Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
PHÊ BÌNH
KÝ SỰ HÀNH HƯƠNG ĐẤT PHẬT
Thích Nhật Từ

Chương VII
Chánh Đạo, Lạc Đạo và Tà Đạo

I. Về Phần Chánh Đạo

Trong phần dẫn nhập của phần Chánh đạo (I. 147-153), ông Phan Thiết đã có đến nhiều điểm xuyên tạc, phịa đặt và lý giải bậy bạ về Phật giáo. Sau đây là vài chứng minh.

1. Ngay trang đầu tiên của chương 6, ông Phan Thiết trích một đoạn diễn ý song thất lục bát, trong quyển "32 Bài Sám Hay" do thượng tọa Thiện Tâm, Phật học đường Chánh Giác xuất bản vào năm 1970, rồi cũng với cái thói gán ghép để chụp mũ, ông bảo "Đoạn kinh trên [sic] trích từ Kinh A-di-đà do Phật "Thích-ca" tán thán Phật A-di-đà và cõi cực lạc của Ngài tại thành Xá-Vệ, cội cây Kỳ-đà trong vườn của trưởng giả Cấp-cô-độc theo như mở đầu [sic] của kinh ấy ghi" (I. 147). Tôi lật trang 170, phần chú thích về xuất xứ của đoạn thơ được trích dẫn, thì chỉ thấy ông ghi vỏn vẹn "Trích một đoạn kinh A-di-đà" mà không hề ghi đoạn đó trích từ đâu! Thực ra đoạn đó không phải là nguyên văn của kinh A-di-đà mà chỉ là đoạn diễn ý, nhằm ca ngợi về thế giới và đức Phật A-di-đà. Nguyên văn của đoạn đó như sau:

Như Lai ứng cơ duyên thuyết pháp
Muốn mở đàng Cực-lạc độ sanh
Mới bảo Xá Lợi lời rằng:
Từ đây thẳng tới một lằn Tây phương
Khỏi Phật quốc từ mười muôn ức cõi
Có bửu thành nước gọi Lạc-bang
Này Xá Lợi bên đàng Cực Lạc
Có câu lơn bảy lớp trang nghiêm
Bẩy trùng la võng huy hoàng
Bẩy hàng bửu thọ như tràng hoa giăng
Cây vòi vọi từng từng chốn [chớn] chở
Đường giăng giăng sáng rở bửu châu
Giáp vòng trong nước đâu đâu
Đều là bốn [bảy] báu xen [sen] màu mà nên

 

Ai đã một lần đọc qua kinh A-di-đà có lẽ không khó khăn gì để phát hiện ra đoạn thơ này nhạy lại vài ý trong kinh A-di-đà, chứ không phải là "trang mở đầu của kinh A-di-đà," như ông Phan Thiết đã nhầm lẫn hay cố tình viết sai.

2. Ông Phan Thiết định nghĩa "đạo vô ngã nghĩa là phải hủy bỏ cái tôi của ta đi" (I. 151-2). Đạo Phật nào có dạy như ông đã viết bậy bạ như vậy. Trong phần nói về nguyên nhân của đau khổ, đức Phật đã nêu ra ba nguyên nhân quan trọng đó là tham ái, vô minh và chấp trước. Tham ái gồm có ba loại:

a. tình dục ái tức tham ái các khoái lạc thuộc giác quan, (kaama-ta"nhaa, the craving for sense-pleasures).

b. hiện hữu ái tức tham ái hiện hữu hay trở thành (bhava-ta"nhaa, the craving for becoming).

c. diệt hiện hữu ái tức tham ái sự kết liễu sự sống (vibhava-ta"nhaa, the craving for annihilation)

[S. V. 421; KS. V. 357; D II. 308; DB II. 339: Yaaya"m ta.nhaa ponobhavika nandi-raaga-sahagataa tatra tatraabhinandini, seyyathidam kaamata.nhaa bhavata.nhaavibhavata.nhaa. Xem thêm, A. III. 445; S. I. 39; Sn. 4; Dhp. 216; Vbh. 365].

Theo định nghĩa này, hủy bỏ cái tôi thuộc về tham ái sự kết liễu sự sống. Ông Phan Thiết đã phịa ra một định nghĩa như vậy để ông có cớ để kết luận: "Người ta cầu đạo là mong cho cái tôi thoát khỏi phiền não, bây giờ đạo lý dậy phải bỏ cả cái tôi đi thì còn gì nữa mà cầu đạo! Vòng lẫn quẩn không có đáp số ở chung cuộc" (I. 152). Ông Phan Thiết đã giải thích trái ngược với kinh điển Phật giáo, trong khi lời dạy của đức Phật có ý nghĩa vô cùng cao thượng:

(i) tinh thần không chấp vào kinh điển, không chấp công cán cứu đời của Phật (trong 49 năm, ta chưa từng nói một lời nào).

(ii) tinh thần lý trí thể nghiệm, xóa bỏ đức tin mù quáng (không nên tin vào truyền thống, kinh điển Bà-la-môn truyền lại), và

(iii) tinh thần tự lực nhân bản (hãy tự đốt đuốc lên mà đi).

3. Bất chấp đến tính tôn trọng sự thật của người cầm bút, ông Phan Thiết đã định nghĩa "trung đạo" theo một kiểu xa lạoàn toàn với kinh điển Phật giáo: "Vô vàn lối giải thích kinh điển: có lối theo không bộ, lối theo hữu bộ, lối theo duy thức, lối theo duy tâm rồi dung hợp thành lối theo "trung đạo"" (I. 152). Ông còn tự tiện đồng hóa "Trung đạo" với "Trung bộ" (I. 157, d.20; 159, d.1-2)

4. Ông Phan Thiết còn gán ghép một điều mà không có kinh điển Phật giáo nào viết, rằng các cõi trời là cõi cực lạc. Ông tự dựng lên như sau: "các cõi Thiên (Deva) từ dục giới, sắc giới đến vô sắc giới cũng là những cõi tịnh độ của các thiên thần trên núi Tu Di hay miền Hư Không" (I. 148).

5. Theo ông Phan Thiết một trong các điều kiện để vào được cõi cực lạc là "cúng dường" (I. 148) hay "chiêu cảm do cầu cúng … mà vào cực lạc" (I. 151). Không biết ông đã dựa vào kinh điển nào mà dám nói như vậy. Kinh điển Phật giáo nào bảo phải cúng dường, chiêu cảm do cúng dường, để sanh vào cực lạc của Phật A-di-đà?

II. Phần Lạc Đạo (I. 153-62)

Ông Phan Thiết đẻ ra một từ hoàn toàn xa lạ với Phật học "tri kiến thành Phật" (I. 153, d.16), thay vì "kiến tánh thành Phật." Ông cố tình viết sai như vậy để chụp mũ: "Khởi đi từ trí tuệ, "đức tin" qui phạm tiên thiên không được biết tới, chỉ còn đức tin chủ quan" (I. 153) để phủ nhận đức tin lý trí hay đức tin trên nền tảng trí tuệ của đạo Phật, một thứ đức tin duy nhất trong lịch sử các tôn giáo.

? dòng 20 của trang 154, ông Phan Thiết cho Đại chúng bộ, Tiểu thừa và Đại thừa là ba tông khác nhau, nhưng ở ba hàng tiếp theo đó, ông lại cho đại chúng bộ thuộc vừa tiểu thừa vừa đại thừa: "Phải nói rằng phái đại chúng trong Tiểu Thừa (Kinh A-hàm và luận A-tì-đạt-ma) và đại chúng trong Đại Thừa (các kinh luận của Đại thừa)" (I. 154, d.21-3). Nếu để ý vào phần chua trong ngoặc đơn của ông Phan Thiết, bạn sẽ thấy ông Phan Thiết còn cho rằng chữ "tiểu thừa" đồng nghĩa với "kinh A-hàm và luận A-tì-đạt-ma; tương tự, chữ "đại thừa" đồng nghĩa với "kinh luận của đại thừa." Quả là nhầm lẫn.

Ông chụp mũ rằng các nhà Phật học Nguyên thủy "triển khai được đạo lý nhờ vào thần học Bà-la-môn" (I. 154, d.1-2) hay "các nhà viết kinh Phật đã sao chép bộ thần thoại Purana xây dựng một vũ trụ quan đạo Phật" (I. 155, d.10-11) mà không hề trích ra được một bằng chứng nào trong thần học Bà-la-môn và thần thoại Puraa.na cả! Bất chấp đến tính thực tế, ông Phan Thiết còn vu cáo "Phái Đại chúng không quan tâm tới nền tảng đạo lý cũng không cần biết đến giới luật" mà không dẫn chứng ra một trường hợp nào trong lịch sử cho thấy như vậy.

Để phủ nhận giáo lý bình đẳng của đạo Phật, ông Phan Thiết xấc láo bảo "Các Phật và Bồ-tát ấy có đẳng cấp khác nhau, chia nhau ‘hùng cứ’ mỗi miền gọi là quốc độ. Các cấp độ khác nhau về sự tiến triển đạo đức (bhuumi) mà ông gán cho là "đẳng cấp khác nhau" để bóp méo sự kiện các Bồ-tát hóa độ ở những nơi khác nhau là "hùng cứ mỗi miền." Từ lập cước sai lầm này, ông cố ý phủ nhận đặc điểm bình đẳng trong Phật giáo: "Đạo lý nhà Phật mang tính cách phe đảng, [sic] phảng phất lòng tham [sic]. Trong rất nhiều kinh ‘Phật’ [kinh nào?] hành giả nào cúng dường chư Phật nhiều [sic] liền được Phật Tổ ký qủa Phật!" (I. 156).

Rồi ông còn lý giải sai lệch rằng việc các Bồ-tát chuyển hóa (độ) con người từ thấp lên cao, từ khổ thành an vui là trái với luật nghiệp báo: "Giáo lý này [vừa độ mình vừa độ kẻ khác] đã không kể tới yếu tính của nghiệp: sự độ làm sụp đổ nghiệp báo" (I. 155). Ta sẽ dễ dàng thấy được sự ngụy biện của ông trong việc phủ nhận hành động chuyển hóa chúng sanh mang tính vị tha của các vị Bồ-tát, khi ta so sánh với cách nói ngụy biện sau đây "thầy giáo nào vừa học hỏi nhiều thêm, vừa giảng dạy những gì mình đã biết" là "không biết đến tính cách hành vi của học sinh, và do vậy sẽ làm sụp đổ hành vi của học sinh đó!" Sai lầm cơ bản của ông Phan Thiết ở đây là đồng hóa "hành vi chuyển hóa" (độ) chúng sanh của bồ-tát v?i sự "chuộc tội" của Ky-tô giáo , nên mới ngụy biện sai như vậy.

Ông Phan Thiết đồng hóa Phật với những lời do Phật dạy, làm một. Ông bảo "Phật là Pháp hay đảo ngược lại Pháp là Phật" (I. 157, d.5). Tai hại hơn, ông còn gán ghép "đây là chủ trương của phái Nguyên Thủy đã phân tích ở trên" (I. 157, d.5-6).

Vì mang định hướng bóp méo giáo lý Phật, ông Phan Thiết đã đẻ ra nhiều câu không có trong kinh Phật rồi gán cho kinh Phật "Trong nhiều kinh Phật [nào?] có lời nầy: "Tất cả các pháp đều là thế gian," hay câu "tất cả thế gian là Phật pháp," để từ đó ông phê bình Phật giáo. Việc làm này giống như kẻ đánh bài một mình, tự gian lận để thắng, rồi tuyên bố rằng ta là người thắng cuộc! Vì say mê những cuộc chơi như vậy nên ông Phan Thiết đã viết lên những điều rất mâu thuẫn. Ở trang 151, ông viết "Thế giới nhìn nhận Tứ Đế là đạo lý của Thích-ca không sai khác. Đó là những sự nhìn nhận công nhiên." Rồi sang 156, ông lại nhận định ngược lại: "Thuyết sắc không được xem là tinh hoa đạo lý của Phật tổ." Không biết ông Phan Thiết suy nghĩ gì khi chủ trương hai quan niệm trái ngược nhau? Hay ông cố biện hộ rằng trong bát chánh đạo cũng bao hàm luôn sắc không, hay hai từ này đồng nghĩa với nhau.

 

Về hữu bộ và không bộ (I.157-8): Người viết không muốn phân tích những nhận định sai lạc của ông Phan Thiết ở phần này, bởi vì ông đồng hóa các nhận xét của Kimura Taiken về các tông Phật giáo với bản chất của các tông phái đó, rồi tiến hành phê bình thì vừa thiếu tính cách học đường và thiếu hẳn cơ sở. Không đáng để bận tâm phân tích. Việc làm này cũng giống như việc viên thẩm phán bỏ tù anh A chỉ vì ông thẩm phán cho rằng những gì ông nghe người khác nói (sai lạc hay vu khống) về việc anh A đã giết người chính là hành vi giết người của anh A ấy!

Về trung đạo mà ông Phan Thiết gọi nhầm là trung bộ: Cũng vậy, ông Phan Thiết sử dụng lối ngụy biện trên để chụp mũ con đường trung đạo trong Phật giáo. Ông trích dẫn lời giải thích của Nguyễn Duy Cần về trung đạo, thay vì những lời đức Phật dạy về trung đạo, rồi quy kết rằng trung đạo sẽ dẫn tới các hệ quả: (i) "không có niết-bàn là cảnh giới giải thoát luân hồi" (I. 159, d.13), "niết-bàn thuộc sanh lão bệnh tử (I. 159, d. 17-8), (ii) "phá hủy toàn bộ quan niệm chân thiện mỹ . . . giết người và cứu người như nhau" (I. 159, d.19-22). Ông còn bảo đó là "hình ảnh của nữ thần Kali trong cổ tích Ấn Độ: Tay cầm kiếm cắt thủ cấp người, đít giao hợp cầu sinh người" (ibid), (iii) "chẳng làm gì có chân lý tuyệt đối" (I. 159, d.24), (iv) "không có qui phạm bảo cái nào là giới luật, cái kia là phạm giới" " (I. 159, d.28), (v) "giống thuyết trung dung của Khổng Tử có giá trị hạn chế. Nếu áp dụng vào thực tế chắc có vấn đề nghiêm trọng" (I. 160, d.6-8). Nghĩa là thay vì quy kết lối giải thích của Nguyễn Duy Cần sẽ dẫn tới các hệ quả như vậy, ông Phan Thiết chụp mũ cho "trung đạo" của Phật Thích-ca dạy thì chẳng có ăn nhập gì cả. Trên thực tế bát chánh đạo như con đường trung đạo đã, còn và sẽ mang lại các giá trị ngược lại.

Ở trang 161-2, ông Phan Thiết vận dụng lối kể truyện đời xưa trong khi nhận định học giả Suzuki. Ông bảo "có sách nói": sách đó là sách nào, ai xuất bản, xuất bản năm nào, trang mấy? Ông còn bảo rằng từ "Bồ-tát Ma-ha-tát" là từ của Cao Đài Tiên Ông, trong khi người Phật tử Trung Quốc và VN đã sử dụng từ này mấy chục thế kỷ trước đạo Cao Đài ra đời ở VN! Như vậy ông Phan Thiết có phải là một nhà nghiên cứu hơn hẳn nhiều tiến sĩ mà ông đã hãnh diện tự xưng không (I. 23)

Về bản dịch "Các Tông Phái của Đạo Phật" của Thầy Tuệ Sỹ, ông Phan Thiết đã vu khống cho thầy Tuệ Sỹ rất nhiều thứ. Thứ nhất, không biết bản in lại của Phật Học Viện Quốc Tế (PHVQT) năm 1987 có đề chữ "phỏng dịch" hay không, chứ ấn bản của Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh (TTDHVH) năm 1973 ghi là "bản dịch" Tuệ Sỹ ở trang bìa rõ ràng. Kế đến ở trang 4, tức trang trước lời tựa, bản TTDHVH có ghi rõ bản nguyên tác là "The Essentals of Buddhism [Buddhist] Philosophy" với các chi tiết như sau: first edition: 1947, University of Hawaii, Honolulu; second edition: 1949, Office Appliance, Co., Ltd. Honolulu; và third edition: 1956, Office Appliance, Co., Ltd. Honolulu. Nếu bản PHVQT có in "Lời tựa cho bản Việt ngữ" của Thầy Tuệ Sỹ thì người viết có thể khẳng định rằng ông Phan Thiết chưa đọc qua lời tựa này! Trong phần lời tựa, trang VIII, dòng 4-7 có ghi rõ tại sao dịch giả đổi tựa đề và bố cục của nguyên tác:

Tôi mạo muội lấy tựa đề mới. Đổi tựa đề như vậy đã làm xáo trộn chủ đích của tác phẩm một phần nào đó; nên tôi đổi luôn cả cách bố trí tác phẩm.

Thầy Tuệ Sỹ làm như vậy, là vì:

"nguyên tựa đề của sách, đáng lẽ phải nói: Tinh hoa của triết học Phật giáo. Vì đó là chủ đích của tác giả. Như tôi đã tự biện minh gián tiếp ở trên, căn bản của tác phẩm này là trình bày các tông phái của đạo Phật, và các chương viết về các tông phái đó là phần trọng yếu" (TTDHVH, I. VII).

 

Nếu ông Phan Thiết đọc được những dòng trên thì có lẽ ông đã không nghi vấn như "Bản tiếng Việt, dịch giả bảo rằng phỏng dịch với cái tên lạ hoắc so với nguyên tác" (I. 161). Có lẽ quen cái tánh vu khống, ông Phan Thiết vu oan cho thầy Tuệ Sĩ đã thêm đọan văn sau đây vào trong bản dịch:

Đức Thế-tôn có thể tái xuất trong thế gian này khi ngài thấy cần cứu độ hết thảy mọi loài như đức Thích-ca Mâu-ni lịch sử đã từng thực hiện. Do đó, theo quan điểm duy tâm, Phật không tồn tại trong thế giới của sống và chết vì ngài không bị chi phối bởi nhân quả. Tuy nhiên cùng lúc ngài không an trụ nơi Niết bàn, vì ngài là người chịu đựng khổ đau của kẻ khác.

 

Ông Phan Thiết kết tội oan ức và khinh khi thầy Tuệ Sĩ học chưa tới nơi tới chốn: "ngài tiến sĩ muốn biến Thích-ca thành Juses nhưng sở học của ngài chưa tới nên bức tranh ghép của ngài hụt hẫng, rỗng tuếch" (I. 162). Thực ra, thầy Tuệ Sĩ nào có thêm vào đọan ấy đâu. Thầy Tuệ Sĩ dịch rất sát với bản nguyên tác. Đoạn nguyên tác như sau:

The Blessed One may reappear in this world when he feels the necessity of saving all beings as the historical 'Saakyamuni did. Therefore, the Budda, according the idealistic view, doesn not live in the world of life and death as he is not bound by causation. However, at the same time he does not rest at ease in Nivaa.na because he is the sufferer of others’ suffering" (p. 53-4).

 

Dịch sát văn ý nguyên tác của Janjiroo Takakusu như thầy Tuệ Sĩ lại bị ông Phan Thiết vu khống là "thêm thắt." Đoạn trích trên trình bày ý kiến của Tác giả Janjiroo Takakusu về đức Phật lại bị ông Phan Thiết gán tội cho thầy Tuệ Sĩ. Thế cũng đủ biết sở học của ai "chưa tới nơi, hụt hẫng, rỗng tuếch"?

Trong sách của ông Phan Thiết, quý bạn đọc sẽ thấy hàng loạt cách chụp mũ tương tự như vậy. Xin nêu một thí dụ điển hình ở trang 162. Ông kết tội Peter Harvey "lập lờ đánh lận dân ngu" (d.19) và làm "thứ râu ông nọ cắm cằm bà kia" (d.21) chỉ vì tác giả này dùng từ "holy" của tiếng Anh để dịch từ "ariya" của tiếng Paali, vốn có nghĩa là thánh, thánh thiện, cao thượng, trong các cụm từ "The Four Holy Truths, Holy Eightfold path" v.v… Rồi ông Phan Thiết viết bát nháo "hóa ra người phương Tây hiểu đạo Phật qua đạo Thiên Chúa" [sic].

Thuật ngữ "ariya" của Paali và "aarya" của tiếng Sanskrit có trước Jesus ra đời đến mấy thế kỷ. Kế đến, Jesus hoàn toàn không biết tiếng Anh. Việc các nhà thần học sử dụng tiếng Anh để diễn đạt về thần học Ky-tô giáo không có nghĩa là tiếng Anh là sở hữu tư tưởng của họ, và cấm không ai được sử dụng ngôn ngữ này, để diễn tả tư tưởng của họ! Về lịch sử, khái niệm "thánh" (ariya // aarya) trong văn học Phật giáo cũng như trong ngôn ngữ Trung Quốc chắc hẳn không thể "vay mượn" từ Ky-tô giáo.

III. Về Phần Tà Đạo

Trong phần nầy, ông Phan Thiết cũng dùng cái chiêu ngụy biện ngôn ngữ để vu khống các nhân vật Phật giáo, bênh vực cho chế độ kỳ thị tôn giáo của nhà cầm quyền Ky-tô giáo họ Ngô, hay nói đúng hơn của chính quyền Ky-tô giáo ác độc và tội lỗi trong những năm cầm quyền ở VN.

Để cho người đọc hiểu sai lệch bản chất đạo đức và trí tuệ của đạo Phật, ông Phan Thiết cho rằng đ?o Phật là đạo ba phải bằng lối ngụy biện chữ nghĩa kém cỏi: "Y như thuyết trung đạo [?] thì đạo Phật không chánh không tà" (I. 163, d.6). Dụng ý thứ hai trong câu trên còn nhằm bóp méo con đường trung đạo của Phật giáo như con đường không chánh không tà. Cũng bằng cái lối chơi chữ kém đạo đức này, để diễn đạt ý "trong đạo Phật không có tiêu chí xác định tà đạo" ông Phan Thiết ghi "Trong đạo Phật cũng không có vấn đề tà đạo" (I. 163, d.7). Nhưng sau đó, ông cố tình tự mâu thuẫn với câu nhận xét trên, đưa ra tiêu chí xác định chánh và tà trong đạo Phật. Để nói lên ý "đạo Phật có tiêu chí phân định hẳn hoi đâu là tà vạy" ông giả vờ viết sai văn phạm "như vậy trong đạo Phật cũng có tà đạo" (I. 163, d.20-21) để chụp mũ đạo Phật là tà đạo.

Tương tự, thay vì nói "theo tiêu chí đánh giá đạo đức của Phật giáo, sát sanh, nói dối và ngã mạn là các hành vi tà vạy" ông Phan Thiết nói "giới sát," tức điều răn không giết chóc, là tà đạo. Theo ông, các nguyên tắc đạo đức không sát sanh, không nói láo v.v… chẳng những không có lợi ích cho bản thân và xã hội mà còn xấu xa nữa. Ngay cả mười giới (nguyên tắc đạo đức) căn bản của Phật giáo, ông Phan Thiết còn không hề biết. Ông bảo tội ngã mạn "nằm trong thập giới" [sic] (I. 164, d.27). Ông kết tội đức Dalai Lama phạm tội sát sanh vì đã tán thưởng luật "trợ tử" (Euthanasia) của bắc Úc vừa mới ban hành (I. 164). Ông kết tội mà không có một bằng chứng nào cả.

Ông Phan Thiết hổn hào chửi Hòa thượng Nhất Hạnh là "bất lương bẻ cong lịch sử, ăn gian nói dối" (I. 166, d.2); kết tội Hòa thượng Trí Quang như "ác tăng, quỉ tăng thi hành quỉ kế cho tà đạo" (I. 167, d.29) hay "tên phù thủy thi hành tà đạo" (I. 168, d.9) chỉ vì hai vị Hòa thượng dám nói lên sự thật rằng chính quyền Ky-tô giáo họ Ngô đã cấm người Phật tử làm lễ Phật đản trong năm 1963. Ông Phan Thiết "nhân danh là người xuất thân từ trường luật [?], áp dụng và thi hành luật pháp của Việt Nam Cộng Hòa" (I. 166) để phủ nhận chuyện vi phạm tự do tôn giáo của chính quyền Ky-tô giáo tại VN. Như bạn đọc đã thấy trong các dẫn chứng ở các phần trên, ông Phan Thiết luôn là người nói láo, viết bậy, ngụy biện, vu khống, bôi nhọ, bóp méo sự thật. Thiết nghĩ, chừng đó thôi cũng đủ cho thấy làm sao một bạn đọc nghiêm túc có thể tin vào "đạo đức của người cầm bút" của ông Phan Thiết được!


Lời giới thiệu| 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 |

 


Cập nhật: 27-4-2000

Trở về thư mục "Điểm sách"

Đầu trang