...... ... |
. |
. |
. |
. |
. |
- Thủ Lăng Nghiêm Kinh Trực Chỉ
Đề Cương
- Pháp Sư Thích Từ Thông
SÁU
NHẬP LÀ HIỆN TƯỢNG BIỂU HIỆN TỪ NHƯ LAI TÀNG
- Nhãn nhập
A Nan: Vì sao bản tánh của sáu nhập
vốn là hiện tượng biểu hiện từ Như Lai tàng ?
A Nan ! Con mắt khi ngó chăm chú
sanh ra sự mỏi mệt. Tánh thấy và sự mỏi mệt đều là hiện
tượng phát sanh từ thể tánh Bồ Đề trong sáng. Nhơn hai thứ vọng
trần sáng và tối phát sanh tánh thấy bên trong, thu nhập các trần
tướng gọi đó là tánh thấy. Tánh thấy rời hai trần sáng và
tối không có tự thể. A Nan, ông nên biết, tánh thấy không phải
từ sáng hay tối mà đến, không phải từ mắt ra, không phải từ
hư không sanh. Nếu từ sáng đến thì lúc tối nó đã theo sáng diệt
mất đi rồi, lẽ ra không thấy được tối. Nếu từ tối đến, lúc
sáng nó đã theo tối diệt mất đi rồi, lẽ ra không thấy sáng. Nếu
do mắt sanh, không cần có sáng tối thời mắt chẳng thấy được gì,
đồng như không có thấy. Nếu do hư không ra thì lúc ngó ra thấy các
trần tướng, khi xoay vào ắt phải thấy mắt và mặt. Và nếu thật
vậy, thì hư không tự thấy nào có tương quan gì với sự thu nạp
của ông ? Vì vậy, biết rằng nhãn nhập là hư vọng, không phải nhơn
duyên cũng không phải tự nhiên.
- Nhĩ nhập
A Nan ! Ví như có người lấy hai ngón
tay bịt chặt hai lỗ tai. Do tai mỏi mệt hóa ra có nghe. Tánh nghe và
sự mệt mỏi đều là hiện tượng phát sanh từ thể tánh Bồ Đề
trong sáng. Nhơn hai thứ vọng trần động và tĩnh sanh tánh nghe bên
trong, thu nạp các trần tướng gọi đó là tánh nghe. Tánh nghe rời
hai trần động và tĩnh không có tự thể. A Nan ! Ông nên biết, tánh
nghe đó không phải từ động tĩnh đến, không phải từ tai ra, cũng
không phải do hư không có. Vì vậy biết rằng nhĩ nhập là hư vọng,
không phải nhơn duyên cũng không phải tự nhiên.
- Tỷ nhập
A Nan ! Nếu bịt hai lỗ mũi, bịt lâu
thành mỏi mệt, trong lỗ mũi có cái xúc lành lạnh. Nhơn xúc đó
phân biệt được thông và nghẹt, rỗng đặc cho đến các mùi thơm
thối
Tánh ngửi và sự mỏi mệt đều là hiện tượng phát
sanh từ thể tánh Bồ Đề trong sáng. Nhơn hai vọng trần, thông và
nghẹt phát ra tánh ngửi ở trong, thu nạp các trần tướng gọi đó
là tánh ngửi. Tánh ngửi rời hai trần thông và nghẹt không tự
thể. Tánh ngửi không phải từ thông và nghẹt mà đến, không
phải từ lỗ mũi ra cũng không phải do hư không sanh. Vì vậy biết
rằng tỷ nhập là hư vọng, vốn không phải nhơn duyên cũng không
phải tự nhiên.
- Thiệt nhập
A Nan ! Ví như có người dùng lưỡi
liếm mép, liếm mãi sanh mỏi mệt, nếu người đó có bệnh thì có
vị đắng, người không bệnh thì có chút vị ngọt. Do những cảm xúc
ngọt đắng, mà bày tỏ tánh nếm, khi không động thường có tánh
nhạt. Tánh nếm và sự mỏi mệt đều là hiện tượng phát sanh từ
thể tánh Bồ Đề trong sáng. Nhơn hai thứ vọng trần nhạt và ngọt
phát sanh tánh nếm ở trong, thu nạp các trần tướng gọi đó là
tánh biết nếm. Tánh biết nếm rời những trần: ngọt nhạt, đắng
cáy
Không có tự thể. A Nan ! Sự biết ngọt biết nhạt không
phải từ ngọt nhạt đến, không phải từ lưỡi ra cũng không phải
do hư không sanh. Vì vậy biết rằng thiệt nhập là hư vọng vốn không
phải nhơn duyên cũng không phải tự nhiên.
- Thân nhập
A Nan ! Ví như có người dùng bàn tay
lạnh chạm bàn tay nóng. Nếu lực bên lạnh nhiều hơn thì bên nóng
trở thành lạnh. Nếu lực bên nóng nhiều hơn thì bên lạnh hóa ra
nóng. Do sự cảm nhận trong lúc hợp mà nhận biết lúc rời ra.
Giữa thế tương quan đó, phát ra mỏi mệt và cảm xúc. Tánh cảm
xúc và mỏi mệt đều là hiện tượng phát sanh từ thể tánh Bồ
Đề trong sáng. Nhơn hai vọng trần hợp và ly phát ra sự hiểu biệt
ở trong, thu nạp các trần tướng, đó gọi là tánh biết xúc. Tánh
biết xúc rời hai trần ly và hợp, trái và thuận không có tự
thể. A Nan ! Tánh biết xúc không phải từ hợp ly đến, không phải
từ trái thuận ra cũng không phải do hư không sanh. Vì vậy biết rằng
thân nhập vốn hư vọng, không phải nhơn duyên cũng không phải tự
nhiên.
- Ý nhập
A Nan ! Ví như có người mệt nhọc
thì ngủ, ngủ chán thức dậy. Nhận biết trần cảnh, thì nhớ, lúc
hết nhớ gọi là quên. Các sự việc ấy sanh khởi, tồn tại thay
đổi rồi mất đi. Cứ theo cái vòng lẩn quẩn mà hấp thụ không
lộn lạo, không chồng chất rối loạn, gọi đó là "ý tri
căn". Ý tri căn và sự mỏi mệt đều là hiện tượng phát sanh
từ thể tánh Bồ Đề trong sáng. Nhơn hai thứ vọng trần sanh diệt,
nhóm tánh biết ở trong, thu nạp pháp trần, dòng thấy nghe chảy
ngược mà không chỗ đến, gọi đó là sự hiểu biết (tức là ý
tri căn hay ý nhập). Tánh hiểu biết này rời hai trần tướng:
Thức, ngủ, sanh diệt nó không có tự thể. A Nan ! Ý căn hay sự
hiểu biết đó, không phải từ thức, ngủ đến, không do sanh diệt
có, không phải từ ý căn phát ra cũng không phải do hư không sanh.
Nếu từ thức đến lúc ngủ nó đã diệt theo thức mất đi rồi
còn lấy gì làm ngủ. Nếu cho rằng khi sanh mới có hiểu biết, thì
lúc diệt nó đã không còn, làm sao biết được diệt. Nếu do diệt
có, lúc sanh không còn diệt thì lấy gì mà biết là sanh. Nếu do hư
không sanh thì hư không tự biết nào có dính dáng gì chỗ thu nạp
của ông ? Vì vậy, biết rằng ý nhập là hư vọng vốn không phải
nhơn duyên cũng không phải tự nhiên.
MƯỜI HAI XỨ LÀ HIỆN
TƯỢNG BIỂU HIỆN TỪ NHƯ LAI TÀNG
- Sắc và kiến
(Sắc trần và tánh thấy)
A Nan ! Vì sao 12 xứ là hiện
tượng biểu hiện từ Như Lai tàng ?
A Nan ! Ông hãy xem rừng Kỳ Đà, ao
khe cây cảnh, tất cả hiện tượng kia. Ông nghĩ thế nào ? Sắc
tướng sanh tánh thấy hay tánh thấy sanh sắc tướng ?
A Nan ! Nếu tánh thấy sanh sắc tướng
thì lúc trông thấy hư không, không có sắc tướng, tánh thấy đã
mất rồi, còn lấy gì để nhận biết được tướng hư không ? Nếu
sắc tướng sanh tánh thấy, vậy khi thấy hư không, không có sắc
tướng thì lấy gì để biết được hư không và sắc tướng ? Với
hư không cũng như vậy.
- Thanh và thinh
(thanh trần và tánh nghe)
A Nan ! Ông nghe trong trai đường ở
rừng Kỳ Đà nầy, dọn đồ ăn xong thì đánh trống, lúc họp chúng
đánh chuông. Tiếng chuông trống lần lượt nối nhau.
A Nan ! Ông nghĩ thế nào ? Tiếng đến
chỗ nghe hay tánh nghe đến chỗ tiếng ?
A Nan ! Nếu tiếng đến chỗ tánh nghe,
vậy khi tiếng đến chỗ ông A Nan, khiến cho ông A Nan được nghe, thì
ông Mục Kiền Liên, ông Ca Diếp v.v
lẽ ra không thể đồng nghe
cùng một lúc. Ví như khi tôi khất thực ở thành Thất La Phiệt thì
ở rừng Kỳ Đà nầy có cả 1250 vị sa môn, khi nghe tiếng chuông,
đồng đến chỗ thọ trai một lượt. Nếu như tánh nghe của ông đến
bên tiếng thì lúc ông nghe tiếng trống, có tiếng chuông lẽ ra ông
không thể nghe được. Cũng như khi tôi đã về rừng Kỳ Đà thì
không thể có mặt ở thành Thất La Phiệt nữa. Sự thật, không
những ông nghe tiếng trống tiếng chuông mà ông còn nghe được cả
tiếng voi, ngựa, trâu, dê và nhiều tiếng khác cùng một lúc. Còn
nếu trống và tánh nghe không đến nhau thì không có gì để gọi là
nghe cả. Vậy nên biết rằng: tánh nghe và tiếng cả hai đều là hư
vọng, không phải nhơn duyên cũng không phải tự nhiên.
- Hương và khứu
(Hương trần và tánh ngửi)
A Nan ! Ông hãy ngửi hương chiên
đàn trong lư đầy, hương nầy nếu đốt một lạng thì cả thành Thất
La Phiệt đều được ngửi được mùi thơm. Ông nghĩ thế nào ? Mùi
thơm sanh do gỗ chiên đàn ? Do lỗ mũi ? Hay do hư không ? Nếu do lỗ
mũi sanh thì nó từ lỗ mũi ra. Nhưng lỗ mũi không phải chiên đàn
thì sao lại có được mùi thơm chiên đàn ? Nếu từ hư không sanh,
tánh hư không thường nhiên thì mùi thơm cũng phải thường nhiên,
cần chi phải đốt chiên đàn trong lư mùi thơm mới có ?
Nếu mùi thơm từ gỗ chiên đàn
sanh, cần gì phải đợi đốt thành khói mới có chất thơm loan tỏa
trong thành ? Vì vậy, biết rằng: Hương trần và tánh ngửi không xứ
sở, cả hai đều hư vọng, không phải nhơn duyên cũng không phải
tự nhiên.
- Vị và thường
(Vị trần và tánh nếm)
A Nan ! Thường thì ông trì bát khất
thực ngày hai lần. Có khi được tô, lạc, đề hồ, là những vị
ngon. Ông nghĩ thế nào ? Vì do hư không sanh ? Do lưỡi ? Hay do đồ ăn
sanh ?
A Nan ! Nếu vị do lưỡi sanh, trong
miệng ông chỉ có một cái lưỡi làm sao biết được các vị: ngọt,
chua và đắng ? Nếu do đồ ăn sanh, đồ ăn thì vô tri giác làm sao
biết được vị ? Nếu vị từ hư không sanh, vậy ông hãy nếm xem hư
không vị gì ? Vì vậy, biết rằng: Vị trần và tánh biết nếm không
có xứ sở, cả hai đều hư vọng, không phải nhơn duyên cũng không
phải tự nhiên.
- Xúc và thân
(Xúc trần và tánh cảm thụ)
A Nan ! Thường buổi sớm mai ông lấy
tay xoa đầu. Ông nghĩ thế nào ? Trong sự nhận biết xoa đầu, ông
thử phân tích cái nào năng xúc cái nào sở xúc ? Năng xúc ở
tay hay ở đầu ? Nếu ở tay, đầu không biết làm sao thành xúc ?
Nếu ở đầu, tay vô dụng cũng không gọi là xúc được. Nếu tay
lẫn đầu đều biết xúc, vậy một mình ông có hai cái xúc. Thế thì
trong ông có cả hai con người ? Vả lại, nếu đầu và tay đồng một
cảm xúc, thế thì cả hai cùng một tự thể. Nếu một tự thể thì
không sở không năng, cái nghĩa cảm xúc không thành lập được.
Nếu là hai thể thì cảm xúc ở phía nào ? Ở bên năng thì không
ở bên sở. Ở bên sở, không có bên năng. Không lẽ hư không
làm cho ông có xúc ? Vì vậy, biết rằng: Xúc và thân không xứ
sở, cảm biết xúc cùng xúc trần đều hư vọng, không phải nhơn
duyên cũng không phải tự nhiên.
- Pháp và ý
(Pháp trần và yù)
A Nan ! Ý căn thường duyên với ba
tánh. Thiện, ác và vô ký mà sanh pháp trần. Pháp trần đó tức
tâm sanh hay ly tâm sanh ?
A Nan ! Nếu tức tâm sanh pháp trần
thì pháp trần không còn trần nữa. Vì nó không là pháp sở duyên
của tâm, làm sao thành xứ được ? Bảo rằng ly tâm riêng có chỗ
sanh cũng không được. Thử hỏi: Bản tánh của pháp trần có biết
hay không biết ? Nếu có biết thì không thể ly tâm. Nếu không biết
thì nó ngoài sắc, thanh, hương, vị, xúc, ngoài hợp, ly, nóng, lạnh;
ngoài cả hư không. Vậy thì pháp trần ở chỗ nào ? Hiện tại trong
sắc không v.v
Không thể chỉ cái gì là pháp trần. Chẳng lẽ
trong nhơn gian lại có cái
ngoài hư không ? Nếu không có đối
tượng sở duyên thì ý căn do đâu thành lập xứ ? Vì vậy, biết
rằng: pháp trần cùng ý căn không có xứ sở, cả hai đều hư
vọng, không phải nhơn duyên cũng không phải tự nhiên.
MƯỜI TÁM GIỚI LÀ HIỆN TƯỢNG
BIỂU HIỆN TỪ NHƯ LAI TÀNG
- Nhãn thức giới
A Nan ! Vì sao 18 giới là hiện
tượng biểu hiện từ Như Lai tàng ?
A Nan ! Như ông đã biết: Nhãn căn
và sắc trần làm duyên sanh nhãn thức. Nhãn thức nhơn nhãn căn
sanh, lấy nhãn căn làm giới hay nhơn sắc trần sanh, lấy sắc trần
làm giới ?
A Nan ! Nếu bảo rằng nhơn nhãn căn
sanh, thử hỏi: Nếu không có sắc và không thì cái thức cũng
chẳng dùng vào đâu được. Tánh thấy ngoài hình sắc và hiển sắc
ra, không thể biểu hiện. Thế thì dựa vào đâu mà thành lập giới
? Bảo rằng nhơn sắc trần sanh. Vậy lúc không có sắc trần, chỉ có
hư không lẽ ra cái thức của ông bị diệt mất đi rồi, làm sao ông
biết được hư không ? Bảo rằng: Do nhãn căn và sắc trần chung
hợp sanh. Vậy, khi hợp lại thì ở giữa ly. Lúc ly ra thì hai bên
hợp. Thể tánh xen lộn giữa cái biết và không biết thì cái gọi
là giới không thể thành lập. Vì vậy, biết rằng nhãn căn và sắc
trần làm duyên (điều kiện) sanh nhãn thức, cả ba đều không. Không
phải nhơn duyên cũng không phải tự nhiên.
- Nhĩ thức giới
A Nan ! Như ông đã biết: Nhĩ căn
và thanh trần làm duyên sanh nhĩ thức. Nhĩ thức nhơn nhĩ căn sanh,
lấy nhĩ căn làm giới hay nhơn thanh trần sanh lấy thanh trần làm
giới ?
A Nan ! Nếu nhơn nhĩ căn sanh mà không
có hai tướng động và tĩnh thì cái biết của nhĩ căn không thành.
Bởi vì chẳng có gì để biết ! Cái biết đã không thì cái gọi
là "nhĩ thức" hình mạo ra sao ? Nếu bảo: Nhĩ thức nhơn thanh
trần sanh. Vậy thì nhĩ thức vốn nhơn thanh trần mà có, nó chẳng
tương quan gì với tánh nghe của lỗ tai. Đã không nghe thì cũng không
biết gì là thanh trần và thanh trần ở đâu. Vì vậy, biết rằng: Nhĩ
căn thanh trần làm duyên sanh nhĩ thức giới, ba chỗ đều không.
Không phải nhơn duyên cũng không phải tự nhiên.
- Tỷ thức giới
A Nan ! Như ông đã biết: Tỷ căn
và hương trần làm duyên sanh tỷ thức. Tỷ thức nhơn tỷ căn sanh,
lấy tỷ căn làm giới hay nhơn hương trần sanh lấy hương trần làm
giới ?
A Nan ! Ông nghĩ thế nào về tỷ căn
? Ông lấy cái mũi thịt hình tướng như hai ngón tay dũi xuống hay
lấy sự biết ngửi là tỷ căn ? Nếu lấy hình tướng cái mũi thịt
thì chưa đúng hẳn vì chất thịt thuộc thân căn. Và cái biết của
thân căn là xúc. Đã là thân căn thì không phải tỷ căn. Đã
gọi xúc trần thì đó là đối tượng của thân căn, không tương
quan đến tỷ căn nữa. Vì vậy, tỷ căn còn không đáng gọi, làm
sao thành lập tỷ căn giới ?
Bảo rằng: Tỷ thức nhơn hương trần
sanh càng vô lý. Nếu hương trần sanh tỷ thức thì tỷ thức không
thể ngửi biết hương trần. Ví như con mắt, không tự thấy con mắt.
Nếu biết hương trần thì không do
hương trần sanh. Nếu không biết hương trần thì không là tỷ thức
nữa. Do vậy, biết rằng tỷ căn hương trần làm duyên sanh tỷ thức
ba chỗ đều không. Không phải nhơn duyên cũng không phải tự nhiên.
- Thiệt thức giới
A Nan ! Như ông đã biết: Thiệt
căn và vị trần làm duyên sanh thiệt thức. Thiệt thức nhơn thiệt
căn sanh, lấy thiệt căn làm giới hay nhơn vị trần sanh, lấy vị trần
làm giới ?
A Nan ! Nếu nhơn thiệt căn sanh thì
những mía ngọt, mơ chua, ớt cay, hoàng liên đắng đều hóa ra vô vị
? Vậy ông hãy tự liếm lưỡi của ông xem, nó ngọt hay đắng ? Và
ông hãy nghiệm xem, lấy cái gì nếm lưỡi để ông biết lưỡi
đắng ? Nếu bảo rằng vị trần sanh thiệt thức thì thiệt thức chính
là vị trần. Vị trần không thể tự nếm vị trần, làm sao còn biết
là có vị hay không có vị ? Bảo rằng thiệt căn và vị trần hòa
hợp sanh. Không được. Vì, đã là hòa hợp tất không có tự
tánh còn lấy cái gì để thành lập thiệt thức giới ? Vì vậy,
biết rằng: Thiệt căn vị trần làm duyên sanh thiệt thức, ba chỗ
đều không. Không phải nhơn duyên cũng không phải tự nhiên.
- Thân thức giới
A Nan ! Như ông đã biết: Thân
căn và xúc trần làm duyên sanh thân thức. Thân thức nhơn thân
căn sanh, lấy thân căn làm giới hay nhơn xúc trần sanh, lấy xúc
trần làm giới ?
A Nan ! Nếu bảo rằng nhơn thân căn
sanh, giả sử không có hai sự kiện hợp ly thì thân căn sẽ không
có tác dụng. Bảo rằng nhơn xúc trần sanh. Không ổn. Vì có ai không
có thân căn mà biết hợp biết ly ?
A Nan ! Vật thì không xúc không biết.
Thân có biết có xúc. Biết thân là do có xúc. Biết xúc do có
thân. Đã là xúc thì không phải thân. Đã là thân thì không phải
xúc. Thân căn và xúc trần không có xứ sở. Nếu xúc trần hợp
nhất với thân căn thì hóa thành tự thể của thân căn rồi. Nếu
xúc trần tách rời thân căn, thì chẳng khác hư không và các
tướng, không quan hệ gì nhau. Nội căn ngoại trần đã không thành
thì làm sao lập được cái thức ở giữa. Thức đã không lập
được thì nội căn ngoại trần bản tánh rỗng không. Ông sẽ dựa
vào đâu để mà thành lập thân thức giới ? Vì vậy, biết rằng:
Thân căn xúc trần làm duyên sanh thân thức ba chỗ đều không.
Không phải nhơn duyên cũng không phải tự nhiên.
- Ý thức giới
A Nan ! Như ông đã biết: Ý căn và
pháp trần làm duyên sanh ý thức. Ý thức nhơn ý căn sanh, lấy ý
căn làm giới hay nhơn pháp trần sanh, lấy pháp trần làm giới.
A Nan ! Nếu bảo rằng ý căn sanh, thì
trước hết ông phải có suy nghĩ, từ đó mới phát minh được
cái ý của ông. Dù ý ông đã có, nhưng nếu không có đối
tượng pháp trần thì ý căn của ông cũng không thể sanh được.
Rời các pháp trần không thể nương vào đâu nhận thức hình mạo
ý căn, thì cái ý thức còn đem dùng vào việc gì ?
Lại nữa, ý thức của ông cùng
với các thứ tư duy, nghĩ ngợi là đồng hay khác ? Nếu đồng với
ý căn thì thức là ý căn, duyên cớ gì phải có ý căn để rồi
mới sanh ra ý thức ? Nếu khác với ý căn, lẽ ra nó sẽ không
còn biết được gì ! Nếu không được gì, sao lại bảo nó do ý
căn sanh ra ? Nếu có biết thì cần chi phải gợi ý thức và ý căn
cho thêm chuyện ? Chỉ có hai tánh đồng hay khác mà còn không ổn
định thì làm sao thành lập "giới" của ý thức cho được ?
Nếu bảo rằng nhơn nơi pháp trần
sanh, thì các pháp trong thế gian không ngoài năm châu. Ông hãy xét
các pháp: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, có tướng rõ ràng chúng là
những đối tượng của năm căn, những pháp đó không thuộc phần
tiếp thu của ý căn. Nếu bảo rằng ý thức của ông, nương pháp
trần. Vậy ông xét kỹ xem cái tướng của pháp trần hình mạo như
thế nào ? Nên biết: Rời hẳn các tướng: Sắc, không, động, tĩnh,
thông, bít, hợp, ly, sanh, diệt, rốt ráo không thành một pháp nào
được cả. Các nguyên nhơn đã không thành thì cái thức do nó sanh
ra còn có dáng mạo gì ! Dáng mạo còn không có, làm sao mà lập
được cái "giới" của ý thức ? Vậy nên biết rằng: Ý
căn pháp trần làm duyên sanh ý thức, cả ba đều không. Không phải
nhơn duyên cũng không phải tự nhiên.
TRỰC CHỈ
Trông ra hiện tượng vạn hữu ta
thấy nghìn sai muôn khác, lớn, nhỏ, thấp, cao
khó mà dùng ngôn
từ diễn đạt cho rành rọt. Nhưng tìm hiểu nguyên nhân gần của
chúng, ta thấy tất cả đều biểu hiện theo cái thế liên hoàn của ba
chân vạc, tác động qua lại giữa Căn Trần và Thức,
mà hình thành và tồn tại. Cả cái vũ trụ vạn hữu vô thỉ vô
chung vô cùng vô cực nầy, nếu tách rời căn trần thức giữa con
người và vạn vật ra, thì chẳng còn có gì để luận bàn: Tâm,
vật, thực, giả, có, không.
Càng không thể có cái gọi là
"một đấng thiêng liêng" nào ở ngoài có đủ tư cách sáng
tạo, sắp xếp vấn đề "vũ trụ nhơn sinh" được.
Căn thì có 6 nên gọi lục căn, Đó
là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu căn kết hợp bởi tứ
đại tinh hoa. Trong mỗi căn có hai bộ phận: Một là căn phù trần.
Hai là căn tịnh sắc. Căn tịnh sắc cũng còn gọi là "Thắng nghĩa
căn". Căn này được kết hợp bằng những yếu tố tứ đại
tinh hoa nhất đối với thân thể con người. Do vậy, nó là cơ quan
có công năng phát sanh nhận thức, làm chỗ nương gá cho thức.
Trần có nghĩa là nhiễm ô. Vì
những thứ nầy có thể làm cho căn bị nhiễm ô, ví như những bụi
bặm làm ô nhiễm môi trường sống của xã hội loài người. Trần
có 6 thứ, gọi là trần. Đó là: Sắc, thanh, hương, vị, xúc và
pháp. Trần mà không có căn thì trần không là trần nữa; ngược
lại căn mà không có trần thì căn không còn là căn được.
Thức có 6 nên gọi là lục thức.
Đó là: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức
và ý thức. Thức nương căn trần mà phát sanh. Thức mà không có
căn trần thì thức không có lý do hiện hữu. Căn trần mà không
có thức thì căn trần không biểu hiện được thể dụng của căn
trần. Cho nên căn trần thức là một hiện tượng gắn bó mật
thiết tác động hữu cơ. Hiện tượng vạn pháp hình thành và tồn
tại trong cái thế "duyên sanh" không thể tách rời giữa
căn, trần, thức ấy. Vậy mà từ trước đến đây, và chưa phải
ngừng ở đoạn kinh nầy, đức Phật quở rầy và nhắc nhở về
cái thuyết "nhơn duyên sanh" ấy. Vì sao như vậy ? Vì rằng: Nếu
đứng bên tục đế mà nhìn hiện tượng vạn hữu qua
cái lý "nhơn duyên sanh" thì hoàn toàn đúng. Không những
nó đúng riêng trong nền giáo lý Phật mà nó đúng sự thật của
cuộc đời, đúng với quy luật khách quan của hiện tượng vạn
hữu.
Tuy nhiên, nếu đứng bên chơn
đế mà nhìn, nhìn bằng tri kiến rộng rãi hơn, quán triệt căn
nguyên, xuyên suốt bản thể của hiện tượng vạn hữu thì hiện
tượng nào cũng là hiện tượng của bản thể; cũng như sóng mòi
nào cũng là sóng mòi của thể nước lặng trong. Vì vậy, cho rằng:
Sóng là nước, thì đó là cái hiểu biết của những đứa trẻ
ấu trĩ ngây thơ. Bảo rằng: Sóng không phải nước là tri kiến của
một em bé khác. Nói rằng: Sóng là hiện tượng "duyên sinh"
của nước, ta có thể nói chuyện đạo lý với lứa tuổi 20 nầy.
Khi nào người ta ngắm biển với
một nhận thức không băn khoăn với một tri kiến thanh thản hồn
nhiên trước cảnh sóng gào gió lộng
thì khỏi nói gì với họ
về vấn đề sóng
nước
Vì họ đã biết rõ thể nước
phẳng lặng và là H2O. Vì họ đã rõ sóng là "hiện
tượng duyên sanh" của nước. Sóng và nước không phải là
cái có thể tách rời nhau. Như Lai tàng ở kinh Thủ Lăng Nghiêm
nói, ví như cái thể H2O của những đợt sóng kia. Cái vạn
hữu duyên sanh, ví như những đợt sóng bởi những cơn gió lộng,
bởi những đua thuyền mà tạo nên hiện tượng "duyên sanh"
ấy.
Bản thể Như Lai tàng cùng với hiện
tượng vạn hữu "bất ly" mà "bất tức" !
*
* *
BẢY ĐẠI LÀ HIỆN
TƯỢNG BIỂU HIỆN TỪ NHƯ LAI TÀNG
Ông A Nan thưa: Bạch Thế Tôn ! Như
Lai thường nói về nhơn duyên hòa hợp: Rằng tất cả các thứ
biến hóa trong thế gian đều nhơn bốn đại hòa hợp mà phát sanh.
Thế nào Như Lai ở đây lại bác bỏ cả hai nghĩa "nhơn
duyên" và "tự nhiên". Tôi không biết nghĩa đó thế
nào, xin Phật rủ lòng thương xót chỉ dạy cho chúng sanh pháp liễu
nghĩa trung đạo ra ngoài hí luận.
Bấy giờ đức Thế Tôn bảo ông A
Nan: Rằng trước đây, ông nhàm chán pháp tiểu thừa của Thanh Văn,
Duyên Giác, phát tâm cầu vô thượng Bồ Đề, nên giờ đây tôi
hướng dẫn ông về "đệ nhất nghĩa đế", sao ông lại còn
đem những thuyết nhơn duyên vọng tưởng hí luận thế gian mà ràng
buộc lấy mình ! Ông dù nghe được nhiều pháp, nhưng cũng như
người nói tên thuốc, đến khi gặp thuốc thật trước mắt mà
không phân biệt được. Như Lai gọi ông là hạng người rất đáng
thương xót ! Nay ông hãy nghe cho kỹ, tôi sẽ vì ông phân tách chỉ
bày và cũng để cho những người tu học đại thừa sau nầy thông
suốt được thật tướng. Ông A Nan yên lặng kính vâng thánh ý của
Phật.
A Nan ! Như ông đã nói: "Bốn
đại hòa hợp phát sanh ra các thứ biến hóa trong thế gian". A Nan
! Nếu tánh của các món đại không hòa hợp thì không thể hòa
hợp với các đại khác. Như hư không, không thể hòa hợp với
sắc tướng. Nếu tánh của các món đại vốn hòa hợp thì nó hòa
đồng với các tướng biến hóa: Thỉ, chung thành tựu cho nhau; sanh
diệt nối nhau; diệt sanh, sanh diệt; diệt diệt, sanh sanh như vòng lửa
xoay; như nước thành băng, băng lại thành nước, không có đầu
mối cũng không có cuối cùng.
- Địa đại hoàn nguyên
A Nan ! Ông hãy xét cái tánh của
địa đại, lớn là đất liền, nhỏ là vi trần, thật vi tế là lân
hư trần; do chẻ sắc chất cực vi làm bảy phần mà thành. Nếu đem
lân hư trần chẻ ra thành hư không thì hư không cũng có thể sanh
sắc tướng ? Ông hỏi rằng. Do hòa hợp mà sanh các tướng biến
hóa ở thế gian, vậy ông hãy xét. Một hạt lân hư trần phải dùng
bao nhiêu hư không hòa hợp lại mà thành ? Không lẽ lân hư trần
hòa hợp thành lân hư trần ! Lại nữa, lân hư trần chẻ ra thành
hư không. Vậy dùng bao nhiêu sắc tướng hòa hợp lại mới thành
cả bầu hư không vô cùng cực nầy ? Nhưng nếu sắc tướng hợp thì
hợp sắc tướng chứ không thể thành hư không; còn hư không hợp
thì hợp hư không, không thể thành sắc tướng. Sắc tướng còn có
thể chẻ được, chứ hư không thì làm sao mà hợp được ?
Ông vốn không biết thể tánh của
các pháp trong Như Lai tàng. Sắc là chơn không. Không là chơn sắc.
Nó thanh tịnh bản nhiên; khắp cùng pháp giới, tùy tâm chúng sanh,
đáp ứng với lượng sở tri, theo nghiệp mà phát hiện. Thế gian
không biết lầm tưởng nhơn dyên, hoặc cho là tự nhiên, đều là
những phân biệt so đo của ý thức. Nó chỉ đúng trong ngôn thuyết
luận đàm mà hoàn toàn không có thực nghĩa.
- Thủy đại hoàn nguyên
A Nan ! Tánh nước không cố định,
khi tuôn chảy khi đứng lặng không chừng. Trong thành Thất La Phiệt,
các ông Tiên Ca Tỳ La. Chiên Ca La và các nhà huyễn thuật Bát đầu
na v.v
muốn có thứ nước Thái Âm tinh để hòa làm thuốc
huyễn thuật. Họ lựa ngày trăng tròn sáng lộng như ban ngày, tay
cầm hạt châu Phương Chư hứng lấy nước dưới trăng vàng. Vậy
nước ấy từ hạt châu ra ? Từ hư không có ? Hay từ mặt trăng
mà đến ?
A Nan ! Nếu nước từ mặt trăng
đến, vậy những rừng cây to, bóng cả ở tận những đỉnh núi cao,
khi sáng trăng thì tất cả lá cành đều phun ra nước cả ? Bởi lẽ
những rừng cây đỉnh núi, gần với trăng hơn là ngọc Phương Chư
trong tay người hứng nước ở đồng bằng. Nếu bảo rằng: Nước
từ hạt châu ra, thì từ hạt châu phải thường rịn chảy ra nước,
cần chi phải đợi có ánh sáng ? Bảo rằng: Nước từ hư không
sanh. Hư không thì vô cùng vô cực. Hư không bao trùm vạn vật. Vậy
sao cả loài người chưa bị đắm chìm để cùng chết ngộp cho vui trong
một lúc ? Thủy, lục, không, hành toàn nước và nước cả hay sao ?
Ông nên nghĩ kỹ: Mặt trăng từ
trên không đi qua. Hạt châu do tay người cầm. Cái chén bạc hứng
nước do con người tạo. Vậy nước kia từ phương nào đến ? Mặt
trăng và hạt châu xa nhau không phải hòa, không phải hợp. Không
lẽ nước kia không do đâu mà tự có ra ?
Ông còn chưa biết, thể tánh của
các pháp trong Như Lai tàng: Thủy là chơn không. Không là chơn thủy.
Nó thanh tịnh bản nhiên, khắp cùng khắp giới, tùy tâm chúng sanh,
đáp ứng với lượng sở tri theo nghiệp mà phát hiện. Thế gian
không biết lầm tưởng nhơn duyên hoặc cho là tự nhiên đều là
những phân biệt so đo của ý thức. Nó chỉ đúng trong ngôn thuyết
luận đàm mà hoàn toàn không có thực giả.
- Hỏa đại hoàn nguyên
A Nan ! Hỏa đại không có tự
thể. Nó nương gởi ở các duyên. Ông hãy xem, những nhà trong
thành phố, khi người ta muốn có lửa để nấu thức ăn. Tay họ
cầm kính dương toại và một nhúm bùi nhùi đưa trước ánh sáng
mặt trời mà lấy lửa.
A Nan ! Phàm gọi là hòa hợp thì như
tôi với ông và 1250 vị tỳ kheo hiện hợp thành một chúng. Chúng
thì có một, song gạn xét về cội gốc thì mỗi người đều có thân
thể đều có danh tự họ hàng của mình. Như ông Xá Lợi Phất thì
dòng Bà La Môn. Ông Ưu Lâu Tần Loa thì dòng Ca Diếp. Còn như A Nan
ông, thì thuộc dòng họ Cù Đàm.
A Nan ! Nếu lửa đó nhơn hòa hợp
mà có, vậy khi người ta cầm kính lấy lửa nơi ánh sáng mặt
trời, lửa đó từ kính mà ra ? Do hư không mà có ? Hay từ mặt
trời mà đến ? A Nan ! Nếu lửa từ mặt trời đến, lửa đã đốt
được bùi nhùi trong tay của ông thì những rừng cây mà ánh sáng
mặt trời đi ngang qua lẽ ra đều bị cháy cả ! Nếu từ kính ra đốt
cháy bùi nhùi, sao cái kính không bị chảy ? Đến như cái tay ông
cầm kính còn không thấy nóng thì làm sao kính chảy được ? Còn
bảo rằng do bùi nhùi sanh thì cần gì phải có ánh sáng mặt trời
và kính trực chiếu vào nhau rồi sau đó lửa mới bén cháy bùi
nhùi ?
Ông hãy suy nghĩ cho chín chắn: Kính do
tay cầm. Mặt trời thì ở trên không trung. Bùi nhùi do con người
tạo. Vậy lửa từ phương nào mà xuất hiện đến ? Mặt trời và
kính xa nhau, không phải hòa không phải hợp, không lẽ lửa kia không
do đâu mà tự có ra ?
Ông còn chưa biết thể tánh của
các pháp trong Như Lai tàng: Hỏa là chơn không. Không là chơn hỏa.
Nó thanh tịnh bản nhiên, khắp cùng pháp giới, tùy tâm chúng sanh,
đáp ứng với lượng sở tri: Một người cầm kính một chỗ có
lửa sanh ra; khắp pháp giới mọi người cầm kính, lửa sẽ phát ra
theo yêu cầu của mọi người. Lửa vốn không có chỗ ở, theo
nghiệp mà phát hiện. Thế gian không biết lầm tưởng là nhơn duyên
hoặc cho là tự nhiên, đều là những phân biệt so đo của ý
thức. Nó chỉ đúng trong ngôn ngữ luận đàm mà hoàn toàn không
có thực nghĩa.
- Phong đại hoàn nguyên
A Nan ! Phong đại không hình thể,
khi động khi tĩnh bất thường. Lúc vào trong đại chúng, ông sửa
áo, vạt áo tăng già lê của ông động thì người ngồi gần ông
có gió nhẹ phát qua làm cho người kia cảm nghe mát mặt. Gió từ
vạt áo cà sa ra ? Do hư không phát khởi ? Hay từ mặt người kia sanh
?
A Nan ! Nếu gió phát ra do vạt áo cà
sa thì ông đã mặc cả gió trong người, lẽ ra cái áo phải tung ra
khỏi thân ông. Còn tôi, tôi đang thuyết pháp trong hội nầy và tôi
rũ áo. Vậy ông xem cái áo tôi, gió núp ở chỗ nào ? Không lẽ
trong áo tôi lại có chỗ chứa gió ?
Bảo rằng: Gió từ hư không sanh, thì
tại sao lúc áo ông không động, không có gió phát ra ? Vả lại,
tánh hư không thường còn, lẽ ra gió phải luôn có không lúc nào
gián đoạn. Và nếu khi nào hết gió thì hư không phải tiêu diệt ?
Gió diệt có thể biết được, chứ hư không diệt thì hình trạng
thế nào ? Và nếu có diệt có sanh thì không được gọi là hư
không, đã là hư không thì làm sao lại phát sanh gió ? Bảo rằng:
Gió sanh do cái mặt của người bị phát thì lẽ ra gió phải phất
lại mặt ông. Cớ sao ông sửa áo mà lại phất vào mặt người kia
như vậy ?
Ông hãy chín chắn mà tư duy: Sửa
áo là do ông. Cái mặt thuộc của người kia. Hư không thì vắng
lặng. Vậy gió từ phương nào luồn đến ? Gió khác, hư không khác,
không phải hòa, không phải hợp. Không lẽ gió không do gì mà tự
có ?
Ông còn không biết thể tánh của
các pháp trong Như Lai tàng: Phong là chơn không. Không là chơn phong.
Nó thanh tịnh bản nhiên khắp cùng pháp giới, tùy tâm chúng sanh,
đáp ứng lượng sở tri. Một mình ông động áo thì có một ít
gió phát ra. Khắp pháp giới nhiều người cùng cầm quạt mà quạt
thì khắp pháp giới sanh ra phong đại. Phong đại khắp cùng nhưng không
có chỗ ở nhất định, theo nghiệp mà phát hiện. Thế gian không biết
lầm tưởng nhơn duyên hoặc cho là tự nhiên, đều là phân biệt so
đo của ý thức. Nó chỉ đúng trong ngôn thuyết luận đàm mà hoàn
toàn không có thực nghĩa.
- Không đại hoàn nguyên
A Nan ! Hư không không có hình
mạo, nhơn sắc tướng mà hiển bày. Trong thành Thất La Phiệt, chỗ
cách sông, người ta dựng nhà ở thì đào giếng để lấy nước
dùng. Đào được một thước khối đất thì có một thước khối
khoản hư không. Nếu đào sâu 20 thước thì có khoản trống hư không
20 thước. Hư không cạn hay sâu tùy đất đào ra nhiều hay ít. Hư
không đó nhơn đất mà ra ? Do đào mà có ? Hay không nhơn gì tự
sanh ?
A Nan ! Nếu hư không, không nhơn duyên
gì mà tự sanh, tại sao khi chưa đào đất, nơi đó không có hư
không mà chỉ thấy đất liền ? Bảo rằng: Nhơn đất ra, thì lẽ ra khi
đất được đào phải lấy từng mảng hư không văng ra, và nếu
vậy là đào hư không chứ sao gọi là đào đất ? Đã là hư không
khi cần chi phải nói đến chuyện đào ? Bảo rằng: Hư không do đào
mà có thì đào phải ra hư không, cớ sao lại đào ra đất ? Nếu hư
không, không phải do đào mà có, thì đào lẽ ra chỉ có đất, cớ
sao đào rồi lại thấy hư không ?
Ông nên chín chắn mà tư duy. Đào
là do tay người, tùy phương mà vận chuyển. Đất thì từ đất liền
mà dời đi. Hư không đó do đâu mà có ? Đào là cụ thể, bởi
sức tác động của con người. Hư không thì rỗng rang không hình
mạo, hai yếu tố không tương quan tác dụng gì nhau, không phải hòa,
không phải hợp. Không lẽ hư không, không do đâu mà tự sanh như
thế ?
Hư không thể tánh tròn đầy, bất
động. Hiện tiền hư không và địa, thủy, hỏa, phong, gọi chung là
năm đại thể tánh viên dung, vốn không sanh diệt. Các đại đó
đều là diệu dụng của Như Lai tàng biểu hiện !
A Nan ! Ông còn mê muội không biết
được thể tánh của các pháp trong Như Lai tàng. Giác là chơn
không. Không là chơn giác. Nó thanh tịnh bản nhiên khắp cùng pháp
giới tùy chúng sanh tâm, đáp ứng với lượng sở tri: Một giếng
trống không, hư không sanh trong một giếng. Mười phương trống không,
hư không khắp cả mười phương. Không đại khắp cùng theo nghiệp mà
phát hiện. Thế gian không biết lầm tưởng nhơn duyên, hoặc cho là
tự nhiên đều là những phân biệt so đo của ý thức. Nó chỉ
đúng trong ngôn thuyết luận đàm mà hoàn toàn không có thật nghĩa.
- Kiến đại hoàn nguyên
A Nan ! Kiến đại có giác chiếu
mà không liễu tri phân biệt. Nó nhơn các thứ: Sắc, không, mà có.
Như hiện nay ông đang ở trong rừng Kỳ Đà, sớm mai thì sáng, chiều
hôm thì tối; đêm trăng tỏ thì sáng, lúc trăng mờ thì tối.
Những tướng sáng tối do cái thấy mà phân biệt nhận ra. Vậy cái
tánh thấy cùng với sáng tối và hư không là đồng một thể hay
là khác thể ?
A Nan ! Nếu tánh thấy cùng với sáng
tối và hư không đồng một thể thì cái sáng tối luôn luôn tiêu
diệt lẫn nhau: có sáng thì không tối; có tối thì không sáng. Nếu
tánh thấy đồng một thể với tối thì lúc sáng tánh thấy bị tiêu
diệt; ngược lại, nếu tánh thấy đồng một thể với sáng thì khi
tối đến tánh thấy cũng bị tiêu diệt. Vậy thì tánh thấy làm sao
mà thấy được tối sáng ? Bảo rằng: Sáng và tối khác nhau còn
tánh thấy không sanh, không diệt. Nếu vậy, thì không nên nói là
đồng một thể, vì nó đã khác đi rồi.
Và nếu tánh thấy đã khác với
tối sáng, khác với hư không, vậy ông phân biệt xem tánh thấy hình
tướng ra sao ? Ông nên biết: Rời tối sáng và hư không, tánh thấy
như lông rùa sừng thỏ, không sao tìm có.
Ông hãy chín chắn mà tư duy: Sáng,
do mặt trời. Tối, bởi đêm không trăng. Thông suốt, là hư không.
Ngăn bít thuộc đất liền. Còn cái tánh thấy như vậy, nhơn đâu mà
có ? Tánh thấy có giác chiếu, hư không thì bất động, không phải
hòa, không phải hợp. Không lẽ cái tánh thấy không do gì mà tự
phát sanh ra ? Nên biết: Thể tánh của kiến đại cùng khắp bất
động; vô biên hư không cũng cùng khắp bất động. Địa, thủy, hỏa,
phong, gọi chung là "lục đại" thể tánh viên dung cùng khắp
bất động, không diệt không sanh. Tất cả đều là diệu dụng của
Như Lai tàng biểu hiện !
A Nan ! Ông còn mê mờ không nhận
thức được: Kiến, văn, giác, tri của ông cùng thể tánh của các
pháp trong Như Lai tàng. Kiến đại vốn là giác minh. Giác minh tinh
kiến (tánh thấy vốn thanh tịnh, hiện lượng và trực giác). Nó thanh
tịnh bản nhiên, cùng khắp pháp giới, tùy tâm chúng sanh, đáp ứng
với lượng sở tri. Kiến đại thấy khắp pháp giới, tánh nghe,
tánh ngửi, tánh nếm, tánh xúc và tánh biết cũng cùng khắp pháp
giới nhiệm mầu. Nên biết: Tánh của các đại không có nhất định,
theo nghiệp mà phát hiện. Thế gian không biết lầm tưởng nhân duyên
hoặc là tự nhiên đều là những phân biệt so đo của ý thức.
Nó chỉ đúng trong ngôn thuyết luận đàm mà hoàn toàn không có
thực nghĩa.
- Thức đại hoàn nguyên
A Nan ! Thức đại không có nguồn
gốc, nhơn sáu thức căn trần giả tạm mà phát sinh. Nay ông hãy
dùng mắt ngó lướt qua khắp hết thánh chúng trong hội nầy xem. Cái
tánh thấy của ông như tấm gương, tiếp thu tất cả hình dáng in vào
mà không có mảy may phân biệt (hiện lượng tiếp thu tánh cảnh).
Rồi ông hãy dùng cái thức của ông, theo thứ lớp mà chỉ ra.
Đây là Văn Thù, đây là Phú Lâu Na, đây là Mục Kiền Liên,
đây là Tu Bồ Đề và kia là Xá Lợi Phất
Cái thức phân
biệt của ông sanh từ mắt ? Hay sanh bởi các tướng ? Do hư không ?
Hay không do gì mà thức tự có ra ?
A Nan ! Nếu bảo rằng: Thức do mắt
sanh. Phỏng sử không có các tướng sắc, không tối, sáng, cái
tánh thấy của ông còn có cơ sở để tồn tại được không ? Cái
thấy còn không thể có thì còn y cứ vào đâu để có được cái
"thức" phân biệt của ông ? Nếu bảo rằng: Thức sanh do các
tướng chứ không phải do cái thấy. Thế thì ông lấy gì để thấy
được sáng tối ? Sáng tối đã không thấy thì cũng không biết
được các tướng sắc không ! Các tướng còn không có thì
"cái thức" do đâu tồn tại ! Nếu cho rằng: Thức sanh do hư
không, có ngoài cả các tướng và tánh thấy. Nếu quả thật vậy,
thì ông không còn biện biệt được gì; vì chẳng có gì để cho ông
phân biệt !
Nếu bảo rằng: Thức sanh không có
sở nhơn, đột nhiên mà có. Đó là một tri kiến sai lầm. Có ai
phân biệt sáng trăng giữa lúc mặt trời đứng bóng ?
Ông hãy chín chắn mà tư duy: Cái
tánh thấy gá vào mắt ông. Các tướng thuộc tiền trần. Có cái
hình tướng là có. Cái không dáng mạo là không. Còn cái thức
như vậy nhơn đâu mà ra ? Cái thức thì năng động. Cái tánh thấy
thì lặng lẽ, không phải hòa, không phải hợp. Nhĩ thức, tỷ thức,
thiệt thức, thân thức và ý thức cũng vậy. Thế thì không lẽ
cái thức phân biệt không do đâu mà tự có ?
A Nan ! Ông nên biết: Thức vốn
không xứ sở. Các tánh: Thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, biết cũng như
vậy. Tánh của kiến đại và thức đại viên mãn trạm nhiên, cùng
với địa, thủy, hỏa, phong, không, gọi chung là thất đại, thể tánh
viên dung, không sanh không diệt. Tất cả đều là diệu dụng của Như
Lai tàng biểu hiện.
A Nan ! Tâm ông nông nổi, không nhận
biết các việc: Kiến, văn, giác, tri cũng như thể tánh của các
pháp trong Như Lai tàng: Tánh của thức minh tri. Giác minh là chơn
thức. Diệu giác trạm nhiên, khắp cùng pháp giới, ẩn hiện trong
mười phương, không có xứ sở, theo nghiệp mà phát hiện. Thế gian
không biết lầm tưởng nhơn duyên hoặc cho là tự nhiên, đều là
phân biệt so đo của ý thức. Nó chỉ đúng trong ngôn thuyết luận
đàm mà hoàn toàn không có thực nghĩa.
TRỰC CHỈ
Năm ấm, sáu nhập, mười hai xứ,
mười tám giới, bảy đại đều là hiện tượng biểu hiện của Như
Lai tàng. Nói cách khác, Như Lai tàng là bản thể của 5 ấm, 6 nhập,
12 xứ, 18 giới và 7 đại. Đề cập đến bản thể hiện tượng là
một vấn đề lớn, một vấn đề mang tính triết học của Phật giáo,
nếu ta nhìn Phật giáo qua lăng kính triết học. Nhưng đối với Phật
giáo người ta có cho nó là triết học hay không, là triết học
điều đó chẳng có giá trị thêm bớt gì. Sự thuyết pháp của
Phật nhằm nói lên chân lý khách quan, nói lên cái nguyên ủy của
sự hình thành và sự tồn tại khách quan của vũ trụ vạn hữu.
Sự thật như thế nào, Phật nói như thế ấy vậy thôi. Giáo lý
của kinh Thủ Lăng Nghiêm, triển khai: Tất cả hiện tượng vạn hữu
hình thành từ chất liệu của bốn khoa và bảy đại. Rằng hiện
trạng vạn hữu do ngũ uẩn tổ hợp mà thành. Từ ngũ uẩn lập ra
12 thứ sắc pháp. Từ ngũ uẩn lập ra 8 pháp tâm vương. Từ ngũ
uẩn triển khai 51 thứ tâm sở. Từ ngũ uẩn diễn biến ra 24 thứ
pháp bất tương ứng. Từ ngũ uẩn thành lập 95 pháp hữu vi và
cũng từ ngũ uẩn mà an lập 6 thứ vô vi pháp. Tất cả ngần ấy
thứ đều là hiện tượng của Như Lai tàng, từ chủng tử trong Như
Lai tàng duyên khởi biểu hiện ra:
TÀNG có nghĩa là kho tàng. Ví như
cái kho chứa tất cả hạt giống của ngũ cốc, ngũ quả.
NHƯ có nghĩa là bất biến.
LAI có nghĩa là tùy duyên.
NHƯ LAI TÀNG ví như cái kho hàm chứa
tất cả chủng tử của hiện tượng vạn hữu. Những chủng tử
được chứa trong kho tàng nầy, tùy duyên sanh ra rồi cũng tùy duyên
hoại diệt. Diệt mà không mất hẳn, diệt để lại sanh. Sanh mà không
trường sanh, sanh để rồi lại diệt. Sanh diệt, diệt sanh; sanh sanh,
diệt diệt, vô thỉ vô chung, vô cùng vô cực. Sự sanh diệt, diệt
sanh đó, thuật ngữ Phật học gọi là: TÙY DUYÊN BẤT BIẾN; BẤT
BIẾN TÙY DUYÊN. Sanh diệt, nhưng sanh diệt trong cái vĩnh cửu. Vĩnh
cửu, nhưng vĩnh cửu trong quá trình sanh diệt. Ví như những đợt
sóng tùy duyên sanh diệt trên mặt nước bất biến của thể nước H2O
của biển cả, của ao hồ, sông rạch
Ta hãy tư duy để có khái niệm về
bản thể Như Lai tàng, qua hình đồ được cụ thể hóa như sau:
NHƯ LAI TÀNG
*
* *
ÔNG A NAN VÀ ĐẠI CHÚNG TÁN DƯƠNG
PHẬT, PHÁT NGUYỆN VÀ TRÌNH PHẬT NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC CỦA MÌNH
Ông A Nan và đại chúng nhờ Phật
chỉ dạy rằng phương tiện dẫn dụ, lời lẽ khéo léo nhiệm mầu. Cả
thính chúng thân tâm thanh thoát rỗng rang. Mỗi người tự biết chơn
tâm mầu nhiệm của mình vốn khắp cùng pháp giới và thấy mười
phương hư không như xem cành hoa lá đang cầm trên cây, tất cả sự
vật hiện tượng trên thế gian đều là diệu dụng của tâm Bồ Đề
nhiệm mầu, sáng suốt của mình biểu hiện. Tỏ ngộ lẽ sống chết
của cái thân cha mẹ sanh ra, như sự diệt sanh của những bong bóng
giữa đại dương rồi chìm tụ tán ! Chỉ có tâm tánh nhiệm mầu
khắp pháp giới mười phương mới thật là tâm tánh bản lai
thường trú của chính mình.
Ở trước Phật, ông A Nan thay lời
đại chúng, xin được nói lên một bài kệ tán dương Đức Phật,
phát nguyện và trình lên Phật điều tâm đắc của tận đáy lòng:
Cao quí thay ! Thủ Lăng Nghiêm Vương
ít có
Là pháp diệu trạm, bất động tổng
trì
Trừ hết tưởng điên đảo ức
kiếp của con
Không trải A Tăng Kỳ mà được
pháp thân
Tôi nguyện từ nay cho đến khi thành
Phật
Độ chúng sanh như số cát sông
Hằng.
Đem thâm tâm phụng sự vì trần
quốc
Thế mới đủ đáp đền thâm ân
Phật.
Cúi xin Thế Tôn chứng minh cho:
Đời trược ác tôi thề vào
trước
Còn một chúng sanh chưa thành Phật
Thì tôi không nhận hưởng Niết Bàn
Bạch đấng Đại hùng, Đại lực,
Đại từ bi
Tôi hy vọng xét trừ vi tế hoặc
Để sớm lên Vô Thượng Bồ Đề
Tôi sẽ làm Phật sự khắp mười
phương
Hư không dù hết, nguyện tôi không
cùng.
(HÁN BỘ HẾT QUYỂN 3)
Tựa
tập I | Mục lục I | I. 1-2 | I. 3a | I. 3b | Tựa tập II | Mục lục II | II. 4 | II. 5 | II. 6
|
|