Trong
tiếng Phạn (Sanskrit), từ "Thiền" có ngữ nguyên là dhyâna.
Người Trung Hoa đã dịch theo âm thành "Thiền na". Ý nghĩa "trầm tư
mặc tưởng" của nó từ xưa trong sách vở Phật giáo lại được biểu âm
bằng hai chữ yoga (du già). Nguyên lai, đạo Bà La Môn vốn
dùng chữ này để chỉ trạng thái "thống nhất tinh thần", rồi sau này
Phật giáo cũng tiếp thu ý đó và biểu âm bằng samâdhi (tam
muội) để bày tỏ cái "tâm không dao động". Những chữ nói trên thường
được dùng không phân biệt, hầu như đều xem là đồng nghĩa. Nếu dịch
ý, ta có thể dùng những từ Hán Việt như "định" hoặc "thiền định".
Nếu
vậy, "thiền" hoặc "thiền định" đều có nguồn gốc phát xuất từ Ấn Độ,
như một chữ dùng để chỉ thể nghiệm trầm tư mặc tưởng [1]
và thể nghiệm ấy đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng ngay từ khi
Phật giáo vừa mới hình thành. Ví dụ rõ ràng nhất là việc đức Phật Cồ
Đàm đã nhờ phương pháp thiền định mà khai ngộ. Sau ngày Phật nhập
diệt, các tôn phái Phật giáo Tiểu thừa[2]
xem nó là một trong ba môn học (tam học: giới sila, định
samâdhi, huệ prajnâ)[3]
. Còn bên Đại thừa, họ lại coi nó như một trong sáu lý tưởng tôn
giáo (lục ba-la-mật hay pâramitâ: bố thí dana, trì
giới sila, nhẫn nhục ksânti, tinh tiến virya,
thiền định dhyana, trí huệ prajnâ), mà người tu
hành phải đặt ra như mục tiêu.
Thế
nhưng "Thiền" mà chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu trong những trang
tới không hẳn là chữ Thiền chỉ dùng ở Ấn Độ. Dĩ nhiên không phải nó
không dính dáng gì với nước Ấn nhưng tuy phát xuất từ bên đó, khi
phát triển đến Trung Quốc thì nó đã chịu ảnh hưởng của dân tộc tính
rất đặc thù của nước nầy. Người Trung Quốc đã mạnh dạn du nhập Thiền
từ Ấn Độ rồi tổ chức lại, sau đó bành trướng hệ thống tư tưởng ấy
qua các nước lân cận trong toàn cõi Đông Á. Rốt cuộc, ta nên xem
Thiền như một cuộc vận động, một trào lưu tư tưởng mới phải.
Trong
ý nghĩa đó, Thiền là Thiền tông, và đây đúng là chữ dùng để gọi các
hoạt động cụ thể của các học trò đàn con đàn cháu của Bồ Đề Đạt Ma
từ thời Nam Bắc Triều, khi ông đến Trung Quốc. Tự buổi đầu, họ đã
dùng từ Thiền để đối lập với Phật giáo truyền thống, xem sự ngộ đạo
cũng như qui phạm sinh hoạt hàm chứa trong từ đó như biểu tượng cho
toàn thể hệ thống tu học của mình.
Khi ý
nghĩa của từ Thiền đã thay đổi từ Ấn Độ sang Trung Quốc như thế thì
trong bối cảnh đó, sẽ có sự biến hóa, phát triển về mặt tư tưởng. Đó
là điều chúng ta có thể lường trước được. Trên thực tế, trong Thiền
Tông đã bắt đầu xuất hiện những yếu tố mà trước đây ta không thấy ở
Ấn Độ, thí dụ những phương pháp tu hành đặc thù, thiền vấn đáp, tư
tưởng đốn ngộ...chẳng hạn. Chính những yếu tố đó mới chính là nguồn
gốc sức hấp dẫn của Thiền, và chúng vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Ở
Trung Hoa, đến đời Đường, Thiền đã có một khuôn mặt rõ ràng. Người
ta thường xem việc hoàn thành hệ thống tư tưởng Thiền Tông như sự
khai sinh ra một hình thức tôn giáo đặc thù nhất của Trung Quốc.
Đồng thời, Thiền cũng bắt đầu biết thích ứng với Phật giáo, tuy
không có nghĩa là lịch sử Thiền Trung Quốc bị sáp nhập vào lịch sử
Phật giáo và ngừng lại ở đó. Về sau, Thiền còn kinh qua nhiều thay
đổi tùy theo những biến chuyển xã hội, ngay cả có ảnh hưởng đến xã
hội nữa. Đến khi Thiền truyền bá đến Việt Nam, Tây Tạng, Triều Tiên,
Nhật Bản...thì ở mỗi nước, Thiền lại có những bản sắc khác nhau.
Mặt
khác, Thiền không phải là vật sở hữu của các thiền tăng. Thiền có
khả năng giao tiếp với xã hội rất năng động cho nên phạm vi của nó
vượt hẳn ra ngoài giáo đoàn. Cứ xem ở nơi các triết lý như Chu Tử
Học, Dương Minh Học ở Trung Quốc, các hình thức văn học như Hán Thi,
Renga, Haiku, mỹ thuật như viên nghệ, tranh thủy mặc, các hiện tượng
văn hóa như trà đạo, hoa đạo, kiếm đạo, cung đạo, võ sĩ đạo, tuồng
Nô ở Nhật,...đâu mà chẳng thấy cánh tay của Thiền vươn tới. Đến thời
cận đại, nhờ những hoạt động bền bĩ và có tầm vóc của triết gia
Suzuki Daisetsu, Thiền đã được giới thiệu rộng rãi khắp thế giới và
đi vào những lãnh vực như triết học, thần học, tôn giáo học, tâm lý
học, tâm lý y học, tâm phân học [4]
, sinh lý học...Cho dù cường độ có khác nhau, không ít thời nhiều,
Thiền đã có mặt trong nhiều khoa học.
Trong
quá trình tìm hiểu ảnh hưởng của Thiền đối với văn hóa Nhật Bản,
chúng tôi bắt buộc mò mẫm lội ngược dòng lịch sử để truy nguyên
nguồn mạch của nó ở Trung Quốc. May mắn nắm được trong tay cuốn Zen
no Rekishi (禅の歴史Lịch
sử Thiền, 2001) của giáo sư người Nhật Ibuki Atsushi (伊吹敦).
Ông sinh năm 1959, tốt nghiệp khoa văn (1982) và hoàn tất ban tiến
sĩ (1993) ở Đại học Waseda rồi trở thành giáo sư phụ tá ngành văn
chương ở Đại học Tôyô. Tuy tuổi còn tương đối trẻ nhưng giáo sư đã
viết rất nhiều tác phẩm. Ngoài Zen no Rekishi, ông còn có những công
trình nghiên cứu về kinh văn như Tâm Vương Kinh, Niết Bàn Luận, về
các danh tăng như Huệ Khả, Saichô (Tối Trừng). Đặc điểm của Ibuki
Atsushi là đã viết lại lịch sử Thiền Tông không theo lối thu thập,
chắp nối truyện ký và ngữ lục các danh tăng nhưng theo quan điểm học
thuật Tây phương, xem Thiền Tông như một "sinh vật" xã hội có sống,
có chết, do đó chịu mọi sự chi phối của các yếu tố như chính trị,
kinh tế, văn hóa và không ngừng biến dạng trong dòng liên tục của
lịch sử. Cái nhìn của giáo sư Ibuki là cái nhìn nhất nguyên, vượt
lên trên mọi dị biệt tông phái (Nam Tông, Bắc Tông) và tôn giáo (Phật
giáo, Đạo giáo, Nho giáo), khi ông chứng minh rằng giữa các tông
phái và tôn giáo ấy lúc nào cũng có sự giao lưu và ảnh hưởng hỗ
tương. Cái nhìn của ông cũng là cái nhìn phê phán tính cách công lợi
của các tông phái khi ngụy soạn những kinh sách hay hư cấu nên những
hệ phổ. Ngoài ra, khác với nhiều tác giả khác, ông đặc biệt lưu ý
đến những nhà tư tưởng thứ yếu nhưng đã là động cơ thực sự thúc đẩy
bước tiến của Thiền Tông. Do đó, đừng chỉ chờ đợi những tên tuổi lớn
như Đạt Ma, Huệ Khả, Thần Tú, Huệ Năng, Hoằng Nhẫn, Mã Tổ, Thạch Đầu,
Lâm Tế, Vân Môn, Pháp Nhãn...Chính Hà Trạch Thần Hội, Hầu Mạc Trần
Diễm, Khuê Phong Tông Mật, Đạt Quan Đàm Dĩnh, Vĩnh Minh Diên Thọ,
Phật Nhật Khế Tung, Giác Phạm Huệ Hồng, Trung Phong Minh Bản, Đầu Tử
Nghĩa Thanh, Phí Ẩn Thông Dung...những người đến nay ít có tiếng
tăm, mới được giáo sư Ibuki đặt vào vị trí trung tâm.
Bài
viết này hầu như hoàn toàn dựa vào phần đầu trong 3 phần chính của
tác phẩm nhắc đến bên trên. Tuy nhiên, người biên dịch đã mạn phép
thêm bớt và chua phụ chú ở một đôi chỗ. Vậy xin gửi đến quí độc giả
bản dịch thô vụng này như một chia sẻ học vấn cùng với lời cảm tạ
chân thành đến giáo sư Ibuki Atsushi cũng như các tác giả khác có
tên trong thư mục tham khảo.
[1]- Dịch thoát ý chữ Nhật Meisô (Minh tưởng, meditation).
Minh=nhắm mắt, tưởng: suy nghĩ. Minh tưởng là trạng thái nhắm mắt,
quên đi những cảnh tượng diễn ra chung quanh mình để lặng lẽ suy
nghĩ với trí tưởng tượng.
[2] - Nguyên văn Buha-bukkyô "bộ phái Phật giáo" gồm phái
bảo thủ truyền giáo ở phía Nam và thượng tọa bộ. Đứng trên quan điểm
đại chúng tiến bộ (Đại Thừa) thì họ bị phê phán là Tiểu Thừa.
[3] - Phiên âm thì prajnâ là bát nhã, tác dụng tinh
thần để hiểu rõ chân lý. Trí tuệ đọc theo âm Phật giáo (Ngô âm) là
huệ.
[4] - Psycho-analysis, thường được dịch là Phân tâm học
nhưng e không đúng ngữ pháp.