Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Tôn giả A Để Sa (982-1054)
Thích Hằng Đạt

Chương IV. Sơ lược về phái Ca Đương (Bkah-gdams)


Trước và sau thời vua Lãng Đạt Ma hủy diệt Phật pháp, Tây Tạng chưa có phân chia tông phái. Từ lúc tôn giả A Để Sa đến, tại Tây Tạng mới bắt đầu có nhiều tông phái xuất hiện. Đó là thời kỳ sau đời ngài Tịch Hộ và Liên Hoa Sanh vào khoảng ba trăm năm. Trừ phái Ninh Mã ra, sáu tông phái lớn đều có mối liên hệ chặt chẽ với tôn giả A Để Sa.

Đương thời, ở Tây Tạng, do sự hỗn tạp của tư tưởng Phật học, nên Tôn Giả y cứ vào học thuyết đang được thông hành ở Ấn Độ, mà giúp cho tư tưởng Phật học của Tây Tạng được thống nhất. Thế nên, đối với sự cách mạng giáo chế của Phật giáo Tây Tạng, bất quá chỉ là dùng tư tưởng mới của Phật giáo Ấn Độ để hoán cải tư tưởng thần học hỗn tạp ở Tây Tạng vào thời đó.

Sau khi Tôn Giả thị tịch, đồ chúng theo đại đệ tử của Tôn Giả là Chủng Đôn Ba (Hbrom-ston-pa) sang Đóa Lũng (Stod-luns). Tại chùa Nhạ Trân (Rwa sgren), được thí chủ Huân Ba (Hdam-pa) ngưỡng thỉnh, đại sư Chủng Đôn Ba cùng chư huynh đệ an định hoằng pháp và sáng lập phái Ca Đương. Đại sư Chủng Đôn Ba nói:

- Bkah: Ca, tức là lời vàng ngọc hy hữu của đức Phật trong ba tạng giáo điển. Gdams: Đương, tức là lời truyền dạy của Tôn giả A Để Sa về pháp Tam Sĩ Độ trang nghiêm (pháp môn tu hành dành cho ba hạng người: Thượng căn, trung căn, hạ căn). Ca Đương như châu báu vàng ngọc, khiến người người đều được lợi ích.

Đại sư Chủng Đôn Ba lại bảo:

- Nhiếp thọ được hết tất cả thánh giáo, dùng đó để tu trì, chỉ có thầy của Ta (1).

Ngài Cống Ba Bảo (Sgom-parin-chen ba-ma) nói:

- Hiểu biết rõ ràng giới luật hỗ trợ cho minh chú, cũng như minh chú hỗ trợ cho giớI luật, trừ thầy của Ta (2) ra, chẳng có ai biết đến.

Tôn giả A Để Sa hoàn toàn ban truyền tất cả giáo pháp Hiển-Mật cho Chủng Đôn Ba, Du Già Sư, A Lan Nhã Giả. Hơn sáu mươi đồ chúng của Tôn Giả theo đại sư Chủng Đôn Ba chân thật tu hành, nên phái Ca Đương được người sau xưng tán là tông phái chuyên chú trọng phẩm chất chứ không chú trọng về số lượng. Đại sư Chủng Đôn Ba hoằng pháp tại chùa Nhạ Trân suốt chín năm, thường giảng tám ngàn bài tụng Bát Nhã, tám ngàn bài tụng Đại Sớ và Lược Sớ của Bát Nhã, Nhị Vạn Quang Minh Luận. Tuy đã đắc thành tựu Hiển-Mật, nhưng đối với Mật pháp, Đại Sư không tuyên thuyết nhiều cho mấy, mà lại chú thích về quyển mật chú Trí Thành Tựu Luận. Lúc trú tại chùa Tang Da, tôn giả A Để Sa ban truyền cho đại sư Chủng Đôn Ba rất nhiều loại mật chú phương tiện, và Đóa Cáp (3). Do thấy hầu hết mọi người chỉ bám vào ngôn ngữ và nghĩa thô của Mật pháp nên Đại Sư không truyền cho nhiều người, vì sợ tín chúng hiểu lầm và hành những tà hạnh ngược với tông chỉ của Mật Pháp, như các tà sư "Thượng Sư Đỏ, Thượng Sư Xanh".

Đại Sư có một đại đệ tử là Phác Khung Ngõa Đồng Tràng (4). Sau khi Tôn Giả thị tịch, Phác Khung Ngõa Đồng Tràng liền y theo đại sư Chủng Đôn Ba mà thọ pháp môn Tứ Đế, cùng tất cả giáo pháp bí truyền. Sau khi Đại Sư thị tịch, Phác Khung Ngõa Đồng Tràng vào núi chuyên tu, tác pháp tu phước cúng dường Tam Bảo, cùng khai thị pháp Tứ Đế cho đồ chúng, rồi tịch năm 1126, thọ chín mươi lăm tuổi. Đệ tử nối pháp là Ca Mã Trát (Karma-grags).

Sau khi đại sư Chủng Đôn Ba thị tịch (5), Du Già Sư kế vị chức trụ trì chùa Nhạ Trân. Du Già Sư xưa kia thân cận Tôn Giả tại vùng Ninh Thố (Nan-tsho). Lúc làm những công việc hằng ngày, do không rời sự tu thiền định, nên được xưng tán là Đại Du Già Sư (6). Vị này cũng thông đạt về nghĩa lý Nhị Đế do Tôn Giả giảng giải. Sau này, Du Già Sư tịch vào năm 1078, và truyền pháp cho đệ tử là Đóa Lũng Bảo Tạng.

Kế thừa chức trụ trì chùa Nhạ Trân là A Lan Nhã Giả. A Lan Nhã Giả vốn có biệt danh là Tự Tại Tràng, sanh năm 1016; thuở còn ở Ninh Thố vị này chuyên tu thiền định và thường đến thân cận thỉnh tôn giả A Để Sa ban truyền giáo pháp; mỗi lần gặp chướng ngại trên đường tu, vị này đều được Tôn Giả gia trì giải nạn. Sau này, A Lan Nhã Giả do tu định mà chứng đắc thần thông, và đã từng nhập định nhiếp thu hơi thở (ngừng thở) cả ba ngày ba đêm. Lần nọ, một đệ tử vào phòng, thấy A Lan Nhã Giả nhập định ngưng hơi thở nên tưởng lầm Ngài đã thị tịch. Song, ngay lúc ấy A Lan Nhã Giả xuất định và bảo:

- Vì thân thể không được khỏe, nên Ta nhiếp trì hơi thở.

Về sau, A Lan Nhã Giả tịch vào năm 1082, thọ sáu mươi bảy tuổi. A Lan Nhã Giả có đồ chúng rất đông, như Tương Ca Mã Ba (Shan Ka-ma-pa) Ninh Nõa Ma Ngõa (Gna-Sna-mo-ba), v.v...

Bác Đóa Ngõa Bảo Minh (Po-to ba Rin-chen gsal) sanh năm 1031, xuất gia với ngài Luân Giới Bồ Đề ở chùa Cổ Tự, trọng nhân quả, trí huệ quảng đại, thông giải kinh luận. Vị này vốn có ý vào núi chuyên tu để mai danh ẩn tích. Song, vào năm 28 tuổi, đến tham bái Chủng Đôn Ba, lại sanh tín tâm cung kính, rồi ở lại chùa Nhạ Trân tu học. Sau khi đại sư Chủng Đôn Ba thị tịch, ngài Bác Đóa Ngõa Bảo Minh chuyên tu cho đến lúc năm mươi tuổi, rồi sau này đi đó đây hoằng pháp lợi sanh; vị này có cả ngàn đồ chúng thường đi theo cầu học và thường chủ yếu giảng quyển Bồ Đề Đạo Đăng Luận (7), Trang Nghiêm Kinh Luận, Bồ Đề Địa, Tập Bồ Tát Học Luận, Nhập Hạnh Luận, Bổn Sanh Luận, Tập Pháp Cú Kinh (8). Lúc giảng giải kinh luận, vị này luôn luôn lấy giáo nghĩa ra ứng dụng mà tu hành (tri hành hiệp nhất), nên danh tiếng của phái Ca Đương vang khắp mọi nơi. Bác Đóa Ngõa Bảo Minh lúc về già xây chùa Bác Ngõa (Po-to), chuyên cư trú nơi đó mà hoằng dương chánh pháp, rồi tịch vào năm 1105, thọ bảy mươi lăm tuổi, có rất nhiều đệ tử, sự nghiệp hoằng pháp rất lớn; giữa chư đồ đệ có Lãng Nhật Đường Ba (Glan-ri-thanpa), Hà Nhạ Ngõa (Sa-ra-ba), Đóa Ba (Dol-pa) là những vị rất tài ba.

Đóa Ba thân cận Bác Đóa Ngõa cả hai mươi lăm năm; lúc ra hoằng pháp, nhiếp thọ rất nhiều người; đồ chúng vây quanh cả ngàn người. Đóa Ba tịch vào năm 1131, thọ bảy mươi ba tuổi.

Lãng Nhật Đường Ba vốn tên là Kim Cang Sư Tử, sanh năm 1054, thường giảng năm bộ luận của Bồ Tát Di Lặc, đồ chúng vây quanh hơn hai ngàn người, và thường phát nguyện đời đời làm tỳ kheo, rồi tịch năm 1123, thọ bảy mươi tuổi.

Hà Nhạ Ngõa sanh năm 1070, theo Bác Đóa Ngõa xuất gia học pháp, trí huệ quảng đại, học thuộc hết toàn bộ đại tạng kinh. Lúc ngài Bác Đóa Ngõa tịch, tất cả đồ chúng đều theo Hà Nhạ Ngõa mà tu học. Hà Nhạ Ngõa nhiếp thọ cả hơn ba ngàn sáu trăm đồ chúng, thường giảng sáu đại luận của phái Ca Đương, giúp Bạt Tào Nhật Xưng (Pa-tshab Ni-ma-grags) hoằng dương giáo pháp Trung Quán, rồi tịch vào năm 1141, thọ bảy mươi hai tuổi.

Đệ tử của Hà Nhạ Ngõa là Gia Khách Ba Trí Kim Cang (Hchad-kha-pa Ye-ses rdo-rje) viết quyển Phát Bồ Đề Tâm Thất Nghĩa Luận.

Cẩn Nga Ngõa Giới Nhiên (9) xuất gia, tín tâm thuần hậu; năm hai mươi tuổi sang chùa Nhạ Trân thân cận Chủng Đôn Ba học pháp. Lần nọ, Chủng Đôn Ba bảo:

- Tám mươi bốn ngàn pháp môn, không dễ dàng học hết. Ông hãy cố gắng tu Tánh Không cho giỏi. Đợi mỗi lần Ta dùng ngọ xong, hãy đến một mình.

Do đó, vào mỗi trưa Cẩn Nga Ngõa Giới Nhiên đến gặp Chủng Đôn Ba mà học pháp. Về sau, Cẩn Nga Ngõa Giới Nhiên thọ rất nhiều Mật pháp của tôn giả A Để Sa do Du Già Sư, A Lan Nhã Giả, Huệ Kim Cang truyền lại, nên đắc được thần thông, đọc tụng hết tất cả kinh chú, dịch các kinh luận. Sau đó, vị này tịch vào năm 1103, có rất nhiều đồ chúng.

Điểm đặc biệt của phái Ca Đương là chẳng bỏ tất cả kinh luận nào, vì cho đó là thuận duyên của sự thành Phật. Về sau, từ phái Ca Đương xuất hiện ra ba phái được gọi là phái Giáo Điển, phái Giáo Thọ, phái Giáo Giới.

1/ Phái Giáo Điển, do Bác Đóa Ngõa lập ra. Đây là phái chuyên bàn về tư tưởng của tôn giả A Để Sa; thuyết rằng tất cả kinh luận là phương tiện thành Phật, nên phải y cứ theo tất cả kinh luận. Bàn về các trước tác của tôn giả A Để Sa, có thể phân làm ba loại:

a/ Trọng tại thuyết minh chánh kiến, như quyển Nhập Nhị Đế Luận, Trung Quán Giáo Thọ Luận;

b/ Trọng tại thuyết minh hạnh Bồ Tát như quyển Nhiếp Hạnh Cự Luận, Nghi Thức Phát Bồ Đề Tâm Thọ Bồ Tát Giới;

c/ Trọng cả kiến giải và hạnh giải như quyển Bồ Đề Đạo Đăng Luận.

Lại nữa, phái Giáo Điển này thường giảng sáu bộ luận lớn như Tập Bồ Tát Học Luận, Nhập Bồ Tát Hạnh Luận (10), Bồ Tát Địa, Trang Nghiêm Kinh Luận, Bổn Sanh Luận, Tập Pháp Cú Kinh (11). Ngoài ra còn có cả trăm loại Tiểu Phẩm Pháp của Tôn Giả; đây là giáo điển của phái Ca Đương. Hệ phái này nghiêng hẳn về Hiển giáo.

2/ Phái Giáo Thọ, do Cẩn Nga Ngõa lập ra, liên hệ về chánh kiến. Có giáo pháp Tứ Đế của Cẩn Nga Ngõa truyền, giáo pháp duyên khởi của Phác Khung Ngõa truyền, giáo pháp Nhị Đế của Du Già Sư truyền. Hai loại giáo pháp Tứ Đế và Duyên Khởi trọng tại thuyết minh nhân vô ngã. Giáo pháp Nhị Đế trọng tại thuyết minh pháp vô ngã. Bí pháp của Du Già Sư được truyền cho Trác Lũng Ba và Cẩn Nga Ngõa; Cẩn Nga Ngõa truyền bí pháp cho Đóa Lũng Ba. Về sau, Đóa Lũng Ba giảng thuyết trước thuật rất nhiều. Giáo thọ chủ yếu của Đóa Lũng Ba là thường tu giáo pháp tâm đại Bồ Đề Tự Tha Tương Hoán. Phái Giáo Thọ thường y theo tất cả kinh điển Đại Thừa, đặc biệt là kinh Hoa Nghiêm, Bảo Man Luận (12), Tập Học Luận và Nhập Hạnh Luận (13). Phái này đều y cứ theo quyển Tu Tâm Kiếm Luân Luận và Khổng Tước Hóa Độc Luận (14), Kim Cang Ca (15), Bồ Tát Thứ Đệ và Trừ Phân Biệt Luận của đại sư Kim Châu (16). Về sau, quyển Bát Cú Luận (Tshigs-brgyad-ma) của Lãng Nhật Đường Ba, Tu Tâm Luận (Blo-sbyun) của Hà Bà Cương Ba, Bát Tọa Luận (Thun-rgyal-ma) của Khương Lũng Ba, Tu Tâm Thất Nghĩa Luận (Blo-sbyun don bdun-ma) của Già Khách Ba, Bồ Tát Đạo Thứ Đệ, v.v... được phái Giáo Thọ xiển dương rộng rãi. Phái Giáo Thọ thuyết minh về kiến giải hạnh giải song hành như quyển Tam Sĩ Đạo Tứ Đệ. Giáo điển mà phái này dựa vào là quyển Bồ Đề Đạo Đăng Luận. Các loại giáo thọ kiến giải hạnh giải ở trên, đều là phân chi của phái Giáo Thọ. Quyển Bồ Đề Đạo Thứ Đệ thống nhiếp tất cả giáo thọ, tức gọi là giáo thọ kiến giải hạnh giải song hành. Hệ phái này nghiêng hẳn về Mật giáo.

3/ Phái Giáo Giới, vốn là giáo thọ mà tôn giả A Để Sa truyền cho ba vị Khô Đôn Tôn Chủ Vĩnh Ba, Thiện Huệ, Chủng Đôn Ba ở Da Ba (Yerpa). Về sau, Chủng Đôn Ba truyền cho ba huynh đệ khác. Phác Khung Ngõa được toàn bộ; Cẩn Nga Ngõa được đại bộ phận, Bác Đóa Ngõa được ít phần. Thiện Huệ lại truyền cho Nga Nhật Ba Huệ Tràng. Nga Nhật Ba Huệ Tràng truyền cho Phác Khung Ngõa. Từ đó truyền xuống nhiều đời, đến Chủng Đồng Huệ (hbron Kumaa-mati), rồi được xiển dương rộng rãi. Đến Tăng Thành Đại Sư (17), thì pháp này lưu truyền khắp Tây Tạng. Nội dung của giáo pháp này thường trụ trong năm niệm:

a/ Niệm nhớ sư trưởng mà quy y.
b/ Niệm nhớ tự thân là Bổn Tôn.
c/ Niệm nhớ ngữ ngôn làm chú tụng.
d/ Niệm nhớ chúng sanh là cha mẹ.
e/ Niệm tâm tánh vốn không.

Pháp Tâm Yếu dựa vào sự tu pháp Thập Lục Minh Điểm. Lúc tu giáo pháp đó, thì bên dưới tự trì giới luật, và bên trên hoàn toàn tu pháp Kim Cang Mật Thừa. Kiến địa càng cao thì hành vi phải càng cẩn thận. Bổn Tôn có Phật Thích Ca, Bồ Tát Quán Âm, Duyên Độ Mẫu, Bất Động Minh Vương. Pháp là ba tạng giáo điển. Bốn Bổn Tôn và ba tạng giáo điển, hợp lại thành Thất Bảo của phái Ca Đương.

Thiện Huệ vốn là đệ tử truyền Mật pháp bất cộng của tôn giả A Để Sa, và y chiếu theo lời phó chúc của Tôn Giả mà lập chùa Tang Phác. Cháu của Thiện Huệ là La Đôn Hy Nhiêu (Blo-ldan ses rad) thọ giáo từ Tôn Giả và tạo quyển Thánh Giáo Thứ Đệ Luận. Trong số đệ tử của Thiện Huệ, người thiện xảo về tất cả kinh điển là Trác Lũng Huệ Sanh (Gro-lun-pa ses-rab hbyun-gnas). Vị thiện xảo về Bát Nhã là Chỉ Cần Ba Huệ Nhiên (Hbre-chen-po Ses-rab hbar). Vị thiện xảo về Nhân Minh là Cương Ba Hiệp Ổ (Gans-pa sehu). Vị thiện xảo về Trung Quán là Quỳnh Bảo Xưng (Khyun Rin-chen grars). Kế thừa pháp vị của ngài Thiện Huệ là Tương Sát Banh (Shan-tshe-pon). Những vị đại thiện tri thức, kiến lập đạo tràng, trụ trì chánh pháp, này đều thọ giáo pháp của phái Ca Đương.

Từ lúc tôn giả A Để Sa đến Tây Tạng, Phật pháp được chỉnh lý sửa đổi, khiến cho nghĩa lý thanh tịnh của kiến giải và hạnh giải được phổ biến khắp nơi. Do đó, các giáo phái vào đương thời và về sau đều thọ sự ảnh hưởng của giáo pháp phái Ca Đương. Điển hình, sơ tổ của phái Cát Cử (18) là La Trát Mã Nhĩ Ba (Lho-brag mar-pa) trên đường sang Ấn Độ du học, gặp tôn giả A Để Sa mà nghe giảng về thánh giáo. Đặc biệt là Đạt Bạc Lạp Kết (Dwags-po lha-rj) theo Cổ Vân Đáp (19) tu học giáo pháp Ca Đương, và theo Mật Lặc Nhật Ba (Mi-la ras-pa) học Đại Thủ Ấn. Pháp sở truyền của Đạt Bạc Lạp Kết là dung hội giáo pháp của phái Ca Đương và Đại Thủ Ấn, rồi tạo quyển Đạo Thứ Đệ Giải Thoát Trang Nghiêm Luận. Đệ tử của Đạt Bạc Lạp Kết là Bạch Ma Chủ Ba (Phag-mo gru-pa) theo Cách Thập Đóa Ba (Dge-bses dol-pa) học giáo pháp của phái Ca Đương, và tạo quyển Thánh Giáo Thứ Đệ Luận. Về phương diện tu trì, họ đều y chiếu theo giáo pháp của phái Ca Đương mà hành. Pháp Đại Thừa phát Tâm Bồ Đề (20) đều bắt nguồn từ giáo pháp của phái Ca Đương.

Tổ thứ tư của phái Tát Ca (Sakya) là Khánh Hỷ Tràng theo Kiết Oa Lôi Ba (21) mà tu học giáo pháp của phái Ca Đương. Về sau, trong các trước tác của vị này, đều thuyết minh về pháp tu Đại Thừa cộng đạo, tức y chiếu theo thuyết của phái Ca Đương. Sau này, các học giả phái Tát Ca đều y chiếu theo thuyết đó mà tuyên thuyết Phật pháp.

Sơ tổ Hoàng Giáo là đại sư Tông Khách Ba theo Hư Không Tràng và Pháp Y Hiền mà tu tập Đạo Thứ Đệ của phái Ca Đương, rồi trước tác hai quyển Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Quảng Luận và Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Lược Luận. Ngoài ra, những pháp tự tu cùng pháp giáo hóa người khác, đại sư Tông Khách Ba đều y cứ theo giáo pháp của tôn giả A Để Sa. Do đó, phái Cách Lỗ của Hoàng Giáo được gọi là phái Tân Ca Đương. Lại nữa, tất cả đại luận được giảng thuyết ở Tây Tạng đều do tôn giả A Để Sa truyền lại, như Nhân Minh, Trung Quán, năm bộ luận của Bồ Tát Di Lặc, v.v...


| Lời giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | phụ lục | A | B | C | Chú thích & Tham khảo |

 


Cập nhật: 1-8-2000

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang