- Phật Giáo Chính Tín
- HT. Thích thánh Nghiêm
- Phân Viện Nghiên Cứu Phật
Học dịch
1. LỜI GIỚI THIỆU [^]
Sau khi cho xuất bản quyển sách
"Học Phật quần nghi", Phân viện Nghiên cứu Phật học cho in tiếp
quyển "Phật giáo chính tín" của cùng tác giả là Pháp sư Thánh
Nghiêm, một Hòa thượng - học giả nổi tiếng người Trung Quốc. Ngài
sinh năm 1930 ở Giang Tô, đỗ tiến sĩ ở Đại học Tokyo năm 1975, sáng lập
Viện Nghiên cứu Phật học Trung Quốc năm 1985. Cũng như trong "Học Phật
quần nghi", ở quyển sách này, tác giả cũng dùng hình thức hỏi và
đáp để trình bày ý kiến của mình. Qua các vấn đề được đặt ra và
lời giải đáp, tác giả muốn chứng minh Phật giáo là chính tín chứ
không phải là mê tín. Đó là một mục tiêu tốt đẹp mà tất cả Tăng
Ni cũng như những người muốn nghiên cứu Phật giáo đều mong muốn hiểu
biết, nhưng sự chứng minh đó đủ sức thuyết phục hay không thì còn
tùy ở nhận thức của độc giả.
Dầu sao, chúng tôi cũng nhận thấy
rằng trong tập sách này, tác giả đã đặt ra được những vấn đề khá
cơ bản của Phật giáo. Nhưng nếu trong "Học Phật quần nghi", các
vấn đề Phật giáo có tính chất phổ thông hơn, thì trong quyển sách
này, bên cạnh những vấn đề phổ thông như các vấn đề liên quan đến
hôn nhân và gia đình, có nhiều vấn đề có ý nghĩa thâm thúy về bản thể
luận và nhận thức luận. Vì vậy, đọc quyển sách này, chúng ta sẽ có
những hiểu biết cao hơn, sâu sắc hơn về Phật giáo.
Tuy nhiên, có một điểm cần chú
ý là khi viết quyển sách này, tác giả nhằm vào độc giả người Trung
Quốc. Vì vậy, Phật giáo được trình bày ở đây, không những là theo kiến
giải riêng trên lập trường Đại Thừa của tác giả, mà còn được đặt
trong bối cảnh văn hóa - xã hội Trung Quốc, dĩ nhiên là khác với Việt
Nam. Nhưng chúng ta đều biết rằng giữa xã hội Việt Nam và Trung Quốc,
có không ít những điểm gần gũi với nhau, cho nên phần lớn lời giải
đáp của tác giả quả là rất hứng thú và bổ ích đối với độc giả
Việt Nam.
Trong quyển sách này, tác giả cũng
đã đi sâu vào một số vấn đề liên quan đến lịch sử Phật giáo, đặc
biệt là lịch sử Phật giáo Trung Quốc, chẳng hạn phần nói về các
tông phái Phật giáo. Những phần này rõ ràng là rất cần đối với những
nhà nghiên cứu Phật học Việt Nam.
Tóm lại " Phật giáo chính
tín" là, một quyển sách vừa dễ hiểu, vừa sâu sắc, có thể đáp
ứng nhu cầu hiểu biết về Phật giáo của quần chúng rộng rãi, đồng
thời có thể đáp ứng yêu cầu nghiên cứu sâu của giới Phật học.
Viết được một quyển sách đồng
thời đáp ứng được cả hai yêu cầu như vậy, Pháp sư Thánh Nghiêm đã
khiến chúng ta ngưỡng mộ trình độ uyên thâm và quảng bác về Phật
giáo của Ngài.
Chính vì những lẽ trên mà Phân viện
Nghiên cứu Phật học đã cho phiên dịch và xuất bản tập sách này. Trong
lúc vội vàng, hẳn là bản dịch còn nhiều sai sót, kính mong tác giả và
độc giả lượng thứ và chỉ chính cho.
Xin trân trọng giới thiệu quyển
sách với chư vị Tôn túc, Tăng Ni, Cư sĩ, Phật tử cùng quý vị độc giả
trong và ngoài giáo hội.
- Giáo sư HÀ VĂN TẤN
- Phân viện phó Phân viện
Nghiên cứu Phật học
2. PHẬT
GIÁO CHÍNH TÍN LÀ GÌ [^]
Nội dung cơ bản của Phật giáo,
ở đâu cũng là một, mãi mãi vẫn là một. Phật giáo bắt nguồn từ đức
Phật là bậc đại giác, tức là từ biển lớn trí tuệ và từ bi của đức
Thích Ca Thế Tôn. Phật giáo tràn đầy trí tuệ, tràn đầy lòng nhân từ,
tràn đầy ánh sáng và sự mát mẻ, sự yên ổn. Phật giáo chính là giáo
lý như vậy và hình thức giáo đoàn xây dựng trên một niềm tin vào một
giáo lý như vậy gọi là Phật giáo.
Chính tín là niềm tin chân chính,
chính xác, là sự tin hiểu chính thống, là sự tin tưởng và hành trì ngay
thẳng, là sự tin tưởng và nương tựa đúng đắn. Nội dung của chính
tín phải bao gồm ba điều kiện chủ yếu : Thứ nhất là phải có tính vĩnh
cửu. Thứ hai là phải có tính phổ biến. Thứ ba là phải có tính tất
nhiên. Nói cách khác, tức là, quá khứ trước đây là như vậy, thì hiện
tại ở đâu cũng là như vậy và tương lai cũng sẽ là như vậy. Phàm niềm
tin vào một đạo lý hay một sự việc gì mà không chịu đựng nổi sự
thử thách của ba điều kiện cơ bản nói trên thì không phải là chính
tín, mà là mê tín. Giáo lý của một tôn giáo, mà không chịu đựng nổi
sự khảo nghiệm của thời đại, của hoàn cảnh, không dẫn tới một cảnh
giới mới và tốt đẹp, thì đó là mê tín, không phải chính tín.
Thế nhưng, phải nói rằng, nền Phật
giáo chính tín, tại các vùng có lưu hành Phật giáo Đại Thừa, nhất là
ở Trung Quốc, đã trở thành sở hữu riêng của những cao tăng ở ẩn trên
núi, và của một số ít nhân sĩ trí thức. Còn ở trong dân gian, thì Phật
giáo chính tín đến nay vẫn chưa phổ cập được. Dân chúng nói chung,
trong cuộc sống của mình, có một quan niệm tín ngưỡng pha tạp cả ba giáo
Nho, Phật, Lão. Thí dụ, như việc sùng bái quỷ thần hay là niềm tin người
chết biến thành quỷ, không thể là sản vật của Phật giáo.
3. ĐỨC
PHẬT CÓ PHẢI LÀ CHÚA SÁNG THẾ KHÔNG [^]
Không phải. Phật giáo chính tín
không có quan niệm Chúa sáng thế. Đức Phật là bậc giác ngộ trong nhân
gian, Ngài tuy thấu rõ tất cả mọi nguyên lý của thế gian này, nhưng Ngài
lại không thể thay đổi trạng thái vốn có của thế gian này. Đức Phật
có thể hóa độ chúng sinh, nhưng chúng sinh có được hóa độ hay không,
còn phải do bản thân chúng sinh, tự mình nỗ lực mới được. Đức Phật
là vị thầy thuốc giỏi nhất, có thể chẩn đoán bệnh khổ của chúng
sinh và cho thuốc. Nếu uống thuốc của Phật cho, thế nào chúng sinh cũng
khỏi bệnh. Nhưng nếu không chịu uống thuốc, thì đức Phật cũng chịu
bó tay. Đức Phật là người hướng đạo giỏi nhất, có thể hướng dẫn
chúng sinh vượt ra ngoài biển khổ, nếu chúng sinh chịu để cho Phật hướng
dẫn thì thế nào cũng được độ, nhưng nếu không chịu, thì đức Phật
cũng chỉ biết thương mà không thể làm gì được.
Do đó, đức Phật không phải có
địa vị Chúa sáng thế, cũng không muốn quần chúng sùng bái Ngài trên
hình thức. Nếu thực hành được những lời dạy của Phật, thì cũng không
khác gì thấy Phật, kính lễ Phật. Bằng không thì tuy thấy Phật trước
mặt đó, cũng không khác gì không thấy Phật.
Như vậy, đức Phật đã không phải
là Chúa sáng thế, cũng không phải là một ông Thần chủ tể. Đức Phật
chỉ có thể dạy cho chúng sinh phương pháp thoát khổ được vui. Đức Phật
tuy bản thân mình đã thoát khổ được vui, nhưng không thể thoát khổ và
được vui thay cho chúng sinh.
Đức Phật là nhà giáo dục vĩ đại,
là bậc đạo sư cho loài Người và loài Trời, nhưng không phải là nhà
huyễn thuật hay ma thuật, và Ngài không thể mị dân với khẩu hiệu
"chuộc tội thay cho chúng sinh". Ngài dạy rằng tất cả mọi
người phải chịu trách nhiệm đối với bản thân mình : "Trồng dưa
thì được dưa, trồng đậu thì được đậu".
4.
ĐỨC PHẬT LÀ GÌ ? [^]
Phật hay nói đủ hơn là Phật - đà,
dịch âm từ ngữ Sanskrit cổ đại. Từ Phật bao hàm các nghĩa : Tự mình
giác ngộ, giác ngộ cho người khác và giác ngộ - thấy biết tất cả,
không gì là không thấy biết, không lúc nào là không thấy biết. Vì vậy
mà Phật còn có các danh hiệu "Nhất biến tri" hay là "Chính biến
tri".
Phật-đà, nói ngắn hơn là Phật,
nguyên là Thái tử Tất Đạt Đa, sinh tại thế giới này, cách đây 2589 năm
(T. L năm 623 trước công nguyên) ở thành Ca Tỳ La Vệ (Ấn Độ). Sau khi thành
đạo, thì có danh hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Thích Ca là giòng họ, Mâu Ni là
danh hiệu chung, chỉ các bậc Thánh thời cổ đại ở Ấn Độ, và có nghĩa
là tĩnh lặng. Đó là vị giáo chủ của đạo Phật.
Thế nhưng, căn cứ vào giáo lý do
Phật Thích Ca giảng dạy, chúng ta biết rằng, tại thế giới này, từ thời
xa xưa đã có những vị Phật ra đời, và trong một tương lai rất xa sau này
cũng sẽ có các vị Phật khác xuất hiện. Và hiện nay, tại các thế giới
khác trong 10 phương, cũng đang có nhiều Phật tồn tại. Như vậy, theo đạo
Phật, thì Phật không phải chỉ có một vị có một không hai mà trong quá
khứ, hiện tại và trong thời vị lai, có vô lượng vô số Phật. Hơn nữa,
Phật giáo còn cho rằng, tất cả chúng sinh, tất cả các loài hữu tình,
dù hiện nay có tin hay không tin Phật, đều có khả năng thành Phật trong tương
lai. Phật giáo cho rằng Phật là chúng sinh đã được giác ngộ, còn chúng
sinh là Phật chưa giác ngộ. Đứng về mặt cảnh giới mà nói, phàm thánh
tuy khác nhau, nhưng đứng về bản chất mà nói, Phật tính là bình đẳng,
Phật hay chúng sinh đều có Phật tính như nhau không khác.
Nói tóm lại, Phật giáo không sùng
bái Phật như là vị Thần, cũng không xem Phật như là Chúa sáng theᬠvì
vậy, cũng có thể nói Phật giáo chủ trương vô thần luận.
5. VŨ
TRỤ VÀ SINH MỆNH LÀ TỪ ĐÂU ĐẾN [^]
Phật giáo đã bác bỏ quan niệm
có một Chúa sáng thế, nhưng vũ trụ tồn tại là không thể hoài
nghi, sinh mạng tồn tại là không thể phủ định. Phật giáo cho rằng, những
nguyên tố tạo thành vũ trụ có tính chất vĩnh hằng. Cũng như những nhân
tạo ra sinh mạng cũng có tính vĩnh hằng. Nói cách khác, vật chất tạo ra
vũ trụ là bất diệt, mà tinh thần cấu thành sinh mạng cũng là bất diệt.
Vĩnh hằng nghĩa là vốn là như vậy, không có sinh ra và hủy diệt. Tình
hình thực tế của vũ trụ và sinh mạng là như vậy.
Phật giáo cho rằng, sự biến hóa
của vũ trụ, sự lưu chuyển của sinh mạng, là do nghiệp lực của chúng
sinh tạo thành.
Nghiệp lực (sức mạnh của nghiệp)
chính là những hành vi thiện hay ác của chúng sinh, chúng giống như màu sắc
vậy, một cách liên tục không ngứt đoạn, huân nhiễm tâm thức của
chúng sinh, là chủ thể của sinh mạng, rồi lại từ ở trong tâm thức,
theo ngoại duyên (điều kiện bên ngoài) mà hiện hành bộc lộ, cũng như hạt
giống gieo trong đất, nhờ có các ngoại duyên là ánh sáng, độ ẩm và
không khí mà sinh trưởng. Đó là cái mà sách Phật gọi là hiện hành của
nghiệp. Hiện hành của nghiệp chính là kết quả tạo ác của nghiệp. Đó
là ý tứ của câu : "thiện ác đáo đầu chung hữu báo", nghĩa là
thiện hay ác cuối cùng đều có quả báo.
Nghiệp có thể do cá nhân một
mình làm ra, cũng có thể do cá nhân cùng với nhiều người khác cùng làm;
có những nghiệp tuy là do cá nhân riêng mình tự làm, nhưng làm tương tự
như nhiều người khác làm. Có những nghiệp tuy cùng với nhiều người khác
làm, nhưng sự tham gia lại nhiều ít khác nhau.
Do vậy, có thể chia ra hai loại
nghiệp là "cộng nghiệp" (nghiệp cùng làm) và "bất cộng nghiệp"
(nghiệp không cùng với người khác làm).
Vì là cộng nghiệp cho nên dẫn tới
quả báo giống nhau. Trái đất này là do cộng nghiệp của vô số chúng
sinh tạo ra trong quá khứ và hiện tại mà hình thành. Do cộng nghiệp khác
nhau mà có những thế giới khác nhau. Trong vũ trụ, có vô số lượng chúng
sinh sống trong vũ trụ này. Vì vậy, nếu trên hỏa tinh có chúng sinh thì
hình dáng của chúng sinh đó không nhất thiết giống hình dáng người sống
trên trái đất chúng ta. Ngoài ra, còn có những tinh cầu không có người
ở, thậm chí cũng không có sinh vật nữa, nhưng sự tồn tại của chúng
là cần thiết đối với cuộc sống của chúng sinh ở các tinh cầu có
sinh vật ở. Nói cách khác, sự tồn tại của vạn vật trong vũ trụ bao
la này đều có lý do, có nguyên nhân tồn tại của chúng. Thí dụ, trên mặt
trời không thể có sinh vật tồn tại, thế nhưng nếu không có mặt trời,
thì sinh vật trên trái đất này cũng không thể tồn tại. Hiện nay, khoa học
chưa có thể chứng minh được sự tồn tại của nhiều hiện tượng và sự
vật. Còn đạo Phật thì giải thích đó đều là do cảm ứng của nghiệp
lực của chúng sinh.
Còn về sự tồn tại của sinh vật
(cũng tức là sinh mạng) trên địa cầu này, thì Phật cho rằng đều do biến
hóa mà thành, và điều này đúng đối với sinh vật đơn bào cũng như đối
với con người là loại sinh vật cao cấp. Khi địa cầu mới hình thành,
thì con người đầu tiên xuất hiện là từ ở cõi trời Quang âm thiên là
cõi Trời thứ sáu thuộc cõi Sắc giới bay tới, nhưng sau vì ăn phải một
loại thực vật thiên nhiên trên địa cầu này, thân thể trở thành nặng
nề không bay được nữa, rồi vĩnh viễn định cư ở trên địa cầu này
(Theo kinh Thế kỷ, kinh Đại lâu khôi, kinh Khởi thế v.v…). Trên thực tế,
đó cũng là do nghiệp báo của chúng sinh thuộc loài Trời đó. Phúc báo
ở cõi Trời đã hưởng hết rồi thì phải đọa xuống địa cầu này
tùy theo nghiệp mà chịu báo. Cũng như những con người hay chúng sinh sống
trên địa cầu này cũng vậy, do cộng nghiệp mà chiêu cảm địa cầu này
thì phải sinh ở địa cầu này mà chịu báo. Chịu báo hết rồi, cũng tùy
theo nghiệp của mình đã tạo hay đương tạo mà vãng sinh ở các cõi sống
khác để tiếp tục chịu báo. Đồng thời lại do bất cộng nghiệp, cho nên
tuy là cùng sinh ra trên địa cầu này, nhưng địa vị cao thấp của mỗi
chúng sinh lại khác nhau. Có chúng sinh là côn trùng, có chúng sinh là loài
người. Và giữa người và người cũng có người sang kẻ hèn, người sống
thọ, kẻ chết yểu.
Trên thực tế, cộng nghiệp đồng
thời cũng là một dạng của bất cộng nghiệp. Vì sao ? Nếu đứng trên
góc độ địa cầu mà nói thì địa cầu và cuộc sống ở địa cầu là
do cộng nghiệp của chúng sinh ở đây mà hình thành. Nhưng nếu đem đối
chiếu với chúng sinh ở một cõi sống khác, trên một hành tinh khác, thì
chính là do bất cộng nghiệp mà có sự khác biệt giữa cuộc sống ở
hành tinh đó với cuộc sống trên địa cầu chúng ta. Nói cộng nghiệp là
một dạng của bất cộng nghiệp, ý tứ là như vậy. Thế nhưng ngược lại,
cộng nghiệp cũng là một dạng của bất cộng nghiệp. Thí dụ, nói chúng
sinh ở trên địa cầu này là do cộng nghiệp. Thế nhưng loài người ở
Phi châu có da đen, loài người ở Á châu có da vàng. Đó lại là do người
ở Phi châu và người ở Á châu có bất cộng nghiệp mà thành ra như vậy.
Nhưng vì cả hai giống người đó đều cùng sống trên một quả địa cầu,
cho nên cũng lại do cộng nghiệp làm người mà sinh ra như thế. Từ đó
mà suy ra, mới hiểu được vì sao, trong cùng một quốc gia, thậm chí trong
cùng một gia đình, vẫn có rất nhiều khác biệt trong phẩm chất, tính
cách và cảnh ngộ giữa người và người với nhau. Tất cả muôn vàn sai
biệt đều là do cộng nghiệp và bất cộng nghiệp tạo thành.
Đó là lối giải thích của Phật
giáo đối với sự tồn tại của vũ trụ và sinh mạng.
6. BỒ
TÁT LÀ GÌ [^]
Bồ - tát là dịch âm từ chữ Phạn,
và là lược dịch. Nếu dịch âm đầy đủ là Bồ-đề-tát-đỏa. Bồ-đề
nghĩa là giác. Tát-đỏa là hữu tình. Bồ-tát nghĩa là giác hữu tình. Hữu
tình là sinh vật có tính tình và tình ái, cũng gọi là động vật. Bồ tát
là loài hữu tình có giác ngộ. Giác ngộ về nỗi khổ của tất cả
chúng sinh, đồng tình và thông cảm với nỗi khổ đó, và phát nguyện cứu
thoát chúng sinh ra khỏi những nỗi khổ đó. Vì vậy mà ở đời, hễ thấy
ai hay thương người, hay bố thí, và cứu giúp người trong cơn khổ nạn,
thì nói người ấy có tâm Bồ tát.
Bồ tát hiểu theo đúng nghĩa, rất
khác với quan niệm Bồ tát trong dân gian. Bồ tát là người, sau khi tin Phật,
học Phật, phát nguyện tự độ, độ tha, thậm chí hy sinh cả bản thân
mình để cứu giúp người. Bồ tát không phải là thần Thổ Địa, cũng
không phải là thần Thành Hoàng mà tượng bằng gỗ, tượng bằng đất
được thờ phục ở khắp đền miếu. Chúng sinh trước khi thành Phật tất
yếu phải trải qua một quá trình làm Bồ tát. Muốn làm Bồ tát trước hết
phải có tâm nguyện lớn, chủ yếu là bốn lời nguyện : "Chúng sinh
vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, Pháp môn
vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành".
Nghĩa là : "
- Phát lời nguyện độ thoát cho vô số lượng chúng
sinh;
- Phát lời nguyện đoạn trừ vô số lượng phiền
não;
- Phát lời nguyện học tập vô số lượng pháp
môn;
- Phát lời nguyện thành tựu Phật đạo vô thượng".
Mọi người từ khi mới phát tâm
cho đến khi thành Phật đều được gọi là Bồ tát, vì vậy mà có phân
biệt Bồ tát phàm phu và Bồ tát hiền thánh. Các Bồ tát được nói tới
trong các kinh Phật thường là các vị Bồ tát hiền thánh. Quá trình làm Bồ
tát chia làm 52 vị (cấp bậc), trong số này chỉ có 12 vị Bồ tát hiền
thánh, tức là từ Sơ địa đến Thập địa (địa vị 1 - 10),
lại thêm hai vị nữa là Đẳng giác và Diệu giác. Thực ra, Bồ
tát đạt tới vị Diệu giác đã là Phật rồi. Còn ở ngôi vị Đẳng
giác là vị Đại Bồ Tát sắp thành Phật. Các vị Bồ tát mà nhân dân rất
quen thuộc như Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng
v.v… đều là những vị Đẳng giác Bồ tát.
7. VÌ
SAO GỌI LÀ ĐẠI THỪA VÀ TIỂU THỪA [^]
Trong thời Phật tại thế, vốn
không có phân biệt Tiểu thừa và Đại thừa. Phật pháp là một vị thuần
nhất. Chỉ do đối tượng thuyết pháp không giống nhau cho nên nội dung
và cảnh giới thuyết pháp cũng khác nhau mà thôi.
Đối với những người có trình
độ thấp, Phật chỉ giảng đạo lý làm người, giảng năm giới, mười
điều thiện gọi là nhân thiên thừa. Đối với nhưng người nhàm
chán thế gian, Phật giảng phương pháp thoát ly sinh tử, gọi là Thanh văn
tiểu thừa. Đối với những người có trình độ cao, có tâm nguyện
nhân độ thế, thì Phật giảng giáo lý Đại thừa bồ tát.
Trên sự thực, Phật pháp chia làm
năm thừa : Nhân thừa (tức là Phật giáo của nhân gian), Thiên thừa (Phật
giáo cho loài Trời), Thanh văn thừa, Độc giác thừa và Bồ tát thừa.
Tu theo 5 giới và 10 điều thiện
ở bậc cao (thượng phẩm) thì sẽ được sinh lên các cõi Trời. Tu theo 5
giới 10 điều thiện ở bậc trung bình (trung phẩm) thì sẽ được sinh làm
người. Tổng hợp cả hai lại gọi chung là con đường loài Người và
loài Trời. Hàng Thanh văn nhờ nghe pháp tu hành mà được giải thoát khỏi
sinh tử. Hàng Độc giác không nghe pháp, không có thầy mà tự mình giác ngộ,
được giải thoát khỏi sinh tử. Tổng hợp cả hai lại gọi chung là con
đường giải thoát của Nhị thừa.
Con đường Bồ tát là pháp môn vừa
cầu giải thoát, vừa không tách rời con đường loài Người và loài Trời,
do đó con đường Bồ tát đại thừa là con đường tổng hợp cả
hai con đường giải thoát và con đường loài Người và loài Trời.
Tu theo 5 giới và 10 điều thiện
trong con đường loài Người và loài Trời thì vẫn còn là phàm phu. Người
tu hành, chứng đạo giải thoát không còn luân hồi sinh tử nữa, mới gọi
là bậc Thánh. Vì chỉ lo lắng cho bản thân mà cầu Phật pháp để được
giải thoát, không có tâm nguyện quay trở lại cứu độ chúng sinh, cho nên
gọi là Tiểu thừa. Con đường Bồ tát gọi là Đại thừa, vì rằng vị
Bồ tát, trên thì cầu đạo Phật vô thượng để giải thoát khỏi sinh tử,
dưới thì phát nguyện độ thoát vô lượng chúng sinh để cùng thoát khỏi
biển khổ sinh tử.
Về mặt phân bố địa lý mà nói,
thông thường gọi Phật giáo Bắc truyền theo văn hệ Sanskrit, lấy
Trung Hoa làm trung tâm, bao gồm các nước như Nhật Bản, Triều Tiên, Mông
Cổ, Tây Tạng, Việt Nam thì gọi là Phật giáo Đại thừa. Còn Phật giáo
Nam truyền dùng kinh điển thuộc văn hệ Pali, lấy nước Tích Lan
làm trung tâm và bao gồm các nước như Miến Điện, Thái Lan, Lào,
Campuchia, thường được gọi là Phật giáo Tiểu thừa.
Thực ra, đó chỉ là sự phân biệt
của riêng Phật giáo Bắc truyền, còn Phật giáo Nam truyền
thì không công nhận sự phân biệt đó. Đấy là do, trong Luật tạng của
Hữu Bộ, quyển 45 và Tạp A Hàm quyển 28 trang 69 đều có ghi danh từ Đại
thừa để chỉ những người tu theo Bát chính đạo và Tạp A Hàm quyển
26 trang 204 dùng danh từ đại sĩ chỉ cho những người tu hạnh Bốn nghiếp
pháp. Tăng nhất A Hàm cuốn 19 cũng nói rõ sáu độ thuộc về Đại thừa.
Phật giáo Bắc truyền, trong lĩnh vực lý luận, có phần phát huy hơn
Phật giáo Nam truyền, thế nhưng về mặt thực tiễn sinh hoạt thì
Phật giáo Bắc truyền không phải tất cả theo Đại thừa, và Phật
giáo Nam truyền cũng không phải tất cả đều theo Tiểu thừa. Phật
giáo Trung Quốc, ngoài việc ăn trường trai ra, cũng không có gì xuất sắc
hơn Phật giáo Nam truyền. Phật giáo Trung Quốc do chịu ảnh hưởng
của tư tưởng Lão Trang và lối học nói suông chuyện thanh cao (huyền học
tham đàm) cho nên cũng bị lớp sĩ phu đời Ngụy Tấn đối đãi như là một
thứ huyền học để tiêu khiển. Lý luận của các tông phái ở Trung Quốc
như Thiên Thai Tông và Hoa Nghiêm Tông đều có chịu một phần ảnh hưởng
của học phong này. Chính vì vậy, có một học giả Nhật Bản cận đại,
ông Mộc Thôn Thái Hiền phê bình Phật giáo Trung Quốc là loại Phật giáo
học vấn, không phải là Phật giáo thực tiễn. Phê bình như vậy, không
phải là không có lý do. Trên sự thực, cấu trúc tư tưởng của Hoa Nghiêm
Tông và Thiên Thai Tông đều xuất phát từ cảnh giới chứng ngộ của
các cao tăng Trung Hoa, chứ không có y cứ đầy đủ trong tư tưởng lý luận
của Phật giáo Ấn Độ. Do đó, có thể nói tinh thần Đại thừa chân
chính của Phật giáo Trung Quốc, cho đến nay vẫn chưa phổ cập đến dân
gian Trung Quốc, chứ còn nói gì làm nơi quy tụ của tín ngưỡng dân gian
Trung Quốc ! Vì vậy mà có người nói, Phật giáo Trung Quốc về tư tưởng
là Đại thừa, về hành vi là Tiểu thừa.
Mục
lục | 1-7 | 8-16 | 17-23
| 24-35 | 36-43
| 44-55 | 56-63
| 64-68 | 69-70
| Phụ lục