- TẠNG THƯ SỐNG-CHẾT
- THE TIBETAN BOOK OF LIVING
AND DYING
Sogyal Rinpoche
16- Nền tảng
Chúng ta thường
nghe những câu nói như : "Chết là lúc nói sự thật" , hay "Chết
là thời điểm ta đối mặt với chính ta”. Như ta đã thấy những người
qua kinh nghiệm cận tử đôi khi kể lại rằng họ chứng kiến cả cuộc
đời họ quay lại trước mắt, và họ được hỏi những câu như : “Ngươi
đã làm gì với cuộc đời ngươi ? Ngươi đã làm gì cho người khác
?" . Tất cả những chuyện này ám chỉ một điều duy nhất rằng : khi
chết, ta không thể tránh thoát đối diện với sự thật ta là ai, ta là
gì ? Dù ta muốn hay không, bản chất thực của ta cũng hiển lộ. Nhưng điều
quan trọng cần biết là có hai khía cạnh con người của ta hiển lộ vào
lúc chết : bản chất tuyệt đối của ta và bản chất tương đối - ta hiện
tại như thế nào, và đã như thế nào, trong cuộc đời.
Như tôi đã giải thích, khi chết tất
cả những hợp thể của thân tâm ta đều bị tước bỏ, phân tán. Khi
thân xác chết, giác quan và đại chủng vi tế tan rã, tiếp theo đó là
cái chết của các khía cạnh tâm thông thường (nhãn thức,v.v... - DG), với những cảm xúc tiêu cực của nó như tham, sân, si.
Cuối cùng không còn gì để che mờ bản chất thực của ta, vì mọi thế
sự vây phủ cái tâm giác ngộ đã rơi rụng. Và khi ấy, cái được hiển
bày là nền tảng tối sơ của bản chất tuyệt đối chúng ta, như một bầu
trời trong sáng không mây.
Ðiều này gọi là sự xuất hiện
Ánh sáng Căn bản, hay "Ðiểm Linh Quang", khi chính tâm thức cũng
tan vào trong không gian bao la của chân lý. Tử Thư Tây Tạng nói về giây
phút này như sau :
Bản chất vạn pháp là khoáng đạt,
trống rỗng, trơ trụi như bầu trời.
Sự trống rỗng sáng chói, không
có tâm điểm hay chu vi : Tính giác của tâm, hay Rigpa, xuất hiện.
Padmasambhava mô tả ánh sáng ấy như
sau :
Ðiểm Linh quang tự sinh ấy, từ
khởi thủy chưa từng sinh.
Là con đẻ của Rigpa, tự nó không
cha mẹ - lạ lùng thay !
Trí tuệ tự sinh ấy chưa từng
được ai tạo ra - lạ lùng thay !
Nó chưa từng sinh, và không gì
trong nó để gây ra sự chết - lạ lùng thay !
Nó thấy, mà không ai là người thấy
nó - lạ lùng thay !
Nó du hành qua sinh tử mà không hại
gì - lạ lùng thay !
Nó thấy Phật tính, nhưng cũng không
lợi gì - lạ lùng thay !
Nó hiện hữu trong mọi người, mọi
nơi, mà không ai nhận ra nó - lạ lùng thay !
Người ta lại mong đạt một kết
quả nào khác bên ngoài - lạ lùng thay !
Mặc dù nó là vật của bạn, bạn
lại đi tìm nó ở chỗ khác - lạ lùng thay !
Vì sao trạng thái ấy được
gọi là "ánh sáng" hay "Ðiểm linh quang" ? Các bậc thầy
có nhiều cách giải thích khác nhau. Có vị bảo rằng nó biểu thị sự
sáng chói của tự tánh tâm hoàn toàn thoát khỏi bóng tối mê mờ
"thoát khỏi bóng tối vô tri và có được khả năng trí giác”. Một
bậc thầy khác tả ánh sáng hay linh quang là "một trạng thái ít phân
tán nhất" , vì tất cả đại chủng, giác quan, đối tượng giác quan
đã tan rã. Ðiều quan trọng là xin đừng lẫn lộn nó với ánh sáng vật
lý mà ta biết, hay những kinh nghiệm về ánh sáng mà ta sẽ thấy trong Bardo
kế tiếp. Ánh sáng khởi lên vào lúc chết là tia tự chiếu của tính
giác Rigpa trong ta, "tự tánh vô vi hiện diện suốt trong sinh tử và niết
bàn" .
Sự xuất hiện Ánh sáng Căn bản
hay Ðiểm linh quang vào lúc chết là cơ hội ngàn năm một thuở để giải
thoát. Nhưng điều cốt yếu là phải nhận ra cơ hội ấy được cống hiến
cho ta trong những điều kiện như thế nào. Một vài nhà văn và nhà nghiên
cứu tân thời về cái chết đã coi thường sự sâu sắc của giây phút
ấy. Vì họ đã đọc và giải thích Tử Thư Tây Tạng mà không được sự
chỉ giáo khẩu truyền, không tu tập để hiểu ý nghĩa thiêng liêng của
nó, nên họ đã đơn giản hóa quá mức và nhảy bổ đến những kết luận
vội vàng. Họ cho rằng sự xuất hiện Ánh sáng Căn bản chính là giác ngộ.
Tất cả chúng ta đều ưa đồng hóa cái chết với thiên đường hay giác
ngộ ; nhưng điều quan trọng hơn sự mong ước ấy là phải biết rằng chỉ
khi chúng ta đã thực sự được khai ngộ bản tâm, hay Tính giác Rigpa, chỉ
khi chúng ta đã an trú nó nhờ thiền định và thể nhập nó trong đời sống
hàng ngày của ta, thì cái thời điểm chết mới thực sự đem lại một
cơ hội để giải thoát.
Mặc dù Ánh sáng Căn bản hiện ra
cho tất cả chúng ta một cách tự nhiên, song phần đông chúng ta hoàn toàn
không sẵn sàng để đón nhận tính bao la thuần túy của nó, chiều sâu rộng
vi tế, tính giản dị sơ nguyên của nó. Ða số chúng ta không có cách gì
để nhận ra nó, vì trong đời chúng ta chưa từng quen thuộc với những
phương thức nhận ra nó. Khi ấy, điều xảy đến là, theo bản năng, chúng
ta có khuynh hướng phản ứng lại do những nỗi sợ hãi quá khứ của ta,
do tập quán, hoàn cảnh, tất cả những phản xạ cũ của ta. Mặc dù những
cảm xúc tiêu cực có chết đi thì Ánh sáng Căn bản mới xuất hiện, song
tập quán của nhiều đời vẫn còn, ẩn nấp trong hậu trường của tâm
phàm tình chúng ta. Mặc dù mọi rối ren mờ mịt của chúng ta chết đi lúc
thân ta chết, song thay vì quy phục, đón nhận ánh sáng, thì vì sợ hãi và
vô minh, chúng ta lùi lại, và theo bản năng bám lấy những gì ta đã từng
bám giữ.
Ðấy chính là nguyên nhân ngăn cản
chúng ta lợi dụng thời điểm mãnh liệt này làm cơ hội giải thoát.
Padmasambhava nói : "Tất cả hữu tình đã sống và chết vô số lần.
Chúng đã nhiều lần kinh nghiệm Ánh sáng khôn tả này, nhưng vì bóng tối
vô minh làm mờ mịt, chúng vẫn lang thang bất tận trong sinh tử" .
Nền tảng của tâm phàm tình
Tất cả những khuynh hướng tập
quán ấy, hậu quả của ác nghiệp chúng ta, tuôn phát từ vô minh, được
chất chứa trong nền tảng của tâm phàm tình. Tôi vẫn thường không biết
lấy gì làm ví dụ thích hợp để mô tả nền tảng tâm phàm tình. Bạn
có thể ví dụ nó với một cái bọt thủy tinh trong suốt, một tấm màn rất
mỏng manh che mờ toàn thể tâm ta, song có lẽ hình ảnh hay nhất là một
cái cửa kính. Tưởng tượng bạn đang ngồi trước một cửa kính dẫn ra
vườn, nhìn qua cửa để ngắm trời. Dường như không có gì giữa bạn
và bầu trời, vì bạn không thể trông thấy mặt gương. Nhưng nếu bạn
đứng dậy đi ra vườn, bạn có thể đụng lỗ mũi của bạn vào tấm
kính, vì tưởng là không có gì. Khi va chạm, bạn mới thấy có vật gi ở
đấy giữ lại dấu tay bạn, một cái gì đứng chắn giữa bạn và không
gian bên ngoài.
Cũng thế, nền tảng tâm phàm tình
ngăn chúng ta không đi vào bản chất tuyệt đối như bầu trời của tâm,
dù chúng ta vẫn thoáng thấy nó. Như tôi đã nói, các bậc thầy giải
thích rằng có mối nguy là những thiền giả có thể lầm lẫn nền tảng
tâm phàm tình với tính giác đích thực của tâm. Khi họ an trú trong một
trạng thái an tĩnh vắng lặng, thì có thể họ chỉ an trú trong nền tảng
tâm phàm tình. Ðấy là sự khác nhau giữa nhìn trời từ một vòm kính,
và đứng ra giữa trời mà nhìn. Chúng ta phải phá vỡ hoàn toàn nền tảng
của tâm phàm, để khám phá và thở bầu không khi tươi mát của Tính
giác Rigpa.
Bởi thế, mục đích mọi sự tu tập
của chúng ta là chuẩn bị thực sự cho lúc chết, là thanh ọc cái rào ngăn
vi tế ấy, dần dần làm nó suy yếu và cuối cùng sụp đổ. Khi bạn đã
phá đổ nó hoàn toàn, thì không có gì ngăn cách bạn với trạng thái
toàn giác.
Sự khai thị bản tâm của bậc thầy
phá vỡ hoàn toàn nền tảng tâm phàm tình ấy, vì chính nhờ sự tan rã của
tâm phân biệt khái niệm mà tâm giác ngộ được hiển bày một cách rõ
ràng. Rồi khi chúng ta an trú tỉnh giác bản tâm, thì nền tảng tâm phàm
tình ấy càng suy yếu. Nhưng ta sẽ thấy, sự an trú lâu hay mau trong trạng
thái tâm bản nhiên ấy hoàn toàn tùy thuộc vào việc tu tập hàng ngày của
ta. Rủi thay những tập quán cũ rất khó bỏ, và nền tảng tâm phàm tình
cứ quay trở lại ; tâm ta như một bợm nhậu chỉ có thể đá đổ vò rượu
trong chốc lát, nhưng lại rơi vào thói nghiện ngập trở lại mỗi khi bị
cám dỗ hay buồn sầu.
Cũng như cánh cửa kính dính đầy
dấu vết bụi dơ từ nơi những bàn tay và ngón tay ta, nền tảng tâm phàm
tình cũng chứa nhóm tất cả nghiệp và thói quen của ta. Và cũng như ta phải
tiếp tục lau kính luôn luôn, ta phải luôn luôn thanh lọc nền tảng tâm
phàm tình. Sự thực tập thiền cũng như thể là làm cho tấm cửa kính bị
mòn dần, mỏng dần, những hỗ hổng xuất hiện, và nó bắt đầu tan rã.
Nhờ thực tập, chúng ta dần an trú vững vàng trong tính giác bản nhiên hơn
nữa, đến nỗi nó không còn là bản tánh tuyệt đối của ta, mà trở
thành thực tại hàng ngày của ta. Khi tình trạng này xảy đến, thì những
thói cũ của ta càng tan biến, và càng có ít sự khác biệt giữa thiền định
và sự sống hàng ngày. Dần dần, bạn trở thành như một người có thể
đi thẳng ra vườn, xuyên qua cửa kính, không bị chướng ngại. Và cái dấu
hiệu tâm phàm tình suy yếu là khi ta có thể an trú không nỗ lực trong tự
tánh của tâm.
Khi Ánh sáng Căn bản ló dạng, thì
vấn đề then chốt sẽ là mức độ an trú tự tánh nơi ta, mức độ hợp
nhất bản chất tuyệt đối và đời sống hàng ngày nơi ta, và mức độ
thanh lọc tâm phàm tình nơi ta, để thể nhập trạng thái trong sáng nguyên
ủy.
Mẹ con gặp gỡ
Có một phương pháp theo đó chúng
ta có thể sẵn sàng chuẩn bị để nhận ra khi Ánh sáng Căn bản xuất hiện
vào lúc chết. Ðấy là phương pháp thiền tối thượng (đã nói trong chương
10), kết quả tối hậu của pháp hành trì Dzogchen. Phương pháp ấy gọi
là "hợp nhất giữa hai ánh sáng", hay còn gọi là "sự tan hòa
giữa Ánh sáng Mẹ và Ánh sáng Con" .
Ánh sáng Mẹ là cái tên mà ta đặt
cho Ánh sáng Căn bản. Ð?y là bản chất nội tại của mọi sự vật, nằm
bên dưới toàn thể kinh nghiệm của ta, và thể hiện trong vẻ sáng ngời
nguyên vẹn của nó vào lúc chết.
Ánh sáng Con, còn gọi là Ánh sáng
Ðạo lộ, là tự tánh của tâm ta, cái mà nếu được thầy khai thị và
chúng ta trực nhận, thì ta có thể dần dần an trú nó nhờ thiền định,
và càng ngày càng hội nhập nó vào sự sống hàng ngày của ta. Khi sự hội
nhập đã được toàn triệt thì trực nhận cũng toàn triệt, và sự chứng
ngộ xảy đến.
Mặc dù Ánh sáng Căn bản là bản
chất nội tại của ta và là bản chất của mọi sự vật, song ta không nhận
ra nó, thành thử hầu như bị khuất lấp. Tôi muốn nghĩ đến Ánh sáng
Con như là cái chìa khóa mà bậc thầy trao cho bạn để mở cánh cửa nhận
thức, để bạn nhận ra được Ánh sáng Căn bản, mỗi khi gặp cơ hội.
Hãy tưởng tượng bạn phải đi đón
một phụ nữ đến bằng phi cơ. Nếu bạn không biết bà ấy ra sao thì bạn
có thể đến phi trường nhưng vẫn hụt đón vì bà ta đi qua mà bạn
không biết. Nếu bạn có một tấm ảnh giống bà ta, hoặc đã có hình ảnh
bà ấy trong trí bạn, thì bạn có thể nhận ra bà ấy ngay khi bà tiến đến.
Một khi tự tánh tâm đã được
khai thị cho bạn, và bạn đã trực nhận, tức là bạn có chìa khóa để
trực nhận lần khác. Nhưng, cũng như bạn phải giữ tấm ảnh và nhìn nó
luôn luôn để cho chắc bạn có thể nhận ra người bạn sắp gặp ở phi
trường, cũng vậy bạn phải tiếp tục an trú sự trực nhận tâm bản
nhiên (tự tánh tâm) qua sự thường xuyên thực tập. Khi ấy, sự trực nhận
trở thành thâm căn cố đế nơi bạn, thành một phần của bạn, đến nỗi
gặp là nhận ra ngay không cần bức ảnh. Vậy, sau khi thực hành sự trực
nhận bản tâm đã thuần, thì vào lúc chết, khi Ánh sáng Căn bản xuất hiện,
bạn có thể nhận ra nó và hòa nhập với nó một cách tự nhiên "như
con thơ sà vào lòng mẹ", các bậc cổ đức nói, hay như gặp bạn cố
tri, hay như sông chảy vào biển.
Nhưng điều này thực vô cùng khó
khăn. Cách duy nhất để bảo đảm sự trực nhận ấy là ngay khi ta còn sống
phải kiện toàn sự luyện tập hội nhập hai ánh sáng. Ðiều này chỉ khả
dĩ nhờ cả một đời nỗ lực tu luyện. Thầy tôi, Dudjom Rinpoche nói rằng
: "Nếu chúng ta không thực tập hòa nhập hai ánh sáng ngay bây giờ,
và từ đây về sau, thì đừng nói tới chuyện sự trực nhận sẽ tự
nhiên xảy đến vào lúc chết.
Nhưng hội nhập hai ánh sáng nghĩa
là gì ? - Ðây là một pháp tu luyện rất sâu xa và cao cấp, và đây không
phải chỗ để bàn chi tiết về điều ấy. Nhưng ta có thể nói điều này
: Khi bậc thầy khai thị bản tâm cho ta, thì cũng giống như chữa lành mắt
ta, vì ta đã bị mù đối với Ánh ánh sáng Căn bản nằm trong tất cả mọi
sự. Sự khai thị của bậc thầy đánh thức con mắt tuệ trong ta, nhờ vậy
ta thấy được rõ ràng bản chất thực của mọi sự, hay thực chất Ánh
sáng - điểm Linh quang - của mọi cảm xúc và ý tưởng trong ta. Hãy tưởng
tượng, nhờ thực tập toàn hảo sự an trú bản tánh, mà sự trực nhận
bản tánh ấy giống như một vầng mặt trời rực rỡ. Tư tưởng và cảm
xúc vẫn tiếp tục sanh khởi, chúng như những đợt sóng đen tối. Nhưng mỗi
khi những đợt sóng ấy cuộn lên và gặp ánh mặt trời, thì chúng lại
tan ngay.
Nền tảng tâm phàm tình của ta
được hoàn toàn thanh lọc thì cũng giống như ta đã phá tan cái kho chứa
nghiệp của mình và không còn nguyên liệu nghiệp để cung cấp cho tái
sinh tương lai. Nhưng nếu ta chưa có thể hoàn toàn thanh lọc tâm, thì sẽ
vẫn còn tàn dư của những khuynh hướng tập quán cũ đang nằm trong kho chứa
nghiệp của chúng ta. Khi gặp điều kiện thích hợp, chúng sẽ xuất hiện
để đẩy chúng ta vào những tái sinh mới.
Thời gian của Ánh sáng Căn bản
Ánh sáng Căn bản xuất hiện, đối
với một hành giả, nó kéo dài bao lâu vị ấy an trú không tán loạn vào
tự tánh tâm. Nhưng đối với phần đông, nó kéo dài không lâu hơn một búng
tay, và với vài người, nó kéo dài "khoảng chừng một bữa ăn”. Phần
đông người tuyệt nhiên không nhận ra Ánh sáng Căn bản, thay vì thế, họ
rơi vào một trạng thái ngất xỉu có thể kéo dài ba ngày rưỡi. Sau đó
thần thức mới thực sự rời khỏi thể xác.
Do vậy, ở Tây Tạng có tục lệ
không động đến thi thể trong 3 ngày sau khi chết. Ðiều này rất quan trọng,
nhất là nơi một hành giả, vì có thể họ đã hòa tan với Ánh sáng Căn
bản và đang ở trong trạng thái tâm bản nhiên. Tôi còn nhớ ở Tây Tạng,
người ta thường giữ bầu không khí tuyệt đối thanh bình im lặng quanh
xác chết như thế nào, nhất là khi đó là xác một bậc thầy hay hành giả
tu cao, để tránh gây sự quấy rầy dù nhỏ nhất.
Nhưng dù là thi thể của người
thường cũng không nên di chuyển trong vòng 3 ngày sau khi chết, vì ta không
thể biết được ai đã chứng, ai chưa, và cũng không chắc chắn thần thức
đã rời khỏi xác. Người ta tin rằng nếu sờ vào một nơi nào trên thi
thể - ví dụ chích một mũi thuốc - thì thần thức có thể bị lôi kéo
đến chỗ ấy. Khi đó thần thức người chết có thể chui ra lỗ hổng gần
nhất để thoát ra ngoài thay vì thoát lên đỉnh đầu, và vì vậy sẽ có
một tái sanh bất hạnh. Một vài bậc thầy nhấn mạnh nhiều đến chuyện
để yên thi thể trong 3 ngày. Khi nghe có người nói sợ để thi thể trong
thời tiết nóng sẽ thối, Chadral Rinpoche, một thiền sư Tây Tạng sống
ở Ấn Ðộ và Nepal, đã bảo : "Bạn làm như thể là bạn phải ăn
hay bán cái thây ấy".
Như vậy, việc hỏa táng hay giải
phẫu tử thi tốt nhất nên để 3 ngày sau. Tuy nhiên, vì ngày nay không thể
nào để yên một thây chết đến 3 ngày không động tới, nên ít nhất
pháp Chuyển di tâm thức cần được làm trước khi động đến thi thể hoặc
dời đi chỗ khác.
Cái chết của một bậc thầy
Một hàng giả đã chứng đắc thường
tiếp tục an trú sự trực nhận tính giác bản tâm vào lúc chết, và tỉnh
thức để thể nhập Ánh sáng Căn bản khi nó xuất hiện. Vị ấy còn có
thể trú trong trạng thái ấy một vài ngày. Một vài hành giả và bậc thầy
chết trong tư thế ngồi thiền, lưng thẳng, hoặc nằm như "dáng nằm
sư tử ngủ". Ngoài sự tuyệt đối tự chủ, còn những dấu hiệu
khác chứng tỏ vị ấy đang an trú trong trạng thái Ánh sáng Căn bản :
gương mặt họ vẫn còn có sắc sáng, mũi không lún vào, da vẫn mềm mại,
thân thể không cứng đờ, đôi mắt vẫn giữ một ánh sáng hiền hậu, từ
bi, và tim vẫn còn hơi ấm. Người ta phải rất thận trọng đừng chạm
đến nhục thể của bậc thầy, và giữ im lặng cho đến khi vị ấy ra khỏi
trạng thái thiền định này.
Gyalwang Karmapa, một bậc thầy vĩ
đại, chưởng môn một trong bốn tông phái lớn của Phật giáo Tây Tạng,
đã chết trong một bệnh viện tại Hoa Kỳ vào năm 1981. Ngài gây một cảm
hứng kỳ diệu cho tất cả mọi người xung quanh, vì ngài luôn luôn vui tươi
và đầy bi mẫn. Bác sĩ Ranulfo Sanchez, trưởng khoa giải phẫu đã viết :
"Tôi cảm thấy tự thâm tâm rằng
ngài không phải người phàm. Khi ngài nhìn bạn, thì giống như đang xoáy
sâu vào bản thể bạn, ngài dường như thấy suốt con người bạn. Tôi rất
kinh ngạc trước cái cách ngài nhìn tôi, như thể là ngài biết chuyện gì
đang xảy đến. Ngài làm cho hầu hết mọi người trong bệnh viện phải cảm
động, bất cứ ai tiếp xúc với ngài. Nhiều lần khi chúng tôi cảm thấy
ngài gần kề cái chết, thì ngài lại nhìn chúng tôi mà mỉm cười, và bảo
chúng tôi nói sai, và sau đó sức khỏe ngài lại khá hơn.
Ngài không bao giờ dùng thuốc giảm
đau. Chúng tôi, những bác sĩ, trông thấy ngài và biết ngài phải đau đớn
lắm, nên hỏi : "Có phải hôm nay ngài đau nhiều lắm không ?". Nhưng
ngài bảo : "Không" . Khi chúng tôi biết gần tới giây phút cuối
cùng, ngài có thể cảm thấy sự lo lắng của chúng tôi, và điều ấy trở
thành một trò đùa. Chúng tôi sẽ hỏi : "Ngài có đau không ?" ,
ngài lại mỉm cười thật từ bi và nói : "Không" .
Mọi dấu hiệu của sự sống nơi
ngài đã gần chấm dứt. Tôi chích cho ngài một mũi thuốc, chỉ để ngài
có thể nói chuyện vào giây phút cuối. Tôi từ giã căn phòng vài phút để
cho ngài trao đổi với các vị tái sanh (tulkus) ; ngài trấn an họ rằng
ngài không định chết vào ngày hôm ấy. Khi tôi trở lại chừng năm phút
sau, thì ngài đã ngồi thẳng dậy, mắt mở lớn và nói thật rõ :
"Hello, how are you ?" . Mọi dấu hiệu sống nơi ngài đã trở ngược
lại, ngài ngồi nửa tiếng trên giường, nói chuyện, cười lớn. Trên phương
diện y học thì điều này người ta chưa từng nghe thấy bao giờ. Các cô
điều dưỡng tái mặt, một cô dở cánh tay cho tôi xem họ đã nổi da gà
như thế nào".
Ban điều dưỡng để ý thi hài của
Karmapa không theo tiến trình thông thường của thây chết như cứng và hôi
thối, mà vẫn như tình trạng lúc ngài mới chết. Sau một lúc, họ mới
để ý vùng tim ngài còn ấm. Bác sĩ Sanchez viết :
“Họ đưa tôi vào phòng 36 tiếng
đồng hồ sau khi ngài chết. Tôi sờ vùng bên phải, trên trái tim ngài và
thấy nó nóng hơn các chỗ khác. Ðấy là một điều mà y học không thể
giải thích được".
Một vài bậc thầy chết trong tư
thế ngồi thiền, thân thể tự thẳng đứng. Kalu Rinpoche chết năm 1989
trong tu viện của ngài ở dãy núi tuyết, xung quanh có nhiều bậc thầy và
các bác sĩ , y tá điều dưỡng. Ðệ tử hầu cận ngài đã viết :
"Ngài cố ngồi dậy, nhưng hơi
khó khăn. Lama Gyaltsen cảm thấy có lẽ đã đến thời, và nếu không ngồi
dậy thì sẽ chướng ngại cho ngài, nên đã đỡ lưng ngài khi ngài ngồi.
Ngài duỗi tay tới nơi tôi, và tôi cũng giúp ngài ngồi thẳng. Ngài ngõ ý
muốn ngồi thật thẳng, vừa bằng lời vừa ra dấu. Bác sĩ và y tá cuống
lên trước cảnh tượng ấy, nên ngài hơi thư giãn lại, nhưng vẫn để
chân tay theo thế ngồi thiền... Mắt ngài mở nhìn ra, kiểu nhìn trong lúc
thiền quán, và môi ngài khẽ mấp máy. Một cảm giác thanh bình, an lạc ngự
trị trên tất cả chúng tôi, lan tràn qua tâm chúng tôi. Tất cả mọi người
hiện diện lúc ấy đều cảm thấy rằng niềm phúc lạc dâng tràn trong
chúng tôi chính là phản ảnh yếu ớt của niềm phúc lạc trào dâng trong
tâm ngài... Dần dần tia nhìn và mi mắt Rinpoche hạ xuống, và hơi thở chấm
dứt" .
Tôi nhớ mãi cái chết của thầy
tôi, Jamyang Khientse vào mùa hạ năm 1959. Vào khoảng cuối đời, ngài cố
càng ít rời tu viện càng tốt. Những bậc thầy đủ mọi truyền thống
thường tụ họp lại để được sự giáo thọ, những người giữ gìn
các hệ phái truyền thừa cũng đến xin ngài chỉ dẫn, vì ngài biết tận
nguồn gốc của các hệ phái ấy. Tu viện Dzongsar, nơi ngài cư trú trở
thành một trong những trung tâm sinh hoạt tâm linh sống động nhất Tây Tạng,
ở đấy tất cả những Lạt-ma cao cấp thường lui tới. Lời ngài là
pháp là luật ở trong vùng ; ngài là bậc thầy vĩ đại và hầu như tất
cả mọi người đều là đệ tử của ngài, tới nỗi ngài có năng lực
ngăn chận nội chiến chỉ bằng cách hăm dọa ngài sẽ rút lui sự gia trì
tâm linh của ngài cho cả hai phe.
Rủi thay, khi gọng kềm của quân
xâm lược Trung Quốc siết chặt, thì tình huống ở tỉnh Kham trở nên tồi
tệ một cách nhanh chóng. Dù còn bé, tôi cũng có thể linh cả sự đe dọa
của những gì sắp xảy ra. Vào năm 1955, thầy tôi đã có vài dấu hiệu
chứng tỏ ngài sẽ từ giã Tây Tạng. Trước tiên, ngài hành hương đến
những thánh tích ở miền Trung và Nam Tây Tạng, rồi để làm tròn lời
nguyện tha thiết của thầy ngài, ngài làm một chuyến hành hương chiêm
bái thánh tích tại đất Ấn, có tôi đi theo. Chúng tôi đều hy vọng tình
hình ở miền Ðông sẽ khá hơn trong khi chúng tôi đi xa. Hóa ra - về sau
tôi mới biết - nhiều Lạt-ma khác, và dân thường, đã xem cái quyết định
du hành của thầy tôi như là một điềm báo trước Tây Tạng sẽ lâm
nguy, nhờ thế họ đã kịp thời thoát nạn.
Thầy tôi từ lâu đã muốn viếng
thăm Sikkim, một nước nhỏ trong dãy Hy Mã Lạp Sơn, một trong những vùng
đất thiêng của Padmasambhava. Jamyang Khientse là nhập thể của bậc thánh
thiêng liêng nhất của Sikkim, nên vị vua ở đấy đã yêu cầu ngài đến
giảng dạy và ban phước cho xứ ấy bằng sự hiện diện của ngài. Khi
được tin ngài đã đến Sikkim, nhiều bậc thầy từ Tây Tạng cũng đến
đấy để thọ giáo với ngài, mang theo những bản kinh quý hiếm, nhờ vậy
mới khỏi bị phá hủy. Jamyang Khientse là bậc thầy của những bậc thầy,
và đến lượt chùa, cung điện nơi ngài ở trở thành một trung tâm tu học
lớn. Khi tình hình Tây Tạng càng lúc càng kinh khủng, thì có thêm nhiều Lạt-ma
đến tụ tập quanh ngài.
Người ta bảo nếu những bậc thầy
vĩ đại giảng dạy quá nhiều, thì không sống lâu ; như thể là họ gánh
lấy những chướng ngại xảy ra cho nền giáo lý. Có những lời tiên đoán,
nếu thầy tôi đừng giảng dạy mà chỉ du hành như một ẩn sĩ đến những
nơi xa xôi hẻo lánh, thì ngài có thể sống lâu nhiều năm nữa. Quả thế,
ngài cũng đã cố làm điều này : Khi chúng tôi khởi hành từ tỉnh Kham lần
cuối, ngài đã để lại tất cả sở hữu và ra đi trong vòng bí mật
hoàn toàn. Nhưng khi khám phá ra tông tích ngài, thì đâu đâu người ta
cũng liền đến xin ngài giảng dạy và làm phép quán đảnh. Lòng từ bi của
ngài lớn rộng tới nỗi dù biết nguy hiểm đến tánh mạng, ngài vẫn tiếp
tục giảng dạy.
Và chính tại Sikkim mà Jamyang
Khientse ngã bệnh, đúng vào lúc nhận được hung tin Tây Tạng cuối cùng
đã gục ngã. Tất cả những vị Lạt-ma lớn nhất, trưởng các hệ phái,
lần lượt tấp nập đến viếng thăm thầy tôi. Lễ cầu an diên mạng cho
ngài được tổ chức suốt ngày suốt đêm. Mợi người đều tham dự. Tất
cả chúng tôi đều yếu cầu ngài sống thêm, vì một bậc thầy vĩ đại
như ngài thì có năng lực quyết định thời gian để lìa bỏ thể xác.
Ngài cứ nằm trên giường, nhận tất cả những đồ dâng cúng, cười lớn
mà bảo : "Ðược rồi, chỉ để chứng tỏ điềm lành, tôi nói là
tôi sẽ sống" .
Dấu hiệu đầu tiên chúng tôi biết
được là qua Gyalwang Karmapa. Ngài bảo Karmapa rằng ngài đã hoàn tất công
việc ngài phải làm trong đời, và ngài đã quyết định từ giã thế
gian. Một trong những thị giả thân tín của thầy tôi bật lên khóc vừa
khi nghe Karmapa tiết lộ điều này, sau đó chúng tôi đều biết. Cái chết
của ngài cuối cùng đã xảy đến ngay sau khi chúng tôi nghe ba tu viện lớn
nhất Tây Tạng là Sera, Drepung và Gaden đã bị quân Trung Quốc chiếm đóng.
Dường như đấy là một biểu tượng bi đát khi Tây Tạng sụp đổ thì
con người vĩ đại ấy, linh hồn của Phật giáo Tây Tạng, cũng từ trần.
Jamyang Khientse Chokyi Lodro mất lúc 3
giờ sáng, vào ngày mồng 6 tháng 5, lịch Tây Tạng. Mười ngày trước đấy,
trong khi chúng tôi đang có cuộc lễ cầu diên thọ suốt đêm cho ngài,
thình lình đất rung chuyển vì một trận động đất lớn. Theo kinh điển
Phật giáo, thì đấy là triệu chứng một bậc giác ngộ sắp từ trần.
Trong 3 ngày, sau khi ngài đã viên tịch,
sự bí mật được giữ tuyệt đối không ai được biết Khientse đã chết.
Tôi chỉ được bảo cho biết sức khỏe của ngài đang biến đổi tệ
hơn, và thay vì ngủ trong phòng ngài như thường lệ, tôi được bảo phải
ngủ phòng khác. Thị giả thân cận nhất của thầy tôi và Lama Chokden, vị
thầy nghi lễ, ở lại với thầy tôi lâu hơn tất cả mọi người. Ông
là một nhà khổ hạnh lặng lẽ nghiêm trang với đôi mắt nhìn sâu thẳm
và đôi má hóp, phong đ? nhã nhặn khiêm cung. Chokden nổi tiếng vì tính
trung thực, đàng hoàng, lịch sự, và có trí nhớ phi thường. Ông nhớ từng
chữ lời thầy tôi dặn, thuộc từng mẩu chuyện, và biết rõ từng chi tiết
của mọi lễ lạc phức tạp nhất, cùng ý nghĩa của chúng. Ông cũng là một
hành giả gương mẫu và một thầy giáo trong lĩnh vực của ông.
Lúc ấy chúng tôi nhìn Lama Chokden
tiếp tục mang những bữa ăn của thầy tôi vào phòng, nhưng mặt ông
trông rất buồn thảm. Chúng tôi không ngớt hỏi thầy Khientse tôi ra sao,
nhưng Chokden chỉ nói : "Ngài vẫn thế" . Trong vài truyền thống,
sau khi một bậc thầy qua đời, và suốt thời gian ngài an trú trong thiền
định sau khi chết, điều quan trọng là phải giữ bí mật. Chỉ 3 ngày sau
đó chúng tôi mới được nghe thầy đã chết.
Chính phủ Ấn đã đánh một điện
tín qua Bắc kinh, từ đấy tin được đưa đến tu viện Dzongsar của thầy
tôi ở Tây Tạng, ở đấy nhiều thầy tu đã khóc trước khi hay tin, vì họ
đã biết ngài sẽ chết bằng cách nào đó. Trước khi thầy tôi và tôi ra
đi, thầy Khientse đã làm một lời hứa huyền bí rằng thầy sẽ trở lại
một lần trước khi chết. Và thầy đã trở lại. Vào ngày Tết năm ấy,
sáu tháng trước khi ngài từ trần, trong khi đang cử hành một điệu vũ cổ
truyền, nhiều vị sư già đã thấy hình ảnh ngài xuất hiện trên nền trời.
Tại tu viện, thầy tôi đã lập một trường học nổi tiếng vì đã đào
tạo được nhiều học giả xuất sắc của thời cận đại. Trong ngôi
chánh điện của trường, có một tượng Phật Di Lặc khổng lồ. Vào một
buổi sáng sớm, ngay sau ngày linh kiến xuất hiện trên trời, khi người giữ
chánh điện mở cửa thì thấy Khientse đang ngồi trên vế đức Phật Di Lặc.
*
Thầy tôi từ trần trong tư thế “sư tử nằm ngủ”.
Mọi triệu tướng đều chứng tỏ ngài vẫn đang trong thiền định, không
ai động tới thi thể trong suốt 3 ngày. Cái lúc ngài xuất định là một
kỷ niệm tôi sẽ nhớ suốt đời : Lỗ mũi ngài thình lình xẹp xuống,
màu sắc trên gương mặt không còn, và đầu ngài hơi ngoẻo về một phía.
Cho tới lúc ấy, luôn luôn vẫn còn một mức tự chủ nào đó, một sức
mạnh, một sự sống nào đó ở trên xác thầy.
Vào chiều tối chúng tôi tắm rửa
cái xác, mặc y phục và đưa xác từ phòng ngủ của thầy lên ngôi chánh
điện của cung đình. Từng đám đông người lũ lượt kéo đến xếp hàng
quanh ngôi đền để lễ bái. Khi ấy, một điều dị thường xảy ra. Một
ánh sáng rực rỡ màu sữa, trông như một đám mù mỏng và sáng bắt đầu
xuất hiện và dần dần tỏa khắp. Ngôi chánh điện của cung đình có 4
bóng điện bên ngoài, thông thường vào giờ ấy chúng chiếu sáng rực. Nhưng
lúc ấy chúng bị mờ đi vì ánh sáng huyền bí ấy. Apa Pant lúc ấy là sĩ
quan chính trị ở Sikkim, là người đầu tiên điện thoại đến hỏi có
việc gì xảy ra. Nhiều người khác cũng khởi sự gọi đến hỏi thăm :
hiện tượng lạ lùng phi phàm ấy đã được hàng trăm người trông thấy.
Một trong những bậc thầy lúc ấy đã cho chúng tôi biết đấy là dấu hiệu
có người đang chứng đắc Phật qu?.
Lúc đầu có dự tính xác của thầy
tôi sẽ được giữ trong chùa cung điện một tuần lễ, nhưng ngay sau đó
chúng tôi khởi sự nhận nhiều điện tín từ các đệ tử của ngài. Ðấy
là vào năm 1959, nhiều người trong đó có Dilgo Rinpoche vừa mới di tản đến
sau một cuộc gian nan dài đào thoát khỏi Tây Tạng. Tất cả những vị
này đều yêu cầu giữ cái xác lại để họ có thể được dịp trông thấy.
Bởi vậy chúng tôi giữ thêm 2 tuần. Mỗi ngày có 4 phiên cầu nguyện, mỗi
phiên hàng trăm tu sĩ, dẫn đầu bởi những Lạt-ma thuộc đủ mọi tông
phái khác nhau, thường lại có những vị chưởng môn các tông phái làm chủ
tọa buổi lễ. Hàng ngàn cây đèn bơ được thắp lên dâng. Cái xác vẫn
không hôi thối, cúng không khởi sự tan rã, bởi thế chúng tôi giữ thêm
một tuần lễ nữa. Ở Ấn, trời vô cùng nóng bức vào mùa hạ, thế mà
hết tuần này sang tuần khác, thi thể vẫn không có dấu hiệu gì là tan
rã. Rốt cuộc chúng tôi giữ cái xác của thầy tôi trong 6 tháng ; trong thời
gian ấy, một khung cảnh giảng dạy và thiền tập diễn ra trước sự hiện
diện thiêng liêng của thầy tôi : những giáo lý mà Jamyang Khientse đã giảng
dạy nhưng chưa hoàn tất, bây giờ được hoàn tất bởi những đệ tử lớn
nhất của ngài, và nhiều thật nhiều những tu sĩ được thụ giới pháp.
Cuối cùng chúng tôi đưa thi thể
đến nơi mà thầy đã chọn để làm lễ hỏa táng. Tashiding là một trong
những cảnh thiêng liêng nhất của Sikkim, nằm trên một ngọn đồi. Tất
cả đệ tử đều lên đấy, chúng tôi tự thân hành xây dựng tháp cho di
thể của ngài, mặc dù ở Ấn những công việc ấy thường mướn nhân
công. Mọi người trẻ, già, từ bậc thầy như Dilgo Khientvse cho đến người
bình thường nhất, đều mang đá gạch lên đồi và tự tay xây toàn bộ
ngôi tháp. Ðấy là bằng chứng cụ thể nhất chứng tỏ niềm sùng
kính mà ngài đã gợi cho chúng tôi.
*
Không một lời nào có thể nói lên để diễn tả sự
mất mát lớn lao trong cái chết ấy. Khi rời khỏi Tây Tạng, tôi và gia đình
tôi mất hết đất đai, tài sản, nhưng hồi đó tôi còn quá nhỏ nên
không tiếc gì. Nhưng mất thầy Jamyang Khientse tôi, là một sự mất mát to
lớn, đến nỗi bây giờ sau bao nhiêu năm tôi vẫn còn thương tiếc. Toàn
thể chuỗi ngày thơ ấu của tôi đã được sưởi ấm bởi sự hiện diện
của thầy như ánh mặt trời. Tôi đã ngủ trong một cái giường nhỏ dưới
chân giường thầy, trong nhiều năm tôi đã thức dậy giữa âm thanh của lời
thầy thì thầm lời kinh sáng và tiếng thầy lần tràng hạt. Lời thầy,
giáo lý thầy dạy, ánh sáng thanh bình mà sự hiện diện của ngài tỏa
ra, nụ cười của ngài, tất cả, là những ký ức không phai mờ trong
tôi. Ngài là nguồn cảm hứng của đời tôi ; chính hiện diện của ngài
và của Padmasambhava mà tôi luôn luôn triệu thỉnh mỗi khi gặp khó khăn
hay khi giảng dạy. Cái chết của ngài là một mất mát vô số kể cho
toàn thế giới và cho Tây Tạng. Tôi thường nghĩ về ngài, cũng như về
Dilgo Rinpoche, rằng nếu Phật giáo phải bị hủy diệt mà chỉ cần một
mình ngài còn sống, thì Phật giáo vẫn không sao cả, vì ngài là hiện
thân toàn vẹn của ý nghĩa đạo Phật. Jamyang Khientse chết đi, là cả một
thời đại, dường như cả một trời năng lực và tri kiến cùng sụp đổ
theo ngài.
Ngài mất lúc ngài chỉ mới 67 tuổi.
Tôi thường tự hỏi tương lai Phật giáo Tây Tạng sẽ khác tới mức nào
nếu ngài còn sống để khơi nguồn cảm hứng cho sự tăng trưởng của Phật
giáo trong dân tộc lưu đày và tại Tây phương. Sự uyên bác của ngài về
mọi truyền thống, sự kính trọng của ngài đối với tất cả giáo
phái, đã làm cho ngài được yêu chuộng khắp nơi ở Tây Tạng. Bởi vì
ngài đã là bậc thầy của tất cả những bậc thầy, chưởng môn các
giáo phái đều thụ giáo và nhận lễ quán đảnh từ nơi ngài, xem ngài như
bổn sư, cho nên lẽ tự nhiên là ngài có thể kéo họ lại gần nhau trong
tinh thần hòa điệu và hợp tác.
Thế nhưng, một bậc thầy vĩ đại
thì không bao giờ chết. Jamyang Khientse đang gợi cảm hứng cho tôi viết
sách này ; ngài là năng lượng đằng sau tác phẩm và bất cứ gì tôi giảng
dạy ; là nền tảng, là tinh thần của mọi sự tôi làm ; chính ngài hiện
vẫn tiếp tục dẫn đạo nội tâm tôi. AÂn sủng của thầy và niềm tin
vào ân sủng đó luôn luôn có mặt trong tôi, dìu dắt tôi qua những khó khăn
trong nỗ lực trình bày truyền thống tâm linh mà ngài là một đại diện
cao cả. Gương mặt cao quý của ngài bây giờ vẫn còn sống động với tôi
hơn bất cứ gương mặt của một người nào đang sống ; và trong mắt
ngài, tôi luôn luôn thấy ánh sáng trí tuệ siêu thoát và từ mẫn vô
biên, mà trên trời dưới đất không một mãnh lực nào có thể dập tắt
được.
Mong sao tất cả các bạn đọc sẽ
biết được một ít về ngài như tôi biết, mong sao tất cả bạn đọc sẽ
được nguồn cảm hứng từ cuộc đời phụng hiến của ngài và cái chết
vinh quang của ngài như tôi đã được, mong sao tất cả các bạn sẽ rút
được - từ tấm gương hy sinh của ngài cho sự an lạc của tất cả hữu
tình - lòng can đảm và trí tuệ mà bạn cần, để làm việc cho sự thật
trong thời hiện đại.