- Phật Giáo Chính Tín
- HT. Thích thánh Nghiêm
- Phân Viện Nghiên Cứu Phật
Học dịch
56.
THIỀN TÔNG CÓ PHẢI LÀ THIỀN ĐỊNH KHÔNG [^]
Không phải. Thiền tông khác với
thiền định. Bởi vì Thiền tông tuy chủ trương tham thiền nhập định,
nhưng thiền định không phải là thiền tông.
Từ "Thiền tông" là do
Trung Quốc đặt ra. Khi Phật còn tại thế, không có danh từ Thiền tông,
mà chỉ có công phu thiền và nội dung thiền. Phương pháp tu trì giải
thoát của đạo Phật lấy giữ giới làm cơ sở, lấy thiền định làm trọng
tâm, lấy trí tuệ làm mục đích. Giới Định Tuệ là ba môn vô lậu học,
thiếu một môn là không được. Ba môn học này liên quan với nhau, hỗ trợ
nhau; do giới mà sinh định, do định mà phát tuệ. Nhờ tu tuệ mà chứng
đạo giải thoát. Định tức là Thiền định.
Thực ra, thiền tông Trung Quốc chú
trọng giác ngộ chứ không chú trọng thiền định.
Đồng thời, thiền định cũng có
rất nhiều loại. Có phép thiền định xuất thế của đạo Phật, gọi là
diệt tận định [diệt tận hết phiền não], lại có phép thiền định
thế gian của Ngoại đạo, phàm phu và cả của giới súc sinh nữa; đó là
cái mà tính thường gọi là bốn thiền tám định. Bốn thiền tám
định cũng là quá trình tu tập định xuất thế của đạo Phật. Chỉ có
khác là ngoại đạo tu tập thế gian định để cầu sinh lên cõi Trời,
còn Phật giáo tu tập thế gian định là để tiến lên định xuất thế
gian. Vì vậy mà Thiền ngoại đạo gọi là thế gian thiền; thiền Phật
giáo gọi là căn bản tịnh thiền.
Thiền định Phật giáo cũng chia làm
Tiểu thừa thiền và Đại thừa thiền. Tiểu thừa thiền nhằm mục đích
giải thoát khỏi sinh tử. Đại thừa thiền nhằm mục đích nghệ thuật
hóa cuộc sống, ví dụ như Thiền tông Trung Quốc, cho rằng chẻ củi,
gánh nước cũng đều là Thiền; ăn cơm, ngủ nghỉ cũng là định tâm;
chú trọng giữ gìn được tinh thần an định, không giao động, chứ không
yêu cầu hình thức ngồi thiền định bất động.
Hơn nữa, thiền và định kết hợp
dịch âm và nghĩa từ chữ Phạn Dhyana, có ý nghĩa tĩnh lự [yên
lặng mà suy nghĩ] cho nên cũng có thể dịch là định. Tuy nhiên, hai chữ
thiền định cũng nên phân biệt. Thiền là tâm cảnh của cõi trời sắc
giới, vì vậy mà sắc giới còn có tên gọi là Tứ thiền thiên
(các cõi trời bốn thiền). Còn định là tâm chuyên nhất. Tâm chuyên nhất
là tâm trạng có thể có ở Dục giới, và cũng có thể là ở cả cõi Trời
vô sắc. Thậm chí, cả xuất thế định siêu việt 3 giới, cũng vẫn có
các tâm chuyên nhất đó. Vì vậy, phạm vi của thiền là hẹp. Phạm vi của
định là rộng. Thiền cũng là một loại định. Nhưng cũng có người gọi
xuất thế định là xuất thế gian thượng thượng thiền.
Và gọi định của ngoại đạo trình
độ thấp là Giã hồ thiền, tức là thiền của cáo hoang.
Từ định trong tiếng Phạn ngoài
chữ tam muội ra, còn có những tên gọi khác nữa là : Tam ma địa Tam ma bát
để; Tam ma tất đa Đà na diễn na Xa ma tha Hiện pháp an lạc. Chất đa y ca
A yết la đa v.v…
Vì rằng, phàm đã là Thánh thì đều
có định tâm, thậm chí có người Ấn Độ gọi nam nữ giao hợp là Tam ma
bạt để, là thư hùng đẳng chí. Bởi vì lúc giao hợp cũng có tâm ý tập
trung, niềm vui dâm dục tràn khắp thân người, giống như hiện tượng định
tâm vậy. Đến nỗi, có người đề xướng các thuyết như tính mạng
cùng tu, thân tâm cùng tu, cho rằng có thể tu định trong niềm vui dâm dục
của nam nữ [xem cuốn Đạo thành Phật của Pháp sư Ấn Thuận; tr. 144]. Ý
nghĩa tu định bị hạ thấp tới mức nhơ bẩn đến thế, thực là đáng
thương hại vậy ! Thế nhưng, điều này cũng cho ta thấy, Ấn Độ có một
quan niệm rất rộng rãi về định tâm, có thể nói là khác với tôn chỉ
của Thiền tông Trung Quốc như một trời một vực vậy.
Chính vì thiền định không phải
là thiền tông, cho nên trong các tôn giáo trên thế giới, hễ có đôi chút
hiệu nghiệm thần bí đều là do công phu thiền định mà ra, dù rằng đó
là do trì chú, lễ bái, tụng niệm hay là cầu đạo mà được.
Vì vậy cho nên, phàm phu và cả đến
loại súc sinh nữa như cáo chồn, chỉ cần tâm chuyên nhất vào một cảnh
là có ngay ít nhiều hiệu nghiệm thần bí, gọi là thần thông. Nhưng, đó
hoàn toàn không phải là thiền tông Phật giáo. Vì Thiền tông Phật giáo
tuyệt đối không có chủ trương tự cho có phép thần thông.
57. ĐỐN
VÀ TIỆM LÀ THẾ NÀO [^]
Nhiều người hiểu nhầm trong vấn
đề đốn và tiệm, cho rằng pháp môn đốn giáo khác hẳn với pháp môn
tiệm giáo; có nhiều người ham chuộng cái dễ dàng tiện lợi, cho nên đề
cao đốn giáo và bài bác tiệm giáo. Mọi người đều biết, Thiền tông
chủ trương đốn ngộ. Không lập văn tự và chỉ thẳng vào nguồn tâm,
chủ trương niệm trước mê là chúng sinh, niệm sau ngộ là Phật. Ngoài
Thiền tông ra, không có một tông phái Phật giáo nào khác có một quan điểm
"cấp tiến triệt để" như vậy, do đó mà có nhiều người tu
theo Thiền tông, đôi lúc cũng phê bình những người học theo tiệm giáo,
là theo đường lối tri giải [tri thức hiểu biết].
Thực ra, hai pháp môn tiệm và đốn
là 2 mặt của một thể : đốn là do tiệm mà tới đốn; tiệm là nhân đốn
mà có tiệm. Không có tiệm thì cũng không có đốn; Có đốn, tất trước
đó có tiệm. Tiệm là nhân của đốn. Đốn là kết quả của Tiệm.
Về vấn đề này, từ năm 47 của
Dân quốc, tôi đã có nhận thức như sau : "Cái gọi là đốn là điểm
đột phá cuối cùng của một niệm, hay là sự thành thục chín mùi của
cái duyên cuối cùng… cũng như, một quả trứng gà đã được ấp 20 ngày
rồi, nếu con gà con không đủ sức để phá vỡ vỏ trứng, thì chỉ cần
gà mẹ mổ nhẹ một cái là con gà con thoát ra khỏi vỏ trứng ngay. Gà mẹ
mổ, là cái duyên cuối cùng, giúp cho gà con thoát khỏi vỏ trứng. Chúng
ta học Phật cũng vậy. Nhờ trong các đời sống trước, căn cơ đã được
bồi dưỡng sâu dày, cho nên đến đời này, mới nghe qua vài ba câu của
đạo, đã bừng tỉnh và vượt phàm, bước ngay vào hàng ngũ bậc Thánh :
vì vậy, cái gọi là đốn ngộ cũng không có gì là thần bí cả". [Phật
giáo nhân sinh và tôn giáo; tr. 78]
Do đó, nếu đứng ở quả vị Phật
mà nhìn chúng sinh thì tất cả chúng sinh đều có đầy đủ đức tướng
trí tuệ của Như Lai, đều có khả năng thành Phật, vì vậy Phật xem
chúng sinh là bình đẳng với Phật, đó chính là đốn giáo. Nếu đứng
ở lập trường chúng sinh mà nhìn Phật thì chúng sinh tuy có khả năng thành
Phật, nhưng muốn thành Phật thì phải qua một thời gian dài tu hành, Kinh
qua 52 thứ bậc mới đạt được tới quả vị Phật, đó là nói về tiệm
giáo. Khi công phu tiệm tu được tròn đầy thì quả vị Phật cũng được
thành tựu, và dưới gốc cây Bồ Đề, bậc vô thượng chính đẳng giác
"ra đời".
Nói ngược lại, đốn là sự bắt
đầu của tiệm. Tiệm chính là đốn trong thực tiễn. Đốn là sự xuất
phát của tiệm. Tiệm là đốn kéo dài.
Bởi vì đốn ngộ mà Thiền tông
Trung Quốc nói là chữ giác ngộ tri kiến của Phật. Kinh Pháp Hoa phân chia
sự chứng ngộ tri kiến Phật thành "bốn giai đoạn của 2 mặt" gọi
là "Khai, thị, ngộ, nhập". Khai thị là công việc của Phật, do
Phật làm cho chúng sinh, chỉ bày cho chúng sinh thấy. Như vậy, gọi là khai
thị. Ngộ nhập là công việc cho chúng sinh tự làm. Chúng sinh hiểu rõ tự
tính vốn có của mình là có thể thành Phật. Đó gọi là ngộ. Sau khi ngộ
rồi bèn tu hành đúng pháp, mới có thể vào được cửa tri kiến của Phật.
Nếu nói về thứ bậc thì ngộ Phật tri kiến mới là Bồ Tát còn ở địa
vị phàm phu, chưa chứng sơ địa. Còn nhập Phật tri kiến là chỉ vị Bồ
Tát từ sơ địa trở lên, đã đứng vào hàng Thánh. Bởi vì, chỉ có từ
sơ địa trở lên, mới có khả năng từng phần một, đoạn trừ vô minh,
từng phần một chứng ngộ tự tính. Từ sơ địa trở về trước, chỉ là
công phu chuẩn bị mà thôi.
Có thể thấy, đốn ngộ là giác
ngộ pháp tính tức là giác ngộ Phật tính. Đốn ngộ chưa phải là thành
Phật. Tiệm tri là tu tập công đức sự tướng; chỉ có tiệm tu tích lũy
dần dần mới có thể thật sự thành Phật. Lý thì đốn ngộ, sự thì tiệm
tu. Đó chính là giải đáp vấn đề đốn tiệm. Cái đốn mà Thiền tông
nói chính là đốn ngộ về lý.
Trên đây là đứng trên lập trường
giải thích giáo nghĩa mà trình bày. Nếu xét theo bản thân Thiền tông
Trung Quốc mà nói, thì lại không phải như vậy. Bởi vì Thiền tông Trung
Quốc nói tới một sự đốn ngộ không có thứ bậc. Đốn ngộ là đốn
ngộ, tựa hồ không có quan hệ gì với tiệm tu. Khi đốn ngộ tức là
giác ngộ về thực tính Chân Như vốn có như vậy rồi. Nhưng đó là điều
mà con người bình thường nói chung không thành được.
Thiền tông cho rằng, khi sử dụng
công tham thiền đã chín mùi rồi, thì tuy chưa bước vào hàng ngũ thánh của
Bồ Tát từ sơ địa trở lên, nhưng trong giây phút đốn ngộ, hoạt động
của thức thứ bảy và thức thứ tám tạm thời bị ngưng chỉ, tâm không
ở trạng thái hiện tượng sáng suốt [vốn là như vậy]. Cũng như một bầu
trời mây đen bao phủ, bỗng nhiên mù tan, mây hết chỉ còn lại cả một
bầu trời sáng lạn không mây ! Tuy rằng, kinh nghiệm thực chứng này chỉ
xảy ra trong thời gian hết sức ngắn ngủi, và chỉ sau một lát lại bị
phiền não vô minh bao phủ như xưa. Thế nhưng, một người đã được nhìn
qua một lần chân như thực tính bản lai là như vậy, so với một người
chưa từng được thấy qua, thì khác nhau rất nhiều. Đó là cái mà Thiền
tông Trung Quốc gọi là đốn ngộ. Nhưng, đốn ngộ rồi còn phải dụng
công tu hành, bởi vì cái vốn thành Phật vẫn chưa được tích lũy đầy
đủ vậy.
58. TỐT
NHẤT NÊN TU HỌC THEO TÔNG PHÁI NÀO [^]
Đoạn trước đã nói, sở dĩ có
nhiều tông phái Phật giáo là do căn tính khác nhau và thời đại hoàn cảnh
khác nhau của những người học Phật.
Nếu phải đứng trên lập trường
căn bản của Phật giáo mà nói rằng các tông phái là thừa, và nếu chấp
nhận như vậy, thì đó không những thiệt thòi cho cá nhân người học Phật
mà cũng là điều bất hạnh cho Phật giáo nói chung. Cũng như người Ninh
Ba ở Triết Giang thích ăn thức ăn hôi, người Hồ Nam thích ăn rất cay.
Người Sơn Đông thức ăn cay vừa phải, người Sơn Tây thích ăn chua… Vậy
thì giải quyết vấn đề nên ăn và không nên ăn món ăn gì nào ?
Nội dung Phật giáo là bao la rộng
rãi. Tuy không phải là khoa học nhưng không phản lại khoa học, tuy không
phải là triết học nhưng siêu việt học, tuy không phải là văn học,
nhưng lại có văn học, tuy không phải là mỹ học, nhưng sáng tạo và biến
đổi cả mỹ học; tuy không phải là tôn giáo, nhưng không thiếu tố chất
tôn giáo.
Chúng ta tu học Phật pháp, nên chọn
tôn phái gần gũi với căn tính của mình, tôn phái mà mình cảm thấy hứng
thú, dùng tôn phái đó làm phương tiện nhập môn. Trong 8 tông Đại thừa
của Trung Quốc, thì Duy Thức gần gũi với khoa học, Tam Luận gần triết
học, Hoa Nghiêm, Thiên Thai gần văn học, Chân Ngôn, Tịnh Độ gần mỹ học.
Còn Thiền tông là cốt lõi trung tâm của Phật pháp, vì vậy mà đại sư
Thái Hư nói : "Đặc chất của Phật giáo Trung Quốc là thiền". Bất
cứ một tông phái nào cũng đều có thể quy về tinh thần Thiền. Còn Luật
tông là cơ sở của toàn bộ Phật giáo. Tầm quan trọng của nó đối với
toàn bộ đạo Phật cũng giống như "Lục pháp toàn thơ" đối với
nước Trung Quóc vậy. Vì vậy, nghiêm túc mà nói, Luật tông không nên lập
thành tông phái riêng. Luật tông nên thuộc về tất cả các tông; còn nói
về tố chất tôn giáo thì tông phái nào cũng có.
Ở Trung Quốc, từ cuối đời nhà
Đường về sau, Thiền tông đặc biệt hưng thịnh. Sau đó Thiền Tịnh hợp
nhất lại. Gần đây, Thiền Tông có 2 đại sư là Ký Thiền và Hư Vân Tịnh
độ tông có ngài Ấn Quang. Luật tông có ngài Hoằng Nhất. Thiên Thai có
ngài Đế Nhàn, Hoa Nghiêm có ngài Nguyệt Hà. Duy Thức có ngài Âu Dương Kính
Vô (Tiệm).
Thế nhưng, đại thể mà nói, trong
dân gian, hai phái Thiền và Tịnh có ảnh hưởng mạnh nhất. Còn trong giới
học thuật thì ảnh hưởng của Tông Duy Thức tương đối lớn. Mật Tông
tuy cũng thịnh hành, nhưng rất tạp loạn.
Đáng chú ý nhất là việc làm của
đại sư Thái Hư và các học trò của ông. Họ không câu nệ vào một
tông, một phái, mà dựa vào tinh thần cơ bản của Phật pháp, xem xét lại
các tông phái, phá bỏ giới hạn giữa các tông phái, trả mỗi tông phái
về địa vị vốn có của nó. Đại sư Thái Hư dùng 3 hệ thống lớn,
thâu nhiếp các tông phái Đại thừa; tức là :
- - Pháp tướng duy thức tông
- - Pháp tính không tuệ tông
- - Pháp giới viên giác tông
Do đó, trừ 2 tông Duy Thức và Tam
Luận ra [mỗi tông thành một hệ], các tông phái còn lại đều thuộc về
pháp giới viên giác tông. Học trò Thái Hư là pháp sư Ấn Thuận sửa đổi
lại 3 hệ của Thái Hư như sau :
- - Tính không duy danh luận
- - Hư vọng duy thực luận
- - Chân thường duy tâm luận
Đại sư Thái Hư cho rằng Pháp giới
viên giác là hoàn thiện nhất. Pháp sư Ấn Thuận cho rằng Tính không duy
danh là rốt ráo nhất. Thái Hư cả đời đề cao Khởi tín luận và kinh Lăng
Nghiêm. Ấn Thuận thì dựa vào giáo nghĩa các bộ A Hàm, quán triệt tư tưởng
không của Bát Nhã. Mọi người nói ông theo Tam Luận tông, nhưng ông cho
là không phải, bởi vì Tam Luận tông của Trung Quốc chịu sự chi phối của
tư tưởng Trung Quốc; không còn có sắc thái không tôn của Ấn Độ nữa.
Sự thực, dù là gọi bằng danh từ
nào, hay là đặt ở chỗ nào thì hoa thơm vẫn là hoa thơm; các bậc cổ đức
xưa nay phán giáo hay nhiếp giáo, đều chỉ nhằm giúp mọi người hiểu rõ
nội dung của Phật pháp, phương pháp và hệ thống của sự nghiên cứu
mà thôi. Nếu đã muốn tu học, đã bắt tay tu tập thì "các phái đều
dẫn đến Niết Bàn". Bởi vì trong Phật pháp, chỉ có sự khác biệt
về sâu hay nông, thiên lệch hay là tròn đầy, chứ không chuyện thị hay
phi, tốt hay xấu. Nông chính là cơ sở của sâu; sâu là do từ nông tiến
lên. Thiên lệch là bộ phận của tròn đầy; tròn đầy chính là sự tổng
hợp của mọi cái thiên lệch; thế nhưng đã bắt tay nghiên cứu thì đường
hướng phải phân minh; vì vậy mà phải có phán giáo và nhiếp giáo.
Thế nhưng, đến nay, chúng ta cần
chú ý là tám tông phái Đại thừa đã rút xuống thành ba tông. Ranh giới
giữa tám tông đã bị xóa bỏ; cả đến giới hạn giữa Đại thừa và
Tiểu thừa cũng không còn tồn tại. Toàn bộ Phật giáo đã thống nhất lại.
Nếu có một người nào đó muốn tu theo một lòng, một phái với hy vọng
trở thành Tổ sư thuộc thế hệ mấy đời của Tông phái mình thì đó quả
là chuyện không cần thiết.
Trên thực tế, các cao tăng đời
trước, không phải người nào cũng là Tổ sư của các tông phái, và dù
cho môn đệ của ông ta có ghi tên ông vào sách "Tự pháp môn
nhân" [Học tu được truyền pháp] thì ông ta cũng không chắc là
một cao tăng có chứng ngộ. Còn sự phân biệt Đại thừa và Tiều thừa
cũng không được Thượng tọa Bộ Phật giáo Nam truyền hoan nghênh. Người
Trung Quốc gọi họ là Tiểu thừa, thì họ nói Đại thừa không phải là
Phật giáo - Cái lối chia thành các khúc sông ra để uống nước như vậy,
không thể gọi là hợp lý được.
Đương nhiên, đối với một người
mới vào đạo Phật, hay là chuẩn bị vào đạo Phật thì việc lựa chọn
là cần thiết. Theo quan điểm của cá nhân tôi thì Tỳ kheo và tỳ kheo ni
mới xuất gia trước hết phải học Luật nghi của Tăng Ni, nhưng không cần
thiết phải tham gia Luật tông. Cư sĩ tại gia lớn tuổi nên chuyên tâm niệm
Phật, nhưng cũng không cần thiết phải dựa vào Tịnh Độ tông; cũng bất
tất phải niệm danh hiệu Phật A Di Đà; bởi vì còn có Phật Di Lặc ở nội
viện Đâu Xuất, Phật Dược Sư và Phật A Sơ ở phương Đông v.v… còn nếu
các vị muốn tiếp cận Phật giáo về mặt tư tưởng học thuật, thì
nên nghiên cứu hai hệ tư tưởng lớn "Bát Nhã không" và "Duy
Thức hữu", bao hàm nhiều chân giá trị tư tưởng phong phú xứng đáng
được tìm hiểu khai thác.
Đứng về hành trình tu học đạo
mà nói, có thể chia làm hai loại : Một loại là đạo khó thực hành, một
loại là đạo dễ thực hành. Thế nào là đạo khó thực hành ? Từ khi mới
phát Bồ đề tâm, từ đời này qua đời khác, hành Bồ Tát đạo, hy sinh
bản thân mình để cứu độ chúng sinh. Đó là dựa vào nguyện lực của
tự thân, tiến hành công tác độ sinh từ kiếp này sang kiếp khác. Đó
là con đường tu hành phi thường gian khổ; nếu nguyện lực không đủ kiên
cường, thì tái tam ba bận, nửa đường thoái lui. Nhưng nếu so với hành
trình của những người theo đạo dễ thực hành, thì hành trình nói trên
lại nhanh chóng đưa người tu hành đến quả vị Phật hơn. Đạo dễ thực
hành là con đường tu hành cầu vãng sinh vào các cõi Phật (Tịnh độ) hình
thành nhờ nguyện lực của chư Phật, đi bồi dưỡng trí tuệ của mình,
tức là vẫn giữ thân phận phàm phu mà vãng sinh về cõi Phật rồi ở
cõi Phật mà bồi dưỡng trí tuệ, dần dần đạt trình độ "bất thoái"
cho tới quả vị Thánh; sau đó mới trở lại phàm giới, hành đạo Bồ Tát,
độ khắp chúng sinh. Hành đạo theo lối này thì tương đối an toàn vững
chắc, nhưng lại chậm chạp đi vòng.
Người không có lòng tự tín, hay
là đức tin và nguyện lực không đủ kiên quyết, thì tốt nhất nên tu đạo
dễ hành.
Giá trị tôn giáo và tác dụng của
đạo dễ hành có thể nói là tương đương với phép tu cầu lên Thiên đàng
của đạo Gia Tô; tuy rằng nội dung phép tu hai bên có khác nhau, thế nhưng
cả hai bên đều nhấn mạnh đức tin. Hơn nữa, đạo Gia Tô nói "tin tưởng,
hi vọng, tình thương", Phật giáo thì nhấn mạnh "niềm tin, phát
nguyện, hành động"; đạo Phật và đạo Gia Tô đều nói thế ba chân
của một cái vạc như vậy. Còn Phật giáo thì lấy sức mạnh của bản
thân chúng sinh, cảm thông với chư Phật để được sinh vào cõi Phật,
cùng ở với Phật. Vì vậy, ngoại trừ niềm tin mù quáng ra, còn có sự cần
thiết phải thuận theo nguyện lực của chư Phật, mới có thể vãng sinh xứ
Phật. Về điểm này, hiện nay, những người niệm Phật cầu vãng sinh về
cõi Phật rất ít chú ý; đồng thời, khi chúng ta tu học Pháp môn Tịnh Độ
là pháp môn dễ tu, chúng ta phải biểu hiện lòng chí thành khẩn thiết
trong lời nói và hành vi sinh hoạt hàng ngày. Chúng sinh ở cõi Phật, có ý
nghĩ, lời nói và hành động đều trong sạch. Chúng ta làm phàm phu, không
thể tuyệt đối thanh tịnh được thì cũng phải cố gắng hết sức giữ
thân tâm thanh tịnh, tức là giữ năm giới mười thiện. Nếu tâm cần
vãng sinh cõi Phật mà thân hành lại không trong sạch thì hy vọng khi lâm
chung được vãng sinh cõi Phật thì đó là chuyện còn rất đáng ngờ !
Bản chất của đạo Phật là coi
trọng trí tuệ, nhưng đứng trên lập trường tôn giáo mà nói, trí tuệ
không phải chỉ là phương pháp nhập đạo mà là mục đích của việc tu
học Phật Pháp. Cố nhiên, có người tiến từ hiểu biết đến tín ngưỡng
và hành động thực tiễn; nhưng lại có một số người đông hơn, tin Phật,
học Phật, mà không trải qua sự khảo nghiệm của hiểu biết giáo nghĩa,
và chỉ qua thực tiễn của tín, nguyện, hành mà cũng đạt được mục đích
như mong cầu. Bản thân tín, nguyện, hạnh lại không cần có sự hỗ trợ
của hiểu biết bằng trí tuệ. Do đó, những người không hiểu giáo nghĩa,
hay là không có khả năng lãnh hội giáo nghĩa, cũng có thể tin Phật, học
Phật. Tuy họ không hiểu giáo nghĩa, nhưng vẫn đạt được ích lợi thực
tế của tín ngưỡng tôn giáo; cùng người tu Tịnh độ có đủ cả 3 loại
trình độ cao thấp và trung bình thậm chí cũng có người học rất giỏi,
thế nhưng về đại thể mà nói, thì việc tu học pháp môn Tịnh độ thuộc
loại hình pháp môn dễ tu, dễ hành. Lại như Thiền tông Trung Hoa chủ trương
"bất lập văn tự", chủ trương "triệt đường ngôn ngữ, bỏ
hết tư duy". Thiền tông không đòi hỏi tri thức phong phú, chỉ nhờ
siêng năng tu hành, mà có được ánh sáng trí tuệ, được "khai ngộ".
Chính vì vậy mà Thiền tông thích hợp với người Trung Quốc không cần
"hiểu biết sâu", chú trọng thực tiễn. Thiền tông không phải
là mê tín. Trong ngữ lục của các cao tăng thuộc Thiền tông, không một
chữ, một lời nào không phải là kết tinh của trí tuệ !
Vì vậy, hai tông Thiền và Tịnh
là hai tông được người Trung Quốc hoan nghênh nhất từ hơn 1000 năm nay;
chúng không đòi hỏi một sự hiểu biết giáo nghĩa sâu sắc để nhập đạo,
thế nhưng cũng do vậy mà sinh ra một số tệ lậu, khiến cho một số người
trình độ thấp, tu học mù quáng, tự cho rằng chỉ có mình là đúng, còn
mọi người khác đều sai tất cả !
59. THÁI
ĐỘ CỦA PHẬT TỬ ĐỐI VỚI KINH PHẬT NHƯ THẾ NÀO [^]
Kinh điển Đại thừa và Tiểu thừa
Phật giáo nhiều không kể xiết. Còn việc kinh Phật được kết tập đại
quy mô thành văn tự thì chỉ xảy ra nhiều thế kỷ sau khi Phật nhập diệt.
Tuy rằng, đọc Luật tạng, chúng ta biết vào thời Phật còn tại thế, đã
có một số kinh Phật được chép thành văn tự rồi [xem các cuốn 44, 48 của
Luật căn bản Hữu Bộ, cuốn 4 Tạp sự, cuốn 3 Dược sự] nhưng số kinh
ấy không nhiều. Trong thời kỳ đầu, phần lớn kinh Phật đều được
truyền tụng bằng miệng. Bởi vì ở Ấn Độ, xưa nay, các sách Thánh đều
do thầy truyền miệng cho trò [Xin nhắc là các kinh Phệ đà của Bà La môn
Giáo đều không dùng văn tự ghi chép]. Do đó, tạo thành tập quán và năng
lực của dân Ấn Độ nhớ rất giỏi. Một học giả đọc thuộc lòng 10
vạn bài tụng là chuyện bình thường. Hiện nay, ở Miến Điện, có tỳ
kheo đọc thuộc lòng cả 3 tạng và được gọi là pháp sư ba tạng, ngay Hồ
Thích cũng nói : "Các vị hòa thượng Ấn Độ thật kỳ lạ, có thể
đọc thuộc lòng một lúc 2, 3 vạn câu kệ" [Văn học sử bạch thoại].
Thế nhưng, nếu dựa vào phương pháp
thầy trò truyền đạo tụng kinh sách cho nhau, không thể đảm bảo không
có sai sót, hơn nữa, trong tập quán thầy trò truyền thừa của dân tộc
Ấn Độ, hình thành niềm tin tuyệt đối với thầy. Thời gian trôi qua, đối
với một sự việc, hình thành nhiều truyền thuyết kháu nhau, tuy cũng không
phương hại gì nhau. Trò nào tin thầy ấy. Do đó mà có khả năng, đem một
số truyền thuyết trong nền văn hóa xưa của Ấn Độ, du nhập thành một
bộ phận của nội dung kinh điển nhà Phật, mà người làm việc đó cũng
hoàn toàn không có chủ tâm, dụng ý gì cả. Hơn nữa, dân tộc Ấn Độ
xưa nay vốn không xem trọng công tác khảo chứng lịch sử. Do đó mà trong
Kinh Phật, ghi chép nhiều điều mâu thuẫn về thời gian và sự kiện, nhất
là đối với bộ phận Luận tạng [Phật giáo có ba tạng Kinh, Luật, Luận.
Tính chất của Kinh, Luận, giống như Kinh Tân, cựu ước của Gia Tô, Luận
giống như sách thần học của Gia Tô]. Phần lớn Luận tạng là do luận sư
các bộ phái trước tác cho nên kiến giải bất đồng phải có nhiều.
Do đó, một phật tử chính tín, đối
với kinh Phật, phải có thái độ vô cùng trân trọng, nhưng cũng bất tất
phải tiếp thu mọi câu, mọi chữ. Phải tìm chính pháp Phật giáo ở trong
Kinh Phật, nhưng đối với sự ghi chép trong Kinh, vẫn phải giữ thái độ
suy xét, cân nhắc [nếu như bản thân mình có năng lực thẩm tra, suy xét].
Nhưng đứng về đại thể mà nói,
đối với những kinh Phật đang lưu hành hiện nay và đã được lịch sử
khảo nghiệm, mọi người đều có thể tin tưởng phụng hành; bởi vì tư
tưởng chủ yếu của các kinh đó là chính xác. Nếu ngẫu nhiên, trong chữ
nghĩa, pháp số, truyền thuyết, kiến giải mà có mâu thuẫn thì cũng thuộc
về những vấn đề chi tiết, không phải là vấn đề cơ bản. Cho nên,
nói chung, chúng ta không nên hoài nghi về tính chân thực, đáng tin cậy của
các kinh Phật. Tốt nhất là tham hỏi các pháp sư có trình độ Phật học
cao, để nhờ hỏi giải thích những giáo nghĩa mà tự mình không hiểu
được. Bởi vì có nhiều danh từ và khái niệm thuộc về cảnh giới tu
chứng, nếu bản thân mình không đọc nhiều kinh Phật và không có công
phu thể nghiệm thực tiễn, thì sẽ không tài nào hiểu được.
Kinh điển Phật giáo rất nhiều.
Trung Quốc dịch kinh điển Phật hơn 1000 năm, cũng không biết rõ đã dịch
được mấy vạn quyển ! Số kinh sách Phật đã được dịch và lưu hành,
kể cả các bộ chú giải, giảng thuật của người Trung Quốc gồm hơn
3000 bộ, cộng tất cả là hơn 1 vạn 5 nghìn cuốn (chưa kể các kinh sách
Phật lưu hành ở Tây Tạng, Nhật Bản và các nước khác thuộc Phật
giáo Nam truyền). Cho nên, hiện nay, vẫn chưa xác định được những kinh
điển nào là chủ yếu nhất. Đối với những người đầu tiên tìm đọc
sách Phật thì tốt nhất nên đọc các sách về Phật giáo sử và Phật
giáo khảo luận. Loại sách nhập môn đó, sẽ chỉ bày rõ sau khi đọc, sẽ
còn phải làm gì nữa, đọc gì nữa. Bản này chỉ có thể giới thiệu vấn
đề một cách thông tục, cạn cợt. Còn việc chỉ đạo nghiên cứu đi sâu
hơn thì không thuộc phạm vi bài này.
60. KINH
SÁCH PHẬT GIÁO CÓ PHẢI LÀ KHÓ HIỂU KHÓ ĐỌC [^]
Vấn đề này nên chia thành 2 đáp
án : Một đáp án là phủ định. Một đáp án là khẳng định.
Hiện nay, nói chung, lớp người trẻ
thường trách sách Phật giáo khó hiểu, khó đọc. Đây là do họ đọc sách
Phật quá ít, đồng thời cũng chưa được đọc đại bộ phận Kinh Phật,
như Kinh Đại Bát Nhã, Kinh Đại Niết Bàn, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa,
Kinh Duy Ma Cật v.v… họ đều chưa được đọc qua. Còn các bộ Kinh A Hàm
lại càng có ít người đọc. Thực ra, muốn đọc kinh Phật, trước hết
phải đọc bộ A Hàm, sau đó, đọc các kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Niết Bàn,
Bát Nhã, v.v… Nếu được như vậy, tôi tin rằng họ sẽ cảm thấy kinh
Phật không khó đọc và gây nhàm chán như một số sách khác. Nhiều người
cho rằng, sách Tân, cựu ước của đạo Gia Tô dễ hiểu dễ đọc, nhưng
thực ra, rất ít người trong số giáo đồ đạo Cơ Đốc, đọc hết sách
cựu ước. Sách Tân ước gồm có 4 phúc âm và dễ đọc hơn. Trong lớp Phúc
âm, thì Phúc âm của thánh Ma Thiên là viết tốt hơn cả.
Đặc sắc của kinh Phật là dùng
thể tài cố sự [truyện xưa] để mô tả tư tưởng và cảnh giới Phật
giáo, khéo dùng hình tượng và thí dụ để nói lên những đạo lý siêu
hình và trừu tượng; vì vậy, Hồ Thích cho rằng, lời văn của Kinh Phật
Hán dịch, so với văn xuôi Trung Quốc [văn biền ngẫu] chân chất hơn nhiều.
Ông nói : "Vì kinh sách Phật giáo chú trọng truyền đạt sự thật,
cho nên lời lẽ chú trọng tính chính xác, không chú trọng văn vẻ, chú trọng
làm cho người đọc dễ hiểu mà không chú trọng lời đẹp và cổ xưa.
Cho nên các đại sư phiên dịch Kinh Phật đều khuyến khích nhau
"Không thêm văn sức, cốt làm cho dễ hiểu, không dễ mất ý nghĩa cơ
bản của nguyên tắc". Lại viết : "Trong các bộ Kinh do Cưu Ma La
Thập dịch, quan trọng nhất là bộ Đại phẩm Bát Nhã, nhưng lưu hành nhiều
nhất, có ảnh hưởng văn học nhiều nhất lại là ba bộ Kinh Kim Cương,
Pháp Hoa và Duy Ma Cật". Hồ Thích đặc biệt đề cao Kinh Duy Ma Cật là
"tác phẩm nửa tiểu thuyết, nửa hý kịch, sau khi dịch xong đã gây
ảnh hưởng rất lớn trong giới văn học và giới mỹ thuật". Lại viết
: "Kinh Pháp Hoa tuy không phải là tiểu thuyết, nhưng là cuốn sách có
nhiều ý vị văn học, trong đó có một số truyện ngụ ngôn, có thể nói
là thuộc những truyện ngụ ngôn đẹp nhất trong văn học thế giới. Và
cũng đã tạo ảnh hưởng không nhỏ đối với nền văn học Trung Quốc".
Lại viết : "quyển "Phật sở hành tán" là kiệt tác của nhà
thơ vĩ đại Mã Minh, dùng văn vần kể lại cuộc đời của Phật".
Thiên cuối cùng của Kinh Hoa Nghiêm, có phẩm "nhập pháp giới" chiếm
hơn 1/4 toàn bộ cuốn Kinh kể truyện Đồng tử Thiện Tài đi cầu pháp, lần
lượt đến thành nọ thành kia, gặp pháp sư này, pháp sư kia, tạo ra cả
một pho trường thiên tiểu thuyết". [Trích dẫn : "Bạch thoại văn
học sử" chương 9 và chương 10]. Chúng ta biết rằng, Hồ Thích không
tin Phật, chúng ta không thể nhất trí được với kiến giải của Hồ Thích
đối với Phật Pháp; nhưng ông ta là một trong những vị Tổ khai sáng ra
phong trào văn học bạch thoại của nước Trung Quốc cận đại. Ông cho rằng
Kinh điển Phật giáo có giá trị cao quý về loại văn học "nói chuyện".
Vậy thì hãy hỏi "Kinh Phật có thực là khó đọc hay không ? Trừ phi
là anh vốn có thành kiến, còn thì anh không thể trả lời là khó đọc !
Tuy nhiên, nếu đọc đến các bộ
Luận Đại thừa và Tiểu thừa thì quả là các vị phải đau đầu nhức
óc ! Đặc biệt là các bộ Luận của Đại thừa Hữu Tông. Trong các bộ
Luận của Hữu Tông, có những danh từ tân kỳ, kết cấu bộ Luận rất
chặt chẽ, tư tưởng thì cao xa thâm thúy, đối với những người thiếu
trình độ Phật học thì những bộ luận đó không khác gì các "thiên
thư" (sách trời) ngay những nhà Phật học đã có kinh nghiệm học Phật
hàng chục năm, nếu không có trình độ tu dưỡng nhất định về tư tưởng
triết học và phương pháp khoa học, thì cũng chỉ nhìn sách và than thở
mà thôi. Cũng như một người mê đọc tiểu thuyết võ hiệp mà bây giờ
chuyển sang đọc sách Hegen và Kantơ thì không thể đọc "vào được".
Thử hỏi đối với những sách Phật như vậy, có nên đọc hay không đọc
? Trừ phi anh là một người có trình độ văn hóa thấp, còn thì anh không
thể trả lời "phủ định" được.
Nhiều người cho rằng, kinh sách đạo
Gia Tô dễ đọc hơn, kỳ thực, nếu đọc các sách Thần học - sách triết
học kinh viện của họ, các anh cũng không hiểu ra sao cả. Các giáo sĩ Gia
Tô thời Trung Cổ, với ý đồ điều hòa thần khải với lý trí con người,
nên khoác lên thần thoại một bộ áo triết học, đặt tất cả mọi vấn
đề trong một tay quyền uy của chúa.
Vấn đề sách Phật khó đọc hiện
nay, tôi cho rằng đó là do tác phong của một số ít người. Ví như có một
số nhà Phật học, đọc sách xưa không thể tiêu hóa được, họ không động
não, chỉ làm các việc sao đông chép tây, rồi cũng viết thành bài văn mà
chính bản thân họ cũng hiểu không rõ, thì làm sao người đọc lại có
thể hiểu được ! Điều may là theo chỗ tôi khảo sát, loại văn chương
đó ngày nay đã bớt nhiều. Bởi vì, loài người gọi là bác cổ nhưng không
thông kim, ngày nay cũng tự thấy mình đã đến tuổi về hưu rồi !
Còn các bài luận văn học Phật học,
có tính tư tưởng là nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu, cho nên không thể
đòi hỏi tác giả phải viết như sách Tây du ký hay Thủy Hử được. Tuy
nhiên, giới Phật giáo của Nhật Bản cận đại, đã thử dùng danh từ
triết học tây phương để truyền đạt tư tưởng Phật giáo, nhưng cũng
không thể Tây phương hóa toàn bộ, nếu không thì sẽ không thành ra Phật
giáo nữa và đánh mất bộ mặt Phật giáo.
Nói chung lại, đứng về phương thức
truyền bá mà nói, Phật giáo hoàn toàn tán thành văn nghệ hóa và thông tục
hóa. Nếu đứng về mặt nghiên cứu tư tưởng lý luận mà nói thì Phật
giáo không thể không đòi hỏi phải thâm thúy, phải tinh mật. Do đó,
chúng ta cố nhiên phải đề cao sự thông tục, nhưng cũng không được trách
cứ sách Phật khó đọc.
61. PHẬT
TỬ KHÔNG ĐƯỢC ĐỌC SÁCH CÁC TÔN GIÁO KHÁC? [^]
Về nguyên tắc, không những không
cấm mà còn khuyến khích nữa ! Vì Phật giáo tin rằng tín ngưỡng Phật
giáo rất hợp với lý tính. Một người đã tin theo đạo Phật và có
trình độ nhận thức sâu sắc phần nào đối với Phật Pháp, thì dù có
muốn chuyển sang tin theo một đạo khác cũng không được. Vì vậy, dù cho
các tôn giáo khác có tuyên truyền thế nào, một Phật tử chính tín cũng
đủ sức chịu đựng thử thách, niềm tin của Phật tử đó không hề bị
lung lay. Hơn nữa, Phật giáo không phải là tôn giáo có tín ngưỡng độc
đoán. Phật giáo không phủ nhận chân giá trị của những tôn giáo khác.
Vì nhu cầu độ thế, pháp môn Phật giáo chia làm 5 thừa : nhân thiên thừa
(pháp môn của loài Trời và loài người) là nền tảng của cả 5 thừa,
là pháp môn chung cho tất cả pháp môn, cũng là pháp thiện chung cho tất cả
mọi tôn giáo và triết học. Vì vậy, Phật giáo vẫn khẳng định giá trị
của Kinh sách các tôn giáo khác, tất nhiên là Phật giáo không tán thành
những bộ phận giáo lý của họ có tính võ đoán, mê tín, không phù hợp
tình lý.
Đồng thời, một Phật tử chính
tín phải là một người truyền bá Phật pháp. Kỹ thuật hoằng dương Phật
pháp là hết sức trọng yếu đã giúp những người thuộc các tôn giáo
khác chuyển sang tin theo đạo Phật, giúp những người đang do dự phân
vân giữa tín ngưỡng Phật giáo và các tín ngưỡng khác, giúp cho tri thức
về tôn giáo học so sánh. Nếu không nói lên được điểm ưu việt của tín
ngưỡng Phật giáo so với các tín ngưỡng khác, thì làm sao thuyết phục
được người khác vui vẻ và chân thành tin theo đạo Phật ? Chính vì vậy,
một Phật tử "lý tưởng" phải được trang bị nhất định về
kiến thức đối với các tôn giáo khác (chú 13).
Đương nhiên, đối với một người
mới bước đầu tin Phật, thì việc nghiên cứu giáo lý các tôn giáo phải
là không cần thiết. Vì vậy mà Phật giáo chủ trương, người học Phật
đã giỏi có thể bỏ ra 1/3 thời gian để đọc sách ngoại điển. Nếu không
thì công phu học nội điển còn chưa đủ, còn thời gian đâu để đọc
kinh sách các tôn giáo khác ?
62. PHẬT
GIÁO CÓ CHO RẰNG NGƯỜI THEO TÔN GIÁO KHÁC LÀ CÓ TỘI KHÔNG [^]
Không phải. Phật giáo tuy xếp tất
cả các tôn giáo không phải Phật giáo đều là "Ngoại đạo", [ý
tứ là không hướng nội để cầu minh tâm kiến tính mà hướng ngoại để
cầu sự gia hộ của quỷ thần] nhưng Phật giáo không có phủ định chân
giá trị của các tôn giáo khác, Phật giáo phân chia các tôn phái theo 5 thừa,
như trong một bài trước đã giới thiệu sơ lược. Năm thừa đó đều là
thiện. Nhân thừa và thiên thừa, tuy là ở trình độ thấp, chưa thoát khỏi
sinh tử, nhưng đã thực hành năm giới, mười thiện. Nếu đánh giá theo
quan điểm Phật giáo, thì ngoài Phật giáo ra, tất cả các tôn giáo khác
đều thuộc phạm vi của nhân và thiên thừa, đều nỗ lực làm điều thiện
để được sinh thiên hoặc làm người, và người theo các tôn giáo khác tất
nhiên không thể xem là người có tội được.
Do đó, Phật giáo chính tín, tuy vẫn
tự tin về giá trị tôn giáo của mình, thế nhưng không kỳ thị, không
xem thường giá trị tôn giáo của các tôn giáo khác, và muốn cùng với
các tôn giáo khác, xây dựng nếp sống, thiện hướng tới sinh thiên hoặc
tái sinh làm người. Phải chăng như vậy còn tốt hơn là đi bè bạn với
những kẻ phá hoại cuộc sống an lành của loài người hay sao !
Vì vậy, Phật giáo tuy vẫn khuyến
cáo tín đồ các tôn giáo khác, nhưng Phật giáo không bao giờ dùng thủ
đoạn để bài xích các tôn giáo khác. Lịch sử thế giới hơn 2500 năm
nay đã chứng minh điều đó.
63. QUAN
NIỆM KHỔ CỦA ĐẠO PHẬT CÓ TƯƠNG ĐƯƠNG VỚI QUAN NIỆM TỘI CỦA ĐẠO
CƠ ĐỐC HAY KHÔNG ? [^]
Nói chung, một số các học giả
không có tín ngưỡng tôn giáo đều có quan niệm như vậy. Họ cho rằng,
Phật giáo cũng tốt, Cơ đốc giáo cũng tốt vì cả hai đều khuyến khích
làm thiện. Và trên cơ sở hai tôn giáo đều khuyến khích người làm thiện,
họ bèn suy luận cho rằng quan niệm kho半 trong đạo Phật cũng như quan niệm tội trong đạo
Cơ đốc vậy.
Bởi vì, Phật giáo nói cuộc sống
sinh tử trong ba giới là biển khổ. Mọi cảm thụ của chúng sinh đều là
khổ. Cho nên mục đích của tu hành là thoát khổ. Cơ đốc giáo nói nhân
loại đều là kẻ có tội, do 2 tổ tiên loài người là A Đam và Eva,
không nghe lời cảnh cáo của Thượng đế đã ăn quả cấm sinh mạng và
trí tuệ của vườn Imen [Hymen] do đó mà loài người bèn có sinh mạng và
trí tuệ, nhưng đồng thời cũng đắc tội với Thượng đế. Thượng đế
bèn phạt con cháu của A Đam và Eva phải đời đời chịu khổ. Đó gọi
là cái tội tổ tông (Nguyên tội) do ông Tổ đầu tiên của loài người
để lại cho con cháu. Tín đồ đạo Cơ đốc tín ngưỡng Thượng đế đã
phái người con độc nhất của Thượng đế xuống trần, chịu chết trên
Thánh giá để chuộc tội cho những người tin Thượng đế.
Trên thực tế, cái khổ mà Phật
giáo giảng, rất khác với cái tội của đạo Cơ đốc. Cái khổ mà Phật
giáo giảng là do nghiệp báo của chúng sinh tự làm ra; nghiệp báo đó do
chúng sinh phải chịu, nó bắt nguồn từ vô minh từ thời vô thỉ đến
nay. Đó là trách nhiệm của cá nhân mỗi người, không có can hệ gì tới
Thượng đế; cũng không liên quan gì đến tổ tông; chúng sinh do phiền
não vô minh làm cho mê hoặc bèn tạo ra nghiệp sinh tử, do nghiệp sinh tử
mà chịu khổ sinh tử. Trong khi chịu khổ sinh tử, lại bị mê hoặc. Như
vậy, do bị vô minh mê hoặc mà tạo nghiệp, do có tạo nghiệp mà chịu khổ,
rồi lại do khổ mà sinh mê hoặc. Ba khâu Hoặc, Nghiệp, Khổ kết lại với
nhau thành vòng sinh tử luân hồi quay mãi không thôi. Vì mê hoặc là hạt
giống của khổ nghiệp giống như ánh nắng, không khí và nước làm cho khổ
trở thành kết quả của hoặc và nghiệp. Và khổ quả là cái ma chúng
sinh thực sự cảm thụ. Vì vậy mà Phật giáo gọi dòng chảy sinh tử là
cõi khổ hay biển khổ. Cũng vì vậy mà Phật giáo yêu cầu chúng ta vượt
qua dòng chảy sinh tử đó, thoát khỏi vòng ràng buộc đó của sinh tử. Sống
chết tự do, sống chết tự chủ, không sống không chết đó chính là cảnh
giới giải thoát.
Bất quá, Phật giáo cầu giải
thoát, không phải dựa vào sự cứu tế của Phật và Bồ Tát, Phật và Bồ
Tát chỉ dạy cho chúng ta phương pháp giải thoát chứ không thể giải
thoát thay cho chúng ta. Đó là điểm khác với đạo Gia Tô nói Jesu chuộc tội
cho tín đồ tin ở chúa. Bởi vì Phật giáo không chấp nhận thuyết chúng
sinh vì bị Thượng đế trừng phạt mà có tội, lại càng không chấp nhận
tội của tổ tông trở thành tội của con cháu; cũng như "tội không
can đến vợ con". Thượng đế không chuộc thay người cũng như "tội
ăn không làm anh no được". Phật giáo giảng phương pháp thoát khổ cơ
bản là ba môn học vô lậu; giới, định, tuệ. Giới là việc đáng làm,
không buông thả cũng không lười biếng; Tuệ là trí sáng suốt, thấy rõ
phương hướng, nỗ lực tinh tấn, do vậy, sự thoát khổ của Phật giáo
quyết không giống với sự cầu xin thượng đế chuộc tội của Cơ đốc
giáo.
Ở đây, nhân tiện bàn luôn vấn
đề này; nhiều người cho rằng Phật quá nhấn mạnh mặt khổ của cuộc
đời; đó là thái độ có phần thiên lệch chán đời; bởi vì trong đời
người, có khổ mà cũng có vui. Lại có thể dùng biện pháp để cải tạo
hoàn cảnh sống của con người bớt khổ thêm vui. Vì vậy họ cho rằng
cách nhìn của Phật giáo là sai lầm. Về điểm này, Phật giáo giải
thích như sau : Nếu đứng trên lập trường một đời người mà nói thì
Phật giáo không đòi hỏi con người phải thừa nhận "có cảm thụ
là có khổ". Thực ra, Phật giáo nói đời khổ, là nói theo kết luận
của đức Phật, quan sát đời người với trí tuệ và lòng bi của Ngài.
Chúng ta là phàm phu, không phải là Phật, chúng ta rất khó thấy ra được
sự thật đó. Cũng như một người gặp thấy một con chó đang ăn phân,
thì cảm thấy ghê tởm. Nhưng bản thân con chó khi ăn phân lại cảm thấy
ngon lành, thích thú. Nếu chúng ta giải thích cho chó biết ăn phân là thiếu
vệ sinh, thì con chó sẽ quay đầu lại sửa chúng ta với giọng bất bình
!
Phật đứng trên bờ con sông sinh tử
mà nhìn chúng sinh đang chìm đắm trong con sông sinh tử, thấy ở nơi chúng
sinh chỉ có khổ không có vui. Dù là có vui, thì cũng như người gãi ngứa,
khi gãi thì thấy thích, sau khi gãi thì thấy đau !
Mục
lục | 1-7 | 8-16 | 17-23
| 24-35 | 36-43
| 44-55 | 56-63
| 64-68 | 69-70
| Phụ lục