- TẠNG THƯ SỐNG-CHẾT
- THE TIBETAN BOOK OF LIVING
AND DYING
Sogyal Rinpoche
Lời Nói Đầu
Tôi sinh ra ở Tây Tạng, và mới
vừa sáu tháng tuổi, tôi đã vào tu viện của thầy tôi, Jamyang Khientse
Chokyi Lodro. Ở Tây Tạng chúng tôi có truyền thống độc đáo là tìm
tái sinh của những bậc thầy vĩ đại đã từ trần. Họ được tuyển chọn
từ lúc hãy còn bé và được cung cấp một nền giáo dục đặc biệt, huấn
luyện họ trở thành những bậc thầy trong tương lai. Tôi được đặt tên
là Sogyal, mặc dù mãi lâu về sau thầy tôi mới nhận ra tôi là tái
sinh của Terton Sogyal, một hành giả mật tông nổi tiếng đã từng
là một trong những bậc giáo thọ của chính thầy, và là một bậc thầy
của đức Dalai Lama thứ mười ba.
Thầy tôi, Jamyang Khientse,
dáng người cao lớn vượt hẳn khổ người Tây Tạng trung bình. Thầy thường
đứng cao hơn mọi người cả một cái đầu, trong đám đông. Tóc thầy
có màu bạch kim cắt thật ngắn, và đôi mắt từ bi thường ánh lên một
vẻ hài hước. Đôi tai dài, giống tai Phật. Nhưng điều làm ta chú ý nhất
nơi thầy là sự hiện diện của thầy. Cái nhìn và dáng điệu của thầy
cho ta biết thầy là một người minh triết và thánh thiện. Thầy có một
giọng nói thâm hậu, hấp dẫn, và mỗi khi giảng dạy, đầu hơi ngả về
phía sau, lời giảng tuôi ra từ nơi thầy như nước chảy, hùng hồn và đầy
thi vị. Và mặc dù thầy được mọi người kính nể, sợ nữa là khác,
ta vẫn nhận thấy một thái độ khiêm cung trong mọi việc thầy làm.
Jamyang Khientse là nền tảng của
cuộc đời tôi, và là nguồn cảm hứng cho tác phẩm này. Thầy là nhập
thể của một bậc thầy đã canh tân sự thực hành đạo Phật trong xứ sở
chúng tôi. Ở Tây Tạng, được danh xưng là một vị "tái sinh"
chưa đủ, bạn luôn luôn phải làm cho người ta kính nể nhờ học và tu.
Thầy tôi thường nhập thất nhiều năm, và có nhiều mẫu chuyện mầu nhiệm
được kể về thầy. Thầy có tri kiến và thực chứng tâm linh sâu xa, và
tôi dần khám phá rằng thầy giống như một bộ bách khoa về trí tuệ, thầy
biết giải đáp cho mọi câu hỏi bạn có thể đặt ra. Ở Tây Tạng có
nhiều dòng tu, nhưng thầy Jamyang Khientse lại có tiếng là một vị
thông suốt tất cả lý thuyết các dòng ấy. Đối với mọi người đã biết
hay nghe nói về thầy, thì thầy chính là nhập thể của Phật giáo Tây Tạng,
một bằng chứng sống cho ta thấy thế nào là một con người "thuyết
thông lẫn tông thông".
Tôi đã nghe nói thầy tôi bảo rằng
tôi sẽ giúp tiếp nối sự nghiệp của thầy, và dĩ nhiên thầy luôn xem
tôi như con đẻ. Tôi có cảm nghĩ rằng những gì tôi có thể thành tựu
được trong công việc của mình đều nhờ ân phước của thầy tôi.
Mọi hoài niệm sớm sủa nhất của
tôi đều là hoài niệm về thầy tôi. Thầy là bối cảnh trong đó tôi lớn
lên, và ảnh hưởng thầy ngự trị tuổi thơ tôi. Thầy như một người
cha đối với tôi. Thầy cho tôi bất cứ gì tôi xin cầu. Người bạn đạo
của thầy, Khandro Tsering Chodron, mà cũng là cô tôi, thường bảo:
- Đừng quấy rầy Rinpoche, có
thể ông đang bận đấy.
Nhưng tôi thì luôn muốn ở bên cạnh
thầy, và thầy cũng sung sướng có tôi ở bên mình, Tôi thường không ngớt
đặt những câu hỏi với thầy suốt tuổi, và thầy luôn luôn kiên nhẫn
trả lời tôi. Tôi là một đứa bé hư hỏng, không một thầy giáo nào có
thể ghép tôi vào kỷ luật. Mỗi khi họ cố đánh tôi, thì tôi lại chạy
đến thầy, leo lên sau lưng thầy, thế là không ai dám bén mảng. Thu mình
ở đấy, tôi cảm thấy hãnh diện và khoái thích, còn thầy chỉ cười lớn.
Bỗng một ngày nọ, thầy dạy kèm yêu cầu thầy tôi mà tôi không biết,
giải thích rằng vì lợi ích cho riêng tôi, không thể tiếp tục để như
thế được. Lần kế tiếp khi tôi chạy đến nấp sau lưng thầy, thì thầy
dạy kèm đi vào phòng, lạy thầy tôi ba lạy, rồi lôi tôi ra ngoài. Trong
khi bị kéo ra khỏi phòng, tôi nhớ mình đang nghĩ rằng, thật lạ lùng là
ông này dường như không sợ gì thầy tôi cả.
Jamyang Khientse thường ở
trong gian phòng mà tiền thân của thầy đã có những linh kiến và khởi sự
công cuộc phục hưng văn hóa và tôn giáo đã lan tràn suốt miền đông
Tây Tạng trong thế kỷ trước. Đấy là một gian phòng kỳ diệu, không rộng
lắm nhưng có một bầu không khí thần tiên, đầy những vật thiêng
liêng, tranh và sách. Nó được gọi là "thiên đường của những vị
Phật", "căn phòng đầy năng lực". Nếu có cái gì
ở Tây Tạng làm tôi nhớ nhung, thấp làm bằng gỗ và những đai đa, tôi
ngồi bên cạnh. Tôi thường không chịu ăn cái gì không phải lấy từ nơi
bát của thầy. Trong cái phòng ngủ nhỏ gần kề, có một hành lang luôn
luôn mờ tối, với một ấm nước trà sủi bọt trên hỏa lò nhỏ đặt
trong góc. Tôi thường ngủ cạnh thầy tôi, trên một cái giường nhỏ dưới
chân giường thầy. Một âm thanh mà tôi không bao giờ quên được là tiếng
lần tràng hạt của thầy trong lúc thầy nhẩm những lời cầu nguyện. Khi
tôi đi ngủ thầy thường vẫn ở đấy, ngồi thiền đọc kinh và sáng sớm
khi tôi thức dậy thì thầy cũng đã ngồi tu tập, tràn đầy năng lực và
ân phước. Mỗi khi mở mắt trông thấy thầy, lòng tôi lại ngập tràn một
niềm hạnh phúc ấm cúng. Có một vẻ gì rất thanh bình nơi thầy.
Khi tôi lớn lên, thầy Jamyang thường
để cho tôi chủ tọa những buổi lễ, còn thầy làm duy na điều khiển thời
tán tụng. Tôi có dịp chứng kiến tất cả những cuộc giảng dạy và
phép quán đảnh mà thầy làm cho mọi người, nhưng không phải nhớ những
chi tiết mà nhớ bầu không khí trong những dịp ấy. Với tôi, thầy chính
là Phật, tôi không còn nghi ngờ gì về chuyện ấy. Và mọi người khác cũng
công nhận như thế nữa. Khi thầy làm lễ quán đảnh, những đệ tử sợ
tới nỗi không dám nhìn mặt thầy. Một vài người thấy thầy dưới hình
dạng của vị tiền thân của thầy, hoặc thấy thầy giống vị Phật
này, vị bồ tát kia. Mọi người gọi ngài là Rinpoche, "bậc
quý nhân," danh xưng đối với một bậc thầy, và khi thầy ở đấy
thì không có vị nào khác được gọi bằng danh từ ấy. Sự hiện diện của
thầy gây cảm khái tới nỗi nhiều người thương mến gọi thầy là
"Phật nguyên thủy."
Nếu tôi không gặp được thầy tôi,
tôi đã thành một con người khác hẳn. Với trí tuệ và đức bi mẫn, thầy
là hiện thân của giáo lý thiêng liêng và khiến cho giáo lý ấy thực tiễn
và đầy sức sống. Khi tôi nói với người khác về bầu không khí vây
quanh thầy tôi, họ cũng cảm thấy như tôi. Vậy, thầy tôi đã gây trong
tôi cảm hứng gì? Đó là một lòng tin không lay chuyển đối với nên
giáo lý, và một niềm tin ở tâm quan trọng chính yếu và quyết liệt của
bậc thầy. Bất cứ một hiểu biết gì mà tôi có được, đều nhờ thầy
mà có. Đấy là một điều không bao giờ tôi có thể đền đáp, song tôi
có thể trao lại cho những người khác.
Suốt thời niên thiếu của tôi ở
Tây Tạng tôi đã thấy cái tình yêu thương mà thầy tôi thường tỏa ra
trong hội chúng, nhất là khi hướng dẫn người hấp hối và người đã
chết. Một vị Lama ở Tây Tạng không chỉ là một bậc thầy về
tâm linh mà còn là một người minh triết, một người trị bệnh, cha xứ,
bác sĩ, người chữa tâm bệnh, người giúp đỡ kẻ hấp hối. Về sau tôi
phải học những kỹ thuật đặc biệt để hướng dẫn người sắp chết
và người chết, từ những giáo lý liên hệ cuốn Tử thư Tây Tạng. Nhưng
những bài học lớn nhất mà tôi học được về sự chết – và về sự
sống, là nhờ ngắm nhìn thầy tôi khi thầy hướng dẫn người chết với
một lòng bi mẫn vô biên, với trí tuệ và hiểu biết.
Tôi cầu nguyện rằng sách này sẽ truyền đạt
đến mọi người một trí tuệ và từ bi của ngài, và qua nó, các bạn
có thể cảm nhận phần nào tâm đầy trí tuệ của ngài và tìm thấy một
mối giao cảm linh động với Ngài.