Bấy giờ Hiền Thiện Thủ Bồ tát
trước đại chúng đảnh lễ Phật chấp tay thưa:
Bạch Thế Tôn ! Đại chúng trong hội nầy được nghe Thế
Tôn dạy cho giáo lý bất tư nghì như thế, khiến cho hoa lòng bừng nở, tuệ
nhãn được sáng trong. Chúng con muốn biết Đại thừa kinh giáo nầy, tên
gọi là chi? Chúng con phải phụng trì như thế nào? Chúng sanh nương kinh nầy
tu tập, công đức sẽ ra sao và những người truyền bá kinh nầy được lợi
ích như thế nào? Cúi mong Như Lai Thế Tôn vì chúng con dạy bảo.
Phật dạy: Hiền Thiện Thủ! Ông vì chúng sanh hậu thế
mà thưa hỏi Như Lai. Những điều ông hỏi rất có ý nghĩa cần cho sự hiểu
biết, mở được mối nghi ngờ cho nhiều người mạt thế. Vậy ông hãy
lóng ý mà nghe Như Lai sẽ vì các ông mà nói.
Nầy, Hiền Thiện Thủ! Kinh nầy trăm ngàn muôn ức hằng
sa chư Phật nói ra và ba đời các Như Lai đều bảo hộ, mười phương Bồ
tát làm chỗ quy y, là con mắt trong sáng của mười hai bộ kinh trong toàn bộ
giáo lý Phật.
Kinh nầy có thể gọi nhiều tên.
- Đại Phương Quảng Viên Giác Đà La Ni.
- Tu Đà La Liễu Nghĩa.
- Bí Mật Vương Tam Muội.
- Như Lai Quyết Định Cảnh Giới.
- Như Lai Tàng Tự Tánh Sai Biệt.
Bồ tát và Chúng sanh đời sau nương theo danh tự đó mà phụng
trì.
Nầy, Hiền Thiện Thủ ! Kinh nầy dạy rõ về cảnh giới của
chư Phật, cho nên chỉ có Phật mới tuyên thuyết trọn nghĩa. Các Bồ tát
và chúng sanh đời sau y theo kinh nầy tu hành lần lần tiến đến địa vị
Phật.
Kinh nầy thuộc về "Đốn Giáo Đại Thừa". Những
chúng sanh căn cơ Viên Đốn, từ kinh nầy mà mở mang tuệ nhãn, tỏ ngộ
chân lý Đại thừa, nắm vững và thành thạo tất cả pháp môn tu tập
khác. Ví như biển cả dung chứa nước hết thảy sông ngòi khe lạch. Sức
uống của thần A Tu La còn chưa thấy kém vơi, sá gì sự nhắm nhí của những
muỗi mòng bé nhỏ.
Nầy, Hiền Thiện Thủ ! Giả sử có người đem thất bảo
nhập đầy cõi tam thiên đại thiên làm việc bố thí, phước đức không
bằng người nghe một câu một đoạn nghĩa lý của kinh nầy. Giả sử có
người giáo hóa chúng sanh chứng được. A La Hớn quả nhiều như số cát
sông Hằng, không bằng người tuyên nói giảng giải kinh nầy chừng nửa
bài kệ.
Hiền Thiện Thủ! Nếu có người nghe tên kinh nầy mà lòng
tin không tin không nghi hoặc, phải biết người đó không phải trồng căn
lành ở một, hai, ba, bốn, năm đức Phật mà đã trồng căn lành và đã từng
nghe kinh nầy trong hằng hà sa số Phật rồi.
Bồ tát các ông nên bảo hộ những người tu hành ở đời
sau, đừng để cho những ác ma và ngoại đạo não hại thân tâm làm cho
nãn lòng thối chí.
Bấy giờ chúng hội có Hỏa Thủ Kim Cang, Tồi Phá Kim Cang,
Ni Lam Bà Kim Cang… cả tám vạn thần Kim Cang và quyến thuộc, đảnh lễ
Phật, đi nhiễu ba vòng và bạch Phật rằng:
Bạch Thế Tôn ! Tất cả chúng sanh đời sau, người nào thọ
trì kinh điển Quyết Định Đại Thừa nầy, chúng con sẽ giữ gìn bảo hộ
cho họ như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Chúng con cũng bảo hộ chỗ
ở của người tu hành túc trực ngày đêm, khiến cho bổn mạng bình an,
sung mãn trong cuộc sống để họ vững bước tiến tu.
Lại có Đại Phạm Thiên Vương, Tu Di Sơn Vương, Hộ Quốc
Thiên Vương… và Đại Lực Quỷ Vương cùng với mười vạn quỷ vương
quyến thuộc đồng chấp tay đi quanh Phật ba vòng đồng thanh tác bạch:
Bạch Thế Tôn ! Chúng con nguyện bảo hộ người thọ trì
tu tập kinh nầy, ngày đêm liên tục, khiến cho chỗ ở được an ổ, trong
phạm vi bao quát một do tuần, nếu có quỷ thần nào xâm phạm, chúng con sẽ
khiến cho thân thể chúng biến thành tro bụi.
Phật nói xong thời pháp, tất cả thiên long, quỷ thần,
bát bộ quyến thuộc và các Thiên Vương, Phạm Thiên Vương… cùng toàn thể
đại chúng rất vui mừng tin nhận y giáo phụng hành.
TRỰC CHỈ
Phật dạy cho Bồ tát Hiền Thiện Thủ: "Kinh nầy
trăm ngàn muôn ức hằng hà sa Phật nói ra, ba đời các Như Lai đều thủ
hộ, mười phương Bồ tát làm chỗ quy y là con mắt trong sáng của 12 bộ
kinh trong toàn bộ giáo lý Phật".
Thật vậy, lửa thì nóng, băng thì lạnh. Dù cho hằng hà
sa chư Phật ở quá khứ, hiện tại hay vị lai, cũng đều nói lửa nóng, băng
lạnh, vì đó là chân lýcủa vũ trụ vạn hữu, của cuộc đời, không ai
có thể nói khác hơn được. Và khi cần sưởi ấm, nấu chín thức ăn thi
ai cũng phải dùng đến lửa, khi cần mát lạnh cần nước thì ai cũng phải
tìm băng. Kinh Như Lai Viên Giác liễu nghĩa Đại thừa đức Phật Thích Ca
nói cũng tức là chư Phật ba đời nói. Vì nội dung giáo lý kinh Phật nói
ra toàn chân lý liễu nghĩa và mười phương Bồ tát cũng chỉ quy y với
kinh Đại thừa liễu nghĩa mà thôi.
Mười hai bộ kinh: Trường hàng, Trùng tụng, Cô khởi, Thí
dụ, Nhơn duyên, Tự thuyết, Bổn sanh, Bổn sự, Vị tằng hữu, Phương quảng,
Nghị luận và Ký biệt. Trong mười hai bộ loại đó, có hệ tư tưởng liễu
nghĩa, có hệ tư tưởng nhơn, thiên, tiểu giáo, quyền thừa bất liễu nghĩa.
Kinh Như Lai Viên Giác là con mắt trong sáng Đại thừa liễu nghĩa trong mười
hai bộ kinh.
Kinh nầy có thể gọi bằng năm thứ tên, cũng như các kinh
khác đều có thể gọi hoặc nhiều hoặc ít tên như vậy. Điều đó tuỳ
thuộc ở trọng tâm triển khai, ở góc độ nhìn và nhận thức giáo lý.
Trọng tâm của kinh nầy, nhằm khai thị về pháp "đốn
tu đốn chứng" cho nên kinh nầy thuộc "đốn giáo đại thừa".
Tuy vậy, biển cả thì dung chứa tất cả nước sông ngòi, khe lạch. Các cơ
giáo khác cũng có thể tu học và vẫn có được lợi ích. Người nghe kinh
nầy mà tin hiểu, trong lòng không nghi hoặc là người trồng sâu căn lành,
trong nhiều đời đã gặp gỡ Phật pháp rồi. Vì vậy, người nghe kinh nầy
phải là người rất nhiều phước đức là người gieo trồng sâu hạt giống
Đại thừa.
Tu học kinh nầy thiên long, bát bộ, quỷ thần đều ủng hộ
khiến cho mọi tai ương bất trắc không thể xảy đến nhiễu hại. Bởi vì
người nầy đã đóng bít cánh cửa "hại nhơn" rồi.
- "Tước trác tứ cố thực.
- Yến tẩm vô nghi tâm.
- Lượng đại phước diệc đại.
- Cơ thâm hoạ diệc thâm."