến cho cái dụng của
tính-thuận hoàn toàn không có công-năng; nếu do nghiệp-nhiễm nặng
quá, tính-tịnh không có công-năng thì lẽ ra khi nghiệp-tịnh đầy
đủ, tính nhiễm cũng hoàn toàn vô-dụng; khi nghiệp-tịnh đầy đủ,
đã có công-năng thị-hiện dụng-trái thì khi nghiệp-nhiễm quá nặng,
chắc cũng có được cái dụng của tính-thuận?
Đáp: Chư Phật có sự huân-tập của đại-nguyện
đại-bi nên khởi được dụng-trái của tính-nhiễm pháp-giới,
khiến cho chúng sinh theo cơ cảm mà thấy được; còn chúng sinh thì
chưa tu tập việc chán phàm mong thánh nên dụng-tịnh vô-biên của
tính-thuận bị che giấu, không để cho chư Phật đồng soi. Không có
căn tịnh có thể soi nên vị đại-thánh mới bỏ để tiêu biểu là
biết cơ; có những đức nhiễm có thể thấy nên hạ-phàm tìm đến
để bày tỏ khả năng được hóa độ. Vậy nên nghiệp-tịnh đầy
đủ không ngại gì có được đức-nhiễm, nghiệp-nhiễm nặng nề thì
không thể có được dụng-tính.
Điều 1: Chỉ Về Tịnh-Phần
Phân-Biệt-Tính
Phần thứ ba chỉ tỏ phân-biệt-tính, lại có hai thứ:
một là tịnh-phần phân-biệt-tính, hai là nhiễm-phần phân-biệt-tính.
Nói tịnh-phần phân-biệt-tính, là tức trong tịnh-phần
y-tha-tính kia, hiện ra những đức lợi-tha; đức nầy đối với
vô-phân-biệt-trí là trí nội-chứng thì đều gọi là phân biệt;
đức nầy là nhất-thiết-chủng-trí, biết được sự vật khác nhau
trong thế-đế cho đến các tâm, tâm-sở của tất cả chúng sinh,
không gì không biết hết; đức nầy là việc thị-hiện những tướng
ngũ-thông, tam-luân ứng hóa những hình lục-đạo, tứ sinh, cho đến
nương theo trí tuệ nội-chứng, khởi ra trí-dựng giáo hóa, chỉ dạy
cho những người chưa nghe về chỗ mình đã chứng được, những
việc như thế thì đều gọi là những pháp tịnh-phần phân-biệt-tính.
Nghĩa đó thế nào? Nghĩa là tuy khởi những sự
vô-biên nhưng lại rốt ráo không bị thế-gian nhiễm-trược, không
có công dụng mà tự nhiên thành tựu nên gọi là thanh tịnh. Lại
tức cái giác thanh tịnh đó, theo cảnh mà ứng dụng khác nhau nên
gọi là phân biệt. Lại đối với duyên mà nhiếp hóa, khiến cho
người khác được thanh tịnh, dùng đức nhiếp hóa vì người khác
mà phân biệt nên gọi là tịnh-phần phân-biết-tính.
Điều 2: Giải Thích Về Nhiễm-Phần
Phân-Biệt-Tính
Nói nhiễm-phần phân-biệt-tính, tức là trong
nhiễm-phần y-tha-tính kia, hiện ra những pháp hư-trạng, những pháp
tợ-sắc, tợ-thức, tợ-trần, v.v... Vì cớ sao đều gọi là tợ?
Vì nó đều do nhất-tâm nương huân-tập mà hiện ra, chỉ là
tâm-tướng, giống như là pháp, nhưng không phải thật nên gọi là
tợ. Do khi một niệm tợ-thức hiện khởi ra, thì liền cùng
tợ-trần đồng khởi, nên trong lúc đương khởi ra không biết
tợ-trần, tợ-sắc v.v..., do tâm làm ra, hư-giả không thật. Vì không
biết như thế nên giả dối phân biệt, chấp cái hư làm thật; rồi
vì vọng-chấp đó, cảnh theo tâm mà chuyển và đều thành thật-sự;
đó tức là những sự mà phàm phu hiện nay đang thấy. Khi chấp như
thế, liền niệm niệm huân-tập cái tâm, trở lại thành y-tha-tính;
tính nầy nương theo sự huân-tập của vọng-chấp như trên mà khởi
ra phân-biệt-tính; như thế, những niệm hư-vọng trước sau sinh lẫn
nhau mãi.
Hỏi: Phân-biệt-tính cùng y-tha-tính đã sinh lẫn nhau
thì khác nhau thế nào?
Đáp: Y-tha-tính là tâm tính nương huân-tập mà khởi
lên, chỉ là tâm-tướng, tự-thể hư-giả không thật; còn
phân-biệt-tính là do vô-minh không biết những pháp y-tha là hư-giả,
nên vọng-chấp là thật sự; vậy nên tuy không có cái thể nào
khác sinh khởi ra nhau, mà bên hư bên thật có khác, nên gọi là
phân-biệt-tính vậy.
Mục 2: Hợp Lại Để Chỉ Tỏ
Lại có một nghĩa để chỉ tỏ ba tính: chính tâm-thể
bình đẳng gọi là chân-thật-tính; tâm-thể bị nhiễm tịnh vương vấn,
nương theo hai pháp nhiễm tịnh, gọi là y-tha-tính, quả-báo hư-tướng
hiện ra, gọi là phân-biệt-tính.
Lại có một nghĩa nữa là chính trong y-tha-tính mà
phân tích ra làm ba tính: một là phần-tịnh, tức là cái chân trong
nhiễm thì gọi là chân-thật-tính; hai là phần-nhiễm, tức là những
chủng-tử tập-khí pháp-nhiễm và quả-báo hư-tướng thì gọi là
phân-biệt-tính; hai tính đó hòa hợp không hai, tức là y-tha-tính
vậy.
Hỏi: Khi tợ-thức giả dối phân biệt, đó là
ý-thức tóm phân biệt được sáu trần, hay là mỗi mỗi sáu thức
tự phân biệt được một trần?
Đáp: Khi năm thức duyên với trần thì mỗi cái đều
cùng ý-thức đồng thời khởi lên, như khi nhãn-thức thấy
tợ-sắc thì liền có một ý-thức đồng thời khởi lên mà phân
biệt vọng-chấp; các thức khác cũng như thế. Vậy nên ý-thức
tóm phần biệt vọng-chấp được sáu trần; còn năm thức trước
chỉ nhận được năm trần, chứ không sinh phân biệt vọng-chấp.
Hỏi: Vọng-chấp năm trần là thật, đó là năm
câu-ý-thức hay là đệ-lục ý-thức?
Đáp: Trong Đại-thừa, không nói đến sự khác nhau
giữa năm câu-ý-thức và đệ-lục ý-thức, chỉ cái gì phân biệt
được thì đều gọi là ý-thức. Trên đây đã chỉ tỏ xong phần
thứ hai vè cảnh-giới của chỉ quán.
Khoa 1: Tóm Nêu Ra
Thứ nữa chỉ tỏ phần thứ ba về thể-trạng của Chỉ,
quán, trong đó lại chia ra hai phần để chỉ tỏ: một là chính nơi ba
tính nhiễm-trược để chỉ tỏ thể-trạng của chỉ, quán; hai là chính
nơi ba tính thanh tịnh để chỉ tỏ thể-trạng của chỉ quán.
Mục 1: Chia Ra Các Mục
Trong phần đầu thì chính trong ba tính nhiễm trược, lại
chia ra ba phần khác nhau để chỉ tỏ; một là nương với
phân-biệt-tính, hai là luận về y-tha-tính, ba là đối với
chân-thật-tính.
Điều 1: Nói Về Quán
Đối với phân-biệt-tính để chỉ tỏ thể-trạng của
chỉ quán thì trước hết là từ quán mà vào chỉ. Nói quán là
nên quán năm ấm với sáu ngoại-trần, đối với mỗi mỗi pháp,
đều phát ra cái niệm: "Nay tôi thấy pháp đó, bảo là thật
có, hình chất cứng chắc ngăn ngại, bản lai như thế, là chỉ do
ý-thức có quả-thời vô-minh, nên không biết pháp đó là
rỗng-không: do không biết các pháp là rỗng không nên khởi ra
vọng-tưởng chấp cho là thật; vậy nên hiện nay trong ý tôi đích
xác cho là thật-sự". Lại phát ra cái niệm rằng: "Vô-thủy
đến nay, do chấp là thật như thế mà đối với tất cả cảnh giới,
khởi ra tham, sân, si, gây nhiều thứ nghiệp, chuốc lấy sống chết,
không ra khỏi được". Khi phát được sự nhận hiểu như thế
thì gọi là tu quán.
Điều 2: Nói Về Chỉ
Quán như thế rồi, lại phát cái niệm rằng: "Nay
tôi đã biết do vọng-tưởng vô-minh, nơi không phải thật, bảo là
thật, nên trôi lăn trong sinh tử, thì làm sao lại vẫn muốn tin cái
tâm si-mê hư-vọng đó; vậy nên cần phải trái ngược lại nó,
gượng quán các pháp chỉ là tâm-tướng, hư-trạng không thật.
Cũng như trẻ con ưa cái bóng trong gương, bảo là người thật: song
cái bóng đó, thể-tính không thật, chỉ do tâm trẻ con tự bảo là
thật; chính khi bảo là thật đó, tức là không có thật vậy. Tôi
nay cũng thế, do mê vọng nên nơi không phải thật, bảo là thật,
dầu cho trong ý đích xác chấp là thật cũng tức là không có
thật, cũng như cảnh giới do tâm tưởng tượng ra toàn không có
thật sự vậy". Lại nên quán cái tâm năng quán đó, cũng
không có niệm thật, chỉ do si-vọng nên bảo là có niệm thật, theo
đạo-lý tức là không có thật vậy. Cứ như thế, theo thứ lớp,
dùng niệm sau phá niệm trước, xem như những tâm-niệm nghĩ ngợi
nhớ biết trong chiêm bao, không có niệm thật vậy. Phát được sự
nhận hiểu đó rồi thì tâm vọng-chấp dừng nghỉ, tức là từ nơi
quán vào chỉ vậy.
Đoạn 2: Từ Chỉ Khởi Ra Quán
Lại do biết được các pháp không thật nên khi quán
trở lại những cái trước kia bảo là thật thì nhận biết chỉ là
vô-minh vọng-tưởng; thế gọi là từ chỉ khởi ra quán. Nếu từ
pháp chỉ đó đi thẳng vào quán y-tha-tính thì gọi là từ chỉ vào
quán.
Điều 1: Nói Về Quán
Thứ nữa chỉ tỏ thể-trạng chỉ quán trong y-tha-tính
thì trước hết cũng do quán vào chỉ. Nói quán nghĩa là nhân phép
tu chỉ trong phân-biệt-tính trước kia, biết các pháp không thật nên
ở đây liền hiểu biết tất cả ngũ-ấm, lục-trần, pháp nào pháp
nào cũng đều do tâm làm ra, chỉ có hư-tướng, cũng như cảnh-giới
do tâm tưởng-tượng ra, hình như là có, thật-thể là rỗng-không.
Khi nhận hiểu được như thế thì gọi là quán.
Điều 2: Nói Về Chỉ
Quán như thế rồi, lại phát cái niệm rằng:
"Những pháp rỗng-không như thế chỉ do vọng-nghiệp của
vọng-tưởng vô-minh huân-tập cái tâm, nên tâm theo sự huân-tập
mà tỏ bày, cũng như do nhân duyên bệnh sốt mà trong con mắt tự
hiện ra hoa đốm hư-không. Song thể-tướng hoa đốm ấy, có tức là
không phải có, không sinh không diệt. Nay tôi thấy các pháp
rỗng-không thì cũng như thế, chỉ do nhất-tâm hiện ra, có tức là
không phải có, vốn tự không sinh, nay cũng không diệt". Cứ
duyên với tâm mà khiến bỏ cái tâm như thế thì biết các tướng
vốn không có, nên cái chấp có hư-tướng liền diệt: đó gọi là
từ quán vào chỉ.
Đoạn 2: Từ Chỉ Khởi Ra Quán
Đã biết cái có của các pháp tức là không phải
có, mà lại biết cũng không ngại gì nó không phải có mà có,
hình như có tỏ hiện ra, đó gọi là tự chỉ khởi ra quán. Nếu do
phép tu chỉ đó, đi thẳng vào quán chân-thật-tính thì gọi là từ
chỉ vào quán vậy.
Đoạn 1: Dùng Chỉ Quán Để Bày
Tỏ Vô-Tính-Tính
Thứ nữa chỉ tỏ phần thứ ba về thể-trạng chỉ quán
trong chân-thật-tính, thì trước cũng từ quán vào chỉ. Nói quán
nghĩa là nhân phép tu chỉ trong y-tha-tính trước kia, biết cái có của
các pháp tức là không phải có, nên trong đó liền biết tất cả
các pháp bản-lai duy tâm, ngoài tâm không có pháp, thì liền phát
cái niệm rằng: "Đã nói ngoài tâm không có pháp, chỉ có
nhất-tâm thì cái tướng của tâm đó là thế nào? Là không có
hai tính trước nên liền lấy cái không đó mà làm tâm chăng, hay
là ngoài và khác cái không kia, riêng có tịnh-tâm chăng? Khi phát
cái niệm đó thì gọi là quán.
Rồi liền phát cái niệm rằng: "Không là pháp
không có, đối với có mà sinh ra; cái có còn bản-lai là không
có thì sao lại có được cái pháp không-có để làm tịnh-tâm.
Lại nữa, pháp không-có gồm trong tứ-cú mà tịnh-tâm thì rời
tứ-cú, làm sao lấy cái pháp không-có đó làm tịnh-tâm
được". Khi phát cái niệm đó, tâm chấp-không liền diệt thì
gọi là chỉ.
Đoạn 2: Dùng Chỉ Quán Để Bày
Tỏ Vô-Chân-Tính
Từ phép chỉ đó, lại vào phép quán, quán nơi
tịnh-tâm, phát ra cái niệm rằng: "Cái không của cả hai tính đó
đã không phải tịnh-tâm thì còn có pháp gì để làm tịnh-tâm. Lại
cái tâm đó là thấy được hay không thấy được, là nghĩ được
hay không nghĩ được"? Khi phân biệt như thế thì gọi là quán.
Liền lại nghĩ rằng: "Ngoài tâm không có pháp thì
sao còn có cái gì thấy được tâm đó, còn có cái gì nghĩ
được tâm đó. Nếu duyên-niệm tâm đó, thì tâm thành cảnh-giới
và liền có năng-duyên sở-duyên, tức là ngoài tâm lại có cái
trí quán được tâm đó, thì làm sao gọi được là "Nhu"?
Lại cái tâm của ta tìm tâm, thật thể chỉ là tịnh-tâm, đâu có
pháp nào khác có thể duyên, có thể niệm được. Chỉ do tập-khí
vọng-tưởng nên tự sinh ra phân biệt; cái tướng phân biệt, có
tức là không phải có, thể chỉ là tịnh-tâm. Lại giả sử phân
biệt thì cũng liền biết chính là tịnh-tâm phân biệt vậy.
Ví như con mắt thấy hoa đốm hư-không, nghe nói hoa đốm
do nhãn-căn làm ra, có tức là không phải có, chỉ có nhãn-căn;
nghe nói như vậy rồi, biết hoa đốm vốn không có, không chấp
trược nơi hoa đốm, trở lại mở mắt to ra, tự tìm nhãn-căn của
mình, rốt cuộc không thể thấy được, rồi lại bảo các thứ
nhãn-căn khác là nhãn-căn của mình; vì cớ sao? Do không biết cái
nhãn-căn đi tìm chính là cái nhãn-căn bị tìm vậy. Nếu biết
được hoa đốm vốn không, ngoài nhãn-căn không có pháp, chỉ có
nhãn-căn, không cần phải tìm nhãn-căn nữa thì liền không dùng
nhãn-căn đi tìm nhãn-căn.
Người tu hành cũng thế, nghe nói ngoài tâm không có
pháp, chỉ có nhất-tâm thì dầu đã không nghĩ các pháp bên ngoài,
nhưng do tập-khí vọng-tưởng, lại sinh phân biệt, đi tìm tịnh-tâm;
vậy nên cần biết cái đi tìm tịnh-tâm chính là tịnh-tâm; giả sử
có sinh ra phân biệt thì cũng tức là tịnh-tâm; mà cái thể của
tịnh-tâm thường không phân biệtở. Nhận hiểu được như thế thì
gọi là tùy thuạẤn chân-như, cũng được gọi là chỉ.
Đoạn 3: Dùng Chỉ Quán Để Bày
Tỏ Căn-Bản Chân-Như-Tam-Muội
Tu tập lâu lâu, tập-khí vọng-tưởng vô-minh diệt
hết thì niệm tự dừng nghỉ, gọi là chứng chân-như, cũng không
có pháp nào khác đến chứng, chỉ như sóng lặng vào nước thì
gọi là chân-như; đó là phép chỉ đại-tịch-tịnh.
Lại do từ phát tâm đến nay, có sức huân-tập của
phương tiện tu quán và của nguyện đại-bi nên liền ở trong định
phát khởi đại-dụng, hoặc từ định khởi lên nhiều thứ khác
nhau, như niệm, như thấy, như tâm, như cảnh, đó tức là cái dụng
của chân-như vậy, đó cũng gọi là từ chỉ khởi ra quán.
Đoạn 4: Dùng Chỉ Quán Để Bày
Tỏ Tịch Chiếu Hiện Tiền
Lại phân biệt rõ ràng mà tự thể thường vẳng
lặng, tự-thể thường vẳng lặng mà duyên khởi ra phân biệt, đó
gọi là tu song song chỉ và quán.
Đoạn 1: Nói Về Công Năng Chỉ
Quán
Trên đây chia ra ba lớp để chỉ tỏ hai phép chỉ quán
thì nên biết phép quán tức là thành lập ba tính, duyên khởi ra
thành có; phép chỉ tức là diệt trừ ba tính, vào được ba
vô-tính; vào ba vô-tính, nghĩa là trừ phân-biệt-tính vào
vô-tướng-tính, trừ y-tha-tính vào vô-sinh-tính, trừ chân-thật-tính
vào vô-tính-tính.
Đoạn 2: Nói Về Bốn Lớp Tu Hành
Trong Chân-Thật-Tính
Sở dĩ trong chân-thật-tính, lại phân tích phép chỉ
quán thành bốn lớp, là do chỗ tột sâu như thế nhiệm mầu khó
biết; vậy nên lớp đầu chỉ cái vọng-không không phải thật và
trừ vọng-không thì gọi là chỉ, tức là vô-tính-tính; lớp thứ
hai chỉ tỏ tức cái ngụy là chân, dứt trừ cái chấp có khác nhau
để tỏ tính vẳng lặng, tức là vô-chân-tính; vậy nên
vô-tính-tính hoặc cũng gọi là vô-vô-tính hay là vô-chân-tính;
lớp chỉ quán thứ ba tức là căn-bản chân-như tam-muội; lớp chỉ
quán cuối cùng thứ tư tức là song-hiện-tiền vậy (tịch chiếu
đồng thời).
Đoạn 3: Nói Về Tu Có Thứ Lớp
Lại người tu hành, nếu căn cơ thông lợi, nhận
thức sâu sắc, thì không cần bắt đầu tu từ phần phân-biệt-tính
thứ nhất mà chỉ tu thẳng phần thứ hai về y-tha-tính. Y-tha-tính đó
cũng được gọi là phân-biệt-tính, do đủ nghĩa của hai tính vậy.
Nếu không làm như thế được thì nên theo thứ lớp tu phần thứ
nhất về phân-biệt-tính, rồi về sau tu phần thứ hai về y-tha-tính,
cứ theo thứ lớp mà tiến, nhưng quyết không thể vượt hai tính
trước, tu thẳng phần thứ ba về chân-thật-tính vậy. Lại tuy bắt
đầu tu hành, không ngại gì, trong từng niệm từng niệm, học cả ba
phần để giúp cho việc tu hành phần thứ ba vậy.
Đoạn 4: Nói Về Cần Trừ Vọng
Chấp
Hỏi: Đã nói là pháp chân-thật-tính thì có gì phải
trừ; nếu đã trừ được, tức là không phải chân thật?
Đáp: Chấp cái không có hai tính phân-biệt và y-tha
là chân-thật-tính thì cần phải trừ, cho nên gọi là vô-vô-tính.
Vọng-trí phân biệt cái tịnh-tâm bảo rằng có thể quán được thì
cũng cần phải dứt lối phân biệt tướng khác đó và chỉ bày
không có chân-tính riêng khác có thể phân biệt được, nên gọi
là vô-chân-tính. Chỉ trừ những lối lầm chấp cái chân-như nơi
chân-tính, chứ không bảo trừ diệt cái thể chân-như.
Đoạn 1: Ví Dụ Với Phép Quán
Của Ba Tính
Lại có những ví dụ có thể chỉ tỏ hai pháp chỉ
quán trong ba tính, nay cũng nên nói. Ví như khăn tay, bản lai không có
con thỏ; pháp chân-thật-tính cũng lại như thế, chỉ một tịnh-tâm,
tự-tính rời các tướng vậy. Thêm sức huyễn-thuật vào, cái
khăn hiện ra giống như con thỏ; pháp y-tha-tính cũng lại như thế,
vọng-tưởng huân tập chân-tính hiện ra các tướng lục-đạo.
Người nhỏ dại không biết, bảo con thỏ là thật-sự; pháp
phân-biệt-tính cũng lại như thế, ý-thức mê vọng chấp cái hư
giả làm thật. Vậy nên trong kinh nói rằng: "Tất cả các pháp
đều như huyễn". Đó là ví dụ với phép quán trong ba tính vậy.
Đoạn 2: Ví Dụ Với Phép Chỉ Của
Ba Tính
Nếu biết con thỏ đó, nương cái khăn mà hình như
có, chỉ là hư giả không thật; cái trí vô-tướng-tính cũng lại
như thế, biết được các pháp nương với tâm mà hình như có, chỉ
là hư-trạng, không có tính-cách tướng-thật vậy. Nếu biết tướng
của con thỏ hư-giả chỉ là khăn tay, con thỏ trên cái khăn tay, có
tức là không phải có, bản-lai không sinh; trí vô-sinh-tính cũng lại
như thế, biết được hư-tướng chỉ là chân-tâm; cái tướng do
tâm hiện ra, có tức là không phải có, tự-tính không sinh vậy.
Nếu biết khăn tay bản-lai là có, không nhận sự "không có con
thỏ" làm cái khăn tay; trí vô-tính-tính cũng lại như thế, biết
được tịnh-tâm bản-tính tự có, không lấy "cái không của hai
tính" làm chân-thật-tính. Đó tức là ví dụ với phép chỉ của
ba vô-tính.
Đoạn 3: Kết Hợp Tu Trì Chỉ Quán
Vậy nên nếu muốn rời bỏ thế-đế thì nên tu phép
chỉ vào ba vô-tính; nếu muốn không bỏ duyên-khởi, kiến lập ra
thế-đế thì nên tu phép quán, hiểu biết ba tính. Nếu không tu phép
quán thì không biết sở-do duyên-khởi ra thế-đế; nếu không tu
phép chỉ thì không biết sở-do chân-đế thường vắng lặng. Nếu
không tu phép quán thì không biết chân tức là tục; nếu không tu
phép chỉ thì không biết tục tức là chân. Do những nghĩa đó, cần
nương theo ví dụ sự huyễn, thông suốt ba tính và ba vô-tính.
Đoạn 4: Suy Rộng Đến Các Ví Dụ
Khác
Cũng như ví dụ sự-huyễn có thể làm cho thông suốt
ba tính và ba vô-tính, những ví dụ khác như chiêm bao, biến hóa,
bóng trong gương, trăng dưới nước, bóng quáng nắng, thành
Càn-thát-bà, ngạ-quỷ v.v..., phàm có sự nương với thật mà
khởi ra hư và chấp cái hư làm thật thì đều có thể ví dụ với
ba tính. So sánh lại cũng biết được rằng: Nếu chính nơi chỗ nương
với thật khởi ra hư của các ví dụ đó thì cũng ví dụ riêng
được với y-tha-tính; chỗ bản-thể của hư-giả là thật thì có
thể ví dụ với chân-thật-tính; chỗ cái hư-giả theo chấp-trược
chuyển thành như thật thì có thể ví dụ với phân-biệt-tính. Vậy
nên các ví dụ đó đều có thể ví với cả ba tính. Nhận biết các
sự vật dùng làm ví dụ đó, theo thứ lớp, đều không có
tướng, thì có thể ví dụ với ba vô-tính vậy
Mục 7: Lấy Chiêm Bao Làm Ví Dụ
Để Chỉ Tỏ
Lại phân biệt thêm về ví dụ chiêm bao để chỉ tỏ ba
tính và ba vô-tính. Ví như phàm phu đã tập quen các pháp thì tâm
trong chiêm bao hiện ra các pháp; pháp y-tha-tính cũng lại như thế, do
từ vô-thủy đến nay, quả-thời vô-minh và vọng-tưởng huân-tập
tính chân-thật nên chân-tâm nương theo huân-tập hiện ra quả-báo
hư-tướng vậy. Người trong chiêm bao kia, bị ngủ mê che lấp, không
tự biết được thân mình và thân người khác đều do tâm chiêm
bao làm ra và chấp là thật-sự; do đó mình và người cùng các
thứ thụ dụng trong chiêm bao được thành lập; pháp phân-biệt-tính
cũng lại như thế, ý-thức bị quả-thời vô-minh mê hoặc, không
biết mình và người đều là chân-tâm nương huân-tập hiện ra, nên
vọng-chấp là thật; do đó mình và người cùng các thứ thụ dụng
được thành lập. Vậy nên trong kinh nói rằng: "Thân này như
chiêm bao, là kiến-chấp hư-vọng"; hư tức là y-tha-tính, vọng
tức là phân-biệt-tính; đó tức chỗ duyên-khởi của ba tính mà
làm phép quán vậy.
Song những cái mà trong chiêm bao nhận định là thật,
chỉ là những tướng của tâm chiêm bao, vốn không có thật; pháp
phân-biệt-tính cũng lại như thế, chỉ là hư-tưởng từ tâm khởi
ra, bản-lai không thật; đó tức là vô-tướng-tính vậy. Lại cái
có của hư-tướng trong chiêm bao tức là không phải có, chỉ là
tâm chiêm bao, chứ không có pháp nào khác; pháp y-tha-tính thì cũng
như thế, cái có của các hư-tướng mình và người, tức là không
phải có, chỉ là bản-thức, chứ không có pháp nào khác, đó
tức là vô-sinh-tính vậy. Lại cái tâm trong chiêm bao kia, tức là
cái tâm trong lúc tỉnh táo, chỉ do nhân duyên thiếp ngủ nên gọi là
tâm chiêm bao; ngoài tâm chiêm bao, không thể tìm có tâm-tỉnh-táo
nào riêng khác; pháp chân-thật-tính thì cũng như thế, bình đẳng
không hai, chỉ do nhân duyên huân-tập của pháp nhiễm vô-minh nên
hòa hợp cùng với nhiễm mà gọi là bản-thức, nhưng sự thật thì
ngoài bản-thức, không có chân-tâm nào riêng khác; đó là pháp
vô-tính-tính, như thế tức là trừ diệt ba tính mà làm phép chỉ
vậy. Do ví dụ đó, có thể tỏ bày ba tính và ba vô-tính.
Trên đây trong phần thể-trạng của chỉ quán, đã
luận về ba tính nhiễm-trược để chỉ tỏ thể-trạng của chỉ quán
xong.
Mục 1: Chia Mục
Thứ nữa, chỉ tỏ thể-trạng của chỉ quán trong ba tính
thanh tịnh, trong đó cũng có ba phần; một là chỉ tỏ thể-trạng chỉ
quán trong phân-biệt-tính, hai là chỉ tỏ thể-trạng chỉ quán trong
y-tha-tính, ba là chỉ tỏ thể-trạng chỉ quán trong chân-thật-tính.
Mục 2: Luận Về Phân Biệt Tính
Để Chỉ Tỏ
Phần thứ nhất nói về thể-trạng chỉ quán trong
phân-biệt-tính, nghĩa là biết tất cả chư Phật Bồ-tát có ra những
sắc-thân, tiếng nói, đại-nguyện, đại-bi, các vật y-báo, nhiều
thân hình khác nhau trong lục-đạo, các sự thi-thiết biến hóa, cho
đến kim-thân thị-diệt, xá-lợi ban chia, tượng khắc tranh vẽ, nêu
bày xứ sở và các pháp kinh giáo, uy nghi, trụ trì v.v... để làm
lợi ích cho chúng sinh thì đều do sức huân-tập của đại-nguyện
đại-bi và sức cơ cảm của chúng sinh, nhân duyên đầy đủ,
huân-tập tịnh-tâm nên tâm-tính nương theo huân-tập mà tỏ hiện ra
những việc như thế; vậy nên chỉ là công-năng duyên-khởi của
chân-tính, theo đạo-lý tức là không thật vậy. Chỉ vì chúng sinh
có vọng-tưởng vô-minh nên thấy lầm là không hư-giả ; người tu
hành quán sát biết được các tâm chấp-trước thấy lầm đó là
vọng-tưởng vô-minh thì gọi là quán.
Do biết sự thấy lầm đó là mê-vọng, gượng phát
tâm-ý quán biết là không thật, chỉ do tự-tâm làm ra; biết
được như thế nên tâm chấp là thật dừng nghỉ thì gọi là chỉ.
Đó tức là ở trong phân-biệt-tính, từ quán mà vào chỉ vậy.
Mục 3: Luận Về Y Tha Tính Để Chỉ
Tỏ
Phần thứ hai về phép chỉ quán trong y-tha-tính là do
phép tu chỉ trước kia, liền biết được đức-tịnh của chư Phật chỉ
là những tướng tạm bợ giả dối do tâm làm ra. Do không phải
không có hư-tướng duyên-khởi nên dụng-tịnh viên mãn tỏ bày,
thị hiện đáp lại các nhân huân-tập trong nhiều kiếp; lại do đối
duyên mà nhiếp hóa nên ơn thấm cây cỏ, nêu lên sức cảm ứng
vô-biên; đó là duyên khởi của tịnh-tâm vẳng lặng mà thường
khởi dụng. Nhận hiểu như thế thì gọi là quán.
Nương theo phép quán đó làm phương tiện, biết
được tịnh-tâm khởi ra những đức tự-lợi lợi-tha, có tức
là không phải có, khởi dụng mà thường vẳng lặng; nhận hiểu như
thế thì gọi là chỉ. Hai phép chỉ quán đó nên tu song song; hoặc
trước sau tu hành cũng được.
Mục 4: Luận Về Chân Thật Tính
Để Chỉ Tỏ
Thứ nữa chỉ tỏ phép chỉ quán trong chân-thật-tính,
nghĩa là nhân phép tu chỉ trước kia, liền biết được đức-tịnh
của chư Phật chỉ là nhất-tâm thì gọi là quán. Lại biết tịnh-tâm
chư Phật là tịnh-tâm chúng sinh, tịnh-tâm chúng sinh là tịnh-tâm chư
Phật, không hai không khác; do không khác nên không ngoài tâm mà
quán tịnh-tâm của Phật; do không tìm tâm Phật ngoài tâm mà phân
biệt tự diệt, vọng-tâm dùng nghĩ; lại biết tâm ta, tâm Phật, bản
lai là một, là như, nên gọi là chỉ. Đó là pháp chỉ quán trong
chân-thật-tính vậy.
Đoạn 1: Phân Tích Cái Tướng
Khởi Dụng Vẳng Lặng
Trên đây về ba tính thanh tịnh, trong tính thứ nhất,
từ quán mà vào chỉ, lại do phép tu chỉ ấy vào cái quán trong tính
thứ hai, rồi từ quán đó mà vào chỉ; lại từ phép tu chỉ ấy
vào cái quán trong tính thứ ba, rồi từ quán đó mà vào chỉ, nên
được tâm ta tâm Phật, bình đẳng như một; đó tức là một mực
tu vào đầy đủ.
Lại do những phương tiện đại-bi huân-tập cái tâm,
từ khi phát tâm đến nay, nên liền ở trong định, khởi dụng rất
nhiều, không việc gì mà không làm, không tướng gì mà không
khởi; đại-dụng của pháp-giới, không còn ngăn ngại; đó gọi là
tu ra vậy. Khi khởi dụng là vẳng lặng, khi vẳng lặng là khởi dụng,
tức là tịch chiếu đều hiện tiền vậy.
Đoạn 2: Phân Tích Về Cân Xứng
Với Tính Mà Phát Khởi Sự Tu Hành
Cho đến phàm phu, tức khắc cũng có thể tu hành song
song cả vẳng lặng và khởi dụng được. Nghĩa đó thế nào? Nghĩa
là biết tất cả các phép, có tức là không phải có, thì tức
là khi khởi dụng thường vẳng lặng; không phải có mà có, không
phải không có những pháp hư-giả, tức là trong vẳng lặng mà
thường khởi dụng; thế nên "sắc tức là không", chứ
không phải diệt sắc mà không vậy.
Đoạn 3: Phân Tích Về Danh Từ
Phật Và Chúng Sinh
Hỏi: Đã nói tâm Phật, tâm chúng sinh không hai không
khác, thì làm sao lại có danh từ Phật, danh từ chúng sinh khác nhau?
Đáp: Tâm-thể là đồng, lại có những tính riêng
khác không ngăn ngại nhau; do có tính riêng khác nên từ vô-thủy
đến nay, chịu được sự huân-tập của ngã-chấp; do có sức
huân-tập khác nhau nên tâm-tính nương theo huân-tập mà hiện ra có
tướng riêng khác; vậy nên luận về cái tướng ngã-chấp đó thì
nói có hai danh từ Phật và chúng sinh khác nhau.
Đoạn 4: Phân Tích Cái Nghĩa Đồng
Nhau Khác Nhau
Hỏi: Chư Phật đã thoát ly ngã-chấp, làm sao còn có
được các đức Phật mười phương ba đời khác nhau?
Đáp: Khi đã chứng được tâm-thể bình-đẳng, thoát
ly ngã-chấp thì thật không có sự riêng khác của các đức Phật
mười phương ba đời; chỉ vì trong lúc còn trong nhân-địa, chưa thoát
ly các chấp, mỗi đức Phật phát nguyện riêng biệt, tu sửa
tịnh-độ, giáo hóa chúng sinh; những nghiệp như thế, sai khác không
đồng, huân-tập nơi tịnh-tâm ; tâm-tính nương theo sức huân-tập
riêng biệt đó mà hiện ra các tướng y-báo chính-báo riêng khác
của chư Phật mười phương ba đời, chứ không phải bảo rằng cái
thể chân-như có những tướng sai khác đó.
Do cái nghĩa ấy, tất cả chư Phật thường đồng
thường khác, xưa nay bản-nhiên là như thế. Vậy nên trong kinh nói
rằng: "Văn-thù, bản nhiên thường như thế, đức Pháp-vương
chỉ một pháp; tất cả các bậc Vô-ngại, một đường ra khỏi sống
chết, tất cả thân chư Phật, chỉ là một Pháp-thân"; câu này
là nói cả về đồng và về khác. Nếu một mực chỉ có đồng,
không có khác thì sao trong kinh lại nói : "Tất cả thân chư Phật,
tất cả các bậc Vô-ngại"; nếu một mực chỉ có khác mà không
đồng thì sao trong kinh lại nói: "Chỉ là một Pháp-thân, một
đường ra khỏi sống chết". Do cái nghĩa đó nên chân-tâm tuy
là bình đẳng mà lại có đủ những tính sai khác. Nếu hiểu được
ví dụ "Gương sáng là một chất mà có đủ tính của các
bóng" thì không mê lầm về pháp-môn pháp-giới.
Đoạn 5: Phân Tích Về Mình Và
Người Tu Hành Và Được Ích Lợi
Hỏi: Do chân-tâm có tính sai khác nên Phật và chúng
sinh đều khác nhau không đồng; do thể-tính chân-tâm không hai nên
tất cả phàm thánh chỉ một Pháp-thân. Vậy lẽ ra cũng có thể vì
có tính riêng khác nên người tu, ta không tu, và vì thể-tính là
một, nên người tu, ta đắc đạo?
Đáp: Do có nghĩa riêng khác nên người tu không phải
ta tu, do thể-tính là một nên tu và không-tu bình đẳng. Tuy vậy, nếu
hiểu được cái nghĩa đồng thể thì công đức người khác tu hành
cũng có khả năng giúp ích cho mình. Vậy nên trong kinh nói rằng:
"Nếu Bồ-tát biết được công đức của Chư Phật tức là
công đức của mình thì đó là một pháp kỳ diệu đặc biệt".
Trong kinh lại nói rằng: "Cùng với tất cả Bồ-tát, đồng một
tạng thiện-căn". Vậy người tu hành nên biết chư Phật Bồ-tát,
thánh nhân Nhị-thừa, phàm phu" cõi trời cõi người v.v... làm
các công đức đều là công đức của mình, do đó, lẽ nên tùy
hỉ
Hỏi: Nếu vậy thì tất cả phàm phu lẽ ra đều tự
nhiên đắc đạo?
Đáp: Nếu chân-tâm đó chỉ có nghĩa đồng thì có
thể không cần tu hành, nhờ người khác mà đắc đạo; lại cũng
không có sự khác nhau giữa thân mình và thân người. Nhưng
chân-như lại còn có nghĩa khác, nên có được sự khác nhau giữa
mình và người, đâu phải là một mực ỷ lại người khác mà tìm
đạo. Chỉ có thể tự mình tu công đức, lại biết công đức
người khác tu hành cũng tức là công đức của mình, hai bên giúp
đỡ thành tựu cho nhau, thì mới là thù thắng, mau chóng đắc đạo,
làm sao hoàn toàn ỷ-lại người khác được. Lại cần nên biết
nếu chỉ tự mình tu hành, không biết chỗ tu người khác tức là
sở-hữu của mình, thì cũng không được lợi ích của người
khác. Ví như người cùng-tử không biết cha là cha mình, của là
của mình, nên trong hơn hai mươi năm, chịu khổ nghèo nàn, ở trong
lều cỏ; tức là cái nghĩa đó vậy. Thế nên nhờ nhân, gá duyên
thì mau được thành tựu; nếu chỉ riêng mình tìm cầu, không nhờ
người khác, thì chỉ có thể được tiền công quét phân mà thôi.
Đoạn 6: Phân Tích Đức Tịnh Chư
Phật Là Thật Hay Là Hư
Hỏi: Đức-tịnh chư Phật nói trên kia có mấy thứ?
Đáp: Lược có hai thứ : một là tự-lợi, hai là
lợi-tha. Trong tự-lợi lại có ba thứ: một là pháp-thân, hai là
báo-thân; ba là tịnh-độ. Trong lợi-tha lại có hai thứ: Một là
thuận-hóa, hai là vi-hóa. Trong thuận-hóa có hai thứ: một là
ứng-thân và ý-sinh-thân; hai là tịnh-độ và tạp-tịnh-độ; đó
là đức-tịnh của chư Phật.
Hỏi: Những đức lợi-tha, đối với các duyên mà
tỏ bày, quyền hiện ra những phương tiện thiện xảo, thì có thể
nói là không thật, chỉ là hư-tưởng, có tức là không phải có;
còn những đức tự-lợi tức là hai thân pháp-thân và
báo-thân, là đại-trí viên-giác do chứng tỏ lý-tính mà thành
tựu các đức thường lạc, ngã, tịnh, làm sao lại bảo rằng có
tức là không phải có?
Đáp: Những đức tự-lợi, thật là thường, lạc,
ngã, tịnh, không dời không đổi, chính do chứng tỏ lý-tính mà
thành tựu nên được như thế. Lại chính do chứng tỏ lý-tính mà
thành tựu nên cũng tức là cái dụng duyên khởi của tâm-tính.
Song dụng không có dụng gì riêng khác, dụng toàn là tâm ; tâm
không có tâm gì riêng khác, tâm toàn là dụng; vậy nên lấy cái
thể mà thể cái dụng thì có tức là không phải có, chỉ là
nhất-tâm mà không bỏ cái dụng thường xuyên; lấy cái dụng mà
dựng cái thể thì không phải có tức là có, pháp-giới rõ ràng
mà không ngăn ngại cái vẳng lặng thường xuyên. Vẳng lặng tức
là khởi dụng, gọi là phép quán; khởi dụng tức là vẳng lặng
gọi là phép chỉ. Đó tức là một thể hai việc; chỉ vì muốn khiến
người học đạo dứt các tướng vào tính vẳng lặng, nên trước
sau riêng nói chỉ quán khác nhau, chứ không phải bảo rằng
đức-tịnh của Phật có sự dời đổi.
Lại nữa, sắc tức là không thì gọi là chỉ, không
không diệt sắc thì gọi là quán; pháp thế-gian còn vậy, huống nữa
đức tịnh chư Phật mà lại không thường khởi dụng mà thường
vẳng lặng hay sao.
Đoạn 7: Phân Tích Thường Trú Và
Sinh Diệt
Hỏi: Đức tịnh chư Phật, có tức là không phải có
mà không ngại gì là thường trụ, thì chúng sinh cũng có tức là
không phải có, lẽ ra không ngại gì là không diệt.
Đáp: Đức-tịnh chư Phật do chứng tỏ lý-tính mà
thành được dụng-thuận nên là thường-trụ; chúng sinh thì lý-tính
bị che lấp mà thành dụng-trái nên có sinh diệt; đức thường-trụ,
tuy có tức là không phải có, mà lại không phải có mà có nên
không ngại gì là thường-trụ; cái dụng sinh diệt, tuy cũng có tức
là không phải có, mà cũng lại không phải có mà có nên không
ngại gì là sinh diệt vậy.
Trên đây luận về ba tính thanh tịnh để chỉ tỏ thể
trạng chỉ quán xong. Đến đây đã xong phần thứ ba về thể-trạng
chỉ quán.
Khoa 1: Chia Khoa
Thứ nữa chỉ tỏ phần thứ tư về sự đoạn trừ
và được ích của chỉ, quán, trong đó lại có ba phần khác nhau:
một là luận về phân-biệt-tính để chỉ tỏ sự đoạn trừ và
được ích; hai là luận về y-tha-tính để chỉ tỏ sự đoạn trừ và
được ích; ba là luận về chân-thật-tính để chỉ tỏ sự đoạn
trừ và được ích.
Điều 1: Chính Diện Chỉ Tỏ
Trước hết chỉ tỏ trong phân-biệt-tính, sự đoạn
trừ mê chướng: nghĩa là hiểu được cái tâm không biết cảnh
là hư-giả mà chấp là thật, tức là vô-minh vọng-tưởng thì phép
quán được thành tựu. Do phép quán thành tựu nên trừ được
cái mê-vọng vô minh phủ trên vô-minh vọng-tưởng. Sao lại gọi là
cái mê-vọng trên mê-vọng? Nghĩa là không biết mê-vọng là
mê-vọng, tức là mê vây. Do cái mê đó, lại chấp là không mê,
đó lại là vọng-tưởng. Cái lớp mê-vọng này nhân lớp
mê-vọng trước mà khởi ra, nên gọi là mê-vọng trên mê-vọng.
Vậy nên người tu hành tuy chưa trừ được cái tâm không rõ cảnh
là hư-giả và chấp là thật, nhưng đã biết được cái tâm đó
là hư vọng thì đã trừ được cái lớp mê-vọng trên mê-vọng;
thế là trừ được chướng. Do trừ được mê-chướng ấy nên
có khả năng tiến lên tu phép chỉ, đó là được ích.
Điều 2: Dùng Ví Dụ Để Chỉ Tỏ
Lại cái mê-vọng phủ trên mê-vọng ấy, có thể lấy
ví dụ mà chỉ tỏ. Như có người mê phương đông là phương tây,
đó là vọng-chấp, đó là một lớp mê-vọng vậy. Người khác
bảo rằng: "Nay anh mê-vọng, bảo phương đông là phương tây".
Nhưng người kia lại còn nghĩ rằng chỗ ta nhận định không phải là
hư vọng; do người kia không biết, chấp là không mê, nên lại là
vọng-tưởng, là ở trên mê-vọng, lại sinh thêm mê-vọng. Người
đó có lỗi lầm gì? Người đó có cái lỗi chạy càng xa nhà. Nếu
người đó tuy chưa tỉnh ngộ, nhưng dùng được lời nói người
khác, tin biết tâm mình mê-vọng, thì không còn cái lớp mê-vọng
phủ trên mê-vọng nữa. Người đó được lợi ích gì? Người
đó tuy vẫn mê-vọng chưa tỉnh, nhưng được cái lợi ích biết
hướng về nhà.
Điều 3: Kết Hợp Với Pháp
Tuy chưa chứng biết các pháp là hư-giả, và chỉ biết
được không rõ cảnh vật hư-giả tức là vô-minh, chấp nó làm
thật tức là vọng-tưởng, thì thường không tin chỗ chấp của mình,
và có khả năng tiến tới tu phép chỉ, lần đi đến Niết-bàn. Nếu
toàn không biết việc này thì sẽ phải theo dòng biển khổ, tăng
trưởng tam-độc, trái xa và bỏ mất cái nhà Niết-bàn vẳng lặng
vậy. Đó là chỉ tỏ cái nghĩa đoạn trừ và được ích của phép
quán trong phân-biệt-tính.
Đoạn 2: Chỉ Tỏ Sự Đoạn Trừ
Và Được Ích Của Phép Chỉ Trong Phân-Biệt-Tính
Nói về việc đoạn trừ và được ích của phép tu
chỉ trong phân-biệt-tính là nương theo phép tu quán trước kia làm
phương tiện, nên biết được các pháp bản-lai là không thật có,
sự chấp là thật đã dừng nghỉ thì trừ được quả-thời
mê-sự-vô-minh với vọng-tưởng vậy. Lại những niệm tham, sân,
lần đã ít ỏi; tuy có tội cấu, không bị nghiệp ràng buộc; giả
sử có chịu đau khổ thì cũng giải được cái khổ mà không khổ,
đó là phần đoạn trừ mê-chướng. Lại nương theo phép chỉ này,
liền thành tựu được phép tu quán trong y-tha-tính và cái dụng của
vô-trần-trí theo tâm mà khởi lên, đó là phần được ích. Thế
là chỉ tỏ xong việc đoạn trừ và được ích của phép tu chỉ trong
phân-biệt-tính.
Đoạn 1: Chỉ Tỏ Sự Đoạn Trừ
Và Được Ích Của Phép Quán
Thứ nữa chỉ tỏ sự đoạn trừ và được ích của
các phép chỉ quán trong y-tha-tính. Trước hết chỉ tỏ về phép quán.
Phép quán này cùng với phép chỉ trong phân-biệt-tính không khác,
nhưng có một ít nghĩa riêng biệt. Nghĩa đó thế nào? Nghĩa là phép
chỉ trong phân-biệt-tính kia duyên được tất cả các pháp là
hư-giả, nên trừ bỏ được vô-minh; do vô-minh diệt rồi nên cái
vọng-tâm chấp là thật liền dứt. Song sự trừ bỏ do duyên với
cảnh hư-giả đó, cũng là phép quán trong y-tha-tính chứ không có
phép nào khác; vậy nên phép chỉ kia nếu được thành tựu thì
phép quán nầy cũng được thành tựu.
Song phép chỉ kia do duyên với cảnh hư-giả, diệt
được sự mê-chấp là thật nên gọi là chỉ; còn phép quán nầy
thì do biết là không thật, nên hiểu được các pháp là hư-giả;
khi nhân duyên tập hợp khởi lên thì không phải không có
tâm-tướng, nên gọi là quán. Phép chỉ kia lấy chỗ phá diệt cái
chấp là thật làm tông, còn phép quán nầy thì lập ra sự duyên
khởi hư-tướng làm tông, cho nên có phần sai khác. Do cái nghĩa
đó nên phần đoạn trừ mê chướng thì như nhau, nhưng phần được
ích thì có chút khác nhau. Khác nhau thế nào? Nghĩa là nương theo
phương tiện phép quán nầy có thể tiến tới tu hành phép chỉ trong
y-tha-tính, lại được thành tựu một phần các pháp tam-muội
như-huyễn, như hóa, v.v... nên gọi là được ích.
Đó là sự đoạn trừ và được ích của phép quán
trong y-tha-tính.
Đoạn 2: Chỉ Tỏ Sự Đoạn Trừ
Và Được Ích Của Phép Chỉ
Nói về sự đoạn trừ và được ích của phép chỉ
trong y-tha-tính là nương theo phép quán trước làm phương tiện nên
biết được tất cả hư-tướng chỉ lấy nhất-tâm làm thể, vậy nên
cái có của hư-tướng tức là không phải có. Hiểu được như
thế nên diệt được cái chấp có hư-tướng, đó gọi là chỉ. Do
phép chỉ nầy trừ được mê-lý vô-minh với các hư-tướng và
trụ-địa vô-minh cũng lần được giảm bớt, đó là đoạn trừ
mê-chướng. Lại được thành tựu các phép tam-muội như huyễn, như
hóa, v.v... cái dụng của vô-sinh-trí hiện tiền, lại được thành
tựu phép quán trong chân-thật-tính, đó là được ích.
Hỏi: Trong phép quán cũng thành tựu được những
tam-muội như huyễn, như hóa v.v... trong phép chỉ này cũng thành tựu
những tam-muội đó, thế có cái gì khác nhau không?
Đáp: Trong phép quán được một phần, còn trong phép
chỉ nầy thì thành tựu; lại nữa, trong phép quán thì biết các pháp
duyên khởi như huyễn như hóa, còn trong pháp chỉ nầy thì biết các
pháp duyên khởi tức là vẳng lặng, cũng như huyễn, như hóa, nên
có khác vậy.
Đó là chỉ tỏ xong sự đoạn trừ và được ích
của phép tu chỉ trong y-tha-tính.
Đoạn 1: Chỉ Tỏ Sự Đoạn Trừ
Và Được Ích Của Phép Tu Quán
Thứ nữa, chỉ tỏ trong chân-thật-tính, sự đoạn
trừ và được ích của chỉ quán. Trước nói về phép quán. Phép
quán này không khác với phép chỉ trong y-tha-tính nhưng có chút nghĩa
riêng biệt. Nghĩa đó thế nào? Nghĩa là trong phép chỉ kia thì duyên
với tất cả các pháp duy-tâm tạo ra, có tức là không phải có,
thể chỉ là nhất-tâm, nên diệt trừ được cái chấp có
hư-tướng, song cái biết được các pháp bản-thể chỉ là nhất-tâm
cũng tức là phép quán trong chân-thật-tính, chứ không có phép
nào khác; vậy nên nếu phép chỉ kia được thành tựu thì phép
quán nầy cũng được thành tựu, không rời nhau vậy. Song phép chỉ
kia tuy duyên với nhất-tâm nhưng chỉ lấy diệt-tướng làm tông, còn
phép quán nầy tuy biết hư-tướng không phải có, nhưng lại lấy chỗ
kiến lập nhất-tâm làm tông, cho nên cũng có riêng biệt. Vì thế
mà về đoạn trừ thì đồng nhau, còn về được ích thì có chút
khác nhau. Khác nhau thế nào? Nghĩa là nương theo phép quán nầy làm
phương tiện thì có khả năng tu tiến vào phép chỉ của
chân-thật-tính.
Hỏi: Duy-tâm làm ra cùng với duy là nhất-tâm, là
một hay là khác?
Đáp: Duy-tâm làm ra nghĩa là nương nơi tâm, khởi ra
các pháp, không phải có mà có, tức là từ nơi thể, khởi ra
tướng mà chứng vậy. Còn duy là nhất-tâm nghĩa là biết những
tướng khởi ra đó, có tức là không phải có, thể là nhất-tâm,
tức là diệt tướng vào thật-tính mà chứng vậy. Đó là chỉ tỏ
sự đoạn trừ và được ích của phép tu quán trong chân-thật-tính.
Đoạn 2: Chỉ Tỏ Sự Đoạn Trừ
Và Được Ích Của Phép Tu Chỉ
Nói về sự đoạn trừ và được ích của phép tu
chỉ thì nương theo phép tu quán trước kia làm phương tiện nên biết
được cái thể nhất-tâm kia không thể phân biệt, bản-lai thường
tự vẳng-lặng; nhận hiểu được như thế thì động-niệm nghỉ diệt,
đó gọi là chỉ. Do phép tu chỉ này, diệt trừ được trụ-địa
vô-minh và tập-khí vọng-tưởng, đó là đoạn trừ mê chướng.
Đại giác hiện tiền, đầy đủ Phật-lực, tức là được ích. Đó
là chỉ tỏ sự đoạn trừ và được ích của phép tu chỉ trong
chân-thật-tính.
Mục 1: Chỉ Tỏ Nghĩa Đoạn Trừ Mê
Chướng
Hỏi: Trong lúc đoạn trừ mê-chướng là đối địch
với mê-chướng mà trừ, hay là do sự huân-tập của trí giải ngộ
mà trừ?
Đáp : Không phải đối địch mà trừ, vì sao? Vì khi
tâm mê lầm tồn tại thì chưa có giải ngộ và khi giải ngộ khởi
lên thì mê lầm đã diệt trước rồi, hai bên trước sau không chạm
thấy nhau nên không thể đối địch mà trừ nhau. Như thế, tuy do một
niệm giải ngộ khởi lên, cái dụng mê lầm không khởi; nhưng vì
trong bản-thức, chủng-tử mê lầm vẫn tồn tại chưa diệt, nên khi
một niệm giải ngộ diệt thì trở lại khởi ra cái dụng mê lầm.
Trong khi giải ngộ và mê lầm từng niệm từng niệm đắp đổi khởi
lên như thế, cái dụng giải ngộ lần lần huân-tập cái tâm tăng
trưởng cái sức của tính giải ngộ tạo thành chủng-tử của cái
dụng giải ngộ. Cái dụng giải ngộ kia, khi huân-tập thành
chủng-tử, thì có khả năng ảnh hưởng đến chủng-tử mê lầm,
làm cho giảm bớt từng phần từng phần.
Cũng như dùng hương thơm xông cái áo thối; khi hương
thơm từng phần từng phần bắt vào cái áo thì hơi thối cũng diệt
từng phần. Chủng-tử mê lầm cũng vậy, khi chủng-tử giải ngộ
thành tựu từng phần thì chủng-tử mê lầm cũng diệt bớt từng
phần vậy. Do chủng-tử mê lầm diệt bớt từng phần từng phần
nên cái dụng mê lầm lần lần suy yếu. Do chủng-tử giải ngộ thêm
lên từng phần từng phần, nên cái dụng giải ngộ càng mạnh thêm
lên. Giải ngộ trừ mê lầm bằng cách như thế, chứ không phải
giống như Tiểu-thừa bảo rằng đối địch mà trừ nhau, chỉ có lời
nói mà không có nghĩa thật; song hàng Tiểu-thừa kia cũng phải do
huân-tập mà trừ, nhưng không biết đạo-lý đó.
Mục 2: Chỉ Tỏ Lý Do Huân Tập Cái
Tâm
Hỏi: Khi giải ngộ huân-tập cái tâm, là vì thấy
được tịnh-tâm mà huân-tập hay là vì lý-do khác mà huân-tập
được?
Đáp: Tất cả các dụng giải ngộ và mê lầm đều
nương nhất-tâm mà khởi lên; do cái nghĩa đó nên các dụng giải
ngộ và mê lầm thẩy đều không rời tâm; do không rời tâm nên
khi khởi dụng tức là huân-tập cái tâm, chứ không có lý-do nào
khác. Cũng như cái dụng sóng mòi, vì không rời nước, nên khi
sóng động thì liền động đến bản-thể là nước; do cái động
của sóng trước tác-động đến nước nên lại khởi lên sóng sau;
sự huân-tập của giải ngộ và mê lầm cũng như thế, so sánh có
thể biết được.
Mục 3: Chỉ Tỏ Về Địa Vị
Hỏi: Tu các phép chỉ quán trong ba tính đó là có địa
vị hay là không có địa vị?
Đáp: Không nhất định. Nếu nói theo một mặt thì
thập-trụ thành tựu được phép chỉ trong phân-biệt-tính;
thập-hồi-hướng thành tựu được phép chỉ trong y-tha-tính; và
quả-Phật đầy đủ thì thành tựu được phép chỉ trong
chân-thật-tính. Lại có một cách nhận định là: trước khi
đăng-địa, thì thành tựu phép chỉ trong phân biệt tính; đăng địa
rồi thì thành tựu pháp chỉ trong y-tha-tính; và đến quả Phật thì
thành-tựu phép chỉ trong chân-thật-tính. Lại nữa, trước khi
đăng-địa, theo phận mà đầy đủ các phép chỉ trong ba tính;
đăng-địa rồi cũng đầy đủ các phép chỉ trong ba tính; và đến
Phật quả thì rốt ráo đầy đủ các phép chỉ trong ba tính. Lại vị
nào tu hành cũng tu hết ba phép chỉ, tức như phàm phu bắt đầu phát
tâm cũng liền tu hết các phép chỉ trong ba tính; chỉ sáng suốt tối
tăm có khác nhau, nhưng cái pháp nương theo mà tu hành thì không
khác vậy.
Mục 4: Tóm Chỉ Tỏ
Tóm chỉ tỏ sự đoạn trừ và được ích của các
phép chỉ quán trong ba tính thì khi phép chỉ trong ba tính được thành
tựu, là thoát ly được tâm-hành của phàm phu; khi phép quán trong
ba tính được thành tựu thì thoát ly được tâm-hành của
Thanh-văn; thế gọi là đoạn trừ mê-chướng. Lại khi phép chỉ trong
ba tính thành tựu thì được cái vui tịch diệt, đó là tự-lợi;
khi phép quán trong ba tính thành tựu thì duyên khởi ra tác dụng,
đó là lợi-tha, thế gọi là được ích.
Đến đây chỉ tỏ xong phần thứ tư về sự đoạn
trừ và được ích của phép chỉ quán.
Mục 1: Chỉ Tỏ Đầy Đủ Tác Dụng
Thứ nữa chỉ tỏ phần thứ năm về tác dụng của
chỉ quán, nghĩa là khi phép chỉ được thành tựu thì thể-chứng
tính viên-dung không hai của tịnh-tâm, cùng với các chúng sinh,
viên-dung đồng một cái thân nhất-tướng; trong đó Tam-bảo một thể
không ba, nhị-đế một vị không hai, rỗng vậy nguồn sâu đứng lặng,
êm vậy tính tịch trong sáng; dụng không có tướng dụng, động không
có tướng động; do tất cả pháp bản-lai là bình-đẳng, tâm-tính
bản-lai là như thế; đó là cái thể pháp-tính sâu xa vậy.
Khi phép quán được thành tựu thì thể-tính tịnh-tâm
tỏ ra cái dụng pháp-giới vô-ngại, tự tại sinh khởi tất cả
công-năng nhiễm tịnh; hiện ra những vật cúng-dàng đầy vô-biên
thế-giới, kính dâng Tam-bảo, ban ơn tứ-sinh; cho đến hút gió, chứa
lửa, phóng hào-quang, động cõi đất, rút ngắn, kéo dài, hợp
nhiều, chia một, hiện ra thân hình khác nhau trong lục-đạo, phân thân
hưởng ứng khắp mười phương, thị-hiện năm thứ thần-thông,
chuyển ba pháp-luân để giáo hóa; cho đến sinh lên trên đỉnh
Sắc-giới, xuống ở cõi trời Đâu-xuất, gá hình nơi pháp-môn
trí-huyễn, thông suốt nơi cái đạo phương tiện; giơ hai tay để biểu
dương phép độc-tôn, đi bẩy bước để phô bày chỗ duy-cực; đoan
tọa nơi tòa sen, suy nghĩ nơi bảo-thụ; chói sáng trí phả-nhãn nơi
cung lục thiên; chuyển khắp viên-âm nơi cõi nước mười phương;
nơi biển liên-hoa-tạng, mở bày đế-võng; nơi cõi trần Sa-ba, bủa
khắp lưới sao; khiến cho chúng sinh thấy khác nhau nơi một thân hình,
nghe khác nhau nơi một lời nói; nhiều sắc tướng tỏ bày, ảnh châu
báu loạn-xạ, cho nên năm ngọn Linh-sơn thường sáng chói mà nơi
tám cây sa-la bặt ánh sáng; ngọc-chất thường còn, ứng-thân nhập
diệt; đó là sức huân-tập của đại-nguyện đại-bi, là tất cả
các pháp bản nhiên do nhất-tâm làm ra; đó là cái dụng
duyên-khởi thậm thâm vậy.
Lại thành tựu phép chỉ thì cái tâm bình đẳng,
không ở trong sinh tử; thành tựu phép quán thì duyên khởi ra
đức-dụng, không vào trong niết-bàn. Lại phép chỉ thành tựu thì
an-trụ nơi đại-niết-bàn, phép quán thành tựu thì ở trong sinh
tử.
Lại thành tựu phép chỉ thì không bị thế gian ô
nhiễm, thành tựu phép quán thì không bị tịch diệt ngăn ngại; lại
phép chỉ thành tựu là dụng mà thường tịch, phép quán thành tựu
là tịch mà thường dụng.
Lại thành tựu phép chỉ thì biết sinh tử tức là
niết-bàn, thành tựu phép quán thì biết niết-bàn tức là sinh
tử. Lại phép chỉ thành tựu chỉ biết sinh tử và niết-bàn, cả hai
đều không thể nhận được; phép quán thành tựu thì biết
lưu-chuyển tức là sinh tử, không lưu chuyển tức là niết-bàn.
Mục 2: Lại Chỉ Tỏ Nương Tính Nào
Mà Khởi Ra Dụng
Hỏi: Khi Bồ-tát, tức nơi tính vẳng lặng mà khởi ra
diệu-dụng thì trong ba tính, nương nơi tính nào mà thành tựu được?
Đáp: Bồ-tát nương theo đạo-lý y-tha-tính nên tức
nơi tịch mà khởi dụng được, lại cũng dùng các tính khác để
giúp thành sự nhiếp hóa. Nghĩa đó thế nào? Nghĩa là tuy biết các
pháp có tức là không phải có, mà lại cũng biết không ngại gì
không phải có mà có, không phải không có những tợ-pháp tỏ
hiện ra; vì cớ sao? Vì các pháp duyên-khởi bản nhiên là như thế;
vậy nên Bồ-tát thường ở trong tam-muội mà vẫn khởi tâm thương
xót chúng sinh được. Lại nương theo phép quán của phân-biệt tính
nên biết tất cả chúng sinh chịu nhiều khổ não; nương theo phép quán
của y-tha-tính nên từ nơi tâm sinh ra cái dụng nhiếp hóa; nương theo
phép quán của chân-thật-tính nên biết tất cả chúng sinh cùng với
mình là đồng thể. Nương theo phép chỉ của phân-biệt-tính nên biết
tất cả chúng sinh có thể trừ nhiễm được tịnh; nương theo phép
chỉ của y-tha-tính nên không thấy có các tướng năng-độ sở-độ;
nương theo phép chỉ của chân-thật-tính nên thân mình và thân
người bản-lai là thường trụ đại-bát-niết-bàn".
Mục 3: Lại Khai Thị Về Phương Tiện
Lại nếu các vị Bồ-tát mới tu hành, muốn làm việc
gì thì trước hết cần phải phát nguyện, sau nữa vào phép chỉ, rồi
từ nơi chỉ mà khởi ra quán, thì tùy tâm làm việc gì cũng được
thành tựu. Vì sao trước hết cần phải phát nguyện? Vì cần chỉ
đích chỗ mong cầu, xin sức thù-thắng gia-bị vây. Lại vì sao phải
vào phép chỉ? Vì muốn biết các pháp thẩy đều không phải có, để
cho tất cả các pháp có ngăn ngại theo niệm liền thông suốt. Vì sao
lại từ nơi chỉ mà khởi ra quán? Vì muốn biết tất cả các pháp
đều do tâm làm ra, nên nơi tất cả các pháp, muốn kiến lập việc
gì, thì theo niệm liền được thành tựu.
Nếu là những vị Bồ-tát tu hành lâu rồi thì không
phải như thế, chỉ phát ý muốn làm thì theo niệm liền thành tựu
vậy. Chư Phật Như-lai lại không phải như thế, không duyên mà soi,
không nghĩ mà biết; theo cơ cảm nên thấy, nên nghe như thế nào,
không phát ý mà sự đó tự nhiên thành tựu. Ví như hạt châu
ma-ni, không có tâm muốn làm lợi ích cho đời mà theo cảm-triệu
hiện tiền, rưới những đồ báu sai khác; Như-lai cũng vậy, không
có tác-ý mà làm việc gì đều hợp với lợi ích của đương-cơ;
đó là do sự huân-tập thuần thục trong ba đại-a-tăng-kỳ-kiếp nên
được như thế, chứ không có pháp nào khác vậy.
Mục 1: Tụng Về Lý Tính
- Tâm-tính tự là thanh tịnh,
- Các pháp chỉ là nhất-tâm,
- Tâm ấy tức là chúng sinh,
- Tâm ấy là Phật Bồ-tát.
- Sinh tử cũng là tâm ấy,
- Niết-bàn cũng là tâm ấy;
- Nhất-tâm mà làm thành hai,
- Hai đó vẫn không hai tướng;
- Nhất-tâm giống như biển lớn,
- Bản-tính thường là nhất-vị,
- Mà lại đủ các thứ nghĩa,
- Đó là Pháp-tạng vô-cùng.
-
- Mục 2: Tụng Về Phép Quán
- Vì vậy những người tu hành,
- Nên trong tất cả các thời,
- Quán sát thân và tâm mình,
- Biết đều do những nghiệp nhiễm
- Huân-tập tạng-tâm khới ra.
- Đã biết rằng Như-lai-tạng,
- Nương huân-tập hiện thế-gian,
- Thì hiểu bản-thể chúng sinh,
- Thấy đều là Như-lai-tạng.
- Lại nghĩ tạng-tâm chân thật,
- Theo huân-tập làm thế-gian,
- Nếu dùng nghiệp-tịnh huân-tập,
- Tạng-tâm chắc làm quả-Phật.
- Ví như thấy con rắn vàng,
- Biết do luyện vàng làm ra;
- Liền hiểu bản-thể con rắn,
- Thuần là chất vàng mềm dẻo.
- Lại nghĩ vàng đã theo thợ,
- Làm ra được hình con rắn,
- Liền biết chất vàng con rắn,
- Theo thợ cũng thành tượng Phật.
- Tạng-tâm cũng như vàng ròng,
- Đầy đủ các tính trái thuận,
- Có thể theo nghiệp nhiễm tịnh
- Hiện ra những quả phàm thánh.
-
- Mục 3: Tụng Về Khuyên Tu
- Do nhân duyên như thế ấy.
- Nên tu gấp nghiệp vô-lậu,
- Huân-tập nơi tâm thanh-tịnh,
- Để chóng thành đức bình-đẳng;
- Vậy nên liền trong lúc này.
- hớ buông lỏng thân tâm mình,
- Cũng chớ khinh thường người khác,
- Vì rốt cuộc đều thành Phật.
Đến đây chỉ tỏ xong tác dụng của chỉ quán. Từ
trên đến đây đã tóm chỉ tỏ xong "năm phần đạo-lý của chỉ
quán".
Đoạn 1: Nói Pháp
Trong phép lễ Phật, cũng có hai phép tu chỉ quán. Về
phép quán lễ Phật thì nên biết tất cả chư Phật mười phương ba
đời đều cùng với thân ta đồng một tịnh-tâm làm thể; chỉ do chư
Phật tu các nghiệp-tịnh huân-tập cái tâm nên thành được
quả-tịnh, tỏ hiện sai khác cùng khắp mười phương ba đời. Song mỗi
mỗi đức Phật đều đầy đủ nhất-thiét-chủng-trí, là biển
Chính-biến-tri, là biển đại-từ-bi, trong từng niệm từng niệm,
biết hết các tâm và tâm-sở của tất cả chúng sinh và muốn cứu
độ hết tất cả chúng sinh; một đức Phật đã như thế, tất cả
chư Phật cũng đều như thế. Vậy người tu hành, khi cúng dàng, khi
lễ bái, khi tán thán, khi sám hối, khi khuyến khỉnh, khi tùy hỉ, khi
hồi hướng, hoặc khi phát nguyện, nên khởi ra cái niệm rằng tất
cả chư Phật thẩy đều biết mình cúng-dàng, thẩy đều lĩnh-thụ sự
cúng-dàng của mình, cho đến thẩy đều biết mình phát nguyện.
Đoạn 2: Ví Dụ
Ví như người đời mù từ lúc sơ-sinh, làm các
điều bố-thí trong đại-chúng, tuy không thấy các người trong
đại-chúng, nhưng biết những người đó thẩy đều thấy việc mình
làm, lĩnh thụ vật mình bố-thí, không khác gì người bố-thí có con
mắt.
Đoạn 3: Kết Hợp
Người tu hành cũng vậy, tuy không thấy chư Phật mà
biết chư Phật thẩy đều thấy việc mình làm, nhận sự sám hối,
lĩnh-thụ cúng-dàng của mình; khi nhận hiểu như thế, tức là
cúng-dàng hiện tiền, cùng với những người thật thấy chư Phật
mà cúng-dàng, bằng nhau không có khác vậy; vì cớ sao? Vì quán
thấy tâm Phật vậy, tâm Phật tức là đại-từ-bi vậy.
Điều 1: Chỉ Thẳng
Lại nếu quán tưởng làm ra được thân tướng trang
nghiêm của một đức Phật, cho đến tưởng làm ra được
vô-lượng chư Phật, và trước mỗi mỗi đức Phật, đều thấy
thân mình cúng-dàng lễ-bái, thì cũng là cúng-dàng hiện tiền; vì
cớ sao? Vì tâm này làm Phật, tâm này là Phật vậy.
Chi 1: Chỉ Thẳng Là Không Phải
Vọng
Hỏi: Về phần cúng-dàng trước kia, thật có đạo-lý
có thể cùng với sự cúng-dàng hiện tiền không khác; còn về
phần quán tưởng làm ra thân Phật sau này, thì không có đạo-lý;
vì cớ sao? Vì thật không thấy thân Phật, giả tưởng làm ra như
thế thì tức là tướng vọng-tưởng vậy.
Đáp: Trong lúc Phật ở đời, có các chúng sinh thấy
Phật hiện tiền thì đức Phật đó cũng do tự tâm chúng sinh làm
ra; vậy nên trong kinh nói rằng: "Tâm tạo ra các đức
Như-lai", do cái nghĩa đó, chính lúc tâm tưởng làm ra Phật, thì
cũng không khác những người kia thấy Phật hiện tiền vậy.
Chi 2: Hơn Xa Nhị Thừa
Lại còn hơn những hàng Nhị-thừa hiện tiền thấy
Phật nữa; vì cớ sao? Vì đức Phật hàng Nhị-thừa kia thấy, thật do
tâm làm ra, nhưng vì vô-minh nên họ vọng-tưởng thấy sai rằng:
Đức Phật từ ngoài đến, không do tâm làm ra. Như thế tức là
điên đảo, không cân xứng với nghĩa duyên khởi của tâm-tính.
Vậy nên trong kinh nói rằng: "Hàng Thanh-văn thấy sai"; trong kinh
lại nói rằng: "Người đó tu tà-đạo, không thấy được
Như-lai". Gọi là Như-lai là do tịnh-tâm chân-như, nương huân-tập
duyên-khởi tỏ hiện ra quả-báo nên gọi là Như-lai; nhưng các hàng
Nhị-thừa kia lại bảo rằng ngoài tâm có cái khác đến, nên nói
là họ không thấy được vậy. Hiện nay, ta thấy chư Phật, tuy do
tưởng-tâm làm ra, nhưng liền biết được do tưởng niệm của ta
huân-tập chân-tâm nên trong tâm hiện ra chư Phật; vì thế các đức
Phật ta thấy, không ở ngoài tâm, chỉ là cái tướng của
chân-tâm, có tức là không phải có, không phải có tức là có,
không bỏ mất tính chân-tịnh, không bỏ mất dụng duyên-khởi, nên
còn hơn các hàng Nhị-thừa kia hiện tiền thấy Phật vậy.
Chi 3: Liền Bằng Bồ Tát
Nếu ta dùng tưởng niệm huân-tập chân-tâm nên tính
chân-tâm khởi dụng, tỏ hiện ra chư Phật, mà bảo là vọng-tưởng,
thì chúng-hội các đạo-tràng đều do cái nghiệp thấy Phật
huân-tập chân-tâm nên Phật Lô-xa-na ở nơi chân-tâm hiện ra và
các vị bồ-tát trong chúng-hội kia thấy Phật, cũng là vọng-tưởng.
Nếu đức Phật của các vị Bồ-tát kia thấy, thật từ tâm khởi ra
và khi thấy, Bồ-tát liền biết là không phải từ ngoài đến, mà
không phải là vọng-tưởng, thì hiện nay chư Phật của ta thấy, cũng
từ tâm khởi ra và ta cũng biết không phải từ ngoài đến, thế
vì sao lại gọi là vọng-tưởng được. Lại những nghiệp thấy Phật
mà chư Bồ-tát kia tu hành, thẩy đều từ tâm làm ra, trở lại
huân-tập nơi tâm; nay cái tưởng niệm Phật của ta cũng là từ nơi
tâm làm ra, trở lại huân-tập nơi tâm, thì hai bên bằng nhau; vậy
nên các vị kia đã không phải vọng-tưởng thì ta cũng là chân
thật.
Chi 1: Chỉ Tỏ Tâm Tính Đồng Thể
Hỏi: Nếu tất cả chư Phật chỉ do tự tâm chúng sinh
làm ra, thì tức là không có đức Phật thật ra đời?
Đáp: Không ngại gì việc tất cả chư Phật ra đời
mà cũng tức do tự-tâm chúng sinh làm ra; vì cớ sao? Vì tất cả
chư Phật, tất cả chúng sinh đồng một tịnh-tâm làm thể vậy. Song
toàn thể tịnh-tâm đó chỉ làm một chúng sinh mà cũng không ngại
gì việc toàn thể đó làm ra tất cả phàm thánh; cũng như một
chúng sinh là do toàn thể tịnh-tâm làm ra, mỗi mỗi phàm thánh khác
thẩy đều như thế, một thời, một thể, mà không ngăn ngại lẫn
nhau. Vì vậy, nếu căn cứ nơi một người mà luận cái tâm thì
tâm-thể người đó làm ra được tất cả phàm thánh; trong phần
tạng-thể là một hay là khác đã giải thích nghĩa nầy. Do cái nghĩa
đó, tất cả chư Phật chỉ là tâm ta làm ra, nhưng lại do cái nghĩa
cộng-tướng-thức, bất-cộng-tướng-thức, nên tuy tâm ta làm ra chư
Phật mà vẫn có cái đạo-lý thấy được và không thấy được;
trong phân cộng-tướng-thức bất-cộng-tướng-thức đã chỉ rõ
nghĩa này.
Chi 2: Chỉ Tỏ Nương Theo Quán
Tưởng Được Thấy Phật Thật
Do các nghĩa đó, nếu biết tu tập phương tiện giả
tưởng, tưởng đó liền huân-tập chân-tâm, kết hợp với sự
huân-tập của bi-trí chư Phật, nên trong chân-tâm hiện ra chư Phật
mà tự mình được thấy. Chư Phật hiện ra như thế là do cái nghiệp
giả-tưởng thấy Phật của ta, kết hợp với cái nghiệp lợi-tha
của Phật, huân-tập cái tâm mà khởi lên, nên đức Phật đó là
cộng-tướng-thức của ta vậy. Vì là cộng-tướng-thức nên cũng
tức là đức Phật chân thật ra đời, được ta trông thấy. Nếu
không có cái nghiệp thấy Phật và cái đức lợi-tha của Phật,
kết-hợp huân-tập cái tâm, thì tuy tất cả chư Phật đều do
tịnh-tâm ta làm ra mà ta thường không được thấy Phật.
Chi 3: Đối Chiếu Luận Về Chúng
Sinh Và Phật Huân Tập Cái Tâm
Vậy nên nếu căn cứ riêng nơi chư Phật và luận về
tịnh-tâm thì chính tịnh-tâm chư Phật làm ra tất cả chúng sinh; chí do
Phật có đức từ-bi trí-tuệ huân-tập cái tâm nên thấy được
tất cả chúng sinh. Nếu riêng căn cứ nơi chúng sinh mà luận về
tịnh-tâm thì chính tịnh-tâm chúng sinh làm ra tất cả chư Phật; chỉ do
chúng sinh có cái nghiệp thấy Phật huân-tập nơi tâm nên thấy
được tất cả chư Phật.
Chi 4: Kết Luận Cảm ứng Không Hai
Vì thế dùng giả-tưởng huân-tập cái tâm thì chư
Phật trong tâm liền hiện ra và có thể thấy được; đức Phật
thấy được đó là đức Phật chân thật ra đời. Nếu không hiểu
nghĩa nầy mà bảo rằng đức Thích-ca Như-lai là đức Phật thật
ngoài tâm, còn đức Phật do tâm tưởng làm ra là vọng-tưởng
làm ra Phật, và cứ chấp như thế, thì tuy thấy đức Thích-ca Như-lai,
cũng không nhận biết vậy.
Đoạn 2: Quán Thức Cúng
Lại người tu hành đã biết tất cả chư Phật là do
tâm làm ra như thế rồi thì nên biết thân mình và thức cúng quyết
cũng do tâm sinh ra. Vì cái nghĩa ấy nên tưởng thân tâm mình giống
như vua Hương-tạng, các lỗ chân lông phát ra mây khói thơm ; mây
ấy khó nghĩ bàn, đầy nhẩy thập phương thế giới, ở trước mỗi
đức Phật thành lầu-các thơm lớn.- trong lầu-các thơm đó, có
vô-lượng hương-thiên-tử tay cầm những thứ hương thù-diệu
cúng-dàng các đức Tối-thắng. Hoặc lại tưởng thân mình đầy
khắp cõi nước mười phương, số thân bằng với chư Phật, hầu
gần các đức Như-lai. Mỗi mỗi thân đó giống như Đại-phạm-vương,
sắc tướng rất tốt đẹp, dùng năm vóc mà lễ nơi chân Phật.
Lại biết thân và các thức-cúng đều do nhất-tâm
làm ra, không phát sinh vọng-tưởng chấp là ngoài tâm mà có. Lại
biết chư Bồ-tát có các thức-cúng-dàng, thẩy đều bố-thí cho các
chúng sinh, khiến cúng-dàng chư Phật; vậy nên những thức cúng của
các vị Bồ-tát kia tức là sở-hữu của mình; biết là sở-hữu
của mình nên đem cúng-dàng các đức Như-lai. Lại dùng những vật
do tâm mình làm ra và do người khác cho mình, bố-thí lại cho chúng
sinh để cúng-dàng đức Tối-thắng. Lúc đi sâu vào quán
duyên-khởi thì mới làm được việc nầy. Đó là phép quán lễ
Phật.
Khoa 2: Về Phép Chỉ
Về phép chỉ lễ Phật thì nên biết tất cả Chư Phật
với thân mình và tất cả thức-cúng đều do tâm làm ra, có tức
là không phải có, chỉ là nhất-tâm. Lại cũng không được chấp
nhận cái tướng nhất-tâm; vì cớ sao? Vì ngoài tâm, không có pháp
gì nhận được cái tướng của tâm đó vậy. Nếu còn có
năng-thủ sở-thủ thì tức là hư-vọng, tự-thể không phải có.
Lễ Phật như thế thì gọi là phép chỉ.
Khoa 3: Tu Song Song
Lại không được vì phép chỉ ấy mà ngừng bỏ phép
quán và nên tu song song hai phép chỉ quán, nghĩa là tuy biết thân
Phật, thân mình và các thức-cúng, thể-tính chỉ là nhất-tâm, mà
liền từ nơi tâm phát sinh ra cái dụng duyên-khởi, cúng-dàng rõ
ràng. Tuy cúng-dàng rõ ràng mà lại liền biết rằng có tức là
không phải có, chỉ là nhất-tâm, bình đẳng không niệm phân biệt.
Vậy nên trong kinh nói rằng: "Cúng-dàng vô-lượng đức Như-lai
trong mười phương mà chư Phật và thân mình không có tướng phân
biệt". Đó tức là tu song song hai phép chỉ quán.
Đoạn 1: Quán Chuyển Biến Thô-Sơ
Thành Thượng-Diệu
Lúc ăn cũng có hai phép chỉ quán. Về phép quán thì
khi được thức ăn, vì để cúng-dàng Phật nên liền nghĩ thức-ăn
nầy do tâm ta làm ra, nay ta nên biến tướng thô-sơ thức-ăn này
thành vị thượng-diệu; vì cớ sao? Vì biết các pháp bản-lai do tâm
sinh ra và cũng do tâm chuyển biến vậy. Khi phát niệm như thế rồi
thì liền tưởng cái bát đương cầm thành cái bát thất-bảo và
thức ăn uống trong đó thì tưởng thành những thượng-vị trên
trời, hoặc thành cam-lộ, hoặc thành gạo thơm, hoặc thành đường
phèn, hoặc thành tô lạc và các thức ngon khác v.v... Tưởng như
thế rồi thì đem những thức ăn đã tưởng ra bố-thí cho tất cả
chúng sinh để cùng với mình cúng-dàng Tam-bảo tứ-sinh dùng. Lại
nên nghĩ tất cả chư Phật và các vị hiền thánh thẩy đều biết
chúng ta cúng-dàng và thẩy đều nhận lĩnh sự cúng-dàng của chúng
ta. Khi làm xong việc cúng-dàng ấy rồi thì mới ăn. Vậy nên trong
kinh nói rằng: "Dùng một món ăn bố-thí cho tất cả để
cúng-dàng chư Phật và các vị hiền thánh, về sau mới ăn".
Hỏi: Đã cúng thí cho Tam-bảo rồi, thì làm sao tự
mình lại được ăn?
Đáp: Đương lúc bố-thí cho tất cả chúng sinh cùng
mình cúng-dàng Tam-bảo thì cũng bố-thí luôn cho tất cả chúng sinh
được ăn; trong thân mình đây, có tám muôn hộ-trùng đều là
những chúng sinh; vậy nên tự mình được ăn để cho hộ-trùng
được an vui, chứ không phải vì riêng mình.
Đoạn 2: Quán Chuyển Biến Số Ít
Thành Số Nhiều
Lại quán tưởng trong một bát thức ăn, mỗi mỗi
hạt cơm thành một bát thức ăn ngon lành; rồi lại quán trong tất
cả các bát kia, mỗi mỗi hạt cơm cũng thành một bát thức ăn ngon
lành; chuyển biến phát sinh như thế làm cho đầy mười phương
thế-giới đều là những bát báu chứa đầy những thức ăn ngon
lành. Khi quán tưởng như thế rồi thì đem những thức ăn đã
quán-tưởng ra mà bố-thí cho tất cả chúng sinh, khiến cúng-dàng
Tam-bảo tứ-sinh, v.v.... Quán-tưởng như thế rồi, về sau tự mình
mới ăn để cho các hộ-trường trong thân mình được no đủ.
Mục 2: Quán Trừ Lòng Tham
Nếu là khi phải trừ lòng tham các vị ngon thì tuy
được những thức ăn tốt, nên quán-tưởng thành các thứ vật
không sạch mà ăn và lại thường biết những thức ăn tốt xấu
đều do tâm làm ra, là những hư-tướng không thật. Làm sao biết
được? Do thức ăn ngon trong bát trước kia, khi ta dùng quán-tưởng
làm thành không sạch thì liền thấy là không sạch; chính trong lúc
thấy toàn là không sạch thì cũng biết được thức ăn tốt
trước kia cũng giống như thế, chỉ do tâm làm ra. Đó là phép quán.
Khoa 2: Phép Chỉ
Phép chỉ trong lúc ăn thì nên quán các thức ăn,
người đương ăn, cái miệng biết ăn, cái lưỡi biết nếm, v.v...
quán mỗi mỗi cái đều biết là do tâm làm ra, chỉ là tâm-tướng,
có tức là không phải có, thể-tính chỉ là nhất-tâm. Lại cũng
không được chấp nhận cái tướng nhất-tâm; vì cớ sao? Vì ngoài
tâm, không còn pháp gì nhận được cái tướng của tâm vậy. Nếu
còn có năng-thủ sở-thủ thì tức là hư-vọng, tự-thể không
phải có. Đó gọi là phép chỉ.
Mục 1: Phép Quán
Cả trong lúc đại tiểu tiện lợi cũng có chỉ quán.
Phép quán là nên nơi chỗ nhớp nhúa, phát cái niệm rằng: Những
cái nhớp nhúa đó thẩy đều do tâm làm ra, có tức là không
phải có; ta nay nên chuyển biến những thứ nhớp nhúa ấy khiến
thành trong sạch. Rồi liền quán-tưởng chỗ nhớp ấy thành những ao
báu, rãnh báu, trong đó đầy nước thơm trong sạch, hoặc đầy tô,
lạc; lại quán tưởng thân mình thành thân thất-bảo, những tiện
lợi tiết ra đều là sữa thơm, tô, mật v.v... Quán tưởng như thế
rồi thì đem bố-thí cho tất cả chúng sinh và cũng liền biết những
tướng trong sạch đó chỉ do tâm làm ra, là hư-tướng không thật.
Đó gọi là phép quán.
Mục 2: Phép Chỉ
Phép chỉ là biết chỗ không sạch đó và những vật
không sạch từ thân mình tiết ra, chỉ do những nghiệp dữ quá-khứ
huân-tập cái tâm nên mới hiện ra những tướng không sạch, có
thể thấy được. Song những tâm-tướng đó, có tức là không
phải có, chỉ là nhất-tâm, bình-đẳng không niệm phân biệt. Đó
gọi là phép chỉ.
Mục 1: Giải Thích
Hỏi: Trên đây đã nói: Có ra những pháp tịnh và
bất-tịnh, tuy từ tâm làm ra, nhưng đều do những nghiệp quá-khứ
huân-tập khởi lên; vậy tại sao khi giả-tưởng hiện tại biến nó
thì nó liền theo tâm mà chuyển biến?
Đáp: Tâm-thể đầy đủ tính của tất cả các pháp,
nhưng không có duyên thì không khởi lên; vì thế, những tướng
nhớp nhúa trong nhà xí do nghiệp quá-khứ nên hiện ra được; còn
ao báu tô, lạc, thì không có nghiệp duyên quá-khứ nên không phát
sinh. Vậy nên biết chuyên tâm quán-tưởng là trong sạch, tức là
dùng những nghiệp sinh ra ao báu tô, lạc, huân-tập cái tâm thì
tướng trong sạch phát sinh được. Cái tâm ghét bỏ, cái tâm quán
không, tức là những duyên trừ diệt tướng không sạch; do cái
trong sạch huân-tập nơi tâm nên tướng nhớp nhúa liền diệt. Đó
là vì những nghiệp quá-khứ quyết định có thể huân-tập nơi tâm
mà khởi ra các tướng, và những công hạnh hiện tại cũng có
thể huân-tập nơi tâm mà bày tỏ diệu-dụng vậy.
Đoạn 1: Giải Thích Là Phương Tiện
Cũng như nơi chỗ đại tiểu tiện lợi, đã dùng
giả-tưởng huân-tập nơi tâm để biến đổi; tất cả những
cảnh-giới trong sạch nhơ nhớp khác đều cần dùng những
giả-tưởng như thế huân-tập nơi tâm, biến đổi tướng cũ để
hiện tại trừ bỏ được lòng ưa ghét và lâu xa về sau cũng có
thể làm phương tiện cho phép ngũ-thông vậy. Song những người mới
tập tu hành chưa được sự việc theo tâm mà chuyển biến thì chỉ
nên nhắm mắt giả-tưởng làm ra, lâu ngày thuần thục thì các pháp
theo niệm mà chuyển biến. Vì thế các vị Đại-bồ-tát, cho đến các
vị Tiểu-thánh Nhị-thừa, các ngũ-thông tiên-nhân v.v..., có thể
tức nơi sự việc mà biến đổi, không mà hiện ra có.
Đoạn 2: Giải Thích Lý Do Thấy Và
Không Thấy
Hỏi: Khi các vị thánh-nhân biến hiện nhiều thứ thì
vì cớ gì chúng sinh, có người thấy được và có người không
thấy?
Đáp: Do cộng tướng-thức nên được thấy, do
bất-cộng-tướng-thức nên không thấy.
Đoạn 3: Giải Thích Duyên Cớ Thần
Thông Khác Nhau
Hỏi: Thần-thông của Bồ-tát và thần-thông của
Nhị-thừa khác nhau thế nào?
Đáp: Thần-thông Nhị-thừa chỉ do giả-tưởng mà
thành, do ngoài tâm thấy có pháp nên có hạn có lượng.
Thần-thông Bồ-tát do biết các pháp thẩy đều từ tâm làm ra, chỉ
có tâm-tướng, ngoài tâm không có pháp nên không hạn không
lượng vậy. Lại khi các vị Bồ-tát mới tập thần-thông cũng do
giả-tưởng mà tu, song liền biết các pháp đều do nhất-tâm làm ra.
Hàng Nhị-thừa chỉ do giả-tưởng mà tập thần-thông, nhưng lại nói
là định-lực, chứ không nói do tâm làm ra. Luận về đạo-lý thì
một mực đều do tâm làm ra, chỉ hàng Nhị-thừa kia không biết, cho
nên có khác nhau vậy.