Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
PHẬT QUỐC KÝ SỰ

 

MỤC LỤC

 Lời ngỏ

Chương I: Thành Ca Tỳ La Vệ

 

1. Khái lược kinh thành Ca Tỳ La Vệ xưa và nay

2. Ngôi mộ của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da

3. Làng Kudan

4. Sagarhavā, nơi dòng họ Thích Ca bị thảm sát

5. Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) ở Ấn Độ

 

Chương II: Lâm Tỳ Ni (Lumbinī)

 

1. Chùa Việt Nam, nơi hội ngộ loài chim quý

2. Vườn ngự uyển Lâm Tỳ Ni, nơi Phật đản sanh

3. Trụ đá vua A Dục (Asoka)

4. Hồ nước và cội Bồ Đề

 

Chương III: Bồ Đề Đạo Tràng

1. Bồ Đề Đạo Tràng, khởi nguyên đạo Phật

2. Tháp Đại Giác

3. Linh thọ Bồ Đề

4. Bảo tòa Kim Cương

5. Bảy nơi đức Phật ngự sau khi thành đạo

6. Sông Ni Liên Thiền

7. Nơi kỷ niệm nàng Su Già Ta

8. Núi tượng đầu và Khổ hạnh lâm

 

Chương IV: Lộc Uyển

1. Khái quát ý nghĩa và xuất xứ của Lộc Uyển

2. Phế tích các tu viện thời xa xưa

3. Tháp Dhamek

4. Trụ đá của vua A Dục

5. Tháp Sri Dharmarajika

6. Tháp Choukhanda hay Chaukhandi

7. Tản mạn trên sông Hằng

 

Chương V: Thành Vương Xá

1. Giới thiệu khái quát về cổ thành Vương Xá

2. Vua Tần Bà Sa La và tinh xá Trúc Lâm

3. Linh Thứu sơn, Pháp hội Tam thừa

4. Ngục khám vua Tần Bà Sa La

5. Hang Thất Diệp, nơi kiết tập kinh điển lần thứ 1

6. Kê Túc sơn, nơi nhập diệt của thánh Ca Diếp

 

Chương VI: Thành Xá Vệ.

1. Thành Xá Vệ và tinh xá Kỳ Viên

2. Vai trò của vua Ba Tư Nặc đối với Phật giáo

3. Giảng đường Lộc Mẫu

4. Cội Bồ Đề Ānanda

5. Nền tháp tôn giả Vô Não và nền nhà Cấp Cô Độc

 

Chương VII: Thành Tỳ Xá Ly

1. Khái quát thành Tỳ Xá Ly cổ xưa

2. Nơi thành lập Ni đoàn Phật giáo

3. Trụ đá vua A Dục (Asoka)

4. Tháp thờ Xá lợi Phật của dòng họ Licchavi

5. Ngôi nhà kỹ nữ Ambapālī

6. Nền nhà của Bồ tát Duy Ma Cật

7. Nơi kiết tập kinh điển lần II

 

Chương VIII: Câu Thi Na

1. Tháp Niết Bàn và tháp Xá Lợi

2. Tháp Trà Tỳ, nơi hỏa thiêu nhục thân Phật

3. Nền nhà của cư sĩ Thuần Đà

 

Chương IX: Trường Đại học Na Lan Đà

1. Khái quát về Na Lan Đà

2. Trường Đại học Na Lan Đà xưa và nay

3. Tháp Tôn Giả Xá Lợi Phất

4. Huyền Trang kỷ niệm đường

 

Thay Lời Kết

 

 


Lời Ngỏ

--- ¯¯¯ ---

 

N

hân loại có hai nguồn văn minh lớn đó là văn minh phương Đông và văn minh phương Tây. Các thể loại văn hoá, nghệ thuật, triết học, thiên văn học… hầu hết các nguồn văn minh này được khởi nguồn từ thời cổ đại ở các quốc gia như Hy Lạp và La Mã thuộc phương Tây - Trung Quốc và Ấn Độ thuộc phương Đông. Khi nói đến tiến bộ văn hoá phương Đông, Ấn Độ cũng như Trung Quốc, đạo đức tâm linh và tôn giáo đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt nhất khi đề cập đến văn minh Ấn Độ, chúng ta phải thừa nhận rằng, Ấn Độ là cái nôi của văn hoá lễ hội và là xứ sở tôn giáo đa phức. Gần như xuyên suốt quá trình phát triển văn hoá Ấn Độ, lễ hội và tôn giáo luôn gắn liền với mọi sinh hoạt truyền thống của người dân Ấn, và nét đặc trưng này không chỉ tồn tại trong thời sơ khai, thậm chí bây giờ nó vẫn còn phản ánh trong đời sống thường nhật của họ.

Phật giáo được xem là một trong những tôn giáo có mặt sớm nhất trong thời văn minh Ấn Độ cổ đại, vào thế kỷ thứ VI trước kỷ nguyên Tây lịch. Một điều đặc biệt là, Phật giáo không mang tính tôn giáo đơn thuần chỉ phục vụ cho tín ngưỡng lễ hội, mà ngoài tính triết lý siêu thế đạo Phật còn là một phương pháp sống hết sức thiết thực nhằm xoá đi nỗi đau khổ và giúp con người trong mỗi thời đại tìm được hạnh phúc an lạc cho chính bản thân mình ngay tại cõi đời này. Vì vậy, ngày nay đạo Phật càng được nhiều người biết đến; sự quan tâm của các ngành khoa học, giới học giả và những nhà nghiên cứu xem những lời dạy của đức Phật là một đề tài lớn, cần được tìm hiểu và thảo luận một cách kỹ càng để lấy những tinh hoa Phật giáo xây dựng nền tảng hạnh phúc cho nhân loại. Do đó, những gì liên quan đến phật giáo, cho dù chỉ là những di tích cũ mục còn sót lại, cũng cần được giới thiệu để mọi người biết đến như những chứng tích hùng hồn về sự thật lịch sử của một tôn giáo với bề dày gần 3000 năm.

Vào năm 2006,  khi được du học tại  Ấn Độ, nhiều lần dự định đi chiêm bái và thực hiện phim tư liệu về các thánh tích Phật giáo, nhưng do nhiều mặt còn hạn chế lại thêm thời gian không cho phép nên đành kéo dài đến giao thời 2007 - 2008, chúng tôi mới đủ duyên lành đảnh lễ các thánh tích, đồng thời ghi một số hình ảnh làm bộ phim tư liệu về đất Phật.

Có hai động cơ chính để chúng tôi phải cố gắng hoàn thành công việc khiêm tốn này:

Thứ nhất, sau chuyến hành hương đất Phật do công ty du lịch Biển Đông (East Sea) tổ chức vào tháng 11 năm 2005, chúng tôi đã quay phim ghi hình tóm tắt toàn bộ chuyến đi từ thánh tích Phật giáo cho đến những gì liên quan trên suốt đoạn đường để làm kỷ niệm. Mặc dù đó chỉ là hình ảnh được ghi lại theo tinh thần “kiến văn tiểu lục” để kỷ niệm cho chuyến hành hương mang tính cá nhân nhưng mọi người vẫn xem một cách say mê, đôi khi còn tỏ vẻ tiếc nuối bởi những chỗ đứt ngang, không phải vì thích bộ phim tôi quay, mà chỉ vì muốn thấy được hình ảnh thực trên quê hương Phật giáo, là xứ sở thường được nhắc đến trong kinh điển.

Thứ hai, mỗi khi xem các phóng sự về văn hoá đặc biệt nhất là văn hoá Ấn Độ, tôi bỗng liên tưởng ngay đến Phật giáo, một nơi được gọi là thánh địa thiêng liêng, nhiều chứng tích lịch sử quan trọng, lại thêm tư liệu dồi dào, tại sao chúng ta chưa có bộ phim nào nói đến toàn bộ thánh tích Phật giáo cho tương xứng với tầm vóc bề dày lịch sử của một tôn giáo lớn trên thế giới!

Từ hai động cơ trên, tôi quyết tâm thực hiện bộ phim này với những phương tiện khiêm tốn, thô sơ của một tăng sinh du học có được. Gần ba năm nuôi ước nguyện, khi hội đủ duyên lành, tôi cùng với một vài người bạn thân âm thầm thực hiện bộ phim này với ước mong làm một gạch nối, gợi ý đến những ai có thiện chí và khả năng chuyên môn hầu thực hiện hoàn hảo bộ phim về các thánh tích Phật giáo.

Trong khi viết lời bình cho bộ phim với tựa đề Phật Quốc Ký Sự, chúng tôi nhận thấy nhiều thông tin quan trọng, cần giới thiệu đến các Phật tử và những người muốn tìm hiểu về đất Phật. Và đó là khởi điểm cho tập sách nhỏ này được ra đời cùng một chủ đề. Trong tập sách này, chúng tôi chú trọng chủ yếu đến tứ động tâm, là bốn sự kiện trọng đại liên hệ đến cuộc đời đức Phật: Đản Sanh, Thành Đạo, Chuyển Pháp Luân và Nhập Niết Bàn. Bên cạnh đó chúng tôi cũng liên hệ đến những thánh tích cần thiết, mong được chia sẽ cùng quý bạn đọc về những điều đã chứng kiến và bao tâm sự vui buồn được cảm nhận trong chuyến hành hương vào dịp xuân Mậu Tý - 2008.

Nội dung tập sách này không phải là tư liệu về sử học hay khảo cổ học, nhưng đã được tham khảo nhiều tác phẩm và những bài viết liên quan đến các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ, chúng tôi mô tả lại những chi tiết cần thiết dưới dạng ký sự, phản ảnh lại một vài sự kiện lịch sử nổi bật trong quá khứ và hiện tại ở các khu thánh địa từng trải qua thời hoàng kim Phật giáo, nhất là giai đoạn đức Phật còn tại thế. Một Lâm Tỳ Ni (Lumbini) thiên nhiên thơ mộng, nơi Bồ Tát Hộ Minh giáng trần từ cõi trời Đâu Xuất; Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) đồ sộ nguy nga, khởi nguồn cho một đạo Phật từ sự giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác của nhà khổ hạnh Sĩ Đạt Ta dưới cội Bồ Đề; Một Lộc Uyển (Sarnath), vườn nai thanh bình trong xứ Ba La Nại, nơi Phật chuyển bánh xe pháp đầu tiên; Câu Thi Na (Kusinagar) cô tịch trầm buồn cho lần ra đi cuối cùng của Phật tại rừng Ta La song thọ… và còn biết bao điều chưa được biết đến đối với người con Phật chúng ta!

Để dễ dàng trong việc tìm hiểu, chúng tôi sắp xếp nội dung theo trình tự diễn tiến cuộc đời đức Phật, vì vậy các địa điểm bị sai khác với lịch trình đi của chúng tôi nên có những đoạn chuyển ý không được liên kết với nhau. Hơn nữa, từ sự cảm nhận thực tế trong một vài cảnh tượng trùng hợp gây nên cảm xúc của riêng mình, đôi khi cũng có những ý kiến đánh giá chủ quan; vả lại, lực bất tòng tâm, thiện ý mong chia sẻ với mọi người về những điều hay mà mình có dịp tường tận chứng kiến, nhưng khả năng còn nhiều mặt hạn chế, diễn đạt câu văn chưa tròn, xin qúy độc giả đạt ý quên lời, lượng thứ bỏ qua những điều còn khiếm khuyết, người viết xin ghi nhận sự góp ý chân tình từ quý bạn đọc, để bổ khuyết cho lần tái bản được hoàn hảo hơn.                  

                                            New Delhi, 15/3/2008

                                     Thích Phước Tiến

                                             Kính đề

 

 

 http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/phatquoc_kysu.htm

 


Vào mạng: 10-9-2008

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang