- Phật Giáo Chính Tín
- HT. Thích thánh Nghiêm
- Phân Viện Nghiên Cứu Phật
Học dịch
17 - NHỮNG NGƯỜI LÀM CÁC NGHỀ CA HÁT, ĐỒ TỂ, SĂN BẮN, BẮT CÁ,
BÁN RƯỢU CÓ THỂ TIN PHẬT ĐƯỢC KHÔNG [^]
Có thể được. Ân đức của Phật
giáo rộng lớn như biển cả. Chỉ cần có một niềm tín tâm là có thể
vào cửa Phật, trở thành học trò "Tam Bảo".
Tuy vậy, trong giới nhà Phật, có
các giới cấm : Tà dâm, sát sinh, uống rượu cho nên các nghề sinh sống
nói trên đều thuộc về các loại nghề nghiệp ác, tà, bất chính. Thế
nhưng, nhân dân sống ở hải đảo, nếu không bắt cá thì lấy gì sinh sống
? Thổ dân sống trên núi, nếu không săn bắn thì sẽ chết đói. Phụ nữ
nghèo, nếu không múa hát thì cũng không biết làm gì để có mức sống tối
thiểu. Nếu thế hệ trước làm nghề đồ tể hay bán rượu, và tự mình
cũng chỉ học được nghề đồ tể và bán rượu để mưu sinh, và nếu
đó là nghề duy nhất để họ mưu sống thì Phật giáo không có yêu cầu
họ phải bỏ ngay nghề của họ để tin Phật. Nhưng một khi họ đã tin
Phật rồi và tìm cách đổi nghề, thì Phật giáo sẽ tích cực khuyến
khích họ đổi nghề. Bởi vì tôn chỉ của đạo Phật là khuyến khích mọi
người sinh sống bằng nghề nghiệp lương thiện và chính đáng. Huống hồ,
bản thân những nghề nghiệp của họ là tội ác. Họ tuy không có thụ giới,
và do đó không có tội phá giới, nhưng bản thân nghề nghiệp của họ, về
bản chất, là tội ác.
Thậm chí, do tình hình thực tế
mà có những người không có cách gì đổi nghề được thì Phật giáo cũng
không cho rằng họ phá giới. Bởi vì, bước đầu tín ngưỡng Phật giáo
chỉ là quy y Tam Bảo. Còn thụ giới, trì giới tuy là điều hy vọng của
đạo Phật, và có rất nhiều công đức, nhưng không được ép buộc. Nếu
không giữ được giới thì đừng có thụ giới. Không có thụ giới thì cũng
không có phá giới, và không có tội phá giới. Nếu muốn thụ giới, có
thể giữ được bao nhiêu giới thì thụ bấy nhiêu giới. Không phải thụ
tất cả. Thụ giới rồi mà không giữ được thì xin xả giới. Xả giới
rồi mà có làm ác nghiệp cũng không phải là phạm giới. Sau khi xả giới
rồi mà muốn thụ giới lại cũng được. Nếu không xả giới mà phạm giới
thì đó là phạm tội !
Phật giáo bao dung rộng rãi vô
cùng. Có những người tuy không thụ năm giới, nhưng đối với Tam Bảo
sinh ra một niệm tín tâm hay đôi chút lòng kính trọng thì đã có công đức
rất lớn rồi, đã trồng thiện căn để tương lai thành Phật rồi.
Huống hồ là chịu quy y Tam Bảo !
Sau khi quy y Tam Bảo, chỉ cần đừng có tin theo một tôn giáo khác, còn
không thụ năm giới cũng được. Vì vậy Phật giáo không cự tuyệt niềm
tin và tín ngưỡng của bất cứ một người nào.
18. PHẬT
GIÁO CÓ TIN Ở SÁM HỐI HAY KHÔNG [^]
Có, Phật giáo đích xác tin ở
công dụng của sám hối.
Phật giáo tin rằng, trừ những tội
cực nặng đã phạm như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, đại vọng ngữ (tự
xưng mình là Thánh) phải tùy nghiệp mà thụ báo, còn các tội khác đều
có thể dựa vào phương pháp do Phật quy định mà tiến hành sám hối.
Tác dụng của sám hối là hoàn
toàn thành khẩn tự mình phản tỉnh, tự mình kiềm chế. Với tâm tự
giác và tỉnh táo, với tâm tự trọng để tẩy rửa sạch sẽ thân tâm
mình, phát nguyện từ nay về sau không còn tái phạm nữa. Chỉ miễn là
có quyết tâm sửa chữa lỗi lầm và trở thành con người mới, thì sẽ
không còn nhắc tới chuyện cũ nữa, tâm sẽ được bình tịnh, cởi bỏ
được mặc cảm phạm lỗi lầm. Đó chính là tác dụng của sám hối. Sau
khi phạm tội cần phải chân thành bộc lộ (tùy theo tình tiết nặng nhẹ
mà bộc lộ với đông người, với ba người, với một người hay là với
lương tâm của riêng mình), bộc lộ lỗi lầm của mình, tha thiết hối lỗi,
quyết tâm không còn tái phạm. Nếu không thì bóng dáng của tội ác sẽ vĩnh
viễn in tận trong tâm khảm, trở thành hạt nhân dẫn tới quả báo trong tương
lai. Sau khi sám hối, hạt giống phát sinh ra quả báo tương lai, cũng sẽ bị
tiêu diệt.
Bất quá, mục đích của sám hối
là làm cho tâm mình được trong sạch, không còn phạm lại tội ác nữa. Nếu
cứ thường xuyên phạm tội, lại thường xuyên sám hối, rồi thường xuyên
phạm tội lại, như vậy sẽ làm mất công dụng của sám hối.
Sám hối của Phật giáo không giống
việc cầu thượng đế xá tội của Gia Tô giáo. Phật giáo tin rằng không
có vị thần linh nào có thể xá tội cho người. Công dụng của sám hối
chỉ là tẩy sạch nội tâm, khiến nội tâm trở lại thanh tịnh.
19. PHẬT GIÁO CÓ TIN THIÊN ĐƯỜNG VÀ ĐỊA
NGỤC HAY KHÔNG [^]
Có tin, Phật giáo không hoài nghi
có tồn tại thiên đường và địa ngục, bởi vì thiên đường, địa ngục
đều cùng nằm trong phạm vi luân hồi, sinh tử. Phật giáo cho rằng, con người
khi chưa thoát khỏi giới hạn của sinh tử luân hồi thì vẫn có khả năng
thực nghiệm thiên đường và địa ngục, thậm chí có thể nói, mọi người
đều đã từng sống qua ở thiên đường và địa ngục. Sống theo 5 giới
và 10 thiện ở cấp cao thì sẽ sinh ở thiên đường. Phạm các tội lớn
như 10 ác, 5 nghịch thì đọa địa ngục. Chịu khổ báo hết rồi, chúng
sinh ở địa ngục vẫn có thể sinh lên thiên đường. Ở thiên đường,
hưởng phúc báo hết rồi, chúng sinh ở thiên đường lại có thể xuống
địa ngục. Vì vậy, Phật giáo cho rằng thiên đường tuy là cảnh giới
sung sướng, nhưng không phải là nơi an lạc cứu kính, địa ngục tuy là cảnh
giới khổ, nhưng cũng có ngày thoát khổ.
Đồng thời, tu thiện nghiệp có
cao thấp khác nhau, cho nên thiên đường cũng có thứ bậc. Do ác nghiệp cũng
có nặng nhẹ khác nhau, cho nên địa ngục cũng có đẳng cấp.
Thiên đường của Phật giáo chi
làm 28 cõi Trời, thuộc 3 giới. Có sáu cõi Trời Dục giới, gần gũi với
cõi người. Cao hơn nữa, có 18 cõi Trời thuộc Sắc giới. Và ở trên Sắc
giới, có 4 cõi Trời thuộc Vô sắc giới. Trên sự thực, làm người mà
tu thiện nghiệp chỉ có thể sinh ở 6 cõi trời và Dục giới. Trong các
cõi Trời thuộc Sắc giới, trừ cõi trời Tịnh cư thiên ở Sắc giới,
còn thì tất cả các cõi trời khác đều là những cảnh giới thiền định,
do tu thiền mà đạt được.
Địa ngục trong Phật giáo, lớn nhỏ
có rất nhiều, không kể xiết, do khổ báo của chúng sinh ở địa ngục có
khác biệt, chủ yếu phân thành 3 loại địa ngục lớn : Căn bản địa
ngục, cận biên địa ngục và cô độc địa ngục. Loại địa ngục
thường được nói tới trong kinh Phật là căn bản địa ngục. Căn bản
địa ngục lại chia thành tám địa ngục đại nhiệt (nóng dữ) và tám
địa ngục đại hàn (lạnh giá). Chúng sinh, tùy theo tội ác đã phạm
mà đọa vào các cấp địa ngục khác nhau. Người thế gian nói rằng, người
làm ác bị quỷ sứ ở địa ngục bắt trói nhưng thực ra, lên thiên đường
hay xuống địa ngục, đều do nghiệp lực thúc đẩy, dắt dẫn. Nghiệp lực
hướng lên các cõi trời thì được sinh lên các cõi trời để hưởng phúc.
Nghiệp lực hướng xuống địa ngục, thì đọa xuống các địa ngục để
chịu khổ.
20. PHẬT
GIÁO TIN CÓ DIÊM VƯƠNG KHÔNG [^]
Về đại thể mà nói, Phật giáo
tin có Diêm Vương. Vì trong nhiều kinh Phật, có nói tới Diêm Vương (như
kinh Thiên sứ quyển 12 Trung A Hàm).
Nhưng Diêm Vương không phải là do
Phật giáo đầu tiên phát hiện ra; Phật giáo chỉ tiếp thu và "Phật
giáo hóa" quan niệm về Diêm Vương của tôn giáo Ấn Độ cổ đại.
Trong sách Vệ Đà xưa, vũ trụ được
chia thành 3 giới là Trời, Hư không và Đất. Thiên giới có Thiên Thần. Hư
không giới có Hư không thần; Địa giới có Địa thần. Khái niệm tam giới
(dục giới, sắc giới, vô sắc giới) của Phật giáo có thể đã chịu
ảnh hưởng của thuyết 3 giới của tôn giáo Ấn Độ cổ đại. Sách Vệ
Đà gọi Diêm Vương là Yama (Dạ Ma). Dạ Ma vốn là một thiên thần, về
sau biến thành ông tổ đầu tiên của loài người, và cũng là người chết
đầu tiên, nhưng lại sống ở trên cõi trời. Vì vậy, sách Rig-veda (Lê
Câu Phệ Đà) nói, sau khi con người chết, phải lên Trời trình diện với
thần Dạ Ma và ông thần Tư pháp là Baluna. Về sau, sách Atharvaveda (A Thát
Bà Phệ Đà) nói Thần Dạ Ma cải quản những người chết, và có quyền
phán xử đối với người chết. Thần Dạ Ma ở trên trời có điểm giống
với thượng đế của Gia Tô giáo; đến Phật giáo thì có sự phân biệt
giữa thần Dạ Ma ở trên cõi Trời (tức cõi Trời thứ 3 của Dục giới)
với vua Diêm Vương ở địa ngục.
Diêm Vương có quyền thẩm vấn,
xét xử những người đã chết. Địa vị của Diêm Vương ở địa ngục
tương đương với địa vị của Thượng Đế ở trên các cõi Trời. Phật
giáo đã không sùng bái Thượng Đế, tất nhiên cũng không sùng bái Diêm Vương.
Đồng thời, tuy rằng đạo Phật tùy theo thế tục, để phương tiện giáo
hóa chúng sinh mà cũng tin có Diêm Vương tồn tại, nhưng về bản chất, không
thừa nhận Diêm Vương có tính độc lập, cho nên có bộ phái Phật giáo
cho rằng Diêm Vương và ngục tối đều do cảm ứng của nghiệp lực chúng
sinh mà tồn tại, là do tâm thức của chúng sinh ở địa ngục hiện ra
(duy thức hiện).
Lại nói, Phật giáo chính tín cũng
không tin rằng, người ta chết rồi, bị Diêm Vương xử tội; chỉ thừa
nhận có các cõi sống như cõi Địa ngục và cõi quỷ có quan hệ với
Diêm Vương. Còn việc Diêm Vương sai ngục tốt đến bắt bớ người sắp
chết, chỉ là truyền thuyết dân gian. Trên quan điểm duy thức, Phật giáo
cũng không bác bỏ truyền thuyết đó, đó là do tâm thức biểu hiện, cho
nên sách Phật cũng chép những truyện tương tự như thế.
Đời nhà Thanh, ông Kỷ Hiểu Lam
trong sách bút ký của ông nói rằng, tin nhưng không hiểu chuyện Diêm Vương
và ngục tối. Ông nói thế giới rất to lớn, có người ở trong nước
ở ngoài nước, ở phương Đông và phương Tây, vì sao chỉ có tin tức về
người Trung Quốc từ ở cõi âm trở về, không thấy có những người khác
? Phải chăng cõi âm của Trung Quốc và cõi âm của ngoại quốc là 2 thế
giới khác nhau ? Thực ra, nếu ông Kỷ Hiểu Lam hiểu được đạo lý
"Duy thức biểu hiện" của Phật giáo thì sẽ hết nghi. Trong nội
tâm của người Trung Quốc, chỉ tồn tại mô hình cõi âm của người
Trung Quốc mà thôi, làm sao có thể hiện ra mô hình cõi âm của Liên hiệp
quốc được !
21. PHẬT GIÁO CÓ TIN CÔNG DỤNG CỦA LỄ
CẦU SIÊU CHO VONG LINH HAY KHÔNG [^]
Không cần phải nói, Phật giáo tin
tưởng ở tác dụng của cầu siêu. Thế nhưng, tác dụng ấy có giới hạn
nhất định. Cầu siêu chỉ là một sức mạnh thứ yếu, không phải là sức
mạnh chủ yếu. Vì thời gian chủ yếu để tu thiện làm thiện là thời
gian khi người đang còn sống. Sau khi người chết rồi, chính người sống
tổ chức lễ cầu siêu cho người chết và hồi hướng công đức tu thiện
làm thiện của mình cho người chết. Kinh Địa Tạng cho biết, lợi ích của
lễ cầu siêu có bảy phần, thì sáu phần thuộc về người còn sống (tức
là người tổ chức lễ cầu siêu) còn chỉ có một phần lợi ích thuộc
về người đã chết.
Đồng thời, Phật giáo chính tín,
đối với phương thức lễ cầu siêu, có quan niệm hơi khác với tập tục
dân gian. Nói siêu độ là nói độ thoát cõi khổ, siêu thăng đến cõi
vui, là dựa vào cảm ứng của nghiệp lực tu thiện của bạn bè, gia thuộc
người chết, chứ không phải do một mình tác dụng tụng kinh của tăng
ni. Đó là sự cảm ứng do phối hợp nghiệp thiện của người tổ chức
siêu độ và sự tu trì của người tụng kinh (chú 3).
Do đó, Phật giáo chính tín cho rằng,
chủ thể của công việc cầu siêu không phải là tăng ni mà là gia thuộc
của người chết. Gia thuộc người chết, trong giờ phút lâm chung, nếu biết
đem các đồ vật ưa thích của người sắp chết, cúng dường Tam Bảo, bố
thí kẻ nghèo, và làm cho người sắp chết hiểu rõ, đó là làm công đức
hộ cho anh ta, thì sẽ có tác dụng rất lớn đối với vong linh người chết.
Đó là do sự cảm ứng của một niệm thiện nghiệp, do tâm người lúc
lâm chung được an ủi, nhờ vậy mà nghiệp thức của người chết hướng
tới cõi lành. Đó không phải là mê tín, đó là đạo lý tâm thiện hướng
tới cõi thiện. Nếu khi người thân đã chết mà con cháu, gia thuộc có
lòng thành kính thiết tha, tổ chức trai tăng, bố thí, làm điều thiện lớn,
tỏ lòng hiếu thảo khẩn thiết cũng có thể có cảm ứng, giúp cho vong
linh được siêu linh cõi thiện. Thế nhưng, tác dụng không bằng việc làm
khi người đang còn sống, chưa chết. Khi người con có lòng hiếu chí
thành, như khi Bồ Tát Địa Tạng, để cứu mẹ mà phát lời nguyện đại
bi, nguyện vì để cứu mẹ mà đời đời kiếp kiếp sẽ cứu độ chúng
sinh ra khỏi biển khổ. Dựa vào sức mạnh của lời nguyện vĩ đại ấy,
mà cảm thông được với người chết, giúp người chết giảm bớt hay trừ
bỏ được tội ác. Đó không phải là mê tín, mà là sự cảm thông của
lòng hiếu vĩ đại, của tâm nguyện vĩ đại, khiến cho tâm lực và nguyện
lực của người siêu độ hòa nhập và cảm thông với nghiệp lực của
người siêu độ, cả 2 thông suốt cùng một khí, nhờ vậy, mà người chết
được siêu độ. Vì vậy đối với Phật giáo chính tín, con cái gia thuộc
nếu muốn cứu độ người chết, thì nên làm các việc như cúng dường
Tam Bảo, bố thí kẻ nghèo, chứ không nhất thiết phải mời Tăng Ni đến
tụng kinh. Tăng Ni khi được cúng dường, thì chỉ chú nguyện cho thí chủ
mà thôi. Vì Tăng Ni tụng kinh là công việc làm hàng ngày của họ trong
các khóa lễ, tụng kinh là một phương pháp tu hành, mục đích của tụng
kinh không phải là để siêu độ người chết. Thí chủ cúng dường chư
Tăng là để cho chư Tăng có thể tu hành và đạt mục đích của tu hành.
Phật giáo tuy có nói tụng kinh để siêu độ người chết, nhưng đó là
hy vọng mọi người đều tụng kinh. Chỉ trong trường hợp mình không biết
tụng kinh hay là tụng kinh quá ít, mới thỉnh Tăng Ni tụng kinh thay cho mình.
Thực ra, chức năng của Tăng Ni là duy trì đạo Phật ở thế gian, lấy Phật
pháp để hóa độ chúng sinh, chứ không phải chuyên làm việc siêu độ
cho người chết. Công đức của tụng kinh là nhờ ở lòng tin Phật pháp
và tu hành Phật pháp, cho nên không phải chỉ có Tăng Ni mới tụng kinh, lại
càng không phải chỉ khi có người chết mới tụng kinh. Hơn nữa, thời hạn
siêu độ tốt nhất là trong vòng 49 ngày. Bởi vì, Phật giáo tin rằng, chỉ
trừ những trường hợp như người có phúc nghiệp lớn, chết thì tái
sinh ngay ở sáu cõi trời Dục giới, hay là những người tu định có kết
quả, khi chết thì tái sinh ở các cõi trời Thiền định, hay là người có
ác nghiệp nặng, chết thì đọa địa ngục lập tức; còn thì đối với
người bình thường mà nói, chết xong còn trải qua thời gian 49 ngày chờ
đợi cho nghiệp duyên chín mùi mới quyết định tái sinh ở cõi nào. Nếu
trong thời gian này mà con cái, thân nhân biết lấy công đức cúng dường
Tam Bảo, bố thí kẻ nghèo để hồi hướng cầu siêu độ thì người chết,
nhờ công đức thiện nghiệp ấy cảm ứng hỗ trợ mà được sinh lên
cõi thiện (Trời, Người) và được siêu độ. Nếu để qua 49 ngày mới tổ
chức cầu siêu thì chỉ có thể tăng thêm phúc đức cho người đó, chứ
không thể ảnh hưởng gì đến hướng tái sinh của họ nữa.
Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ, trong
trường hợp người thân bị chết oan, chết thê thảm, do oan trái chưa trả
cho nên có thể sinh ở cõi quỷ, và tiếp tục vòi vĩnh, đòi hỏi đối với
người. Thông thường, người ta gọi đó là quỷ ám. Trong trường hợp đặc
biệt này, thì cần có tụng kinh siêu độ (nghĩa là thuyết pháp cho quỷ
nghe để cho quỷ rõ hướng đi). Nhờ Phật lực giúp cho vong linh tái sinh
ở cõi thiện. Phật giáo thường gọi cõi quỷ là "ngã quỷ" (quỷ
đói), cho nên thường dùng mật pháp (như trì chú biến thực, thí thực)
để giúp đỡ, tạo ra tác dụng lớn, đặc biệt là đối với loại quỷ
lành. Công việc Phật sự đặc biệt này, các tôn giáo khác, kể cả Thần
giáo đều không biết.
Đương nhiên, những điều nói
trên đây đều là nói theo lập trường đạo Phật. Ở Trung Quốc, người
mời Tăng Ni đến tụng kinh siêu độ, đôi khi không phải là Phật tử mà
lại là "nho gia chính cống". Như gần đây, có ông Đường Quân
Nghị vốn là một tân nho danh tiếng, khi mẹ ông chết, ông qua Hương Cảng
làm Phật sự, và đặt linh vị mẹ tại chùa Phật. Ông than rằng, trong việc
này, triết học của ông tỏ ra bất lực. Ông vẫn giữ quan niệm "tế
như tại" (tế người chết như là tồn tại trước mặt) của Nho gia
để tự an ủi mình. Những trường hợp như vậy rất nhiều. Khuyến khích
họ làm việc đó theo đúng quan niệm Phật giáo thực ra không phải là dễ.
Và đó cũng là một vấn đề lớn đặt ra cho Phật giáo vậy.
22. PHẬT GIÁO CÓ TIN LÀ CÔNG ĐỨC CÓ THỂ
HỒI HƯỚNG CHO NGƯỜI KHÁC HAY KHÔNG [^]
Phật giáo tin tưởng vững chắc rằng,
công đức do mình tu tập, có thể hồi hướng cho người khác được hưởng.
Hồi hướng là chuyển từ phía
mình, sang phía người khác. Đó là một sự cảm ứng tâm lực. Tâm lực của
mình, thông qua nguyện lực của chư Phật, Bồ Tát mà đạt tới đối tượng
của sự hồi hướng. Cũng như ánh sáng mặt trời, thông qua vật phản xạ
như tấm gương, mảnh kinh loại, mà được khúc xạ, chiếu dọi vào các
góc tối tăm. Ở trong nhà cũng vậy. Các góc tối ở trong nhà tuy không trực
tiếp được ánh sáng mặt trời chiếu đến nhưng vẫn tiếp thu được
ánh sáng mặt trời phản chiếu.
Đồng thời, tuy có hồi hướng công
đức cho người khác nhưng bản thân công đức của mình không bị hao hụt
gì hết. Trong kinh Phật, có nêu ví dụ : Một cái đèn sáng, có thể dùng
để châm sáng cho nhiều cái đèn khác, nhưng ánh sáng của cái đèn thứ
nhất vẫn không bị giảm bớt.
Do đó, các Phật tử chính tín, một
khi làm nên một công đức gì đều nên phát nguyện hồi hướng đến hết
cả chúng sinh cùng được hưởng. Đó cũng là một biểu hiện tự nhiên của
lòng từ bi.
23. PHẬT GIÁO CÓ TIN LUÂN HỒI LÀ CHUYỆN
CHÍNH XÁC CÓ THỰC HAY KHÔNG [^]
Phật giáo trả lời khẳng định.
Phật giáo cho rằng tất cả chúng sinh, trừ các bậc đã giải thoát khỏi
sinh tử (các vị A La Hán của Tiểu thừa giáo) hay là các bậc đã tự chủ
đối với sinh tử (các bậc thánh Bồ Tát của Đại thừa), còn thì tất
cả đều ở trong vòng sinh tử luân hồi.
Luân hồi là trôi dạt, nổi lên
chìm xuống trong vòng sinh tử, chứ không giống như cái bánh xe quay vòng.
Phạm vi luân hồi bao gồm sáu cõi sống, Phật giáo gọi là 6 đạo, kể từ
trên xuống là cõi Trời, cõi Người, cõi Tu La (thần đạo), cõi súc sinh,
cõi quỷ, cõi địa ngục. Sáu cõi này là phạm vi luân hồi sinh tử của
những chúng sinh sống giữ 5 giới 10 thiện hay là phạm 10 ác, 5 tội nghịch
(là giết cha, giết mẹ, phá hòa hợp Tăng, giết A La Hán, làm chảy máu Phật).
Năm giới, 10 thiện chia thành 4 phẩm (thượng, trung, hạ) : sinh làm loài trời,
loài người, A-tu-la. Mười ác, 5 tội nghịch cũng chia làm 3 phẩm (thượng,
trung, hạ) : sinh làm súc sinh, làm quỷ, hay là ở nơi địa ngục. Làm nghiệp
thiện thì sinh ở 3 cõi trên, làm nghiệp ác thì sinh ở 3 cõi dưới. Trong
mỗi cõi sống như vậy, hưởng hết phúc, hay là chịu hết tội báo là chấm
dứt một kỳ sinh tử, mở ra một kỳ sinh tử khác. Luân chuyển trong sáu
cõi sống như vậy, sống rồi chết, chết rồi lại sống một đời khác,
như vậy gọi là luân hồi.
Đặc biệt, Phật giáo tin rằng, phạm
vi luân hồi sinh tử tuy là có 6 cõi, nhưng cõi người là chủ đạo, vì chỉ
ở cõi người, chúng sinh vừa có thể gieo các nhân thiện hay ác nghiệp, vừa
chịu quả báo. Còn ở các cõi sống khác, chúng sinh chỉ có một chiều hướng
phúc báo, không có cơ hội tạo nghiệp mới. Còn ở 3 cõi khổ, súc sinh,
quỷ đói, địa ngục thì chúng sinh một chiều chịu quả báo khổ, không
có năng lực phân biệt được thiện, ác. Chỉ có ở cõi Người, chúng
sinh vừa thụ quả báo vui, vừa chịu quả báo khổ, lại có thể phân biệt
được thiện, ác. Phật giáo cho rằng, nghiệp lực tạo tác, chủ yếu diễn
ra trên bình diện tâm thức. Nếu trên bình diện tâm thức, không có cơ hội,
hay không có năng lực phân biệt thiện, ác thì không có tạo nghiệp. Vì vậy
mà Phật giáo rất coi trọng trách nhiệm của hành vi thiện, ác nơi cõi người.
Chính vì, nhân chủ yếu tạo nghiệp
là ở cõi người, cho nên chúng sinh tái sinh lên cõi Trời, hay là đọa xuống
các cõi ác đều có cơ hội đọa xuống hay thăng lên, chứ không có chuyện
đọa xuống vĩnh viễn hay là thăng lên vĩnh viễn.
Chúng sinh ở cõi Người, tạo nghiệp
nhân có thiện có ác, có nghiệp nặng, có nghiệp nhẹ. Con người trong cuộc
đời tạo ra nhiều nghiệp khác nhau, hoặc thiện, hoặc ác, hoặc nhiều hoặc
ít, hoặc nặng, hoặc nhẹ. Do đó mà cơ hội chịu báo cũng trước, sau khác
nhau. Do đó một người, khi thọ mạng một đời hết, có thể bị chi phối
bởi ba lực hấp dẫn, dẫn người ấy đi tái sinh. Một là tùy theo trọng
lượng của nghiệp trong một đời, nếu nghiệp thiện có tỷ trọng lớn
hơn nghiệp ác, thì người ấy sẽ tái sinh vào cõi thiện; nếu tỷ trọng
của nghiệp sinh thiện nặng hơn nghiệp sinh làm người, thì người ấy sẽ
sinh thiên, tức là sinh lên các cõi Trời. Nếu nghiệp ác chiếm tỷ trọng
lớn hơn nghiệp thiện, thì người ấy phải bị tái sinh ở các cõi ác; nếu
nghiệp địa ngục nặng hơn nghiệp làm súc sinh, thì người ấy phải bị
sinh ở địa ngục, trước là chịu quả báo của nghiệp nặng rồi sau mới
lần lượt chịu quả báo của những nghiệp nhẹ hơn.
Thứ hai là tùy theo tập quán. Một
người trong đời, không làm nghiệp thiện lớn, cũng không làm nghiệp ác
lớn, nhưng trong đời lại có một thói quen đặc biệt mạnh mẽ, và khi
chết, họ sẽ tái sinh theo hướng của thói quen đó. Vì vậy tu thiện, học
Phật, chủ yếu là dựa vào sự nỗ lực hàng ngày.
Thứ ba là tùy niệm, hướng tái
sinh được quyết định bởi tâm niệm của người lâm chung. Khi lâm chung
mà có tâm niệm ác liệt như sợ hãi, lo lắng, tham lam, giận dữ v.v…,
thì sẽ rất khó tránh được tái sinh vào cõi ác. Vì vậy mà Phật giáo
khuyên đối với người hấp hối sắp chết, hay vừa mới chết, gia thuộc
bà con không được khóc, mà nên thay mặt người thân (sắp chết hay mới
chết) làm các việc tu phúc, bố thí, và nói cho người thân đó biết là
làm công đức vì họ, thay cho họ. Đồng thời kể lại cho họ biết mọi
việc thiện người ấy đã làm trong đời, làm cho tâm của người ấy
được an ủi, vui vẻ. Mọi người nên lớn tiếng niệm danh hiệu Phật,
làm cho người ấy nhất tâm nghĩ tới công đức Phật, cõi nước Phật. Nếu
không phải là ác nghiệp nặng, thì tâm niệm của người sắp chết có thể
giúp cho người ấy khỏi phải đọa xuống cõi ác, hơn nữa, có thể tâm
lực của người sắp chết, cảm ứng được với nguyện lực của chư Phật,
Bồ Tát mà được vãng sinh sang cõi Phật. Đó là nguyên nhân chủ yếu của
chủ trương Phật giáo tổ chức trợ niệm danh hiệu Phật cho người lâm
chung, sắp chết.
Tín ngưỡng dân gian cho rằng người
chết biến thành quỷ không đúng với thuyết luân hồi của nhà Phật, vì
rằng cõi quỷ chỉ là một trong 6 cõi sống, và khi chết người ta chỉ có
1/6 khả năng sinh vào cõi quỷ.
Mục
lục | 1-7 | 8-16 | 17-23
| 24-35 | 36-43
| 44-55 | 56-63
| 64-68 | 69-70
| Phụ lục