- Tôn giả A Để Sa
(982-1054)
- Thích Hằng Đạt
Mục Lục
- Lời giới thiệu
- Tôn giả A Để Sa
(982-1054)
Tôn giả A Để Sa sanh
năm 982 tại nước Tát Hạ (Sahor, hiện tại là Mandi của Himachal
Pradesh-Bengal, Ấn Độ), là hoàng tử thứ ba của vua Thiện Thắng
(Kalyana-sri), huyễn danh Nguyệt Tạng. Tôn Giả đọc tụng được bài kệ
Tán Phật lúc vừa mười tám tháng. Năm mười lăm tuổi, Tôn Giả y theo sở
học về đạo lý của quyển Chánh Lý Tích Luận, hàng phục được ngoại
đạo. Thời niên thiếu, Tôn Giả chẳng tham vương vị nên thường đi khắp
nơi qua các vương quốc để tìm thầy học đạo, Ngài đã theo học với mười
hai danh sư đắc thành tựu. Điển hình, Tôn Giả y theo đại thành tựu A
Phược Đô Đế suốt bảy năm để tu giới định huệ và đạt được
tam ma địa. Tôn Giả cũng y theo ngài La Hầu La Cấp Đa ở chùa Hắc Sơn,
thọ pháp quán đảnh cùng học tất cả giáo pháp tu trì. Năm hai mươi mốt
tuổi, Tôn Giả thông đạt hết mọi ngũ minh. Năm hai mươi chín tuổi, thể
theo sự khuyến tấn của các bậc tôn sư và lời dạy bảo trong mộng của
đức Phật Thích Ca, Tôn Giả y chỉ luật sư thượng tọa Giới Hộ tại
chùa Kim Cang thuộc Đại Chúng Bộ đã xuất gia thọ giới, pháp danh là Kiết
Tường Nhiên Đăng Trí (sau này, vua Tây Tạng tôn xưng Tôn Giả là A Để
Sa, có nghĩa là Bậc Thù Thắng). Sau khi xuất gia xong, Tôn Giả thâm nhập hết
ba tạng giáo điển của các phái Đại Chúng Bộ, Thượng Tọa Bộ, Chánh
Lượng Bộ, Nhất Thiết Hữu Bộ, Kim Cang Thừa, nên trở thành bậc luật
sư hòa thượng bác học khiến mười tám bộ phái chính ở Ấn Độ đều
một lòng cung kính. Về sau, Tôn Giả lại đến Ấn Độ Ni Tây Á
(Indonesia), tham vấn đại sư Kim Châu, tu học giáo truyền của hai tông
phái: Phái "Không-Hữu" và phái Pháp Phát Tâm Bồ Đề. Lúc trở về
nước, Tôn Giả trụ trì và hoằng truyền pháp Đại Tất Địa cùng các học
thuyết Đại Thừa tại chùa Tỳ Trát Ma Thi La và tám trăm ngôi tự viện
khác.
Phật pháp tại Tây Tạng
được hoằng dương rộng rãi vào các đời vua Tùng Thán Cam Phổ
(Srong-Tsen-Gampo, 569-650), Xích Tùng Đức Thán (Thi-Sron-Detsan, 755-797), Xích Đức
Thán Phổ (Thi-de-tsen-po, 798-814), Nhạ Bạt Cẩn (Khri-ral-pa-can, 814-836). Phật
giáo bị hủy diệt vào đời vua Lãng Đạt Mã nhưng hết đời vua này
(841) thì Phật giáo được phục hưng trở lại. Thuở ấy, các tín đồ Phật
giáo chạy theo tà ngụy không giữ chánh tín và đã lạm truyền giáo pháp
luôn mấy trăm năm, khiến người học đạo không biết đâu là chánh đâu
là tà. Về sau, có vua Nga Nhật (thuộc miền tây của Tây Tạng) đi xuất
gia lấy pháp hiệu là Trí Quang. Bấy giờ, hầu mong làm sáng tỏ yếu chỉ
Phật pháp và truyền thừa chánh pháp, nên đại đức Trí Quang đã gởi du
tăng Tây Tạng sang Ấn Độ và các nước Phật giáo lân cận để tầm sư
học đạo với các bậc tôn đức thuộc những tông phái Hiển-Mật, cùng
cung thỉnh các vị cao tăng vào Tây Tạng hoằng pháp. Cuối cùng, do sự
cung thỉnh tôn giả A Để Sa từ Ấn Độ vào Tây Tạng truyền bá Phật
pháp mà đại đức Trí Quang cũng như những người sang Ấn Độ cầu pháp
đã chịu hy sinh tánh mạng, đồng hời vua Lạp Tôn Bạt Bồ Đề Quang phải
mất rất nhiều vàng bạc. Đền bù lại, Phật giáo được hoằng dương và
phát triển rộng khắp toàn cõi Tây Tạng. Công cuộc chấn hưng này chính
là nhờ tôn giả A Để Sa đến Tây Tạng hoằng hóa (năm 1038) giáo pháp căn
bản và tổng hợp về Tiểu Thừa, Đại Thừa, và Mật Thừa. Bấy giờ,
tôn giả A Để Sa phá tà hiển chánh, dựng đứng tràng đại pháp, định
lập tông phong quy củ, dạy rõ phương thức tu hành theo thứ lớp để thành
tựu đạo quả, phiên dịch và trước tác rất nhiều bộ luận điển quan
trọng làm nền tảng căn bản cho hậu lai. Đó là thời đại phục hưng của
Phật giáo Tây Tạng, và được gọi là Hậu Truyền Phật Giáo. Từ đó, tất
cả tông phái lớn nhỏ ở Tây Tạng đều chịu sự ảnh hưởng trực tiếp
hay gián tiếp về tư tưởng Phật học của tôn giả A Để Sa. Giáo phái
do tôn giả A Để Sa truyền lại là phái Ca Đương. Thanh Sử viết: "Về
sau, tại Tây Tạng, chư đại thiện tri thức và đại thành tựu đều thân
cận với các vị đại thiện tri thức của phái Ca Đương. Kết quả sự
việc chuyển pháp luân của tôn giả A Để Sa (Kiết Tường Nhiên Đăng Trí)
mang chánh pháp từ Ấn Độ sang đã dựng lên sự nghiệp quảng đại vĩnh
hằng cho đại đệ tử Chủng Đôn Ba sau này."
Đến thế kỷ XIV, đại
sư Tông Khách Ba lại xiển dương giáo pháp của phái Ca Đương rộng rãi,
sáng lập phái Tân Ca Đương hay Hoàng giáo, định lập hệ Đạt Lai Lạt
Ma và Ban Thiền Lạt Ma, vốn được truyền thừa mãi cho đến ngày nay.
Tôn giả A Để Sa thật
là một đại ân nhân của Phật giáo Tây Tạng. Sau bao năm hoằng pháp lợi
sanh, cuối cùng tôn giả A Để Sa xả báo thân, viên tịch nơi chùa Nhiếp
Đường ở phía tây nam Lạp Tát tại Tây Tạng, thọ 73 tuổi, được bốn
mươi bốn hạ lạp.
Tôn Giả là một vị
đại thành tựu trong việc hoằng dương Phật pháp tại Ấn Độ và Tây Tạng.
Tôn Giả cũng là vị Đại Ban Trí Đạt (nhà đại học vấn, đại triết
gia, tinh thông ngũ minh) của Phật giáo Ấn Độ và Tây Tạng. Tôn Giả thật
là bậc chứng đắc giáo nghĩa và đức hạnh viên mãn, mà người hạ căn
khó suy lường được.
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/nguoi/029-thd-a-de-sa0.htm
| Lời giới
thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | phụ lục
| A | B | C |
Chú thích & Tham khảo |