- THI KỆ PHÁP CÚ KINH
(DHAMMAPADA)
MỤC LỤC
Lời người
dịch (Tịnh Minh)
Ðôi lời tái bản (Tịnh Minh)
Lời tựa (Hòa thượng Narada)
-ooOoo-
LỜI NGƯỜI
DỊCH
Kinh Pháp Cú được coi là
Kinh Lời Vàng. Ðức Phật đã thuyết giảng giáo pháp của Ngài suốt 45 năm,
trong đó có những bài kệ ngắn gọn, hàm súc, linh hoạt, thú vị, thực tế
với từng trường hợp và rất ích lợi cho những ai tự nguyện tu tâm dưỡng
tánh hoặc lên đường hành đạo giải thoát.
Kinh Pháp Cú đã được
phiên dịch ra nhiều thứ tiếng và được phổ biến trên khắp thế giới.
Riêng ở nước ta, một số dịch bản đã được ấn hành và cũng đang
được phổ cập sâu rộng, đặc biệt là trong giới thiền môn.
Bản dịch Thi Hóa Pháp
Cú Kinh đây không ngoài mục đích là góp nhặt thi tứ, sắp xếp ngôn từ,
chuyên chở ý nghĩa từ dịch bản tiếng Anh mà đại đức Narada đã dày
công phiên dịch, chú giải từ nguyên bản Pali để sao cho có chút âm hưởng
thi ca, nghĩa là có vần, có điệu, ngõ hầu giúp người đọc dễ đọc, dễ
học, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ áp dụng lời Phật dạy vào nếp sinh hoạt
hằng ngày của mình qua mọi thời đại, cũng như tục ngữ ca dao, nhờ nhạc
điệu và tính chất trữ tình đặc thù của nó mà lòng người dễ dàng cảm
nhận, suy gẫm, hành xử qua bao thế hệ.
Bản dịch Thi Hóa Pháp
Cú Kinh gồm 26 phẩm, 423 bài kệ với những truyện tích và chú giải toàn
bộ. Ðây là phần thi hóa trích ngang, và vì thi hóa nên người dịch xin mạo
muội thêm bớt một vài từ, chuyển hoán một vài câu, dĩ nhiên là cùng
trong bài kệ, để sao cho nhạc điêu, lời thơ và ý kinh được nhất quán
theo nghĩa lý và văn mạch tiếng Việt, và cũng vì từ tản văn đến thi hóa
nên khó mà tránh khỏi đôi chỗ chưa chỉnh; mong các bậc cao minh, độc giả
hỷ xả và chỉ giáo cho.
Ước gì phần thi hóa
này được phổ biến đến các thiền môn và đến tay các chú các cô sa
di như bộ luật "Tỳ Ni Nhựt Dụng Thiết Yếu" vậy.
Sau cùng, xin cảm ơn Thượng
tọa Thích Phước Sơn và Thầy Nguyên Hồng, những vị đã trực tiếp khuyến
khích và giúp đỡ tôi hoàn tất bản dịch này.
Ðầu xuân năm Ðinh Mão
1987
TỊNH MINH
-ooOoo-
ÐÔI LỜI
TÁI BẢN
Bản dịch này đã được
phép lưu hành nội bộ tại Trường Cơ Bản Phật Học thành phố Hồ Chí
Minh năm 1990 với tựa đề Thi Hóa Pháp Cú Kinh và cũng đã được một số
văn nghệ si nổi tiếng ở Sài Gòn ngâm vào băng cassette.
Ðể tránh sự hiểu nhầm
từ "Thi Hóa" và để đảm bảo tính nghiêm túc của bản dịch, tựa
đề Thi Hóa Pháp Cú Kinh nay được đổi là THI KỆ PHÁP CÚ KINH.
Và cũng để đáp ứng
nhu cầu nghiên cứu Phật Pháp qua tiếng Anh ngày càng gia tăng, đặc biệt
là giúp tăng ni sinh tại các Trường Cơ Bản và Cao Cấp Phật Học có tài
liệu tham khảo và tự học, nay dịch giả da công hiệu đính lại bản Việt
ngữ, thêm phần Anh ngữ và chú giải từ vựng từng kệ để việc tra cứu
hay tham khảo được dễ dàng hơn.
Những từ Anh ngữ chú
thích trong bản tiếng Anh này được trích từ bản Buddhist Legends của tác
giả Eugene Watson Burlingame do hội Pali Text tái bản năm 1990 tại Anh quốc.
Phật Pháp nhiệm mầu,
ngôn từ đa dạng; văn chương thi phú khó mà được như ý tất cả. Vậy
nếu ai đó nhặt được đôi câu tâm đắc trong bản dịch này âu cũng là
túc duyên nhiều đời nhiều kiếp của quý vị đối với Phật Pháp vậy.
Mùa xuân năm Ất Hợi
1995
Dịch giả cẩn chí
TỊNH MINH
-ooOoo-
LỜI TỰA
Kinh Pháp Cú là một bộ
sưu tập Ðá Quý và hẳn là kim chỉ nam cho mỗi phật tử. Nội dung bản
kinh nên được đọc đi, đọc lại, nghiên cứu, quán triệt và, trên hết,
là phải áp dụng hằng ngày.
Những câu danh ngôn vàng
ngọc được thể hiện trong bản Kinh này đã minh chứng hùng hồn những lời
dạy đạo đức và triết học của Ðức Phật.
Ðộc giả sẽ nhận thấy
sự so sánh giản dị được Ðức Phật ứng dụng trong Kinh Pháp Cú mà
ngay cả một em nhỏ cũng có thể hiểu được. Ví dụ như so sánh bánh xe
bò, bóng người, căn nhà lợp vụng, ngôi làng đang ngủ, hồ nước sâu thẳm
v.v... Sự vĩ đại của Ðức Phật là ở chỗ Ngài trình bày những sự thật
uyên thâm bằng những ngôn từ giản dị.
Trong Kinh Pháp Cú có nhiều
trường hợp cho thấy Ðức Phật không những thuyết giảng cho giới trí
thức và hàng trưởng lão, mà còn giáo dục trẻ em bằng ngôn ngữ của
riêng chúng.
Trong đợt in lần thứ
hai này, do Hội Ðại Bồ Ðề (Maha Bodhi Society) xuất bản, bản dịch đã
được sửa đổi ở nhiều chỗ.
Bản văn Pali đây đã
được in theo kiểu chữ Rômanh để độc giả có thể thuộc được những
câu Kệ (Gàthàs) trong lúc nhàn rỗi và thán phục vẻ đẹp, vẻ phong phú
của ngôn từ nguyên thủy.
Trong khi chuẩn bị bản
dịch này, tôi đã tham khảo tất cả những bản dịch có giá trị, và
tôi phải thừa nhận rằng chúng vô cùng ích lợi cho tôi.
NÀRADA MAHATHERA
Tháng 7 ngày 14 năm 1962
Tu viện Vajiràràma, Colombo, Sri Lanka