- Đạo Phật Đi vào Cuộc
Đời
- Và Các Tiểu Luận Khác
- Thiền Sư Nhất Hạnh
- 5
- ĐI TÌM PRAJNAPTI CHO THỜI
ĐẠI
Phật giáo có thể đóng góp gì cho
tình trạng hiện thời của dân tộc ? Câu hỏi này là niềm thao thức
chung cho tất cả mọi người, dù là Phật tử hay không là Phật tử. Tuy
mang tính cách cấp thiết, câu hỏi cũng không nên được trả lời một cách
quá vội vã. Theo ý chúng tôi, trước tiên ta phải chịu khó tìm hiểu và
xác định ý nghĩa của câu hỏi, và như thế lại cần tìm đến động
cơ tâm lý đã làm nẩy sinh ra câu hỏi, đặt câu hỏi trở về trong khung
cảnh thời gian và không gian đặc biệt của nó.
Trước hết ta nên hỏi chữ
"Phật giáo" mà ta đang dùng trong câu hỏi trên đây có nghĩa gì ?
Hiểu Phật giáo theo nghĩa một nền tư tưởng và đạo học hay hiểu
Phật giáo như là một tổ chức Giáo Hội ?
Nếu hiểu Phật giáo là một nền
tư tưởng và đạo học thì có lẽ ta sẽ đứng trên mảnh đất thuần lý
thuyết để trả lời câu hỏi. Ta sẽ trả lời rằng với tinh thần ấy,
với những nhận định ấy, với những giáo lý ấy, Phật giáo có thể đóng
góp được như thế này và như thế kia. Ta có thể không cần nhìn vào tổ
chức Giáo hội Phật giáo để mà trả lời. Nhưng nếu hiểu Phật giáo
là một tổ chức Giáo hội thì vấn đề sẽ mang những sắc thái rất
khác biệt. Ta sẽ trả lời rằng với cơ cấu tổ chức ấy, với số người
ấy, với những nhà lãnh đạo ấy, với khả năng và nội dung ấy, Giáo hội
Phật giáo có thể đóng góp được như thế này và như thế kia. Tuy không
có thể tách bạch ra một cách rõ rệt phạm vi của giáo lý và giáo
hội, ta cũng thấy rằng cần phải phân biệt phạm vi của lý thuyết
và thực hành, và tất cả chúng ta đều ước muốn có sự trả lời về
cả hai phương diện ấy của vấn đề.
Ở đây chúng tôi không dám mạo muội
đưa ra những câu trả lời. Chúng tôi chỉ xin đưa ý kiến của chúng tôi
về vấn đề phải đặt câu hỏi như thế nào để chúng ta có thể tìm
thấy những câu trả lời một cách rõ rệt, xác thực và do đó, hữu
ích.
Đứng về phương diện giáo lý,
chúng ta phải công nhận rằng đạo Phật không có "một" giáo lý
mà có rất nhiều giáo lý. Kinh điển thường nói đến "tám vạn bốn
ngàn pháp môn" hay là tám vạn bốn ngàn nẻo vào chân lý. Suốt cuộc
đời Ngài, đức Phật đã giảng giải rất nhiều pháp môn và những pháp
môn ấy có những công dụng riêng biệt để đối trị với nhiều căn cơ
riêng biệt. Nhưng tất cả pháp môn đều được thi thiết trên căn bản
những nguyên lý linh động, những nguyên lý này chỉ hiển lộ trước công
trình thực hiện cứng nhắc bất biến. Bởi thế trên lịch sử đạo Phật
bao nhiêu hệ thống giáo lý đã được tạo dựng để có thể làm sống
được những nguyên lý Phật giáo trong cuộc đời. Tất cả những hệ thống
giáo lý ấy tuy mang nhiều sắc thái đặc thù khác biệt nhưng vẫn bắt
nguồn từ những nguyên lý linh động kia để mà thể hiện những nguyên
lý linh động kia. Vậy khi ta hỏi rằng Phật giáo có thể đóng góp được
gì trong tình trạng, ta nên nghĩ đến những nguyên lý đạo Phật hơn là
những hệ thống giáo lý tìm thấy trong lịch sử đạo Phật. Bởi vì mỗi
pháp môn là để đối trị một trường hợp. Một pháp môn nọ rất
thích hợp với điều kiện thời gian và không gian kia, nhưng không thể
thích hợp với điều kiện thời gian và không gian này. Cho nên muốn trả
lời câu hỏi ta nên có nhận thức khá bao quát và đích xác về đạo Phật,
nghĩa là về tinh thần, nguyên lý và phương pháp của đạo Phật. Chỉ có
trong tay một mớ những giáo lý khô chết bất động thì ta không thể nào
tìm ra giải đáp. Đó là cái khó khăn thứ nhất.
Cái khó khăn thứ hai là giải đáp
của câu hỏi chỉ có thể tìm thấy khi ta cũng nắm chắc được trong tay
sự thực và tình trạng hiện thời của dân tộc của xã hội. Giải đáp
bao giờ cũng nằm sẵn trong vấn đề, nếu vấn đề được đặt ra một
cách chính xác. Có một nhận thức rõ rệt về cơ (thực trạng của vấn
đề) thì rất dễ đi đến sự phát kiến về lý (sự giải đáp về
đường lối và phương pháp). Khế cơ và khế lý là nguyên tắc của mọi
giải đáp trong Phật học. Cho nên, dù sao ta cũng không thể đứng trên lập
trường thuần lý thuyết để tìm ra giải đáp. Nếu nguyên lý hướng dẫn
đã là khế cơ và khế lý thì phương pháp phải là thực nghiệm.
Nương vào lý để thấy rõ cơ và ở trong cơ để tìm thấy lý: điều đó
cho chúng ta thấy khuynh hướng đi vào thực nghiệm tâm linh và thực nghiệm
xã hội để làm cơ sở cho mọi giải đáp có tính cách thực tế và hữu
hiệu.
Tóm lại, chữ Phật giáo
trong câu hỏi phải có nghĩa là những nguyên lý hữu hiệu và linh động của
đạo Phật, và chữ tình trạng hiện thời phải có nghĩa là tình trạng
Việt Nam hiện nay. Hai thứ đó không thể tách rời nhau để hiện hữu. Bởi
vì muốn có tính cách hữu hiệu, giáo lý phải được khế hợp với tình
trạng. Không khế hợp, thì đó là giáo lý cho một tình trạng khác mà
không phải cho tình trạng Việt Nam bây giờ.
Bây giờ ta hãy bước sang mặt Giáo
hội. Cố nhiên Giáo hội không phải là Giáo đoàn nguyên thỉ (mấy ngàn năm
về trước), mà là Giáo hội Việt Nam. Cũng không phải Giáo hội Việt Nam
Lý Trần, mà là Giáo hội Việt Nam Thống Nhất Nam và Bắc Tông ngày nay.
Nói tới Giáo hội ngày nay tức là nói đến những nhà lãnh đạo Phật giáo
trong Viện Tăng Thống, nói đến các bậc Trưởng Lão Hòa Thượng, các bậc
Cao Tăng, tức là nói đến Viện Hóa Đạo và toàn thể các giới Phật tử
xuất gia và tại gia nằm trong hệ thống tổ chức của Giáo hội. Nói tới
Giáo Hội cũng tức là nói đến hiến chế (giáo chế) và tài sản (giáo sản)
của Giáo hội. Trả lời câu hỏi Phật giáo có thể đóng góp được gì
cho tình trạng hiện thời của dân tộc, ta phải có trong tay những nhận
thức xác thực về cơ cấu tổ chức, về tinh thần về khả năng thực hiện
giáo lý của Giáo hội. Điều này được xem như là dĩ nhiên và rất đơn
giản. Ta không thể không có một cái nhìn thông suốt về Giáo hội mà có
thể trả lời được câu hỏi trên kia.
Tuy nhiên ta cũng phải có một cái
nhìn rất thực tế và chân xác về thực trạng xã hội Việt Nam ngày nay,
để đặt rõ địa vị và phạm vi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong
tình trạng xã hội Việt Nam hiện tại. Có như thế, lời giải đáp về
câu hỏi " Phật giáo có thể đóng góp được gì" mới có thể thực
tế, bổ ích. Bởi vì ta có thể, vì không nhìn nhận được rõ rệt khả
năng của Giáo hội và thực trạng xã hội, đi đến nhiều kết luận hoặc
lạc quan và lý tưởng quá, hoặc bi quan và an phận quá. Ta có thể ước
mơ quá nhiều, rồi khi nhìn thấy Giáo hội Phật giáo không thể đóng góp
được cái mà ta tưởng Giáo hội có thể đóng góp, ta sẽ ngạc nhiên,
than trách và thất vọng. Ta lại cũng có thể bi quan quá đỗi khi ta tưởng
rằng Giáo hội Phật giáo "không thể" làm được những cái mà quả
thực Giáo hội có thừa khả năng thực hiện. Cho nên vấn đề vẫn lại
là nhìn cho tỏ, xét cho kỹ và đừng để mất liên lạc với sự thực.
Ai cũng muốn đặt câu hỏi về những
đóng góp của Phật giáo bởi vì ai cũng biết rằng Phật giáo là một thực
tại (une réalité) quan trọng và đáng kể. Một vườn cao su, một con đường
xa lộ, một nhà xuất nhập cảng chẳng hạn, cũng là những thực tại có
liên hệ đến vận mạng tương lai của dân tộc, nữa là một Tôn giáo đã
có mặt gần 2000 năm trong lịch sử dân tộc, đã từng đóng góp đáng kể
cho sinh hoạt dân tộc và hiện đang là tôn giáo lớn nhất ở Việt Nam. Cố
nhiên Giáo hội tuy là một tập đoàn tôn giáo nhưng cũng là một tập đoàn
dân tộc như các tập đoàn khác, và sở dĩ người ta nghĩ nhiều đến sự
đóng góp của Phật giáo bởi vì tập đoàn Phật giáo không phải chỉ là
một tổ chức non yếu mà là cả một cơ sở Giáo hội có truyền thống
hàng ngàn năm, có uy tín tinh thần cao cả và có số lượng quần chúng trọng
đại nhất. Tuy thế ta vẫn phải nhớ rằng dù với khả năng nào Phật
giáo cũng vẫn chỉ có thể đóng góp với tư cách là Phật giáo mà thôi.
Và điều đó là một điều vô cùng quan trọng.
Bởi vì Giáo hội Phật giáo không
phải chỉ là một đoàn thể gồm có những người công dân Việt Nam - mà
là một đoàn thể những người công dân Việt Nam cùng theo đuổi sư thực
hiện một lý tưởng tôn giáo, nói khác hơn, là đoàn thể của những người
công dân Phật tử được lãnh đạo bởi lý tưởng Phật giáo. Và nếu ta
nói đến sự đóng góp của Phật giáo tức là nói đến sự đóng góp của
đoàn thể những người công dân với tư cách là Phật tử. Và lẽ
cố nhiên nếu thiếu bản chất Phật tử, thiếu lý tưởng Phật giáo thì
một đoàn thể nào đó chỉ có thể là một đoàn thể công dân chứ
không thể là một Giáo hội Phật giáo được, và cá nhân trong đoàn thể
ấy chỉ có thể đóng góp với tư cách người công dân chứ không thể với
tư cách Phật tử, bởi vì cá nhân ấy không phải là Phật tử. Mà điều
kiện là Phật tử của một cá nhân hoặc một đoàn thể là ở chỗ cá
nhân ấy đoàn thể ấy được soi sáng bởi lý tưởng Phật giáo và đang
thực hành lý tưởng Phật giáo.
Chúng tôi xin lấy một ví dụ. Khi
ta hỏi "người thợ hồ có thể đóng góp được gì cho công việc
xây cất ngôi chùa," câu trả lời sẽ như thế này: "người thợ
hồ có thể đóng góp bằng cách xây móng, xây tường." Tất cả chúng
ta ai cũng chấp nhận câu trả lời ấy bởi vì thợ hồ ngoài công việc
vôi hồ, không làm được việc khác, như việc của thợ mộc, thợ điện…
Tuy nhiên câu trả lời vẫn phải dựa trên một sự thực mà ta đã yên
trí không nghĩ tới: đó là sự kiện người thợ hồ kia là đúng một người
thợ hồ, có khả năng thực sự đúng một người thợ hồ, có khả năng
thực sự về nghề vôi hồ. Nếu không biết về nghề vôi hồ, thì người
ấy không thể đóng góp cho sự xây cất ngôi nhà với tư cách thợ hồ
được.
Thế nên người Phật tử, muốn đóng
góp gì cho tình trạng, phải thực sự là Phật tử trước đã. Có là Phật
tử mới có thể đóng góp với tư cách Phật tử được. Điều này
phải được áp dụng cho tất cả các tập đoàn công dân Việt Nam, dù
tôn giáo hay không tôn giáo. Một tổ chức Giáo hội mà không nhắm đến sự
thực hiện lý tưởng tôn giáo mình thì không thể gọi được là một tổ
chức biểu hiện được tính cách từ bi, hùng lực, không cố chấp, bất
bạo động v.v… thì không phải là Giáo hội Phật giáo. Giáo hội Thiên
Chúa Giáo mà không phản ảnh được tinh thần bác ái, nhẫn nhục, huynh đệ
thì cũng không có thể gọi là Giáo Hội Thiên Chúa Giáo được nữa. Rút
lại, Phật giáo phải là Phật giáo, Thiên Chúa giáo phải là Thiên Chúa
giáo, và như thế phải bắt đầu bằng nguyên tắc chính danh của Khổng
phu tử.
Sự việc trên trình bày cho ta thấy
nhiều khía cạnh thực tế của hiện trạng. Nói đến hình thái và bản
chất của một tôn giáo, ta thấy có khi tôn giáo vì chuộng sự phát triển
hình thức phát triển thế lực của mình mà dùng đến những phương tiện
phản lại với nội dung và bản chất của tôn giáo mình. Như thế tức là
giết chết bản chất để phát triển hình thức: điều này là một sự
thực trong lịch sử tôn giáo của nhân loại. Trong sự tranh giành ảnh hưởng,
tôn giáo này va chạm với tôn giáo khác và bắt buộc tôn giáo khác phải
tự vệ. Lắm khi các phương tiện va chạm hoặc tự vệ ấy không phản
chiếu đúng tinh thần cao đẹp của tôn giáo và vì thế các Giáo hội đi
dần đến sự giết chết bản chất cao đẹp của lý tưởng tôn giáo
mình. Điều đó quả thực là một bi kịch đớn đau cho nhân loại. Rốt
cuộc lại, lắm khi chỉ còn những cái vỏ cứng va chạm nhau nẩy lửa,
trong khi phần ruột thì khô héo và tiêu ma dần dần. Đó là sự tai hại của
khuynh hướng chinh phục.
Để vấn đề được tỏ rõ,
chúng ta hãy xét sự khác biệt của hai tiếng truyền đạo và hành
đạo. Thực ra cả hai tiếng đều đẹp cả nhưng hình như theo thiển
ý bây giờ tiếng hành đạo đẹp hơn nhiều. Có lẽ vì chúng ta
không thấy ở tiếng hành đạo cái ý nghĩa chinh phục mà đôi khi tự
nhiên ta thấy thấp thoáng trong tiếng truyền đạo.
Sự thực chữ truyền đạo chỉ có
nghĩa đem phổ biến một nền đạo lý trong nhân loại; mà vì đạo lý là
những gì hay đẹp nên công tác truyền đạo có một ý nghĩa tốt lành và
đẹp đẽ. Nhưng mà có những nhà truyền đạo đi quá mức ấy: họ nhắm
tới chinh phục cho được nhiều người để cho giáo hội thêm mạnh và
thêm thế lực. Vì vậy có khi họ không từ nan những phương tiện mà
chúng ta cho như không được đẹp, ví dụ như dọa dẫm, khuyến dụ, cho
tiền cho gạo, hứa hẹn quyền bình và thế lực. Những phương tiện ấy
không "quân tử," chúng ta nghĩ, và làm mất (làm chết) giá trị nội
dung của Giáo hội, tức là bản chất của đạo lý. Có những phương tiện
truyền đạo mà ta không có thể nói là tốt hay xấu bởi vì còn tùy theo
tinh thần thực hiện những phương tiện ấy. Ví dụ như lập trường dạy
học, nuôi trẻ mồ côi, làm bệnh viện, bố thí cho người nghèo… Tinh thần
bác ái, từ bi cứu thế v.v… có thể lưu nhuận trong nhân gian qua những
công tác trên, nếu đó là những công trình hành đạo. Còn nếu coi
đó là những phương tiện chinh phục, giữ người, xâm chiếm, thì ta thấy
chúng trở thành xấu xí đi rất nhiều.
Chắc chắn các tôn giáo có thể
có nhiều đóng góp rất lớn lao cho tình trạng hiện thời của dân tộc,
ai cũng tin như thế. Nhưng ai cũng biết rằng một tổ chức tôn giáo chỉ
có thể đóng góp hữu hiệu với tinh thần cao đẹp của tôn giáo mình. Người
Phật tử phải đóng góp với tư cách Phật tử, nghĩa là phải thực sự
thực hiện lý tưởng đạo Phật. Phải đem đạo lý thực hiện trên bản
thân và trong hành động. Phải thực sự hành đạo, và như thế phải phổ
biến tinh thần cao đẹp của lý tưởng Phật giáo bằng hành động. Đó
là phương thức đóng góp hữu hiệu hơn hết.
Chỉ đứng về phương diện "vô
vi" mà thôi ta cũng đã thấy rằng một tôn giáo có thể chuyển hóa
được tình trạng hiện thời. Nếu tất cả quần chúng Phật tử đều
được soi sáng bởi một đường lối sáng tỏ biểu hiện được cho con
đường cao quý của Phật giáo, nếu tất cả được quy tụ trong tình thương
không mưu lược, không kỳ thị, không cố chấp, không tự ái, không oán
thù, thì nội một sự có mặt của Giáo hội Phật giáo trên mảnh
đất này không thôi cũng đủ bảo đảm cho hòa bình và an lạc của dân tộc.
Sự hiện diện của đạo đức chân thực là một đóng góp căn bản. Chúng
ta đừng nên nóng ruột, thúc hối. Tất cả những "đóng góp" hữu
vi nào mà còn không được thúc đẩy bởi động cơ thương yêu và đạo
đức đều còn là gây rối thêm cho tình trạng. Chúng tôi có thể bị mắng
là trong tình trạng này mà còn nói đến chuyện tu hành nhưng kỳ thực chúng
tôi chỉ còn tin được ở những cố gắng đích thực là đạo đức
ở từng cá nhân, như những viên đá nền tảng của những đóng góp lớn
lao mà các Giáo hội có thể thực hiện.
Và vì thế chúng tôi ước mong khi
tìm giải đáp cho câu hỏi: "Phật giáo có thể đóng góp được gì
cho tình trạng hiện thời của dân tộc" xin quý ngài đừng quên lời
tâm nguyện của chúng tôi là trong niềm tin tưởng đạo Phật có thể đóng
góp rất lớn lao cho lịch sử, chúng tôi đòi hỏi đạo Phật trước tiên
phải giữ phong độ đạo Phật.