- Luận Chỉ Quán
- Đại thừa Chỉ quán pháp môn:
Chỉ quán của đại thừa
- HT. Thích Trí Quang dịch giải
8
Ghi Chú (1)
Tài liệu để ghi lược truyện này
là Chính 46/787 (Nam nhạc Tư đại thiền sư lập thệ nguyện văn), Chính
50/502-504 (Tục cao tăng truyện), Chính 51/98-100 (Thiên thai cửu tổ truyện),
Chính 51/1067, 1068, 1070 (Nam nhạc tổng thắng tập), Vạn 98/439 (Chỉ quán
thích yếu) và Chỉ quán thuật ký (trang 10). Có 2 tài liệu mà một số ghi
chép sau này về tôn giả đều tự nói là tài liệu gốc của họ, đó là
Nam nhạc bản kỷ và Thiên thai sơn phương ngoại ký. Nhưng 2 tài liệu này
tôi tìm không ra.
Ghi Chú (2)
Tức 1662-1724 Phật lịch theo cách
tính của tôn giả.
Ghi Chú (3)
Tra cứu không ra kinh này. Tôi hơi
ngờ rằng"Diệu thắng định kinh", chữ Diệu không chắc viết
hoa, và có nghĩa bản kinh (hay những bản kinh) nói về thiền định vi diêụ
thù thắng, chứ không chắc là tên 1 bản kinh.
Ghi Chú (4)
Vị này người Bắc Tề, nên thường
gọi là Bắc Tề tôn giả. Bắc Tề ở Hà bắc. Vậy đây là lần thứ nhất
tôn giả Tuệ tư du học Hà bắc.
Ghi Chú (5)
Vì vậy mà Thiên thai tông tôn Long
thọ đại sĩ là cao tổ.
Ghi Chú (6)
Dịch đúng chính văn là "cũng
nói trung đạo". Nhưng Tây tạng dịch "thế gọi lại là trung đạo",
xét ra đúng hơn.
Ghi Chú (7)
Căn bản thiền: tứ thiền và tứ
không, 8 cõi của 8 thiền này có 2 phần. Phần cận phần là dẹp phiền
não cõi dưới mà được thiền định cõi trên. Phần căn bản là dứt phiền
não cõi dưới mà được thiền định cõi trên. Thành ra có 8 căn bản thiền
và 8 cận phần thiền.
Ghi Chú (8)
Nấu vàng ra mà viết.
Ghi Chú (9)
Sông đây là Hoàng hà. Hà nam và
Hà bắc là vùng nam là vùng bắc Hoàng hà, không phải chỉ là tỉnh Hà nam
và tỉnh Hà bắc. Tôn giả Tuệ tư người Hà nam. Tôn giả Tuệ văn người
Hà bắc. Lần này tôn giả lại muốn du học Hà bắc nữa, sau lần đến học
với tôn giả Tuệ văn.
Ghi Chú (10)
Bát nhã có cái năng lực độc đáo,
ấy là thọ trì Bát nhã thì, ngay trong đời này, được chịu trước, rất
nhẹ, những tội báo đáng lẽ phải đọa ác đạo rất nặng.
Ghi Chú (1)
Xin nhắc lại, niên đại tôn giả
Tuệ tư là 515-577, niên đại Khởi tín là 553. Vậy luận Chỉ quán được
viết sau Khởi tín (và sau Nhiếp luận, 563) không hơn 14 năm. Luận Chỉ quán
rất tôn sùng và dẫn dụng Khởi tín. Qua luận Chỉ quán, ta biết chắc luận
Khởi tín đã có thật, vào trung diệp thế kỷ 6. Những người biện ngụy
về luận Khởi tín phải biết sự kiện này. Họ phải giải thích sự kiện
này khi cho Khởi tín là của Tàu, có chậm.
Ghi Chú (2)
So niên đại của 3 thánh điển và
niên đại nhập diệt của tôn giả Tuệ tư (577) thì thấy luận Chỉ quán
được viết không lâu sau 563 và trước 577. Nhưng rồi luận ấy thất truyền
ở Tàu, có lẽ cũng khá sớm, vì không tài liệu nào ghi chép về tôn giả
mà có ghi đến luận này. Mãi đến đời Tống, năm 1000, Tàu mới được
lại, do tăng sĩ Nhật đem đến. Tàu hay có những điều nghịch lý quái gở
như vậy.
Ghi Chú (3)
Chỉ 2 danh từ này cũng có thể thấy
luận Chỉ quán có tư tưởng và văn từ thật đặc sắc. Cái thuyết 10
pháp giới, mỗi pháp giới lại có đủ cả 10 pháp giới, nên chúng sinh địa
ngục vẫn có thể thành Phật, mà Phật vẫn hiện thân hình địa ngục -
đó chính là thuyết tính dơ bẩn tính trong sạch. Thuyết này lại cho thấy
Phật, và niết bàn của Phật, đầy diệu dụng đa dạng.
Ghi Chú (4)
Nhất tâm thì nói Tâm cũng được,
cái Tâm mà Bát nhã đã minh thị bằng"không","thực tướng",
và sau này Lăng nghiêm (705) nói đến với cách nói thấp hơn -"cái Tâm
mà từ đó nhìn lại vũ trụ và thân tâm, đối với Tâm ấy, chỉ như chiếc
lá trong lòng bàn tay" (lược dịch 1 đoạn nhỏ của Lăng nghiêm).
Ghi Chú (5)
Trước 1951, tuồng như 1949, tôi nhận
được bản dịch luận nàycủa thầy tôi, đại sư Trí độ, từ chiến
khu chuyển vềTừ đàm. Bản dịch được viết rất khó dò, trên những mảnh
giấy lớn có nhỏ có, thẳng thớm xiên xẹo, mới mẻ nhàu nát, đủ cả,
lại đi đường bị nước ẩm nhiều quá. Nhìn bản dịch, tôi xúc cảm hết
sức. Nên 1951 tôi dịch luận này để như sao mà in lại bản dịch của thầy.
Nhưng đã không tiện nói rõ động cơ xúc tác. Rồi cách nay vài năm, tôi
được thấy, và được có trong lúc làm việc đây, bản dịch luận này của
trưởng giả Tâm minh, một bậc thầy khác của tôi. Bản dịch tôi chữa lại
hiện nay là sự tưởng niệm của tôi đối với cái chí của 2 bậc thầy.
Bản dịch của đại sư Trí độ thất lạc, bản dịch của trưởng giả
Tâm minh tôi sẽ phụ lục trọn vẹn, để ai muốn thì đối chiếu, vì bản
dịch này dịch rất sát chính văn.
Ghi Chú (1)
Dịch sát và rõ: (luận Chỉ quán
này là bản văn của) ngài Nam nhạc Tư đại thiền sư hạ xuống mà truyền
trao những điều cốt yếu về Tâm. Câu này hậu thể viết nhưng rất đúng.
Ghi Chú (2)
Dịch sát: Có người (hay người
ngoài) hỏi sa môn (hoặc đại đức).
Ghi Chú (3)
Dịch sát: Bẩm thụ tâm tánh và thể
chất.
Ghi Chú (4)
Nhị thừa: Cỗ xe cấp 2. Đối lại,
đại thừa là cỗ xe cấp 1. Hiểu nhị thừa là thanh văn và duyên giác
thì cũng có trường hợp có nghĩa ấy.
Ghi Chú (5)
Là mọi sự tương quan (nhân duyên)
thì không có thực chất (hư vọng).
Ghi Chú (6)
Tâm duy nhất (chứ không phải đồng
nhất), chính văn là nhất tâm. Nhất tâm cũng gọi là Tâm, nên tôi dịch
hay dùng chữ ấy.
Ghi Chú (7)
Tính năng của Tâm (tâm tánh) là
thích ứng với sự tương quan biểu hiện (duyên khởi).
Ghi Chú (8)
Cái dụng chỉ có với tâm trí còn
ô nhiễm (thế dụng), không có với tâm trí đã thanh tịnh (hư vọng).
Ghi Chú (9)
Coi lại ghi chú 6 .
Ghi Chú (10)
Tách rời, hay không thích ứng, là
không phải như 2 cái tách rời nhau, mà như hư không không biến đổi theo
không hoa loạn sinh loạn diệt.
Ghi Chú (11)
Chính văn gọi tắt là tánh tịnh.
Ghi Chú (12)
Bản giác: Tuệ giác vốn có (tức
là tự tánh thanh tịnh).
Ghi Chú (13)
Ngụy dị là từ ngữ phản nghĩa của
chân như.
Ghi Chú (14)
Vô minh trú địa, nói đúng là trú
địa vô minh. Địa là Tâm; vô minh không thật, dựa Tâm mà có: cái vô
minh dựa vào Tâm, gọi là vô minh trú địa, tức căn bản vô minh.
Ghi Chú (15)
Coi ghi chú 17 .
Ghi Chú (16)
Từ đây sắp đi, hay gọi Phật tánh
là giác tánh. Giác = Phật.
Ghi Chú (17)
Nói phật tánh thì phật ấy có 3.
Một, như như phật, là Phật pháp thân. Hai, trí tuệ Phật, là phật tự
thọ dụng thân. Ba, báo ứng phật, là Phật tha thọ dụng thân và ứng
hóa thân.
Ghi Chú (18)
Trí tuệ phật tánh là tự thọ dụng
thân. Báo ứng phật tánh là tha thọ dụng thân, thắng ứng thân, liệt ứng
thân, tùy loại ứng thân. Xuất chướng phật tánh là pháp thân thoát khỏi
chướng ngại. Bình đẳng phật tánh là pháp thân còn trong chướng ngại.
Ghi Chú (19)
Huân tập, huân là xông ướp, tập
là luyện tập: Chính sự luyện tập là sự xông ướp nên gọi là huân tập.
Biến hiện, biến ở đây là tâm tánh tùy duyên, không phải tâm tánh biến
đổi.
Ghi Chú (20)
Hư trạng: hiện tượng hư ảo, tức
là pháp dơ bẩn.
Ghi Chú (21)
Đọc âm đúng hơn ấm. Âm cùng nghĩa
với uẩn. Các đại sư Tuệ viễn và Khuy cơ huấn độc như vậy.
Ghi Chú (22)
Thức, căn, cảnh, chính văn là thức,
sắc, trần. Tợ là tương tự, tuồng như, không thật, tức là có mà
không thực có. Tợ còn có nghĩa biểu hiện giống như huân tập.
Ghi Chú (23)
Nói 2 thức, nhưng chủ ý thiên về
ý thức nhiều hơn. Vì nó mạnh nhất, có khả năng nhất, trong sự thành dơ
bẩn và thành trong sạch. Ý thức gồm cả ngũ câu ý thức, tức gồm cả
5 thức trước.
Ghi Chú (24)
Vô minh trái, chính văn là quả thời
vô minh (vô minh lúc là trái), đối lại là vô minh hạt, chính văn là tử
thời vô minh (vô minh lúc là hạt). Đó là 2 danh từ của Thiên thân bồ
tát dùng trong Thập địa kinh luận. Trong ví dụ, hạt sinh trái, trái có hạt,
2 thứ sinh ra nhau, nhưng hạt vẫn là phần chính: vô minh hạt với vô minh
trái cũng vậy, vô minh hạt vi tế hơn, gốc gác hơn.
Ghi Chú (25)
Vọng tưởng: hư vọng phân biệt.
Ghi Chú (26)
Coi lại ghi chú 24 .
Ghi Chú (27)
Nghiệp thức ở đây là nghiệp tướng
hay nghiệp thức của Khởi tín, có nghĩa là cái động năng.
Ghi Chú (28)
Chủng tử (hạt giống) là công năng,
là năng. Chủng tử được ví dụ như những giọt nước kết hợp thành
dòng nước, hoặc nay có thể ví dụ như những điện tử thành điện ảnh:
mỗi hiện tượng mà có, và tồn tại, chỉ như dòng nước hay điện ảnh.
Tuy nhiên, chủng tử sinh hiện tượng, hiện tượng sinh chủng tử, thì
nên ví dụ như sự viết chữ: khi khả năng viết chữ viết ra chữ, thì
cùng lúc sự viết ấy lại tăng thêm cho khả năng viết chữ.
Ghi Chú (29)
Thiện tri thức, hay thiện hữu, là
thầy và bạn quí báu. Tức như, với luận này, tôn giả Tuệ tư cũng là
thiện tri thức đó. Nên chư Phật và Bồ tát càng là thiện tri thức. Làm
Phật, làm thầy, làm bạn, làm thân nhân, làm thù nghịch, làm tôi tớ,
làm cả cảnh vật, làm gì và làm sao cho chúng sinh tu hành, thì đó là thiện
tri thức.
Ghi Chú (30)
Vô trần trí, trần là cảnh, là sắc
cho đến pháp. Cái trí giác ngộ thực tướng không thật của trần cảnh,
gọi là vô trần trí. Trí này là ý thức chuyển danh. Ngay từ lúc bắt đầu
giác ngộ như M1 và M2 nói trên, đã chính là công phu của ý thức. Trong trạng
huống giác ngộ, phản vọng qui chân, ý thức với tuệ tâm sở là chính,
phụ vào có các tâm sở biệt cảnh khác và các thiện tâm sở, nó đã thấu
hiểu đạo lý duy Tâm theo ngôn từ và quán hạnh, bây giờ nó thấu hiểu
theo giác ngộ tương tự (gần như đích thực). Năng lực của nó mỗi giai
đoạn càng mãnh liệt, cho đến đến giai đoạn giác ngộ cứu cánh thì
nó thành diệu quan sát trí.
Ghi Chú (31)
Chân lý ở đây là Tâm.
Ghi Chú (32)
Vô trần trí ... không có pháp gì,
câu này là nói sự phá vỡ nghiệp quả.
Ghi Chú (33)
Là cái trí không có gì có thể
phá hủy (kim cương) không có gì có thể cản trở (vô ngại).
Ghi Chú (34)
Nhất niệm vô ninh: một thoáng vô
minh. Một thoáng vô minh là cuói cùng, nên cũng gọi là một thoáng vô minh
đầu tiên.
Ghi Chú (35)
Như nước trong lặng (tịch) thì
chiếu soi (chiếu) hình ảnh. Trong lặng và chiếu soi chỉ là một. Tâm là
nước, trong lặng là chân như, chiếu soi là tuệ giác, không thể tách ra
khác nhau.
Ghi Chú (36)
Coi lại ghi chú 7 . Ở đây cũng nên
nói khác đi một chút xíu cho dễ hiểu hơn. Tính năng của Tâm (tâm tánh)
là tùy tương quan mà biểu hiện (duyên khởi).
Ghi Chu (37)
Pháp nhĩ là ngữ khí như thổ ngữ,
có nghĩa như nói thế đấy, vậy đó, không phải điều kiện hay lý do gì
hết.
Ghi Chú (38)
Chính văn là chứng. Chứng, nguyên
cũng dịch là xúc (chạm đến), nên có nghĩa là thể hội, thể chứng, hội
chứng, hội nhập ...
Ghi Chú (39)
Khái niệm, chính văn là tướng.
Ghi Chú (40)
Chính văn là đệ nhất nghĩa đế.
Trái lại, thế tục nghĩa đế là chân lý phổ thông.
Ghi Chú (41)
Tuệ giác của các vị thánh (thánh
trí) thể hội từ bên trong (tự giác).
Ghi Chú (42)
Thí dụ có không thì có là 1,
không là 2, chẳng có chẳng không là 3, cũng có cũng không là 4. Những
khái niệm khác cũng hàm có diễn biến như vậy.
Ghi Chú (43)
Ấy là đối tượng hóa Tâm ra mà
phân biệt.
Ghi Chú (43B)
Thức tướng: ấn tượng của thức.
Ghi Chú (44)
Chính văn là không, bất không.
Ghi Chú (45)
Không hoa là hoa đốm trong không
gian, do mắt bịnh mà thấy ra chứ không phải thật có.
Ghi Chú (46)
Pháp huân tập (năng huân) ở đây
chỉ cho giai đoạn trước của vô minh.
Ghi Chú (47)
Niệm (sát na) là đơn vị ngắn nhất
của thì gian, ngắn như sự thoạt hiện hay thoạt biến của tâm thức thường.
Niệm niệm là sự liên tục qua từng niệm.
Ghi Chú (48)
Kiếp sơ: thời kỳ tối sơ.
Ghi Chú (49)
Tính năng đủ 2 pháp dơ bẩn trong
sạch là nói sự dụng mà bản thể đủ cả. Bản thể đồng nhất dị biệt
là nói bản thể đủ mọi sự dụng (đồng nhất: toàn dụng là bản thể,
dị biệt: toàn thể là sự dụng).
Ghi Chú (50)
Là nhất thế trí (tuệ giác biết
bản thể) đạo chủng trí (tuệ giác biết đạo pháp) nhất thế chủng
trí (tuệ giác biết toàn thể).
Ghi Chú (51)
Đúng chính văn thì phải là diệu
dụng của chân như. Chữ của Khởi tín luận.
Ghi Chú (51B)
Đoạn này rất quan trọng, nói rất
tắt mà rất rõ về thuyết tính cụ của Thiên thai tông.
Ghi Chú (52)
Coi lại ghi chú 37 . Ở đây xin nói
thêm, trưởng giả Tâm minh đã dịch pháp nhĩ là bản nhiên.
Ghi Chú (53)
Thế nhưng phải hiểu tính dơ bẩn
nơi Phật mà khởi dụng, thì dụng đó là tùy lục đạo chúng sinh mà khởi
lên cái dụng độ sinh bất khả tư nghị. Thuyết tính cụ của Thiên thai
tông là như thế này đây.
Ghi Chú (54)
Coi lại ghi chú 51 .
Ghi Chú (55)
Ý nói đừng liên tưởng ngọn lửa
nơi cái đèn và cái lư không trở lại đốt 2 cái ấy. Nhưng thật ra phải
hiểu ngọn lửa có từ tim đèn (chứ không phải từ cái đèn) và từ trầm
hương (chứ không phải từ cái lư), mà như vậy thì cũng như cái ví dụ
của chính văn đã đưa ra.
Ghi Chú (56)
Vì văn khí và văn tự ở đây nên
câu này không trích đúng Khởi tín luận đã dịch.
Ghi Chú (57)
Thích yếu (Vạn 98/452) chép vô thỉ,
Thuật ký (trang 95) chép vô thời. Trưởng giả Tâm mình dịch theo chữ vô
thời, rằng từ không-thì-gian cho đến nay.
Ghi Chú (58)
Đúng chính văn là lỗ lông - Nhưng
ở đây nói vật nhỏ nhất, không phải nói lỗ trống nhỏ nhất, nên phải
chuyển đổi chút ít. Những chỗ sau đây cũng vậy.
Ghi Chú (59)
Vậy là chính văn Khởi tín luận
đời ngài Tuệ tư có cả chữ ác, không phải chỉ có chữ thiện như sau
này. Nói cả thiện và ác thì mới hợp lý.
Ghi Chú (60)
Đúng chính văn là bất cải (không
thể cải biến).
Ghi Chú (61)
Đó là chính văn ở trước. Đúng
chính văn ở đây là nói về lý do đồng nhất và dị biệt của sự đối
trị mê lầm và hưởng chịu kết quả.
Ghi Chú (62)
Tướng ở đây là nghĩa tướng. Thể
tướng là cái nghĩa về bản thể, là khái niệm bản thể.
Ghi Chú (63)
Chính văn là khí thế giới, dịch
sát là thế giới đồ dùng. Trưởng giả Tâm minh dịch là thế giới vật
chất. Khí thế giới cũng gọi là quốc độ thế gian (thế giới khách thể),
đối lại còn có ngũ uẩn thế gian (thể giới tổng thể) và chúng sinh thế
gian (thế giới chủ thể).
Ghi Chú (64)
Chính văn là ngũ trần, tức sắc,
thanh, hương, vị và xúc.
Ghi Chú (65)
Thức chung (cọng tướng thức) là
cái thế giới mọi người cùng hưởng dụng; thế giới ấy cũng là hình
thành của Thức, của nghiệp chung mọi người. Đối lại, thức riêng (bất
cọng tướng thức) là cái thân thể của mỗi người; thân thể ấy là biểu
hiện của Thức, của nghiệp riêng mỗi người.
Ghi Chú (66)
Theo thuyết này, ở kinh luận khác,
được ví dụ như nhiều ngọn đèn trong phòng, ngọn đèn nào cũng chiếu
sáng khắp phòng. Ánh sáng trong phòng là đồng nhất, không phải độc nhất.
Nên khi 1 ngọn đèn tắt mà ánh sáng trong phòng vẫn còn. Thế giới cũng là
như vậy.
Ghi Chú (67)
Mà hầu hết tôi dịch là Tâm.
Ghi Chú (68)
Dịch đủ là vốn thể chứng vắng
lặng. Dưới đây lại phần nhiều dùng chữ thể chứng. Nhưng để thống
nhất và đơn giản, tôi dùng chữ vắng lặng cả, chữ mà trên đây và dưới
đây chính văn dùng đến.
Ghi Chú (69)
Những người tự xưng thiền sư hãy
chú ý lời này. Vì họ thực sự ngày càng khoe khoang, dối gạt, đam mê
danh lợi, tôn kính, thì biết lời này nói rất đúng.
Ghi Chú (70)
Dịch theo tiếng hán việt thì trên
là có cấu không cấu, dưới là không nhiễm có nhiễm.
Ghi Chú (71)
Dịch theo tiếng hán việt là cái tịnh
có cấu, cái nhiễm không cấu.
Ghi Chú (72)
Dụng trái của Phật là biến thể
đủ hết thân hình chúng sinh, hoạt dụng đủ cả phương cách hóa độ.
Ghi Chú (73)
Trí đồng thể là trí biết mình
và chúng sinh cùng là cái Tâm duy nhất.
Ghi Chú (74)
Nhưng đây là nói dụng trái và dụng
thuận trong sự hóa độ và thích ứng hóa độ, tức nói sự giải thoát.
Còn nghiệp nặng đến mấy, dụng thuận cũng vẫn có, đó là những bản
năng và động tác thiện tính mà loài vật cũng có, lại có thể làm được
điều thiện nhân thiên v/v (mà đoạn trên mới nói).
Ghi Chú (75)
Câu này là định nghĩa chữ phân
biệt đó.
Ghi Chú (76)
Thân thị hiện là thần thông
luân, miệng thuyết pháp là chánh pháp luân, ý biết cơ là ký tâm luân.
Ghi Chú (77)
Không giả (vọng không) là cái
không giả dối, không phải không thật (chân không).
Ghi Chú (78)
Trí giả (vọng trí) là cái trí do
thói quen của vọng tưởng, đối tượng hóa chân như ra mà quán sát. Tướng
khác (dị tướng) là cho có cái chân như đã đối tượng hóa (cho có mắt
mình ngoài mắt mình, nên mở mắt mình ra mà tìm).
Ghi Chú (78B)
Sóng nắng (dương diệm) là nai
khát tưởng sóng nắng là nước. Hóa thành (càn thành) là ảo ảnh trên biển.
Ngạ quỉ là ngạ quỉ thấy nước ra máu.
Ghi Chú (79)
Thuận là thuận, vi là trái. Thuận
hóa vi hóa là thuận dụng vi dụng của Phật. Thuận hóa thì thân hình là
ứng thân, chỗ ở là tịnh độ. Vi hóa thì thân hình là hiện thân lục
đạo, chỗ ở là trong tam đồ.
Ghi Chú (80)
Hóa thân, đúng chính văn là ma nâu
ma hóa thân. Ma nâu ma dịch là ý sinh hay ý thành, là cái thân tùy ý biến
hóa ra. và hóa, nghĩa có khác nhau. là cái thân ứng hiện với sự
đản sinh cho đến nhập diệt. Hóa là cái thân hóa hiện như cái y,ắ nghĩ
là thành.
Ghi Chú (81)
Tạp độ, đúng chính văn là tạp
tịnh độ. Xét ra thì phải nói tạp tịnh độ và tạp uế độ. Tạp là
thánh phàm đồng cư. Đồng cư mà sạch như Cực lạc là tạp tịnh độ,
đồng cư mà dơ như Sa bà là tạp uế độ.
Ghi Chú (82)
Hiệu năng là chữ tôi đổi ra, và
có chỗ thêm vào. Đúng chính văn thì trước đây nói là đoạn đắc (dứt
chướng ngại, được lợi ích), ở đây nói rõ là trừ chướng đắc ích
(trừ chướng ngại, được lợi ích).
Ghi Chu (83)
Cứ như cách trình của tôn giả Tuệ
tư thì nên nói Quán Chỉ, có Quán mới có Chỉ, có Chỉ là đã phải có
Quán. Nên ở đây chỉ nói hoàn thành Chỉ là vì vậy.
Ghi Chú (84)
Chính văn là phân hưởng thập
phương. Thuật ký và trưởng giả Tâm minh hiểu và dịch: phân thân hưởng
ứng mười phương: có thể có lý hơn tôi dịch.
Ghi Chú (85)
Trí huyễn: sự biến ảo của trí
biến ảo.
Ghi Chú (86)
Nghĩa là xứng tánh nói về pháp
môn trùng trùng duyên khởi, in như mắt lưới kết ngọc chói hiện lẫn
nhau.
Ghi Chú (87)
Nghĩa là tùy cơ nói về tám vạn bốn
ngàn pháp môn, như bao trăng sao sáng có mờ có. Đó là tôi dịch và giải
theo thiển kiến.
Ghi Chú (88)
Đoạn này có phần mô tả bát tướng
thành đạo.
Ghi Chú (89)
Nhị biên với bất nhị ở đây phải
hiểu theo nghĩa ở đây. Nhị biên là một bên thì phàm, chúng sinh, sinh tử,
pháp thế gian, dụng trái; đối lại, bên khác là thánh, Phật đà, niết
bàn, pháp xuất thế, dụng thuận. Bất nhị là hai bên cùng là Tâm cả.
Ghi Chú (90)
Đúng chính văn là như lai tạng hay
tạng tâm. Ở dưới cũng vậy. Tôi dịch là Tâm cả.
Ghi Chú (91)
Coi lại ghi chú 89 .
Chân
thành cảm ơn quý cư sĩ Nguyễn Văn Củng, Đoàn Viết Hiệp và Nguyễn Anh
Tuấn đã phát tâm chuyển tác phẩm này từ dạng Help File, VPS font sang dạng
Word, VNI font. Thích Nhật Từ 3-5-2000
Phần | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |