Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
TẠNG THƯ SỐNG-CHẾT
THE TIBETAN BOOK OF LIVING AND DYING
Sogyal Rinpoche

PHẦN HAI: CHẾT

12- Lòng bi mẫn : viên ngọc như ý

Săn sóc người sắp chết làm cho bạn ý thức thấm thía không những nỗi tử vong của họ mà còn của chính bạn. Bao nhiêu tấm màn ảo tưởng đã ngăn chúng ta với tri kiến rõ rệt phũ phàng là chúng ta đang chết. Bởi thế, khi cuối cùng ta biết được rằng mình đang chết và tất cả hữu tình khác cũng đang chết, thì ta khởi sự có một ý thức nóng bỏng, nát lòng về sự mong manh quý báu của mỗi lúc và mỗi sinh vật, và từ đấy có thể phát sinh một lòng bi mẫn vô hạn, sâu xa, trong sáng đối với tất cả hữu tình. Sir Thomas More - tôi nghe nói - đã viết những dòng này trước khi bị chặt đầu : “Tất cả chúng ta đều đang tiến đến nơi hành quyết, làm sao tôi có thể thù ghét hay mong hại người nào ?" . Cảm thấy trọn vẹn sức mạnh của cái chết nơi bạn, hoàn toàn mở lòng ra với nó, chính là để tăng trưởng trong bạn lòng từ bi bao la vô úy làm chất liệu nuôi dưỡng cuộc đời của bất cứ ai muốn thực sự giúp đỡ người khác.

Bởi thế mọi sự tôi nói từ trước đến đây về săn sóc người chết có thể tóm gọn trong hai chữ : từ bi. Bi là gì ? - Không phải chỉ là một sự đồng cảm hay săn sóc cho người đang khổ, hay một tấm lòng nồng nàn đối với người trước mắt bạn, hay biết rõ nhu cầu và nỗi đau của họ, mà đấy là một quyết định thực tiễn, kiên trì, muốn làm mọi sự cần thiết khả dĩ làm vơi bớt khổ đau của họ.

Bi mẫn không thực sự là bi mẫn nếu nó không tích cực. Ðức Quán Tự Tại, vị Phật của lòng bi mẫn, thường được biểu trưng có ngàn mắt để thấy nỗi khổ trong mọi xó góc của vũ trụ, và ngàn tay duỗi ra khắp nơi để giúp đỡ. 

Cái hợp lý của bi mẫn

Tất cả chúng ta đều biết và cảm nhận một vài lợi lạc của lòng bi mẫn. Nhưng sức mạnh đặc biệt của Phật giáo là nó chứng minh cho bạn một cách rõ ràng cái lý của lòng bi mẫn. Một khi bạn đã nắm vững nó, thì cái lý này làm cho sự thực hành của bạn càng cấp thiết, càng bao quát, càng vững chãi và có căn cứ, vì dựa trên sự sáng suốt của một lý luận mà chân lý của nó bạn càng theo đuổi, thí nghiệm, thì càng trở nên rõ rệt.

Chúng ta có thể nói, và hơi tin rằng đức bi mẫn thật tuyệt, nhưng hành động chúng ta lại rất thiếu bi mẫn, phần nhiều đem lại cho chúng ta và người khác bất mãn đau buồn, chứ không phải là hạnh phúc mà tất cả chúng ta đều tìm kiếm.

Vậy có phải là phi lý không, khi tất cả chúng ta đều mong mỏi hạnh phúc, thế mà hầu hết mọi hành động và cảm nghĩ của chúng ta đều đi xa khỏi hạnh phúc ấy ? Có dấu hiệu nào rõ hơn thế để chứng tỏ toàn bộ quan điểm chúng ta về hạnh phúc chân thật - và cách đạt đến nó - là sai lầm căn để.

Ðiều gì chúng ta tưởng tượng sẽ làm mình hạnh phúc ? Sự bảo vệ ích kỷ cho tự ngã, có thể làm cho chúng ta có lúc vô cùng tàn ác. Nhưng kỳ thực cái ngược lại mới đúng. Sự chấp thủ tự ngã, tự thương mình, chính là cội gốc mọi tai hại cho kẻ khác và cho chính mình - nếu bạn nhìn sâu vào điều ấy.

Mỗi việc tiêu cực mà chúng ta đã nghĩ hay làm đều phát sinh từ sự chấp thủ của ta vào một tự ngã giả tạo, và sự yêu mến cái ngã ấy, cho nó là yếu tố quan trọng nhất đời. Tất cả những tư tưởng tiêu cực, cảm xúc, dục vọng và hành động làm nhân cho ác nghiệp của chúng ta, đều do sự chấp thủ bản ngã, yêu mến bản ngã mà ra. Chúng ta là cục nam châm mãnh liệt u ám cuốn hút tới chúng ta mọi trở ngại, mọi bất hạnh, lo buồn, tai ách - đời này qua đời khác ; bởi thế chúng là căn nguyên mọi khổ đau trong sinh tử.

Khi chúng ta đã nắm được định luật về nghiệp trong mọi năng lực ghê gớm của nó, sự vang dội của nó qua nhiều đời ; khi chúng ta đã thấy rõ ngã thủ, ngã ái đã lôi chúng ta vướng vào cái lưới vô minh dường như càng ngày càng thắt chặt như thế nào ; khi chúng ta hiểu rõ cái tâm thường ngày và những hoạt động của ta đều bị thu hẹp, trở nên hắc ám vì sự chấp thủ bản ngã, làm cho chúng ta không thể mở lòng ra để thương yêu vô điều kiện ; khi ta thấy sự chấp thủ ấy đã làm bế tắc mọi suối nguồn yêu thương chân thật - thì sẽ có một lúc ta nhận định một cách vô cùng sáng suốt, như Shantideva rằng :

Nếu tất cả tai hại

Sợ hãi và đau khổ trong đời

Phát sinh từ ngã chấp

Thì ta cần gì đến ác ma lớn ấy ?

Và trong ta nẩy sinh quyết định diệt trừ con ma kia, kẻ thù lớn nhất của ta. Khi ác ma ấy chết rồi, thì cái nhân của mọi khổ đau sẽ hết, và bản tính chân thật của ta sẽ chiếu sáng, bao la và năng động.

Trong trận chiến chống lại kẻ thù lớn nhất đó - ngã chấp, ngã ái - thì đồng minh lớn nhất của bạn là sự thực hành tâm đại bi, đấy là lòng bi mẫn, hiến mình phụng sự kẻ khác, gánh lấy đau khổ của họ thay vì tự yêu thương ta. Lòng bi mẫn ấy song hành với trí vô ngã, sẽ phá hủy một cách toàn vẹn sự cố chấp vào một tự ngã giả tạo đã từng là nguyên nhân của cuộc lang thang bất tận của chúng ta trong sinh tử. Bởi thế, trong truyền thống Tây Tạng, chúng tôi xem đại bi như là nguồn cội tinh túy của giác ngộ, trọng tâm của hoạt động giác ngộ. Shantideva nói :

Còn gì cần nói nữa ?

Kẻ ngu làm việc cho tự lợi

Chư Phật làm việc cho tha lợi

Hãy nhìn sự khác nhau

Nếu tôi không đổi hạnh phúc mình

Lấy khổ đau của người

Thì tôi sẽ không đạt thành Phật quả

Và trong sinh tử tôi cũng không có niềm vui chân thật.

Nhận chân được cái mà tôi gọi là "trí tuệ của đại bi" là thấy rõ lợi lạc của bi mẫn, cũng như tai hại mà điều ngược lại với tâm bi mẫn đã đem lại cho ta. Chúng ta cần phân biệt rõ ràng cái gì là lợi lộc ích kỷ của tự ngã, và cái gì là lợi lạc tối hậu của chúng ta, vì chính do lẫn lộn hai thứ ấy mà tất cả khổ đau đã đến. Chúng ta cứ tiếp tục tin một cách ngoan cố rằng tự che chở mình là tốt hơn hết trong đời, nhưng sự thực trái lại. Ngã chấp tạo ra ngã ái, và ngã ái trở lại tạo ra sự thù ghét thâm căn đối với đau khổ và điều hại. Tuy nhiên đau khổ và điều hại vốn không có hiện hữu khách quan, cái làm cho nó thực hữu chính là thái độ thù ghét của chúng ta đối với nó. Khi hiểu điều này, bạn sẽ hiểu rằng chính sự thù ghét của ta đã thực sự thu hút vào nơi ta mọi trở ngại và tiêu cực có thể xảy đến, làm cho đời ta đầy những lo âu, mong chờ, sợ hãi. Hãy làm mòn sự thù ghét ấy bằng cách làm mòn tâm chấp ngã và sự bám víu của nó vào một cái ngã phi thực, và khi ấy bạn sẽ tiêu mòn mọi trở ngại và tiêu cực đeo theo bạn. Vì làm sao bạn có thể tấn công một người hay một vật không có ở đấy ?

Vậy chính tâm đại bi mới là sự che chở lớn nhất, và những bậc thầy quá khứ còn biết đấy là nguồn suối chữa lành mọi bệnh tật. Giả sử bạn bị một chứng bệnh như ưng thư hay sida. Bằng cách gánh lấy tất cả đau đớn của những người đồng bệnh, cọng vào nỗi đau của bạn, với một tâm đầy bi mẫn, b?n sẽ - chắc chắn - thanh lọc ác nghiệp cũ, mà chính là nguyên nhân bây giờ và trong tương lai, của đau khổ tiếp nối.

? Tây Tạng ngày xưa tôi nhớ đã nghe có nhiều trường hợp lạ lùng, những người khi nghe mình bị bệnh nan y sắp chết, đã bố thí mọi sở hữu và đi đến nghĩa địa để chết. Ở đây họ thực tập sự chịu thay những đau khổ cho người khác, và điều kỳ diệu xảy ra là họ không chết, mà trở về nhà hoàn toàn khỏi bệnh.

Khi làm việc với người sắp chết, ta sẽ có được cơ hội trực tiếp thực hiện lòng bi mẫn trong hoàn cảnh mà lòng bi mẫn có lẽ cần thiết nhất.

Lòng bi mẫn của bạn có ba lợi ích cho người sắp chết : trước hết, vì nó mở lòng bạn nên bạn dễ tỏ cho người ấy niềm yêu thương vô điều kiện mà họ rất cần. Trên một bình diện tâm linh sâu xa hơn, nếu bạn cố thể hiện tâm đại bi và hành động từ tâm ấy, bạn sẽ tạo một bầu không khí trong đó người sắp chết có thể được gợi hứng để tưởng đến chiều hướng tâm linh hay cả đến bắt đầu tu tập. Trên bình diện sâu xa nhất, nếu bạn thường xuyên thực hành đại bi đối với người chết, và làm cho họ cũng làm theo bạn, bạn có thể chẳng những chữa lành tâm bệnh mà cả đến thân bệnh của họ. Khi ấy, bạn sẽ ngạc nhiên thấy năng lực của tâm đại bi thực là vô giới hạn, như các bậc thầy đã nói.

*

Asanga (Vô Trước) là một bậc thánh tăng Ấn Ðộ, sống vào thế kỷ thứ tư. Thầy lên núi nhập thất tu thiền quán về Phật Di Lặc với hy vọng được thấy ngài và được ngài chỉ giáo.

Trong 6 năm thầy thiền định ráo riết mà không bao giờ thấy được một điềm lành. Quá thất vọng, thầy bỏ nhập thất để xuống núi. Khi đi chưa bao xa, thầy trông thấy một người đang dùng một dãi lụa để mài một thỏi sắt khổng lồ. Thầy đến hỏi ông ta đang làm gì, ông trả lời : "Tôi mài cho thành một cây kim". Thầy kinh ngạc nghĩ, dù trong một trăm năm, ông ta có làm được cây kim đi nữa, thì có lợi ích gì ? Hãy xem con người ta phải khổ nhọc về những việc hoàn toàn phi lý như vậy. Ta đang tu tập một pháp môn thực sự có giá trị tâm linh, vậy mà ta không chuyên tâm được đến thế. Thầy quay trở lại nơi nhập thất. Ba năm nữa trôi qua, vẫn không có dấu hiệu nào về Phật Di Lặc. Thầy nghĩ : "Bây giờ ta biết chắc chắn ta sẽ không bao giờ thành công". Bởi vậy, thầy rời chỗ ấy bỏ đi. Thầy gặp một tảng đá khổng lồ nơi một khúc quanh của đường núi, và thấy dưới châng tảng đá ấy có một người đang bận chà xát tảng đá bằng một cái lông chim nhúng trong nước. Thầy hỏi y làm gì vậy, y bảo : "Tảng đá này to quá, ngăn bít mặt trời không chiếu vào nhà tôi được, bởi thế tôi mài cho nó mòn" .

Thầy Asanga lại kinh ngạc trước nghị lực không nao núng của người ấy, và hổ thẹn vì mình không đủ tin tưởng bằng ông ta. Thầy bèn quay trở lại nơi nhập thất. Lại thêm ba năm nữa trôi qua, mà vẫn chưa có được một giấc mơ tốt. Thầy quyết định một lần cuối cùng sẽ bỏ đi không trở lại. Thầy đi trọn một ngày, đến xế chiều thì gặp một con chó nằm bên đường. Nó chỉ còn hai chân trước, toàn thân sau của nó đã thối rửa và đầy bọ chét. Mặc dù đã rơi vào tình trạng thảm thương như vậy, con chó vẫn sủa người qua đường, cố lê lết hai chân trước tới cắn người ta. Cảm thấy tràn ngập một lòng bi mẫn sâu xa không thể chịu nổi, thầy bèn cắt một miếng thịt nơi thân mình cho chó ăn, rồi cúi xuống bắt bọ chét. Nhưng thầy nghĩ, có lẽ nó sẽ đau đớn vô cùng nếu thầy dùng ngón tay để bắt. Thầy bèn quỳ gối xuống đất, nhìn vào cái đống thịt thối ghê tởm, và nhắm mắt lại. Thầy cúi sát hơn, thè lưỡi... Ðiều kế tiếp thầy được biết là cái lưỡi thầy chạm xuống đất. Thầy mở mắt nhìn lên, thì con chó đã biến mất, thay vì đức Phật Di Lặc trong hào quang chói lọi đang ở trước thầy. Thầy Asanga nói : "Có thế chứ. Tại sao trước đây ngài không bao giờ xuất hiện cho con ?" . Ðức Phật Di Lặc nhẹ nhàng bảo : "Không phải ta chưa từng xuất hiện trước con đâu. Ta vẫn ở trước con luôn luôn, nhưng ác nghiệp và chướng ngại ngăn che làm cho con không trông thấy ta mà thôi. Mười hai năm khổ tu của con đã tiêu hao một ít nghiệp chướng, nên cuối cùng con mới thấy được con chó. Rồi nhờ lòng bi mẫn chân thành tha thiết của con mà tất cả nghiệp chướng tiêu tan, và con có thể trông thấy ta. Nếu không tin, con hãy mang ta lên vai mà đi xem có ai trông thấy ta chăng ?” . Asanga mang đức Phật trên vai đi vào chợ. Thầy hỏi mọi người : "Cái gì trên vai tôi đây ?”. Phần đông đều nói : “Có gì đâu ?” . Chỉ có một bà già đã hơi sạch nghiệp, trả lời rằng : "Thầy đang mang một cái thây chó già thối tha trên vai thầy chứ gì". Cuối cùng thầy Asanga mới hiểu được năng lực bao la của lòng từ bi đã chuyển hóa ác nghiệp, làm cho thầy trở thành một pháp khí có thể chứa đựng hình ảnh đức Di Lặc và sự chỉ giáo của ngài. Rồi đức Di Lặc, Phật dòng họ Từ, đưa thầy lên cung trời Ðâu Suất, ở đấy thầy nhận được nhiều giáo lý siêu việt, thuộc về phần quan trọng nhất của Phật giáo.

 Câu chuyện về Tonglen và năng lực tâm đại bi

Các học trò tôi thường đến hỏi tôi : “Nỗi đau đớn của bạn tôi, bà con tôi, làm cho tôi rất khó chịu, tôi rất muốn giúp đỡ. Nhưng tôi thấy tôi thực sự không có đủ tình yêu để giúp họ. Lòng bi mẫn của tôi bị tắt nghẽn. Tôi có thể làm gì ?". Ðương nhiên ai trong chúng ta cũng đã từng biết đến nỗi bất bình sầu não vì không thể tìm ở trong tim ta đủ lòng từ bi đối với những người đau khổ quanh ta, và do đó không đủ sức mạnh để giúp họ.

Một trong những đức lớn lao của của Phật giáo là có nhiều pháp tu tập rất ích lợi trong những tình huống ấy. Một phương pháp trong đó là Tonglen, Tạng ngữ có nghĩa là "cho và nhận". Ðấy là phương pháp hữu hiệu nhất. Khi bạn cảm thấy mình bị khóa kín trong tự ngã của mình, thì Tonglen mở ra cho bạn sự thật về nỗi khổ của người khác ; khi tim bạn bị bế tắt, nó phá hủy những năng lực đang bít lấp, và khi bạn cảm thấy xa lạ với người đang đau đớn trước mặt mình, hoặc cảm thấy cay đắng tuyệt vọng, thì phương pháp này giúp cho bạn tìm thấy trong chính mình, để rồi tỏa ra, ánh sáng từ bi lớn rộng của tự tâm bạn. Hơn pháp môn nào hết, pháp này rất hiệu lực để phá trừ ngã chấp, ngã ái, nguồn gốc của mọi đau khổ của ta và cũng là gốc rễ của mọi sự nhẫn tâm, vô cảm.

Một trong những bậc thầy vĩ đại của pháp môn Tonglen ở Tây Tạng là Geshe Chekhawa sống vào thế kỷ 11. Ngài rất đa văn và đã thành tựu được nhiều hình thức thiền quán. Một hôm, khi đang ở trong phòng của bậc thầy mình, ngài tình cờ đọc thấy hai dòng chữ trên một quyển sách mở :

Hãy cho mọi người khác tất cả lợi lộc

Hãy nhận vào mình tất cả thiệt thòi.

Lòng đại bi bao la khó thể tưởng ở trong hai dòng chữ ấy làm ngài kinh ngạc. Ngài khởi hành tìm xem bậc thầy nào đã viết câu ấy. Một ngày, trên đường đi ngài gặp một người cùi cho biết là bậc thầy đó đã viên tịch. Nhưng Geshe Chekhawa vẫn kiên trì tìm kiếm và gặp được đồ đệ chính thức của bậc thầy đã chết. Ngài hỏi vị ấy : "Ông nghĩ tầm quan trọng của lời dạy trong câu đó là thế nào ?" . Người đệ tử đáp : “Dù ông thích hay không, ông vẫn phải thực hành lời dạy ấy nếu muốn thành Phật" . Câu trả lời này làm Geshe Chekhawa ngạc nhiên không khác khi ông đọc câu ấy lần đầu. Ngài ở lại bên vị đệ tử ấy 12 năm để học hỏi giáo lý ấy và thuộc nằm lòng pháp môn cho và nhận, tức Tonglen. Trong thời gian ấy, ngài phải đương đầu với nhiều thử thách, chịu đủ thứ gian khó, chỉ trích, chê bai. Nhưng lời dạy quá hiệu nghiệm, sự kiên trì của ngài quá mãnh liệt, đến độ sáu năm sau, ngài đã nhổ tận gốc rễ ngã chấp, ngã ái. Sự thực hành Tonglen cho và nhận đã chuyển hóa ngài thành một bậc thầy của lòng từ mẫn.

Lúc đầu Geshe Chekhawa chỉ giảng dạy pháp môn Tonglen cho một vài đệ tử gần gũi, vì nghĩ rằng nó chỉ công hiệu đối với những người có lòng tin vào pháp môn ấy mà thôi. Rồi ngài bắt đầu giảng dạy cho một nhóm người cùi. Bệnh cùi vào thuở ấy khá phổ biến ở Tây Tạng, không bác sĩ nào chữa khỏi. Nhưng có nhiều người cùi nhờ thực hành pháp Tonglen mà khỏi bệnh. Tin đồn lan rộng rất nhanh, nhiều người cùi đến nhà ngài, dần dà trông  như một bệnh viện.

Nhưng Geshe Chekhawa vẫn không giảng dạy rộng rãi pháp môn Tonglen. Chỉ khi để ý hiệu nghiệm của nó trên người em trai, ngài mới khởi sự phổ biến rộng rãi pháp môn ấy. Người em của Geshe Chekhawa là một kẻ hoài nghi thâm căn cố đế, luôn nhạo báng mọi sự tu hành. Tuy nhiên, khi ông ta trông thấy những gì xảy đến cho những người cùi thực hành Tonglen, ông không khỏi cảm khái, lạ lùng. Một hôm ông nấp sau cửa để nghe Geshe Chekhawa giảng dạy Tonglen, và ông bí mật khởi sự thực hành, một mình ông biết. Khi Geshe Chekhawa để ý thấy tính tình người em bắt đầu thuần lại, thì ngài cũng đoán đã xảy ra chuyện gì.

Ngài nghĩ : "Nếu pháp môn này có thể công hiệu đối với em ta, cải hóa được y, thì cũng có thể công hiệu và cải hóa được bất cứ người nào khác" . Ðiều này làm cho ngài thêm tin tưởng để giảng dạy pháp môn này rộng rãi hơn. Bản thân ngài không bao giờ ngưng thực hành nó. Vào cuối đời, Geshe Chekhawa bảo các học trò rằng, từ lâu ngài đã tha thiết cầu tái sinh vào các địa ngục để có thể giúp đỡ tất cả những chúng sanh đau khổ ở đấy. Rủi thay, ngài nói thêm, gần đây ngài có nhiều giấc mộng rõ ràng cho biết ngài sẽ tái sinh vào cõi Phật. Ngài vô cùng thất vọng, nước mắt ràn rụa, ngài nhờ các đệ tử cầu xin chư Phật cho chuyện ấy đừng xảy ra, để ngài được mãn nguyện cứu giúp chúng sanh ở địa ngục, ước nguyện tha thiết nhất của ngài.

Làm sao để đánh thức tâm đại bi

Trước khi thực hành "cho và nhận", bạn cần phải khơi dậy tâm đại bi trong bạn. Ðiều này khó hơn ta tưởng, bởi vì suối nguồn của từ và bi nơi ta đôi khi bị che khuất, chúng ta có thể không đạt đến được. May thay Phật giáo có nhiều kỹ thuật đặc biệt để đào luyện tâm đại bi, giúp ta khơi mở khả năng thương yêu bị khuất lấp ấy. Trong vô số phương pháp, tôi đã chọn ra những pháp sau, và sắp xếp chúng theo cách đặc biệt để có được lợi ích lớn nhất cho người hiện đại.

1- Lòng từ : khơi nguồn

Khi chúng ta tin rằng trong ta không có đủ tình yêu, thì có một phương pháp để tìm ra và hô triệu nó lên. Hãy trở lại trong tâm bạn và tạo lại, quán tưởng một tình yêu mà một người nào đã cho bạn, làm bạn thực cảm động, vào thuở ấu thời chẳng hạn. Thông thường người ta bảo bạn hãy nhớ đến mẹ và một đời tận tụy hy sinh của bà, nhưng nếu bạn thấy điều ấy không ổn với mình, thì có thể nghĩ đến bà ngoại, ông ngoại, hay bất cứ ai đã từng rất tốt với bạn trong đời. Hãy nhớ lại một ví dụ đặc biệt lúc họ thực sự chứng tỏ tình yêu thương của họ cho bạn, và bạn cảm thấy tình yêu ấy một cách mãnh liệt.

Bây giờ, hãy để cho cảm thức ấy sống dậy trong tim bạn, làm cho bạn tràn ngập niềm tri ân. Khi làm thế, tình yêu của bạn sẽ tự nhiên hướng đến người ấy. Bạn sẽ nhớ rằng, mặc dù bạn không luôn luôn cảm thấy mình đã được hưởng đầy đủ tình thương yêu, tuy vậy ít nhất bạn cũng đã từng có lần được yêu một cách chân thực. Bây giờ khi biết điều ấy bạn sẽ cảm thấy - như người kia đã làm cho bạn cảm thấy lúc đó - rằng bạn cũng đáng được yêu thương, và thực sự là rất dễ thương.

Bây giờ bạn hãy mở lòng ra để tình yêu tuôn tràn từ tim bạn, và trải tình yêu ấy lên khắp mọi loài. Hãy bắt đầu với những người gần nhất, rồi trải tình yêu đến thân hữu và những người quen biết, đến láng giềng, đến người xa lạ, đến những người bạn không ưa, hoặc thường gặp rắc rối với họ, rồi đến những kẻ mà bạn có thể xem như "kẻ thù" , cuối cùng là trải tình yêu khắp cả vũ trụ. Hãy để cho tình yêu ấy càng lúc càng rộng ra vô biên. Xả là một trong bốn phương diện cốt yếu (từ, bi, hỷ, xả) làm nên ước nguyện của tâm đại bi. Cái thấy của tâm "xả" vô tư, thấm nhuần khắp - thực sự là khởi điểm, là căn bản của con đường đại bi.

Bạn sẽ thấy pháp tu này mở ra một dòng suối từ tâm, nhờ đó mà bạn sẽ thấy nó gợi cảm cho sự sanh khởi tâm đại  bi (thương xót). Như đức Di Lặc đã bảo Asanga : "Nước đại bi chảy qua kênh lạch lòng từ" .

2- Ðồng thể đại bi : xem người như mình

Một phương pháp hiệu lực để khơi dậy tâm đại bi, như tôi đã nói là nghĩ người cũng như mình. Ðức Dalai Lama nói : "Chung quy, mọi con người đều giống nhau, làm bằng thịt, xương và máu. Tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc và tránh đau khổ. Hơn nữa, chúng ta đều có bình quyền được sung sướng. Nói tóm, thực là quan trọng để nhận ra chỗ giống nhau của chúng ta, là thân phận làm người" .

Hãy ví dụ bạn đang gặp khó khăn gay cấn với một người thân, như cha, mẹ, chồng, vợ, người yêu hay bè bạn. Ðiều hay nhất là bạn hãy xem người ấy như chính mình, một người cũng có những cảm xúc như mình, cũng muốn tránh đau khổ. Sự nghĩ đến người ấy như mình, sẽ làm cho bạn mở lòng ra với họ, đem lại cho bạn nhiều trí tuệ hơn để biết cách giúp đỡ. Nếu bạn xem người như mình, thì dễ mở ra và đem lại một ý nghĩa mới cho những mối tương quan. Hãy tưởng tượng mọi xã hội, quốc gia khởi sự nhìn nhau bằng cách ấy, thì cuối cùng chúng ta sẽ có được khởi nguyên của một nền tảng hòa bình vững chắc trên quả địa cầu, và sẽ có sự sống chung an lạc của mọi dân tộc.

3- Tâm đại bi : đổi địa vị mình với người khác

Khi một người đang khổ mà bạn không biết làm sao để giúp đỡ họ, bạn hãy đặt mình hoàn toàn vào địa vị của họ. Bạn hãy tưởng tượng một cách sống động, mình sẽ như thế nào nếu phải đau khổ như vậy, tự hỏi : "Tôi sẽ cảm thấy ra sao ? Tôi sẽ muốn bạn bè tôi đối xử với tôi như thế nào ? Tôi cần nhất cái gì nơi họ ?" .

Khi bạn đổi địa vị với họ như thế là bạn đang di chuyển lòng thương yêu của mình đối với mình thành ra lòng thương yêu người khác. Như vậy, đấy là cách rất hiệu nghiệm để nới lỏng kềm tỏa của ngã chấp, ngã ái và làm bung ra trọng tâm của lòng bi mẫn.

4- Dùng một người bạn để phát tâm

Một cách cảm động khác để khơi dậy đức bi mẫn đối với người đang đau khổ là tưởng tượng một trong những người mà bạn thương mến nhất, đang ở vị trí của người đau khổ ấy

Hãy tưởng tượng anh ruột, hay con gái, hay bà con, hay bạn thân của bạn đang ở trong hoàn cảnh đau khổ như thế, tự nhiên bạn sẽ mở lòng ra, và sự bi mẫn sẽ thức dậy : bạn không mong muốn gì hơn là giải thoát họ khỏi nỗi đau đớn. Bây giờ, bạn hãy di chuyển lòng bi mẫn đã được khơi dậy trong tâm bạn, và hướng nó về con người đang cần sự giúp đỡ của bạn. Khi ấy bạn sẽ thấy mình tự nhiên muốn giúp và dễ dàng hướng tâm đến việc giúp đỡ.

Ðôi khi người ta hỏi tôi : "Nếu tôi làm như vậy, liệu người thân mà tôi tưởng tượng đang đau khổ ấy có bị hại không ?”. Ngược lại, nếu bạn nghĩ về họ với niềm yêu thương, bi mẫn như thế, thì rất dễ có lợi cho họ, có thể làm cho họ hết khổ, hết cơn đau đớn mà họ có thể đã, đang hoặc sẽ trải qua. Nhờ bạn đem họ làm khí cụ để khơi dậy tâm bi mẫn, dù chỉ trong chốc lát, mà họ sẽ được vô vàn lợi ích. Vì họ đã góp phần giúp bạn mở lòng ra, phát tâm giúp đỡ người khác, nên công đức của hành vi ấy tự nhiên sẽ quay về cho họ.

Bạn cũng có thể hồi hướng công đức của hành vi ấy cho người bà con hay bạn của mình, người đã giúp bạn mở lòng ra. Bạn có thể mong sự an lạc đến với họ, và cầu nguyện trong tương lai họ sẽ hết khổ. Bạn sẽ biết ơn người bạn ấy, và người này cũng cảm thấy vui và tri ân bạn, nếu bạn cho họ biết là họ đã giúp cho bạn phát tâm đại bi.

Bởi thế khi bạn hỏi : "Làm như thế (tưởng tượng một người thân sắp chết hoặc ốm đau) thì người thân của tôi có hại gì không ?" là chứng tỏ bạn chưa thực sự hiểu thấu năng lực mầu nhiệm của tâm đại bi. Nó ban ân sủng và chữa lành mọi người liên hệ : người phát tâm, người làm khí cụ qua đó tâm đại bi được phát, và người mà tâm đại bi hướng đến. Như Shakerpeare nói qua lời Partia (trong vở kịch Merchant of Venice) :

Ðức tính của tình yêu không hạn cuộc

Rơi như mưa xuân từ trời cao

Xuống đến trần gian nó ban ân sủng

Ðến người cho, cũng như kẻ nhận...

Tâm đại bi là viên ngọc châu như ý mà ánh sáng chữa lành tất cả bệnh tỏa khắp muôn phương.

Có một câu chuyện rất đẹp chứng minh điều này mà tôi yêu thích. Ðức Phật có lần kể chuyện tiền thân của Ngài, trước khi Ngài đạt chánh giác. Một vị vua có ba con trai, đức Phật trong kiếp ấy là con út, tên gọi là Ðại hữu tình. Ðại hữu tình bẩm chất rất từ bi, xem tất cả muôn loài như con đẻ. Một hôm, khi vua và đình thần vào rừng cắm trại, ba vị hoàng tử đi chơi trong rừng sâu. Họ gặp một con hổ cái đã sinh con, đang quá đói đến nỗi sắp ăn thịt bầy hổ con của nó. Ð?i hữu tình hỏi các anh :

“Con cọp mẹ cần ăn cái gì bây giờ để lai tỉnh ?” .

Họ trả lời : "Chỉ có thịt và máu tươi" .

"Ai có thể cho nó thịt và máu để cứu sống nó và đàn con nó ?"

"Quả thế, ai nhỉ ?" . Các anh trả lời.

Ðại hữu tình rất xúc động trước nỗi đau đớn của con hổ cái và đàn con. Ông nghĩ : "Ðã bao lâu ta lang thang không mục đích qua dòng sanh tử, hết đời này đến đời khác, và vì tham sân si ta đã không làm được gì để giúp đỡ chúng sanh. Ðây là một cơ hội lớn cho ta" .

Các hoàng tử sắp trở về lại chỗ cha mẹ, nhưng Ðại hữu tình nói : "Hai anh đi về trước đi, em sẽ theo kịp” .

Lặng lẽ, Ngài bò tới con hổ đói, đến thẳng nơi nó, nằm xuống trước mặt nó để hiến mình làm thực phẩm cho hổ. Hổ cái nhìn Ngài nhưng quá yếu đến nỗi không thể mở miệng. Bởi thể, vị hoàn tử tìm một cây gậy nhọn, chọc thủng một lỗ sâu nơi thân mình cho máu vọt ra. Con hổ liếm máu ấy rồi mới đủ sức há miệng ra mà ăn thịt Ngài.

Ðại hữu tình đã đem thân cho con hổ cái ăn thịt để cứu sống bầy con nó, và do công đức của tâm đại bi ấy, Ngài đã tái sinh lên các cõi cao hơn, và cuối cùng đạt giác ngộ, thành Phật. Nhưng không phải qua hành vi ấy Ngài chỉ làm lợi ích cho chính Ngài thôi ; năng lực đại bi nơi Ngài còn tịnh hóa con hổ cái và bầy con của nó thoát khỏi ác nghiệp, và khỏi nợ nghiệp mà chúng có thể mắc Ngài do Ngài cứu chúng. Vì hành vi bi mẫn quá mãnh liệt ấy đã tạo một dây nối lâu xa về sau : mẹ con hổ đã thác sinh làm 5 đệ tử đầu tiên của Ngài sau khi Ngài thành đạo. Câu chuyện này cho ta thấy năng lực của tâm đại bi thật bao la mầu nhiệm xiết bao.

5- Làm sao để thiền quán tâm Bi

Nhưng như tôi đã nói, khơi dậy năng lực tâm bi mẫn này trong ta không phải luôn luôn dễ dàng. Tôi tự thấy những cách đơn giản nhất lại là cách trực tiếp và hiệu nghiệm nhất. Mỗi ngày, cuộc sống đem lại cho ta vô số cơ hội để mở lòng ra, chúng ta chỉ cần tóm lấy chúng : một bà già đi qua trước mặt bạn với vẻ cô đơn buồn bã, gân chân bong lên, hai tay khó nhọc xách hai túi đầy ; một ông già đang lê gót trước mặt bạn vào bưu điện ; một bé trai chống nạng đang bối rối cố băng qua đường trong một buổi chiều kẹt xe ; một con chó chảy máu gần chết nằm trên đường ; một cô bé ngồi khóc nức nở trong tàu hầm. Bật truyền hình lên có lẽ bạn sẽ thấy ngay một bà mẹ ở Beyrut quỳ bên xác con, một bà ngoại ở Moscou chỉ vào bát cháo duy nhất trong ngày, đang lo ngày mai không được như thế ; hoặc một em bé mắc phải Sida ở Roumanie đang nhìn bạn với đôi mắt cạn hết sức sống. Bất cứ một cảnh nào trên đây cũng có thể mở con mắt lòng bạn ra trước thực trạng khổ đau lớn rộng của loài người. Ðừng xao lãng tình thương, nỗi buồn đau mà cảnh ấy gợi cho bạn. Trong lúc bạn cảm thấy lòng bi thương dâng trào, thì đừng có dẹp nó xuống, rũ sạch nó đi, và cố quay về thật nhanh trạng thái "bình thường" của bạn. Ðừng sợ cảm xúc, đừng lúng túng vì nó, hoặc làm khuây lãng nó, để trở thành vô cảm. Hãy bén nhạy với nỗi thương tâm : hãy xử dụng sự dâng trào tâm xót xa ấy, tập trung vào nó, thiền quán thật sâu về nó. Khi làm thế, bạn sẽ nhận thấy lâu nay mình thật đui mù trước cảnh khổ đau làm sao, rằng cái khổ đau bạn kinh quá hay trông thấy, chỉ là một phần bé nhỏ của nổi khổ nhân loại. Tất cả mọi loài ở khắp nơi đều khổ, hãy để lòng bạn đi ra, đến với tất cả trong niềm bi mẫn tự nhiên và vô lượng, và hướng sự bi mẫn ấy, cùng với ân sủng chư Phật, đến việc giảm bớt thống khổ ở khắp nơi.

Ðức bi mẫn là một điều lớn lao cao cả, hơn sự thương hại rất nhiều. Lòng thương hại có gốc rễ trong nỗi sợ hãi và cảm thức kiêu căng, bề trên, đôi khi là một cảm giác nhẹ nhõm ngụ ý "may thay ta không bị" . Stephen Levine nói : “Khi bạn chạm xúc nỗi đau của người nào với sự sợ hãi, thì đó là lòng thương hại ; với tình thương thì đó là lòng bi mẫn" . Tập luyện đức bi mẫn là ý thức rõ mọi loài chúng sanh đều bình đẳng và đau khổ như nhau, tôn trọng những người đau khổ , và biết bạn không khác gì, không hơn gì bất cứ ai.

Bởi vậy, phản ứng đầu tiên của bạn khi thấy người nào đau khổ, trở thành - không chỉ là thương hại - lòng bi mẫn sâu xa. Bạn còn cảm thấy niềm kính trọng, tri ân đối với họ, vì họ giúp bạn phát triển cái đức tính mà bạn cần nhất trên đường tiến đến giác ngộ. Bất cứ ai với sự đau khổ của họ đã nhắc nhở bạn phát tâm đại bi, thì quả là họ đem cho bạn một món quà quý nhất. Bởi thế, ở Tây Tạng chúng tôi nói người ăn xin xin bạn tiền, hay bà già ốm đau làm bạn thương tâm, có thể là Phật trá hình hiện ra để giúp bạn tăng trưởng tâm đại bi, và nhờ thế mà tiến đến cõi Phật.

6- Làm sao hướng tâm đại bi của bạn

Khi bạn thiền quán sâu xa về đại bi tâm, thì trong bạn sẽ phát sinh một quyết định mạnh mẽ muốn làm nhẹ bớt khổ đau cho muôn loài, và một ý thức trách nhiệm mãnh liệt đối với mục tiêu cao quý ấy. Vậy có hai cách để hướng tâm đại bi và làm cho nó trở nên tích cực.

Cách thứ nhất là cầu nguyện với chư Phật và các bậc giác ngộ, tự tâm khảm sâu xa của bạn, rằng mọi sự bạn làm, nói và nghĩ đều đem lại lợi ích, hạnh phúc cho hữu tình. Lời một bài kinh có câu : "Cho con được hữu ích" . Hãy cầu nguyện sao cho bạn làm lợi lạc mọi người nào tiếp xúc bạn, và giúp họ chuyển hóa được nỗi khổ và cuộc đời của họ.

Cách thứ hai và cách phổ quát, là hướng tâm đại bi đến tất cả hữu tình bằng cách hồi hướng tất cả thiện nghiệp của bạn, sự tu tập của bạn, cho sự an vui hạnh phúc của hữu tình, và nhất là cho họ tiến đến giác ngộ. Vì khi thiền quán sâu xa về tâm đại bi, bạn sẽ nhận chân rằng cách duy nhất để bạn có thể giúp đỡ trọn vẹn chúng sanh là chính bạn phải đạt giác ngộ. Từ đó phát sinh một quyết định và tinh thần trách nhiệm đại đồng, và ước nguyện đại bi khởi lên nơi bạn - mong muốn đạt giác ngộ để lợi lạc tất cả hữu tình.

Ước nguyện đại bi ấy, Phạn ngữ gọi là Bồ-đề tâm (Bodhicitta). Bodhi là tính giác của chúng ta, còn citta là tâm. Vậy có thể dịch là "cái trọng tâm hay trái tim của tâm giác ngộ" . Ðánh thức và phát triển trọng tâm của tâm giác ngộ đó tức là làm cho chín mùi hạt giống Phật tính, cái hạt giống - mà khi sự luyện tập về đại bi đã trở nên toàn hảo, bao trùm khắp - sẽ đơm hoa kết trái thành quả Phật. Bồ-đề tâm như vậy là gốc rễ, suối nguồn của toàn thể con người tu tập Ðó là lý do mà truyền thống chúng tôi tha thiết cầu nguyện như sau :

Mong ai chưa phát Bồ-đề tâm thì hãy phát

Ai đã phát Bồ-đề tâm rồi

Mong cho Bồ-đề tâm ấy ngày càng tăng.

Và đấy là lý do Shatideva ca tụng Bồ-đề tâm như sau :

Ðấy là vị cam lồ tối thượng thắng lướt cả uy thế của thần chết.

Ðó là kho tàng vô tận, trừ diệt nghèo khó trong thế gian,

Ðó là vị thuốc hay làm dịu cơn đau cuộc đời.

Ðó là tàng đại thụ che chở muôn loài lang thang mỏi mệt trên đường sinh tử.

Ðó là cây cầu lớn đưa đến giải thoát các đọa xứ.

Ðó là vầng trăng mới mọc trong tâm, xua tan phiền não của phân biệt.

Ðó là mặt trời vĩ đại xóa   sạch mây mù vô minh của thế nhân.

 Những giai đoạn của Tonglen

Bây giờ sau khi đã giới thiệu nhiều phương pháp khởi tâm đại bi, và sự quan trọng cùng năng lực của tâm ấy, tôi có thể trình bày cho bạn pháp môn Tonglen một cách hữu hiệu hơn. Vì bây giờ bạn đã có được động lực, sự hiểu biết, và khí cụ để làm việc ấy, để lợi lạc nhất cho chính bạn và cho tất cả người khác. Tonglen là một pháp môn trong đạo Phật, nhưng tôi tin chắc bất cứ ai cũng có thể làm. Dù bạn không tin theo tôn giáo nào, tôi cũng đề nghị bạn cứ thực tập mà xem. Tôi đã thấy Tonglen có lợi ích rất lớn.

Nói rất đơn giản, thì Tonglen, pháp môn "cho và nhận" là rước vào đau đớn khổ sở của những người khác, và ban cho họ hạnh phúc của bạn, niềm an lạc, thoải mái của bạn. Cũng như một phương pháp thiền đã giải thích trước đây, Tonglen xử dụng trung gian là hơi thở. Geshe Chekhawa viết : "Cho và nhận cần thực tập xen kẽ. Sự xen kẽ này nên đặt vào trung gian là hơi thở".

*

 Tôi biết bằng chính kinh nghiệm bản thân, thật khó mà tưởng tượng rước vào đau khổ của người khác, nhất là người bệnh và người sắp chết, nếu trước đấy bạn không xây dựng trong bạn một năng lực và niềm tin vào đại bi tâm. Chính năng lực và niềm tin này sẽ đem lại cho bạn cái khả năng để chuyển di khổ đau của họ.

Ðây là lý do tôi luôn khuyên bạn khởi sự thực tập Tonglen trên chính mình trước khi làm cho người khác. Trước khi bạn trải từ bi đến người khác, bạn hãy mở lòng từ bi, làm cho sâu sắc, tăng cường nó ngay trong chính bạn, và chữa cho bạn khỏi sự dè dặt, lo buồn, giận dữ, sợ hãi có thể gây chướng ngại trên đường thực hành Tonglen.

Qua nhiều năm, một phương pháp giảng dạy Tonglen đã được phát triển, mà các học viên của tôi đã cho là rất bổ ích và có hiệu lực chữa trị. Có 4 giai đoạn.

Pháp tu Tonglen sơ khởi

Cách hay nhất tu tập pháp này hay bất cứ pháp nào của Tonglen là khởi đầu bằng cách gợi lên tự tánh tâm và an trú trong đó : Khi bạn an trú tự tánh của tâm và thấy mọi sự một cách trực tiếp là "trống không", như huyễn, như mộng, tức là bạn đang trú trong trạng thái gọi là "tuyệt đối” hay “Bồ-đề tâm tuyệt đối”, trái tim của tâm giác ngộ. Giáo lý ví tâm Bồ-đề tuyệt đối này với một kho tàng bất tận của bố thí ; và tâm đại bi, khi được hiểu trong ý nghĩa sâu xa nhất của nó, chính là tia sáng tự nhiên của tự tính tâm, phương tiện thiện xảo vươn lên từ trái tim của trí giác.

Hãy khởi sự ngồi, và đưa tâm về nhà. Hãy để cho tất cả ý tưởng của bạn an vị, đừng mời mọc chúng, cũng đừng theo dõi chúng. Nhắm mắt lại nếu bạn muốn. Khi nào bạn cảm thấy thực sự an tịnh, tập trung, thì bạn khởi động chút xíu và bắt đầu pháp tu.

1- Tonglen cho hoàn cảnh

Chúng ta đều biết trạng thái và bầu không khí của tâm ta có một mãnh lực lớn đối với ta. Hãy ngồi với tâm bạn và cảm thọ trạng thái tâm và bầu không khí của nó. Nếu bạn cảm thấy trạng thái ấy là khó chịu, hay bầu không khí tối tăm, thì bạn hãy hít vào, hãy thấm vào trong tâm bất cứ gì bất thiện, và khi bạn thở ra, trong tâm đưa ra sự an tịnh, sáng sủa, niềm vui, như vậy bạn có thể thanh lọc, chữa lành bầu không khí và môi trường trong tâm bạn. Ðấy là lý do tôi gọi giai đoạn này là thực tập "Tonglen hoàn cảnh".

2- Tonglen tự ngã

Vì mục đích sự tập luyện, bạn hãy chia con người bạn ra hai khía cạnh A và B. A là khía cạnh lành mạnh trong bạn, khía cạnh bi mẫn, yêu thương ấm áp, như một người bạn chân tình, thực sự muốn ở đấy vì bạn, rất sẵn sàng, cởi mở, không bao giờ phê phán bạn, dù bạn có lỗi lầm nào. B là khía cạnh của bạn đã bị tổn thương, cảm thấy bị hiểu lầm, bất mãn, cay đắng, giận dữ, có thể chẳng hạn lúc nhỏ đã bị đối xử bất công, bị lợi dụng, hoặc đã khổ đau trong các mối tương quan bạn bè, bị xã hội ruồng rẫy.

Bây giờ, khi bạn hít vào, hãy tưởng tượng A đang hoàn toàn mở lòng ra, từ bi chấp nhãn và ôm choàng mọi đau khổ, tiêu cực, tổn thương của B. Cảm động vì điều này, B mở lòng ra, và tất cả đau khổ tiêu tan trong cái ôm của lòng bi mẫn ấy.

Khi bạn thở ra, hãy tưởng tượng A gửi đến B tất cả niềm yêu thương tin cậy, tiện nghi, hạnh phúc và niềm hỷ lạc.

3- Tonglen trong một hoàn cảnh sống

Hãy tưởng tượng ra một hoàn cảnh trong đó bạn đã hành động rất quấy, một hoàn cảnh trong đó bạn cảm thấy phạm tội, làm bạn không muốn nghĩ tới.

Khi bạn hít vào, hãy nhận biết trách nhiệm về hành vi bạn trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, không cố biện minh cho hành vi của bạn. Hãy nhận chân rằng bạn đã làm sai, và tha thiết cầu tha thứ. Bây giờ, khi thở ra, bạn hãy tuôn ra sự hòa giải, tha thứ, hàn gắn, cảm thông.

Cứ như thế, hít vào sự quở trách, thở ra sự giải trừ tai hại ; hít vào trách nhiệm, thở ra sự chữa lành, tha thứ và hòa giải.

Thực tập này rất hiệu nghiệm, có thể cho bạn cái can đảm đi đến thăm người mà bạn đã làm tổn thương, cho bạn sức mạnh và thiện chí để nói thẳng với họ và thực sự xin lỗi họ từ đáy lòng bạn.

4- Tonglen cho người khác

Hãy tưởng tượng một người mà bạn cảm thấy rất gần gũi, nhất là một người đang đau khổ. Khi thở vào, tưởng tượng bạn thở vào tất cả đau khổ của họ với tâm đại bi, và khi thở ra, bạn gở đến nơi họ niềm thân thiết, hàn gắn, yêu thương, niềm vui, hạnh phúc.

Cũng như trong thực tập về tâm từ, hãy nới rộng dần dần phạm vi của bi tâm bao gồm trước nhất những người thân, rồi đến những người dưng, rồi đến những người bạn ít ưa, thường gặp rắc rối với họ, và cuối cùng cả đến những người mà bạn cho là quỷ quái, tàn bạo thực sự. Hãy để cho bi tâm của bạn lan khắp không chừa một ai :

Hữu tình vô lượng như hư không

Mong tất cả đều dễ dàng chứng được tự tính

Mong cho mỗi chúng sanh trong sáu đường

Ðã từng là cha mẹ tôi trong đời này hay đời khác đều đạt đến thật địa, sự toàn hảo tối sơ.

Trong đoạn này tôi đã đưa ra đường lối thực hành toàn diện để chuẩn bị cho pháp Tonglen chính thức, mà bạn sẽ thấy bao hàm một tiến trình quán tưởng phong phú hơn nhiều. Thực tập sơ khởi này làm việc với thái độ tâm thức của bạn, khiến bạn chuẩn bị mở lòng ra và gợi cảm hứng cho bạn.

Không những nó giúp bạn chữa lành hoàn cảnh tâm bạn, nỗi đau khổ quá khứ của bạn, và khởi sự giúp ích mọi hữu tình nhờ bi tâm của bạn, mà nó còn giúp bạn thân thiết, quen thuộc, an trú tiến trình "cho và nhận" trong phép Tonglen chính thức.

Pháp Tonglen chính thức

Trong phép "cho và nhận", chúng ta nhận vào, qua tâm đại bi - tất cả đau khổ thân tâm của mọi hữu tình - nỗi sợ hãi, bất mãn, đau đớn, giận dữ, tội lỗi, cay đắng, hoài nghi, điên tiết ; và chúng ta cho họ, qua tâm đại từ, tất cả hạnh phúc, sự thoải mái, an tâm, chữa lành và sự thành tựu của ta.

1- Trước khi thực tập, ngồi yên tĩnh và đưa tâm về nhà. Rồi xử dụng bất cứ phương pháp nào đã chỉ, mà thích hợp với bạn. Hãy thiền quán sâu xa về tâm đại bi. Triệu thỉnh tất cả Phật, Bồ-tát, thánh chúng, để nhờ ân phước các ngài, mà tâm bạn có thể phát sinh đại bi.

2- Hãy tưởng tượng trước mặt bạn - càng sống động càng tốt - một người thân đang đau khổ, hãy cố tưởng đến mọi khía cạnh của cơn đau và nỗi buồn khổ của họ. Khi đã thấy tâm mình mở ra với họ trong niệm đại bi, bạn hãy tưởng tượng tất cả khổ đau của họ nhóm tụ thành một khối lớn khói nóng màu đen.

3- Bây giờ, hãy quán tưởng khi bạn thở vào, luồng khói đen ấy tan ra theo hơi thở của bạn và đi vào cốt lõi của ngã chấp trong tim bạn. Ở đấy nó hoàn toàn phá hủy mọi dấu vết của ngã ái, và nhờ vậy tịnh hóa tất cả ác nghiệp trong bạn.

4- Tưởng tượng, vì ngã ái của bạn đã bị phá hủy, nên cốt lõi của tâm giác ngộ, tức Bồ-đề tâm được hoàn toàn hiển bày. Vậy, khi thở ra, hãy quán tưởng bạn đang gởi đến người bạn đang đau khổ của bạn, tia sáng mát dịu của hỷ lạc, hạnh phúc, bình an, và ánh sáng ấy đang tịnh hóa mọi ác nghiệp của họ.

Theo Shantieva, bạn hãy quán tưởng Bồ-đề tâm đã chuyển hóa tim bạn, toàn thân, toàn thể bạn thành một viên bảo châu như ý có thể ban cho ai bất cứ gì họ mong muốn, và cung cấp đúng cái gì họ đang cần. Tâm đại bi là viên bảo châu như ý, vì nó sẵn có năng lực đem lại cho mỗi hữu tình cái mà nó cần nhất, để giảm bớt đau khổ và đem lại cho họ sự viên mãn chân thực.

5- Như vậy, khi ánh sáng của Bồ-đề tâm bạn tuôn ra đến nơi người đang khổ, thì điều cốt yếu là bạn phải tin chắc mọi nghiệp ác của y đã sạch, và cảm thấy một niềm vui sâu xa bền bỉ vì người ấy đã thoát khổ hoàn toàn.

Khi tiếp tục thở vô ra bình thường, bạn hãy tiếp tục tập luyện như thế. Thực tập đối với một người thân đau khổ giúp bạn nới rộng dần phạm vi của lòng bi mẫn để chịu thay đau đớn và tịnh hóa nghiệp ác của tất cả hữu tình, đem cho họ tất cả hạnh phúc, hỷ lạc, an bình của bạn. Ðây là mục tiêu kỳ diệu của pháp môn Tonglen, và trong nghĩa rộng, của toàn thể con đường đại bi.

 Tonglen cho một người sắp chết

Bây giờ, tôi nghĩ các bạn đã thấy Tonglen có thể đặc biết hướng về người sắp chết như thế nào, nó đem lại cho bạn sức mạn và lòng tin như thế nào khi bạn giúp đỡ người sắp chết ; và nó có thể cống hiến cho người ấy lợi ích thực tiễn chuyển hóa ra sao.

Tôi đã nói đến pháp Tonglen chính thức. Bây giờ bạn thay vì quán tưởng người thân đang đau đớn, hãy quán tưởng người sắp chết. Hãy trải qua các giai đoạn đúng như trong pháp Tonglen chính thức. Trong pháp quán phần 3, hãy tưởng tượng mọi khía cạnh của nỗi đau đớn nơi người sắp chết, nỗi sợ hãi của họ, tất cả tụ lại thành một đống khói đen nóng ghê rợn, mà bạn thở vào, và khi làm thế, hãy quán bạn đang phá hủy ngã chấp, ngã ái, và thanh lọc tất cả nghiệp ác nơi bạn.

Rồi cũng như trên, khi thở ra, bạn quán ánh sáng của tâm Bồ-đề đang tỏa đến người sắp chết, đem lại bình an, thoải mái, và thanh lọc mọi ác nghiệp nơi họ.

Vào mọi lúc trong đời, chúng ta đều cần tình thương, nhưng không lúc nào cấp thiết cho bằng lúc ta đang chết. Còn món quà an ủi mầu nhiệm nào hơn cho người sắp chết khi họ biết mình đang cầu nguyện cho họ, đang hóa giải hết khổ đau của họ và tịnh hóa ác nghiệp họ bằng cách thực hành pháp "chịu thay" cho họ ?

Dù họ không biết bạn đang tu tập cho họ, bạn vẫn là đang giúp họ, đồng thời họ đang giúp bạn. Họ đang thực sự giúp bạn phát triển tâm đại bi, và nhờ thế bạn thanh lọc bản thân, chữa lành chính bạn. Với tôi, mỗi người sắp chết là một vị thầy đem lại cho tất cả những người giúp đỡ vị ấy một cơ hội để tự chuyển hóa nhờ phát triển tâm đại bi.

 Bí quyết thánh linh

Bạn có thể tự hỏi : “Nếu tôi chịu thay tất cả đau đớn khổ sở của người khác, liệu tôi có tự hại mình chăng ?”. Nếu bạn còn chút do dự nào, và cảm thấy chưa đủ năng lực, can đảm hay đại bi để thực tập Tonglen một cách nhiệt tâm, thì đừng lo lắng. Bạn chỉ cần tưởng mình đang làm việc ấy, tự nhủ trong tâm : "Khi thở vào, tôi đang mang vào đau khổ của bạn tôi hay người khác ; và khi thở ra, tôi đang đem cho họ hạnh phúc và bình an" . Chỉ cần làm thế cũng tạo một khí hậu trong tâm, khiến bạn dễ dàng khởi sự thực tập Tonglen một cách trực tiếp.

Nếu bạn do dự hoặc không thể làm trọn vẹn sự tu tập, bạn cũng có thể làm phép "chịu thay" dưới dạng một lời cầu nguyện, ước vọng sâu xa muốn giúp đỡ cho hữu tình. Bạn có thể cầu, chẳng hạn : "Mong cho con có thể chịu thay người khác ; mong sao con có thể cho họ niềm an lạc hạnh phúc của con". Sự cầu nguyện này sẽ tạo điều kiện tốt lành để đánh thức khả năng thực hành "chịu thay" của bạn về sau.

Ðiều duy nhất bạn nên biết chắc, đó là pháp Tonglen chỉ có làm hại cho một cái đã hại bạn nhiều nhất, đó là ngã ái, ngã thủ nơi bạn, gốc rễ của đau khổ. Nếu bạn thực tập thường xuyên, ngã chấp ấy sẽ yếu dần, và bản tính chân thực, tâm đại bi sẽ có cơ hội xuất đầu lộ diện, càng ngày càng mạnh. Tâm đại bi của bạn càng mạnh càng lớn, thì niềm tin, đức vô úy nơi bạn càng sâu xa. Bởi thế tâm đại bi lại hóa ra là tài nguyên lớn nhất của bạn, sự che chở bảo đảm nhất. Shantideva nói :

Ai muốn nhanh chóng có được sự che chở

Cho cả mình lẫn người

Thì hãy thực hành bí quyết thánh linh :

Chịu thay khổ đau và ban vui kẻ khác.

Bí quyết linh thiêng của pháp Tonglen này là một pháp mà mọi bậc thánh và đạo sư của mọi truyền thông đều biết, sống và thể hiện nó. Và chính sự từ bỏ, cùng với nhiệt tình của trí tuệ và đại bi chân thực, đã làm cho đời họ tràn đầy hỷ lạc.

Một tấm gương hy sinh cho người ốm và người chết, tỏa sáng niềm vui của "cho và nhận" ngày nay là Mẹ Teresa. Không lời nào diễn tả tinh túy của Tonglen hay hơn lời của bà : "Tất cả chúng ta đều mong mỏi được lên thiên đường với Chúa, nhưng có điều là chúng ta đều có khả năng ở thiên đường với Chúa ngay lúc này. Và sống hạnh phúc với Chúa ngay bây giờ có nghĩa là :

Yêu thương như ngài yêu thương

Giúp đỡ như ngài giúp đỡ

Cho như ngài cho

Phụng sự như ngài phụng sự

Cứu giúp như ngài cứu giúp

Ở với ngài trọn hăm bốn tiếng

Sờ hóa thân của ngài dưới dạng đau thương.

Một tình yêu rộng lớn như thế đã chữa lành những người bệnh cùi của Geshe Chekhawa ; nó cũng có thể giúp chữa chúng ta khỏi một căn bệnh nguy hiểm hơn thế : bệnh vô minh, mà nhiều đời kiếp đã ngăn che ta trực nhận tự tánh tâm, ngăn cản ta giải thoát.

 

Mục lục | Lời giới thiệu của Đức Dalai Lama | Lời nói đầu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | Phụ lục 1: Vấn đáp về sự chết | Phụ lục 2: Hai mẫu chuyện | Phụ lục 3: Hai bài thần chú |

Chúng tôi chân thành cảm ơn hai vị Phật tử Hải Hạnh và Ngọc Sương đã phát âm đánh máy gởi sách này về cho ban biên tập.

 


Vào mạng: 1-1-2005

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang