- Đạo Phật Đi vào Cuộc
Đời
- Và Các Tiểu Luận Khác
- Thiền Sư Nhất Hạnh
- 4
- ĐỂ THIẾT LẬP ĐỐI THOẠI
Để có sự cảm thông, chúng tôi
vâng theo vài nguyên tắc rất giản dị. Dù cho người bạn đọc của chúng
tôi là Phật tử hay không Phật tử, chúng tôi cũng mời bạn cùng đứng
trên một bình diện mà nhận xét và trao đổi. Trước khi mong có sự cảm
thông chúng ta nên nhận định những nguyên tắc căn bản ấy để cuộc đối
thoại có thể là cuộc đối thoại chân thực giữa một con người với một
con người - con người không bị ngăn cách bởi hàng rào danh ngôn định kiến.
Tôi xin đem một thí dụ. Ai cũng
nghĩ rằng bài tôi đang viết đây là một bài viết về đạo Phật, do một
người Phật tử viết.
Trên căn bản nhận thức đó, ai cũng
dễ nghĩ rằng bài này sẽ cố nói hay cho đạo Phật, bởi không lẽ
một người Phật tử mà lại đi chê đạo Phật và khen một đạo khác
hay sao ? Chúng ta sẽ bực mình vì nhận xét đó, bởi vì chúng tôi thấy
tuy nó là một sự thật nhưng là một sự thật rất tầm thường. Khi tôi
mở miệng bắt đầu nói hay cầm bút bắt đầu viết, người bạn tôi có
thể nói rằng: "Thôi đi, tôi biết anh muốn nói gì rồi. Anh lại sắp
nói với tôi đạo Phật hay như thế này, đạo Phật cần như thế kia chứ
gì. Không có cảm thông gì hết. Mục đích của anh là để thuyết
giáo cho tôi nghe để khiến tôi có cảm tình với anh, với đạo của anh.
Tôi thấy rằng một sự trao đổi cảm thông chân thật chỉ có thể có giữa
hai con người tự do. Anh thì đã bị buộc vào đạo Phật rồi, anh không
còn tự do nữa, và hễ cái gì anh nói ra sẽ chỉ là để bênh vực cho đạo
của anh."
Người bạn của tôi có lý, tôi phải
công nhận như vậy. Và anh, có lẽ anh cũng phải công nhận như vậy. Nhìn
vào cuộc đời, nhìn vào sự thật thì biết. Sự thật "tầm thường"
quá khiến chúng ta buồn bã, chán nản và có khi khinh ghét, ghê tởm nữa.
Nhưng mà chúng ta thấy phẫn uất. Không lẽ sự thật lại chỉ tầm thường
như thế thôi sao ?
Tuy nhiên, lối nhìn đó là lối
nhìn chung của mọi người căn cứ trên khuynh hướng nhận thức của lý
luận hình thức. Trong Duy Thức Học của đạo Phật, lối nhận thức ấy
gọi là "biến kế sở chấp" (vikalpa) một lề lối nhận thức đóng
khung trong sự mê chấp vào nguyên tắc đồng nhất (principe d'identité) của
sự vật. Sự vật không đồng nhất trên thời gian (vô thường) cũng như
trên không gian (vô ngã). Chúng ta thử xét lại vấn đề xem sao.
Có một bữa đi ngoài đường, tôi
gặp một người ngoại quốc. Ông ta dừng lại hỏi tôi: "Ông là người
Phật giáo phải không ?." Tôi trả lời "vâng." Ông ta nhìn tôi
một lát rồi gật gù có vẻ hiểu. Rồi chúng tôi chia tay. Nhưng câu chuyện
không giản dị như vậy. Khi ông ta đi rồi tôi mới ngồi suy nghĩ, băn
khoăn không hiểu ông ta gật gù về chuyện gì. Không biết ông ta đã xây
dựng những gì trong trí óc ông ta trước khi gật gù. Thế nào trong trí
óc ông ta cũng có một hình bóng, một khái niệm về đạo Phật tổ hợp
nên do một ít điều ông ta đã thấy, đã nghe và đã tưởng tượng. Cái
hình bóng ấy, cái khái niệm ấy mà ông ta đã cho là đạo Phật chắc chắn
không giống cái mà tôi cho là đạo Phật. Mỗi người trong chúng ta có một
nhận thức khác nhau về đạo Phật, tùy ở kiến thức, khả năng lĩnh ngộ
và óc suy luận của ta. Nói một cách khác hơn, mỗi người trong chúng ta
có một đạo Phật, và có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu đạo Phật,
trong lúc ấy thì đạo Phật tự thân (le Bouddhisme en soi) nằm ở đâu, và
có dính líu ít nhiều với những đạo Phật trong nhận thức của chúng ta
không, cái đó chúng ta không hiểu được, bởi vì chúng ta chưa thoát khỏi
ý thức suy luận chủ quan của chúng ta. Chỗ sai lầm là tưởng rằng bao
nhiêu nhận thức của chúng ta về đạo Phật đều phản chiếu đạo Phật
tự thân; kỳ thực có những nhận thức mệnh danh là về đạo Phật mà
thực không dính dáng gì đến đạo Phật hết cả. Nhưng anh có quyền gì
và anh dựa vào tiêu chuẩn nào để nói rằng nhận thức đó không dính
dáng gì đến đạo Phật, trong khi anh nói rằng không thể vượt khỏi ý
thức suy luận chủ quan của anh ? Tại sao anh lại đoan quyết được rằng
nhận thức của anh về đạo Phật là gần với đạo Phật tự thân hơn cả
? Người bạn đọc có thể hỏi như thế. Tôi công nhận đó là một câu
hỏi thật thông minh và xin khất lại ít lâu trước khi trả lời. Nhưng mà
tôi xin nói rằng tôi không bao giờ dám đoan quyết rằng nhận thức của tôi
là gần với đạo Phật tự thân hơn cả. Tôi chỉ dám nói rằng trong lịch
trình kinh nghiệm tâm linh, nhận thức hiện thời của tôi về đạo Phật,
so sánh với những nhận thức của tôi về đạo Phật trong quá khứ, đã
ít ngây thơ và tôi tin là vì ít ngây thơ hơn nên cũng có thể gần với
đạo Phật tự thân hơn.
Thôi để tôi gắng thoát cái vòng
luẩn quẩn. Tôi trở lại câu chuyện ông bạn ngoại quốc hồi nãy. Có thể
khi nghe tôi xác nhận tôi là người đạo Phật, ông ta liền nghĩ rằng:
"À ra cái ông này đang mong ước lên Niết Bàn Hư Vô Tịch Diệt đây,
và đang tự xóa bản ngã của mình để thoát khỏi sáu nẻo luân hồi đây."
Thật ra thì chính nội dung những danh từ và những khái niệm diễn đạt
trong ý nghĩ kia cũng thay đổi theo nhận thức từng người, và cùng về một
câu nói đó mà mỗi người có thể nghĩ khác nhau. Những chữ Niết Bàn, Hư
Vô, Tịch Diệt, Bản Ngã, Luân Hồi không có nghĩa nhất định. Xin bạn đừng
cười, vì sự thực là như thế. Có biết bao nhiêu định nghĩa về Niết
Bàn rồi, và những cố gắng ấy là để làm nên một việc mà chính Phật
Thích Ca đã không làm nổi. Hỏi Niết Bàn là gì, Ngài đã từ chối không
trả lời.
Vậy nếu ông bạn ngoại quốc nói
to ý nghĩ đó cho tôi nghe thì tôi sẽ hỏi lại ông muốn nói gì khi ông bảo
là tôi "đang ước mong lên Niết Bàn Hư Vô Tịch Diệt và đang tự xóa
bản ngã của mình để thoát khỏi sáu nẻo luân hồi." Cố nhiên là
ông sẽ giải thích câu nói theo nhận thức của ông về đạo Phật và cố
nhiên là tôi khó mà chấp nhận đó là đạo Phật của tôi. Tôi có thể
trả lời: "Tôi là người đạo Phật, nhưng là đạo Phật trong nhận
thức của tôi chứ không phải là đạo Phật trong nhận thức của ông.
Theo tôi, cái mà ông cho là đạo Phật ấy nó không phải là đạo Phật mà
chỉ là những tưởng tượng của ông về đạo Phật." Ông ta có thể
dùng lý luận của tôi để bắt bẻ lại tôi: "Ông chắc gì cái mà
ông tưởng đã là đạo Phật ?." Vậy thì trong hai chúng tôi không ai hơn
ai thua. Chúng tôi có hai đạo Phật khác nhau, mà đạo Phật tự thân thì
chẳng biết theo hùa về phe nào. Vấn đề giải dị như thế.
Trong số 500 triệu người tự nhận
là theo đạo Phật, người nào cũng nghĩ rằng mình đang theo đạo Phật
tự thân. Và trong số những người có học và nghe nói về
đạo Phật, người nào cũng nghĩ rằng đạo Phật là cái đang phản chiếu
trong quan niệm mình. Thực ra tất cả đều chỉ là những quan niệm về
đạo Phật mà không hẳn là đạo Phật. Trong một tôn giáo có đến
hằng mấy mươi tông phái chất chứa không biết bao nhiêu là hệ thống
giáo lý và triết học trong một tôn giáo mà con người có quyền tự do
phê phán, chọn lựa và sáng tạo giáo lý, vấn đề quy định cái gì là
đạo Phật tự thân lại là một vấn đề càng khó khăn hơn gấp bội.
Cho nên ta không ngạc nhiên khi nghe đạo Phật nói có đến tám vạn bốn
ngàn nẻo vào chân lý (bát vạn tứ thiên pháp môn).
Xin cho phép tôi nói rộng ra thêm một
ít trước khi chúng ta đặt nguyên tắc thứ nhất. Nhà thần học danh tiếng
Paul Tillich trong tác phẩm Systematic Theology có nêu lên ý niệm về một
"vòng tròn thần học" (theological circle). Muốn đạt đến chân lý
thần khải mầu nhiệm, ta phải đứng ở trong vòng tròn chứ không phải
đứng ngoài vòng tròn. Vòng tròn ấy biểu hiện bên trong, cho
những người đã chấp nhận giáo hội và Thánh Kinh như là những phương
tiện duy nhất để tìm đến sự thể nhập chân lý thần khải - nói
khác, cho những người đã can đảm lựa chọn và tin tưởng ở Ky Tô
Giáo. Những người đứng ngoài vòng tròn thì không thể thấy được chân
lý thần khải; nếu những người đó muốn họ phải can đảm nhẩy vào
vòng tròn - Nếu ta xét kỹ ý niệm vòng tròn thần học này theo nhận thức
ta đã dùng để xét những người Phật tử, thì ta sẽ thấy vòng tròn thần
học ấy cũng không thể nào thiết lập được. Có những người mang danh
hiệu là tín đồ Ky Tô Giáo nhưng mà nhìn vào họ ai cũng thấy hình như
những người ấy không đứng trong vòng tròn thần học. Họ là những
tín đồ hữu danh vô thực. Trong đạo nào cũng có hiện tượng ấy. Nhưng
nếu họ cứ tự nhận họ là người đứng ở trong ai mà cấm được ? Uy
quyền của Giáo Hội, uy quyền của Thánh Kinh ai cũng biết là không đủ
để quy định thế nào là ở trong và thế nào là ở ngoài. Nhìn vào sự
thật tự khắc chúng ta biết. Có hàng ngàn hàng vạn nhận thức về chân
lý Thánh Kinh, ta dùng nhận thức nào đây để quy định vấn đề trong,
ngoài và vẽ ra cái vòng tròn khó khăn đó ?
Theo ý chúng tôi thì không có một
tín hữu nào dám cả quyết rằng mình đang đích thực đứng trong vòng
tròn cả - nếu ta nói đến những người biết cẩn trọng và khiêm nhượng
trong bước học hỏi và tu luyện của mình. Tin một cách tuyệt đối rằng
mình đang ở trong và kẻ kia đang ở ngoài là dấu hiện của sự quá chất
phác giản dị nếu không phải là ảo tưởng. Theo chúng tôi, đức tin không
phải là một sự đạt đạo tới bình an vô lượng mà là một thao thức
thường xuyên hướng đến sự đi tới, đi tới bằng cách can đảm từ bỏ
cái mình nhận ra là sai và chấp nhận cái mình mới khám phá ra được bằng
học tập và bằng kinh nghiệm tâm linh trong sinh hoạt tôn giáo. Tin không phải
là để được yên ngủ mà là để chấp nhận đi tới - mà đi tới là một
quá trình tự hủy và tự tạo thường xuyên - một công trình đòi hỏi
can đảm, thao thức và khổ đau nữa.
Cái nhà thần học Tây phương hiện
nay thường nói đến đức tin như một ân huệ, một tặng phẩm của Thượng
Đế cho con người, mà không phải chỉ là sự lựa chọn và chấp nhận của
con người đối với Giáo Hội và đối với Thánh Kinh. Trong trường hợp
ấy, làm sao ta có thể quyết đoán được rằng ai đã tin, và ai chưa tin ?
Ai đã được tặng phẩm đó của Thượng Đế và ai chưa ? Và chính bản
thân của mình nữa: mình cho rằng mình đang tin, đang đứng ở trong vòng
tròn, liệu mình đã được đích thực tiếp nhận ân huệ ấy hay tất cả
những gì mình đang có cũng chỉ là sáng tạo phẩm của một nhận thức
chủ quan ?
Mà nếu có những kẻ hữu danh vô
thực, thì sao lại không có thể có những kẻ hữu thực vô danh ? Một người
kia không biết đến Giáo Hội, không đọc đến Thánh Kinh, nhưng nếu sinh
hoạt tâm linh phù hợp với chân ý Chúa Ky Tô thì ai dám bảo rằng người
ấy ở ngoài vòng tròn và không thể tiếp nhận chân lý tối hậu ?
Cho nên những ý niệm ở trong, ở
ngoài, bên này, bên kia, đạo Phật, đạo Chúa… đều là những ngục tù
giam hãm ngăn cách con người. Nếu muốn có một cuộc đối thoại chân thực,
ta phải vùng vẫy để đập bỏ phá vỡ những cái vỏ cứng ấy của tâm
niệm, của thành kiến. Khi người bạn tôi nói: "anh đã bị buộc vào
đạo Phật rồi, anh không còn tự do nữa" là bạn tôi muốn nói đến
những vỏ cứng đó. "Vậy nếu muốn được tự do, ta không nên theo
một cái gì hết phải không ?." Một người bạn khác hỏi. Tôi thấy
điều đó không thể thực hiện được. Anh không thể sống, nếu anh
không theo một cái gì. Trong trường hợp một người không theo đạo Chúa,
không theo đạo Phật, cũng nhất định không theo đạo nào hết, người
ấy đã phải là tự do đâu. Người ấy cũng có một cái vỏ cứng thật
to lớn và vững chãi, có lẽ còn to hơn cái vỏ của bạn và tôi nữa.
Cái vỏ ấy che lấp không cho người ấy thấy gì, và vì vậy người ấy
cũng là nô lệ muôn đời cho nhận thức của chính mình. Tốt hơn là phải
chấp nhận, với tất cả trí tuệ và tâm linh mình, một đường lối, và
hãy đi trên đường lối ấy với tâm trạng thao thức, cẩn trọng, khiêm
nhượng, sẵn sàng trao đổi, sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng chấp
nhận khổ đau để thực hiện. Với thái độ đó, không có cái vỏ
nào giam hãm chúng ta được, không có xiềng xích nào níu kéo chúng ta được,
không có mãnh lực nào khiến ta trở nên cuồng tín phủ nhận tất cả
"những gì không phải là ta" được. Và đứng ở đâu, ta cũng nhìn
thấy nhau.
Vậy nguyên tắc thứ nhất, theo thiển
ý, là nhớ mãi rằng dù cho có đức tin, dù có đức tin rồi, dù không có
đức tin, tất cả chúng ta đều là người đang đi tìm sự thực và sự
thực thì không biết đến những vỏ cứng và những vòng tròn.
Nguyên tắc thứ hai, theo ý chúng
tôi, là không biện luận trên căn bản tỷ giảo để so sánh đối chiếu
và ước lượng giá trị siêu hình, triết học và đạo đức giữa tôn
giáo này với tôn giáo kia mà chỉ trình bày sở kiến của mình về lãnh vực
chuyên môn của mình để cùng nhận xét và thảo luận.
Như thế câu hỏi cấp thiết của
chúng ta đặt ra không phải là xét xem đạo nào là chân lý, và đạo nào
không là chân lý, đạo nào hợp với quần chúng và đạo nào không hợp với
quần chúng, đạo nào nên theo và đạo nào không nên theo - câu hỏi cấp
thiết của chúng ta là tìm xem :
- - Đạo mà anh đang theo có những đặc điểm nào
?
- - Có thể giúp được gì ?
- - Giúp thế nào ?
- - Vì sao và căn cứ vào đâu mà anh nói được
như vậy ?
Như thế chúng ta sẽ tránh khỏi những
cuộc thảo luận không bao giờ chấm dứt, những cuộc thảo luận chỉ
làm tốn thì giờ tốn sức lực mà không đem lại kết quả thiết thực nào
cho sự sống, nếu không phải là do sự hiểu biết chân thực.
Nguyên tắc thứ ba mà cũng là
nguyên tắc chót, theo ý chúng tôi, là ta phải cùng đứng trên một miếng
đất để có thể cúng đồng thời trông thấy được những điều mà bạn
cố chỉ cho tôi ấy. Như thế có nghĩa là bạn cố chỉ ra những đề tài
siêu hình chẳng bao giờ có thể kiểm soát được trên hý luận vô ích chỉ
gây thêm thành kiến và đau khổ.
Về nguyên tắc thứ ba này, ta có
thể đi sâu hơn để nhận định giới hạn những địa hạt mà ta có thể
khám phá chung với nhau. Nghiên cứu một tôn giáo ta có thể tìm đến tôn
giáo ấy bằng chiều ngưỡng cửa: ngưỡng của thần lý học, ngưỡng của
sử học, người của kinh tế học, ngưỡng cửa nhân chủng học, ngưỡng
cửa xã hội học… Từ mỗi lối vào ta có thể khám phá thêm rõ khi ta
đi vào bằng những lối kia. Nhưng mà ta đừng bị quáng mất bởi một
khám phá nhỏ để rồi đi đến sự phủ nhận những khám phá khá của sự
phủ nhận những khám phá khác của những người không cùng đi vào một cưỡng
ngựa của với ta. Ta đừng cố cắt nghĩa tất cả các hiện tượng
tôn giáo bằng điều ta mới khám phá được, nếu không ta sẽ phạm vào lỗi
lầm muôn đời của ông thầy bói bảo rằng con voi cũng giống cái chổi
lông. Đứng về phía giải thích hiện tượng tôn giáo chẳng hạn, một
Max Luller có thể khám phá ra rằng tôn giáo bắt nguồn ở khuynh hướng nhân
cách hóa những sự vật tự nhiên để được biểu hiện ở thần thoại
và thờ cúng. Một Spencer có thể cho rằng tôn giáo bắt nguồn từ sự sợ
hãi mà quỷ rồi đi đến sự thờ cúng tổ tiên và tiếp đó là sự thờ
cúng những thần linh được chọn trong số vong hồn những tổ tiên nào hiển
hách nhất. Một Van Gennep hay một Crawley có thể cho rằng tôn giáo phát
nguyên từ những khủng hoảng tâm lý trong đời người tạo ra do những hiện
tượng sinh đẻ, dậy thì, hôn phối, chết. Những khủng hoảng đó đưa tới
sự thờ cúng và lễ bái. Một Freud có thể nói rằng tôn giáo là hình ảnh
của một ảo tưởng, kết cấu đại đồng của một trạng thái thần
kinh nhắm mục đích thỏa mãn và che dấu ước vọng chân thực
của con người đang sống. Chúng ta không có thì giờ để mà thảo luận
cân nhắc tất cả những khám phá ấy. Chúng ta không có được cái xa hoa
ngồi thảo luận hàng tháng hàng năm như thế. Chúng ta phải nhìn thẳng
vào xã hội loài người, khắt khe hơn nữa, xã hội Việt Nam chúng ta trong
hiện tại, để thảo luận. Ta sẽ nhìn nhận thực trạng xã hội, phải
nhìn nhận sự có mặt của các ý thức hệ và của các tôn giáo có mặt
tại xã hội ta, phải hỏi rằng trong hiện tình quả thực tôn giáo của
ta có thể đóng góp gì ? Đóng góp cách nào, và có thực tế không, hay chỉ
là ước vọng là ảo tưởng ? Ta sẽ nhìn nhận địa vị tôn giáo ta bên
cạnh sự hiện diện của các tôn giáo khác như thế nào trong xã hội ta.
Ta sẽ phụng sự, không phải cho một tổ chức tôn giáo, mà cho một lý
tưởng tôn giáo. Nói khác ta phụng sự con người, phụng sự xã hội;
trong quá trình hành động, tổ chức tôn giáo không phải cứu cánh mà là
phương tiện. Nói như thế không phải là chủ trương rằng hãy biến các
đoàn thể tôn giáo thành những lực lượng xã hội và chính trị: nói như
thế chỉ là nhấn mạnh đến sự thực hiện lý tưởng tôn giáo mà phản
kháng ý thức quy hướng mọi hoạt động về sự xây dựng cho
tổ chức tôn giáo, để cho "tôn giáo" mình thêm mạnh, thêm quyền
thế để "tôn giáo" mình chiếm địa vị độc tôn. Nếu một tôn
giáo nào quên lãng sự thực hiện lý tưởng tôn giáo mà chỉ nhắm đến
sự bành trướng thế lực và tổ chức thì tôn giáo ấy không được gọi
là tôn giáo nữa. Ta phải thành khẩn và thận trọng nhận thức sự khác
biệt giữa hình thức và nội dung một tôn giáo. Có khi đạt được
hình thức lớn mạnh mà nội dung đã tan biến và tiêu diệt, vì lẽ những
phương tiện để đạt đến hình thức lớn mạnh ấy đã đi ngược lại
tinh thần của tôn giáo ấy.
Cho nên một cuộc đối thoại giữa
người Phật tử với người Phật tử, giữa người Phật tử với người
"không" Phật tử, phải là một cuộc đối thoại giữa những người
có thiện chí - chỉ nhắm đến con người. Trước hết nếu ta để thì giờ
bàn về Niết Bàn, bàn về Thiên Đường, bàn về sự sống bên kia cái
chết, chúng ta sẽ còn bị ngăn cách nhau mãi mãi bằng những giả thuyết
siêu hình không thể kiểm soát, những sai biệt đã gây quá nhiều thương
tích cho lịch sử. Ta có thể nghe Đức Không Tử "vị năng sự sinh, yên
năng sự tử" hay nghe Phật Thích Ca: "Đừng có hỏi rằng thế giới
này hữu hạn hay vô hạn, hữu cùng hay vô cùng. Dù nó hữu hạn hay vô hạn,
hữu cùng hay vô cùng thì điều mà chúng ta phải công nhận trước tiên
là đau khổ của cuộc đời là một hiện thực."
Vì vậy, ta bắt đầu từ sự khổ
đau, từ con người mà không phải từ thế giới siêu hình.