- Phật Giáo Chính Tín
- HT. Thích thánh Nghiêm
- Phân Viện Nghiên Cứu Phật
Học dịch
24. PHẬT GIÁO CÓ TIN RẰNG CÓ LINH HỒN TỒN TẠI
HAY KHÔNG [^]
Không tin. Phật giáo không tin là
có một linh hồn vĩnh hằng, bất biến. Nếu tin có linh hồn như vậy, thì
đó là "thần ngã ngoại đạo", không phải là người Phật tử chính
tín.
Đúng là trong quan niệm của người
bình thường, trừ những người theo duy vật luận ra, còn thì ai cũng cho rằng
mỗi người đều có một linh hồn vĩnh hằng bất biến, gần đây, ở Âu
Mỹ, có lập ra "Linh tri học hội", đối tượng nghiên cứu của Hội
là linh hồn. Cơ đốc giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Lão giáo v.v… đều
là những tôn giáo ít nhiều tin tưởng có linh hồn, cho rằng người ta làm
thiện hay ác, sau khi chết đi, sẽ bị Thượng Đế hay Diêm Vương phán xử,
người tốt thì linh hồn lên thiên đường, người xấu thì linh hồn đọa
địa ngục.
Ở trong dân gian Trung Quốc, sự mê
tín linh hồn có gốc rễ rất sâu bền, lại còn thêm sai lầm to lớn này
nữa là người Trung Quốc tin rằng, sau khi người chết linh hồn biến thành
quỷ. Linh hồn là quỷ, trong tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, là cả một mớ
mê tín lớn và bùng nhùng khó gỡ ra được. Điều đáng buồn cười là
vì quỷ có chút ít thần thông cho nên lại cho rằng linh hồn là một vật
tập hợp của "3 hồn 6 phách".
Kỳ thực, quỷ chỉ là một trong 6
loại chúng sinh cũng như người là một trong 6 loại chúng sinh không khác.
Sinh làm người, có sống có chết. Sinh làm quỷ, cũng có sống có chết.
Nhưng người sinh từ bào thai, còn quỷ là hóa sinh. Huống hồ, người chết
rồi vị tất đã làm quỷ. Vấn đề này, sẽ được bàn rõ trong một tiết
khác.
Đối với linh hồn, ở Trung Quốc
có rất nhiều truyền thuyết, hoặc cho rằng, trong việc sống chết của
người, linh hồn có một tác dụng bắc cầu. Linh hồn đầu thai là sinh,
linh hồn tách rời thân xác là chết, xem quan hệ giữa linh hồn và thân
xác giống quan hệ giữa chủ hộ và nhà cửa. Nhà cũ, hư nát thì dọn đến
nhà mới, nhà mới thay nhà cũ, thay đi thay lại, chủ hộ đi đi lại lại
nhưng vẫn vĩnh hằng bất biến. Tức là nói con người là linh hồn, đắp
thêm cái áo thân xác. Thân xác có thể thay đổi, còn linh hồn là bất biến,
là chủ thể trong dòng lưu chuyển sinh tử.
Trên sự thực, Phật giáo không
công nhận những quan niệm về linh hồn như vậy, vì những quan niệm đó
không thể đứng vững với thuyết duyên sinh, duyên diệt của đạo Phật.
Trên quan điểm sinh diệt vô thường, Phật giáo xem tất cả mọi sự vật
đều sinh diệt vô thường. Trong cả hai thế giới vật chất và tinh thần,
đều sinh diệt vô thường. Dùng mắt thịt mà nhìn sự vật, thì đôi khi
nhìn thấy có sự vật không biến đổi, nhưng nên dùng dụng cụ khoa học
tinh vi để nhìn, thì thấy không có sự vật nào là không biến đổi trong
từng giây phút một. Kinh Dịch nói "sinh, sinh", nhưng kỳ thực, ở
đàng sau "sinh, sinh" là "tử, tử", tức là biến biến,
hóa hóa.
Hiện tượng vật lý trong thế giới
vật chất, là sinh diệt không ngừng. Hiện tượng tâm lý tinh thần lại
càng dễ quan sát. Là bởi vì, hiện tượng tâm lý nảy sinh là do tinh thần
biến động. Hiện tượng tâm lý biến động, dẫn tới hành vi thiện,
ác. Hành vi thiện ác ảnh hưởng trở lại khuynh hướng tâm lý, tiền đồ
của chúng ta, tương lai của chúng ta được quy định bởi tác dụng tuần
hoàn đó của tâm lý ảnh hưởng tới hành vi, và hành vi ảnh hưởng trở
lại tâm lý.
Thử hỏi : Làm sao có thể có linh
hồn bất biến, linh hồn vĩnh hằng ? Dường như là không thể có được,
không những người chết rồi, không có linh hồn cố định, mà ngay khi
còn sống, thân tâm chúng ta đều biến đổi không ngừng trong từng phút
giây một. Thế nhưng, Phật giáo đã không tin có linh hồn, thì bản thể của
việc luân hồi trong sáu cõi và siêu phàm nhập thánh là gì ? Hay nói cách
khác, cái gì "luân hồi", cái gì "siêu phàm, nhập thánh" ?
Đây chính là điểm ưu việt đặc
thù của Phật giáo, vừa không xem trọng giá trị vĩnh cửu của tự ngã,
lại vừa khẳng định giá trị hướng thượng của tự tính.
Phật giáo chủ trương thuyết
"nhân duyên sinh" và "tự tính vốn là không" (tự tính bản
không).
Phật giáo xem vật chất là nhân
duyên sinh, xem tinh thần cũng là nhân duyên sinh. Nhân duyên tụ hội gọi
là sinh, nhân duyên ly tán, gọi là diệt. Lớn như một tinh cầu, một thiên
thể cho đến cả thế giới vũ trụ, nhỏ như một sợi cỏ, một hạt bụi,
một nguyên tử… không có một sự vật nào là không do nội nhân, ngoại
duyên hội tụ mà tồn tại.
Nếu loại bỏ nhân và duyên ra,
không có một sự vật nào có thể tồn tại được. Vì vậy, nếu xét
trên căn bản, thì không có một sự vật nào hết. Về vấn đề này, các
nhà khoa học vật lý và hóa học, có thể cung cấp cho chúng ta câu trả lời
chính xác và chính diện.
Còn tinh thần là gì ? Phật giáo
tuy bác thuyết linh hồn, nhưng không phải là theo duy vật luận. Cái gọi
là tinh thần thì Phật giáo gọi chúng bằng danh từ "thức". Phật
giáo Tiểu thừa chỉ nói sáu thức, và lấy thức thứ 6 (đệ lục thức)
làm chủ thể của sinh mạng. Phật giáo Đại thừa nói thêm hai thức nữa,
tổng cộng có tám thức, và lấy thức thứ tám (đệ bát thức) làm chủ
thể của sinh mạng. Ở đây, chỉ giới thiệu thuyết tám thức của Đại
thừa.
Trong 8 thức của Đại thừa, thì
sáu thức đầu giống như sáu thức của Tiểu thừa, và phân tích sâu hơn
công năng của thức thứ sáu, nhận ra thêm thức thứ bảy và thức thứ
tám.
Trên thực tế, chủ thể của 8 thức
chỉ có một, nhưng do phân tích công năng mà chia thành tám. Làm ác, làm
thiện là bảy thức đầu, và đem các nhân thiện, ác đó ký gửi ở thức
thứ tám. Thức thứ tám là cái kho tàng chấp chứa tất cả hạt giống của
nghiệp, tất cả nghiệp nhân. Người tổng quản của kho tàng là thức thứ
bảy. Lấy của ra, đưa của vào kho là thức thứ 6, còn 5 thức đầu là tạo
nghiệp.
Như vậy công năng của thức thứ
tám là tàng trữ, nhưng không giống như ông Thần tài giữ của, chỉ nhập
mà không xuất kho, ở kho tàng thức thứ tám, tình hình xuất và nhập kho
nối tiếp không ngừng, nhập kho là các hành vi ảnh hưởng đến tâm lý,
và để lại dấu ấn trong thức thứ tám gọi là nghiệp nhân hay chủng
tử. Còn xuất kho là tâm lý dẫn tới hành vi tạo nghiệp hay cảm thụ,
gọi là nghiệp quả hay hiện hành. Chủng tử thành hiện hành,
đó là xuất. Hiện hành thành chủng tử đó là nhập. Trong một đời, tình
hình là như vậy. Trong 2, 3 đời hay là vô số đời liên tiếp, tình hình
cũng là như vậy. Tất cả mọi diễn biến nhân quả trong đời hiện tại
cũng như trong vô số đời quá khứ và đời vị lai, tình hình cũng đều
như vậy, đều không ra ngoài quy luật quan hệ giữa chủng tử và hiện
hành. Do đó mà có tinh hình sinh tử tương tục, sinh mạng nối tiếp không
ngắt đoạn.
Do quan hệ xuất nhập của chủng tử
và hiện hành, tiến hành thường xuyên không ngắt đoạn như vậy, cho nên
bản chất của thức thứ tám cũng là thường xuyên biến động không ngừng.
Không những thức thứ tám của đời này, so với đời trước và đời
sau là biến động không ngừng mà từ một niệm trước đến niệm sau, đã
có biến đổi rồi. Vì tình hình của thức thứ tám là niệm niệm sinh diệt,
niệm niệm biến đổi, cho nên chúng ta mới luân hồi sinh tử và đồng thời
có khả năng thoát ly sinh tử. Thức thứ tám tồn tại chính là nghiệp
nhân và nghiệp quả liên tục tồn tại và biến động. Ngoài sự biến động
liên tục của dây chuyền nghiệp nhân nghiệp quả này, không thể tìm đâu
ra thức thứ tám ! Cũng như dòng nước chảy, là do nước chảy mà có,
không thể tìm đâu ra cái gọi là dòng nước chảy, ở ngoài nước ! Mục
đích giải thoát của đạo Phật là cắt đứt dòng chảy sinh tử nhân quả
liên tục đó. Khi tác dụng của thức thứ tám không còn nữa, thức thứ
tám không còn chấp chứa gì nữa, cũng không còn hiện hành gì nữa, thì
thành tựu được "tính không", thức (phiền não) chuyển thành trí
(thanh tịnh), không còn bị sinh tử chi phối nữa, và trở thành tự do
trong sinh tử.
Có thể thấy thức thứ tám không
giống như linh hồn vĩnh hằng. Nếu tin có linh hồn vĩnh hằng, thì sẽ mất
khả năng siêu phàm, nhập Thánh, giải thoát khỏi sinh tử. Phật giáo trên
quan niệm thì phủ định linh hồn, trên mục đích thì phủ định thức thứ
tám. Chỉ có phủ định thức thứ tám như là sự giả hiện của vô minh
phiền não tương tục thì mới có thể được triệt để giải thoát. Nhưng
phủ định thức thứ tám không có nghĩa là không có gì hết nữa, mà là
còn trí tuệ lặng chiếu, siêu việt hữu và vô, không còn có vô minh phiền
não bức nhiễu nữa.
25.
PHẬT GIÁO CÓ SÙNG BÁI QUỶ THẦN KHÔNG [^]
Rất rõ ràng, một Phật tử chính
tín chỉ sùng bái Phật, Pháp, Tăng, tức là Tam Bảo, tuyệt đối không
sùng bái quỷ thần. Thế nhưng, Phật giáo chính tín không phủ định sự
tồn tại của quỷ thần. Bởi vì quỷ và thần thuộc 2 cõi trong 6 cõi sống
của chúng sinh nằm trong vòng sinh tử luân hồi. Do đó, thần của Phật
giáo không phải là Thượng Đế của tôn giáo thần quyền, quỷ mà kinh Phật
nói cũng không phải là ma quỷ của tôn giáo thần quyền. Thần mà Phật
giáo nói cũng là chúng sinh ở cõi phàm. Ma của Phật giáo nói là chúng
sinh ở cõi Trời thứ sáu của Dục giới. Ma của Phật giáo đúng là ma.
Quỷ của Phật giáo đúng là quỷ. Ma mà sách Phật nói có bốn loại :
Thiên ma, ma ngũ uẩn, ma phiền não, ma chết. Trừ thiên ma ra, còn ba loại
ma kia đều phát xuất từ sinh lý và tâm lý của con người.
Thần mà Phật giáo nói, thông thường
chiếm vị trí trung gian giữa loài Trời và loài quỷ. Quỷ có phúc đức lớn
gọi là thần. Tùy tòng đi theo các loài Trời cũng thường thường là thần.
Quỷ có các loài : Đa tài quỷ, thiểu tài quỷ, quỷ đói, đa tài đại phúc
quỷ (1). Các loại quỷ này, tuy ở cõi quỷ nhưng lại được hưởng
phúc đức của loài Trời. Các thần được dân gian sùng bái, hơn nữa nếu
là loài quỷ có phúc đức lớn. Thần thì có thiên thần, không thần (thần
ở trong hư không), địa thần. Cũng có thể phân loại : Thiên thần, súc
thần (thần súc vật), quỷ thần, các loại thần do dân gian sùng bái như
thần rắn, thần bò, thần linh thảo mộc, thần núi, thần sông v.v…, phần
lớn đều là địa thần, súc thần hay quỷ thần. Kinh Phật thường nói tới
Bát bộ quỷ thần, tức là thiên thần, long thần (thần loài rồng), thần
Dạ Xoa (gọi là phi không quỷ - quỷ bay trên không), Càn thát bà (thần nhạc
trời), A Tu La, Ca Lâu La (chim cánh vàng), Khẩn na la (chim có giọng hót hay),
Ma Hầu La Già (con trăn thần). Trong Bát bộ quỷ thần, có thần thiện, có
thần ác. Thông thường loài thần thiện được Phật giáo cảm hóa và trở
thành thần hộ pháp. Vì vậy, Phật tử chính tín không sùng bái quỷ thần,
nhưng giữ thái độ kính lễ đúng mức. Một Phật tử chính tín mà sùng
bái quỷ thần thì có tội về nguyên tắc. Các thiện thần đều tự động
gia hộ những người quy y Tam Bảo, cho nên họ nhất định không chịu tiếp
nhận sự sùng bái của quỷ thần của Phật tử đã quy y Tam Bảo. Chính
vì có sự hộ trì của thiện thần, mà ác thần, ác quỷ không dám xâm phạm
đến những người đã quy y Tam Bảo.
______
(1) Tên các loài quỷ. Tài là tiền
tài.
26. PHẬT TỬ CÓ TIN CÔNG NĂNG CỦA SỰ CẦU ĐẢO HAY
KHÔNG [^]
Đúng là Phật giáo có tin ở công
năng của cầu đảo. Về mặt trình độ và tỷ lệ linh nghiệm thì cầu
đảo của Phật giáo hơn xa cầu đảo của các tôn giáo khác.
Nguyên lý của cầu đảo là sức mạnh
tâm lý của người cầu đảo, là sức mạnh của một trạng thái tâm lý
siêu tự nhiên, định tính, thống nhất, đạt tới được nhờ có một niềm
tin mạnh mẽ, nhờ đó mà thông cảm được với nguyện lực đại bi của
đối tượng cầu đảo (chư Phật, Bồ Tát).
Sự giao tiếp giữa định lực của
bản thân với nguyện lực của chư Phật, Bồ Tát, tạo thành một loại
thần lực không thể nghĩ bàn. Nó chính là linh nghiệm và kinh nghiệm của
sự cầu đảo. Ở các vùng nước Trung Hoa theo Phật giáo Đại thừa, sự
cầu đảo Bồ Tát Quan Âm có nhiều linh nghiệm rõ ràng. Hơn nữa, một Phật
tử thuần thành, vốn thường xuyên được thiện thần ủng hộ, cho nên
dù không cầu đảo, mà gặp biến cố, cũng thường không mắc nạn, việc
dữ chuyển thành việc lành. Vì công năng của cầu đảo là ở niềm tin
kiên định, cho nên những Phật tử có niềm tin kiên định, cũng không
khác gì thường xuyên cầu đảo và được hưởng công năng của sự cầu
đảo.
Phật giáo tuy tin tưởng sâu sắc
ở công năng của cầu đảo, nhưng không cường điệu tính vạn năng của
cầu đảo. Thí dụ, Phật tử bị bệnh, cầu an là cần thiết, nếu người
bệnh có lòng tự tin, lại biết cầu xin khẩn thiết, thì có thể có cảm
ứng và bệnh giảm. Vì vậy, thuyết pháp nghe pháp cũng có thể trị bệnh
(Tăng A Hàm quyển 6 và Tạp A Hàm quyển 5 v.v…), nếu bệnh nhân thiếu
lòng tự tin, lại thiếu kinh nghiệm về cầu đảo, thì nên mời thầy thuốc
đến xem bệnh, chữa bệnh. Cho nên, khi đức Phật Thích Ca còn lại thế,
Tỷ khiêu mắc bệnh, thông thường là dùng thuốc chữa bệnh. (4)
Vì vậy, nói chung, người ta tin rằng
Phật giáo chủ yếu là để chữa tâm bệnh, bệnh sinh tử của chúng sinh.
Còn y học là để chữa thân bệnh. Khi mắc bệnh, cầu an là cần thiết,
xem bệnh chữa bệnh cũng là cần thiết. Đó là kiến giải của Phật
giáo chính tín.
27. PHẬT
GIÁO CÓ CHỦ TRƯƠNG ĐỐT VÀNG MÃ HAY KHÔNG [^]
Không ! Phật giáo không có một quy
định mê tín như vậy. Người Trung Quốc có tập tục đốt tiền giấy,
ngay từ sau đời nhà Hán. Bác sĩ Vương Dư đời Đường viết rằng :
"Từ đời nhà Hán, có tục chôn tiền, và đời sau lấy giấy thay tiền…".
Như vậy, từ đời nhà Hán về sau, có tập tục chôn tiền cùng với người
chết. Vì ở Trung Quốc, từ thời xưa, có niềm tin là người chết biến
thành quỷ. Sách vở cũng viết : "Người chết biến thành quỷ".
Thế giới của quỷ cũng giống như thế giới của người, chỉ có âm dương
khác nhau mà thôi. Quỷ cũng phải có tiền để sống, do đó mà chôn tiền.
Về sau, người ta thấy rằng chôn tiền thật là lãng phí, bèn lấy giấy
cắt thành tiền giấy, rồi đốt đi để cho quỷ dùng. Ở thời cận đại,
tiền giấy lưu thông, có cả tiền của "Ngân hàng dưới âm phủ"
được lạm phát rộng rãi !.
Lối mê tín hạ đẳng này, bộ tộc
nguyên thủy nào cũng có ít nhiều. Người ta cùng chôn với người chết
đồ vật, tiền tài, châu báu, vải vóc, thậm chí cả đến người sống
và súc vật sống nữa.
Vì sao lại đốt tiền giấy ? Điều
này có liên quan đến một loại tôn giáo gọi là Hỏa giáo. Hỏa giáo tin
rằng Thần Hỏa có khả năng đưa vật bị đốt đến cho quỷ thần dùng.
Trong Ấn Độ giáo thờ Hỏa thần Agui (A Kỳ Tu) có công năng đem đồ tế
bị đốt đến cho quỷ thần.
Trong dân gian Trung Quốc, người ta
không những đốt tiền giấy, bạc giấy, mà còn làm cả nhà cửa, gia cụ
bằng giấy, thậm chí làm cả tàu bay, thuyền bè bằng giấy để đốt vàng
mã, cúng người chết.
Sự thực, Phật giáo không cho rằng,
người chết đều biến thành quỷ. Cõi quỷ chỉ là một trong sáu cõi sống
của chúng sinh. Phật giáo lại càng không tin quỷ có thể dùng được tiền
giấy và các dụng cụ bằng giấy bị đốt ! Phật giáo chỉ tin rằng, con
cái thân thuộc của người chết có thể làm các việc như bố thí, cúng
Phật, trai tăng, rồi hồi hướng công đức ấy cho vong linh, và siêu độ
vong linh. Còn tất cả mọi việc làm khác đều chỉ là mê tín vô ích mà
thôi. Phật giáo không những không chủ trương mai táng đồ vật, mà còn
chủ trương không nên dùng quan tài đắt tiền, không nên để cho người
chết mặc quần áo đắt tiền, không nên lãng trí quá nhiều công và của.
Trái lại, nên mặc cho người chết quần áo bình thường, sạch sẽ, còn
quần áo tốt đẹp và mới thì nên đem bố thí cho kẻ nghèo, nếu có tiền
thì nên đem cúng dường Tam Bảo và bố thí cho người nghèo, chỉ có làm
như vậy, vong linh người chết mới thật sự được lợi ích; còn nếu
đem các đồ vật quý cùng mai táng với người chết, thì đó là hành vi
ngu si nhất, không xứng đáng là một Phật tử chính tín.
Đáng tiếc là hiện nay, đa số
tăng ni cũng không hiểu đạo lý ấy, thậm chí Phật tử ở Trung Hoa lục
địa sang Đài Loan còn phát minh ra loại tiền giấy đặc biệt gọi là
"tiền giấy vãng sinh", tức là trên một tờ giấy màu vàng, dùng
mực đỏ in bài chú vãng sinh bằng chữ Phạn. Thực ra, công dụng tụng
chú và tác dụng đốt tiền giấy là 2 chuyện căn bản khác nhau. Nếu hiểu
đúng theo kinh Phật, thì không được đốt kinh và chú, nếu đốt thì có
tội.
Hơn nữa, các tăng ni tụng kinh, lễ
sám, cầu đảo v.v… đều có viết sớ. Đọc sớ xong rồi đốt sớ đi.
Đó là bắt chước đạo gia đọc sớ cho quỷ thần nghe, đó là mê tín,
hoàn toàn không có căn cứ gì trong giáo lý đạo Phật cả. Trong mọi việc,
Phật giáo đều chủ trương lấy tâm thành kính để có cảm ứng. Đã đạt
tới chỗ tâm thành và cảm ứng rồi, là có linh nghiệm, chứ không cần
phải đốt lá sớ. Bằng không thì dù có đốt đến trăm ngàn lá sớ, cũng
chẳng có ích gì.
28. PHẬT
GIÁO CÓ TIN ĐỊNH LUẬT NHÂN QUẢ LÀ CHÍNH XÁC? [^]
Đúng như vậy, Phật giáo tin tưởng
định luật nhân quả là chính xác, cũng như mọi người đều tin, đã ăn
thì được no vậy.
Người ta hoài nghi tính chính xác của
luật nhân quả là vì người ta nhìn theo góc độ một đời người cho nên
thấy sự báo ứng thiện ác là không công bằng; có người sống lành lại
bị khổ; không những không gặp điều may mắn mà lại còn chết khổ !
Có người ăn hối lộ, làm trái luật pháp, làm chuyện rất tầm bậy, nhưng
vẫn sống tự do ngoài vòng pháp luật, được cả phúc, cả thọ !
Kỳ thực, luật nhân quả tác động
thông suốt cả 3 đời. Con người, ngoài đời sống hiện tại, đã từng
sống những đời sống quá khứ nhiều vô lượng, và sẽ sống những đời
sống vị lai nhiều vô lượng. Một đời sống hiện tại, đem so với vô
số đời sống quá khứ, và vô số đời sống vị lai, thì thật là bé nhỏ,
ngắn ngủi không đáng kể. Định luật nhân quả quán xuyến cả ba đời.
Việc thụ báo lần lượt sẽ diễn biến theo thứ tự. Nghiệp lực nhỏ lớn,
nhẹ nặng khác nhau, quyết định thứ tự và mức độ thụ báo khác nhau.
Đời này, làm thiện làm ác, vị tất phải chịu báo trong đời này. Đời
này, chịu khổ được vui, vị tất đã do nghiệp nhân tạo ra trong đời này.
Hơn phân nửa chuyện xảy ra trong đời này là quả báo của nghiệp nhân,
tạo ra ở đời sống trước. Phần lớn việc làm trong đời này, phải chờ
tới đời sau mới có quả báo. Nếu nhìn suốt cả ba đời thì sẽ không
còn thắc mắc gì nữa đối với luật nhân quả !
Hơn nữa, luật nhân quả của đạo
Phật không giống như túc mệnh luận hay định mệnh luận. Phật giáo tin
rằng, chỉ có những nghiệp lực cực nặng mới không thể chuyển biến
được, mới là định nghiệp, còn thì người ta có thể dựa vào sự
nỗ lực về sau của mình để cải biến nghiệp nhân quá khứ. Thí dụ,
đời trước tạo ra nghiệp nhân của sự nghèo khổ. Đời này, đúng là gặp
cảnh túng quẫn, thế nhưng sinh ra trong cảnh nghèo khổ không phải là quan
trọng. Nếu biết cố gắng thì hoàn cảnh nghèo khổ sẽ được cải thiện.
Như vậy là kết hợp nghiệp nhân hiện tạo, với nghiệp nhân tạo ra
trong đời quá khứ, cho nên mới có hoàn cảnh ngày nay. Vì vậy, luật
nhân quả của đạo Phật không phải là túc mệnh luận, cũng không phải
là định mệnh luận, mà là "nỗ lực luận". Nếu Phật giáo rơi
vào túc mệnh luận hay định mệnh luận, thì thuyết chúng sinh thành Phật
không thể nào đứng vững được. Nếu mệnh vận đã do đời sống quá
khứ sắp xếp an bài cả rồi, thì việc tu thiện ở đời này sẽ là uổng
công hay sao ?
Có thể thấy, luật nhân quả của
đạo Phật cũng không tách rời lý nhân duyên sinh. Từ nghiệp nhân của đời
quá khứ cho đến quả báo hiện tại, ở khâu trung gian còn phải thêm bao
nhiêu ngoại duyên nữa, thì nghiệp quả mới thành sự thực được. Những
ngoại duyên đó là sự nỗ lực hay là lười biếng. Người đương sống
làm thiện hay ác cũng như một chén nước đường vốn có vị ngọt, nhưng
nếu lại bỏ thêm chanh hay cà phê vào đấy thì vị ngọt của chén nước
sẽ thay đổi.
Nói chung luật nhân quả của nhà
Phật quán thông và liên kết cả ba đời hiện tại, quá khứ và vị lai.
Đời này, tiếp thu nghiệp nhân của đời quá khứ. Hành vi đời này, sẽ
là nghiệp nhân của đời sau, và cũng có thể gia nhập vào nghiệp nhân của
đời trước, tạo thành nghiệp quả của đời này.
Định luật nhân quả, nghe ra thì
giản đơn, thế nhưng giảng ra thì không giản đơn. Phật giáo là một
tôn giáo xem ra thì tựa hồ như giản đơn, nhưng thực tế thì không giản
đơn.
29. TẤT
CẢ PHẬT TỬ ĐỀU NGUYỆN VÃNG SINH VỀ THẾ GIỚI CỰC LẠC HAY KHÔNG [^]
Đã là Phật tử chính tín, thì
không lấy việc sinh lên các cõi Trời làm mục đích cứu kính, bởi vì
ngoại trừ Tịnh cư thiên và nội viện Đâu suất của Ngài Di Lặc ra,
các cõi Trời vẫn nằm trong phạm vi luân hồi sinh tử.
Đã là Phật tử chính tín thì đều
muốn giải thoát khỏi vòng sinh tử. Đấy là điều hiển nhiên, bởi vì
chỉ có giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi mới đạt tới được cảnh
giới an lạc vĩnh hằng.
Thế giới Cực lạc là cõi Phật
hình thành trên nguyện lực của Phật A Di Đà; nhưng trong pháp giới 10 phương
có các cõi Tịnh độ của nhiều đức Phật. Thế giới Cực lạc ở
phươngg Tây chỉ là một trong vô số lượng cõi Phật. Trong Phật tử cũng
có những người không muốn vãng sinh về cõi Cực lạc mà lại nguyện
vãng sinh về các thế giới khác. Thí dụ : Đại sư Đạo Ân đời Đông Tấn,
hai đại sư Huyền Trang và Khuy Cơ đời nhà Đường và Đại sư Thái Hư
trong thời cận đại đều nguyện vãng sinh lên cõi Tịnh độ của Phật
Di Lặc ở nội viện Đâu Suất. Lại có những Phật tử có lòng bi nguyện
lớn và niềm tin vững mạnh thì không nguyện vãng sinh ở các thế giới
khác mà lại nguyện đời đời sinh ở cõi người để làm công việc độ
sinh cho loài người.
Còn Phật tử của các xứ Phật
giáo nam truyền (Thượng tọa bộ) thì căn bản không biết đến sự tồn
tại của thế giới Cực lạc. Hy vọng cao nhất của giới xuất gia ở các
xứ đó là ngay trong đời hiện tại, chứng quả A-La-Hán, giải thoát khỏi
sinh tử. Nếu đời này không thành, thì họ chờ đợi được tu chứng
trong các đời sau kế tiếp. Họ không biết có thế giới Cực lạc và cũng
không tin có thế giới Cực lạc. Nếu Phật giáo đại thừa nói với họ
rằng có thế giới Cực lạc, thì họ không tin, hay là nếu có tin thì họ
cho rằng, thế giới Cực lạc là ở trên các cõi Trời. (Xem Hải Triều
Âm quyển 45 số tháng 4, trang 211).
Bất quá, đối với những Phật tử
theo Phật giáo Đại thừa thuộc hệ duy tâm bình thường thì sự tồn tại
của thế giới Cực lạc vốn là niềm tin sâu sắc; do sức bi nguyện của
Phật A-Di-Đà, cho nên trong ao sen của thế giới Cực lạc có đến chín phẩm.
Ngay những người phạm tội 5 nghịch 10 ác mà khi lâm chung, một lòng niệm
danh hiệu Phật A-Di-Đà, niệm 10 niệm không dứt tiếng, vẫn có thể mang
theo nghiệp vãng sinh trong hoa sen ở cấp thấp nhất trong 9 phẩm. Ở đấy,
trải qua 12 đại kiếp, hoa sen sẽ nở, được nghe 2 Bồ Tát Quan Âm và Thế
Chí thuyết pháp, giảng giải đạo lý thực tướng của các pháp và duyên
sinh, giác ngộ thực tướng của các pháp, chứng ngộ được thực tướng
của các pháp, tức là thế tính vốn không của các pháp và các pháp đều
là duyên sinh, thì họ sẽ phá bỏ được các quan niệm về thiện, ác, cởi
bỏ được mọi thiện nghiệp ác nghiệp. Đối với những người đó, mọi
nghiệp chướng đều tiêu trừ, nghiệp lực không còn chi phối họ nữa; họ
không còn chìm đắm trong sinh tử nữa. Tuy nhiên, những người ấy có thể
phát ra lời bi nguyện lớn lao, trở lại cõi người để hoằng hóa độ
sinh, hành Bồ Tát đạo, tuy rằng vẫn chủ động đối với sinh tử chứ
không bị sinh tử chi phối. Do vậy, có thể thấy tín ngưỡng Phật A Di Đà
là loại tín ngưỡng an ổn lớn nhất, an toàn nhất, đáng tin cậy nhất,
đó cũng là niềm an ủi lớn nhất, ân đức lớn nhất đối với nhiều
người thiếu tinh thần tự chủ.
Thế nhưng, như kinh "A Di Đà"
nói người có ít thiện căn, ít phúc đức không thể vãng sinh thế giới
Cực lạc được. Nguyện lực của Phật A Di Đà tuy lớn lao, vẫn phải dựa
vào nếp sống hằng ngày tu nhân tích đức của Phật tử. Nếu không thì
đến lúc lâm chung, rất có thể là đương sự không còn sức để niệm
Phật được nữa. Lúc ấy, dù Phật A Di Đà có muốn ra tay cứu độ,
cũng không làm gì được.
30.
PHẬT GIÁO CÓ COI TRỌNG THẦN TÍCH HAY KHÔNG ? [^]
Trong Phật giáo, thần tích tức là
thần thông.
Phật giáo công nhận thần thông
là có thật, và cũng thừa nhận công dụng của thần thông. Hơn nữa, cảnh
giới thần thông của Phật giáo cao siêu hơn nhiều, so với các tôn giáo
khác.
Phật giáo tin rằng tất cả quỷ
thần, do quả báo của chúng mà có thần thông. Các tiên nhân phàm phu (tuy
là tiên nhưng chưa thoát khỏi sinh tử, cho nên gọi là tiên phàm phu) cũng
có thể nhờ tu định mà có thần thông. Trong đạo Gia Tô khi thành tâm cầu
nguyện, tâm lực hoàn toàn tập trung thống nhất, cũng là một loại thiền
định. Tuy nhiên, phàm phu và quỷ thần, chỉ có thể thành tựu được
năm thần thông (1-5) ở mức độ nhiều ít, sâu cạn khác nhau. Chỉ có
các bậc Thánh trong Phật giáo, đã giải thoát khỏi sinh tử, mới thành tựu
được thêm một thần thông nữa, gọi là lậu tận thông, tức là
có đầy đủ sáu thần thông.
Thế nhưng, Phật giáo không cho rằng
thần thông là vạn năng. Việc sống chết, họa phúc của chúng sinh là do
quy luật nhân quả chi phối, do nghiệp lực thiện, ác quyết định, tự mình
làm tự mình chịu. Công dụng thần thông tuy rất lớn, nhưng nó không thể
phá được định luật nhân quả. Đối với loại nghiệp báo trọng đại,
có tính quyết định thì dù là sức thần thông của Phật cũng không xoay
chuyển được thế cục, nếu không thì sẽ không còn có định luật nhân
quả nữa. Vì vậy, khi đức Phật còn tại thế, tuy có nhiều lần ngài
có thể hiện thần thông, nhưng ngài không làm cách tùy tiện. Trong các vị
A La Hán đệ tử lớn của Phật, cũng có nhiều vị có thần thông, nhưng
Phật không cho phép hiện thần thông trước người thế tục [Xem Căn bổn
tạp sự quyển II và luận Nghiếp quyển 9]. Vì Phật biết rằng, thần
thông tuy có thể làm cho người ta phấn chấn rầm rộ một thời gian,
nhưng nếu sử dụng không khéo thì có thể gây ra quả báo xấu ngược lại.
(1
(1) Xem thêm "Phật học tri
tân". Bài "Cảnh giới và công dụng của thần thông" của
Pháp sư Thánh Nghiêm (738-824)
31. PHẬT
GIÁO CÓ SÙNG BÁI TRANH TƯỢNG KHÔNG ? [^]
Có. Phật giáo với thái độ thành
kính, có sùng bái tượng Phật và Bồ Tát. Nhưng Phật giáo chính tín
không bao giờ xem tranh tượng Phật, Bồ Tát chính là Phật, Bồ Tát bản
thân [Tăng nhất A Hàm quyển 29 viết rằng quán không là lễ Phật].
Phật giáo chính tín cho rằng, sùng
bái tranh tượng Phật, Bồ Tát là có mục đích dựa vào sự sùng bái
tranh tượng đó, dùng sức mạnh của tín ngưỡng, cảm thông với bi nguyện
của Phật, Bồ Tát. Cũng như người xạ thủ ở trường bắn, khi ngắm bắn,
hồng tâm của bia, phải ngắm hồng tâm ngang qua cái thước ngắm và đầu
ruồi để bắn trúng đích. Tất nhiên, người bắn giỏi không cần đến
thước ngắm và đầu ruồi. Cũng như vậy một Phật tử đã hiểu ngộ Phật
Pháp, thì thấy bản thân Phật tràn đầy hư không và pháp giới và không
cần dùng tranh tượng Phật làm môi giới cảm thông và cảm ứng nữa. Vì
vậy mà có sự tích tổ sư Đan Hà của Thiền Tông đời Đường. Chẻ tượng
Phật làm củi để sưởi (Xem Ngũ đăng hội nguyện). Thế nhưng một Phật
tử chưa chứng ngộ, há lại có thể có thái độ bất kính đối với tượng
Phật và Bồ Tát hay sao ? Có khác nào một công dân há lại có thái độ bất
kính đối với tranh tượng của nguyên thủ quốc gia vậy.
32. PHẬT
TỬ CÓ PHẢN ĐỐI TỰ SÁT KHÔNG ? [^]
Có phản đối. Trong giới luật, có
quy định rõ. Phật tử không được tự sát, nếu tự sát thì có tội
[Xem Tứ phần luật và luận Nhiếp, quyển 2].
Ở đây, nói tự sát là vì chán cuộc
sống hiện tại, mà lầm nghĩ rằng, sau khi tự sát sẽ được giải thoát.
Người Phật tử tin ở định luật
nhân quả, nếu không chứng ngộ thực tướng của các pháp, nếu không lấy
công phu tu trì để thoát khỏi sinh tử thì tự sát không có tác dụng gì
hết. Vì nếu chưa hết nghiệp báo, thì dù có tự sát, cũng phải chịu một
kỳ sinh tử tiếp theo. Cũng như một con nợ, để tránh mặt chủ nợ đòi
nợ, bèn dời nhà từ nơi A đến nơi B. Nhưng sớm hay muộn, chủ nợ cũng
sẽ tìm ra nơi ở mới của con nợ, để tiếp tục đòi nợ. Vì vậy, Phật
tử phản đối tự sát, Phật giáo động viên mọi người hãy tận dụng
thời gian trong một đời Người để nỗ lực tu thiện, tích đức nhằm cải
thiện vận mệnh hiện tại và tương lai của mình.
Thế nhưng, Phật giáo không phải
là một tôn giáo khuyến khích vị kỷ. Người Phật tử, vì sự nghiệp độ
sinh, trong trường hợp cần thiết cũng sẵn sàng xả thân. Để bảo vệ
tin ngưỡng thần thánh của mình, có những Phật tử đã tuẫn tiết. Một
người hành Bồ Tát đạo chân chính, có thể xả bỏ cả tay chân, thịt,
mắt cho đến cái đầu của mình.
Cũng như đức Thích Ca Thế Tôn,
trong các kiếp sống trước của Ngài, trong thời kỳ hành đạo Bồ Tát,
Ngài đã nhiều lần xả thân không tiếc sinh mạng. Như trong kinh Pháp Hoa
nói : "Không có một bụi trần nào nhỏ như hạt cải, không phải là
nơi Bồ Tát xả bỏ thân mạng". Kinh Tạp A Hàm quyển 39 và 47 kể truyện
có ba vị A La Hán tự sát mà đức Phật cũng tán thành.
33. PHẬT
GIÁO CÓ PHẢI LÀ TÔN GIÁO CHÁN ĐỜI VÀ XUẤT THẾ KHÔNG [^]
Tiền đề này có thể có hai đáp
án. Một khẳng định một phủ định. Nếu nhìn trên bề mặt thì đáp
án là khẳng định nhưng nếu nhìn vào bản chất thì đáp án là phủ định.
Mục đích của Phật giáo là giải
thoát khỏi sinh tử. Có sống có chết là pháp thế gian. Không sống không
chết là pháp xuất thế gian. Trong pháp thế gian, có sống chết cho nên vui
ít khổ nhiều và biến động vô thường, vì vậy không đáng để tham đắm.
Phật giáo hình dung cái vui của người say đắm tài sắc thế gian giống
như trẻ con liếm mật ở mũi dao nhọn, một miếng ăn không thể bù cho liếm
mật ở mũi dao nhọn, một miếng ăn không thể bù cho cái họa đứt lưỡi
(Kinh 42 chương). Cái vui của 5 món dục (hám tài, hiếu sắc, tham danh, ăn,
ngủ) cũng như bệnh ngứa, khi gãi thì thấy thích, dừng tay lại liền cảm
thấy đau rát. Do đó, cái vui của thế gian chỉ là chốc lát, còn cái khổ
của thế gian là lâu dài.
Vì nhàm chán thế gian khổ nhiều
vui ít, mà yêu cầu giải thoát sinh tử. Có thể thấy, Phật giáo là nhàm
chán thế gian, là xuất thế.
Nhưng Phật giáo không phải là tôn
giáo tự tư tự lợi. Phật tử không phải chỉ cần bản thân mình thoát
khỏi thế gian, mà còn tìm cách giúp tất cả chúng sinh cũng thoát khỏi khổ
não thế gian. Một người muốn thành Phật trước hết phải hành Bồ Tát
đạo, mà muốn hành Bồ Tát đạo một cách thực tế thì phải dấn thân
nhập thế, vào đời; chỉ có đi vào giữa quần chúng thì mới có thể
hóa độ quần chúng. Muốn hóa độ quần chúng thì phải tích cực khẳng
định giá trị của hành vi con người và phát huy giá trị đạo đức của
con người. Nếu không thể tự mình sống giữa quần chúng lại không có cống
hiến, không có sự phục vụ gì đặc biệt, không có biểu hiện gì xuất
sắc, thì làm sao quần chúng có thể vui vẻ, chịu sự hướng dẫn và
giáo hóa. Vì vậy, các Phật tử chính tín đều dùng phương tiện nhập thế,
như vậy có thể biết chính vì nhàm chán thế gian mà nhập thế, và xuất
thế là mục đích cứu kính của nhập thế.
Tuy vậy, cũng có các bậc A La Hán
là bậc Thánh của Tiểu thừa, sau khi đã nhập Niết Bàn rồi, không còn
có ý muốn trở lại thế gian nữa. Nhưng, như kinh Pháp Hoa nói, các bậc A
La Hán, cuối cùng sẽ hướng tới Đại thừa, phát Đại thừa tâm, hành Bồ
Tát đạo.
34.
TỪ TIN PHẬT ĐẾN THÀNH PHẬT PHẢI MẤT BAO LÂU? [^]
Thành Phật, nói ra thực là một
chuyện vô cùng gian nan và xa vời. Giải thoát sinh tử không phải là cái
khó lớn. Chứng quả Bích Chi Phật nhiều nhất mất 100 kiếp, ít thì bốn
đời. Để chứng A La Hán, có thể mất một đời, ba đời, nhiều nhất là
một trăm kiếp. Người lợi căn tu theo Đại thừa, có thể ngay trong một
đời có thể đạt tới cấp sáu căn đều thanh tịnh [Tức là đã gần
thoát khỏi sinh tử vì sắp lên địa vị Thánh của Sơ địa]. Nhưng muốn
thành Phật thì không phải chuyện giản đơn. Thông thường từ tin Phật
đến thành Phật, phải trải qua ba đại kiếp vô lượng. Một kiếp thôi
cũng đã rất dài huống hồ là ba đại kiếp vô lượng [Vô lượng, có
nghĩa là dài khó tính bằng con số được, chứ không phải là vô cùng tận].
Trong khoảng thời gian dài đẳng đẳng ấy, hành Bồ Tát đạo, làm lợi lạc
cho chúng sinh, nếu tinh tiến đặc biệt thì có thể rút ngắn, nhưng nếu
không thì thời gian sẽ kéo dài. Nói chung lại, nếu không đạt tới chỗ
phúc đức và trí tuệ đầy đủ hoàn toàn, thì không thể gieo được ân
đức giáo hóa đến khắp 10 phương pháp giới, và không thể thành Phật.
Thực ra, thời gian và không gian chỉ
là sự phân biệt của hàng phàm phu. Bồ Tát đã lên tới địa vị Thánh,
không có tính toán không gian và thời gian như vậy. Vì rằng thời gian và
không gian chỉ là tiêu chí của thế giới vật lý. Trong thế giới thuần
túy tinh thần, thời gian dài ngắn, không gian lớn hay nhỏ đều không thể
an lập được. Ngay cảnh giới trong mộng của người bình thường cũng đã
không bị thời gian và không gian tầm thường hạn chế rồi, huống hồ là
đối với các bậc Thánh xuất thế ? Vì vậy mà trong kinh Phật có các
câu như : "Kiếp dài nhập vào kiếp ngắn; kiếp ngắn nhập vào kiếp
dài, một kiếp nhập vào tất cả các kiếp, tất cả các kiếp nhập vào
một kiếp; một niệm nhập vào ba đời, ba đời nhập vào một niệm; đại
thiên thế giới nhập vào một hạt bụi, một hạt bụi giống như đại
thiên thế giới; hay là trong một lỗ chân lông, chứa đựng vô số lượng
thế giới [kinh Hoa Nghiêm]. Những câu như vậy, xem ra giống như chuyện thần
thoại không thể tin được, nhưng nếu chịu khó suy nghĩ khách quan và sâu
sắc thì sẽ thấy, không phải là không có đạo lý. Đương nhiên, hàng
phàm phu, quyết không thể thực nghiệm được cảnh giới như vậy.
35. NGAY
BẤY GIỜ LÀ THÀNH PHẬT LIỀN LÀ ĐIỀU CÓ THỰC HAY KHÔNG ? [^]
Đúng như vậy, nhà Phật có câu :
"Bỏ con dao giết thịt xuống, ngay bấy giờ là thành Phật ngay". Cũng
như câu thế gian : "Lãng tử hồi đầu kim bất hoán" nghĩa là
chàng lãng tử quay đầu trở lại, vàng cũng không đổi. Bất quá khi
chàng lãng tử quay đầu, cái quý hóa là ở chỗ chàng lãng tử biết cải
tà quy chính, đổi mới cuộc đời mình, mới gọi là đạt được mục đích
của sự "quay đầu lại" và khi ấy, chàng lãng tử có giá trị hơn
vàng, vàng cũng không đem đổi được. Câu của nhà Phật "Bỏ con dao
giết thịt xuống, là thành Phật ngay" được chấp nhận là đúng, nếu
đứng về tự tính - về Phật tính mà nói, chứ không phải nói, lập tức
hiện tiền chứng ngay được quả vị Phật, thành tựu được quả vô thượng
chính đẳng chính giác.
Vì vậy, Tông Thiên Thai nêu lên
sáu khái niệm về Phật, gọi là lục tức (sáu tức).
Sáu tức :
- Lý Tức Phật tức là chúng sinh vốn có đầy đủ
Phật tính hay giác tính.
- Danh tự tức Phật : Nghĩa là, nghe biết rằng bản
thân mình có Phật tính, bỗng nhiên giác ngộ (giác ngộ rằng mình có Phật
tính).
- Quán hành tức Phật : Nghĩa là niệm niệm, tự
xem xét tâm mình, trừ bỏ phiền não - là cấp vị phẩm thứ năm của đệ
tử [tùy hỷ, đọc tụng, thuyết pháp, kiêm thực hành sáu độ - sáu độ
chính hạnh].
- Tương tự tức Phật : Là công phu tu trì đã khá
thâm sâu, đã đến cấp vị sáu căn đều thanh tịnh là Thập tín vị.
- Phận chứng tức Phật : Đã vào hàng ngũ các bậc
Thánh, đã đoạn trừ từng phần vô minh; và từng phần thực chứng được
giác tính, tức là Phật tính. Ở đây, liệt kê các nhân duyên thành tựu
Thánh quả gồm có Thập trụ vị, Thập hành vị, Thập hồi hướng, Thập
địa vị và Đẳng giác tính.
- Cứu kính tức Phật : Là đã đoạn trừ hết vô
minh, công đức đã đầy đủ, chứng ngộ giác tính, đến chỗ hoàn thiện,
thành tựu vị vô thượng chính đẳng chính giác, gọi là diệu giác vị tức
là quả vị Phật.
Trong "Lục Tức" Phật nói
trên, loại thứ nhất chỉ cho tất cả chúng sinh. Cho nên Phật nói "Tất
cả chúng sinh đều có Phật tính". Tất cả chúng sinh ở mọi cõi đều
có đức tướng trí tuệ của Như Lai. Đó là lý tức Phật. Loại Phật
thứ hai chỉ cho những người được nghe Phật pháp, biết rằng bản thân
mình vốn có Phật tính, vốn có khả năng thành Phật. Loại thứ ba chỉ
cho những người đã tu trì Phật pháp, đã có thể hàng phục (không phải
là đoạn trừ) phiền não. Loại thứ tư chỉ cho những người đã thành tựu
được sáu căn thanh tịnh, sắp lên hàng ngũ thánh. Loại thứ năm chỉ cho
các vị Bồ Tát từ Sơ địa trở lên. Đến loại thứ sáu mới là chân
chính thành Phật, quả Phật mới thật sự tròn đầy, mới thật là bậc
vô thượng chính biến giác tri.
Do đó, có thể thấy "Ngay bấy
giờ là thành Phật" [Lập địa thành Phật], là chỉ cho loại Phật thứ
nhất (Lý tức Phật) hay là loại Phật thứ hai [Danh tự tức Phật], chứ
không phải là loại Phật thứ sáu, tức là "cứu kính tức Phật".
Bởi vì từ khi ném con dao giết thịt xuống, đã là bước đầu của quá
trình "viên thành Phật tính" rồi. Nói "ngay bấy giờ thành Phật
liền" cũng như nói "quay đầu lại là ngay bờ" [Hồi đầu thị
ngạn]. Trên sự thực, không phải ném dao xuống là thành Phật được
ngay, cũng như không phải quay đầu lại là ở ngay trên bờ.
Hiểu được đạo lý ấy thì cũng
hiểu được sự khai ngộ của Thiền tông. Nhiều người cho rằng, các
câu như "Tức tâm tức Phật", "Tâm sáng là Phật",
"Vô tâm là Phật", "thấy được bộ mặt của mình, trước
khi lọt lòng mẹ" v.v… đều có ý tứ thành Phật, và một khi đã
được khai ngộ là thành Phật.
Thực ra khai ngộ chưa phải là
thành Phật, thậm chí cũng chưa phải là thấy đạo (kiến đạo) như Thiền
sư Cao Phong Nguyên Diệu đời Tống tự xưng là ông dụng công trong một đời
có 118 lần đại ngộ, còn lần tiểu ngộ thì không kể xiết. Như vậy, có
thể thấy, khai ngộ không phải là thành Phật, hay chỉ là "Lý tức Phật",
"Tương tự tức Phật" chứ không phải là "cứu kính tức Phật".
Sự khai ngộ của Thiền tông, có thể là gần với được "pháp nhãn
thanh tịnh", tức là kiến đạo, là Sơ quả của Tiểu thừa, hay Sơ địa
của Đại thừa mà thôi. Do đó Thiền tông phá xong 3 cửa ải là Bản
tham, Trung quan và Lao quan thì cũng chỉ mới tiến tới gần "thoát ly
sinh tử'". Nếu đánh giá theo quan điểm "sáu tức" của tông
Thiên Thai thì Thiền Tông phá xong cửa ải thứ ba (Lao quan) cũng chỉ mới
là loại Phật thứ tư, tức là "tương tự Phật".
Chính vì vậy mà các Tổ sư Thiền
tông, khi tham thiền đến chỗ gọi là "nhập xứ", thì thường tìm
cách sống ẩn ở rừng sâu để nuôi dưỡng Thánh thai (bào thai của bậc
Thánh, cái nhân của bậc Thánh). Đây là do các vị ấy chưa lên hàng ngũ
các bậc Thánh, chỉ mới đi được 1/3 của lộ trình thành Phật, trong ba
vô lượng kiếp, chỉ mới hết sơ kiếp vô lượng thứ nhất.
Trên quan điểm ấy, thấy rằng, các
thiền sư dù có phá được cửa ải cũng vẫn còn là phàm phu cấp hiền vị
mà thôi.
Mục
lục | 1-7 | 8-16 | 17-23
| 24-35 | 36-43
| 44-55 | 56-63
| 64-68 | 69-70
| Phụ lục