- TẠNG THƯ SỐNG-CHẾT
- THE TIBETAN BOOK OF LIVING
AND DYING
Sogyal Rinpoche
PHẦN BA: CHẾT VÀ TÁI SINH
18- Bardo tái sanh
Ðối với phần đông người, kinh nghiệm về cái chết
chỉ có nghĩa là bước vào một trạng thái quên lãng ở cuối tiến trình
chết. Ba giai đoạn của sự tan rã bên trong có thể rất nhanh, "như ba
cái búng tay". Những tinh chất trắng và đỏ của cha và mẹ gặp nhau
ở tim, và kinh nghiệm màu đen gọi là "thành tựu" khởi lên. Ánh
sáng Căn bản xuất hiện, nhưng ta không nhận ra được nó, và ta rơi vào
trạng thái hôn mê bất tỉnh.
Như tôi đã nói, đây là sự hụt
trực nhận lần thứ nhất, hay giai đoạn vô minh thứ nhất, Tạng ngữ gọi
là Ma Rigpa, hay "Bất giác", ngược lại với Rigpa, sự tỉnh giác về
tự tánh tâm. Ðiều này đánh dấu trong ta sự khởi đầu một chu kỳ khác
của sinh tử, chỉ bị gián đoạn chốc lát vào lúc chết. Khi ấy Bardo
pháp tánh xuất hiện và nó chỉ vút qua như một làn chớp, không được
nhận ra. Ðây là sự hụt trực nhận lần thứ hai, giai đoạn hai của vô
minh bất giác.
Ðiều đầu tiên mà ta ý thức đến
là "như thể trời và đất lại cách ngăn trở lại” : Chúng ta thình
lình tỉnh dậy trong trạng thái trung gian giữa cái chết và một tái sanh mới.
Ðây gọi là Trung Ấm của tái sanh, sipa Bardo, và là Trung Ấm thứ ba
của sự chết.
Khi chúng ta không nhận ra được
Ánh sáng Căn bản và không nhận ra Bardo pháp tánh, những hạt giống
của khuynh hướng tập quán trong ta được khơi dậy, bừng tỉnh. Bardo
tái sanh bắt đầu từ khi bừng tỉnh này cho đến khi chúng ta nhập vào
bào thai của đời sống mới.
Danh từ Sipa trong Sipa Bardo
dịch là "Trung Ấm tái sinh", cũng có nghĩa là "khả năng"
và "hiện hữu". Trong Trung Ấm này, vì tâm thức không còn bị giới
hạn và ngăn che bởi cái thân vật lý của thế giới này, nên những
"khả năng" là vô biên cho việc tái sinh trong các cõi. Và Bardo này
có "hiện hữu" bên ngoài là thân tâm lý và ‘hiện hữu" bên
trong là tâm.
Khía canh nổi bật của Bardo
tái sanh là, ở đây tâm đóng vai trò quan trọng, trong khi ở giai đoạn Bardo
pháp tánh, thì mọi sự diễn ra trong phạm vi Tính giác Rigpa, cốt lõi của
tâm. Bởi thế, trong Bardo pháp tánh, chúng ta có một thân bằng ánh
sáng, còn trong Bardo tái sinh chúng ta có một thân do ý sanh.
Trong Bardo tái sinh, tâm có
được ánh sáng vô biên và sự di động không giới hạn, nhưng hướng di
chuyển của nó hoàn toàn được định đoạt bởi những khuynh hướng tập
quán cũ của ta. Vì vậy nó được gọi là Bardo tái sinh. Kalu Rinpoche
nói : "Ðó là hậu quả hoàn toàn thụ động, mù quáng của những nghiệp
đời trước, và không có gì xảy ra là hữu thức ; chúng ta hoàn toàn bị
nghiệp lực lôi kéo".
Ở điểm này, tâm đã đạt đến
giai đoạn kế tiếp trong tiến trình tuần tự mở ra của nó : Từ trạng
thái thanh tịnh nhất của nó là Ánh sáng Căn bản, qua ánh sáng và năng
lượng của nó, tức là những tướng hiện ra trong Bardo pháp tánh,
và bây giờ đi vào sự biểu hiện thô hơn của một thân ý sanh trong Bardo
tái sinh. Những gì xảy ra bây giờ ở giai đoạn này là một tiến trình
tan rã ngược lại : những ngọn gió lại xuất hiện, cùng với chúng là
những trạng thái tư tưởng liên hệ đến ngu si, tham dục và giận dữ. Rồi,
vì ký ức về thân nghiệp sanh trong quá khứ của chúng ta đang còn mới mẻ,
chúng ta mang một "thân ý sanh".
Thân ý sanh
Thân ý sanh của chúng ta trong Bardo
tái sanh mang một số đặc tính đặc biệt. Nó có đủ tất cả các giác
quan. Nó vô cùng nhẹ, sáng suốt và di động ; và sự bén nhạy của nó
được nói là gấp 7 lần trong đời sống thực. Nó cũng có được một
loại thần thông lặt vặt, không được ý thức kiểm soát, nhưng đem lại
cho thân ý sanh khả năng đọc được tâm người khác.
Lúc đầu, thân ý sanh này sẽ có một
hình dáng giống như thân thể trong đời vừa qua, nhưng không có một khuyết
điểm nào, và đang ở độ tuổi xuân xanh. Ngay cả khi bạn bị què quặt
hay đau ốm trong đời sống, bạn vẫn có được thân ý sanh toàn hảo
trong Bardo tái sanh.
Một trong những giáo điển cổ của
Dzogchen cho chúng ta biết rằng thân ý sanh cỡ bằng một đứa bé từ 8 đến
10 tuổi.
Do năng lực của tư duy khái niệm,
gọi là "gió nghiệp", thân ý sanh không thể ở yên dù chỉ trong
chốc lát. Nó không ngừng di động. Nó có thể đi khắp nơi nó muốn,
không bị trở ngại. Vì thân ý sanh không có cơ sở vật lý nên nó có thể
đi xuyên qua tường vách hay núi.
Khi mang thân ý sanh có thể thấy suốt
những vật thể có ba chiều. Nhưng vì thiếu tinh chất vật lý của
cha mẹ, chúng ta không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng, mà chỉ có ánh
sáng mờ soi tỏ khoảng không gian ngay trước mặt. Chúng ta có thể thấy
những chúng sanh khác trong cõi Trung Ấm, nhưng người sống không thấy
chúng ta, ngoại trừ những người đã có thần thông nhờ thiền định. Bởi
thế, chúng ta có thể gặp và nói chuyện vài giây phút thoáng qua với nhiều
kẻ đang du hành trong thế giới Bardo (Trung Ấm), nghĩa là những kẻ
chết trước chúng ta.
Do sự có mặt của năm uẩn đang
thành hình, nên thân ý sanh đối với chúng ta dường như chắc thực, và
chúng ta vẫn còn cảm thấy những cơn đói cồn cào. Giáo lý Trung Ấm dạy
rằng thân ý sanh này sống bằng mùi hương và rút dưỡng chất từ những
đồ cúng được đem đốt, nhưng nó cũng có thể hưởng được những đồ
cúng đặc biệt nhân danh nó.
Trong trạng thái này, hoạt động tâm
ý rất nhanh : tư tưởng liên tục trôi qua nhanh, và chúng ta có thể làm một
lúc nhiều công việc. Tâm tiếp tục duy trì những mẫu mực thói quen của
nó, nhất là thói bám víu những kinh nghiệm, và thói tin rằng mọi sự tuyệt
đối là thực có.
Những kinh nghiệm của cõi Trung Ấm
Suốt trong những tuần đầu trong cõi
Trung Ấm (Bardo), chúng ta có cảm tưởng rằng mình là một người đàn
ông hay một phụ nữ, hệt như khi ta còn sống đời vừa qua. Chúng ta
không nhận ra rằng mình đã chết. Chúng ta trở về nhà để gặp bà con
và những người thân yêu. Ta cố nói với họ, sờ vai họ. Nhưng họ không
trả lời, cũng không tỏ ra họ biết ta có ở đấy. Dù ta cố gắng bao
nhiêu, cũng không gì làm cho họ chú ý ta được. Ta bất lực đứng nhìn họ
khóc hay ngồi thẩn thờ với cõi lòng tan nát vì cái chết của ta. Ta lại
còn cố một cách vô hiệu để xử dụng những đồ đạc của ta khi trước.
Chỗ ta ngồi nơi bàn ăn không còn dành cho ta nữa, và người ta đang làm
những chuẩn bị để thanh toán của cải của ta. Ta cảm thấy tức tối,
bị thương tổn, hằn học, "như một con cá quằn quại trên cát
nóng", Tử Thư nói.
Nếu hết sức quyến luyến cái
xác của mình, thậm chí ta lại còn cố nhập vào nó hay lảng vảng bên
nó. Có những trường hợp quá khích, là thân ý sanh có thể lai vãng gần
tài sản hay xác của họ hàng tuần, hàng năm mà vẫn chưa có thể nghĩ rằng
mình đã chết. Chỉ khi họ thấy mình không có bóng in trên mặt đất, không
in dấu chân bước, cũng không phản chiếu trong gương, họ mới vỡ lẽ. Và
nội một nỗi kinh hoàng khi nhận ra mình đã chết, cũng đủ làm cho họ
ngất xỉu.
Trong cõi Trung Ấm tái sanh, ta sống
lại tất cả những kinh nghiệm của đời vừa qua, ôn lại những kỷ niệm
đã từ lâu phai mờ trong ký ức, và thăm lại những nơi chốn cũ, “dù
chỉ là nơi ta chỉ có khạc nhổ lên đấy". Cứ bảy ngày một lần,
ta lại bắt buộc phải sống trở lại cái kinh nghiệm chết, với tất cả
nỗi đau khổ của nó. Nếu ta đã chết một cách an bình, thì trạng thái
tâm an bình đó được tái diễn ; nhưng nếu đó là một cái chết vật
vã, sự vật vã ấy cũng được tái diễn. Và nên nhớ rằng, mọi sự
được tái diễn với một ý thức mãnh liệt gấp bảy lần lúc sống. Và
trong giai đoạn thoáng qua của Trung Ấm tái sanh, mọi nghiệp ác của các
đời trước trở lại, một cách cô đọng cường liệt, làm cho tâm ta rối
bời.
Cứ thế, ta một mình lang thang
không ngừng qua thế giới Trung Ấm, kinh hoảng như trong một cơn ác mộng.
Và cũng hệt như trong mộng, ta tin rằng mình thực có một cái thân vật
lý, và mình thực sự hiện hữu. Tuy thế, tất cả những kinh nghiệm của
Bardo này chỉ do tâm ta biến ra, do nghiệp và những tập quán cũ của
ta tái diễn.
Những ngọn gió của tứ đại trở
về, và như Tulku Urgyen Rinpoche nói : “Người ta nghe những âm thanh to lớn
của đất, nước, lửa, gió. Có tiếng nhu núi lở sau lưng ta, tiếng con sông
lớn gầm lên, tiếng một khối lửa khổng lồ như hỏa diệm sơn, tiếng
của một trận bão lớn". Khi ta hoảng hốt cố chạy thoát những thứ
này, trong bóng tối kinh hoàng, thì trước mặt ta mở ra ba cái hố thẳm trắng,
đỏ, đen, “sâu và kinh khủng". Ðấy là Tử Thư nói, tâm giận dữ,
tham dục và ngu si của ta. Ta bị tấn công bởi những ngọn thác đổ, mưa
đá bằng máu mủ ; bị ám ảnh bởi những âm thanh la hét của quỷ không
đầu ; bị săn đuổi bởi những yêu quái và thú dữ chuyên ăn thịt.
Cứ thế, ta không ngừng bị ngọn
gió nghiệp cuốn đi, không thể vin víu vào một căn cứ nào cả. Tử Thư
nói : "Vào lúc ấy, trận cuồng phong của nghiệp thức kinh hoàng, khó
chịu xoáy lên một cách dữ tợn, từ đằng sau sẽ đẩy ngươi tới trước”
. Bị ngốn ngấu bởi nỗi hoảng sợ, bị thổi giạt qua lại như những hạt
nhị hoa bay trước gió, ta lang thang vô vọng qua cõi Trung Ấm. Bị cơn đói
khát dày vò, ta tìm nơi trú ẩn chỗ này chỗ khác. Nhận thức của tâm ta
thay đổi từng chặp, lúc vui lúc buồn. Bỗng tâm ta đâm ra khao khát có một
cái xác thân vật lý nhưng lại không thể tìm được, làm cho ta lại rơi
vào đau khổ.
Toàn thể khung cảnh ấy đều do
nghiệp ta un đúc, cũng như thế giới trung gian có thể chứa đầy những
ảnh tượng ác mộng do vọng tưởng chúng ta tạo nên. Nếu bình thường lúc
sống, ta có hành động tích cực, thì kinh nghiệm và nhận thức chúng ta
trong cõi Trung Ấm sẽ là hạnh phúc và an lạc ; nếu đời ta tác hại và
làm người khác đau khổ thì kinh nghiệm trong cõi Trung Ấm của ta sẽ đầy
đau đớn buồn lo. Bởi thế, Tử Thư nói rằng : những người đánh cá,
đồ tể, thợ săn đều bị tấn công bởi những hình ảnh ghê rợn của
những nạn nhân của họ trước kia.
Vài người nghiên cứu kỹ kinh nghiệm
cận tử, nhất là khi nghiên cứu những "cuộn phim đời” - một đặc
điểm chung của tất cả mọi người chết đi sống lại - đã tự hỏi :
"Làm sao tưởng tượng nổi sự kinh khủng của những kinh nghiệm trong
cõi Trung Ấm của một nhà độc tài, một kẻ chuyên tra tấn ? "Cuộn
phim đời” cho ta thấy rằng, sau khi ta chết, ta có thể kinh quá tất cả
những nỗi đau khổ mà ta đã gieo, trực tiếp hay gián tiếp" .
Ðộ dài của Trung Ấm tái sanh
Toàn thể Trung Ấm tái sanh kéo dài
trung bình 49 ngày, và ít nhất là một tuần. Nhưng cũng còn tùy, giống như
hiện tại có người sống tới trăm tuổi, trong khi kẻ khác chết non. Một
số lại còn bị kẹt trong thế giới trung gian để thành ma quỷ. Dudjom
Rinpoche thường giải thích rằng suốt trong 21 ngày đầu của thời gian
Trung Ấm, bạn vẫn còn một số ấn tượng mạnh về đời sống vừa qua,
bởi thế đây là giai đoạn quan trọng nhất để người sống giúp đỡ
người chết. Sau đó, đời sống tương lai của bạn dần dần thành hình
và trở thành ảnh hưởng chính.
Chúng ta phải chờ đợi trong thế
giới trung gian (Bardo) cho đến khi nào nghiệp ta bắt liên lạc được
với cha mẹ tương lai. Ðôi khi tôi nghĩ về Bardo này như một thứ hành
lang chuyển tiếp, trong đó bạn có thể chờ đợi đến 49 ngày trước khi
chuyển sang đời sống mới. Nhưng có hai trường hợp đặc biệt không cần
phải đợi trong cõi Trung Ấm, bởi vì tính cách cường liệt của nghiệp
lực họ đẩy ngay họ vào tái sanh mới. Trường hợp đầu tiên là những
người đã sống một đời vô cùng lợi lạc và tích cực, đã tu luyện
tâm đến trình độ năng lực chứng ngộ của họ sẽ đưa họ trực tiếp
vào một tái sanh tốt đẹp. Trường hợp thứ hai là những người đã sống
cuộc đời tiêu cực, tác hại, họ đi rất nhanh xuống đời tái sanh kế
tiếp, bất cứ ở đâu.
Phán xét
Một vài mô tả về cõi Trung
Ấm có nói đến một cảnh xét xử, một loại “quay lại cuộn phim đời”
giống như sự phán xét sau khi chết ở trong nhiều nền văn hóa của nhân
loại. Lương tâm tốt của bạn, một vị thiên thần hộ mạng màu trắng,
đóng vai cố vấn bào chữa, kể lại những việc tốt bạn đã làm ; trong
khi lương tâm xấu, một con quỷ đen, trình lên vụ án để xét xử. Tốt
và xấu được tính thành những hòn sỏi trắng đen. "Thần chết"
hay Diêm vương chủ tọa phiên xử, khi ấy soi vào kính nghiệp để làm cuộc
phán xét.
Tôi nhận thấy trong cái màn phán
xét này có vài tương đồng với “cuộn phim cuộc đời” ở kinh nghiệm
cận tử. Cuối cùng, mọi cuộc phán xét đều xảy ra ngay trong tâm ta.
Chúng ta đồng thời là quan tòa và bị cáo. Raymond Moody nói : "Ðiều
đáng chú ý là sự phán xét trong những vụ mà tôi khảo sát, không phải
đến từ nơi thực thể ánh sáng - có vẻ yêu thương và chấp nhận mọi
người - mà lại đến từ cá nhân người bị xét xử”. (Tư duy về đời
sau, 1977, p.30)
Một phụ nữ đã trải qua kinh nghiệm
cận tử nói với Kenneth Ring : “Bạn được chỉ cho thấy lại cả cuộc
đời bạn - và bạn làm việc phê phán... Bạn tự phán xét mình. Bạn đã
được tha thứ mọi tội lỗi, nhưng bạn có thể tha cho chính bạn vì đã
không làm những việc đáng lẽ bạn nên làm, và một vài vụ lường gạt
nhỏ mà có lẽ bạn đã làm trong đời hay không ? Bạn có thể tự tha thứ
cho mình chăng ? Ðây là sự phán xét" . (Tìm ý nghĩa kinh nghiệm cận tử,
1985, p.70)
Cảnh phán xét cũng chứng tỏ rằng
trong sự phân tích tối hậu, chính cái động lực sau mọi hành động của
chúng ta mới là điều quan trọng, và không thể thoát khỏi hậu quả của
những hành động, lời nói và ý nghĩ của ta, và những dấu ấn, những
thói quen của những hành động này trên ta. Ðiều này có nghĩa chúng ta
hoàn toàn chịu trách nhiệm không những về cuộc đời hiện tại, mà cả
những đời tương lai của ta nữa.
Năng lực của tâm
Vì trong cảnh giới Trung Ấm, tâm
ta rất nhẹ nhàng linh động và bén nhạy, nên bất cứ tư tưởng nào khởi
lên, tốt hay xấu, đều có ảnh hưởng và năng lực ghê gớm. Vì không
có một cơ thể vật lý làm nền tảng, nên những ý tưởng trở thành thực
tại. Hảy tưởng tượng sự buồn bã giận dữ khốc liệt mà ta có thể
cảm thấy khi trông thấy người sống làm đám tang cho ta quá sơ sài, hay
bà con tham lam đang tranh giành những vật sở hữu của ta, hay bạn bè mà
ta rất yêu mến, và ta tưởng cũng yêu mến ta, bây giờ đang nói về ta một
cách khinh miệt, thương tổn, hổn láo. Một tình huống như vậy có thể rất
nguy hiểm, vì phản ứng bạo hành của ta có thể đưa ta thẳng đến một
tái sanh bất hạnh.
Như vậy, năng lực mãnh liệt của
tâm ta là vấn đề then chốt trong Trung Ấm tái sanh. Cái giai đoạn cao điểm
này hoàn toàn phơi bày chúng ta ra giữa những thói quen và khuynh hướng cố
hữu mà ta đã để cho tăng trưởng và thống trị đời ta. Nếu bạn không
kiểm soát những khuynh hướng ấy ngay bây giờ trong khi sống, ngăn chúng
xâm chiếm tâm bạn, thì trong Trung Ấm tái sanh bạn sẽ thành nạn nhân tội
nghiệp của chúng, bị mãnh lực của chúng đưa đẩy. Một sự giận dữ
nhỏ nhặt trong trạng thái Trung Ấm cũng có thể có một ảnh hưởng tai hại,
bởi thế mà theo truyền thống, người đọc Tử Thư cho bạn lúc sắp chết
phải là một người mà bạn có quan hệ tốt đẹp ; nếu không, nội một
việc nghe âm thanh tiếng nói của y cũng đủ làm cho bạn nổi tam bành, và
điều này sẽ có những hậu quả vô cùng khốc hại.
Giáo lý cho ta thấy nhiều mô tả về
tính chất sống sít của cái tâm ở trong trạng thái Trung Ấm ; mô tả mạnh
nhất nói rằng tâm ta lúc ấy giống như một thỏi sắt nung đỏ sẵn sàng
uốn bất cứ kiểu nào bạn muốn, cho đến khi nó nguội. Bất cứ hình
dáng gì nó được uốn nắn, nó sẽ mau chóng thành hình y như vậy. Cũng
thế, một tư tưởng tích cực duy nhất trong trạng thái Trung Ấm có thể
trực tiếp dẫn đến giác ngộ, một phản ứng tiêu cực duy nhất có thể
làm bạn chìm vào đau khổ lâu dài. Tử thư cảnh cáo chúng ta một cách mạnh
mẽ như sau :
Ðến đây là ngã rẽ đôi đường
lên cao và xuống thấp : đây là lúc mà chỉ cần lướt vào sự lười biếng
một chút ngươi cũng đủ chịu khổ miên viễn ; đây là lúc mà chỉ cần
tập trung một chút ngươi cũng sẽ hưởng được hạnh phúc lâu bền. Hãy
chú tâm không tán loạn, hãy nỗ lực kéo dài hậu quả thiện nghiệp!
Tử Thư cố đánh thức dậy bất cứ
một liên hệ nào với sự tu tập mà người chết có thể có, và khuyến
khích chúng ta từ bỏ bám víu người, của, từ bỏ sự khát khao có một
thân xác, đừng buông trôi theo giận dữ hay tham dục, đào luyện sự tử
tế hơn là thù hằn, đừng nghĩ đến việc ác. Tử Thư nhắc nhở người
chết không cần phải sợ hãi : Một mặt cho người chết biết những hình
dạng ghê rợn trong cõi Trung Ấm chỉ là do tâm họ chiếu ra, thực chất vốn
trống rỗng ; mặt khác, nhắc người chết rằng bây giờ họ chỉ có cái
thân ý sanh do tập quán cũ, bởi thế cũng là trống rỗng. "Bởi thế
cái trống rỗng không thể làm hại cái trống rỗng" .
Bản chất bấp bênh chóng qua của
giai đoạn Trung Ấm có thể là nguồn suối cho nhiều cơ hội giải thoát,
và tính bén nhạy của tâm trong Trung Ấm này có thể hóa ra lợi lạc cho
chúng ta. Chúng ta chỉ cần nhớ đến những lời giảng dạy, ta chỉ cần
có một tư tưởng tích cực khởi lên trong tâm ta. Nếu ta nhớ được một
giáo lý nào gợi cho ta tự tánh tâm, nếu ta có dù chỉ một khuynh hướng
tu tập, hay một liên hệ sâu xa với sự tu hành, ta cũng đủ nhờ vậy mà
giải thoát.
Trong Trung Ấm tái sanh, các cõi Phật
không hiện ra một cách tự nhiên như trong Trung Ấm pháp tánh. Tuy nhiên, chỉ
cần nhớ đến các vị Phật, bạn cũng có thể đi thẳng đến các cõi
ấy bằng năng lực tâm bạn, và tiến đến giải thoát. Nếu bạn có thể
niệm danh hiệu một vị Phật, vị ấy liền hiện ra trước bạn. Nhưng nên
nhớ, mặc dù các khả năng là vô giới hạn, chúng ta vẫn phải có sự tự
chủ tâm ý trong Trung Ấm này, và điều này vô cùng khó khăn, vì tâm ta
ở giai đoạn này hết sức bén nhạy, phân tán và bất an.
Bởi thế trong Trung Ấm này, bất cứ
khi nào bạn có thể có lại sự tỉnh giác dù chỉ trong thoáng chốc, thì
bạn hãy lập tức nhớ lại sự tu tập, nhớ thầy hay vị Phật của bạn
thờ, và tha thiết triệu thỉnh. Nhờ năng lực ân sủng của bậc thầy
hay Phật, tâm bạn sẽ được giải thoát vào trong khoảng không gian của
tâm giác ngộ. Sự cầu nguyện trong đời này dường như ít hiệu quả, nhưng
trong cõi Trung Ấm lại có hiệu quả mãnh liệt vô cùng.
Tuy nhiên, sự mô tả trên đây về
Trung Ấm chứng tỏ thực rất khó mà tập trung tâm vào giai đoạn này, nếu
ta không thực tập từ trước. Hãy tưởng tượng ta dường như tuyệt nhiên
không nhớ bài chú nào lúc gặp ác mộng, ta cảm thấy bất lực như thế
nào, thì trong cảnh giới Trung Ấm cũng khó như thế, nếu không nói là
khó hơn, để tập trung tâm ý. Ðấy là lý do Tử Thư luôn luôn nhắc đi
nhắc lại một lời "Ðừng xao lãng", và Tử Thư nhấn mạnh :
Ðến đây là ngã rẽ giữa Phật
và hữu tình...
Trong một giây, phân cách. Trong một
giây, toàn giác.
Tái sanh
Vì trong Trung Ấm tái sanh, thời
gian tái sanh càng gần, nên ta càng thêm khát khao một thân xác làm chỗ nương,
và ta đi tìm một người nào có thể sử dụng để được tái sanh vào đó.
Những dấu hiệu bắt đầu hiện ra báo cho ta biết cái cảnh giới ta có
thể tái sanh vào. Những ánh sáng đủ màu chiếu từ sáu nẻo luân hồi,
và ta cảm thấy bị thu hút vào một cõi này hay khác, tùy theo cảm xúc
tiêu cực nào mạnh nhất trong tâm ta. Một khi ta đã bị lôi cuốn đến đấy,
thì thật vô cùng khó mà trở lui.
Rồi những hình ảnh sẽ khởi
lên, liên hệ đến những cõi khác nhau. Càng quen thuộc với giáo lý, ta
càng dễ nhận ra ý nghĩa thực của chúng. Những dấu hiệu thay đổi phần
nào theo những giáo lý khác nhau. Một số bảo rằng nếu sanh vào cõi trời,
ta sẽ thấy mình đi vào một thiên cung có nhiều tầng lầu. Nếu tái sanh
vào loài a tu la, ta sẽ thấy mình ở giữa những khí giới bằng lửa, hay
sắp ra chiến trường. Nếu sanh vào súc vật, ta sẽ thấy mình ở
trong một hang lỗ dưới đất, hay một cái ổ rơm. Nếu thấy một gốc cây,
một rừng sâu, hay một tấm vải dệt, thì đó là dấu hiệu sắp tái sanh
làm quỷ đói.Và nếu sắp sanh vào địa ngục thì ta sẽ thấy mình đang bị
dẫn vào một hố đen, xuống một con đường tối, vào một cõi đất mờ
mịt có nhà màu đỏ hoặc đen, hay về phía một thành phố bằng sắt.
Có nhiều dấu hiệu khác, như là
cách ta nhìn hay cử động, chứng tỏ cảnh giới ta đang hướng đến. Nếu
sắp sửa sanh vào cõi trời hay người, thì cái nhìn của ta sẽ hướng lên
trên ; nếu sanh vào cõi súc sinh, ta sẽ nhìn thẳng tới trước, như chim ;
nếu sanh vào địa ngục hay ngạ quỷ thì ta sẽ nhìn xuống, như thể là sắp
nhào xuống. Nếu có dấu hiệu nào như thế, thì ta nên coi chừng đừng
rơi vào một cõi tái sanh bất hạnh.
Ðồng thời, ta sẽ có một khát
khao mãnh liệt đối với một cảnh giới nào đó, và bị cuốn hút vào đó
theo bản năng. Giáo lý về Trung Ấm dạy rằng, vào điểm ấy, có nguy cơ
lớn là, do lòng nôn nóng thèm khát tái sanh, ta có thể xông tới bất cứ
một nơi nào, dù nó không có vẻ gì an ninh bảo đảm. Nếu ước muốn của
ta bị bất mãn, sự giận dữ khởi lên sẽ đưa giai đoạn Trung Ấm đến
một kết thúc, vì ta sẽ bị đẩy vào cõi dữ bằng chính năng lực cảm
xúc của mình. Và như thế, ta có thể thấy tái sanh tương lai của ta được
trực tiếp định đoạt bởi tham, sân và si. Hãy tưởng tượng ta đang chạy
về phía một chỗ nấp, chỉ để tránh thoát kinh nghiệm đau khổ của
Trung Ấm. Rồi, vì sợ phải từ bỏ tất cả, mà ta đâm ra ràng buộc với
một tái sanh mới, bất kể ở đâu, miễn là được tái sanh. Khi ấy ta
có thể đâm ra thác loạn, như Tử Thư nói, và lầm lẫn tái sanh tốt với
xấu, xấu với tốt. Ta có thể nghe tiếng gọi của những người thân
yêu, hoặc giọng ca hấp dẫn, rồi chạy theo chúng, để cuối cùng bị dẫn
dụ xuống những cõi thấp kém.
Bảy vậy, phải cẩn thận đừng mù
quáng đi vào những cõi vô phúc ấy. Ðiều kỳ diệu là, ngay lúc ta ý thức
được cái gì xảy đến cho ta, thì ta có thể bắt đầu tác động, và
điều ấy ảnh hưởng đến số phận của ta.
Bị đẩy tới bởi ngọn gió nghiệp,
thân ý sanh đi đến một nơi ở đấy cha mẹ đang giao hợp. Khi thấy họ,
nó bị kéo vào trong cảm xúc ấy ; và do nghiệp quá khứ, nó tự nhiên cảm
thấy rất thương hoặc rất ghét. Sự quyến luyến người mẹ và thù
ghét, ganh tị với người cha sẽ đưa đến hậu quả là nó sinh thành con
trai ; ngược lại là gái. Nhưng nếu nó ngã quỵ trước những cảm xúc rất
mạnh thì nó có thể sanh vào một cảnh giới hèn hạ.
*
Có cách nào ta có thể làm bây giờ, để tránh bị tái
sanh hoặc hướng dẫn sự tái sanh kế tiếp của ta không ? Giáo lý về
Trung Ấm đưa ra hai chỉ dẫn đặc biệt : phương pháp ngăn ngừa tái sanh,
và nếu không ngăn được, thì chọn một tái sanh tốt. Ðầu tiên là những
chỉ dẫn để đóng cửa ngõ đi vào một đời sống khác :
Phương pháp tốt nhất là từ bỏ
những cảm xúc như tham dục, giận dữ, hay ganh tỵ, và nhận chân rằng
không một trạng thái Trung Ấm nào có thực chất tối hậu. Nếu bạn có
thể nhận chân điều ấy, rồi để tâm an trú trong bản chất chân không
của nó, thì chính điều này sẽ ngăn ngừa tái sanh. Tử Thư Tây Tạng
báo cho chúng ta biết :
Than ôi ! Cha và mẹ, cơn bão lớn,
luồng gió xoáy, sấm sét, những cảnh tượng kinh hoàng và tất cả những
gì hiện ra đấy, bản chất đều huyễn ảo. Dù có hiện tướng gì đi nữa,
thì cũng không thực. Mọi chất liệu đều giả dối, trống rỗng. Chúng
như ảo ảnh, không trường tồn bất biến. Tham ái mà làm chi ? Sợ hãi
mà làm chi ? Như vậy là xem cái không thành cái có...
Tử Thư lại khuyến cáo tiếp :
“Tất cả đều do tâm tôi biến
ra, và tâm ấy vốn là chân không, vô sanh, không bị chướng ngại".
Khi nghĩ vậy, hãy để tâm ngươi tự nhiên trong bản chất của nó, như
nước đổ vào nước, cứ như nó là, thong thả, phóng khoáng và thư giãn.
Khi để nó an trú tự nhiên và thong thả, ngươi có thể bảo đảm ngõ
vào mọi lối tái sanh chắc chắn bị đóng lại.
Phương pháp hay nhất kế tiếp để
ngăn ngừa tái sanh là nhìn những người có thể làm cha mẹ bạn như là
Phật, hay thầy, hay thần hộ mạng yidam của bạn. Và ít nhất, bạn
hãy cố phát sinh một cảm giác từ bỏ, không bị lôi kéo vào những cảm
xúc tham dục, và nghĩ đến những cõi Phật thanh tịnh. Ðiều này sẽ ngăn
ngừa tái sanh và khiến bạn được sanh vào một trong những cõi Phật.
Nếu bạn không thể an trú tâm đủ
vững vàng để làm như vậy, thì còn có những phương pháp chọn lựa một
tái sanh, liên hệ đến những điểm mốc và những tướng các cảnh giới
khác nhau. Nếu bạn nhất định phải tái sanh, hay cố ý muốn tái sanh để
theo đuổi con đường tu tập và làm lợi ích người khác, thì bạn không
nên đi vào cõi nào khác cõi người ta. Chỉ có ở đấy các điều kiện mới
thuận lợi cho sự tiến tu đạo nghiệp. Giáo lý về Trung Ấm cho biết, nếu
bạn sắp sửa sanh vào một hoàn cảnh tốt trong cõi người, thì bạn sẽ
cảm thấy mình đang đi vào một ngôi nhà sang trọng đẹp đẽ, hay vào một
đô thị, hay ở giữa một đám đông, hay thấy những người đang giao hợp.
Ngoài những cách ấy ra, thông thường
chúng ta không có chọn lựa nào. Chúng ta bị lôi kéo về chỗ thọ sanh của
ta "như con chim bị sa lưới, như cỏ khô bắt lửa, hay súc vật sa đầm
lầy” . Tử Thư nói : “Này hỡi thiện nam/nữ, dù ngươi không muốn đi,
ngươi cũng không có năng lực tự chủ, ngươi bị bắt buộc phải đi”.
Tuy nhiên, như giáo lý luôn luôn nhắc
ta, vẫn còn có hy vọng, bây giờ là lúc nên cầu nguyện. Nhờ tha thiết
mong mỏi và tập trung mãnh liệt, ngay trong lúc này, bạn vẫn còn có thể
tái sanh vào một cõi Phật, hoặc bạn có thể phát nguyện sâu xa tái sanh
vào một gia đình loài người, ở đấy bạn có thể gặp đường lối tu
tập và tiếp tục tiến đến giải thoát. Nếu bạn có một nghiệp nặng
buộc bạn rơi vào một cảnh giới đặc biệt nào, thì có thể bạn hết
phương chọn lựa, tuy nhiên, lời nguyện quá khứ và sự mong cầu của bạn
có thể giúp bạn chuyển số phận để có thể tái sanh vào một đời sống
mà một ngày nào đó sẽ đưa bạn đến giải thoát.
Ngay cả khi bạn đã nhập thai, cũng
có thể cầu nguyện cho điều này xảy ra. Ngay cả khi ấy, bạn có thể
quán tưởng mình như một chúng sanh giác ngộ, như thần Kam cang tát đỏa
(Vajrasattva) - như các bậc thầy truyền thống nói - và làm cho cái thai cung
mà bạn đang vào biến thành một môi trường thiêng liêng, "một cung
trời", ở đấy bạn tiếp tục tu luyện.
Bây giờ, khi Trung Ấm tái sanh hiện
ra
Tôi sẽ tập trung nhất tâm thiền
quán
Và cố kéo dài những hậu quả của
nghiệp tốt
Ðóng cửa ngõ tái sanh, cố đừng
sanh trở lại
Ðây là lúc cần tinh tấn và nhận
thức thuần tịnh
Hãy từ bỏ cảm xúc tiêu cực, và
quán tưởng bậc đạo sư.
Cuối cùng, chính sự thúc giục của
tự tâm muốn trú trong một cõi nào đó, đã buộc ta tiến về tái sanh,
và chính khuynh hướng chấp thủ của tự tâm đã tìm sự thể hiện thành
thân xác tái sanh. Ðây là giai đoạn kế trong tiến trình xuất hiện mà ta
đã thấy xảy ra trong các cảnh Trung Ấm.
Nếu bạn thành công trong sự hướng
dẫn tâm về phía một sự sanh làm người, thì tức là bạn đã đi trọn
chu kỳ. Bạn sẽ được sanh vào trong Trung Ấm tự nhiên của đời này.
Khi trông thấy cha mẹ bạn đang giao hợp, tâm bạn bị thu hút, và bạn
vào thai. Ðiều này báo hiệu sự kết thúc của Trung Ấm tái sanh, khi tâm
bạn một lần nữa kinh quá rất nhanh chóng những tướng của các giai đoạn
tan rã, và sự xuất hiện của Ánh sáng Căn bản. Rồi kinh nghiệm tối
đen của sự “thành tựu" lại khởi lên, và đồng thời sự liên lạc
với bào thai mới bắt đầu.
Như vậy đời sống khởi đầu
cũng như kết thúc bằng Ánh sáng căn bản.