- Phật Giáo Chính
Tín
- HT. Thích thánh Nghiêm
- Phân Viện Nghiên Cứu
Phật Học dịch
69. LA HÁN BỒ TÁT PHẬT
LÀ GÌ
[^]
Đúng như vậy, nhiều người hiện nay không hiểu rõ La
Hán, Bồ Tát, Phật là gì. Thậm chí có những Phật tử tin Phật đã lâu
năm cũng mờ mịt đối với ý nghĩa các từ đó.
Theo nhận thức của Phật giáo Bắc truyền, Phật giáo chia
thành Đại thừa và Tiểu thừa. Tiểu thừa chuyên tu đạo giải thoát. Đại
thừa chuyên tu đạo Bồ Tát. Đại Bồ Tát là kết hợp "nhân thiên đạo"
với "giải thoát đạo", nghĩa là, giải thoát khỏi sinh tử mà vẫn
không lìa sinh tử, để có thể hóa độ những chúng sinh có duyên, đó
chính là đạo Bồ Tát Đại thừa.
Quả vị cao nhất của đạo giải thoát là A La Hán; La Hán
là bậc Thánh của Tiểu thừa. Có 2 quả vị cao nhất của Tiểu thừa. Một
là quả vị Thánh hàng Thanh Văn, nhờ nghe Phật thuyết pháp, tu tập pháp Bốn
Đế (khổ, tập, diệt, đạo) và 37 phẩm bồ đề mà được giải thoát,
đó là La Hán. Hai là quả vị của những bậc thánh, sinh vào thời không
có Phật, nhưng nhờ tu pháp 12 nhân duyên (vô minh, hành, thức, danh sắc, lục
nhập, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử) mà chứng đạo giải thoát,
ra khỏi sinh tử. Phật giáo gọi các bậc Thánh này là Duyên Giác hay Bích
Chi Phật. Thanh Văn và Duyên Giác đều thuộc Tiểu thừa. Tiểu thừa lại
chia thành Thanh Văn thừa và Duyên Giác thừa, cho nên cũng gọi Tiểu thừa
là nhị thừa (2 thừa). Các bậc nhị thừa cầu ra khỏi sinh tử, nhập Niết
Bàn. Họ nhàm chán cõi sinh tử của loài người và loài trời, vì vậy, họ
không nguyện trở lại hóa độ chúng sinh. Họ không thể gọi là Bồ Tát,
cũng không thể thành Phật.
Nếu muốn thành Phật thì phải hành đạo Bồ Tát. Pháp
môn chủ yếu của đạo Bồ Tát là sáu độ. Bố thí [pháp thí, tài thí,
vô úy thí] (1). Giữ giới (không làm điều ác, làm mọi điều lành).
Nhẫn nhục (nhẫn điều khó nhẫn, làm điều khó làm). Tinh tấn (tiến thẳng
ra đằng trước, gặp khó không nản). Thiền định (chuyên chú vào một đối
tượng, không giao động). Trí tuệ (chiếu sáng bản thân, chiếu sáng người
khác). Ba tụ giới (tu mọi tịnh giới, làm mọi điều lành, hóa độ chúng
sinh). Từ lúc ban đầu, phát tâm tối thượng, tức là phát Bồ đề tâm,
từ bi tâm, không tuệ tâm, trải qua ba đại kiếp vô lượng, mới đạt
được mục đích thành Phật. Đạo Bồ Tát, hàng Tiểu thừa không giống.
Cho nên gọi là "nhất thừa".
Đạo nhân thiên là pháp môn lành, tu tập để được tái
sinh làm người hay làm loài trời. Tiểu thừa tuy không thích thú gì đạo
nhân thiên, nhưng cũng không phủ định giá trị của đạo nhân thiên, đạo
giải thoát của Tiểu thừa cũng chỉ là đạo nhân thiên được nâng cao
và thăng hoa. Pháp lành của nhân thiên cũng là nền tảng của đạo nhất
thừa của Bồ Tát. Do đó pháp lành của nhân thừa và thiên thừa, 5 giới,
10 thiện là pháp lành chung cho cả nhị thừa và nhất thừa, cho nên nói
pháp lành của nhân và thiên là pháp chung cho cả 5 thừa (Nhân, Thiên, Thanh
Văn, Duyên Giác, Bồ Tát).
Đạo giải thoát của Tiểu thừa hay Nhị thừa cũng là
pháp môn chung cho cả đạo Bồ Tát nữa. Nếu Bồ Tát mà không tu đạo giải
thoát thì sẽ không phải là Bồ Tát mà chỉ là nhân thiên đạo. Vì vậy
mà đạo giải thoát của Tiểu thừa được gọi là pháp môn chung cho cả
ba thừa Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát.
Chỉ có đạo Bồ Tát mới là pháp môn riêng của Đại thừa
hay nhất thừa.
Để tiện ghi nhớ, xin vẽ biểu đồ như sau :
___________________
(1) Nhân thiên đạo : con đường tu tập, cầu tái
sinh ở cõi Trời và cõi người (người dịch chú).
Qua biểu đồ này thấy rằng, Bồ Tát đạo tuy là pháp
môn riêng của một thừa, nhưng lại là nơi hướng về của cả 5 thừa vì
pháp chung của ba thừa (ngũ thừa cộng pháp, tam thừa cộng pháp). Tiểu thừa
tuy là pháp chung của ba thừa, nhưng cũng là pháp chung của 5 thừa được
thăng hoa lên (nâng cao lên) mà thôi : Pháp chung của 5 thừa, tuy có tên
chung 5 thừa, nhưng chỉ là thiện pháp của nhân thừa và thiên thừa.
[Lấy ngũ thừa cộng pháp, tam thừa cộng pháp và Đại thừa
bất cộng pháp, thâu nhiếp toàn bộ Phật pháp. Đó là một sáng kiến của
đại sư Thái Hư].
Nhân thiên thừa là pháp thế gian, là pháp sinh tử, không
thể đưa người ra khỏi biển khổ sinh tử được. Các bậc thánh mà
nói, pháp thế gian là pháp hữu lậu. Các bậc thánh Tiểu thừa đều là
những bậc thánh xuất thế, không còn bị sinh tử chi phối, vì vậy pháp
xuất thế được gọi là pháp vô lậu.
Trong hàng Bồ tát, có người là phàm phu, có người là
Thánh. Bồ Tát chia thành 52 thứ bậc : Thập tín, thập trụ, thập hành, thập
hồi hướng, thập địa, đẳng giác, diệu giác : Bốn mươi thứ bậc trước
khi đạt thập địa đều là phàm phu. Mười hai thứ bậc từ sơ địa trở
lên mới là hàng Thánh. Bồ Tát nêu ra ở trong đồ biểu là Thánh Bồ
Tát. Trong kinh Phật, thông thường khi nói Bồ Tát mà không ghi rõ là Địa
tiền Bồ Tát [Bồ Tát trước khi đạt tới sơ địa] thì đó là Thánh Bồ
Tát.
Các bậc Thánh Tiểu thừa không cần thành Phật mà chỉ cần
nhập Niết Bàn. Về bản chất mà nói, cảnh giới Niết Bàn của Tiểu thừa,
sau khi nhập Niết Bàn rồi, bèn ở luôn tại đấy, không còn độ chúng
sinh nữa. Còn Niết Bàn của Đại thừa thì tuy nhập Niết Bàn nhưng không
ở lại Niết Bàn, và cho rằng sinh tử với Niết Bàn là cùng một thể,
vì vậy mới có câu : "Sinh tử tức Niết Bàn", "Vô trụ xứ
Niết Bàn". Đó là cảnh giới của các bậc Thánh Đại thừa.
Niết Bàn của Tiểu thừa, là do đoạn ngã chấp và phiền
não chướng, vì vậy A La Hán của Tiểu thừa, về cảnh giới giải thoát
mà nói, là tương đương với Bồ Tát thất địa hay bát địa, của Thông
giáo. Bậc Thánh của đạo Bồ Tát là do đoạn một phần pháp chấp và sở
tri chướng một phần ngã chấp và phiền não chướng, mà tự mình chứng
được một phần của Pháp tính chân như và tiến vào hàng sơ địa. Về
mặt trình độ đoạn phiền não chướng mà nói thì A La Hán tương đương
với Bồ Tát Thất địa hoặc Bát địa; đứng về trình độ đoạn sở
tri chướng mà nói thì La Hán chỉ mới tương đương với Bồ Tát đệ nhất
tín vị.
Bởi vì, đoạn phiền não chướng (ngã không) tức là
thoát khỏi sinh tử. Còn đoạn sở tri chướng (pháp không) tức là không
lìa sinh tử. Giải thoát sinh tử tức là nhập Niết Bàn. Không lìa sinh tử
tức là độ chúng sinh : giải thoát là tuệ nghiệp; độ sinh là phúc nghiệp.
Cả phúc và tuệ đều tu là Bồ Tát. Cả phúc và tuệ đều tròn đầy là
thành Phật. Do vậy, đứng về phúc nghiệp độ sinh mà nói, La Hán chỉ tương
đương với bậc thứ bảy của Bồ Tát sơ phát tâm, còn kém sơ địa Bồ
Tát đến 33 bậc. Trên toàn bộ lộ trình thành Phật, vị Bồ tát sơ địa
đã đi được 1/3 đường (đã đi hết A tăng kỳ kiếp thứ nhất). Bát địa
Bồ Tát đã đi xong 2/3 con đường (A tăng kỳ kiếp thứ hai). Còn vị Bồ
Tát thập tín vị chỉ mới ở giai đoạn chuẩn bị vào ba A tăng kỳ kiếp
mà thôi !
Do đó, một vị A La Hán, muốn thành Phật thì phải từ Tiểu
thừa quay về Đại thừa, và tiến dần dần từ đệ thất tín vị trở
đi. Nhưng vị A La Hán, sau khi nhập Niết Bàn trong thời gian ngắn rất khó
bỏ Tiểu thừa hướng về Đại thừa. Vì vậy, tu theo Tiểu thừa, hầu như
cắt đứt duyên với đạo thành Phật. Do đó, có kinh luận Đại thừa kích
bác đồng loạt cả Tiểu thừa và ngoại đạo. Thực ra, theo quan điểm của
Kinh Pháp Hoa thì vị A La Hán chân chính nhất định sẽ lìa bỏ Tiểu thừa,
hướng về Đại thừa. Trong Hội Pháp Hoa, phần lớn các bậc đại tỳ
kheo và tỳ kheo ni đều là những bậc A La Hán từ Tiểu thừa hướng tới
Đại thừa.
Bỏ Tiểu thừa, hướng tới Đại thừa có 2 loại người
: Một loại là, từ trước tới nay, vốn tu theo Tiểu thừa, nay từ quả vị
La Hán chuyển sang Đại thừa thì phải từ ở thứ bậc thất tín vị của
Đại thừa mà tu theo Pháp Đại thừa, rồi sau khi chứng quả La Hán lại
tu theo Đại thừa. Đối với loại này, phải tính cả giai đoạn trước
đây đã tu theo Đại thừa. Thí dụ, ngài Xá Lợi Phất, trong các kiếp sống
trước đã từng tu theo Đại thừa, đến cấp "Đệ thất trụ";
sau chuyển sang tu theo Tiểu thừa, chứng quả A La Hán rồi lại chuyển sang
Đại thừa. Nói chung là, nếu trước đây đã tu theo Đại thừa, sau quay
sang Tiểu thừa, rồi lại trở về Đại thừa, thì chỉ cần một niệm hồi
tâm là có thể chứng nhập sơ trụ vị của Bồ tát. Hoặc là đã có được
cơ sở tu Đại thừa sâu dày, nhưng vẫn quay sang Tiểu thừa, sau đó lại
hướng về Đại thừa thì chỉ cần một niệm hồi tâm là có thể chứng
nhập hàng bậc Thánh Bồ Tát từ sơ địa trở lên. Đương nhiên, vị A La
Hán bỏ Tiểu hướng Đại, đã là bậc Thánh Đại thừa mà phúc nghiệp
chưa đầy đủ. Do trình độ trí tuệ và công phu tu đạo giải thoát vốn
có cho nên vị ấy không bao giờ thoái lui xuống địa vị phàm phu nữa.
Phật là từ gọi tắt của Phật đà. Quả vị Phật là quả
vị cứu kính tột cùng của đạo Bồ Tát, cho nên có thể gọi Phật là vị
Bồ Tát cứu kính. Quả vị Phật cũng là quả vị cứu kính của đạo giải
thoát, cho nên cũng gọi là Phật là vị A La Hán cứu kính. Từ A La Hán có
nghĩa là xứng đáng làm ruộng phúc cho loài trời và loài người, xứng đáng
được trời và người cúng dường. Vì vậy "ứng cúng" là một
trong 10 hiệu của Phật. Phật có nghĩa là bậc giác ngộ chân chính, cùng
khắp, vô thượng, bậc tự giác, giác tha và giác hành đầy đủ. Bồ Tát
là giác hữu tình, có nghĩa là tự giác, giác tha và giác chân chính, cùng
khắp. Thanh Văn, Duyên Giác đều có nghĩa tự giác và chính giác. Phàm phu
ở loài trời và loài người đều là những kẻ si mê chưa được chính
giác.
Nay, dùng biểu đồ phân biệt 5 thừa theo tiêu chuẩn trình
độ giác ngộ như sau:
Lại còn một
điểm nữa, là hình thức sinh hoạt của A La Hán theo truyền thuyết của
Trung Quốc, cần phải được sửa chữa thanh lọc lại. Phật giáo đồ
Trung Quốc, vì thấy trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, có những chuyện
kỳ lạ như Hàn Sơn, Thập Đắc, Phong Can, Bố đại hòa thượng v.v…
nhưng chuyện như Nam tuyền chém mèo quy tôn giết rắn hoặc có người chèo
thuyền trên sông, có người sống một mình trên đảo hoang, có người sống
hòa mình vào cảnh trần tục của thị trấn, có người bắn cung, múa dao,
có người múa hát theo phụ nữ, có người nhậu nhẹt rượu thịt, đó
là những cái gọi là tác phong siêu Tổ vượt Phật của Thiền tông ! Do
đó mà đôi khi nhận lầm những phần tử xuất gia, phá giới, sống bẩn
thỉu và lười biếng, là A La Hán hóa hiện ! Ở Trung Quốc, tranh và tượng
A La Hán cũng thường dựng lên những mẫu người quái dị, quần áo lôi
thôi, mồm răng rộng hoác, ngó bộ rất đáng ghét.
Sự thực thì trong kinh điển Tiểu thừa, các vị A La Hán
đều là các bậc Thánh tăng giữ gìn giới luật nghiêm túc. Và chỉ có bọn
ác tăng, vi phạm giới luật mới na ná giống như tranh và tượng Trung Quốc
miêu tả mà thôi. Nếu chúng ta không thay đổi quan niệm này thì đó là một
sự lăng nhục đối với các bậc A La Hán.
Ngược lại, dưới con mắt của người Trung Quốc, Bồ Tát
lại có tướng mạo thùy mị, trang nghiêm đặc biệt. Kỳ thực thì tuy rằng
báo thân của Bồ tát là trang nghiêm, đẹp đẽ, nhưng vì lợi ích độ
sinh, hóa thân của Bồ tát có thể mang rất nhiều thân khác nhau. A La Hán
dưới con mắt người Trung Quốc, đúng ra là hóa thân của Bồ tát thì phải
hơn.
A La Hán là Tăng ni xuất gia, họ là dấu hiệu biểu trưng
cho sự tồn tại Phật Pháp ở thế gian, cho nên trong ứng xử, La Hán
không thể tùy tiện được, nếu không thì sẽ không có lợi cho thanh danh
của đạo Phật. Còn Bồ Tát thì không có thân cố định, Bồ Tát chỉ nhằm
mục đích khai hóa độ sinh. Bồ Tát không yêu cầu chúng sinh biết mình
là Bồ Tát. Bồ Tát cố nhiên là có thể thị hiện thành loài người hay
loài trời đầy đủ phúc đức trang nghiêm, nhưng khi cần thiết cũng có
thể hóa thân thành Ngoại đạo, người đồ tể, thậm chí làm cả Ma vương,
cũng không có hại gì đối với thanh danh đạo Phật.
Vì vậy, Phật giáo đồ Trung Quốc nên sửa chữa lại quan
niệm của mình đối với A La Hán mới được.
70. PHẬT GIÁO CÓ MỘT TỔ
CHỨC HÀNH CHÍNH THỐNG NHẤT? [^]
Nếu xét về xã hội giáo đoàn của Phật giáo nguyên thủy
thì không có phân chia lãnh đạo và lệ thuộc, mọi người đều bình đẳng
trước Phật Pháp. Và cũng trong phạm vi Phật Pháp, mọi người đều có
quyền tự chủ (tự do làm chủ). Vì vậy đức Thích Ca Thế tôn là vị đã
sáng lập ra Phật giáo, khi sắp nhập Niết Bàn, Ngài cũng nói với ông A
Nan rằng : "Như Lai không nói ta duy trì chúng, ta nhiếp chúng" (Trường
A Hàm - Kinh Du Hành I). Phật đôi lúc nói : "Ta ở trong Tăng chúng",
chứ không tự xưng là lãnh tụ. Phật tự xưng là "Pháp vương"
theo nghĩa Phật đối với mọi pháp đều tự do tự tại, không có nghĩa là
"thống lĩnh". Do đó, từ khi có Phật giáo cho đến nay, Phật giáo
không có đẳng cấp trên dưới, lớn nhỏ. Hoạt động của tăng đoàn 4
người trở lên, miễn là theo đúng giới luật, đều là hội pháp, phải
được tôn trọng, nếu tăng đoàn A vì tăng đoàn B có ý kiến bất đồng
mà chia rẽ, thì Phật cũng công nhận sự chia rẽ đó. Trong sách "ngũ
phần luật quyển 24". Phật nói : "Việc kính lễ và cúng dường
phải bình đẳng, vì sao như vậy ? Cũng như vàng thật đem chia làm 2 khúc,
không có gì khác nhau cả". Do đó, biết rằng tinh thần căn bản của
đạo Phật không đòi hỏi có tổ chức nghiêm mật, từng từng lớp lớp;
tình hình khác hẳn với đạo Cơ đốc… Bắt đầu từ Kinh cựu ước, đạo
Cơ Đốc đã có tổ chức chính trị và ý thức chính trị mạnh mẽ, có tổ
chức nghiêm mật, có nền thống trị đầy quyền lực. Đó chính là đặc
sắc của giáo hội Cơ Đốc (người ta nói không phải là vô cớ rằng, tổ
chức chính trị và phương pháp thống trị các đảng cộng sản hiện nay
là học theo giáo hội đạo Cơ Đốc). Chính vì vậy mà tổ chức giáo hội
Cơ Đốc giáo, có một bối cảnh lịch sử lâu dài, và có năng lực lãnh
đạo giáo đoàn trội hơn Phật giáo rất nhiều. Ngay đối với giáo hội
Tân giáo Cơ Đốc, tuy rằng chia thành rất nhiều hệ phái không có liên
quan với nhau, nhưng trong nội bộ mỗi hệ phái, tổ chức của họ vẫn chặt
chẽ, tốt đẹp.
Phật giáo chúng ta cho đến nay, vẫn không thể nói tới một
tổ chức giáo hội có tính thế giới. Trong nội bộ của từng quốc gia,
cũng có nhiều hệ phái. Và trong nội bộ của mỗi hệ phái, tổ chức cũng
không thống nhất. Đặc biệt là trong Phật giáo Trung Quốc, trong lịch sử
tuy có lập chế độ "Tăng quan", nhưng đó là một chức vụ do
chính phủ đặt ra để kiểm soát Tăng ni và tài sản giáo hội, chứ
không phải là một thiết chế tổ chức của giáo hội. Ngày nay, tuy cũng
có một Giáo hội Phật giáo Trung Quốc, với các phân chi hội các Tỉnh,
Huyện, Thị, nhưng nó không có quyền hành chính thực tế, tài sản các
chùa không thuộc do Giáo hội bổ nhiệm.
Vì vậy năm 1953, Đài Loan tuy có hơn 600 vạn người vẫn
không tạo ra được một lực lượng tích cực, không xúc tiến được kế
hoạch xây dựng sự nghiệp Phật giáo trên quy mô lớn. Trái lại, giáo đồ
Thiên chúa ở Đài Loan, chỉ có 26 vạn 5000 người, giáo đồ Cơ Đốc
cũng chỉ có hơn 229 vạn 3000 người, nhưng sức hoạt động của họ, nếu
xét trên bề mặt thì hơn Phật giáo nhiều. Tỉnh ta chỉ có 4 vạn tín đồ
Hồi giáo, cũng được chính phủ coi trọng hơn so với Phật giáo. Nguyên
nhân là lực lượng của họ tập trung, còn Phật giáo thì ai làm gì thì
làm.
Căn cứ vào số liệu thống kê thế giới, số người theo
các tôn giáo lớn trên thế giới Cơ Đốc giáo (kể cả cũ và mới) chiếm
vị trí thứ nhất, có tất cả 9 ức tín đồ (900 triệu). Phật giáo chiếm
vị trí thứ hai, với 600 triệu tín đồ. Hồi giáo chiếm vị trí thứ ba
với 400 triệu tín đồ; vị trí thứ tư thuộc Ấn Độ giáo với 300 triệu
8 nghìn vạn tín đồ; thứ 5 là Do Thái giáo với 5 nghìn vạn tín đồ (báo
Sư tử hống quyển 3, kỳ thứ 10; tr. 4). Nếu 600 triệu tín đồ Phật giáo
biết hợp tác đoàn kết với nhau thì sẽ đem đến cho nhân loại biết
bao quang vinh an lạc !
Ở đây, cần đề xuất một vấn đề, tức là số liệu
thống kê ghi trong bài "Phật giáo châu Á", đăng ở tập "Địa
đồ chu san" của Nhật báo Trung ương ngày 14 tháng 12 năm 53 Dân quốc.
Số liệu thống kê đó có nhiều sai lầm. Nó ghi : cả thế giới chỉ có
300 triệu tín đồ Phật giáo, tức là giảm 1/2 so với số liệu thống kê
chính thức. Sai lầm này có thể là do Chu San ước lượng Phật giáo đồ
ở Trung Quốc đại lục chỉ có khoảng 100 triệu, tức 13% tổng dân số.
Đây là một sự đánh giá rất "có vấn đề". Đồng thời, tờ
Chu San lại cho rằng Phật giáo Ấn Độ và Tích Lan, nhất là Phật giáo
Tích Lan, thuộc về khu Phật giáo Đại thừa, đó là một sai lầm nghiêm
trọng. Ngay ở Việt Nam, Phật giáo cũng có cả Đại thừa và Tiểu thừa.
Tờ Chu San cũng không chú ý gì đến tình hình Phật giáo ở ngoài châu Á.
Thí dụ ở Mỹ hiện nay, đã có 17 vạn Phật giáo đồ, 170 ngôi chùa và
tu viện rải rác tại các bang.
Phật giáo không phải là một tổ chức chính trị, vì vậy
mà cho đến nay, vẫn chưa có một giáo hội thống nhất theo kiểu lưới của
Phạm Thiên, tuy rằng vẫn có tổ chức có tính biểu trưng là "Hội
Ái hữu Phật giáo thế giới". Hội này được lập do sáng kiến đề
xuất của đại sư Thái Hư ở Trung Quốc. Sớm nhất là từ năm dân quốc
thứ 17 (T. L 1928), đại sư Thái Hư có 2 điểm hy vọng : Một là xóa bỏ
quan niệm thiên chấp về Đại thừa và Tiểu thừa. Hai là liên hiệp Phật
giáo các nước lại, thắt chặt tình hữu nghị giữa các nước và thúc
đẩy nên hòa bình thế giới. Cuộc vận động này, phải trải qua 22 năm
hun đúc, đến ngày 6 tháng 6 năm 1950 mới triệu tập được tại Tích Lan
Đại hội đại biểu thế giới lần thứ nhất. Trong số các nhân vật
ủng hộ Đại hội, có quốc vương và Tăng thống Thái Lan, Tổng Thống
và Tăng thống Miến Điện, Thủ tướng và Tăng tống Tích Lan, vị Đạt
Lai Lạt Ma Tây Tạng, Quốc vương và vua Sãi ở Camphuchia, Tăng thống Việt
Nam, Thiên Hoàng Dục nhân (Hirohito) của Nhật Bản. Lúc bấy giờ, Trung Quốc
cử Pháp sư Pháp Thường (đang dạy Phật học ở Tích Lan) làm đại biểu.
Đại hội có quyết định hai năm triệu tập một lần Đại Hội. Cho đến
nay, đã tổ chức được bảy lần Đại hội, lần lượt ở Tích Lan, Nhật
Bản, Miến Điện, Nêpan, Thái Lan, Camphuchia, Ấn Độ v.v… Đáng tiếc là
bắt đầu từ Đại hội lần thứ ba tổ chức tại Miến Điện, tức là
năm 1954, tổ chức Phật giáo thế giới thuần nhất lại biến thành nơi
tranh cãi giữa hai phái tự do và thân cộng sản (Xem Hải Triều Âm, quyển
45, số tháng 10, bài của Pháp sư Lạc Quan).
Trong kỳ Đại hội lần thứ 7, họp năm 1964, có sự kiện
đoàn đại biểu Trung Quốc đại lục, cùng với các đoàn đại biểu Liên
Xô, Ngoại Mông, Miến Điện, Đông Pakittăng v.v… đề xuất kháng nghị với
Đại hội về việc mời đoàn của Trung Hoa dân quốc tham gia Đại hội lên
án cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Lào; đoàn đại biểu Inđônêxia trách
mắng kịch liệt Malayxia v.v… Tất cả những sự kiện đó đà làm biến
chất tôn chỉ của Đại hội.
Chính vì vậy mà cho đến nay, Hội Ái Hữu Phật giáo thế
giới, mặc dù có hội viên hơn 60 quốc gia và khu vực [Kỳ Đại hội lần
thứ 7, có đại biểu 53 đơn vị tham gia] nhưng cống hiến của nó đối với
Phật giáo thế giới và nhân loại còn rất hạn chế. Ngay 2 chữ "Ái
hữu" (Hội Ái hữu, nghĩa là lấy tình hữu nghị để đoàn kết người
này người kia, 2 chữ đó ngày nay vẫn còn bị ảnh hưởng của chính trị
thử thách, thì còn nói gì chuyện khác nữa). Trong 14 năm qua, Hội Ái hữu
Phật giáo thế giới nhất trí về ngày đản sinh của Phật Thích Ca là
ngày 15 tháng 5 dương lịch mỗi năm. Sự nhất trí này được thực hiện
trong một nghị quyết của Đại hội lần thứ 2 họp ở Nhật Bản năm
1952, đã thông qua quyết nghị do đại biểu Tích Lan đề xuất, lấy lá cờ
5 màu làm giáo kỳ Phật giáo thế giới. Giáo kỳ này là do đại tá Ôn Cốt
người Mỹ thiết kế (1832-1907) còn có những thành tích khác thì không đáng
nói (chú 17).
Tổ chức hành chính Phật giáo toàn thế giới, tuy không phải
là yêu cầu căn bản của Phật giáo, nhưng đã trở thành nhu cầu cấp thiết
của thời đại ngày nay. Nhưng còn phải cố gắng trong nhiều thời gian nữa
mới có thể phát triển Hội Ái hữu Phật giáo thành một tổ chức hành
chính của Phật giáo toàn cầu.
PHỤ CHÚ CUỐN : "PHẬT
GIÁO CHÍNH TÍN" [^]
1. Tăng Nhất A Hàm, quyển 6 - Phẩm lợi dưỡng, viết :
"Có một Bà la môn khuyến cáo Phật đến bên bờ sông "Tôn Đà
La" tắm thì sẽ xóa bỏ được mọi tội lỗi. Phật khuyên lại Bà la
môn nên tự mình xóa bỏ các tội lỗi như không cho mà lấy, sát sinh, vọng
ngữ v.v…
2. Bái sớ nghiên cứu các quẻ của Kinh dịch [Dịch kinh
quan quái chi sớ viết : "Sự vi diệu không có phương sở, lý không thể
biết, không thể thấy, không hiểu vì sao lại như vậy, cái đó gọi là
thần đạo".
3. "Xét Thần đạo của Trời mà bốn thời không bị
mê hoặc, Thánh nhân lấy Thần đạo bày ra giáo pháp, Thiên hạ chịu theo
vậy".
"Phật tổ thống kỷ quyển 15 có truyện Băng Pháp sư
giảng tôn chỉ kinh Kim Cang Bát Nhã giúp cho người phụ nữ họ Bích chết
nhẹ nhàng, khỏi đau đớn.
4. " Phật như là Y vương, có thể chữa trị tất cả
mọi bệnh phiền não, có thể cứu tất cả khổ lớn sinh tử (Kinh Hoa
Nghiêm - Phẩm nhập pháp giới).
5. Xem thêm "Phật tổ thống ký" quyển 33, Pháp môn
Quang Hiển chí (Đại chính Tạng quyển 46).
6. Đọc thêm "Phật tổ thống ký" quyển 30 (Đại
chính tạng cuốn 49, tr. 300-301. Về niên đại của Di Lặc, cũng có những
thuyết khác.
7. Một nghìn Phật của một kiếp hay là Tam thế kiếp. Về
thời gian, nên xem thêm "Phật tổ thống ký" quyển 30. (Đại chính
tạng, cuốn 49, các trang 297-302).
8. A Tăng Kỳ là con số thứ 105 trong 124 con số lớn của
kinh Hoa Nghiêm. Nếu tính 1 vạn vạn là một ức, một vạn ức là 1 triệu
thì một A tăng kỳ bằng 1 nghìn vạn vạn vạn vạn vạn - vạn triệu. Đấy
là loại số không thể đếm được, loại số vô tận.
9. Về thế giới quan, xin xem "Phật tổ thống ký"
quyển 31 (thế giới danh thể chí).
10. " Phật tổ thống ký" quyển 35 [Đại chính quyển
49, tr. 336 Tư Mã Quân chú giải về thuyết của Dương Hùng cho rằng tính của
người có cả thiện, ác lẫn lộn, và nói Mạnh Tử và Tuân Tử mọi người
chỉ thấy một mặt của nhân tính.
11. Sự phân biệt trong Thiền tông giữa 5 nhà 7 tôn (ngũ
gia, thất tôn), không phải chỉ về mặt lý luận, mà là do lý giải tự
nhiên của chúng ta dẫn tới thái độ khác nhau đối với Thiền. Nếu tính
chất ôn hòa thì lời lẽ ôn hòa, nếu tính chất ương ngạnh thì lời lẽ
cũng sắc cạnh, phát ngôn ra có ôn hòa, có sắc cạnh cho nên thiền phong
khác nhau và sự phân biệt trong Thiền tông cũng từ đó mà ra. Vì vậy mà
sự phân biệt về mặt giáo lý trong Thiền tông không rõ ràng, như giữa tông
Hoa Nghiêm và tông Thiên Thai.
12. Tôn Mật Thiền sư viết :
"Cho nên kẻ học Ba Thừa, muốn cầu đạo Thánh, tất
nhiên phải tu thiền, lìa thiền ra, không có pháp môn nào khác, không con
đường nào khác. Còn niệm Phật cầu vãng sinh tịnh độ, cũng phải tu 16
phép thiền quán, tu niệm Phật Tam muội, Ban Chu Tam muội). "Thiền có
sâu có nông, có cao có thấp, nếu tu thiền mà lợi dụng tâm khác, ưa trên
chán dưới, Phật gọi là thiền ngoại đạo; nếu tin nhân quả một cách
chân chính nhưng vẫn có tâm ưa trên chán dưới thì gọi là phàm phu thiền.
Chứng ngộ lý ngã không nhưng thiên chấp một bên, gọi là Tiểu thừa thiền.
Chứng ngộ lý ngã pháp đều không mà tu thiền thì gọi là Đại thừa thiền.
Nếu đốn ngộ tự tâm vốn là thanh tịnh, vốn không có phiền não, trí
tuệ vô lậu vốn có đầy đủ, tâm đó tức là Phật, cứu kính không có
gì khác biệt. Dựa vào đó mà tu là "Thiền vô thượng thừa",
cũng gọi là "Như Lai thanh tịnh thiền", cũng gọi là "Nhất
hành Tam muội", hay Chân như Tam muội".
13. Trong "Thập tụng luật" quyển 38, Phật nói :
"Từ nay về sau, để phản bác ngoại đạo, phải đọc sách ngoại đạo".
Sách "Căn bản tạp sự" quyển VI, ghi lời Phật nói : "Không
nên để cho kẻ ngu si, ít trí tuệ đọc ngoại điển. Chỉ có những bậc
có trí, học nhiều biết nhiều, có thể phản bác ngoại đạo mới có thể
học tập ngoại điển. Chia làm 3 thời, hai thời học kinh Phật, một thời
học ngoại điển". "Đầu ngày, giữa ngày có thể đọc kinh Phật,
đợi đến chiều tối mới đọc ngoại điển".
14. "Ở Ấn Độ, Phật và Phạm (Phạm vương Brahna)
dung nhiếp nhau. Không những Phật giáo hợp thu triết lý 3 minh, mà còn tiếp
thu cả bí chú của sách Atharva Ve đa. Các học giải của Jedanta giáo cũng
xem Phật là Phạm vương, xem Thích Ca là một hóa thân của Thần
Rixhnu" (Xem sách Phật giáo Ấn Độ tr. 207).
15. Ông Lưu Tư Nhã rất được Thái tử (Chiêu Minh) coi trọng;
các bia ký ở chùa tháp, đều do ông ghi lại. Ông Thâm Thái Đồng, bốn
năm liền yêu cầu được xuất gia Vua Vũ Đế bàn danh hiệu "Tuệ Địa"
[Phật tổ thống ký quyển 37 (Đại chính - tập 49, tr. 351].
16. a) Hòa thượng Triệu Hà Tử, đời vua Đường vị Kinh.
Ở ẩn tại xứ Mãn, đi dọc bờ sông bắt cua mà ăn, đêm ngủ nhờ trong
tiền giấy miếu Bạch Mã.
Đời Ngũ Đại, có Bồ Hòa thượng, đi hóa đạo ở đất
Tứ Minh. Trong túi vải (Bố đại) có bình bát, guốc gỗ, cơm và cá, rau
thịt, gạch, ngói v.v…
Về các truyện trên, xem "Phật tổ thống ký" quyển
42 (Đại chính, tập 49, tr. 390).
b) Đời Tống Chân Tông, có Sa môn Chí Mông họ Từ ở Tụ
Châu mặc áo gấm, thích ăn đầu heo, nói chuyện họa phúc xảy đến người
khác, không có gì không linh nghiệm, gọi người là cậu em, tự xưng là Từ
thư phu khi tịch tuyên bố mình là "Định Quang Phật". Ở đời gọi
ông là Hòa thượng đầu lợn; (Phật tổ thống ký, quyển 44, (Đại chính
Tạng tập 49, tr. 403).
c) Đời Nam Bắc triều, có đại sĩ Bảo Chí mặc áo gấm,
đi chân không hay đội trên đầu mà đi, nào là dao kéo, thước, trượng,
gương, phất trần v.v… trẻ con gặp ông thì cười chế nhạo và xua đuổi.
Ông có uống ít rượu, có lúc mấy ngày liền nhịn không ăn gì hết. Gặp
người ăn chả cá, cũng xin ăn. Ăn xong, mửa ra toàn là cá sống nhảy
nhót [Xem Phật tổ thống ký quyển 36 (Đại chính tập 49, tr. 346).
17. "Ô Khắc Đức" là H. S Olcoti và bà H. P.
Blavatsky năm 1880 Mỹ đến Tích lan, phê bình chế độ thuộc địa chuyên
quyền của người Anh, và ủng hộ Phật giáo.
Mục
lục | 1-7 | 8-16 | 17-23
| 24-35 | 36-43
| 44-55 | 56-63
| 64-68 | 69-70
| Phụ lục