- KINH THỦ
LĂNG NGHIÊM
- Dịch từ Hán sang Việt và lược giải
- Từ Ân
Thiền
Đường, Santa Ana Hoa Kỳ Xuất Bản 1990
(QUYỂN CHÍN)
SẮC GIỚI
SƠ THIỀN
l. A Nan! Tất
cả người tu tâm trong thế gian chẳng nhờ Thiền Na thì chẳng có trí huệ;
nếu được giữ thân chẳng dâm dục, khi đi khi ngồi, niệm tưởng đều
không, ái nhiễm chẳng sanh, chẳng lưu luyến Dục Giới, làm bạn với Phạn
Thiên, hạng này gọi là Phạn Chúng Thiên.
2. Dục lậu
đã trừ, ”Tâm lìa dục” hiện, ưa hành theo các luật nghi, đức hạnh
trong sạch, hạng này gọi là Phạn Phụ Thiên.
3. Thân
tâm diệu viên, oai nghi đầy đủ, giới cấm trong sạch, lại có sự tỏ
ngộ, được thống lãnh Phạn Chúng, làm Đại Phạn Vương, hạng này gọi
là Đại Phạn Thiên.
- A Nan! Ba bậc này tất
cả khổ não chẳng thể bức bách, dù chẳng phải chánh tu chơn Tam Ma Địa,
nhưng nơi tâm trong sạch, dục lậu chẳng thể lay động, gọi là Sơ Thiền.
NHỊ THIỀN
l. A Nan!
Hàng Phạn Thiên thống lãnh Phạn chúng, đầy đủ phạn hạnh, lắng tâm
chẳng động; do tịch lặng sanh ra ánh sáng; hạng này gọi là Thiểu Quang
Thiên.
2. Ánh sáng
chói lọi, chiếu soi vô cùng, chiếu khắp mười phương cõi đều như lưu
ly; hạng này gọi là Vô Lượng Quang Thiên.
3. Hào
quang đồng như âm thanh, thành tựu giáo thể, phát ra sự giáo hóa trong sạch,
ứng dụng vô cùng; hạng này gọi là Quang Âm Thiên.
- A Nan! Ba bậc này tất
cả lo buồn chẳng thể bức bách, dù chẳng phải chánh tu chơn Tam Ma Địa,
nhưng nơi tâm trong sạch, những phiền não thô động đã uốn dẹp, gọi
là Nhị Thiền.
TAM THIỀN
l. A Nan!
Hào quang thành âm, dùng âm thanh tỏ bày diệu lý, thành hạnh tinh tấn,
thông với sự vui tịch diệt, hạng này gọi là Thiểu Tịnh Thiên.
2. Cảnh ”Tịnh
Không” hiện tiền, chẳng có bờ bến, thân tâm nhẹ nhàng, thành sự vui
tịch diệt, hạng này gọi là Vô Lượng Tịnh Thiên.
3. Thế giới
và thân tâm, tất cả đều trong sạch, thành tựu đức tánh trong sạch, thắng
cảnh hiện tiền, qui về cái vui tịch diệt, hạng này gọi là Biến Tịnh
Thiên.
- A Nan! Ba bậc này
đầy đủ công hạnh đại tùy thuận, thân tâm yên ổn, được sự vui vô
lượng, dù chẳng phải thật đắc chơn Tam Ma Địa, nhưng nơi tâm yên ổn
trọn đủ sự hoan hỷ, gọi là Tam Thiền.
TỨ THIỀN
l. Lại nữa
A Nan! Cõi trời này, thân tâm chẳng bị bức bách, nhân khổ đã hết, biết
sự vui chẳng thường trụ, lâu ắt biến hoại, hai tâm khổ vui nhất thời
cùng xả, tướng thô đã diệt, tánh phước được sanh, hạng này gọi là
Phước Sanh Thiên.
2. Tâm xả viên
dung, thắng giải trong sạch, được sự tùy thuận nhiệm mầu, cùng tột vị
lai, tánh phước chẳng ngăn ngại, hạng này gọi là Phước Ái Thiên.
3. A Nan! Từ
cõi trời này tẻ ra hai đường: Nếu dùng tâm sáng tỏ đầy đủ phước
đức trước kia để tu chứng an trụ, hạng này gọi là Quảng Quả Thiên.
4. Nếu nơi
tâm trước kia, nhàm chán cả khổ vui, lại nghiền ngẫm cái tâm xả chẳng
gián đoạn, trọn thành đạo xả, thân tâm tiêu diệt, lắng tâm bặt tưởng,
trải qua năm trăm kiếp. Nhưng vì người ấy đã lấy cái sanh diệt làm
nhân, thì chẳng thể phát minh tánh chẳng sanh diệt, nên nửa kiếp đầu
thì diệt, nửa kiếp sau lại sanh, hạng này gọi là Vô Tưởng Thiên.
- A Nan! Bốn bậc
này tất cả cảnh khổ vui của thế gian chẳng thể lay động, dù chẳng
phải là chỗ chơn bất động của đạo vô vi, nhưng nơi tâm có sở đắc,
công dụng thuần thục, gọi là Tứ Thiền.
NGŨ TỊNH CƯ THIÊN
- Ở đây, còn có năm
bậc Bất Hoàn Thiên, đã dứt sạch chín phẩm tập khí của cõi dưới, khổ
vui đều hết, chẳng định cư ở cõi dưới, nên an lập chỗ ở nơi tâm
xả của đồng phận chúng sanh.
l.
Vậy,
khổ vui đã diệt, ưa ghét chẳng sanh, hạng này gọi là Vô Phiền Thiên.
2. Tự tại
phóng xả, chẳng có năng sở, tâm chẳng đối đãi, hạng này gọi là Vô
Nhiệt Thiên.
3. Mười
phương thế giới, diện kiến trong lặng, chẳng còn tất cả cấu nhiễm của
cảnh trần, hạng này gọi là Thiện Kiến Thiên.
4. Diệu kiến
hiện tiền, biến tạo vô ngại, hạng này gọi là Thiện Hiện Thiên.
5. Sắc trần
từ tướng lăng xăng đến chỗ cứu cánh chẳng động, cùng tột tánh sắc
chẳng có bờ bến, hạng này gọi là Sắc Cứu Cánh Thiên.
- A Nan! Với các cõi
Bất Hoàn Thiên này, chỉ riêng bốn vị Thiên Vương cõi Tứ Thiền mới
được nghe biết, nhưng chẳng thể thấy biết. Như nay trong thế gian, nơi
núi sâu rừng thẳm, những đạo tràng của bậc thánh, đều có các vị A
La Hán trụ trì, mà người thế tục chẳng thể thấy.
- A Nan! Mười tám
cõi trời kể trên, dù thoát khỏi cảnh dục, nhưng chưa thoát khỏi sắc
thân, gọi là Sắc Giới.
VÔ SẮC GIỚI
- Lại nữa A Nan! Từ
trên đảnh của Sắc Giới, lại tẽ ra hai đường:
- Nếu nơi tâm xả,
phát minh trí huệ, sáng suốt viên thông, bèn ra cõi trần, thành A La Hán,
vào Bồ Tát Thừa, hạng này gọi là Hồi Tâm Đại A La Hán.
- Nếu nơi tâm xả
được thành tựu, thấy thân chướng ngại, tiêu ngại vào không, hạng
này gọi là Không Xứ.
- Chướng ngại đã
tiêu, vô ngại vô diệt, trong đó chỉ còn A Lại Da Thức và nửa phần vi
tế của Mạt Na Thức; hạng này gọi là Thức Xứ.
- Sắc và Không đã
tiêu, tâm thức đều diệt, mười phương tịch lặng, chẳng có chỗ đến;
hạng này gọi là Vô Sở Hữu Xứ.
- Dùng tánh thức chẳng
động để diệt sự nghiền ngẫm, thành ra ở nơi vô tận lại tỏ bày
tánh tận, như còn mà chẳng còn, tận mà chẳng tận, hạng này gọi là
Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.
- Hạng này xét cùng
cái Không, nhưng chẳng tột lý Không; nếu từ thánh đạo Bất Hoàn Thiên
mà xét cùng, hạng này gọi là Bất Hồi Tâm Độn A La Hán.
- Nếu từ Vô Tưởng
Thiên của ngoại đạo mà chấp thật Không, chẳng biết quày đầu, mê muội
hữu lậu, chẳng nghe chánh pháp, bèn vào luân hồi.
- A Nan! Những cõi trời
kể trên, mỗi mỗi đều là phàm phu đền trả nghiệp quả, khi nghiệp quả
trả hết bèn vào luân hồi. Thiên Vương các cõi ấy, đều là Bồ Tát tu
Tam Ma Địa, lần lượt tiến lên, hướng về đường tu của Bậc Thánh.
- A Nan! Cõi Tứ
Không này, thân tâm dứt sạch, tánh định hiện tiền, chẳng có sắc thân
của nghiệp quả; từ đây đến cùng, gọi là Vô Sắc Giới.
- Ấy đều do chẳng
rõ diệu tâm sáng tỏ, tích chứa vọng tưởng, chấp thân trung ấm, tùy loại
thọ sanh, vọng có tam giới, nên vọng theo bảy loài mà chìm đắm.
A TU LA
- Lại nữa A Nan!
Trong tam giới còn có 4 loại A Tu La:
l. Nếu từ
loài quỷ, dùng sức hộ pháp, nhờ thần thông vào trong hư không; loại A
Tu La này là noãn sanh, thuộc về loài quỷ.
2. Nếu từ
cõi trời, thất đức bị đọa, chỗ ở gần với nhựt nguyệt; loại A Tu
La này là thai sanh, thuộc về loài người.
3. Có vua
Tu La, thống lãnh tất cả A Tu La trên thế giới, sức mạnh vô úy, có thể
tranh quyền với Phạn Vương Đế Thích và Tứ Thiên Vương, loại A Tu La này
là hóa sanh, thuộc về loài trời.
4. A Nan,
riêng có một số A Tu La thấp kém sanh ở đáy biển, lặn dưới hang nước,
ban ngày dạo trên hư không, ban đêm về ngủ dưới nước; loại A Tu La này
là thấp sanh, thuộc về loài súc.
- A Nan! Bảy loài địa
ngục, ngạ quỷ, súc sinh, cõi người, thần tiên, cõi trời và A Tu La kể
trên, đều là những tướng hữu vi hôn trầm, vọng tưởng tùy nghiệp thọ
sanh. Thật ra thảy đều như hoa đốm trên không, vọng hiện nơi bản tâm
vô tác sáng tỏ, vốn vô sở đắc, chỉ một hư vọng, chẳng có cội gốc.
- A Nan! Những chúng
sanh này, chẳng nhận được bản tâm, bị luân hồi trải qua vô số kiếp,
chẳng được chơn tánh trong sạch, ấy đều do tùy thuận ba nghiệp sát,
đạo, dâm; hoặc ngược lại ba thứ đó, thành không sát, đạo, dâm; vọng
thấy “Có” thì là loài quỷ, vọng thấy “Không” thì là loài trời;
Có và Không thay phiên nhau, phát khởi tánh luân hồi.
- Nếu ngộ pháp Tam
Ma Địa, thì diệu Tâm thường tịch, hữu vô bất nhị, bất nhị cũng diệt,
những việc không sát, đạo, dâm còn chẳng có, huống là thuận theo sát,
đạo, dâm.
- A Nan, chẳng dứt
ba nghiệp thì chúng sanh mỗi mỗi đều có nghiệp riêng, do nghiệp riêng
ấy, trong đồng phận của chúng sanh, chẳng phải là không có chỗ nhất
định. Đó là do tự tạo vọng nghiệp, vọng vốn chẳng nhân, chẳng thể
truy cứu cội gốc.
- Ngươi khuyên người
tu hành, muốn đắc đạo Bồ Đề, phải trừ dứt ba nghiệp. Nếu ba nghiệp
chẳng dứt, dẫu được thần thông, cũng đều là những công dụng hữu
vi của thế gian, tập khí chẳng diệt thì lạc vào ma đạo, dù muốn trừ
vọng, càng thêm giả dối. Như Lai nói là kẻ đáng thương xót.
- Vậy, vọng do người
tự tạo, chẳng phải lỗi của Bồ Đề, thuyết như thế gọi là chánh
thuyết, chẳng thuyết như thế tức là tà thuyết. Tức thời, Như Lai sắp xuống pháp tòa, nơi tòa sư
tử, dựa ghế thất bửu mà bảo khắp đại chúng và A Nan rằng:
MA NGŨ ẤM
- Nay ta đã thuyết
pháp chơn tu, các ngươi còn chưa hiểu những ma sự vi tế, cảnh ma hiện
tiền, các ngươi cũng chẳng biết, vì tâm chẳng chánh, lọt vào tà kiến,
nên bị ma ngũ ấm, hoặc thiên ma, hoặc quỷ thần, hoặc yêu mỵ xâm nhập,
trong tâm chẳng biết, nhận giặc làm con. Những người nhị thừa, được
ít lại cho là đủ, như Tỳ Kheo Vô Văn, tu đến tứ thiền mà vọng nói
đã chứng thánh quả, đến khi hết phước báo cõi trời, đọa địa ngục
A Tỳ. Nay các ngươi hãy chú ý nghe:
- Các ngươi phải biết,
cái tâm thể bản giác của mười phương chúng sanh vốn viên mãn diệu
minh, cùng với mười phương chư Phật chẳng hai chẳng khác, vì do vọng tưởng
của các ngươi mê chấp đạo lý mới thành lỗi lầm, từ đó sanh ra si
ái, si ái sanh trưởng khắp nơi, nên có tánh hư không, sự mê chấp tiến
hóa không ngừng, nên sanh ra thế giới, vậy thì mười phương vô số quốc
độ đều do vọng tưởng kiến lập. Phải biết: Hư không sanh khởi trong
tâm các ngươi như đám mây ở giữa hư không, huống là các thế giới đều
ở trong hư không. Trong các ngươi có một người kiến tánh, thì mười
phương hư không đều tiêu diệt ngay, làm sao những quốc độ trong hư không
chẳng bị tan nát. Các ngươi tu thiền đến nơi chánh định, cũng như mười
phương Bồ Tát và Đại A La Hán, chơn tâm dung thông, ngay đó trạm nhiên.
Khi ấy, tất cả ma vương và quỷ thần, thấy cung điện của mình khi
không sụp đổ, đều cảm thấy kinh khủng, họ đều được năm thứ thần
thông (chỉ trừ ra Lậu Tận Thông), ham thích trần lao, đâu thể để cho
người tu Chánh pháp làm sụp đổ xứ sở của họ, cho nên đang lúc người
tu được chánh định, những thiên ma, yêu tinh, quỷ thần đều tụ lại
để quấy phá, nhưng họ ở trong trần lao, người tu ở trong diệu giác,
dù họ hung dữ cách mấy cũng hại chẳng được; ví như gió thổi ánh
sáng, hoặc dùng dao cắt nước, chẳng ăn nhằm gì. Họ như băng đá, người
tu như nước nóng, nước nóng làm tan rã băng đá. Họ ỷ lại sức thần
thông, nhưng chỉ là khách, người tu là chủ, nếu chủ mê thì khách được
thành tựu sự quấy phá của họ, nếu người tu ngay đó giác ngộ chẳng
mê, thì ma sự của họ chẳng làm gì được mình.
I - MA SẮC ẤM
- A Nan nên biết, ngươi
tọa đạo tràng, vọng niệm nếu hết thì ngay cái lìa niệm ấy tất cả
sáng tỏ, động tịnh chẳng dời, nhớ quên như một, nên trụ nơi này mà
nhập chánh định. Như người mắt sáng ở chỗ đen tối, chơn tánh trong sạch,
trong tâm chưa phát ánh sáng, đây gọi là phạm vi của Sắc Ấm. Nếu con mắt
sáng tỏ, thì mười phương khai mở, chẳng còn đen tối, gọi là Sắc Ấm
hết, thì khi ấy được siêu việt Kiếp Trược. Nhưng quán xét nguyên
nhân là bởi Kiên Cố Vọng Tưởng (l) làm gốc.
l. A Nan,
đang trong lúc tham cứu diệu minh, quên cả tứ đại, bỗng sắc thân ra
vào các vật chất đều chẳng chướng ngại, ấy gọi là sự sáng tỏ
tràn ra trước mắt. Sự việc ấy chỉ là công dụng tạm được như thế,
chẳng phải chứng thánh; chẳng tự cho là thánh, gọi là cảnh giới tốt,
nếu cho là thánh, liền lọt vào tà ma.
2. Trong
lúc tham cứu diệu minh, thân như lưu ly, bỗng trong thân lấy ra các loài
giun sán mà thân vẫn y nguyên, chẳng bị thương tổn, ấy gọi là sự
sáng tỏ tràn ra hình thể, đây chỉ là do tu hành tinh tấn tạm được
như thế, chẳng phải chứng thánh; chẳng tự cho là thánh, gọi là cảnh
giới tốt, nếu cho là thánh, liền lọt vào tà ma.
3. Trong
lúc tham cứu diệu minh, khi ấy, ngoài sắc thân ra, hồn phách, ý chí, tinh
thần dung hòa lẫn nhau, bỗng trong hư không nghe tiếng thuyết pháp, hoặc
nghe mười phương chư Phật cùng diễn mật nghĩa, đây gọi là hồn phách,
ý chí thay phiên nhau làm chủ khách, ly hợp lẫn nhau, thành tựu thiện chủng,
tạm được như thế, chẳng phải chứng thánh; chẳng tự cho là thánh, gọi
là cảnh giới tốt, nếu cho là thánh, liền lọt vào tà ma.
4. Trong
lúc tham cứu diệu minh, trong tâm sáng tỏ, phát ra ánh sáng, chiếu khắp mười
phương thành màu sắc Diêm Phù Đàn, tất cả các loài đều hóa thành Như
Lai. Bỗng thấy Phật Tỳ Lô Giá Na ngồi trên đài Thiên Quang, ngàn Phật
vây quanh, trăm ức cõi Phật cùng hoa sen đồng thời hiện ra. Ấy gọi là
việc sở nhiễm của tâm hồn linh ngộ, ánh sáng của tâm chiếu soi các thế
giới, tạm được như vậy, chẳng phải chứng thánh; chẳng tự cho là
thánh, gọi là cảnh giới tốt, nếu cho là thánh, liền lọt vào tà ma.
5. Trong
lúc tham cứu diệu minh, quan sát chẳng ngừng, sức đè nén hàng phục quá
mức, bỗng trong hư không thành màu sắc bách bảo, xanh vàng đỏ trắng đồng
thời cùng khắp mười phương mà chẳng chướng ngại nhau. Ấy gọi là sự
dụng công đè nén quá mức tạm được như thế, chẳng phải chứng thánh;
chẳng tự cho là thánh, gọi là cảnh giới tốt, nếu cho là thánh, liền lọt
vào tà ma.
6. Trong
lúc tham cứu diệu minh, trong sáng chẳng loạn, bỗng lúc nửa đêm, ở
trong nhà đen tối, thấy rõ các vật chẳng khác ban ngày, ấy gọi là tâm
dụng đến chỗ vi tế, cái năng thấy trong như lưu ly, cái sở thấy thấu
qua đen tối, tạm được như thế, chẳng phải chứng thánh; chẳng tự cho
là thánh, gọi là cảnh giới tốt, nếu cho là thánh, liền lọt vào tà ma.
7. Trong
lúc tham cứu diệu minh, toàn tâm dung hòa với hư không, bỗng thân thể đồng
như cây cỏ, lửa đốt, dao chém chẳng có cảm giác, thiêu chẳng thấy
nóng, chém chẳng thấy đau, ấy gọi là tâm và trần dung hợp thành một,
tạm được như thế, chẳng phải chứng thánh; chẳng tự cho là thánh, gọi
là cảnh giới tốt, nếu cho là thánh, liền lọt vào tà ma.
8. Trong
lúc tham cứu diệu minh, dụng công đến chỗ thanh tịnh, bỗng thấy núi
sông, đất đai mười phương đều thành cõi Phật đầy đủ thất bảo,
ánh sáng chiếu khắp, lại thấy hằng sa chư Phật, cung điện trang nghiêm,
cùng khắp thế giới, thấy khắp thiên đàng địa ngục đều chẳng ngăn
ngại, ấy gọi là tập trung tư tưởng ngày càng sâu đậm, lâu ngày hóa
thành, chẳng phải chứng thánh; chẳng tự cho là thánh, gọi là cảnh giới
tốt, nếu cho là thánh, liền lọt vào tà ma.
9. Trong
lúc tham cứu diệu minh, đến chỗ sâu xa, bỗng ở nửa đêm, thấy được
các đường phố và bà con phương xa, nghe được tiếng nói của họ, ấy
gọi là tâm bức bách quá mức bay ra, nên cái thấy thấu qua vật chất, chẳng
phải chứng thánh; chẳng tự cho là thánh, gọi là cảnh giới tốt, nếu
cho là thánh, liền lọt vào tà ma.
10. Trong lúc tham cứu
diệu minh, thấy hình thể của thiện tri thức, trong giây lát hiện ra đủ
thứ biến đổi, ấy gọi là tâm tà bị yêu mị, hoặc thiên ma xâm nhập,
thình lình thuyết pháp, thông đạt diệu nghĩa, chẳng phải chứng thánh;
chẳng tự cho là thánh, gọi là cảnh giới tốt, nếu cho là thánh, liền lọt
vào tà ma.
- A Nan! Mười thứ cảnh
giới thiền định trên, đều do Sắc Ấm và dụng tâm giao tranh lẫn nhau
mà hiện ra. Chúng sanh ngu mê chẳng tự xét kỹ, gặp nhân duyên này mà chẳng
tự biết, nói là chứng thánh thành đại vọng ngữ, đọa địa ngục A Tỳ.
- Sau khi Như Lai nhập
diệt, trong thời mạt pháp, các ngươi phải theo lời dạy bảo như trên
khai thị người tu, hộ trì cho họ thành Vô Thượng Đạo, chớ để cho
thiên ma được dịp quấy phá.
II - MA THỌ ẤM
- A Nan! Người tu thiền
định, khi dứt được Sắc Ấm, tâm thấy chư Phật như bóng hiện trong gương,
dường như có sự chứng đắc, nhưng chưa được thọ dụng. Cũng như người
bị bóng đè, tay chân vẫn còn, thấy nghe rõ ràng, vì tâm bị tà bên
ngoài xâm nhập, chẳng thể cử động được, ấy gọi là phạm vi của Thọ
Ấm. Nếu bóng đè hết, tâm lìa sắc thân, được tự thấy mặt mình, ở
đi tự do vô ngại, gọi là Thọ Ấm hết, thì lúc ấy được siêu việt
Kiến Trược.Nhưng quán xét nguyên nhân, là do Hư Minh Vọng Tưởng (2) làm
gốc.
l. A Nan!
Đang lúc thiền định, thấy ánh sáng chói lọi, trong tâm ức chế quá mức,
bỗng sanh lòng buồn bã, cho đến thấy các loài ruồi muỗi như con của mình,
thương xót rơi lệ, ấy gọi là dụng công đè nén quá mức. Ngộ biết đó
là vọng tưởng chẳng phải chứng thánh, chẳng mê chẳng chấp, lâu tự
tiêu diệt; nếu cho là thánh, thì bị Ma Bi xâm nhập, hễ gặp người thì
than khóc không xiết, lạc mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.
2. Trong
lúc thiền định, thấy sắc ấm dứt, thọ ấm rõ ràng, thắng cảnh hiện
tiền, kích động quá phần, bỗng trong đó sanh lòng dũng mãnh, phấn chí
sánh bằng chư Phật, cho là một niệm có thể siêu việt ba A Tăng Kỳ kiếp,
ấy gọi là dụng công lấn tiến quá mức. Ngộ biết đó là vọng tưởng,
chẳng phải chứng thánh, chẳng mê chẳng chấp lâu tự tiêu diệt, nếu
cho là thánh thì bị Ma Cuồng xâm nhập, hễ gặp người thì khoe khoang
kiêu căng, ngã mạn tăng trưởng, cho đến trên chẳng thấy có Phật, dưới
chẳng thấy có người, lạc mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.
3. Trong
lúc thiền định, thấy sắc ấm dứt, thọ ấm rõ ràng, tiến đến trước
chẳng có chứng đắc mới, lui về sau lại mất chỗ cũ, sức trí kém
mòn, giữa chừng bị lạc, chẳng có sở thấy, trong tâm bỗng sanh khô
khan, luôn luôn nhớ mãi không tan, lại cho là tinh tấn, ấy gọi là tu tâm
mà chẳng huệ. Ngộ biết đó là vọng tưởng, chẳng phải chứng thánh; nếu
cho là thánh, thì bị Ma Nhớ xâm nhập, ngày đêm trói tâm vào một chỗ, lạc
mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.
4. Trong
lúc thiền định, thấy sắc ấm dứt, thọ ấm rõ ràng, sức huệ mạnh hơn
sức định, tâm chấp các việc thù thắng, tự tưởng là Phật Lô Xá Na,
được ít cho là đủ, ấy gọi là dụng tâm quên mất quán chiếu, đọa vào
tri kiến. Ngộ biết đó là vọng tưởng, chẳng phải chứng thánh; nếu
cho là thánh, thì bị Ma-Hèn-Hạ-Dễ-Biết-Đủ xâm nhập, hễ gặp người
thì tự xưng là Vô Thượng Đệ Nhất Nghĩa Đế, lạc mất chánh định, sẽ
bị chìm đắm.
5. Trong
lúc thiền định, thấy sắc ấm dứt, thọ ấm rõ ràng, chưa được chứng
mới, lại mất chỗ cũ, tiến lui đều chẳng được, cảm thấy khó khăn,
bỗng sanh lòng lo âu, tâm chẳng muốn sống, mong cầu người khác sát hại
thân này để mau được giải thoát, ấy gọi là tu hành lạc mất phương
tiện. Ngộ biết đó là vọng tưởng, chẳng phải chứng thánh; nếu cho
là thánh, thì bị Ma-Hay-Lo-Rầu xâm nhập, tự cầm dao kiếm chém cắt thịt
mình, thích bỏ thọ mạng, hoặc thường lo rầu, trốn vào rừng núi, sợ
bị người thấy, lạc mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.
6. Trong
lúc thiền định, thấy sắc ấm dứt, thọ ấm rõ ràng, ở nơi thanh tịnh,
tâm được an nhàn, bỗng trong lòng vui mừng vô cùng, chẳng thể kềm chế
được, ấy gọi là khinh an mà chẳng có trí huệ tự ngăn. Ngộ biết đó
là vọng tưởng, chẳng phải chứng thánh; nếu cho là thánh, thì bị
Ma-Ham-Vui xâm nhập, hễ gặp người thì cười, múa hát ngoài đường, tự
cho mình đã được giải thoát vô ngại, lạc mất chánh định, sẽ bị chìm
đấm.
7. Trong
lúc thiền định, thấy sắc ấm dứt, thọ ấm rõ ràng, tự cho sự tu của
mình đã đầy đủ, bỗng tâm sanh đại ngã mạn, hoặc khinh mạn người,
hoặc ngạo mạn mình hơn người, hoặc tăng thượng mạn, hoặc tỵ liệt
mạn (khinh người hơn mình), đồng thời phát ra. Đã dám khinh chê mười
phương chư Phật, huống là các bậc Thanh Văn, Duyên Giác! Ấy gọi là kiến
chấp quá cao, không có trí huệ tự cứu. Ngộ biết đó là vọng tưởng,
chẳng phải chứng thánh; nếu cho là thánh, thì bị Ma-Đại-Ngã-Mạn xâm
nhập, không lễ chùa tháp, phá hủy kinh tượng, nói với Phật tử rằng:”Tượng
Phật là loại vàng đồng, đồ gỗ, kinh sách là lá cây, giấy lụa, cái
thân này đã là chơn thường, sao chẳng cung kính cúng dường mà đi sùng
bái loại cây loại gỗ, thật là điên đảo”. Khiến những người tin
theo lời họ, hủy hoại tượng Phật, kinh sách, làm lầm chúng sanh đọa
ngục A-Tỳ, lạc mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.
8. Trong
lúc thiền định, thấy sắc ấm dứt, thọ ấm rõ ràng, ở nơi sáng tỏ tự
ngộ chơn lý, được sự thuận lợi, trong lòng bỗng sanh khinh an vô cùng,
tự nói chứng thánh, được đại tự tại, ấy gọi là do huệ mà được
khinh an. Ngộ biết đó là vọng tưởng, chẳng phải chứng thánh; nếu cho
là thánh, thì bị Ma-Khinh-An xâm nhập, tự cho là đủ, chẳng cầu tiến thêm,
cũng như Tỳ Kheo Vô Văn, làm lầm chúng sanh đọa ngục A-Tỳ, lạc mất chánh
định, sẽ bị chìm đắm.
9. Trong
lúc thiền định, thấy sắc ấm dứt, thọ ấm rõ ràng, trong chỗ tỏ ngộ,
được tánh hư minh, bỗng trong đó sanh lòng đoạn diệt, bác bỏ nhân quả,
luôn luôn chấp không. Ngộ biết đó là vọng tưởng, chẳng phải chứng
thánh, nếu cho là thánh, thì bị Ma-Rỗng-Không xâm nhập, chê báng người
trì giới là Tiểu Thừa, cho bậc Bồ Tát hễ ngộ được Tánh Không thì
chẳng có trì phạm, thường ở nơi đàn việt tín tâm, rượu thịt, dâm uế.
Vì được sức ma nhiếp trì, nên chẳng sanh nghi ngờ, tâm ma xâm nhập lâu
ngày, hoặc ăn những đồ nhơ nhớp, đại tiểu tiện, cho là chẳng khác rượu
thịt, phá hoại giới luật, khiến người tạo tội, lạc mất chánh định,
sẽ bị chìm đắm.
10. Trong lúc thiền định,
thấy sắc ấm dứt, thọ ấm rõ ràng, ham đắm sự hư minh, bỗng sanh lòng
yêu vô hạn, yêu quá phát điên, liền thành tham dục, ấy gọi là trong định
ham chấp sự an ổn, không có trí huệ tự chế, lầm vào ái dục. Ngộ biết
đó là vọng tưởng, chẳng phải chứng thánh; nếu cho là thánh thì bị
Ma-Dục xâm nhập, vọng nói dâm dục là đạo Bồ Đề, người hành dâm gọi
là Trì Pháp Tử, dạy người thế gian làm việc dâm dục. Nhờ sức ma nhiếp
trì, những kẻ ngu mê tin theo trong thời mạt pháp chẳng phải ít, đến lúc
ma sanh lòng chán rời khỏi thân thể, người ấy mất hết uy đức, bị sa
vào lưới pháp luật, khiến chúng sanh bị lầm lạc, đọa địa ngục A-Tỳ,
lạc mất chánh định, sẽ bị chìm đắm.
- Mười thứ cảnh
giới thiền định trên, đều do thọ ấm và dụng tâm giao tranh lẫn nhau
mà hiện ra, chúng sanh ngu mê chẳng tự xét kỹ, gặp nhân duyên này mà chẳng
tự biết, nói là chứng thánh, thành đại vọng ngữ, đọa ngục A-Tỳ.
- Sau khi Như Lai nhập
diệt, trong thời mạt pháp, các ngươi phải theo lời dạy bảo như trên
khai thị cho người tu, hộ trì cho họ thành Vô Thượng Đạo, chớ để
cho thiên ma được dịp quấy phá.
III - MA TƯỞNG ẤM
- A Nan! Người tu thiền
định, khi dứt được thọ ấm, dù chưa dứt hết tập khí, nhưng tâm đã
được rời khỏi thân thể, như chim ra khỏi lồng, đã được thành tựu
từ thân phàm trở lên, trải qua 60 cấp bậc thánh vị Bồ Tát, được
Ý-Sanh-Thân, đi ở vô ngại. Ví như có người ngủ say nói mớ, người ấy
dù không hay biết gì, nhưng lời nói của họ đã làm cho người thức nghe
biết, ấy gọi là phạm vi của Tưởng Ấm. Nếu động niệm và vọng tưởng
dứt trừ, trong tâm sáng tỏ như gương sạch hết nhơ bụi, được sự chiếu
soi, chẳng thấy có tướng sanh tử, gọi là tưởng ấm hết, thì lúc ấy
được siêu việt Phiền Não Trược. Nhưng quán xét nguyên nhân là do bởi
Dung Thông Vọng tưởng (3) làm gốc.
l. A Nan!
Trong lúc thiền định, thọ ấm hư minh, chẳng lọt tà tưởng, bỗng trong
tâm ham đắm sự hư minh, tham cầu sự khéo léo, khi ấy thiên ma được dịp
nhập vào thân người khác để thuyết pháp; người đó chẳng biết đã bị
ma nhập, tự nói đã được Vô Thượng Niết Bàn, đến nơi người cầu
khéo léo, thuyết pháp cho họ, hoặc hiện thân Tỳ Kheo, hoặc Đế Thích,
hoặc phụ nữ, hoặc Tỳ Kheo Ni, hoặc trong phòng tối thân phát ánh sáng,
người ấy ngu mê chẳng biết cho là Bồ Tát, tin theo lời dạy của họ,
tín tâm lay chuyển, phá hoại giới luật, lén làm việc tham dục. Ma ưa nói
những việc biến đổi của tội phước, hoặc nói Như Lai sẽ ra đời chỗ
này chỗ kia, hoặc nói những điềm kiếp hỏa, binh loạn, hăm dọa người
ta, làm cho gia tài người ta vô cớ bị tiêu tan, ấy gọi là Quái Quỷ (quỷ
tham lam) tuổi già thành ma, nhiễu loạn người ấy, đến khi ma sanh lòng
chán, rời bỏ người ấy, lúc đó đệ tử lẫn thầy đều bị sa lưới
pháp luật. Các ngươi nên sớm giác ngộ để khỏi bị luân hồi, nếu mê
lầm chẳng biết, sẽ bị đọa ngục A-Tỳ.
2. Trong
lúc thiền định, thọ ấm hư minh, chẳng lọt tà tưởng, bỗng trong tâm
ham thích đi chơi, tham cầu sự du lịch. Khi ấy thiên ma được dịp nhập
thân người khác để thuyết pháp; người đó chẳng biết đã bị ma nhập,
tự nói đã được Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ người tham cầu du lịch,
thuyết pháp cho họ, người nghe pháp bỗng thấy thân mình ngồi trên bửu
liên hoa, toàn thân hóa thành sắc vàng, cả chúng nghe pháp đều được
như vậy, được chưa từng có, ngu mê chẳng biết, cho là Bồ Tát, tâm ham
dâm dục, phá hoại giới luật, lén làm việc tham dục. Ma ưa nói việc chư
Phật ra đời; hoặc nói người này người kia, chỗ này chỗ nọ là Phật
Bồ Tát hóa thân đến đây, khiến người nghe thấy vậy, sanh lòng ham mộ,
tà kiến khởi lên, làm mất chủng trí, đây gọi là Bạt Quỷ (quỷ dâm dục),
tuổi già thành ma, nhiễu loạn người ấy, đến khi ma sanh lòng chán, rời
khỏi thân thể, lúc ấy đệ tử lẫn thầy đều sa vào lưới pháp luật.
Các ngươi nên sớm giác ngộ mới khỏi bị luân hồi, nếu mê lầm chẳng
biết, sẽ bị đọa ngục A-Tỳ.
3. Trong
lúc thiền định, thọ ấm hư minh, chẳng lọt tà tưởng, bỗng trong tâm
tham cầu sự luôn luôn khế hợp. Khi ấy thiên ma được dịp nhập thân người
khác để thuyết pháp, người đó chẳng biết đã bị ma nhập, tự nói đã
được Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ người cầu khế hợp thuyết pháp
cho họ, khiến người nghe chưa nghe pháp đã được tỏ ngộ, niệm niệm dời
đổi, hoặc được túc mạng thông, hoặc được tha tâm thông, hoặc thấy
địa ngục, hoặc biết các việc tốt xấu của thế gian, hoặc nói kệ,
hoặc tự tụng kinh, mỗi mỗi đều vui vẻ, được chưa từng có, người
ấy ngu mê chẳng biết, cho là Bồ Tát tâm ham ái dục, phá hoại giới luật,
lén làm việc tham dục. Ma ưa nói Phật có lớn nhỏ trước sau, có chơn giả,
có nam Phật, nữ Phật, Bồ Tát cũng vậy; người nghe thấy vậy lạc mất
bản tâm, dễ lọt vào tà ngộ. Đây gọi là Mỵ Quỷ (quỷ gian dối), tuổi
già thành ma, nhiễu loạn người ấy, đến khi ma sanh lòng chán, rời khỏi
thân thể, lúc đó đệ tử lẫn thầy đều bị sa lưới pháp luật. Các
ngươi nên sớm giác ngộ để khỏi bị luân hồi, nếu mê lầm chẳng biết,
sẽ bị đọa ngục A-Tỳ.
4. Trong
lúc thiền định, thọ ấm hư minh, chẳng lọt tà tưởng, bỗng trong tâm
ham thích suy xét căn bản, phân tích cội gốc cùng tột của sự vật. Khi
ấy thiên ma được dịp nhập thân người khác để thuyết pháp, người
đó chẳng biết bị ma nhập, tự nói đã được Vô Thượng Niết Bàn, đến
chỗ người cầu phân tích cội gốc thuyết pháp cho họ, ma có uy thần
thuyết phục các người, khiến chưa nghe pháp, tự nhiên tâm đã hàng phục,
nói Bồ Đề Niết Bàn, pháp thân thường trụ tức là cái sắc thân hiện
hữu này, cha con đời đời tương sanh với nhau tức là pháp thân thường
trụ chẳng dứt, cái trước mắt đã là cõi Phật, chẳng có cõi Tịnh Độ
và đức Phật nào khác. Người nghe tin nhận, quên mất bản tâm trước,
đem cả thân mạng quy y, được chưa từng có, ngu mê chẳng biết, cho là Bồ
Tát, tâm ham suy xét, phá hoại giới luật, lén làm việc tham dục. Ma ưa nói
nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt đều là Tịnh Độ, nam nữ nhị căn là nơi chơn thật
của Bồ Đề Niết Bàn, người mê chẳng biết, tin lời ô uế ấy. Đây gọi
là Cổ Độc Yểm Thắng Ác Quỷ (quỷ cuồng), tuổi già thành ma, nhiễu loạn
người ấy, đến khi ma sanh lòng chán, rời khỏi thân thể, lúc đó đệ tử
lẫn thầy đều bị sa vào lưới pháp luật. Các ngươi nên sớm giác ngộ
để khỏi bị luân hồi, nếu mê lầm chẳng biết, sẽ bị đọa ngục A-Tỳ.
5. Trong
lúc thiền định, thọ ấm hư minh, chẳng lọt tà tưởng, bỗng trong tâm
ham cầu sự tiên tri cảm ứng. Khi ấy thiên ma được dịp nhập thân người
khác để thuyết pháp, người đó chẳng biết đã bị ma nhập, tự nói đã
được Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ người cầu cảm ứng, thuyết pháp
cho họ. Ma khiến người nghe tạm thấy thân họ như trăm ngàn tuổi, lòng
sanh yêu mến, chẳng muốn rời bỏ, chịu làm đầy tớ cúng dường đủ
thứ mà chẳng biết mệt mỏi, lại khiến đồ chúng của mỗi người
trong tâm đều biết họ là tiên sư, là thiện tri thức, sanh lòng yêu mến,
thiết tha như keo sơn, được chưa từng có, người ấy ngu mê chẳng biết,
cho là Bồ Tát, tâm ưa thân cận, phá hoại giới luật, lén làm việc tham
dục. Ma ưa nói kiếp trước người này người kia là anh em, là vợ của
ta, nay đến để độ họ, cùng nhau đi đến cõi này cõi kia để cúng dường
Phật này Phật nọ; hoặc nói có cõi trời Đại Quang Minh kia, chư Phật đều
nghỉ tại đó, người mê chẳng biết, tin lời cuồng vọng ấy. Đây gọi
là Lệ Quỷ (quỷ sân si), tuổi già thành ma, nhiễu loạn người ấy, đến
khi ma sanh lòng chán, rời khỏi thân thể, lúc ấy đệ tử lẫn thầy đều
bị sa vào lưới pháp luật. Các ngươi nên sớm giác ngộ, để khỏi bị
luân hồi, nếu mê lầm chẳng biết, sẽ bị đọa ngục A-Tỳ.
6. Trong
lúc thiền định, thọ ấm hư minh, chẳng lọt tà tưởng, bỗng trong tâm
ham cầu tĩnh tịch, khắc khổ siêng tu, ưa thích chỗ vắng lặng. Khi ấy
thiên ma được dịp nhập thân người khác để thuyết pháp, người đó
chẳng biết đã bị ma nhập, tự nói đã được Vô thượng Niết Bàn, đến
chỗ người cầu tĩnh lặng thuyết pháp cho họ. Ma khiến người nghe mỗi
mỗi đều biết nghiệp báo của mình, hoặc nói với một người nào rằng:
”Ngươi nay dù chưa chết, nhưng đã làm súc sinh”. Rồi bảo người khác
đến sau lưng họ làm dạng đạp đuôi, liền khiến người ấy đứng dậy
chẳng được, làm cho tất cả đều hết lòng khâm phục, có người móng
tâm lên, ma liền biết ý. Ngoài luật nghi của Phật ra, nó càng thêm khắc
khổ, phỉ báng Tỳ Kheo, chửi mắng đồ chúng, phơi bày việc người, chẳng
tránh hiềm khích, ưa nói việc tội phước của tương lai mà mảy may
không sai. Đây gọi là Đại Lực Quỷ (quỷ ngạo mạn), tuổi già thành
ma, nhiễu loạn người ấy, đến khi ma sanh lòng chán, rời khỏi thân thể,
lúc ấy đệ tử lẫn thầy đều bị sa vào lưới pháp luật. Các ngươi nên
sớm giác ngộ, để khỏi bị luân hồi, nếu mê lầm chẳng biết, sẽ bị
đọa ngục A-Tỳ.
7. Trong
lúc thiền định, thọ ấm hư minh, chẳng lọt tà tưởng, bỗng trong tâm
ham muốn tri kiến, siêng năng nghiên cứu, tham cầu túc mệnh. Khi ấy thiên
ma được dịp nhập thân người khác để thuyết pháp; người đó chẳng
biết đã bị ma nhập, tự nói đã được Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ
người cầu tri kiến, thuyết pháp cho họ. Người
ấy khi không ở nơi nghe pháp được hòn ngọc báu, có lúc ma lại hóa
thành súc sinh, miệng ngậm hạt châu và các châu báu, sách, bùa, các vật
quý lạ, trước tiên đem hiến cho người ấy, sau nhập xác họ, hoặc bảo
với họ là dưới đất nơi đó có hạt châu chiếu sáng, khiến các người
nghe, được chưa từng có. Do sức ma nhiếp trì, thường ăn cây thuốc chứ
chẳng ăn cơm, hoặc hằng ngày chỉ ăn một hột mè hoặc một hột lúa
mà thân vẫn béo mạnh; phỉ báng Tỳ Kheo, chửi mắng đồ chúng, chẳng
tránh hiềm khích; ưa nói kho báu nơi tha phương hoặc chỗ ẩn cư của bậc
thánh hiền mười phương, những người theo sau thường thấy có kẻ kỳ lạ.
Đây gọi là loại quỷ thần sơn lâm, thổ địa, thành hoàng sông núi, tuổi
già thành ma, hoặc kêu gọi làm việc dâm dục, phá hoại giới luật, cùng
với người vâng theo lén làm sự ngũ dục; hoặc chỉ ăn cây cỏ cho là
tinh tấn, những việc làm không có nhất định, nhiễu loạn người ấy,
đến khi ma sanh lòng chán, rời khỏi thân thể, lúc ấy đệ tử lẫn thầy
đều bị sa vào lưới pháp luật. Các ngươi nên sớm giác ngộ, nếu mê lầm
chẳng biết, sẽ bị đọa ngục A-Tỳ.
8. Trong
lúc thiền định, thọ ấm hư minh, chẳng lọt tà tưởng, bỗng trong tâm
ham cầu thần thông biến hóa. Khi ấy thiên ma được dịp nhập thân người
khác để thuyết pháp, người đó chẳng biết đã bị ma nhập, tự nói đã
được Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ người cầu thần thông, thuyết
pháp cho họ. Người ấy hoặc tay cầm ngọn lửa để trên đầu tứ chúng,
lửa cháy sáng vài thước mà chẳng thấy nóng hay bị cháy, hoặc đi trên
mặt nước như đi trên đất bằng, hoặc an tọa ở giữa hư không, hoặc
vào trong bình hay trong túi, xuyên qua bức tường đều chẳng chướng ngại,
chỉ đối với quân binh giao trận là không được tự tại thôi. Tự nói
là Phật, thân mặc bạch y, nhận lễ lạy của bậc Tỳ Kheo, phỉ báng thiền
luật, chửi mắng đồ chúng, phơi bày việc người mà chẳng tránh hiềm
khích, ưa nói thần thông tự tại, hoặc khiến người thấy cõi Phật ở
kế bên; dùng sức quỷ mê hoặc người, chẳng phải có thật, khen ngợi sự
dâm dục, chẳng bỏ thô hạnh, đem những việc ô uế cho là truyền pháp.
Đây gọi là loại Sơn tinh, Hải Tinh, Phong Tinh, Hà Tinh, Thổ Tinh, tất cả
cây cỏ trên trời đất lâu năm lụy kiếp thành tinh, hoặc là Long (rồng)
mỵ, hoặc loại tiên chết rồi sống lại thành mỵ, hoặc loại tiên chết
rồi hình thể chưa tan, quỷ quái khác nhập vào, tuổi già thành ma, nhiễu
loạn người ấy, đến khi ma sanh lòng chán, rời khỏi thân thể, lúc ấy
đệ tử lẫn thầy đều bị sa vào lưới pháp luật. Các ngươi nên sớm
giác ngộ, để khỏi bị luân hồi, nếu mê lầm chẳng biết, sẽ bị đọa
ngục A-Tỳ.
9. Trong
lúc thiền định, thọ ấm hư minh, chẳng lọt tà tưởng, bỗng trong tâm
ham muốn nhập diệt, tham cầu đi sâu vào cái rỗng không. Khi ấy thiên ma được dịp nhập thân người
khác để thuyết pháp, người đó chẳng biết đã bị ma nhập, tự nói đã
được Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ người cầu rỗng không, thuyết
pháp cho họ. Trước mặt đại chúng, thân ma bỗng biến mất, chúng không
trông thấy, lại từ hư không thình lình hiện ra, ở đi tự tại, hoặc hiện
thân như lưu ly. hoặc duỗi tay chân bay mùi chiên đàn, hoặc đại tiểu tiện
như đường phèn cứng chắc, phỉ báng giới luật, khinh bỉ người xuất
gia. Ưa nói không có nhân quả, hễ chết rồi là diệt hẳn, chẳng có
thân sau và nói các phàm thánh dù đã được không tịch, nhưng vẫn còn
lén hành tham dục, và người thọ sự dâm dục ấy cũng được Tâm-Không.
Đây gọi là loại kim ngọc, chi thảo, hoặc con lân, phụng, rùa, hạc, thu
hút tinh khí của nhựt nguyệt, trải qua ngàn vạn năm chẳng chết thành
tinh, tuổi già thành ma, nhiễu loạn người ấy, đến khi ma sanh lòng chán,
rời khỏi thân thể, lúc ấy đệ tử lẫn thầy đều sa vào lưới pháp
luật. Các ngươi nên sớm giác ngộ để khỏi bị luân hồi, nếu mê lầm
chẳng biết, sẽ bị đọa ngục A-Tỳ.
10. Trong lúc thiền định,
thọ ấm hư minh, chẳng lọt tà tưởng, bỗng trong tâm ham muốn sống lâu,
vất vả nghiên cứu, tham cầu trường thọ chẳng diệt. Khi ấy thiên ma
được dịp nhập thân người khác để thuyết pháp, người đó chẳng biết
đã bị ma nhập, tự nói đã được Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ người
cầu trường thọ, thuyết pháp cho họ, hay nói đi lại từ nơi này đến
nơi khác chẳng có ngăn ngại; hoặc trong chốc lát từ muôn ngàn dặm đi
liền trở lại, mang theo đồ vật của nơi đó; hoặc ở trong nhà, cho người
ấy đi vài bước từ vách tường bên đông sang bên tây, mà người ấy
đi gấp suốt năm chẳng tới, khiến họ tin đó là Phật hiện tiền. Ma
ưa nói tất cả mười phương chúng sanh đều là con ta, ta sanh ra chư Phật,
sanh ra thế giới, là Phật nguyên thủy, tự nhiên ra đời, chẳng do tu được.
Đây gọi là Tự Tại Thiên Ma ở đời, sai khiến những quyến thuộc chưa
phát tâm (kẻ đã phát tâm thì hộ trì chánh pháp), lợi dụng sự hư minh
của họ, thu hút tinh khí của người. Người ấy hoặc không nhờ thầy
mà tự mình thấy rõ, ma tự xưng là Thần Hộ Pháp Kim Cang, cho người sống
lâu; hoặc hiện thân mỹ nữ, thịnh hành việc tham dục, khiến người ấy
chưa đầy một năm gan não đã khô kiệt, hay nói lẩm nhẩm một mình, nghe
như yêu mỵ mà người khác chẳng hiểu. Khi bị sa vào lưới pháp luật,
chưa kịp xử hình thì đã chết khô, nhiễu loạn người ấy đến chết mới
thôi. Các ngươi nên sớm giác ngộ để khỏi bị luân hồi, nếu mê lầm
chẳng biết, sẽ bị đọa ngục A-Tỳ.
- A Nan phải biết!
Nơi thời mạt pháp, mười thứ ma kể trên ở trong pháp ta xuất gia tu
hành; hoặc nhập thân người khác, hoặc tự hiện hình, đều nói đã
thành chánh biến tri, khen ngợi sự dâm dục, phá hoại giới luật. Ma và
đệ tử họ truyền nhau làm việc dâm dục, tà ma như thế, mê hoặc tâm
can người từ chín đời cho đến cả trăm đời, khiến người tu hành đều
thành quyến thuộc của họ, sau khi chết tất cả sẽ trở thành dân ma, lạc
mất chánh biến tri, đọa ngục A-Tỳ.
- Nay các ngươi dẫu
đã được vô lậu, chưa nên sớm nhập Niết Bàn, phải nguyện ở lại,
vào trong thời mạt pháp, khởi đại từ bi, cứu người phát chánh tâm tu
hành, khiến đừng lạc vào tà ma, được chánh biến tri. Nay ta đã độ các
ngươi ra khỏi sanh tử, các ngươi hãy theo lời Phật dạy mà hành gọi là
báo ân Phật.
- A Nan! Mười thứ cảnh
giới thiền định trên, đều do Tưởng Ấm và dụng tâm giao tranh lẫn
nhau mà hiện ra, chúng sanh ngu mê chẳng tự xét kỹ, gặp nhân duyên này
mà chẳng tự biết, nói là chứng thánh, thành đại vọng ngữ, đọa ngục
A Tỳ.
- Sau khi Như Lai nhập
diệt, trong thời mạt pháp, các ngươi phải theo như lời dạy bảo trên
khai thị cho người tu, hộ trì cho họ thành Vô Thượng Đạo, chớ để
cho thiên ma được dịp quấy phá.
GHI CHÚ:
(l) Kiên cố vọng tưởng
và kiếp trược:
Sắc Ấm tại sao gọi
là Kiên Cố Vọng Tưởng? Vì do vọng tưởng của cha mẹ và vọng tưởng
của mình giao kết mà thành cái sắc thân kiên cố này, nên gọi là Kiên Cố
Vọng Tưởng.
Do Sắc Ấm và tri kiến
giao tranh lẫn nhau, dựa theo đó mà sanh ra tri kiến chấp thật, nên gọi
là Kiếp Trược.
(2) Hư Minh Vọng Tưởng
và Kiến Trược:
Thọ Ấm tại sao gọi
là Hư Minh Vọng Tưởng? Vì Hư thì năng thọ, Minh thì năng nhận, như bóng
tượng hiện trong gương sáng. Theo bản thể, hư minh là tâm Phật, tại sao
nói là vọng tưởng? Vì hễ mống lên một niệm chấp trước, muốn được
sự chứng đắc, thì liền bị thọ ấm che khuất, nên gọi là Hư Minh Vọng
Tưởng.
Kiến Trược là do
tri kiến thọ nhận các cảnh rồi giao tranh lẫn nhau, dựa theo đó mà sanh
ra tri kiến chấp thật, nên gọi là Kiến Trược.
(3) Dung Thông Vọng Tưởng
và Phiền Não Trược:
Tưởng Ấm tại sao
gọi là Dung Thông Vọng Tưởng? Do tưởng năng dung thông biến hóa, khiến
Tâm theo cảnh, khiến cảnh theo Tâm. Vì cái Tâm chấp dung thông chưa được
hóa giải, nên ma mới được dịp thừa cái chấp ấy mà mê hoặc người,
nên gọi là Dung Thông Vọng Tưởng.
Tất cả phiền não
đều do tưởng niệm mà có, dựa theo đó mà sanh ra tri kiến chấp thật,
nên gọi là Phiền Não Trược.
- ~~oOo~~