Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
PHÊ BÌNH
KÝ SỰ HÀNH HƯƠNG ĐẤT PHẬT
Thích Nhật Từ

Chương X
Lịch Sử Không Phải Là các Mệnh Đề
Bắt Đầu Bằng "Suy Nghĩ, Suy Đoán hay Quan Điểm . . ."

I. Các Nhầm Lẫn Sơ Đẳng về Thuật Ngữ

Trước khi nói về quan niệm lịch sử "sai lệch" của ông Phan Thiết, xin lược qua các nhầm lẫn sơ đẳng của ông Phan Thiết về các thuật ngữ.

Thứ nhất, trong đạo Phật không có vị Phật nào tên là "Phật Di-đà" (II. 73, d.24) mà chỉ có Phật A-di-đà." Thứ hai, "Trung A-hàm" không phải là "kinh luận" (II. 76, d.2, 25) mà là "bộ kinh." Thứ ba, nói về kinh Paali thì không có kinh Paali nào mang tên là "Trung A-hàm" mà chỉ có "Trung Bộ Kinh." Thứ tư, "Mahàvagga" không có nghĩa là "Luật tạng" (II. 76, d.2, 26) hay "Kinh Phạm Võng" (I.7, d.8), mà chỉ có nghĩa là "Đại Phẩm." Thứ năm, "Cullavagga" có nghĩa là "Tiểu Phẩm" chứ không phải là "Tiểu luật tạng" (II. 83, d.21). Thứ sáu, trong Paali và Sanskrit, Cấp Cô Độc không bao giời viết là "Sudatta Anathepindika" (II. 79, d.23), mà là Anaathapi.n.dika. Thứ bảy, sa-môn trong tiếng Phạn không phải là "scramana" (II.81, d.21) mà là "'srama.na" (P. sama.na). Thứ tám, "Cunda" tiếng Hán Việt phiên âm là "Thuần-đa?uot; chứ không phải là "Thuần-đa" (II. 86, d.20). Thứ chín, "ba-la-di" chỉ có 4 giới khoản, tức 4 giới đầu (mặc dù trật tự có thay đổi) của 5 giới, cho nên câu sau đây là viết sai "trục xuất các tì-kheo phạm ngũ giới" (II. 82-3). Thứ mười, ba-la-đề-xá-ni mà viết thành "ba-la-đề-xá-nị" (II. 83, d.1) là trật. Thứ mười một, "Sekhiya" [S. 'saik.sa dharma] không phải nói về "qui tắc xử thế" mà về "oai nghi tế hạnh" (II. 83, d.2) tức oai nghi và phong cách đi đứng nằm ngồi của một tu sĩ tì-kheo. Số giới khoản theo luật Paali là 227 cho tì-kheo chứ không phải là "226" (II. 83, d.3). Thứ mười hai, ước đoán "Toàn bộ sinh hoạt của các tì-kheo chỉ gồm có giới luật, kinh điển lúc đầu cũng là giới luật" (II. 83, d.4-5) là quá sai lệch. Sinh hoạt của tì-kheo ngoài giới luật còn thiền định, quán chiếu, nghe Phật và các vị thánh tăng giảng kinh, truyền giảng lại những gì mình học được cho quần chúng v.v. . . Kinh điển lúc đầu bao gồm "dhamma" tức toàn bộ triết lý đạo đức của Phật và "vinaya" tức hệ thống luật lệ đạo đức cho người tu sĩ Phật giáo.

II. Lịch Sử Không Phải Là các Mệnh Đề "Tôi Nghĩ" (II. 77-8)

"Tôi nghĩ không phải vì Phật nhận bát cơm sữa của nàng Sujata nên các bạn khác bất mãn mà bỏ Ngài. Cuộc chia tay chắc được Phật và năm vị thảo luận với nhau trước trong một chương trình hoằng pháp tại thủ đô tôn giáo của Ấn Độ tức thành Ba-la-nại. Tại đây, các vị sẽ thành lập và ra mắt tổ chức [sic] sau này gọi là tăng già (sangha) hay giáo đoàn. Có như vậy mới lý giải tại sao Phật biết năm người bạn ở Isipatana và cất công đi bộ tới các vị ấy. Việc trên không phải là ngẫu nhiên mà có sắp đặt trước" (II. 77).

Quả là một lối ngụy biện: nếu có sắp đặt trước, mắc mớ gì Phật phải "rời vị trí tu hành xa đến 200 cây số" thay vì ở chung với nhau mới dễ tính toán và sắp đặt chứ! Kế đến, ông bảo đức Phật chỉ nhắm đến thành phần giàu có và trí thức (II. 77), mà cố quên đi rằng đệ tử của các thành phần khác trong xã hội cũng không thiếu gì, và thậm chí còn nhiều hơn nữa. Đức Phật nhận ba anh em Ca-diếp làm đệ tử mà ông bảo là kết giao (II.77) rồi cũng chính ông thừa nhận "Họ cùng với chúng đệ tử qui y với Phật và nhận Phật làm thủ lãnh" (II.77). Quả là trước sau bất nhất. Cũng với mệnh đề "tôi nghĩ" đó, ông Phan Thiết bảo "Các tân tì-kheo bỗng chốc trở thành A-la-hán" là "chứng ngộ tập thể đáng ngờ" (II. 78, d.2-3). Và ôi thôi còn nhiều kiểu "tôi nghĩ" dị hợm khác nữa.

Điều cần nói ở đây là lịch sử không bao giờ bắt đầu bằng các mệnh đề "tôi nghĩ" hay "chắc." Những điều ông Phan Thiết nghĩ chỉ đúng trong trí tưởng tượng của ông, trong việc tô đen lịch sử, chứ lịch sử thật thì không như vậy.

III. Lịch Sử Không Là các Mệnh Đề Chứa "Đức Tin," "Suy Đoán" và "Quan Điểm"

Với chiêu bài gán ghép đức Phật cậy quyền dựa thế, nhúng tay vào chính trị, để phủ nhận giá trị lịch sử của sự giáo hóa quần chúng của Phật từ tình thương và trí tuệ bao la, ông Phan Thiết viết: "Kinh điển Paali ghi rằng đức Phật đã giáo hóa vua Tần-bà-sa-la bằng Phật pháp. Tôi không tin chuyện đó, kẻ làm vua là quyền lực, an nguy của ngai vàng chứ không phải đạo lý" (II.78) theo kiểu suy bụng (nhỏ nhen) của mình (tham quyền cố vị) ra bụng (cao thượng, vật chất không quan trọng, đạo đức và đời sống tâm linh có giá trị hơn) của người. Ông viết thêm: "Tôi nghi ngờ vấn đề có ẩn dấu chính trị" (II.79), theo kiểu chính trị rẻ tiền của ông. Ông viết bậy bạ: "Ta suy đoán rằng nhà vua lo hậu họa phát xuất do nội bộ tăng già [sic]: Phật Tổ ủng hộ [sic] vua Tần-bà-sa-la, Đề-bà-đạt-đa ủng hộ A-xà-thế. Cuộc cờ có thể trở ngược nên A-xà-thế ra tay trước với cha mình" (II. 79). Nhưng nếu ông Phan Thiết có chút ít kiến thức về lịch sử được ghi nhận trong kinh Paali của Phật giáo và Prakrit của Kỳ-na giáo rằng A-xà-thế đã hối hận việc bất hiếu giết cha và xin làm đệ tử Phật, thì có lẽ ông đã không suy luận vu khống lịch sử như vậy. Vấn đề của ông Phan Thiết là không đọc lịch sử như nó đã la?à chỉ tìm cách phủ nhận nó, vì nó đụng đến lòng ganh tỵ, mặc cảm của ông trước sự kiện Phật được người đời ngay cả các hàng vua chúa tôn kính, trong khi giáo chủ đạo ông không được vua chúa đương thời kính phục mà còn bị án tử trên cây thập giá. Từ đó, mà ông đã không ngần ngại bẻ cong ngòi bút, lộng giả thành chân, bôi đen lịch sử của đức Phật và đạo Phật. Ông Phan Thiết còn xuyên tạc đức Phật: "Câu trả lời có thể suy đoán là sự nhúng tay [sic] của Phật Tổ và tăng chúng vào quốc sự khiến cộng hòa Sakya phải mang họa" (II.80). Hay "Với óc suy luận ta có quyền nghĩ rằng cộng hòa Sakya bị tiêu diệt vì bàn tay của Phật Tổ nhúng vào quốc sự của vương quốc Kosala chứ không phải cái lý do nguồn gốc thấp kém của vua Lưu-Li như kinh luận [sic] đã ghi" (II. 80). Điều này có nghĩa là nếu nhìn sự kiện từ gốc độ lịch sử và từ những sự kiện thật của lịch sử thì nó khác hẳn với những gì ông Phan Thiết đã tưởng tượng. Chỉ cần một câu hỏi vặn nhỏ "nếu Phật nhúng tay, Phật phải là người bị giết chết trước chứ, tại sao Ngài vẫn còn sống giáo hóa đời, để ông bây giờ có cớ bôi bác?

Ông Phan Thiết kết luận trong phần Tìm Chỗ Dựa Quyền Thế: "con đường hoằng pháp của Phật Tổ mở rộng cho đại chúng nhưng lại chỉ tìm sự phát triển nơi quyền thế và ở những đô thị lớn [sic]. Các sự giáo hóa vua chúa chắc mang mầu sắc chính trị [sic] và thường kết thúc bằng bạo lực [sic] trong khi Phật pháp là hòa bình chống bạo động. Những sử liệu trên [sic, sic, sic] kinh luật chỉ nói phớt qua rất ít Phật tử chú tâm và thường không biết đến [ít nhất là cách xuyên tạc của Phan Thiết]. Chỉ có quan điểm lịch sử [sic] bổ túc cho kinh điển mới lý giải được những chuỗi biến cố liên quan đến Phật pháp [sic] được thông tin rất ít trong giáo điển" (II.81).

Ông Phan Thiết nên nhớ các cuộc ám sát lịch sử không bao giờ thành công. Tương tự, quan điểm lịch sử không giải quyết được vấn đề gì, vì sự thật lịch sử không bao giờ đồng nhất với quan điểm, vì lẽ rất đơn giản "có hàng triệu triệu ngàn quan điểm khác nhau về lịch sử nhưng chỉ có một sự kiện thật trong lịch sử thôi, và tiếc thay cho ông Phan Thiết, sự kiện đó không phải là quan điểm của ông trình bày bên trên.

IV. Sinh Hoạt của Tăng-già Tiên Khởi (II.81-5)

Trong phần này cũng có nhiều sai lầm và ngộ nhận, chỉ đưa ra năm điểm chính cũng đủ thấy sự sai lệch của ông.

1. Để phủ nhận tính đặc sắc của đức Phật và cộng đồng sống đời đạo đức của ngài, ông Phan Thiết ghi: "Về giáo pháp thì giáo pháp của Phật Tổ không khác mấy [sic] giáo pháp của các sa-môn: niềm tin căn bản vẫn là luân hồi, nhân quả" (II. 82) và "Tổ chức sa-môn của ‘đạo sư Cồ Đàm’ gọi là tăng già không có gì riêng biệt [sic] của Phật Tổ. Các đạo sư vay mượn lẫn của nhau từ đạo lý đến cách tu học xào xáo [sic] ra một tổ chức khác vẫn dựa trên thiền định và giới luật" (II.82). Phần sai lầm về việc đồng hóa giáo lý của Phật với các sa-môn đương thời, được trình bày ở chương 2, 3 và 4 của tập nhận định này. Ông Phan Thiết, như chính ông đã thừa nhận, chưa hề đọc vào kinh điển Paali (dù chỉ là bản dịch tiếng Anh hay Việt) và kinh điển các tôn giáo đương thời (xem trang 24, tập I) làm sao dám bảo rằng các tôn giáo và triết thuyết này là giống hay là khác. Chúng ta chỉ có thể nói, chẳng hạn ông Phan Thiết khác hay giống với bạn bè và thân nhân của ông như thế nào, khi đã nhìn thấy được mặt mũi của ông và những người đó. Không biết thì không nên suy luận, ức đoán.

2. Ông Phan Thiết viết không thật về đời sống của tăng đoàn tiên khởi của Phật giáo như sau. Về việc ăn uống ông viết: "… ăn một bữa trước khi mặt trời lặn" (II.82) trong khi luật Phật giáo qui định các tỳ-kheo chỉ ăn ngày một bữa trước khi mặt trời đứng bóng. Về chỗ ở, ông Phan Thiết cố tình viết sai "không được ngủ dưới mái nhà, phải dùng màn trời chiếu đất kể cả mùa đông tháng giá, mưa to gió lớn. Chỗ trú ngụ có thể chấp nhận được là hang động tự nhiên hay trong gốc cây. Về mặc: chỉ được mặc giẻ rách, họ thường lượm vải liệm các thây ma đem đi hỏa thiêu." (II.82). Đây là lối sống của các sa-môn khổ hạnh của ngoại đạo mà đức Phật đã từng kinh nghiệm qua và phủ nhận trong kinh Chuyển Pháp Luân,kinh Niết-bàn thuộc Trường Bộ Kinh. Vì không đọc kinh và không biết gì về luật tạng (ngay cả tên gọi), ông Phan Thiết mới viết kiểu như vậy. Thiết nghĩ không cần phân tích.

3. Ông Phan Thiết cho rằng sự có mặt của nữ giới trong giáo đoàn Phật giáo đã phản ánh "Vai trò thấp kém của người nữ trong đạo" (II. 83), để rồi suy luận (cũng lại suy luận lịch sử) "Đạo lan tới Cận Đông ảnh hưởng tới [sic] đạo Do Thái, đạo Thiên Chúa và đạo Hồi về vai trò thấp kém của phụ nữ trong đạo" (II.83). Có thể nói, đạo Phật là đạo đầu tiên trong lịch sử tôn giáo tôn trọng vai trò đạo đức và trí tuệ của người nữ. Hàng trăm người nữ đã trở thành A-la-hán được ghi chép trong Trưởng Lão Ni Kệ.

4. Ông Phan Thiết ngụy biện bằng chiêu bài qui nạp "quơ đũa cả nắm" để bài xích đạo Phật. Ông kể về chuyện một chùa ở Tích Lan có kho chứa ngọc quý (không cần bàn đến tính lịch sử của nó có hay không) rồi chụp mũ các chùa Phật giáo và hơn thế còn đồng hóa chùa bằng đạo Phật: "Đạo Phật biến thiên từ giới cấm thu nhận vàng bạc nay các chùa là cái kho chứa của báu!" (II. 84-5). Ông nói về một chùa rồi kết luận các chùa, rồi định nghĩa các chùa bằng với đạo Phật. Đạo Phật, tức đạo hay lời dạy của Phật Thích-ca không biến thiên, mà chỉ có người thừa hành đạo Phật biến thiên. Đừng lẫn lộn đạo Phật với một số người (khác với tất cả mọi người) thực hành theo đạo Phật.

5. Ông Phan Thiết đưa ra một ngôi chùa ở Tích Lan có chứa ngọc quý rồi chụp mũ toàn bộ các chùa trên đất Ấn Độ, cũng theo cái lối ngụy biện thiếu cơ sở và khoa học. Ông viết: "Nhờ sự ủng hộ Phật pháp của một số vua chúa trong một khoảng thời gian, các tăng lữ [nào?] đã thu góp quá nhiều của cải [gì?] làm thành những tài sản lớn [tài sản gì?] là nguyên nhân chính khiến các vua Hồi ở Ấn Độ về sau giải tán các tu viện để đoạt của [của gì?]" (II.85). Lối ngụy biện bứt râu ông nọ (Tích Lan) cắm cằm bà kia (Ấn Độ) tự nó đã cho thấy thái độ không tôn trọng sự thật của ông Phan Thiết. Tại sao các vua Hồi tiêu diệt đại học Na-lan-đà và các trung tâm văn hóa lớn của Phật giáo? Đơn giản thôi: các trường đại học Phật giáo và các trung tâm văn hóa Phật giáo là những nơi đào tạo nguồn nhân lực Phật giáo và duy trì giáo lý của đức Phật, nền giáo lý không thừa nhận mặc khải, huyền nhiệm và một ông sáng thế, dù dưới bất kỳ tên gọi gì, mà trong đó Allah của Hồi giáo là một. Các vua Hồi giáo đã cho rằng nếu đạo Phật lan rộng trên Ấn Độ, ảnh hưởng hữu thần sẽ mất chỗ đứng trong quần chúng. Chính sách "đốt sách chôn học trò" của Hồi giáo, tiêu diệt các trung tâm giáo dục và văn hóa của Phật giáo để chận đứng hậu hoạn về một sự quật khởi ý thức hệ tôn giáo phủ nhận thần linh của đạo Phật đã khiến cho các vua Hồi tiêu diệt Phật giáo và Kỳ-na giáo, chứ không bạo tay đối với tôn giáo hữu thần khác, chẳng hạn Ấn giáo.

6. Về sự khác nhau giữa tinh xá và tịnh xá. Nói đơn giản thế này: dịch ngữ người Trung Quốc sử dụng cho "Vihara" [Vihaara] là "Tinh xá," với nghĩa "chốn tu hành tinh khiết, tức thanh tịnh." Danh từ "Tịnh xá" là từ của hệ phái Khất Sĩ Việt Nam sử dụng. Họ không dịch nghĩa chữ tịnh xá từ chữ "Vihaara" mà chỉ dùng từ này để ám chỉ cho chốn tu hành thanh tịnh, thay vì dùng từ "tự" (chùa) có nguồn gốc từ Trung Quốc. Không có chuyện đúng và sai trong khi sử dụng "tinh xá" hay "tịnh xá" trong trường hợp này. Sở dĩ ông Phan Thiết chỉ biết chữ tịnh xá ở VN là vì ông chỉ nhìn thấy các chùa của hệ phái khất sĩ. Nếu ông quan sát một số chùa nhỏ của người Tàu ở Chợ Lớn thì chữ tinh xá không phải không có.

V. Tỳ-Kheo Là Cán Bộ hay Kẻ Tu Hành? (II. 85-7)

1. Trong phần này, bằng lối chơi chữ ngụy biện quen thuộc ông Phan Thiết đặt ra vấn đề: "tỳ-kheo là người tu hành hay cán bộ [thành viên tăng đoàn]?" Ông đưa ra hai lý luận dựa trên hai tiền đề mang sẵn kết luận "người tu hành cầu giải thoát" thì "không cần đến xã hội" (II. 85, d.12-3), và nếu người tu hành "vẫn cần đến xã hội để sống và sinh hoạt" thì vị tỳ-kheo đó là ‘cán bộ" (II. 85, 13-4), để phủ nhận cộng đồng tu sĩ Phật giáo là xa rời xã hội. Trong logic học, cách lý luận này được gọi là ngụy biện, bởi vì nó đã chấp nhận một kết luận trong định đề, và do đó nó trở nên "invalid" mà không phải mất thì giờ để tranh luận. Ngoài ra, trong tiền đề của ông Phan Thiết cũng còn chứa sai lầm. Bởi lẽ, từ bản chất cũng như lịch sử đã chứng minh, vị tỳ-kheo thời đức Phật không tách rời khỏi xã hội. Bản thân cộng đồng tu sĩ Phật giáo tự nó đã là một xã hội nhỏ. Không có vị tu hành giải thoát nào trong Phật giáo mà không giúp xã hội. Các vị thường xuyên tiếp xúc với xã hội lớn, cần đến xã hội, để giúp đỡ xã hội về phương diện tinh thần và tâm linh. Một bên cung cấp vật chất (đơn thuần) bên còn lại cung cấp tinh thần và đạo đức (quan trọng hơn). Ông Phan Thiết có thể gọi họ là "cán bộ" cũng chẳng sao, bởi lẽ, cán bộ vốn có nghĩa là "thành phần hay người nồng cốt" của một tổ chức, và ở đây là tổ chức của cộng đồng phát triển đời sống đạo đức và tinh thần của đạo Phật, thường được biết đến qua tên gọi "Tăng đoàn." Trên tinh thần này, cách lập luận "tỳ-kheo là kẻ tu hành chứ không phải là cán bộ của tổ chức tăng già. Tỳ-kheo nhập vào tổ chức vì là những kẻ đồng tu chứ không phải là cán bộ có nhiệm vụ với tổ chức" (II. 85) chỉ là những lời ngụy biện, để kêu gọi sự phân tán của cộng đồng tu sĩ Phật giáo. Tóm lại, là một người tu, vị tỳ-kheo trước nhất và hơn ai hết phải có ý thức và tinh thần xem mình là một thành viên [cán bộ] của cộng đồng tăng đoàn, để cố gắng nâng cao đời sống đạo đức của mình và tập thể. Đương nhiên, vị tỳ-kheo cần phải có trách nhiệm [nhiệm vụ] đối với tổ chức tăng đoàn trong việc giáo dục những kẻ đầy thành kiến, chấp mắc, phá hoại đạo đức.

2. Trong Phật giáo, việc một người phát nguyện sống đời xuất gia thường được gọi là "cắt ái từ thân" nghĩa là "cắt bỏ đời sống hôn nhân, từ giả thân thuộc [để trở thành một tu sĩ]" hay nói gọn hơn là "từ thân," tức từ giả thân quyến. Vì không biết chữ Hán, ông Phan Thiết dùng chữ "ly thân" và định nghĩa xuyên tạc "ly thân ngoài ý nghĩa đối với kẻ ruột thịt còn có ý nghĩa với bản thân tỳ kheo: xả bỏ cái xác này" (II. 28-9). Vì mang sẵn một đầu óc thành kiến và ác cảm với đạo Phật, ông Phan Thiết cố tình viết bậy, giải thích sai, để xúi dục người ta "tự sát" (xả bỏ cái xác này). Thật là quái gở!

3. Các bạn chỉ cần để ý phần in đậm trong câu sau đây sẽ thấy kiểu viết ngụy biện và mâu thuẫn của ông Phan Thiết, nhằm bôi bác đạo Phật: "Các vị tỳ-kheo [Phật giáo] tiên khởi đã sống như các sa-môn (ngoại đạo) hết sức khổ hạnh tuy sau khi Phật Tổ thành đạo đã giảm nỗi khốn cực cho các tì-kheo như các ngài được ăn no ngày một bửa, được trú dưới mái lều vào mùa mưa . . " (II. 86). Làm gì có mặt của các vị tỳ-kheo tiên khởi của Phật giáo trước khi Phật Tổ thành đạo. Các vị tỳ-kheo tiên khởi của Phật giáo là năm anh em Kiều Trần Như: các ngài được gọi là các tỳ-kheo tiên khởi của Phật giáo sau khi nhận đức Phật làm thầy.

4. Bàn về lịch sử mà ông Phan Thiết cứ bị phán đoán bắt đầu bằng giả thuyết bất thật "có lẽ" ám ảnh. Ông viết: "Có lẽ [sic] càng về sau, Phật Tổ càng ý thức việc này nhất là khi tổ chức tăng già bành trướng [sic] Ngài đã thu nhận thêm nhiều đệ tử tại gia tức những người hỗ trợ tăng già" (II. 86). Tiếc thay, lịch sử không bao giờ bắt đầu bằng phán đoán "có lẽ" thay vì "sự thật vẫn là sự thật." Nghĩa là, càng ngày càng nhiều quần chúng từ vua chúa đến bình dân, già trẻ, nam nữ đã từ bỏ đạo Bà-la-môn, tình nguyện trở thành đệ tử của đức Phật Thích-ca. Đây là sự kiện lịch sử không thể bóp méo được. Tương tự, lịch sử cũng không bắt đầu bằng phán đoán "rất có thể . . . "Rất có thể Ngài đã dùng lý tưởng phúc đức chiêu dụ những đại vương, nhà giầu (trưởng giả) và nữ giới vốn bản tính mộ đạo, ủng hộ và giúp đỡ tăng già" (II. 87). Nắn ra một lịch sử với giả định "rất có thể" chỉ là cách bôi nhọ lịch sử, bằng giả thuyết chống lại sự thật mà thôi.

5. Ông Phan Thiết chê trách "cách sinh sống của tì-kheo vẫn tiềm ẩn nghĩa hủy diệt" chỉ vì lý do đơn giản là thức ăn của tu sĩ "tùy thuộc vào việc khất thực và lòng hảo tâm của quần chúng" (II.86). Chủ nghĩa hoài nghi ngụy biện này đã dẫn ông đến một kết luận theo dạng quơ đũa cả nắm: "Cách sinh sống hủy diệt của các vị khiến ta nghi vấn về trí tuệ của cả thời đại Phật Tổ" (I.86). Trước nhất xin hỏi ông "hủy diệt" theo nghĩa nào: (i) hủy diệt cái vô minh, (ii) hủy diệt thái độ hoài nghi đạo đức của quần chúng, (iii) hủy diệt bản thân? Hủy diệt theo trường hợp thứ ba hoàn toàn vô căn cứ, vì không có bằng chứng lịch sử nào về việc chết do "che thân bằng giẻ rách và vải liệm thây ma" trong thời đại Phật. Còn nếu hủy diệt theo hai trường hợp đầu thì việc biến vài sự kiện cá thể để chụp mũ cho một thời đại thì quả là ngụy biện và do đó không thể chấp nhận được.

6. Ông Phan Thiết thắc mắc tại sao người làm lành mà vẫn bị chịu bất hạnh và đau khổ, chẳng hạn như hai vị vua Tần-bà-sa-la và Ba-tư-nặc. Rồi vì không thích người làm phúc, ông kết tội người hiền lương bằng luận điệu ngụy biện "làm phúc phải tội" (II. 87). Như vậy, ông muốn gì: muốn cho mọi người trong xã hội giết nhau, cướp của nhau, tàn hại nhau, bỏn xẻn, keo kiệt, chết ai nấy chịu sao? Làm phúc nếu không thể hưởng được phúc trong hiện tại thì nó cũng không thể tạo nên tội được, mà dám bảo là "mang tội." Không tin vào nhân quả đạo đức là quyền của ông, (cũng như nhóm lục sư ngoại đạo đã từng), ông cũng không nên vì thế, ít nhất vì lý do lương tâm, mà vũ đoán rằng việc bất hạnh trong đời là kết quả của làm phúc được. Ông có dám bảo rằng Mahatma Gandhi bị ám sát là do chủ trương "bất bạo động" (tạm hiểu như một kiểu làm phúc của ông)? Là một người có học thức và từng làm thẩm phán, tại sao ông không khuyến khích mọi người làm lành, lánh dữ cho đời bớt đau thương, lại xúi người làm ác, bằng những ngụy biện "làm phúc phải tội?"

7. Là một tu sĩ, việc giảng dạy (dù ông có muốn chơi chữ theo lối ngụy biện phản lại đạo đức như vừa nêu, khi dùng từ cán bộ để chỉ cho tu sĩ Phật giáo) đạo đức và đời sống tinh thần cho quần chúng là việc làm không thể tách rời với đời sống của một người tu sĩ Phật giáo, dù là thời đại nào. Sự vào đời (nhập thế) vừa là tông chỉ vừa là sức sống của người tu sĩ Phật giáo. Sự biến thiên về thời gian, lịch sử, bối cảnh không gian, và hoàn cảnh xã hội trong thời Phật và thời hiện tại dẫn đến sự khác nhau về đời sống tu sĩ Phật giáo trong hai thời là điều tất yếu không thể tránh khỏi. Ở đây ông Phan Thiết vô cùng mâu thuẫn: tu sĩ sống nhờ vào quần chúng ông cho là "hủy diệt" [sic] còn sống "tự giác, giác tha, cứu độ chúng sanh bằng Phật pháp trong các tu viện lớn" ông cho là "cán bộ của tổ chức" (theo nghĩa châm biếm). Ông bạn Phan Thiết, không biết ông có còn nhớ không, ngày ông mới lọt lòng mẹ, ông ở trần truồng (như bao nhiêu người khác mới lọt lòng mẹ), không có một tấm áo che thân, máu mủ dính đầy thân, răng không một chiếc, chỉ vỏn vẹn vài ký lô. Bây giờ ông khác hẳn: ông có cả răng tóc, cao hơn một thước, có cả nhà cửa, tài sản, v.v. . . Theo lập luận ngụy biện của ông, ông nên nhờ các khoa học gia nén cho thân ông nhỏ lại còn hai ba tấc, nhẹ khoảng hai ba ký lô, nhổ bỏ hết răng, cạo sạch hết lông tóc, đốt rụi nhà cửa, tiền bạc, tài sản, bởi vì lúc ông mới sinh ra ông đâu có những thứ này? Nếu ông cho rằng đó là điều ngớ ngẫn, không thể chấp nhận vì ông theo dòng thời gian và hoàn cảnh xã hội khoa học hiện đại, ông bây giờ không thể giống với ông lúc mới lọt lòng, thì ông cũng không nên đặt vấn đề theo kiểu ngụy biện chống đối Phật giáo rằng tại sao cộng đồng tu sĩ Phật giáo hiện tại phải giống hoàn toàn với lúc nó mới ra đời ở Ấn Độ, cách nay trên 25 thế kỷ!

VI. Vì Sao Phật Tổ và Tăng Chúng Tiên Khởi Có Lắm Kẻ Thù?

Ông Phan Thiết đưa ra ba nguyên nhân (II.87-90), trong đó, tôi đồng ý vế thứ nhất của nguyên nhân thứ hai, đó là "Phật Tổ đề xướng đạo lý nhân bản và vì đạo lý ấy chư thần Ấn Độ đều bị hạ bệ. Ngài không nhục mạ chư thần nhưng Ngài bài xích việc cầu cúng, lễ bái, tế thần làm mất mối lợi của các tế sư, các tăng lữ ngoại đạo sống nhờ vào đạo của họ, đương nhiên là họ ghét Ngài" (II. 88). Vế thứ hai, ông viết sai, "Đệ tử của Phật không có cái phong thái triết nhân như bậc đạo sư. Họ viết kinh luận cho chư thần Ấn Độ đóng vai quân hầu của Phật . . ." (II. 88). Bởi lẽ tăng chúng tiên khởi của Phật làm gì có viết kinh, ngay cả Phật còn không có viết sách mà!

Về nguyên nhân thứ nhất, ông Phan Thiết viết tương tự với điểm thứ 6 vừa được phân tích ở phần trên (sách, tập II. 87). Ông Phan Thiết tưởng tượng (nghĩa là khác với lịch sử) do vì Phật ủng hộ hai đại vương Ba-tư-nặc và Tần-bà-sa-la nên đã "va chạm quyền lợi" đến hai hoàng tử, nên hoàng tử này đã giết chết cha ruột của mình để cướp ngôi (II.87-8). Lập luận ngụy biện của ông Phan Thiết không logic. Bởi vì, nếu Phật là đối tượng va chạm quyền lợi của hai hoàng tử thì Phật phải là người bị hai hoàng tử này giết chết trước, chứ không phải hai vị vua cha của họ! Việc ám sát Phật thật là dễ dàng đối với các hoàng tử nếu Ngài là đối tượng tranh chấp quyền lợi của họ. Phật chỉ ở núi rừng không có thành trì và lính gát bảo vệ, như hai vị hoàng đế kia. Ngài cũng không có vũ khí hay bất kỳ phương tiện tự vệ nào. Ngài đã không bị hai vị hoàng tử đó ám sát, mà trái lại, chính A-xà-thế không lâu sau khi giết cha mình đã phải ăn năn hối hận tội ác này và bày tỏ sám-hối với Phật kia mà.

Về nguyên nhân thứ ba, ông Phan Thiết cho rằng "sự xuất gia làm tuyệt nòi giống người ta [sic]. Chưa kể những phụ nữ đương hưởng hạnh phúc chồng con vì mê đạo giải thoát, bỏ vợ bỏ con đầu Phật làm tì-kheo khiến các sương phụ [nào?] oán Phật và tăng già" (II. 88). Sự xuất gia của một người nam chỉ có thể làm tuyệt giống sanh con của người nam đó. Tương tự, sự xuất gia của một người nữ chỉ có thể làm tuyệt nguồn sanh con của người nữ này. Làm gì có chuyện tuyệt giống con người, dù cho cả toàn dân Ấn Độ lúc đó theo Phật xuất gia hết: khả năng xảy ra lớn nhất chỉ có thể là Ấn Độ tuyệt chủng thôi, chứ không phải giống người hay loài người, như ông Phan Thiết lý luận.

Ngoài các sai lầm phát xuất từ lòng tị hiềm và muốn xuyên tạc đạo Phật như đã được chứng minh ở trên, ở phần "Thăm dấu vết hoằng hóa của đức Phật" (II.90-3) có hai điểm viết xuyên tạc và biếm nhẻ đạo Phật. Thứ nhất, ông Phan Thiết bảo luật tạng Phật giáo ghi rằng (chưa đọc kinh điển Phật giáo làm sao biết) bác sĩ Jivaka "đã cố vấn cho đức Phật không nhận những người tật bệnh, già lão vào hàng tì-kheo để được chữa bệnh miễn phí! Chẳng rõ đức Phật có nghe ông không nhưng luật tạng có điều khoản này [luật tạng nào, điều khoản nào?]" (II. 92). Chẳng những thế, ông còn biếm nhẻ vị bác sĩ tốt bụng Jivaka đã khuyên đức Phật làm như vậy chỉ vì tiền: "Đốc-tơ thời nào cũng thế [sic], tiền là trên hết" (II.92). Đã bảo việc chẩn bệnh phát thuốc của bác sĩ Jivaka hoàn toàn miễn phí thì lấy lý do gì để vu cáo Jivaka là vì tiền? Đành rằng có thể có một số bác sĩ làm nghề này vì lợi nhuận tiền bạc hơn là vì lương tâm y sĩ, nhưng không thể vì đó mà cho rằng toàn bộ bác sĩ ở mọi nơi mọi thời đều giống nhau, như cách lý luận nhuốm màu vu khống của ông Phan Thiết. Thế cũng đủ biết lối ngụy biện của ông Phan Thiết trong việc chống lại các hành vi nhân từ, thương người giúp đời bằng cách cho rằng người làm lành chỉ vì mục tiêu tiền bạc. Thứ hai, trong đầu ông Phan Thiết chỉ còn đọng lại một quan niệm và một lối sống duy nhất là mọi thứ trên đời này chỉ có tình dục là trên hết (xem Tình Kinh của ông) nên nhìn tháp Phật mà cứ tưởng như đang ngắm nhìn cái dương vật của thần Siva: "Không rõ các kẻ xây tháp để kính Phật hay thần, nhưng nhìn ngọn tháp ta [Phan Thiết] liên tưởng đến cái linga [dương vật] biểu tượng của thần Siva" (II.92). .


Lời giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 |

 


Cập nhật: 27-4-2000

Trở về thư mục "Điểm sách"

Đầu trang