- Đạo Phật Đi vào Cuộc
Đời
- Và Các Tiểu Luận Khác
- Thiền Sư Nhất Hạnh
- 8
- NGƯỜI TRÍ THỨC VÀ ĐẠO
PHẬT
Trừ ra ở những địa phương mà
công cuộc chấn hưng Phật giáo đã tạo được tác dụng sinh hoạt theo
chính pháp trên các phương diện giáo dục, xã hội và tâm linh, ở nhiều
nơi, nhất là ở thôn quê, mỗi khi nói đến đạo Phật, một số trong chúng
ta thường liên tưởng tới những ngôi chùa tối tăm với lối thờ phụng
phức tạp và tới những ông thầy quanh năm gõ mõ tụng kinh và đi làm đám
ma đám chay trong làng trong xóm. Từ gần một trăm năm nay hình bóng của đạo
Phật là như thế đối với người trí thức Việt Nam. Cố nhiên có một
số người có liên lạc với các tự viện đứng đắn, tiếp xúc được
với một ít các vị cao tăng và hiểu được rằng đạo Phật là một
sinh hoạt tâm linh rất cao siêu, nhưng số người ấy thực là quá ít.
Hình ảnh của đạo Phật Lý Trần chỉ được thấy thấp thoáng mờ ảo
qua một vài trang lịch sử, một ít tác phẩm và thơ văn; những tài liệu
này cũng ít có ai chú ý tới. Chúng ta chỉ thấy trước mắt một số sinh
hoạt tín ngưỡng rất bình dân, rất phức tạp, được mệnh danh là đạo
Phật Việt Nam. Thực ra thì đấy chính là hình bóng đích thực của đạo
Phật bình dân Việt Nam - và hình bóng ấy mang trong nó tình trạng chậm tiến
và lạc hậu của ta về phương diện kỹ thuật, khoa học và xã hội.
Trong kinh Pháp Hoa, giáo lý của Phật
được ví với một trận mưa rào thấm nhuần rừng núi đồng ruộng. Tùy
theo nhu cầu, các cây lớn cây bé hút lấy nước mát của trận mưa. Nhu cầu
tín ngưỡng tầm thường của xã hội bình dân khiến cho xã hội bình dân
chỉ tiếp nhận được một phần rất ít giáo lý của đạo Phật, và vì
vậy đạo Phật bình dân Việt Nam tiêu biểu một cách nghèo nàn và vô
cùng thiếu sót giá trị cao đẹp của Phật học. Khi một bà mẹ mang đứa
con tám tháng đến chùa "bán khoán" cho ông thầy và cho Phật, bà mẹ
ấy tin tưởng rằng khi đứa bé đã là con của Phật rồi thì ma quỷ
không còn dám động tới tánh mạng nó nữa. Nhà chùa cho đứa bé mặc áo
có in những chữ Phạn (như là bùa chú) để trấn áp các loại ma quỷ.
Khi mà những phương tiện y tế, vệ sinh đang còn thiếu thốn, không bảo
đảm được cho sinh mạng đứa bé thì cố nhiên bà mẹ phải tìm tới những
bảo đảm của tín ngưỡng. Đạo Phật là đạo từ bi, tại sao sau một lễ
cầu an ông thầy lại không cho đứa bé mặc một chiếc áo của Phật để
bà mẹ vững lòng tin hơn nơi uy lực huyền diệu của Ngài ? Mà thử hỏi
các ông thầy chùa làng có cần phải có một trình độ trí thức cao hay
không và một khả năng hướng dẫn đời sống tâm linh sâu sắc hay không,
khi mà những nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng thì giản dị và tầm thường
như thế ? Một vị tăng sĩ bác học, chỉ biết dạy tham thiền và giảng
kinh Pháp Hoa làm sao có thể sống trong một ngôi chùa bao quanh bởi lớp quần
chúng chỉ đòi hỏi những công việc ma chay trừ tà và trị bệnh như thế
?
Cho nên muốn đạo Phật được hiển
lộ với hết sắc thái cao đẹp của nó, ta phải tìm cách áp dụng cho
được đạo Phật một cách sung mãn trong sự sống, và như thế tức là
phải làm sao cho quần chúng biết tìm ở đạo Phật sự thỏa mãn những
nhu cầu sinh hoạt trí tuệ và tâm linh cần cho sự phát triển toàn vẹn
con người của họ chứ không phải chỉ biết tìm ở đạo Phật những an
ủi và che chở có tính cách thần bí mà thôi.
Một câu hỏi tự nhiên đến với
chúng ta. Làm sao trong điều kiện sinh hoạt kinh tế thấp kém như thế, làm
sao trong sinh hoạt trí thức thiếu thốn như thế người dân có thể có
được những nhu cầu về sự phát triển con người của họ về phương
diện sinh hoạt tâm linh ? Bận rộn quá về vấn đề chạy ăn, chạy thuế,
chạy thuốc men cho con làm sao họ có thể nghĩ đến chuyện học hỏi giáo
lý đạo Phật ? Kiến thức thiếu thốn như thế làm sao họ nhận ra rằng
sở dĩ con họ bị bệnh không phải là vì tà vì quỷ, mà tại vì họ thiếu
những phương pháp trị liệu và bảo vệ sanh mạng cho đứa bé ? Họ đang
cần ở một ít trấn tĩnh và an ủi thì họ nhận một ít trấn tĩnh và
an ủi ở đạo Phật, thế thôi. Đạo Phật phải chỉ cho họ thấy rằng
ngoài những nhu cầu trấn tĩnh và trị liệu ấy, họ còn phải tìm ở đạo
Phật phương tiện để phát triển sinh hoạt tâm linh, giáo dục, kinh tế
và xã hội nữa. Nhưng đạo Phật Việt Nam trong những thời gian gần đây
đã không làm được như thế. Vì sao ?
Lý do thứ nhất là ngưỡi trí thức
Việt Nam đã bỏ Phật học để theo đòi cái học khoa cử. Ai cũng biết
ở các thời đại Lý và Trần sơ, đạo Phật đã đóng vai trò kiến quốc
trên các phương diện văn học, đạo đức, nghệ thuật, giáo dục, ngoại
giao và xã hội. Đạo Phật trong các thời đại ấy đã thúc đẩy sự tiến
lên của xã hội Việt Nam và công trình kia chứng thực sinh lực và khả năng
của Phật giáo. Sử chép rằng ở triều Lý giới trí thức bác học nhất
trong nước là các nhà Phật học và các thiền sư. Cái học của Phật học
lúc đó là cái học để hiểu và để xây dựng, nó không đem lại tước
vị cho ai cả. Các thiền sư thường được vua vời vào cung giảng đạo,
luận bàn việc văn hóa, kinh tế, xã hội và cả chính trị nữa. Có thiền
sư đã được mời đứng ra để tiếp sứ ngoại quốc. Thế nhưng họ vẫn
sống đạm bạc nâu sồng trong các tự viện, và chỉ vào cung khi có chỉ
triệu mời. Giới trí thức đã nắm được tinh hoa của Phật học (tác phẩm
của thời đại chứng tỏ điều ấy) có một nếp sinh hoạt tâm linh phong
phú, giải thoát, siêu việt, và đã sử dụng cái học ấy để giúp cho
xã hội, từ tinh thần kiến trúc đến công tác từ thiện xã hội. Nhưng
từ lúc cái học thì cử bắt đầu được tổ chức, thì tình thế đổi
hẳn. Người trí thức của thế hệ kế tiếp nhận thấy ở cái học ấy
những phương tiện để bước lên nấc thang phú quý danh vọng. Học kinh Lăng
Nghiêm và thực tập tham thiền nhập định không có triển vọng bằng học
Luận Ngữ và tập làm văn sách, thi phú. Thế là trí thức Việt Nam bỏ Phật
học để theo cái học khoa cử với giấc mộng áo mũ cờ lọng và võng
điều võng thắm. Lịch sử ghi lại những dèm pha, những sàm tấu, những
công kích đối với thiền sư và thiền môn. Các vị tăng khi không được
dùng nữa thì an nhiên trở về tự viện hành đạo, dạy học, ẩn mình,
đúng như lời của Tuệ Trung Thượng Sĩ trong bài Phóng cuồng ca :
"Thâm tắc lệ hề, thiển tắc
kệ,
Dụng tắc hành hề, xã tắc
tàng"
(Thượng Sĩ Ngữ Lục, Việt Nam Phật
Điển Tùng San)
Người ta theo cái học mới cả rồi,
thế hệ trẻ chen nhau vào cửa Khổng sân Trình cả rồi, nên Thiền môn vắng
bóng kẻ sĩ. Chỉ cần một thời gian ba bốn chục năm thôi là cao tăng bác
học trở nên thưa thớt lẻ tẻ. Và Phật giáo, thiếu người trí thức,
thiếu sự lãnh đạo, rơi xuống cho quần chúng bình dân gìn giữ, bảo vệ.
Cũng do đó mà đạo Phật trong các thời đại sau này sẽ bị lấm lem bởi
những màu sắc mê tín thần bí phức tạp mà ta còn trông thấy ở nền
tín ngưỡng hiện đại. Một số ít các bậc cao tăng không đủ để phát
huy nền đạo lý chính pháp trong cả một xã hội khao khát tín ngưỡng
như xã hội Việt Nam chúng ta. Và chỉ có những ai có duyên được gặp họ
mới thấy được đạo Phật không phải chỉ là một ít nghi lễ để làm
thỏa mãn những nhu cầu tín ngưỡng hàng ngày của quần chúng trong thôn lạc.
Lý do thứ hai là số người Phật
tử trí thức không biết tìm cách trả đạo Phật lại cho giới trí thức,
không biết đánh tan những nhận thức sai lạc của giới trí thức khi họ
cho rằng đạo Phật là mê tín thần quyền, là chỉ lo tự lợi, là chán
đời, là nhu nhược yếu đuối… không trình bày được đạo Phật cho những
người có chí như một lý tưởng cải thiện sinh hoạt xã hội và tâm
linh của dân tộc. Điều này có thể là một điều trách cứ quá đáng, bởi
vì công việc thì khó mà số lượng các cao tăng và các cư sĩ hiểu Phật
thì quá nhỏ bé. Nhưng dù sao quan niệm và phương pháp của họ trong công
cuộc duy trì Phật pháp cũng đã thiển cận. Khi người Tây phương mang qua
nước ta nền văn minh và cái học của họ, đáng lẽ đạo Phật có thể
lấy kỹ thuật mới để phát huy nền đạo học đã bị mai một và chen lấn
bởi cái học khoa cử. Bởi vì khi Tây học được thiết lập ở xứ ta,
trí thức Việt Nam lại bỏ Nho học mà theo cái học mới, cũng như ngày xưa
người ta đã bỏ Phật học để theo Nho học vậy. Cái học ông nghè ông
cống bấy giờ hết có hiệu quả nữa rồi, người ta bèn chạy theo cái học
ông Phán để buổi tối có rượu sâm bang và buổi sáng có sữa bò. Các
nhà nho bị bỏ rơi, lui về vườn, và ta thấy rõ cái cảnh thiền gia và
nho gia ngồi uống trà thân mật. Nhà sư cố nhiên bao giờ cũng hoan hỷ, dù
là với người ngày xưa đã cho mình về vườn.
Cái chữ nho mà ngày xưa người
tăng sĩ thường dùng để học kinh và dạy kinh bấy giờ cũng ít ai chịu
học, nên nền Phật học đã ốm yếu lại càng ốm yếu hơn. Thêm vào đó
lại có những tôn giáo mới, với lối truyền đạo có phương pháp hơn, công
phu hơn và tích cực hơn. Các nhà sư vốn gần gũi với phong trào kháng chiến
Cần Vương nên cũng không ưa gì cái học a tròn b méo của người Pháp
đem vào. Họ cũng muốn tẩy chay cái thứ văn minh "mất gốc" lúc
bấy giờ đang lan tràn như vũ bão, nhất là ở thành thị. Họ không biết
thích nghi với thời đại, đem lối văn tự mới để truyền bá Phật học.
Trái lại những người tập sự trong các tu viện (điệu) đều chỉ được
học chữ Hán. Mãi đến khoảng 1930 mới bắt đầu thấy có các chú điệu
được học quốc ngữ.
Cố nhiên Phật học phải suy đồi
một cách thảm hại khi mà một mặt, thế hệ những người thâm hiểu
Hán văn tàn dần, một mặt, lớp người muốn học quốc văn bị cấm đoán,
không được khuyến khích. Thế kỷ vừa qua thực đã mang lại quá nhiều
đen tối cho Phật giáo, nếu mà không có phong trào chấn hưng Phật học khởi
mở từ khoảng 1930 dưới ảnh hưởng của phong trào Phật học Trung Hoa do
Thái Hư đại sư lãnh đạo.
Công cuộc chấn hưng Phật giáo đã
vấp phải những trở ngại lớn lao. Một mặt, lớp người Phật tử trí
thức làm cán bộ thì thiếu thốn; mặt khác, công việc va chạm sự khó
khăn nghi kỵ của chính quyền; mặt khác nữa không có cơ sở tài chính: mọi
cố gắng phần nhiều dựa trên phương tiện của một số các người hơi
dư dật được mệnh danh là có tâm đạo và thực ra là có nhiều đòi hỏi
tín ngưỡng không cần cho chánh pháp lắm như tô tượng, đúc chuông, đàn
trai, chẩn tế… Cho nên mãi đến nầy sau bao nhiêu cố gắng, đạo Phật
vẫn chưa tự thực hiện được phong độ ngày xưa. Một số rất đông
thanh niên và trí thức mê say Tây phương vẫn không có được một ý niệm
về giá trị Phật học, mỗi khi nghe nói đến đạo Phật vẫn nghĩ đến
những hình thái lễ bái tín ngưỡng tiêu cực, những lề lối sinh hoạt yếm
thế.
Cuộc biến động lịch sử vừa
qua đã lay chuyển được trí thức trẻ tuổi Việt Nam. Tinh thần vô úy,
hy sinh, thương yêu của đạo Phật được thể hiện chói rạng nơi Hòa thượng
Quảng Đức, nơi lớp người hiền lành nhưng cương quyết khi họ đứng dậy
cho tự do và ngã xuống cho tự do. Một số những người bạn trẻ bàng
hoàng tỉnh thức: họ không dám nghĩ rằng cái hình ảnh họ tạo ra trong
trí họ là đạo Phật nữa. Họ hé thấy ở đạo Phật một cái gì không
phải yếm thế, tiêu cực. Thì ra trong cái hình thức cũ kỹ và tầm thường
ấy có một viên ngọc nội dung vô cùng giá trị. Sự hưởng ứng và phong
trào học Phật của người trí thức và thanh niên ngày nay chứng tỏ sự
hé thấy đó.
Cuộc vận động của toàn dân sở
dĩ thành công là vì chúng ta đã khai triển được đức vô úy, tình thương
yêu, sự hy sinh, những gì được coi như là nắm trong phần nội dung đẹp
đẽ của đạo Phật. Đó là những tia sáng đầu chiếu xuyên ra ngoài cái
vỏ hình thức cũ kỹ và tầm thường. Nếu lấy được viên ngọc đó ra
hẳn ngoài ánh sáng, thì ta sẽ trở nên vô cùng giàu có.
Nhân đây tôi xin nhắc lại câu
chuyện viên ngọc quý trong kinh Pháp Hoa. Một vị trưởng giả triệu phú
kia biết rằng đứa con trai mình vì tánh tiêu xài phung phí nên có thể
làm tán gia bại sản ngay trong một thời gian ngắn sau khi ông qua đời.
Ông liền lấy cái áo của đứa con, cái áo mà ông dặn đứa con sẽ mang
theo suốt đời, rạch gấu áo và giấu vào đấy một viên ngọc bảo châu
quý giá vô ngần. Quả nhiên sau khi ông mất, đứa con phá sản trong một
thời gian rất ngắn, và sau khi bị bạn bè hất hủi liền đi tha phương cầu
thực, đói lạnh khổ sở tháng này sang năm khác. Một hôm khám phá ra được
viên ngọc trong gấu áo, đứa con liền trở thành giàu có sung sướng như
xưa. Viên ngọc kia, trong trường hợp Việt Nam, mà cũng là trường hợp của
Á châu nữa, là tiềm lực và khả năng của đạo Phật nằm sâu trong lớp
hình thức cũ kỹ và tầm thường của những nhu cầu tín ngưỡng bình
dân. Viên ngọc đó đã hơn một lần lóe cho ta thấy ánh sáng của nó.
Tình trạng của chúng ta hiện cũng là tình trạng của đứa con nghèo khổ
tha phương khất thực không nơi nương tựa, không có một cái gì nữa để
tin vào mà sống. Gần một thế kỷ mất nước. Hai mươi năm chiến họa
liên miên; anh em một nhà giết nhau vì chủ nghĩa vì đảng phái. Văn minh Tây
phương gây xáo động và thác loạn. Đạo lý cổ truyền bất lực vì
không thoát xác nổi. Tôn giáo lấm lem chính trị. Bạo lực đảng phái
gây chia rẽ, căm thù, cuồng tín. Hứa hẹn ngàn chuyện nhưng không thực
hiện được một. Người thanh niên sinh ra chán nản nghi ngờ, liều lĩnh,
đi tìm quên lãng trong khói thuốc, tiếng ca, men rượu. Chúng ta lâm vào
tình trạng cơ cực nghèo khổ còn chua xót gấp mấy lần đứa con phung phí
của người trưởng giả trong kinh Pháp Hoa. Dân tộc Việt Nam, có dư can đảm
để chịu đựng khổ đau nhưng khổ đau phải là khổ đau vì một cái
gì. Phải có một cái gì để làm đối tượng cho sự quy hướng đức
tin. Nếu bạo lực, căm thù, cuồng tín đã thất bại thì chỉ còn có
tình thương, sự hy sinh và thái độ không cố chấp mới có thể xây dựng
lại cuộc sống. Mà tình thương sự hy sinh và thái độ không cố chấp
ấy ở đạo Phật vốn không phải là những trang sức hình thức: nó nằm
trong tận cùng bề sâu của đạo Phật, nó là bản chất của đạo Phật.
Nó chính là viên bảo châu quý giá.
Thực ra những chất liệu quý giá
kia đã được phát sinh và nuôi dưỡng bởi công trình thực nghiệm và
sinh hoạt tâm linh của đức Phật và của con người. Qua những biến cố
và kinh nghiệm trong lịch sử, và nhất là qua cuộc tranh đấu vừa rồi của
toàn dân, ta biết đến sự hiện hữu của viên ngọc quý giá đó. Tuy
nhiên, nó đang nằm sâu trong lớp áo rách, phải làm thế nào để đem nó
ra cho được thì ta mới thoát khỏi trạng thái cùng khổ hiện nay. Tất cả
sự khó khăn là ở chỗ đó.
Trong những năm tháng tha phương cầu
thực, đứa con cùng khổ tuy mang viên ngọc quý trong áo nhưng vẫn không biết
không hay. Mà dù nếu có biết rằng viên ngọc đang nằm trong túi áo nhưng
không lấy được nó ra thì đứa con cũng chưa có thể gọi là thực sự
giàu có. Chúng ta cũng vậy. Nếu chỉ bằng lòng với ý tưởng rằng chúng
ta có viên ngọc, mà không chịu nỗ lực để làm hiển lộ nó - hiển lộ
tiềm lực và khả năng đạo Phật - thì chúng ta vẫn chưa là thực sự
giàu có. Và công việc đòi hỏi tất cả chúng ta - những người giữ ngọc
- một thái độ khiêm tốn, một tinh thần cấp cứu, một ý chí cương quyết
thực hiện. Phải trở lại với đạo Phật, phải trả đạo Phật về cho
trí thức và thanh niên, phải xây dựng lại nền Phật học, phải đem nền
học ấy ra áp dụng trong sinh hoạt tâm linh, áp dụng trong mọi sinh hoạt văn
hóa, kinh tế, mỹ thuật, xã hội… như các nhà Phật học xưa kia đã thực
hiện và đã thành công trong xã hội Lý Trần.