III.- ĐẶC TÍNH CON
NGƯỜI
" Hết thảy kết quả giác ngộ đều được bởi
thân con người "
Luận Di Tôn Luân
Con người sẳn có cá tính đặc biệt hơn sinh vật
khác
" Con người luôn luôn đối diện với mình và
đứng trước sự cố gắng tìm hiểu, thực hành để tiến tới chổ
hoàn thiện, đem lại sự thăng bằng và sự giải thoát ".
Con người thường được đề cao hơn hết trong các
cuộc thuyết pháp hồi dương thời đức Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni.
Con người được thừa hưởng vinh dự ấy, không
phải là thiên vị mà do đặc tính của nó, mặc dầu nó cũng có
những thú tính : dục vọng, lầm lỡ và các tội ác như các loài
động vật khác.
Căn cứ vào luận Đại Bà Sa nói thì đặc tính ấy
nơi đây có thể tóm tắt làm ba thứ :
1.- TƯ TƯỞNG LINH LỢI
" Tất cả phẩm giá con người đều do nơi tư
tưởng "
Pascal
Ý nghĩa
Trước vũ trụ bao la và huyền bí, trước những tác
động vô hình nhưng linh hoạt, trước những công thức cần thiết
của sự sinh hoạt, đã làm cho con người phải ghi vào đấy rất
nhiều thắc mắc. Đã thắc mắc tất nhiên không thể để cho dòng
sông mặc sức trôi chảy, nên phải có ra nhiều ý nghĩa, suy tưởng,
sáng kiến hầu mong vén màn bí mật, đem lại nguồn sống hợp lý cho
con người về tinh thần cũng như về vật chất, sau khi đã trải qua
những kinh nghiệm đặt trên cơ sở vững chắc mới đầy đủ ý
nghĩa của " tư tưởng ".
Với những sự kiện ấy, dưới con mắt giác ngộ
của đức Phật, Ngài đã công nhận con người có nhiều tư tưởng
hơn muôn loài. Song, tùy theo trình độ hay hoàn cảnh của cá nhân,
nên cũng có nhiều loại, hoặc đúng hay không đúng :
Mấy thứ nhận xét
- Nhận xét về vũ trụ. Có người phát sinh ra tư tưởng thần
tạo, nguyên tử, nhân duyên v.vv...
- Nhận xét về hình thể trái đất.
Có người phát sinh ra tư
tưởng hình vuông, hình dẹp, hay hình tròn v.vv...
- Nhận xét về chủ nghĩa.
Có người đề xướng ra chủ nghĩa duy
tâm, duy vật, duy thức, tư bản, vô sản, đế quốc, thực dân, phát
xít, quốc gia, quốc tế v.v...
- Nhận xét về sự nghiệp.
Có người có tư tưởng làm vua, làm
quan, làm ruộng, đi buôn, chài lưới, công nghệ, kỹ nghệ, ẩn dật
hay tu dưỡng v.v...
- Nhận xét về luân lý.
Có người có tư tưởng trọng về
hiếu, đễ, trung, tín. Có người thích về tự do phóng khoáng v.v...
- Nhận xét về hiến pháp.
Có người có tư tưởng về hiến
pháp quân chủ, quân chủ lập hiến, dân chủ v.vv...
Nghĩa là, tư tưởng tập trung nơi con người rất
nhiều. Nhưng chúng ta chỉ biết : " Tư tưởng là hiện tượng về
ý thức, do kinh nghiệm và tư lự phát sinh. Chỉ khi nào nó là kết
quả của sự nhận xét đầy đủ, đúng đắn, có bằng cớ về một
ý kiến nào, thì lúc đó mới là tư tưởng chính đáng ".
Một kết quả mỹ mãn không thể thiếu tư tưởng chân
chính làm chỉ đạo.
2.- NĂNG LỰC DỒI DÀO
" Muốn thành công và hưởng hạnh phúc trên
đường đời cần phải có nhiều năng lực thực tiễn "
Victor Paucher
Ý nghĩa
Đã có một hình thể rõ rệt, tất nhiên trong đó
phải có một sức lực tiềm tàng để giúp đỡ cho sự sinh
trưởng, tồn tại... của lẻ sống còn của sinh vật. Nghĩa là sức
lực ấy, luôn luôn chuyển vận theo với sự sẳn có và huân tập
của hiện tại rồi chi phối cho sự hành động dưới bất cứ tác
dụng nào. Cho nên nhà vật lý học gọi chung những sức lực ấy
bằng hai chữ " năng lực ". Năng lực ấy, theo sự nhận xét
của đức Phật thì con người có một số lượng tương đối dồi
dào hơn.
Để chứng minh cho sự nhận xét ấy, trong sự sinh
hoạt hằng ngày của xã hội loài người đã cho chúng ta thấy :
Những năng lực trong thực tế
_ Nhà chính trị có những năng lực điều khiển
guồng máy hành chính, lãnh đạo quần chúng, giao tiếp nước ngoài,
để đem lại sự an cư lạc nghiệp cho nhân dân.
_ Nhà quân sự có những năng lực chỉ huy, tổ chức
và điều khiển quân đội, khiến sự an ninh được thường thường,
quốc giới không bị xâm phạm.
_ Nhà văn hóa có những năng lực xuất phát ra
những chính ngôn, những văn phẩm do nơi tài ba của mình để cung
cấp cho quần chúng những món ăn tinh thần tùy theo nhu cầu của quần
chúng và, để hấp dẫn quần chúng theo đà tiến hóa của quốc gia,
nhân loại.
_ Nhà kinh tế học có những năng lực nghiên cứu,
tìm tòi, sản xuất và phân phối nền kinh tế cho hợp với sự cung
cầu của quần chúng.
_ Nhà xã hội học có những năng lực nghiên cứu
và thực hiện một xã hội đầy đủ, tiến bộ khiến không còn
những thành tích lạc hậu, bất bình, bất công và thiếu thốn.
Như thế, chúng ta đã thấy ở nơi con người không
quá thiếu thốn về năng lực. Nhưng, chúng ta cũng phải nhận nó là
một sức mạnh được phát minh bởi sự dự trữ, tích tập và
phát hiện cho cuộc sống chung cùng. Và, nó chỉ có giá trị khi nào
năng lực ấy biết phụng sự lẽ phải.
Sự thật chân chính là phản ảnh trung thành của năng
lực thuần túy.
3.- HÀNH ĐỘNG QUẢ CẢM
" Mục đích tối cao trong đời người là sự hành
động, không phải là sự hiểu biết suông "
Huxley
Do tư tưởng, năng lực phát hiện ra hành động.
Nếu chỉ có tư tưởng linh lợi, năng lực dồi dào
mà không có hành động quả cảm, thì tư tưởng ấy chỉ là tư
tưởng trống không, năng lực ấy cũng chỉ là năng lực tiêu
hoại.
Hành động quả cảm là một cử động quyết tín, hình
dung của tư tưởng linh lợi, năng lực dồi dào và hướng về công
việc làm chân chính. " Có trí óc minh mẫn chưa đủ, nguyên tắc
chính là phải biết áp dụng bằng cách khôn khéo ".
Giá trị hiện thực
Chỉ có hành động quả cảm mới có giá trị. Giá trị
ấy trên thực tế và lịch sử đã đem lại cho chúng ta một bài
học rất rõ rệt :
_ Công chức trong các ngành được hưởng vinh danh và
số lương xứng đáng không phải kết quả của may rủi, trái lại là
sự cố gắng của họ trong thời gian khá lâu, nếu là những công
chức biết làm đúng chức vụ của mình.
_ Một người được xưng hô là Đại tướng, phải
chăng đã trải bao công lao vào sinh ra tử mới được cái danh nghĩa
ấy
_ Được kho thóc đầy, được nhiều hàng tốt là
đã tốn bao sinh lực của người nông phu và người làm thợ.
_ Bà Trưng Trắc, bà Trưng Nhị, Ngài Trần Hưng Đạo, vua
Lê Lợi, vua Quang Trung được nêu cao tên tuổi trong trang sử bất
diệt của Việt Nam, là do các Ngài đã quên mình, hướng theo tiếng
gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, quyết chiến với những bạo quân
của nhà Hán, nhà Nguyên, nhà Minh, nhà Thanh bên Tàu để giữ
vững giang sơn, gấm vóc.
Ông Kha luân bố ( Christophe Colomb ) nước Ý được
tiếng tăm trên hoàn cầu là do ông cương quyết đi vòng quanh thế
giới, để tìm hình thể trái đất.
Ông Démosthène nước Hy Lạp trở nên một nhà hùng
biện nhất, là nhờ ở nghị lực của ông, ngày ngày ra bãi biển
ngậm sỏi, tập diễn thuyết trong tiếng sóng ầm ầm, mặc dầu hồi
nhỏ ông chỉ là một đứa bé ngọng nghịu, vụng về.
_ Đạo hữu Tensing Hội trưởng Hội Phật giáo Sherpa (
Népal, Ấn Độ ) trong đoàn thám hiểm nước Anh được hoan nghênh
đặc biệt, phải chăng do hành động quả cảm của đạo hữu đã
tới ngọn núi Everest, giữa ngày " Đăng Quang " ( 02-06-1953)
của Nữ hoàng Anh. Không những thế, hành động quả cảm ấy lại
còn được thốt ra bằng những lời nói hoan hỉ và đượm bao ý
nghĩa sâu sa của đạo Phật : " Chiến công vĩ đại ấy thuộc cả
đoàn thể, chứ không phải của riêng mình... Chỉ có chiến công oanh
liệt nhất là tự chiến thắng mình ".
Như thế, cũng đủ đem lại một bằng chứng cụ thể
cho hành động quả cảm của con người là rất sung túc. Nếu con
người biết hành động chân chính, nghĩa là biết hướng về lợi
ích chung cho toàn thể, không theo tiếng gọi của dục vọng, ích kỷ,
thì một hành động quả cảm và hợp lý là sự thành công rực
rỡ.
Tóm lại, con người là hiện thân của ý thức, tiềm
lực và việc làm. Con người sẳn có những cá tính đặc biệt hơn
tất cả các loài sinh vật khác, cố nhiên đặc tính ấy sẳn sàng
giúp đỡ con người tạo lập và duy trì một nhịp sống cho thuận
với danh nghĩa của nó, làm vẻ vang cho trang sử nhân loại, làm tăng
tiến trong sự sinh hoạt và bất diệt trong bản thể vô biên của của
vũ trụ. Chỉ có con người tự tạo ra con người ngày nay và ngày
mai trong sự vui vẻ hay đau khổ.
Chúng ta hãy thể nhận những đặc tính ấy. Chúng ta
hãy quán tưởng thân tâm chúng ta. Chúng ta hãy ngoảnh mặt, quay
lưng lại dục vọng và thẳng tiến trên đường về giải thoát.
" Đời sống giải thoát không đòi hỏi sự cố
gắng gì ngoài những sự cố gắng về tư tưởng, năng lực và
hành động chân chính để tạo lấy một đời sống trong sạch đầy
ý nghĩa ".