....Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt....

   

...... ... ..  . ..  .  .

 Sàntideva

(Tôn giả Tịch Thiên)

Bodhicaryàvatàra
NHẬP HẠNH BỒ TÁT

 

 

 Việt dịch:  Nguyên Hiển

  

HỘI PHẬT HỌC PHỔ MINH

PHẬT LỊCH 2549-2005

 *  Thân tặng các thành viên và ân nhân của Giao Điểm Foundation * 

 

 

CHƯƠNG CHÍN

 TRÍ TUỆ

 

 

DÀN BÀI

 

 I. Người cầu giải thoát cần có tuệ giác về Không (kệ số 1)

 II. Triển khai :

 

 A. Hai chân lý (kệ số 2-5)

 

(a) Phá chung các lập trường chấp thật Hữu (kệ số 6-15)

 

(b) Phá Tự chứng phần của Duy thức (kệ số 16-29)

 

(c) Trả lời chất vấn (kệ số 30-39)

 

  B. Bát nhã Tánh Không là do Phật thuyết (kệ số 41-55)

 

(a) Tu nhân vô ngã

 

 1. Phá cảnh câu sanh ngã chấp  (kệ số 56-59)

 2. Phá cảnh biến kế ngã chấp :(1) Phá phái Số luận (kệ số 60-67) ;(2) Phá phái Lý luận (kệ số 68-69) ; ( 3) Trả lời chất vấn (kệ số 70-77)

 

(b) Quảng thuyết Pháp vô ngã

 

 1. Từ Bốn niệm xứ:thân, thọ, tâm, pháp (kệ số 78-105)

 

 2. Trả lời chất vấn (kệ số 106-115)

 

 3.  Nhân để thành lập pháp vô ngã : (1) Phá Vô nhân luận (kệ số 116-117) ; (2) Phá Thường nhân luận (kệ số 118-137) ; (3) Trả lời chất vấn (kệ số138-142)

 

 4. Thành lập Duyên Sinh, phá hữu vô (kệ số 143-150)

 

III. Khuyến tu Tánh Không (kệ số 151-167)

  

1. Tất cả điều quan yếu

Phật dạy về trí tuệ

Muốn bỏ khổ thế gian

 Phải sinh Tuệ liễu Không

 

 

2. Tục đế thắng nghĩa đế

Hai đạo đế thế gian

 Thắng nghĩa đế không cảnh

 Thấy cảnh là tục đế

 

3.  Hiểu thế gian nhị chủng

Thiền gia liễu nhất thừa

 Nhất thừa thiền gia đạo

 Phá đối đãi thế gian

 

4.  Thế gian tuệ sai biệt

 Để giảng nghĩa tối thượng

 Cho người chưa nhìn thấu

 Phải nói dụ nhị chủng

 

 

5.  Người đời thấy tục đế

Chấp đối dãi thực có

 Không phải là huyền ảo

 Như tuệ giác thiền gia

 

 

6.  Thấy sắc muôn cảnh hiện

 Trí lượng không danh xưng

 Tất cả đều giả lập

 Như thấy uế và tịnh

 

 

7. Giúp thế nhân hiểu đạo

 Phật giảng Pháp vô thường

 Không như người đời thấy

 Tuổi sát-na là thực

 

 

8. Cũng tựa như người đời

 Thấy được sự tịnh uế

 Thiền gia thấy chẳng lầm

 Thực tướng của muôn pháp

 

 

9. Chấp có Phật sinh huyễn đức

 Giác như thực ấy Phật đức

 Loài hữu tình nếu như huyễn

 Chết rồi sinh về đâu?

 

 

10. Huyễn duyên còn phối hợp

 Thì huyễn cảnh còn sinh

 Nếu ở mãi trong huyễn

 Hữu tình thật có sao?

 

11. Sát sinh và bố thí

 Vô tâm không tội phước

 Nếu phát khởi tâm huyễn

 Tội phúc huyễn liền sinh

 

 

12. Khi nhân duyên đầy đủ

 Muôn huyễn vật hiện ra

 Chữ “Vô” công năng lớn

 Huyễn tâm thôi hết sinh

 

 

13. Tạo nhân là sinh quả

 Cảnh huyễn tất phải có

 Thắng nghĩa đế, Niết Bàn

 Tục đế luân hồi mãi

 

14. Nếu Phật có luân hồi

 Bồ đề hạnh ích chi?

 Chỉ một duyên chưa dứt

 Huyền cảnh chẳng sao diệt

 

15. Muôn duyên đà đoạn dứt

 Kết cục còn gì sinh?

 Loạn thức đã không còn

 Duyên nào tạo huyễn cảnh?

 

 

16. Nếu ngoài tâm không có cảnh,

  Thì tâm thức duyên cái gì?

 Dù ngoại cảnh không thực có

 Cảnh tượng hiện là tâm thể

 

17. Nếu huyễn cảnh tức là thức

 Thì cái gì thấy cái gì?

 Đức Thế tôn đã từng dạy:

 Tâm không thể tự thấy tâm.

 

18. Như dao không thể tự cắt

 Tâm không thể tự quán tâm

 Ví như ngọn đèn tự chiếu

 Tâm cũng tự biết tâm

 

19. Bóng tối không che ánh sáng

 Thủy tinh thật không có màu

 Lưu ly xanh là tự xanh

 Không nương màu của vật khác

 

20. Như thế ta cũng phải thấy

 Màu tự có, không nương gì

 Vì màu xanh của lưu ly

 Thì không phải nay mới xanh

 

21. Nếu nói tâm thức liễu tri

 Có thể nói đèn tự chiếu?

- Do cái gì để nhận biết

Mà nói tâm tự chiếu?

 

22. Vì không thức nào thấy tâm

 Nên chiếu hay không chiếu

 Đều không đặt thành vấn đề

Như vẽ đẹp của thạch nữ.

 

23. Nếu tâm không hiện hữu

 Làm sao nhớ chuyện cũ?

- Tâm cảnh có tương quan

Nên nhớ lại cảnh xưa.

 

24. Người có tha tâm thông

 Thấy tâm thức người khác

 Có thấy rõ tâm mình?

- Khi nước phép bôi mắt,

Thấy được kho tàng sâu

Nhưng không thấy được thuốc

 

25. Ở đây không nên tranh cãi

 Thấy nghe của mình, của người

 Điều cần ngăn chận chính là

 Sự cố chấp chúng có thật

 Nguyên nhân đem lại đau khổ

 

26. Huyễn cảnh không nằm ngoài tâm

 Cũng không đồng nhất với tâm

 Nếu huyễn cảnh là có thực

 Sao nó lại không khác tâm?

 Nó đã không khác, tất nhiên

 Nó phải không thực hiện hữu.

 

27. Nếu huyễn cảnh đã không thực

 Tâm năng kiến cũng không thực

 Hiện hữu sinh tử luân hồi

 Phải nương vào thật pháp (chân tâm)

 Nếu không, chẳng khác hư không.

 

28. Nếu phi thực tùy thuộc

 Vào một cái thực thể

 Làm sao có tác dụng (nghiệp và quả)

- Tâm không cảnh trợ duyên

Thành thực thể đơn độc

 

29. Nếu tâm lìa đối tượng

 Chúng sinh đều thành Phật

 Thành lập nghĩa Duy Thức

 Cứu cánh ích lợi gì?

 

30. Biết tất cả pháp như huyễn

 Làm sao dẹp hết phiền não

 Nhà huyễn sư tạo huyễn nữ

 Rồi đâm ra say mê sao?

 

31. Huyễn sư đối với pháp sở tri

 Chưa hoàn toàn từ bỏ tham ái

 Tập quán thấy Tánh Không quá yếu

 Trông thấy huyễn nữ, sinh luyến ái

 

32. Nhờ quen tu tập Tánh Không

 Sẽ trừ thói chấp sự vật

 Là thực sự có hiện hữu

 Do tu tập vô sở hữu

 Cũng đoạn trừ được chấp không

 

33. Khi quán sát các pháp

 Thấy không pháp nào có

 Không pháp nào tồn tại

 Sự phi thực cũng không,

 Không còn ở trong tâm

 

34. Trong tâm thực không còn

 Tồn tại pháp hay phi pháp

 Không còn duyên bên ngoài

 Tâm hoàn toàn vắng lặng

 

35. Cây ngọc như ý vô tâm

 Làm thỏa mãn mọi ước nguyện

 Chư Phật vì do nguyện lực

 Có thể hiện thân thuyết pháp

 Tạo phước đức cho chúng sinh

 

36. Như có người xây tháp

 Chim đại bàng khắc độc

 Tuy ông ta chết đi

 Tháp vẫn còn trị độc

 

37. Tùy hạnh Bồ tát tu

 Viên thành Thân Phật bảo

 Dù Ngài đã nhập diệt

 Vẫn còn tiếp tục làm

 Lợi lạc chúng hữu tình

 

38. Cúng dường vật vô tri

 Như tháp Phật, có được

 Hay không được công đức?

 Kinh dạy công đức cúng

 Phật sống hay xá lợi

 Là hoàn toàn giống nhau

 

39. Dù theo tục đế hay

 Có theo thắng nghĩa đế

 Sự cúng dường đều được

 Quả báo giống như nhau

 Như khi cúng Phật sống

 

40. Nhờ kiến đế, cũng đủ giải thoát

 Cần gì phải thấy rõ Tánh Không?

 Kinh Bát Nhã dạy nếu không có

 Tuệ giác Bát Nhã liễu tri không

 Thì không thực sự có Giác ngộ

 

41. Nếu đại thừa không đáng tin

 Sao tiểu thừa lại đáng tin

 Hai phái đều cùng xác nhận

 Đúng lời Đức Thế tôn dạy

 Lúc đầu, các ông không nhận

 Đại thừa không phải Phật thuyết?

 

42. Cái lý do ông tin kinh

 Cũng giống chúng tôi tin kinh

 Nếu ông tin là chân lý

 Khi có hai người đồng tin

 Thì Vệ đà phi Phật giáo

 Cũng đáng tin nhận hay sao?

 

43. Đại thừa bị tranh cãi

 Ngoại đạo cãi A hàm

 Vậy, hễ có tranh cãi

 Là nên hủy bỏ sao?

 

44. Hễ kinh nào nhập tạng kinh,

 Đều được xem là Phật thuyết

 Vậy ba tạng đại thừa sao

 Không được chấp nhận Phật thuyết?

 

45. Nếu không hiểu một bộ kinh (Bát Nhã)

 Mà phủ nhận kinh Đại thừa

 Sao không vì một bộ kinh

 Giống như kinh tiểu thừa mà

 Thừa nhận hết kinh Đại thừa?

 

46. Các thánh tăng như Đại Ca Diếp

 Tất hiểu được kinh Đại thừa

 Nhưng vì các ngài không hiểu

 Chắc đấy không phải lời Phật !

- Rằng: Đại thừa vô cùng thâm thúy

Các bậc thánh cũng khó thấu triệt

Đâu có thể vì ông không hiểu

Mà gạt phăng giáo lý Đại thừa !

 

47. Nếu giáo lý Phật cốt dành cho

 Chư tăng, A-la-hán (Tiểu thừa)

 Thì Thánh tăng cũng khó ở đời

 Người mà tâm còn duyên các pháp

 Cũng khó mà an trú Niết bàn

 

48. Mặc dù không hiểu Tánh Không

 Họ giải thoát nhờ đoạn trừ

 Tất cả phiền não hiện hành

 Sự thật là những vị ấy

 Tuy không còn phiền não nữa

 Song các chủng tử vẫn còn

 Công năng nghiệp cũ tương tục

 

49. Song vì không còn ái thủ

 Nên sẽ không thọ thân sau

 Vì không nhiễm ô khát ái

 Cũng không nhiễm vô minh

 Sao họ lại không tái sinh?

 

50. Do duyên thọ, ái sinh

 La hán chỉ đoạn phiền não

 Hiện hành, nhưng vẫn còn thọ

 Vì tâm thức còn duyên pháp

 Nên còn cảm thọ bên trong

 Khi còn chấp pháp thật hữu

 

51. Xa lìa Tuệ quán Tánh Không

 Phiền não dù tạm thời diệt

 Chúng vẫn còn sinh trở lại

 Như trong vô tưởng định

 Các phiền não tạm lắng

 Ai muốn chấm dứt khổ

 Phải tu quán Tánh Không

 

52. Bồ tát hết tham ái sợ hãi

 Vận dụng đức từ bi trí tuệ

 Trở lại ở trong vòng sinh tử

 Cứu độ thống khổ do vô minh

 

53. Chớ nên vì không hiểu Tánh Không

 Mà tùy tiện bài bác chê bai

 Nên chấm dứt tất cả nghi hoặc

 Đúng như lý tu tập Tánh Không

 

54. Tánh Không có thể chữa trị

 Phiền não chướng, sở tri chướng

 Sao người muốn mau thành Phật

 Không chịu thiền quán Tánh Không?

 

55. Chấp thật hữu sinh đau khổ

 Ấy mới là điều đáng sợ

 Sao lại sợ quán Tánh Không

 Làm lắng dịu mọi thống khổ

 

56. Nếu thực có một bản ngã

 Còn có lý để lo sợ

 Nhưng vì không có ngã

 Ai ở đấy mà hãi sợ !

 

57. Răng, tóc, móng không phải ngã,

 Ngã cũng không là xương máu

 Cũng không phải đàm, mũi, nước

 Cũng không phải mật hay thịt

 

58. Ngã không phải là mỡ

 Mồ hôi hay phổi gan

 Ngã không phải phân tiểu

 Bất cứ nội tạng nào

 

59. Thịt da không là ngã

 Nhiệt mạch khí phi ngã

 Trăm lỗ trong cơ thể

 Hay sáu thức cũng vậy

 

60. Nếu thức nghe là thường trú

 Đáng lẽ phải luôn luôn nghe

 Nếu không âm thanh để nghe

 Sao nó được gọi là nhĩ thức

 

61. Nếu khi không có thức (về âm thanh)

 Mà vẫn có thể biết (âm thanh )

 Thì khúc gỗ cũng biết (nghe tiếng)

 Ta có thể khẳng định

 Nếu không có đối tượng

 Cũng không có cái biết

 

62. Khi không có âm thanh

 Thường ngã lại biết sắc?

- Nếu thế sao lúc đó

Tai ta lại không nghe

- Nếu không có tiếng gần

Thức cũng không lúc đó

 

63. Lúc đó thức biết thanh

 Chuyển thành ra biết sắc?

- Nhận thức về âm thanh

Sao thành thức về sắc được?

- Như người thành cha, con

- Một người vừa là cha

Vừa là con, chỉ là

Hư giả, không chân thực.

 

64. Ba đức tính vui, buồn, si

 Không hẳn là cha hay con

 Ba đức ấy không sẵn có

 Tánh chất nhận thức âm thanh

 

65. Như một người đóng nhiều vai

 Thì thanh thức cũng biết sắc

- Dưới nhiều trạng thái khác nhau

Thức không thể là trường cữu

- Nếu nhất thể mà đa dạng

 Thì điều ấy chưa từng có

 

66. Nếu có các sắc thái

 Khác nhau là phi chân

 Thì bản chất là gì?

- Nếu thức là bản chất

Đồng nhất và thực hữu

Thì chúng sinh là một !

 

67. Tâm và vô tâm là một

 Vì cùng trường tồn, thực hữu?

- Sai khác đã là vọng rồi

Làm sao có cùng chỗ nương?

 

68. Vô tâm cũng không thể là ngã

 Vì vô tâm cũng như cái bình

 - Mặc dầu bản chất là vô tri

 Khi có cảnh, tâm bèn hay biết

- Điều này phi lý, khi tư ngã

Mà hay biết, thì vô tri diệt

Không trường cữu như ông chủ trương.

 

69. Nếu ngã là thường hằng bất biến

 Tâm có ích gì đối với nó?

- Nếu ngã vô tri, lìa tác dụng

Thì hư không cũng là ngã vậy.

 

70. Nếu ngã không thật có

 Nghiệp quả thành phi lý

 Nghiệp tạo xong đã mất

 Còn ai chịu hậu quả?

 

71. Tạo nghiệp và thọ quả

 Lúc thọ quả báo thời

 Người tạo nghiệp đã mất

- Chúng ta cũng công nhận

Vậy còn gì tranh luận?

 

72. Gieo nhân, không thể nào

 Đồng thời thấy được quả

 Phật dạy dòng tương tục

 Cuộc đời của chúng sinh

 Ai làm thì nấy chịu

 

73. Tâm quá khứ, vị lai

 Đều không, không phải ngã

 Nếu tâm sinh là ngã

 Khi diệt, không còn ngã

 

74. Dùng tuệ quán tra tìm ngã

 Thì sẽ thấy nó không thật

 Rỗng không như thân chuối cây

 

75. Nếu hữu tình không thật có

 Thì khởi tâm thương xót ai?

- Người lập thệ thành Phật đạo

Giả lập chuyện hư huyễn đó.

 

76. Nếu không người ai chứng quả?

- Tâm còn si, nếu còn thấy

Có đắc, có chứng quả Phật

Vì muốn dứt khổ chúng sinh

Không nên từ bỏ tâm ấy.

 

77. Ngã mạn gây ra thống khổ

 Mê muội về ngã càng tăng

 Nếu không thể năng trừ nó

 Quán vô ngã là tốt nhứt

 

78. Thân thể không là bàn chân

 Đùi, vế, eo bụng, lưng ngực

 Vai v.v. chẳng phải thân.

 

79. Sườn tay không phải thân thể

 Nách, gáy, nội tạng cũng không

 Đầu, cổ đều không phải thân

 Vậy cái gì thực là thân?

 

80. Nói thân thể mọi thành phần

 Ở cùng khắp mọi phương

 Là sai vì mỗi thành phần

 Ở vị trí riêng của nó,

 Còn thân thể ở chỗ nào?

 

81. Nếu toàn bộ thân ta

 Ở trong mỗi thành phần

 Có bao nhiêu phần tử

 Phải có bấy nhiêu thân

 

82. Nếu bên trong ngoài không thân,

 Thì làm sao bàn tay v.v…...

 Lại có một cái thân được?

- Ngoài tay v.v.. không có gì khác,

Làm sao có thân thể kia?

 

83. Vậy thân thể không thật hữu,

 Vì ngu mê nên thấy lầm

 Chấp tay, thân v.v. làm thân thể

 Như trong tối, thấy đống đá

 Thành hình dạng một thân người

 

84. Bao lâu duyên còn tụ họp

 Khiến thấy đống đá giống người

 Bao lâu tay chân v.v. vẫn còn

 Còn thấy dường như có thân

 

85. Các ngón hợp thành bàn tay

 Chứ bàn tay là cái gì?

 Các vật họp thành tập hợp

 Hợp là giả vì chia phần

 

86. Phần tử chẻ thành vi trần

 Vi trần chia thành phương trần

 Phương trần không thực tồn tại

 Lại cũng giống như hư không

 

87. Người có trí sao còn

 Tham thân mộng ảo này

 Thân đã không thực có

 Sao có tướng nam nữ

 

88. Nếu khổ thọ là thật,

 Sao có lúc rất vui?

 Nếu lạc thọ là thực?

 Sao lại có sầu não?

 Thức ăn nuốt chẳng trôi?

 

89. Nếu bảo vì khổ quá đau,

 Nếu không cảm nhận lạc thọ,

 Cũng không thể đúng vì là

 Cái gì chưa vào thân tâm

 Sao lại gọi là cảm thọ?

 

90. Nó vẫn là cảm thọ

 Như trong khi rất vui

 Vẫn có cái buồn nhỏ

- Không phải vui lớn đã

Trừ khử buồn nhỏ sao?

- Chút khổ, là vui nhỏ

Vậy, sao gọi là khổ?

 

91. Nếu bảo cảm thọ khổ

 Không thể sinh trong tâm

 Khi đang sinh thọ khác

- Điều này không đứng vững

Không phải chấp lầm sao?

 

92. Cần tu tập tuệ quán

 Thấy rõ các pháp không

 Trong thửa ruộng quán tuệ

 Tăng trưởng tuệ thiền gia

 

93. Nếu giữa căn và cảnh

 Thật có một khoảng cách

 Thì làm sao gặp nhau?

- Nếu không có ngăn cách

Thì căn, trần thành một

Còn gặp gỡ làm sao?

 

94.Vi trần với vi trần

 Không thâm nhập lẫn nhau

 Vì không có khoảng cách

 Không nhập tức không hiệp

 Không hiệp tức không gặp

 

95. Thực vô lý khi nói

 Hạt này gặp hạt kia

 Ở một phía nào đó

 Nếu hạt không thể phân

 Mà có thể gặp nhau

 Làm ơn chỉ cho xem

 

96. Với ý thức vô hình

 Nói có sự tiếp xúc

 Thì rất là phi lý

 Nếu có sự tụ họp

 Thì cũng là không thật

 

97. Nếu xúc đã không thực

 Cảm thọ từ đâu ra?

 Cần gì nhọc sức đeo đuổi

 Khổ nào hại người nào?

 

98. Đã thấy người không thực

 Thấy cảm thọ không thực

 Thì tại sao tham ái

 Với thọ không tiêu diệt?

 

99. Những gì được thấy chạm xúc

 Không thật có, như huyễn mộng

 Thọ và tâm đồng sinh khởi

 Nên tâm không thể thấy thọ

 

100. Niệm sau liền nhớ lại

 Không thể nghiệm cảm thọ 

 Hiện tiền ngay cùng lúc

 Thọ không thể tự nghiệm

 Kẻ khác cũng không thọ được

 

101. Không thực có người cảm thọ

 Không thực có các cảm thọ

 Làm sao cảm thọ huyễn hóa

 Lại làm hại uẩn vô ngã?

 

102. Tâm ý không ở trong mắt

 Không ở nơi cảnh như sắc  

 Cũng không ở giữa cảnh mắt

 Ý không ở trong hay ngoài

 Nó không có ở đâu cả

 

103. Tâm này không phải thân thể

 Tâm này không khác thân thể

 Không hiệp thân, không ly thân

 Là không thực hữu tuyệt đối

 Nên đã Niết bàn tịch diệt

 

104. Nếu lìa cảnh có thức

 Nếu thức cùng sinh cảnh

 Thì nó đã sinh rồi

 Sao còn đợi duyên cảnh?

 

105. Nếu cảnh sinh, thức mới sinh

 Thức duyên cái gì để sinh?

 Vậy cho nên cần thấy rằng

 Các pháp không thực có sinh

 

106. Nếu các pháp vốn không sinh

 Làm sao có hai sự thật

- Nếu tục đế lập ra, vì chấp hữu,

Hữu tình làm sao đạt Niết bàn?

 

107. Tục đế là phân biệt, phiền não

 Liễu ngộ thấy rõ các pháp

 Không có tự tánh, có Niết bàn

 Nên Niết bàn không phải tục đế

 

108. Vì tâm năng quán, cảnh bị quán

 Phụ thuộc lẫn nhau mà tồn tại

 Nên đối tượng không, thì tâm không

 Nên sự phân tích này vô lý !

 - Đúng, đối tượng không nên tâm không

 Nhưng phân tích này không vô lý

 Tất cả quán sát phân tích đều

 Nương vào nhận thức của thế gian (Tục đế)

Còn trên chân đế, tâm không thực

 

109. Nếu cần tâm để phân tích

 Tánh không kia, tâm nầy cần

 Phải được phân tích bằng tâm khác

 Quá trình này không bao giờ dứt

 

110. Khi đối tượng của phân tích

 Đã được hiểu rõ, xác định

 Là trống rỗng, thì tâm này

 Không nương gì để tồn tại

 Vì không đối tượng, tâm không sinh

 Đây chính là Niết bàn tịch diệt

 

111. Những người mà chủ trương

 Tâm cảnh đều thực có

 Lập trường khó đứng vững

 Nếu cảnh do thức có

 Thức do gì mà có?

 

112. Nếu thức do cảnh mà có,

 Thì cảnh do đâu mà có?

 Tâm cảnh đối đãi tồn tại

 Cả hai đều không thực hữu

 

113. Không có con, không gọi là cha

 Không có cha, con từ đâu sinh?

 Không con cũng không cha gì cả

 Như thế tâm cảnh không thực có

 

114. Cây sinh từ hạt mầm giống

 Ta hiểu thực có hạt giống

 Cũng vậy, thức do cảnh sinh

 Nên ta thực biết có cảnh

 

115. Thấy cây suy ra hạt giống

 Là nhờ tâm thức mà biết

 Nhưng khi tâm biết đối tượng

 Căn cứ gì để biết tâm?

 

116. Thế gian ai cũng thấy rõ

 Mọi sự vật có nguyên nhân

 Như cọng rễ sen đều do

 Nhiều nhân khác sau sinh ra

 

117. Ai làm nhân khác biệt nhau?

- Là do sai biệt nhân trước

Nhưng vì sao nhân sinh quả?

- Do năng lực một nhân trước

 

118. Nếu ông cho Trời Tự Tại

 Là nhân của vạn sự vật

 Vậy Trời Tự Tại là ai?

- Ngài chính là năm đại chủng

- Cần gì phải chấp có tên

Là Tự Tại Thiên như vậy?

 

119. Lại nữa các đại chủng

 Đất nước đều vô thường

 Không có gì linh thiêng

 Bất tịnh, bị dẫm đạp

 Chắc chắn không Trời, Thần

 

120. Không gian vì bất động

 Không thể là Tự Tại Thiên

 Ngã cũng không phải tự tại

 Nói là, không thể nghĩ bàn

 Thì nói tới để làm gì?

 

121. Hãy nói Tự Tại Thiên

 Khởi sinh ra quả gì?

- Ngài tạo ra tự ngã

Bốn đại cùng tương tục

- Không phải đại chủng đã

Là trường cửu hay sao?

Nếu giờ nói được tạo

Thì thành ra mâu thuẫn?

- Thức tâm khởi lên từ

Cảnh đối tượng sở tri.

 

122. Bản chất của thức tâm

 Do nghiệp từ vô thỉ

 Nếu nói nhân không có khởi thủy

 Sao quả (mọi sự vật) lại có bắt đầu?

 

123. Đã là Tự Tại Thiên

 Thì không nương gì khác,

 Sao không thường tạo mọi vật đi?

- Nếu bảo tuy tự tại

Song cũng còn cần duyên

Thì duyên do đâu mà có?

(Khi tất cả đều do thần tạo)

 

124. Nếu nhờ duyên hợp mà sinh

 Thì nguyên nhân là duyên hợp

 Chứ không phải Trời tự tại.

 Nhân duyên tụ hội đủ

 Nhất định sinh ra quả

 Không tụ, không sinh quả

 

125. Mọi sự vật không do ý trời sinh

 Tất do năng lực nhân duyên sinh

 Nếu do ý muốn trời mới thành

 Ý muốn vô thường không tự tại.

 

126. Thắng luận chủ trương vi trần

 Là nhân thường hằng tạo muôn vật

- Thuyết này bị bác bỏ vì

Hạt vi trần không thực hữu

Số luận: có một chủ thể

Trường cửu, nhân tạo mọi vật

 

127. Chủ thể ấy là trạng thái của

 Ba đức quân bình: lạc, ưu, ám,

 Nếu ba đức ấy mất quân bình

 Biến thành chúng sinh, mọi sinh vật

 

128. Một thể có ba tính

 Là điều rất phi lý

 Nên không thể tồn tại

 Ba đức không thực có

 Vì cái gì có phải đủ ba

 

129. Nếu không có đủ ba đức

 Những gì được tạo thành như

 Thanh sắc vĩnh viễn không nghe thấy

 Những vật như y áo

 Cũng không có đủ lạc khổ (v.v..)

 

130. (Số luận): Những vật ấy

 Có đủ bản chất như nhân

 Của chúng là lạc, khổ v.v.

- Không phải đã bàn qua sao?

Theo số luận, nhân các pháp

Có đủ ba đức tính

Nhưng ba đức không sinh

Ra vật như vải, y

 

131. Nếu vải, y là nhân

 Sinh ra lạc, khổ, v.v.

 Là không, thì quả của nó

 Lạc, khổ v.v. cũng không

 Kết luận: tính thường hằng

 Của ba đức hoàn toàn

 Là không thể có được.

 

132. Nếu lạc v.v. là thường hằng,

 Sao không có vui trong lúc khổ,

 Nếu ông bảo lúc ấy vui ….. giảm,

 Một cái đã cho là thường hằng

 Tại sao lại có mạnh có yếu?

 

133. Mọi thứ như lạc, khổ v.v..

 Từ mạnh chuyển ra yếu

 Thì đương nhiên là vô thường

 Sao không thừa nhận ngay rằng

 Tất cả pháp hữu vi là vô thường?

 

134. Trạng thái mạnh yếu của vui

 Không có khác với vui

 (Tướng tánh là không hai)

 Nên hiển nhiên lạc là vô thường

 Ông cho rằng là từ không

 Không thể sinh ra gì cả?

 

135. Tuy ông không nhận quả

 Rõ rệt được sinh ra

 Nhưng lại nhận quả ấy

 Lại ẩn tàng trong nhân !

 Nếu trong nhân có quả

 Thì ăn thực phẩm cũng

 Thành ăn đồ bất tịnh.

 

136. Vậy ông nên mua và

 Mặc những hột bông vải

 Thay vì mua vải mặc

- Ông bảo kẻ ngu chưa khai ngộ

Không thấy điều này (quả trong nhân)

Nhưng những gì Ngài Tổ sư

Số luận thấy chân lý lập ra

 

137. Đáng lẽ thấy nhân nên biết

 Nhưng sao họ không thấy quả trong nhân?

 Nếu cái thấy không đúng lý

 Sự thấy biết không chân thật

 

138. Nếu theo Trung quán thì

 Mọi nhận thức đều sai (phi lượng)

 Thì nhận thức của Trung Quán

 Là Tánh Không, không sai sao?

 Nên sự tu tập Tánh Không

 Đương nhiên cũng là sai !

 

139. Khi chưa thấy rõ sự thật

 Là do hư cấu của vô minh

 Thì không thể xem sự thật

 Ấy là không có

 Nhưng khi nào có thấy

 Các pháp được nhận là vọng,

 Thì ngay ý niệm

 “Không gì thực hữu”

 Cũng giả lập mà thôi

 

140. Khi mộng thấy con chết

 Mà mình không có con

 Thì ý nghĩ có con

 Tất nhiên được chấm dứt

 

141. Khi ta phân tích như vậy

 Sự vật phải có nguyên nhân,

 Nhân duyên không phải riêng rẻ,

 Tụ hội, không có nhân đầu tiên

 

142. Mọi sự vật ngoài nhân duyên

 Không sinh từ cái gì khác

 Không từ đâu, không ở lại

 Các pháp không đi về đâu

 Vì mê mờ ta đã chấp

 Mọi sự vật là thật hữu

 Có khác gì với vật huyễn?

 

143. Những vật hiện do huyễn thuật

 Những vật hiện do nhân duyên

 Phải được quán xét thật kỹ

 Lúc sinh chúng từ đâu đến

 Lúc diệt cuối cùng chúng đi đâu?

 

144. Còn nhân duyên tụ hội

 Thì thấy có các vật

 Hết nhân duyên hết thấy

 Nên mọi sự hư ngụy

 Như bóng hiện trong gương

 Đâu có gì chân thật.

 

145. Nếu các pháp thực hiện hữu

 Thì cần gì tìm nguyên nhân

 Nếu các pháp vốn là không

 Đâu cần tìm nguyên nhân

 

146. Vạn người cũng không thể

 Biến không thành ra có

 Nếu vĩnh viễn là không

 Làm sao biến thành có?

 

147. Vô thời không là hữu,

 Khi nào mới thành hữu?

Khi hữu chưa sinh ra

Nó chưa tách khỏi vô

 

148. Nếu chưa tách khỏi vô

 Tức không có tách ly

 Hữu cũng không thành vô

 Không vừa hữu vừa vô

 

149. Vậy, diệt không thực diệt

 Sinh cũng không thực sinh

 Cho nên chúng sinh tất

 Rốt ráo không sinh diệt

 

150. Khi quán sâu thì thấy

 Chúng sinh chỉ như huyễn

 Như mộng, như bộng chuối

 Niết bàn, không Niết bàn

 Thực ra không khác gì

 Trong không, có gì được

 Có gì để đánh mất?

 Ai là người kính tôi?

 Hay ai phỉ báng tôi?

 

151. Vậy nên trong Tánh Không

 Làm gì có được mất

 Ai cung kính ta ?

 Ai khinh miệt ta ?

 

152. Khổ vui xuất từ đâu?

 Có gì để vui?

 Có gì để buồn?

 Cuối cùng, ai tham ái

 Có gì để tham?

 

153. Xét kỹ trên nhân gian

 Ai sắp lìa đời?

 Ai đã sinh ra?

 Ai sẽ sinh ra?

 Bạn bè người thân

 Thực chất là gì?

 

154. Xin cùng tôi nhận chân

 Vạn sự như hư không

 Tranh nhau tìm hạnh phúc

 Sinh buồn vui tán loạn

 

155. Chỉ chuốc lấy lo khổ

 Tranh cãi, giết hại nhau

 Tạo tội nên bị đọa

 Vào những cảnh khốn cùng

 

156. Có được sinh cõi lành

 Thụ hưởng vui hạnh phúc

 Khi chết lại rơi rớt

 Vào đọa xứ chịu khổ

 Khó nhẫn, thời gian dài

 

157. Ba cõi thật hiểm nguy

 Người không biết chân lý

 Tối hậu chân giải thoát

 Chẳng khác bị cột trói

 Mê ngộ trái ngược nhau

 Khi còn trong sinh tử,

 Ta không thấy chân lý

 Tối hậu giải thoát này

 

158. Ta sẽ tiếp tục mãi

 Những thống khổ khó kham

 Vô biên như biển lớn

 Khổ nhiều, làm thiện yếu,

 Mạng sống lại ngắn ngủi

 

159. Ta đã vì thân mạng

 Chịu nhọc, chịu đói khát

 Thống khổ, quen ăn ngủ,

 Giao du với kẻ ác

 Làm những chuyện vô nghĩa

 

160. Một đời sống vô nghĩa

 Trôi qua thật là nhanh

 Vô cùng khó đạt được

 Tuệ quán về Tánh Không.

 Trong cuộc đời này đây

 Có phương pháp nào dạy

 Trừ tiệt tâm tán loạn?

 

161. Ác ma đang nỗ lực

 Dẫn ta vào cõi ác

 Ngày nay nhiều tà đạo

 Thực khó vượt qua được

 Hoài nghi về Chánh pháp

 

162. Thực khó được thanh nhàn

 Phật ra đời khó gặp

 Dòng sông mê không dễ dứt

 Than ôi, hữu tình khổ thôi

 

163. Thật đáng thương chúng hữu tình

 Đang trôi giạt dòng sông mê

 Tuy thống khổ cùng cực thế

 Chúng thật ngu, không ý thức

 

164. Như có kẻ tu khổ hạnh

 Thường xuyên tắm gội, đốt lửa

 Dù phải khổ cực như thế

 Chúng tự hào, thấy vui sướng

 

165. Có người sống như không

 Bao giờ phải già chết

 Tử thần sẽ đoạt mạng

 Bị đọa vào ác đạo

 Chịu đủ mọi thống khổ

 

166. Bao giờ tôi có thể

 Dập tắt đống lửa khổ

 Bằng trận mưa an lạc

 Trút xuống từ tầng mây

 Công đức tôi tích lũy?

 

167. Bao giờ tôi có thể

 Vận dụng tâm rổng rang

 Để vô ngại khai thị

 Tánh Không cho chúng sinh

 Đau khổ vì chấp hữu?

 

Lời nói đầu và tiểu sử tác giả | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10

 


Vào mạng: 8-8-2005

Trở về mục "Bồ-tát đạo"

Đầu trang