- TẠNG THƯ SỐNG-CHẾT
- THE TIBETAN BOOK OF LIVING
AND DYING
Sogyal Rinpoche
4. BẢN CHẤT CỦA TÂM
Vì bị nhốt kín trong cái lồng hạn hẹp tối tăm của
bản ngã mà ta cho là cả vũ trụ, rất ít người trong chúng ta khởi sự
ngay cả tưởng đến một chiều không gian khác của thực tại. Patrul
Rinpoche kể cho chúng ta câu chuyện về một con ếch già suốt đời sống
trong một cái giếng ẩm. Một ngày kia có con ếch từ ngoài biển vào thăm
nó. Nó hỏi:
- Anh từ đâu đến?
- Từ biển.
- Biển của anh to bao nhiêu?
- To khổng lồ.
- Anh muốn nói là bằng cỡ chừng
phần tư cái giếng của tôi đây chứ gì?
- Không, lớn hơn cơ.
- Lớn hơn à? Vậy thì bằng nửa
cái giếng của tôi không?
- Không, lớn nữa kia.
- Thế... Chẳng nhẽ lại bằng cả
cái giếng của tôi à?
- Không có thể so sánh được.
- Chuyện vô lý! Tôi phải đi xem
cho tận con mắt.
-Chúng cùng đi. Khi con ếch ở giếng
trông thấy đại dương, nó bị một cú sốc kinh hoàng tới nỗi nó nổ
tung ra thành từng mảnh.
Phần lớn những hoài niệm tuổi
thơ tôi về Tây Tạng đã phai tàn, nhưng có hai thời điểm mà tôi không
bao giờ quên. Đó là khi thầy tôi Jamyang Khientse khải thị cho tôi
đi vào bản chất cốt tủy, uyên nguyên và sâu xa nhất của tâm tôi. Lúc
đầu tôi cảm thấy dè dặt không muốn tiết lộ những kinh nghiệm riêng
tư này, vì ở Tây Tạng không bao giờ người ta làm chuyện đó, nhưng các
học trò, bạn bè tôi tin rằng nếu tôi nói ra thì có thể giúp đỡ nhiều
người, và họ yêu cầu tôi, năn nỉ tôi viết về những kinh nghiệm ấy.
Lần đầu tiên nó xảy đến khi tôi
khoảng sáu bảy tuổi, tại trong cái phòng đặc biệt mà thầy tôi ở, trước
mộ bức tranh lớn của tiền nhân thầy là Jamyang Khientse Wangpo. Đấy
là một hình dáng oai vệ nghiêm trang, càng oai vệ trang nghiêm hơn khi ánh
đèn bơ đặt trước bức tranh cứ chập chờn soi sáng gương mặt trên bức
tranh ấy. Tôi chưa biết có chuyện gì xảy ra thì thầy tôi đã làm một sự
bất thường chưa từng có. Ngài thình lình ôm tôi và nhấc bổng lên. Đoạn
ngài hôn tôi một cái vào một bên má. Trong một lúc lâu, tâm tôi hoàn
toàn biến mất, tôi được bao phủ bởi một niềm yêu thương, tin tưởng,
một năng lực phi thường.
Biến cố kế tiếp thì trang trọng
hơn và xảy ra ở Lhodrak Kharchu trong một hang động mà Padmasambhava
bậc thánh vĩ đại và là cha đẻ của Phật giáo Tây Tạng, đã nhập thất
thiền định. Chúng tôi đã dừng chân tại đấy trên đường hành hương
đến miền Nam. Lúc đó tôi chừng chín tuổi. Thầy tôi gọi tôi đến và
bảo tôi ngồi trước mặt ôn. Chỉ có hai thầy trò chúng tôi. Thầy tôi bảo:
- Bây giờ ta sẽ khai thị cho con về
bản lai diện mục của tâm.
Cầm cái chuông và trống tay nhỏ
lên, thầy triệu thỉnh tất cả những bậc thầy trong hệ truyền thừa, từ
Phật nguyên thủy trở xuống đến bậc thầy của chính thầy. Rồi thầy
bắt đầu khai thị. Bỗng chốc thầy ném vào mặt tôi một câu hỏi không
thể trả lời:
- Tâm là gì?
Thầy nhìn xoáy sâu vào mắt tôi.
Tôi hoàn toàn kinh ngạc. Tâm tôi tan ra. Không còn ngôn từ, tên gọi, ý tưởng
nào ở lại – Không có tâm nào hết, quả thế.
Cái gì xảy ra trong giây phút đầy
kinh ngạc ấy? Những ý niệm quá khứ đã chết, tương lai chưa đến; dòng
tư tưởng của tôi bị cắt ngang đột ngột. Trong cú sốc đó một khoảng
trống mở ra, trong khoảng trống ấy chỉ có một giác tính tuần túy trực
tiếp về hiện tại, một cái gì hoàn toàn vượt ngoài mọi bám víu chấp
thủ. Giác tính ấy đơn giản, sơ nguyên và căn để. Tuy vậy sự giản
đơn thuần túy đó cũng tỏa sáng đầy sự ấm áp của một niềm bi mẫn
bao la.
Biết bao nhiêu điều tôi có thể
nói về giây phút ấy! Thầy tôi rõ ràng đang đặt cho tôi một câu hỏi,
nhưng tôi biết thầy không chờ đợi một câu trả lời. Tôi chưa săn tìm
giải đáp thì đã thấy rằng không có giải đáp nào có thể tìm kiếm.
Tôi ngồi thộn ra trong kinh ngạc, nhưng trong khi ấy một niềm tin vững chắc
sâu xa sáng chói tôi chưa từng biết đến, đang dâng tràn trong tôi.
Thầy tôi đã hỏi: "Tâm là
gì?" và vào lúc ấy tôi tưởng chừng ai cũng biết rằng, không có
chuyện có hiện hữu một cái tâm nào cả, làm sao tôi có thể tìm ra. Vậy,
dường như đi tìm tâm thực là phi lý.
Sự khai thị của thầy tôi đã
gieo một hạt giống sâu xa trong tôi. Về sau tôi mới biết đấy là phương
pháp khai thị được dùng trong truyền thống chúng tôi. Tuy nhiên, vì lúc
đó tôi không biết, mà những gì xảy ra có vẻ hoàn toàn bất ngờ, và do
đó càng kinh hoàng mãnh liệt.
Trong truyền thống chúng tôi có
"ba chân xác” cần hội đủ để khai thị bản tâm:
- Sự làm phép của một bậc thầy chân xác,
- Lòng sùng tín của một đệ tử chân xác, và
- Tính chính thống trong phương pháp khai thị.
Tổng thống Mỹ không thể khai
thị bản tâm cho bạn, mà cha hay mẹ bạn cũng không thể làm việc đó.
Một người có quyền thế đến bao nhiêu cũng không ăn thua gì, hoặc họ
có yêu mến bạn bao nhiêu cũng không ăn thua gì. Việc khai thị chỉ có thể
được thực hiện bởi một người đã hoàn toàn thực chứng, và có sự
ban phép và kinh nghiệm thuộc trong hệ phái truyền thừa.
Và bạn, người học trò, phải
tìm ra và luôn hàm dưỡng cái tri kiến khoáng đạt thênh thang ấy, niềm hăng
say, nhiệt tình và sự tôn trọng nó sẽ làm biến đổi cả bầu không
khí trong tâm bạn, làm bạn sẵn sàng đón nhận sự khai thị. Đây là điều
mà ta gọi là lòng sùng tín. Nếu không có lòng sùng tín, thì
thầy có khai thị trò cũng không nhận ra. Sự khai thị bản tâm chỉ có thể
thực hiện khi cả thầy lẫn trò cùng thể nhập cái kinh nghiệm ấy; chỉ
trong sự giao cảm giữa tâm và trí ấy, người môn sinh mới trực ngộ
được.
Phương pháp khai thị cũng vô cùng
quan trọng. Chính phương pháp ấy đã được thử nghiệm qua hàng ngàn năm
và đã giúp cho những bậc thầy trong quá khứ đạt đến thực chứng. Khi
thầy tôi khai thị cho tôi một cách tự nhiên như thế, vào lúc tuổi còn
bé như thế, là thầy đã làm một việc hoàn toàn bất thường. Thông thường
thì việc khai thị xảy ra muộn hơn nhiều, khi đệ tử đã trải qua những
thực tập thiền định và thanh luyện tâm ý. Chính những việc làm này
khiến cho tâm trí người đệ tử thuần thục và có thể mở ra để đón
nhận tri kiến trực tiếp về chân lý. Vào cái thời điểm đầy tiềm
năng của sự khai thị, bậc thầy có thể truyền cái tâm giác ngộ của
mình vào trong tâm của người đệ tử bấy giờ đã chân xác sẵn sàng đón
nhận. Bậc thầy làm cái việc khai thị cho trò thấy Phật thật là gì,
nói cách khác là đánh thức trò thấy sự hiện diện sống động của tuệ
giác nội tâm. Trong kinh nghiệm ấy, thì Phật, bản tâm của người đệ tử,
và tâm giác ngộ của bậc thầy tan hòa thành một. Khi ấy người học trò
nhận ra, trong một niềm tri ân vô bờ bến, rằng không còn nghi ngờ gì nữa,
giữa thầy và trò, giữa tâm giác ngộ của bậc thầy và bản tâm người
đệ tử, không có và chưa bao giờ có sự ngăn cách nào cả. Dudjom
Rinpoche trong bài ca chứng đạo nổi tiếng của ngài đã viết:
- Tuệ giác về cái bây giờ chính
là Phật thật,
Trong tâm trạng cởi mở, hài
lòng, tôi gặp Thầy trong tim tôi. Khi ta nhận chân được rằng cái tâm bản
nhiên bất tận đó chính là Thầy.
Thì không cần bám víu, chấp thủ,
cầu khẩn khóc than.
Chỉ cần an trú thoải mái trong trạng
thái tự nhiên như nhiên ấy,
Là ta có được phúc lạc của giải
thoát.
Khi bạn đã nhận chân toàn triệt
rằng tự tính của tâm bạn cũng giống như của thầy, thì từ đấy trở
đi bạn và thầy không bao giờ ngăn cách vì thầy là một với tâm bản
nhiên của bạn, luôn luôn hiện tiền. Có lẽ bạn còn nhớ Lama Tseten
(Chương một), khi sắp chết và được hỏi có muốn gọi bậc thầy
đến bên giường không, ông đã trả lời:
- Với bậc thầy, không có cái gì
gọi là ngăn cách.
Khi nào bạn thấy được như Lama
Tseten rằng thầy và mình không từng xa nhau, thì một niềm tri ân vô bờ
bến, một cảm thức úy phục và kính lễ nảy sinh trong bạn. Dudjom
Rinpoche gọi đó là "Sự kính lễ của Tri kiến.” Đó là một
niềm sùng kính luôn phát tự nhiên do ngộ được cái Tri kiến về bản
tâm.
Đối với tôi, còn có nhiều lần
nhập môn khác nữa: Nhập môn về giáo lý và quán đảnh, và về sau tôi
được sự khai thị của nhiều thầy khác. Sau khi Jamyang Khientse viên
tịch, Dudjom Rinpoche chăm sóc tôi, bao bọc tôi trong tình thương mến
của ngài, và tôi làm người thông dịch cho ngài trong nhiều năm. Việc này
mở ra một giai đoạn mới trong đời tôi.
Dudjom Rinpoche là một trong những
bậc thầy mật tông nổi tiếng của Tây Tạng, một học giả, tác giả nổi
tiếng. Thầy Jamyang Khientse tôi thường ca tụng Dudjom, nói ngài
là một đại diện sống động của Padmasambhava trong thời đại này.
Bởi thế tôi rất kính trọng ngài, mặc dù chưa từng tiếp kiến cũng
chưa được nghe ngài giảng dạy. Một hôm, sau khi thầy tôi đã chết, vào
lúc tôi chừng hai mươi mấy tuổi, tôi đến viếng Dudjom Rinpoche tại
nhà riêng của ngài ở Kalimpong, trên một ngọn đồi thuộc dãy núi
tuyết.
Khi tới nơi, tôi thấy một trong những
đệ tử Mỹ đầu tiên của ngài đang thọ giáo. Bà ta đang khổ sở vì
không có người nào biết đủ Anh ngữ để dịch những lời dạy về tự
tánh của tâm. Khi thấy tôi đi vào, Dudjom Rinpoche nói:
- Ồ! Có con đây rồi. Tốt. Con có
thể thông dịch giùm bà ấy không?
Thế là tôi ngồi xuống và khởi sự
dịch. Ngày trong một thời gian giảng dạy chừng một tiếng đồng hồ, ngài
đã cho một bài pháp tuyệt diệu, bao trùm tất cả mọi sự. Tôi xúc cảm
và phấn chấn đến độ mắt tôi rớm lệ. Tôi nhận ra đây là điều mà
Jamyang Khientse muốn nói.
Ngay sau đó, tôi thỉnh cầu ngài chỉ
giáo cho tôi. Tôi thường đến tư thất ngài mỗi chiều và ở đó vài giờ.
Ngài có vóc người nhỏ thó, gương mặt đẹp hiền từ, đôi bàn tay tuyệt
vời, và một dáng dấp mảnh mai gần như phụ nữ. Ngài để tóc dài bới
cao lên như một hành giả Du già; Mắt ngài luôn ánh lên một niềm thích
thú huyền bí. Giọng nói ngài dường như chính là tiếng nói của tâm đại
bi, êm và hơi khàn. Ngài thường ngồi trên một ghế thấp trải thảm Tây
Tạng, tôi ngồi dưới chân ngài. Tôi luôn nhớ lại hình ảnh ngài ngồi
đó, bóng trời chiều chiếu qua khung cửa sổ sau lưng ngài.
Rồi một hôm trong khi tôi đang thụ
giáo và thực tập với ngài, tôi có một kinh nghiệm kỳ lạ nhất. Mọi sự
mà tôi đã từng nghe trong giáo lý mật tông dường như đang xảy đến với
tôi – tất cả những hiện tượng vật chất quanh chúng tôi đang tan biến
– tôi sung sướng ấp úng:
- Thầy, thầy... Nó đang xảy ra!
Tôi không bao giờ quên được vẻ
bi mẫn trên gương mặt thầy, khi thầy cúi xuống vỗ về:
- Được, được. Đừng có náo nức
quá. Chung quy, điều ấy không tốt cũng không xấu...
Sự kinh ngạc và sung sướng bắt
đầu cuốn hút tôi đi, nhưng Dudjom Rinpoche biết rằng mặc dù những
thực chứng có thể là những cái mốc hữu ích trên đường tu thiền định,
chúng cũng có thể thành những cái bẫy nếu có sự bám víu xen vào. Ta cần
phải vượt qua kinh nghiệm ấy để đi vào một nền tảng sâu xa vững chắc
hơn: Những lời minh triết của thầy để đưa tôi đến cái nền tảng
ấy.
Dudjom Rinpoche còn giúp tôi thực
chứng nhiều lần bản chất của tâm qua những lời dạy của thầy, chính
những danh từ cũng đã nhen nhúm lên những tia sáng về kinh nghiệm thực.
Trong nhiều năm, mỗi ngày ngài thường chỉ giáo cho tôi về bản tính tự
nhiên của tâm mà người ta gọi là giáo lý "trực chỉ" (pointing-out
instructions). Mặc dù tôi đã thụ huấn tất cả những gì thiết yếu từ
nơi thầy Jamyang tôi, nhưng đó chỉ như mới gieo hạt. Chính Dudjom
là người đã tưới tẩm chăm bón làm cho nó đơm hoa. Và khi tôi khởi
sự ra giảng dạy, thì chính tấm gương thầy Dudjom đã gợi cảm hứng
cho tôi nhiều nhất.
TÂM VÀ TỰ TÍNH CỦA
TÂM
Cái thấy thực "cách mạng"
trong Phật giáo là, sự sống và chết ở ngay trong tâm, không đâu khác.
Tâm được xem như nền tảng phổ quát của kinh nghiệm - kẻ sáng tạo ra
hạnh phúc và đau khổ, kẻ sáng tạo ra cái ta gọi là sự sống và cái ta
gọi là sự chết.
Có nhiều phương diện của tâm, nhưng
có hai phương diện nổi bật hơn cả. Đầu tiên là cái tâm thông thường
mà người Tây Tạng gọi là sem. Một bậc thầy đã định nghĩa:
- Đó là cái tâm có khả năng phân
biệt, có ý thức về nhị nguyên - hoặc lấy hoặc bỏ một đối tượng
ngoài – đó là tâm. Đó là cái có thể giao thiệp với một cái "khác",
bất cứ cái gì khác, được xem là sở tri (bị biết) khác với cái
năng tri (người biết). Sem là cái tâm suy nghĩ, tâm nhị
nguyên, phân biệt, chỉ có thể vận hành tương quan với một điểm quy
chiếu ở ngoài, bị nhận lầm và chỉ là một cái bóng được chiếu ra.
Vậy Sem là cái tâm suy nghĩ,
đặt kế hoạch, ham muốn, vận động, cái tâm bừng lên trong cơn giận dữ,
tạo ra và say mê trong những đợt sóng tư duy và cảm xúc tiêu cực, cái
tâm cứ luôn luôn phải tiếp tục quả quyết, đánh giá, và xác định lại
hiện hữu của nó bằng cách cắt xén, đặt tên, củng cố kinh nghiệm.
Tâm thông thường là miếng mồi thụ động di chuyển không ngừng theo những
ảnh hưởng bên ngoài, theo những khuynh hướng tập quán và điều kiện:
Những bậc thầy ví nó với một ngọn đèn cầy đặt trước gió, phải bị
lay động bởi tất cả những ngọn gió của hoàn cảnh.
Nhìn từ một góc cạnh, thì sem
là lay động, không dừng trụ, chấp thủ, luôn luôn xía vô việc của người
khác; năng lực nó bị tiêu hao do chiếu ra ngoài quá nhiều. Đôi khi tôi
vì nó như hột đậu nhảy của xứ Mexico hay một con khỉ không ngừng
nhảy chuyền cành. Tuy vậy nhìn một cách khác, thì tâm thông thường có một
tính cố định cùn nhụt giả tạm, một tính trơ lì tự về và tự mãn,
một sự bình thản lạnh lùng của thói quen ăn sâu. Sem láu cá như một
chính trị gia quỷ quyệt, hoài nghi, nhiều muu mô lừa dối, và "tinh
vi với những trò lừa gạt," Jamyang Khientse đã viết.
Chính trong kinh nghiệm của sem, cái tâm hỗn mang vô trật tự này mà
chúng ta chịu những đổi thay và chết chóc.
Nhưng còn có bản tính tự nhiên của
tâm, tính chất sâu xa của nó, cái tuyệt đối không dính tới đổi thay và
chết chóc. Hiện giờ nó đang ẩn trong tâm sem thông thường của ta,
bị bao phủ và che mờ bởi những huyên náo rộn ràng trong tâm, những ý
nghĩ và cảm xúc. Cũng như mây có thể bị luồng gió mạnh thổi tan, để
lộ mặt trời sáng chói và bầu trời rộng mở, cũng thế, trong vài trường
hợp đặc biệt, một cảm hứng nào đó có thể vén mở cho ta hé thấy bản
tính tự nhiên ấy của tâm. Những sự hé thấy này có nhiều mức độ cạn
sâu, song đều đem lại cho ta một ít tuệ giác, ý nghĩa và giải thoát tự
do. Bởi vì bản tính tự nhiên này của tâm chính là gốc rễ của trí tuệ.
Tạng ngữ gọi nó là Rigpa, một sự tỉnh giác trong sáng nguyên ủy
có tính chất thông minh, biết nhận thức, sáng chói và luôn luôn tỉnh thức.
Có thể nói nó là cái biết của chính cái biết.
Đừng tưởng lầm bản chất tự
nhiên của tâm chỉ có trong tâm ta mà thôi. Kì thực nó là bản chất của
mọi sự vật. Điều cần nói là, trực nhận bản tính tự nhiên của tâm
cũng chính là trực nhận bản tính tự nhiên của mọi sự vật.
Những bậc thánh và hành giả huyền
học trong lịch sử thường nói về sự chứng ngộ của họ bằng những
tên khác nhau, khoác cho nó nhiều bộ mặt khác nhau, lối giải thích khác
nhau, nhưng tất cả đều kinh nghiệm một điều căn bản là bản tính thuần
túy của tâm. Người Ki tô và Do thái giáo gọi nó là Thượng đế;
Ấn giáo gọi là Đại ngã, Shiva, Brahman và Vishnu;
những nhà thần bí Sufi gọi nó là "Tính chất ẩn nấp;"
còn Phật tử thì gọi là "Phật tính." Trọng tâm của mọi
tôn giáo là niềm xác tín rằng có một chân lý căn để, và đời sống là
một cơ hội thiêng liêng để tiến hóa và thực chứng chân lý ấy.
Khi ta nói Phật, ta tự nhiên nghĩ
đến thái tử xứ Ấn Gotama Siddhartha đạt giác ngộ vào thế kỷ thứ
sáu trước tây lịch, người đã giảng dạy con đường tâm linh mà hàng
triệu người khắp Á châu noi theo, ngày nay gọi là Phật giáo. Tuy nhiên
danh từ Buddha có một ý nghĩa sâu xa hơn nhiều. Nó có nghĩa là một
con người, bất cứ người nào, đã hoàn toàn thức dậy từ giấc ngủ
vô minh và mở mang tiềm năng trí tuệ bao la của mình. Một đức Phật là
một người đã chấm dứt đau khổ và bất mãn, đã tìm ra một niềm
bình an, hạnh phúc dài lâu bất tận.
Nhưng đối với nhiều người trong
thời đại hoài nghi này, thì trạng thái ấy có vẻ như một điều huyễn
hoặc, mộng mị, hay một sự thành tựu hoàn toàn vượt ngoài tâm chúng
ta. Điều quan trọng nên nhớ là, đức Phật đã từng là một con người
như bạn và tôi. Ngài chưa từng tuyên bố là thần thánh gì cả, ngài chỉ
biết ngài có Phật tính, hạt giống của giác ngộ, và mọi người cũng
đều có. Phật tính là quyền sống của mọi chúng sinh, và tôi thường nói
rằng Phật tính nơi chúng ta cũng tốt như Phật tính nơi bất cứ đức Phật
nào. Đấy là tin lành mà đức Phật mang lại cho chúng ta từ khi ngài giác
ngộ tại bồ đề tràng, nơi mà nhiều người sau đã tìm thấy nguồn cảm
hứng thiêng liêng. Thông điệp của ngài, đem lại cho ta một hy vọng tràn
trề. Nhờ luyện tập, chúng ta cũng có thể đạt đến sự tỉnh thức. Nếu
điều này không đúng, thì vô số người tư xưa cho đến ngày nay đã
không giác ngộ.
Tương truyền khi Phật mới đạt
giác ngộ, điều duy nhất ngài muốn làm là chỉ cho tất cả chúng ta tự
tính của tâm, san sẻ cho ta những gì ngài đã trực ngộ. Nhưng ngài cũng
thấy, với nỗi đau buồn và lòng bi mẫn bao la - rằng thật khó mà làm
cho chúng ta hiểu được.
Vì mặc dù ta cũng có tự tánh của
tâm như Phật, chúng ta không nhận ra nó được vì nó bị gói kín, bao
trùm trong những cái tâm thông thường phàm tục của ta. Hãy tưởng tượng
một cái bình trống. Khoảng không trong bình cũng giống hệt như khoảng không
bên ngoài. Chỉ có những bức thành mong manh của cái bình đã ngăn cách
không gian bên trong với bên ngoài. Tâm Phật trong ta bị vây kín trong những
bức thành của tâm thông tục. Nhưng khi ta giác ngộ, thì cũng giống như cái
bình vỡ tan thành mảnh vụn. Khoảng không gian "bên trong" liền
tan hòa ngay vào không gian "bên ngoài". Cả hai trở thành một:
Ngay lúc đó và tại chỗ đó, ta trực nhận được rằng chúng chưa từng
bao giờ có sự ngăn cách hay sai khác; chúng vẫn luôn luôn là một.
BẦU TRỜI VÀ NHỮNG
ĐÁM MÂY
ởi thể, dù đời ta có thế
nào đi nữa, Phật tính của ta cũng luôn luôn ở đấy. Và nó luôn luôn
toàn hảo. Ngay cả chư Phật với trí tuệ vô biên cũng không thể làm cho
nó tốt hơn được, và chúng sinh với tất cả vô minh có vẻ bất tận, cũng
không thể làm cho nó lấm lem. Tính bản nhiên của chúng ta có thể ví như
bầu trời, và sự mờ mịt của tâm thông tục giống như mây. Có những
ngày bầu trời hoàn toàn bị mây phủ kín. Khi ấy nếu nằm xuống đất mà
nhìn lên, thì ta thực khó mà tin nổi trên trời còn có cái gì khác ngoài
ra mây. Nhưng chỉ cần bay trong một chiếc phi cơ ta sẽ thấy tít trên cao
xa nữa là một vùng trời xanh trong bao la vô tận. Từ đấy mà nhìn xuống
thì thấy những đám mây – mà khi ở dưới đất, ta tưởng là tất cả
mọi sự - thật xa xăm nhỏ bé làm sao.
Ta phải cố nhớ luôn luôn rằng:
Những đám mây không phải là bầu trời, và không "thuộc về"
bầu trời. Chúng chỉ lơ lửng giữa từng không, và đi qua với kiểu hơi
lố bịch, không lệ thuộc vào đâu. Nhưng chúng không bao giờ có thể để
dấu vết làm lấm lem nền trời.
Vậy thì Phật tính ấy đích thực
nằm ở đâu? Nó nằm ngay nơi tự tính của tâm, cái tự tính được ví
như bầu trời ấy. Hoàn toàn cởi mở, tự do, vô biên, Phật tính ấy thực
đơn giản, tự nhiên như nhiên tới nỗi không bao giờ có thể trở thành
phức tạp, hư hỏng, hay bị nhiễm ô; nó thuần tịnh tới nỗi vượt ngoài
cả ý niệm dơ sạch. Nhưng nói về tự tính của tâm ví như bầu trời
ấy chỉ là một ẩn dụ để giúp ta bắt đầu tưởng tượng được tính
chất vô biên bao trùm tất cả của nó; vì Phật tính có một tính chất
mà bầu trời không có được, đó là tính sáng chói của tỉnh thức. Như
có câu:
- Đó là cái giác tính hiện tiền
không lỗi nơi bạn, biết nhận thức mà vẫn trống rỗng, giản đơn mà
sáng suốt.
Dudjom Rinpoche viết:
Không lời nào có thể mô tả,
Không ví dụ nào để chỉ rõ
Sinh tử không làm nó xấu hơn
Niết bàn không làm nó tốt hơn
Nó chưa từng sinh
Nó chưa từng diệt
Chưa từng giải thoát
Chưa từng mê lầm
Chưa từng có cũng chưa từng không
Nó không có một giới hạn nào
Không thể xếp nó vào một phạm
trù nào cả.
Nyoshul Khen Rinpoche nói:
Sâu xa vắng lặng, thoát mọi rắc
rối
Sáng suốt không do kết hợp mà
thành
Vượt ngoài tâm phân biệt đặt tên;
Đấy là tâm sâu xa của những Đấng
Chiến thắng.
Trong đó không một vật gì phải vứt
ra
Cũng không một vật gì cần thêm
vào.
Đấy thuần là cái vô nhiễm
Đang nhìn vào chính nó một cách tự
nhiên.
BỐN LỖI
Tại sao người ta thấy khó,
ngay cả cái chuyện nghĩ đến chiều sâu và vẻ sáng chói của tự tính
tâm? Tại sao đối với nhiều người, đấy dường như là một ý niệm lạ
lùng vô lối? Giáo lý nói đến bốn lỗi ngăn cản chúng ta không trực nhận
được bản tâm ngay bây giờ:
1. Tự tính tâm quá gần gũi đến
nỗi ta khó nhận ra. Cũng như ta không thể nhìn chính cái mặt của mình,
tâm cũng thấy rất khó nhìn vào tự tính của chính nó.
2. Nó quá sâu xa chúng ta khó dò thấu.
Ta không thể biết tâm ta sâu tới mức nào, nếu biết, ta đã ngộ một phần
nào tự tính của nó.
3. Nó quá dễ ta không tin nổi. Điều
duy nhất ta cần làm là an trú trong sự tỉnh giác sơ nguyên thuần túy của
tự tính tâm, cái luôn luôn có mặt hiện tiền.
4. Nó quá kỳ tuyệt ta không dung chứa
nổi. Nội một tính chất bao la của nó cũng quá lớn rộng không lọt được
vào lối suy nghĩ hẹp hòi của tâm ta. Ta không thể tin nổi, cũng không thể
tưởng tượng nổi rằng giác ngộ lại là bản chất thực sự của tâm
chúng ta.
Nếu sự phân tích trên đây về bốn
lỗi đã đúng trong nền văn minh Tây Tạng, một nền văn minh hầu như dành
trọn cho sự nghiệp giác ngộ, thì nó lại càng đúng xiết bao ở trong nền
văn minh tân tiến hiện nay, một nền văn minh dành phần lớn cho sự nghiệp
tôn thờ ảo tưởng. Không bao giờ ở tây phương có một thông tin tổng
quát nào về bản chất của tâm. Văn sĩ và những nhà trí thức chưa từng
đề cập tới nó; những triết gia hiện đại không bàn về nó một cách
trực tiếp; đa số khoa học gia hoàn toàn phủ nhận sự hiện hữu của
nó. Nó không có chỗ đứng trong văn hóa nhân gian: Không ai hát ca về nó;
không ai nói về trong những vở kịch; nó không có trên truyền hình. Chúng
ta thực sự được giáo dục để tin rằng không gì có thực ngoài ra là
những cái ta có thể nhận thức được bằng những giác quan thông thường
của chúng ta.
Mặc dù sự chối bỏ toàn diện
ấy về hiện hữu của tự tính tâm, chúng ta vẫn thỉnh thoảng thoáng thấy
được nó. Những "thoáng thấy” ấy được cảm hứng bởi một
khúc nhạc hay, bởi thiên nhiên, hoặc bởi một sự cố nhỏ nhặt thường
ngày. Chúng có thể phát sinh khi ngắm tuyết rơi, hay nhìn mặt trời lên
sau dãy núi, hay ngắm một tia nắng rơi vào phòng. Những giây phút của sự
thắp sáng, của bình an và hạnh phúc.
Mặc dù sự chối bỏ toàn diện
ấy về hiện hữu của tự tính tâm, chúng ta vẫn thỉnh thoảng thoáng thấy
được nó. Những “thoáng thấy” ấy được cảm hứng bởi một
khúc nhạc hay, bởi thiên nhiên, hoặc bởi một sự cố nhỏ nhặt thường
ngày. Chúng có thể phát sinh khi ngắm tuyết rơi, hay nhìn mặt trời lên
sau dãy núi, hay ngắm một tia nắng rơi vào phòng. Những giây phút của sự
thắp sáng, của bình an và hạnh phúc ấy vẫn thường xảy đến với tất
cả chúng ta và một cách lạ lùng, nó ở lại với chúng ta.
Tôi nghĩ rằng chúng ta đôi khi cũng
hiểu được lờ mờ những cái thoáng thấy ấy, nhưng nền văn hóa ngày
nay không cung cấp cho ta một bối cảnh nào để có thể hiểu được chúng.
Tệ hơn nữa là, thiên hạ đã không khuyến khích chúng ta nên thám hiểm
những cái thấy ấy và đào sâu xem nó từ đâu tới, mà lại còn bảo ta,
bằng cách vừa tinh vi vừa lộ liễu, phải gạt nó ra ngoài. Không ai sẽ
nghe ta một cách nghiêm túc nếu ta cố san sẻ kinh nghiệm ấy với họ. Bởi
thế ta thường tảng lờ những gì có thể thực sự là kinh nghiệm mặc
khải nhất trong đời ta, nếu ta hiểu được chúng. Đấy có lẽ là khía
cạnh đen tối đáng buồn nhất của văn minh hiện đại; Vô minh và áp chế
đối với sự thật là ai.
NHÌN VÀO TRONG
Giả sử bây giờ ta làm một
cuộc thay đổi, ta không nhìn vào một hướng duy nhất như trước nữa. Ta
được dạy phải dành suốt đời để theo đuổi những tu tưởng và dự
phóng của ta. Ngay cả khi nói về "tâm," thì ta cũng chỉ nói
tới những ý tưởng và cảm xúc của nó; và khi những nhà nghiên cứu khảo
sát cái mà họ tưởng là tâm, thì họ cũng chỉ nhìn thấy những phóng
ảnh của nó. Chưa từng có ai thực sự nhìn vào chính cái tâm, nền tảng
từ đó tất cả những tư tưởng ngôn từ khởi lên, và điều này có những
hậu quả bi thảm. Như Padmasambhava nói:
- Ngay cả khi cái thường gọi là
"tâm" được nhiều người bàn tới,
Nó vẫn không được hiểu thấu,
hoặc hiểu sai lạc, một chiều.
Vì tâm không được hiểu đúng như
nó là, trong bản chất nó,
Cho nên có nhiều tư tưởng triết
học và lý thuyết ra đời.
Lại vì người, thường không hiểu
được tâm.
Nên họ không nhận ra bản lai diện
mục họ
Và tiếp tục lang thang trong sáu nẻo
luân hồi và ba cõi hữu mà kinh quá khổ đau.
Bởi thế không hiểu được bản tâm
của bạn là một lỗi rất đáng buồn.
Làm sao chúng ta có thể lật ngược
tình huống? Rất giản dị. Tâm ta chỉ có hai vị trí: Nhìn ra và nhìn
vào.
Nay ta hãy nhìn vào.
Điều khác biệt mà việc chuyển hướng
nhìn ấy đem đến lại có thể rất lớn lao, có thể lật lại những tai
ách đang đè nặng thế giới. Khi có một số lớn người biết được bản
tâm của họ, họ cũng sẽ biết được bản chất đầy quang vinh của cái
thế giới trong đó họ sống, và phấn đấu một cách dũng cảm cấp thiết
đ? bảo trì nó. Một điều thú vị là tiếng Tây Tạng gọi Phật tử là nangpa
là "người ở trong", nghĩa là người không tìm kiếm chân
lý ở bên ngoài mà tìm trong bản chất của tâm. Mọi giáo lý và thực tập
trong Phật giáo đều dẫn đến một điểm duy nhất là nhìn vào tự tính
của tâm, và nhờ vậy giải thoát ta khỏi nỗi sợ chết và giúp ta nhận
chân được sự thật của cuộc đời.
Việc nhìn vào trong (nội quán)
đòi hỏi ta phải có sự tế nhị sâu sắc và đức can đảm lớn lao - một
thay đổi tận gốc trong thái độ của ta đối với cuộc đời và tâm thức.
Chúng ta đã quá ghiền nhìn ra ngoài đến nỗi ta hầu như hoàn tòan mất
liên lạc với bản thể sâu xa của ta. Chúng ta sợ phải nhìn vào trong,
vì nền văn hóa chúng ta không cho ta biết một tí gì về những cái ta sẽ
tìm gặp. Chúng ta lại còn nghĩ rằng nếu nhìn vào trong, ta sẽ có nguy cơ
bị điên loạn. Điều này là một trong những mánh khóe cuối cùng, hiệu
lực nhất của bản ngã để ngăn cản ta khám phá bản chất chân thực của
mình.
Chúng ta đã làm cho đời sống trở
nên cuồng nhiệt tới nỗi ta trừ khử mọi lăm le muốn nhìn vào trong. Cả
đến ý nghĩ "ngồi thiền" cũng làm cho người ta sợ hãi.
Khi nghe nói đến "Không" hay "vô ngã", họ tưởng
là mình phải trải qua những trạng thái như bị ném ra khỏi con tàu vũ trụ
để chơi vơi giữa khoảng không lạnh lẽo âm u. Thực không gì sai lạc sự
thật hơn thế. Nhưng trong một thế giới dành trọn cho cuộc giải trí,
thì sự im lặng và yên lặng làm cho ta sợ hãi; ta tự bảo về để tránh
né chúng bằng sự huyên náo và những công việc rộn ràng. Nhìn vào bản
chất của tâm ta là chuyện chót bẹt mà ta dám làm.
Đôi khi tôi nghĩ rằng chúng ta
không muốn đặt câu hỏi nghiêm túc nào về ta là ai, vì sợ sẽ
khám phá có một thực tại khác hơn sự thực, hiện tại này. Sự khám
phá ấy sẽ làm gì với cái kiểu sống của ta bấy lâu nay? Bạn bè, đồng
nghiệp của ta sẽ phản ứng ra sao trước cái điều mà bây giờ ta mới
biết? Kèm theo hiểu biết là trách nhiệm. Có đôi khi kẻ tù nhân chọn lựa
ở lại, ngay cả khi cánh cửa ngục tù đã được mở tung.
NHỮNG HỨA HẸN CỦA
GIÁC NGỘ
Trong thế giới hiện nay, ít
có những mẫu người thể hiện được những đức tính do sự trực ngộ
bản tâm đem lại. Bởi thế thực khó cho chúng ta tưởng tượng được giác
ngộ ra sao, nhận thức của một người đã giác ngộ là thế nào, huống
hồ tin nổi rằng chính mình cũng có thể giác ngộ.
Mặc dù luôn luôn đề cao giá trị
đ?i sống và tự do cá nhân, xã hội chúng ta kỳ thực xem chúng ta như những
kẻ luôn bị ám ảnh bởi quyền lực, tiền và dục tính, và bất
cứ lúc nào cũng cần phải lôi kéo chú ý của ta ra khỏi sự chết chóc,
hay sự sống chân thực. Nếu có ai bảo cho ta biết, hay nếu ta bắt đầu
“đánh hơi” được tiềm năng sâu xa của mình, thì ta không thể
nào tin nổi chuyện ấy; và khi ta động nghĩ tới việc làm một cuộc chuyển
hóa tâm linh, ta lại thấy rằng chỉ có những bậc thánh hiền trong quá khứ
mới làm nổi điều ầy. Đức Dalai Lama thường nói đến sự thiếu
niềm tự tôn trọng, tự thương lấy mình nơi nhiều người trong thế giới
hiện nay. Bên dưới toàn bộ nhân sinh quan của ta là một sự cả quyết
– có tính cách thần kinh loạn - về những giới hạn của chúng ta. Điều
ấy làm cho ta mất hết hy vọng thức tỉnh, và ngược lại với chân lý
trọng tâm của lời Phật dạy, đó là, tự cốt tủy, chúng ta vốn toàn
thiện.
Ngay cả khi có thể nghĩ đến chuyện
đạt giác ngộ, thì chỉ cần nhìn vào những gì làm nên cái tâm thường
ngày của ta - giận dữ, tham lam, ganh tị, ác ý, bạo tàn, nhục dục, sợ
hãi, lo lắng, giao động – cũng đủ làm cho ta không còn hy vọng gì đạt
giác ngộ, nếu ta không được bảo cho biết rõ về tự tính thanh tịnh của
tâm, và về khả năng ta chắc chắn có thể thực chứng được tự tính
ấy.
Nhưng sự giác ngộ vốn thực có,
và có nhiều bậc thầy đã giác ngộ hiện còn sống trên trái đất. Khi bạn
gặp được một vị như vậy, bạn sẽ xúc động tận tâm can và sẽ thấy
rằng mọi danh từ, như "giác ngộ" và "trí tuệ",
mà lâu nay bạn tưởng chỉ là những ý niệm, thì ra là có thực. Mặc dù
đầy những nguy hiểm, thế giới nay vẫn là một cõi thật hấp dẫn. Tâm
thức tây phương đang dần mở ra trước những tri kiến khác nhau về thực
tại. Những bậc thầy vĩ đại như đức Dalai Lama và Mẹ Teressa
có thể được trông thấy trên màn ảnh truyền hình; nhiều bậc thầy đông
phương đang viếng thăm và giảng dạy giáo lý ở Tây phương; và những
sách vở từ mọi truyền thống huyền học đang càng ngày càng có nhiều
độc giả. Tình trạng tuyệt vọng của hành tinh này đang dần dần đánh
thức mọi người tỉnh dậy để thấy sự cấp thiết phải thay đổi trên
một phạm vi rộng lớn có tính cách toàn cầu.
Sự giác ngộ, như tôi đã nói, là
có thực, và bất cứ ai trong mỗi chúng ta cũng có thể, nếu được huấn
luyện đúng cách, và gặp đúng “thời tiết nhân duyên”, sẽ trực
nhận được tự tính tâm và nhờ thế biết được trong ta có cái bất tử
và vĩnh viễn thuần tịnh. Đấy là sự hứa hẹn trong mọi truyền thống
huyền học của nhân loại, và nhiều ngàn người đã và đang thực chứng
điều đó.
Điều kỳ diệu của sự hứa hẹn
này là, nó không phải là một cái gì thần kỳ, xa lạ gì cả, nó không
phải chỉ dành cho một số ít người xuất sắc được chọn lọc, mà
dành cho toàn thể loài người; và khi trực nhận được bản tâm, thì thấy
như lời các thiền sư bảo, nó bình thường một cách kỳ lạ. Chân lý về
tâm không phải là một cái gì rắc rối bí truyền, nó kỳ thực là lương
tri sâu xa. Khi ta trực ngộ bản tâm, thì những tầng lớp mê lầm rơi rụng.
Thực sự không phải là bạn "thành" Phật, mà bạn chỉ có
chấm dứt mê hoặc, hết bị ảo tưởng lừa dối. Và thành Phật không
có nghĩa là thành một siêu nhân có nhiều quyền năng tâm linh, mà thành một
con người đúng nghĩa.
Một trong những truyền thống lớn
của Phật giáo Tây Tạng gọi bản chất của tâm là "trí tuệ của
bình thường". Tôi phải nhắc lại lời này nhiều lần mới được:
Tự tính chân thực của chính ta, với bản tính của mọi sự vật không
phải là một cái gì lạ lùng. Điều mỉa mai là, chính cái thế giới mà
ta gọi là thường nhật ấy mới thực lạ lùng, một màn ảo hóa li kỳ
tinh vi của cái thấy mê lầm trong sinh tử. Chính cái thấy "lạ
lùng” ấy đã làm ta mù mắt đối với bản tính tự nhiên, "bình
thường" của tâm. Hãy thử tưởng tượng những vị Phật đang nhìn
xuống chúng ta: các ngài sẽ kinh ngạc đau buồn xiết bao để thấy sự khôn
lanh chết người, và tính phức tạp trong cái vô minh của chúng ta.
Đôi khi, chính vì ta vẫn thường rắc
rối một cách không cần thiết, mà khi được một bậc thầy khai thị bản
tâm, ta không thể tin được rằng nó quá đơn giản như thế. Cái tâm thường
ngày của ta bảo ta rằng không thể thế được, phải có cái gì khác hơn
thế chứ. Chắc phải "huy hoàng" hơn, phải có nhiều hào
quang xẹt xung quanh ta, có chư thiên với đầu tóc vàng óng bay lả tả từ
trên trời sà xuống gặp ta mà loan tin "Thế là bạn đã được khai
thị bản tâm rồi đấy". Hoàn toàn không có cái màn ấy đâu.
Vì trong nền văn hóa chúng, ta,
chúng ta đã quen đánh giá tri thức quá cao, nên ta cứ tưởng rằng muốn
giác ngộ thì cần phải có một trí thông minh phi thường. Tây Tạng có một
ngạn ngữ rằng: "Nếu bạn quá thông minh, bạn có thể hụt mất
hoàn toàn cái cốt tủy."
Patrul Rinpoche nói:
- Cái tâm duy lý có vẻ hay đấy,
nhưng chính nó là hạt giống của mê lầm.
Con người có thể bị ám ảnh bởi
chính những lý thuyết của mình và hụt mất cái cốt tủy trong mọi sự.
Ở Tây Tạng chúng tôi thường nói: "Lý thuyết giống như những miếng
vá trên chiếc áo, có ngày cũng phải cũ mòn."
Tôi xin kể cho bạn nghe một mẫu
chuyện lý thú:
- Một bậc thầy vĩ đại vào thế
kỷ trước có một đệ tử rất ngu đần. Ông đã giảng dạy nhiều lần,
cố khai thị cho y trực ngộ bản tâm, mà y vẫn không ngộ. Cuối cùng, bậc
thầy nổi giận bảo, "Này, ngươi hãy mang bao lúa mạch này lên
trên đỉnh núi xa kia, nhưng không được dừng lại nghỉ. Phải đi một mạch
cho tới đỉnh núi”. Người đệ tử tuy ngu đần song có lòng sùng
kính và hoàn tòan tin tưởng nơi thầy, nên đã làm y như lời thầy dạy.
Bao lúa rất nặng, nhưng y vẫn mang lên giốc núi không dám dừng lại nghỉ.
Y cứ đi mãi đi mãi, và cái bao mỗi lúc một năng thêm. Y phải mất một
thời gian dài, và cuối cùng, khi lên tới đỉnh núi, y thả cái bao ngồi
phịch xuống đất, kiệt sức vì mệt nhọc nhưng bắt đầu thư giãn, nhẹ
nhàng. Y cảm thấy gió núi mát lạnh trên mặt. Tất cả sự trơ lì đối
với giác ngộ nơi y bỗng tan biến, cùng với cái tâm thường ngày của y.
Mọi sự dường như ngừng phắt lại. Ngay lúc ấy, y thình lình trực ngộ
bản tâm. Y nghĩ, "Ồ, thì ra đây là cái mà thầy đã chỉ cho ta bấy
lâu nay". Y chạy xuống núi trở về, và trái với mọi quy ước
thường ngày y đâm sầm vào phòng thầy. "Con nghĩ rằng con đã được
nó... Con thực sự đã được nó!” Vị thầy mỉm cười đầy cảm thông
nhìn y mà nói: "Thế là con đã có một chuyến leo núi thú vị đấy
chứ?"
Ngay cả bạn, bất kể bạn là ai,
cũng có thể có cái kinh nghiệm mà người môn đệ kia đã gặp trên đỉnh
núi, và chính cái kinh nghiệm ấy sẽ đem lại cho bạn đức tính vô úy để
điều đình với sống chết. Nhưng gì là cách tốt nhất, nhanh nhất, và
hiệu nghiệm nhất để khởi hành đi tìm nó? Bước đầu tiên là thực tập
thiền định. Chính thiền định dần dần thanh lọc cái tâm thường ngày,
lột mặt nạ nó, làm cho kiệt quệ những ảo tưởng và tập quán của
nó, để chúng ta có thể, vào đúng thời tiết, trực nhận ra ta là ai.
Mục lục
| Lời
giới thiệu của Đức Dalai Lama | Lời nói đầu |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | Phụ
lục 1: Vấn đáp về sự chết | Phụ lục 2: Hai mẫu
chuyện | Phụ lục 3: Hai bài thần chú |
Chúng tôi chân thành cảm
ơn hai vị Phật tử Hải Hạnh và Ngọc Sương đã phát âm đánh máy gởi
sách này về cho ban biên tập.