1/ Dạy
cho vua Bồ Đề Quang
Trên bước đường tu hành cho đến khi thành tựu đạo giác
ngộ, Bệ Hạ cần thiết có một vị sư trưởng, và phải nương tựa cùng
nghe lời giảng dạy của vị này. Chỉ tu thiền quán theo lời chỉ dạy của
bậc sư trưởng cũng chưa đủ. Mọi hành động cử chỉ đều phải phù hợp
với lời dạy của sư trưởng, và hằng tôn kính giáo chỉ của sư trưởng.
Phải cố gắng hiểu chân chánh về giáo pháp và quy củ của sư trưởng.
Hành như thế thì chắc chắn sẽ đạt đạo. Mọi lẽ hạnh phúc đều phát
sanh từ sự gia trì của sư trưởng. Phải nên nhớ thâm ân của thầy tổ.
Người học đạo chỉ có tri thức về Phật pháp mà không
tích lũy công đức thì chẳng thể đạt đến Phật quả. Do đó, phải
tránh xa những nơi có hại cho việc quán chiếu nội tâm, và sống ở những
chỗ hỗ trợ phát sanh công đức hữu lậu và vô lậu. Tránh những bạn
ác để giảm trừ nghiệp ác, và gần những bạn lành để tăng trưởng công
đức. Đừng làm những việc vô ích khiến tổn hại công đức; chớ nên
tích lũy nghiệp ác chỉ vì muốn được giàu sang. Ngày đêm thường tích
lũy công đức, vì ai ai cũng phải bỏ lại tất cả vật sở hữu khi qua
đời mà chỉ mang được công đức qua đời sau. Chớ nghĩ về công đức
của mình, mà phải nghĩ về công đức của người.
Những nơi náo nhiệt thường hại đến việc tu hành, trừ
phi đã chứng đắc thiền định kiên cố. Do đó, hãy thường tĩnh tu nơi
núi rừng. Pháp thế gian nhiều vọng động, nên phải tránh xa chúng. Người
thường chuyên tâm tu hành sẽ không bị pháp thế gian nhiễu loạn. Danh vọng
như cạm bẫy ma vương. Dẹp trừ chúng như dẹp trừ những tảng đá bên
đường. Lời tán dương và danh vọng đều là hư huyễn giả dối. Hạnh
phúc, sung sướng trong hiện tại chỉ tạm thời; phải bỏ chúng đi, như gạt
nước dãi. Hãy dùng thiền quán để thấy được cõi Ta Bà như một dòng
sông đầy khổ ải.
Tham dục chẳng hề thấy đủ, như uống nước muối chẳng
hề thấy hết khát. Thật vô ích nếu muốn làm thỏa mãn lòng tham dục.
Phải tự điều phục và sống đời giải thoát an lạc. Chẳng
thể thuyết phục được người trừ khi đã tự điều phục; vì vậy, phải
tự điều phục chính mình trước nhất. Chẳng thể trợ giúp người khác
đạt thành tựu khi chưa có thần thông. Do đó, phải nỗ lực cố gắng tu
hành để đạt thành tựu đạo quả.
Thương mến người nghèo hèn; chớ chưởi mắng hay hãm hại
họ. Thương mến kẻ thù như bạn thân, mà chẳng thiên vị. Phải thương
yêu chúng sanh như cha mẹ thương con cái. Phải thường có nụ cười hoan hỷ
trên môi. Phải nói những lời ngọt ngào với tâm hiền hòa. Phải nói năng
cẩn thận gọn gàng, vì càng nói nhiều càng dễ sai lầm. Hãy tôn kính và
phụng dưỡng người khác. Phải dẹp tâm cống cao ngã mạn.
Chẳng nên ganh tỵ với những người có phẩm hạnh cao,
và cung kính cùng noi theo những đức tánh đó. Chớ xem xét lỗi của người,
mà phải quán sát lỗi của mình; tẩy trừ những lỗi lầm đó như nặn bỏ
mụn độc.
Trong cõi Ta Bà, tâm sân hận rất cường liệt, nên phải
tránh tâm niệm đó và tự bảo vệ bằng áo giáp hỷ xả.
Mọi nghiệp thiện ác đều được xác định từ những hành
vi và tâm niệm xa xưa. Chẳng có việc gì sẽ xảy đến chỉ do lời cầu
nguyện. Mọi việc khổ đau sung sướng trong đời này đều do nghiệp quả
bao đời tiền kiếp tạo tác. Vì vậy, chớ đổ lỗi cho người khác về
những sự khổ vui đó.
Tâm vọng động làm phung phí cuộc đời, nên phải thường
hành thiền quán. Chẳng thể lãnh ngộ chân lý khi vẫn còn vô minh, nên phải
hiểu rõ cẩn thận về nghĩa của chân lý. Chớ để tâm làm biếng giải
đãi khiến lui sụt. Phải mồi lửa dũng khí để đạt thành tựu đạo quả.
Chớ để lún sâu vào bùn lầy ở cõi Ta Bà, mà phải tiến bước đến những
nơi cao ráo. Những hành vi vô tích sự chẳng có ý nghĩa gì. Thà chết vinh
hơn sống làm những điều đáng hỗ thẹn. Chớ để thân tâm bị pháp thế
gian nhiễm ô. Phải có tâm chánh trực và bền bỉ. Phải luôn hộ trì giới
pháp.
Phước báu vốn chẳng có thực thể, nên phải thường hành
bố thí; công đức bố thí vốn là tài sản của mình. Nhờ tài sản đó
mà sống hạnh phúc an vui trong hiện đời và mai sau.
Đấy chẳng phải là những lời rỗng tuếch mà là lời
khiêm nhượng của tôi. Phải cẩn thận lắng nghe và nhớ giữ mãi trong
tâm khảm. Nếu hành được như thế thì chính mình và người sẽ được
hạnh phúc. Xin Bệ Hạ hãy lắng nghe cho !
2/ Dạy cho chư tăng
Kính lễ đức Bạc Già Phạm. Kính lễ vị Độ Mẫu. Kính
lễ chư sư trưởng tôn quý.
Xin chư đại đức hãy chú ý lắng nghe cho ! Trong cuộc đời,
mạng sống của con người rất ngắn ngủi. Chẳng ai xác định được mình
sẽ sống bao lâu.
Chớ bảo: "Tôi là tỳ kheo; tôi sống trong chùa",
khi vẫn còn những sự ước ao phàm tục hay có những tâm niệm ác muốn
hãm hại người. Không oán hờn kẻ muốn ám hại mình mới thật sự thể
hiện được lòng từ bi. Tôn kính và dịu dàng giúp đỡ người khác. Nếu
có nguyện vọng gì, thì phải hướng theo lòng từ bi.
Không kiêu hãnh khi đạt được công đức từ các hạnh
lành; khởi niệm kiêu hãnh thì sẽ bị ma vương trói buộc. Đừng tán
thán công đức của mình. Chớ tìm lỗi kẻ khác mà quên lỗi mình. Chấp
nhận thua thiệt; tránh khoe khoang khoác lác. Tránh làm những việc gây bao nỗi
lo âu xấu hổ.
Phải điều phục tâm tham dục. Mục đích sống ở chùa
là ngưng hành hạnh dâm dục với người cư sĩ, tránh nguyên nhân kích
thích tâm dâm dục vọng động và các tham dục khác, xả bỏ tâm thiên vị
luyến ái đối với thân bằng quyến thuộc. Chớ để lửa tham dục đốt
cháy thân tâm. Hãy giữ tâm thanh tịnh trong sạch. Hãy giữ tâm hờ hững với
tham lam ái dục. Phải điều phục tâm tham dục và ít muốn biết đủ.
Phải hộ trì bảo vật của tâm Bồ Đề. Chớ bảo:
"Tôi là tỳ kheo" một khi vẫn còn lo lắng về vật chất và nghề
nghiệp, vì việc này chỉ dành cho người cư sĩ. Mặc dầu đang sống trong
chùa, nhưng chớ bảo: "Tôi là tỳ kheo" một khi vẫn còn bị pháp
thế gian quấy nhiễu. Dù bất cứ lúc nào cũng đừng để tình người gây
phiền não. Phiền não ở cõi Ta Bà thật rất cường liệt. Chúng sanh trong
nhiều đời nhiều kiếp đã bị tình đời chi phối liên tục, nên gây bao
nỗi phiền não và vọng động, lại còn chứa chấp đầy rẫy những tập
khí nhỏ nhặt yếu mềm. Do vậy, tuy có sống ở chùa nhưng chẳng được
chút ích lợi nào ! Sống mà không biết điều phục vọng tâm và phiền
não thì chẳng khác gì loài chim hoang hay loài dã thú.
Có thể sống trong chùa, nhưng chớ bảo: "Tôi là tỳ
kheo; tôi sống trong chùa", khi vẫn còn qua lại với người thế tục và
tiếp tục sống chung với họ, cùng bỏ phí thời giờ gieo mối quan hệ
tình cảm và những câu chuyện tán gẫu thế tục. Nếu muốn tránh hiện
đời và vị lai khỏi bị đọa lạc, thì chớ chìm đắm trong thế tình
ác nghiệp. Chớ lo lắng toan tính chuyện thế gian khiến gieo bao nỗi ưu
phiền. Ngược lại, việc tu tập sẽ bị sai lạc, và sự tu hành chỉ có
trên lời nói và ngôn từ. Thế nên, này chư đại đức ! Chớ hành theo
cách đó. Người mù đánh mất hạt châu thì chẳng thể tìm lại được.
Không nên cùng bạn ác tụ họp bàn chuyện thị phi. Hãy tìm nơi vắng vẻ
mà an trú. Xa rời kẻ ác như tránh thú hoang. Nếu không xả bỏ pháp thế
gian thì chẳng phải là người có pháp khí (dharmika).
Lại nữa, phải nhớ những lời nguyện ước trước chư
Thiên và sư trưởng khi thọ giới Bồ Tát, phát tâm Bồ Đề. Khi gặp những
ai đáng được hỷ xả, thì chớ bảo rằng thật khó hành hạnh hỷ xả.
Phải nhớ lại những lời phát nguyện xưa kia, để hành những hạnh khó
hành. Lúc phát nguyện, phải biết chắc chắn rằng những lời nguyện đó
khó hay dễ hành trì. Nếu thối lui mà chẳng hành theo những lời phát nguyện,
thì là lừa dối chư Thiên cùng sư trưởng. Chớ tự làm khổ hay lừa dối
chính mình; chớ lừa dối sư trưởng và chư Thiên. Chớ thối chuyển trên
đường tu và cũng đừng làm người khác thối thất vì mình. Vì vậy, phải
nhớ hành những việc gì đã phát nguyện, dẫu đó là những việc khó khăn.
Một khi đã phát nguyện trước sư trưởng và chư Thiên thì đừng móng
tâm phân biệt người thân kẻ sơ mà mình đang cứu độ. Nên vì chúng
sanh mà hành hạnh Bồ Tát để mang lại lợi ích cho họ. Đã phát tâm Bồ
Đề thì đâu còn thấy chúng sanh dị đồng.
Chớ bảo: "Tôi là tỳ kheo; tôi là Bồ Tát", nếu
chẳng thể thay thế chịu khổ hay cứu giúp người đôi chút. Nếu nói như
thế, tức nói láo với người cư sĩ. Trước hết, chẳng thể lường gạt
được những vị thấy biết được mọi việc (chư Phật và chư Bồ Tát).
Thứ hai, chẳng thể tránh khỏi nghiệp quả dối trá đó. Thứ ba, chẳng
thể lường gạt được những vị đã chứng đắc.
Đừng bao giờ tự bảo: "Hôm nay gặp việc khó khăn
chưa làm được, để mai mốt sẽ làm.’’ Tâm niệm yếu mềm là nơi mà
ma vương theo đó lẻn vào; một khi ma vương xâm chiếm tâm niệm thì hắn
sẽ gây trở ngại cho việc phát tâm Bồ Đề. Nếu đã có trở ngại cho
việc phát tâm Bồ Đề thì không những chẳng giúp được gì cho tha nhân
mà còn gây nên bao đau khổ cho chính mình.
Đừng bao giờ tự bảo: "Tôi làm đúng theo Phật pháp,’’
trong khi giữa Phật pháp và mình vẫn còn đầy cách biệt vì không chuyên
tu để chuyển hóa tâm tánh và dùng kinh điển làm mực thước để kiểm
chứng. Tu hành như vậy thì đến lúc lâm chung chẳng chứng đắc chút sự
giác ngộ gì mà trái lại chỉ chuốc lấy lắm khổ đau, lại còn đem sự
phiền não đó đến cho người khác nữa ! Lúc lâm chung, chớ làm nhân đau
khổ, buồn phiền cho sư trưởng và chư Thiên, cũng như chớ làm nhân hối
hận, nghi ngờ cho người tại gia. Những kẻ đã từng hủy hoại Phật
pháp thì đến lúc lâm chung sẽ mất hết mọi công đức; đối với những
kẻ đó, chớ tự ba hoa bảo: ‘Tôi là kẻ suốt đời sống vì đạo’ !
Đối với hành giả thiền quán, xin đừng tính kể thời
gian năm tháng đã tu hành, mà cần phải quán chiếu thấy rõ tâm mình đã
đạt được chút tri kiến nào chưa ? Đã điều phục được vọng niệm và
tập khí chưa ? Luôn quán chiếu nội tâm. Hãy nhìn thẳng vào tội chướng
nặng nhẹ của phiền não. Nếu gặp sự chướng ngại trong lúc hành thiền
quán hay phát tâm cầu đạo giác ngộ thì phải nương theo lời dạy của
sư trưởng.
Ví dụ, thấy đống sình lầy trước mặt thì phải nhanh
chóng quét dọn; tại sao lại dấy phiền não khi có người khác giúp mình
dọn dẹp ? Hãy buông xả hết thảy vật chất tiền tài nhà cửa ruộng vườn;
phải buông xả luôn thân bằng quyến thuộc. Tại sao phát sanh phiền não một
khi sư trưởng và các pháp hữu giúp mình đoạn trừ ái nhiễm, xả bỏ
ái dục ?
Phải lấy giới luật, thiền định, trí huệ để dẹp trừ
phiền não. Cứ mãi để cho phiền não làm nhiễm ô thì sự tu tập có mang
lại lợi ích gì ? Cố gắng điều phục được phiền não và sống an lạc
tức là hành đúng theo Phật pháp. Phải luôn niệm nhớ đến Phật pháp.
Làm bất cứ việc gì đều phải phù hợp với Phật pháp.
Tóm lại, Phật giáo không cần những người sống trong chùa
chiền mà chẳng chuyển hóa tâm tánh và ác nghiệp cùng điều phục tham dục
ngay trong hiện đời. Khi tu hành trong đạo tràng thanh tịnh, chớ để nghiệp
ác tăng trưởng thì khỏi bị hối hận vào lúc lâm chung. Những ai chẳng
xả bỏ tham dục thì chẳng phải là tỳ kheo. Những ai chẳng có lòng từ
bi thì chẳng phải là Bồ Tát. Những ai chẳng xả bỏ nghiệp ác thì chẳng
phải là đại thiền sư hay đại hành giả. Các tỳ kheo phải nên ghi nhớ
mà tinh tấn và quyết tâm tu hành. Nếu tự cho mình là tỳ kheo mà không
hành trì đúng theo chánh pháp thì chỉ là lời dối gạt, rỗng tuếch vô
ý nghĩa.
Đấy là những lời dạy của Tôn Giả. Tôn Giả tự bảo:
"Đây chẳng phải lúc vui chơi, mà phải có dũng khí
phát tâm tu hành. Đây chẳng phải là lúc nắm giữ quyền thế cao sang, mà
phải giữ vị thế khiêm nhường.
Đây chẳng phải là lúc sống trong đại chúng, mà phải cư
trú nơi vắng vẻ. Đây chẳng phải là lúc dẫn dắt đệ tử, mà phải tự
dẫn dắt chính mình. Đây chẳng phải là lúc chỉ y theo ngôn từ, mà phải
thiền quán về những ý nghĩa chân thật của chúng. Đây chẳng phải là
lúc để tâm bị vọng động, mà phải cư trú kiên cố nơi một chỗ."