- Phật Giáo Chính Tín
- HT. Thích thánh Nghiêm
- Phân Viện Nghiên Cứu Phật
Học dịch
64. PHẬT
GIÁO CÓ TIN LÀ THƯỢNG ĐẾ TỒN TẠI HAY KHÔNG [^]
Thượng Đế là một danh từ có một
định nghĩa rất rộng rãi. Có nhiều thượng đế của các loại tôn
giáo. Cũng có nhiều Thượng đế của Triết học. Nói chung lại, đứng trên
lập trường nào để nhìn Thượng đế, thì sẽ hình thành một Thượng
đế theo lập trường đó.
Đạo Gia Tô cho rằng, Trời (thiên)
hay Thượng đế của Nho gia Trung Quốc cũng là Thượng Đế của đạo Gia
Tô. Thực ra, Thượng đế của Nho gia Trung Quốc là Thượng Đế của triết
học phiếm thần, là Thượng Đế được con người yêu, nhưng không thể
đòi hỏi Thượng Đế yêu người lại, cũng tức là Thượng Đế của
"Bất khả tri luận". Thượng Đế của đạo Gia Tô là thần linh
nhân cách hóa; là Chúa sáng thế đứng bên ngoài vũ trụ, là vị Thần vạn
năng.
Về thuyết khởi nguyên của vũ trụ,
thì dù là tôn giáo ở thời kỳ đầu hay là triết học cũng thường thường
cho rằng đó là do thần biến hóa mà thành. Hi Lạp cho rằng Trụ Tư [Zem]
là chúa tể các vị thần. La Mã cho rằng Cầu Tỷ Đặc [Jupeter] là chúa tể
các vị thần. Các Thần của Ấn Độ cổ đại rất phức tạp, vị trí của
họ thay đổi là Đại Vu Tư (daus) là đồng nhất về ngôn ngữ với Zeus của
Hi Lạp và Jupiter của La Mã. Những vị thần có thế lực trong giới thần
linh của sách thánh Vê đa là Balâuna (Baruna) là thần Tư pháp. Vị thần của
Hư không giới là "Nhân đà la" [Indra] tức là Thần Sét. Vị thần
của địa giới là A Kỳ Ni [Agni] là Hỏa thần (thần lửa). Thần địa ngục
là vua DẠ MA (Yama), [nhưng ông này trị vì trên một cõi trời]. Vì vậy,
Ấn Độ cổ đại sùng bái nhiều thần (đa thần). Sau này, Ấn Độ giáo,
có thuyết cho rằng, Thượng Đế, tức Chúa sáng tạo là "Đại Phạm
Thiên", hoặc là "Đại tự tại thiên", hoặc là "Na la
diên thiên", cuối cùng hình thành quan niệm Tam vị nhất thể, và công
nhận Đại Phạm Thiên là chúa sáng tạo, Nala diên thiên là vị thần bảo
vệ; Đại tự tại thiên là vị thần phá hoại. Nhưng thực ra, đó chỉ
là một vị thần với ba bộ mặt khác nhau mà thôi. Hiện nay Ấn Độ giáo
sùng bái "AMa", "Thấp La" và cả đến đức Phật cũng được
họ sùng bái như Thượng đế (danh từ chỉ Thượng đế tính có tới
hàng trăm - Xem bài : Ánh sáng chân lý - do Chu Tương Quang dịch; tr. 22, chú
14).
Thượng đế của Đạo giáo Trung
Quốc là Ngọc Hoàng, khác với Thượng Đế của Nho gia, cũng khác với Thượng
đế của đạo Gia Tô, cũng khác với Thượng đế của Ấn Độ giáo. Nếu
đánh giá theo quan điểm và nhận thức của Phật giáo thì Thượng đế của
Lão giáo và Hồi giáo tương đương với vị chủ tể cõi Trời Đao Lợi của
Phật giáo; Thượng Đế của đạo Gia Tô (từ Ma Tây đến Pao lô và
Angustanh v.v… đã thăng lên nhiều cấp) tương đương với Phạm thiên vương
của Phật giáo; Thượng đế của Ấn Độ giáo đồng nhất với Đại tự
tại thiên vương của Phật giáo; cõi Trời Đao Lợi là cõi Trời thứ 2 của
Dục giới, gần gũi nhất với cõi người. Cõi Trời phạm thiên là cõi trời
sơ thiền thuộc sắc giới. Đại tự tại thiên là cõi Trời cao nhất
không có căn cứ. Vì phạm vi bài này không cho phép phân tích giới thiệu
cặn kẽ, chứ nếu so sánh Thượng đế quan của các tôn giáo với 28 cõi
Trời thuộc 3 giới thì đó là vấn đề rất thú vị.
Bởi vì các vị chủ tể các cõi
Trời, đều có đôi chút thói quen kiêu mạn, thường hay nói với thần
dân của họ rằng họ là vị chúa tể sáng thế có một không hai, cũng
như vua chúa ở cõi người nay cũng thường tự xưng là "quả
nhân". Ý tứ là, ngoài họ ra, trong thiên hạ không ai có thể cao quý vĩ
đại hơn họ. Thậm chí, Tần Thủy Hoàng tự xưng là "Đức hơn Tam Hoàng,
công vượt ngũ đế", vì vậy, ông tự xưng là Thủy Hoàng đế [Vị
Hoàng đế đầu tiên]. Tâm lý của ông cũng giống như tâm lý của các vị
chủ tể các cõi trời, tự xem mình là có một không hai. Thậm chí, có vị
còn tỏ ra kiêu mạn đối với đức Phật nữa [xem Tạp A Hàm cuốn 44.
Các trang 1195-1196]. Kỳ thực, họ đâu có phải là chúa sáng thế ? Vũ trụ
không thể nào so sức mạnh của bất cứ vị Thần nào sáng tạo ra được.
Vũ trụ là do nghiệp lực của
chúng sinh cảm ứng mà có, nhiều nhân duyên hòa hợp mà thành.
Như vậy, Phật giáo có thừa nhận
Thượng Đế tồn tại, nhưng không cho rằng, Thượng Đế sáng tạo ra vũ
trụ.
Còn Thượng đế của triết học
chỉ là giả thiết của các triết gia, là một loại quan niệm giả định,
chứ không phải là một đối tượng thực chứng : vì vậy, Phật giáo
không tin ở sự tồn tại của Thượng đế của triết học.
Có thể có những người tin theo tôn
giáo thần quyền nói rằng : "Thượng đế có quyền thưởng phạt người
thiện, kẻ ác. Phật giáo đồ không sợ Thượng đế hay sao"?
Đúng như vậy, vì Phật giáo đồ
không sùng bái Thượng đế cho nên cũng không sợ Thượng đế, Phật giáo
đồ tin rằng, tất cả mọi thiện thần trong ba giới, bao gồm cả Thượng
đế và các vị Thiên chủ của 28 cõi Trời đều tin theo Phật pháp, ủng
hộ Phật pháp; Phật giáo xem họ cũng như các viên chức quân sự xem các
vệ binh giữ cửa thành. Vệ binh có quyền kiểm soát sự ra vào cửa
thành. Vệ binh có quyền bắt giữ, tra hỏi bọn phá hoại, bọn âm mưu lẻn
vào cửa hành. Còn các viên chức quân sự, hành động theo đúng luật
pháp, sao lại có thể sợ vệ binh được ?
Phật giáo không cho rằng Thượng
Đế có năng lực sáng tạo vạn vật, cũng không thừa nhận Thượng Đế
có quyền ban phúc giáng họa đối với chúng sinh. Phật xem Thượng đế
cũng là một trong 6 loại chúng sinh; bất quá vì ở các đời trước, có
tu phúc báo, cho nên ngày nay được sinh lên các cõi Trời để hưởng lạc.
Nếu Thượng Đế có tham dự vào sự nghiệp họa phúc của chúng sinh, cũng
là do sự cảm ứng của nghiệp lực của loài người mà thôi. Đó là đạo
lý mà câu cách ngôn nói: "Tự giúp thì người giúp", "Tự hại
thì người hại".
65. PHẬT
GIÁO CỐNG HIẾN GÌ CHO NƯỚC TRUNG QUỐC [^]
Một số học giả Nho giáo, có đầu
óc thành kiến hẹp hòi, ngay hiện nay vẫn còn nhắm 2 mắt lại mà gào
thét, khích bác Phật giáo. Kỳ thực, hiện nay, trong nền văn hóa Trung Quốc,
ngoại trừ những sản phẩm văn hóa mới nhập khẩu gần đây, còn thì hầu
như không có lĩnh vực nào là không mang nặng sắc thái Phật giáo.
Về mặt văn học, việc phiên dịch
Kinh Phật đã kích thích và tạo thành cuộc cách mạng trong văn học Trung
Quốc, từ trong ý tứ thơ văn cho tới sự diễn biến của thể văn, đều
xuất hiện một khí tượng mới, ngay từ thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều.
Đến thời Lục triều do phải dịch âm chữ Phạn, thí dụ dịch âm đầu
đề Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka) mà đặt ra cách thức dịch phép vần phiên
thiết : 2 chữ Hán thông dụng, rồi lấy phụ âm đầu của chữ thứ nhất
ghép với vần cuối của chữ thứ hai tạo thành âm đọc của chữ được
chú âm : do ghép âm mà sinh ra bốn thanh (tứ thanh) dựa vào bốn thanh mà cải
biến thơ 5 chữ và 7 chữ thành luật. Người Trung Quốc xưa nay làm văn,
đều chủ trương đọc nhiều, xem nhiều "đọc nát vạn quyển, hạ
bút như thần", "đọc thuộc 300 bài thơ Đường, không biết làm
thơ cũng biết ngâm". Vì Trung Quốc là nước vốn dường như không có
lý thuyết ngữ pháp, nhưng dưới đời nhà Đường, do phiên dịch nhiều
Kinh Phật cho nên ngữ pháp Ấn Độ đã du nhập vào Trung Quốc. Thí dụ :
"Tám chuyển thanh" tức danh từ, đại danh từ, động từ, trợ từ
v.v… Hay là như thuyết "lục ly hợp thích" của sách Phật cũng là
một loại ngữ pháp của chữ Phạn. Phần đông người bây giờ coi Mã Văn
Thông là ông Tổ của ngữ pháp học Trung Quốc, thực ra vào đời nhà Đường,
Trung Quốc đã từng có ngữ pháp học, nhưng chưa được phổ cập sử dụng
trong dân gian mà thôi. Lại như cuốn "Văn tâm điêu long" là một
cuốn sách bàn về phép làm văn và thể văn trong văn học sử Trung Quốc,
là một trước tác bất hủ về phê bình văn học. Tác giả của nó là Lưu
Hiệp (Pháp danh Tuệ Đại là một người sống trong chùa từ nhỏ, và cuối
đời đã xuất gia). Tác phẩm của ông chịu ảnh hưởng của văn học Phật
giáo (chú 15).
Thể văn sau đời Đường, phần lớn
thiên về tả thực và lời văn lưu loát, cũng là do ảnh hưởng của văn
học Phật giáo. Trải qua 2 đời Tùy, Đường, đến đời Tống, các thể
loại như "đàn từ tiểu thuyết" [kể chuyện đệm nhạc] và bình
thoại (kể truyện) xuất hiện đều là do ảnh hưởng của thể "biến
văn Phật giáo". Các bài thơ đời Đường, đời Tống giống như văn
nói, thí dụ các bài thơ của Bạch Lạc Thiên (tức Bạch Cư Dị) và của
Tô Đông Pha, đều là loại thơ mới mang dấu ấn của Thiền Tông… Lương
Khải Siêu tiên sinh viết : "Tập thơ dài đầu tiên trong các bài thơ cổ
của Trung Quốc", "tập Khổng tước đông nam phi" chịu ảnh hưởng
của tập "Phật sở hành tán" do đại sư Mã Minh sáng tác. Các thiền
sư lớn đời Đường, dùng thể văn "ngữ lục" bạch thoại để
nói lên yếu lý của đạo Phật. Do đó mà có sự xuất hiện các tập ngữ
lục của các nhà lý học đời Tống và đời Minh, hoàn toàn viết theo
bút pháp "Thiền tông". Các tiểu thuyết đời Minh và đời Thanh,
viết theo thể văn bình thoại hay là "phỏng bình thoại", trong tiểu
thuyết lại xen có thơ, sau một đoạn tản văn lại có những câu kết bằng
thơ hoặc một bài hát nói đệm nhạc có xen thể ca văn xướng ngôn và
bình thoại, rõ ràng đều chịu ảnh hưởng của văn "trường hành"
và "kệ tụng" trong kinh Phật. Nhờ phiên dịch sách Phật, mà Trung
Quốc có thêm 3 vạn 5000 từ mới.
Về mặt nghệ thuật : nền kiến
trúc Phật giáo đời Ngụy Tấn vốn ảnh hưởng đến toàn bộ hình thái
kiến trúc của Trung Quốc. Kiến trúc Phật giáo không có tính thực dụng
của kiến trúc phương Tây cận đại, nhưng do ảnh hưởng của cảnh giới
cõi Trời hay cõi Phật được mô tả trong Kinh Phật, cho nên mang đặc sắc
của Phật giáo nguyên thủy Ấn Độ : cảnh quan được bố trí có nghệ
thuật, trang nghiêm, hùng vĩ. Kiến trúc tháp Phật của Phật giáo du nhập
vào Trung Quốc cũng đánh dấu một bước tiến bộ mới trong lịch sử phát
triển của ngành kiến trúc ở Trung Quốc. Phật giáo du nhập vào Trung Quốc
đã đem theo nghệ thuật đắp, nặn tượng. Trước đó ở Trung Quốc chưa
có kỹ thuật đắp, nặn tượng. Tượng Phật giáo đời Đường, cực kỳ
đẹp đẽ. Khoảng mấy chục năm trước đây, có người Nhật Bản phát
hiện ra tại một chùa ở Tô châu có một bức tường gắn tượng nặn,
do người đời Đường xây dựng. Bức tường này được ông Thái Nguyên
Bồi yêu cầu chính phủ bảo tồn, gìn giữ. Động Long Môn ở Lạc Dương,
động Vân Cương ở Đại Đồng là những công trình tượng Phật vĩ đại,
có trình độ nghệ thuật tinh xảo hình ảnh sống động nó không những
là kho tàng quý báu của nghệ thuật Trung Quốc và của cả thế giới. Về
nghệ thuật hội họa, phải nói tới các bức tranh tượng ở Đôn Hoàng,
nổi tiếng thế giới. Đúng như "Mạc Đại Nguyên" tiên sinh nói :
"Động Vân Cương và động Đôn Hoàng, động Long Môn không khác gì ba
viện bảo tàng nghệ thuật vĩ đại của miền Bắc Trung Quốc". Lại
nói : "Từ đời Hậu Hán trở đi, Phật giáo được truyền vào, nền
mỹ thuật Trung Quốc vốn là mỹ thuật quý tộc, đã biến thành mỹ thuật
tôn giáo; trong lĩnh vực kiến trúc thì từ lầu đài cung điện chuyển
sang bảo tháp, chùa chiền; trong lĩnh vực tranh tượng thì tranh tượng vua
quan nhường chỗ cho tranh tượng Phật Bồ tát; trong lĩnh vực công nghệ
thì các dụng cụ và đồ trang sức chuyển thành đồ thờ cúng và pháp
khí Phật giáo; nhưng hình thức mỹ thuật đó, từ Hậu Hán trở về sau,
liên tục chiếm vị trí cực kỳ trọng yếu trong lịch sử văn hóa Trung
Quốc" [Xem "Mỹ thuật Phật giáo Trung Quốc"] nhờ có nhiều
bia ký Phật giáo được bảo tồn, mà chúng ta giữ gìn được bút tích của
nhiều danh nhân nổi tiếng, là những tài sản vô giá, nhờ có Phật giáo
mà được phổ cập trong dân gian. "Ngư sơn phạn bối".
Là một loại âm nhạc Trung Quốc
theo Phạn âm Phật giáo. Sự phát hiện ở động Đôn Hoàng cho biết là trước
khi kỹ thuật in sách của Phùng Đạo xuất hiện thì ở thời đại Tùy
và Đường, đã có các kinh sách Phật in bằng gỗ khắc.
Về phương diện khoa học, trước
khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc, đã từng có môn học gọi là
"danh học" [tương tự như luận lý học] của Đặng Tích, Huệ Thi
Mặc Tử và Tuân Tử. Thế nhưng, phải chờ đến khi môn "Nhân Minh học"
Phật giáo truyền vào thì Trung Quốc mới bắt đầu có được một nền
luận lý học hoàn chỉnh. Từ triều nhà Đường đến triều nhà Minh,
Trung Quốc đều dùng lịch pháp của các thiền sư lập ra, căn cứ vào
thiên văn học của Ấn Độ.
Về mặt tôn giáo, triết học, khi
Phật giáo mới du nhập vào Trung Quốc thì đạo giáo bài xích Phật giáo rất
kịch liệt. Nhưng đến thời đại Ngụy và Tấn, thì khi giảng Phật học
người ta hay dẫn chứng Lão Trang và khi giảng Lão Trang người ta lại hay
dẫn chứng kinh Phật. Từ đó về sau, kinh sách đạo giáo ngày càng được
hoàn bị thêm và trên nhiều mặt đã dùng tài liệu của Phật giáo; thí dụ
: đạo giáo đã tiếp thu và vận dụng khái niệm về Diêm La và địa ngục
của Phật giáo. Trước khi Phật giáo đến Trung Quốc thì ở Trung Quốc
không có khái niệm gì về Diêm La cả. Đến đời nhà Tống, có Toàn Chân
giáo xuất hiện. Về căn bản, đó là đạo giáo được Phật giáo hóa, nhờ
tác dụng khích lệ và mở đường của thiền tông mà nho gia các đời Tống,
Nguyên, Minh đã xây dựng môn Lý học.
Căn bản đó là nho giáo được Thiền
hóa. Tuy rằng các nhà lý học, vì thiên chấp, bản vị và nhãn quan hạn hẹp
mà trở lại công kích Phật giáo, nhưng họ không khác gì "Ngồi trên
giường thiền mà mắng Thiền", mà Thiền tông chỉ là một nhánh của
Phật giáo. Các nhà lý học đời Tống và Minh đối với pháp môn Thiền
tông thì cũng chỉ mới hiểu một cách hời hợt, nên không dám đi sâu,
vì sợ nếu đi sâu sẽ bỏ mất lập trường của mình. Châu Hy là người
xem sách Phật tương đối nhiều và chính Châu Hy đã thể nghiệm được
điều đó. Các nhà tư tưởng Trung Quốc ở thời cận đại, như Khang Hữu
Vi, Đàm Tự Đồng, Chương Bỉnh Lân, Lương Khải Siêu, Hồ Thích, Lương
Thấu Minh v.v… tuy rằng vị tất đã tin Phật giáo, nhưng họ được tư
tưởng Phật giáo mở cho con đường sáng tạo. Gần đây nhất (từ tháng
6 đến tháng 8 năm 1964 tại hội nghị các triết gia Đông và Tây lần thứ
4 họp tại Hạ Uy Di, ông Phương Đông Mỹ, đại biểu của Trung Quốc
cũng nhấn mạnh tinh thần Phật giáo Đại thừa, và khả năng của Phật
giáo xây dựng một thế giới tôn giáo. Nhà sử học Tiền Mục tỏ ra hết
sức kínhh trọng Phật giáo. Triết gia Đường Quân Nghị tự nhận là chịu
ảnh hưởng khích lệ nhiều từ kinh Viên Giác; có thể thấy Phật giáo đối
với Trung Quốc có sự cống hiến lớn, trong quá khứ, hiện tại và tất
nhiên cả trong tương lai nữa. Không những đối với Trung Quốc Phật giáo
có cống hiến như vậy, mà đối với cả nhân loại cũng là như vậy.
Về mặt phong tục dân gian, Trung Quốc
vốn có tín ngưỡng đối với Nho gia. Tín ngưỡng đó chú trọng xây dựng
cuộc sống nhân sinh hiện thực, không có thời giờ tìm hiểu vấn đề
trước khi sinh và sau khi chết. Vì vậy mà Khổng Tử nói : "Sống còn
chưa biết, sao có thể biết chết" ? Nho gia gạt ra một bên, không bàn
đến các vấn đề trước khi sinh và sau khi chết, cũng như vấn đề bản
thể vũ trụ siêu hình cho nên ông đã nói : "Tế thần như thần tại".
Nếu có nói tới vấn đề thưởng phạt đối với thiện, ác thì cũng chỉ
mong cho con cháu sau này được nhờ Kinh Thư nói : "Nhà tích thiện thì
niềm vui có dư, tích ác thì tai họa có thừa". Chính là quan niệm đó.
Thực ra, nhìn vào hiện thực trong lịch sử làm điều thiện để hy vọng
con cháu được nhờ là chuyện khó đảm bảo. Thế nhưng từ khi Phật giáo
được truyền vào, thì thuyết Nhân quả "trồng dưa được dưa, trồng
đậu được đậu", đã đem lại trong dân gian Trung Quốc một niềm hy
vọng mới, mạnh mẽ. Phật giáo vạch rõ cho chúng ta thấy vấn đề luân
hồi sinh tử, vấn đề thiện ác báo ứng ! Phật giáo cho chúng ta biết, mọi
người phải có thái độ trách nhiệm đối với tất cả mọi hành vi của
mình, gặp lành hay gặp dữ đều do ở nơi mình cả. Đời này không thấy
quả báo thì đời sau sẽ thấy. Thuyết này cổ vũ mọi người hãy tích cực
bỏ ác làm lành. Thuyết này hàng nghìn năm nay đã có một ảnh hưởng sâu
sắc và lớn lao đến sự ổn định xã hội và nhân tâm Trung Quốc, quả
thực không thể nào đánh giá hết được.
66. CHÂN
LÝ PHẬT GIÁO LÀ GÌ [^]
Phẩm "Du già chân thực nghĩa"
gọi chân lý là chân thực, chia làm 4 loại lớn, gọi là bốn loại chân
thực.
1. Thế gian cực thành chân thực
: chỉ cho những chân thực thường thức, tùy loại và tùy tục. Lại chia
làm 2 loại
- Chân thực phi thế gian, không thuộc nhân loại.
- Chân thực thế gian, thuộc nhân loại, do tự
nhiên hay tập quán, huyễn giác mà thành.
2. Đạo lý cực thành chân thực
: chỉ cho những chân thực, có tính lý luận, do các học thuật gia nghiên
cứu, suy diễn ra, lại chia thành 4 loại :
- Chân thực do các khoa học gia thực nghiệm mà có
được.
- Chân thực do các triết gia tư biện mà có được.
- Chân thực do các nhà thần giáo tín ngưỡng, cảm
ứng mà chứng đắc.
- Chân thực do các nhà tu định ngồi thiền mà chứng
đắc.
3. Chân thực do trí tuệ thanh tịnh
đã đoạn trừ phiền não chướng chứng đắc. Đó là chân thực do
các bậc thánh xuất thế dùng trí tuệ giải thoát mà chứng được. Lại
chia làm 2 loại :
- Chân thực ngã không do hàng Thanh văn Duyên giác,
tức là các Thánh Tiểu thừa chứng đắc.
- Chân thực một phần ngã không do các bậc Thánh
Đại thừa chứng được.
4. Chân thực do trí tuệ thanh tịnh
đã đoạn trừ sở tri chướng, chứng được. Đó là chân thực pháp
không do các bậc thánh Đại thừa giác ngộ chính biến tri, chứng được.
Chia làm 2 loại :
- Chân thực pháp không do Bồ Tát chứng được một
phần.
- Chân thực pháp không do Phật chứng đắc một cách
viên mãn, tròn đầy.
Phật giáo không bao giờ phủ định
chân lý của người khác một cách vũ đoán và nông nổi. Phật giáo chỉ
sắp xếp các chân lý thành chủng loại và đẳng cấp, thừa nhận các loại
chân lý đó đều có vị trí và giá trị của chúng.
Có một loại thần giáo ngoại đạo,
thường mạt sát tất cả mọi giá trị, khác biệt với những giá trị
mà mình thừa nhận, chụp cho chúng cái mũ ma quỷ. Phật giáo quyết không
có thái độ độc đoán như vậy. Như trên nêu rõ, Phật giáo chấp nhận
có 4 loại chân thực, tức là chân lý, chúng chỉ có sự phân biệt theo nặng
nhẹ, cao thấp mà thôi.
Sự thực, cái gọi là chân lý thế
gian, chân lý thường thức, thường là không chịu đựng nổi khảo nghiệm.
Chân lý thường thức thời cổ đại, sang tới các đời sau, trở thành
câu chuyện bông đùa. Chân lý thường thức ở xứ A, đến xứ B chỉ là
chuyện suông tình ! Còn cái chân lý do các học giả phát minh ra, thì hoặc
là do hóa nghiệm mà có, hoặc là do suy lý mà được, hoặc là do cảm ứng
thần linh, hay là do rèn luyện thân tâm, ngồi thiền điều hòa hơi thở mà
chứng đắc, dù chỉ là những chân lý bộ phận, tạm thời, huyễn giả,
cục bộ, giả thiết chứ không phải là chân lý vĩnh hằng bất biến.
Chân lý của Phật giáo là kết quả
đạt được, sau khi đã chứng ngã không và pháp không. Chứng được ngã
không thì đoạn trừ hết phiền não chướng, chứng được pháp không thì
đoạn trừ hết sở tri chướng. Sau khi chứng ngã không thì giải thoát khỏi
sinh tử. Sau khi chứng pháp không thì không trụ ở Niết Bàn. Kinh Kim Cương
viết : "Không có ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả
tướng". Đó là cảnh giới ngã không, còn "phiền não tức Bồ đề
[chính giác]" sinh tử tức Niết Bàn [Tịch diệt], đó chính là cảnh
giới pháp không. Cảnh giới trung đạo diệu lý phi không phi hữu, không
thiên chấp bên nào thì cũng có những người chứng được pháp không
mới tự mình thể nghiệm được.
Chân lý rốt ráo của Phật giáo, tức
là chân lý ngã không và pháp không - Không phải là pháp thế gian, không thể
mô tả bằng lời nói, chân lý đó "Xa lìa tướng danh ngôn, tâm tư
cũng không nghĩ bàn được". Đó là chân lý rốt ráo, mà tính Phật miễn
cưỡng gọi là "chân pháp giới" là "Lý chân như". Thế
nhưng, chân lý rốt ráo đó của Phật giáo, tuy là không đặt tên được,
không nghĩ bàn được, nhưng nó vẫn không tách rời muôn vàn hiện tượng
thế gian, và mỗi hiện tượng thế gian là một bộ phận của chân lý rốt
ráo đó. Vì vậy mà đại sư Tổ Huệ Năng của Thiền tông nói rằng :
"Phật pháp là ở trong thế gian, không tách rời thế gian mà giác ngộ
được; nếu tách khỏi thế gian đi tìm đạo Bồ đề, cũng không khác gì
đi tìm sừng thỏ vậy". Mục đích của Phật giáo là giảng lý không;
xóa bỏ phiền não chướng của ngã chấp, xóa bỏ sở tri chướng của pháp
chấp, chứ không phải phủ định vạn tượng của thế gian. Chân lý Phật
giáo nằm trong chữ "giác ngộ". Chỉ có tự giác mới thoát khỏi
sinh tử. Chỉ có tự giác giác tha mới có thể độ chúng sinh; chỉ có
giác hành viên mãn mới có thể thành Phật.
67. HÒA
THƯỢNG, NI CÔ, CƯ SĨ LÀ GÌ [^]
Hòa thượng, ni cô, cư sĩ đều là
những danh từ hết sức thông tục, nhưng e rằng, số người hiểu rõ nghĩa
của những danh từ ấy không nhiều.
Theo quan niệm của người Trung Quốc,
thì Hòa thượng là người xuất gia và với thân phận là người xuất gia
thì "trên ngồi cùng chiếu với vua, dưới cùng đi với kẻ ăn mày"
nghĩa là cao sang thì rất cao sang, hèn nghèo thì rất hèn nghèo. Nếu là đứng
đầu một chùa trong đại tùng lâm thì gọi là Phương trượng hòa thượng
là tôn nghiêm biết bao. Nhưng người nông dân quê mùa ở làng đẻ con sợ
không giáo dục được, cũng lại gọi nó là hòa thượng ! Kỳ cục thật
!.
Từ Hòa thượng có ý từ gì ? Người
ta thường giải thích hòa thượng là Hòa trung tối thượng (nghĩa là
cao nhất trong sự hòa hợp) hay là "dĩ hòa vi thượng" (nghĩa là
quý nhất là sự hòa hợp). Bởi vì người xuất gia phải sống theo nếp sống
"sáu hòa hợp" của tăng đoàn. Đó là : giới hòa đồng tu (cùng
tu giới luật), kiến hòa đồng giải (cùng kiến giải như nhau), lợi hòa
đồng quân (lợi cùng chia đều), thân hòa đồng trụ (cùng ở một nơi),
khẩu hòa vô tránh (không tranh cãi nhau), ý hòa đồng duyệt (ý hòa vui vẻ).
Cách giải thích này cũng tựa hồ có lý. Nhưng tôi có tra cứu từ nguyên,
mới thấy cách giải thích trên là không đúng.
Hòa thượng hoàn toàn là do dịch
âm từ một từ ngữ Tây vực (Trung Á) ở Ấn Độ, gọi các nhà bác học
thế gian là Ô tà. Qua tới nước Vu Điền (Trung Á) thì gọi là Hòa Xã hay
Hòa xà (khosha), qua Trung Quốc, bèn gọi là Hòa thượng (Xem Ký quy truyện
và bí tạng ký bản). Vì vậy mà ngoại đạo ở Ấn Độ cũng có Hòa thượng
và Hòa thượng ni [Tạp A Hàm quyển 9, tr. 253, 255].
Như vậy, từ Hòa thượng không phải
là từ riêng của Phật giáo, nhưng có căn cứ trong Phật giáo. Luật tạng
Phật giáo gọi các vị sư truyền giới và độ cho người khác xuất gia
là Opađàgia (Upadhyaya). Từ Hòa xà là dịch âm từ Upadhyaya, rồi
sau đổi thành Hòa thượng. Trong sách Hán người dùng từ Hòa thượng sớm
nhất là vua Thạch Lặc, ông gọi Tăng sĩ Ấn Độ Phật Đồ Trừng là :
"Đại Hòa thượng".
Nhưng, đôi khi, trong luật, thay vì
chữ Hòa thượng người ta dùng chữ Hòa thượng để tránh hiểu lầm, vì
rằng, căn cứ nội dung chữ Upadhyaya, thì nên dịch là Thân giáo sư (ông
thầy thân cận). Chỉ có những tu sĩ đã thụ giới tỷ khiêu trên 10 năm,
biết rõ 2 bộ luật tỷ khiêu và tỷ khiêu ni, mới có khả năng độ cho
người khác xuất gia, và truyền giới cho người khác, mới có thể được
gọi là Upadhyaya. Như thế là có khác với từ Ô tà (là bác sĩ) ở Ấn Độ,
cũng khác với từ Hòa thượng do Trung Quốc dịch sai (lão tăng là lão hòa
thượng, Sa di là tiểu hòa thượng, và trẻ con ở nông thôn, không lớn
lên được cũng gọi là hòa thượng !).
Trong Luật Phật giáo, người mới
xuất gia gọi là Sa di. Sa di có nghĩa là "siêng năng bỏ ác làm thiện".
Khi đủ 20 tuổi đới, và thụ giới tỷ khiêu, thì được gọi là tỷ
khiêu (nghĩa là khất sĩ, người ăn xin). Trên thì ăn xin Phật Pháp, dưới
thì ăn xin đồ ăn, đồ uống. Có người Trung Quốc giải thích Tỳ kheo
là so với ông Khưu, tức ông Khổng tử. Giải thích như vậy là chuyện
trò đùa. Thụ giới tỳ kheo trong vòng 5 năm cũng chưa được làm thầy dạy
đối với các bạn đồng đạo xuất gia. Sau 5 năm, lại thông hiểu giới
luật, mới có tư cách làm thầy dạy, gọi là Quỹ phạm sư, từ Ấn Độ
gọi là "A xà lê gia", làm nơi nương tựa cho người khác, dạy học
cho người khác. Trải qua hơn 10 năm rồi mới được gọi là "Thân
giáo sư", trải qua 20 năm nữa, được gọi là Thượng tọa, và sau 50
năm mới được tôn gọi là bậc "Trưởng Lão Tôn túc". Có thể
nói, hiện nay, ở Trung Quốc, người ta dùng từ "Hòa thượng", không
đúng với luật chế nhà Phật.
Từ "Ni cô" thường được
dùng để chỉ người phụ nữ xuất gia.
Ở Ấn Độ, người ta dùng chữ ni
để chỉ phụ nữ, với ý tứ tôn kính, chứ không dùng chữ ni để chỉ
riêng người phụ nữ xuất gia. Trong Phật giáo, phụ nữ mới xuất gia gọi
là "Sadini" xuất gia lâu năm, thụ giới tỳ kheo ni, gọi là Tỳ
kheo ni.
Dân Trung Quốc, người con gái chưa
lấy chồng gọi là cô, vì vậy gọi Sadini và Tỳ kheo ni là ni cô, gọi như
vậy cũng không có gì là coi thường. Vì vậy mà trong sách Truyền đăng lục,
các bậc đạo đức gọi các sư cô là ni cô. Thế nhưng, từ khi ông Đào
Tôn Nghi, đời nhà Minh viết cuốn Huế canh lục xếp ni cô vào hàng
"Tam cô lục bà" thì từ ni cô mới có ý tứ khinh miệt. Do đó, thời
gian gần đây, ni chúng không muốn người tại gia gọi họ là ni cô.
Dựa vào chữ Phạn, ni nghĩa là nữ.
Nếu thêm chữ cô nữa, thành ra nữ cô. Theo văn mà hiểu nghĩa thì dùng từ
như vậy là không thông rồi. Nữ là phân biệt với nam. Có nữ cô thì phải
có nam cô chăng ? Đã dùng chữ cô thì phải có đối từ, như gọi nữ đạo
sĩ là nữ đạo cô; tỳ kheo ni gọi là Phật cô; nữ tu sĩ của đạo Gia Tô
cũng nên gọi là Gia cô nếu không thì xem nặng bên này, xem nhẹ bên kia
là không phải.
Từ "cư sĩ" cũng không phải
là từ riêng của Phật giáo. Trong sách Lễ ký của Trung Quốc, vốn có từ
ngữ "cư sĩ cẩm tịch" nghĩa là chiếu gấm cho cư sĩ. Cư sĩ vốn
có nghĩa là ẩn sĩ có học.
Ở Ấn Độ, từ cư sĩ cũng không
phải là từ ngữ do Phật giáo tạo ra. Chữ Phạn gọi cư sĩ là Ca La Việt
dù là có tin Phật hay không, đã là học giả tại gia thì gọi là cư sĩ.
Phật giáo gọi Phật tử tại gia
là cư sĩ, bắt đầu từ kinh "Duy Ma Cật". Trong kinh, ông Duy Ma Cật
có 4 tên gọi : Phẩm "Phương tiện" gọi là Trưởng giả. Phẩm
"Văn Thù thăm bệnh" gọi ông là Thượng nhân và Đại sĩ. Phẩm
"Bồ Tát" gọi ông là Cư sĩ. Theo sự giải thích của các ngài La
Thập, Trí Giả, Huyền Trang v.v… thì Duy Ma Cật là một vị Bồ Tát sắp
thành Phật [Nhất sinh Bổ xứ Bồ Tát] ở cõi Phật A Sơ tại phương Đông,
và thị hiện thành tướng người tại gia để hóa độ chúng sinh. Vì vậy,
dùng từ cư sĩ để gọi Phật tử tại gia là có hàm ý xem cư sĩ là đại
Bồ tát. Có thể thấy, một cư sĩ xứng đáng với tên gọi đó phải là
một vị Bồ Tát Đại thừa, quyết không phải là một ẩn sĩ.
Thế nhưng, trong Kinh Trường A Hàm,
lại gọi đẳng cấp thứ ba, tức đẳng cấp Phệ Xá là cư sĩ, lại cũng
gọi vị quan coi ngân khố quốc gia là "cư sĩ báu", như vậy từ
cư sĩ có các nghĩa thương nhân, nhà kinh doanh, nhà doanh nghiệp.
68. THIỀN
SƯ, LUẬT SƯ, PHÁP SƯ LÀ GÌ [^]
Trong sách Luật Hữu Bộ - Tạp sự
quyển 13, Tỳ kheo chia làm 5 loại kinh sư, luật sư, luận sư, pháp sư và
thiền sư. Giới tụng kinh là kinh sư, giỏi giữ luật là luật sư. Giỏi về
nghĩa lý của Luận thì gọi là luận sư. Giỏi thuyết pháp là pháp sư. Giỏi
tu thiền là thiền sư. Thế nhưng trong Phật giáo Trung Quốc, người ta ít
nói tới Kinh sư và luật sư; còn luận sư, pháp sư và thiền sư thì được
nói tới rất nhiều.
Từ Thiền sư vốn được dùng để
chỉ vị tỳ kheo tu thiền. Vì vậy, cuốn "Tam đức chỉ quy" quyển
3 viết "Tu tâm tịnh lự là thiền sư". Nhưng ở Trung Quốc, từ
Thiền sư được dùng trong 2 trường hợp : Một là nhà vua dùng từ
"thiền sư" khi phong tặng những tỳ kheo có đức có học. Như vua
Trần Tuyên Đế, năm Đại Kiến nguyên niên, phong Hòa thượng Huệ Tư ở
Nam Nhạc là Đại thiền sư. Vua Đường Trung Tông, năm thứ 2 niên hiệu Thần
Long, sắc phong Hòa thượng Thần Tú là Đại Thông thiền sư. Trường hợp
thứ 2 là tăng sĩ ngày nay tôn gọi các cao tăng tiền bối là thiền sư. Càng
về sau, bất cứ một tỳ kheo nào có đôi chút danh vọng, đều được tôn
gọi là thiền sư.
Từ "luật sư" chỉ cho những
tỳ kheo khéo giữ gìn và giải thích giới luật. Chỉ xứng đáng gọi là
luật sư, những vị tỳ kheo học giới, trì giới, khéo giải thích, xử
lý, và giải đáp mọi vấn đề có liên quan tới giới luật. Địa vị của
luật sư trong Phật giáo tương đương với học giả pháp luật, pháp quan,
đại pháp quan ở thế gian. Các tỳ kheo và tỳ kheo ni nói chung, tuy giữ giới
không phạm, nhưng chưa chắc đã thông hiểu toàn bộ luật tạng. Cho nên một
tỳ kheo, muốn trở thành một luật sư xứng đáng với tên gọi đó, cũng
không phải là chuyện đơn giản. Pháp sư là người khéo học Phật pháp
và khéo thuyết pháp. Trong quan niệm của mọi người nói chung, pháp sư phải
là tỳ kheo. Kỳ thực thì không phải. Trong sách Phật, quan niệm về Pháp
sư rất là rộng rãi, và không hạn chế ở Tăng ni. Như Phẩm Tựa trong
kinh Pháp Hoa viết : "Thường tu Phạm hạnh, gọi là pháp sư". Sách
Tam Đức chỉ quy, quyển I viết : "Tinh thông kinh luật gọi là pháp sư".
Sách "Nhân Minh đại sớ" viết: "Pháp sư là bậc thầy thực
hành Phật Pháp". Lại có người cho rằng lấy Phật Pháp tự dạy
mình và dạy người gọi là pháp sư. Do đó, cư sĩ tại gia cũng có tư cách
gọi là pháp sư. Thậm chí, súc sinh như loại giã can [giống như chồn
nhưng thân nhỏ] khéo thuyết pháp cũng tự xưng là pháp sư đối với Thiên
Đế. [Vua Đế Thích. Người dịch chú]. Vì lý do ấy cho nên, Lão giáo chịu
ảnh hưởng của đạo Phật, gọi các đạo sĩ giỏi bùa chú là pháp sư.
Có thể thấy, từ pháp sư không phải là từ chuyên dụng để chỉ tỳ
kheo Phật giáo.
Theo yêu cầu do Phật chế định, tôi
cho rằng, người xuất gia theo đạo Phật, đối với người thế tục nên
tự xưng là tỳ kheo (Sadi) hay tỳ kheo ni (Sadini), hay tự xưng là Sa môn.
Tín đồ tại gia, đối với người xuất gia, có thể nhất luật gọi A
xà lê (hay Sư phụ), cư sĩ tự gọi là đệ tử, nếu không muốn thì gọi
bằng tên họ mình. Cũng có người tự gọi là "học nhân" nhưng
theo nghĩa Kinh Phật thì từ học nhân chỉ cho các bậc Thánh chứng sơ quả,
nhị quả hay tam quả. Người xuất gia thì gọi là xuất gia; nếu là trưởng
lão thì gọi là trưởng lão; Thượng tọa thì gọi là Thượng tọa. Nếu
bằng vai với nhau, thì gọi là "tôn giả", hay một cách thân thiết,
gọi là anh, là sư. Trong thời Phật còn tại thế, hàng tỳ kheo xưng hô với
nhau, thường là bằng tên họ đạo; Tỳ kheo gọi tỳ kheo ni là chị, em.
Trong ni chúng, cũng dùng các từ hương lão, thượng tọa tương đương với
bên tăng; bằng vai vế nhau thì gọi là chị, là em. Còn người ngoài gọi
tỳ kheo và tỳ kheo ni thì theo tập quán. Nếu vị tỳ kheo đó đích xác
có tư cách là thiền sư, luật sư, pháp sư, thì cứ gọi họ bằng các xưng
hô đó. Như ngày nay có thông lệ gọi tỳ kheo, tỳ kheo ni đều là pháp sư
cả, không kể trình độ và tư cách họ thế nào, thì quả là không hợp
với yêu cầu vậy.
Mục
lục | 1-7 | 8-16 | 17-23
| 24-35 | 36-43
| 44-55 | 56-63
| 64-68 | 69-70
| Phụ lục