PHẦN THỨ HAI
" Những lời nói văn hoa của hạng người không
bao giờ thực hành đúng lời nói cũng giống như những đóa hoa
tươi đẹp nhưng vô hương ".
Kinh Pháp Cú.
PHƯƠNG PHÁP LÀM NGƯỜI
" Anh hãy cương quyết chú định vào chân lý. Anh
hãy lấy chân lý làm ngọn đuốc và nơi nương náu cho anh "
Kinh Đại Niết Bàn
Con người được nhận là người, khi nào tư cách
và hành động chư pháp.
Những trang sách trên đã trình bày khái niệm về con
người. Khái niệm ấy đã đem lại cho chúng ta một nhận thức rõ
ràng về giá trị, địa vị của nó trong đạo Phật, mà chúng ta có
thể nhắc lại : " Đạo Phật là đạo của con người ". Đã
là Đạo của con người, tất nhiên phải có phương pháp để hướng
dẫn con người biết cách thức làm người về phương diện nhập
thế cũng như xuất thế.
Trong sự hướng dẫn con người, đạo Phật không bao
giờ đi xa sự thật mà luôn luôn đứng trên quy luật " hợp
pháp và hợp cơ ". Nghiã là, lời nói, ý nghĩ, việc làm luôn
luôn phù hợp chính pháp và thích hợp cơ duyên, trình độ, hoàn
cảnh của cá nhân. Đức Phật dạy : " Con muỗi hay con voi đều
được no đủ khi uống nước biển, vì nước biển chỉ thấm nhuần
một hương vị : hương vị mặn của muối. Giáo lý của Ta cũng thế ,
dù cao hay thấp, cũng chỉ thấm nhuần một hương vị : hương vị an tịnh
của giải thoát ". Với giáo lý trên đây hàm xúc ý nghiã
sâu xa về phương pháp hướng dẫn con người trên cơ bản của "
Chân lý " và thực hành bằng " Phương tiện ".
Song, tùy theo sự học, hiểu và hành của chúng ta mà
nó sẽ đem lại cho chúng ta một sự giải thoát tương đối hay tuyệt
đối trong phương pháp làm người.
Trước khi chúng ta vào trường rèn luyện theo phương
pháp đạo Phật, chúng ta hãy ghi nhớ những lời Bác sĩ André Migot
đã nói : " Những lời huấn giới chỉ là một phương tiện, là
một trong những nguyên tố của sự tranh đấu chống khổ. Huấn giới
chỉ là một nguyên tố trong những nguyên tố khác và cũng chẳng
phải là một yếu tố quan hệ nhất, sau khi đã hiểu biết nó. Vậy, ta
phải đặt để sự huấn giới cho đúng chỗ trong công việc hành trì
của toàn thể, đã tác thành đời sống đạo lý theo Phật giáo,
mà đời sống Đạo lý ấy có mục đích là hết luân hồi, liễu
sinh tử. Và, phương tiện là diệt trừ ham muốn và vô minh ".
I.- RÈN LUYỆN THÂN TÂM
" Hết ngày này qua ngày khác, hết giờ nọ sang
giờ kia, người thợ vàng phải công phu thế nào mới lọc được
vàng ròng thì người muốn cho thân tâm mình trở nên trong sạch
cũng phải cố gắng khó nhọc rèn luyện như thế ".
Kinh Pháp Cú
Sách Nho nói : " Viên ngọc không mài dũa không
thể thành đồ vật, con người không học hỏi, rèn luyện không biết
cách làm người ".
Rèn luyện thân tâm con người là điều cốt yếu của
sự tiến hóa. Công phu của sự tiến hóa không ai có quyền thay
thế, mà nó phải là sự nghiệp riêng của từng người. Con người
vui hay buồn, sướng hay khổ, đều do con người tạo tác. Con người
phải chịu trách nhiệm trước hành vi của mình. Con người được an
vui, khi nào con người điều khiển được thân tâm con người, không
bị nó lôi cuốn theo chiều của dục vọng. Bác sĩ Victor Pauchet nói :
" Muốn thành công trên đường đời chúng ta phải làm chủ
được thời cuộc. Muốn làm chủ được thời cuộc chúng ta phải
làm chủ được người xung quanh. Muốn làm chủ được người xung
quanh chúng ta phải làm chủ được mình ".
Do đó chúng ta thấy vấn đề rèn luyện là một vấn
đề cần thiết cho sự làm người. Thiếu nó nó sẽ trở thành
người không đúng ý nghiã của con người. Có nó, giá trị và
sự giải thoát tự đấy phát sinh.
A.-RÈN LUYỆN VỀ TÂM TRÍ
"Phải làm thế nào cho ta trở nên tinh tiến,
quả quyết, sáng suốt, biết mình. Phải làm sao cho tâm ta trở nên an
định trong một cảnh giới nào ".
Lời Phật dạy
1.- BIẾT ĐỊNH TÂM
" Muốn tìm ngọc châu thì phải đợi sóng lặng.
Nước động thì rất khó tìm. Nước định trong lặng thì tâm châu
tự hiện ".
Tọa Thiền Nghi
Hạnh phúc đâu xa ?
Kinh Pháp Cú nói : " Không lửa nào có thể ví
được lửa của tham dục. Không ngục tù nào có thể ví được
với ngục tù của oán hờn. Không mối ràng buộc nào có thể ví
được với sự rối loạn của tâm trí. Không đau khổ nào giống
như sự đau khổ của loài người. Nhưng chẳng có hạnh phúc nào
lớn bằng sự an định của tâm trí ".
Đã nhiều đau khổ... !
Cả một quảng đời sống của con người dù ngắn
hay dài, dù sang hay hèn, dù giàu hay nghèo đã được diễn tả đầy
đủ trong đoạn giáo lý trên, mà chúng ta không thể chối cãi
được hay cho là tiêu cực, nếu chúng ta có con mắt nhìn đời một
cách tinh tế.
... Không phải đâu xa, chúng ta thử nhìn vào những
trang báo hằng ngày, cũng đủ cho chúng ta ý thức rõ ràng : đâu
là người buông thả trái tim, lạc lõng trên đường tìm hạnh
phúc, mà kết quả đã đem lại cho họ thất vọng ngẩn ngơ, chôn vùi
kiếp sống, hy sinh danh giá hay là giam mình nơi ngục thất. Đâu là
người tủi phận, hờn duyên, không gặp thời, hay suy yếu, đã hất
hủi cuộc đời. Đâu là người ham chức trọng, tiền nhiều làm
điều phi pháp. đâu là người hằn thù gây oan, giá họa v.v...
Trong lúc đó, dù là người chủ động hay bị động,
thắng hay bại cũng không kém phần đau khổ do lương tâm cắn dứt hay
thân thể đau đớn. Vậy chúng ta có thể trả lời cho nguyên nhân
phát sinh ra cảnh tượng ấy, chỉ do một chữ " muốn " mà
thôi. " Đời ta có hạn, lòng muốn vô cùng. Lấy có hạn mà
tùy theo vô cùng nguy hại thay ! " Khổng Tử.
Nổi khổ ở đời không sao kể siết được. Không
thể dùng lửa, ngục tù hay ràng buộc mà sánh ví được trong khi
đau khổ và biết đau khổ. Đau khổ là hiện thân của tham, sân, si
làm cho con người phải lưu lạc sinh tử, làm cho bức tranh đời
hiện thực thường bị hoen ố. Mà những nổi khổ ấy chúng ta có
thể tóm tắt dưới đây theo quan niệm Đạo Phật :
1/ Sinh mệnh, sinh hoạt là khổ.
2/ Ốm đau, xấu xa là khổ.
3/ Già yếu, suy kém là khổ.
4/ Chết chóc, tiêu hoại là khổ.
5/ Ân ái biệt ly là khổ.
6/ Cầu không toại ý là khổ.
7/ Oán hận gặp gỡ là khổ.
8/ Chiều theo dục vọng là khổ.
Im lặng là vàng bạc
Muốn ngừng bớt đau khổ chúng ta hãy gò cương
dục vọng lại, nhận chân giá trị, địa vị và hoàn cảnh mình trong
phạm vi tự do. Chúng ta hãy yên tĩnh mỗi ngày vài lần, trong vài
mươi phút khi ban sáng và chiều tối để xét lại những việc chúng
ta đã làm xem phải hay trái. Trái, chúng ta cương quyết sửa đổi.
Phải, chúng ta cố gắng làm với một chương trình cụ thể của ngày
mai. Trong ngày mai chúng ta lại phải luôn luôn nhắc nhở tới nó,
biết hướng nó theo chân lý, mặc dầu trong khi thực hành, chúng ta
gặp nhiều trở lực hay thiệt thòi đôi chút. Cứ thế, cứ thế
mãi, làm sao cho tâm trí chúng ta không tán loạn, không theo đà dục
vọng, tự nhiên chúng ta thấy bớt đau khổ. Như chúng ta đứng vào
địa vị người chăn trâu, mà chúng ta không đủ nghị lực để rèn
luyện con trâu của chúng ta trong khuôn khổ ăn cỏ, thì nó sẽ là
vật phá hại đồng ruộng. Trái lại, khi chúng ta biết rèn luyện nó,
khiến nó biết phân biệt lúa và cỏ có hại và có lợi cho mình,
cho người thế nào, thì khi ấy, dầu chúng ta không chăn dắt, nó
cũng không dám vượt ra ngoài khuôn khổ, vì nó đã thuần thục.
Như thế, chúng ta biết rằng đau khổ không ngoài con
người mà nó chỉ do tâm trí chúng ta hòa theo tiếng gọi của ham
muốn. Ham muốn không bao giờ tới đích, không bao giờ toại ý.
Không tới đích, không toại ý, phản chiếu lại thành đau khổ cho
thân tâm. Chỉ có định tâm mới có thể đem lại cho chúng ta một
hạnh phúc chân thật, vì biết theo đúng nghĩa sống của mình và của
người. Cho nên ông Kempis cũng phải công nhận rằng : " Kẻ làm
chủ được tâm hồn mình quý hơn kẻ thâu thành cướp lũy "
" Thu nhiếp được tâm thì tâm định. Tâm định thì
rõ biết các Pháp ". Kinh Di Giáo.
2.- BIẾT NHẪN NHỤC
"... Đức nhẫn nhục không cái gì có thể sánh
bằng được. Người tu hạnh nhẫn nhục đáng gọi là đại lực sĩ
... "
Kinh Di Giáo
Chúng ta nên mặc áo giáp nhẫn nhục cương quyết trừ
quân giặc phiền não.
Hoàn cảnh xã hội có nhiều sự phức tạp. Tự
thân con người có nhiều sự éo le. đâu là hoàn cảnh quá lạc
quan. Đâu là nội tâm bị kích động, ngoại thân bị ngặt nghèo. Với
trạng huống ấy, đạo Phật gán cho nó cái danh hiệu là " giặc
phiền não ". Đã là giặc, chắc chắn không một giờ, phút nào,
một địa vị nào, một hoàn cảnh nào nó không len lỏi phá hoại. Nó
phá hoại trong tâm trí, phá hoại ngoài cơ thể. Mà sức phá hoại
ấy, là sức lực tiềm tàng ít người lưu ý tới.
Vậy, chúng ta phải đặt chúng ta vào địa vị người
chiến sĩ. Người chiến sĩ có đủ nghị lực, mặc áo giáp nhẫn
nhục, cầm thanh gươm trí tuệ, cưỡi con ngựa tinh tiến, xông ra trận
tuyến, chiến đấu với địch thủ phiền não. Chiến đấu để sống
còn. Chiến đấu để bảo vệ danh mệnh. Chiến đấu cho đạo đức vô
thượng. Chiến đấu cho mục đích cao cả. Chiến đấu cho giác ngộ,
giải thoát.
Thực tế đã cho chúng ta thấy : quá lạc quan mà
không nhờ có sức nhẫn nhục hỗ trợ, dễ đưa ta xuống hố trụy
lạc. Quá bi quan mà không nhờ có sức nhẫn nhục, cũng dễ đưa ta
vào nơi tuyệt mệnh. Cho nên, nhẫn nhục là một phương pháp được
tôn trọng và thực hành trước nhất đối với người hành đạo
hay người làm việc đời.
Có nhẫn nhục mới có thể thành công. Nhẫn nhục
không phải là một món ăn khó tiêu hóa, một kỹ thuật khó thực
hiện, theo như nhiều người tưởng tượng. Trái lại, theo quan niệm
đạo Phật, nó chỉ là một bài học kinh nghiệm, giúp cho ta muốn nên
người và thành công.
Thất bại là mẹ thành công
Đây, luận Bảo Vương Tam Muội đã nhắc nhở chúng
ta : " Thân không cầu không bệnh, thân không bệnh thì tham dục
dễ sinh. Đời không cầu không nạn, đời không nạn thì kiêu mạn,
xa hoa liền khởi. Nghiên cứu về tâm, không cầu không chướng, tâm
không chướng thì chỗ học dễ vượt bực, sai đường. Lập hạnh
không cầu không ma chướng, hạnh không ma chướng, thì thệ nguyện
không kiên cố. Làm việc không cầu dễ thành, việc dễ thành thì
trí hay kiêu mạn. Giao thiệp không cầu lợi mình, lợi mình thì hại
đến đạo nghiã. Đối với người không cầu chiều chuộng, người
chiều chuộng thì dễ sinh kiêu căng. Thi ân không cầu trả báo, cầu
trả báo thì ý có mưu tính. Thấy lợi không cầu được lợi, cầu
lợi thì si tâm rung động. Bị ức hiếp không cầu than oán, cầu than
oán thì oán hận càng tăng. Vậy nên các bậc Thánh nhân giáo hóa
: Lấy hoạn nạn làm thú tiêu dao. Lấy chướng ngại làm giải thoát.
Lấy quần ma làm bạn Pháp. Lấy hoạn nạn làm thành tựu. Lấy tệ
giao làm tư lương. Lấy người trái ý làm giao du. Lấy thi ân làm
đồ bỏ. Lấy lợi ích làm giàu sang. Lấy uất ức làm hạnh môn.
Như thế, ở trong ngại trở lại thông, cầu thông trở lại ngại
".
Tất cả những giáo lý trên đây đã vạch rõ con
đường cho chúng ta, chúng ta nên đảm nhận lấy giá trị ấy. Chúng
ta nên cố gắng thực hành, để xứng đáng với lời khen tặng của
ông Kempis : " Kẻ biết nhẫn nhục quý hơn dũng sĩ ". Và,
chúng ta quyết giành lấy thắng lợi về chúng ta, để chứng tỏ
" kiên nhẫn là vạn năng " như tục ngữ Ai Cập nói.
3.- BIẾT HỌC HỎI
" Nổi khổ bị thiêu đốt trong ba đường dữ,
nổi khổ của con lạc đà, con lừa phải chở nặng, nổi khổ đói
khát áp bức của loài quỷ đói chưa gọi là khổ. Si mê không
học, không biết hướng đi mới gọi là khổ ".
Kinh Sa Di Thập Giới
Sự học hỏi rất quan hệ đến đời sống của loài
người.
Đức Phật dạy : " Làm đau thương không gì hơn
buồn. Bắn tên hại người không gì bằng ngu si. Không thể lấy sức
mạnh gì trừ diệt được hai nỗi khổ ấy, chỉ có học nhiều mới
có thể trừ diệt được. Người mù sẽ nhờ học mà có mắt.
Người tối sẽ nhờ học mà sáng suốt. Nhờ học mới có thể chỉ
đường cho mọi người. Có học như đem mắt cho người mù. Vậy,
phải rời bỏ ngục ngu si, xả lòng kiêu mạn và sự an hưởng giàu
có, chuộng học nghe nhiều mới gọi là nhóm họp công đức ".
Sự học hỏi là điều rất quan hệ của đời người.
Không học, không khác chi khách hàng hải không có kim chỉ nam. Bao
những cảnh đồi phong, bại tục, bao những nổi thương lòng sót
ruột, bao những mối buồn rầu, lo lắng, đã làm đau thương đến con
người, đau thương lây cho cả xã hội loài người, phần lớn đều
do thiếu sự học hỏi, hay là sự học hỏi không được áp dụng
vào mục đích chính đáng.
Sự học hỏi quả là sự quan hệ của đời người,
thời công phu của nó cũng không phải là kém quan trọng.
Có công mài sắt có ngày nên kim
Con người không phải tự nhiên mà có, tất nhiên
sự học không phải tự nhiên mà thành và chắc chắn nó phải
đòi hỏi ở sự gắng công bền chí của chúng ta trong tất cả mọi
trường hợp :
Học hỏi nơi nhà trường
Nhà trường là một nơi rèn luyện thân tâm con
người. Nơi đó, có những sự tổ chức chu đáo, có những bậc
sư phạm đủ tài ba, hiểu tâm lý, thay cha mẹ chúng ta để rèn đúc
cho chúng ta cả về thể dục, trí dục và đức dục, ngõ hầu làm cho
thân tâm chúng ta mỗi ngày một tăng tiến.
Tự mình học hỏi
Hoàn cảnh và điều kiện nhiều khi không cho chúng
ta đạt tới mục đích mong muốn. Không tới mục đích, không phải
là chúng ta thôi hẳn, mà chúng ta vẫn phải học, học bằng sách
báo, học bằng việc làm, nếu chúng ta có chí hướng về sự học.
Học hỏi xã hội :
Chúng ta không thể suốt đời đóng vai trò học
mãi, mà có ngày chúng ta phải ra đời gánh vác việc xã hội.
Gánh vác việc xã hội, đứng giữa xã hội, xã hội là cả một
trường học to lớn. Trong đó có đủ tất cả mọi màu sắc học
hỏi, tùy ý mình lựa chọn. Lựa chọn để học, học để làm, làm
để thí nghiệm sự học, học để lãnh đạo cho việc làm. Làm, cho
học, học, làm làluật tắc quyết định cho sự tìm hiểu và hành
động. Nghiã là : " Suốt đời chúng ta vẫn học "
Cần học tất cả
Với sự học hỏi, chúng ta phải nhìn xa trông
rộng, phải học đến nguyên lý của nó. Và, phải học tất cả theo
như cổ nhân đã nói : " Thấy người hay, người giỏi ta phải
cố gắng học hỏi cho bằng. Thấy người dở, người xấu, ta phải
cố gắng học hỏi để xét nét tâm ta ". Nghiã là, không cứ
điều hay điều dở, việc phải, việc trái, chúng ta đều phải học
hỏi. học hỏi để tiến tới, học hỏi để sửa chữa, mà hậu quả
là hướng về lẽ phải, về chân lý. dùng chân lý làm đuốc sáng
cho công việc, cho đời sống hợp nghiã sống.
Như thế, nếu chúng ta sống một đời sống có học
hỏi, dùng học hỏi làm dẫn đường, thì chúng ta lo gì không thành
một người có đủ tư cách làm người nhập thế hay xuất thế.
Chúng ta lo gì không biết hướng đi chân chính, không có thể giúp
đỡ hay chỉ dẫn hướng đi cho người. Chúng ta lo gì không có thể
sáng suốt trước mọi vấn đề thắc mắc. Và, không thể mặc nhận
được như lời Đức Thích Ca nói : " Người ta là người
trượng phu, há ta không thành người trượng phu hay sao ? ".
Vậy chúng ta có thể cương quyết nhắc lại rằng :
" Nhất định xả kiêu mạn, bỏ sự an hưởng giàu có, chuộng
học nghe nhiều, diệt trừ ngu si, đem lại sự lợi ích cho mình và
người ".
4.- BIẾT SUY NGHIỆM
" Không có gì là nên hẳn và cũng không có
gì là không nên hẳn "
Luận Ngữ
" Chớ tuyên bố điều gì mà không có chứng
minh được một cách giản dị và quả quyết "
Pasteur
Sự thật là sự thật
Đức Phật dạy : " Đừng vội tin tưởng một
điều gì mà điều đó thường nghe nhắc nhở đến luôn. Đừng tin
tưởng điều gì mà điều đó là một tập tục đã qua của ngàn
xưa để lại. Đừng tin tưởng những điều sáo ngữ hay bất cứ
một điều gì mà người ta thường nói đến nhiều quá. Đừng tin
tưởng bất cứ điều gì, dầu cho điều đó là bút tích của Thánh
nhân xưa để lại bảo ta phải tin. Đừng tin tưởng điều gì, dầu
điều ấy ở dưới mãnh lực của ông Thầy hay nhà truyền giáo.
tất cả những sự thật, theo suy nghiệm riêng của anh, và sau khi xác
nhận rõ ràng, phù hợp với lẻ phải, tạo thành hạnh phúc riêng
cho anh và hạnh phúc cho tất cả mọi loài, thì chính đó là sự
thật và anh cố gắng sống theo sự thật ấy ".
Đấy là một nguồn tin tưởng không bị cục hạn hay
áp bức dưới một hình thức nào mà chúng ta có thể gọi vắn
tắt là " tự do tin tưởng ". Có tự do tin tưởng mới có
một giá trị, một kết quả xứng đáng và viên mãn theo với sự
thật trong sự mong muốn của chúng ta, nghĩa là chúng ta muốn một
việc gì được thành tựu, chúng ta phải được toàn quyền tự do
về suy nghĩ, kinh nghiệm và lựa chọn.
Suy nghĩ
Có suy nghĩ mới phát sinh được nhiều sáng kiến. Có
sáng kiến mới đem lại cho công việc làm có một đường lối rõ
rệt và tỉ mỉ. Chúng ta muốn cấy một ruộng lúa, trước nhất chúng
ta phải suy nghĩ về thời tiết, về cách làm và về giống lúa như
thế nào ?
Kinh nghiệm
Có kinh nghiệm mới thực hiện được sự suy nghĩ
ấy bằng việc làm. Do việc làm mới đem lại cho chúng ta nhiều bài
học đượm nhuần màu sắc của thắng, bại, hay, dở, hư, thực.
Chúng ta đã phát khởi ra ý muốn cấy lúa, tất nhiên ý muốn ấy
phải được đáp lại bằng cày bừa, cày bón và gặt hái.
Lựa chọn
Có lựa chọn, chúng ta mới nhận chân được giá
trị của nó và cố gắng thực hành giá trị ấy sau khi đã suy nghiệm
xác đáng. Ruộng lúa khi đã được thu hoạch với một kết quả
khả quan do sự đúng thời và thích hợp. Thế là chúng ta đã nắm
chắc được thắng lợi. Thắng lợi ấy lại sẽ là một kết quả
hơn nữa cho chúng ta trong những mùa sắp tới. Và, có thể đem
thắng lợi ấy chỉ dẫn cho những bạn điền cùng suy nghiệm và đem
lại thắng lợi như mình.
Cho nên nhà triết học Aristote cũng phải công nhận :
" Cứu cánh là do ý muốn mà ra. Nhưng phương tiện để đi đến
cứu cánh đó lại do sự suy xét, kinh nghiệm và chọn lọc. Bởi
vậy, những hành động tương quan với những phương tiện kia phải
được làm theo với sự chọn lọc có suy nghĩ và hợp với ý
muốn riêng của mình ".
Tự nơi mình
Trên đây đã cho chúng ta biết : trước khi chúng
ta tin tưởng một điều gì, một việc gì, phải trải qua bao thứ lớp
của suy nghĩ và kinh nghiệm. Nhưng, sự suy nghĩ, kinh nghiệm ấy, phải
tự mình định đoạt, vì " một sự tin tưởng mà không phải tự
mình xác nhận, không phải là tin tưởng ".
Nếu được thế, chắc chắn chúng ta cũng biểu đồng
tình và hăng hái thực hành như tư tưởng của nhà triết học
Descartes đã diễn tả : " Tôi cầm bằng như giả dối hết thảy
những điều gì chỉ có vẻ thực mà thôi. Tôi tập cho không bao
giờ tôi quá tin vào những điều gì chỉ do luân lý và tập quán
dẫn dụ ".
" Chỉ có ngọn đèn dẫn đường cho chúng ta tới
chỗ thành tựu được đó là ngọn đèn của kinh nghiệm ".
5.- BIẾT LẬP NGHIỆP
" Trước phải tập nghề nghiệp sau mới được
của cải ".
Kinh Thiện Sinh
Xây dựng đời sống chân chính
Đức Phật dạy : " Trước hết phải học nghề
nghiệp, phương tiện để gom góp của cải. Sau khi có của, nên chia
làm bốn phần : một phần mình tiêu dùng, hai phần để làm ăn, còn
một phần cất đi để giúp đỡ mình và người khi nghèo thiếu
".
Có thân phải có sống. Có sống phải có vật giúp
cho sự sống, tức là phải có nghề nghiệp để tạo ra vật ấy, mặc
dầu sự tạo ấy do trí thức hay lao lực. Nói rõ hơn chúng ta phải
có một nghề nghiệp để lập thân, để bảo vệ sự sống và truyền
tiếp sự sống trên cơ sở chân chính.
Nhất nghệ tinh nhất thân vinh
Thật thế nghề nghiệp không từ chối chúng ta, chỉ
sợ chúng ta từ chối nghề nghiệp. Nghề nghiệp là một công phu rèn
luyện chạy dài từ thời gian này đến thời gian khác và phải dốc
bao tinh thần, năng lực vào đó. Nghề nghiệp chỉ là một lẽ đương
nhiên, không phân biệt sang trọng hay đê hèn, mà chỉ bao hàm trong ý
nghĩa " sống " tuỳ theo sở thích của chúng ta. Và, hẳn có
một hậu quả tương đương với năng lực và sở thích ấy.
Trước khi lập thân, điều kiện cần yếu của chúng ta
là phải có một hay nhiều nghề nghiệp tinh thạo trong các ngành như :
công chức, canh nông, thương mại, công nghệ, kỹ nghệ v.v...
Do nghề nghiệp ấy, chúng ta có những nguồn lợi tức
dồi dào và chân chính để gây dựng thành gia nghiệp có tổ chức.
Một gia nghiệp biết xử sự và phân phối hợp lý. Nghĩa là nguồn
lợi tức ấy được đặt để đúng chỗ, không quá xa xỉ hay tiết
kiệm và thường biết hướng về sự lợi ích cho mình, sự lợi
ích chung cho người khi túng thiếu. " Nếu có thể làm giàu
được bằng cách lương thiện, hợp đạo thì chúng ta cũng nên làm
giàu "
Như thế vấn đề lập nghiệp đạo Phật dạy chúng ta
rất tinh tế. Đạo Phật dạy chúngta " Có thể buôn bán làm nghề
nuôi sống, nhưng phải đong đầy, đo đủ, không được dối người
". Và, " Nếu làm Thầy thuốc phải làm có hiệu nghiệm, pháp
thuật còn kém thì không nên đem ra dùng ". Được thế nó sẽ
đem lại cho chúng ta sống một đời an vui vĩnh viễn. Nó đem lại cho
chúng ta một tinh thần tự chủ, một tinh thần tổ chức, một tinh
thần thân ái với tất cả.
Nhưng trước khi bắt tay vào công việc, Kinh Trường A
Hàm cũng không quên nhắc nhở và mong mỏi ở nơi chúng ta: "
Nuôi mạng mình bằng cách chính đáng ".
6.-BIẾT VỤ THỰC, THƯỜNG XUYÊN VÀ TRUNG ĐẠO
" Nếu làm được thì nói, không làm được
thì đừng nói suông ".
" Làm việc chưa xong không nên nửa chừng thôi
nghỉ "
Bột Kinh
" Có hai điều thái quá cần xa lánh, một là
đời buông lung theo ngũ dục, hai là ăn ở theo lối khổ hạnh... Như
Lai tìm được con đường đi giữa để mở mắt mở trí cho người
".
Lời Phật dạy
Vụ thực
Vụ thực là một chương trình có giá trị khi nào
" tri, hành hợp nhất ". Ông Flaubert nói : " Dù người ta
muốn nói gì đi nữa cũng chỉ có một tiếng là làm sao điều đó
hóa ra có sinh khí ". Đơn giản thay lời nói ấy, nó bao hàm đầy
đủ ý nghĩa của một lời nói phải biến thành sự thật.
Kinh Đại Ai nói : " Lời nói và việc làm phải
hợp với nhau, không nên ôm lòng tự đại ".
Đạo Phật không bao giờ muốn lời nói sẽ đem lại
một kết quả trống không. Đạo Phật rất chú trọng vào việc làm,
vì đạo Phật là Đạo hoạt động. Hoạt động đúng theo sự nhận
xét và tùy ý chọn lọc. Đã tùy ý chọn lọc, nên không bao giờ
muốn thu công về mình và chỉ có thể nói là : " Lẽ đương
nhiên của sự vật như thế " ( Pháp nhĩ như thị ).
Việc đời cũng thế. Nói để làm, làm để đáp
lại lời nói. Một việc rất nhỏ có kết quả còn hơn một chương
trình vĩ đại không đâu. Một người hi vọng thành người phải làm
đúng như hi vọng ấy, tất nhiên nó sẽ đem lại một kết quả như
kết quả của một nhà quân sự Tây phương nói : " Tôi có một
điều đáng mừng là không bao giờ tôi thất vọng ".
Nhưng phải cố gắng...
Từ lời nói đến việc làm, từ việc làm trở
lại lời nói, không phải là sự dễ dàng trong thời gian ngắn
ngủi, mà nó sẽ có nhiều sự khó khăn trong thời gian lâu dài,
mới đem lại cho sự thành tựu, nếu chúng ta có tính kiên nhẫn theo
đuổi nó. Vì thế, đức Phật luôn luôn khuyên chúng ta : " Có
làm việc gì nửa chừng không nên bỏ dở ".
Và, cần biết theo lẽ trung bình...
Không nên nửa chừng bỏ dở, dĩ nhiên đó là
một lý thuyết được đặt ra một cách cụ thể. Nhưng chưa chắc đã
được cụ thể hóa trên thực hành. Vì thực hành khó tránh khỏi
những trở lực sẽ đem đến thất bại do lười quá hay siêng quá,
cương quá hay nhu quá... Khế Kinh nói : " Người làm việc, phải
như người gãy đàn. Nếu giây trùng tiếng, giây căng tiếng gắt.
Chỉ làm sao sợi giây trung bình, tiếng mới hay và êm dịu ". Nghĩa
là trên con đường hoạt động muốn bảo đảm cho công việc đạt
tới kết quả phải thực hành bằng cách trung đạo. Tức là không
bắt buộc thân thể quá khắc khổ, không bổ dưỡng thân thể quá
sung sướng, không vội vàng, không chậm trễ, không quá siêng năng,
không quá biếng nhác, không nghiêng nặng về lý trí, không ngã nhẹ
về tình cảm v. v....
Như thế chúng ta nhận thấy bất cứ một công việc
gì, một sự nghiệp gì, muốn tới thành công, nó đều đòi hỏi ở
chúng ta lời nói song song với việc làm. Việc làm căn cứ vào
lòng bền bỉ, trí sáng suốt, biết áp dụng một cách trung bình và
chân chính.
Trên sự thật sẽ cho chúng ta bài học ấy, nếu chúng
ta muốn thành công hay không muốn thành công.
7.- BIẾT NHÂN QỦA
" Khi những điều kiện giống nhau được thực
hiện ở hai khoảng thời gian khác nhau, ở hai chổ khác nhau thì
những hiện tượng giống nhau lại tái phát, chỉ khác ở chỗ nó
đã chuyển đi trong không gian và thời gian thôi ".
Painlevé
" Trồng dưa được dưa, trồng mận được mận
".
Đức Phật dạy : " Bất cứ nghiệp lành hoặc
nghiệp dử mà ta đã tạo, chính ta phải mang lấy trong ngày mai "
Đây là nói về định lý nhân quả, một định lý
làm cho chúng ta quyết tâm theo đuổi sự nghiệp, theo đuổi công
việc, mà nó có thể trả lời cho chúng ta biết rằng : " Có làm
thì có ăn, có nguyên nhân thì có kết quả ".
Nhân quả
Nhân là nguyên nhân, là năng lực phát động. Quả
là kết quả, là sự hình thành của năng lực phát động. Nhân
quả là một định luật tất nhiên, nêu rõ sự tương quan, tương
duyên giữa nhân và quả. Phàm đã có tác động tất nhiên phải
có kết quả hình thành, phản ứng nguyên nhân ấy. Như đi học thì
biết chữ, cấy gió thì gặt bão v.v...
" Tất cả những hiện tượng của đời sống vật
chất và cả đời sống tinh thần rất hợp lý : Cái quả kết thành
là do ở cái nhân. hễ ít nhân thì ít quả "
Như thế chúng ta biết rằng tất cả sự vật hiện tại
đều là kết quả trực tiếp hay gián tiếp của nghiệp nhân, không
phải ai sinh, không phải tự nhiên sinh, chỉ do sự tương quan, tương
duyên của nó mà thôi.
Mối tương quan...
Đứng về phương diện tương quan của nhân quả chúng
ta thấy :
A/ Một nhân không thể sinh ra quả, mà phải được
sự giúp đỡ của nhiều nhân khác. Như cây lúa không những chỉ do
hạt lúa tạo thành mà phải có các nhân khác giúp đỡ hạt lúa
mới nẩy mầm thành cây mà phát triển tồn tại.
B/ Nhân nào quả ấy, không bao giờ nhân quả mâu
thuẩn nhau. Người học đàn chỉ biết đàn, chứ không thể biết vẽ.
Người làm việc lợi ích, thì bao giờ cũng được kết quả tốt,
chứ không thể có kết quả xấu.
C/ Trong nhân có quả, trong quả có nhân. Nghĩa là chính
trong nhân hiện tại chúng ta thấy quả vị lai, và chính trong quả hiện
tại chúng ta đã tìm được nhân quá khứ. Hạt nhãn hiện nay sẽ
là cây nhãn, quả nhãn của ngày mai. Quả nhãn hiện nay là hạt
nhãn của ngày đã qua.
Mối tương duyên...
Đứng về phương diện tương duyên của nhân quả,
chúng ta thấy nhân quả chỉ là một chuỗi giây liên lạc từ vô
thủy tới vô chung, nên có thể :
- Tạo nhân được kết quả ngay nhất thời, như đánh tiếng chuông
liền nghe thấy tiếng ngay.
- Tạo nhân đời này kết quả ngay đời này. Như trồng lúa chừng 6
tháng đã có kết quả.
- Tạo nhân đời trước đời này mới kết quả. tạo nhân đời
này đời sau mới kết quả
- Tạo nhân từ các đời trước đời này mới có kết quả. Tạo
nhân đời này các đời sau mới kết quả
.Do đó chúng ta thấy nhân quả là một định lý tất
nhiên. Định lý ấy cho chúng ta thấy rõ sự thật về lời nói, ý
nghĩ và việc làm hàng ngày của chúng ta không thể tiêu tán theo
thời gian, mà nó sẽ đáp lại một kết quả của ngày mai hoặc đau
buồn hay sung sướng, hoặc đen tối hay xinh tươi, tùy theo hành nghiệp
của chúng ta. Định lý ấy đã cho chúng ta thấy sự hưởng thụ dù
tốt đẹp hay xấu xa của chúng ta hiện tại cũng là sự trình bày
khách quan của nghiệp nhân ở quá khứ. Cho nên con người là đấng
Chúa tể. Con người là tự định đoạt, tự tác thành đời sống
của con người chứ không ai có quyền thưởng phạt. Định lý nhân
quả cuả đạo Phật đem lại cho chúng ta một tin tưởng mạnh mẽ vào
nơi chúng ta, khiến chúng ta không chán nãn lùi bước trước những
trở lực trong công việc làm.
" Chúng ta cố gắng tạo nhân lành để hưởng quả
tốt và mở rộng chân trời giải thoát để giác ngộ cho chúng sinh
".
8.- BIẾT TRI TÚC
" Ta thà giữ đạo chịu nghèo hèn mà chết chứ
không chịu vô đạo được giàu sang mà sống "
Kinh Lục độ Tập
Người ta biết an phận là sung sướng
Kinh Di Giáo nói : " Muốn khỏi khổ não, nên quán
tưởng " tri túc " ( biết đủ ). Phép " tri túc " là
chổ an ổn của sự giàu sang, sung sướng. Người " tri túc "
nằm trên đất cũng thấy sung sướng. Người không " tri túc
" ở cõi Thiên Đường cũng không vừa ý. Người " tri túc
" tuy nghèo mà giàu. Người không " tri túc " tuy giàu mà
nghèo. Người không " tri túc " thường bị năm món dục vọng
sai xử, khiến người "tri túc thường thương xót tới.
Ham muốn của con người
Lòng ham muốn của con người không biết đâu là cùng
tận, không có một quy phạm nào làm ranh giới cho nó : " Nấc
thang hoạn lộ chưa thể dừng nghỉ khi người công chức chân còn
bước, tay còn dài, tuy rằng họ biết là năng lực không đủ hay
nguy hiểm. tấm biển thương trường chưa thể nhạt màu khi người
buôn bán thế còn to, mưu còn giỏi, mặc dù họ biết tài sản quá
thừa và giả dối. đại điền chủ chưa nới tay thu nhận văn tự,
tính lợi hoa màu, bớt sén lương soạn, nhân công, khi mà gia đình
họ đã thừa sung sướng, chung quanh bao kho thóc đã mục nát. đại
xí nghiệp chưa thôi đi tìm tòi nguyên liệu, hùn vốn công ty, bóc
lột thặng dư giá trị khi mà gia nghiệp họ quá sức giàu sang, ngổn
ngang những hàng hóa sẽ đổ đi. Ái tình, sắc đẹp chưa thể thoả
mãn dục vọng khi cặp mắt của con người nhìn xa ngoài bản vị
..."
Nghĩa là dục vọng của con người không có một bờ
bến nào đúng như lời Ngài Mạnh Tử đã nói : " Nếu tính
tới lợi trước mà xét tới nghĩa sau, thì lợi ấy chưa chiếm
được hết chưa chán ".
Như thế muốn cứu vãn lại hoàn cảnh ấy chỉ còn
một giải pháp " tri túc " là có thể dừng chân dục vọng,
đem lại sự thăng bằng cho nhân loại
Tri túc
Tri túc là sẳn sàng thực hành theo với địa vị và
hoàn cảnh của mình. Giàu và sang ai chả muốn, lẽ không nên được
mà được, không ham. Nghèo và hèn ai chả chán, lẻ không đáng
chịu mà phải chịu, cũng đành".
_ Với phương pháp ấy, có phải làm ngừng trệ sự
tiến hóa của con người không? Không, vẫn tiến, tiến mạnh và tiến
tới thành công. Vì muốn tiến bộ, con người phải cần có sức
lực và tinh thần. Sức lực và tinh thần của con người nếu đem
cung cấp cho dục vọng trong trường hợp lạc quan chỉ là phá sản và
trụy lạc. Nếu đem cung cấp cho thất vọng trong trường hợp bi quan chỉ
là chán nản và tuyệt mệnh. Trái lại con người tri túc biết theo
địa vị và hoàn cảnh mình thì không vui, không buồn, tất nhiên sức
lực, tinh thần vẫn được mạnh mẽ. Sức lực, tinh thần mạnh mẽ,
sự tiến bộ sẽ tiệm phát và quyết tới kết quả mỹ mãn không
thể nào chối cãi được.
Cho nên tri túc là phương thế tiến thủ chứ không
phải để chờ đón lấy thất bại trong im lặng. " Lùi để tiến
" phải chăng là chiến lược, chiến thuật của nhà quân sự
vẫn áp dụng theo phương pháp ấy, mà chúng ta thường được nghe
nói.
Vậy tri túc là một đường lối dạy cho con người
biết phương pháp làm người và muốn thành công rực rỡ trên
trường đời. Tri túc đã biết, đã làm, thân tâm sẽ được bình
tĩnh trước mọi hoàn cảnh. Tri túc không phải là mồi thơm ngon để
cho mọi vật cám dỗ. Người tri túc không phải là người ngây
ngô, để nhiều ngã đường làm mù quáng, trái lại là người
rất mạnh mẽ, đủ làm chủ được mình, hướng dẫn được người
trên con đường về tươi sáng.
Tri túc đủ mãnh lực bảo vệ một đời sống thanh cao
và an lạc.
9.- BIẾT SỬA CHỬA
" Ai biết sửa đổi lỗi lầm thì người ấy
được tiến hóa trong giáo Pháp của Như Lai ".
Kinh Trường A Hàm
" Phải xét lỗi nơi mình chớ chê kẻ khác ".
Người ta ở đời cần biết sửa đổi lỗi lầm, nếu
khi nào nhận thấy nó phát khởi tại nơi mình. Vì " Người có
lỗi không biết sửa đổi, diệt trừ tự nơi tâm, thì lỗi ấy sẽ
đến thân, như nước chảy về biển, dần dần thành sâu rộng ".
Kinh Pháp Cú thí dụ nói : " Không nên trách
người chỉ tự xét mình. Nếu ai biết được cách này thì vĩnh viễn
không tai hoạn ".
Đó là phương pháp sửa đổi lỗi lầm ngay tự bản
thân con người do ý nghĩ, lời nói hay việc làm tạo nên. Đã có
thân tất có đau khổ, có hình thể tất có phiền lụy
Người ta nếu chưa phải là bậc Thánh triết khó có
người tránh khỏi lỗi lầm .
Trên đường hoạt động để tìm lấy lẽ sống cho
cuộc sống, chúng ta không thể phủ nhận là lỗi lầm không có ở
nơi chúng ta : " Một bước vô tình đã làm hại sinh mệnh con
sâu, con kiến. Một cử chỉ bất lịch sự khi bố thí cho đồng bào
nghèo một đồng xu. Một sự vô tâm đã làm phật ý bao người
thân thích hay tôi tớ chung quanh. Một sự du đãng đã làm hại cho
thân thể mình và thanh danh của gia đình, quốc gia, xã hội. Một sự
đảng trí, lười biếng đã khiến cho công việc không chu đáo, nhanh
chóng và thiếu trật tự. Một lòng ham chút vật của người khác
để làm lợi cho mình, làm thiệt cho người v.v... đều có thể gọi
là lỗi cả. Vì mình đã làm thương tổn đến người hay không làm
trọn nghĩa vụ là một người trong xã hội loài người ".
Biết sửa đổi sẽ trong sạch
Chúng ta biết rằng không ai tránh khỏi lỗi lầm, nhưng
chỉ có hoặc nhiều hay ít mà thôi. Có lỗi lầm chúng ta nên quyết
tâm sửa đổi, tất nhiên sẽ được trong sạch. Lỗi lầm không khác
chi tấm gương bị bụi phủ, một khi chúng ta biết lau chùi, nó sẽ
hoàn lại trong sáng như xưa. Lỗi lầm cũng như căn nhà đen tối, nếu
một bó đuốc đem tới, bao nhiêu đen tối sẽ nhất thời tan biến.
Lỗi lầm cũng như thân thể nhơ cáu, một khi tắm gội thân thể sẽ
sạch sẽ. Đó là một tỉ dụ để chúng ta nhận rõ sự thực của
sửa đổi. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng theo quan niệm đạo Phật thì
sự sửa đổi ấy phải được đặt trên tấm lòng thành thực
giải bày không tái phạm và tự mình sửa đổi lỗi của mình chứ
không thể nhờ vào một quyền phép nào.
Như thế chúng ta không còn ngạc nhiên, thắc mắc về
sự lỗi lầm hay sửa đổi. Đã không thắc mắc, chúng ta nên hăng
hái xét nét lỗi lầm của chúng ta và để sửa đổi nó. Chúng ta
không nên dò xét lỗi lầm của người, chỉ phí thời giờ và sinh
mâu thuẩn, nếu là người chưa hiểu biết và không có lòng giác
tha. Chúng ta không nhớ lời Ngài Khổng Tử đã nói : " Khi bậc
cửa nhà ta còn nhơ, thì ta đừng chê nóc nhà bên tại sao đầy
tuyết ".
Chúng ta đã nhận thấy sửa đổi là việc rất cần
thiết cho chúng ta muốn nên người và thành công thì chúng ta nên
nghiền ngẫm thực hành nó trên tất cả mọi việc, trong tất cả mọi
thời, tất nhiên chúng ta sẽ thấy nó trở lại với chúng ta một
kết quả khả quan:
a/ Công việc được chu đáo và tăng tiến hơn
b/ Hành vi không bị sa vào lầm lỡ.
c/ Phẩm giá con người được nâng cao.
d/ Tâm trí được sáng suốt.
e/ Thân thể được nhẹ nhàng.
f/ Hậu quả được tốt đẹp
" Biết sửa đổi là biết hướng về tiến bộ
".
10.- BIẾT TRONG SẠCH
" Một người sống một cuộc đời không trong
sạch, không thể nào phát triển tinh thần được. Đời sống hoàn
toàn trong sạch, chỉ có thể có được sau khi đã đạt được công
năng của tinh thần đưa đến chính tri kiến .
André Migot
" ... Cứ trong sạch yên vui mới không lỗi đạo
.
Đức Phật dạy : " Chúng sinh thấy sắc tướng Như
Lai thì mắt trong sạch, nghe danh hiệu Như Lai thì tai trong sạch, ngửi
giới hương Như Lai thì mũi trong sạch, đầy đủ tướng lưỡi rộng
dài, hiểu rõ các ngôn ngữ, thấm nhuần hào quang Như Lai thì thân
trong sạch, cứu cánh chứng pháp thân vô thượng ".
Đây là kết quả của hạnh trong sạch. Đã có kết
quả trong sạch , không thể không có nguyên nhân của trong sạch. Vì,
" Như Lai " có nghĩa là noi theo đạo Như- Thật chân lý, để
đạt tới chổ giác ngộ hoàn toàn. Đạt tới là con đường chạy
dài từ thực hành tới hiểu biết. Có hiểu biết mới có thể
thấy, nghe, ngửi, nếm, thấm nhuần trong chân nghĩa của Như Lai, nếu
không hiểu biết sẽ không được thế và sẽ được đáp lại như
trong Kinh Pháp Cú thí dụ đã nói : " Ông thấy hình tôi mà ông
không giữ lời răn thì tuy ông thấy tôi mà tôi không thấy ông.
Ông kia tuy cách tôi muôn dặm mà biết giữ lời răn, thì ông ấy
tất đứng trước mặt tôi ".
Như thế, chúng ta biết rằng muốn thành bậc Giác Ngộ,
muốn gần đạo giác ngộ hay muốn thành một người đủ tư cách làm
" người ", điều kiện cốt yếu là chúng ta phải trong sạch
về lời nói, ý nghĩ và việc làm.
Căn cứ vào giáo lý trên đây và còn nhiều ở
trong Kinh sách đạo Phật thì hạnh trong sạch ấy ở ngay sự động
tác của thân thể, miệng lưỡi và tâm ý chúng ta.
Thân trong sạch
Thân chúng ta không làm việc sát hại, trộm cắp, dâm
dục làm gì không được trong sạch. Đã được trong sạch tất nhiên
được tắm ánh sáng hiểu biết, trông thấy hình sắc thanh tao trong
sự hiểu biết, nghe thấy những tiếng vi diệu trong sự hiểu biết,
ngữi những hương vị giải thoát trong hiểu biết, tất là không bị
xác thân lôi cuốn vào dục vọng, không bị con mắt lôi cuốn vào
hình sắc trụy lạc, không bị tai lôi cuốn vào những âm thanh bỉ ổi,
không bị mũi lôi cuốn vào mùi tanh tao của sự sát hại...
Miệng trong sạch
Miệng lưỡi chúng ta không nói dối, nói thêu dệt,
nói độc ác, nói lật lường, tất nhiên miệng lưỡi được trong
sạch. Được trong sạch là được nếm những hương vị giải thoát
của lời nói chân thật, ngay thẳng, dịu hòa, thành tín trong sự
hiểu biết.
Ý trong sạch
Tâm ý chúng ta không còn ham muốn, oán giận, ngu mê
tất nhiên tâm ý chúng ta được trong sạch. Được trong sạch là
được một tâm ý hồn nhiên, nhịp nhàng với bản thể vũ trụ trong
sự hiểu biết chân thật và hòa đồng cùng sự vật, làm những
việc ích lợi, bình đẳng và sáng suốt.
Trong đời sống, không ai là không phải nói, phải
làm và phải nghĩ. Nhưng, nói, làm và nghĩ có sự rất lợi và
cũng có sự rất hại. Hại ở mình, mà lợi cũng ở mình. Con dao
là một vật giúp đỡ chúng ta nhiều việc, nếu chúng ta biết dùng,
trái lại nó là vật sát hại.
Chúng ta muốn sống đời sống hoàn toàn và giá trị,
tất cả thân tâm chúng ta phải được trong sạch trước đã !
11.- BIẾT ĐẠO TỪ BI, BÌNH ĐẲNG
" Thật vậy, chúng ta sống an lạc mạnh khoẻ giữa
đám người đau khổ... Thật vậy, chúng ta sống an lạc, không oán
hận với những kẻ oán hận... "
G.Lounsbery
Đạo Phật với chúng sinh
Đức Phật dạy : " Tôi thấy rõ chúng sinh luân
hồi trong sáu ngã, đều thay thế nhau làm cha mẹ, thân thích, quyến
thuộc, nỡ nào lại sát hại lẫn nhau"
" Các đức Như Lai đều thấy : " Hết thảy
chúng sanh trong pháp giới đều đầy đủ trí tuệ, đức tướng Như
Lai, chỉ vì ngu si, mê hoặc, nên không tự biết. Tôi nay sẽ chỉ cho con
đường chính, khiến con người dứt sạch các món vọng tưởng,
chấp trược, tự chứng được trí tuệ rộng lớn của Như Lai, bình
đẳng với chư Phật không sai khác ".
Đây là cả một tôn chỉ mục đích của đạo Phật,
đây là cả một chương trình làm người, hướng về lễ nghĩa, tâm
đức và nhân đạo.
Dưới con mắt giác ngộ của đức Phật, Ngài nhận
thấy tất cả chúng sinh, loài người cũng là một trong đó đều
bình đẳng về trí tuệ, đức tướng vàđều là người thân thích
với nhau. Đã là bình đẳng, là thân thích tất nhiên không bao giờ
phân chia hay sát hại nhau, trái lại phải thương yêu, giúp đỡ nhau
nếu là người hiểu biết. Người hiểu biết, một cử chỉ, một
hành động đều hướng về từ bi, bình đẳng và không xa " từ
bi bình đẳng "
Từ bi
" Từ " là hiền lành, là cho vui. " Bi "
là thương xót, là cứu khổ. Cho vui, cứu khổ là một hành động
quả cảm, mong đem lại lợi ích cho người, cho vật mà quên những
lợi ích nhỏ nhen riêng mình. Người vui cũng như mình vui, người khổ
cũng như mình khổ. Thấy người khổ ta tìm đủ phương tiện giúp
đỡ họ bằng của cải, bằng lời hay lẻ phải, bằng sự an ủi hay
sự hy sinh trong tinh thần vô tư và vô úy. Thấy người vui ta tán
dương, khuyên cố gắng và khuyên đem sự vui đó hướng về lợi
ích chung.
Bình đẳng
" Bình " là quân bình. " Đẳng " là tề
đẳng. Tất cả đều ngang bằng như nhau không hơn không kém.
Loài người cũng như các sinh vật khác, cũng do nhân
duyên phát sinh, cũng đủ cơ quan sinh hoạt, cũng ưa sống sợ chết...
có chi là khác nhau. Khác nhau ở học vấn, địa vị, giai cấp chăng ?
_ Học vấn, điạ vị, giai cấp chỉ là điều kiện, hoàn
cảnh hay nhân quả tạo thành chứ không thể khác nhau ở lẽ sống.
Vì máu ai cũng đỏ và mặn. Nhất là lẽ sống thì sự kiện ấy chỉ
là sự phân công rõ rệt trong đời sống xã hội. Nếu không có
người làm ruộng, lấy thóc đâu nuôi người công chức. Nếu
không có người công chức thì sự an ninh đâu đem lại cho người
làm ruộng. Nghĩa là " Tất cả đều bình đẳng ". Đã bình
đẳng còn đâu là kẻ sang, người hèn, kẻ giàu, người nghèo, kẻ
oán, người thân. Đã bình đẳng còn đâu là tranh chấp tương tàn,
tương tặc, mà chỉ còn biết thương nhau, yêu nhau, giúp đỡ nhau.
_ Theo thuyết từ bi, bình đẳng, mất hết cả lễ, nghĩa,
liêm, sĩ chăng ? Không ! Hiểu nghĩa vụ mình trong xã hội và làm
đúng với nghĩa vụ ấy là " Lễ " . Đối với nhau tín- ái
chân thật là " Nghĩa ". Biết tri túc theo hoàn cảnh mình là
" Liêm ". Biết thẹn hổ khi mình có lỗi, biết mình không tiến
tới mục đích cứu cánh làm người là " Sĩ ". Cho nên chỉ
bốn chữ " từ bi, bình đẳng " là đầy đủ hết cả .
Như trên chúng ta đã hiểu ý nghĩa của " Từ bi,
Bình đẳng " giờ đây chúng ta phải bắt tay vào việc thực hiện
nó, mà chúng ta có thể tóm tắt như sau theo tôn chỉ đạo Phật :
Bố thí
Có thể giúp đỡ bằng tài sản, bằng sự giáo dục
hay bằng sự che chở. Bất cứ ở vào trường hợp nào, hoàn cảnh
nào, chúng ta đều có thể làm việc bố thí được. Bố thí con kiến
một hột cơm, an ủi người bằng nụ cười, hay cho kẻ nghèo hèn vạn
bạc. Nhưng nếu sự bố thí ấy phát ra tự đáy lòng từ bi chân
thành và rộng rãi, thì đều có giá trị tương đương, mặc dầu
hành vi ấy có sự sai khác bề ngoài.
Ái ngữ
Giữ lời nói chân thật, hòa nhã để xử sự và
cảnh tỉnh người trong khi giao tế, trong lúc mê lầm, hoặc để làm vui
người trong khi buồn bã. Không muốn đem ra ánh sáng những điều
lỗi lầm, chỉ muốn thấy người dưới những phương diện tốt đẹp
nhất của họ. Emerson nói : " Bất cứ người nào tôi gặp, cũng
hơn tôi cách này hay cách khác ". Chúng ta muốn nên người cũng
nên giữ một thái độ khiêm tốn như thế đối với nhân loại và
bao trùm tới tất cả muôn loài.
Lợi hành
Mãnh liệt thực hành hết thảy công việc lợi lạc
cho quần chúng và xã hội. Bên trong lúc nào chúng ta cũng trao dồi
trí tuệ, tâm hồn cho hết sạch những tư tưởng vị kỷ. Bên ngoài
lúc nào chúng ta cũng sẳn sàng giúp ích cho mọi người, mọi vật
trong bất cứ trường hợp nào.
" Tất cả các Pháp đều là Phật Pháp ".
Đồng sự :
Cùng sống nhịp nhàng với hết thảy mọi người trong
hết thảy hoàn cảnh, để thiết thực làm lợi ích cho hết thảy mọi
người và dìu dắt họ tiến trên đường chân chính.
Như thế đạo lý " từ bi bình đẳng " là con
đường đưa chúng ta tới đích của chân lý, của xã hội an bình
thiện hảo. Đạo lý " từ bi bình đẳng " đem lại cho chúng ta
biết tôn trọng sự sống, quyền sống, biết làm theo tiếng gọi của
cõi lòng hồn nhiên và rộng rãi, biết thân yêu, giúp đỡ nhau
cùng vui sống trong đại gia đình nhân loại. Và nó có thể đưa
chúng ta sống gần với muôn loài, nhịp nhàng với lẽ sống chung
cùng của vũ trụ.
" Chỉ có lòng thương yêu chân thật, đặt trên tư
tưởng bình đẳng mới đem lại một nghĩa sống chân thật ".
12.- BIẾT TRAO DỒI TRÍ TUỆ
" Bồ Tát nên học rộng nghe nhiều, tăng trưởng
trí tuệ, thành tựu biện tài để giáo hóa hết thảy chúng sanh
được an vui, sung sướng hoàn toàn ".
Kinh Bát Đại Nhân Giác
Đức Phật dạy : "Có trí tuệ thì không tham
trược, thường tự soi sáng, tránh khỏi các lỗi lầm... Trí tuệ
chân thật là chiếc thuyền kiên cố chở chúng sinh khỏi biển sinh,
lão, bệnh, tử, là ngọn đèn lớn soi sáng vô minh hắc ám, là
liều thuốc hay chữa hết thảy tật bệnh, là chiếc búa sắc chặt
gãy cây phiền não. Vậy các vị cần phải lấy sự học hỏi, sự suy
nghĩ, sự tu tập mà tự tăng ích cho trí tuệ mình ".
Trí tuệ
Trí tuệ là nhận thức sáng suốt. Nghĩa là dùng chính
trí nhận hiểu, phân biệt chân tướng của sự vật rõ ràng xác
đáng. Không nhận giả làm chân, nhận hư làm thực. Không chấp
chặt thành kiến riêng của mình. Không theo cổ tục di truyền vô
nghĩa. Không mê theo những tà thuyết dị đoan trái chân lý.
Nói rõ hơn trí tuệ là sự hiểu biết, phân biệt
những cái giả cái thực, lẽ phải, lẽ trái, không bị a dua hay cảm
tình riêng biệt của cá nhân. Vì trí tuệ phải là sự kết tinh của
ba yếu tố chính lý :
a/ Tìm hiểu
Tất cả công việc muốn đạt tới kết quả như sự
mong muốn, đầu tiên phải có sự tìm tòi tỷ mỷ và phải có sự
sáng suốt phân biệt công việc ấy trên cơ sở của lý lẽ chân
chính. Như chính phủ, chính phủ vì dân, muốn cho người lao động có
một đời sống bảo đảm, Chính phủ phải có sự sáng suốt tìm
hiểu, xét thấy, nghe thấy những gì cần thiết trong đời sống của
họ, sau đó chính phủ mới đề cập đến đạo luật lao động.
b/ Suy nghiệm
Tất cả công việc gì được thực hiện cụ thể phải
trải bao thứ lớp của sự suy nghĩ và thể nghiệm ấy phải đúng
chính lý. Chính phủ đã đề cập tới đạo luật lao động, phải suy
đi xét lại mới có thể ban hành được.
c/ Thực hành
Qua bao sự tìm hiểu suy nghiệm nhưng phải thu công bằng
sự thực hành, thực hành trên chính lý. Đạo luật của Chính phủ
đã được đề cập, được suy nghiệm, tất nhiên phải được thi
hành trên toàn lãnh thổ. Nhưng chỉ khi nào nó được thích hợp
với tất cả nhân dân mới là kết quả tốt đẹp.
Cho nên với ba yếu tố chính lý trên đây, phải
được đặt để vào tất cả công việc, để tăng trưởng cho trí
tuệ. Nếu thiếu một trong ba yếu tố ấy tất nhiên sẽ được ít kết
quả, như trong Kinh Sa Di thập giới đã nói : " Học hỏi, xét nghe
mà không suy nghiệm thì như làm ruộng không gieo mạ. Suy nghiệm mà
không thực hành tu tập thì cũng như không tát nước, bừa cỏ,
rốt cuộc không có kết quả. Trái lại được đầy đủ thì được
chứng quả ".
Như thế chúng ta biết rằng : Trí tuệ không ở đâu
xa, nó ở ngay nơi học hỏi, tìm hiểu, suy nghiệm và thực hành của
chúng ta được đặt trên sự thực, trên chân lý mà có. Nó có
còn đâu là lỗi lầm, còn đâu là ham đắm phi lý, còn đâu là
chấp trược nhân ngã, còn đâu là mê tín nhãm nhí, mà nhất định
là tiến bộ và thành công. Vì nó là ngọn đuốc soi tỏ cho tất cả
ý nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta, để đem lại sự an vui
và hạnh phúc chân thật cho chúng ta.
" Được trí tuệ, đoạn tuyệt được các sở nghi
làm sáng tỏ các điều lành. Được trí tuệ, mới thoát ra khỏi
vòng sinh tử khổ não ".
Kinh Na Tiên Tỳ Khưu.
13.- BIẾT TINH TẤN
" Biếng nhác làm hệ lụy các hạnh ".
Kinh Bồ Tát Bổn Hạnh
" Nước chảy đá mòn ... "
Đức Phật dạy : " Ta hãy tinh tấn nổ lực thêm
lên để đạt mục đích cao thượng nào mà ta chưa đạt được, để
làm chủ các Pháp nào mà ta chưa có, để thực hành những đức
tính nào mà ta chưa thành tựu ".
" Siêng năng, tinh tấn thì không việc gì khó. Các
vị nên siêng năng tinh tấn. Giọt nước thường chảy có thể xuyên
thủng đá ".
Trước những công việc phức tạp giữa đời, nếu
chúng ta không tinh tấn không thành tựu gì hết, như lời Bác sĩ
Durvill nói : " Không cố gắng gì cả, tức là không có gì cả
".
Tinh Tấn
Tinh tấn là một tiềm năng linh động, quyết hướng
cầu đến chổ tinh thuần, hiểu biết thành tựu và giải thoát.
Tinh tấn là đem tâm trong sáng, tự tại hướng đến mọi công việc
dựa theo sự thật để đạt tới chổ Như Thật. Vì vậy, nên
tinh tấn có những hình tướng rộng rãi, bao trùm mọi ngành hoạt
động, từ lời nói, ý nghĩ đến việc làm : Nhà nghệ sĩ, nhà khoa
học, nhà chính trị, nhà tu hành ... muốn thành tựu lý tưởng, chí
nguyện, muốn điêu luyện tài nghệ, phụng sự nghệ thuật, muốn
thành đạo, cứu đời... không thể vượt qua hạnh tinh tấn. Hạnh
tinh tấn rất cần cho đời sống con người, nếu biết áp dụng nó .
a/ Đề phòng
Tất cả những lỗi lầm, những việc không hay, những
hạnh xấu cần phải tinh tấn gìn giữ đừng cho nó sinh khởi
b/ Diệt trừ
Nếu đã sinh khởi, cần phải tinh tấn, tìm mọi phương
tiện để diệt trừ, không để nó di truyền lại
c/ Phát sinh
Tất cả những điều hay, những tính hạnh tốt, những
công việc ích lợi cho mình, cho người, cần phải tinh tấn làm cho nó
phát sinh
d/ Tăng trưởng
Điều thiện phát sinh, luôn luôn phải tinh tấn làm cho
mỗi ngày một nảy nở hơn lên.
Chúng ta nhận thấy hạnh tinh tấn là một sức mạnh
trong sáng và hướng thiện để cải hóa tự thân, cải tạo hoàn
cảnh, hướng dẫn mình và người tinh tấn trên con đường sự
nghiệp và giải thoát. Chúng ta không nên thoái lui, không nên dừng
bước, không nên do dự, không nên chậm trễ một phút nào, một
giai đoạn nào trước những việc đáng làm của chúng ta. Chúng ta
sinh ra để hoạt động, đã hoạt động, chúng ta phải hoạt động
đúng với mục đích cao cả của nghĩa sống. Chúng ta thực hành hạnh
tinh tấn trên tất cả mọi phương diện, trong tất cả mọi trường
hợp, nếu chúng ta muốn thành tựu về tất cả.
Vậy trước khi bắt tay vào công việc, chúng ta hãy
nhận thêm những lời đanh thép của một bác sĩ Tây phương nói :
" Chúng ta quyết chiến đấu, phầân may mắn sẽ thuộc về chúng ta.
Vì nó không phải là một thực thể hay dời đổi, nó chỉ vâng
lời những ai biết muốn. Khi nào chúng ta có thể điều khiển nổi
tư tưởng của chúng ta thì khi ấy chúng ta hấp dẫn được nó,
chúng ta hấp dẫn nó cũng như đá nam châm hút kim chỉ nam vậy ".