- TẠNG THƯ SỐNG-CHẾT
- THE TIBETAN BOOK OF LIVING
AND DYING
Sogyal Rinpoche
PHẦN HAI: CHẾT
11- Lời khuyên tâm huyết về việc giúp đỡ người sắp chết
Trong một Tiếp dẫn đường mà tôi biết, Emily, một bà
tuổi gần 70 đang chết với bệnh ung thư vú. Con gái bà đến thăm hàng
ngày, và dường như có một liên hệ hạnh phúc giữa hai mẹ con. Nhưng khi
con gái bà bỏ về, thì Emily gần như luôn luôn ngồi một mình mà khóc.
Sau một thời gian, hóa ra lý do bà
khóc là vì con gái bà hoàn toàn không chịu chấp nhận cái điều không thể
tránh là bà sẽ chết, mà suốt buổi cứ khuyên mẹ hãy "có tư tưởng
tích cực", hy vọng rằng nhờ vậy bệnh ung thư của bà có thể chữa
khỏi. Sự tình bấy giờ là Emiy phải ôm những ý tưởng, những nỗi sợ
hãi, kinh hoàng và buồn đau một mình mình biết, không có ai để san sẻ,
không ai phụ giúp bà thám hiểm những tình huống ấy, không ai giúp bà thấu
hiểu cuộc đời bà, và không ai giúp bà tìm một ý nghĩa tích cực ở
trong cái chết.
Ðiều quan trọng nhất trong đời là
thiết lập một tương giao thật tình vô úy với những người khác, và
càng quan trọng hơn, với một người sắp chết - như trường hợp Emily đã
chứng tỏ cho tôi thấy. Thường người sắp chết cảm thấy dè dặt bất
an, và không biết chắc ý định của bạn lúc bạn đến thăm lần đầu.
Bởi vậy đừng tưởng sẽ có chuyện gì kỳ diệu xảy ra, hãy tự nhiên
thoải mái. Người sắp chết thường không nói họ muốn gì, nghĩ gì, nên
người gần họ không biết nói gì hay làm gì cho họ. Thật khó mà biết họ
đang cố nói cái gì, hay họ có thể đang che dấu điều gì. Ðôi khi ngay cả
họ cũng không biết. Bởi thế, điều cốt yếu trước tiên là buông xả
bất cứ một căng thẳng nào trong bầu không khí, bằng cách nào dễ nhất
và tự nhiên nhất.
Một khi miềm tin cậy đã được
thiết lập, không khí bớt căng, thì sẽ làm cho người sắp chết bắt đầu
đề cập những gì họ thật tình muốn nói : hãy ân cần khuyến khích để
họ cảm thấy thoải mái mà nói ra những ý nghĩ, lo sợ và cảm xúc của
họ về cái chết sắp đến. Sự nói trắng ra những cảm xúc ấy một
cách chân thành là điều cốt tủy để có được một cuộc đổi thay, giảng
hòa với cuộc đời và chết một cái chết tốt đẹp. Bạn cần phải để
người sắp chết hoàn toàn tự do bày tỏ, cũng như cho bạn đủ cả gan
để nói ra những điều mà người sắp chết đang cần.
Khi người sắp chết cuối cùng chịu
nói ra những cảm nghĩ riêng tư của họ thì đừng ngắt lời, từ chối
hay giảm nhẹ những gì họ nói. Người hấp hối hay bệnh nặng sắp chết
là đang ở một giai đoạn dễ bị thương tổn nhất trong đời họ, nên bạn
phải vận dụng tất cả khéo léo và tình cảm, sự cảm thông, từ mẫn của
bạn để giúp họ thổ lộ tâm can. Hãy học lắng nghe, học im lặng thu
vào, một sự im lặng cởi mở, trầm tĩnh, làm cho người sắp chết cảm
thấy được chấp nhận. Hãy hết sức thoải mái tự nhiên, ngồi đó với
người sắp chết xem như là bạn không có việc gì quan trọng hơn, vui hơn
thế để mà làm.
Tôi đã nhận thấy rằng trong việc
chết chóc cũng như trong tất cả mọi tình huống trầm trọng của cuộc
đời, có hai điều hữu ích nhất : thái độ thực tiễn và óc hài hước.
Óc hài hước có một đường lối kỳ diệu để giảm bớt không khí căng
thẳng, giúp đặt tiến trình chết vào đúng viễn ảnh phổ quát của nó,
đánh tan tính cách nghiêm trọng quá mức của tình huống. Vậy bạn hãy xử
dụng óc hài hước càng nhẹ nhàng khéo léo càng tốt. Tôi cũng thấy rằng,
theo kinh nghiệm riêng tôi, điều cần yếu là không nên xem cái gì quá
riêng tư. Người sắp chết, vào một lúc bất ngờ, có thể biến bạn
thành mục tiêu cho tất cả sự giận dữ hay trách móc của họ. Elisabeth
Kubler-Ross nói rằng : sự giận dữ, trách móc có thể "trút lên mọi
phía, nhằm vào hoàn cảnh xung quanh, vào những lúc hoàn toàn bất ngờ"
. Ðừng tưởng tượng sự giận dữ ấy thật sự nhắm vào bạn ; nhận
chân được nó tuôn phát từ sự lo sợ đau buồn như thế nào, sẽ làm
cho bạn khỏi phản ứng bằng những cách có thể làm hỏng mối liên hệ
giữa bạn với người sắp chết.
Ðôi khi bạn có thể muốn giảng
đạo cho người sắp chết nghe, hoặc cho họ công thức tu tập của riêng
bạn, xin hãy tuyệt đối tránh làm chuyện ấy, nhất là khi bạn không biết
người sắp chết có muốn vậy không ! Không ai muốn được "cứu rỗi"
với niềm tin của một người khác. Hãy nhớ công việc của bạn không phải
là hoán cải một người nào theo một đường (đạo) nào, mà là giúp cho
người trước mắt liên lạc được với năng lực của chính họ, niềm
tin, tinh thần hay bất cứ gì khác ở trong họ. Dĩ nhiên nếu người sắp
chết thực sự muốn nghe những vấn đề tâm linh, và thực sự muốn biết
bạn nghĩ gì về họ, thì cũng không nên quá dè dặt.
Ðừng quá trông mong rằng sự giúp
đỡ của bạn phát sinh những kết quả mầu nhiệm nơi người sắp chết
hay “cứu rỗi” họ. Bạn chỉ thất vọng mà thôi. Người ta sẽ chết
như khi họ đã sống, họ vẫn nguyên vẹn là họ.
Muốn thiết lập được tương giao
thực sự, bạn phải làm một nỗ lực quyết định là sẽ nhìn người
ấy theo cuộc đời họ, bối cảnh họ, lịch sử họ, chấp nhận con người
của họ không chút dè dặt. Cũng đừng buồn nếu sự giúp đỡ của bạn
dường như đem lại rất ít hiệu quả và người sắp chết không đáp ứng.
Chúng ta không thể biết được những hiệu quả sâu xa mà sự săn sóc của
chúng ta đem lại.
Chứng tỏ tình yêu vô điều kiện
Người sắp chết cần nhất là ta
bày tỏ với họ một tình yêu hoàn toàn vô điều kiện, không mong đợi bất
cứ gì. Ðừng nghĩ bạn phải là một người chuyên môn trong trong bất cứ
kiểu nào. Hãy tự nhiên, hãy chính là bạn, là một người bạn chân
tình, thì người sắp chết sẽ an tâm rằng bạn thật sự ở với họ, cảm
thông với họ như một con người đối với một con người.
Tôi đã nói "Tỏ cho người sắp
chết một tình yêu vô điều kiện", nhưng ở vài trường hợp điều
ấy hoàn toàn không dễ. Chúng ta có thể có một lịch sử dài đau khổ với
người ấy, có thể cảm thấy tội lỗi về những gì mình làm đối với
họ trong quá khứ, hoặc cảm thấy ân hận về những gì họ đã làm cho
ta.
Bởi thế, tôi xin đề nghị hai
đường lối đơn giản để bạn có thể bung ra tình yêu trong bạn đối với
người sắp chết. Tôi và các bạn tôi khi làm việc với những người sắp
chết đã nhận thấy hai phương pháp này rất hiệu nghiệm :
Thứ nhất, hãy nhìn người sắp chết
trước mắt bạn và nghĩ họ cũng như ta, cũng có những nhu cầu giống ta,
muốn được hạnh phúc, muốn tránh đau khổ, họ cũng có nỗi cô đơn
như ta, nỗi sợ đối với cái chưa biết, cũng có những lãnh vực buồn
khổ âm thầm, cũng có những cảm giác bơ vơ mà họ chỉ mơ hồ nhìn nhận.
Nếu bạn nghĩ thế, tim bạn sẽ mở ra về phía người ấy, và tình yêu sẽ
hiện diện giữa bạn và người sắp chết.
Phương pháp thứ hai còn hiệu lực
hơn, là đặt bạn vào địa vị người sắp chết. Tưởng tượng bạn
đang nằm trên giường trước mắt bạn, đang đối diện cái chết. Tưởng
tượng bạn đang ở đấy, đau đớn và cô độc - rồi thực sự tự hỏi
mình : Ta sẽ cần gì nhất ? Ta sẽ thích gì nhất ? Ta sẽ thực sự mong muốn
gì từ nơi người bạn trước mặt ta ?
Nếu bạn làm hai thực tập này,
tôi nghĩ bạn sẽ tìm ra rằng, cái mà người sắp chết cần nhất là cái
mà chính bạn cần nhất : được yêu thương, được chấp nhận.
*
Tôi cũng thường thấy rằng những
người ốm nặng khao khát được sờ, được xem như người sống, chứ không
phải chỉ là những chứng bệnh. Một niềm an ủi lớn lao có thể đến với
người bệnh nặng nếu ta chỉ cầm tay họ, nhìn vào mắt họ, nhẹ nhàng
chà xát họ hay ôm họ trong vòng tay, hay cùng thở với họ một nhịp thở
nhẹ nhàng. Thân thể cũng có ngôn ngữ yêu thương của riêng nó, hãy xử
dụng nó đừng sợ hãi, bạn sẽ thấy bạn đem lại cho người sắp chết
niềm an ủi và thoải mái.
Thường chúng ta quên rằng người
sắp chết đang mất cả thế giới của họ : nhà cửa, công việc, bạn
bè, thân thể và tâm trí ; họ đang mất tất cả mọi thứ. Tất cả những
mất mát mà ta có thể kinh quá trong đời hợp lại thành một sự mất
mát tràn trề khi ta chết, hỏi làm sao một người sắp chết không ba hồi
sợ, ba hồi giận dữ, ba hồi buồn ? Elizabeth Kubler-Ross kể năm giai đoạn
trong tiến trình giảng hòa với cái chết : chối bỏ, giận dữ, mặc cả,
xuống tinh thần, và chấp nhận. Dĩ nhiên không phải ai cũng qua cả năm
giai đoạn ấy, hoặc luôn luôn theo thứ tự ấy. Với vài người, con đường
đi đến chấp nhận cái chết có thể rất dài và đầy chông gai ; có những
người hoàn toàn không đạt đến giai đoạn chấp nhận. Nền văn hóa
chúng ta (Tây phương) không giúp cho con người có cái tầm nhìn xa về tư
tưởng, cảm xúc, và kinh nghiệm của chính mình, khiến nhiều người - khi
đối mặt cái chết và thử thách cuối cùng này - tự thấy mình bị lừa
bịp bởi chính sự ngu si của mình, lấy làm vô cùng bất mãn, giận dữ,
nhất là khi không có ai muốn hiểu họ và những nhu cầu tha thiết nhất của
họ (khi sắp chết). Ciceley Saunders, tiên phong của phong trào Tiếp dẫn đường
ở Anh quốc, viết : "Một lần tôi hỏi một người sắp chết rằng họ
cần gì hơn hết nơi những người săn sóc họ. Ông ta bảo, tôi cần một
người có vẻ cố gắng để hiểu tôi”. Quả thực không thể nào hoàn
toàn hiểu được một người khác, nhưng tôi không bao giờ quên rằng ông
ta không đòi hỏi sự thành công, mà chỉ mong có một người nào quan tâm
đến sự cố gắng tìm hiểu.
Chỉ cốt chúng ta đủ quan tâm để
cố gắng hiểu người sắp chết, và trấn an họ rằng dù họ cảm thấy
gì đi nữa, dù họ có bất mãn, giận dữ cũng là chuyện thường. Sự chết
sẽ đem lại nhiều cảm xúc bị ức chế : sự buồn rầu, sự trơ lì hay
mặc cảm tội lỗi, hay cả đến sự ganh tị với người còn mạnh khỏe.
Hãy giúp người sắp chết đừng đè nén những cảm xúc ấy khi chúng khởi
lên. Hãy ở lại với họ khi những cơn sóng đau đớn buồn khổ đang lên,
cùng với sự chấp nhận, thời gian và kiên nhẫn, thông cảm, những cảm
xúc ấy từ từ lắng xuống và trả lại cho người sắp chết nền tảng
an bình, tĩnh lặng và sự sáng suốt mà tự thẳm sâu vốn thực là của họ.
Ðừng cố làm bộ quá minh triết,
đừng luôn luôn cố tìm lời gì cho sâu sắc. Bạn không cần phải làm hay
nói một điều gì để làm cho sự thể trở nên tốt hơn. Chỉ cần hiện
diện ở đấy một cách trọn vẹn càng tốt. Nếu bạn cảm thấy lo ngại,
sợ hãi không biết phải làm gì, thì hãy thẳng thắn nói ra như vậy, và
xin người sắp chết giúp đỡ bạn, để bạn biết phải làm gì. Sự
chân thành này sẽ đem bạn và người sắp chết lại gần nhau hơn, mở ra
một sự truyền thông thoải mái hơn. Ðôi khi người sắp chết biết hơn
chúng ta nhiều, cách thế nào để giúp đỡ họ, và chúng ta cần phải biết
làm sao để rút từ trí tuệ của họ, và để họ cho ta biết những gì họ
biết. Cicely Saunders đã bảo chúng ta phải tự nhắc mình rằng, khi ở cạnh
người sắp chết chúng ta không chỉ là người "cho" mà thôi.
"Sớm hay muộn, ai làm việc với người sắp chết cũng biết mình
"nhận" được nhiều hơn "cho", vì ta học được sự kiên
nhẫn, can đảm và thông thường, óc hài hước. Chúng tôi cần phải nói
thế...". Thường ta có thể làm cho người sắp chết lên tinh thần khi
ta công nhận sự can đảm của họ.
Tôi cũng nhận ra rằng tôi đã được
người sắp chết giúp cho tôi nhớ một điều : con người trước mặt tôi,
người đang chết ấy, ở đâu đó, vẫn là một người tốt, dù họ có nổi
giận, gây kinh hoàng trong chốc lát, nhưng nếu chúng ta tập trung vào thiện
tính ấy nơi họ, ta sẽ tự chế và có được lối nhìn cần thiết để
trở nên càng hữu ích cho họ càng tốt. Cũng như khi bạn gây gổ với một
người bạn thân, bạn không quên những tính tốt nhất của người ấy. Hãy
làm như vậy với người sắp chết. Ðừng phê phán họ, dù họ có nổi
lên những cảm xúc như thế nào. Sự chấp nhận của bạn sẽ làm cho người
chết có được niềm thoải mái tự nhiên mà họ đang cần. Ðối xử với
họ như thể một đôi khi họ cũng có tính ấy : cởi mở, thương yêu, độ
lượng.
Ở một bình diện tâm linh sâu xa hơn,
tôi nhận thấy một điều vô cùng lợi ích là nhớ người sắp chết có
Phật tính, dù họ có nhận ra hay không, và tiềm năng đạt giác ngộ. Khi
người ấy tiến gần hơn đến cái chết, thì khả năng ấy lại càng lớn
hơn về nhiều phương diện. Vậy họ đáng được nhiều săn sóc và kính
trọng hơn.
Nói thật
Người ta thường hỏi tôi :
"Có nên cho người bện biết họ sắp chết không ?". Và tôi luôn
trả lời : "Có, và càng lặng lẽ, tử tế, nhạy cảm, càng khéo léo
càng tốt". Nhiều năm thăm viếng người ốm và người hấp hối khiến
tôi đồng ý với Elizabeth Ross rằng : “Phần đông, nếu không nói là tất
cả người chết đều biết họ sắp chết. Họ cảm thấy điều đó qua sự
thay đổi nơi lối chăm sóc, qua thái độ đổi khác của người ta đối với
mình, qua sự hạ giọng hay tránh làm ồn, qua gương mặt đẫm lệ hay vẻ
nghiêm trọng của một người bà con không giấu được cảm xúc".
Tôi vẫn thấy người ta thường biết
theo bản năng rằng họ sắp chết, nhưng phải nhờ người khác - bác sĩ
hay người thân - xác nhận điều này. Nếu họ không xác nhận, thì người
sắp chết có thể nghĩ rằng vì người thân của họ không thể chịu nổi
cái tin ấy. Và rồi người sắp chết cũng không đề cập vấn đề làm
gì nữa. Sự thiếu chân thật này chỉ làm cho người chết càng thêm lo lắng,
cô đơn. Tôi nghĩ rằng cần cho họ biết sự thật, vì nếu không, làm sao
họ có thể dọn mình cho cái chết ? Làm sao họ có thể đưa những mối
quan hệ với cuộc đời đi đến một kết thúc thực sự ? Làm sao họ có
thể giải quyết những vấn đề thực tế mà họ cần phải giải quyết
? Làm sao họ có thể giúp những người thân của họ sống - những người
họ bỏ lại ?
Theo quan điểm của tôi, kể như một
hành giả tâm linh, thì chết là một cơ hội lớn để người ta hòa giải
với toàn thể cuộc đời mình, và tôi đã trông thấy nhiều, rất nhiều
người nhân dịp này để thay đổi tính nết và đạt đến gần hơn sự
thật sâu xa nhất của họ. Bởi vậy, nếu ta biết một cách tế nhị và
tử tế, nói sớm cho người kia biết họ sắp chết, thì thế là ta giúp họ
có thời gian chuẩn bị và tìm thấy can đảm, sức mạnh của chính họ,
và tìm thấy ý nghĩa cuộc đời.
Tôi xin kể lại câu chuyện tôi
nghe chị Brigid kể - chị là một y tá tu sĩ Công giáo phục vụ trong một
Tiếp dẫn đường ở Ái Nhĩ Lan. Ông Murphi, độ trên lục tuần, ông và vợ
ông đã được bác sĩ cho biết là ông sẽ không còn sống bao lâu nữa.
Ngày hôm sau, bà Murphi chờ chồng ở Tiếp dẫn đường, họ nói chuyện
và khóc suốt ngày. Chị Brigid nhìn hai người bạn già nói chuyện và thường
òa lên khóc, việc này xảy ra ba ngày liên tiếp làm cho chị tự hỏi có
nên xen vào hay không ? Nhưng đến hôm sau, hai vợ chồng đột ngột thay đổi
: họ có vẻ thư thái an bình, cầm tay nhau và tỏ lộ yêu thương nhau rất
mực.
Chị Brigid đã chận bà Murphi ở
hành lang để hỏi có chuyện gì xảy ra, đã thay đổi rõ rệt thái độ của
họ như thế. Bà Murphi kể, khi cả hai người đều nhận chân rằng ông chồng
sắp chết, thì họ nhìn lại bao năm chung sống, và nhiều kỷ niệm trở về
trong trí họ. Họ đã cưới nhau gần 40 năm, và dĩ nhiên họ cảm thấy một
nỗi đau buồn lớn lao ; nghĩ và nói về những việc mà họ sẽ không bao
giờ cùng nhau làm được nữa. Khi ấy, ông Murphi bèn viết tờ di chúc và
những trăn trối cuối cùng cho những người con lớn. Tất cả việc này
thật buồn ghê gớm, vì thật cam go để mà buông tất cả, nhưng họ vẫn
tiến hành, vì ông Murphi muốn kết thúc đời mình một cách tốt đẹp.
Chị Brigid bảo tôi rằng, trong 3 tuần
kế tiếp ông Murphi còn sống, hai người tỏa ra một sự bình an và một cảm
giác yêu thương kỳ diệu, đơn giản, Ngay cả sau khi chồng chết, bà
Murphi vẫn tiếp tục đến Tiếp dẫn đường để thăm viếng bệnh nhân,
nơi đó bà đã trở thành một nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người.
Câu chuyện này cho tôi thấy tầm
quan trọng của việc nói sớm cho người sắp chết biết sự thật, và sự
lợi ích lớn lao khi biết đối diện sòng phẳng với nỗi đau mất mát.
Ông bà Murphi biết họ sắp mất đi nhiều thứ, nhưng nhờ cùng nhau đối
phó với những mất mát ấy, cùng san sẻ nỗi buồn, họ cùng tìm được
cái mà họ không thể mất, đó là tình yêu sâu xa giữa họ sẽ còn mãi
sau khi ông chết.
Sợ chết
Tôi chắc rằng một trong những điều
mà bà Murphi giúp chồng bà, là bà đã đối mặt với cái nỗi sợ chết của
chính bà ngay trong tâm khảm. Bạn không thể giúp đỡ một người sắp chết
nếu bạn không nhận ra nỗi sợ chết làm ta bối rối như thế nào, đem lại
những sợ hãi khó chịu nhất. Làm việc với người sắp chết giống như
đối diện với một tấm gương láng bóng ghê rợn về sự thực của
chính mình. Bạn thấy trong đó gương mặt, nỗi kinh hoàng của chính bạn,
và của nỗi sợ chết nơi bạn. Nếu bạn không nhìn và chấp nhận gương
mặt kinh hoàng sợ hãi đó trong chính bạn, thì làm sao bạn có thể chịu
đựng nó ở nơi người đối diện ? Khi đến giúp đỡ người sắp chết,
bạn cần phải khám xét mỗi phản ứng của chính bạn, vì phản ứng của
bạn sẽ phản chiếu trên phản ứng của người sắp chết, và sẽ đóng
góp một phần lớn vào sự giúp đỡ họ hay tàn hại họ.
Nhìn vào nỗi sợ chết của bạn một
cách thực thà cũng sẽ giúp bạn trong chính cuộc hành trình của bạn tiến
đến sự trưởng thành. Ðôi khi tôi nghĩ không cách nào giúp ta mau chóng
trưởng thành trong đạo làm người, hơn là làm việc với những người sắp
chết. Săn sóc người sắp chết đã là một sự quán tưởng sâu xa và một
tư duy về cái chết của chính bạn. Ðấy là một cách để đối diện và
làm việc với cái chết. Khi bạn làm việc với người sắp chết, bạn có
thể đi đến một thứ quyết định, một thấu hiểu rõ ràng cái gì là
trọng tâm căn để nhất của cuộc đời.
Thực sự học cách giúp đỡ người
sắp chết là bắt đầu hết sợ và có trách nhiệm về cái chết của
chính bạn, và tìm ra trong chính bạn, khởi thủy của một lòng bi mẫn vô
bờ mà bạn có thể chưa hề ngờ đến.
Ý thức nỗi sợ chết nơi chính bạn
sẽ giúp bạn vô vàn trong việc biết đến nỗi sợ hãi nơi người sắp
chết. Hãy tưởng tượng sâu xa điều ấy ra sao : sợ nỗi đau đớn càng
lúc càng tăng không chịu nổi, sợ đau khổ, sợ mất tư cách, sợ phải lệ
thuộc người khác, sợ rằng ta đã sống một đời vô nghĩa, sợ chia lìa
với tất cả những gì ta thương yêu, sợ mất sự tự chế, sợ mất sự
kính trọng, và ló lẽ nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng ta là sợ chính nỗi
sợ hãi, ta cứ càng tránh né thì nó càng mạnh thêm.
Thông thường khi sợ hãi, bạn cảm
thấy bị cô lập một mình, không bè bạn. Nhưng nếu có người ở bên bạn
và nói họ cũng sợ, thì khi ấy bạn nhận ra rằng sợ hãi là chuyện ai cũng
có, khi ấy cái rìa sắc cạnh của nó, nỗi sợ riêng tư, bị tước mất.
Nỗi sợ hãi của bạn được đưa về trong bối cảnh sợ hãi của con người
nói chung. Khi ấy bạn có thể cảm thông hơn, từ bi hơn, và xử với nỗi
sợ của bạn một cách tích cực, có ích hơn nhiều.
Càng chạm trán và chấp nhận nỗi
sợ của riêng bạn, bạn càng nhạy cảm đối với nỗi sợ của người sắp
chết trước mắt bạn. Bạn sẽ thấy mình phát triển được thông minh
trí tuệ để giúp người ấy đưa nỗi sợ hãi của họ ra ánh sáng, xử
lý nó, và khởi sự khéo léo xua tan nó. Vì đối diện nỗi sợ hãi của bạn
không những làm cho bạn dạn dĩ hơn, có lòng thương hơn, sáng suốt hơn,
mà nó còn làm bạn khéo léo hơn, và sự khéo léo ấy sẽ mở ra cho bạn
nhiều phương pháp giúp người chết hiểu và đối mặt với nỗi sợ hãi
của họ.
Một trong những nỗi lo sợ mà
chúng ta có thể xua đuổi dễ dàng nhất là sợ đau đớn trong khi chết,
như tất cả chúng ta đều sợ. Tôi muốn nghĩ rằng mọi người trên thế
giới bây giờ đều có thể biết không cần phải sợ như thế. Nỗi đau
thể xác cần được giữ mức tối thiểu vì chết cũng đủ đau khổ rồi.
Một sự khảo sát ở Tiếp dẫn đường St-Christopher ở Luân Ðôn -
mà tôi biết rõ vì ở đấy nhiều học trò tôi đã chết - cho thấy rằng
nếu săn sóc cẩn thận thì 98% bệnh nhân có thể có một cái chết bình
an. Phong trào Tiếp dẫn đường đã phát minh nhiều phương pháp chế ngự
cơn đau bằng cách xử dụng phối hợp nhiều loại thuốc, chứ không phải
chỉ dùng toàn á phiện. Những bậc thầy trong Phật giáo thường nói cần
phải chết một cách đầy đủ ý thức, có sự tự chủ, sáng suốt càng
nhiều càng tốt. Vậy cần phải kiểm soát sự đau đớn không để đến
độ nó che mờ ý thức của người sắp chết, đó là điều kiện cốt yếu
của việc làm giảm đau. Và điều kiện ấy hiện nay có thể làm được
: mọi người sắp chết đều đáng được giúp đỡ trong phương diện này,
ở giai đoạn chuyển tiếp quan trọng nhất ấy
Công việc chưa xong
Một niềm lo âu khác của người sắp
chết là công việc dang dở họ để lại. Những bậc thầy cho biết ta nên
chết một cách an ổn, "không bám víu, khát khao, chấp thủ". Ðiều
này không thể xảy đến nếu công việc dang dở của một đời chưa được
thanh toán. Ðôi khi bạn thấy rằng người ta còn níu kéo cuộc đời, sợ
phải buông ra, phải chết, bởi vì họ chưa hòa giải được với những gì
họ đã là và đã làm trong đời. Và khi một người sắp chết vẫn còn
ôm ấp mặc cảm phạm tội hay oán ghét người khác, thì những người còn
ở lại sẽ đau khổ sâu xa hơn.
Ðôi khi người ta hỏi tôi :
"Có phải quá muộn lúc ấy để hàn gắn những đau thương dĩ vãng ?
Phải chăng giữa tôi và người bà con, bạn bè sắp chết của tôi đã có
quá nhiều đau khổ, khó có thể hàn gắn nổi ?". Tôi tin rằng, và
kinh nghiệm rằng không bao giờ là quá muộn, ngay cả sau khi nhục mạ nhau
một trận tơi bời, người ta vẫn có thể tìm cách tha thứ cho nhau. Cái
giây phút chết chóc có mọt vẻ trọng đại, nghiêm túc và tối hậu có
thể làm người ta xét lại những thái độ của mình, và sẵn sàng cởi mở
hơn để tha thứ, khi mà trước đấy họ không thể nào làm được. Ngay cả
vào lúc cuối đời, những lỗi lầm của cả một đời có thể được giải
tỏa.
Có một phương pháp giúp hoàn tất
công việc dang dở mà tôi và các học trò tôi thấy rất hiệu nghiệm, khi
làm việc với những người sắp chết. Nó được rút từ pháp tu của Phật
giáo là xem mình như người khác, trao đổi địa vị tự ngã với những
người khác ; và từ kỹ thuật Gestalt của Christine Longaker, một trong những
học trò đầu tiên của tôi, người đã đến làm việc với người sắp
chết sau khi có chồng chết vì bệnh ung thư máu. Thông thường công việc
chưa xong là hậu quả của sự truyền thông bị tắt nghẽn. Khi chúng ta bị
tổn thương, chúng ta đâm ra rất tự vệ, luôn luôn biện bác dành phần
phải về mình và nhất định không chịu thấy lập trường người kia.
Ðiều này không chỉ vô ích mà còn làm bế tắc mọi khả năng trao đổi
thực sự. Bởi vậy, khi bạn làm tập luyện này, trước hết hãy đem tất
cả ý nghĩ cảm xúc tiêu cực của bạn ra ánh sáng, cố mà tìm hiểu
chúng, làm việc với chúng và giải quyết chúng, và cuối cùng buông xả.
Rồi quán tưởng người mà bạn
có vấn đề với họ, đang ở trước mặt bạn. Nhìn thấy họ trong tâm
nhãn của bạn, hệt như họ thường ngày trước mắt bạn.
Bây giờ hãy xem như có một thay đổi
thực sự xảy ra, khiến người kia mở lòng ra mà lắng nghe những gì bạn
nói, có thiện chí hơn bao giờ hết, để san sẻ một cách trung thực, và
giải quyết vấn đề giữa bạn và họ. Hãy quán tưởng người ấy một
cách rõ ràng trong trạng thái mới thay đổi, nghĩa là rất cởi mở. Ðiều
này giúp bạn cũng cởi mở hơn đối với người ấy. Rồi thực sự cảm
thấy sâu xa trong tâm bạn những gì bạn muốn nói với họ nhất. Nói với
họ vấn đề là thế nào, cho họ biết tất cả cảm nghĩ của bạn, những
khó khăn của bạn, niềm tổn thương, nỗi ân hận của bạn. Nói với họ
những gì mà trước đây bạn không đủ can đảm để nói ra.
Bây giờ bạn hãy lấy một mảnh
giấy mà viết lên đó tất cả những gì bạn muốn nói. Rồi ngay sau đó,
viết ra những gì mà người kia có thể trả lời. Ðừng dừng lại để
suy nghĩ những gì họ thường nói : hãy nhớ rằng bây giờ, như bạn đã
quán, người ấy thự sự nghe bạn, và cởi mở hơn. Bởi thế bạn cứ viết
cái gì tuôn ra một cách tự nhiên ; để cho người kia trong tâm trí bạn,
diễn đạt hoàn toàn ý kiến của họ về vấn đề.
Hãy xem bạn cần nói thêm gì với
họ nữa chăng - những cảm giác bị thương tổn hay niềm hối hận nào
trong quá khứ, mà bạn đã giữ lại, hoặc chưa từng ngờ đến. Mỗi lần,
sau khi nói lên cảm nghĩ của mình, bạn hãy viết lên một lời đáp
lại của người kia, cứ viết bất cứ gì đến trong đầu bạn. Tiếp tục
cuộc đối thoại này cho đến khi bạn thực sự cảm thấy không còn che
giấu điều gì, không cần nói thêm gì nữa.
Muốn biết bạn thực sự sẵn
sàng kết thúc cuộc đối thoại, hãy tự hỏi một cách sâu xa trong tâm khảm,
rằng bạn có thể thực tình buông bỏ quá khứ chăng, thực sự tha thứ
người kia hay cảm thấy họ sẽ tha thứ cho mình. Khi bạn cảm thấy đã
được như thế, thì hãy nhớ nói lên những cảm tưởng yêu mến mà có
thể bạn đang giữ lại, rồi nói lới từ giã. Hãy quán tưởng người
kia quay lưng bỏ đi và dù bạn phải buông người ấy ra, hãy nhớ rằng bạn
vẫn có thể giữ lại niềm yêu thương người ấy và những hoài niệm
ấm áp về những khía cạnh tốt nhất của mối tương giao luôn luôn ở
trong tim bạn.
Muốn đạt đến một hòa giải
sáng sủa hơn với quá khứ, thì hãy tìm một người mà bạn có thể đọc
cho nghe cuộc đối thoại bạn đã viết, hoặc đọc lớn cho bạn nghe một
mình. Một khi bạn đã đọc lớn cuộc đối thoại này, bạn sẽ ngạc
nhiên để ý một thay đổi nơi bạn, như thể là bạn đã thực sự liên
lạc với người ấy, thực sự giải tỏa với họ mọi vấn đề giữa họ
và bạn. Sau đó bạn sẽ thấy vô cùng dễ dàng để buông xả, để nói
trực tiếp với người kia về những khó khăn của bạn. Và khi bạn đã
thực sự buông xả, thì một thay đổi vi tế trong sự hóa giải giữa bạn
và người kia sẽ xảy ra, mối căng thẳng từ bao lâu nay bỗng tan biến.
Ðôi khi nhờ vậy mà các bạn lại còn trở thành đôi bạn thân thiết nhất.
Ðừng bao giờ quên rằng : "Một người bạn có thể biến thành thù,
và một kẻ thù có thể biến thành bạn" , như lời Tsongkhapa, bậc thầy
Tây Tạng đã nói.
Nói lời từ biệt
Không những bạn cần tập buông những
mối căng thẳng, mà còn phải buông cả người sắp chết. Nếu bạn ràng
buộc, bám víu họ, bạn có thể đem lại cho họ rất nhiều mối thương tâm
không cần thiết, làm cho họ rất khó xả để chết một cách an bình.
Ðôi khi người hấp hối còn kéo
dài cả nhiều tháng, nhiều tuần, lâu hơn sự chờ đợi của bác sĩ, và
phải chịu đau đơn kinh khủng về thể xác. Christine Longaker đã khám phá
rằng muốn cho một người như thế buông xả và chết được dễ dàng,
thì họ cần được nghe hai lời xác quyết rõ ràng từ những người thân.
Trước hết, người thân phải để cho họ chết, thứ hai là người thân
phải làm cho họ an tâm rằng mình sẽ không sao sau khi họ chết, không cần
phải lo lắng.
Khi người ta hỏi tôi cách nào tốt
nhất để cho phép người ta chết, tôi bảo hãy tưởng mình đang ở bên
giường người sắp chết mà nói với một vẻ yêu thương chân thành sâu
xa nhất : "Tôi đang ở bên bạn, tôi yêu mến bạn. Bạn đang chết,
điều ấy hoàn toàn tự nhiên, cái chết xảy đến với tất cả mọi người.
Tôi ước gì bạn có thể ở lại với tôi, nhưng tôi cũng không muốn cho
bạn đau đớn thêm nữa. Thời gian chung sống của chúng ta đã nhiều, tôi
sẽ luôn luôn trân quý, bây giờ xin bạn đừng bám víu cuộc đời nữa, hãy
buông ra. Tôi sẵn sàng để cho bạn chết. Bạn không cô đơn đâu - bây giờ
và mãi mãi : bạn đang có tất cả niềm thương yêu của tôi.
Một học trò tôi làm việc trong một
Tiếp dẫn đường đã kể cho tôi nghe về một bà Tô Cách Lan tên Maggie
mà cô đã viếng thăm sau khi chồng bà rơi vào cơn hôn mê. Maggie vô cùng
buồn khổ vì chưa từng nói cho chồng biết tình yêu của bà đối với
ông, cũng chưa nói lời từ biệt, và bây giờ bà thấy đã quá muộn
màng. Người làm việc trong Tiếp dẫn đường khuyến khích bà, bảo rằng
mặc dù ông có vẻ không có phản ứng, song có lẽ ông vẫn còn nghe bà
nói được. Cô ta đã đọc sách nói nhiều người bề ngoài bất tỉnh,
song kỳ thực vẫn biết được những gì đang xảy ra. Cô ta giục bà hãy
ở lại với chồng bà thêm ít phút, nói với ông tất cả những gì bà muốn
nói. Maggie chưa bao giờ nghĩ tới chuyện ấy, nhưng bà vẫn đến nói với
chồng về những ngày hạnh phúc họ cùng san sẻ, về nỗi nhớ thương của
bà từ đây, và về tình yêu của bà đối với ông. Cuối cùng bà từ biệt
và nói : "Thật đau lòng cho tôi nếu sống mà không có ông, nhưng tôi
không muốn nhìn thấy ông đau đớn nữa, bởi thế bây giờ ông cứ việc
buông xả đi” . Khi bà dứt lời, ông chồng trút ra một hơi thở dài, và
chết một cách an ổn.
Không những người sắp chết cần
buông xả, mà chính gia đình họ cũng cần tập buông. Mỗi thành viên gia
đình có thể ở một mức độ chấp nhận khác nhau, và điều này cần biết
rõ. Một trong những thành công lớn của phong trào Tiếp dẫn đường là
nhận chân được tầm quan trọng của việc giúp đỡ toàn thể gia đình
đối mặt với nỗi thương tâm và sự bất trắc về tương lai. Một vài
gia đình không chịu để cho người thân của họ ra đi, vì tưởng như vậy
là phản bội, và chứng tỏ mình không thương người sắp chết cho lắm.
Christine Longaker bảo những gia đình ấy hãy đặt mình vào địa vị người
sắp chết : "Hãy tưởng tượng các bạn đang đứng trên một con tàu
xuyên đại dương sắp khởi hành. Bạn nhìn lui phía bờ, trông thấy bà
con, bè bạn vẫy tay từ biệt. Bạn không còn chọn lựa nào khác ngoài sự
phải ra đi, và con tàu đang rời xa. Bạn muốn những người bạn yêu mến
từ biệt bạn như thế nào ? Cái gì sẽ giúp bạn nhất trong cuộc hành
trình của bạn ?" .
Ngay cả một luyện tập nhỏ ấy cũng
có thể giúp rất nhiều cho mỗi thành viên trong gia đình xử lý nỗi buồn
theo kiểu của họ, để nói lời từ biệt cho êm.
Ðôi khi có người hỏi tôi :
"Tôi nên nói với con nhỏ của tôi như thế nào về cái chết của bà
con nó ?" . Tôi trả lời là họ nên tế nhị, nhưng hãy nói sự thật.
Ðừng để cho đứa trẻ nghĩ chết là một cái gì ghê gớm lạ lùng. Hãy
để nó tham dự càng nhiều càng tốt vào cuộc sống của người sắp chết,
và trả lời trung thực bất cứ câu hỏi nào của nó. Sự trực tiếp,
ngây thơ của một đứa trẻ có thể đem lại một ánh sáng, một sự ngọt
ngào, đôi khi cả đến một chút hài hước cho nỗi đau hấp hối. Hãy
khuyến khích đứa trẻ cầu nguyện cho người sắp chết, để nó có cảm
giác nó đang giúp người ấy. Và khi cái chết thực sự xảy ra thì bạn
đừng quên đem lại cho đứa bé sự chú ý chăm sóc đặc biệt.
Tiến đến một cái chết bình an
Khi tôi nhớ về Tây Tạng và những
cái chết mà tôi đã chứng kiến ở đấy, tôi lấy làm ngạc nhiên về
khung cảnh yên tịnh hài hòa trong đó nhiều cái chết đã diễn ra. Loại
khung cảnh đó than ôi, thường vắng bóng ở Tây phương, nhưng với kinh
nghiệm 20 năm qua, tôi thấy ta có thể tạo ra một khung cảnh như vậy, chỉ
cần có chút tưởng tượng. Tôi nghĩ nếu có thể, người ta nên chết tại
nhà, vì chính ở nhà mà đa số người dễ thấy thoải mái nhất. Và sự
chết thanh thản như các bậc thầy khuyên, dễ xảy ra trong khung cảnh thân
thuộc của gia đình. Nhưng nếu người nào phải chết ở bệnh viện, cũng
có rất nhiều điều mà bạn, những người thân, có thể làm để cho sự
chết ấy càng dễ dàng, thoải mái càng tốt. Hãy đem vào đấy hoa, cây cảnh,
tranh ảnh những người thân yêu, bức họa của con cái, cháu chắt ; hoặc
mở băng nhạc, và nếu có thể đem thức ăn nấu từ nhà đến. Bạn có
thể xin phép cho trẻ con trong gia đình đến thăm, hoặc cho những người
thân đến ở lại đêm với người sắp chết. Nếu người sắp chết theo
đạo Phật, hoặc một tôn giáo khác, bạn bè có thể thiết một bàn thờ
nhỏ trong phòng chết, với những tranh ảnh gợi niềm tin. Tôi nhớ một người
học với tôi tên Reiner, hấp hối tại một bệnh viện ở Munich. Người
ta đã thiết một bàn thờ cho anh, với tranh ảnh của các bậc thầy an vị
trên bàn. Tôi rất xúc động trước cảnh ấy, và nhận ra rằng Reiner đã
được giúp đỡ một cách sâu xa nhờ bầu không khí mà bức ảnh đã tạo
nên. Giáo lý Phật khuyên ta nên lập một bàn thiết đồ cúng khi có người
sắp chết. Nhìn sự sùng kính của Reiner và niềm bình an của anh, tôi mới
hiểu được một bàn thờ có thể có mãnh lực như thế nào, và lấmo nó
có thể giúp người ta cảm thấy cái chết của họ là một quá trình
thiêng liêng.
Khi một người bệnh đã gần kề
cái chết, tôi đề nghị bạn yêu cầu các bác sĩ, y tá đừng thường xuyên
quấy rầy người bệnh, và nên chấm dứt các thử nghiệm. Người ta thường
hỏi tôi nghĩ gì về sự chết trong các trường hợp được tăng cường
săn sóc. Tôi phải nói rằng ở trong một trường hợp như thế sẽ làm
cho sự chết thanh thản rất là khó khăn, vì nó hoàn toàn không để cho
người ta tu luyện tâm linh vào lúc sắp chết. Khi người ấy hấp hối, họ
mất hết sự riêng tư : Họ bị gắn vào các máy đo đủ loại, rồi những
nỗ lực để phục hồi sẽ được thực hiện khi phổi đã ngưng thở hay
tim ngưng đập. Như thế thì không còn hy vọng gì để cái xác được yên
ổn một thời gian sau khi chết, như các bậc thầy đã khuyên. Nếu có thể,
bạn nên dàn xếp với bác sĩ để họ báo cho biết khi không còn có thể
cứu người bệnh được nữa, và xin dời họ đến một phòng riêng, nếu
người hấp hối muốn, và gỡ hết các máy mọc dụng cụ ra. Cần bảo đảm
rằng bệnh viện biết và tôn trọng ước nguyện của người sắp chết,
nhất là khi họ không muốn được phục hồi, và hãy bảo đảm rằng nhân
viên bệnh viện cũng biết để cho thi thể được nằm yên càng lâu càng
tốt. Dĩ nhiên trong một bệnh viện tiên tiến thì không thể nào để xác
chết suốt ba ngày như tục lệ Tây Tạng, nhưng cần nên giữ im lặng an
bình để giúp cho người chết khởi sự cuộc du hành sau khi chết. Bạn cũng
nên cố gắng để - khi biết người bệnh thực sự gần kề cái chết -
tháo gỡ tất cả những kim, thuốc và mọi thứ xâm nhập cơ thể. Những
vật này có thể gây giận dữ, cáu tiết, đau đớn ; nên muốn cho tâm người
sắp chết được an tịnh vào giờ phút chết thì điều này tuyệt đối
quan trọng.
Phần đông người chết trong trạng
thái hôn mê. Một điều chúng tôi đã được học trong kinh nghiệm cận tử
là : những bệnh nhân hôn mê và sắp chết kỳ thực biết rõ mọi sự xảy
ra xung quanh hơn là chúng ta tưởng. Nhiều người chết đi sống lại đã
báo cáo những kinh nghiệm thoát xác của họ, từ đấy họ có thể tường
thuật một cách tỉ mỉ, chính xác lạ lùng về những chuyện xẩy ra xung
quanh, và cả đến trong các phòng khác của các bệnh viện. Ðiều này cho
thấy rõ ràng sự quan trọng của việc nói chuyện tốt lành và thường
xuyên cho người sắp chết, hoặc với người đang hôn mê. Sự chăm sóc đầy
trìu mến, bén nhạy, có ý thức đối với người sắp chết cần phải tiếp
tục cho đến giây phút cuối cùng của đ?i họ, và ngay cả xa hơn. Một
trong những điều mà tôi hy vọng từ quyển sách này là, các y sĩ trên khắp
thế giới nên cực lực tôn trọng nhu cầu cho phép người chết được chết
trong im lặng trang nghiêm. Tôi muốn kêu gọi thiện chí của nghề y, và hy
vọng gợi cảm hứng cho họ tìm ra những phương pháp nào để làm cho sự
chuyển tiếp vô cùng cam go của cái chết trở nên càng dễ dàng, không
đau đớn, và càng thanh bình càng tốt. Sự chết thanh thản thực sự là một
nhân quyền căn bản thiết yếu, có lẽ còn thiết yếu hơn cả quyền đầu
phiếu hay quyền công lý, đấy là một thứ quyền rất cần thiết cho sự
an lạc và tương lai tâm linh của người chết.
Không có món quà từ thiện nào bạn
có thể cho mà quý hơn sự giúp đỡ một người được chết một cái chết
tốt đẹp.
Mục lục | Lời
giới thiệu của Đức Dalai Lama | Lời nói đầu |
1 | 2 |
3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | Phụ
lục 1: Vấn đáp về sự chết | Phụ lục 2: Hai mẫu
chuyện | Phụ lục 3: Hai bài thần chú |
Chúng tôi chân thành cảm
ơn hai vị Phật tử Hải Hạnh và Ngọc Sương đã phát âm đánh máy gởi
sách này về cho ban biên tập