Ví như tăng hỏi Triệu Châu :
Con chó có Phật tánh không ?
Đáp : Có. Tăng khác hỏi : Con chó có Phật tánh
không ?
Đáp : Không.
Lời nói đối chọi nhau, cũng
là thể hiện nghĩa vô sở trụ, tức không cho mình trụ ở một pháp nào.
Nên Triệu Luận nói : " Lời của chư Phật chỉ là để giáo
hóa chúng sanh, mặc dù nói ra muôn ngàn sai biệt, nhưng ý chỉ là một, là
muốn giải tỏa bệnh chấp của chúng sanh". Còn nói " Tìm đạo
ở nơi diệu ngộ", nay chúng ta chưa được diệu ngộ, tập khí ham
tìm hiểu giáo lý, tăng thêm tri giải, cho nên kinh Đại thừa liễu nghĩa là
để phá tri giải của mình, chấm dứt tâm tìm hiểu, mới chuyên tâm tham
cứu câu thoại đầu để được ngộ. Nếu còn muốn hiểu thấu giáo lý,
cũng như nhìn vào ngón tay, không chịu nhìn theo ngón tay chỉ, là nghịch với
ý của chư Phật chư Tổ.
Hai chữ "Giáo lý" chỉ
để phá chấp mà thôi, chẳng phải có cái giáo lý cao siêu gọi là
"chơn lý" để cho biết, cho tăng thêm ngã chấp. Ý của Phật là
muốn chúng ta kiến tánh thành Phật, nên mới có pháp môn tham thiền. Nếu
hiểu theo lời nói của người khác , ấy là của người khác, chẳng phải
của mình; nếu cho là phải hiểu được giáo lý của Phật rồi mới chơn
tu, thì hai chữ giáo lý chính là bảo mình nhìn vào chỗ đen tối, nhìn chỗ
ngón tay chỉ, và nay tham thoại đầu là nhìn vào chỗ mịt mù đen tối không
biết gì cả.
Triệu Luận nói :" Như Lai
vì trị bệnh chấp của chúng sanh, mới đặt ra cái này cái kia để phá
chấp, gọi là giáo lý". Nếu cứ muốn nghiên cứu giáo lý, tức muốn
nghiên cứu ngón tay mà chẳng chịu nhìn chỗ ngón tay chỉ, là hiểu lầm
giáo lý, nghịch với giáo lý. Nay có nhiều người hiểu lầm như thế, cho
là hiểu biết giáo lý, làm thầy để dạy về giáo lý, khiến đánh mất
tác dụng của giáo lý.
Hỏi : Đã
tham thiền rồi còn đi tụng giới sám hối không ?
Đáp : Lai Quả Thiền Sư Thiền
Thất Khai Thị Lục nói :" Nay chúng ta tham câu thoại đầu là giới định
huệ đầy đủ", chẳng những giới định huệ, tất cả pháp đều đầy
đủ trong đó. Tại sao ? Vì ngoài tâm đâu có Pháp ! Tất cả tâm pháp và
thế gian pháp đều không ở ngoài tâm, nay tham câu thoại đầu là trở về
chơn tâm của mình, không chỉ là giới, cả định lẫn huệ đều đầy đủ.
Nói đến sám hối thuộc về
bên giới, hễ có phạm giới thì phải phát lồ sám hối. Nay ôm câu thoại
đầu khởi lên nghi tình, suốt ngày đêm đều ở trong nghi tình, đâu còn
khởi tâm phạm giới ?Ngày đêm khởi lên nghi tình là định, căn bản của
Phật pháp là vô sở trụ, vô sở trụ tức huệ, nên giới định huệ đủ
cả. Tất cả tụng kinh, niệm Phật, hay việc thế gian công thương kỹ nghệ
đều ở trong đó, chẳng có ở ngoài.
Hỏi : Lai Quả
Thiền Sư nói : Từ Chùa Kim Sơn đến ở Chùa Cao Mân cảm thấy mới, ở
Chùa Cao Mân được ba mươi năm thì Chùa Kim Sơn trở nên lạ" như thế
nào ?
Đáp : Ấy là vấn đề lạ với
quen, từ lạ trở thành quen, từ quen trở thành lạ. Vọng tưởng của chúng
ta đã quen thuộc từ vô thỉ đến nay, còn câu thoại đầu thì mới lạ,
hôm nay cũng tham, ngày mai cũng tham, tham mãi khiến thoại đầu ngày càng
quen, vọng tưởng ngày càng lạ. Hễ câu thoại đầu quen được một tháng
thì vọng tưởng lạ bớt một tháng; thoại đầu quen được một năm thì
vọng tưởng lạ đi một năm. Cũng như trước ở Chùa Kim Sơn ba mươi
năm, nay mới về Chùa Cao Mân thì Chùa Kim Sơn là quen, Chùa Cao Mân là lạ,
từ từ ở lâu rồi quen dần, ở Chùa Cao Mân được một năm thì Chùa Kim
Sơn lạ đi một năm, đến khi ở được Cao Mân ba mươi năm thì Chùa Kim Sơn
trở nên hoàn toàn lạ. Tham Câu thoại đầu cũng vậy, hễ thoại đầu trở
nên quen thuộc thì vọng tưởng sẽ thành lạ, và tham mãi vọng tưởng nổi
lên chẳng được nữa .
Hỏi : Thế nào là
Mật tông ?
Đáp : Mật tông là tam nghiệp
gia trì : Tâm quán tưởng, thân kiết ấn, miệng trì chú. Ba thứ đồng thời
ấy phải có Thượng sư đích thân truyền dạy mới được. Nay có người
cho niệm chú là Mật tông, ấy là sai lầm. Mật tông cũng phải phá ngã chấp,
Tịnh độ cũng phải phá ngã chấp, mới hợp với nhân quả. Nhiều người
do tự mình tu không đúng tông chỉ của pháp môn, trở lại phỉ báng Phật
pháp không hiệu nghiệm , là phỉ báng Phật Pháp Tăng, tạo tội địa ngục.
Bất cứ tu pháp môn nào; Thiền tông, Mật tông, Tịnh độ . tất cả đều
là phương tiện của Phật dạy, phải tu đúng theo tông chỉ mới được.
Hỏi : Tu Tịnh
Độ là phải trải qua mấy A Tăng Kỳ kiếp mới được vãng sanh, phải
không ?
Đáp : Nói "A Tăng Kỳ Kiếp"
là bên Giáo môn, còn Tịnh Độ hạ phẩm hạ sanh phải ở trong hoa sen mười
hai đại kiếp mới ra khỏi bông sen. Còn Thiền tông thì không cần đợi
đến chết, lúc còn sống vẫn có thể kiến tánh thành Phật.
Hỏi : Người
tham thiền nếu còn biết đến kiếp trước hoặc nhiều kiếp thì vẫn
còn bị hạn chế bởi thời gian, mà hành giả tham thiền nếu ôm chặt
câu thoại đầu, trở về với Bát Nhã, không còn khái niệm thời gian, thời
gian chỉ là vọng tưởng sai lầm của chúng sanh từ lâu. Như Kinh Kim Cang nói
"Tâm quá khứ , hiện tại , vị lai đều bất khả đắc", thế thì
hành giả tham thiền cũng chẳng cần biết đến một kiếp hay hai kiếp, một
năm hay hai năm, chỉ biết là ôm chặt câu thoại đầu thì chắc chắn trở
về nhà được, không nên bị lệ thuộc bởi thời gian, chướng ngại cho
sự tu, có phải vậy không ?
Đáp : Phải, nhưng cái đó là
sau khi chứng ngộ mới được. Nay hễ có nói ra là sai rồi; phàm hữu
ngôn thuyết, giai phi thật nghĩa, đối với người hỏi, chỉ hỏi một trả
lời một, hỏi hai trả lời hai, vì muốn giúp ích cho người hỏi, mới
thuyết kinh liễu nghĩa và bất liễu nghĩa. Phật thuyềt kinh bất liễu
nghĩa rồi mới ở trong kinh liễu nghĩa dạy người phải y theo kinh liễu
nghĩa, chứ không được y theo kinh bất liễu nghĩa. Thế thì tại sao Phật
lại thuyết kinh bất liễu nghĩa ? Ấy cũng là do tùy cơ hóa độ .
Hỏi : Thế nào
là "Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan; ly kinh nhất tự, tức đồng
ma thuyết "?
Đáp : Nếu muốn giải nghĩa là
phải giải đúng ý Phật, chứ không được giải theo văn tự lời nói. Bởi
vì lời của Phật là phá chấp,nếu theo văn tự để giải nghĩa, hễ Phật
nói có thì mình chấp cái Có đó là thật, hễ Phật nói Không thì lại chấp
cái Không đó là thật, ấy là oan cho Phật. Còn nếu "Ly kinh nhất tự,
tức đồng ma thuyết": Kinh là phá chấp, nếu lìa kinh tức còn chấp,
còn chấp là ma, không thể giải thoát được.
Hỏi : Hồi
xưa khi đi học giáo lý, Thầy có dạy " Tụng kinh giả minh Phật chi
lý, niệm Phật giả cảm Phật chi ơn, trì chú giả phát Phật chi huệ, tọa
Thiền giả kiến Phật chi tánh", cho nên chúng con sắp giờ tụng kinh,
niệm Phật, trì chú, tọa thiền, làm hết ! vậy có đúng không ?
Đáp : Ấy cũng như Trí Giả
Đại sư nói " Học Phật pháp thành ngoại đạo", tự cho ý của
mình là ý Phật. Nói "tụng kinh để minh Phật chi lý", là lý gì ?
Lý đó là giáo lý, tức lời giáo hóa của Phật. Tất cả giáo lý, tất cả
kinh Đại thừa liễu nghĩa đều là phá chấp, rồi bây giờ lại chấp thật,
tức là nghịch với giáo lý, làm sao minh được ? Nói "Tụng kinh bất
minh giáo lý" mới đúng !
Nói "Niệm Phật để cảm
Phật chi ơn", Ơn của Phật là gì ? Là chỉ đường lối tu hành cho
mình tu theo khiến được giải thoát, nay muốn cảm ơn Phật mà nghịch với
đường lối của Phật, theo như Trí Giả Đại sư nói, theo giới luật là
tạo tội địa ngục !
Hỏi : Xin Sư
phụ giải thích hai chữ "Giáo lý".
Đáp : Hai chữ GIÁO LÝ là nghĩa
lý trong kinh giáo, tác dụng và mục đích của giáo lý là để phá chấp .
Tại sao ? Bởi do chúng sanh chấp thật , nên bị kẹt nơi sanh tử luân hồi
chẳng thể ra được, nên giáo lý là dạy cho chúng sanh phá chấp để thoát
khỏi luân hồi, phải thực hành theo giáo lý mới mong giải thoát.
Bất cứ tám mươi bốn ngàn
pháp môn, đều là phương tiện do Phật lập ra, tất cả đều nằm trong
giáo lý, chẳng có ngoài giáo lý; kể cả pháp môn Tổ Sư Thiền, nói là
giáo ngoại biệt truyền, ấy chỉ là phá cái chấp thật về giáo lý, nhưng
cũng là nằm trong giáo lý . Trong Bát Nhã Tâm Kinh phá hết tất cả các chấp
từ Tiểu thừa, Trung thừa, Đại thừa. đều là thực hành đúng theo giáo
lý chứ chẳng ở ngoài giáo lý.
Bốn tông của pháp Đại thừa
Trung Quốc là Thiên Thai, Hiền Thủ, Tam Luận, Duy Thức, thuộc về Giáo
môn; và bốn tông thực hành là Thiền tông, Tịnh độ, Mật tông và Luật
tông. Đối với bốn tông thực hành thì người chẳng biết giáo lý, chẳng
cần biết qua giáo lý vẫn thực hành được, còn bốn tông của Giáo môn
thì căn cứ theo kinh giáo, như Thiên Thai căn cứ Kinh Pháp Hoa, Hiền Thủ căn
cứ Kinh Hoa Nghiêm. cho nên vừa học giáo lý vừa thực hành theo kinh giáo.
Người thời nay học giáo lý
mà nghịch với giáo lý, các Phật Học Viện đa số chỉ dạy giáo lý mà
không có phần thực hành, rồi dạy kinh lại hướng dẫn phương pháp niệm
Phật, dạy một cách tạp lộn, tức áp dụng không đúng tông chỉ của
Kinh đó, khiến giáo lý chẳng còn tác dụng, chẳng được lợi ích.
Hỏi : Trong
Kinh Địa Tạng nói :" Công đức tụng kinh cho người chết, người chết
hưởng một phần , người sống được sáu phần, vậy có đúng không ?
Đáp : Ấy chẳng phải là lời
trong kinh, mà là do người tự làm tài khôn thêm vào, cũng như trong Kinh ,
người ta thêm vào mười hai đại nguyện, người đời chẳng biết, tưởng
là nguyên văn như thế, chẳng những Kinh Địa Tạng, kể cả Kinh Đại Tạng
cũng có chen vào kinh ngụy. Pháp thế gian còn phải có nhân quả, chẳng thể
lìa nhân quả, huống là Phật pháp !
Nói đến vấn đề tụng kinh,
người sống được sáu phần, người chết được một phần, ấy là
không có nhân quả! Nếu vậy thì lúc còn sống chẳng cần tu hành, chẳng
cần làm việc thiện, làm ác cũng chẳng sao, miễn có tiền là được, sau
khi chết, hễ con cháu mời một trăm người tụng kinh thì người chết
được một trăm phần công đức, mời một ngàn người tụng kinh thì được
một ngàn phần công đức. mới nhiều chừng nào thì công đức nhiều chừng
nấy, phải vậy không ? Thế thì nhân quả ở đâu ? Người làm ác cứ
làm ác, hễ có tụng là được rồi ! Đó chính là lý do tại sao con người
càng ngày càng khổ thêm , tạo nghiệp càng nặng thêm !
Hỏi : Khi có
người chết, bên Tịnh Độ thì trợ niệm, còn Thiền tông phải làm gì ?
Có cần người nhắc nhở câu thoại đầu cho người lâm chung ?
Đáp : Người tham thiền chỉ
đề câu thoại đầu tham tới mãi. Mục đích tham Tổ sư Thiền là muốn
làm chủ cho mình, trước mắt còn sống khỏe mạnh, nếu không tập cho tự
làm chủ được, đến lúc lâm chung nhờ người xung quanh nhắc nhở, nhồi
nhét cho mình là muộn rồi ! Có ỷ lại thì làm sao tự chủ được ? Phải
lúc bệnh cũng làm chủ được, lúc chiêm bao cũng làm chủ được, tức
trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào cũng tự chủ được mới xong.
Hỏi : Tại
sao có kinh liễu nghĩa và kinh bất liễu nghĩa ?
Đáp : Do bệnh của chúng sanh
ham chấp thật, bệnh quá sâu nặng, chẳng thể bỏ chấp được, nên Phật
phải thuyết kinh bất liễu nghĩa, để tạm thời làm việc thiện, gieo trồng
thiện căn, hơn là đi làm việc ác. Nếu người bệnh chấp nhẹ, có thể
tiếp nhận kinh liễu nghĩa thì chẳng cần qua phần bất liễu nghĩa.
Kinh bất liễu nghĩa của Đức
Phật khác hơn kinh bất liễu nghĩa của ngoại đạo; vì nguồn góc của
ngoại đạo là chấp thật, nên mãi mãi là bất liễu nghĩa. Còn nguồn
góc của Phật pháp là vô sở trụ, vốn chẳng có liễu nghĩa và bất liễu
nghĩa, do phương tiện tạm thời thuyết pháp bất liễu nghĩa, sau đó sẽ
đi vào con đường liễu nghĩa. Nếu đã tin vào liễu nghĩa mà còn chấp thật,
ấy là nghịch với pháp liễu nghĩa vậy.
Hỏi : Trước
khi biết tu pháp môn tham Thiền, hàng tháng chúng con vẫn đến chùa sám hối,
Bố tát, tụng kinh.. Nay nếu không đi thì có tội không ?
Đáp : Ở trên tôi đã nói
:"Câu thoại đầu là bao gồm tất cả", như đang gánh nước bữa
củi cũng là thoại đầu, ăn cơm ngủ nghỉ cũng là thoại đầu, tụng
kinh sám hối cũng là thoại đầu, chỗ nào cũng là thoại đầu thì đâu
có gì khác ? Nay nếu trong lúc Bố tát còn câu thoại đầu không ? Hễ còn
thì chẳng có gì là chướng ngại cả. Tội với vô tội là do tâm tạo, nếu
tâm không tạo thì tội làm sao có ! Ngài Lục Tổ nói "Tất cả đều
chẳng chướng ngại", chớ cho là "cần" hay "không cần",
tùy người tùy nơi, nếu cảm thấy thoại đầu bị công việc đó đánh mất
thì phải tập cho không bị đánh mất; ví như lúc ăn cơm , thoại đầu không
có, thế thì bỏ cơm không ăn ư ? Vậy phải làm sao ? Phải tập cho lúc
ăn cơm cũng có thoại đầu, miễn tất cả nơi đều không quên câu thoại
đầu.
Hỏi : Bửa củi,
gánh nước dễ tham, nhưng khi lên chánh điện, được cử làm Duy na dẫn
chúng, hễ làm tròn nhiệm vụ thì đánh mất câu thoại, hễ lo tham thoại
đầu thì e không làm tròn nhiệm vụ, vậy phải làm sao ?
Đáp : Trong Truyền Đăng Lục
có một câu chuyện về thủ đoạn của Tổ sư như sau :
Có một vị Tăng đến cầu pháp
, Tổ sư bảo :
- Pháp luân chưa chuyển thực
luân chuyển, nay ông hãy đi hóa duyên xin gạo về cho đại chúng "
Khi trở về, Tổ lại bảo :
- Mùa Đông lạnh giá, chùa
đang thiếu củi, hãy đi hóa than về !"
Vị Tăng vâng lời, sau khi trở
về, Tổ lại bảo :
- Hãy giữ lấy chức vị Duy
na".
Vị tăng tuy nhận lời, nhưng
trong bụng cảm thấy nôn nao khó chịu, trong bụng rất nghi, tự nghĩ
:" Nghe nói Tổ sư là vị thiện tri thức có tiếng tăm, vậy mà đến
cầu pháp sao không chỉ dạy, mà chỉ sai làm đủ thứ việc, vậy thì làm
sao giải thoát được ?"
Mặc dù làm Duy na, nhưng cuối
cùng cũng kiến tánh. Ấy là thủ đoạn của Tổ sư, tùy theo nhân duyên của
mọi người, nên Lục Tổ nói là "Tất cả đều chẳng chướng ngại".
Vả lại, nếu do tham thoại đầu mà quên đánh chuông gỏ mõ. thì người
ta trách thì cứ trách, chỉ chiếu cố câu thoại, ngoài ra không biết tới.
Hỏi Nếu Phật
tử quy y vị tăng không chơn chánh hành pháp, tức như Sư phụ nói là học
Phật pháp thành ngoại đạo, nếu cứ theo ủng hộ thì có tội không ? Nếu
không ủng hộ, có phản thầy không ?
Đáp : Vậy thì như Kinh Lăng
Nghiêm nói :"Cả thầy lẫn trò đều theo đó mà đọa" ! Việc quy
y là quy y Tam Bảo , bao gồm Phật , Pháp, Tăng, nghĩa chữ Tăng là Hòa hợp
chúng, phải gồm bốn người mới thành Tăng. Vị Tăng đó chỉ là thay mặt
cho Tam Bảo chứng minh người đó là đệ tử của Tam Bảo, chứ không phải
đệ tử của một thầy nào.
Nếu cho là quy y một vị thầy,
như Hoằng Nhất Luật sư nói "quy y Nhị Bảo chứ chẳng phải Tam Bảo",
chỉ là quy y Phật Bảo, Pháp Bảo và giao thiệp với một Đại đức, vì
chỉ có một người thì chẳng thành Tăng, chẳng phải Tam Bảo.
Hỏi : Con
nghĩ rằng , hàng Phật tử chúng con, người nào quyết tâm cầu giải
thoát thì tất cả những gì chướng ngại cho sự giải thoát của mình ,
phải tự mình san bằng, chẳng ai có thể san bằng giùm chính mình được.
Nếu xét thấy điều đó có chướng ngại cho sự tu, dù có lợi về vật
chất cũng dẹp bỏ, chẳng màng đến lời khen chê của thế gian, khen mà
có hại thì không cần, chê mà có lợi cho sự giải thoát cũng hoan hỉ chấp
nhận,ï phải tu đến kiến tánh mới có thể đền ơn tứ ân, có phải vậy
không ?
Đáp : Trong đường lối tham
thiền là không cho nổi biệt niệm, nên lợi hay hại không biết tới, chỉ
là tham câu thoại đầu, chỗ nào cũng là câu thoại đầu, thì đâu còn
gì có thể chướng ngại ? Nếu còn ham thích lợi ích, thì bị lợi ích chướng
ngại, bất cứ khen chê, chửi mắng cũng mặc kệ, không biết tới.
Đối với bậc tu sĩ ở trong
chùa, nếu như không chướng ngại chánh tu của mình thì tất cả đều có
thể tùy duyên, tùy duyên bất biến , bất biến tùy duyên. Hễ có chướng
ngại, hoặc bị bắt buộc làm những việc phải đọa địa ngục, chẳng
thà bỏ đi chỗ khác, vì mục đích của mình chỉ là đi đến giải thoát
chứ không phải đi xuống địa ngục.
Hỏi : Làm sao
phân biệt chánh niệm và tà niệm ?
Đáp : Trước nhất phải xác định
cái gì là chánh niệm ? Chánh với tà là tương đối, khác hơn chánh niệm
tức là tà. Niệm của chúng sinh sát na sanh diệt chẳng ngừng, nên phải
nhờ phương tiện của Phật dạy. Ví như chọn phương pháp tham Thiền thì
nghi tình là chánh niệm, ngoài nghi tình ra, bất cứ nổi niệm gì đều là
tà ; hoặc nghĩ "Tôi đang tham Thiền" ấy tức là tà, chứ đừng nói
đến cái khác. Tại sao ? Vì nghi tình là không biết gì cả, nếu ngoài
cái "không biết" còn biết đến "ta tham Thiền" tức là
tà, chứ chẳng phải niệm thiện là chánh, niệm ác là tà!
Kinh Kim Cang nói :" Nhược
dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo, bất năng
kiến Như Lai". Theo người thế gian thì lấy sắc thấy ta, lấy âm
thanh cầu ta , đâu phải tội lỗi gì mà nói là hành tà đạo ? Lục Tổ nói
:" Vô niệm niệm tức chánh, hữu niệm niệm thành tà", nhưng chấp
vào cái chánh cũng không được, phải "Tà chánh đều quét sạch, tánh
Bồ đề rõ ràng".
Hỏi : Nếu
đi theo một pháp môn khác, có phải phản thầy không ?
Đáp : Nay người đời nói đến
vấn đề "phản bội", nếu biết là sai vẫn nghe theo làm theo tức
hại cho thầy mình, chứ không phải là thương thầy, vì giúp cho tạo tội
khiến đọa địa ngục.Nay nếu không đủ sức cứu thầy mình thì phải
chuyên tu, khỏi cần sanh tâm tách rời hay không, tất cả những gì chướng
ngại cho sự tu đều không biết tới, kể cả sự tu của mình cũng không
biết tới, huống là cái khác !
Phật và Tổ là muốn mình thực
hành, tự giải thoát cho chính mình và giải thoát cho chúng sanh, ấy mới gọi
là báo Tứ ơn : Ơn Phật, chúng sanh, thầy và cha mẹ. Nếu chúng ta thành
Phật tức báo đủ tứ ơn, hễ tu không đúng mà bị đọa là hại, tức
chiều theo vọng chấp của thế gian, làm sao báo được ? Chiều theo vọng
tâm mê chấp của thế gian là phải chấp cho càng sâu nặng thêm, nếu
không thì bị chê là phản bội thầy. Nhưng sự thật chúng ta chỉ đi đúng
theo lời dạy của Phật, của Tổ, không có phản bội.
Lại, nếu nói xa thầy là phản
bội , ví như khi học hết tiểu học phải lên trung học, vậy đối với
người thầy dạy tiểu học là phản thầy sao ? rồi lên đại học thì phải
xa thầy trung học, sau khi tốt nhgiệp đại học , đi du học nước ngoài,
cũng là phản thầy sao ? Lúc du học trở về, mặc dù trí thức lúc đó
có thể làm thầy của thầy, nhưng gặp lại thầy tiểu học vẫn là thầy
của mình, Tục ngữ Trung Quốc có câu " Một ngày làm thầy, suốt đời
là cha", đâu có phản thầy ?! Pháp thế gian chấp tướng còn như thế,
huống là Pháp xuất thế gian phá tướng ?Hai chữ "Phản thầy" là
do người có tâm chấp thật mới sanh ra suy nghĩ như thế, ấy là nghịch với
ý của Phật, của Tổ, cũng nghịch với lý thế gian vậy.
Hỏi : Sự
khác nhau giữa Như Lai Thiền và Tổ Sư Thiền như thế nào ?
Đáp : Như Lai Thiền và Tổ Sư
Thiền hơi sai biệt; bên Giáo môn đạt đến Như Lai Thiền chứ chưa đến
Tổ Sư Thiền. Trong Truyền Đăng Lục có một công án phân biệt về
Như Lai Thiền và Tổ Sư Thiền như sau :
* Thiền sư Hương Nghiêm xưa
kia vốn rất thông minh, nói một hiểu mười, ở nơi Bá Trượng học thiền
rất lâu, do bị thông minh chướng ngại, không được kiến tánh. Sau khi
ngài Bá Trượng tịch, đến ở với Qui Sơn, Qui Sơn là một Thượng thủ
của Bá Trượng, cùng Hương Nghiêm vốn là sư huynh đệ với nhau, nay đã
ra hoằng hóa.
Một ngày kia, Qui Sơn nổi lòng
từ bi muốn dẫn dắt Hương Nghiêm, hỏi:
- Theo sự hiểu biết của
ông, trước khi cha mẹ chưa sanh, là cái gì ? Hãy nói cho ta biết !
Hương Nghiêm trả lời không
được, lục khắp các sách đã học vẫn tìm không ra, cứ yêu cầu Qui Sơn
nói trắng ra.
Qui Sơn bảo : "Ta nói thì
được rồi, chỉ e sau này ngộ sẽ chửi mắng ta".
Cầu mãi vẫn chẳng chịu
nói, trong tâm thắc mắc quá, bèn đem đốt hết tất cả sách vở, nói rằng
:" Nay chỉ làm một ông tăng ăn cơm mà thôi".
Hương Nghiêm từ giã Qui Sơn
đi hành cước, vào trong núi ở một mình, tâm cứ nghi câu " Trước
khi cha mẹ chưa sanh mặt mũi bản lai ra sao ?" Một ngày kia nhổ cỏ liệng
cục đá trúng cây tre phát ra tiếng liền ngộ, mới biết thủ đoạn của
Qui Sơn, hướng về phía Qui Sơn lễ bái.
Sau khi ngộ có làm một bài kệ,
Qui Sơn nghe được nói với đệ tử Ngưỡng Sơn rằng :
- "Hương Nghiêm đã kiến
tánh."
Ngưỡng Sơn nói " Chưa chắc,
để con đi thử một phen".
Ngưỡng Sơn gặp Hương Nghiêm,
nói :" Thầy nói ông đã kiến tánh, hãy nói thử xem !"
Hương Nghiêm làm bài kệ rằng
:" Năm xưa nghèo, chưa phải nghèo, năm xưa nghèo còn có đất để cấm
dùi; nay nghèo mới thật nghèo, kể cả dùi cũng chẳng có".
Ngưỡng Sơn nói :" Như Lai
Thiền thì cho ông ngộ, Tổ Sư Thiền thì chưa. Hãy nói nữa xem !"
Hương Nghiêm nói :" Tôi
có một cơ, nhìn vào trong đó, nếu vẫn chưa ngộ, chớ gọi Sa Di".
Ngưỡng Sơn mới chấp thuận,
rằng :" Mừng cho Sư đệđã ngộ Tổ Sư Thiền".
Vì bài kệ trước vẫn còn
lý giải được, bài kệ sau thì chẳng thể lý giải. Ví như Thiền tông
có người hỏi Tổ Sư :
- Thế nào là Phật ?
Đáp :" Cục cứt
khô".
Nếu là bên Giáo môn, hỏi thế
nào là Phật thì phải trả lời :" Phật là người giác ngộ, gồm tự
giác giác tha, giác hạnh viên mãn v.v."
Cho nên, Tổ Sư Thiền chỉ chú
trọng thực hành, nếu khởi tâm tìm hiểu thì ngày càng xa vậy.
Hỏi : Sau khi
kiến tánh thành Phật, có thể biết được sự bắt đầu của vạn vật
chăng ?
Đáp : Nói kiến tánh thành Phật,
là kiến được tự tánh tức thành Phật. Thế thì nói " Tự tánh vốn
là Phật", được không ? Nếu tự tánh vốn là Phật , tại sao lại biến
thành chúng sanh? Nếu Phật có thể biến thành chúng sanh thì tu thành Phật
cũng vô ích, sau này vẫn có thể trở thành chúng sanh. Nếu nói tự tánh
là chúng sanh, thì dẫu cho tu cách nào cũng chẳng thể biến thành Phật ! Nếu
vốn chẳng phải là chúng sanh thì lục đạo luân hồi từ đâu ra ? Vì có
chúng sanh mới có lục đạo luân hồi, có lục đạo luân hồi mới có
nhân quả!
Làm thiện sanh thiện đạo, làm
ác sanh ác đạo, nay giả thiết trước kia tất cả chúng sanh đều như
nhau, chẳng ai làm thiện, cũng chẳng ai làm ác, thì trước khi chưa khởi
niệm làm thiện làm ác, ai lên thiên đàng, ai xuống địa ngục ? Nếu
chưa làm mà đã có người xuống địa ngục, người lên thiên đàng thì
không có nhân quả !
Hiện nay, các nhà khoa học muốn
tìm sự bắt đầu của vũ trụ, nhưng truy cứu mãi cũng chẳng được, nếu
chiếu theo Tiến Hóa Luận của nhà khoa học, là con người do con khỉ
tiến hóa mà thành, cho rằng cái nhân đầu tiên là một hạt nguyên tử cực
nhỏ, vậy theo kiến thức mọi người cũng biết, từ thai nhi trong bụng mẹ
phải trải qua mười tháng mới được hình thành, và thân này rõ ràng do
cha mẹ sanh. mọi việc chẳng có sự bắt đầu thì làm sao ráng tìm được
sự bắt đầu ?! Cho nên, Đức Phật nói là " Vô thỉ" -
Không có sự bắt đầu, vì tất cả đều do tâm tạo.
Tại sao dám nói là Vô Thỉ ?
Vì thời gian chẳng có bắt đầu thì tất cả chẳng có bắt đầu.
Hỏi : Xưa nay số
lượng chúng sanh thành Phật có bao nhiêu ?
Đáp : Tôi đã nói cái căn bản
rồi, mà ông còn chấp vào vấn đề này! Nếu chấp thật có chúng sanh
thì phải có đơn vị và số lượng. Nay thử làm một bài toán : Hễ một
chúng sanh thành Phật thì số chúng sanh bớt một và số Phật thêm một,
phải không? Theo lời Phật nói : Nếu trong một đại kiếp có một ngàn
chúng sanh thành Phật thì bây giờ đã chẳng còn chúng sanh nữa. Chớ nói
một ngàn chúng sanh, hễ trong một đại kiếp có một chúng sanh thành Phật;
trong mười đại kiếp, trong một trăm đại kiếp hoặc một triệu đại
kiếp có một chúng sanh thành Phật, thì bây giờ cũng hết chúng sanh rồi
! Tại sao ? Vì thời gian không có số lượng, là vô số lượng !
Nếu số lượng chúng sanh có
thể tính bằng đơn vị, lấy số lượng so sánh với vô số lượng , cho
dù số lượng lớn nhất vẫn còn là nhỏ :Thí dụ cứ mỗi một triệu đại
kiếp có một chúng sanh thành Phật, thì bớt đi một chúng sanh, bớt mãi số
lượng sẽ hết, còn về thời gian không có sự bắt đầu, nên không bị
hạn chế bởi số lượng.
Cho nên nói " Chúng sanh
nghiệp thức " là không đúng, chúng sanh chẳng có bớt, cho đến tận
vị lai; Chúng sanh cũng bao nhiêu đó, Phật cũng bao nhiêu đó, chẳng thêm
chẳng bớt. Vì có thật đâu mà thêm bớt ! Kể cả nhân quả luân hồi cũng
là việc trong chiêm bao, nay nếu ở trong chiêm bao truy cứu mãi, vẫn là việc
trong chiêm bao, chỉ cần thức tỉnh là ra khỏi nhân quả luân hồi trong
chiêm bao. Đức Phật cần chúng ta thức tỉnh, bằng không, dẫu cho Thiện
tri thức giải thích tất cả giáo lý nhà Phật cũng là ở trong chiêm bao,
chưa thể ra ngoài được.
Hỏi : Tại
sao Phật ở Kinh này nói khác, ở kinh kia lại nói khác ?
Đáp : Tất cả lời nói của
Phật kiến lập ra, như tứ đại, ngũ uẩn, Phật, chúng sanh, Bồ đề, Niết
bàn v.v. chỉ là giả danh để phá sự chấp của chúng sanh, khiến mau được
giác ngộ, mau được thức tỉnh để ra ngoài chiêm bao mà thôi. Mặc dù
nói muôn ngàn đường lối, đủ thứ sai biệt, chỉ vì từ bi muốn chúng
sanh thoát khổ, tùy căn cơ trình độ của chúng sanh mà thuyết pháp, nên
ở kinh này nói khác, ở kinh kia lại nói khác . Nếu như không hiểu ý Phật
thì cảm thấy rất mâu thuẫn, kỳ thật chẳng có mâu thuẫn.
Chư Phật chư Tổ không có ý
muốn gạt chúng sanh, chỉ vì chúng sanh chẳng thấu được lời nói của
Phật, của Tổ, cho nên bị Phật gạt, bị Tổ gạt. Cũng như núi sông biển
cả vốn chẳng có ý muốn chướng ngại người, tại người đi qua không
được, nên bị núi sông biển cả chướng ngại. Do đó, các Tổ Sư Thiền
tông sau khi kiến tánh rồi nói :" Sau này ta chẳng bị Phật gạt nữa
".
Hỏi : Thế
nào là thân trung ấm ?
Đáp : Nhiều người cho rằng
hễ người chết rồi sẽ biến thành quỷ, ấy là tư tưởng sai lầm. Lục
đạo gồm: Trời, người, A Tu La, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục, nghiệp
quỷ chỉ là một loại trong lục đạo, chứ không phải là ai chết rồi cũng
biến thành quỷ.
Ví như nói làm thiện sanh tam
thiện đạo, làm ác sanh tam ác đạo, nếu thiện ác cân bằng, chưa thể
phân biệt phải sanh thiện đạo hoặc ác đạo, gọi là thân-trung-ấm, tức
thân trước chết rồi, thân sau chưa sanh, ở nơi chính giữa, gọi là trung
ấm. Trong bảy ngày, nếu tâm hơi nghiêng về thiện thì sanh thiện đạo, hể
nghiêng về ác sanh tam ác đạo. Nếu trải qua bảy ngày mà vẫn chưa phân
biệt thiện ác, lại thêm bảy ngày nữa, cứ trải qua bảy lần như thế,
tức bốn mươi chín ngày thì phải đi đầu thai, người thế gian gọi là
cúng cầu siêu bảy thất là vậy.
Mục đích cầu siêu là mong hướng
dẫn người chết hướng tâm về thiện, nhưng nếu cúng bằng heo, gà, ảnh
hưởng đến tâm ác, khiến đọa ác đạo chẳng ích lợi gì.
Hỏi : Về vấn
đề tu Thiền nhờ tự lực, và Tịnh Độ nhờ tha lực như thế nào ?
Đáp : Tất cả phương tiện của
Phật dạy đều phải nhờ tự lực, phải tự ngộ chứ không thể nhờ
tha lực. Nói Pháp môn Tịnh Độ nhờ tha lực là sai lầm; bởi tông chỉ của
Tịnh Độ là Tín, Nguyện, Hành, cũng là nhờ tự lực. Nhất là về cái
nguyện, khi đã phát đại nguyện rồi thì phải thực hành, ấy là nhờ tự
lực. Niệm Phật cũng phải tự lực tự làm, chẳng được nhờ người khác
niệm giùm.
Tông phái nào cũng phải nhờ
tha lực, nhưng tự lực là chánh, tha lực là trợ duyên. Còn nói Thiền
tông là nhờ tự lực chẳng nhờ tha lực cũng không đúng, tại sao ? Thế
có phải khi mình sanh ra đã biết tham Thiền đâu ! Pháp môn này là do Phật
dạy, ấy là trợ duyên; do chư Tổ truyền lại đời sau, ấy là trợ
duyên; Thầy dạy chúng ta tham Thiền, ấy cũng là trợ duyên, là tha lực..Cho
nên chẳng có Tông phái nào chỉ nhờ tự lực hoặc chỉ nhờ tha lực mà
được, tại con người chấp tâm sai lầm thôi.
Hỏi : Tác giả
bài "Tứ Liệu Giản" có phải của ngài Vĩnh Minh không ?
Đáp : Ngài Vĩnh Minh là Tổ thứ
ba của Pháp Nhãn Tông, đã kiến tánh triệt để, có tác phẩm Tông Kỉnh
Lục gồm một trăm quyển rất danh tiếng. Hư Vân Thiền sư đã xem hết
tất cả tác phẩm của Ngài, chẳng thấy bài kệ này. Trong Tứ Liệu Giản
nói :" Có Thiền mà không có Tịnh Độ thì mười người tu chín người
sai; có Tịnh Độ mà không có Thiền thì muôn người tu muôn người được;
còn nếu có Thiền và có Tịnh độ ,Thiền Tịnh song tu, như cọp mọc thêm
sừng". Chính bài kệ này đã là mâu thuẩn rồi. Tại sao ? Nếu chỉ
có Tịnh độ mà không cần thiền đã muôn người tu muôn người được,
cần gì tu thêm Thiền để muôn phần mất hết chín ngàn ! Vã lại, Tổ Sư
đã kiến tánh làm sao lại có bài kệ tự mâu thuẩn kể trên !
Hỏi : Thiền
tông nếu chẳng thấy được Phật thì tu để làm gì ?
Đáp : Muốn tranh cãi về vấn
đề chấp Phật hay không chấp Phật, trước tiên phải xác định chữ PHẬT
này là gì, nên chấp hay không nên chấp. Thế thì theo ý ông, chữ Phật
là gì? Giáo môn cũng có nói :" Nếu chấp Phật là thật có, ấy là chấp
thêm; còn nếu chấp Phật là thật không, ấy là chấp bớt", nếu tự
tánh vốn là Phật thì chẳng thể biến thành chúng sanh; nếu tự tánh là
chúng sanh thì dù tu thành Phật , sau này cũng sẽ biến thành chúng sanh.
Lại, nếu tự tánh vốn là
chúng sanh thì chẳng thể tu thành Phật, vậy chấp Phật để làm gì ? Nói
"tu đến kiến tánh thành Phật", vì chữ PHẬT nghĩa là giác ngộ,
hễ giác ngộ gọi là Phật, Muốn giác ngộ phải tham Thiền, đến khi ngộ
rồi gọi là Kiến tánh thành Phật, chứ chẳng phải Phật là một vị thần
linh! Nếu trong tâm chấp phải có một ông Phật thật khiến cho mình ngộ
thì vĩnh viển không được ngộ.
Hỏi : Nếu nói
ngộ là Phật, Phật là ngộ thì thử hỏi ai là người ngộ , cái gì ngộ
? Nếu không thì e rằng sẽ đi vào cái ngoan không !
Đáp : Tại ông chấp cái có
là thật có, chấp cái không là thật không, nên có câu hỏi này. Theo Phật
pháp, chấp có thì bệnh còn nhẹ, chấp không bệnh nặng khó trị. Nên biết
tự tánh là bất nhị, không có hai, lại, trong các Kinh Pháp Bảo Đàn, Kinh
Duy Ma Cật, Kinh Kim Cang đều nói VÔ SỞ TRỤ; bất cứ nói pháp nào thật,
pháp nào không thật đều là trụ, là nhị. Nói có AI thành Phật đã là
nhị rồi, vì có người năng thành, có Phật sở thành, chẳng phải là tự
tánh !
Lại, Tự tánh khắp mọi nơi,
đâu có một chỗ để ông chỉ ra được ! Nếu phải chỉ là
"ai", ấy là ngã chấp. Tiểu Thừa phải phá ngã chấp rồi mới chứng
quả A La Hán, còn Đại Thừa phá ngã chấp rồi, phải phá luôn pháp chấp,
tức chẳng có cái pháp để mình tu, chẳng có cái quả để mình chứng,
phá hết mới gọi là Bồ tát Đại thừa, nhưng cũng chưa phải đã thành
Phật, vì còn cái tri giải về phá chấp.