IV.- GIÁ TRỊ CON
NGƯỜI
" Chân giá trị của ta làm cho ta thành vĩ nhân,
chứ không phải là địa vị do ta tình cờ chiếm được ". Conwell
Giá trị con người một phản ảnh trung thành của địa
vị con người, sau khi địa vị ấy đã biến thành sự thật.
Đối với đạo Phật, từ trước tới nay vẫn thừa
nhận giá trị đặc biệt của con người, một giá trị kèm theo với
hình thể và đặc tính của nó. Nhưng, chỉ khi nào con người biết
thực hiện đúng với chân nghĩa của con người.
Ngược lại dòng nhận xét tổng quát về vấn đề con
người, chúng ta đã ý thức được rằng con người có một địa
vị đặc biệt trong vũ trụ, cũng như trong đạo Phật. Đã có một
địa vị đặc biệt tất nhiên phải có một giá trị đặc biệt. Mà
giá trị ấy không phải tìm tòi xa xăm, chỉ tìm ngay trên lời nói,
ý nghĩ và việc làm của con người.
Căn cứ vào Khế Kinh nói, giá trị ấy có thể khái
quát trong những đề mục dưới đây :
1.- GIÁ TRỊ HƠN MUÔN LOÀI
" Không có gì giá trị bằng giá trị của sự biết
xứng đáng với địa vị của mình ".
Kinh Ưu Bà Tắc nói : " Trong tất cả các loài, con
người đủ điều kiện hơn, như về trí khôn chẳng hạn. Nhất là
hoàn cảnh con người không quá khổ như địa ngục, không quá vui như
thiên đường và không ngu si như thú vật ".
Thật thế, giáo lý mầu nhiệm ấy là một chứng tích
làm cho chúng ta nhận được chân giá trị của con người :
Trí khôn con người hơn muôn loài
Nhờ có trí khôn, con người mới tạo thành xã hội
ngày nay. một xã hội được tổ chức về mọi mặt, biết dùng sức
lực người hoặc sáng chế ra máy móc, khai khẩn đất đai, trồng
trọt hoa mầu, đem lại nguồn kinh tế dồi dào, để cung dưỡng cho con
người; biết dệt may quần áo, chế hóa thuốc men, để cho thân khỏi
rét và khỏi đau yếu; biết làm nhà cao ráo để trú ẩn khi nắng
mưa; biết chế tạo xe tàu để đi lại tiện lợi; biết dựng đặt
pháp luật để bảo vệ sự sống, đem lại an ninh cho xã hội. Và,
còn nhiều vật dụng cần thiết cho xã hội đều do trí khôn con
người phát xuất. Cho nên cổ nhân đã nói : " Nhân linh ư vạn
vật ", phải chăng từ cổ nhân cũng đã trực tiếp công nhận
giá trị ấy.
Hoàn cảnh con người là hoàn cảnh trung bình
Theo giáo lý đạo Phật, thế giới này chỉ là một
trong muôn vàn thế giới khác và cùng trong định luật : thành, trụ,
hoại, không, cùng nhịp nhàng trong bản thể vô biên.
Chiếu theo nghiệp lực nhân quả dưới con mắt giác
ngộ của đức Phật, những thế giới ấy, thế giới phàm tục, có
thể phân làm 6 loại :
1/ Trời : ( Deva, Sura ) : Thế giới tương đối có một
hình thế tốt đẹp, khí hậu thanh khiết, phẩm vật thiên nhiên, con
người đẹp đẽ, sống lâu hơn loài người và có nhiều sự khoái
lạc.
2/ A Tu La ( Asura ) : Thế giới có một hình thế, một
thân thể, một đời sống và sự nhu cầu gần như cõi trời, nhưng
hay giận, hiếu chiến và đam dâm.
3/ Người ( Manusya ) : Thế giới trung bình, không đẹp
lắm, không xấu lắm, không sướng lắm, không khổ lắm và cũng
không thọ lắm, không yểu lắm.
4/ Địa ngục ( Narska, Niraya ) : Thế giới chịu sự đau
khổ nhiều nhất. Tất cả hình thể, nhu dụng và khí cụ đều chứa
bằng đau khổ
5/ Ngạ quỷ ( Preta ) : Thế giới có những vật thể
xấu xa, tiều tụy, luôn luôn bị thiếu đói, không được hưởng
chút no nê, vui vẻ.
6/ Bàng sinh hay súc sinh ( Tiryagyoni ) : Thế gới có
những sinh vật chịu thân hình đi ngang, ăn uống vất vả, mang chở
nặng nề, ngu si, mê muội và đôi khi phải hiến thân mệnh cho những
động vật khác.
Do đó, chúng ta nhìn về đại thể của xã hội loài
người, nếu đem so sánh với muôn loài thì chứng tỏ con người có
một giá trị trung bình, tuy rằng trong hoàn cảnh ấy cũng có khi nó
lấn sang địa hạt của các loài khác do tâm niệm và hành vi của cá
nhân.
Chúng ta hãy tạo lấy hoàn cảnh và cải tiến hoàn
cảnh của chúng ta.
Có thân con người là do nghiệp nhân tác thành
Đức Phật dạy : " Nay được thân con người là
do trước đây đã thực hành năm điều răn :
1/ Không sát sinh : Tất cả các sinh vật có thân mệnh
do sắc, tâm giả hợp đều có thức tính, biết ăn uống, biết vui
sống, sợ chết, nên từ loài cao đẳng động vật cho đến loài côn
trùng nhỏ bé chúng ta đều không nên sát hại. Không sát hại nhưng
còn phải đem lòng nhân từ giúp chúng sinh.
2/ Không trộm cắp : Đã có thân mệnh quyết nhiên
phải hoạt động lấy những vật dụng để nuôi dưỡng và gìn giữ
sự sống là nguyên tắc chung của tất cả mọi người. Đã là
nguyên tắc chung thì của người nào thuộc người ấy chúng ta không
nên đem tâm trộm cắp. Và có khi còn tùy hoàn cảnh của mình bố
thí cho người khác.
3/ Không tà dâm : Đã là sinh vật thoát thai từ lòng
tham ái, tất nhiên nó lại tiếp nối, sinh khởi ra lòng tham ái, nên
phải có gia đình, trừ những ai cương quyết thoát ly nó. Có gia
đình là để phân biệt với gia đình trên vấn đề sinh lý và hạnh
phúc, cho nên không ai nên làm hạnh tà dâm. Nghĩa là không nên có
hành vi ngoại tình mà phải giữ hạnh thanh tịnh.
4/ Không nói dối : Cùng chung một xã hội, cùng sống
trong hoàn cảnh cần sống và phải sống, vì vậy không ai nên dùng
những lời nói dối trá, thêu dệt, lật lường và ác độc. Trái
lại, chỉ dùng những lời nói thật thà, ngay thẳng, thành tín
vàhoà dịu.
5/ Không uống rượu : Rượu là một chất kích thích
mạnh, nó làm tiêu hao cơ thể, não loạn tâm thần, mê mờ trí tuệ,
hay sinh ra những việc bất lương, cho nên chúng ta không nên uống
rượu. Không uống rượu thì trí tuệ được minh mẫn đủ nghị lực
kiềm chế thân tâm và làm những việc phải đạo.
Đó là những nghiệp nhân tác thành để sinh vào
thế giới con người. Đó là một giá trị trong hành vi của con
người đủ bảo đảm cho hình thể và đặc tính của con người tương
đối hơn muôn loài. Vì, nếu không có nghiệp nhân, tất nhiên không
có con người. không có con người còn đâu có trí khôn hơn muôn
vật và được ở trong hoàn cảnh trung bình, cho nên " nghiệp
nhân là động cơ tác thành cho tất cả ".
Như thế giá trị con người ở ngay trong địa vị con
người. Con người là trung tâm điểm đối với muôn loài do nghiệp
nhân, hoàn cảnh và trí khôn kết thành. Chúng ta là một phần tử
trong xã hội loài người, chúng ta phải mặc nhận giá trị đặc biệt
ấy và chúng ta sẽ chứng tỏ trên việc làm hàng ngày của chúng ta
là " trên và hơn tất cả ". Vậy, hàng ngày chúng ta nên
nhớ câu : " Bạn hãy lại đây và nhìn thẳng vào con đường
của bạn ".
2.- GIÁ TRỊ TRONG XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI
" Thân ta là một phần tử trong xã hội, vậy mỗi
việc của ta làm cũng phải giúp được cho sự sinh hoạt của xã
hội "
Marc Aurèle
"Đem thâm tâm phụng sự chúng sinh, là báo đáp
hồng ân chư Phật "
Con người không thể sống đơn độc mà phải sống
chung cùng với xã hội và phải đem năng lực của mình hướng vào
việc xây dựng xã hội. Vì, xã hội là một khối kết hợp do nhiều
cá nhân, nên sự sinh hoạt của cá nhân đều có quan hệ với
đoàn thể. Tất cả tổ chức xã hội đều do con người phát sinh và
đều phát sinh vì con người. Năng lực con người chi phối toàn diện
xã hội. Ông Hồ Thích viết : " Sinh mệnh của xã hội không kể
xét về chiều ngang hay chiều dọc đều giống một cái máy có tổ
chức. Xét về chiều dọc thì lịch sử xã hội không ngừng. Người
trước ảnh hưởng đến người sau, người sau ảnh hưởng đến
người sau nữa. Không có cổ nhân ta và vô số cổ nhân thì làm
sao có bạn và tôi ngày nay, thì làm sao có người đời sau. Không
có cá nhân vô lượng số đó thì không có lịch sử. Nhưng, không
có lịch sử thì vô lượng số cá nhân đó cũng không có hình
dáng ấy. Xét về chiều ngang thì sự sinh hoạt của xã hội ảnh
hưởng lẫn nhau. Cá nhân tạo thành xã hội, xã hội tạo thành cá
nhân. Sự sinh hoạt của xã hội toàn là nhờ sự sinh hoạt của cá
nhân không kể là khác nhau ra sao, đều không thoát khỏi ảnh hưởng
xã hội. Nếu không có xã hội như thế thì quyết là không có bạn
và tôi như thế. Nếu không có vô số bạn và tôi thì xã hội
quyết không như thế ".
Do đó, chúng ta nhận thấy trên lý thuyết cũng như
trên sự thực, dù là thời gian hưũ hạn hay vô hạn, con người
vẫn có một giá trị đặc biệt trong xã hội loài người. Một
người không có thể thiếu cơm ăn, áo mặc, nhà ở, thuốc men, học
vấn và vật dụng. Một người cũng không tự làm đủ để cung cấp
cho riêng mình. Nhưng, cũng không thể có được ở ngoài sức lực
con người. cho nên Bà Hội trưởng hội Ái hữu Phật giáo Pháp
cũng viết : " đời sống của kẻ khác luôn luôn có liên lạc
với đời sống riêng của mình ".
Mỗi hành động là một lợi khí
Thật thế, mỗi hành động của con người là một
lợi khí có quan hệ đến xã hội loài người hoặc hay hay dở. Con
người có thể làm cho xã hội trở thành một xã hội hưng thịnh,
nhân loại sung sướng và cũng có thể biến tạo thành xã hội suy
đồi, nhân dân đau khổ.
" Một nhà làm điều nhân, điều nhân ấy có ảnh
hưởng hưng thịnh cho cả nước " thực là lời khuyên của Thánh
nhân có đầy đủ ý nghiã lợi ích cho xã hội loài người tưởng
không phải nho.
Vậy, với giá trị và điạ vị con người trong xã hội
loài người là giá trị trung tâm điểm, giá trị chủ nhân ông. Khi
nào con người hiểu biết giá trị con người, tôn trọng giá trị con
người, lấy chủ nghiã con người làm chủ, thì năng lực tác động
của con người sẽ là năng lực tiến hoá giúp cho xã hội loài
người tiến đến văn minh, hòa bình chân thật.
Được thế, trước khi cảm nhận giá trị ấy, chúng ta
hãy bắt chước lời nói sau này của một Phật tử Tây phương,
để làm châm ngôn cho chúng ta : " Con người tự đổi mới, hay
đúng hơn con người luôn luôn tự mình đổi mới lại mình trong tất
cả thời ".
3.- GIÁ TRỊ TRONG SỰ TIẾN HÓA
" Trí tuệ là sự nghiệp "
Kinh Bát Đại Nhân Giác
Tiến hóa là một công dụngï luôn luôn thay đổi và
tăng tiến, do trí tuệ làm động cơ.
Khế Kinh nói : " Loài người mau tiến bộ và tiến
hoá hơn cả.Thực tế cho chúng ta thấy con người rất dồi dào về
tư tưởng tiến bộ và tiến hoá. Mới thời nào con người còn
sống trong thời đại nguyên thủy dã man ăn lông ở lỗ, gài lá che
thân, thời đại này, trải bao kinh nghiệm trong các từng lớp thời
gian, đã đem lại cho xã hội một nền văn minh vật chất cực thịnh,
tuy rằng trong đó vẫn còn nhiều khuyết điểm. Chính do sự tiến hóa
ấy, đã giúp cho con người được hưởng một đời sống sung
sướng hơn, hình thức mới mẻ hơn, sống gần nhau hơn...
Nhưng, sự tiến hóa ấy vẫn chưa tránh khỏi được
sự thiếu chân thật, khiến tự nó lại trở thành sự thoái hóa
trá hình, hiện thân của dục vọng, trở thành một sức phá sản
ghê gớm trong sự sống, quyền sống của con người, mà sự thật
đã chứng minh và đã đem lại nhiều lời than tiếc tự đáy lòng
các Bác sĩ, triết học Tây phương :
_ " Nếu các nhà Bác học của thế kỷ trước chịu
khó nghiên cứu tâm hồn người thì văn minh không có một cục
diện khủng hoảng như ngày nay ".
_ " Hết thảy cơn khủng hoảng trong thời cận đại
đều do tinh thần không đuổi kịp vật chất trên con đường tiến bộ
của nhân loại "
_ " Nguồn gốc thảm họa của chiến tranh là sự tham
danh lợi quá nặng nề của nhân loại ".
Vì thế, đạo Phật luôn luôn tôn trọng giá trị tiến
bộ và tiến hóa của con người nhưng, phải là một giá trị tiến
hóa được đặt trên cơ sở hiểu biết chân chính, chính tri kiến.
Có hiểu biết chân chính mới hướng dẫn hành động chân chính, có
hành động chân chính mới có kết quả của sự tiến hóa chân
chính vĩnh viễn được.
Ta là người
Nếu con người từ trước tới nay đều hiểu rằng :
Ta là người . Ta là một phần tử trong xã hội loài người, cùng
sinh sống trên trái đất con người, cùng có một giá trị như nhau
và có sự quan hệ mật thiết với nhau về mọi mặt. Ta phải dạy
bảo nhau, giúp đỡ nhau tiến bộ. Ta đem những tư tưởng, sáng kiến
của ta tạo thành những khí cụ phá rừng núi khai khẩn hầm mỏ,
điền địa đem lại nền kinh tế sung túc cho xã hội. Ta chế tạo nhiều
thứ tối tân để thay thế cho sức lực con người bớt sự nặng
nhọc, được hưởng sự sung sướng tự do...thì, đâu còn nạn giai
cấp đấu tranh, đâu còn lao tù khổ sở, đâu còn khí giới nguyên
tử, khinh khí để giết hại, khiến cho sự chết chóc, điêu linh quá
sức tưởng tượng như ngày nay, mà vẫn được khoác những màu
áo " dân chủ, hòa bình, tự do, hạnh phúc ? "
" Muốn bình thiên hạ hãy bình tâm địa trước
đã ! "
Đó là lời cảnh cáo sâu sa cho những ai có tham
vọng bất chính mà Đức Phật đã nói trong Khế kinh.
Như thế, chúng ta đã nhận chân giá trị tiến hóa
của con người trong đạo Phật. Giá trị ấy không phải là viễn
vông, nó có trên hành động của con người biết hướng về đoàn
thể bằng sự lợi ích chân thật. Vậy, nơi đây chúng ta có thể
nói : " Con người nào đã lìa bỏ được lòng ố nhân và giải
đãi là người đó đã giải thoát và tiến bộ ".
Tóm lại, chỉ có con người mới đủ những giá trị
đặc biệt như trên. Giá trị ấy căn cứ trên hành vi tạo tác tiếp
nối của con người, nhưng nó không nghiêng về dục lạc hay đau khổ
mà nó phải được như lời ông A.Huxley nói : " Người ta xin
chúng ta một điều là " trở nên người "...
Một người mà anh nên hiểu là không phải thần minh
cũng không phải quỷ sứ. "
Cũng giá trị ấy, nó sẽ đem lại cho xã hội một
trạng huống vui vẻ, hạnh phúc chân thật, do năng lực của con
người, đã được chứng tỏ trong lời khuyên : " Thiên hạ
cũng như một tấm gương phản chiếu hình ảnh của anh... thiên hạ sẽ
tươi cười với anh, nếu anh tươi cười...". Và, được thế
mới nêu tỏ được địa vị đạo Phật đối với con người như ông
Sinett người Anh đã viết : " Đạo Phật tôn trọng tự do ý chí
với tất cả chân giá trị của nó trong phạm vi hoạt động rất rộng
rãi và với giới hạn chủ quyền hoàn toàn ".