- Phật Giáo Chính
Tín
- HT. Thích thánh Nghiêm
- Phân Viện Nghiên Cứu
Phật Học dịch
8. PHẬT GIÁO CÓ PHẢI
LÀ TÔN GIÁO CÓ TÍNH THẾ GIỚI ?
[^]
Đúng vậy, Phật giáo là một tôn giáo thế giới. Vì đức
Phật không phải là một vị Thần bảo hộ cho một dân tộc, mà là một
bậc giác ngộ với trí tuệ bao quát cả vũ trụ, không gì không thấy,
không biết một cách chính xác và thấu triệt, cho nên đức Phật là thuộc
tầm cỡ vũ trụ. Sự giác ngộ của đức Phật bao trùm cả vũ trụ, ánh
sáng từ bi của Phật rọi chiếu khắp tất cả. Do đó, bản chất của Phật
giáo là có tính thế giới, có tính vũ trụ.
Vì vậy, trong gần hơn hai nghìn năm trăm năm lại đây, Phật
giáo dần dần được truyền bá khắp các nơi trên thế giới.
Sau khi Phật nhập Niết Bàn, khoảng ba bốn trăm năm, do
trong nội bộ Phật giáo có ý kiến bất đồng mà hình thành hai hệ phái
lớn : Một hệ phái gồm các bậc tuổi cao, và có tính bảo thủ gọi là Thượng
tọa bộ. Một hệ phái thứ hai gồm những tăng sĩ trẻ tuổi, có đầu
óc tân tiến, gọi là Đại chúng bộ. Về sau, Thượng tọa bộ được
truyền bá hướng về phương nam, đến Tích lan. Thượng Tọa Bộ dùng tiếng
Pali ở phương nam để ghi chép kinh điển. Vì vậy, về sau cũng gọi Thượng
tọa bộ là Phật giáo theo ngữ hệ Pali. Còn Đại chúng bộ thì có một
nhánh truyền lên phía bắc Ấn Độ, tuy nó không trực tiếp sản sinh ra Phật
giáo đại thừa, nhưng chính trong những khu vực thịnh hành của Đại chúng
bộ, đã xuất hiện ra Phật giáo đại thừa.
Trên đây chỉ bàn đại khái về sự phân bố địa lý của
Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền. Nhưng nếu, phân tích sâu hơn các sử
liệu, thì thấy Phật giáo Nam truyền đến Miến Điện sớm nhất lại là
Phật giáo Đại thừa theo văn hệ chữ Phạn. Phật giáo Nam phương đầu
tiên theo đường biển đến Trung Quốc cũng là Đại thừa giáo. Ngược lại,
trong Phật giáo Bắc truyền cũng có thế lực khá mạnh của Phật giáo Tiểu
thừa.
Phật giáo Đại thừa tuy bắt nguồn từ thời đức Thích
Ca Thế Tôn còn tại thế, nhưng sau khi Phật nhập diệt, lại rất ít được
Tăng đoàn Tỷ Khiêu coi trọng và phát huy. Tình hình này kéo dài đến ba bốn
trăm năm. Sau đó, vì trong nội bộ của Phật giáo Tiểu thừa, có sự
phân phái phức tạp, cho nên mới có yêu cầu Phật giáo Đại thừa xuất
hiện và phát triển, với những nhân vật đại biểu xuất sắc như Mã
Minh, Long Thụ, Vô Trước, Thế Thân v.v… Phật giáo Đại thừa dùng chữ
Phạn để sưu tập, ghi chép kinh điển cho nên cũng gọi là Phật giáo văn
hệ chữ Phạn.
Phật giáo truyền vào Trung Quốc từ thời Đông Hán, tương
đương với buổi đầu của kỷ nguyên Thiên chúa.
Đại bộ phận kinh sách Phật giáo Trung Quốc là do dịch từ
kinh Phật chữ Phạn. Tuy Đại thừa rất thịnh hành trong Phật giáo Trung
Quốc, nhưng kinh điển Tiểu thừa cũng được dịch rất nhiều. Trung Quốc
có đầy đủ những bản dịch của những kinh sách Tiểu thừa quan trọng.
Từ Ngụy Tấn, Nam Bắc triều đến Tùy và Đường là thời
đại hoàng kim của Phật giáo Trung Quốc. Có nhiều cao tăng xuất hiện, sự
giao lưu giữa Trung Quốc và Ấn Độ nối tiếp không ngừng. Trong thời kỳ
này, Phật giáo Trung Hoa nở hoa, kết trái, cả Đại thừa và Tiểu thừa
có tới 13 tông phái, sau hợp gọn lại còn 8 tông phái Đại thừa. Tức là
Thiên Thai tông, Hoa Nghiêm tông, Tam Luận tông, Duy Thức tông, Tịnh Độ tông,
Luật Tông, Thiền tông, Mật tông. Sau thời kỳ Ngũ đại do chính trị suy
vi, và hoàn cảnh xã hội thúc bách, Phật giáo Trung Quốc lánh xa các trung
tâm văn hóa, ẩn vào rừng sâu, tăng sĩ tự cày ruộng lấy để có thóc
ăn, việc nghiên cứu nghĩa lý trong kinh sách không còn thích hợp. Vì vậy
chỉ còn lại một mình Thiền tông chủ trương bất lập văn tự, giáo ngoại
biệt truyền. Trong thời kỳ giữa nhà Tống và nhà Đường, còn có một số
thiền sư chân tu thực ngộ, có khả năng cảm hóa được nhiều người,
thông qua lời nói và việc làm bình dị và chất phác của họ, nhưng cũng
do đất mà gieo cái nhân xa cho một loại Phật giáo "ngu muội", khiến
cho sau đời Tống và đời Minh, chùa chiền và tăng sĩ tuy nhiều, nhưng đã
không còn linh hồn nữa, mà chỉ còn trơ cái xác không mà thôi ! Giáo dục
không được coi trọng, chỉ thực hành những nghi thức theo đường mòn cũ,
có rất ít cao tăng, và phần lớn tăng đồ đều không có tri thức, tuy gọi
là tu hành mà không hiểu biết thì làm sao cảm hóa được người khác ?
Do vậy, phẩm chất của tu sĩ bị hạ thấp một cách phổ biến, rồi lại
cộng thêm có sự bài bác của Nho gia, khiến cho dân chúng đến với Phật
giáo càng ngày càng không hiểu Phật giáo là thế nào.
Đến cuối đời nhà Thanh, nhờ có những cố gắng của cư
sĩ Âu Dương Nhân Sơn, sự hướng dẫn của đại sư Thái Hư, sự nỗ lực
hoằng hóa của các cao tăng như Âu Dương đại sư, Hoằng Nhất, Hư Vân
và các vị như Âu Dương Tiệm v.v… Phật giáo Trung Quốc đã có cơ may
chuyển biến, thế nhưng vì tệ đoan còn nhiều, thay đổi một lúc cũng không
hết cho nên Phật giáo Trung Hoa kể cả Phật giáo ở Đài Loan cũng vậy,
đến nay cũng đang ở giai đoạn chuyển mình sơ bộ mà thôi.
Phật giáo Nhật Bản là do từ ở Trung Hoa và Triều Tiên
truyền vào (Phật giáo Triều Tiên cũng do từ Trung Quốc đến), khoảng sau
thế kỷ 6 T. L. Cho nên về bản chất mà nói, Phật giáo Nhật Bản là thuộc
về mô hình của Phật giáo Trung Quốc. Thế nhưng, do trong những thế kỷ
gần đây, nhờ tiếp xúc và vận dụng phương pháp nghiên cứu của phương
Tây cho nên những thành tích nghiên cứu Phật pháp theo phương pháp mới
ở Nhật, không những vượt quá Trung Quốc mà còn dẫn đầu cả thế giới
nữa. Đấy là do các học giả Nhật Bản không những nắm được toàn bộ
kho tàng quý báu của Phật giáo Trung Quốc, mà còn biết dựa vào văn chữ
Phạn và văn chữ Pali mà truy tìm nguyên nghĩa trong Phật giáo cơ bản (nguyên
thủy), lại thêm biết sử dụng phương pháp học tập mới, cho nên họ đạt
được những thành tích huy hoàng trong lĩnh vực nghiên cứu Phật học. Tuy
nhiên Phật giáo Nhật về mặt tu trì và giải thoát, thì còn xa mới đạt
tới lý tưởng trong sáng của các nước theo Phật giáo Nam truyền.
Vào thế kỷ thứ 9, thứ 10 sau khi Phật nhập diệt ở Ấn
Độ thế lực của Bà la môn giáo trỗi dậy, đả kích mạnh mẽ không thương
tiếc vào Phật giáo. Phật giáo đồ trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ,
cũng theo thế thượng mà chấp nhận quan niệm về Phạm thiên của Bà la
môn giáo (bây giờ gọi là Ấn Độ giáo), và du nhập quan niệm đó vào Phật
giáo Đại thừa. Đấy là nguyên nhân làm cho Phật giáo vốn là thanh tịnh,
lại pha tạp các nhân tố mê tín của dân gian thế tục, thậm chí cả đến
thuật nam nữ giao hợp trong phòng kín… Đó là thời kỳ gọi là Mật
giáo đại thừa, thời kỳ thứ ba của Phật giáo Ấn Độ. Ấn Độ giáo
biết tiếp thu nhiều ưu điểm của đạo Phật, biến thành nhân tố làm
cho Ấn Độ giáo trở nên hưng thịnh, còn Phật giáo lại tiếp thu những
tín ngưỡng hạ cấp của Ấn Độ giáo, biến chúng thành những nhân tố
làm cho nội bộ Phật giáo càng ngày càng hủ bại. Do vậy, vào khoảng cuối
thế kỷ thứ 10, trước hai mũi đả kích của Ấn Độ giáo và Hồi giáo,
vừa mới xâm nhập Ấn Độ, Phật giáo bị tàn lụi đến tuyệt tích…
Thế nhưng, như tài liệu lịch sử chỉ rõ, từ khi đạo Phật bị tiêu
vong ở Ấn Độ, thì thế lực của cả nước Ấn Độ cũng ngày một bị
suy giảm, đời sống nhân dân càng ngày càng khốn khổ, đất nước Ấn
Độ cũng không còn được thống nhất. Mãi đến năm 1950, Ấn Độ mới
giành lại được độc lập trong tay bọn thống trị người Anh. Nhưng trên
nước Ấn Độ xưa, nay đã xuất hiện thêm các quốc gia có chủ quyền như
Pakităng và NêPan…
Hiện nay, Phật giáo đồ ở Ấn Độ, được sự bảo hộ
của luật pháp và được sự đối đãi tốt của chính phủ về chính trị,
cho nên đã phát triển nhanh chóng, từ năm 1951 đến nay. Thế nhưng, trong tổng
dân số hơn 400 triệu người Ấn Độ, Phật giáo đồ chỉ chiếm một số
lượng không đáng kể, từ 10 vạn 8000 người tăng lên 325 vạn mà thôi.
Đó là điều đáng lo ngại, bởi vì có người tố cáo rằng, Ấn Độ hèn
yếu là do tín ngưỡng Phật giáo.
Phật giáo Tây Tạng tuy có quan hệ với Trung Hoa, nhưng là
do truyền bá trực tiếp từ Ấn Độ sang. Phật giáo Tây Tạng tuy cũng là
Đại thừa, nhưng chỉ là một nhánh của mật giáo Đại thừa, do Thượng
sư Liên Hoa Sinh từ bắc Ấn Độ truyền sang. Tây Tạng thời bấy giờ có
nền văn hóa lạc hậu, theo tín ngưỡng đa thần, cho nên Mật giáo đại
thừa thần bí và có nhiều linh nghiệm, rất được nhân dân Tây Tạng
hoan nghênh đặc biệt, bản thân ngài Liên Hoa Sinh là một vị cao tăng Mật
giáo, rất giỏi pháp thuật thần thông lại càng được người Tây Tạng
hâm mộ. Liên Hoa Sinh vốn là đồng môn với ba cao tăng Mật giáo đến
Trung Hoa vào đời nhà Đường, tức là Thiện Vô Úy, Kim Cương và Bất
Không đều cùng là học trò của Bồ Tát Long Trí. Vì Liên Hoa Sinh cùng với
Phật giáo đồ Tây Tạng lúc bấy giờ đều mặc áo đỏ, cho nên giáo
phái của họ gọi là Hồng giáo. Đến thời kỳ cuối nhà Nguyên, đầu nhà
Minh, sinh hoạt của tăng sĩ Lạt Ma Hồng giáo rất hủ bại, do đó mà có
đại sư Tô Lạt Ba (Tsong Kha Pa) xuất hiện, kêu gọi tăng sĩ trở về với
nếp sống thanh tịnh, chịu sự chế tài của Luật Phật. Tông Lạt Ba chủ
trương đẩy mạnh nghiên cứu giáo lý, dùng đạo đức để cảm hóa toàn
dân Tây Tạng. Vì giáo phái ông mặc áo vàng, cho nên gọi là Hoàng giáo. Mật
giáo ở Mông Cổ, Nêpan v.v… đều là những chi nhánh của Mật giáo Tây Tạng.
Sau khi Phật diệt độ, Phật giáo Ấn Độ, trên đại thể
có thể chia làm ba thời kỳ : Thời kỳ thứ nhất, từ khi Phật diệt độ
cho tới 300 hay 400 năm, là thời kỳ của Phật giáo Thượng tọa bộ, mà
đại biểu hiện nay là Phật giáo ở các nước như Tích Lan v.v… Thời kỳ
thứ hai, từ 500/600 năm, là thời kỳ của Phật giáo Đại thừa hiển giáo
(tức không phải Mật giáo - hiển là có nghĩa lý, sách vở chép rõ ràng).
Phật giáo các nước hiện nay như Nhật Bản, Trung Quốc là đại biểu cho
Phật giáo Đại thừa hiển giáo. Thời kỳ thứ ba là thời kỳ Mật giáo
đại thừa, đại biểu hiện nay là Phật giáo Tây Tạng. Thời kỳ này bắt
đầu từ khoảng 1000 năm sau khi Phật diệt độ. Hiển giáo thì chú trọng
nghĩa lý, văn cú rõ ràng, Mật giáo thì thiên về giữ gìn nghi thức, trì
chú, đặc biệt là tin tưởng ở sự gia hộ của thần linh.
Nếu diễn đạt một cách khác thì có thể nói thời kỳ
thứ nhất là Phật giáo Thanh văn hóa. Thời kỳ thứ hai là Phật giáo Bồ
Tát hóa. Thời kỳ thứ ba là Phật giáo Thiên thần hóa. Điều cần thiết
hiện nay là triển khai một thời kỳ thứ tư, thời kỳ Phật giáo nhân
gian hóa.
Phật giáo phương Tây bắt đầu với triết gia Đức
Shopenhauer, tư tưởng ông này mang nặng sắc thái Ấn Độ, chủ yếu là sắc
thái của Áo nghĩa thư (Upanishads), và của kinh sách Phật giáo thời kỳ đầu.
Hiện nay, các nước Pháp, Anh, Bỉ, Áo, Liên Xô và cả ở Mỹ, Ácgiăng
tin, Ba Tây đều có Phật giáo đồ hoạt động, nhưng Phật giáo hoạt động
mạnh và có tiền đồ nhất là ở hai nước Đức và Mỹ. Đặc biệt là
ở Mỹ, cả Phật giáo Nam truyền, Bắc truyền và Phật giáo Tây Tạng đều
có hoạt động. Nhưng nếu nói chung cả hai châu Âu và châu Mỹ, và đứng
về mặt nội dung văn hóa mà nói thì Phật giáo Nam truyền chiếm ưu thế.
Đây là do, từ năm 1505 đến năm 1947, Tích Lan lần lượt bị Bồ Đào
Nha, rồi Ha Lan và nước Anh chiếm làm thuộc địa, và Tăng sĩ Tích Lan
dùng các nước phương Tây này như cái cầu để qua phương Tây truyền
giáo, còn Phật giáo Đại thừa ảnh hưởng tới các nước Âu Mỹ là
công lao chủ yếu của người Nhật Bản. Trong những thế kỷ gần đây,
công việc truyền bá nền văn hóa Phật giáo Trung Quốc ra nước ngoài, lạc
hậu rất nhiều so với các nước khác, thậm chí so với Tây Tạng cũng còn
thua kém. Hiện nay Hoa kiều ở Mỹ tuy nói là tin theo đại thừa Phật giáo,
nhưng lại không hiểu giáo lý của đại thừa Phật giáo là gì !
9. GIÁO LÝ CĂN BẢN CỦA
ĐẠO PHẬT LÀ GÌ [^]
Kinh sách Phật rất nhiều, đó là điều ai nấy đều biết,
vì vậy mà cho đến hiện nay, cũng không sách nào chỉ rõ, bộ kinh nào
hay, bộ kinh nào là tiêu biểu cho đạo Phật. Ở Trung Quốc, sở dĩ có nhiều
tông phái xuất hiện, nói chung là do lập trường của các tông phái suy
tôn các bộ kinh luận nào là căn bản đối với họ.
Thế nhưng, giáo lý đạo Phật có một nguyên tắc căn bản,
do đức Thích Ca Thế Tôn chứng ngộ, đó là đạo lý duyên sinh chi phối vũ
trụ và nhân sinh.
Duyên sinh là do nhân duyên sinh ra. Các hiện tượng vũ trụ
và nhân sinh đều do nhiều mối quan hệ kết hợp với nhau mà sinh ra. Thí
dụ, một thiên văn chương, giải thích một số vấn đề có liên quan đến
Phật giáo, mà đến được tay độc giả, xem ra có vẻ giản đơn nhưng thực
ra, là do những quan hệ nhân duyên cực kỳ phức tạp : Nguồn gốc của văn
tự, tu dưỡng viết văn, hấp thu và tích lũy tri thức, nhiệt tình và kiến
giải của tác giả, lại thêm sự chế tạo và sử dụng văn phòng phẩm,
việc hiệu đính và in ấn bản thảo, việc ký gửi sách qua bưu điện, cuối
cùng lại phải tính đến hứng thú và tinh thần của độc giả, mới gọi
là hoàn thành nhiệm vụ chuyển tác phẩm từ tay tác giả đến tay người
đọc. Quan hệ nhân duyên, trong ví dụ nêu ra trên đây là khá thô thiển
và dễ thấy; nếu khảo sát thêm một bước nữa thì mỗi một quan hệ lại
kéo theo nhiều mối quan hệ khác. Hiện tượng quan hệ này liên quan đến
quan hệ khác, tức là nhân duyên. Một sự việc xuất hiện là do nhân
duyên hội tụ. Sự vật tiêu vong là do nhân duyên ly tán. Như vậy gọi là
duyên sinh, duyên diệt.
Chính vì vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều là duyên
sinh duyên diệt, đều biến hóa vô thường, cho nên tất cả mọi hiện tượng
đều là hư huyễn, tạm bợ, không giả, từ một bọt nước, cho tới toàn
bộ thế giới, cho đến các tinh tú cũng đều như vậy, không phải là vĩnh
hằng và đã không tồn tại vĩnh hằng, thì là không giả. Phật giáo gọi
đó là "duyên sinh tính không".
Phật giáo sở dĩ bị người ta đánh giá là cửa không
(không môn), chính là vì lẽ đó. Thế nhưng, đối với nghĩa không của đạo
Phật, người ta lại hiểu lầm rất nhiều. Bởi vì "không" của
đạo Phật có nghĩa là không có sự vật nào là cố định, không biến đổi;
sự vật đó không phải "thực tại" chứ không phải là không tồn
tại. Đại đa số người đều cho rằng không có nghĩa là không có
gì hết. Thực ra, Phật giáo thông qua sự phân tích quan hệ duyên sinh mà
giải thích đạo lý "không có thực thể". Cũng như một chiếc xe
hơi, nếu lấy con mắt của nhà hóa học mà phân tích thì chiếc xe hơi là
"không thực tại". Chiếc xe hơi là do một số nguyên tố và quan hệ
kết hợp lại mà thành. Nhưng, xét trên hiện tượng, khi chiếc xe hơi còn
chưa bị thải bỏ, chưa bị đưa vào lò để nấu lại, thì chiếc xe hơi
vẫn là chiếc xe hơi.
Do đó, khi Phật giáo giảng lý "duyên sinh tính
không" là chú trọng mặt phân tích bản chất mà nói, để cảnh tỉnh
chúng ta đang sống trong cảnh giới hư vọng, đừng có bị danh lợi vật dục
làm cho mê hoặc, biến thành vật hy sinh của danh lợi vật dục. Như vậy
gọi là xem xét để phá bỏ, để phóng hạ. Cái xem xét để phá bỏ là
hiện tượng hư huyễn. Cái cần phóng hạ (buông bỏ) là lòng tham danh, lợi,
vật dục, chứ không phải phủ định sự tồn tại của hiện tượng. Vì
vậy, Phật giáo tuy nói bản thể là không, nhưng vẫn không thể tồn tại
tách rời khỏi hiện tượng hư huyễn được. Bởi nếu chưa có khả năng
giải thoát khỏi sinh tử, thì vẫn nằm trong vòng tạo tác và chịu báo của
nghiệp lực. Nghiệp lực tuy cũng là hư huyễn nhưng vẫn có khả năng lôi
kéo sinh mạng tiến hay thoái trong các cõi sống, được vui hay chịu khổ.
Ở đây, không được quên rằng, tất cả mọi hiện tượng
hư huyễn, đều do nghiệp lực của chúng sinh cảm hóa mà hình thành; do vậy,
nếu thấu rõ được đạo lý duyên sinh tính không, thì sẽ không còn bị
huyễn cảnh mê hoặc, không còn bị cái huyễn cảnh lôi kéo chi phối, sẽ
được tự do, tự tại. Đó tức là giải thoát khỏi sinh tử. Một con người
không còn bị ngoại cảnh chi phối, trói buộc, thì người đó sẽ không
còn tạo nghiệp dẫn tới sinh tử, mà có thể giải thoát khỏi sinh tử, tự
chủ đối với sinh tử.
Đó tức là giáo lý căn bản của đạo Phật.
10. GIÁO ĐIỀU CĂN BẢN CỦA
ĐẠO PHẬT LÀ GÌ [^]
Đứng về nguyên tắc mà nói, đạo Phật không có giáo điều
nếu nói có giáo điều thì đó là giới luật.
Thế nhưng, giới luật của đạo Phật không phải xuất
phát từ mệnh lệnh, từ ý chí của Thần Thánh như ở các tôn giáo khác,
vì vậy cũng không có bao hàm tính chất thần bí như ở các tôn giáo
khác. Giới luật của đạo Phật, dựa vào yêu cầu của chân lý, và có
tính chất đơn thuần lý tính.
Giới luật căn bản của đạo Phật là 5 giới, 10 điều
thiện, 8 giới, và 10 giới của người xuất gia, giới luật của Tỷ khiêu,
Tỷ khiêu ni, ngoài ra lại còn có giới luật bồ tát của đại thừa.
Nhưng tất cả đều lấy 5 giới 10 thiện làm nền tảng. Các giới luật
khác đều chỉ dựa vào 5 giới 10 thiện mà nâng cao lên hay là phân biệt
chi tiết thêm mà thôi. Vì vậy, nếu giữ gìn được hoàn thiện 5 giới,
10 thiện, thì chấp hành các giới luật khác sẽ cũng không khó khăn gì lắm.
Năm giới là : không sát sinh, không trộm cắp, không tà
dâm, không nói dối, không uống rượu.
Mười thiện là dựa trên 5 giới rồi mở rộng, đi sâu
thêm, đồng thời ngăn làm ác và khuyến khích làm điều thiện. Nay lập
biểu đồ như sau :
NĂM GIỚI
1. Không sát sinh : từ bỏ sát sinh tức cứu sinh
2. Không trộm cắp : từ bỏ trộm cắp tức bố thí
3. Không tà dâm : từ bỏ tà hạnh tức giữ phẩm hạnh
3 thiện nghiệp về thân
4 thiện nghiệp về khẩu
3 thiện nghiệp về ý
= 10 thiện nghiệp.
Nói tóm lại, yêu cầu của đạo Phật về mặt giới luật
là tránh mọi điều ác, làm mọi điều lành. Phàm tất cả những việc
gì có hại đối với thân tâm, gia đình, xã hội, quốc gia, nhân loại,
cho đến tất cả mọi loại hữu tình, đều năm trong phạm vi cấm đoán của
5 giới, 10 thiện, và chúng ta gắng hết sức tránh không làm. Nếu không
có hại mà có lợi thì ra sức làm. Làm ác là phạm giới, không làm điều
thiện cũng là phạm giới.
Thế nhưng, Phật giáo là soi sáng. Nếu phạm giới mà
không biết thì tuy có làm mà không phải là phá giới. Nếu vô tâm mà phạm
giới, thì tuy là có phạm đấy nhưng không mắc tội phá giới. Nếu cố
ý phạm giới, thì dù có không phá giới cũng vẫn mắc tội. Nếu phụ nữ
bị cưỡng dâm, chỉ miễn là không cảm thấy khoái lạc của dâm dục,
thì tuy là bị làm nhục cũng không phải là phạm giới, cũng vẫn là trong
sạch. Phạm giới phải có đủ ba điều kiện tâm, cảnh, sự, mới gọi
là mắc tội phá giới.
11. TIN ĐẠO PHẬT CÓ PHẢI
ĂN CHAY KHÔNG [^]
Không phải. Tuy đạo Phật khuyến khích ăn chay, nhưng không
phải Phật tử nào cũng bắt buộc phải ăn chay. Ăn chay là một nét đặc
sắc của Phật giáo đại thừa, là phát xuất từ lòng từ bi đối với tất
cả mọi loài hữu tình. Vì vậy, ở các nước Phật giáo Nam truyền, kể
cả Tỷ khiêu xuất gia cũng không ăn chay. Các Lạt Ma ở Tây Tạng cũng không
ăn chay. Nhưng bản thân họ không sát sinh.
Bởi vì, điều giới thứ nhất của 5 giới là không sát
sinh. Sau khi tin Phật mà thực hành việc ăn chay là chuyện tốt nhất. Nhưng
vì có khó khăn về gia đình và xã giao mà không ăn chay được cũng không
sao. Thế nhưng, không được tự mình sát sinh hay là chỉ huy người khác
sát sinh. Còn nếu mua thịt, cá về nhà ăn thì không có hại gì.
12. THÁI ĐỘ CỦA ĐẠO PHẬT ĐỐI VỚI UỐNG RƯỢU, HÚT THUỐC
VÀ CỜ BẠC NHƯ THẾ NÀO
[^]
Trong giới luật nhà Phật, không có giới cấm hút thuốc.
Thậm chí, để phòng ngừa các loại bệnh nhiệt đới. Phật cũng cho phép
Tỷ khiêu hút thuốc. Thế nhưng, vì lý do phong tục và uy nghi, Phật giáo
đồ Trung Quốc trước nay vẫn chủ trương không hút thuốc. Tuy vậy, các
loại ma túy và các chất kích thích, có hại cho thân tâm, Phật giáo đều
cấm chỉ, vì vậy cấm uống rượu là một trong 5 giới. Bản thân uống rượu
không phải là tội ác; nhưng sau khi say rượu, con người có thể bị kích
thích làm các tội ác. Từ đó suy ra thì biết, Phật giáo cũng cấm không
được hút thuốc phiện, dùng cocain. Cờ bạc có tác dụng xấu hao thần,
tốn của, khuynh gia, bại sản, cho nên trong kinh Phật, có răn Phật tử không
được cờ bạc (Kinh Thiện sinh - Trường A Hàm). Đồng thời bản thân cờ
bạc là một hành vi bịp bợm. Thậm chí, cờ bạc dẫn tới các tội ác
như giết người, trộm cắp, phỉ bảng, nói ác v.v… Vì vậy Phật giáo
tuyệt đối cấm chỉ cờ bạc.
13. TIN PHẬT GIÁO CÓ PHẢI XUẤT
GIA HAY KHÔNG [^]
Không phải. Tôn chỉ của đạo Phật tuy là giải thoát khỏi
sinh tử và xuất gia là phương pháp tốt nhất để thoát khỏi sinh tử. Thế
nhưng, xuất gia mà không thực tu, hay là tu không đúng phép thì vị tất
thoát khỏi sinh tử. Không xuất gia, mà vẫn tu trì thì vị tất không
thoát khỏi được sinh tử. Phật giáo Tiểu thừa coi trọng mục tiêu giải
thoát. Người tại gia có thể tu chứng quả Thánh thứ ba (đệ tam quả).
Quả thứ ba tuy chưa phải là ra khỏi ba giới, nhưng không trở lại luân hồi
sinh tử nữa. Người chứng quả Thánh thứ ba, sau khi chết, sẽ sinh lên
cõi trời Tịnh cư thiên của Sắc giới, và ở đó, sẽ chứng quả
Thánh thứ tư là A La Hán và được giải thoát. Vì vậy, người tại gia
tu chứng quả Thánh thứ ba, cũng đã gần với cảnh giới giải thoát rồi.
Còn nếu đứng trên quan điểm Đại thừa mà xét thì để
hóa độ chúng sinh, các vị Bồ tát tùy theo loại chúng sinh mà ứng hiện,
thường làm người tại gia. Vì vậy mà trong số các vị đại bồ tát
danh tiếng, ngoài 2 ngài Di Lặc và Địa Tạng, còn thì đều là người tại
gia. Ở Ấn Độ có hai vị cư sĩ là Trưởng Lão Duy Ma Cật và phu nhân Thắng
Man, đều có thể thay Phật mà thuyết pháp. Vì vậy những Phật tử thực
hành đạo Bồ Tát chân chính, không nhất định phải xuất gia. Người xuất
gia có địa vị cao quý trong Phật giáo, đó là vì lý do người xuất gia
phải chủ trì giáo đoàn, giữ vững cho Phật giáo tồn tại và hoằng dương
Phật pháp. Ngoài ra, còn có lý do ứng xử đạo đức trong nội bộ giáo
đoàn nữa. Nói một cách khác rõ ràng hơn, tăng ni xuất gia là xương tủy
của Phật giáo, người tại gia là da thịt của Phật giáo. Đừng về bản
thể thì nói xuất gia là quan trọng, đứng về tác dụng thì nói tại gia
là quan trọng. Vì vậy, người tin Phật có thể xuất gia, nhưng không phải
bắt buộc phải xuất gia.
14. TÍN ĐỒ ĐẠO PHẬT CÓ MẤY ĐẲNG
CẤP [^]
Đứng về bản chất mà nói, đạo Phật chủ trương bình
đẳng. Người nào cũng có quyền lợi tin Phật, người nào cũng có khả năng
thành Phật. Thế nhưng, xét về thứ bậc tu hành mà nói, và vì trì giới
luật có cao thấp khác nhau, nghe đạo có sau trước khác nhau, cho nên nam nữ
Phật giáo đồ chia thành chín cấp bậc như sau :
Cận sự nam, cận sự nữ, cận trụ nam, cận trụ nữ, Sa
di, Sa di ni, Thức xoa ma na, Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni.
Nam nữ thụ tam quy, ngũ giới (thập thiện) gọi là cận sự
nam, cận sự nữ. Người tại gia mà giữ tám giới và ở trong chùa, gọi
là cận trụ nam, cận trụ nữ. Nam nữ xuất gia giữ 10 giới gọi là Sa di
và Sa di ni. Nam nữ xuất gia giữ đầy đủ giới luật (cụ túc) gọi là Tỷ
khiêu và Tỷ khiêu ni. Thức xoa ma na là cấp trung gian giữa Sa di ni và Tỷ
khiêu ni. Thời gian làm Thức xoa ma na kéo dài 2 năm. Mục đích là để xét
xem Sa di ni có khả năng trở thành tỷ khiêu ni hay không và đã quen với nếp
sống xuất gia hay chưa ?
Còn người đã thụ Bồ tát giới thì không thể xếp loại
đẳng cấp được. Bất cứ người ở đẳng cấp nào và kể cả loại
bàng sinh nữa, đều có thể thụ trì Bồ tát giới.
15. TRỞ THÀNH MỘT
TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO NHƯ THẾ NÀO [^]
Các giáo phái cũ hay mới của đạo Thiên Chúa đều coi trọng
lễ rửa tội. Có chịu lễ rửa tội mới được trở thành tín đồ của
đạo Thiên chúa. Cũng tương tự như các ngoại đạo ở Ấn Độ coi trọng
việc tắm rửa ở sông Thánh (sông Hằng) để xóa bỏ mọi tội ác.
Muốn trở thành Phật tử, muốn gia nhập Phật giáo chính
tín, thì phải qua nghi thức "Ba quy y" (tam quy). Tính quan trọng của
nghi thức này cũng giống như các nghi thức đăng quang của vua, nhậm chức
của Tổng thống, vào đảng của đảng viên. Là một loại nghi thức bày
tỏ sự trung thành, một sự chấp nhận tha thiết, một sự mong cầu khao
khát, một sự chuyển đổi mới, một sự quy ngưỡng chân thành. Vì vậy
mà Phật giáo xem lễ quy y là cực kỳ trọng yếu. Nếu không có quy y thì
tuy là có lễ Phật tin Phật, nhưng chỉ là một loại học sinh dự thính,
không phải là học sinh chính khóa. Nghi thức quy y có một tác dụng rất lớn
đối với tâm lý tín ngưỡng có kiên định hay không kiên định.
Trong nghi thức tam quy có mời một vị Tăng hay Ni làm chứng
và thuyết minh nội dung của ba quy y như sau :
Con là … suốt đời xin quy y Phật, suốt đời xin quy y Pháp,
suốt đời xin quy y Tăng (đọc ba lần).
Con là … quy y Phật rồi, dù có bỏ thân mạng này, cũng
không quy y thiên ma ngoại đạo.
Con là … quy y Pháp rồi, dù có bỏ thân mạng này, cũng không
quy y ngoại đạo tà thuyết.
Con là … quy y Tăng rồi, dù có bỏ thân mạng này, cũng không
quy y tà sư ngoại đạo.
Nghi thức tam quy giản đơn nhưng long trọng, mục đích chủ
yếu là làm cho người tín đồ mới toàn tâm, ý quy y Tam Bảo, nương tựa
vào Tam Bảo, có được niềm tin trong sáng và vững vàng. Phật là Phật Đà,
Pháp là lời dạy của Phật, Tăng là người xuất gia, hoằng dương Phật
Pháp. Nhờ nương tựa vào ba đối tượng lớn đó mà ngay hiện tại được
thân tâm an lạc, sau này được chứng quả vô thượng là giải thoát sinh
tử và thành Phật. Vì vậy gọi là Ba ngôi báu (Tam Bảo), và tín ngưỡng
Phật giáo có nghĩa là quy y ba ngôi báu.
16. PHẬT TỬ VÌ SAO LẠI
PHẢI TÍN NGƯỠNG TAM BẢO [^]
Đúng vậy, tín ngưỡng Tam Bảo là nội dung rất riêng biệt
của Phật giáo. Các tôn giáo thần quyền, hoặc là chỉ tin Thượng đế,
(như đạo Do Thái, đạo Hồi), hoặc là tin chúa cha, chúa con và chúa Thánh
Linh (như đạo Cơ Đốc) hoặc là sùng bái thêm Thánh Mẫu nữa (như Đạo
Thiên Chúa). Phật giáo vì là vô thần, cho nên không sùng bái Phật như Thần
linh, cũng không xem Phật là có một không hai, lại càng không xem Phật là
chúa sáng tạo vạn vật và xá miễn tội ác cho nhân loại. Phật giáo xem
Phật cũng như học sinh đối với thầy giáo. Thầy giáo có thể dạy học
sinh, giúp học sinh thay đổi phẩm cách, tăng trưởng tri thức, tu dưỡng
thân tâm, nhưng không thể học tập thay cho học sinh, lên lớp, nghe giảng
thay cho học sinh được.
Vì vậy, tín ngưỡng Phật giáo mang tính chất thuần lý
tính, thuần luân lý. Sự sùng bái Phật Đà giống như lòng hiếu kính của
con cái đối với cha mẹ, xuất phát từ lòng biết ơn. Một Phật tử chính
tín, sùng bái Phật, quyết không phải là để được phúc tránh họa, nguyện
lực của Phật có thể do sức mạnh tâm lý của người cầu nguyện mà
phát sinh cảm ứng linh nghiệm, nhưng đó chủ yếu là do bản thân người
cầu nguyện. Nếu định nghiệp của mình đã chín muồi và hiện hành thì
dù có cầu nguyện mấy, Phật cũng không làm gì được. Nếu biết dựa vào
chính Pháp của Phật giảng mà hành động, như bố thí, giữ giới, nhẫn
nhục, nỗ lực, tu định, phát huệ thì có khả năng thay đổi nghiệp lực
quá khứ, tội nặng nhưng chịu quả báo nhẹ; tội nhẹ thì được khỏi
quả báo; bởi vì, nghiệp lực hiện hành thụ báo, cũng giống như hạt giống
nẩy mầm và sinh trưởng, phải nhờ vào sự hỗ trợ của nhiều nhân
duyên. Một hạt giống nhờ có các điều kiện thuận lợi như ánh nắng,
không khí, nước, đất, phân bón và công phu của nhà nông, mà sinh trưởng
nhanh chóng. Trái lại, nếu thiếu những trợ duyên đó hay thậm chí không
có những trợ duyên đó thì hạt giống sẽ sinh trưởng chậm, thậm chí
không nẩy mầm được. Phật giáo xem việc tạo nghiệp thiện, ác và thụ
báo cũng theo một đạo lý như vậy. Tính vĩ đại của đức Phật không
phải ở chỗ Phật tạo ra vạn vật và xá tội cho chúng sinh. Vì về căn
bản, không có ai xá tội cho ai được - Quan niệm xá tội của tôn giáo thần
quyền chỉ là sản vật hỗn hợp của thần quyền và độc tài. Đức Phật
tự mình đã chứng ngộ đạo lý giải thoát và đem đạo lý giải thoát
đó giảng cho mọi chúng sinh đều rõ, dựa vào đạo lý ấy mà tu hành và
cũng được giải thoát, đạt tới quả vị Phật, không khác gì Phật.
Vì vậy mà tín đồ Phật giáo, đôi khi không ưa gọi mình
là Phật giáo đồ, mà ưa tự xưng là học trò Tam Bảo ! Bởi vì người
khai sáng ra Phật giáo tuy là đức Phật, nhưng điều mà Phật giáo coi trọng
là Pháp chứ không phải là Phật. Vì Phật không thể giải thoát thay cho
người được, còn Pháp thì có thể giúp cho người tự giải thoát. Sùng
bái Phật là sùng bái ân đức của Phật đã chứng ngộ và thuyết pháp.
Đức Phật, trải qua ba vô lượng kiếp, tu hành đạo Bồ Tát mà chứng ngộ
được đạo lý giải thoát, và sau khi chứng ngộ, đã thuyết giảng tường
tận đạo lý ấy cho chúng ta. Ân đức ấy có thể nói là vĩ đại và cao
quý hơn hàng nghìn trăm vạn lần ân đức thế gian, mà không chỉ là hơn
trăm vạn lần, thực ra ân đức ấy không thể ví dụ được, nghĩ bàn
được.
Thế nhưng, sự truyền bá Phật Pháp, lại phải dựa vào
các cán bộ của Phật, tức là tăng sĩ. Trong hàng tăng sĩ có Bồ tát tăng
như Văn Thù, Di Lặc, Quan Âm, Địa Tạng v.v… có Thanh Văn tăng như các vị
A La Hán : Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp v.v…, có phàm phu Tăng
như tất cả mọi Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni, giữ giới thanh tịnh, tu học
chính pháp và thuyết pháp độ sinh. Vì tăng si có khả năng đem đạo lý
giải thoát của Phật, giảng giải truyền bá cho chúng ta, cho nên ân đức
của tăng sĩ cũng là vô lượng.
Việc hoằng dương Phật Pháp không phải là sự nghiệp của
riêng tăng sĩ. Phật tử tại gia cũng hoằng dương Phật Pháp; trụ trì Phật
Pháp thì phải là người xuất gia, nói trụ trì Phật Pháp có nghĩa là đại
biểu cho Phật Pháp, tượng trưng cho Phật Pháp, khiến Phật Pháp an trụ
được ở thế gian này. Người bình thường, gặp một người xuất gia thì
liên tưởng ngay đến Phật giáo, nhưng nếu gặp một Phật tử tại gia thì
không có ngay ấn tượng đó (trừ phi là người Phật tử tự mình nói ra,
nhưng ít có trường hợp Phật tử tự xưng mình là Phật tử, khi gặp một
người lạ).
Vì vậy, khai sáng ra Phật giáo là Phật Đà. Trọng tâm của
Phật giáo là Pháp. Phật giáo an trụ ở thế gian là tăng chúng. Chính vì
lẽ đó mà Phật giáo gọi Phật, Pháp, Tăng là ba của báu. Tam Bảo, chủ
yếu là Pháp bảo, giúp cho người lìa khổ được vui. Pháp bảo do Phật tự
chứng và thuyết giảng, và do tăng chúng giữ gìn truyền bá, cho nên đều
gọi là Tam Bảo. Khi Phật còn sống, Phật giáo lấy Phật làm trung tâm,
làm nơi quy ngưỡng. Sau khi Phật diệt độ, Phật giáo lấy tăng chúng làm
trung tâm làm nơi quy ngưỡng. Quy y Tam Bảo là để học Pháp bảo. Muốn học
Pháp bảo thì phải được Tăng bảo hướng dẫn, kể cả 2 mặt trao truyền
tư tưởng và nêu gương sáng trong hành vi. Vì vậy mà sau khi Phật diệt độ,
đối tượng cúng dường Tam Bảo nặng về Tăng Bảo. Lại vì Phật giáo
chủ trương "Y pháp bất y nhân" (dựa vào pháp, không dựa vào người)
coi trọng việc truyền bá và quy y Phật Pháp, cho nên thường xem hành vi
sinh hoạt của tăng sĩ là chuyện cá nhân của họ. Chỉ miễn là tăng sĩ
có kiến giải đúng đắn, có khả năng thuyết pháp, thì dù có phạm cấm
giới, cũng vẫn được người thế tục cung kính cúng dường. Đó là yêu
cầu về mặt đạo đức, cũng như câu "Trong thiên hạ, không ai là
không phải cha mẹ chúng ta". Cũng như ông thầy dạy tiểu học, chưa từng
học đại học, nhưng học sinh tốt nghiệp đại học không thể phủ nhận
ông thầy xưa của mình ở cấp tiểu học.
Vì vậy, đối với một Phật tử chính tín, sùng bái Phật
bảo là vì Pháp bảo; và để tiếp thu được Pháp bảo thì phải sùng
bái Tăng bảo. Sùng bái Bồ tát cũng là cung kính đối với Tăng. Đối với
các bậc Thánh tăng Đại Bồ tát, tất nhiên phải cung kính cúng dường.
Đối với phàm phu tăng có trì giới thanh tịnh và biết thuyết pháp cũng
phải cung kính, cúng dường. Ngay đối với những tăng sĩ không giữ giới
thanh tịnh, nhưng có kiến giải đúng đắn, biết thuyết pháp cũng phải
cung kính cúng dường (vì điều quan trọng là có kiến giải đúng đắn và
biết nói chính pháp). Sự thực, trong thời đại cách Phật diệt độ đã
xa, Thánh Tăng rất khó gặp. Đối tượng kính tăng thường là phàm phu tăng,
tỷ khiêu và tỷ khiêu ni. Trong kinh cũng nói cúng dường Thánh Tăng và
cúng dường phàm phu Tăng không có khác biệt, đều có công đức vô lượng,
không thể nghĩ bàn được.
Phật giáo tuy là cao minh vĩ đại, nhưng hai chữ "Tam Bảo"
có thể bao quát hết. Do đó, tin Phật giáo tức là tin Tam Bảo, kính ngưỡng
Tăng bảo. Vào thời Phật còn tại thế hay hiện nay, ở các nước như Thái
Lan, Miến Điện, Tích Lan được xem là chuyện đương nhiên. Nhưng, ở Phật
giáo Trung Quốc, quan niệm kính tăng trước nay chưa hình thành một tập tục
phổ biến, do phẩm cách của tăng ni không đồng đều, cao tăng chỉ chiếm
số ít trong tăng chúng mà thôi. Người lớp trên thì kính trọng đạo đức
và học vấn của cao tăng. Người lớp dưới thì mù quáng sùng bái cao tăng
như thần linh. Do tập tục kính ngưỡng cao tăng, cho nên sinh ra tệ nạn
có một số tăng sĩ, giả dối và làm chuyện bậy bạ, vẫn được sùng
bái như thần linh. Đó là những quan niệm đòi hỏi phải gấp được sửa
đổi, làm một Phật tử chính tín thì không được có quan niệm như vậy
(chú 2).
Mục
lục | 1-7 | 8-16 | 17-23
| 24-35 | 36-43
| 44-55 | 56-63
| 64-68 | 69-70
| Phụ lục