- TẠNG THƯ SỐNG-CHẾT
- THE TIBETAN BOOK OF LIVING
AND DYING
Sogyal Rinpoche
5. ĐƯA TÂM VỀ NHÀ
Trên hai ngàn năm trăm năm về
trước, một người đã đi tìm chân lý trong nhiều đời kiếp, đi đến một
chỗ thanh vắng miền Bắc Ấn và ngồi dưới một bóng cây. Người ấy tiếp
tục ngồi dưới cây với một tâm cả quyết vô biên, và thề sẽ không
đứng dậy nếu không tìm ra chân lý. Tương truyền vào lúc hoàng hôn, người
ấy đã chiến thắng tất cả những năng lực hắc ám của mê vọng; và
bình minh hôm sau, khi ngôi sao Mai xuất hiện trên nền trời, người ấy đã
được đền bù cho lòng kiên nhẫn trường kỳ, cho kỉ luật và sự tập
trung toàn hảo của mình bằng sự chứng đắc tuệ giác, cái mục đích tối
thượng của đời người. Vào giờ phút thiêng liêng ấy, trái đất cũng
phải rùng mình như thể "say sưa trong niềm phúc lạc", và kinh điển
đã ghi rằng "Không ai trong giờ phút ấy, ở bất cứ đâu, nổi giận,
hay ốm đau, buồn khổ, không ai làm ác, không ai kiêu căng ngã mạn; thế
giới trở nên hoàn toàn thanh tịnh, dường như thể vừa đạt tới sự toàn
thiện.” Con người ấy được biết dưới danh hiệu là Đức Phật.
Thầy Nhất Hạnh đã mô tả sự giác ngộ của Phật bằng những lời đẹp
đẽ như sau:
- Gautama cảm thấy như thể là
cái ngục tù giam giữ mình cả ngàn đời, vừa mới mở tung. Vô minh chính
là người giữ ngục. Vì vô minh, tâm người đã bị che mờ, hệt như
trăng sao bị mây che trong bầu trời giông bão. Bị vây bủa bởi nhiều
làn sóng vọng tưởng bất tận, tâm ta đã cắt xén thực tại một cách
sai lầm thành ra chủ thể và đối tượng, ta và người, hữu và phi hữu,
sinh và tử, và do phân biệt khởi lên tà kiến – đó là những ngục tù
của thọ, ái, thủ và hữu. Nỗi khổ sinh già bệnh chết chỉ làm cho tường
vách nhà tù dày thêm. Điều duy nhất phải làm là tóm lấy kẻ giữ ngục
mà nhìn vào mặt thật của y. Kẻ giữ ngục chính là vô minh... Khi kẻ giữ
ngục đã bỏ đi, thì nhà tù sẽ tan biến và không bao giờ được xây trở
lại.
Những gì Phật thấy là, sự không
biết bản tâm chính là nguồn gốc của tất cả đau khổ trong sinh tử, và
nguồn gốc của vô minh chính là khuynh hướng xao lãng của tâm ta, cái
khuynh hướng đã thành thói quen khó gỡ. Chấm dứt cái tâm lơ đễnh ấy
chính là chấm dứt sinh tử; và chìa khóa đưa đến sự chấm dứt là
đưa tâm về nhà, trở về bản tính chân thực của nó, nhờ sự thực tập
thiền định.
Đức Phật ngồi trên đất với
cung cách khiêm hạ bình an, trên cao và quanh ngài là trời đất bao la, như
thể chỉ cho ta rằng trong khi thiền định, bạn nên ngồi với một tâm
thái rộng mở khoáng đạt như bầu trời, mà đồng thời vẫn hiện diện,
có nền tảng vững vàng trên mặt đất. Bầu trời là bản tính tuyệt đối
của chúng ta, vốn không có rào ngăn, không biên giới, còn mặt đất là
thực tại của chúng ta, hoàn cảnh tương đối và thường nhật của ta. Dáng
ngồi khi ta thiền định có nghĩa rằng ta đang nối cái tuyệt đối với
tương đối, trời và đất, như đôi cánh của một con chim, thể nhập
cái bản tâm bất tử như bầu trời, với cái bản chất phù du khả loại
của ta như đất.
Năng khiếu tập thiền định là năng
khiếu vĩ đại nhất mà bạn có thể tự đem lại cho mình trên cuộc đời
này. Vì chỉ nhờ thiền định bạn mới có thể khởi hành cuộc hành
trình đi tìm bản chất chân thực của bạn, và nhờ vây tìm thấy niềm
tin vững chải mà bạn cần, để sống tốt đẹp và chết tốt đẹp. Thiền
định chính là con đường đưa đến tuệ giác.
LUYỆN TÂM
Có rất nhiều cách trình bày
về thiền định, và có lẽ tôi đã giảng dạy cả ngàn lần về thiền,
nhưng mỗi lần một khác, và mỗi lần nó đều trực tiếp và mới mẻ.
May thay ta sống trong một thời đại
mà tất cả mọi người trên thế giới đều quen thuộc với thiền định.
Càng ngày thiền càng được chấp nhận như một lối tập luyện, bỏ qua
và vượt trên tất cả những hàng rào văn hóa và tín ngưỡng, giúp hành
giả thiết lập một tiếp xúc thẳng với sự thật của bản thể họ. Đấy
là một luyện tập vượt ngoài giáo điều của các tôn giáo, và là tinh
túy của tôn giáo.
Thông thường chúng ta lãng phí đời
mình, lạc ra ngoài cái ngã chân thực của ta, trong những hoạt động bất
tận. Thiền trái lại, là phương pháp đưa ta trở về chính mình, ở đấy
ta có thể thực sự chứng nghiệm và thưởng thức cái bản thể toàn vẹn
của ta, vượt ngoài mọi mẫu mực thói quen. Những cuộc đời của chúng
ta được sống trong đấu tranh căng thẳng và lo âu, trong sự quay cuồng của
tốc độ và bạo động, trong cạnh tranh, bám víu, chiếm hữu, thành công,
ta mãi mãi chất đầy những hoạt động và bận rộn thuộc ngoại vi. Thiền
chính là cái ngược lại. Thiền định là làm một cuộc tuyệt giao với
cái cách ta hành động "bình thường," vì đấy là trạng
thái không lo lắng không bận tâm, không có cạnh tranh, không có ham muốn sở
hữu hay níu kéo một thứ gì, không có sự phấn đấu quyết liệt đầy
âu lo, và không có sự khao khát đạt thành: Một trạng thái không có tham
vọng không có lấy hay bỏ, không hy vọng cũng không sợ hãi, một trạng
thái trong đó ta dần khởi sự buông bỏ mọi cảm xúc và khái niệm đã
giam hãm ta để tung cánh vào bầu không gian của tính tự nhiên đơn giản.
Những bậc thầy về thiền định
trong Phật giáo biết rõ tính dẻo dai, dễ sử dụng của tâm là như thế
nào. Nếu ta luyện được nó, thì không có gì là bất khả. Quả thực ta
đã được huấn luyện một cách thuần thục bởi sinh tử và cho sinh tử,
được luyện để nổi ghen tuông, được luyện để bám víu chấp thủ,
được luyện để lo âu, phiền muộn, thất vọng, thèm khát; được luyện
để phản ứng một cách tức giận đối với bất cứ gì khiêu khích
chúng ta. Thực vậy, chúng ta được luyện thuần thục tới mức độ mà
những cảm xúc tiêu cực ấy khởi lên một cách tự nhiên, chúng ta không
cần cố gắng làm cho chúng phát sinh ra. Bởi thế, mọi sự đều là vấn
đề huấn luyện, và năng lực của thói quen. Nếu tâm chuyên chú vào sự
nghiệp vô minh thì ta sẽ thấy nó trở thành một chúa tể của vô minh,
chuyên viên nghiện ngập, tinh vi và mềm dẻo trong thói nô lệ của nó. Nếu
tâm chuyên chú vào thiền định, vào sự nghiệp tự giải thoát ra khỏi
ảo tưởng, thì ta sẽ thấy với thời gian, kiên nhẫn, kỷ luật, và luyện
đúng – tâm ra khởi sự mở gút và biết được niềm phúc lạc và trong
sáng nguyên ủy của nó.
"Luyện" tâm tuyệt
nhiên không có nghĩa là gượng ép ức chế nó, hay tẩy não cái tâm. Luyện
tâm là trước hết thấy được một cách trực tiếp và cụ thể, tâm thực
sự vận hành như thế nào, một hiểu biết mà ta có thể rút từ những
giáo lý tâm linh và qua kinh nghiệm của mình trong sự thực hành thiền định.
Rồi bạn có thể dùng sự hiểu biết ấy để thuần hóa cái tâm và làm
việc với nó một cách khéo léo, làm cho nó càng ngày nhu nhuyến, để bạn
có thể trở thành chủ nhân của chính tâm mình và sử dụng nó cho cứu
cánh viên mãn và lợi lạc nhất.
Bậc thầy Shantideva vào thế
kỷ thứ tám có nói:
- Nếu buộc chặt con voi tâm bằng
sợi dây chánh niệm
Thì mọi sợ hãi tan biến, hạnh
phúc toàn vẹn đến với ta
Tất cả kẻ thù: cọp, sư tử,,
voi, gấu, rắn những cảm xúc;
Tất cả ngục tốt ở địa ngục;
ngạ quỷ, những sự khủng khiếp
Tất cả thứ ấy đều bị trói nhờ
bạn đã làm chủ được tâm.
Hàng phục một tâm ấy, thì mọi sự
đều được hàng phục.
Vì do tâm mà có ra mọi sợ hãi và
vô lượng khổ đau.
Cũng như một văn sĩ sau nhiều năm
dày công học hỏi mới có được cách diễn đạt tự nhiên, hoặc như một
vũ công chỉ thành đạt nhờ nỗ lực lớn và kiên nhẫn, cũng thế khi bạn
bắt đầu hiểu được thiền định sẽ đưa bạn tới đâu, thì bạn sẽ
xem nó như sự nghiệp lớn nhất của đời mình, và nó đòi hỏi ở bạn
một sự kiên trì sâu xa, lòng hăng hái, trí thông minh, và kỷ luật.
TRỌNG TÂM CỦA
THIỀN ĐỊNH
Mục đích thiền định là để
làm thức dậy trong ta cái tự tính của tâm giống như bầu trời ấy, và
để cho ta thấy bản lai diện mục của ta, tính giác không thay đổi nơi
ta, cái nằm đằng sau toàn thể sự sống và chết.
Trong cái yên lặng và im lặng của
thiền, ta thoáng thấy và quay về với sự tự tính sâu xa ấy, cái mà từ
quá lâu ta đã không thấy được giữa những bận rộn và xao lãng của
tâm. Có phải lạ lùng, là tâm ta không thể ở yên lâu hơn chốc lát mà
không theo đuổi bám víu một lối xao lãng nào đó; nó bất an, rộn ràng tới
nỗi lắm lúc tôi nghĩ rằng, sống trong một đô thị tân tiến, là ta đã
giống như những linh hồn bị dày vò trong trạng thái trung gian sau khi chết,
lúc mà tâm (theo Tử thư) được mô tả là vô cùng xao xuyến. Theo tài liệu
đáng tin, thì hết mười ba phần trăm người ở Mỹ mắc phải chứng rối
loạn thần kinh. Điều ấy nói gì về cách sống của chúng ta?
Chúng ta bị phân đoạn thành quá
nhiều phương diện khác nhau. Chúng ta không biết mình thực sự là ai, hay
ta nên đồng hóa mình với phương diện nào, nên tin tưởng cái gì. Quá
nhiều tiếng nói mâu thuẫn, nhiều mệnh lệnh và cảm thức khác nhau
giành giựt quyền kiểm soát đời sống nội tâm ta, đến nỗi ta tự thấy
mình rã rời ra từng mảnh ở khắp mọi nơi, mọi hướng, không còn ai ở
nhà.
Thiền định, như vậy, chính là
đem tâm trở về nhà.
Trong giáo lý Phật, chúng ta
nói có ba việc làm nên sự khác nhau sự tu thiền của bạn, hoặc để
đem lại thoải mái bình an tạm thời, hoặc để đưa đến tự giác giác
tha. Ba việc đó gọi là "tốt ở chặng đầu, chặng giữa và chặng
cuối."
- Tốt ở chặng đầu
bắt nguồn từ cái ý thức
rằng chúng ta và mọi hữu tình tự căn để, đều có Phật tính, tinh chất
sâu xa nhất của ta, và trực ngộ được nó thì thoát khỏi vô minh và chấm
dứt vĩnh viễn mọi đau khổ. Bởi vậy mỗi lần khởi sự tập thiền định,
chúng ta được điều động bởi cái ý thức ấy, và phát tâm cống hiến
sự tập thiền của mình và cả cuộc đời mình cho việc giác ngộ tất cả
chúng sinh, trong tinh thần lời nguyện sau đây, mà chư Phật trong quá khứ
đã từng phát ra:
Nhờ năng lực và chân lý của tập
luyện này,
Mong tất cả hữu tình được hạnh
phúc, và nhân của hạnh phúc;
Mong tất cả đều thoát khổ đau,
và nhân của khổ đau;
Mong tất cả không rời hạnh phúc
tối thượng, không sầu;
Mong tất cả sống hỉ xả không thương
ghét
Và sống tin ở bình đẳng của mọi
loài.
- Tốt ở chặng giữa
là tâm thái khi ta đi vào
trọng tâm của luyện tập, mong thực chứng bản tâm, từ đấy khởi lên
sự không chấp thủ, thoát khỏi mọi khái niệm phân biệt, và một tỉnh
thức để thấy mọi sự tự nó trống rỗng không thực chất, như huyễn,
như mộng.
- Tốt ở chặng cuối
là cách ta kết thúc thời
thiền tập bằng sự hồi hướng tất cả công đức, với lời cầu nguyện
thành thiết như sau:
- Mong rằng, bất cứ công đức gì
có được do thời thiền tập này, đều hướng về sự giác ngộ tất cả
hữu tình; mong rằng nó trở thành một giọt nước trong biển công hạnh của
chư Phật đang làm việc không biết mệt để giải thoát tất cả chúng
sinh.
Công đức là công năng tích cực
và lợi lạc, niềm bình an hạnh phúc mà sự tu tập thiền định của bạn
tỏa chiếu ra. Bạn cống hiến công đức ấy cho sự an lạc lâu dài của
hữu tình, cho sự giác ngộ của chúng. Gần hơn, thì bạn hồi hướng cầu
nguyện cho hòa bình thế giới, cho mọi người thoát khỏi thiếu thốn bệnh
tật, được sức khỏe và hạnh phúc lâu bền. Rồi, khi nhận thức bản
chất mộng huyễn của thực tại, bạn tư duy rằng, trong ý nghĩa sâu kín
nhất, thì bạn, người hồi hướng, những chúng sinh mà bạn cống hiến
công đức, và chính cái hành vi hồi hướng, cả ba thứ đều trống rỗng,
huyễn hóa. Điều này được nói trong giáo lý là để “niêm phong”
thời thiền định, bảo đảm sao cho không một giọt nào của công năng
thuần tịnh của nó bị rò rỉ, và để chắc chắn không một chút công
đức nào của sự thực hành là bị lãng phí.
Những nguyên tắc thiêng liêng này
– cách khởi tâm thiện xảo, thái độ không chấp thủ, và sự hồi hướng
sau cùng để niêm phong, là những gì làm cho việc thiền tập của bạn thực
sự có năng lực, đem lại giác ngộ. Ba nguyên lý này được Longchenpa bậc
thầy Tây Tạng mô tả là "trái tim, con mắt và sức sống của sự
thực hành chân chính." Như Nyoshul Khenpo nói:
- Muốn đạt toàn giác, nhiều hơn
thế thì dư, mà ít hơn thì thiếu.
LUYỆN TẬP
CHÁNH NIỆM
Thiền định là đưa tâm về
nhà, và việc này trước hết được hoàn tất nhờ luyện tập chánh niệm.
Một lần có một thiếu phụ đến
hỏi Bụt làm cách thế nào để thiền. Bụt bảo nàng hãy ý thức từng
động tác của đôi tay khi nàng kéo nước giếng, vì ngài biết như vậy nàng
sẽ tự thấy mình ở trong tâm trạng an bình, khoáng đạt và bén nhạy,
mà chính là thiền định.
Sự thực tập chánh niệm, đưa cái
tâm phân tán trở về nhà và do đó tập trung ý thức vào những khía cạnh
khác nhau của con người chúng ta - được gọi là "Tịnh trú"
hay "An trú," thành tựu được ba việc. Trước hết, mọi mảnh
vụn của con người ta - thường mâu thuẫn chống chọi nhau – bây giờ
ổn định, tan hòa và trở thành bạn. Trong sự ổn định ấy ta bắt đầu
hiểu mình hơn, và đôi khi còn thoáng thấy được tia sáng tự tính bản
nhiên của ta. Thứ hai là, luyện tập thiền định làm tiêu tan tính tiêu cực,
bạo hành nơi ta, những cảm xúc hỗn độn đã chứa nhóm nhiều đời.
Thay vì đàn áp chúng hay bị lôi cuốn theo chúng, ở đây điều quan trọng
là ngắm nhìn chúng và bất cứ gì khởi lên trong tâm, với sự chấp nhận
và bao dung, càng cởi mở càng tốt. Những bậc thầy Tây Tạng thường bảo
rằng tính độ lượng sáng suốt ấy giống như không gian vô biên, thân
thiết và dễ chịu, làm bạn cảm thấy như thể được bao phủ, được
che chở trong một cái mền bằng ánh sáng.
Dần dần, khi bạn vẫn ở trong trạng
thái cởi mở, tỉnh giác ấy, và dùng một trong những phương pháp sẽ
nói sau, để làm cho tâm càng lúc càng tập trung hơn, tính tiêu cực nơi bạn
càng ngày càng tan loãng ra; bạn khởi sự cảm thấy thoải mái trong toàn
diện bản thể bạn, hay như ngưòi Pháp nói, être bien dans sa peau. Từ
đấy phát sinh sự buông xả và một niềm an lạc sâu xa. Theo tôi thì sự
tập luyện này là cách tốt nhất để chữa trị thân bệnh và tâm bệnh
nơi bạn.
Thứ ba, sự tập luyên này vén
màn, làm hiển lộ Thiện tâm căn bản của bạn, vì nó làm tan biến thói
hung ác hay tác hại ở trong bạn. Chỉ khi trừ khử được thói ấy ta mới
thực sự hữu ích cho người khác. Vậy thì nhờ tập luyện, trừ khử dần
thói ác tác hại khỏi tâm ta, mà ta có thể để cho Thiện tâm chân thực
của ta – lòng tử tế, từ bi tự nhiên nơi ta - chiếu sáng, và trở
thành bầu khí hậu cho bản thể đích thực của ta phát triển.
Bây giờ bạn thấy tại sao tôi gọi
thiền định là sự thực hành chân thực để đi đến hòa bình, đi đến
sự không gây hấn, đi đến sự bất bạo động. Ð?y là sự giải trừ vũ
khí chân thực và quan trọng nhất.
SỰ BÌNH AN TỰ
NHIÊN
Mỗi khi giảng dạy thiền định,
tôi thường bắt đầu bằng câu nói:
- Hãy đưa tâm bạn về nhà. Buông
xả, và thư giãn.
Toàn thể sự thực hành thiền định
có thể rút gọn vào ba điểm cốt yếu đó: Ðưa tâm về nhà, buông xả
và thư giãn.
Ðưa tâm về nhà có nghĩa là hướng
dẫn tâm đến trạng thái An trú nhờ thực tập chánh niệm. Trong ý nghĩa
sâu xa nhất, thì đưa tâm về nhà có nghĩa là xoay tâm vào trong và an trú
trong bản tánh tự nhiên của nó. Ðiều này chính là thiền định tối
thượng.
Buông xả là giải phóng tâm
khỏi ngục tù chấp thủ, vì bạn đã nhận thấy rằng mọi đau khổ, sợ
hãi và lo buồn đều bắt nguồn từ sự khát ái của tâm chấp thủ. Ở
bình diện sâu xa hơn, sự thực chứng, niềm tin phát sinh do hiểu rõ bản
chất của tự tâm sẽ làm cho bạn có được tính bao dung sâu sắc và tự
nhiên, khiến bạn dễ dàng buông hết mọi chấp thủ của mình, để cho nó
tự bay mất, tan vào trong nguồn cảm hứng của thiền định.
Cuối cùng, thư giãn có nghĩa
là khoáng đạt, giải tỏa tâm khỏi mọi căng thẳng. Sâu hơn nữa, là bạn
thể nhập vào bản tính chân thực tự nhiên của tâm bạn một cách thoải
mái, vào trạng thái Rigpa. Tạng ngữ diễn tả tiến trình này là
"thư giãn trên Rigpa”. Giống như khi ta đổ một nắm cát trên một
mặt phẳng, thì mỗi hạt cát tự động an trú. Ðấy là cách bạn thư giãn
vào trong bản tính chân thực của bạn, để cho mọi ý nghĩa cảm xúc tự
động rút lui, tan biến vào trong trạng thái tâm tự nhiên.
Mỗi khi thiền định, bài thơ sau
đây của Nyoshul Khenpo luôn luôn gây cho tôi nguồn cảm hứng:
Hãy an trú tịch nhiên
Cái tâm mệt mỏi này
bị nghiệp làm xơ xác
với tư duy cuồng loạn
như sóng vỗ không ngừng
trong biển lớn sinh tử.
Hãy an trú tịch nhiên.
Cần nhất là ta hãy thoải mái tự
nhiên và khoáng đạt như hư không. Hãy lặng lẽ chuồn ra khỏi cái thòng
lọng của bản ngã đầy lo âu thường ngày, buông mọi sự bám víu, và thả
mình vào trong bản tính chân thực của bạn. Hãy tưởng đến cái tôi thường
nhật của bạn như một khối băng hay một thỏi bơ để dưới ánh mặt
trời. Nếu bạn đang cảm thấy cứng cỏi lạnh lùng, thì hãy để cho sự
cứng cỏi ấy tan ra trong ánh mặt trời thiền định. Ð? cho niềm bình an
làm việc trên bạn, giúp bạn thâu nhặt lại cái tâm phân tán gom vào
trong sự An trú, và đánh thức dậy sự tỉnh giác và cái thấy sâu xa của
Minh kiến. Rồi bạn sẽ thấy tất cả thói tiêu cực nơi mình bị tước
khí giới, tính bạo động tan ra, vọng tưởng chầm chậm tiêu tan như thể
sương mù tan vào trong bầu trời khoáng đạt vô nhiễm của tính tự nhiên
tuyệt đối nơi bạn.
Khi ngồi lặng lẽ, thân yên, lời
im, tâm am tĩnh, bạn hãy để cho những ý tưởng, cảm xúc hay bất cứ gì
khởi lên, tự đến và đi, không bám víu vào cái gì.
Trạng thái ấy ra thế nào? Dudjom
Rinpoche thường nói, hãy tưởng tượng một nông phu suốt ngày làm lụng
mệt nhọc ngoài đồng, bây giờ đang ngồi thoải mái trước lò sưởi,
trong chiếc ghế mà ông yêu thích. Ông đã làm lụng trọn ngày và biết
mình đã làm những gì cần hoàn tất, không còn gì phải lo, không còn việc
gì chưa xong, ông có thể buông bỏ hoàn toàn mọi lo âu bận bịu, và bây
giờ hài lòng, ông chỉ là, không còn gì phải làm nữa.
Vậy, khi thiền định, điều cần
thiết là bạn phải tạo ra bối cảnh nội tâm cho thích hợp. Mọi nỗ lực
và phấn đấu xảy ra đều do bởi cái tâm không khoáng đạt như hư không,
bởi thế tạo ra bối cảnh thích hợp ấy là điều cốt yếu để cho thiền
định thực sự xảy đến. Khi điều kiện ấy có mặt, thì thiền định
phát sinh không cần nỗ lực.
Ðôi khi, lúc thiền định, tôi
không dùng một phương pháp đặc biệt nào cả. Tôi chỉ để cho tâm an
nghỉ, và thấy rằng tôi có thể đưa tâm về nhà và thư giãn một cách
mau lẹ, nhất là mỗi khi được cảm hứng. Tôi ngồi yên lặng và an trú
trong tự tính của tâm; tôi không cần tự hỏi mình có ở trong trạng
thái "đúng" hay không. Không có nỗ lực, chỉ có sự hiểu
biết dồi dào, sự tỉnh thức, và một niềm xác tín không lay chuyển. Khi
tôi ở trong trạng thái tâm bản nhiên ấy, thì cái tâm thường ngày không
còn ở đấy. Không cần xác định một cảm thức hiện hữu nào: tôi chỉ
đang là, một cách đơn giản. Một niềm tin tưởng căn để đang có mặt.
Không có việc gì đặc biệt phải làm.
PHƯƠNG PHÁP
TRONG THIỀN
Nếu tâm bạn tự nó có thể
an trú một cách tự nhiên và nếu bạn thấy mình có thể trú trong sự tỉnh
thức thuần tịnh của tâm bạn, thì khi ấy bạn không cần phương pháp
nào để thiền định nữa. Quả thế, đôi khi còn không nên cố sử dụng
một phương pháp, khi tâm bạn đã ở trong một trạng thái như vậy. Tuy
nhiên, phần đông chúng ta thấy khó mà đạt tới trạng thái đó ngay được.
Chúng ta không biết làm sao để đánh thức tâm, tâm ta quá hoang vu và xao
lãng đến độ ta cần một phương tiện thiện xảo, một phương pháp tốt,
để hô triệu nó lên.
Tôi muốn nói "thiện xảo"
nghĩa là hợp nhất cái biết của bạn về tự tánh tâm, cái biết những
tâm trạng đang thay đổi nơi bạn và cái biết đối trị mà bạn đã
phát triển qua sự thực tập – những vọng tưởng trong từng giai đoạn.
Nhờ hòa hợp chúng lại, mà bạn học được nghệ thuật áp dụng phương
pháp thích hợp cho bất cứ một tình huống hay vấn đề đặc biệt nào,
để chuyến hóa bối cảnh của tâm bạn.
Nhưng nên nhớ rằng phương pháp chỉ
là phương tiện, không phải chính là thiền định. Nhờ thực hành phương
pháp một cách thiện xảo mà bạn có thể đạt đến trạng thái thuần tịnh
của sự tỉnh giác toàn vẹn, mà chính là thiền đích thực.
Tạng ngữ có câu: "Gompa ma
yin, kompa yin" nghĩa là, không có thiền định mà chỉ có sự quen thực
hành thiền định. Thiền định không phải là nỗ lực, mà tự nhiên thấm
nhuần. Khi bạn tiếp tục áp dụng phương pháp, thì dần dần thiền định
phát sinh. Thiền định không phải là một cái gì bạn có thể làm, nó xảy
đến một cách tự nhiên, chỉ khi bạn đã thuần thục trong sự thực tập.
Tuy nhiên muốn thiền định xảy đến,
thì cần tạo những điều kiện yên tĩnh và tốt lành. Muốn làm chủ được
tâm, ta cần phải làm cho hoàn cảnh xung quanh được an tịnh. Lúc này tâm
ta giống như ngọn đèn cầy luôn luôn lay động bởi những ngọn gió mạnh
của ý tưởng và cảm xúc. Ngọn đèn chỉ đứng yên khi ta làm cho không
khí xung quanh nó lắng xuống. Ta chỉ có thể thoáng thấy tự tính tâm và
an trú trong đó, khi những ý tưởng và cảm xúc quay cuồng của ta đã lắng
xuống. Ngược lại, khi ta đã an trú trong thiền định thì những tiếng
ồn và rối loạn đủ loại sẽ rất ít ảnh hưởng.
Ở Tây phương, người ta quen thói
chú mục vào cái mà tôi gọi là "kỹ thuật thiền định".
Thế giới ngày nay thực say mê máy móc cơ khí, và chỉ thích những công
thức thực tiễn. Nhưng điều quan trọng hơn nhiều ở trong thiền không phải
là kỹ thuật, mà là tinh thần, cách thế thiện xảo và đầy sáng tạo
trong đó ta thực hành thiền định, gọi là thế ngồi.
THẾ NGỒI
Những bậc thầy nói:
- Nếu bạn tạo một điều kiện tốt
lành trong thân và cảnh, thì thiền và ngộ sẽ tự động sinh khởi.
Nói về thế ngồi không phải là dạy
một chuyện bí truyền; toàn bộ của việc ngồi đúng cách chỉ là để tạo
một bối cảnh gợi cảm hứng cho thiền, cho sự thức dậy của Rigpa.
Có sự tương quan giữa thế ngồi của thân với thái độ của tâm, và
thiền đ?nh phát sinh một cách tự nhiên khi có thế ngồi và thái độ thích
hợp.
Nếu bạn đang ngồi mà tâm không
hoàn toàn hòa điệu với thân – chẳng hạn bạn đang lo lắng bận rộn một
việc gì – thì thân bạn sẽ kinh quá nỗi bực dọc vật lý, và những
khó khăn dễ dàng xảy ra. Trong khi nếu tâm bạn an tĩnh, nó sẽ ảnh hưởng
đến toàn thể thế ngồi của bạn, bạn có thể ngồi tự nhiên không cần
cố gắng. Bởi thế thực rất quan trọng để phối hợp thế ngồi của
thân với niềm tin phát sinh từ sự trực ngộ bản tâm nơi bạn.
Thế ngồi tôi sắp giải thích có
thể khác những thế ngồi mà bạn đã quen. Nó rút từ giáo lý Dzogchen
ngày xưa, đó là thế ngồi mà các bậc thầy đã dạy tôi, và tôi thấy
nó đầy hiệu lực.
Trong giáo lý Dzogchen nói rằng
Cái thấy và Thế ngồi của bạn phải như ngọn núi. Cái thấy là đỉnh
cao của toàn thể tri kiến và tuệ giác về bản tâm mà bạn đem vào thiền
định. Bởi vậy cái thấy ấy gợi cảm hứng cho thế ngồi của bạn,
diễn tả cốt lõi của bản thể bạn trong lối bạn ngồi.
Vậy, hãy ngồi như thể bạn là một
ngọn núi, với tất cả uy thế lẫm liệt vững chắc không ai lay chuyển nổi,
của một ngọn núi. Ngọn núi hoàn toàn tự nhiên, thoải mái dù có bao
nhiêu ngọn gió mạnh tạt qua nó, bao nhiêu đám mây đen dày vần vũ quanh nó.
Ngồi như một ngọn núi, bạn để tâm bạn vươn lên và bay lượn.
Ðiều quan trọng nhất trong thế ngồi
này là giữ lưng thẳng như một mủi tên hay một cọc tiền vàng. Nội
khí hay prana sẽ tuôn chảy thông suốt qua các huyệt đạo cơ thể, và
tâm bạn sẽ tìm được trạng thái an nghỉ thực sự của nó. Ðừng gắng
gượng cưỡng ép cái gì cả. Phần dưới của cột sống có một đường
cong tự nhiên; nên thư dãn nó theo chiều thẳng đứng. Ðầu bạn nên an
nghỉ thoải mái trên cần cổ. Ðôi vai và phần trên ngực mang tất cả sức
mạnh và vẻ đẹp của thế ngồi, cần giữ yên, vững, nhưng không được
có một sự căng thẳng nào.
Hãy ngồi khoanh chân, không cần phải
theo thế hoa sen (kiết già) như trong pháp Yoya cao cấp. Ðôi chân
khoanh lại biểu trưng sự nhất thể giữa sống và chết, thiện và ác, phương
tiện và trí tuệ, nguyên lý âm dương, sinh tử niết bàn, trạng thái bất
nhị. Bạn cũng có thể ngồi trên ghế để thỏng chân, nhưng điều cần
thiết là phải giữ lưng cho thẳng.
Trong truyền thống thiền của tôi,
thì đôi mắt phải mở: Ðây là điều tối quan trọng. Nếu bạn nhạy
cảm đối với những quấy rầy bên ngoài, thì mới đầu bạn có thể nhắm
mắt lại một lúc, và lặng lẽ xoay cái nhìn vào trong (nội quán).
Khi đã định tĩnh, và từ từ mở mắt ra bạn sẽ thấy cái nhìn của bạn
đã trở nên an tịnh hơn. Bấy giờ bạn nhìn xuống dọc theo sóng mũi, làm
thành một góc bốn mươi lăm độ trước mặt. Thông thường một cái
mánh thực tiễn là khi tâm tán loạn, tốt nhất là hạ tầm nhìn xuống,
và khi lừ đừ muốn ngủ thì đưa tầm nhìn lên.
Khi tâm đã định tĩnh, sự sáng suốt
của tuệ giác bắt đầu sinh khởi, bạn có thể tự nhiên nhìn lên, mở lớn
mắt hơn và nhìn vào khoảng không gian ngay trước mặt. Ðấy là cái nhìn
mà giáo lý Dzogchen thường dạy.
Giáo lý Dzogchen dạy rằng thiền
định và cái nhìn của bạn phải giống như không gian bao la của đại
dương: Cùng khắp, khoáng đạt và vô giới hạn. Cũng như Cái
thấy và Thế ngồi không rời nhau, thiền định và lối nhìn của
bạn cũng tan hòa thành một.
Khi ấy đừng chú ý vào một cái
gì đặc biệt, trái lại nhẹ nhàng xoay vào trong tâm bạn, cứ để cái
nhìn trải rộng, càng lúc càng bao la, thấm nhuần khắp. Bấy giờ bạn sẽ
thấy "cái thấy" của bạn cũng rộng rãi hơn, và nhờ thế
trong tia mắt của bạn có niềm bình an hơn, có niềm bi mẫn, hỉ xả và
trầm tĩnh hơn.
Tạng ngữ gọi vị Phật của lòng
Từ bi là Chenrezig. Chen là con mắt, re là khóe mắt, và zig
là nhìn; có nghĩa rằng, với đối mắt bi mẫn, ngài nhìn thấy nhu cầu
của mọi chúng sinh. Vậy bạn hãy dồn sự bi mẫn – phát sinh từ thiền
quán – vào đôi mắt, sao cho cái nhìn của bạn chính là cái nhìn của
tâm đại bi, bao la như đại dương, và soi thấy cùng khắp.
Có nhiều lý do để giữ đôi mắt
mở. Khi mở mắt, bạn ít buồn ngủ. Và thiền định không phải là một
cách trốn đời, hay để tâm thoát li vào một trạng thái xuất thần mê mẩn.
Trái lại, đó là cách trực tiếp giúp ta thực sự biết mình trong tương
giao với cuộc đời và mọi người.
Bởi thế, trong thiền định, bạn
để con mắt mở, không nhắm mắt. Thay vì đóng cửa để cuộc đời ra
ngoài, bạn có thái độ phóng khoáng và hòa bình với mọi sự. Bạn để
cho các giác quan - thấy nghe cảm giác – cứ mở ra tự nhiên mà không bám
víu vào những cái biết của chúng. Dudjom Rinpoche nói:
- Mặc dù nhiều hình sắc được
thấy, tự bản chất chúng là không (trống rỗng); tuy thế trong
không ta thấy sắc. Mặc dù nhiều âm thanh được nghe, tự bản chất chúng
là không; tuy thế trong không ta nghe tiếng, Cũng vậy, nhiều ý nghĩ
khởi lên, chúng vốn là trống rỗng, tuy thế trong không, ta thấy có tư
tưởng.
Bất cứ gì bạn thấy, nghe, cứ để
mặc chúng, đừng bám víu. Ð? cái nghe cứ là cái nghe, để cái thấy cứ
là cái thấy, không để cho sự bám víu của bạn đi vào trong đó.
Theo sự thực tập quang sắc đặc
biệt của Dzogchen, mọi ánh sáng của trí tuệ ta nằm ở tim, liên lạc
tới con mắt qua những huyệt đạo thuộc trí tuệ. Con mắt là cửa ngõ của
quang tướng, bởi thể bạn để mắt mở để khỏi bế tắc các huyệt đạo
trí tuệ.
Khi thiền định, bạn để miệng
hơi hé mở, như thể sắp thốt ra một tiếng Aaaah sâu dài thư dãn.
Khi hé miệng và thở phần lớn qua ngõ ấy, người ta bảo, những luồng
gió nghiệp gây ra tư tưởng tán loạn làm chướng ngại thiền định, nhờ
thế mà ít có dịp phát sinh.
Tay bạn nghỉ ngơi thoái mái bao bọc
hai đầu gối. Ðây gọi là thế ngồi làm cho tâm an lạc.
Có một tia hy vọng lạc quan
trong thế ngồi này, do sự ngầm hiểu chúng ta đều có Phật tính. Bởi vậy
khi ngồi như thế, ta đang bắt chước một đức Phật, xác nhận và khuyến
khích sự xuất hiện của Phật tính trong ta. Quả thế, bạn khởi sự tôn
trọng chính mình như một vị Phật tiềm tàng.
Đồng thời, bạn vẫn nhận ra hoàn
cảnh tương đối của mình. Nhưng vì bạn đã được cảm hứng từ niềm
tin ở Phật tính thực sự của bạn, ban có thể dễ chấp nhận những
khía cạnh tiêu cực nơi mình hơn, đối xử với chúng tử tế hơn, và có
thái độ hài hước hơn. Vậy khi thiền định, bạn nên mời chính bạn
hãy cảm thấy tự tôn trọng, hãy thấy mình có tư cách, và có sự khiêm
cung của một vị Phật. Bạn chỉ cần gợi lên niềm tin lạc quan đó là
đủ: Từ niềm vui và sự hiểu biết ấy, tự nhiên thiền định sẽ phát
sinh.
BA PHƯƠNG PHÁP
THIỀN QUÁN
Đức Phật dạy tám muôn bốn
ngàn pháp môn để thuần hóa và an định những cảm xúc tiêu cực, và
trong Phật giáo có vô số phương pháp thiền định. Tôi tìm thấy có ba kỹ
thuật thiền đặc biệt hiệu nghiệm trong thế giới ngày nay, mà ai cũng có
thể sử dụng để được lợi lạc. Đó là phương pháp "canh chừng"
hơi thở, sử dụng một vật làm đối tượng, và nhẩm đọc một câu thần
chú.
1. Quán hơi thở.
Phương pháp này rất xưa và có mặt
trong tất cả trường phái Phật giáo. Đó là để tâm chú ý vào hơi thở
một cách nhẹ nhàng đầy chánh niệm.
Hơi thở là sự sống, sự biểu hiện
căn bản nhất của cuộc đời ta. Trong Do thái giáo thì ruah, hơi thở,
là linh hồn của Thượng đế thấm khắp tạo vật; trong Ki tô giáo cũng có
dây nối mật thiết giữa đấng Thánh linh – nguồn gốc của mọi sự sống
– và hơi thở. Trong giáo lý Phật, thì hơi thở, Phạn ngữ là prana,
được gọi là "cỗ xe của tâm", vì chính hơi thở làm cho
ta tâm ta di chuyển. Bởi thế khi ta làm an tịnh tâm bằng cách làm việc
khéo léo với hơi thở, thì cũng như ta đang luyện tâm và hàng phục tâm.
Có phải ai trong chúng ta cũng đã từng thấy khỏe khoắn biết bao khi đang
gặp căng thẳng mà ngồi lại vài phút để thở những hơi thở vào ra thật
chậm và sâu không? Ngày cả một tập luyện đơn giản như thế cũng có
thể giúp ta rất nhiều.
Vậy khi thiền định, bạn hãy thở
tự nhiên, như thường ngày bạn thở. Tập trung sự chú ý của bạn vào hơi
thở ra. Khi thở ra, bạn hãy buông ra theo hơi thở tất cả sự bám víu của
bạn. Tưởng tượng hơi thở bạn tan vào trong khoảng không bao la của
chân lý. Mỗi lần thở ra, trước khi hít vào lại, bạn sẽ thấy có một
khoảng hở tự nhiên, khi sự chấp thủ đã tan biến.
Hãy an trú trong khoảng hở ấy,
không gian rộng mở ấy. Và khi tự nhiên bạn thở vào, thì đừng chú ý hơi
thở vào, mà cứ tiếp tục an trú tâm nơi khoảng hở đã mở ra ấy.
Khi thực tập, điều quan trọng là
bạn đừng vướng vào sự luận giải, phân tích trong tâm, hay thói lải nhải
nội tâm. Đừng lầm sự lặp đi lặp lại trong tâm rằng "Bây giờ
tôi đang thở vào, bây giờ tôi đang thở ra" cho đó là chánh niệm;
cái quan trọng là sự tỉnh giác thuần túy không xao lãng.
Đừng quá tập trung vào hơi thở;
chỉ để cho nó chừng hai mươi lăm phần trăm, còn bảy mươi lăm phần
trăm thì bạn hãy buông xả một cách lặng lẽ bao la. Càng chánh niệm hơi
thở, bạn càng tỉnh thức về chính mình, gom lại những mảnh vụn phân
tán của bạn thành một nhất thể, tính nhị nguyên và ngăn cách tan biến.
Chính tiến trình chánh niệm ấy lọc
sạch tư tưởng và cảm xúc bạn. Khi ấy, bạn cảm như đã rũ bỏ một cái
lốt da ngoài, có cái gì được lột sạch, được phóng thích.
Tuy nhiên có nhiều người không
được thoải mái với pháp quán hơi thở, họ còn thấy gần như bị ngộp.
Đối với họ, kỹ thuật sau đây có thể tốt hơn.
2. Dùng một vật làm đối tượng.
Phương pháp thứ hai, mà nhiều người
thấy tốt, là an tâm vào một đối tượng. Bạn có thể dùng một vật đẹp
tự nhiên gợi cảm đối với bạn, như một đóa hoa hay bình pha lê. Nhưng
một cái gì biểu tượng cho chân lý, như tượng Phật, Chúa, hay nhất là
bậc thầy của bạn. Thầy là gạch nối giữa bạn với chân lý, và nhờ
bạn có quan hệ mật thiết với thầy, nên nhìn gương mặt thầy bạn có
thể được cảm hứng và nhớ đến Phật tính của bạn.
Nhiều người đã có được liên hệ
đặc biệt với bức tranh của tượng đức Padmasambhava gọi là
"Trông giống tôi," bức tượng được tạc lúc sinh thời của
ngài và được ngài ban phép vào thế kỷ thứ tám ở Tây Tạng. Padmasambhava,
bằng năng lực tâm linh khổng lồ của ngài đã đưa giáo lý Phật vào
Tây Tạng.
Ngài được xem là vị Phật thứ
hai, và được dân Tây Tạng gọi một cách âu yếm là "Thầy
Rinpoche" hay "Bậc thầy quý báu." Dilgo Khientse
Rinpoche nói:
- Trên đất Ấn và Tây Tạng, đã
từng có nhiều bậc thầy tuyệt luân, nhưng người có công bi mẫn lớn
lao nhất, người nhiều ân đức với hữu tình trong thời đại khó khăn này,
chính là Padmasambhava, người tượng trưng từ bi và trí tuệ của tất
cả chư Phật. Một trong những đức của ngài là, ngài ban phúc ngay lập tức
cho ai cầu khẩn ngài, và bất cứ gì ta cầu xin, ngài đều có năng lực làm
ta toại nguyện tức khắc.
Khi được cảm hứng từ điều này,
thì bạn hãy gắn một tấm hình của bức tượng ngài ngang tầm mắt bạn,
rồi hướng sự chú ý của bạn đến gương mặt ngài, nhất là tia nhìn nơi
đôi mắt. Có niềm an tịnh sâu xa trong cái nhìn ấy, như đang phóng ra từ
bức tranh để đưa bạn đi vào một trạng thái tỉnh giác không bám víu,
trạng thái thiền định. Rồi bạn để yên cho tâm bạn an nghỉ cùng với
Padmasambhava.
3. Nhẩm đọc một thần chú.
Một kỹ thuật thứ ba được sử
dụng rất nhiều trong Phật giáo Tây Tạng (và cả trong đạo Sufism,
Ki tô giáo chính thống, và Ấn giáo), là hợp nhất tâm bạn với âm thanh
của một bài chú. Định nghĩa của mantra là "cái che chở tâm."
Cái che chở tâm khỏi tính tiêu cực, hay che chở bạn khỏi tâm bạn, gọi
là mantra.
Khi bạn đang nóng nảy, mất hướng
đi, hoặc cảm thấy yếu đuối tình cảm, thì tụng đọc thần chú có thể
thay đổi hoàn toàn tâm thái của bạn bằng cách thay đổi năng lực và bầu
khí hậu của nó. Việc này xảy ra được bằng cách nào? Thần chú là
tinh túy của âm thanh, và là hiện thân của chân lý qua hình thức âm
thanh. Mỗi âm đều thấm nhuần năng lực tâm linh, cô đọng một sự thật
về tâm linh, và rung động với ân đức của Lời chư Phật. Người ta bảo
rằng tâm cỡi trên Prana hay Khí lực, khí này di chuyển khắp cơ
thể và thanh lọc những huyệt đạo vi tế. Bởi thế khi đọc chú, là bạn
đang chở đầy năng lực của thần chú trong hơi thở và khí lực của
mình, tác động trực tiếp trên tâm và thân vi tế.
Câu chú tôi khuyên các học trò
tôi đọc là:
- OM AH HUM VAJRA GURU PADMA SIDDHI HUM
(Người Tây Tạng nói:
Om Ah Hung Benzaa Guru Péma Siddhi Hung)
Là thần chú của Padmasambhava,
của tất cả chư Phật, các bậc thầy và những bậc đã chứng ngộ, bởi
thế rất có mãnh lực đem lại bình an, chữa bệnh, chuyển hóa và che chở
người ta trong thời đại hỗn độn bạo hành này. Hãy lặng lẽ đọc câu
chú với sự chú tâm sâu xa, và để hơi thở, câu chú và sự tỉnh thức
của bạn dần trở thành một. Hoặc tụng nó lên một cách hứng khởi, rồi
an trú trong sự im lặng bao la đôi khi tiếp theo sau đó.
Mặc dù suốt đời quen thuộc với
sự thực hành này, tôi vẫn còn đôi lúc kinh ngạc bởi năng lực của thần
chú. Vài năm trước, khi tôi đang hướng dẫn một thiền hội gồm ba trăm
người ở Lyon, Pháp, phần đông là những bà nội trợ và những
nhà chữa tâm bệnh. Tôi đã giảng dạy suốt ngày, nhưng họ dường như
muốn tận dụng khoản thời gian ở gần tôi, nên cứ tiếp tục hỏi hết
câu này tới câu khác không ngừng. Cuối ngày thì tôi hoàn toàn kiệt sức,
một bầu không khí nặng nề tẻ nhạt lan khắp phòng. Bởi thế tôi tụng
lên bài chú nói trên. Tôi kinh ngạc trước hiệu quả: Trong vài phút tôi cảm
thấy năng lực được phục hồi, bầu khí quanh chúng tôi thay đổi, và
toàn thể thính giả trở lại tươi sáng say mê. Tôi vẫn thường có kinh
nghiệm ấy nhiều lần, nên tôi biết không phải chỉ là một "phép
lạ" tình cờ.
TÂM
TRONG THIỀN ĐỊNH
Vậy, ta nên làm gì với tâm ta
trong thiền định? Không gì cả. Cứ để mặc nó như nó là. Một bậc thầy
mô tả thiền định là "Tâm lơ lửng trong không, không ở đâu."
Có một câu nói nổi tiếng:
- Nếu tâm không bị gượng ép,
thì nó tự nhjiên đầy hỉ lạc, cũng như nước, khi không bị quấy động
thì tự nhiên trong suốt.
Tôi thường so sánh tâm thiền với
một chun nước bùn: Ta càng để yên đừng khuấy động nước lên, thì những
phân tử bụi càng chìm xuống đáy, làm cho tính trong sáng tự nhiên của nước
chiếu suốt đáy. Tính tự nhiên của tâm là nếu bạn để nó trong trạng
thái đừng thay đổi, thì nó sẽ tìm thấy tính tự nhiên chân thực của
nó, hỉ lạc và trong sáng.
Bởi vậy cẩn thận đừng áp đặt
lên tâm bạn một cái gì. Khi thiền định, không được có nỗ lực để
kiểm soát, không cố để được an. Đừng quá quan trọng cảm thấy mình
đang làm một lễ lạc gì đặc biệt; hãy buông xả ngay cả cái ý niệm rằng
bạn đang thiền. Hãy để thân bạn tự nhiên, hơi thở tự nhiên. Tưởng
về bạn như bầu trời, bao trùm tất cả vũ trụ.
QUÂN
BÌNH TẾ NHỊ
Trong thiền định cũng như
trong mọi nghệ thuật, cần có một quân bình tế nhị giữa thư dãn và
bén nhạy.
Một lần, một tu sĩ tên Shrona
học thiền với một trong những đệ tử gần nhất của Phật. Ông đang gặp
khó khăn trong việc để tâm như thế nào. Ông có hết sức để tập
trung, làm cho ông bị nhức đầu. Rồi khi buông tâm ra, thì buông quá độ
nên ông buồn ngủ. Cuối cùng ông phải tới cầu xin Bụt giúp đỡ. Biết
ông ta đã từng là nhạc công nổi tiếng lúc còn tại gia, Bụt hỏi:
- Có phải ông đã từng chơi đàn
lúc còn là cư sĩ không?
Shrona thưa vâng. Bụt hỏi:
- Ông làm sao để gãy ra tiếng hay
nhất? Đó là lúc dây đàn thật căng, hay lúc dây thật chùng?
- Bạch Thế tôn, không quá căng
cũng không quá chùng mới được.
- Vậy, với tâm ông cũng như thế
đó.
Ma Chik Lap Dron, một trong những
bậc nữ đạo sư của Tây Tạng, nói:
- Tỉnh, tỉnh, mà buông, buông. Đây
là điểm cốt yếu trong thiền để có Tri kiến.
Hãy khơi dậy sự tỉnh giác, nhưng
đồng thời buông xả, xả cho đến độ bạn không bám vào một ý niệm về
buông xả.
Ý TƯỞNG VÀ CẢM
XÚC: SÓNG VÀ ĐẠI DƯƠNG
Khi bắt đầu thiền, người
ta thường nói những ý tưởng của họ nổi loạn, và trở nên ồn ào hơn
bao giờ hết. Nhưng tôi trấn an họ rằng, đó là dấu hiệu tốt. Nó chứng
tỏ bạn đã trở nên an tịnh hơn, nên mới ý thức được sự ồn ào của
những ý tưởng trong tâm bạn. Bạn không nên nản chí bỏ cuộc. Dù khởi
lên ý niệm gì, hãy để tâm bạn tỉnh thức, kéo tâm về hơi thở, ngay dù
nó đang tán loạn.
Trong những chỉ dẫn về thiền
ngày xưa, thường nói rằng lúc đầu những ý tưởng kéo đến té nhào
lên nhau không gián đoạn, như thác đổ trên núi xuống. Dần dần, khi bạn
hoàn hảo về thiền, thì ý tưởng như nước trong vực sâu, rồi như dòng
sông lớn chảy ra biển, chỉ thỉnh thoảng có sống gợn lăn tăn.
Đôi khi người ta nghĩ rằng khi thiền
định, họ không được có ý tưởng cảm xúc nào cả, nên khi chúng khởi
lên, họ đâm ra bực bội cáu tiết với chính họ, vì tưởng mình thất bại.
Thật không gì sai sự thật hơn. Tây Tạng có câu: "Đấy cũng như
đòi thịt đừng có xương, đòi trà đừng có lá." Bao lâu bạn
còn tâm là còn có ý tưởng và cảm xúc.
Cũng như đại dương có sóng, mặt
trời có tia, những tia sáng của tâm bạn chính là những ý tưởng và cảm
xúc. Biển có sóng, nhưng nó không phiền hà gì về những ngọn sóng. Sóng
chính là bản tính của biển. Sóng sẽ nổi lên, nhưng sẽ đi về đâu? Trở
về đại dương. Và những con sóng ấy từ đâu đến? Từ đại dương.
Cũng thế, ý tưởng và cảm xúc là những tia sáng và biểu hiện của
chính tự tính của tâm. Chúng nổi lên từ tâm, nhưng chúng tan biến đi đâu?
Cũng tan trở về tâm. Dù ý tưởng gì khởi lên, cũng đừng xem nó như một
vấn đề trọng đại. Nếu bạn không phản kháng một cách ồn ào, nếu bạn
cứ kiên nhẫn, thì nó sẽ lại trở về trong tự tính của nó.
Khi bạn hiểu được như vậy, thì
những ý tưởng khởi lên chỉ làm tăng tiến việc thực tập thiền định
của bạn. Mà nếu không hiểu như vậy, thì chúng lại trở thành hạt giống
của mê mờ. Vậy hãy có một thái độ cởi mở từ bi đối với chúng,
vì những ý tưởng ấy đều là gia đình của tâm bạn. Bạn hãy xử với
chúng "như một ông già minh triết nhìn đứa trẻ đang chơi,"
như Dudjom Rinpoche đã nói.
Chúng ta thường không biết làm sao
với tính tiêu cực hay vài cảm xúc rầy rà. Trong tính khoáng đạt của
thiền định, bạn có thể nhìn những ý tưởng và cảm xúc bạn với một
thái độ hoàn toàn cởi mở không thành kiến. Khi thái độ của bạn thay
đổi, thì toàn thể không khí của tâm bạn cũng thay đổi, cả đến bản
chất của những tư tưởng và cảm xúc bạn. Khi bạn trở nên dễ chịu hơn,
thì chúng cũng dễ chịu hơn; nếu bạn không khó khăn với chúng, thì
chúng cũng không khó khăn với bạn.
Bởi thế, dù tư tưởng cảm xúc
nào khởi lên, hãy để cho chúng lên xuống như sóng biển. Bất cứ gì bạn
thấy mình đang nghĩ tới, hãy để cho ý nghĩ ấy tự sinh tự diệt không
một gượng ép nào. Đừng nắm bắt nó, nuôi dưỡng nó, chạy theo nó; đứng
bám lấy nó và củng cố nó. Không theo dõi những vọng tưởng, cũng không
mời gọi chúng, bạn hãy giống như biển nhìn những làn sóng của nó, hay
như bầu trời nhìn những đám mây bay qua nó.
Bạn sẽ thấy rằng những ý tưởng
như cơn gió, chúng đến và đi. Bí quyết là đừng "nghĩ" về
chúng, mà để cho chúng tuôn chảy qua tâm, đồng thời giữ cho tâm bạn
thoát khỏi những "hậu" ý tưởng.
Trong tâm thường ngày, ta nhận thấy
dòng tư tưởng như là liên tục; song kỳ thực không phải vậy. Bạn sẽ
khám phá cho chính bạn rằng có một khoảng hở giữa hai ý tưởng. Khi niệm
quá khứ đã qua, thì niệm tương lai chưa đến. Bạn sẽ luôn luôn tìm thấy
một khe hở trong đó Rigpa, tự tính của tâm, làm hiển lộ. Vậy,
công việc của thiền định là làm chậm lại dòng tư tưởng, để cho khoảng
hở ấy trở thành rõ rệt hơn.
Thầy tôi có một người học trò
tên Apa Pant, một nhà ngoại đạo Ấn, một tác giả, người đã làm
đại sứ Ấn ở nhiều thủ đô khắp thế giới. Ông ta đã từng làm đại
diện cho chính phủ Ấn tại Tây Tạng ở Lhasa, và có một thời gian
ông làm đại diện ở Sikkim. Ông cũng là một thiền giả và người
thực hành yoga, và mỗi lần gặp thầy tôi, ông đều hỏi làm sao để
thiền. Ông đang theo một truyền thống Đông phương, trong đó người học
cứ hỏi đi hỏi lại vị thầy một câu hỏi căn bản thật nhiều lần.
Apa Pant kể cho tôi nghe chuyện
này. Một hôm thầy tôi Jamyang Khientse đang ngắm một màn vũ của các
Lama trước Chùa Cung điện ở Gangtok, thủ đô Sikkim,
đang khúc khích xem một người hề làm trò giữa hai màn vũ. Apa Pant
cứ hỏi đi hỏi lại mãi cái câu làm thế nào để thiền định, bởi thế
thầy tôi cho ông biết thầy trả lời ông ta một lần chót:
- Xem, nó giống như thế này: Khi ý
tưởng quá khứ đã qua, mà ý tưởng vị lai chưa đến, có phải có một
khoảng hở không?
Apa Pant đáp:
- Vâng.
Thầy tôi nói:
- Đấy, hãy kéo dài nó ra: Đó là
thiền định.
KINH
NGHIỆM
Khi bạn tiếp tục thực hành, bạn
có thể có đủ thứ kinh nghiệm tốt cũng như xấu. Như một cái phòng có
nhiều cửa sổ cửa lớn để cho không khí ùa vào từ mọi phía, cũng thế
khi tâm bạn mở ra, thì tự nhiên mọi kinh nghiệm có thể vào trong tâm. Bạn
có thể kinh quá những trạng thái hỉ lạc, sáng suốt, hay dứt mọi tư
tưởng. Có thể nói đấy là những kinh nghiệm tốt, những dấu hiệu của
sự tiến bộ trong thiền. Vì khi bạn có hỉ lạc, ấy là dấu hiệu dục
vọng tạm thời lắng xuống. Khi bạn cảm thấy sáng suốt, là dấu hiệu
sân giận tạm ngừng. Khi bạn kinh quá sự vắng bóng tư tưởng, là dấu
hiệu vô minh tạm diệt. Tự bản chất, chúng là kinh nghiệm tốt, nhưng nếu
bạn bám víu chúng thì chúng trở thành những chướng ngại. Kinh nghiệm tự
chúng không phải là chứng ngộ, nhưng nếu ta thoát khỏi chấp thủ vào
chúng, thì chúng là những nguyên liệu để chứng ngộ.
Những kinh nghiệm tiêu cực thường
bị lầm nhất, vì người ta dễ xem chúng như dấu hiệu xấu. Nhưng kỳ thực
chúng là những ân sủng trá hình. Hãy cố đừng phản ứng lại với sự
chán ghét như bạn thường làm, mà thay vì thế, hãy nhận chân chúng chỉ
là những kinh nghiệm, như huyễn như mộng. Sự nhận ra thực tính của
kinh nghiệm sẽ giải thoát bạn khỏi tai hai nguy hiểm của nó, và do vậy
ngay cả một kinh nghiệm xấu có thể trở thành một nguồn ân sủng và
thành tựu lớn lao. Có rất nhiều câu chuyện về những bậc thầy đã
làm việc như vậy với những kinh nghiệm xấu và đã chuyển hóa chúng
thành chất xúc tác cho sự chứng ngộ.
Theo truyền thống, người ta bảo rằng
đối với một hành giả thực thụ, thì không phải nhưng kinh nghiệm xấu,
mà chính những kinh nghiệm tốt mới gây ra chướng ngại. Khi mọi sự tiến
hành tốt đẹp, bạn phải đặc biệt cẩn thận để khỏi đâm ra tự
mãn hay quá tin. Nhớ lại Dudjom Rinpoche đã bảo tôi khi tôi gặp một
kinh nghiệm rất mãnh liệt:
- Đừng quá náo nức. Cuối cùng,
nó không tốt cũng không xấu.
Thầy biết tôi đang bám víu kinh
nghiệm: Chính sự bám víu ấy phải được cắt đứt, như bất cứ sự bám
víu nào khác. Điều chúng ta cần học trong thiền định cũng như trong cuộc
đời, là giải thoát chấp thủ đối với những kinh nghiệm tốt, và giải
thoát sự chán ghét đối với những kinh nghiệm xấu.
Dudjom Rinpoche cảnh cáo chúng
ta một cái bẫy khác:
- Ngược lại, trong khi hành thiền,
bạn có thể kinh quá một cảm giác bồng bềnh nửa tỉnh nửa mê, như là
có cái mồng trên đầu bạn, một trạng thái chán chường mơ mộng. Đây
chỉ là một tình trạng ứ đọng vô tâm. Làm sao bạn ra khỏi tình trạng
ấy? Hãy thức tỉnh bạn, thẳng người lại, thở mạnh cho thán khí ra khỏi
buồng phổi, và hướng sự tỉnh giác của bạn vào khoảng không gian trong
sáng để làm tâm bạn tươi tỉnh lại. Nếu ở lại trong trạng thái tù
đọng ấy, bạn sẽ không tiến bộ; bởi thế mỗi khi sự thụt lùi này xảy
ra, thì bạn hãy xua tan nó nhiều lần. Điều quan trọng là bạn hãy thật
tỉnh táo canh chừng.
Bất cứ phương pháp nào bạn sử
dụng, hãy bỏ nó, hay để nó tự tan rã, khi bạn thấy mình đã đạt tới
một trạng thái bén nhạy, rộng rãi, và bình an. Rồi tiếp tục an trú
trong đó lặng lẽ không xao lãng, không cần dùng một phương pháp đặc biệt
nào. Phương pháp đã làm tròn mục đích của nó. Tuy nhiên, nếu bạn trở
nên phân tán, thì hãy trở lại sử dụng bất cứ kỹ thuật nào thích hợp
để gọi tâm bạn trở lại.
Vinh quang thực sự của thiền định
không nằm ở phương pháp, mà ở cái kinh nghiệm liên tục về sự tỉnh
giác, sự hỉ lạc, sáng suốt, bình an, và quan trọng hơn cả là hoàn toàn
vắng bóng chấp thủ. Sự giảm bớt chấp thủ trong chính bạn là dấu hiệu
chứng tỏ bạn đang dần thoát khỏi chính mình.
Và bạn càng kinh quá sự giải
thoát này, thì càng chứng tỏ cái ngã và những hy vọng sợ hãi đã nuôi
dưỡng nó, đang tan rã, và bạn càng tiến gần hơn đến trí tuệ vô ngã.
Khi bạn ở trong cái nhà trí tuệ ấy, bạn sẽ không còn thấy một rào ngăn
nào giữa tôi và anh, tự và tha, trong và ngoài; cuối cùng bạn đã trở về
ngôi nhà chân thực, nghĩa là trạng thái bất nhị.
NGHỈ NGƠI
Phần nhiều người ta hỏi:
- Tôi nên ngồi thiền bao nhiêu
lâu? Lúc nào? Tôi có nên thực tập hai mươi phút sáng chiều, hay nên làm
thành nhiều thời ngắn hơn trong ngày?
Vâng, nên ngồi trong hai mươi phút,
mặc dù không muốn nói mức giới hạn là hai mươi phút. Trong kinh điển tôi
chưa từng thấy ở đâu nói hai mươi phút; có lẽ đấy là một quan niệm
mới bày đặt ra ở phương Tây, mà tôi gọi là "Thời hạn Thiền
theo tiêu chuẩn Tây phương." Vấn đề không phải là bạn phải ngồi
bao lâu, mà vấn đề là sự hành thiền có thực sự đem lại cho bạn một
trạng thái tỉnh thức và hiện trú hay không, một trạng thái trong đó bạn
hơi cởi mở và có thể liên lạc với bản tâm của bạn. Và năm phút ngồi
thiền tỉnh táo có giá trị hơn nhiều so với hai mươi phút ngủ gà ngủ
gật!
Dudjom Rinpoche thường nói một
người mới tập nên tập từng thời ngắn. Hãy thực tập chừng bốn năm
phút, rồi nghỉ ngơi chỉ chừng một phút. Trong khi nghỉ thì buông phương
pháp ra, nhưng đừng buông hoàn toàn cái tâm tỉnh giác của bạn. Đôi khi,
lúc bạn đang phấn đấu nỗ lực để thiền, thì kỳ lạ thay, vào đúng
cái lúc bạn nghỉ ngơi không dùng phương pháp – mà nếu bạn vẫn duy
trì tỉnh giác và hiện trú, – thiền định mới thực sự xảy ra. Đấy
là lý do sự nghỉ ngơi cũng là một phần của thiền định, quan trọng
như chính lúc ngồi. Tôi thường bảo những học trò nào gặp khó khăn
trong khi thực tập, hãy tu tập trong lúc nghỉ ngơi và nghỉ ngơi trong lúc
tu tập.
Hãy ngồi một thời ngắn, rồi nghỉ
chứng ba mươi giây hay một phút. Nhưng trong lúc ấy hãy tỉnh giác đối với
mọi sự bạn làm, mà đừng đánh mất sự hiện trú của bạn, sự thoải
mái tự nhiên của nó. Rồi làm cho bạn tỉnh táo ra, và ngồi tiếp. Nếu
bạn tập nhiều thời ngắn như thế, những thời nghỉ ngơi của bạn thường
làm cho thiền của bạn thực hơn, gợi cảm hứng nhiều hơn, tẩy trừ sự
cứng đơ, tính trịnh trọng và mất tự nhiên của sự tu tập, và đem lại
cho bạn nhiều chú tâm và thoải mái hơn. Dần dần, qua sự xen kẽ giữa
thực tập và nghỉ ngơi như thế, cái hàng rào ngăn giữa đời sống thường
ngày và thiền định sẽ sụp đổ, sự tương phản tiêu tan, và bạn sẽ
thấy mình càng ngày càng ở trong trạng thái tỉnh giác hiện trú một
cách tự nhiên không phân tán. Khi ấy, như Dudjom Rinpoche thường nói:
- Dù cho người thiền định từ bỏ
thiền, mà thiền không bao giờ rời khỏi người.
HÒA NHẬP THIỀN
VỚI HÀNH ĐỘNG
Tôi đã thấy rằng phần lớn
những hành giả tâm linh ngày nay thiếu tri thức để hội nhập đời sống
hàng ngày của họ với thiền định. Tôi không biết làm sao để nhấn mạnh
điều này: Hội nhập thiền vào hành động chính là tất cả nền tảng,
lý do và mục tiêu của thiền định. Sự bạo động, căng thẳng, những
thử thách và xao lãng của đời sống tân tiến làm cho sự hội nhập này
càng thêm khẩn thiết hơn nữa.
Có người phàn nàn với tôi:
- Tôi đã thiền mười hai năm, những
vẫn chứng nào tật ấy. Tôi không thay đổi, tại sao?
Tại vì có một hố sâu giữa hành
thiền của họ với đời sống hàng ngày. Họ dường như hiện hữu trên
hai thế giới tách biệt, thế giới này không giúp gì cho kia. Tôi lại nhớ
một thầy giáo hồi tôi còn đi học ở Tây Tạng. Ông ta giảng quy luật văn
phạm rất xuất sắc, nhưng không bao giờ viết đúng được một câu nào.
Thế thì làm sao chúng ta có được
sự hội nhập giữa đời sống hàng ngày với tư thái bình tĩnh, buông xả
rộng rãi của thiền định? Không gì bằng thực tập thường xuyên, chỉ
nhờ thực tập thường xuyên ta mới bắt đầu nếm được một cách
không gián đoạn sự an tĩnh của tự tính ta, và có thể duy trì kinh nghiệm
ấy trong đời sống hàng ngày.
Tôi luôn luôn bảo học trò tôi đừng
xuất thiền quá nhanh: Hãy để vài phút cho niềm an lạc của sự hành thiền
len lỏi vào đời bạn.
Thầy Dudjom Rinpoche tôi nói:
- Đừng nhảy lên bỏ chạy, mà
hòa tâm tỉnh giác của bạn với đời sống hàng ngày. Hãy giống như người
bị nứt sọ, luôn luôn cẩn thận canh chừng để người khác khỏi đụng
vào mình.
Rồi sau thời thiền định, điều
quan trọng là đừng đầu hàng cái khuynh hướng củng cố lối nhận thức
của ta đối với sự vật. Khi bạn vào lại đời sống hàng ngày, hãy để
cho tuệ giác, tri kiến, lòng bi mẫn, tính khí, sự khoáng đạt và giải
thoát mà thiền đã đem lại cho bạn, thể nhập trong kinh nghiệm hàng
ngày. Thiền khơi dậy trong bạn cái nhận thức vạn pháp đều huyễn hóa,
như mộng; bạn hãy duy trì nhận thức ấy ngay trong lòng sinh tử. Một bậc
thầy vĩ đại đã nói:
- Sau khi thực tập thiền định,
người ta phải trở thành một đứa con của huyễn hóa.
Dudjom Rinpoche khuyên:
- Mặc dù mọi sự đều như mộng,
huyễn hóa, bạn vẫn tiếp tục làm việc với thái độ hài hước. Chẳng
hạn, nếu bạn đang đi dạo, hãy bước về khoảng trống khoáng đạt của
chân lý. Khi ngồi, bạn hãy là thành trì của chân lý. Khi ăn, bạn hãy cho
những thói tiêu cực và ảo tưởng của bạn vào trong cái bụng của
chân-không. Và khi đi cầu, hãy xem những chướng ngại đang được tẩy sạch.
Vậy, điều quan trọng không phải
chỉ là ngồi, mà chính là trạng thái tâm của bạn sau thời thiền. Chính
cái tâm trạng an tĩnh tập trung ấy, bạn hãy đưa nó vào trong mọi sự bạn
làm. Tôi rất thích câu chuyện thiền trong đó môn đệ hỏi bậc thầy:
- Bạch thầy, làm sao ta đưa giác
ngộ vào trong hành động? Làm sao ta thực hành thiền trong đời sống?
Vị thầy đáp:
- Bằng cách ăn, ngủ.
- Nhưng bạch thầy, ăn ngủ thì ai
cũng ăn ngủ.
- Nhưng không phải ai cũng thực ăn
lúc họ ăn, thực ngủ lúc họ ngủ.
Từ đấy có thiền ngữ nổi tiếng:
- Khi ăn, ta ăn; khi ngủ, ta ngủ.
Ăn khi bạn ăn và ngủ khi bạn ngủ
có nghĩa là hoàn toàn hiện trú trong tất cả hành động của bạn, không
có những sự phân tán của bản ngã xen vào. Đấy là hội nhập.
Và nếu bạn thực sự mong muốn
hoàn thành việc này, điều cần yếu không phải là chỉ tập thiền thỉnh
thoảng như uống thuốc trị bệnh, mà phải như ăn cơm bữa. Bởi vậy, một
cách tuyệt hảo để phát triển khả năng hội nhập này, là đầu tiên
hãy thực tập thiền trong một khung cảnh nhập thất, xa hẳn những căng
thẳng của sinh hoạt đô thị ngày nay.
Người ta rất thường đến với
thiền với hy vọng có những kết quả phi thường, như linh kiến, ánh
sáng, hay một vài phép lạ siêu nhiên. Khi không có điều gì như vậy xảy
ra, thì họ hết sức thất vọng. Nhưng phép lạ thực sự của thiền định
lại "thuờng" hơn, và hữu ích hơn nhiều. Đấy là một sự
chuyển hóa tế nhị, không chỉ xảy ra trong tâm bạn, cảm xúc bạn, mà thực
sự cả trong thân bạn. Nó chữa lành. Những bác sĩ và nhà khoa học
đã khám phá rằng khi bạn vui vẻ, thì những tế bào trong cơ thể bạn còn
vui vẻ hơn, nhưng khi tâm bạn ở trong trạng thái tiêu cực, thì những tế
bào của bạn có thể trở thành ác tính. Toàn thể tình trạng sức khỏe
bạn, có quan hệ mật thiết đến trạng thái tâm bạn và lối sống của
bạn.
NGUỒN CẢM HỨNG
Tôi đã nói rằng thiền định
là con đường đưa đến giác ngộ và là nỗ lực lớn lao nhất của đời
này. Mỗi khi nói về thiền định cho sinh viên, tôi luôn nhấn mạnh sự cần
thiết phải thực hành thiền với một kỷ luật quyết định và sự sùng
kính nhất tâm; đồng thời, cũng rất quan trọng là thực hành thiền với
cảm hứng và tinh thần sáng tạo càng nhiều càng tốt. Có thể nói thiền
là một nghệ thuật, và bạn nên tập thiền định với niềm hứng thú
và giàu tính phát minh của một nghệ sĩ.
Hãy hăng hái đi vào sự an lạc của
bạn như bạn đang cạnh tranh điên cuồng trong cuộc đời. Có nhiều cách
đề làm cho thiền định trở thành một niềm vui. Bạn có thể tìm một bản
nhạc ưa thích, và dùng nó để mở tâm trí bạn. Bạn có thể sưu tập
thi ca, trích dẫn lời thánh nhân động đến tâm can bạn, và giữ chúng
bên mình để làm bạn lên tinh thần. Tôi luôn luôn thích những bức tranh
cổ thangka của Tây Tạng, vẻ đẹp của chúng làm cho tôi thêm năng
lực. Bạn cũng có thể tìm những bức tranh gợi cho bạn cảm giác thiêng
liêng, và treo lên tường phòng bạn. Lắng nghe băng giảng của một vị thầy
vĩ đại, hoặc nghe tán tụng. Bạn có thể biến chỗ bạn ngồi thiền
thành một thiên đường giản dị, với một đóa hoa, một cây hương, một
ngón nến, một bức ảnh của bậc thầy đã giác ngộ, hay một tượng Phật.
bạn có thể biến gian phòng thường nhất thành một nơi thiêng liêng ấm
cúng, một khung cảnh mà mỗi ngày bạn đến gặp bản ngã đích thực của
bạn với tất cả niềm vui và hạnh phúc như gặp bạn cố tri. Và nếu bạn
nhận thấy thiền định không dễ dàng xảy đến trong phòng bạn ở đô
thị, thì hãy ra ngoài thiên nhiên. Thiên nhiên luôn luôn là một nguồn cảm
hứng bất tận. Muốn an tâm, bạn hãy đi dạo vào lúc bình minh trong công
viên, hay ngắm sương mai trên một đóa hồng trong vườn. Nằm giữa đất
mà ngắm nhìn bầu trời, để tâm bạn trải ra trong cái bao la đó. Hãy để
cho bầu trời bên ngoài đánh thức bầu trời trong tâm bạn. Đứng bên
dòng suối mà hòa tâm bạn vào tiếng nước chảy, ngồi bên thác đổ, để
cho tiếng cười trong sáng của nó tịnh hóa tâm hồn bạn. Đi dạo trên
bãi biển và hứng đầy gió biển trên mặt bạn. Mừng ánh trăng sáng để
cho vẻ đẹp của trăng làm lắng tâm bạn. Ngồi trên hồ hay trong vườn,
thở lặng lẽ, để tâm bạn im lặng khi trăng từ từ lên tráng lệ trong
bầu trời không mây. Mọi sự đều có thể dùng làm sự mời gọi thiền
định. Một nụ cười, một gương mặt trên tàu hầm, một cánh hoa mọc
trong khe đá bên vệ đường, một tấm vải sặc sỡ treo trong cửa tiệm,
ánh trời chiếu trên chậu hoa nơi cửa sổ. Hãy nhạy bén đối với mọi
dấu hiệu của cái đẹp và vẻ diễm kiều. Dâng lên mọi niềm vui, tỉnh
giác vào mọi lúc, trước "những tin tức luôn luôn đến từ im lặng."
Dần dà bạn sẽ là người làm chủ
lấy hạnh phúc của mình, tạo ra niềm vui cho chính mình, có đủ mọi
phương pháp để thắp sáng, nâng cao, gợi cảm hứng cho từng hơi thở và
động tác của mình. Thế nào là một thiền giả vĩ đại? Đó là người
luôn luôn sống với sự hiện diện của cái tự ngã chân thực của mình,
đã tìm ra và sử dụng liên tục suối nguồn của cảm hứng sâu xa. Nhà văn
Anh Lewis Thompson viết:
- Kitô, thi nhân tối thượng, đã sống
chân lý một cách say sưa đến độ mỗi hành vi của ngài đều là Hành vi
thuần tịnh và ngôi Lời toàn hảo, thể hiện cái siêu việt.
Thể hiện cái siêu việt, đó là
lý do chúng ta sống trên đời.
Mục lục
| Lời
giới thiệu của Đức Dalai Lama | Lời nói đầu |
1 | 2 |
3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | Phụ
lục 1: Vấn đáp về sự chết | Phụ lục 2: Hai mẫu
chuyện | Phụ lục 3: Hai bài thần chú |
Chúng tôi chân thành cảm
ơn hai vị Phật tử Hải Hạnh và Ngọc Sương đã phát âm đánh máy gởi
sách này về cho ban biên tập.