Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Nghi Thức Cầu An
Thích Nhật Từ tuyển chọn và biên tập 1994

Lời Tựa
(Ấn Bản Internet)

Vào đầu năm 1994, nhiều Phật tử chùa Giác Ngộ, TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu chúng tôi sớm soạn thảo một nghi thức tụng niệm thuần Việt, để giúp cho các Phật tử mới vào đạo, dễ dàng hiểu được giáo pháp cao siêu của đức Phật. Đáp lại lời yêu cầu đó, chúng tôi đã soạn thảo hoàn tất bản thảo của các nghi thức sau đây: (i) Kinh Nhật Tụng - Tổng Hợp 49 Kinh Căn Bản của Hai Truyền Thống Phật Giáo Nam Tông và Bắc Tông, (ii) Nghi Thức Cầu An và Cầu Siêu, (iii) Nghi Thức Sám-Hối, (iv) Nghi Thức Cúng Vong, và (v) Nghi Thức Lễ Thành Hôn.

Được sự khích lệ của một số quý tôn túc trong các chùa TP. Hồ Chí Minh và cũng như ở các tỉnh phía Nam, chư đại đức Tăng Ni và quý Phật tử chùa Giác Ngộ đã phát tâm ấn tống 3000 quyển Kinh Nhật Tụng, như một dấu chỉ đóng góp vào việc Việt hóa nghi thức tụng niệm tại Việt Nam. Chỉ trong vòng vài ngày, toàn bộ số Kinh ấn tống đã được các Chùa thỉnh về đọc tụng. Trong một tháng sau đó, chúng tôi nhận được nhiều thơ chỉ giáo, khích lệ, và yêu cầu chúng tôi sớm tái bản quyển Kinh Nhật Tụng này, để phổ biến rộng rãi hơn. Trong lúc chúng tôi dự định tái bản song song với việc ấn hành quyển Nghi Thức Cầu An và Cầu Siêu, chúng tôi nhận được giấy chấp thuận cho nhập học tại trường Đại học Delhi, New Delhi, nên đã lên đường sang Ấn Độ. Thế là mọi việc tạm đình chỉ.

Vào mùa Hạ năm 1998, chúng tôi có dịp trở về Việt Nam. Trong thời gian này, chúng tôi lại nhận được nhiều sự khích lệ nồng nhiệt của chư tôn đức, nên đã cố gắng duyệt lại bản thảo của Nghi Thức Cầu An và Cầu Siêu và nhờ người đánh vi tính. Việc in ấn chưa hoàn tất thì chúng tôi lại lên đường sang Ấn Độ. Nhờ sự phát tâm của Sư cô Như Phước và quý Phật tử chùa Giác Ngộ, Nghi Thức Cầu An và Cầu Siêu đã được ấn tống vào cuối năm 1998.

Nhân dịp này, chúng tôi chân thành cảm ơn đại đức Nhật Hạnh, đại đức Nhật Bình, sư cô Như Phước và Phật tử chùa Giác Ngộ cũng như chư tôn đức giáo phẩm đã chỉ giáo, khích lệ và hỗ trợ, nhờ đó, quyển Nghi Thức Cầu An và Cầu Siêu được ra mắt quần chúng Phật tử. Ngoài ra, chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn đại đức Vân Phong và phật tử Diệu Tần đã phát tâm đánh lại bản thảo của nghi thức này, nhờ đó, việc ấn tống đã có thể diễn ra như dự định.

Chandigarh, Ấn Độ, ngày 19 tháng 2 năm Canh Thìn (2000)
Tỳ-kheo Thích Nhật Từ
Kính bút

 

Hướng Dẫn Hành Trì

Đây là nghi thức cầu an cầu siêu thuần tiếng Việt, gồm nhiều kinh khác nhau để đáp ứng cho các căn cơ và đối tượng khác nhau. Phần kinh văn chủ yếu được chọn lọc từ hai nguồn Kinh điển chính của Phật giáo là nguồn kinh tạng Nam tông và nguồn kinh tạng Bắc tông. Trong hai khóa lễ này, ngoài thần chú bát-nhã tâm Kinh là thần chú duy nhất còn giữ lại để tụng trì, tất cả các thần chú khác đều được tỉnh lược. Nghi thức này chủ yếu nhấn mạnh đến tinh thần "Niệm Pháp" mà đức Phật đã giảng dạy và nhắc nhở trong pháp niệm Tam Bảo trong kinh tạng Nam tông, và phát huy tinh thần tụng niệm, tư duy và thực hành kinh điển của Kinh Lượng bộ. Hai tinh thần này hoàn toàn phù hợp với pháp môn Tịnh Độ vốn thịnh hành ở nước ta và các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên... Nhờ tụng niệm giáo pháp của Phật, chúng ta có thể hiểu rõ lời Phật dạy, và nhờ đó, có cơ hội vun bồi, nuôi lớn và sống với tiềm năng từ bi và trí tuệ trong mỗi chúng ta. Nghi thức cầu an và cầu siêu này nhắm đến việc tạo ra sự an lạc và chánh nhân giải thoát cho người thọ trì ngay hiện tại và tương lai.

I. Thời Khóa Ứng Dụng

1. Khóa lễ kinh cầu an chủ yếu được tụng vào các dịp cầu an bệnh nhân, cầu tai qua nạn khỏi, cầu gia đạo bình an, cầu quốc thới dân an, cầu mưa hòa gió thuận, hay tụng vào những dịp khánh hỷ, lễ an vị Phật, lễ khai trương, lễ khởi công, lễ khánh thành, lễ tân gia, lễ sinh nhật, lễ đáo tuế, lễ cầu thọ, lễ chúc thọ v.v... Kinh cầu an, ngoài nghi thức dẫn nhập và phần sám nguyện và hồi hướng, gồm có 11 kinh mang nhiều nội dung khác nhau, nhằm đáp ứng cho nhiều tình huống hay căn cơ và đối tượng khác nhau. Tùy theo tính chất của từng khóa lễ mà người thọ trì nên chọn tụng kinh nào cho thích hợp.

Ví dụ, đối với khóa lễ cầu an gia đạo, cầu quốc thới dân an, cầu mưa hòa gió thuận vào các buổi sáng, trưa, chiều hay tối định kỳ thì nên tụng theo thứ tự từ Kinh thứ nhất cho đến Kinh sau cùng, sau đó tiếp tục tụng lại từ đầu. Nghĩa là cứ mỗi khóa lễ, ngoài phần dẫn nhập và phần kết thúc, ta tụng một bài Kinh chính. Trong khóa lễ kế tiếp, ta tụng bài Kinh kế tiếp. Mười một bài kinh khác nhau có thể được luân phiên tụng niệm cho mười một thời kinh.

Đối với khóa lễ cầu nguyện thế giới hòa bình, nước nhà hưng thạnh thì nên tụng một trong bốn Kinh sau đây: Kinh Từ Tâm, Kinh Phước Đức, Kinh Thiện Sanh hay Kinh Người Cư Sĩ Tại Gia.

Đối với khóa lễ cầu an cho bệnh nhân ta có thể lần lượt tụng các Kinh sau đây: Kinh Hạnh Nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm, Kinh Giáo Hóa Người Bệnh, Kinh Các Pháp Quán Niệm, Kinh Dụ Ngôn Bọt Nước, Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm, Kinh Biết Sống trong Hiện Tại hay Kinh Người Cư Sĩ Tại Gia.

Đối với khóa lễ an vị Phật hay lễ khai trương hay lễ khánh thành thì tụng Kinh Từ TâmKinh Phước Đức.

Đối với khóa lễ cầu an cho cơ quan, xí nghiệp, hội đoàn và chợ thì nên tụng một trong các Kinh sau đây: Kinh Thiện Sanh, Kinh Từ Tâm, Kinh Phước Đức hay Kinh Người Cư Sĩ Tại Gia.

2. Khóa lễ kinh cầu siêu chủ yếu tụng vào các dịp lễ tang, cúng thất, cúng giổ, cúng cô hồn, cúng cầu siêu cho hương linh chết oan, chết tự vẫn, chết bất đắc kỳ tử… mà chưa thác sanh được do nghiệp chướng và thiếu sự gia trì của ba Ngôi Báu. Kinh cầu siêu, cũng như kinh cầu an, ngoài nghi thức dẫn nhập và phần sám nguyện và hồi hướng, gồm có sáu Kinh khác nhau nhằm đáp ứng cho các căn cơ đối tượng khác nhau. Tùy theo đối tượng hương linh và tang quyến mà ta nên chọn Kinh nào tụng cho thích hợp với từng khóa lễ.

Ví dụ, đối với hương linh đã từng quy y Tam Bảo, chuyên niệm Phật cầu vãng sanh thế giới Cực Lạc của Phật A-di-đà thì ta nên tụng Kinh Thế Giới Cực Lạc.

Đối với hương linh và tang quyến chưa quy y Tam Bảo, chưa thấu rõ ba quy luật của mọi sự vật hiện tượng là vô thường, khổ não và vô ngã hay quá bi lụy đau thương về sự sinh ly tử biệt mà trở nên bi quan yếm thế thì ta nên tụng các kinh như Kinh Qui Luật Cái Chết, Kinh Nhổ Lên Mũi Tên Sầu Muộn hay Kinh Vô Thường-Khổ Não-Vô Nga

Đối với hương linh và tang quyến chưa tường tận về giáo lý nghiệp báo và tái sanh của đạo Phật thì ta nên tụng Kinh Cúng Thí Người Mất và Kinh Nghiệp Báo Tái Sanh.

Việc tụng kinh phù hợp với căn cơ của hương linh và tang quyến sẽ giúp cho kẻ còn lẫn người mất được nhiều lợi lạc. Tuy nhiên, chúng ta nên linh động trong việc chọn kinh nào thật sự thích hợp để tụng, không nhất thiết phải y theo hoàn toàn hướng dẫn có tính cách đề nghị trên đây. Do đó, chúng ta có thể luân phiên tụng một trong sáu Kinh để giúp cho hương linh và tang quyến biết rõ được toàn bộ lời dạy của Phật về quy luật vô thường, sanh tử và tái sanh. Được như vậy thì lợi lạc sẽ nhiều hơn.

II. Trình Tự Nghi Thức

Trình tự nghi thức của cả hai khóa lễ cầu an và cầu siêu bao gồm ba phần:

Phần thứ nhất là nghi thức dẫn nhập khóa lễ.
Phần thứ hai là phần kinh chivà,
Phần thứ ba là phần sám nguyện và hồi hướng.

Chi tiết và trình tự của các phần này được trình bày rõ ở trang trước của khóa lễ cầu an và cầu siêu. Phần thứ nhất và phần thứ ba là nghi thức bắt buộc mà người tụng niệm phải cố gắng tụng niệm cho đầy đủ. Riêng phần thứ hai là phần kinh chính, ta có thể tụng một hay nhiều kinh tùy theo sở thích và thời gian cho phép hoặc ta có thể tụng theo thứ tự trước sau hoặc chọn lựa kinh tụng sao cho phù hợp với căn cơ đối tượng. Người tụng niệm nên đọc kỹ các hướng dẫn được phụ chú dưới các phần thuộc nghi thức dẫn nhập và kết thúc khóa lễ để việc tụng niệm Pháp Bảo được lợi lạc nhiều hơn.

III. Cách Đánh Mõ và Điểm Chuông

1. Ký hiệu được sử dụng

Ký hiệu O chỉ cho Chuông; ký hiệu C chỉ cho "nhắp chuông" (nhắp dùi chuông vào vành chuông để báo hiệu rằng sẽ có một tiếng chuông được vọng lên) và ký hiệu M chỉ cho Mõ.

2. Cách vào chuông mõ

C O O O M M M MM M M,

O       M,

O       M,

O       M MM M C.

3. Cách phối hợp chuông, mõ, khánh và lời tụng

Sau tiếng nhắp chuông của vị duy-na, vị chủ lễ bắt đầu xướng tụng. Chủ lễ xướng hết chữ thứ hai thì đại chúng mới bắt đầu hòa theo và cùng tụng. Chữ đầu và chữ thứ ba của đoạn do chủ lễ khởi xướng thì không có nhịp mõ. Nhịp mõ được gõ vào nhịp chữ thứ hai và thứ tư. Nghĩa là tiếng mõ thứ nhất sẽ đi với chữ (tiếng) kinh thứ hai, tiếng mõ thứ hai sẽ đi với chữ (tiếng) kinh thứ tư. Sau đó, cứ mỗi chữ thì có một nhịp mõ cho đến hết một bài kinh. Riêng chữ (tiếng) kinh áp chót thì gõ hai nhịp mõ liền nhau và chữ (tiếng) kinh cuối thì một tiếng mõ dứt. Cứ như vậy, chúng ta tụng hết thời kinh.

Đối với bài sám nguyện trước bài hồi hướng, ta có thể phối hợp mõ với khánh. Tiếng mõ đầu sẽ đi với chữ kinh thứ hai, tiếng khánh đầu sẽ đi với chữ kinh thứ ba. Sau đó, một chữ tiếng mõ, một chữ tiếng khánh, cứ như vậy phối hợp mõ và khánh tụng cho hết bài sám. Phần kết thúc bài sám như sau: chữ áp chót của bài sám sẽ đi kèm với hai tiếng mõ liền nhau hơi nhanh và chữ cuối sẽ đi kèm với một tiếng mõ; trong khi từ chữ áp chót của bài sám, khánh được đánh theo hồi, từ bảy đến mười nhịp, khoảng cách của các nhịp khít dần đều và âm thanh của các nhịp nhỏ dần đều.

4. Cách đánh mõ và điểm chuông

Ngoài mục đích tạo trường canh và nhạc điệu cho các khóa lễ, mõ và Chuông còn có tác dụng thức tỉnh người đọc. Để các tác dụng này được phát huy triệt để, mõ phải được đánh đều đặn, nhịp nhàng, chậm rãi; không được đánh quá mạnh hay quá nhẹ để tránh trường hợp tiếng lớn, tiếng nhỏ làm mất trang nghiêm khóa lễ và khó đọc tụng cho đều. Chuông được điểm ngân nga sau các đoạn hay câu có ký hiệu O, cốt để đưa người đọc tụng trở về với thực tại, lắng niệm và ghi nhớ sâu lời Phật dạy.

IV. Cách Thức Tụng Niệm

Phần nghi thức dẫn nhập và nghi thức sám nguyện và hồi hướng được tụng niệm bình thường như các khóa lễ truyền thống xưa nay. Phần chánh Kinh phải được đọc một cách chậm rãi, rõ ràng theo nhịp trường canh của mõ. Để người đọc tụng và người nghe dễ hiểu và được lợi lạc, người đọc nên ngừng hai hoặc ba nhịp không tụng, sau mỗi dấu chấm câu hoặc sang hàng hay hết một đoạn, trong khi mõ vẫn được gõ đều. Tụng như vạ⹠thì nghĩa lý kinh sẽ được rõ ràng, người đọc đỡ mệt sức do quá cố gắng, nhất là, tránh được sự ngắt nhịp tùy tiện.

Trong khi tụng niệm, đừng quá chú trọng tới kỷ thuật tán tụng, mặc dù kỷ thuật này có thể giúp cho người tụng lẫn người nghe dễ lắng tâm và phát khởi niềm tin. Nội dung và ý tưởng của kinh là phần ‘cốt lõi nhất’ mà ta cần phải chú tâm thật sâu thì mới có thể lãnh hội hoàn toàn. Do đó, chỉ chú trọng đến ‘kỷ thuật tụng hay’ mà không nắm bắt được ý kinh thì việc tụng kinh có thể trở nên vô ích và mất thời giờ. Người tụng phải chú tâm hoàn toàn vào nghĩa lý của kinh, tư duy và liên tưởng về nghĩa lý đó, để hiểu rõ lời dạy của Đức Phật (tụng kinh giả minh Phật chi lyrồi ứng dụng sự hiểu biết đó vào cuộc sống hằng ngày. Chính sự ứng dụng lời kinh vào cuộc sống mới thật sự đem lại phước báu, an lạc và giải thoát cho chúng ta. Do đó, ta không nên chỉ tụng niệm bằng miệng mà còn phải tụng niệm bằng tâm. Tụng niệm bằng tâm thì ta mới tránh được thái độ tụng niệm như để trả bài cho Phật hay như một cái máy lặp, chỉ phát ra âm thanh về chánh pháp nhưng không phát khởi được niềm tin chân chánh cũng như sự hiểu biết và thái độ quyết chí hành trì chánh pháp ấy. Tụng niệm bằng tâm thì ngay khi tụng niệm, chúng ta đang an trú trong từng giây phút của trạng thái định và đây là nền tảng để trí tuệ vô lậu, giải thoát phát sanh. Như vậy, trong một hành vi tụng niệm bằng tâm, ba trạng thái giới định huệ đã có thể hội đủ nhờ vào thái độ chuyên chú để tìm ra lý đạo.

Tụng niệm như vậy, người tụng và người nghe, kẻ thác và người còn đều được lợi lạc.

Kính mong các bậc thức giả hãy siêng năng tụng niệm và thực hành lời Phật dạy để chân lý của Đức Phật trở thành máu huyết cho sự sống của chúng ta!

Chùa Giác Ngộ
Mùa An Cư 1998
Tỳ-kheo Thích Nhật Từ
Kính ghi

| 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 |

 


Cập nhật: 3-5-2000

Trở về thư mục "Nghi thức và Nghi lễ Phật giáo"

Đầu trang